Thursday, March 19, 2015

THƠ HAIKU NHẬT BẢN




ĐÔI LỜI CỦA NGƯỜI DỊCH

Haiku là thể thơ ngắn độc đáo của Nhật Bản. Mỗi bài chỉ 17 âm tiết, chia thành ba phần, người Nhật viết liền một dòng nhưng khi dịch ra tiếng nước ngoài được ngắt thành ba câu. Vì chưa quen, người đọc lần đầu có thể hơi ngỡ ngàng, tuy nhiên, đọc kỹ và suy ngẫm, ta sẽ thấy thơ Haiku thật tinh tế. Mỗi bài, thường là một bức tranh phong cảnh nhỏ, một tâm trạng thoáng qua nhưng gợi cho ta nhiều điều. Nội dung và triết lý thơ Haiku không nằm ở câu chữ mà ở sự tưởng tượng của chính người đọc.
            Thơ Haiku thật kỳ lạ. Ngắn và giản dị. Nhiều khi không nói gì hoặc nói điều chẳng đâu vào đâu, thậm chí tưởng như “ngớ ngẩn”. Thế mà càng đọc, (trong trường hợp của tôi là càng dịch), ta cứ bị cuốn hút bởi sự “không có gì” và “ngớ ngẩn” đó. Tôi có cảm giác người Nhật viết Haiku không phải để truyền tải ý, mà hình ảnh, những hình ảnh chấm phá giản dị. Hình như cũng không có ý định nói điều gì to tát về triết lý hoặc tình cảm như ta thường thấy ở các dòng thơ khác. Có lẽ vì thế mà người đọc phải quen dần để cảm nhận và yêu. Trên thế giới có rất nhiều người yêu và bắt chước viết thơ Haiku Nhật Bản. Hầu như nước nào cũng có Hội những người yêu thích loại thơ này. Thậm chí còn có trường dạy cả cách viết Haiku.
            Bản thân tôi cũng phải trải qua một thời gian khá dài mới làm quen được. Cụ thể hơn 30 năm kể từ ngày tôi lần đầu tò mò tìm hiểu thơ cổ Nhật Bản, và đã dịch một ít, dịch có thêm vần, mà chỉ loại thơ năm câu (tanca) trong tập Manyoshu đồ sộ. Giờ thì tôi yêu, và kết quả của tình yêu đó là tập Thơ Haiku Nhật Bản lần này.
            Đầu tiên phải nhắc đến ba cây đại thụ của thơ Haiku Nhật. Đó là Matsuo BASHO, Yasa BUSON và Kobayashi ISSA. Mỗi vị tôi dịch khoảng trên dưới nghìn bài. Riêng Basho tôi có hai bản dịch khác nhau, từ hai nguồn khác nhau.          
Ngoài ba đại thụ nói trên, trong tập này tôi dịch một lượng khá lớn thơ khất thực và thơ thiền của Taneda SANTOKA, một trong những nhà thơ Nhật hiện đại được ưa thích nhất hiện nay, cũng như một số nhà thơ Haiku tiêu biểu khác.
            Dưới đấy xin trích giới thiệu với độc giả Văn Học Nước Ngoài một số trong 3500 bài Haiku của cuốn sách đang chờ xuất bản này.
Thái Bá Tân
___________________

