Wednesday, July 30, 2014

THƠ THIỀN LÝ TRẦN Trích Cổ thi Tác dịch


LỜI NGƯỜI DỊCH
(Cho lần xuất bản cuốn Cổ Thi Tác Dich thứ nhất 2001)
Tôi thuộc lớp người hậu sinh, Tây học, mấy chục năm qua chỉ chuyên dịch văn thơ phương Tây, gần đây mới bắt đầu đọc nhiều và thấm thía dần cái đẹp, cái sâu lắng của thơ cổ phương Đông, đặc biệt là thơ chữ hán của các tác giả cổ điển Việt Nam và Trung Quốc. Tôi coi đó là sự thiệt thòi và lỗ hổng lớn về kiến thức. Dẫu không biết chữ Hán và sự hiểu biết về vốn cổ cũng hạn chế, càng đọc, tôi càng nung nấu ý nghĩ phải làm một cái gì đó lớn hơn sự thưởng thức đơn thuần đối với mảng thơ tuyệt vời này. Tập thơ các bạn đang cầm trên tay là kết quả của ý định đó.
Thơ chữ Hàn Việt Nam và thơ Trung Quốc là di sản chung của mọi người, mọi thời đại. Xin hãy xem công trình lao động này của tôi - dẫu còn nhiều điều chưa thỏa đáng, thậm chí có thể khó chấp nhận - như tấm lòng, tiếng nói và cách đọc hiểu của một thế hệ đối với di sản đó. Vì không biết ngôn ngữ nguyên bản, tất nhiên tôi phải dựa vào bản dịch nghĩa của người khác. Tôi đối chiếu nhiều bản khác nhau, từ đó chọn cho mình một cách hiểu và diễn đạt riêng. Nói chung, những người dịch trước tôi đều cố gắng trung thành tối đa với câu chữ nguyên bản. Đó là một quan điểm đúng và cần thiết của nghề dịch, tuy nhiên, cái giá không tránh khỏi là nhiều khi bản dịch chưa đạt được sự trong sáng và chất thơ mong muốn. Tôi có thể làm tương tự và chắc cũng khó tránh khỏi nhược điểm đó. Do vậy, tôi quyết định đi theo một hướng khác, là tập trung truyền đạt tứ thơ, hình ảnh và ấn tượng. Nghĩa là trong trường hợp cần thiết tôi sẵn sàng bỏ không dịch hoặc thay đổi một số từ và ý phụ. Nói nôm na, tôi hầu như không dịch mà viết lại. Vì thế nên mạn phép bắt chước các nhà thơ cổ, xin được đặt tên cho tập thơ này là "Cổ thi tác dịch". Có lẽ đây là một thể nghiệm sẽ gây tranh cãi, vậy tôi có mấy lời chân thành mào trước, mong được bạn đọc lượng thứ.
Tôi nghĩ ưu điểm lớn nhất của bản dịch này là lần đầu tiên người đọc có thể trực tiếp thưởng thức qua bản dịch chứ không cần tham khảo bản dịch nghĩa như xưa nay vẫn làm, vì mỗi bài dịch đã là một tác phẩm hoàn chỉnh với đầy đủ các yếu tố cần thiết để làm nên một bài thơ hay – ấn tượng, vần điệu, hình ảnh. Chuyển đạt những yếu tố trên, chứ không đơn thuần ý tưởng, là khâu khó nhất khi dịch, và cũng là mục tiêu cao nhất của tôi.
Cuối cùng, tôi chân thành cảm ơn tác giả các công trình nghiên cứu, các bản dịch nghĩa và dịch thơ mà tôi tham khảo trong quá trình làm việc, cũng như các chuyên gia văn học, ngôn ngữ và bạn bè đã nhiệt tình giúp đỡ.
Hà Nội 30.9.1997
Thái Bá Tân
_________________________

Lý Thường Kiệt
Tác giả: (1019-1105) anh hùng dân tộc, tên thật là Ngô Tuấn, Thường Kiệt là tên tự, sau được ban quốc tính họ Lý, thành Lý Thường Kiệt; quê ở Thăng Long; có tài thao lược, giỏi văn thơ; có công lớn trong việc xây dựng đất nước, đánh Tống, bình Chiêm.
Núi sông nước Nam
Vua Nam cai trị nước Nam này,
Sách trời ghi rõ thế xưa nay.
Cớ sao ngoại giặc liều xâm phạm,
Ta quyết không dung lũ chúng mày!
