Thursday, March 19, 2015

THƠ CỔ BA TƯ - SAADI - VƯỜN HỒNG (trích)



SAAĐI

     Saađi (tên đầy đủ là Abu Muhamad Abdula ibn Musrif Saađi) sinh khoảng từ năm 1203 đế năm 1208 ở thành phố Shiraz, nay thuộc Iran, trong gia đình một quan chức không giàu lắm. Thời nhỏ ông học ở Shiraz,. rồi học tiếp ở một trong những trường đại học Hồi giáo danh tiếng nhất thời đó là Nizamia tại Batđa. Sau này, do các cuộc xâm lược của Thành Cát Tư Hãn, ông phải rời bỏ quê hươngg lưu lạc khắp thế giới phương đông. Ông đã tới vùng sa mạc Aravi, Azecbaigian, Xiry, Ai Cập, Ma-rốc... từng tham gia chiến đấu chống thập tự quân La Mã, nhiều lần bị thương và suýt chết. Năm 1256 ông trở về Shiraz, và với sự bảo trợ của chính vua Abubacra, ông dành toàn bộ quãng đời còn lại cho văn học. Saađi mất năm 1292, sống gần trọn một thế kỷ, và cũng gần đúng như ông mong muốn - 30 năm học, ba mươi năm đi và 30 năm viết.
     Tác phẩm chính của ông gồm Vườn Quả (1256) và Vườn Hồng (1257), hai tập thơ lớn mang tính giáo huấn, hai cuốn sách giáo khoa cuộc đời mà sinh thời đã mang lại cho ông sự nổi tiếng không chỉ ở Ba Tư mà còn cả thế giới phương đông nói chung, đưa ông lên thành một trong những nhà thơ vĩ đại của nhân  loại. Ngoài ra ông còn viết bốn tập thơ trữ tình và rất nhiều các bài thơ lẻ.



NGUYÊN NHÂN VIẾT CUỐN SÁCH NÀY

Một tối nọ, tôi ngồi suy ngẫm về những năm tháng đã qua, thầm luyến tiếc cuộc đời mình bị uổng phí. Như những viên kim cương sắc nhọn, những giọt nước mắt xuyên qua tim tôi, và tôi đã đọc thành lời những câu thơ dưới đây, rất hợp với tâm trạng của tôi lúc ấy:
Cuộc đời ta cứ ngắn đi lặng lẽ
Theo mỗi hơi ta thở ra nhè nhẹ.

Ngươi đã sống năm mươi năm, Saađi,
Năm mươi năm ngươi làm được điều gì?

Chết mà việc chưa làm xong, thật nhục.
Hàng chờ đó, đoàn lạc đà đang giục.

Người lữ hành muốn ngủ tiếp trong chăn,
Nhưng phía trước đường còn dài, khó khăn.

Ta mong muốn xây một ngôi nhà nhỏ,
Nhưng chưa xong, đã bị người thế chỗ.

Con người kia, người xây tiếp nhà anh
Cũng ra đi mà không kịp hoàn thành...

Đời như tuyết dưới nắng hè oi bức.
Ta chỉ biết nhìn tuyết tan, bất lực.

Anh đi chợ mà không mang theo tiền,
Thì ra về túi sẽ rỗng, tất nhiên.

Ai nôn nóng gặt lúa non, chẳng lạ,
Đến vụ gặt chỉ thấy trơ gốc rạ.

Suy nghĩ kỹ những điều này, tôi thấy tốt nhất nên thu mình ở ẩn, cố giảm bớt giao tiếp bạn bè và tránh không nói những lời vô bổ, để sau này khỏi phải ân hận mà thốt lên rằng:

     Người khiêm tốn ngồi góc phòng, im lặng,
     Tốt hơn nhiều anh ba hoa liến thoắng.

Đúng lúc ấy, một người bạn cũ, người từng chia sẻ những vui buồn trên những nẻo đường sa mạc và trong lớp học, theo lệ thường đã đến thăm tôi. Và dù giọng anh thật vui vẻ, dù anh cố bông đùa, gợi chuyện, tôi vẫn bướng bỉnh lặng im, không một lần ngước lên từ tư thế đang quì của người cầu kinh chăm chú. Bạn tôi bực mình, đưa mắt lườm tôi, và nói:

Chừng nào đang có thể,
        Cứ trò chuyện, vui chơi.

        Vì sau khi anh chết,
        Anh im lặng suốt đời.

Ai đó trong đám người nhà của tôi giải thích:
"Ông ấy đã quyết định những năm tháng còn lại của cuộc đời sẽ sống trong im lặng hoàn toàn, và chỉ chuyên tâm phụng sự thượng đế. Tốt hơn anh cũng nên noi theo và cùng im lặng.
Bạn tôi đáp:
"Tôi xin thề bằng sự vĩ đại của đấng tối cao và bằng tình bạn lâu năm giữa chúng tôi, rằng tôi sẽ không đi đâu cả dù chỉ một bước chừng nào chưa được nói chuyện với ông Saađi hôm nay như chủ với khách, theo đúng phong tục tốt đẹp xưa nay vốn có. Xúc phạm bạn là khiếm nhã; không giữ đúng lời thề là không quân tử. Không sáng suốt và không thể chấp nhận được với người đáng kính khi thanh kiếm của Ali không được rút ra khỏi vỏ, và cái lưỡi nổi tiếng của Saađi chịu nằm yên sau hai hàm răng.

