Wednesday, March 11, 2015

PHẬN ĐÀN BÀ


Truyện ngắn. Thái Bá Tân

         1
Quê tôi dạo này rộ lên phong trào xây cất lại mồ mả tổ tiên. Hình như đây còn là chủ trương của chính quyền xã. Xã cấp cho mỗi dòng họ trong làng một lô đất riêng trên ngọn đồi cao ráo ở Rú Thần. Sau đó mỗi họ, tùy khả năng tài chính và óc thẩm mỹ, quy tập mồ mả của cả họ lại theo thứ tự thời gian và địa vị người chết. Tất nhiên có xây tường bao quanh, có bàn thờ chung, có bia đá ghi rõ lai lịch dòng họ. Những họ giàu thuê đắp các con vật như voi, ngựa, nghê, rồng, thậm chí còn xây cả một miếu thờ nho nhỏ bên cạnh. Quan trọng hơn cả là trên đầu mỗi lô đất như vậy, ở vị trí nổi bật nhất, họ nào cũng xây một ngôi mộ lớn của cụ tổ sáng lập ra dòng họ, hay ít nhất cũng chi họ mình. Đương nhiên cụ tổ này phải là người hiển danh, có chức vị cao trong xã hội để tôn phần vẻ vang cho đám con cháu nghèo khổ và quá ư tầm thường đang sống.
Họ Mạc nhà tôi là một dòng họ đông đúc và có vai vế trong làng nên không thể thua kém các họ khác. Khốn nỗi, cái dòng họ đầy thế lực ấy mà trước đây có người từng làm tới chức chủ tịch xã, đến tận bây giờ vẫn chưa xác định rõ nguồn gốc ông tổ của mình. Người ta chỉ biết đại khái là ngày xửa ngày xưa có một người họ Mạc từ Kỳ Anh tới vùng đất này sinh sống và lập ra chi họ Mạc ở làng tôi. Gia phả họ chỉ ghi chép ngược chiều lịch sử được khoảng một trăm năm. Trong quãng thời gian đó lại không có nhân vật nào kiệt xuất xứng đáng suy tôn làm "ngôi sao" của cả họ. Vậy thì ai đó phải thân chinh vào tận Kỳ Anh cách xa cả trăm cây số để tìm hiểu thêm về lai lịch tổ tiên mình. Đấy cũng là nơi được xem là nguồn gốc của dòng họ Mạc khắp hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Lần về thăm quê vừa rồi, ngẫu nhiên tôi được giao gánh vác trách nhiệm nặng nề ấy, vì dẫu sao tôi cũng được xem thuộc loại có học nhất trong họ, hơn nữa lại có điều kiện làm việc này. Chẳng sao, bản thân tôi cũng tò mò muốn biết đích thực tổ tiên tôi là ai.
Tích cực giúp tôi trong việc này là nhà sử học già Thái Bá Cân, trước làm việc ở Viện Hán Nôm Hà Nội, do bất mãn gì đấy xin về hưu non và hiện đang sống ở Vinh. Không hợp với nghề nghiệp và dáng người có vẻ nho nhã, ông Cân nói năng bỗ bã, hơi phàm ăn tục uống, nhưng được cái ông trực tính và đã hứa giúp ai là giúp đến nơi đến chốn. Mấy năm qua ông Cân đã đọc hàng đống tài liệu lịch sử để tìm kiếm gốc gác họ Thái của ông, nhân tiện giúp luôn các họ khác, lần này là họ Mạc chúng tôi. Đích thân ông cùng tôi vào Kỳ Anh, là nơi quả có một đền thờ rất lớn của họ Mạc. Trong đền có tấm bia đá với những dòng chữ Nho đã mờ gần như không đọc nổi, rất nhiều các bức hoành phi, tung phi, và đặc biệt là một tập gia phả dầy cộm cùng mấy cuốn sách cổ liên quan đến lịch sử dòng họ.
Vốn thuộc lớp người "Tây học", tôi hoàn toàn mù tịt trước những tư liệu quý báu đó, và chỉ còn biết trông nhờ vào ông Cân. Tôi chăm lo chu đáo thuốc nước và ngày ba bữa cơm rượu cho ông, thỉnh thoảng không quên món thịt bê luộc chấm mắm tôm mà ông ưa thích. Sau mười ngày, ông nói ông phải về Vinh tra cứu thêm một số tài liệu cần thiết, còn tôi thì ở lại Kỳ Anh tìm hiểu nốt những điều tôi quan tâm.
Mãi hơn một tháng sau, khi tôi đã quay lại Hà Nội, ông Thái Bá Cân mới gửi cho tôi một tập tài liệu dày có kèm theo bản dịch tiếng Việt của ông, để như ông nói, tôi "có thể tin chắc vào tính xác thực" những gì ông khẳng định.

