Thursday, March 19, 2015

THƠ CỔ BA TƯ - JAMI



Tên đầy đủ là Nuriđin Abđurakhman Jami, sinh ngày bảy tháng mười hai 1414, ở thành phố Jam, từ đây ông lấy bút danh Jami. Ông là một trong những nhà thơ lớn của Ba Tư cổ đại, từng hoc ở Samarkand và rất say mê khoa học. Sau đó ông dành trọn cuộc đời mình cho khoa học và thơ, nhiều lần khước từ lời mời vào cung làm quan. Ông đặc biệt được ưa chuộng trong tầng lớp thị dân nghèo và trí thức đương thời, là bạn thân, học trò của nhà thơ Navôi vĩ đại. Jami mất ở Herat ngày 9 tháng mười hai năm 1492, để lại hơn một trăm tác phẩm lớn về khoa học và thi ca.

                   
                   THƠ LẺ

* * *
Mời các bạn vào kho thơ Jami.
Vâng, hình như không thiếu một thứ gì.

Thích thì đọc, mỗi người theo một ý
                   Toàn điều hay, không có điều nhảm nhí.


* * *
Thằng đê tiện vẫn suốt đời đê tiện,
Cả khi ngồi trên ngai vàng, cung điện.

Như ếch nhái dù cố nhảy lên cao,
Thì cuối cùng vẫn rơi xuống bờ ao.


* * *
Kẻ bất tài suốt đời vẫn bất tài.
Đừng cố dạy làm gì thêm mệt,

Như xưa nay ta vẫn thấy - không ai
Chăm, tưới nước cho bụi cây đã chết.


* * *
Hãy nhìn kia, các quan lớn xứ này
Đang cắn nhau như thú dữ đêm ngày.

Chúng vờ tốt bề ngoài, nhưng thực chất
Luôn gầm ghè từng miếng mồi nhỏ nhất.


* * *
Vua đừng quên dân chúng của nước ngài
Là kho báu. Còn các quan không ai

Không tranh thủ bới đào kho báu ấy.
Vua là vua, sao đang tâm để vậy?


* * *
Tôi xin có lời này khuyên bạn trẻ:
Đừng vì lợi mà khen quân tồi tệ.

Cái lợi kia sẽ nhanh chóng bốc hơi,
Còn tiếng xấu thì ở lại suốt đời.


* * *
Này thằng ngốc, đừng khoe bố thông minh.
Đừng làm bẩn mái tóc bạc bố mình.

Cành đã mục thì đừng mong xanh lại,
Dù cây mẹ xum xuê, đầy hoa trái.


* * *
Đừng làm bạn với người dốt hơn mình.
Hãy tìm cách ở gần người thông minh.

Nhưng cũng nhớ đừng chóng làm họ chán -
Họ cũng tìm người thông minh làm bạn.


* * *
Tôi thất vọng, không thấy người tử tế.
Cả ban ngày, cả trong mơ cũng thế.

Tôi thấy nắng là vào nhà, than ôi,
Không vì nắng, mà vì sợ bóng tôi.


* * *
Có nhiều người muốn bay cao, thật cao,
Không lượng sức, không biết mình thế nào.

Đời trần tục vâng thì buồn, thì khổ,
Nhưng vẫn có cái gì hay trong đó.


* * *
Anh cầu đức Alla, vì em làm anh đau.
Anh gào thét, kêu la, vì em làm anh đau.
Anh quằn quại ngày đêm, đến xé quần, xé áo.
Giờ anh thành bóng ma, vì em làm anh đau.


* * *
Anh yêu em, như chim sa vào bẫy,
Vào chiếc lồng tình yêu em, ở đấy
Em trói anh bằng những sợi tơ tình.
Thế mà anh thích ở trong lồng ấy.


* * *
“Để ta yên! - tôi bảo trái tim tôi. -
Đường còn xa, ta đã mệt lắm rồi.
Hãy cứng rắn với người con gái ấy,
Người ta yêu mà lừa ta, than ôi!”


* * *
Anh nâng cốc uống một mình, thiếu em.
Uống cả rượu, cả nỗi đau, say mèm.
Em ra đi, làm đời anh cay đắng
Và chuỗi ngày anh sống biến thành đêm.


* * *
Mùa xuân đến, khi trời xanh, bao la,
Cả thiên nhiên đang sống lại, hiền hòa,
Tôi lặng lẽ thăm mộ nàng, hy vọng
Nàng hiện về dưới dạng một nhành hoa.


