NGƯỜI ĐẸP VÀ QUÁI VẬT
1
Ngày xưa ở nước Pháp
Có một lái buôn giàu.
Ông có ba con gái
Tuổi sàn sàn như nhau.
Cô út rất xinh đẹp,
Đẹp đến mức mọi người
Gọi cô là Người Đẹp
Ngay khi mới lên mười.
Khác với hai cô chị
Vốn ích kỷ, đành hanh,
Cô là người tốt bụng,
Trung thực và chân thành.
Một lần, do gặp bão,
Các tàu buôn của ông
Bị chìm hết, rốt cục,
Ông trở thành tay không.
Dọn đến ngôi nhà nhỏ
Ở vùng quê thanh bình,
Họ buộc phải lao động
Để tự nuôi sống mình.
Mấy năm sau, bất chợt
Một trong số con tàu,
Nghe nói vừa cập cảng.
Ông vợi bớt buồn rầu.
Trước khi lên thành phố
Lo việc này, ông ta
Hỏi các cô con gái
Muốn mua gì làm quà.
Hai cô lớn nhanh nhảu
Đòi quần áo, nhẫn, vòng.
Còn Người Đẹp khiêm tốn,
Chỉ xin một bông hồng.
Đến nơi, ông thất vọng:
Người ta giữ tàu này
Để thế nợ, do vậy
Ông quay về trắng tay.
Dọc đường ông bị lạc,
Sâu trong rừng, tối đen,
Cuối cùng ông đến được
Một nơi có ánh đèn.
Lại gần hơn thì thấy
Đó là một lâu đài
Rất cổ và lộng lẫy,
Bên trong không có ai.
Thấy thức ăn, đồ uống
Được dọn sẵn, đang chờ,
Ông ăn rồi đi ngủ,
Dẫu vẫn còn nghi ngờ.
Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Chợt thấy một vườn hồng,
Nhớ lời Người Đẹp dặn,
Ông liền hái một bông.
Một Quái Vật gớm ghiếc
Xuất hiện ngay tức thì.
Trông nó thật đáng sợ,
Mặt lông lá, đen xì.
Nó bảo nó là chủ
Tòa lâu đài cổ này.
Nó cho ông ăn ngủ,
Thế mà rồi giờ đây
Ông trả ơn bằng cách
Hái hoa trong vườn hồng.
Giờ cái giá phải trả
Lại chính là mạng ông.
Ông lái buôn hoảng sợ,
Kể chuyện con xin hoa.
Quái Vật nghe, cho phép
Ông mang nó về nhà
Với điều kiện Người Đẹp
Phải tự mình đến đây
Để thay cha, hoặc giả
Ông trở lại nơi này.
Nếu con gái ông đến
Là do cô muốn đi.
Không ai được ép buộc,
Ép buộc chẳng ích gì.
Ông lái buôn đồng ý,
Rồi lên ngựa quay về.
Đến nhà, ông thành thật
Kể mọi chuyện con nghe.
Cô con út, Người Đẹp,
Nằng nặc xin thay ông.
Cuối cùng ông chấp nhận,
Dẫu đau đớn trong lòng.
Ông chấp nhận bởi lẽ
Đêm hôm trước ông mơ
Thấy bà tiên báo trước
Điều tốt đẹp đang chờ.
2
Quái Vật tiếp Người Đẹp
Rất lịch sự, đàng hoàng,
Thậm chí còn nói nó
Là nô lệ của nàng;
Rằng nàng là bà chủ
Của cả lâu đài này.
Thức ăn luôn dọn sẵn,
Tủ quần áo chất đầy.
Nó cầu xin Người Đẹp
Hãy lấy nó làm chồng,
Nhưng đêm nào cũng vậy,
Nàng lắc đầu, nói không.
Sau mỗi lần từ chối,
Đêm nàng mơ thấy nàng
Bị một hoàng tử trách
Sao không chịu lấy chàng.
Nàng không nghĩ Quái Vật
Chính là hoàng tử này,
Mà nghĩ có thể nó
Đang giữ chàng đâu đây.
Nàng lặng lẽ tìm kiếm
Khắp nơi trong lâu đài.
Nàng thấy nhiều cái lạ,
Nhưng không tìm thấy ai.
Suốt mấy tháng, cứ vậy,
Nàng sống trong giàu sang
Với rất nhiều đầy tớ
Chờ được hầu hạ nàng.
Nàng muốn gì cũng có,
Có vườn hồng, bầu trời,
Có sách để nàng đọc,
Có đàn để nàng chơi.
Bỗng một hôm Người Đẹp
Tư lự buồn, nhớ nhà.
Nàng xin, và Quái Vật
Cho nàng về thăm cha.
Nhưng nàng phải quay lại
Chính xác sau một tuần.
Rồi nó đưa Người Đẹp
Chiếc nhẫn và gương thần.
Chiếc gương cho nàng biết
Mọi chuyện ở lâu đài.
Còn sờ vào chiếc nhẫn,
Rồi xoay vòng, một, hai,
Lập tức chiếc nhẫn ấy
Đưa nàng về rất nhanh
Với Quái Vật tốt bụng,
Nhẹ nhàng và yên lành.
3
Lại nói bố Người Đẹp
Từ khu rừng về làng,
Được Quái Vật gửi tặng
Một hòm lớn bạc vàng.
Nhớ số vàng bạc ấy,
Hai cô lớn lấy chồng.
Họ tưởng họ hạnh phúc
Nhưng rốt cục lại không.
Anh chồng cô chị cả
Đẹp trai và thông minh,
Nhưng lười biếng, ích kỷ
Chỉ biết chăm lo mình.
Anh chồng của cô thứ
Là một người tài hoa,
Nhưng chỉ mê cờ bạc,
Và lười biếng việc nhà.