                 2
Năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Trị thứ nhất dưới triều vua Lê Trang Tông (1558), con của Thái Sư Chiêu huân Tĩnh Vương Nguyễn Kim là hữu tướng Đoan quận công Nguyễn Hoàng lập nhiều công lớn khi đánh nhà Mạc, được quần thần và dân chúng yêu mến, ngưỡng mộ. Thấy vậy, con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm đem lòng ghen ghét vì lo sau này Hoàng sẽ lấn át mình. Khi Nguyễn Kim mất, Kiểm được cất nhắc làm Thái sư Minh Khang vương, uy thế to lắm. Bây giờ thì Kiểm quyết tâm tìm cách hại Hoàng. Hoàng phải giả vờ điên, nhờ chị mình là Ngọc Bảo, vợ Kiểm, xin cho vào trấn giữ vùng đất Quảng Nam và Thuận Hóa. Hai xứ này là nơi rừng thiêng nước độc, lại được các tướng giỏi nhà Mạc lâu nay cai quản nên nghe vậy Kiểm ưng thuận ngay, có ý mượn tay nhà Mạc giết Hoàng hộ mình. Kiểm còn xin vua phong cho Hoàng làm thái úy Đoan quốc công, giữ chức trấn thủ tổng quân binh hai xứ Thuận, Quảng, và hàng năm theo lệ, thu thuế dâng nộp triều đình.
Ngày hôm sau Đoan quốc công Nguyễn Hoàng cùng các công tử Thái Bảo Hòa quận công, Thụy quận công và các tướng Văn Nham, Thạch Xuyên, Tiền Trung và Tường Lộc đem một nghìn quân thủy ra cửa biển rồi nhằm phía Nam mà tiến.
Đến cửa Yên Việt (tức là cửa Việt ngày nay), Hoàng bị tướng nhà Mạc ở Thuận - Quảng là đô đốc Lập quận công đem ba mươi chiến thuyền và một nghìn quân bộ đánh cho thua liểng xiểng.
Đêm ấy Nguyễn Hoàng nằm mơ thấy có người đàn bà mặc áo xanh, quần xanh, tay cầm quạt the. Người này bảo Hoàng muốn diệt được Quận Lập thì phải dùng kế mỹ nhân, dụ hắn lại gần mà giết đi. Hoàng tỉnh dậy, ngạc nhiên vì còn nghe thoang thoảng mùi nước thơm của người đàn bà ấy, bèn tin là thật. Bấy giờ Hoàng có một người vợ lẽ tên là Ngô Thị Lâm.
Thị Lâm trẻ trung, thùy mị nết na và xinh đẹp hiếm thấy, lại thông minh, ứng đối trôi chảy. Hoàng liền cho gọi nàng tới, sai đem vàng bạc châu báu đến trại Quận Lập giả vờ mở đường hòa hiếu, chịu để cho hắn ăn nằm với mình rồi dụ hắn đến trại của Hoàng để kết nghĩa huynh đệ.
Ngô Thị nghe xong, dập đầu xuống đất mà rằng:
- Tiện thiếp từ khi theo hầu chúa thượng luôn dốc lòng theo nữ đạo, giữ trọn trinh tiết vợ chồng. Nay chúa bảo nhảy vào chỗ nước sôi lửa bỏng, muôn chết thiếp cũng không dám từ. Nhưng chúa bắt phải tư thông với người khác thì thiếp xin tội chết chứ không dám tuân theo lệnh ấy.
Hoàng quắc mắt, quát:
- Đây là việc quốc gia đại sự, không thể không làm. Vả lại ngươi là vợ, sao dám không nghe lời chồng.
Ngô Thị đành phải vừa khóc vừa đem lễ vật cùng một số gia nhân lên đường đi gặp Quận Lập.
Được tin Nguyễn Hoàng cho chính vợ mình là người đẹp Ngô Thị đến cầu hòa, Quận Lập đoán đây có thể kế độc, bèn cho sai đặt vạc dầu đun sôi chờ sẵn cùng binh lính cầm giáo sáng loáng đứng hai bên, rồi truyền dẫn  Ngô Thị vào.
