Wednesday, March 25, 2015

ĐÊM Ở MỘT GA YÊN TĨNH


Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Đoàn tàu Hà Nội - Vinh rầm rập chạy qua như mũi khoan khổng lồ xuáy sâu vào lớp không khí đặc quánh của một đêm hè không gió, ngột ngạt. Đứng bên cửa sổ phòng mình, ông Phát nhìn theo cho đến khi ngọn đèn đỏ tín hiệu sau đuôi đoàn tàu chỉ còn là một chấm nhỏ, rung rinh rồi tắt hẳn. Theo lịch là chín rưỡi nhưng tàu thường về chậm, nên bây giờ chắc đã muộn.
Sự yên tĩnh lại bao trùm lên khu xóm nhỏ nằm dọc theo chân núi Bạc, ngay sát ga Mỹ Lý. Lớp không khí bị đoàn tàu khoan thủng bây giờ được lấp đầy lại.Từ đâu đấy phía kênh Nhà Lê có tiếng máy bơm nước đều đều vọng lại.
Ông đứng như thế rất lâu, bề ngoài thanh thản nhưng trong lòng không vậy. Ý nghĩ ông rời rạc, lẫn lộn và ông khó chịu với sự rời rạc, lẫn lộn đó. Rồi việc nọ xọ việc kia, ông khó chịu cả với anh con trai mãi không thấy về, dù ông biết giờ này nó chưa thể về được. Khi đi, con ông báo như thế.
"Đêm nay, vâng, nhất định đêm nay mình sẽ nói với nó điều ấy. Nói hết tất cả để khỏi do dự thêm nữa. Nó về là bắt đầu ngay. Bắt đầu từ điều cần nói nhất." Quyết định dứt khoát và rõ ràng ấy làm ông dễ chịu hơn đôi chút. "Nhưng mình sẽ bắt đầu thế nào nhỉ? Không lẽ cứ nói: Bắc này, con lớn rồi, bố nghĩ đã đến lúc có thể cho con biết sự thật, cái sự thật vì con bố phải che giấu hàng chục năm nay. Con sẽ ngạc nhiên nhưng đừng vội oán ghét bố. Bố... Bố không phải là bố của con. Hơn thế, bố là thằng giết người,  giết chính bố đẻ của con và cũng là một đồng chí của bố..."
Ông Phát không dám nghĩ tiếp. Ông tưởng tượng thấy phản ứng của thằng Bắc. Vốn vô tư, bồng bột, lúc đầu nó sẽ đứng nghe lơ đãng như mọi lần nhưng khi hiểu được ý nghĩa câu nói kia, nó sẽ ngơ ngác nhìn ông, hai mắt mở to vì ngạc nhiên. Sau đó... Sau đó  có thể nó sẽ hoảng sợ lùi lại mấy bước, có thể tiếp tục đứng lặng với vẻ mặt ghê tởm và căm giận. Cũng có thể nó là người chín chắn hơn ông tưởng. Nó sẽ bình tĩnh nghe hết mọi chuyện và tha thứ cho ông. Nhiều tình huống có thể xảy ra, ông không hình dung hết. Ông chỉ biết chắc một điều, là sau chuyện này quan hệ giữa hai bố con ông sẽ không còn như trước. Thậm chí ông sẽ chẳng được gọi nó là con. Điều ấy sẽ làm ông khổ tâm.
Bỗng ông thấy mệt mỏi ghê gớm, người rủn ra, lảo đảo như sắp ngã. Ông đưa tay nắm chặt hai song sắt quét sơn mát lạnh và nhìn đăm đăm vào màn đêm trước mặt. Xa xa, những thửa ruộng mới gặt ánh lên màu nước bàng bạc. Đêm không trăng, sáng thế, chắc trời phải nhiều sao lắm...