Nên khi thấy Người Đẹp
Quay về như nàng tiên,
Người đeo đầy trang sức,
Quần áo loại đắt tiên,
Hai ả rất ghen tỵ,
Liền tìm cách hại nàng,
Để cho bõ ghen ghét,
Để chiếm lấy bạc vàng.
Khi biết được Người Đẹp
Phải về sau một tuần,
Chúng giả vờ quyến luyến
Rồi giở chuyện tình thân
Cứ đòi nàng ở lại,
Dù chỉ thêm một ngày.
Người Đẹp đành đồng ý.
Do dễ tin, thơ ngây
Nàng không biết các chị
Muốn Quái Vật giết mình
Vì nhỡ hẹn quay lại.
Một mưu kế thông minh.
Bất chợt nàng chợt tỉnh,
Liền lấy chiếc gương thần,
Nhìn thì thấy Quái Vật
Đang thoi thóp ngoài sân.
Nàng liền xoay chiếc nhẫn,
Một loáng đến lâu đài,
Thấy Quái Vật gần chết,
Đang rên rỉ, thở dài.
Thấy Người Đẹp, nó nói,
Yếu ớt và dịu dàng:
“Nàng không giữ lời hứa,
Mà tôi thì yêu nàng...”
Người Đẹp ôm nó khóc,
Mắt đẫm lệ, long lanh:
“Đừng chết! Không, đừng chết!
Tôi cũng yêu, yêu anh!
Trước chỉ là tình bạn,
Nhưng bây giờ thì không.
Tôi cần anh để sống.
Tôi lấy anh làm chồng!”
Nàng nói xong, đúng lúc
Giọt nước mắt của nàng
Rơi lên người Quái Vật,
Một tiếng nổ âm vang
Rồi tiếng trống, tiếng nhạc,
Những chùm lớn pháo hoa,
Rơi như mưa xuống đất,
Cả không gian chói lòa.
Người Đẹp bỗng ngơ ngác:
Quái Vật đâu, ở đâu?
Nàng hoảng sợ, lại khóc,
Pháo vẫn nổ trên đầu.
“Thưa Người Đẹp, Quái Vật
Đang quì đây, dưới chân
Một cô gái nhân hậu
Và xinh đẹp tuyệt trần.”
Nàng nhìn xuống, chợt thấy
Một hoàng tử bên nàng,
Ăn mặc thật lộng lẫy,
Dáng điệu thật cao sang.
Hoàng Tử nói, ngày trước
Một phù thủy, tiếc thay,
Biến chàng thành quái vật,
Bắt phải sống nơi này.
Và chỉ khi ai đó,
Yêu thương chàng suốt đời
Thì lời nguyền mới hết,
Và chàng lại thành người.
Bỗng từ trời bay xuống
Một bà tiên mảnh mai.
Hoàng Tử và Người Đẹp
Theo bà vào lâu đài.
“Con vượt qua thử thách
Rất đáng khen, và rồi
Con sẽ thành hoàng hậu,
Ta nghĩ cũng không tồi.
Còn đây, - bà nói tiếp. -
Đây là hai chị con.
Chúng độc ác, ích kỷ,
Không trái tim, tâm hồn.
Vì vậy ta bắt chúng
Thành tượng đồng, đứng đây
Để nhìn con hạnh phúc,
Để ghen tức hàng ngày.”
Rồi và vung chiếc gậy,
Lập tức, tòa lâu đài
Bỗng biến thành cung điện,
Có lính gác trong ngoài.
Tiếp đến là lễ cưới,
Như trong một giấc mơ.
Hai người sống hạnh phúc
Mãi đến tận bây giờ.
A-LA-ĐANH VÀ CÂY ĐÈN THẦN
1
Ngày xưa có cậu bé
Tên là A-la-đanh,
Mồ côi bố, nghèo khổ
Và không được học hành.
Có một người ngày nọ,
Từ đâu bước vào nhà,
Tự nhận mình là bác,
Ông bác của cậu ta.
Dẫu chưa bao giờ thấy,
Nhưng quả cậu, may sao,
Có ông bác như vậy,
Nên ông được đón chào.
Ngày hôm sau ông bác
May cho cậu áo quần,
Đưa đi chơi trong phố.
Hai người thành quen thân.
Thấy con mặc áo đẹp
Lại còn được đi chơi,
Bà mẹ nhờ ông bác
Dạy dỗ cháu thành người.
Đó là lão phù thủy,
Có việc mò đến đây,
Chứ nào phải là bác,
Lợi dụng cậu bé này.
Hắn giả vờ tử tế,
Đưa cậu đi chơi xa,
Đến một hang núi đá
Trong một cánh rừng già.
Hắn ngồi xuống, nhóm lửa,
Rắc ít bột, và rồi
Lẩm bẩm điều gì đó -
Mặt đất nứt làm đôi.
A-la-đanh sợ quá.
“Cháu đừng sợ, không sao.
Hãy lắng nghe ta nói,
Không bỏ sót lời nào.
Cháu hãy cầm bó đuốc
Rồi đi sâu xuống hang,
Đến chỗ có lối rẽ
Thì bắt đầu rẽ ngang.
Cháu đi tiếp, hướng phải,
Hơi chênh chếch sang bên,
Thấy một khi vườn nhỏ.
Ở đấy có chiếc đèn.
Cháu hãy thổi tắt nó,
Hãy rót hết dầu ra
Rồi nhanh chóng quay lại,
Đưa chiếc đèn cho ta.
Còn nữa, cháu nhất thiết
Không chạm vào cái gì!”
Hắn dặn kỹ như thế
Rồi để cậu bé đi.
Làm những gì hắn dặn,
Cậu tìm thấy cái đèn,
Hái mấy trái cây lạ
Dọc con đường quay lên.