* * *
Mở mắt, anh thấy em.
Nhắm mắt - cũng thấy em.
Cả khi mơ, khi tỉnh
Lúc nào cũng thấy em.


* * *
Dùng móng tay cào thủng đá hoa cương,
Dùng hàm răng ngoạm song sắt trên tường.

Lao xuống vực thăm thẳm sâu đầy đá,
Hay ngâm mình dưới đáy hồ băng giá.

Chất hàng hóa của trăm con lạc đà
Lên lưng mình để đi xa, thật xa...

Những việc trên tôi sẵn sàng làm hết
Hơn cúi đầu trước bọn người đáng ghét.



CHUYỆN HAI CON ĐẠI BÀNG

Có một con đại bàng con lần nọ
Nói với con đại bàng già, bố nó:

“Không hiểu sao ta phải ở nơi này,
Nơi khô cằn, buồn tẻ, đá và mây.

Chắc tốt hơn, nếu ta đi đâu đấy,
Đi thật xa, tới hoàng cung lộng lẫy,

Sống bên vua, đậu trên cánh tay ngài.
Luôn no đủ và không còn sợ ai...”

Chim bố nghe, liền chau mày đáp lại:
“Con còn trẻ, chưa biết điều phải trái.

Là đại bàng, được sinh ra ở đây,
Giữa khô cằn, buồn tẻ đá và mây,

Nhưng là nhà, và là nơi tốt nhất,
Nơi tự do và bầu trời xanh ngắt.

Ta ở đây, thà ăn xác lạc đà,
Chịu gió mưa trên sa mạc bao la,

Hơn khoe mẽ trên tay vua nhơ bẩn,
Và ngửi mùi chiếc nhẫn vàng của hắn!



CHUYỆN VỢ CHỒNG ÔNG CHỦ VÀ CÂN THỊT

Một ông nọ mang về cân thịt cáo,
Đưa cho vợ nấu bữa trưa, và bảo:

“Đúng một cân, thịt còn mới và tươi.
Bà luộc lên, thừa ăn cho hai người”.

Bà kia luộc, thấy ngon ăn hết cả,
Khi chồng hỏi liền kêu lên: “Tiếc quá,

Tôi luộc chín, định đưa lên mời ông,
Nhưng con mèo đến tha mất, láo không!”

Ông kia nghe, bắt mèo cân - khá nhẹ.
Trước nó nặng thế nào, giờ vẫn thế.

Ông bực lắm, giơ hai tay lên cao
Rồi bảo vợ: “Tôi chẳng hiểu thế nào.

Con mèo nặng đúng một cân, như thịt.
Bà nói dối, hay coi tôi con nít?

Sao lại thế, bà hãy nói tôi xem,
Ăn thịt xong mà mèo chẳng nặng thêm.

Hay cân thịt biến thành mèo, hay ngược lại?
Tôi chẳng hiểu. Hay bà ăn? Đừng cãi!



LẠC ĐÀ VÀ CÁO

Già, ốm yếu, con lạc đà lần nọ
Ra uống nước bên một dòng suối nhỏ,

Như cái bóng vật vờ, trông thật thương,
Lông rụng hết, chỉ còn da bọc xương,

Đến mức quạ cứ bay theo, còn sói
Không thèm bắt, dẫu nhiều ngày nhịn đói.

Chỉ con cáo thấy thê, bảo lạc đà:
"Anh, con tàu của sa mạc gần xa,

Từng khỏe đẹp, từng cao sang nhường ấy,
Nông nỗi nào khiến anh tiều tụy vậy?

Anh không nỡ dẫm lên kiến xưa nay.
Ai dẫm anh như dẫm kiến thế này?"

Lạc đà đáp: "Cái số tôi phận bạc,
Gặp ông chủ vừa tham vừa độc ác.

Hắn bắt tôi thồ muối nặng, mỗi lần
Tôi đi chậm là hắn đánh vào chân,

Đánh túi bụi, làm đau không chịu nổi.
Nhất là khi các vết thương thấm muối.

Tôi kêu trời mà trời cứ làm ngơ,
Vậy hỏi tôi biết kêu ai bây giờ?"

Cáo nghe xong, tỏ lòng thương, liền nói:
"Đúng đời anh khổ trăm bề, thật tội.

