Wednesday, March 11, 2015

NHỮNG GIẤC MƠ NGỚ NGẨN


Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Hơn bốn mươi năm giáo sư N. gắn bó với một trường danh tiếng ở thủ đô và mọi việc diễn ra suôn sẻ. Ông thuộc loại biết mình biết người, không ồn ào cũng chẳng quá trầm lắng, chưa ai dám chê ông về chuyên môn, tuy công bằng mà nói, ở ông cũng không có gì thật xuất sắc. Người ta yêu mến ông vì cái sự đều đều không quá nổi bật ấy và cả vì sự trung lập không phe phái nên về hưu, ông được mời tiếp tục phụ trách một phòng nghiên cứu của trường, thỉnh thoảng hướng dẫn sinh viên cao học, nếu được yêu cầu. Nghĩa là thêm một khoản lương nữa. Càng tốt.
Một hôm ông đi thăm người bạn già viết văn ở cống Xuân Quan, lúc về, giữa đường trời bỗng đổ mưa, lại sấm chớp đì đùng. Ông vào trú trong chiếc điếm canh trên đê cùng mấy người khác. Bất chợt một cú sét mạnh vang ngay bên cạnh. Không trúng điếm nhưng nghe to lắm, đến mức hai cô gái quê đi Hà Nội về phải ôm nhau kêu rú lên. Còn ông thì cảm thấy như ngất đi chốc lát, như có cái gì chợt xuyên qua người. Sau đó mọi việc trở lại bình thường, trời ngớt mưa và ông đi nốt quảng đường còn lại về nhà.
Tối hôm ấy ông thấy người nóng hừng hực. “Mình bị cảm rồi” ông nghĩ và uống những loại thuốc thông thường cho cái bệnh cũng được coi là thông thường đó. Tưởng vài ngày sẽ khỏi, hóa ra ông phải nằm liệt giường ở bệnh viện tới hai tuần, lúc mê lúc tỉnh, lúc thấy có cái gì đấy nong nóng, là lạ trong người. Do không nhất trí được với nhau cụ thể ông mắc bệnh gì, người ta chỉ cho uống thuốc cảm cúm và truyền huyết thanh trợ lực. Vậy mà ông khỏi, khỏi hẳn và xuất viện về nhà trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Độ một tuần sau, giáo sư N. bỗng mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ, đến mức tỉnh giấc ông bàng hoàng hồi lâu vì sự phi lí của nó.
Thời gian này ông đang hướng dẫn một nữ sinh làm luận án cao học. Đó là Vân Anh, thủ khoa và cũng là hoa khôi của trường năm vừa rồi. Ông yêu quý cô không vì cô dễ thương, xinh đẹp mà còn vì thực sự cô là một tài năng trẻ, dân Hà Nội gốc, con nhà giàu nhưng khiêm tốn, nết na, lại chọn đúng ngành của ông để nghiên cứu, một ngành “ít triển vọng” và chẳng hợp với phụ nữ chút nào, là địa chất. Không lộ ra ngoài nhưng ông thực sự yêu cô như con. Khi gặp cô (họ gặp nhau mỗi tháng hai lần), ông cảm thấy tươi mát dễ chịu trước sự trẻ trung, trong sáng của người học trò. Nhiều khi ông bắt gặp mình có ý nghĩ mong được người con dâu như cô, nhưng có lẽ con trai ông không xứng đáng, lại ở tít bên Tiệp chưa biết khi nào về.
Thế mà bỗng dưng ông mơ thấy cô chết, chết một cách có thể nói là ngớ ngẩn. Ông thấy cô đi xe máy dọc phố Hai Bà Trưng từ phía Bờ Hồ, đến Cửa Nam thì dừng lại vì đèn đỏ. Vốn cẩn thận, cô đi sát mép đường bên phải, giảm ga đứng chờ ngay bên anh công an trẻ mặc áo vàng là ủi phẳng phiu và đeo phù hiệu trông rất oách. Ngã tư này vẫn đông người như mọi khi, và người ta phải chờ khá lâu. Bỗng nhiên chiếc xe của Vân Anh ngã sang phải, kéo cô ngã theo. Ông không biết vì sao nó ngã, trong mơ chỉ thấy nó ngã từ từ, không tiếng động, còn đầu Vân Anh thì khẽ đập vào gờ xi măng vỉa hè. Rồi ông thấy anh công an cúi xuống đỡ cô. Mọi người xúm lại rồi ai đó kêu to: “Gọi xe cấp cứu mau! Cô ấy chết rồi!” Ông chợt tỉnh vì tiếng rú của chiếc xe màu trắng có đèn đỏ luôn nhấp nháy...
“Mình rõ lẩn thẩn, - ngồi trên giường, ông nhếch mép cười, vẫn chưa hết bàng hoàng. - Mơ với mộng!”