Lão phù thủy hí hửng
Đứng chờ ở cửa hang.
Thấy chiếc đèn, mừng lắm
Liền đưa tay vội vàng
Định giật lấy, nhưng cậu
Dấu sau lưng chiếc đèn:
“Bác kéo cháu lên đã
Rồi cháu mới đưa đèn!”
Hắn cố giành không được,
Cáu, lẩm bẩm điều gì.
Bỗng cửa hang đóng sập.
Thế là hắn bỏ đi.
Alađanh hoảng sợ,
Một mình trong bóng đen,
Cậu sờ soạng, dò dẫm,
Tình cờ chạm chiếc đèn.
Ngay lập tức xuất hiện
Một con quỉ đầy lông:
“Cần gì, hãy sai khiến.
Tôi, nô lệ của ông.”
Alađanh liền nói:
“Hãy đưa ta về nhà!”
Chưa định thần, đã thấy
Bên cạnh mẹ cậu ta.
Cậu liền kể cho mẹ
Chuyện về chiếc đèn thần.
Bà mẹ sai con quỉ
Nhanh chóng dọn bàn ăn.
Trong nháy mắt, nào rượu,
Nào thức ăn ê hề.
Hai mẹ con nhà cậu
Được một bữa no nê.
Suốt mấy năm, cứ thế
Họ sống trong no say.
Muốn cái gì cũng có,
Nhà tiền bạc chất đầy.
2
Jas-min là công chúa
Xinh đẹp đến mê hồn.
Alađanh nhìn thấy,
Bắt mẹ đến cầu hôn.
Vua thấy lễ rất hậu,
Nhiều vật quí, bạc vàng,
Nên cuối cùng đồng ý
Gả con gái cho chàng.
Chàng cũng nhờ con quỉ
Xây một tòa lâu đài
Rất to và rất đẹp,
Loại có một không hai.
Cũng vì to và đẹp,
Tin về lâu đài này
Đến tai lão phù thủy.
Lão liền tìm đến đây
Giả làm người bán dạo,
Hắn đẩy xe và rao:
“Đổi đèn cũ lấy mới!
Có ai đổi không nào?”
Vì không biết giá trị
Chiếc đèn cũ của chồng,
Jas-min đem đổi nó
Lấy chiếc mới bằng đồng.
Và rồi, có được nó,
Lão phù thủy vội vàng
Đưa về quê hương lão
Tòa lâu đài và nàng.
Alađanh biết chuyện,
Lên đường đi châu Phi,
Tìm thấy lão phù thủy,
Vượt rất nhiều hiểm nguy.
Ở đấy, nhờ chiếc thảm
Và con khỉ lông đen,
Chàng đã cứu được vợ
Và lấy lại chiếc đèn.
Chiếc đèn thần lập tức
Đưa chàng quay về nhà
Cùng lâu đài và vợ.
Lão phù thủy ranh ma
Đã bị chàng giết chết
Bằng thuốc độc, và rồi
Chàng và nàng công chúa
Sống hạnh phúc suốt đời.
A-LI BA-BA VÀ BỐN MƯƠI TÊN
CƯỚP
1
Nghe người ta kể lại,
Xưa, ở xứ Ba Tư
Có anh em nhà nọ,
Cũng thuộc loại hiền từ.
Cassim là anh cả,
Còn A-li Ba-ba
Là em trai, và họ
Sớm mồ côi mẹ cha.
Cassim thì sung sướng
Vì lấy được vợ giàu.
Ali phải hái củi,
Ăn bữa cháo, bữa rau.
Một hôm chàng lên núi,
Hái củi như mọi ngày,
Thấy một tốp người ngựa
Đang phóng tới như bay.
Lúc ấy chàng đang đứng
Dưới một gốc cây sồi.
Sợ đó là bọn cướp,
Chàng leo lên cây ngồi.
Rồi tốp người ấy đến,
Đất bụi bay tung trời.
Ali đếm, thấy có
Tất cả bốn mươi người.
Họ xuống ngựa, sau đấy
Một người trong số này
Nói “Vừng ơi, mở cửa!”
Và lập tức, lạ thay
Núi đá mở thành cửa,
Tất cả theo nhau vào.
Cánh cửa đá lại đóng,
Không để dấu vết nào.
A-li sợ bị bắt,
Vẫn ngồi im, thế là
Một lúc sau, cửa mở,
Bọn cướp lại đi ra.
Rồi người mà chàng nghĩ
Là thủ lĩnh bọn này
Nói: “Vừng ơi, đóng cửa!”
Cửa đá lại đóng ngay.
Cả bốn mươi tên cướp
Nhảy lên ngựa, phóng đi,
Bất ngờ như khi đến,
Không để lại cái gì.
A-li liền leo xuống,
Còn chưa hết bàng hoàng.
Nói: “Vừng ơi, mở cửa!”
Cửa đá mở trước chàng.
Chàng bước vào, kinh ngạc,
Thấy đó là căn phòng
Được khoét sâu trong đá,
Sáng và rộng mênh mông.
Hơn thế, chất hàng đống
Là châu báu, ngọc ngà,
Là kim cương, vàng bạc,
Là vải lụa thêu hoa.
A-li liền nhanh chóng
Nhét mấy bao đầy vàng,
Đủ để con la chở.
Nó đang chờ ngoài hang.
Chàng đem số vàng ấy
Chất lên lưng con la,
Nói: “Vừng ơi, đóng cửa!”
Rồi vội vã về nhà.
2
Ở nhà, chàng dặn vợ
Không được nói ai hay,
Định sẽ chờ đêm đến,
Đem chôn số vàng này.
Cô vợ thì muốn biết
Có bao nhiêu đấu vàng,
Liền chạy sang mượn đấu
Ở nhà chị dâu chàng.
Vợ Ca-sim thấy lạ,
Trong lòng hơi nghi nghi.