Đỗ Pháp Thuận
Tác giả: (915-990), không rõ tên thật và quê quán, là nhà thơ thế hệ thứ 10 dòng thiền Nam Phương, có kiến thức uyên bác, giỏi thơ văn, tích cực tham gia phò nhà Tiền Lê, được vua Lê Đại Hành phong làm Pháp sư.
Trả lời nhà vua(1) hỏi về ngôi nước
Ngôi nước như rồng cuốn.
Vua vô vi(2), anh minh.
Đất nước hết loạn lạc,
Nơi nơi hưởng thái bình.
Ngô Chân Lưu
Tác giả: tức Khuông Việt (933-1011), người Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay là Tĩnh Gia, Thanh Hóa, lúc nhỏ học đạo, lớn lên đi tu. Do nổi tiếng tinh thông Thiền học nên được Đinh Tiên Hoàng ban cho hiệu là Khuông Việt đại sư.
Lý do có lửa
Trong gỗ luôn có lửa,
Vẫn thế bao đời nay.
Nếu gỗ không có lửa,
Sao cháy được thế này?
Lâm Khu
Tác giả: tức Huệ Sinh (?-1063), người làng Đông Phù Liệt, huyện Long Đàm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, 19 tuổi đi tu. Ông từng trụ trì nhiều nơi, được vua Lý Thái Tông yêu mến, phong đến chức Tả nhai đô tăng thống.
Trả lời Lý Thái Tông khi được hỏi về tâm nguyện
Vạn vật không mà có,
Có mà lại như không.
Khi hiểu được điều đó,
Người và Phật tương đồng.
Lý Ngọc Kiều
Tác giả: sinh 1041, mất 1113, người hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, là con gái đầu của Phụng Càn vương, được vua Lý Thánh Tông nuôi dạy trong cung. Cuối đời di tu, pháp danh là Ni sư Diệu nhân. Bà và ỷ Lan phu nhân là hai nữ sĩ nổi tiếng đời Lý. Ngoài bài thơ này còn lưu được một bài kệ nói về bốn nỗi khổ của kiếp người.
Sinh lão bệnh tử(1)
Sinh lão và bệnh tử,
Vốn là điều tự nhiên.
Càng muốn thoát cho khỏi,
Càng bị trói chặt thêm.
Ngu muội mới cầu Phật,
Dại dột muốn mong Thiền.
Chẳng cần Thiền, cần Phật,
Hãy tĩnh tâm ngồi yên.
Vạn Trì Bát
Tác giả: Sinh 1049, mất 1117, không rõ tên thật là gì, người ở đất Lụy Châu nay thuộc vùng Hà Bắc. Đi tu từ lúc 20 tuổi. Cuối đời ông trụ trì ở chùa Tổ Phong, núi Thạch Thất và mở trường dạy học ở đấy.
Có sinh ắt có tử
Có sinh, ắt có tử.
Có tử là có sinh.
Sống chết trời định sẵn,
Sướng khổ đều do mình.
Sự đời luôn thay đổi,
Buồn vui - bóng với hình.
Ai không lo sống chết,
Mới là người thông minh.
Dương Không Lộ
Tác giả: Không rõ năm sinh, chỉ biết mất 1119, người hương Hải Thanh, nay thuộc tỉnh Hà Nam, tổ tiên vốn làm nghề chài lưới, sau ông bỏ đi tu. Ông chuyên nghiên cứu về Thiền Tông và Mật Tông, cùng Thiền sư Giác Hải thường du ngoạn những nơi danh lam thắng cảnh.
Cái nhàn của dân chài
Sông xanh muôn dặm, trời muôn dặm.
Một xóm dâu gai, một xóm mây.
Ông chài ngủ quên, trưa tỉnh dậy,
Tuyết phủ trên ghe một lớp dày.
Lý Càn Đức
Tác giả: Tức Lý Nhân Tông (1066-1128), là con trưởng của Lý Thánh Tông và ỷ Lan Phu nhân, lên ngôi năm 7 tuổi, làm vua 56 năm, được xem là ông vua nhân ái và có tài.
Khen thiền sư Giác Hải và đạo nhân Thông Huyền
Giác Hải lòng như biển.
Thông Huyền đạo rất huyền.
Thần thông và biến hóa,
Một Phật, một thần tiên.
Đoàn Văn Khâm
Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, thân thế sự nghiệp cũng không rõ, chỉ biết làm tới Thượng thư bộ Công dưới triều Lý Nhân Tông (1072-1128).