Matsuo BASHO

Matsuo Bashō (1644-1694), nhà thơ thiền lỗi lạc thời Edo, tên thật là Matsuo Munefusa, là con trai út thứ bảy của một samurai cấp thấp phục vụ cho lãnh chúa thành Ueno, một tòa thành nằm giữa con đường đi từ Kyoto đến Ise. Mùa xuân năm 1679 Matsuo Bashō được phong tước hiệu Sosho (bậc thầy dạy thơ Haikai). Năm sau ông dời đến một túp lều bên sông Sumida. Cũng trong những năm này, ông tu tập thiền đạo với một thiền sư tại một ngôi chùa địa phương.
Năm 1682 Bashō am bị cháy, ông dời về Koshu và từ đó lấy bút hiệu là Bashō (Ba Tiêu). Năm sau ông trở về Edo và dựng lại "ba tiêu am". Bắt đầu từ đây, định mệnh thơ haikai rơi vào tay của Bashō: ông đã sáng tạo ra một phong cách mới là Shōfu (Tiêu Phong, ẩn ý về đời người nghệ sĩ như những tàu lá ba tiêu bị xé tan trong gió những đêm giông bão), một phong cách dung hợp giữa sự trào lộng đời thường của haikai đương thời với yếu tố tao nhã tâm linh của thể thơ renga (liên ca) cổ điển. Ông cũng dần hoàn thiện một loại thơ ngắn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 từ những câu đầu (hokku) của thể thơ renga và thể thơ cực ngắn ấy về sau được mọi người biết đến với cái tên đã trở thành bất hủ - haiku.
Trong đời mình Basho đã thực hiện nhiều chuyến hành hương dài khắp nước Nhật và đến năm 1693, ông quyết định đóng cửa sống trong cô tịch, không tiếp khách. Người ta nói cánh cửa nhà ông chỉ mở ra khi có một biến cố lớn, như hoa triêu nhan nở bên hàng dậu chẳng hạn. Trong thời gian này, cuộc đời và thơ ca của ông hướng đến một lý tưởng gọi là karumi, tức sự nhẹ nhàng thanh thoát tìm thấy ngay giữa cuộc đời ô trọc.(Theo Wikipedia).

1
Con quạ
Ngồi trên cành cây khô
Chiều thu.

2
Người thợ đập đá
Ngồi nghỉ bên dàn hoa bìm bìm
Cuộc đời này thật buồn.

3         
Con ếch
Nhảy xuống ao tù
Tiếng nước té.

4                     
Làng này, vùng núi này
Nơi không ai lui tới
Sẽ rất buồn nếu không buồn.

6
Nước thủy triều nông
Chân sếu ẩm ướt
Vì hơi lạnh từ biển.
           
9
Đã mùa thu
Có lý do để già
Đám mây và con chim.

12
Trăng
Một nhà sư
Mang trăng đi qua bãi cát.

14
Biển xanh
Sóng vỡ có mùi rượu gạo
Trăng sáng đêm nay.

15
Trong thảm hoa màu trắng
Đêm
Chuyển thành ngày.

16
Người ta buồn vì vượn khóc
Trẻ khóc thì sao?
Gió thu.

19
Không hóa thành bướm
Mùa thu
Đang chín dần, thành mồi cho sâu.

20
Sắp thu
Càng muốn ngồi
Trong căn phòng trải bốn chiếu.

22
Thủy triều dâng
Con sếu bước trên đôi chân ngắn
Nước quá gối.

23
Đêm trăng lặng yên
Có thể nghe trong tán lá
Tiếng sâu ăn hạt dẻ.

26
Khóm liễu ngủ mơ màng
Tôi cứ nghĩ họa mi
Là linh hồn của nó.

28
Những cánh hoa dưa
Rơi thành tiếng xuống đất
Hoa lãng quên?

37
Uống trà sáng
Nhà sư
Lặng im như hoa cúc.

39
Đêm thu, mưa
Nước chảy thành dòng trên lá chuối
Tôi ngồi nghe tiếng đêm.

41
Trong chuồng bò
Muỗi kêu o o
Làm đen thêm cái nóng.

42
Trên đường này
Một mình không bạn
Đêm thu.

45
Hoa cúc thơm, trong vườn
Chiếc dép mòn
Trơ đế vẹt.

46
Lơ đãng
Nghe lời đưa tiễn
Nhớ mùa thu ở Kisô

53
Im lặng mênh mông
Càng im lặng bởi tiếng dế
Tắt dần phía đền Núi Đá.

54
Trong mơ, gió xuân thổi
Cánh hoa bay tả tơi
Tỉnh dậy còn nghe tiếng rơi. 

58
Chiếc lưỡi lửa yếu ớt
Dầu lắng tận đáy đèn
Buồn sao!

61
Hoa tàn
Hạt rơi xuống đất
Như những giọt nước mắt.

62
Đông hay Tây
Đều đau khổ đời này
Dửng dưng gió thổi.