Nhưng đừng buồn, tôi có kế rất hay
Để giúp anh thoát khỏi cảnh buồn này.

Anh biết đấy, có một dòng suối nhỏ
Từ cảng muối, trên đường về thành phố.

Vậy ngày mai, khi qua suối, bất ngờ
Anh nằm xuống cùng bao muối đang thồ.

Muối gặp nước sẽ tan ngay, vì thế
Hàng từ nặng mà trở thành rất nhẹ."

Lạc đà nghe cáo nói, bụng mừng thầm,
Nghĩ lần này sẽ có cách chơi khăm.

Nhưng ông chủ hôm sau, qua ánh mắt
Thầm đoán hiểu mọi mưu mô, sự thật,

Nên thay vì các bao muối, ông ta
Đem bông xốp chất lên lưng lạc đà.

Còn lạc đà, vốn xưa nay ngu muội,
Như cáo dặn, vội vàng nằm xuống suối.

Thế là bị một phen nặng gấp đôi.
Kể ra đấy là bài học không tồi.



CHUYỆN CON CHIM KHÔN NGOAN
        VÀ CON CÁ NGỐC NGHẾCH

Ở Ôman, xưa có con chim nọ
Sống bằng nghề bắt cá ăn, và nó

Rất tinh thông, điêu luyện với nghề này,
Khiến các loài tôm cá sợ xưa nay.

Thế mà muốn hay không, tuổi tác
Cũng làm nó già đi và đổi khác.

Rồi một hôm, sức kiệt hẳn, mắt mờ,
Nó chỉ biết ngồi một chỗ hàng giờ

Nghe sóng biển, nhìn cá đùa trên nước,
Muốn tới bắt mà không sao tới được.

Và đúng khi sắp chết đói, bất ngờ
Có chú cá từ xa bơi vào bờ.

Nó lên tiếng trêu con chim khốn khổ,
Vì biết chim không làm gì được nó:

"Này lão chim, sao ngồi buồn như vậy?
Sao chậm chạp và yếu già mức ấy?

Lão ngày xưa nổi tiếng lắm cơ mà.
Hay bây giờ không còn muốn bắt ta?"

Con chim đáp: "Vâng, quả tình đúng thế.
Anh thấy đấy, ta đã không còn trẻ,

Lại ốm đau, nhưng thanh thản lúc này.
Ta hối hận về việc làm xưa nay.

Ta xấu hổ vì trót ăn thịt cá.
Nay ta chỉ ăn lá cây, hoa quả.

Giờ thực tình ta muốn bạn với anh
Để chuộc lại chút lỗi lầm của mình.

Nào đừng sợ, lại đây, anh bạn nhỏ.
Mà nếu sợ thì kia kìa, sợi cỏ,

Đem lại đây trói mỏ lại, và anh
Sẽ tự do tâm sự chuyện đời mình."

Con cá nhỏ thơ ngây nghe, tưởng thật
Ngậm sợi cỏ lại gần, trong nháy mắt

Bị con chim nuốt vào bụng bất ngờ,
Cứ như nó chưa tồn tại bao giờ.



               CHUYỆN IBN SINA CHỮA BỆNH
               CHO NGƯỜI TÂM THẦN

Vào cái thời Ibn Sina còn sống
Và danh tiếng đang vang xa, lan rộng,

Có một người, giàu, trẻ, lắm người thân
Nhưng không may mắc chứng bệnh tâm thần.

Không đau yếu, nhưng anh ta một mực
Luôn miệng nói: "Tôi là con bó đực.

Hãy nhìn đây, tôi to lớn, béo tròn,
Đem lên hầm, chắc chắn sẽ rất ngon.

Hãy nhanh chóng đưa tôi đi giết thịt.
Gọi đồ tể tới đây, tôi muốn chết!"

Và cứ thế, suốt đêm ngày anh ta
Bắt chước bò, luôn miệng rống vang nhà,

Không uống thuốc, không chịu ăn, thức trắng
Nên bệnh nặng lại càng ngày thêm nặng.

Các thầy thuốc đành nhìn nhau bó tay:
Phải nhờ đến Ibn Sina lần này!

Ibn Sina nghe kể xong, liền dặn:
"Hãy về nói với bệnh nhân: Chắc chắn

Sáng ngày mai đồ tể sẽ đến nhà
Và thế nào cũng làm thịt anh ta".