Tặng thiền sư Quảng Trí
Chống gậy lên cao, rũ bụi trần,
Để ngắm mây trời ngắm sắc xuân.
Rất muốn mà không theo được Phật,
Vì áo quan trường trót vướng chân.
Viếng thiền sư(1) Quảng Trí
Xa lánh kinh thành, sống thảnh thơi.
Một mình trên núi với hoa tươi.
Những muốn theo hầu mà chưa kịp,
Nay nghe sư cụ đã qua đời.
Mộ vắng không hoa, không chữ khắc.
Sân chùa buồn bã lá vàng rơi.
Đến chùa âu cũng nguôi thương xót,
Khi thấy non sông gợi nhớ người.
Viếng thiền sư Chân Không
Nổi danh ngoài nội lẫn trong triều.
Người đến tầm sư học đạo nhiều.
Chợt gẫy nhà nhân(1) cây trí tuệ,
Rừng thiền bỗng chốc cột thông xiêu.
Sông núi như in hình chủ cũ.
Mộ bên tháp mới, cỏ tiêu điều.
Cửa chùa vắng vẻ, không ai gõ.
Khách nghe buồn bã tiếng chuông chiều.
Kiều Trí Huyền
Tác giả: Không rõ năm sinh, năm mất, chỉ biết sống cùng thời và là bạn của Từ Đạo Hạnh. Bản thân ông cũng là một thiền sư.
Trả lời Từ Đạo Hạnh khi được hỏi về chân tâm
Cái thiền, cái đẹp, cả lời ca,
Đều từ tay mắt Phật mà ra.
Cả vũ trụ này đâu cũng Phật.
Sao lầm, cứ tưởng Phật đâu xa?
Từ Lộ
Tác giả: tức Từ Đạo Hạnh, không rõ nơi, năm sinh, mất 1117. Ông là nhà sư thế hệ thứ 12 dòng thiền Nam Phương, tu ở chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích, châu Quốc Oai, nay là huyện Quốc Oai, Hà Tây.
Có và không
Có, từ hạt bụi nhỏ.
Không, cái gì cũng không.
Như hình trăng dưới nước,
Có, mà thực tình không.
Lời nhắn nhủ học trò trước khi chết
Thu về không báo nhạn cùng bay.
Cớ sao quyến luyến cõi đời này?
Môn đệ đừng buồn ta sắp mất:
Thầy xưa chết để hóa thầy nay.
Hoàng Viên Học
Tác giả: (1072-1136), người đất Như Nguyệt, có lẽ nay là Bắc Giang, tu ở chùa Đại An, thuộc huyện Tế Giang xưa, có nhiều học trò theo học.
Nghe tiếng chuông
Lục thức(1) làm ta vướng sự đời.
Cái dốt không cho thấy mặt trời.
Chuông chùa duy nhất làm ta tỉnh,
Xua cái vô minh(2), cả cái lười.
Kiều Phù
Tác giả: tức Bảo Giám, không rõ năm sinh, mất 1173, người huyện Trung Thụy, đời Lý Anh Tông, làm quan đến chức Hậu xá nhân, năm 30 tuổi từ quan, đến tu ở chùa Bảo Phúc, nay thuộc tỉnh Hòa Bình, sau ông trụ trì chùa này.
Cảm hoài
Mấy ai thành Phật nhờ đi tu,
Khi trí thông minh bị hãm tù.
Phải thấy huyền vi trong ngọc sáng,
Như thấy vầng dương giữa khói mù.
Cảm hoài
Trí tuệ như trăng sáng giữa trời,
Bao trùm thiên hạ, chiếu muôn nơi.
Muốn tìm được nó, đừng phân biệt
Cả rừng phong hoặc lá phong rơi.
Âu Đạo Huệ
Tác giả: Không rõ năm sinh, mất 1173, người Chân Hộ, đất Như Nguyệt, là nhà sư có tiếng đời Lý. Năm 15 tuổi theo học thiền sư Ngô Pháp Hoa ở chùa Phổ Ninh, sau đến trụ trì tại chùa Quang Minh, núi Thiên Phúc, huyện Tiên Du, trở thành người đứng đầu thế hệ thứ 9 dòng thiền Quan Bích, có lúc có hơn mười nghìn học trò.
Sắc thân và diệu thể(1)
Đất, nước, lửa, gió, thức -
Vốn dĩ đều là không.
Khác mây tan và hợp,
Lòng Phật sáng vô song.