*                                                        
Chuyện đã lâu nhưng trong đầu ông Phát tất cả còn mới nguyên như vừa xảy ra hôm qua. Vâng, chính ông đã giết bố thằng Bắc. Bằng chính đôi tay này đây. Đó là một sự thật không thể chối cãi, mà ông cũng không bao giờ có ý định chối cãi nó. Ngược lại, hôm nay ông muốn tự mình nói ra tất cả.
Năm ấy, trong chuyến tàu thực dân Pháp chở ông và nhiều tù chính trị khác ra Côn Đảo, người ta phát hiện thấy một tên chỉ điểm trà trộn trong anh em tù nhân. Hắn đã gây không ít tai họa. Cuối cùng tổ chức Đảng bí mật quyết định trừng trị hắn. Kế hoạch thật đơn giản: đêm đến chờ tất cả ngủ say, lợi dụng bóng tối và bọn cai tù vắng mặt, ba người sẽ lần tới chỗ hắn nằm - đã được xác định trước và đánh dấu cẩn thận - trùm chăn lên người hắn; một người giữ chân, một giữ tay, người còn lại bóp cổ; xong, lặng lẽ quẳng xác hắn xuống biển. Vì là người khỏe hơn nên ông Phát nhận phần bóp cổ. Kế hoạch được thực hiện êm thấm - không tiếng động, không chống cự, xung quanh không ai hay biết. Đêm ấy ông Phát trằn trọc mãi không sao ngủ được. Dù sao đây cũng lần đầu ông giết người, tuy đó là con người xấu xa và đáng phải chết.
Thế mà sáng hôm sau, lạ lùng thay, khi tỉnh dậy người đầu tiên ông nhìn thấy không ngờ lại chính là tên chỉ điểm nọ. Trong đời chưa bao giờ ông ngạc nhiên và từ ngạc nhiên trở thành lo sợ đến thế. Nghĩa là ông và các bạn ông đã giết nhầm ai đó. Ai? Chỉ nửa giờ sau ông biết được người ấy là một đồng chí trung kiên ông mới quen trên tàu. Suốt mấy ngày liền ông như người mất hồn, âm thầm đau xót, dằn vặt lương tâm và hối hận.
Hòa bình lập lại, ông tìm đến gia đình người ấy với ý định kể hết mọi chuyện. Có thế lòng ông mới thanh thản phần nào. Tuy nhiên khi đến nơi, ông chỉ thấy một phụ nữ trẻ đang bệnh nặng và đứa bé ba tuổi. Chỉ hai mẹ con với nhau, không người thân, không ai giúp đỡ. Vậy là ông không thực hiện được ý định xám hối của mình, ít nhất vào lúc này.
Ông tự giới thiệu ông là bạn thân cùng ở tù với chồng chị, kể nhiều chuyện tốt đẹp và về cái chết anh dũng của người chính ông đã giết. Ông nói ông đã hứa với người chết, và bây giờ xin được giúp đỡ, chăm sóc đứa bé và chạy chữa thuốc thang cho mẹ nó. Ông định khi nào chị khỏi bệnh sẽ tự thú hết rồi ra đi. Oái oăm thay, người đàn bà ấy cứ ốm yếu mãi. Cuối cùng, để hợp pháp hóa sự có mặt kéo dài của mình, ông xin được cưới chị. Vậy là ngoài ý muốn, ông đã phạm một trong những tội kinh khủng nhất của con người: giết một người để lấy vợ người ấy. Nhưng ông không còn sự lựa chon nào khác.
Hai năm sau thì vợ ông chết. Từ ấy đến nay ông sống một mình nuôi thằng Bắc, con riêng của vợ và bây giờ đương nhiên là con ông. Ông quyết định chờ đến tuổi trưởng thành sẽ nói hết cho nó biết. Hè vừa rồi thằng Bắc tốt nghiệp phổ thông, thấy con vui quá, ông lại chần chừ. “Thôi, để nó yên tâm thi đại học đã, sau hẵng hay. Bấy nhiêu năm chờ được, thêm vài tháng có là bao.” Rồi con ông thi đậu đại học, có giấy gọi tập trung mười ngày nay mà ông vẫn chưa nói ra được những điều muốn nói. “Mai! Nhất định mai sẽ nói!” Nhưng cái ngày mai ấy lại liên tục được hoãn cho những ngày mai khác, và lần nào cũng có lý do chính đáng. Càng gần tới ngày con lên đường, nghĩa là tới thời hạn cuối cùng không thể kéo dài thêm được nữa, lòng ông càng bối rối. Ông vừa sợ, vừa chờ đợi giây phút ông nghĩ phải đến và nhất định sẽ đến.
*                  
Ông Phát vẫn đứng yên bên cửa sổ, trầm ngâm nhìn khoảng không mờ ảo trước mặt. Tiếng máy bơm phía kênh Nhà Lê đang chạy đều đều không hiểu sao bỗng nhiên im bặt. Xung quanh là sự tĩnh mịch gần như tuyệt đối, điều đó càng làm ông thêm nôn nao khó tả.
Thằng Bắc vẫn chưa về. Ông không giận vì mai đã là ngày lên đường. Nó phải tạm biệt bạn bè và nhiều thứ khác. Nó là thằng bé ngoan, biết nghe lời, nhưng dù sao ông vẫn có cảm giác như ít nhiều bị xúc phạm. Ông là bố mà vào đêm cuối cùng này nó nỡ để ông ở nhà một mình thế này ư?
Như những người có tuổi khác, ông sống với quá khứ nhiều hơn hiện tại, luôn co mình chìm trong suy nghĩ và những lời độc thoại âm thầm bất tận. Còn con ông thì ngược lại - sôi nổi, ào ạt, vô tư, đến mức nhiều lúc ông cho là hời hợt. Cái hố ngăn cách hai bố con ông ngày càng lớn hơn. Còn ngày mai thì như con chim đủ lông đủ cánh, nó sẽ xa ông, có thể xa mãi mãi, nếu không kể sau này một năm đôi lần nó trở lại thăm ông ở ga xép bé nhỏ, yên tĩnh này...
Thế là ngày mai con ông đi xa. Nên buồn hay vui? Ông không biết, chỉ biết ông là một phần của quá khứ sót lại, còn con ông là cả tương lai đang lao về phía trước. Ông chỉ là chiếc lá vàng trên cây xanh cuộc đời sắp rơi xuống để tan vào đất, làm phân nuôi sống những chiếc lá khác non hơn là con ông và những đứa như nó. Ông biết thế. Ông biết cả việc ông đang lặng lẽ hy sinh vì con, như chiếc lá thối lặng lẽ lìa cành, nhường chỗ những chồi non mới nhú. Đó là quy luật. Đó cũng là điều cần thiết. Nhưng phải chăng vì thế mà ông không có quyền đòi hỏi người khác biết đến sự hy sinh của ông? Phải chăng bây giờ, sau bao năm giữ kín điều ấy trong lòng, - vì con ông, vì cuộc sống thanh thản của nó, - ông vẫn chưa có quyền nói hết sự thật để nó, một thanh niên khỏe mạnh, san bớt gánh nặng mà lúc này cơ thể già nua, rệu rã của ông đã bắt đầu không kham nổi? Không! Nhất định ông phải nói!