Theo lịch hôm nay là ngày Vân Anh đến nhà ông bàn thêm một số chi tiết của đề cương bản luận án. Cô đã muộn một giờ, là điều hiếm thấy. Ông nhâm nhi tách cà phê nóng, hờ hững lướt qua tờ báo cũ chuyên ngành và cố gạt khỏi đầu cái giấc mơ ngớ ngẩn kia. Ông thực sự không thích nó.
Chuông điện thoại réo, có vẻ gay gắt hơn ngày thường.
“Dạ thưa thầy”, ông giật mình khi nhận ra giọng nói đau buồn của mẹ Vân Anh. “Hôm nay cháu nó không thể đến gặp thầy được... Cháu bị tai nạn xe máy...”
“Tai nạn xe máy? Có sao không ạ?”
Đầu dây bên kia im lặng.
“Dạ, cháu đã không qua khỏi...”
Có tiếng khóc thút thít.
“Trời! Tức là cháu đã chết?” Không chờ câu trả lời, ông buột miệng hỏi thêm: “Thế cháu gặp tai nạn ở đâu?”
“Ở ngã tư Cửa Nam. Mới chiều qua. Chỉ ngã nhẹ thôi khi đứng chờ đèn đỏ, đầu đập vào gờ vỉa hè xi măng. Không xây xát gì nhưng bị vào đầu nên không cứu được. Hiện cháu đang ở bệnh viện Việt Đức...”
Ông choáng váng không nghe tiếp được nữa. Đầu dây bên kia lại có tiếng khóc. Cuối cùng máy tắt. Ông quên cả việc nói mấy câu chia buồn phải nói trong những trường hợp tương tự.
Ông ngồi thừ người rất lâu trên chiếc ghế bọc da sờn bạc, đầu óc lẫn lộn. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kinh ngạc, ông nghĩ. Nhưng sao có thể như thế được? Đúng cô Vân Anh, đúng ngã xe máy, đúng ở ngã tư Cửa Nam, cũng đúng cả việc đập nhẹ đầu vào vỉa hè. Chỉ thế thôi mà lại chết. Chắc đúng cả việc lúc ấy có anh công an trẻ bên cạnh. Lạ thật. Quả là kì lạ và cũng đáng sợ thật. Hay vì mình mơ mà cô ấy chết? Nhảm nhí. Hay mình có khả năng nhìn thấy trước cái chết của người khác? Cũng nhảm nhí nốt. Vậy thì vì sao? Vì sao? Ông không cắt nghĩa nổi điều đó, nhưng có cảm giác mơ hồ như thể mình là người có lỗi trong cái chết của cô, một cái chết kì cục và oan uổng. Điều này cũng vô lí nốt, nhưng vốn hay mặc cảm, ông cứ bị nó ám ảnh mãi.
Chập chiều ông đến bệnh viện Việt Đức, vừa đúng lúc nhà xác chuẩn bị đóng cửa. Ông nói thế nào, gã bảo vệ có bộ mặt ngựa trang nghiêm vẫn không chịu cho vào. Mãi khi được dúi tờ giấy bạc năm mươi nghìn, hắn mới chịu, cái mặt ngựa vẫn trang nghiêm như trước. Trong phòng có mấy xác chết nhưng ông nhận ra ngay đâu là Vân Anh, vì tấm vải trắng chỉ che đến ngực. Hai ngọn nến đỏ cháy leo lét hai bên. Nến còn dài, chứng tỏ mới có người ở đây. Ông kéo ghế ngồi xuống cạnh. Gã kia đứng hút thuốc bên cửa ra vào, cố ý nhìn đồng hồ.
Khuôn mặt Vân Anh thanh thản một cách kì lạ, hệt như cô đang ngủ say. Ông có cảm giác cô đang thở nhẹ. Để kiểm tra, ông khẽ đặt một ngón tay lên mũi cô nhưng không thấy gì. Dưới tấm vải trắng lộ ra chiếc cổ áo màu xanh tím cô thường mặc, đúng chiếc áo ông thấy trong mơ. Ông chăm chú nhìn cô hồi lâu, hai mắt rưng rưng, chẳng biết làm gì, nói gì lúc này. Thậm chí ông cũng không biết vì sao ông tới đây. Cuối cùng, dịu dàng như một người cha, ông khẽ đặt một tay lên trán cô:
“Vân Anh, tỉnh dậy đi em! Tỉnh dậy đi! Em nghe thầy nói chứ, Vân Anh, tỉnh dậy đi em!”
Gã coi nhà xác khẽ ho và lại nhìn đồng hồ. Ông đứng dậy, nói thêm trước lúc đi:
“Tỉnh dậy đi em, Vân Anh!”
Ông nhìn cô lần chót. Thật lạ lùng, ông thấy hình như cô khẽ gật đầu, thậm chí đôi môi mấp máy.
