Tuesday, March 3, 2015

CHÂM NGÔN TẬP NĂM (THƠ ĐỜI THƯỜNG) - 2



BẠN

Cứ mười đứa nghiện hút,
Cờ bạc và rượu chè,
Thì cả mười đứa ấy
Hư là do bạn bè.

Không có chuyện con cái
Hư vì thích ở nhà.
Càng không hư vì muốn
Gần bố mẹ, ông bà.

Với thanh niên, người lớn,
Bạn nhiều cũng không nên.
Bạn nhiều, nhiều điện thoại,
Nhiều liên hoan, tốn tiền.

Một tháng dăm đám cưới,
Dăm ba cái hẹn hò,
Dăm ba cuộc than thở,
Dăm ba lần đôi co.

Mà thời gian thì ít.
Mà việc thì lại nhiều.
Bạn bè sẽ thế chỗ
Của những người thân yêu.

Không may nhỡ có chuyện,
Bạn bè không giúp đâu.
Hoặc là họ sẽ biến,
Hoặc là họ lắc đầu.

Bạn với đúng nghĩa bạn
Rất ít ở đời này.
Loại xôi thịt thì có.
Luôn vẫn thế xưa nay.

Bạn, tôi nghĩ, tốt nhất
Chỉ nên một vài người,
Để giúp nhau sống tốt,
Chứ không phải ăn chơi.

Mà bạn phải ra bạn.
Bạn chứ không phải bè.
Cùng lắm, nếu không có,
Bạn vẫn sống ô-kê.

Người cứ thích nhiều bạn,
Buôn điện thoại suốt ngày
Là những người yếu đuối.
Tôi bảo đảm điều này.

Người muốn làm việc lớn
Phải chấp nhận hy sinh
Và việc làm trước hết
Là học sống một mình.


HẠT CƠM, HẠT NGỌC

Mỗi hạt cơm, theo Phật,
Là hạt ngọc ở đời.
Thấm đẫm mưa và nắng
Và mồ hôi con người.

Vậy đừng hoang phí nó.
Vì nhiều người còn nghèo.
Vì đó là tội lỗi.
Và là tội lỗi nhiều.

Để phí một hạt ngọc,
Một hạt cơm, sau này
Xuống địa ngục phải chịu
Hàng vạn kiếp đọa đày.

Một hạt cơm để phí
Phải ăn một bãi dòi.
Càng ăn càng thấy đói.
Cứ thế mãi không thôi.

*
Góp một nhận xét nhỏ:
Cũng lạ, những người nghèo,
Người nhà quê lên phố,
Ăn, thường lãng phí nhiều.

Cứ như bằng cách ấy
Họ muốn chứng tỏ mình
Là chơi sang, lịch sự,
Và ứng xử văn minh.

Không ai muốn thấy họ
Bị đầy đọa suốt đời.
Nhưng nhìn hạt cơm vãi,
Cứ thấy xót của trời.


KHÔNG THỂ NÀO TIN NỔI

Không thể nào tin nổi:
Đào tài nguyên quốc gia
Bán, còn đòi bù lỗ.
Đúng chỉ ở nước ta.

Lỗ thì dẹp, để lại
Cho con cháu sau này.
Chắc chúng không ngu dốt
Như cha ông ngày nay.

Đào tài nguyên để bán
Mà thua lỗ, vì sao?
Sao không trù liệu trước,
Giờ ăn nói thế nào?

Lỗ phải qui trách nhiệm
Tiền thuế của nhân dân
Không phải để các sếp
Muốn mần chi thì mần.


NHẮC CÁC BÁC NỮ TRẺ

Nghiện rượu chè, cờ bạc
Là mình tự hại mình.
Sẽ dẫn tới tai họa
Và đổ vỡ gia đình.

Đó là điều chắc chắn.
Một cái chết hẹn giờ.
Ai muốn chơi với lửa,
Thì xin mời cứ chờ.

Mới sinh, không ai nghiện.
Nghiện là do thanh niên
Đua nhau, chuốc nhau uống.
Vừa ngu, vừa tốn tiền.

Lần nữa nhắc con gái:
Thấy đứa nào rượu chè
Là lập tức cạch mặt.
Cạch mặt cả lô đề.

Chúng là loại rất thấp,
Không đáng mặt đàn ông.
Bọn rượu chè, cờ bạc
Không đáng mặt làm chồng.


HỜI HỢT VÀ DỄ DÃI

Với phần nhiều bạn đọc,
Những bài châm ngôn này
Có thể rất tâm đắc,
Bổ ích và cũng hay.

Họ đọc hồ hởi lắm,
Like rồi khen hồi lâu.
Nhưng một giờ sau đó,
Chẳng còn gì trong đầu.

Vì sao? Nói thật nhé.
Vì da đã quá dày.
Lười suy nghĩ, hời hợt,
Kiểu gió thổi mây bay.

Cái thói hời hợt ấy
Là kết quả tất nhiên
Của cách sống dễ dãi,
Gì cũng mì ăn liền.

Những người mắc thói ấy
Có đặc điểm như sau:
Một, kiến thức nông cạn.
Hai, thích phê phán nhau.

Ba, tính rất bảo thủ,
Cứ tưởng mình nhất đời.
Bốn, xửng cồ tự ái
Khi ai nói quá lời.

Họ có thể phấn khích
Trước một ý tưởng hay,
Thậm chí muốn làm nó,
Nhưng rồi lại quên ngay.

Họ thơ ngây không hiểu
Một chân lý hiển nhiên,
Như người Anh thường nói:
“No pains thì no gains”.

Tức là họ muốn có
Mọi cái tốt, cái hay
Mà không phải tốn kém
Và lao động hàng ngày.

Nhiều bác như thế đấy.
Tôi thừa biết, tin đi.
Nhưng viết, tôi vẫn viết.
Theo hay không thì tùy.


THẬT DỄ VÀ ĐƠN GIẢN

Tôi mách bạn một cách
Sống thanh thản ở đời,
Sống thiện và giản dị,
Không ganh đua với người.

Đó là đọc sách Phật
Và làm theo lời Ngài.
Tôi bảo đảm chắc chắn
Bạn hạnh phúc lâu dài.

Đơn giản và thật dễ.
Không thể nào dễ hơn.
Lại hạnh phúc nhanh chóng.
Không thể nào nhanh hơn.

Hoàn toàn tùy thuộc bạn
Cái dễ, cái nhanh này.
Chỉ cần làm theo Phật
Và đọc Phật hàng ngày.

Bạn bận không đọc được?
Hay mù chữ? Cũng không.
Không làm được, đơn giản
Vì cái gì bên trong.

Cái gì đó nhu nhược,
Hời hợt và biếng lười
Đang cố ngăn cản bạn
Sống đúng nghĩa con người.

Bạn không chống lại chúng.
Thậm chí còn vuốt ve.
Bạn là thế, tôi biết,
Dù tưởng mình rất ghê.

Một lời khuyên rất quí
Tôi cho bạn hôm nay,
Dù biết trước rằng bạn
Không theo lời khuyên này.

Tức là bạn, thực chất,
Không muốn sống đàng hoàng,
Nghiêm túc và tử tế,
Mà chỉ ưa nhẹ nhàng.


TÔI CHƯA THẤY

Quả thật tôi chưa thấy
Người nào theo Thích Ca,
Kiên trì và chân thật,
Lại làm điều xấu xa.

Quả thật tôi chưa thấy
Ai bố thí giúp đời
Mà trở thành nghèo đói
Hay thua kém hơn người.

Quả thật tôi chưa thấy
Người nào đánh vợ mình
Mà không bị hàng xóm
Và xã hội coi khinh.

Quả thật tôi chưa thấy,
Chưa bao giờ, ở đâu,
Con bạc, dù có thắng,
Mà lại trở thành giàu.

Quả thật tôi chưa thấy,
Có bác sinh viên nào
Luôn bỏ học, lười biếng
Mà thi toàn điểm cao.

Quả thật tôi chưa thấy
Ông bố nào say nhè
Mà được con kính trọng,
Mà vợ không thấy ghê.

Quả thật tôi chưa thấy
Suốt sáng, trưa và chiều
Cô dâu buôn điện thoại
Mà được mẹ chồng yêu.

Quả thật những điều ấy
Tôi chưa thấy bao giờ.
Có bác nào đã thấy,
Xin hãy nói, tôi nhờ.


VẤN ĐỀ

Vấn đề không ở chỗ
Ta không có sách hay.
Mà ở chỗ ta ngại
Đọc những cuốn sách này.

Vấn đề không ở chỗ
Ta không muốn kết hôn.
Mà ở chỗ ta sợ
Trách nhiệm với vợ con.

Vấn đề không ở chỗ
Thiếu thời gian, thiếu tiền.
Mà ở chỗ tính cách
Có cái gì hèn hèn.

Vấn đề không ở chỗ
Ta không muốn hơn người.
Mà ở chỗ ta muốn,
Nhưng rất tiếc, lại lười.

Vấn đề không ở chỗ
Ta không muốn có nhà.
Mà ở chỗ ta muốn
Ai đó mua cho ta.

Vấn đề là như vậy.
Vấn đề của vấn đề
Là ta muốn vui vẻ,
Mà mặt thụng, nặng nề.

Tóm lại là tất cả
Các vấn đề của ta
Đều do tự mình cả.
Đừng tìm kiếm đâu xa.


GỬI CÁC HỌC SINH CŨ

Tôi bắt đầu dạy học
Từ năm bảy mươi lăm.
Không nhiều, cũng không ít,
Đã gần bốn mươi năm.

Còn cái lớp dạy dịch
Tiếng Anh ở Bách Khoa
Đã hai mươi năm lẻ,
Học sinh thì, ôi chà.

Phải nói học như giặc.
Khoảng hai ba trăm người.
Hàng ngày, non-stop.
Luôn đầy ắp tiếng cười.