Người bị bệnh, nghe tin mình bị giết
Thì vui mừng không để đâu cho hết.

Sáng hôm sau Sina đến, và ông
Liền hỏi to khi mới bước vào phòng:

"Bò đực đâu?" "Đây, tôi là bò đực! -
Người bệnh đáp. - Giết tôi ngay lập tức!"

Ông dùng dây trói thật chặt anh ta,
Bắt vươn cổ, nằm ngay giữa sàn nhà,

Rồi luôn tay mài dao, ông lặng lẽ
Sờ và ngắm như một anh đồ tể.

Bỗng ông nói: "Con bò này quá gầy,
Nên phải chờ, không thể giết hôm nay.

Phải cho ăn thật nhiều và thật bổ
Mới đủ béo để cho vào lò mổ."

Ông sai người cởi dây trói bệnh nhân
Rồi ra lệnh mang vào nhiều thức ăn.

Thật kỳ lạ là anh ta ăn hết,
Ăn cả thuốc lẫn vào mà không biết.

Chẳng bao lâu anh ta khỏe, béo to,
Và không còn nghĩ mình là con bò.



CHUYỆN ANH CHÀNG CÓ BỘ QUẦN ÁO ĐẸP

Có chàng trai con nhà giàu, chủ nhật
Diện bộ cánh tự cho là đẹp nhất,

Thăm một người nổi tiếng giỏi chiêm tinh,
Một ông già tóc bạc, rất thông minh.

Ông già nghĩ: "Một con công sặc sỡ!
Chắc con quan, và đến không vô cớ."

Ông chào khách, kê gối cao mời ngồi.
Khách cảm ơn rất đúng lễ, và rồi,

Để chứng tỏ không chỉ quần áo đẹp,
Mà anh ta cũng biết điều, lễ phép,

Một hồi lâu anh ta nói, cố tình
Nói những điều rất thâm thúy, thông minh.

Nhưng khốn nỗi, ý và từ lẫn lộn,
Thành một chuỗi các âm thanh hổ lốn.

Rồi cuối cùng, khách ngồi im. Chủ nhà
Rất thân tình, đã khuyên bảo anh ta:

"Phải công nhận là áo quần anh đẹp,
Và có lẽ anh là người lễ phép.

Nhưng khả năng ăn nói quả rất tồi.
Trong đầu anh toàn xám xịt, theo tôi,

Hoặc là anh lo tu thân học hỏi
Cho đầu óc đỡ bớt phần tăm tối.

Không thì thay bộ áo đẹp này đi,
Nó không che được cái dốt, ích gì?"



CHUYỆN QUAN TÒA SUÝT BỊ CẮT TAI

Có một người rất thông minh, học rộng,
Nhưng luôn nghèo, gia tài không, túi rỗng

Nên cuối cùng phải bỏ ra nước ngoài,
Và ở đấy, cũng vì do có tài,

Ông được vua mời vào cung, sau đó,
Giao trọng trách làm quan tòa thành phố.

Là quan tòa, ông xử rất công minh.
Chính vì thế mà chuốc vạ vào mình.

Người ghen tị, người chỉ do nhàn rỗi,
Họ vu khống cho quan tòa đủ tội.

Vua tức giận, sai lính phá nhà ông,
Tiền và vàng đem nhập quĩ, sung công.

Quan tể tướng ghé tai vua nói nhỏ.
Vua ra lệnh cắt tai ông cho chó!

Rất hãi hùng, con người ấy không may,
Nghe lệnh vua, đã đáp lại thế này:

"Vua là người yêu công bằng, sự thật,
Vậy để yên đôi tai, không được cắt.

Chúng một phần xương thịt mẹ sinh ra,
Có rất lâu trước khi làm quan tòa.

Nếu tôi sai, cứ lấy đi tất cả
Cái tôi có khi sang hầu bệ hạ.

Xin bệ hạ làm quan tòa công minh
Mà đừng lấy cái không phải của mình!"

Vua nghe thế, khẽ mỉm cười, nguôi giận,
Rồi tha ông, với đôi tai lành lặn.



CHUYỆN ANH NÔNG DÂN THẬT THÀ
VÀ CON LỪA QUÈ

Ở làng nọ có một anh nhà quê,
Sống chất phác với một con lừa què.