Lưỡi là gì, hiền triết?
               Là chìa khóa tấm lòng.

               Không mở, không ai biết
               Đang giấu gì bên trong.

Khi cần nói thì nói đi, đừng sợ,
Nhưng cẩn thận, đừng nói thừa, hãy nhớ.

Đều đáng chê: Người cần nói mà im,
Và cả người luôn ba hoa vô cớ.
Vậy là không đủ sức im lặng thêm được nữa, tôi đã lên tiếng. Vả lại, sẽ là điều không lịch sự nếu tôi tiếp tục quay lưng lại với người bạn cũ tốt và chân thành này của mình.
Ở chừng mực cần thiết, tôi trò chuyện vui vẻ với bạn tôi khi hai người cùng ra ngoài đi dạo. Lúc ấy là mùa xuân, cái lạnh buốt người không còn nữa, nhường chỗ cho làn gió ấm làm hoa đua nở.
Đẹp, lộng lẫy như trong vườn thượng giới,
Đàn bướm bay, cánh đủ màu, chấp chới.

Cây đứng im, mặc áo mới màu xanh,
Con sơn ca luôn nhảy nhót trên cành.

Giọt sương sớm trên cánh hoa mát lạnh,
Như giọt nước trên má hồng lấp lánh,
Đêm hôm ấy chúng tôi ngồi với nhau trong vườn một người bạn. Đó là một nơi thật dễ chịu, mùi hoa thoang thoảng, các tán cây như dính vào nhau. Dưới đất là những đốm sáng như những mảnh vụn thủy tinh lấp lánh. Còn phía trên là vô số những chùm quả mà về vẻ đẹp có thể sánh ngang các chùm sao chi chít trên trời.
               Tiếng chim hót trong vườn líu lo.
               Dòng suối nhỏ uốn mình quanh co.

               Cây sà thấp vì cành trĩu quả.
               Vườn đầy hoa khoe màu khác lạ.

               Còn dưới đất là tấm thảm đêm
               Đầy mùi hương, vừa ấm vừa mềm.
Sáng hôm sau, khi ý muốn trở về nhà lớn hơn niềm vui được ở lại trong khu vườn kỳ diệu ấy, tôi thấy bạn tôi cũng chuẩn bị ra về, vạt áo đầy những cánh hoa hồng, hoa dạ hưong và hoa dền. Tôi liền nói:
"Anh biết trõ rằng không phải lúc nào hồng cũng nở hoa, nếu nở, đời của hoa rất ngắn. Mà các hiền triết thì nói: Cái gì không lâu bền, không đáng được ta yêu."
"Vậy thì anh bảo tôi còn biết làm gì?" Bạn tôi thốt lên.
Tôi thong thả đáp:
"Để chiều lòng bạn đọc và mang lại niềm vui cho những ai mong muốn, tôi có thể viết một cuốn sách có tên là "Vườn Hồng". Các cánh hoa của nó không bị hơi thở lạnh lẽo của mùa đông làm rụng, và vẻ đẹp mùa xuân yêu đời của nó không bị dòng luân chuyển của thời gian biến thành vẻ ảo não mùa thu.
               Sao phải hái hoa hồng làm gì
               Khi đã có "Vườn Hồng" Saađi?

               Hoa hồng sẽ héo ngay khi hái,
               Còn "Vườn Hồng" sống lâu, mãi mãi.
Tôi nói chưa kịp dứt lời thì bạn tôi đã hất những cánh hoa xuống đất rồi túm lấy vạt áo tôi.
"Người tử tế phải nói lời giữ lời!"
Ngay hôm đó tôi viết xong một chương của cuốn sách - "Về qui tắc ứng xử và nghệ thuật trò chuyện" - được tô điểm bằng những lời hoa mỹ để làm đẹp lòng cả người viết lẫn người đọc. Khi những bụi hồng trong vườn chẳng còn bao lâu nữa để sống thì cuốn sách "Vườn Hồng" của tôi cũng vừa hoàn tất. Tuy nhiên, thực ra nó chỉ có thể được coi là hoàn tất khi Đức Vua cao quí cho tôi biết, rằng Ngài đã hạ cố đọc nó.
               Một cuốn sách được Đức Vua cầm đọc,
               Thì tự nó trở thành vàng, thành ngọc.

               Có thể Vua khi đọc cuốn "Vườn Hồng"
               Không đến nỗi phải nhíu trán, phiền lòng.

               Bởi một lẽ, sách của tôi, thiết nghĩ,
               Không chỉ nói toàn điều nhảm nhí.
              