Tài liệu học miễn phí.
Tiền học thì rất bèo.
Đứa nào có thì nộp,
Không có thì học nghèo.

Nhiều người học nghèo nhé,
Gần nửa chứ ít đâu.
Ai cũng hứa nhất định
Trả ơn thầy khi giàu.

Giờ tôi biết nhiều bác,
Thành đạt, giàu cực kỳ.
Vậy hãy nhớ lời hứa,
Đến mua sách thầy đi.

Xin lỗi, sách thầy tặng,
Chỉ mua chữ ký thầy.
Coi như một kỷ niệm.
Hô cái là có ngay.

Còn những bác đang học,
Thầy biết đếch có tiền.
Thì học nghèo, sau nhớ
Mua sách cho Bảo Hiền.

Bảo Hiền bán chưa hết
Thì đến Chíp và May.
Mụ Vợ đang sắp sửa
Dạy chúng bán sách thầy.

Túm lại là, thú thật,
Thầy trót liều in thơ.
Mà thơ thì đang ế.
Nhớ mua nhé, thầy chờ!


GỬI HAI CHÁU CHIP VÀ MAY

Ông có thể bảo đảm
Với cháu Chip và May,
Rằng hai cháu có thể
Rất tự hào sau này,

Rằng Bà Ngoại rất đẹp.
Còn Ông, tuy điên điên,
Nhưng làm thơ cũng được,
Đặc biệt, thích cho tiền.

Nhân tiện nhắc các cháu:
Mỗi lần Bà cho quà,
Là tiền của Ông đấy,
Vì Ông đưa cho Bà.

Vậy Ông muốn các cháu,
Theo đúng lẽ tự nhiên,
Yêu Ông hơn Bà nhé.
Là vì Ông chi tiền!


NHÂN QUẢ

Tôi tin Luật Nhân Quả,
Tin ở hiền gặp hiền,
Tin ở ác gặp ác,
Và rất hiểu đồng tiền.

Tôi tin những người xấu,
Tham lam và lừa đời,
Rốt cuộc không sung sướng,
Mà khổ đau hơn người.

Điều này được kiểm chứng
Trong cuộc sống hàng này.
Quan sát kỹ thì biết.
Luôn vẫn thế xưa nay.

Bọn đấu cha tố mẹ,
Gây oan trái một thời,
Giờ con cháu lụn bại,
Ngóc mãi không thành người.

Bọn trộm cướp, ma túy,
Bọn cặn bã, du côn,
Như ta thấy, rốt cục
Đều kéo nhau vào đồn.

Còn bọn quan tham nhũng,
Đừng tớn lên khoe giàu.
Sẽ đến lượt chúng nó,
Hoặc con cháu mai sau.

Là vì lưới Nhân Quả
          Lồng lộng chăng trên cao.
Xưa nay không nương nhẹ
Hay bỏ sót người nào.

Nhiều bác trẻ hãnh tiến,
Cậy kiến thức đầy mình,
Mà quên Luật Nhân Quả,
Luân Hồi và Vãng Sinh.

Quên thì tôi nhắc lại:
Việc ta làm hôm nay
Sẽ để lại dấu ấn
Rất lâu về sau này.

Không phải nhắc để dọa.
Dọa thì tôi ích gì?
Chẳng qua thương thì nhắc.
Thấy đúng thì tin đi.

Xã hội ta, thật tiếc,
Giờ lắm cái nhiễu nhương.
Giá trị bị đảo lộn.
Đảo lộn cả kỷ cương.

Rất nhiều người sống ác.
Vậy thì sao chúng ta
Không thử cố sống thiện,
Để xã hội yên hòa?

Mỗi người tốt một ít,
Xã hội sẽ tốt hơn.
Mỗi người thiện một ít,
Xã hội sẽ thiện hơn.

*
Tôi tin Luật Nhân Quả,
Tin ở hiền gặp hiền,
Tin ở ác gặp ác,
Và rất hiểu đồng tiền.

Vì rất tin và hiểu,
Nên mới khuyên mọi người
Hãy sống tốt, sống thiện,
Vì mình và vì đời.


LẠI NÓI VỚI NGƯỜI TRẺ

Gieo ác thì được ác.
Gieo lành thì được lành.
Đó là chân lý Phật.
Anh muốn gì tùy anh.

Là vì anh còn trẻ,
Tôi xin khuyên thế này:
Hãy chọn một cách sống.
Ngay bây giời, hôm nay!

Nếu chần chừ không chọn,
Tức là anh buông xuôi.
Buông xuôi là nguy hiểm,
Là chết, hãy tin tôi.

Ai cũng muốn hạnh phúc
Và giàu có, tất nhiên.
Nhưng giàu ba bảy loại,
Và không chỉ giàu tiền.

Giàu tiền, giàu tạm bợ.
Giàu đức mới bền lâu.
Những người chi tiêu ít
Mới đúng thực sự giàu.

Thật ra anh không biết
Anh đã giàu lắm rồi.
Đủ ăn, có nhà ở.
Tức cũng giàu như tôi.

Anh muốn chiếc xe xịn
Hay Iphone, Ipheo?
Tốt lắm, nhưng thật tiếc,
Anh còn trẻ và nghèo.

Không tiền mà muốn có.
Không có sẽ hận đời.
Hận đời sẽ làm bậy.
Làm bậy sẽ hỏng người.

Thành ra, muốn hạnh phúc,
Mà đau khổ, nặng nề,
Chỉ vì không có được
Chiếc Iphone, chiếc xe.

Đừng quên Đức Phật dạy:
Mọi đau khổ chúng sinh
Đều do quá chiều chuộng,
Thỏa mãn thân xác mình.

Trong khi anh có thể,
Không tốn một đồng nào,
Trở thành người hạnh phúc,
Mà hạnh phúc cấp cao.

Đó là sống giản dị.
Không đua đòi với ai.
Lặng lẽ học, tu dưỡng
Thành người tốt, có tài.

Đồng thời đọc nhiều sách,
Nhất là sách thánh hiền.
Học nghe nhạc cổ điển,
Học cách yêu thiên nhiên.

Có được những cái ấy,
Sẽ thấy mình không nghèo.
Tự anh chán xe xịn,
Chán Iphone, Ipheo.

Nói thế là anh hiểu:
Cái hạnh phúc ở đời
Không nằm ở vật chất,
Mà nằm ở con người.

Muốn dở thì được dở,
Muốn hay sẽ được hay.
Vậy mời anh quyết định.
Ngay bây giờ, hôm nay.

Không thì sau, gặp khó,
Đừng kêu than với tôi.
Tôi, người già, từng trải,
Chuyện ấy quen lắm rồi.


BÌNH THƯỜNG, KHÔNG BÌNH THƯỜNG

Xã hội có xấu, tốt,
Bình thường, không bình thường.
Phổ biến, được chấp nhận
Thì gọi là bình thường.

Xã hội ta đang sống
Cái “bình thường” kiểu này
Tiếc, nhìn đâu cũng thấy,
Mà phải thấy hàng ngày.

Giá xăng tăng đều đặn
Vài ba tháng một lần.
Lúc đầu còn phẫn nộ,
Sau cũng “bình thường” dần.

Bọn tham quan đục khoét,
Đạo đức giả, nhiễu nhương.
Chán lắm, chửi mỏi miệng,
Rồi tặc lưỡi: “bình thường”.

Nước ta giờ thế đấy.
Cái ác thành bình thường,
Phổ biến, được chấp nhận,
Tức là không bình thường.


DÂN TRÍ

Fukuzawa nói:
“Chúa tạo ra con người,
Ai cũng được bình đẳng
Và như nhau ở đời.

Nếu có sự khác biệt,
Giàu nghèo hay sang hèn,
Thì sự khác biệt ấy
Do học thức tạo nên.”

Tương tự, chân lý ấy
Đúng ở cấp quốc gia.
Nếu có nước nào đó
Phải thua kém người ta,

Thì lỗi do dân trí.
Dân trí thấp mà đòi
Dân chủ và giàu mạnh,
Thì cũng hơi buồn cười.


ĐẠI THI HÀO

Nguyễn Du, nhà thơ lớn,
Với tác phẩm Truyện Kiều,
Nhà thơ tôi thích đọc
Và yêu mến, có điều,

Gọi nhà thơ thì được.
Nhà thơ lớn - ô-kê.
“Thi hào” thì hơi quá.
“Đại thi hào” thì ghê.

Nguyễn Du, nhà thơ lớn,
Nhà thơ của quê tôi.
Chữ “nhà thơ” cao quí
Cũng sang trọng lắm rồi.

Sang như nhà thơ Goethe,
Như Puskin, Heine,
Shakespeare và Frost…
Tất cả đều nhà thơ.

Thế mà ta, người Việt,
Cứ là phải thi hào.
Thậm chí chưa thấy đủ,
Nên mới “đại thi hào”.

*
Thơ “đại thi hào” ấy,
Thì chín trong mười người
Có lẽ chưa hề đọc.
Người Việt thật buồn cười.


TỦI

Cả chục viện nghiên cứu,
Giáo dục, Sử, Thơ Văn,
Mấy mươi năm “nghiên cứu”
Bằng tiền thuế của dân.

Thế mà chẳng có được
Công trình nào ra hồn.
Trong báo cáo thì có,
Nhưng toàn bé cỏn con.

Bù lại, các “viện sĩ”
Giỏi moi tiền đề tài,
Kiểu trời ơi đất hỡi,
Dù thoạt nghe rất oai.

Cũng cả chục cái quĩ
Trợ cấp đều hàng năm,
Mà mãi vẫn không thấy
Các tác phẩm “ngang tầm”.

Ít ra là chưa thấy
Có nhiều người hàng ngày
Thức suốt đêm, lên mạng
Đọc các “tác phẩm” này.