Nhà chúng vốn nghèo rớt,
Mượn đấu để đong gì?
Mụ lén bôi ít nhựa
Vào đáy đấu, ngỡ ngàng
Khi hôm sau thấy nó
Có dính một đồng vàng.
Tò mò và ghen tị
Hai vợ chồng anh ta
Cứ nài A-li kể
Số vàng ấy đâu ra.
Chàng A-li kể hết,
Vì chất phác, tin người.
Kể cả chuyện kho báu
Và câu chú “Vừng ơi...”
Sáng hôm sau, rất sớm,
Ca-sim đến nơi này,
Cùng chục con la lớn,
Mấy chục bao tải dày.
Anh ta đến hang đá,
Đọc câu chú của Vừng.
Cửa hang mở, sau đó
Tự khép lại sau lưng.
Có thể do bị sốc,
Hay ngắm vàng quá nhiều,
Khi ra, quên lời chú,
Không nhớ Vừng hay Tiêu.
Anh ta đọc một loạt
Tên các loại cây trồng.
Nhưng cánh cửa vẫn đóng.
Trước mở, giờ thì không.
Đến trưa thì bọn cướp
Quay trở lại, và rồi
Chúng chém Ca-sim chết,
Người còn cắt làm đôi.
Vợ Ca-sim tối đó,
Mãi không thấy chồng về,
Bèn đến hỏi em rể,
Nước mắt chảy dầm dề.
A-li thì lặng lẽ
Lại tìm đến cửa hang,
Nhặt xác anh, sau đó
Chở về cùng ít vàng.
Chàng trao cái xác ấy
Cho cô Mô-gia-na,
Nô lệ của anh chị,
Luôn trông coi việc nhà.
Cô này rất tháo vát,
Lại thông minh cực kỳ.
“Đây là xác ông chủ.
Cô biết phải làm gì.
Mai làm lễ an táng,
Nhưng giản dị, bình thường,
Để mọi người đều nghĩ
Ông chủ chết trên giường.”
Morgiana tối ấy
Liền vội vã đi tìm
Một thợ giày tài giỏi
Khâu xác cho Ca-sim.
Rồi mọi việc sau đó
Đúng như lời A-li.
Ca-sim được chôn cất
Mà chẳng ai biết gì.
3
Còn bốn mươi tên cướp
Quay trở lại lần sau,
Ngạc nhiên khi không thấy
Xác Ca-sim ở đâu.
Nghĩa là có ai đó
Đưa xác đi khỏi đây.
Ít nhất hai người biết
Về kho báu nơi này.
Một người đã bị giết,
Vậy còn người thứ hai.
Nhất định phải giết hắn,
Nhưng ở đâu, và ai?
Một tên cướp được cử
Vào thành phố dò tìm.
Hắn tìm thấy ông lão
Khâu xác cho Ca-sim.
Sau khi hối lộ lão,
Hắn được đưa tới nhà
Đêm trước lão khâu xác,
Tức nhà Mô-gia-na.
Hắn lặng lẽ lấy phấn
Đánh dấu cửa nhà này,
Định mai dẫn đồng bọn
Mang gươm giáo tới đây.
Morgiana sau đó,
Khi chuẩn bị lên giường,
Thấy dấu lạ trên cửa,
Đáng nghi và khác thường.
Cô gái thông minh ấy
Cầm viên phấn đi ra,
Lần lượt đánh dấu ngoặc
Lên đúng một trăm nhà.
Hôm sau bọn cướp đến,
Đành lủi thủi về ngay.
Không lẽ phải giết chết
Cả trăm nhà ở đây?
Tên cướp ấy bị giết
Vì không tìm đúng nhà.
Chúng lại cử tên khác,
Vẫn thua Mô-gia-na.
4
Sau đó, tên thủ lĩnh
Được ông thợ giày già
Đưa đến nơi cần đến.
Hắn không đánh dấu nhà,
Mà chủ tâm nhớ kỹ
Để hôm sau đến đây,
Không thể nhầm lẫn được,
Giết, đốt cả nhà này.
Hắn liền sai đồng bọn
Phải tìm mua thật nhanh
Mười chín con la béo
Và băm tám chum sành.
Ba mươi bảy tên cướp
Ngồi trong băm bảy chum,
Có dao và có kiếm,
Trên có vải che trùm.
Còn chum thứ băm tám
Được đổ đầy dầu tương.
Mười chín con la béo
Chở bọn cướp lên đường.
Đến nơi thì vừa tối.
Tên thủ lĩnh dừng la
Trước ngôi nhà đã chọn,
Nhà cô Mô-gia-na.
Ông chủ nhà lúc ấy,
Giờ là chàng A-li,
Ngồi bên ngoài uống nước,
Hóng mát như mọi khi.
“Tôi chở dầu đến bán, -
Tên thủ lĩnh bảo chàng, -
Không may trời vừa tối,
Nay gặp cảnh nhỡ nhàng...”
Ali từng thấy hắn,
Nhưng giờ không nhận ra.
Vốn tốt bụng, hiếu khách,
Chàng mời hắn vào nhà.
Chàng sai cô hầu gái
Dọn giường, dọn bàn ăn.
Khách cảm ơn ông chủ
Đã tiếp đón ân cần.
Vờ xem lại hàng hóa,
Hắn tới chỗ bầy la,
Dặn bọn cướp: “Cứ thế,
Cứ thế làm theo ta!”
Cô nô lệ tối ấy,
Theo thói quen bình thường,
Đi một vòng xem xét
Mới chuẩn bị lên giường.
Bất chợt, khi đến cạnh
Những chiếc chum đựng dầu,
Cô ngạc nhiên nghe thấy
Có tiếng người hỏi nhau:
“Đã đến giờ chưa nhỉ?”