              
VỀ CUỘC ĐỜI CÁC VUA


TRUYỆN

Về một ông vua nọ, tôi nghe người ta kể thế này, rằng có lần vua sai treo cổ một người tù binh. Con người tội nghiệp ấy, khi biết trước sau cũng chết, liền lớn tiếng chửi bới nhà vua, vì như người ta nói, khi không còn gì để mất thì có nói ra miệng những gì uất ức trong lòng cũng là điều dễ hiểu.

               Khi đã bị dồn vào chân tường,
               Thì quyết chiến là chuyện bình thường.

               Ai không may rơi vào tuyệt vọng,
               Người ấy lưỡi sẽ dài và rất nóng.

               Như con mèo bị bịt đường ra,
               Nó sẽ cắn con chó lớn gấp ba,

Đức vua tò mò hỏi người tù binh nói gì. Một viên quan đứng cạnh đáp:  
"Tâu bệ hạ, anh ta nói: Ai biết kiềm chế cơn giận của mình, người ấy sẽ tha thứ những người có tội."
Đức vua nghe thế liền thương tình, tha cho người kia được sống. Tuy nhiên, một viên quan khác, vốn mâu thuẫn với viên quan đầu, lại nói:
"Những người thuộc đẳng cấp chúng ta, khi có mặt hoàng đế, chỉ được phép nói sự thật. Sự thật là tên tù binh kia đã hỗn láo chửi đức vua yêu quí. Hơn thế, hắn còn dùng những từ rất xúc phạm.
Đức vua chau mày nhìn ông ta hồi lâu rồi đáp:
"Ta thích sự nói dối của ông này hơn lời nói thật của nhà ngươi. Ông ta nói dối nhưng cứu được người, còn ngươi thì nói thật mà kết quả ngược lại. Các hiền triết xưa từng dạy: Nói dối mà nhằm mục đích tốt còn hơn sự thật dẫn đến tai họa."

               Người mà vua tin cậy lắng nghe,
               Thành kẻ ác khi anh ta ác ý.

* * *
Việc của vua là bảo vệ dân nghèo,
Dù vua lớn và quyền uy rất rộng.

Đàn cừu sống không vì anh chăn cừu,
Mà trái lại, vì cừu anh ta sống.

* * *
Giết một người chẳng khó bao nhiêu.
Làm sống lại mới khó hơn nhiều.

Đừng vội bắn tên đi, bởi lẽ
Bắt tên quay trở về không dễ.


TRUYỆN
           
Một trong những ông vua xứ Khôraxan nằm mơ thấy Mahmud, con trai vua Xêbuctegin: Xác của Mahmud bị thối rữa, biến thành tro bụi, nhưng đôi mắt của ngài còn sống và luôn lúng liếng trong hai hố mắt như cố nhìn xung quanh. Không một nhà thông thái nào giải được giấc mơ này. Cuối cùng một ẩn sĩ lên tiếng:
"Đức vua Mahmud còn lo lắng, và ngài nhìn quanh xem những người khác trị vì vương quốc của mình thế nào.

               Đã từng sống nhiều anh hùng vĩ đại,
               Nhưng cuối cùng chẳng có gì sót lại.

               Ai bị chôn xuống đất, chuyện bình thường,
               Đất ăn dần, chỉ còn lại nhúm xương.

               Nhưng sống mãi những người làm việc thiện,
               Sau khi chết vẫn được đời yêu mến.



VỀ ĐẠO ĐỨC CÁC ẨN SĨ


TRUYỆN

Tôi nhớ ngày còn nhỏ tôi rất mộ đạo. Tôi thường thức suốt đêm để cầu kinh. Tôi say mê các giáo lý về sự khắc khổ và cuộc sống ẩn dật. Một hôm, cũng ban đêm, tôi ngồi với bố tôi, mong thượng đế ban ân cho người, tay ôm khư khư cuốn sách kinh. Tôi ngồi như thế suốt đêm không ngủ, trong khi bên cạnh tôi nhiều người ngủ ngon, ngáy to một cách vô tư. Tôi nói với bố:
"Không người nào trong số họ ngẩng đầu để cầu kinh thêm lần nữa. Họ thản nhiên ngủ say như đã chết."
"Này con trai, - bố tôi đáp, - tốt hơn con cũng nên đi lên giường đi ngủ, và đừng làm ông cụ non phán xét người khác."

                 Kẻ hợm hĩnh chỉ biết có mình mình,
                 Nghĩ ngoài họ, không người nào thông minh.

                 Nếu không tự đề cao mình thái quá,
                 Họ sẽ thấy họ đáng thương hơn cả.


                                 TRUYỆN

Dù được Abulfajad ibn Juzi, người thầy đáng kính của tôi, cầu mong đức Alla phù hộ cho ngài, nhiều lần khuyên nhủ hãy từ bỏ âm nhạc, tiệc tùng để lui về ở ẩn, tôi vẫn không cưỡng được mong muốn của tuổi trẻ và để những ham muốn trần tục ấy lôi cuốn. Nghĩa là nhiều khi làm trái những lời khuyên quí giá của thầy. Tôi đắm mình trong âm nhạc, vui vẻ thái quá với bạn bè. Tuy nhiên, khi chợt nhớ lời thầy, tôi vẫn nghĩ:

                           Đến quan tòa mà có mặt ở đây,
                           Ngài cũng uống, và tha thứ thằng say.