Con lừa ấy yếu gầy, trông thật tội,
                   Lại già, xấu, đứng còn không đứng nổi.

Số phận nó, quả đúng thật bất công,
Luôn bị đánh, không ngày nào là không.

Nên rỗi việc là nằm yên một chỗ,
Nó than trách cuộc đời mình khốn khổ.

Anh nhà quê cũng chán nó, một hôm
Quyết định đem con lừa xấu, gầy nhom

Ra chợ bán, được vài đồng cũng đỡ.
Theo cái lệ có xưa nay ở chợ,

Anh ta nhờ ông lái bán giùm cho.
Và ông này, ngay lập tức nói to:

"Nào lại đây mua ngay không chậm trễ,
Một con lừa thông minh, nhanh và khỏe.

Không phải lừa, có thể nói không ngoa,
Khỏe như ngựa, hay cùng lắm, như la.

Nó mà phóng, còn nhanh hơn tên bắn.
Nào lại mua, kẻo không rồi hối hận!"

Khách đứng quanh chỉ nhìn nhau phì cười,
Thế mà anh nhà quê, thật dở người,

Thật thà tin những gì ông kia nói,
Không hề biết phường buôn chuyên nói dối.

"Không, không bán, con lừa này của tôi.
Nó quả đúng là con vật không tồi.

Nó tốt giống, rất chăm làm, mạnh khỏe.
Chính tôi cần một con lừa như thế!"

Rồi vội vàng, rất hăng hái, anh ta
Dắt con vật khốn khổ kia về nhà.



CHUYỆN VUA PARVIS VÀ CON CÁ KỲ LẠ

Vua Parvis cùng hoàng hậu Shirin
Đang ngồi chơi thì có người báo tin:

Một ông chài bắt được con cá lạ,
Muốn dâng vua như món quà biển cả.

Vâng, quả nó là con cá khác thường:
Da màu hồng, vẩy lấp lánh kim cương.

Trong bụng cá - chùm trứng to óng ánh,
Những quả trứng bằng vàng ròng lấp lánh!

Vua xem xong rất thích, vỗ vào tay.
Ông quan già coi ngân khố ra ngay.

Vua ra lệnh thưởng cho người đánh cá
Nghìn đồng bạc còn mới nguyên, sáng lóa.

Nghìn đồng bạc! Nhưng Shirin nghe xong
Liền lặng lẽ nói nhỏ sát tai chồng:

"Quả hào phóng không ai bằng bệ hạ,
Nhưng nghìn đồng thì thiếp e nhiều quá.

Vì từ nay, bệ hạ thưởng cho ai,
Họ cũng cho là ít, sẽ kêu nài,

Rằng bệ hạ không còn yêu mến họ,
Trước nghìn đồng cho một con cá nhỏ,

Còn nay thì..." "Giờ thiếp bảo làm sao? -
Vua gãi tai. - Biết lấy lại cách nào?"

"Thì cứ hỏi ông già kia khờ dại:
Đây cá đực hay là con cá cái?

Lão nói gì, bệ hạ cũng đáp ngay
Rằng rất tiếc, không thể ăn cá này.

Vậy hãy mang con cá đi nơi khác,
Và trả lại cho ta nghìn đồng bạc."

Ông đánh cá được gọi vào. Ông ta
Không khờ dại, mà nhanh trí đoán ra

Rằng vua trót thưởng nhiều tiền, vì thế
Muốn đòi lại, cố gây điều khó dễ.

"Tâu bệ hạ, con cá này của con,
Như ngài thấy, không dài, cũng không tròn.

Đực hay cái? Con phải thưa rằng nó
Là giống trung, tức nửa này nửa nọ."

Vua nghe xong, khoái trí cười, và rồi
Tăng tiền thưởng cho ông già gấp đôi!

Ông lão kia nhận thêm tiền, vội vã
Định bỏ đi, nhưng cũng do vội quá

Mà từ túi, một đồng xu rơi ra,
Đồng xu nhỏ nằm ngay chính giữa nhà.

Ông nhặt lên, cho vào bao cẩn thận.
Shirin quát: "Một lão già keo bẩn!

Hai nghìn đồng tiền thưởng ít hay sao,
Còn tham lam vơ vét cả đồng hào?

Tâu bệ hạ, cái tội này lếu láo
Cần phải trị. Lấy lại tiền của lão!"