Khuyết Danh
Ngẫm sự đời
Gió lùa, trăng lạnh, nước mênh mông,
Áo ấm đêm khuya vẫn buốt lòng.
Thời gian thấm thoắt trôi, già lão,
Mà việc không thành, ai biết không?
Hứa Đại Xã
Tác giả: (1119-1180) quê ở Thăng Long, lúc nhỏ theo học thiền sư Đạo Huệ, được vua Lý Anh Tông rất tin dùng.
Ngựa đá
Ngựa đá răng thật dữ,
Lại hý suốt đêm ngày.
Đường lắm người qua lại,
Người cưỡi vẫn ngồi ngay.
Nguyễn Quảng Nghiêm
Tác giả: (1121-1190) người đất Đan Phượng, là nhà sư thuộc thế hệ thứ 11 dòng thiền Quan Bích, trụ trì các chùa Phúc Thánh và Tịnh Quả.
Đừng theo bước Như Lai
Chỉ người thoát tục sống vô vi,
Mới bàn sống chết, chuyện từ bi.
Thời trẻ không nên theo đức Phật,
Làm trai phải có chí nam nhi.
Trần Cảnh
Tác giả: tức Trần Thái Tông (1218-1277), con thứ của Trần Thừa; là ông vua đầu tiên của nhà Trần, có công trong việc ổn định và đưa xã hội Việt Nam bước dần vào giai đoạn thịnh vượng; trực tiếp lãnh đạo và chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất. Ông đặt nền móng cho chế độ thi cử và mở mang việc học ở Việt Nam.
Gửi nhà sư Đức Sơn ở am Thanh Phong
Gió thổi trăng khuya rụng trước thềm.
Cảnh vật, lòng người đều tĩnh êm.
Bao nhiêu cái thú không ai biết,
Cứ để sư nằm, vui suốt đêm.
Văn răn ham sắc
Da phấn, tóc thơm với má đào,
Khi nhìn, ai cũng thấy nao nao.
Thực chất chỉ toàn xương với thịt,
Giết người đau đớn chẳng cần dao.
Văn răn nói càn
Khoa môi, múa mép, giả ân cần,
Cúi đầu xu nịnh để xin ăn.
Mang tiếng tiểu nhân, đời diễu cợt,
Cuối cùng cũng chuốc vạ vào thân.
Văn răn kẻ uống rượu
Chẳng qua bã gạo ủ lên men,
Mà biến người ngay thành kẻ hèn.
Nhà tan nước mất đều do rượu,
Phá cả tôn nghiêm chốn cửa thiền.
Kệ dâng hương
Chiên đàn(1) vun xới nơi vườn Tuệ,(2)
Hương thơm trầm thủy chốn rừng Thiền.
Dao từ bi vót hình cây nhọn,
Đốt lò hương nhỏ, kính dâng lên.
Kệ dâng hoa
Đất Tâm rộng mở, cõi nhân gian,
Muôn màu hoa nở, nước bình an.
Xin dâng lên Phật hoa trăm đóa,
Gió ác nghìn thu chẳng héo tàn.
Đường tới kinh đô(1)
Dọc đường cột ngựa giữa rừng cây.
Đường tới kinh đô qua lối này.
Đêm vắng, người thưa, trăng chiếu lạnh.
Trên đường những đốm sáng lung lay.
Tiễn sứ bắc Trương Hiển Khanh
Thẹn không ngọc tặng lúc chia tay.
Bùi ngùi sông núi giữa chiều mây.
Trước ngựa, gió thu ve vuốt kiếm.
Thư phòng trăng dọi, trướng lung lay.
Người nay khó giữ chim phương Bắc.
Đất lành lưu luyến cánh chim bay.
Chưa biết bao giờ mong gặp lại,
Nhân khi tiễn biệt, tặng thơ này.
Kiếp người(1)
Kiếp người - bọt sóng biển mênh mông.
Sống chết tại thiên, chớ bận lòng.
Nắng đẹp bình minh, chiều xạm tối.
Mùa xuân lá mọc, héo mùa đông.
Lã Vọng, Phan Lang đều chết cả.(2)
Thiên nhiên vận vật cứ xoay vòng.
Kiếp đời đã vậy, đừng than vãn.
Về tây nắng ngả, nước về đông.
Về bệnh tật(1)
Âm dương, tội đức cứ xoay vần.
Bể đời vì thế lắm gian truân.
Nhưng đã có thân thì có bệnh.
Bằng không có bệnh, ắt không thân.
Thuốc quý trường sinh không thể có.