63
Trung Thu
Dạo nhiều vòng quanh hồ
Toàn đêm đen quanh hồ.

66
Đêm, chiếc bình vỡ
Nước trong bình đóng băng
Chợt tỉnh.

67
Trăng, hay trời đã sáng?
Sống lười, theo ý mình
Thế là đã hết năm.

71
Chiếc tổ cò ngả nghiêng trên cây
Phía dưới, nơi không có gió
Anh đào nở hoa thản nhiên.

72
Ngôi nhà không có đàn bà
Cả bông hoa trắng trên bờ dậu
Cũng làm tôi ớn lạnh.

74
Có phải gió
Thổi mạnh làm gãy cành thông?
Tiếng nước té thật mát.

75
Dòng suối trong
Con cua nhỏ
Theo chân tôi bò lên.

76
Đời quả xấu xa
Nhưng chừng nào có anh ở đời
Tôi còn bị đời lôi cuốn.                      

77       
Hồn bay theo trăng
Sáng ngời trên núi
Để xác tôi trong bóng tối.

78                               
Đừng xem đời là quán trọ
Khi anh, như tôi
Muốn được ngủ đêm nay trong quán trọ.    

80
Bỏ phí cuộc đời
Là người
Không bỏ phí cái gì.
                                                                       
82
Chỉ tiếng nước làm bạn
Căn lều cô đơn
Như chỗ lặng giữa hai đợt sóng.                                                      

85
Trăng tròn
Bảy bài hát dài của người đàn bà
Hướng về phía biển.

94
Cuối xuân, chim buồn
Cá khóc
Mắt đầy lệ.

98
Yên tĩnh
Tiếng dế kêu
Thấm từng kẽ đá.                  
           
102
Trên chuông đại nhà chùa
Con bướm đêm
Co mình, ngủ.
                                   
104
Trăng
Chiếu xiên rặng tre
Chim cu kêu.

107
Chuông chùa tắt
Hương hoa đêm
Làm chuông ngân thêm.

113
Tôi đi
Anh ở lại
Hai mùa thu.

123
Dẫu còn yếu gầy
Vô cớ
Bụi cúc đâm bông.

127
Ốm
Ngồi nhai tảo khô
Cát giữa hai hàm răng.

135
Mọi người ngày một già
Đám thanh niên Êbisu
Còn làm họ già thêm.

153
Mặt trời ngày đông
Bóng tôi đóng băng
Trên lưng ngựa.


                        Yosa BUSON

            Yosa Buson tên thật là Taniguchi Buson, sinh năm 1716 ở làng Kema, tỉnh Settsu, ngoại ô thành Osaka, mất ngày 25 tháng 12 năm 1784, là thi sĩ và họa sĩ người Nhật trong thời kỳ Edo. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, năm 1737, ông đến thành Edo học vẽ và làm thơ theo Basho . Năm 1772, Buson ra mắt tập thơ đầu tiên . Người ta biết đến ông chủ yếu như một họa sĩ, và do là họa sĩ, thơ ông nhiều hình ảnh với những nét chấm phá độc đáo. Có thể ví ông như Vương Duy của Tung Quốc đời Đường. Cùng Matsuo BashōKobayashi Issa, Buson được xem là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Nhật Bản thời kỳ Edo