Ngô Thị không thèm để ý xung quanh, bình thản đến trước Quận Lập, cúi thưa:
- Đoan quốc công chồng thiếp biết minh công oai trời lừng lẫy, trọng nghĩa nhân từ, bèn sai thiếp đem lễ vật đến giảng hòa cầu thân và xin được minh công cùng kết nghĩa huynh đệ. Bản quan của thiếp tài hèn sức mọn xin được làm em, dưới quyền sai khiến của minh công. Mong minh công cứu xét, đặng tránh khỏi họa đánh giết lẫn nhau, gây tổn hại cho trăm họ.
Dẫu còn nghi ngờ, nhưng Quận Lập không thể không xiêu lòng trước một người xinh đẹp như Ngô Thị. Hắn ra lệnh bê cất vạc dầu, đuổi hết mọi người ra ngoài rồi một mình ngồi trò chuyện với nàng.
Với nhan sắc và tài ăn nói của mình, Ngô Thị chẳng bao lâu đã chiếm được lòng tin và tình yêu của Quận Lập. Nàng hết lòng chiều chuộng hắn, ăn ở với hắn như vợ chồng và cũng được hắn rất đỗi thương yêu. Độ một tháng sau, mụ muội vì tình, Quận Lập theo Ngô Thị đến quân trại của Nguyễn Hoàng, chỉ đem theo mấy tên hầu thân cận, hệt như Quan Vân Trường ngày xưa một mình vượt sông sang ăn tiệc nhà Đông Ngô. Tuy nhiên Quan Vũ thì trở về an toàn, còn Quận Lập đã bị Nguyễn Hoàng lừa giết chết.
Sau việc này, thấy Ngô thị đã ăn nằm với người khác, không thể là vợ mình được nữa, Hoàng bèn cho gọi nàng tới và nói:
- Trừ diệt được phe đảng của Quận Lập là công lao của nàng, nay để thưởng công, ta sẽ đích thân chọn người danh giá gả chồng cho nàng, kèm theo nhiều đất đai, vàng bạc để suốt đời nàng được sống trong an nhàn hạnh phúc.
Ngô Thị nghe xong liền đập đầu xuống đất, mà rằng:
- Ý nguyện bình sinh của thiếp là muốn được suốt đời theo hầu Chúa thượng, giữ vẹn tiết trinh, nay vì việc nước mà phải ô uế tấm thân, không thể nào rửa được.Thiếp chỉ dám xin từ nay được làm người chăm lo cơm nước, quét dọn nhà cửa bên chúa thượng để bảo toàn phẩm giá nữ nhi, một khi con người ô uế này không xứng là vợ Chúa thượng nữa. Còn như Chúa thượng muốn cải giá cho thiếp thì đến chết thiếp cũng không dám tuân mệnh. Cúi xin Chúa thượng cứu xét.
Nguyễn Hoàng cười đáp:
- Ta khen cho nàng là người biết trọng danh dự, nhưng phận đàn bà, nàng không thể thoái thác. Ta không chỉ là Chúa mà còn là chồng nàng. Ta làm thế cốt chỉ mong điều tốt cho nàng mà thôi.
Và thế là, cam phận đàn bà, lần nữa Ngô Thị phải nghe theo.
          Người được Đoan quốc công Nguyễn Hoàng chọn gả cho Ngô Thị là Văn Hùng bá Vũ Doãn Trung, tự là Nghi Côn, lúc ấy làm chức phó đoan sự ở Vệ Thiên Vũ tại phủ Chúa. Vũ Doãn Trung tướng mạo khôi ngô, văn võ song toàn và rất được Hoàng yêu mến. Lúc ấy Vũ lại chưa có vợ. Đích thân Hoàng đứng ra làm lễ cưới cho hai người. Sau lễ cưới, theo sự sắp xếp của Hoàng, Vũ đưa vợ về quê mình là huyện Kỳ Anh (nay cũng gọi Kỳ Anh) ở Hà Tĩnh, làm một chức quan sở và hai người sống với nhau ở đấy cho đến hết đời...