Tôi, lặng lẽ làm việc,
Đến mắt toét, lưng còng,
Viết được cuốn Thơ Sử
Cho các cháu phổ thông.

Đúng chủ trương của đảng,
Nhà nước không mất tiền.
Thế mà cứ gây khó,
Cuối cùng mới cho in.

Tôi tự bỏ tiền túi,
Rao bán như bán rong.
Nhà nước không thèm biết,
Quĩ không cho một đồng.

Cũng tủi, nhưng phải bán.
Chỉ mong cuốn sách này
Đến được tay các cháu,
Để chúng đọc hàng ngày.

Giờ thì thơ tôn giáo.
Hai cuốn Phật viết xong,
Cho in ngay, rất dễ.
Thơ Thiên Chúa thì không.

Thơ Đạo Hồi cũng thế.
Hay quả nhà nước này
Có phân biệt tôn giáo
Trái chủ trương xưa nay?

Mà sao không cho nhỉ?
Tôi đang giúp mọi người
Hiểu biết về tôn giáo
Để sống đẹp ở đời.

Tôn giáo nào cũng tốt.
Cả Thiên Chúa, Đạo Hồi.
Hay chỗ nào không tốt
Thì hãy chỉ giùm tôi?

Thế đấy các bác ạ.
Không tiếc tiền, tiếc công.
Chỉ thấy hơi kỳ cục
Và tủi tủi trong lòng.

*
Đã nói thì nói nốt,
Ừ, có thể hơi kiêu.
Viết được những cuốn ấy,
Người như tôi không nhiều.

Tôi chết, đừng hy vọng
Vào mấy ông, mấy bà
Đang “đỉnh cao văn học”
Nhờ cái giải Quốc Gia.


TRỞ VỀ VỚI ĐẤT

Vốn mọc lên từ đất,
Con một bác đi cày,
May mắn được ăn học,
Rồi đi đó, đi đây.

Như con chim ngơ ngác
Bay tới chân trời xa,
Tôi học hỏi cái mới,
Cái hay của người ta.

Rồi đọc một núi sách,
Cao xa và uyên thâm.
Nhân cách và tư tưởng
Nhờ thế được nảy mầm.

Rồi tự mình cũng viết,
Cố uyên thâm, cao xa.
Cầu kỳ và triết lý,
Na ná giống người ta.

Giờ đầu hai thứ tóc,
Không ai bắt, mà rồi
Viết thơ vè dung dị
Như tiếng nói quê tôi.

Có ném cao đến mấy,
Hòn đá bay lên trời
Cũng quay về với đất.
Đó là luật của đời.

Từng mọc lên từ đất,
Từng bay cao, bay xa,
Nay tôi về với đất
Với đình làng, ao nhà.

Tôi chết, biến thành đất
Để mầm mới xanh tươi.
Thế cũng là hạnh phúc.
Hợp tình, hợp lẽ trời.

PS
Tương tự, ngày còn nhỏ
Nghe những bài dân ca.
Lớn lên nghe giao hưởng.
Và rồi nay, về già,

Tự lúc nào không biết,
Tôi trở lại thích nghe
Những giai điệu dung dị,
Đệm đàn bầu, sáo tre.


YÊU NƯỚC

Yêu nước không to tát
Phải thế nọ thế này.
Yêu nước với người trẻ
Là cố học hàng ngày.

Học sao cho thật giỏi,
Nhất là cái tiếng Anh.
Để ra ngoài chúng nó
Không coi thường dân mình.

Là sống cho tử tế,
Tu thân và tề gia,
Thành người tốt, trung thực,
Để xây dựng nước nhà.

Phải bắt đầu yêu nước
Bằng cách nhớ cha ông,
Biết lịch sử dân tộc,
Yêu đất nước, non sông.

Không đao to búa lớn.
Lặng lẽ mà tu thân.
Khi đất nước có sự,
Dám xung trận, nếu cần.


SUY NGHĨ

Đúng, mà lại không đúng.
Sai, có thể không sai.
Nhiều khi một cộng một
Chưa hẳn đã là hai.

Một chân lý tưởng đúng
Vì nghe mãi nhiều năm.
Có thể chân lý ấy
Lại là một sai lầm.

Hãy cố gắng suy nghĩ
Bằng cái đầu của mình.
Độc lập, có phân tích,
Không để ý xung quanh.
                  
Tiếc là ta, dân Việt,
Mắc cái bệnh thích lười,
Nhất là lười suy nghĩ,
Về mình và sự đời.

Suy nghĩ, hãy suy nghĩ
Để phân biết vàng thau.
Mệt thì cũng có mệt,
Nhưng nó sáng cái đầu.


HÃY CỨU NGƯỜI NÔNG DÂN

Không có gì đau đớn
Bằng nghe tin nông dân
Bỏ nghề, bỏ ruộng đất
Đi tha phương kiếm ăn.

Vì sao, vì trồng lúa,
Phải một nắng hai sương,
Mà tính ra lại lỗ.
Quả là điều bất thường.

Vì nuôi gà, nuôi lợn,
Ừ, vất vả thôi đành.
Nhưng sao lại có chuyện
Bán thấp hơn giá thành?

Người nông dân vất vả
Làm lụng bao đời nay
Nuôi sống cả đất nước,
Sao đến nông nỗi này?

Tôi đề nghị nhà nước,
Cả việc cần, không cần,
Phải gác lại tất cả
Để cứu người nông dân.

Vì nếu không có họ
Thì sẽ không có ai,
Cả tôi, cả nhà nước,
Hiện tại và tương lai.


THƠ CON NÍT

Sáng nay, lại một bác,
Làm to bên an ninh,
Gọi điện: “Bác nên viết
Thơ con nít cho lành.”

Đáp: “Thì tôi vẫn viết
Thơ con nít suốt ngày.
Viết thơ vui, lịch sử.
Về lẽ phải, điều hay.

Còn những cái tôi viết
Mà bác khuyên nên thôi,
Thực ra là tôi viết
Cho con nít đấy thôi.

Là vì tôi và bác
Dựng nên chế độ này.
Có cả tốt lẫn xấu,
Cả hay và chưa hay.

Đã là bậc cha chú,
Phải minh bạch, làm gương.
Cha chú sai, phải nhận.
Âu cũng lẽ bình thường.

Con cháu tôi và bác
Sẽ thế nào sau này
Phụ thuộc tôi và bác
Làm những gì hôm nay.


HAI MẶT

Nhiều “nhân sĩ yêu nước”
Trong quán nhậu, hàng ngày
Chửi đảng và chính phủ.
Chửi hay như hát hay.

Họ đang “bức xúc” lắm
Với thế thái, nhân tình.
Nhưng cái “bức xúc” ấy
Chỉ giữ lại cho mình.

Là vì lên đài báo,
Cũng chính những người này
                   Khen đảng và chính phủ.
Khen hay như hát hay.

Người ta chỉ một mặt.
Các ông này lại hai.
Một mặt ở quán nhậu.
Một mặt trên báo đài.


LÀM ĐƯỢC GÌ CHO DÂN?

Hôm nay có một bác,
Đâu bên sở giao thông,
Làm thanh tra gì đó,
Nói như quát: “Thưa ông,

Ông phán thì hay lắm.
Chê nhiều người, nhiều lần.
Bản thân ông, xin hỏi,
Làm được gì cho dân?”

Đáp: “Thành thật mà nói,
Chẳng làm được bao nhiêu.
Nhưng tôi sống tử tế,
Thành ra ít mà nhiều.

Vì riêng sống tử tế
Là đóng góp cho đời,
Là làm được gì đấy
Cho mình và cho người.

Tôi không giảng đạo đức,
Không tham nhũng một xu.
Không như các quan bác,
Khối người phải vào tù.

Tôi không ngồi quán nhậu,
Chửi nhà nước hết lời,
Rồi họp hành, ca ngợi
Đảng, nhà nước hết lời.

Tôi luôn sống trung thực,
Không lừa dưới, nịnh trên.
Tôi sống vì cái nghĩa,
Chứ không phải vì tiền.

Tôi đóng thuế đầy đủ,
Cúng tiền giúp cộng đồng…
Tôi chỉ làm được thế.
Không nhiều lắm. Còn ông?”


LẠI NÓI VỀ CẢI CÁCH GIÁO DỤC

Muốn cải cách giáo dục,
Phải chăng nên như sau:
Phải đập hết, xây mới
Và làm lại từ đầu?

Ai làm? Những người mới.
Có thể thuê nước ngoài.
Ừ thì tốn, trước mắt,
Nhưng ích lợi lâu dài.

Thiếu tiền thì quyết định
Ngừng xây một tuyến đường
(Đắt gấp ba thằng Mỹ),
Hay tạm ngừng tăng lương.

Để bảo đảm chắc thắng,
Tôi đề nghị thế này:
Thủ Tướng ra lệnh cấm
Những người nào xưa nay

Từng tham gia cải cách,
Tức là đã nhiệt tình
Phá hoại, làm nát bét
Nền giáo dục nước mình.

Nếu cần thì bịt miệng,
Cùm cả chân cả tay,
Nhất định không cho phép
Được tham gia lần này.


GLEEN GOULD

Năm một chín sáu tám,
Glenn Gould được mời
Đến nước Nga biểu diễn,
Tuổi mới hơn ba mươi.

Lúc ấy, ông còn trẻ
Đã nổi tiếng thiên tài.
Một nghệ sĩ lập dị,
Chơi đàn không giống ai.

Khi chơi, ông thường hát,
Ngoẹo đầu rồi vung tay.
Cũng chướng, nhưng phải chịu,
Vì ông chơi rất hay.

Ra đón, người hâm mộ
Chen vòng trong, vòng ngoài.
Ông vờ như không thấy,
Không hề bắt tay ai.