1
Bài thơ đầu năm viết xong...
Nhà thơ Haiku
Tự hài lòng.

2
Ngày dài hơn...
Đâu đó phía cầu
Con gà lôi vỗ cánh.

3
Ngày cứ dài thêm
Bâng khuâng nhớ lại
Những ngày xa xưa.

4
Chầm chậm, ngày tắt dần...
Để lại tiếng vọng
Trong góc nhỏ Kyôtô này.

5
Thầy tế ngủ gật...
Ống tay áo trăng trắng
Giữa hoàng hôn mùa xuân.

6
Trong căn lều nhỏ của tôi
Không cúng Phật nến và hoa...
Giờ hoàng hôn, tôi thấy buồn và sợ.

7
Ngủ trưa một chốc
Tỉnh dậy
Đã xế chiều.

8
Cho ai
Chiếc gối kia trên sàn
Giữa hoàng hôn mùa xuân?

9
Cánh cửa lớn ngoài cổng
Trầm tư
Giữa hoàng hôn mùa xuân.

10
Trăng mờ khói...
Ai đó
Đang đứng giữa vườn lê.

11
Cây lê nở hoa
Sang sáng dưới ánh trăng...
Một người đàn bà đọc thư.

12
Mưa xuân...
Gần như tối hẳn
Nhưng ngày chưa tắt.

13
Con sò nhỏ trên bãi biển...
Mưa xuân
Đủ để làm ướt nó.

14
Mưa xuân rơi...
Quả bóng trên mái nhà
Ướt như áo đứa trẻ.

15
Chọn lúc yên tĩnh
Và vắng người
Cây mẫu đơn nở hoa.

16
Cánh hoa mẫu đơn rụng
Chồng lên nhau...
Hai ba cánh một chỗ.

17
Mưa tháng Năm...
Các ngôi nhà nhìn ra sông...
Chính xác là hai.

18
Qua cầu...
Tay xách dép
Thật dễ chịu.

22
Con chim cu
Bay chéo
Qua kinh thành Hêian.

23
Giếng cổ...
Vang lên trong đêm
Tiếng con cá đớp muỗi.

27
Tự nhiên buồn
Khi leo lên đồi...
Hồng dại nở hoa.

28
Đêm hè quá ngắn...
Mảnh trăng gầy
Soi bãi nước nông bên sông.

29
Phòng người vợ đã chết...
Tôi lặng người khi vô tình
Dẫm lên chiếc lược của nàng.

30
Hơn cả năm ngoái
Giờ tôi thấy cô đơn..
Hoàng hôn mùa thu.

31
Được ở một mình
Giữa chiều hoang hôn
Cũng là hạnh phúc.

32
Cao trên trời
Trăng sáng đi qua
Con phố nghèo nàn này.

33
Tung dây câu
Gió thu thổi bay...
Cái cảm giác buồn buồn khó tả.

36
Mùa đông, nửa đêm...
Ai đó cưa gỗ
Tiếng cưa hình như cùn.

37
Chiếc dép cỏ
Lềnh bềnh dưới ao tù...
Tuyết nhẹ rơi.

42
Ngỗng bay thành hàng...
Trăng chấm dấu tròn
Bên lề bầu trời.

44
Gió thu, bên bờ biển...
Cá nhỏ phơi thành dây
Từ mái hiên.

46
Ừ, có lẽ
Mùa thu đã đến...
Tôi hắt hơi.