“Chắc còn chưa, hãy chờ!”
Cô lặng người, đoán biết
Mối nguy hiểm bất ngờ.
Vốn thông minh, nhanh trí,
Cô đổ dầu vào nồi,
Chiếc nồi loại lớn nhất,
Nhóm to lửa đun sôi.
Rồi cùng người giúp việc,
Cô rót dầu vào chum,
Lần lượt từng chiếc một
Qua tấm vải che trùm.
Xong, cô lên giường ngủ.
Tên thủ lĩnh lát sau
Ném sỏi gọi bọn cướp
Như đã hẹn lúc đầu.
Thế mà chúng im lặng.
Hắn ra ngoài xem sao,
Thì thấy cả bọn cướp
Đã chết tự lúc nào.
Nhìn chum dầu, hắn biết
Kế hoạch hắn không thành,
Vội leo tường, tìm cách
Trốn khỏi đây thật nhanh.
Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Không thấy ông khách đâu,
Ali hỏi, đầy tớ
Cho xem mấy “chum dầu”.
Chàng há mồm kinh hãi
Khi được Mô-gia-na
Kể tường tận mọi chuyện
Vừa xẩy ra tối qua.
“Rất may tôi thoát chết, -
Chàng nói. - Cảm ơn cô”
Và cho cô nô lệ
Được thành người tự do.
Chàng cho chôn xác chết,
Đem bán cả bầy la,
Bao nhiêu tiền đưa hết
Cho cô Mô-gia-na.
5
Lại nói tên thủ lĩnh,
Trong tay chẳng còn gì,
Hắn quyết định tìm cách
Giết bằng được A-li.
Hắn cải trang lần nữa,
Thành một đại thương gia,
Mở cửa hàng buôn bán
Gần A-li Ba-ba.
Hắn lịch sự, hào phóng,
Tự xưng là Ha-san,
Thích chơi với trẻ nhỏ,
Thích trà rượu, luận bàn.
Không đến nỗi quá khó,
Hắn quen thân A-li.
Chàng mời hắn dùng bữa,
Không mảy may hồ nghi.
Nhưng cô đầy tớ gái,
Là nàng Mô-gia-na
Lập tức nhận ra hắn
Khi hắn bước vào nhà.
Nàng còn để ý thấy
Hắn dấu một con dao
Dưới vạt áo của hắn,
Đẹp như tấm áo bào.
Chắc hắn chờ chốc nữa
Khi A-li uống say,
Hắn sẽ đâm chàng chết
Rồi rời khỏi nơi này.
Lập tức nàng nghĩ cách
Cứu ông chủ của mình.
Nàng đóng vai con múa,
Mặc quần áo rất xinh.
Nàng múa dẻo và đẹp,
Tên cướp cũng thấy hay,
Đến mức mất cảnh giác,
Uống thêm rượu, càng say.
Cuối cùng, nhân lúc hắn
Ngà ngà, mắt lim dim,
Nàng rút con dao nhỏ
Đâm hắn, đúng vào tim.
Và A-li lần nữa
Lại hết sức ngỡ ngàng.
Lần nữa cô hầu gái
Lại giải thích cho chàng.
Chàng quí nàng đến mức
Gọi cô hầu là con,
Rồi gọi con trai đến
Cho làm lễ thành hôn.
Một đám cưới vĩ đại,
Linh đình nhất xưa nay,
Mời hàng nghìn quan khách,
Ăn uống đúng mười ngày.
Bí mật về hang đá
Và câu chú “Vừng ơi”
Được truyền cho con cháu
Liên tục suốt nhiều đời.
Nghe nói dòng họ ấy
Của chàng và con dâu
Hiện nay đang còn sống,
Và tất nhiên rất giàu.
CON RẮN MÙ
Ngày xưa ở nước Nhật
Có chàng Na-hi-ta,
Sống bằng nghề đốn củi,
Tốt bụng và thật thà.
Một hôm, từ núi xuống
Chàng thấy có cái gì
Ngọ nguậy trong bụi rậm,
Bên gốc một cây si.
Chàng ghé nhìn thì thấy
Một cô gái rất xinh
Bị trói vào cây ấy
Bằng chính tóc của mình.
Chàng thương hại, cởi trói,
Cô gái ngã vào tay,
Rồi từ từ mở mắt,
Đôi mắt đẹp, thơ ngây.
Chàng hỏi, nàng không nói,
Chỉ lặng im cúi đầu.
Từ đôi mắt chảy mãi
Những giọt lệ buồn đau.
Không thể để nàng lại,
Chàng đưa nàng về nhà.
Nàng vẫn im không nói,
Dù hai tuần trôi qua.
Cuối cùng nàng lên tiếng
Khi chàng hỏi, liệu nàng
Có muốn ở đây mãi
Để làm vợ của chàng.
“Em, cô gái bất hạnh,
Cảm ơn chàng thương yêu.
Em đồng ý làm vợ,
Sống với chàng, có điều
Em xin chàng đừng hỏi
Về bất cứ điều gì
Về đời em bất hạnh.
Chàng phải hứa, hứa đi!”
Chàng hứa, từ ngày đó
Họ hạnh phúc bên nhau,
Cuối cùng, cũng dễ hiểu,
Là nàng đã có bầu.
Ngay trước ngày sinh nở
Nàng bảo chồng lấy cây
Dựng một tường rào rộng,
Thật cao và thật dày.
Nàng sẽ vào đó đẻ,
Mà đẻ lâu, và chồng
Không được nhìn vào đấy
Cho đến ngày đẻ xong.
Nahita sốt ruột,
Chờ hai, ba ngày liền
Mà vợ vẫn quằn quại
Không ngớt lời khóc, rên.
Cuối cùng, không chịu nổi,
Khoét một lỗ nhìn vào,
Chàng thấy một con rắn
To lớn, hãi hùng sao!