Chẳng gì níu giữ tuổi thanh xuân.
Cái chính - tu thân, xa quỷ dữ,
Hàng ngày tâm niệm hướng thiên chân.(2)
Đêm mưa bão(3)
Bỗng trời nổi gió, bụi tung bay.
Ông chài say tít, mặc thuyền xoay.
Một dãy núi đồi vang tiếng sấm.
Chân trời bốn phía mịt mù mây.
Sầm sập mưa rơi như thác đổ.
Thi nhau ánh chớp xé đêm dày.
Bất chợt bão tan, trời lại tạnh.
Trăng sáng ngoài thềm - canh mấy đây?
Bài kệ khuyên mọi người lúc hoàng hôn
Hoàng hôn, mặt trời lặn
Sau dãy núi xa xa.
Thời gian trôi, khó giữ.
Người trẻ rồi cũng già.
Ai cưỡng được cái chết
Không cho đến tìm ta?
Vậy hãy lo tâm niệm,
Để xa lánh ma tà.
Kệ về lẽ vô thường(1)
(Bài một)
Sáng dậy, mặt trời mọc phía đông.
Lát sau đã thấy đứng trên không.
Mà người như thể đang mê ngủ,
Chẳng hay vạn vật vẫn xoay vòng.
Hoa nở rồi tàn, hoa lại nở.
Sự đời suy thịnh, có mà không.
Sao chẳng tĩnh tâm ngồi suy nghĩ,
Tự mình gây khổ, cứ long đong?
Kệ về lẽ vô thường
(Bài hai)
Nắng tắt, hết ngày lại đến đêm.
Đã tối, đường đời càng tối thêm.
Nhà mình đèn có mà không thắp,
Lại nhờ ánh sáng của nhà bên.
Sau núi mặt trời chưa kịp lặn.
Bên hồ trăng sáng đã nhô lên.
Sống chết luân hoàn, đời đã vậy,
Sao không niệm Phật, sớm quy thiền?
Kệ về lẽ vô thường
(Bài ba)
Trống canh giục khách tỉnh giấc nồng.
Chuông Phật nhắc người luyện đức công.
Mà người vẫn ngủ, quay về Bắc,
Mặc kệ mặt trời mọc phía Đông.
Dằng dặc đêm dài rồi cũng hết.
Đêm đời tăm tối, dốt thì không.
Nếu không nhanh chóng lo hành đạo,
Ngày nào mới gặp được Hoàng Công?(1)
Trần Tung
Tác giả: tức Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291), con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, trực tiếp cầm quân chống quân Nguyên. Ông tu Phật mà không hề xuất gia, từng theo học thiền sư Tiêu Dao. Ông rất ham mê văn thơ, các sáng tác được tập hợp trong bộ "Thượng Sĩ Ngữ lục”.
Thăm đại sư Tăng Điền
Cũng thế rừng xanh với gác lầu.
Để sống, chỗ nào chẳng giống nhau.
Người đời thấy núi cao và đẹp,
Mấy người nghe tiếng vượn khe sâu?
Gợi bảo mọi người
Thế gian ưa dối, không ưa thật.
Nhưng thật dối gì, đều bụi đất.
Muốn sang tới được bờ bên kia,(1)
Hãy hỏi trẻ con chơi trước mặt.
Chợt hứng làm thơ
Thanh thản ngồi yên chính giữa nhà,
Nhìn Côn Luân khói gợn xa xa.
Lúc mệt, thảnh thơi, tâm tự tắt,
Không thiền, không Phật, chỉ mình ta.
Cây tùng dưới khe
Cao thẳng, cây tùng mọc dưới khe,
Ở nơi vắng vẻ, núi bao che.
Chưa làm rường cột, không gì lạ,
Cỏ dại, dây leo mọc bốn bề.
Cái tâm
Cái tâm không tướng, chẳng hình hài.
Thấy nó mắt thường dễ mấy ai?
Muốn biết cái tâm cho thật rõ,
Từ chiều cứ ngủ đến canh hai.
Thơ đề ở chùa
Vừa đến cổng chùa, vội phóng tay
Đơn sơ nguệch ngoạc mấy câu này.
Kể đã khá lâu, không cầm bút,
Ba giới Như Lai(1) cũng chẳng hay.
Gợi bảo những người tu Tây Phương(1)
Phật ở trong lòng mỗi chúng ta.
Bốn phương thân pháp(2) chỉ bao la.
Trong veo bể Phật, đêm thu lắng.