Nghe lời vợ, vua liền trách ông già.
Ông cúi đầu cung kính đáp: "Thực ra

Con nhặt nó không phải vì keo kiệt.
Trên đồng xu có hình vua, con biết,

Nên tất nhiên con không muốn cho ai
Được hỗn láo dẫm chân lên hình ngài."

Vua nghe thế, liền cười to vui sướng
Và ra lệnh tăng gấp ba tiền thưởng.



CHUYỆN VUA ISKANĐAR TỚI THÀNH PHỐ
NHỮNG NGƯỜI ĐẠO ĐỨC TRONG SẠCH

Iskanđar Đại đế 1) tự chính mình
Luôn dẫn đầu cả đoàn quân viễn chinh

Đi chinh phục đất đai toàn thế giới
Và nhân thể tìm cái hay, cái mới.

Như vũ bảo, quân ngài đi đến đâu,
Là ở đấy phải khuất phục, cúi đầu.

Một lần kia, khi chiếm xong thành phố,
Ngài tò mò, rất ngạc nhiên về nó.

Thành phố này, thật kỳ lạ, khắp nơi
Đều sạch đẹp, đều no ấm mọi người.

Công việc họ rất nhẹ nhàng, thú vị,
Theo sở thích và nghỉ ngơi tùy ý.

Kỳ lạ hơn, ở thành phố lạ này
Không người giàu, cũng không có ăn mày,

Không lừa đảo, không giết người, cướp bóc.
Cửa không khóa, không ai nghe tiếng khóc.

Còn xã hội thì bình đẳng, người ta
Sống hòa thuận như anh em một nhà.

Không khái niệm quan hay dân, thậm chí
Không cả vua, thật là điều thú vị.

Bao đời nay thành phố sống yên bình,
Chưa một lần từng biết đến chiến tranh.

Kỳ lạ nữa, trước mỗi nhà đều có
Một nhà mộ, thường trống không và nhỏ.

"Sao lại thế? - đức vua hỏi, tò mò. -
Còn đang sống mà đã xây nhà mồ?"

Người ta đáp: "Để nhắc cho người sống
Rằng đời ngắn, nên phải lo lao động

Để sống sao cho có ích với đời,
Để xứng đáng với tên gọi con người."

Vua lại hỏi: "Ta thấy đây không có
Vua, triều đình và các quan văn võ.

Vậy lấy ai cai trị nước? Người nào
Thu sưu thuế? Lúc tai biến thì sao?"

Đáp: "Ở đây mọi người luôn tự giác
Lo việc chung, không ai làm việc ác.

Việc của nước là việc của toàn dân,
Cần gì vua? Quan lại càng không cần."

"Ta không thấy cả người giàu, danh giá.
Sao lại thế? Quả điều này rất lạ."

"Không khó hiểu, thưa vua, dân nước này
Sống ôn hòa và giản dị xưa nay.

Giàu làm gì? Giàu với ai? Thử hỏi,
Vàng mang lại cái gì ngoài tội lỗi?"

Thấy và nghe những điều trên lạ kỳ,
Vua suy ngẫm, rồi cho quân rút đi,

Để nguyên vẹn cả dân và thành phố,
Không thay đổi một chút gì trong đó.

1). Tức vua Alexandre xứ Macedonia thời Hy Lạp cổ đại, Ông sinh năm 356 và mất năm 323 trước CN. Trong thơ cổ Ba Tư, ông là hình tượng của vị vua anh minh, dũng cảm và công bằng.



CHUYỆN VỀ SÔCRAT

Sôcrat 1), triết gia xưa vĩ đại.
Mong tư tưởng của ông luôn sống mãi.

Ông trong sạch suốt từ đầu đến chân,
Cả vinh quang lẫn tiền bạc không cần.

Như cây cỏ, rất tự nhiên, giản dị,
Ông chỉ sống với những điều mình nghĩ.

Gia tài ông - vẻn vẹn chiếc chum to,
Sứt trên miệng, đáy đôi chỗ bị rò.

Không đựng nước, nên không hề quan trọng,
Nó là nhà, nơi nhiều năm ông sống.

Đêm ông chui vào ngủ, mặt trời lên
Lại chui ra, ngồi sưởi nắng kề bên,

Một mình ông, lim dim trên bãi cỏ,
Người trần truồng, vì áo quần không có.

Bỗng một hôm, vua đi ngang, thấy ông,
Trong tư thế đang sưởi nắng, tồng ngồng.