Một hôm, ngồi chung với đám bạn bè vui vẻ, tôi chợt thấy một ca sĩ đang

                           Say sưa hát, chiếc đàn kêu da diết
                           Như ai đó khóc thương cha thảm thiết.

Các bạn tôi lúc thì lấy ngón tay bịt lỗ tai, lúc ra hiệu bảo anh ta thôi, vì nhạc phải làm người ta vui chứ không ngược lại.

                           Người ta nghe anh hát để xua buồn,
                           Thế mà anh lại khóc, khiến buồn hơn.

                           Anh càng hát, người nghe càng thêm khổ,
                           Chỉ chờ anh thôi không tra tấn họ.

                           Tôi thì tìm ông chủ quán, bảo ông:
                           Nhờ ông bảo anh ta thôi, nếu không,

                           Hoặc rót chì vào tai tôi cho điếc,
                           Hoặc mở cửa để tôi về, thật tiếc.

Nhưng tối đó, vì nể bạn, tôi vẫn gắng chịu và ở lại quán ấy cho đến tận sáng hôm sau.
                           Tôi chờ mãi chẳng đến giờ cầu kinh.
                           Người đánh chuông chắc quên việc của mình.

                           Suốt đêm ấy tôi không hề chợp mắt,
                           Còn phải nghe anh kia gào, chán thật.

Thế mà sáng dậy, để tỏ lòng biết ơn, tôi cởi chiếc mũ quấn trên đầu và lấy ra từ đó một đồng tiền vàng đặt trước mặt người ca sĩ tội nghiệp nọ. Tôi ôm hôn anh ta, hồi lâu cảm ơn chân thành. Các bạn tôi thấy thế lấy làm ngạc nhiên, cho rằng tôi giả vờ, thậm chí đạo đức giả. Một người không kìm được còn lên tiếng trách: 
 “Việc anh làm không xứng với người thông minh, cao quí. Không hay ho chút nào khi đưa đồng tiền vàng ấy cho một người bất tài như hắn, người chắc chưa bao giờ có chừng ấy tiền trong tay và cũng chưa ai từng cho dù chỉ một xu nhỏ.

                           Cứ để hắn đi khỏi đây mãi mãi
                           Chắc không ai còn dám mời quay lại.

                           Nghe hắn hát cái giọng ấy buồn đau,
                           Thì tóc ai cũng dựng ngược trên đầu.

                           Đến gà nghe cũng hồn xiêu phách lạc
                           Đành lũ lượt trốn đi, kêu tục tác.

Tôi nói với người bạn này của tôi:
“Tốt hơn anh nên im cái mồm thối của anh thì hơn. Anh bạn ca sĩ này đã giúp tôi một điều tuyệt vời:.
Người bạn hỏi:
“Vậy thì hãy cho chúng tôi biết điều tuyệt vời ấy là gì, để chúng tôi cũng cảm ơn và xin anh ta tha thứ cho sự khiếm nhã của mình.
“Chuyện thế này, - tôi đáp. - Người thầy đáng kính của tôi từng dạy tôi phải từ bỏ đàn hát để lo việc lớn, thế mà tôi không nghe. Bây giờ nhờ số phận và dịp may, tôi được ở lại đây đêm qua, và được anh bạn ca sĩ này lần nữa nhắc nhớ lại lời thầy dạy. Tôi đã hối hận và thề suốt phần còn lại của đời mình sẽ từ bỏ đàn hát vô bổ cùng đám bạn bè bia rượu của mình.

                           Dù có nói hay hát, người thông minh
                           Khiến ta nghe, thấy lọt lỗ tai mình.

                           Người ngu dốt, bất tài, thưa các bạn,
                           Cứ mở mồm là mọi người thấy chán.      

                                                   __________
              

* * *
Thật thông minh là người làm việc tốt
Chứ không phải người chê người khác dốt.

* * *
Chỉ một ngày ta biết ai là ai -
Dốt hay khôn đều bộc lộ ra ngoài.

Nhưng tâm hồn giấu sâu hơn - thường vậy:
Cái đểu cáng sau nhiều năm mới thấy.



VỀ ÍCH LỢI CỦA VIỆC
BIẾT HÀI LÒNG VỚI NHỮNG ĐIỀU NHỎ NHẶT


                                    TRUYỆN

Lần nọ, một gã ăn mày người Magrib nói với tôi trong chợ bán vải ở Aleppô thế này:
“Thưa ông, nếu những người giàu có lương tâm, còn những thằng ăn mày như con biết kiềm chế để khỏi ngửa tay xin ăn, thì con chắc đời này sẽ không còn cảnh ăn mày nữa.”
Tôi chẳng biết nói gì, chỉ lặng im suy nghĩ:
                   Sự kiềm chế và khiêm nhường xưa nay
                   Là phẩm chất đáng quí nhất đời này.

                   Người thông minh luôn là người kiên nhẫn.
                   Ai nóng vội không bao giờ chín chắn.
                 