                             3
Cùng những tài liệu sưu tầm được, ông Thái Bá Cân còn gửi kèm cho tôi một bức thư như sau:
"Văn Hùng bá Vũ Doãn Trung và Ngô Thị Lâm là hai cụ tổ chi họ Mạc nhà ông ở Diễn Châu. Thân thế và sự nghiệp hai cụ thế nào thì ông đã biết qua câu chuyện trên. Điều này có thể dễ dàng khẳng định lại qua tài liệu sử các thời Lê - Nguyễn. Chắc ông sẽ ngạc nhiên hỏi: "Vậy tại sao họ nhà tôi không phải Vũ mà là Mạc?" Vấn đề chính ở chỗ ấy, và đây cũng là câu hỏi mà tôi phải bỏ ra gần hai tháng để tìm câu trả lời hộ ông.
Từ đống gia phả đồ sộ tích giữ suốt mấy trăm năm nay của dòng họ Mạc ở Kỳ Anh mà may mắn người ta còn giữ được, tôi đã đọc kỹ và có thể báo ông biết những thông tin bổ sung sau đây:
Sau khi bị chồng bắt hy sinh phẩm giá mình để đạt mục đích cho ông ta, rồi sau đó lại bị chính ông ta ép lấy người khác, bà Ngô Thị đã theo chồng mới về Kỳ Anh. Ở đấy cuộc sống của bà không trôi qua trong cảnh "an nhàn, sung sướng" như Nguyễn Hoàng nói, mà ngược lại, bà bị Vũ Doãn Trung lạnh nhạt. Dẫu sao thì đối với ông ta, bà vẫn là người đàn bà ô uế. Sợ uy chúa, ông ta không dám làm gì nhưng tuyệt nhiên không một lần chung chăn gối với bà. Chẳng bao lâu sau ông ta lấy vợ lẽ, sinh ra rất nhiều con, làm đông đúc thêm dòng họ Vũ mà đền thờ hiện nay kề sát đền thờ họ Mạc nhà ông. Bà Ngô Thị chỉ còn biết một mình âm thầm chịu đựng. Ngẫm lại, bà thấy trong đời mình chỉ một người đàn ông duy nhất thương yêu bà, dù trong một thời gian ngắn, đó là Quận Lập. Hắn yêu một cách cuồng nhiệt, chân thành, pha cả chút ngưỡng mộ mù quáng. Hắn cũng là người đàn ông duy nhất tôn trọng nhân cách và tình cảm của bà, trong khi Hoàng chỉ coi bà như thứ trò tiêu khiển. Tình cảm của bà với Quận Lập cũng đầy mâu thuẫn. Lãnh nhiệm vụ giết hắn, nhưng bà đã mềm lòng trước tình yêu của hắn. Bà không thể nói bà yêu hắn, nhưng bà muốn được yêu thương, chiều chuộng, muốn được sống với hắn càng lâu càng tốt. Có lúc thậm chí bà còn nghĩ tới việc nói thật với hắn mọi chuyện và trở thành vợ hắn như hắn đã nhiều lần đề nghị. Nhưng rồi cuối cùng đạo lý và nghĩa vụ đã thắng. Và bà tự tay đưa người thực sự yêu thương bà đến cho Hoàng giết.
Trong đời mình, Ngô Thị chỉ sinh được một người con, con trai. Đó là con của Quận Lập. Vũ Doãn Trung không cho đứa bé này mang họ mình. Bà cũng chẳng lấy thế làm phiền lòng và đã để con mang họ Mạc của bố nó. Về sau, một trong những người cháu nội của ông này, tức là chắt của bà Ngô Thị, tới lập nghiệp ở xứ Nho Lâm, Diễn Châu nhà ông, rồi lập nên chi họ Mạc ở đó.
Thế đấy, ông bạn ạ, hóa ra cả dòng họ đông đúc và danh giá nhà ông chỉ là con cháu của một đứa con hoang. Tôi biết ông không khoái lắm khi nghe điều này, nhưng biết làm thế nào được. Sự thật vẫn là sự thật. Cái sự thật này chính sử ngày xưa không dám viết, gia phả họ Mạc nhà ông cũng chỉ nhắc qua một cách gián tiếp, nhưng tôi thì tôi phải nói rõ, nói thẳng, dù có thể vì vậy mà không được ông chiêu đãi một bữa thịt bê luộc chấm mắm tôm như đã hứa. Còn ông có đem điều này báo lại với cả họ nhà ông hay không thì là việc của ông, tôi không quan tâm. Chào!"