Vua xuống ngựa, cúi đầu chào rất thấp:
"Thưa hiền triết, đã lâu không được gặp.

Ông, một người được kính trọng xưa nay,
Sao né tránh, sao ẩn dật thế này?

Sao lâu lắm không vào cung đàm đạo?
Mà sao ông trần truồng, không quần áo?"

Sôcrat đáp: "Vua xem, ta già rồi,
Mặc áo quần chỉ thêm nặng mà thôi.

Vì với ta, riêng tuổi đời đã nặng.
Giờ hạnh phúc là được ngồi sưởi nắng."

"Ngươi có thể xin bất cứ điều gi.
Ta sẽ cho, đừng e ngại, nói đi!"

Sôcrat không ngẩng đầu, nói nhỏ:
"Cảm ơn vua đã thương tình chiếu cố.

Vậy tôi xin, chỉ một điều, ít thôi:
Ngài tránh ra, đừng che nắng của tôi!"

Vua nghe thế, né sang bên, lặng lẽ
Cởi chiếc áo trên người ngài đẹp đẽ

Khoác lên lưng nhà hiền triết. Ông này
Vua đi khỏi, liền treo nó lên cây,

Và tiếp tục lại trần truồng sưởi nắng,
Một mình ông bên chiếc chum, im lặng.

                               *
Trong hàng chục học trò của ông,
Sôcrat yêu thương nhất Platông 2),

Người được thầy dành thời gian, nhẫn nại
Dạy, và thành một triết gia vĩ đại.

Ông thường nói: "Tâm hồn con bao la,
Hãy cởi trói để bay cao, bay xa,

Để thoát khỏi cuộc đời này ngu muội,
Để bóng nó không làm con tăm tối.

Nếu chúng ta không độc ác, lòng lành,
Thế giới này đã không có chiến tranh.

Đời trần tục biết bao nhiêu cạm bẫy,
Sáu loại người hãy tránh xa, nhớ lấy:

Loại thứ nhất là những người nhỏ nhen,
Ai hơn mình, không hơn mình, cũng ghen.

Họ hậm hực đến mất ăn, mất ngủ,
Luôn lồng lộn, gầm ghè như con thú.

Loại thứ hai là những kẻ có quyền,
Là cái chúng sử dụng để kiếm tiền.

Quyền biến chúng thành những tên độc ác,
Thành vô ơn, vô tình và bội bạc.

Đáng ghét nhất chính là loại người này.
Chúng gây nhiều, nhiều đau khổ xưa nay.

Loại thứ ba là ham mê quá độ
Để có được cái gì mình chưa có.

Họ tham lam, ích kỷ, chỉ biết mình,
Mà không hề để ý đến xung quanh.

Loại thứ tư là những người keo kiệt.
Những người sợ tiêu tiền hơn sợ chết.

Suốt đời mình, họ khổ sở, lo âu
Họ rất nghèo, dù thực ra rất giàu.

Loại thứ năm là những người đê tiện,
Lo nịnh bợ, âm mưu nhằm thăng tiến.

Đối với họ, được thăng quan hơn người,
Là nghĩa sống, là mục đích cả đời.

Còn ngu dốt là loại người thứ sáu.
Loại người này không hẳn toàn người xấu.

Vì ngu dốt, không hiểu người, hiểu mình,
Nên họ làm nhiều việc xấu, đáng khinh.

     2).  Platông, triết gia cổ Hy Lạp, sinh năm 428, mất năm 347 trước CN, người              có ảnh hưởng rất lớn đến triết hoc phương Tây sau này.



CHUYỆN NGƯỜI THỢ GIẶT VÀ CON BỒ NÔNG

Ở Bátđa có một chàng trai nọ
Sống bằng nghề giặt thuê, nghèo khổ.

Ngày lại ngày, ra giặt ở bờ sông,
Anh thường thấy có con chim bồ nông

Đang dò dẫm mò cua hay bắt tép.
Cổ và chân cao kều, trông chẳng đẹp.

Vốn khiêm tốn, hơi ngu đần, cô đơn,
Dường như nó cũng không mong gì hơn,

Ngoài việc lội trên bãi lầy ngập nước,
Ních đầy bụng những gì may kiếm được.