                                             _________
                                                  

* * *
Không biết gì, xin cứ hỏi, không sao.
Anh hạ mình để nâng anh lên cao.

* * *
Ai ăn uống biết khiêm nhường, điều độ,
Gặp thiếu thốn sẽ vượt qua không khó.

Ai suốt đời luôn no đủ, tham ăn,
Sẽ khó lòng thoát chết lúc gian truân.

* * *
Dù bánh mì là quà của bề trên,
Nhưng muốn có phải cấy cày mới có.

Chưa đến già, không ai chết, tất nhiên,
Nhưng tự anh đừng chui vào miệng hổ.


TRUYỆN

   Một hôm tôi thấy một gã trai ngu ngốc, hợm đời và khỏe mạnh, mặc quần áo đắt tiền, cưỡi trên lưng con ngựa quí giống Ả-rập. Trên đầu anh ta là chiếc mũ xếp tuyệt đẹp làm bằng thứ vải Ai-cập đắt tiền nhất. Có ai đó ngồi bên hỏi tôi:
"Thưa ông Saađi, ông có thích thứ lụa màu đỏ rực trên cái đầu không óc của con vật trẻ khỏe kia không?
Tôi đáp:
"Đó chỉ là một miếng giẻ không đáng kể được vẽ nhăng nhít bằng mực màu."
                 Cái gã ấy giống người, như con lừa giống hổ.
                 Hắn cố rống như bò, dù là bê bé nhỏ.
Vấn đề ở chỗ, bản chất con người quí gấp nghìn lần quần áo đẹp.
                 Khó mà nói cái thằng kia giống người,
                 Dù vẻ ngoài, và áo mũ như người.

                 Hãy nhìn sâu vào tâm hồn, đầu óc,
                 Ta sẽ chẳng thấy gì ngoài ngu ngốc.

* * *
Suối là do nhiều giọt nước mà thành.
Suối và sông đều đổ vào biển xanh.

Từ cái nhỏ sẽ làm nên vĩ đại.
Mùa là do nhiều bông mì hợp lại.

* * *
Ừ, áo tôi kể ra không lành lắm,
Nhưng sao tôi cứ phải thuê áo gấm?



VỀ CÁI HAY CỦA SỰ IM LẶNG
           
TRUYỆN

   Tôi từng nghe một người thông minh nói:
   "Không ai tự khoe cái ngu dốt của mình lộ liễu như người lên tiếng nói khi người khác nói chưa xong."
               Mỗi lời nói có kết thúc, bắt đầu.
               Làm thế nào để không ngắt lời nhau.

               Người thật sự thông minh, hiểu biết
               Chỉ lên tiếng khi mọi người nói hết.


* * *
Có kinh nghiệm, người già luôn cẩn thận,
Thường quen nói chỉ những lời chín chắn.

Hãy lựa lời, hãy suy nghĩ trước sau,
Nghĩ chưa xong, chưa nên vội bắt đầu.

Nếu đã nói, đừng nói dài, mà bạn
Phải biết im trước khi người nghe chán.


* * *
Nên suy nghĩ kỹ càng, đừng nói ngay.
Đừng xây nhà khi nền móng chưa xây.


* * *
Vâng, những lời anh nói đúng và hay,
Lại thông minh, ai cũng biết điều này.

Nhưng không nên nhắc nhiều lần ý cũ -
Lời nói đẹp nói một lần là đủ.


* * *
Một anh chàng thích ba hoa, thật tội,
Quyết tâm dạy cho con lừa biết nói,

Bị một nhà thông thái mắng: "Anh kia,
Đừng phí công, đừng đóng vai thằng hề.

Nói làm sao cái con lừa ngu dốt?
Anh học nó mà biết im thì tốt!"
                                 

TRUYỆN
               
“Tôi thích im lặng hơn nói nhiều vì thông thường khi ta nói có thể có đôi câu, từ chưa hay lắm, mà mắt bọn người xấu không thể nhìn thầy gì ngoài cái xấu.”
“Thì vẫn thế, - bạn tôi đáp. - Nếu biết nhìn những cái tốt ở người khác thì chúng đã không còn là người xấu”.
                Người tâm xấu, khi nhìn người, xoi mói
                Chỉ bới móc điều không hay, tội lỗi.

                Cả những điều tốt nhất của người ta,
                Chúng cũng vờ không nhìn thấy, thành ra

                Tôi, Saađi, vốn xưa nay tử tế
                 Không ít đứa xem tôi như chó ghẻ!


* * *
Nói mà không suy nghĩ trước, kỹ càng,
Thì nói sai là việc rất dễ dàng.

Khi đã nói, phải nói hay, nói thẳng.
Không thì thà như con lừa - im lặng.

Khi người già đang nói, dù anh
Có khôn hơn cũng nên làm thinh.


* * *
Người thông minh, chừng nào chưa được hỏi,
Sẽ giữ ý, không bao giờ chịu nói.

Không được mời mà nói, thật đáng thương,
Dù nói hay, người khác vẫn xem thường.