Khách sạn ông sẽ ở -
Tòa tháp “Ucraina”,
Thuộc vào loại tốt nhất,
Bên sông Matxcơva.

Thế mà ông nhăn mũi,
Bảo không hợp vệ sinh,
Rồi lên xe, bắt chở
Về sứ quan nước mình.

Nhà tổ chức khó chịu.
Người hâm mộ thở dài.
Có người muốn trả vé,
Không nghe “ông thiên tài”.

Nhưng rồi không ai trả.
Mọi người vẫn chen nhau
Mua vé chui, vào rạp,
Để kính cẩn cúi đầu

Trước một người vĩ đại,
Một nghệ sỹ thiên tài,
Dù khó chịu, lập dị
Và chơi không giống ai.

*
Tôi, ngẫu nhiên, từng ở
Khách sạn “Ucraina”.
Nhớ Glenn Gould, tư lự
Ngắm sông Matxcơva.

Cũng nhiều lần suýt khóc,
Nghe tiếng đàn ông chơi,
Đặc biệt nhạc của Bach,
Thánh thiện đến tuyệt vời.

Gleen Gould không khiêm tốn,
Lập dị và chơi ngông?
Người khác tôi không biết.
Tôi thì nghĩ là không.

Với tôi, không quan trọng
Ông cư xử thế nào.
Quan trọng là nghệ sĩ,
Tiếng đàn ông ra sao.

Những con người vĩ đại,
Hiểu rõ giá trị mình,
Có thể và được phép
Khác những người xung quanh.


ĐẤU GIÁ ĐỨNG ĐƯỜNG

Tôi nghe người ta nói,
Không biết có đúng không,
Rằng cái chức đội trưởng
Ở các chốt giao thông

Là phải đấu giá đấy.
Mà tỉ tỉ, nghìn nghìn.
Để đứng đường chang nắng,
Để “dân yêu”, “dân tin”.

Đấu xong, với người thắng
Thì việc làm đầu tiên,
Các bác cũng thừa biết,
Là phải thu lại tiền.

Nên ngày đêm hăng hái
Đứng đường “phục vụ dân”.
Nhanh chóng hoàn được vốn,
Còn dôi ra nhiều lần.

Tiếp đến là người khác:
“Bây giờ đến lượt tao.
Tao cũng muốn phục vụ.”
Lại đấu giá, giá cao.

Tiền đấu cho ai nhỉ?
Cho người không đứng đường,
Là thủ trưởng các cấp,
Có thể tới trung ương.

Vậy là quan đầy tớ
Ai ai cũng có phần.
Quan lớn thì phần lớn.
Chỉ khốn khổ thằng dân.

Tôi nghe nói như thế,
Không thêm bớt tẹo nào,
Đề nghị ngay lập tức
Phải điều tra xem sao.

Nếu đúng thì chấn chỉnh.
Lệnh, từ nay công an
Không được phạt vô cớ
Và vòi tiền của dân.

Nếu sai thì lập tức
Cho mở tòa án binh,
“Cẩu đầu trảm” những kẻ
Vu khống đầy tớ mình.

*
Phần tôi, phải nói thật,
Tôi thấy công an ta
Cũng còn nhiều người tốt,
Biết kính trọng người già.

Nói chung là lịch sự,
Có lý và có tình.
Nếu ai đó hư hỏng,
Lỗi do cơ chế mình.


MẶT NẠ

Để chống lại giả dối,
Dân Đại Việt lâu nay
Buộc phải đeo mặt nạ,
Vô cảm và khá dày.

Dưới cái mặt nạ ấy
Có thể là thờ ơ,
Căm thù hay khinh bỉ,
Hay hy vọng đợi chờ.

Nhưng chắc chắn dưới nó,
Không chỉ thịt và da,
Mà còn có ý nghĩ
Đạn không thể xuyên qua.


MƠ ƯỚC CỦA TÔI

Nếu sinh Âu – Mỹ,
Được tử tế học hành,
Tôi sẽ là nhạc sĩ,
Mộng mơ như Sô-panh.

Nhưng cũng rất có thể
Tôi giống Bết-thô-ven,
Với nhiều bản giao hưởng
Đầy tiếng trống, tiếng kèn.

Có thể, ai biết trước,
Là nhạc sĩ, về già,
Tôi sẽ đi theo Bach,
Suy tư và hài hòa.

Giống Sô-panh, hay Bach,
Hay giống Bêt-thô-ven,
Chắc chắn tôi nổi tiếng,
Được nhiều người biết tên.

Mơ ước thành nhạc sĩ
Bám theo tôi suốt đời.
Nay vẫn còn day dứt,
Khi đã U bảy mươi.

Con người sống, ham muốn
Và mơ ước đủ điều.
Nhưng viết nhạc bác học
Khó hơn châm ngôn nhiều.

Đầu tôi luôn đầy ắp
Các giai điệu mượt mà,
Những hợp âm tuyệt đẹp
Mà không thể viết ra.

Là vì cái sự học
Không đến đầu đến đuôi.
Pi-a-nô chơi kém,
Phối khí cũng rất tồi.

Là vì mười bảy tuổi
Mới thoát cảnh chăn trâu,
Không được học trường nhạc,
Không tập đàn mụ đầu.

Nên cái mơ ước ấy
Cuối cùng đã không thành.
Đau thì cũng đau lắm,
Nhưng mà thôi, phải đành.

Để đời không uổng phí,
Tôi chuyển sang viết thơ,
Kết hợp thơ và nhạc,
Hiện thực và ước mơ.

Hợp âm và giai điệu
Tôi giữ lại cho mình,
Chia sẻ với người khác
Cái tâm và cái tình.


ĐẮT GẤP BA LẦN MỸ

Lại lọ mọ lên mạng.
Đọc, và lại giật mình.
Không giật mình sao được:
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Đã công khai thừa nhận
Đường cao tốc ở ta
Đắt gấp ba ở Mỹ,
Hơn gấp hai Trung Hoa.

Mà cái gấp ba ấy
Hôm nay vừa làm xong,
Ngày mai đã lún sập,
Hay mặt nhựa đã bong.

Mỹ là nước đắt đỏ,
Lương cao, vật liệu cao.
Thế mà nó thì rẻ,
Ta thì đắt. Vì sao?

Vì, theo ông bộ trưởng,
Mấy thằng chủ đầu tư,
Thằng tư vấn, giám sát,
Tức là bọn quan hư,

Bắt tay nhau đội giá
Mà không sợ vào tù,
Vì biết không ai trị.
Không ăn có mà ngu.

Số tiền chênh lệch ấy,
Tức là hai phần ba
Của nghìn nghìn, tỉ tỉ
Được quan đem mua nhà,

Mua chân dài, hoa hậu,
Rồi nhảy múa, ăn chơi.
Công khai và trắng trợn
Trước con mắt mọi người.

Đảng biết, nhà nước biết.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng
Thậm chí còn tức giận
Đến mức suýt phát khùng.

*
Xin hỏi ông bộ trưởng:
Sao ông chịu khoanh tay?
Xin hỏi ông xây dựng:
Sao có chuyện thế này?

Là công bộc, đầy tớ,
Các ông được dân nuôi
Để lãnh đạo tử tế,
Mà lãnh đạo như buồi.

Tôi, người dân, xót của,
Nói với ông điều này:
Các ông làm ăn thế,
Thì để người khác thay.


BA MƯƠI GIÂY, MỘT GIỌT

Vòi nước lại tí tách.
Mỗi giọt ba mươi giây.
Sáng, ngủ dậy chợt thấy
Xô nước
 lớn đã đầy.

Bực mình thì bực thật,
Nhưng vẫn vui, là vì
Nó lần nữa lại nhắc
Chân lý này diệu kỳ:

Hãy chăm chỉ làm việc,
Có chậm cũng không sao.
Quan trọng là làm việc,
Không được nghỉ ngày nào.

Đều đều và lặng lẽ.
Lặng lẽ và đều đều.
Từng tí một tích lại
Sẽ có ngày thành nhiều.

Tôi viết thơ cũng thế.
Một chữ ba mươi giây.
Cứ đều đặn như vậy,
Thành mấy bài một ngày.

Giờ thì các bác biết
Sao tôi viết được nhiều.
Vì đều đều, lặng lẽ,
Lặng lẽ và đều đều.

*
Tự rút ra bài học.
Đừng chờ tôi nói ra.
Khuya rồi, tôi phải ngủ.
Vậy nhé, chào cả nhà!


TẢN MẠN VỀ MẤY BÁC TRẺ

Chàng nọ, chát suốt buổi,
Dừng lại phán một câu:
“Mình bận quá, chưa gọi
Cho bố mẹ đã lâu.”

Nàng kia, ngủ dậy muộn,
Hai mắt còn sưng phồng:
“Thời gian trôi nhanh quá.
Bài chưa làm, chán không!”

Nhiều bác trẻ ca thán
Rằng họ không gặp may.
Quên, hay vờ không biết
Họ nằm lười suốt ngày.

Sách, sợ dài, không đọc,
Mà cứ đòi thông minh.
Dốt, còn bắt người khác
Cứ phải kính trọng mình.

*
Người hay vượt đèn đỏ
Thường kêu chuyện giao thông.
Người ngu dốt, ít đọc
Thường hay phán bốc đồng.

Kẻ làm ít, trốn tránh
Là kẻ hay đòi nhiều.
Quan ăn bẩn, tham nhũng
Là quan hay giáo điều.

Một anh chồng thô lỗ,
Bạo chúa trong gia đình,
Lại là người trách vợ
Không dịu dàng với mình.

*
Người lười, sợ tốn kém
Cho việc học tiếng Anh
Là người thường muốn nhất
Có học bổng ngon lành.

“Không ai hiểu mình cả.
Không ai yêu thương mình!”
Là vì anh ích kỷ,
Chẳng yêu ai ngoài mình.