52
Buổi chiều, gió...
Nước
Vỗ vào chân con diệc.

53
Cao trên trời
Ngỗng bay như xếp chữ...
Trăng đóng dấu bên cạnh.

55
Qua đồng hoang...
Tôi cứ nghĩ
Như có ai đang đi sau tôi.

59
Rạng sáng...
Không bị chim cốc bắt
Con cá bơi trong vũng nước nông.

60
Trăng ngả về Tây
Bóng hoa
Đổ về Đông.

63
Cơn gió lạnh
Nhuộm trắng
Bầy chim bên hồ nước.

68
Mùa đông, lạnh...
Đắp chăn lên đầu
Hay chân?

69
Bị hạt mưa rơi trúng
Con sên
Vội khép vỏ.

70
Trong ao tù
Con ếch già thêm
Mỗi lần lá rụng.

71
Ngừng ngủ, ngừng bay
Con bướm nhỏ
Đậu lên chuông đại nhà chùa.

74
Cỏ dính sương mù
Nước lặng...
Tối rồi.

75
Dưới mưa mùa hè
Lối đi nhỏ
Mờ dần.

77
Trời mát...
Âm thanh tiếng chuông
Thong thả rời khỏi chuông.

78
Những lá cỏ non...
Tiếng thác nước
Nghe vừa xa vừa gần.

79
Con bướm trên tay tôi...
Nhẹ như không khí
Như không có gì.

80
Khi hoa anh đào rụng hết
Ngôi chùa trơ
Sau những cành lá trụi.

82

Thắp nến
Bằng lửa từ cây nến khác...
Đêm xuân.

88
Trăng trắng
Mỗi giọt sương
Trên ngọn gai.

97
Gió thổi từ phía Tây
Lá rụng
Dạt sang phía Đông.


                       
                          Kobayashi ISSA
          
            Kobayashi ISSA (1763 - 1827) là một trong ba nhà thơ chuyên viết Haiku lớn nhất Nhật Bản (cùng Bashô và Busôn). Lúc sinh ông có tên là Kôbayashi Nôbuyuki, con trai một gia đình nông dân ở tỉnh Naganô ngày nay. Cuộc đời ông đầy trắc trở, khi chếtđể lại một di sản thơ khổng lồ gồm hơn 20.000 bài Haiku, rất được độc giả, cả xưa lẫn nay, mến mộ. Khác với Bushô khắc khổ và Busôn triết lý, thơ ISSA đầy tính nội tâm và trắc ẩn, thường đi sâu và từng chi tiết nhỏ của cuộc sống. Bất chấp đời riêng đầy khó khăn, thơ ông trong sáng và hường sử dụng nhiều lối nói nông thôn giản dị.


1
Con sên nhỏ
Hãy leo lên đỉnh Phú Sĩ
Nhưng chậm thôi, chậm thôi.

2
Tôi chạm nhẹ nhàng
Vào mọi cái
Thế mà luôn bị gai châm.

3
Yên tĩnh...
Sâu dưới đáy hồ
Một núi mây.

5
Cả những giọt sương long lanh
Cũng có
Giọt lớn, giọt bé.

6
Tốt hay xấu, luôn tin vào Phật...
Tôi chia tay
Với năm sắp hết.

8
Bóng dây bầu
Chậm chạp bò
Trên thảm cói.

10
Với tay lấy chiếc gối...
Năm đã hết
Hay chưa hết?

11
Cả thế giới đầy sương
Một thế giới đầy sương, đúng thế
Tuy nhiên...

21
Đầu xuân...
Nhà sư
Giả vờ ngủ.

22
Thật tuyệt
Tia nắng sớm đầu xuân
Trong ngôi nhà nơi tôi sinh.

24
Xuân đến
Như từng đến
Cả nghìn vạn năm nay.

25
Mồng một Tết...
Mặt trời chiếu nghiêng
Trên nhà kho hàng xóm.

27
Bầu trời đầu năm...
Nếu không mưa
Mai lại lên đường.

30
Ngày xuân yên bình...
Ông sư trên núi
Nhìn trộm qua hàng rào.

41
Ai kia
Trong sương mù
Vừa đi vừa hát?

42
Hôm nay, cả hôm nay
Chìm trong sương mù...
Ngôi nhà nhỏ.

43
Những tấm bia mộ
Không già hơn
Trong ngày sương mù.

45
Ngày đầy sương...
Cây thông đứng buồn
Sau quán trọ.

56
Con chó mẹ
Nhúng chân đo độ sâu...
Tuyết tan.

59
Ai kia đang đứng
Sau tán lá xanh...
Bầy quạ bay trên vũng nước nông.

60
Gió thổi, mây bay...
Những đám cháy trên đồng
Mang hoàng hôn đến.

61
Khi cây thông non này
Lớn lên, nở hoa
Ai sẽ ở đây?

66
Con gà lôi
Nhón chân
Nhìn tôi.

69
Đàn ngỗng vừa bay vừa kêu
Để lại nước Nhật
Rất xa phía sau.