Sau bảy ngày, cô gái
Bồng đứa bé đi ra.
Vừa đi, nàng vừa khóc,
Hai mắt lệ thấm nhòa.
“Sao chàng lại làm vậy? -
Nàng nói. - Chuyện thế này:
Em vốn là công chúa
Sống hạnh phúc xưa nay,
Bỗng nhiên Thần Rừng giận,
Bắt em phải suốt đời
Biến thành rắn như vậy,
Và chỉ khi có người
Yêu thương em thật sự,
Làm đúng lời em khuyên,
Nhất là khi sinh đẻ,
Mới tan hết lời nguyền.
Giờ thì đành vĩnh biệt.
Em sống dưới hồ xanh
Một mình chàng ở lại,
Nuôi con lớn, trưởng thành.”
Na-hi-ta ứa lệ
Khi thấy vợ dần dần
Đang biến thành con rắn,
To lớn, da có vằn.
Chàng kêu to: “Khoan đã,
Là đàn ông, tiếc thay,
Anh làm gì có sữa
Cho con bú hàng ngày?”
Nàng móc một con mắt
Đưa cho chồng, ân cần:
“Chàng hãy cho con mút
Mỗi lần khóc, đòi ăn.”
Cả máu và nước mắt,
Ứa những giọt rất to,
Nàng nhìn chồng lần cuối,
Lặng lẽ chìm xuống hồ.
Thay sữa mẹ, thằng bé
Mút chiếc mắt hàng ngày.
Nó mòn dần, rồi hết,
Thằng bé thành yếu gầy.
Nó luôn miệng đòi sữa,
Chàng bế con ra hồ
Rồi lớn tiếng gọi vợ.
Hôm ấy trời mưa to.
Con rắn liền xuất hiện,
Trên mặt hồ giá băng,
Móc chiếc mắt còn lại,
Đưa cho con, mà rằng:
“Đây, con mắt còn lại.
Em mù lòa từ nay,
Sẽ không còn nhìn thấy
Mặt trời và rừng cây.
Nhà có chiếc chuông nhỏ,
Em xin anh một điều:
Hàng ngày chàng đánh nó,
Buổi sáng và buổi chiều
Để dưới này em biết
Lại thêm một hoàng hôn
Và một ngày nữa đến
Để em nhớ chồng con.”
Thằng bé mút mắt mẹ,
Rất khỏe mạnh, thông minh,
Rồi được bố cho biết
Về người mẹ của mình.
Nghe theo lời vợ dặn,
Hàng ngày Na-hi-ta
Đánh chuông vào buổi sáng
Và lúc mặt trời tà.
Một hôm, bố đi vắng,
Lúc ấy trời mưa to,
Cậu quyết định gặp mẹ
Và tự đi ra hồ.
Vừa nghe tiếng con gọi,
Con rắn mù hiện lên.
Một con rắn to lớn,
Hai hố mắt màu đen.
Nó bò lên, lưỡng lự,
Cậu bé đứng, cúi đầu,
Rồi chạy đến ôm mẹ,
Ôm và khóc rất lâu.
Tình cờ hai giọt lệ
Rơi vào hai hố sâu
Trước vốn là mắt rắn.
Rồi sự lạ bắt đầu:
Mưa lớn càng thêm lớn,
Sấm chớp xé bầu trời,
Trước mắt cậu, con rắn
Từ từ biến thành người.
Rồi đột nhiên trời tạnh.
Trước mặt cậu lúc này
Là một nàng công chúa,
Là mẹ cậu xưa nay.
Hai mẹ con sung sướng
Cầm tay nhau về nhà.
Nơi có lẽ đang đợi,
Chồng nàng Nahita.
TÌNH MẪU TỬ
Ở nước Nhật ngày trước
Có câu chuyện thế này,
Cảm động và ý nghĩa,
Lưu truyền đến hôm nay.
Hai ông bà già nọ,
Tốt bụng và rất hiền,
Sống bằng nghề đào sắn
Rồi luộc, bán lấy tiền.
Nhà của họ trong núi,
Chỉ là túp lều tranh.
Đã mấy hôm bão tuyết,
Tuyết rơi dày xung quanh.
Khuya, có ai gõ cửa.
Ai nhỉ, vào giờ này?
Ông lão đi ra mở,
Ngọn đèn mờ trên tay.
Đó là một thiếu phụ,
Hai hố mắt rất sâu,
Mặt trắng bệch như tuyết,
Chiếc khăn đen trùm đầu.
Cô mua hai xu sắn
Rồi vội vã bỏ đi.
Ông lão mời vào sưởi,
Nhưng không chịu nói gì.
Đêm thứ hai cũng thế,
Rồi thứ ba, thứ tư,
Đúng giờ, cô lại đến,
Và chỉ mua hai xu.
Hai xu thì quá ít.
Sao lại mua giờ này?
Muốn hỏi mà không được,
Cái cô này thật hay!
Đêm thứ năm, cô đến,
Mua sắn rồi lại đi,
Vội vã như lén lút
Hay che dấu điều gì.
Còn ông già bán sắn,
Tò mò nhìn theo cô,
Chợt thấy tay đang giữ
Chỉ chiếc lá vàng khô.
Không phải tiền mà lá!
A, dám lừa dân nghèo!
Giận dữ, ông gọi vợ,
Rồi hai người đuổi theo.
Họ đi theo cô gái
Đến nghĩa trang, ở đây
Họ mất dấu, thật lạ,
Tuyết rơi, lúc một dày.
Xung quanh thật yên tĩnh,
Tuyết cứ rơi dập dồn.
Chợt họ nghe đâu đó
Có tiếng khóc trẻ con.
Trẻ con? Nơi nghĩa địa?