Thế mà rồi, một hôm không hiểu sao,
Ăn no nê, chợt hứng, ngước lên cao,

Nó nhìn thấy con đại bàng to lớn
Dang rộng cánh, giữa trời xanh bay lượn.

Là chúa tể các loài chim, đại bàng
Có phong thái giống hệt một ông hoàng.

Ngoài vô số những điều hay ho khác,
Nó luôn chừa thức ăn cho kẻ khác.

(Vâng, người tốt, người cao quí bao giờ
Cũng chừa lại chút thức ăn dư thừa

Cho những kẻ yếu hơn mình, bé nhỏ!)
Con bồ nông đứng nhìn, đầy ngưỡng mộ,

Cái cổ dài càng dài thêm, đôi chân
Dướn lên cao trong tư thế bần thần:

"Mình thức sự còn to hơn, có lẽ
Còn đẹp hơn cả đại bàng oai vệ.

Vậy mà mình, thật xấu hổ, xưa nay
Chỉ ăn toàn ếch nhái lẫn bùn dây.

Tại sao mình không bắt chim ăn thịt,
Ăn và chừa cho đàn em một ít?

Được, từ nay mình sẽ giống đại bàng,
Sẽ cao quí, hào phóng như ông hoàng!"

Con bồ nông ngu ngốc kia nghĩ vậy
Rồi hùng dũng bay lên cao. Ở đấy,

Nó chưa kịp biết mình oai thế nào,
Thì bất chợt từ đâu đó trên cao

Một con chim kền kền to xuất hiện.
Thật tội nghiệp con bồ nông hãnh tiến:

Mấy phút sau, dù không chết, tiếc thay,
Nó bị thương, rơi tõm xuống bãi lầy,

Cánh dính bùn, chiếc mỏ to đầy đât.
Tối thì lên bàn ăn anh thợ giặt.

Đây, bài học rất hay và thông minh
Cho những ai không biết lượng sức mình.




CHUYỆN CON LẠC ĐÀ CÓ CÁNH

Một ông vua, ngồi không, lâu cũng chán,
Mở tiệc lớn mời cận thần, bè bạn.

Và vừa ăn, vua yêu cầu mỗi người
Lần lượt kể những chuyện lạ trên đời,

Với điều kiện chính mình nhìn tận mắt,
Phải hấp dẫn, và tất nhiên phải thật.

Một người kể: "Nghề tôi hay phải đi,
Và lần nọ tôi thấy ở châu Phi,

Một quái vật, nói thế nào được nhỉ,
Giống lạc đà, nhưng vô cùng kỳ dị,

Loại lạc đà một bướu, béo, không gầy.
Có hai cánh, nhưng không hề biết bay.

Không chở hàng, không phải làm gì cả,
Cứ suốt ngày thẩn thơ chơi, nhàn nhạ..."

Mọi người nghe, phá lên cười: "Thôi đi!
Ông kể chuyện nhảm nhí ấy làm gì?

Chúng tôi đây cũng đi nhiều không kém,
Cũng từng gặp nhiều chuyện hay và hiếm,

Nhưng lạc đà có cánh thì ôi, ôi!
Đừng phịa chuyện, đừng hòng lừa chúng tôi!"

Và rốt cục, mặc dù thề có thật,
Không ai tin, bị một phen bẽ mặt,

Ông kể chuyện đành hậm hực ra về
Trong ồn ào tiếng la mắng, cười chê.

Sáng hôm sau, còn chưa nguôi hậm hực,
Ông vội vã lên đường ngay lập tức

Tới châu Phi, rồi từ đó về nhà
Với một con đà điểu lớn và già.

Ông đem nó vào gặp vua, và hỏi
Có phải đúng là con ông đã nói.

Vua xem kỹ rồi bỗng phá lên cười:
"Vâng, đúng nó. Giờ ta tin nhà ngươi.

Một con vật lạ kỳ, cao, dũng mãnh!
Ngươi đáng thưởng! Đúng, lạc đà có cánh!"

Tối hôm ấy vua lại mở tiệc to,
Lại mời quan đến ăn uống, chuyện trò.

Tiệc đang vui, vua vẫy tay ra hiệu,
Rồi mọi người vây quanh con đà điểu,

Một con vật rất mới lạ, giống gà,
Nhưng vua bắt cứ phải gọi lạc đà,

Loại lạc đà không bay nhưng có cánh.
Ai gọi khác sẽ bị vua đem đánh.

No comments:

Post a Comment