71
Con ngỗng
Nhón chân -
Nên bay hay chưa?

72
Ao cũ
Mời thầy Bashô đi trước
Con ếch nhảy xuống nước.

74
Màu xanh nhạt
Con ếch lắm lời
Nhảy lên lá sen...

83
Cây mận đỏ ra hoa...
Con chó mới tắm
Sưởi nắng bên thềm.

88
Thật thà mà nói
Tôi thích bánh bao
Hơn hoa mận.

97
Thiếu anh
Rừng anh đào
Mới rộng làm sao.

98
Từ ngày thầy tôi chết
Hoa anh đào
Trở nên bình thường.

101
Bên phải - trăng
Bên trái - nước...
Cây liễu giữa đêm đen.

103
Đêm hè
Trăng bên sông
Như lát bánh cắt.

106
Mưa tháng Năm...
Đêm, trên nương lúa
Có tiếng người nói chuyện.

125
Hát khẽ thôi
Chim cu...
Nhà võ sĩ đạo đang ngồi bên.

126
Khi ngón tay bình minh
Khẽ chạm vào cây liễu
Chim cu kêu.

127
Giữa trưa...
Bầy muỗi
Nấp sau lưng tượng Phật.

128
Những cánh hoa mẫu đơn
Rơi ngổn ngang...
Chiếc chổi quét.

140
Bị sờ nắn, chèn ép
Nấm ở Êđô
Chuyển sang màu đỏ.

145
Nhìn núi
Nhìn biển...
Chiều thu.

146
Trong giỏ
Cua đạp lên nhau...
Đêm thu.

964
Tôi ngồi so
Bàn tay nhăn nheo với quả mận muối...
Cơn mưa đông đầu mùa.

977
Có cái gì cổ xưa
Trong làn khói đang bay...
Đã mùa xuân.

982
Cổng sau
Tự mở...
Một ngày dài.

983
Theo cách nghĩ
Của cú mèo
Ngày nào cũng dài.

1008
Ở đâu có người
Ở đấy có ruồi
Và Phật.

Taneda SANTOKA
            Taneda Santōka, tên khai sinh là Taneda Shōichi, sinh ngày 3 tháng Mười Hai năm 1882 và mất ngày 11 tháng Mười năm 1940. Năm 1902, ông vào học khoa văn  trường Đại học tổng hợp Waseda, Tôkyo. Ở đây, ông bắt đầu nghiện rượu và bỏ học năm 1904. Năm 1911 ông bắt đầu  dịch và in các tác phẩm của Ivan Turgenev  Guy de Maupassant trên tạp chí văn học Seinen với bút danh Santôka (Lửa trên đỉnh núi). Cũng năm ấy ông gia nhập nhóm các nhà thơ haiku nơi mình sống.
Cuộc đời Santôka đầy trắc trở với việc làm và gia đình, chủ yếu vì tật nghiện rượu của ông. Ông còn bị nhà chức trách bắt giam một thời gian vì nghi là cộng sản. Năm 1924, đang lúc say bí tỉ, ông nhảy vào tàu hỏa, chắc với ý định tự tử, nhưng người lái tàu kịp dừng trong gang tấc. Sau đó ông được người ta đưa vào chùa Hôon-ji, nơi nhà sư trụ rì cho gia nhập Hội Thiền Huynh Đệ.
Năm 1926, ông lên đường thực hiện chuyến đi đầu tiên trong nhiều chuyến hành hương khất thực của mình kéo dài tới ba năm. Ông mặc áo cà-sa, độ mũ tre rộng vành che nắng và tay cầm chiếc bát xin ăn dọc đường. Đó là một phần quan trọng trong cách tu hành của các nhà sư Nhật Bản thời ấy. Qua các bài haiku và những đoạn nhật ký ông viết lúc đi khất thực, người đọc biết ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, đôi khi cả sự khinh bỉ của người đời. Năm 1936, ông bắt đầu chuyến đi theo lộ trình của nhà thơ haiku vĩ đại Bashô (1644 – 1694) và chỉ quay về sau tám tháng một mình lang thang xin ăn khắp nước. Cuối cùng ông vào sống trong một ngôi chùa nhỏ gần thành phố Matsuyama và qua đời khi đang ngủ, ngày 10 tháng 10 năm 1940, để lại bảy tập thơ haiku nổi tiếng được viết theo thể tự do không niêm luật.     
1
Trời không mây
Nhìn qua cốc rượu mạnh
Trời thật sâu.