“Cuộc đời này chán quá,
Không có tình, chỉ tiền!”
Là vì anh nhìn nó
Bằng đôi kính màu đen.

“Lương ba đồng ba cọc,
Bao giờ mua được nhà?”
Thì làm thêm, tiết kiệm,
Bớt bia bọt, la cà.

*
Đại khái là như vậy.
Rằng thế nọ, thế này.
Nhiều bác kêu đủ chuyện.
Hơn thế, kêu suốt ngày.

Và rồi buồn, chán nản,
Rồi xưng xỉa, ù lì.
Rồi nghĩ mình “bế tắc”.
Nhưng bế tắc nỗi gì?

Sức còn dài, vai rộng,
Cũng như ai, học hành.
Đời có nhiều phương án.
Sao không chọn cho mình?

Và phương án tốt nhất,
Thích thì nghe tôi khuyên:
Là làm việc, làm việc.
Tuyệt đối không kêu rên.

Lần nữa xin nhắc lại:
Rất sòng phẳng cuộc đời.
Không làm không ăn nhé.
Vậy thích thì cứ lười.


BỐ CON

Có một ông bố nọ
Đưa con đi vườn hoa.
Anh tới quầy bán vé:
“Bao nhiêu tiền, thưa bà?”

Bà bán vé liền đáp:
“Người lớn ba mươi nghìn.
Trẻ em dưới sáu tuổi
Vào không phải mất tiền.”

“Vậy xin bà hai vé.
Cho tôi và cháu này.”
“Cháu nhà anh mấy tuổi?
Tội nghiệp, nó quá gầy.”

“Cháu sắp lên bảy tuổi.
Con đầu của chúng tôi.
Nó thông minh, học giỏi.
Biếng ăn nên thành còi.”

Bà bán vé ái ngại,
Chỉ thu ba mươi nghìn.
“Coi như cháu còn nhỏ.
Ai biết mà thu tiền.”

“Không, bà cho hai vé.
Cảm ơn bà có tình.
Có thể không ai biết,
Nhưng cháu biết tuổi mình.”

*
Câu chuyện chỉ có vậy.
Sai hay đúng miễn bàn.
Có ông bố như thế,
Con không thể không ngoan.


KHÔNG LẤY VỢ VÌ TÌNH

Một chính khách nổi tiếng,
Ông Disraeli,
Đảng Bảo Thủ Anh Quốc.
Một con người lạ kỳ.

“Có nhiều việc rồ dại
Tôi làm trong đời mình,
Nhưng không rồ đến mức
Lại cưới vợ vì tình.”

Ông tuyên bố như thế.
Và ở tuổi ba lăm
Ông cưới một bà góa
Hơn ông hai mươi năm.

Vì bà là quí tộc,
Hơn thế, lại rất giàu.
Ai cười chê, ông nói:
“Tiền không xấu lắm đâu.”

Bà vốn đã không đẹp,
Lại ăn nói vụng về.
Dốt văn chương, ăn diện
Diêm dúa như anh hề.

Thế mà rồi, thật lạ.
Cuộc hôn nhân của bà
Với ông chồng lập dị
Hạnh phúc nhất hoàng gia.

Vì sao? Vì đơn giản
Bà thực lòng yêu ông.
Nguyện suốt đời chỉ sống
Vì sự nghiệp của chồng.

Bà luôn luôn giữ ý,
Không nhắc đến chuyện tiền.
Để ông tiêu thoải mái,
Không một lần than phiền.

Trong các buổi giao tiếp,
Gặp ai bà cũng khoe
Về ông chồng yêu quí,
Tuy khoe hơi vụng về.

Phần ông, bên bà vợ
Chân thành và thơ ngây,
Ông thấy được trút bỏ
Sự căng thẳng hàng ngày.

Cảm kích vì điều ấy,
Ông cũng rất chiều bà.
Không một lời trách móc.
Cũng không quên tặng hoa.

Ba mươi năm cứ thế,
Họ hạnh phúc bên nhau.
Ông đùa: “Xưa, bà biết,
Tôi cưới vì bà giàu.”

Rồi ông cười, âu yếm
Hôn bà vợ của mình.
“Đúng thế, nhưng tôi biết
Ông cưới tôi vì tình.”


TA CHO ĐỜI LÒNG TỐT

Câu chuyện này có thật,
Năm Một Tám Chín Hai,
Ở Đại học Standford
Chuyên đào tạo người tài.

Có một sinh viên nọ,
Vốn là trẻ mồ côi,
Không tiền nộp học phí.
Cậu lo lắm, và rồi

Một ý tưởng chợt đến.
Cậu rủ người bạn thân
Tổ chức buổi hòa nhạc
Gây quĩ, vượt khó khăn.

Người cậu mời biểu diễn,
Paderewski,
Là tay đàn điêu luyện
Như Paganini.

Nhưng ông là nghệ sĩ
Piano tài ba.
Người quản lý đề nghị
Trả hai nghìn đô-la.

Tiếc buổi diễn hôm ấy
Người đến nghe không đông.
Chỉ thu được nghìn sáu.
Biết lấy gì trả ông?

Hôm sau cậu đến gặp
Người nghệ sĩ lừng danh,
Trao hết tiền thu được,
Nói rõ hoàn cảnh mình.

Bốn trăm đô còn lại
Cậu hứa trả nay mai.
Nghĩ mình sẽ bị trách,
Cậu cúi đầu, thở dài.

Người nghệ sĩ nghe cậu,
Nở nụ cười thật hiền:
“Tôi cũng không dư giả,
Nhưng cậu đang cần tiền.

Vậy thì hãy giữ lấy,
Cố học để thành tài.
Đời nhiều khó khăn lắm.
Mà đời cậu còn dài.”

*
Năm một chín một chín
Paderewski
Được bầu làm Thủ Tướng
Nước Ba Lan diệu kỳ.

Ông là nhà lãnh đạo
Mềm dẻo và thông minh.
Đất nước ông điêu đứng
Vì thảm họa chiến tranh.

Hàng triệu người chết đói.
Ông đành phải dằn lòng
Nhờ Mỹ cấp lương thực
Cứu người dân nước ông.

Cơ quan Cứu Trợ Mỹ
Do Hoover đứng đầu.
(Hoover thành Tổng Thống
Chưa đầy mười năm sau).

Hàng nghìn tấn lương thực
Được gửi tới Ba Lan.
Nạn đói không còn nữa,
Đất nước lại bình an.

Cảm động, ngài Thủ Tướng
Paderewski
Sang cảm ơn Chính phủ
Và nhân dân Hoa Kỳ.

Ông Hoover cung kính
Cúi thấp đầu chào ông:
“Nhân tiện, một lần nữa
Cảm ơn Ngài có lòng

Đã giúp tôi và bạn
Được tiếp tục học hành.
Có thể Ngài không nhớ,
Ngài, nghệ sĩ lừng danh,

Nhưng mấy năm về trước
Ngài biểu diễn thật hay
Để quyên tiền giúp đỡ
Người dân đất nước này.”

*
Thế giới thật kỳ diệu,
Công bằng và hài hòa.
Ta cho đời lòng tốt,
Đời tốt lại với ta.


TẢN MẠN VỀ SỐNG VÀ CHẾT

Hiểu ý nghĩa cuộc sống
Cũng có nghĩa là ta
Đã không sợ cái chết,
Có thể cũng không xa.

Chết là điều duy nhất
Không thể tránh ở đời.
Có sống là có chết,
Cả vật và cả người.

Không ai lý giải nổi
Vì sao ta sinh ra.
Càng không thể lý giải
Việc cái chết chờ ta.

Không có gì vô nghĩa.
Mọi cái có nguyên do.
Ai đó cam tù tội
Cho ai đó tự do.

Ai đó qua đường sắt
Chịu cái chết đau lòng.
Nhờ thế có rào chắn,
Giảm tai nạn giao thông.

Một cậu bé chết yểu
Vì ung thư, tiếc thay.
Em cậu thành bác sĩ
Để chữa căn bệnh này.

Chết là việc không khó.
Sống mới khó hơn nhiều.
Sống cũng coi như chết,
Không đam mê, thương yêu.

Phật dạy: Muốn chết đẹp,
Thì phải cố hàng ngày
Sống sao cho tử tế.
Thật thâm thúy điều này.

Hiểu ý nghĩa cuộc sống
Cũng có nghĩa là ta
Đã không sợ cái chết,
Có thể cũng không xa.

Chết là điều duy nhất
Không thể tránh ở đời.
Có sống là có chết,
Cả vật và cả người.

Quan trọng là ở chỗ
Ta phải sống thế nào
Để xứng với người chết,
Để người chết tự hào.

Vì nói gì thì nói,
Thực chất vấn đề là
Có người đã đau đớn
Và phải chết vì ta.


KHIÊM TỐN

Thầy giáo dạy khiêm tốn.
Các hiền triết xưa nay
Cũng thường dạy như thế.
Tôi thì nghĩ thế này.

Ừ, khiêm tốn cũng tốt.
Nên nghe lời người xưa.
Nhưng không khiêm tốn quá,
Mà chỉ nên vừa vừa.

Vì cuộc đời ngắn lắm,
Sức lực cũng không nhiều.
Hãy chừa một ít đất
Để cho mình còn kiêu.

Kiêu ngạo thì không được,
Nhưng kiêu hãnh thì nên.
Kiêu hãnh là một cách
Để tự nâng mình lên.

Kiêu hãnh để lặng lẽ
Làm việc tốt cho đời,
Để cuối cùng khiêm tốn
Nói: Mình quả hơn người!

PS
Phần lớn người “khiêm tốn”
Thường là người bất tài.
Tôi nghĩ như thế đấy.
Ai nghĩ gì mặc ai.