Thật khó tin điều này,
Nhưng quả có tiếng khóc,
Mà gần, chỉ đâu đây.
Ngạc nhiên và sợ hãi,
Họ liền chạy về nhà,
Vào chùa gặp sư cụ
Rồi mời sư cùng ra.
Đứng cạnh một ngôi mộ,
Sư cụ nói, chắp tay:
Tuần trước có bà chửa
Chết chôn nghĩa trang này.
Rồi ba người xúc tuyết,
Đào đất, họ giật mình
Khi quan tài được mở,
Thấy đứa bé mới sinh
Đang nằm bên cạnh mẹ.
Mẹ nó như ngủ say,
Còn nó vừa ọ ọe,
Vừa mút miếng sắn dây.
Nghĩa là bà mẹ trẻ
Cả khi phải lìa đời,
Vẫn muốn con mình sống,
Khôn lớn để thành người.
Những đồng xu bằng kẽm
Người ta nhét miệng cô,
Đem mua sắn, xu hết,
Đành mua bằng lá khô...
Vị sư già tốt bụng
Ôm đứa bé vào lòng.
Sau này nó khôn lớn
Sẽ trụ trì thay ông.
Thiêng liêng tình mẫu tử,
Thiêng liêng và xót xa.
Sư trụ trì thầm nghĩ.
Nam
mô A Di Đà...
TRUYỆN BÀ LÀM BÁNH DẠY CON
THÀNH TÀI
Ngày xưa ở Hàn Quốc
Có một người đàn bà
Làm bánh đi chợ bán,
Nổi tiếng khắp gần xa.
Những chiếc bánh gạo nếp
Bà làm trông thật ngon,
Trăm chiếc đều như một,
Thật đầy đặn, thật tròn.
Không may chồng chết sớm,
Bà chỉ có trên đời
Cậu con mười lăm tuổi,
Thông minh, nhưng hơi lười.
Một hôm bà bảo cậu:
Con hãy lên kinh thành,
Trong mười năm phải học
Để thành tài, thành danh.
Con phải học khoa học,
Học lễ giáo, văn chương,
Học xong mới trở lại.
Vậy nên sớm lên đường.
Bao nhiêu tiền chắt bóp
Bà đưa cho con trai.
Anh kia liền khăn gói
Tìm thầy học thành tài.
Bà mẹ làm bánh bán,
Mong chờ con héo hon.
Nhịn ăn, nhịn cả mặc
Để có tiền nuôi con.
Năm năm sau, một tối,
Trời mưa gió dầm dề,
Bà nghe ai gõ cửa -
Thì ra anh con về.
Chàng trai mệt và đói,
Đi bộ mười ngày ròng.
Bà mẹ nhìn, thương lắm,
Những muốn ôm vào lòng.
Nhưng bà nghiêm mặt hỏi:
“Con đã học hết chưa
Các môn khoa học ấy,
Như mẹ dặn ngày xưa?”
“Vâng, con đã học hết.”
Chàng trai đáp. Ân cần,
Bà đưa con giấy bút,
Bảo chép một bài văn.
Nhưng bà thổi tắt nến,
Rồi ngồi xuống kề bên
Và bắt đầu làm bánh
Trong căn phòng tối đen.
Xong việc, đèn lại sáng.
Nét chữ của chàng trai,
Vì viết trong bóng tối,
Không đều, còn chỗ sai.
Trong khi những chiếc bánh
Mẹ làm, trông thật ngon.
Trăm chiếc đều như một,
Thật đầy đặn, thật tròn.
Bà mẹ lại nghiêm mặt:
Con phải lên kinh thành,
Phải học thêm, học nữa
Để thành tài, thành danh.
Thế là ngay tối ấy,
Chưa kịp ăn uống gì,
Cùng số bánh của mẹ,
Chàng trai lại ra đi.
Lại ngày đêm tần tảo,
Lại đợi chờ héo hon,
Bà mẹ nhịn ăn uống
Để có tiền nuôi con.
Rồi năm năm sau đó
Bà thấy con trở về.
Cũng cuốc bộ như trước,
May không mưa dầm dề.
Bà lại bắt con viết
Trong căn phòng tối đen.
Nhưng lần này thì khác,
Con viết xong, thắp đèn,
Bà khóc lên sung sướng,
Ôm chầm người con trai.
Giờ nhìn chữ, bà biết
Con đã học thành tài.
Các nét chữ con viết
Thật đẹp, thật thăng hoa.
Trăm chữ đều như một,
Như nồi bánh của bà.
Về sau, người con ấy,
Nhờ mẹ dạy cách này,
Trở thành nhà bác học
Nổi tiếng đến ngày nay.
CẬU BÉ VÀ CÂY TÁO
1
Ngày xưa có cây táo,
Lá xum xuê và dày.
Một cậu bé rất thích
Chơi với nó hàng ngày.
Cậu thường leo lên nó,
Hái quả ăn ngon lành.
Trưa mệt, cậu nằm ngủ
Dưới tán lá cây xanh.
Cậu bé yêu cây táo
Chân thành và ngây thơ.
Cây táo cũng yêu cậu,
Ngày nào nó cũng chờ.
Thời gian trôi, cậu bé
Cứ lớn dần, lớn dần,
Cậu bận học, có vẻ
Đã quên người bạn thân.
Một hôm cậu xuất hiện,
Đôi mắt thoáng buồn rầu.
Cây táo hồ hởi nói:
“Nào, ta chơi với nhau!”
Cậu bé đáp: “Xin lỗi,
Tớ đã lớn, buồn sao,
Không thể chơi với cậu
Vui vẻ như ngày nào.
Tớ muốn đồ chơi đẹp,
Mà lại không có tiền.”
Cây táo nói: “Thật tiếc,
Tớ cũng không, tất nhiên,
Nhưng cậu có thể hái
Táo của tớ trên cây.
