Tuesday, March 24, 2015

SÁU PHÁP BA LA MẬT



Ba La Mật, tiếng Phạn
Là Pu-ra-mi-ta,
Gồm có sáu pháp chính
Của những người xuất gia.

Ba La Mật có nghĩa
Là vượt qua sông Mê.
Một quá trình tu dưỡng
Giúp phát tâm Bồ Đề.

Đây là Bồ Tát đạo,
Trước, giải thoát cho mình,
Còn gọi là tự độ,
Sau, cứu giúp chúng sinh.

Sáu pháp Ba La Mật:
Một, Bố Thí giúp người.
Hai, Trì Giới, giữ luật.
Ba, Kiên Nhẫn ở đời.

Bốn, rèn luyện Tinh Tấn.
Năm, Thiền Định hàng ngày.
Sáu, chăm lo Trí Tuệ
Để bát Tuệ luôn đầy.

1
BỐ THÍ

Bố thí có ba loại.
Tài thí là loại đầu,
Tức bố thí tiền bạc.
Pháp thí là loại sau.

Pháp thí đem chân lý
Của Phật đến cho người.
Dạy Từ Bi Hỷ Xả
Để sống tốt ở đời.

Vô úy là bố thí
Niềm vui và lời khuyên,
Để người khác an lạc,
Thoát khỏi nỗi buồn phiền.

Bố thí có ba bậc,
Tùy đức độ từng người,
Là Hạ, Trung và Thượng.
Tất cả nhằm giúp đời.

Hạ, bố thí cơm nước,
Quần áo cũ, dầu đèn.
Trung, bố thí nhà cửa,
Vàng bạc và thuốc men.

Thượng, bố thí cao nhất,
Của các bậc thánh linh,
Sẵn sàng đem bố thí
Đầu, mắt, chân tay mình.

Xét theo luật nhân quả,
Bố thí nghĩa là cho,
Nhưng cũng nghĩa là nhận
Cái ngày xưa mình cho.

Người nhận của bố thí
Là người có phước lành,
Giờ khó khăn, nhận lại
Cái đức xưa của mình.

Tương tự, người bố thí
Đang tu đức này nay
Bằng cách giúp người khác,
Để được giúp sau này.

2
TRÌ GIỚI

Để Thân, Khẩu và Ý
Tránh được điều không hay,
Không làm điều bất thiện,
Phải trì giới hàng ngày.

Tức là luôn tâm niệm
Để ghi nhớ trong lòng,
Không phạm năm điều cấm,
Trong ý nghĩ cũng không.

Một, là không nói dối.
Hai, là không sát sinh.
Ba, không được trộm cắp,
Lấy cái không của mình.

Bốn, là không uống rượu.
Năm, không được tà dâm.
Giữ được năm giới ấy,
Sẽ thanh thản cõi tâm.

Trì giới phải tự nguyện,
Không để khoe với đời.
Liên tục và kiên nhẫn,
Không một phút buông lơi.

3
NHẪN NHỤC

Nhẫn nhục là đức tính
Cần thiết cho con người
Để được sống thanh thản
Và thành đạt trong đời.

Nhẫn nhục có ba cấp.
Thân nhẫn là cấp đầu.
Nhẫn nhục chịu mưa gió,
Đói khát và buồn đau.

Khẩu nhẫn là cấp tiếp.
Nhẫn nhục nén trong lòng,
Không nói lời than trách,
Cả khi chịu bất công.

Quan trọng và cao nhất
Là Ý nhẫn, là khi
Tâm ý không thù hận,
Không để bụng điều gì.

Khi đạt được Ý nhẫn,
Lòng an lạc, yên bình.
Tham Sân Si tự biến,
Thoát được vòng vô minh.

4
TINH TẤN

Theo nghĩa thông dụng nhất,
Tinh tấn là chuyên cần,
Quyết tâm và cố gắng
Để vượt mọi khó khăn

Đời thường đầy cám dỗ,
Vất vả đủ trăm điều.
Người tu hành còn khổ
Và vất vả hơn nhiều.

Vì thế phải tinh tấn,
Phải luôn nhắc nhở mình,
Để vượt qua cám dỗ,
Thoát khỏi vòng vô minh.

Muốn đắc quả, giác ngộ,
Thì với người tu hành,
Phải một lòng tu pháp,
Không để ý xung quanh.

Chính nhờ sự tinh tấn,
Thái tử Tất Đạt Đa
Vượt được nhiều khổ ải
Để thành Phật Thích Ca.

Kiên nhẫn và tinh tấn
Giúp ta thắng cái lười,
Đạt được đích mình muốn,
Tránh thói xấu cuộc đời.

5
THIỀN ĐỊNH

Thiền định trong tiếng Phạn
Gọi là Dhyana,
Tức tư duy, tĩnh lự,
Là quá trình khi ta

Chuyên tâm ngồi một chỗ,
Trong tư thế tọa thiền,
Suy ngẫm về tâm thức,
Thân và trí tĩnh yên.

Sau sáu năm khổ hạnh,
Thái tử Tất Đạt Đa,
Nhờ chuyển sang thiền định,
Mới thành Phật Thích Ca.

Thiền định là một cách
Ta tìm lại chính mình,
Thanh lọc các ý nghĩ,
Đạt cái thiền, cái minh.

Như tụng kinh, niệm Phật,
Hoặc thanh tịnh ăn chay,
Thiền, phải thiền liên tục,
Kiên nhẫn và hàng ngày.

6
TRÍ TUỆ

Theo Phật học, Trí tuệ
Có hai loại như sau.
Một là Căn bản trí,
Trí tuệ gốc ban đầu.

Căn bản trí là trí
Có sẵn trong mỗi người,
Được thiên nhiên ban phú
Ngay từ lúc chào đời.

Tuy nhiên, cái trí ấy
Có thể bị lãng quên
Nếu không chịu rèn luyện,
Sống vô minh, thấp hèn.

Vì vậy phải cần đến
Cấp Trí tuệ thứ hai,
Gọi là Hậu đắc trí,
Giúp ta thành hiền tài.

Trí này chỉ có được
Qua quá trình dài lâu
Thiền định và trì giới,
Đọc sách và nguyện cầu.

Một khi có được nó,
Ta thoát vòng vô minh,
Phân biệt được sai đúng,
Cứu người và cứu mình.

Việc rèn luyện trí tuệ
Để sống tốt, thành người
Đòi hỏi phải kiên nhẫn,
Và kéo dài suốt đời.

*
Trên đây tôi lược kể
Dễ hiểu và nôm na
Sáu pháp Ba La Mật
Của Đức Phật Thích Ca.

Làm được thế chắc khó,
Nhưng cứ thử xem sao.
Chí ít để biết được
Mình là người thế nào.

Ở đời Bồ Tát ít,
Người bình thường thì nhiều.
Đời có thêm Bồ Tát,
Thì đời càng đáng yêu.

No comments:

Post a Comment