*                                                         
Thằng Bắc chỉ trở về khi con gà trống nhà bên rụt rè cất tiếng gáy đầu tiên.
- Ấy chết, bố chưa ngủ à? - nó hỏi. - Bố thức làm gì khuya thế?
- Bố đợi con, - ông Phát đáp. Và để khỏi do dự thêm, ông quyết định đi thẳng vào câu chuyện. Cố giữ bình tĩnh, ông khẽ bắt đầu bằng cái câu mà ông nghĩ rất kỹ trước đó: - Bắc này, bố có chuyện muốn nói với con. Bố...
- Bố chờ con tí nhé,- thằng Bắc nói rồi chạy vội ra bể nước. Ở đó, nó vừa ồn ĩ dội nước lên người, vừa ầm ừ hát bài hát ngộ nghĩnh nào đó. Rõ ràng nó đang vui. Vui vì cuộc gặp bạn bè vừa rồi và vì cả những gì đang chờ nó phía trước.
Đứng trong nhà, ông Phát hình dung rõ từng bắp cơ trên cơ thể để trần khỏe mạnh của nó. Bất giác nghĩ đến mình, ông lại thấy buồn. Lần nữa, quá khứ lại hiện lên trước mặt, rành rọt và đều đặn như cuốn phim chiếu hết bây giờ được cho lên máy chiếu lại. Những lời chuẩn bị sẵn định nói bỗng biến đâu mất. Ý nghĩ rằng ông là kẻ giả dối, một thằng giết người lại lần nữa dày vò ông. Cái mệt từ đâu bỗng ập đến. Đôi vai gầy của ông nhô cao, lưng còng xuống, người như bé hẳn lại, còn chân thì run đến mức ông sợ ngã khuỵu, liền ngồi xuống chiếc ghế đẩu bên cạnh.
Ngoài sân, thằng Bắc vẫn tắm và ầm ừ hát tiếp bài hát ngộ nghĩnh của nó. Ông Phát lại nhìn thấy rõ từng bắp thịt khỏe mạnh của nó. Ông nhắm mắt. Cơ thể to khỏe ấy cứ to dần, to dần, còn hình người méo mó, xộc xệch của ông thì mỗi lúc một bé, cuối cùng chỉ còn lại một chấm nhỏ rồi biến mất dưới sức nặng của quá khứ đau buồn. Còn nếu ông trút được gánh nặng quá khứ ấy sang người nó thì ngược lại, cơ thể khỏe mạnh kia của con ông sẽ thôi dội nước ồn ĩ, thôi ầm ừ hát, sau đó bắt đầu xuất hiện những nếp nhăn, bắt đầu teo lại, bé dần cho đến lúc thành chính bản thân ông hôm nay, hay thậm chí còn tồi tệ hơn. Còn ông thì lớn thêm, lớn thêm mãi, thành một lão già béo nẫn, to xệ đến không còn mặc vừa chiếc áo nào. Cảm giác khó chịu vì sự chật chội ấy đã đưa ông Phát trở lại với hiện tại.
Ngày mai con ông lên đường, nó sẽ bước vào đời để bắt đầu một cuộc sống tự lập. Ông có gì cho con vào ngày trọng đại này? Ông có thể làm gì giúp nó? Ý định nói hết sự thật của ông thì sao? Bất chợt trước mắt ông lại hiện lên những hình ảnh trái ngược ông vừa tưởng tượng. Ông mở to mắt, lắc đầu như cố xua đi một con ruồi dai dẳng.
Thằng Bắc quay lại từ lúc nào, hình như quên việc bố định nói điều gì đó. Nó vui vẻ bảo ông:
- Hôm nay ấy mà, bố ạ, chúng con liên hoan vui lắm. Đến như con mà cũng hát mấy bài cơ đấy, bố xem có ngộ không? Thằng Quân con bác Vi trưởng ga cũng phải hát. Nó trúng tuyển bộ đội, ngày mai đi. Tiếc không cùng đường với con. Còn cái Liên, Liên lùn ấy, đã nhận được giấy báo trung cấp thú y rồi, nhưng những một tháng nữa mới tập trung. Bọn con gộp lại, liên hoan một lần luôn thể. Quấy lắm...
Thấy bố ngồi im, thằng Bắc bỗng dừng lại. Nó nghĩ ngợi một phút rồi hạ thấp giọng:
- Thôi bố đi ngủ đi, mai còn dậy sớm đi làm. Con thấy dạo này bố có vẻ mệt mỏi, già đi trông thấy.
Ông Phát vẫn ngồi im. “Ừ, có lẽ mình già thật rồi. Đến phải về hưu thôi...”
Thằng Bắc vẫn đứng yên trước mặt ông.
- Hình như lúc nãy bố có điều gì muốn nói với con?...
“Bố có điều gì muốn nói với con không à?” Ông Phát đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn con trai. “Có chứ. Bố có nhiều, rất nhiều điều muốn nói với con. Bố muốn nói rằng con, chừng ấy năm ở với bố, lớn lên bên bố mà không hề biết và hình như không muốn biết, rằng vì con bố đã phải đau khổ thế nào. Con chỉ sống với hiện tại và tương lai, trong khi bố chỉ là quá khứ, nên bố đứng yên làm cái thùng rác hứng chịu những thứ vứt đi của cuộc đời. Ngày mai con đi, vô tư và sung sướng, con sẽ bay như con chim, quên rằng con đã để lại phía sau cho bố một gánh nặng quá sức. Cũng thế bao năm nay, làm người bẻ ghi ở cái ga xép bé nhỏ này, chưa người nào trên những đoàn tàu vùn vụt lao qua để ý đến bố, một người bé nhỏ, ốm yếu đứng giơ cờ hiệu an toàn cho đoàn tàu lao qua. Vâng, bố bé nhỏ, ốm yếu, bố suốt đời đứng yên một chỗ, nhưng thử hỏi thiếu bố, đoàn tàu có dám ào ạt lao qua như thế không? Thiếu bố, con có được sống như con đang sống hôm nay và sẽ sống ngày mai không? Bố không trách, nhưng quả con đã không nghĩ tới điều đó, những người đi tàu cũng không một lần nghĩ tới điều đó?...”
Ông Phát nghĩ như thế, muốn nói như thế. Mặt ông méo xệch, đôi môi mấp máy không thành tiếng. Dưới ánh trăng mờ chiếu qua cửa sổ, hai giọt nước mắt lớn đang lăn trên má ông ngả thành  màu trắng đục.
- Kìa bố, có chuyện gì thế bố? – thằng Bắc lo lắng hỏi.
Ông Phát không đáp, thờ thẫn nhìn phía trước. Mãi lúc sau, ông mới lên tiếng:
- Không, khuya rồi, con vào ngủ đi, - ông húng hắng ho. - Bố chỉ muốn dặn con mai đi, cố gắng học tập cho tốt, đừng bận tâm lo nghĩ gì về bố...
Và như để chấm dứt câu chuyện, ông Phát đứng dậy, bám đôi tay gầy vào chấn song cửa sổ.         
Một đoàn tàu, không hiểu tàu gì, lại rầm rập đi qua khu ga yên tĩnh. Ông Phát nhìn theo và nghĩ tới việc ngày mai, trên sân ga bé nhỏ này, ông sẽ đứng cầm cờ báo hiệu an toàn cho một đoàn tàu khác, trong đó có con ông, cũng sẽ lao đi, khỏe mạnh và vững tin như thế.

                  Diễn Châu, 9, 1982

No comments:

Post a Comment