* * *
Người thường xuyên nói thật, bỗng không may
Có lỡ lời - sẽ được bỏ qua ngay.

Kẻ nói dối có lần không nói dối,
Cũng không bắt được ai tin nổi.


* * *
Khi chuyện trò với bạn bè, đừng để
          Lọt tai người ngoài.
Đừng đứng chuyện bên chân tường, có thể
          Là tường có tai.



VỀ TÌNH YÊU VÀ TUỔI TRẺ

TRUYỆN

     Người ta hỏi Khaxan Maimanđi:
     "Vua Mahmud có rất nhiều mỹ nữ xinh đẹp, mỗi người có thể ví với một kỳ quan thế giới. Vì sao không một người nào trong số những người xinh đẹp ấy được ngài yêu quí như Aiaz, là người công bằng mà nói, không chút nổi trội về nhan sắc?"
     Khaxan đáp:
     "Quan niệm về đẹp xấu xuất phát từ tim chứ không phải mắt. Ai yêu người nào thì thấy người ấy đẹp."
                 Người xinh đẹp bị vua chê là xấu,
                                    Thì người thân cũng sẽ coi là xấu.

                 Người được vua yêu quí, đương nhiên,
                 Dù có xấu, vẫn đẹp như tiên.

                 Nhìn Usuf bằng hận thù, ác ý,
                 Ta thấy nàng xấu và đen như quỉ.

                 Ai yêu quỉ, sẽ không chút băn khuăn
                 Xem quỉ tốt và đẹp như thiên thần.
                                    
                                    
                                      TRUYỆN
                  
                         Có một chàng trai trẻ tốt, thông minh
                         Đem lòng yêu một cô gái rất xinh.

Không hiểu sao một lần đi đâu đó
Hai người rơi xuống biển xanh sóng vỗ.

Có một người đánh cá đến, chìa tay
Đang định vớt chàng lên thì anh này

Vội lắc đầu: “Xin nhờ ông trước hết
Nhanh chóng cứu người tôi yêu khỏi chết!”

Cô gái kia được cứu sống, có điều
Anh kia chết - một bài học tình yêu.

Tôi, Saađi, về tình yêu tinh tế,
Tôi hiểu hết đến tận cùng, mọi nhẽ.

Đến Madjun mà sống đến ngày nay
Chắc anh ta cũng học ở sách này.


* * *
Xin đừng tin cô nào có một trăm người bạn.
Tâm hồn anh anh trao, rồi cô ta sẽ bán.


* * *
Tôi hỏi đùa một bà già tôi quen
Vì bà này thường thích nhuộm tóc đen:

Bà nhuộm tóc để làm mình thêm trẻ,
Nhưng bà biết chữa sao đôi má xệ?



VỀ TUỔI GIÀ VÀ BẤT LỰC


TRUYỆN

   Một lần nọ, tôi đang ngồi trò chuyện với mấy học giả ở nhà thờ tại Đamat, thì có một người trẻ tuổi bước vào hỏi:
   "Ở đây có ai biết tiếng Ba Tư không?"
   Người ta chỉ vào tôi. Tôi hỏi:
   "Có chuyện gì vậy?"
   "Có ông già một trăm năm mươi tuổi, - người kia đáp. - Ông cụ sắp chết và nói điều gì đấy bằng tiếng Ba Tư chúng tôi không hiểu. Nếu ông chịu khó dịch hộ thì sẽ được thưởng đấy. Có thể ông cụ muốn để lại di chúc”
. Khi tôi đến bên giường bệnh, ông cụ nói:

                 Ở đời này tôi muốn sống mấy giây,
                 Vậy mà trời bắt tôi phải chết..

                 Tôi muốn ăn, muốn hưởng thụ đời này,
                 Người ta bảo không được ăn, chấm hết!

   Tôi dịch lời ông sang tiếng Ả-râp để những người Xiry ở đây hiểu. Họ tỏ ý ngạc nhiên vì sao một người đã sống chừng ấy năm vẫn còn chưa muốn chết.
   "Cụ cảm thấy trong người thế nào?" tôi hỏi người bệnh.
   "Biết trả lời anh thế nào được nhỉ?" ông cụ im lặng một chốc rồi nói tiếp:
                
                 Anh nghĩ xem: người bị nhổ răng sâu,
                 Sẽ nhăn nhó, kêu lên vì đau.

                 Vậy thì sẽ thế nào khi ai đó
                 Không phải răng, mà tâm hồn bị nhổ?

“Cụ hãy vứt khỏi đầu ý nghĩ về cái chết, - tôi an ủi ông già. - Đừng để nỗi ám ảnh về nó xâm chiếm người cụ, vì các nhà triết học Hy Lạp cổ đã rất đúng khi nói: “Đừng nghĩ anh sống lâu cả khi thấy mình rất khỏe, và khi lâm bệnh nặng, đó cũng không là dấu hiệu anh sẽ chết”. Nếu cụ cho phép, tôi sẽ mời thầy thuốc tới chữa bệnh cho cụ. Ông già mở mắt, mỉm cười nhìn tôi rồi nói:

                                    Các thầy thuốc mất công lo chữa chạy
                                    Khi con bệnh chết rồi, không động đậy.