Nhân tiện, khuyên: Nếu thích,
Cứ khiêm tốn, không thừa.
Đừng tin người khiêm tốn.
Nếu tin, cũng vừa vừa.


NHẢY CẪNG

Người ta không mua sách
Thường vì hai lý do.
Một là tiền không có.
Hai - có nhưng ky bo.

                   Nhiều bác sẽ nhảy cẫng:
Tiền đầy trong túi tôi.
Chẳng qua không thích sách
Nên không mua mà thôi.

Vâng, trường hợp của bác,
Xin có lời thế này:
Một, bác đang tăm tối
Mà tự mình không hay.

Hai, bác hơi ngạo mạn
Khi nói thế. Không sao.
Chắc bác lại nhảy cẫng?
Nhảy thì nhảy. Xin chào!       


                   KHUYÊN

                   Một kiệt tác nhân loại,
Người ta dịch mất công,
Mất nhiều năm, dịch tốt,
Mời đọc. - Nhất định không.

Vì sao? Vì không thích.
Vì dài, mất thời gian.
Vì đang bận chát chít.
Vậy thì thôi, miễn bàn.

Thế mà những người ấy,
Nực cười đến khó tin,
Lại thường to tiếng phán
Về Bairơn, Puskin.

Lại càng khó tin nữa,
Rằng các nhà phê bình,
Các giáo sư, tiến sĩ,
Luôn vỗ ngực thông minh,

Hầu hết là không đọc.
Với họ, đáng làm hơn
Là phán chứ không đọc
Thơ Puskin, Bairơn.

Nhưng điều khó tin nhất,
Càng nổi tiếng “thông minh”,
Họ lại càng ít đọc,
Trừ “trước tác” của mình.

Nhà thơ ta có đức
Đếch thèm đọc của ai.
Đếch học để luyện bút,
Vì nghĩ mình thiên tài.

Còn những vị đã được
Hoặc đang xin người ta
Cho cái giải thơ báo
Hay giải thưởng Quốc Gia

Thì càng ít đọc nữa.
Tin hay không thì tùy.
Nhưng một khi tôi nói,
Thì các bác tin đi.

Tóm lại là thế đấy
Văn hóa đọc nước mình.
Đọc, ít người chịu đọc,
Mà phán thì rất kinh.

Đọc sách rất bổ ích
Cho cái óc, cái tâm.
Ai lười đọc, chắc chắn,
Người ấy thiếu cái tầm.

Đừng nói vì quá bận.
Cớ ấy xưa lắm rồi.
Thích, về quê mà nói.
Xin đừng nói với tôi.

PS
Nhân tiện: Tôi, người dịch
Các kiệt tác loài người
Vào thời gian khổ ấy,
Khi tuổi mới ba mươi.

Thú thật, tôi cũng ngại,
Sợ khó và sợ dài.
Nhưng dịch thì phải dịch.
Vì không tôi thì ai?

Khuyên: chịu khó mà đọc
Các giá trị tinh hoa.
Không thì mời cứ việc
Đọc các giải “Quốc Gia”.


VAI DIỄN CUỐI CÙNG

Câu chuyện này cảm động
Các bạn đã nghe chưa?
Vì nó rất ý nghĩa,
Nghe lại cũng không thừa.

Có một diễn viên nọ
Mới nghỉ hưu, mùa hè
Đến thăm người chị họ
Ở một làng vùng quê.

Hàng ngày ông đi dạo
Tha thẩn giữa đồng xanh,
Vui được ngắm cảnh đẹp,
Thở không khí trong lành.

Tuy nhiên, ông thấy lạ.
Cũng nơi ấy, hàng ngày
Một cậu bé, mười tuổi,
Tóc xoăn, người gầy gầy.

Cậu kiên nhẫn chờ đợi
Những đoàn tàu chạy qua,
Những đoàn tàu tuyệt đẹp
Giữa cánh đồng đầy hoa.

Những đoàn tàu đẹp ấy
Với hành khách bên trong
Với cậu là mơ ước,
Một thế giới màu hồng.

Mỗi lần có tàu đến,
Cậu bật dậy, vẫy tay,
Hy vọng có ai đó
Đáp lại cái vẫy này.

Thế mà tiếc, chắc vội,
Tàu đến rồi tàu đi,
Không người nào vẫy đáp,
Cứ như không thấy gì.

Suốt một tuần như thế,
Ông lão diễn viên già
Thấy, mà thương cho cậu,
Thoáng ngậm ngùi, xót xa.

Một hôm, ông dậy sớm,
Cùng với chiếc xe thuê
Ngược lên mấy ga trước,
Rồi lên tàu quay về.

Ông cải trang thật kỹ,
Đẹp như một ông tiên,
Mũ cao vành, râu trắng,
Với nụ cười thật hiền.

Ông mở toang cửa sổ,
Thò sẵn đầu và tay,
Hồi hộp chờ tàu đến
Chỗ ông dạo hàng ngày.

Khi cậu bé lại vẫy,
Ông vẫy đáp, mỉm cười.
Một việc tưởng đơn giản,
Thế mà ông lặng người.

Cậu bé ấy vui sướng,
Đứng vẫy tay rất lâu.
Cả khi không còn thấy
Ông già và con tàu.

*
Ông già diễn viên ấy
Thường nói với mọi người
Đó là vai diễn xuất
Thành công nhất trong đời.


MƯA RÉT

Trên vỉa hè phố lớn
Một ông lão ăn mày,
Què chân, chìa chiếc mũ
Xin bố thí hàng ngày.

Hàng ngày ông chìa mũ.
Hàng ngày, người rất đông
Đi qua rồi đi lại
Nhưng không nhìn thấy ông.

Một sáng nọ, trời rét
Mưa phùn nhẹ tháng Ba,
Có một người lặng lẽ
Đến ngồi bên ông già.

Đó là một bà lão,
Miệng móm, lưng còng còng.
“Hôm nay trời rét nhỉ.
Ông có lạnh lắm không?

Tôi cũng ăn xin đấy.
Đã hơn mười năm nay.
Chưa bao giờ tôi gặp
Đợt rét lâu thế này.”

Bà tìm lục trong túi
Chiếc bánh mì, và rồi,
Vất vả vì bánh cứng,
Bẻ nó ra làm đôi.

Ông lão và bà lão
Móm mém nhai, nước mưa
Ướt sũng từng miếng bánh.
Vậy là có bữa trưa.

Ông lão què lặng lẽ
Nắm bàn tay bà già.
Không biết mưa hay lệ
Làm mắt ông ướt nhòa.

Trong khi đấy, vội vã,
Phố vẫn rất đông người.
Vì vội hay gì đó,
Không ai nhìn hai người.


TẢN MẠN VỀ NỤ CƯỜI

Một nụ cười thân ái
Đem cho mà vẫn còn.
Như một tia nắng ấm
Làm sáng cả tâm hồn.

Nụ cười không mua bán,
Mà đó là món quà,
Ta lặng lẽ trao tặng
Cho những người quanh ta.

Một nụ cười có thể
Cứu sống được một người.
Hay chí ít có thể
Giúp ai đó yêu đời.

Nụ cười là keo dán
Dính kết cả gia đình.
Cho vợ chồng, con cái,
Tất nhiên, cho cả mình.

Nó cũng là phương thuốc,
Mà là phương thuốc tiên,
Chữa được mọi thứ bệnh.
Nhất là bệnh ưu phiền.

Không thể xin hay trộm,
Bản thân mỗi nụ cười
Là một tài sản quí
Có sẵn trong từng người.

Ai đó trao cho bạn
Một nụ cười của mình,
Hãy mỉm cười đáp lại,
Nhớ kèm thêm chút tình.

Ai đó nói xấu bạn,
Tốt nhất hãy mỉm cười.
Đừng chấp, người như thế
Vẫn còn nhiều ở đời.

Nụ cười là cứu cánh
Của mỗi một chúng ta.
Không nên tiết kiệm nó,
                   Đặc biệt với người nhà.


VÀNG MƯỜI VÀ ĐỒNG

Ngày xưa, ở Ai Cập
Nằm bên bờ sông Nin,
Có một vị hiền triết,
Tên ông là Zun-lin.

Ông ý tứ, khiêm tốn,
Ít nói, dáng buồn rầu.
Ăn mặc rất giản dị,
Không như bọn nhà giàu.

Một chàng trai lần nọ,
Đến, tò mò hỏi ông:
“Thưa bác, cháu nghe nói
Bác cũng giàu, đúng không?

Vậy sao bác không thử
Mặc đẹp như mọi người?
Ăn mặc quá giản dị
Có thể bị chê cười…”

Nhà hiền triết lặng lẽ
Tháo chiếc nhẫn khỏi tay:
“Anh hãy đem vào chợ
Thử bán chiếc nhẫn này.

Nó là chiếc nhẫn quí,
Giá một trăm đi-na.”
Chàng trai đi một chốc
Rồi buồn bã quay ra.

“Thưa bác, người trong chợ,
Cháu mời, đều nói không.
Thậm chí cả khi nói
Giá chỉ năm mươi đồng.”

“Giờ thì anh đưa nó
Vào tiệm vàng gần đây.
Tiệm càng lớn càng tốt,
Hỏi giá chiếc nhẫn này.”

Lát sau anh quay lại,
Cung kính nói: “Thưa ngài,
Người bán hàng trong chợ
Không biết ngài là ai.

Họ, thô thiển, nghĩ nó
Chiếc nhẫn đá bình thường.
Ông chủ hiệu trang sức
Biết nó là kim cương.

Nên đề nghị mua lại,
Giá mười nghìn đi-na.”
Câu chuyện thế là rõ.
Và bài học - Đó là:

Để nhìn nhận sự vật,
Cần có mắt tinh đời.
Đặc biệt khi đánh giá
Giá trị một con người.