                                                          *
PS. Trên đây là toàn bộ câu chuyện được tôi chép lại gần như nguyên xi từ lời kể của ông bạn cùng làng, ông Mạc Thiếu Hải, nhân một lần chúng tôi về quê nghỉ phép và gặp nhau ở Rú Thần, nơi tất nhiên dòng họ Thái Bá của tôi cũng được xã cấp một lô đất, lô rộng nhất và ở cao hơn các lô khác, là điều khiến nhiều người ghen tức và dị nghị. Tôi ở xa, không biết gì và không can dự vào việc này. Cũng chưa có bắng chứng thuyết phục để gắn liền chuyện ấy với việc bí thư chi bộ xã là bác ruột tôi, ông Thái Bá Xứng.
Ông Hải sống ở Sài Gòn, thuộc loại người cấp tiến và dám nhìn thẳng vào sự thật. Lý do ông kể tôi nghe lịch sử chẳng mấy oanh liệt của họ Mạc nhà ông là cốt để thông qua nó, như ông nói, “người ta khỏi luôn miệng khoe khoang quá khứ khi chưa đánh giá nó một cách khách quan, trung thực, và rằng giá trị đích thực của một người, một dòng họ hay một đất nước là ở những gì người ấy, dòng họ ấy hay đất nước ấy đang làm chứ không phải tổ tiên họ đã làm”. Một nhận xét theo tôi không phải không đáng suy nghĩ dù có thể làm ai đó phật lòng.
Ông Thái Bá Cân là người bà con của tôi. Cũng chính ông dựng lại đầy đủ gia phả dòng họ Thái Bá chúng tôi. Toàn vinh quang và chiến công oanh liệt như tôi đã viết trong truyện ngắn “Kiêm quận công Thái Bá Kỳ”. Ông Cân là người tôn trọng sự thật và lịch sử. Tuy nhiên tôi cũng không dám chắc ông hoàn toàn khách quan trong chuyện này, dù ông đã dũng cảm đánh đổi bữa thịt bê luộc chấm mắm tôm để nói tổ tiên ông Hải là thằng con hoang, và ông cũng không hề được ai mời ăn bữa nào sau cả năm trời vất vả những cái tốt, cái hay của dòng họ Thái Bá.

Hà Nội, 27.3.1996

No comments:

Post a Comment