                                    Ông chủ sơn tường nhà đẹp, đủ màu
                                    Khi các tường lún móng, mục từ lâu.

                                    Khi đau ốm, thấy sức mình cạn kiệt
                                    Thì dũng cảm mà đón chờ cái chết.


                                                          TRUYỆN

Thời trẻ, trong đám bạn bè của tôi có một chàng trai rất vui tính, thông minh và yêu đời. Hoàn toàn vô lo, anh ta luôn miệng cười nói và làm nhiều trò ngộ nghĩnh. Bẵng đi một thời gian dài, số phận dun dủi, chúng tôi lại gặp nhau. Lúc này anh ta đã người đứng tuổi, lấy vợ và có con, không phải một mà nhiều con, nhưng trông có vẻ buồn và không thấy đâu sự vui vẻ, vô tư của thời xa xưa. Tôi hỏi:
“Anh sống thế nào? Công việc của anh ổn chứ?”
“Kể từ ngày lấy vợ, có con, như anh thấy, cuộc đời chẳng còn vui vẻ như xưa. Tôi phải từ bỏ bao trò vui nhộn đáng yêu của mình...”
Tôi chỉ biết im lặng đứng nhìn anh ta, và nghĩ:

                                   Người tóc bạc biến mình thành anh hề
Khi vui đùa như chàng trẻ say mê.

Hãy tin tôi, một người già tinh tế:
Những trò ấy hợp cho ai còn trẻ.

Anh lấy vợ, nay có con, trưởng thành,
Vậy hãy vui tuổi ấy của đời anh.



VỀ CÁI LỢI CỦA HỌC HÀNH


TRUYỆN

   Một người giàu nọ có cậu con trai ngu ngốc. Ông ta đưa nó đến gặp một nhà thông thái và nỏi:
   "Nhờ ông dạy dỗ nó hộ. Có thể nó sẽ trở nên thông minh hơn."
Suốt một thời gian dài nhà thông thái cố dạy nó đủ điều nhưng dường như chẳng có kết quả nào. Cuối cùng ông trả nó về cho bố và nói: "Nó không thông minh hơn, chẳng thay đổi chút nào, ngoài việc làm tôi suýt phát điên!"

* * *
Ai thông minh thì từ khi còn nhỏ
Học đến đâu liền hiểu ngay đến đó.

Kẻ ngu si sẽ suốt đời ngu si,
Đừng mất công dạy dỗ, chẳng ích gì.

Dù cho lừa đến Mecca để học,
Thì quay lại, vẫn là lừa ngu ngốc.


* * *
Ngay từ bé mà không chăm học hành
Thì lớn lên chẳng bao giờ hạnh phúc.

Cần uốn cây, phải uốn lúc tươi xanh,
Đừng chờ khi cây đã già, khô mục.


* * *
Dù hiểu biết đủ các ngành khoa học,
Không áp dụng vào đời, anh vẫn ngốc.


* * *
Chở cả đống sách to trên lưng mình,
Lừa cũng không trở thành thông minh.

Và con vật vẫn không phân biệt nổi
Đang chở sách hay đang chở củi.


* * *
Chắc chắn anh sẽ trở thành thằng ngốc
Nếu anh chơi với lũ người vô học.



                             VỀ SỰ TU THÂN


* * *
Chỉ những ai đau khổ quá nhiều
Khi thấy người vui sướng mới không yêu.

Dơi không thích ban ngày, ưa bóng tối,
Nhưng không lẽ mặt trời có lỗi?


* * *
Là con cháu của Ađam, chúng ta
Đều được làm từ đất sét mà ra.

Nếu một người không gặp may, đau khổ,
Thì mọi người phải đau chung điều đó.

Anh thờ ơ với người khác, với đời,
Sao có thể gọi anh là người?


* * *
Bạn không phải là người anh thành công
Kéo đến ăn và uống rất đông.

Bạn là ai khi anh buồn, thất bại,
Tìm đến giúp, nói những lời thân ái.


* * *
Vâng thì lừa không thông minh, vẻ vang,
Nhưng đáng khen vì nó biết thồ hàng.

Lừa chăm chỉ làm ra tiền, ra bạc
Còn đáng quí hơn người mà biếng nhác.


* * *
Gặp vận may, họ có chức, có tiền,
Các bạn bè nghèo đói họ liền quên.

Nhưng lỡ vận, gặp điều buồn thì họ
Lại tìm đến để trút bầu đau khổ.


* * *
Chúng tôi ăn để mà sống vì đời.
Anh thì sống để mà ăn và chơi.


* * *
Là việc tốt khi ta thăm bè bạn,
Nhưng không quá thường xuyên thành nhàm chán.


* * *
Luôn công tâm, nghiêm khắc tự trách mình,
Thì mọi người sẽ đỡ trách anh.


* * *
Đừng nhờ vả những người luôn cau có.
Anh sẽ chỉ buồn thêm khi gặp họ.