Kẻ ngu dốt, thô thiển,
Mà chúng là số đông,
Thường không phân biệt nổi
Giữa vàng mười và đồng.



MẸ TÔI

Nhân mồng Tám tháng Ba

Tôi là người đại phước,
Vì Cụ Ông, Cụ Bà
Còn sống và khỏe mạnh,
Dù tuổi đã chín ba.

Suốt đời cả hai Cụ
Là nông dân đi cày.
Tám con, luôn đứt bữa,
Làm việc không ngơi tay.

Lo cho con khỏi đói,
Vật lộn với cái nghèo,
Nên thực ra hai Cụ
Chẳng dạy dỗ gì nhiều.

May nhờ trời, con cái
Khỏe mạnh và dễ nuôi.
Tuy đứa hơn, đứa kém,
Cuối cùng đều thành người.

Bài học lớn hai Cụ
Truyền dạy các con mình
Là lặng lẽ làm việc,
Sống giản dị, chân tình.

Không rượu chè, cờ bạc,
Không một thói hư nào.
Nhất là đức tiết kiệm
Đến từng xu, từng hào.

Hai cụ tiết kiệm lắm,
Đặc biệt là Cụ Bà.
Cụ chưa từng ăn hết
Trọn vẹn quả trứng gà.

Là vì Cụ luôn nhịn,
Nhường cái ăn cho con.
Cả khi trứng đầy rổ
Và thóc gạo vẫn còn.

Chúng tôi con, cứ thế,
Lớn lên trong đói nghèo.
Đói ăn, quần áo rách,
Không được dạy dỗ nhiều.

Ngoài việc được hai Cụ
Sống giản dị, làm gương
Về lao động, tiết kiệm
Và hy sinh, nhịn nhường.

*
Đã con là yêu mẹ.
Đã mẹ là yêu con.
Không cần phải lớn tiếng
Với những lời sáo mòn.

Vì thế, thơ tôi viết
Hàng mấy chục tập dày,
Chưa một bài về mẹ.
Cũng thế cả sau này.

Nhưng ơn thì ơn lắm.
Mà yêu lại càng yêu.
Dẫu cả đời bố mẹ
Không dạy dỗ quá nhiều.

Cũng thế, với con cháu,
Tôi sẽ cố làm gương
Bằng cái đức làm việc,
Tiết kiệm và nhịn nhường.

Đã nói thì nói nốt:
Nhân mồng Tám tháng Ba,
Con chúc hai Cụ khỏe,
Đặc biệt là Cụ Bà.


THẮP THÊM NÉN HƯƠNG NỮA

Suốt mấy ngày đài báo
Ca ngợi không tiếc lời
Phụ nữ Việt trung hậu,
Đảm đang và tuyệt vời.

Hàng triệu người phụ nữ
Mất con và mất chồng.
Đau và thật vĩ đại.
Tổ Quốc luôn ghi công.

Ừ, đau và vĩ đại.
Nhân mồng Tám tháng Ba,
Thắp nén hương, cung kính
Nhớ các cô, các bà.

Và rồi, như điện giật,
Sắc như lưỡi dao lam
Cứa vào tim, chợt nhớ
Người phụ nữ Miền Nam.

Tức là vợ, là mẹ
Của người lính Cộng Hòa
Ở bên kia chiến tuyến,
Cũng phụ nữ nước ta.

Có thể họ cũng có
Nhiều Mẹ Thứ anh hùng.
Mất người thân, chắc họ
Cũng đau xót vô cùng.

Mà sao đài và báo
Không có một lời nào
Về cái đau của họ?
Không một lời, vì sao?

Họ cũng là người Việt,
Những người tốt, hiền lành
Phải điêu đứng khổ sở
Vì nó, vì chiến tranh.

Thắp thêm nén hương nữa
Nhớ các cô, các bà,
Những người vợ, người mẹ
Của Việt Nam Cộng Hòa.


ĐẠO CỦA NGƯỜI ĐẠI VIỆT

Ta, mỗi người một vẻ.
Vui sướng và khổ đau,
Tham nhũng và lương thiện,
Người nghèo và người giàu.

Người sống ở thành phố,
Người bám trụ nông thôn.
Người ở Mù Cang Chải,
Người - Paris, Luân Đôn.

Cả cách nghĩ cũng khác.
Người tin, người không tin.
Người thích Âu, thích Mỹ,
Người thích Mác, Lê-nin.

Người “tốt”, người “phản động”.
Có người phá, người làm…
Nhưng, chúng ta, tất cả
Đều là người Việt Nam.

Tức là chung cội rễ.
Giang sơn gấm vóc này
Tổ tiên xưa gây dựng
Trao cho ta hôm nay.

Ta, mỗi người một vẻ,
Một hoàn cảnh rất riêng.
Nhưng cái chung ta có
Là Tổ Quốc thiêng liêng.

Vậy, thích gì cứ nói.
Vậy, thích gì cứ làm.
Nhưng đừng quên, tất cả
Ta là người Việt Nam.

Đạo của người Đại Việt -
Sống có nghĩa, có tình.
Nhưng quan trọng hơn cả
Là yêu đất nước mình.

Và khi có sự biến,
Biết gạt bỏ bất đồng
Để triệu người như một,
Cùng bảo vệ non sông.


XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

“Xây dựng nông thôn mới”.
Đài báo nói hàng ngày.
Thoạt nghe, tưởng khẩu hiệu.
Về quê, thấy thế này.

Xây dựng nông thôn mới
Là chủ trương tuyệt vời
Của đảng và chính phủ,
Giúp nông thôn đổi đời.

Mà đã đổi đời thật.
Đường làng đổ bê-tông.
Bê tông cả các ngõ
Và đường ra cánh đồng.

Nhà toàn nhà kiên cố,
Thậm chí có nhà lầu.
Ti-vi, xe máy - muỗi.
Nhiều máy cày thay trâu.

Không ai mặc áo rách.
Nhà nào cũng đủ ăn.
Trạm xá rồi trường học,
Rồi bốt điện Núi Thần…

*
Quê tôi giờ thế đấy
Phải nói là tuyệt vời.
Cảm ơn đảng, nhà nước
Giúp quê tôi đổi đời.

Vì cái sự đổi ấy
Không phải của trời cho.
Cũng phải có ai đó
Giúp đỡ và chăm lo.

Cả nhà tôi, thật tiếc,
Chẳng còn ai ở làng.
Nhưng mà vui, vui lắm,
Vui đến mức ngỡ ngàng.

Tiếc là loa to quá,
Lại ông ổng suốt ngày.
Nhưng mà dân nghe mãi,
Cũng quen với thằng này.


BÀI HÁT PHỤ NỮ NGÀY 8 THÁNG 3

1
Bản thân người phụ nữ
Là cái đẹp ở đời.
Không có phụ nữ xấu,
Chỉ có một số người

Nghĩ mình không đẹp lắm,
Nên tốn tiền, mất công
Nhờ dao kéo can thiệp,
Chỉ để chiều đàn ông.

Điệp khúc:

Ai có bưởi dùng bưởi.
Ai có cam dùng cam.
Cứ để bọn thẩm mỹ
Phá sản, hết việc làm!

2
Đẹp không ở khuôn mặt,
Mông ngực hay phấn son.
Đẹp vì ta là mẹ.
Đẹp - biết nuôi dạy con.

Thay cho vào mỹ viện,
Ta phải làm đẹp mình
Bằng trái tim nhân hậu
Và cái đầu thông minh.

Điệp khúc:

Ai có bưởi dùng bưởi.
Ai có cam dùng cam.
Cứ để bọn thẩm mỹ
Phá sản, hết việc làm!

3
Đàn ông yêu phụ nữ
Qua bộ ngực, cái mông,
Cứ thẳng thắn mà nói,
Đếch phải là đàn ông.

Vậy, chúng ta, phụ nữ,
Ngày mồng Tám tháng Ba,
Phải đồng thanh tuyên bố
Lập trường của chúng ta:

Điệp khúc:

Ai có bưởi dùng bưởi.
Ai có cam dùng cam.
Cứ để bọn thẩm mỹ
Phá sản, hết việc làm!


NÓI VÀ VIỆC QUAN TRỌNG

                   Có chuyện hay lắm nhé.
Bán sách một năm nay,
Tôi để ý quan sát
Và nhận thấy điều này:

Ai mua, thường không nói.
Nói, thường lại không mua.
Kiểu nhàn, buồn thì nói.
Cũng một dạng trêu đùa.

Mà hỏi thì phải đáp.
Nhiều khi khá dài dòng.
Tớn lên thì cứ hỏi,
Nhưng mua thì lại không.

Mua hay không cũng tốt.
Mà có ai bắt đâu.
Muốn bắt cũng chẳng được.
Vậy sao làm phiền nhau?

Là vì ta có thói,
Thích thì nói linh tinh.
Rồi quên, vô trách nhiệm
Với lời nói của mình.

Nói là chuyện nghiêm túc,
Không phải để vui cười.
Xin các bác lưu ý,
Làm thế nó nhỏ người.


KHI…

Khi nhà nước thông báo
Sẽ không tăng giá xăng,
Thì yên tâm, sớm muộn,
Giá xăng dầu sẽ tăng.

Khi lương ít, học dốt,
Mà có cả núi tiền,
Thì đó là dấu hiệu
Quan tham nhũng, tất nhiên.

Khi một anh non choẹt
Được bổ làm quan to,
Thì anh non choẹt ấy
Chắc chắn đang có ô.

Khi một quan nào đó
Chết, cần người lên thay,
Thì chắc chắn sẽ có
Đấu giá chức quan này.

Khi trên mạng ai đó
Chửi rủa như lũ điên,
Thì yên tâm, bọn chúng
Là các “dư luận viên”.

Khi khu phố có giấy
Mời họp về an ninh,
Thì sẽ có “thì dịch”
Và “diễn biến hòa bình”.