3
Vợ chồng cãi nhau
Đêm
Con nhện treo ngược.

4
Đường phố thật yên tĩnh
Một hố lớn
Đào trên bề mặt.

7
Mặt trời chói chang
Chân bước đi
Miệng xin ăn..

9
Cơ thể này
Còn sống
Tôi gãi nó.

10
Phản chiếu
Dưới nước
Một người đi trên đường.

12
Đường chạy thẳng
Về phía trước
Tôi bước một mình.

13
Để con chuồn chuồn
Đậu lên mũ
Tôi đi tiếp.

14
Tôi tiếp tục đi
Hoa huệ
Tiếp tục nở.

15
Tôi trượt
Ngã sầy chân
Núi vẫn lặng im.

16
Chân sầy trợt
Con chuồn chuồn
Đậu lên.

23
Chiếc áo nhà sư của tôi
Rách thế này đây...
Những hạt cỏ.

24
Say mèm
Tôi ngủ
Cùng những con dế.

25
Ấm. Ai đó
Đắp chiếc chiếu
Lên người tôi.

32       
Trong phòng tắm
Đàn ông và đàn bà cãi nhau
Về các bức ngăn.

40
Không còn nhà nào nữa
Để gõ cửa xin ăn...
Mây trên núi.

43
Trời không mưa
Cũng chẳng sao...
Nhưng trời mưa.

44
Nền đất lạnh, rất lạnh
Kệ
Tôi cứ giao thân tôi cho nó.

45
Tâm trạng ủ ê...
Thì gột cái ủ ê ấy
Bằng nước tắm.

52
Nấu một mình
Ăn một mình
Bát canh Năm Mới.

57
Mình tôi
Nhóm lửa
Cho mình tôi.

58
Trời mưa...
Người đàn bà trên gác
Huýt sáo một mình.

59
Mây lạnh
Không hiểu sao
Cứ bay đi vội vã.

60
Đi giữa trời mưa phùn...
Phía sau
Trông mình thế nào nhỉ?

62
Mưa đá
Rơi gần đầy chiếc bát
Tôi dùng để xin ăn.

70
Lủi thủi đi
Giữa đường núi
Lủi thủi nói chuyện một mình.

75
Nước in bóng cây
Và bóng mây...
Con mèo chết trôi qua.

76
Đâu đó
Trong đầu tôi
Con quạ đang kêu.

84
Cả kiến
Cũng đi bộ
Suốt ngày trên núi.

100
Suy cho cùng
Một mình là tốt nhất...
Cỏ dại.

102
Một ngày trời ấm
Hơn thế
Trên tay có cái ăn.

114
Chẳng còn gì nữa
Ngoài cái chết...
Núi lờ mờ trong sương.

122
Không muốn chết
Không muốn sống...
Gió thổi trên đầu.

133
Một cây ngã
Chắn đường...
Thì ngồi lên nó.

134
Cây măng
Đang dần trở thành cây tre...
Thế là tử tế.

143
Cú mèo theo cách cú mèo
Tôi theo cách tôi
Không ngủ được.

Thái Bá Tân
Dịch từ tiếng Anh

No comments:

Post a Comment