Nỗi lòng anh chỉ nên nói với người
Có thể làm anh vui bằng nụ cười.


* * *
Từ khi biết thế nào là nọc rắn,
Tôi bao giờ cũng đề phòng cẩn thận.

Đáng sợ hơn cả rắn độc là ai
Xấu bên trong mà vờ tốt bên ngoài.


* * *
Chỉ những người chưa bao giờ đi xa
Mới không cho khách trọ vào nhà.


* * *
Kể từ ngày bố anh chết, vì sao
Anh là con, chưa viếng mộ lần nào?

Anh đối xử với bố anh tệ bạc,
Thì đừng mong con anh sau sẽ khác.


* * *
Một bà mẹ nói một câu thâm thúy
Với người con khỏe, tài nhưng ích kỷ:

"Con bây giờ không còn nhớ, tiếc sao,
Rằng ngày xưa con gầy yếu thế nào.

Nếu không, con chẳng làm đau lòng mẹ
Từng vất vả nuôi con khôn lớn thế".


* * *
Không phải ai tài giỏi cung tên
Có thể bắn qua lỗ đồng tiền

Đều dũng cảm khi gặp thù, có thể
Kịp dương cung và tên tự vệ.


* * *
Anh dung túng, anh yêu thằng giả dối.
Hắn làm hại nước nhà - anh có lỗi!


* * *
Với ai quen dịu dàng, đừng nóng tinh.
Đừng nói to với người ưa yên tĩnh.

Phải làm sao vừa cứng lại vừa mềm,
Như con dao thầy thuôc mổ mà êm.

Luôn nhẹ nhàng là điều không tốt.
Luôn nghiêm khắc cũng là điều dại dột.


* * *
Xin đừng tin người nào quen nịnh hót,
Luôn khen anh mong kiếm lợi cho mình:

Chỉ một lần anh không chiều ý hắn,
Hắn sẽ tìm trăm cái xấu trong anh.


* * *
Khi bụng đói, ăn cơm no, sẽ chán,
Nhưng mắt tham nhìn vàng không thỏa mãn.


* * *
Khi tôi nghe một thằng ngu tục tĩu
Cãi, cứ bắt người thông minh phải chịu,

Tôi cứ nghĩ về tiếng trống bên đường
Và tiếng đàn trong phòng khách du dương.


* * *
Muốn khỏi bệnh, anh chỉ còn một cách
Là chìa tay cho người ta bắt mạch.


* * *
Con chó anh, anh có đánh, xua đi,
Nó cũng không quên anh nuôi nó.

Còn thằng đểu, anh cho ăn suốt đời,
Rất có thể đánh anh vì chuyện nhỏ.


* * *
Con chim khôn sẽ không chui vào bẫy
Khi thấy con chim khác trong lồng.

Thấy gương buồn, anh phải tránh, nếu không
Anh sẽ trở thành gương cho người khác.


* * *
Thà cứ buồn để rồi vui còn hơn
Vui say sưa, sau đó lại thấy buồn.


* * *
Cả khi anh không ưa tôi giáo huấn,
Tôi cũng khuyên: dù sao nên cẩn thận.    
                    

* * *
Muốn tới đích sớm hơn - đừng nên vội.
Hãy nhớ điều những người già đã nói.

Ngựa phải nghỉ chỉ sau một chặng đường,
Lạc đà đi cả tháng vẫn bình thường.


* * *
Một lần nọ tôi gặp một ông già
Sống tách biệt trong hang núi rất xa.

Tôi hỏi ông: "Sao không về thành phố,
Nơi đông đúc, ông muốn gì cũng có?

Cớ gì ông tự đày đọa nơi này?
Thành phố đẹp, đông người, vui hơn đây..."

"Vâng, ở đấy nhiều đàn bà, - ông đáp. -
Nhiều cả rượu và bùn nhơ nhớp nháp."


* * *
Là con cháu của Ađam, chúng ta
Đều được làm từ bụi đất mà ra.

Một bộ phận trên người đau, tất cả
Sẽ cùng đau, không có gì đáng lạ.

Vậy một khi anh hờ hững với đời,
Sao có thể gọi anh là người?


* * *
Một hoàng tử được vua gửi tới trường
Cùng quà tặng là chiếc bảng khác thường,

Có dòng chữ khảm bằng vàng đẹp đẽ:
"Roi của thầy hơn tình yêu bố mẹ."


* * *
Cao lương mỹ vị, người no
Nhai như bò nhá cỏ khô.

Ăn gì cũng ngon, người đói
Sướng hơn người no gấp bội.


* * *




                            ĐOẠN KẾT

Cuốn sách này giáo huấn, tốn nhiều công,
Nhưng cuối cùng tôi cũng đã viết xong.

Có thể bạn bảo bình thường, vô ích,
Biết làm sao, tôi là người viết sách.

Đừng quá nghiêm khi chê nó; và rồi
Hãy rộng lòng cầu thượng đế cho tôi.

Thích thì đọc và làm theo tất cả.
Đừng quên tôi, Saađi, tác giả.

No comments:

Post a Comment