Khi nợ xấu được báo
Trên dưới ba phần trăm,
Thì chắc chắn nợ xấu
Phải gấp bốn, gấp năm.

Khi công an, quản lý
Đến quán, nói tào lao,
Thì chủ quán phải biết
Mà chuẩn bị phong bao.

Khi giáo dục cải cách
Kiểu “đồng loạt ra quân”,
Thì cái “cải cách” ấy
Chỉ đốt tiền của dân.

Khi cơ quan nhà nước
Quảng cáo tuyển nhân viên -
Một, nhân viên đã tuyển.
Hai, phải đút lót tiền.

Khi… mà thôi, nhiều lắm.
Có mà nói suốt ngày.
Nước ta lắm sự lạ.
Lạ và buồn lắm thay.


CUỘC ĐỜI SÒNG PHẲNG

Cuộc đời rất sòng phẳng.
Luôn sòng phẳng xưa nay.
Chính tỉ phú Bill Gates
Đã khẳng định điều này.

Và rằng muốn, không muốn,
Ta, tất cả mọi người,
Đã sống, phải chấp nhận
Sự sòng phẳng của Đời.

Lần nữa xin nhắc lại
Lời dạy của Thích Ca:
Sai đúng hay tốt xấu
Đều phụ thuộc vào ta.

Anh không thể nói dối
Mà thành người chân thành.
Càng không thể làm ác
Mà nhận được điều lành.

Anh không thể lười biếng
Mà tiền bạc đầy nhà.
Không thể ngại đọc sách
Mà kiến thức sâu xa.

Nhân nào thì quả ấy
Là chân lý xưa nay.
Vậy mong các bác trẻ
Luôn ghi nhớ điều này.


XIN ĐỂU

Dân ta, ngoài thuế, phí,
Phải chịu thêm thằng này.
Tức là thằng xin đểu.
Xin gần như hàng ngày.

Bạn khai trương quán phở.
Lập tức ngày hôm sau
Sẽ có người kéo đến,
Mà đông như ruồi bâu.

Nào công an sắc phục,
Nào dân phòng bình thường,
Nào đủ các loại Hội,
Nào quản lý thị trường…

Đến, câu trước chào hỏi.
Câu sau là xin tiền,
Với lý do này nọ.
Không cho là không yên.

Làm ăn đang thua lỗ,
Muốn dẹp tiệm cho xong.
Thế mà phải nhẫn nhục
Tiếp mấy bà, mấy ông.

Bạn ngồi trong phòng kín,
Khóa những ba khóa liền.
Thế mà vẫn không thoát
Nạn bấm chuông xin tiền.

Luất pháp không cho phép,
Người ta vẫn cứ xin.
Nên mới gọi xin đểu.
Đểu đến mức khó tin.

Trải nghiệm này cay đắng
Không riêng của mình ai.
Giờ nước ta thế đấy.
Chỉ còn biết thở dài.


ĐỪNG CHẠM NỖI ĐAU NÀY!

Phụ nữ sinh để sống
Yên ổn trong gia đình,
Để chắt chiu, vun xén
Cho chồng và con mình.

Thế là họ hạnh phúc.
Một hạnh phúc tuyệt vời,
Không đao to, búa lớn,
Bình dị và rất người.

Nhưng chiến tranh bắt họ,
Bỏ cuộc sống yên thành
Thành “xung phong”, “chiến sĩ”,
Rồi để mất tuổi xanh.

Hàng triệu người bị ế,
Hàng vạn “Mẹ anh hùng”.
Một nỗi đau âm ỉ,
Đau nhói đến tột cùng.

Thế mà thằng đài báo
Cứ ra rả suốt ngày,
Như thể thế chưa đủ,
Nhắc mãi nỗi đau này.

Anh hùng cái gì nhỉ,
Vì mất mười người con?
Vinh quang cái gì nhỉ -
Vì độc thân, héo hon?

Có thương thì giúp họ
Trong cuộc sống hàng ngày.
Giúp tế nhị, lặng lẽ.
Đừng chạm nỗi đau này.

Là đàn ông, có nghĩa,
Tôi là con đàn bà.
Tôi đau và thương lắm,
Thương phụ nữ nước ta.

*
Ở quê tôi, người chết
Cấm không ai nhắc tên -
Là người ta thành kính
Mong người chết được yên.

Tôi có cậu em ruột
Trước tên Phương, sau này
Phải đổi tên thành Phượng.
Vì sao, vì thế này:

Cô Phương nhà hàng xóm
Chết tai nạn giao thông.
Hơn bốn năm, cô ấy
Là “Thanh niên xung phong”.

Bố mẹ tôi sau đó
Lặng lẽ đổi tên con,
Để cô được yên nghỉ,
Không khuấy động âm hồn.


THUẾ

Dân tham là một nhẽ.
Nhà nước mà cũng tham.
Tôi thấy chẳng ai khổ
Như thằng dân Việt Nam.

Tôi cứ có cảm giác
Như nhà nước của tôi
Đang tận thu thuế, phí,
Cho đến chết mới thôi.

Khoảng năm trăm loại thuế
Đang đổ lên đầu dân.
So với thời Pháp thuộc
Chắc chắn gấp nhiều lần.         

Ừ, dân phải nộp thuế
Để phát triển dài lâu.
Nhưng tiền thuế khủng ấy
Rốt cục đã đi đâu?

Phát triển đâu chưa thấy.
Chỉ thấy quan của ta
Đang bòn rút, vơ vét
Để mua xe, mua nhà.

Mà chúng, bọn quan ấy,
Như dòi bọ, cực nhiều.
Một xã cả trăm đứa.
Cả nước thì bao nhiêu?

Cái bọn dòi bọ ấy,
Chỉ biết phá và ăn.
Chúng là người nhà nước,
Không phải người của dân.

Nhà nước nói thu thuế
Vì quốc kế, dân an.
Mà sao đồng tiền thuế
Lại chui vào túi quan?

Đừng giả vờ không biết.
Người dân chán lắm rồi.
Chán đến không thèm nói,
Không nghe lời đãi bôi.

Cẩn thận, thưa nhà nước,
Đừng bòn rút từng xu,
Kẻo thằng dân chết hết,
Hỏi còn ai mà thu?


CẶN BÃ

Có trường âm nhạc nọ
Mua chiếc pi-a-nô,
Giá ghi rõ hai tỉ
Trong cuốn ca-ta-lô.

Trường báo cáo, Bộ duyệt
Với giá bốn tỉ đồng.
Số tiền dư, hai tỉ
Được chia cho mấy ông.

Gồm ông Trường, ông Bộ,
Rồi ông Cấp Cao Hơn.
Mọi cái đúng qui định,
Có chứng từ, hóa đơn.

Có Sở xây dựng nọ,
Khiêm tốn, cấp địa phương,
Tổ chức rất hoành tráng
Lễ đón nhận huân chương.

Ông phó giám đốc Sở
Sai mấy cô nhân viên
Ra nhà hàng đặt tiệc,
Nâng gấp rưỡi giá tiền.

Cấp dưới nữa, cấp huyện,
Bày chuyện xây Nghĩa Trang.
Xin kinh phí, huy động
Phải nói hoành tá tràng.

Thế mà tiền thì khủng,
Nghĩa Trang lại sơ sài.
Không cần nói cũng biết
Tiền chui vào túi ai.

Rồi cấp dưới, dưới nữa.
Ở một trường phổ thông,
Người ta xây hố xí
Tốn sáu trăm triệu đồng.

Nhà hố xí cấp bốn,
Thoáng nhìn đã thấy kinh.
Tức là quan ăn bẩn,
Ăn cả cứt học sinh.

Thí dụ nhiều, nhiều lắm,
Cả loại bé, loại to,
Mà kể ra cho hết
Phải đến tết Công-gô.

Các quan ta thế đấy,
Đầy tớ của nhân dân,
Công khai và trắng trợn,
Ăn xác chết, ăn phân.

Chúng chui vào bộ máy,
Cũng trắng trợn, công khai,
Nơi chấp nhận bằng rổm
Và những kẻ bất tài.

Như thế là cặn bã.
Nhưng cặn bã hơn nhiều,
Là chúng, vừa ăn cứt,
Vừa lem lẻm giáo điều.

Rồi sinh hoạt chi bộ,
Rồi phê và tự phê,
Rồi “trong sạch, vững mạnh”…
Rồi vui vẻ ra về.

Tóm lại là chúng nó,
Cấp nào chúng cũng ăn.
Còn hơn cả cặn bã.
Thật khốn khổ thằng dân.

PS
Thêm một câu hỏi nhỏ:
Sao đến nông nỗi này?
Đâu kỷ cương nhà nước
Đài báo nói xưa nay?

Hay nhà nước không biết?
Hay nhà nước cũng ăn?
Vậy xin mời nhà nước
Hãy trả lời hộ dân.


LẬP GIA ĐÌNH

Nhiều bác trẻ thật lạ -
Tớn lên đòi lấy nhau.
Rồi tớn lên, ly dị
Vì những chuyện không đâu.

Cứ như họ không biết
Rằng việc lập gia đình
Là một việc hệ trọng
Không chỉ với riêng mình.

Gia đình thiêng liêng lắm,
Đòi hỏi cả hai người
Phải cùng có trách nhiệm
Để chung sống trọn đời.

Hạnh phúc xây mới khó.
Phá thì dễ hơn nhiều.
Không thể có hạnh phúc
Nếu không biết thương yêu.

Không biết cùng nhường nhịn
Chia sẻ và cảm thông.
Chưa hiểu được điều ấy,
Đừng làm vợ, làm chồng.

Đừng tớn lên cưới hỏi,
Rồi tớn lên chia tay.
Nói thật, tôi rất ghét
Các bác trẻ kiểu này.

No comments:

Post a Comment