    *     
Chín giờ sáng hôm sau, khi giáo sư N. chuẩn bị đi dự lễ tang cô học trò yêu của mình thì bỗng có ông bạn đồng nghiệp gọi điện báo Vân Anh chưa chết.
“Chưa chết?”
“Vâng. Cô ấy đã sống lại. Nghe nói mười hai giờ đêm hôm qua người trông nhà xác nghe ai đó đập cửa rất mạnh từ phía trong. Anh ta tưởng ma không dám mở, phải gọi toàn đội bảo vệ bệnh viện đem cả súng đến. Thì ra cô Vân Anh dậy từ bao giờ và ngạc nhiên hỏi vì sao người ta đưa cô vào đây. Đúng là chuyện lạ có một không hai. Phen này các nhà khoa học sẽ có cái để đau đầu. Thôi, thế là mừng cho con bé. Tội nghiệp nó phải một phen phải sợ hết hồn...”
Ông bạn đồng nghiệp còn nói gì nữa nhưng giáo sư N. không nghe. Ông gieo mình xuống chiếc ghế da, thẫn thờ ngồi như người mất hồn.
Đêm hôm ấy ông trằn trọc mãi không sao ngủ được, gần sáng mới thiếp đi một lúc. Ông lại mơ. Lần này ông mơ thấy mình chết. Chết trên chiếc giường ông đang nằm. Ngủ rồi lặng lẽ chết. Chỉ đơn giản thế thôi.
Mấy ngày tiếp theo đêm nào ông cũng nghĩ có thể hôm sau ông không còn dậy nữa. Là nhà khoa học, ông không hề mê tín, nhưng những gì xảy ra với Vân Anh làm ông suy nghĩ rất nhiều. Ông nghĩ tới trường hợp những người có khả năng kì lạ chưa giải thích nổi sau khi trải qua tai nạn hay một cú sốc mạnh nào đó. Những chuyện ấy là có thật, vì vậy mối quan hệ giữa giấc mơ của ông với cái chết và sự sống lại của Vân Anh cũng có thể là có thật. Thế thì lần này phải chăng ông sẽ chết? Ông lặng lẽ chờ đợi nó như một định mệnh và thầm ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của mình. Ông không để lộ  bất kì một biểu hiện khác thường nào, không kể ai nghe, cả người nhà, về những giấc mơ đáng sợ kia của ông. Tuy nhiên rốt cục chẳng có gì xảy ra. Ông tiếp tục sống khỏe mạnh. Thỉnh thoảng ông vẫn mơ, nhưng là những giấc mơ bình thường, vô hại.
   *    
Mãi rất lâu sau này, một hôm trong giờ giải lao, Vân Anh bỗng nhìn ông mỉm cười với vẻ thơ ngây nhưng rất nghiêm túc:
“Nói thầy đừng cười, em phải cảm ơn thầy đã cứu sống em đấy.”
“Cứu em? Thầy không hiểu. Em nói thế nghĩa là thế nào?”
“Thầy biết không, khi chết nằm trong nhà xác ấy mà, em thấy em cứ bay mãi, bay mãi theo một đường ống hun hút rồi tới một nơi có nhiều hoa rất lạ và đẹp. Lại còn những con bướm đủ màu to, to lắm cơ, bằng chiếc nón ấy. Em thích lắm, cứ chạy theo đuổi bắt chúng mãi. Bỗng nhiên em nghe tiếng thầy gọi em. Thật mà, thầy đừng cười nhé, em nghe rất rõ thầy nói: “Vân Anh, tỉnh dậy đi em! Tỉnh dậy đi” Em lấy làm lạ sao thầy bảo em dậy. Em có ngủ đâu. Em chỉ mải chơi thôi. Nhưng em biết thầy là người tốt nên thầy gọi thì em về. Thế là em bay ngược trở lại cái đường ống dài hun hút ấy rồi tỉnh dậy ở nhà xác bệnh viện Việt Đức. Buồn cười thật đấy, thầy nhỉ?”
“Ừ, buồn cười thật”, giáo sư N. khẽ đáp.
Vân Anh ngồi im một lúc rồi nói thêm:
“Các bác sĩ bảo em chết lâm sàng. Những trường hợp như thế xưa nay vẫn có. Nhưng chết lâu như em thì họ bảo hiếm lắm. Thế là may cho em. Còn chuyện em nghe thầy nói chắc chỉ mơ mộng vớ vẩn thôi. Em vẫn thường có những giấc mơ ngớ ngẩn thế đấy. Thầy có hay mơ không?”
Giáo sư N. định nói “có” nhưng không hiểu sao ông chỉ âu yếm nhìn Vân Anh, cười đáp:
“Không. Thầy chẳng bao giờ mơ mộng gì cả. Thôi, ta quay lại làm việc”.
     Hà Nội, 10. 4. 2002

No comments:

Post a Comment