Trời đêm đơn độc mảnh trăng tà.
Vui thú giang hồ
Con thuyền nho nhỏ lướt trên sông.
Ghếch lái, buông chèo chỗ uốn cong.
Chợt nghe tiếng nhạn kêu đâu đó.
Gió thu như đã thổi qua lòng.
Thời tiết yên định
Tử sinh đừng hỏi, kẻo phí lời.
Thời tiết "nhân duyên" vốn tại trời.
Mây núi nào không bay cạnh núi,
Sóng nào chẳng ở chốn xa khơi.
Hoa nở tháng Ba, luôn vẫn vậy.
Gà gáy canh năm đánh thức người.
Cái đạo, cái tâm ai thấu hiểu,
Mới biết phù du sống ở đời.
Họa thơ huyện lệnh
Chẳng kém Tứ Minh(1) về cái ngông,
Không cầu trời phật thưởng, khen công.
Giác ngộ nhiều khi chưa mà đã,
Sự đời lắm lúc có mà không.
Tiểu nhân tìm thuốc mong bất tử,
Người giỏi ung dung chẳng bận lòng.
Đi câu mà chẳng mang câu, lưới,
Thậm chí chẳng thèm ngó xuống sông.
Cái thú giang hồ
Vui thú giang hồ, cảnh núi sông
Từ lâu ấp ủ mãi trong lòng.
Bạc vàng, danh vọng không vương vấn.
Tháng ngày nhàn nhã, sống thong dong.
Buổi chiều thổi sáo, chờ trăng mọc.
Sáng cắm thuyền câu chính giữa dòng.
Tạ Tam(1) thật tiếc không còn nữa,
Còn lại chiếc thuyền ghếch bãi nông.
Trình thiền sư Tiêu Dao ở Phúc Đường(2)
Lâu nay xa phong thái, kiều ngụ ở thôn hoang. Sâm thương thân cách phương trời, loạn phương ý hằng chung bóng. Khúc hát "vô sinh", thảnh thơi cất tiếng. Công ơn pháp nhũ, gọi chút đền bù.tạm viết đôi lời, dưới tòa trình tiến.
Ở nơi thôn dã sống qua ngày,
Nhưng ơn Tứ Trọng(2) vẫn sâu dày.
Nhờ được gặp luôn, đầu đỡ tối/
Lòng dù đã nguội, vẫn lòng ngay.
Mùa xuân ngồi ngắm hoa đào nở.
Thu về, nhàn nhã ngắm mây bay.
Hôm nọ đến thăm, ngài chỉ giáo,
Bây giờ xin gảy đàn không dây.(3)
Cảnh vật Phúc Đường
Phúc Đường, phong cảnh thật thanh tao.
Gió thiền vi vút thổi trên cao.
Bên bờ dâu mục chồi măng mọc,
Trước cửa hàng thông lá xạc xào.
Người giỏi náu mình chờ dịp tốt.
Thú lành trong núi vẫn nhiều sao.
Mặt trời Đức Phật rồi sẽ mọc.
Từ sân tới ngõ rợp hoa đào.
Khuyên đời vào đạo
Xuân hết đến hè, năm tháng qua.
Rất nhanh, người trẻ hoá thành già.
Sầu muộn luôn theo cùng tuổi tác.
Sang giàu rút cục chỉ phù hoa.
Bể "khổ" là đời, thường vẫn vậy,
Sông "yêu" mang lại lắm phiền hà.(1)
Cứ mãi buông mình theo dục vọng,
Có ngày tai hoạ đến tìm ta.
Chợt tỉnh
Giữa "không" và "có" chẳng bao xa.
Xưa nay sống chết - một thôi mà.
Hoa nở năm nay - hoa năm ngoái.
Trăng sáng bây giờ - trăng tối qua.
Thấm thoắt "ba sinh"(1) như gió thoảng.
Tuần hoàn "chín cõi"(2) kiếp phù hoa.
Vậy sống thế nào là tốt nhất?
Ma ha bát nhã, tát - bà - ha?(3)
Lui về ở ẩn
Ở đời, phúc họa đến song song.
Nơi này thanh tịch sống thong dong.
Sáng ngắm chim bay trên sóng biển.
Chiều xem mây khói phủ kín đồng.
Thẹn đời điên loạn, thân nhơ bẩn.
Mừng nước chưa suy, sạch tấm lòng.
Đêm đêm mơ thấy quan âm Phật.
Sóng thu vừa cạn lại vừa trong.

No comments:

Post a Comment