Cách ấy tớ có thể
Giúp được cậu lần này.”
Cậu bé nghe, sung sướng
Hái hết táo mang đi,
Rồi không thấy quay lại.
Cây buồn, không nói gì.
Bỗng một hôm, cậu bé,
Giờ là người đàn ông,
Quay lại gặp cây táo,
Nhiều phiền muộn trong lòng.
Lần nữa ông xin lỗi:
“Tớ đã có gia đình,
Mà nhà thì chưa có,
Một ngôi nhà của mình.”
Cây táo đáp: “Thật tiếc,
Tớ cũng không có nhà.
Nhưng cậu có thể chặt
Cành lá tớ xùm xòa.
Hy vọng cậu đủ gỗ
Để xây nhà cho mình.
Ngôi nhà quan trọng lắm
Khi cậu có gia đình.”
Người đàn ông sung sướng
Chặt hết cành mang đi,
Không một lần quay lại.
Cây buồn, không nói gì.
Rất cô đơn và lạnh
Khi gió bão, mưa sa,
Nhưng cây táo hạnh phúc
Biết bạn mình có nhà.
Người đàn ông lại đến,
Mái tóc bạc trên đầu.
Cây táo thấy, vui sướng:
“Nào, ta chơi với nhau!”
“Không, tớ già, muốn nghỉ.
Bao phiền muộn trong lòng.
Tớ cần chiếc thuyền nhỏ.
Cậu giúp tớ được không?”
“Thế thì chặt thân tớ,
Để đóng một con tàu.
Cậu tha hồ chơi biển,
Sẽ không thấy buồn rầu.”
Ông già chặt cây táo,
Thuê xe đến mang đi
Rồi không hề quay lại.
Cây buồn, không nói gì.
Cuối cùng ông cũng đến,
Một ông lão yếu gầy.
“Tớ không còn gì nữa
Để cho cậu lần này, -
Cây nói. - Không còn táo
Để cậu thích thì ăn.”
Ông lão đáp: “Răng rụng,
Không nhai được, không cần.”
“Thân tớ không còn nữa
Để leo như ngày nào.”
“Đã qua rồi thời đó.
Ừ, cái thời vui sao.”
“Vậy thì tớ quả thật
Không còn gì để cho,
Ngoài gốc cây và rễ
Đang mục dần thành tro.”
“Bây giờ, - ông lão nói. -
Tớ quả không cần nhiều.
Chỉ một nơi để nghỉ
Và để sưởi nắng chiều.”
“Thế thì tốt, thật tốt.
Tớ giúp cậu lần này.
Để tựa và để nghỉ,
Gì tốt hơn gốc cây?”
Ông lão ngồi xuống nghỉ,
Tựa lưng ông bạn già.
Cây táo vui, muốn khóc,
Đôi mắt lệ ướt nhòa.
2
Các bạn trẻ thân mến,
Tôi viết câu chuyện này
Cho bạn - những cậu bé,
Còn bố mẹ là cây.
Thế đấy, ta, con cái,
Chỉ biết nghĩ về mình.
Không biết rằng bố mẹ
Phải suốt đời hy sinh.
Ta được sinh, khôn lớn,
Rồi đi xa, bay xa,
Cuối cùng lại cần đến
Vòng tay bố mẹ già.
Câu chuyện này triết lý
Hãy đọc cho con mình,
Để chúng bớt ích kỷ,
Dẫu tài giỏi, thông minh.
CÔ BÉ BÁN DIÊM
Người ta kể, lần nọ
Vào một tối mùa thu,
Ở thủ đô Đan Mạch,
Trời thấp, nhiều sương mù,
Có một người mảnh khảnh,
Đầu đội mũ cao vành
Đang thong thả đi dạo
Dọc bờ sông yên lành,
Một tay cầm cuốn sách,
Tay kia giơ lên trời,
Bắt những bông tuyết nhỏ,
Tuyết đầu mùa, đang rơi.
Bỗng có giọng lí nhí
Vang lạnh giữa trời đêm:
“Bác ơi, cháu xin bác
Mua giùm cháu bao diêm!”
Đó là một bé gái
Tuổi khoảng chín hay mười.
Áo rách, run vì lạnh,
Túi diêm đeo bên người.
Người kia ngồi xuống cạnh,
Kéo nó lại gần mình,
Xoa hai tay cho ấm
Rồi hỏi chuyện gia đình.
Mẹ chết, bố nát rượu,
Nợ, bị đuổi khỏi nhà.
Gia cảnh sa sút hẳn
Từ khi không còn bà...
Ông đưa hết cho nó
Số tiền mình mang theo.
Kể ra không nhiều lắm,
Vì chính ông cũng nghèo.
Rồi ôm nó thật chặt,
Ông đứng dậy, lại đi,
Đầu cứ vương vấn mãi:
Nên tặng nó cái gì?
Một đôi giày thật đẹp,
Một chiếc áo choàng bông?
Ừ, áo choàng cần lắm,
Rất cần trong mùa đông.
Thế mà rồi sau đó,
Vì công chuyện, đi xa
Vì nhiều chuyện khác nữa,
Nên khi quay về nhà
Ông mới nhớ đến nó,
Cô bé nghèo bán diêm
Co ro trong góc phố,
Thu mình giữa bóng đêm.
Ông nháo nhào tìm kiếm,
Chiếc áo bông trên tay.
Và khóc khi biết nó,
Chết trước đấy mấy ngày.
Vẫn bên góc phố ấy,
Ông ngồi, khóc trong đêm.
“Bác ơi, cháu xin bác
Mua giùm cháu bao diêm...”
“Bác ơi, cháu xin bác
Mua giùm cháu bao diêm...”
Lên đầu ông điểm bạc
Rơi những cánh tuyết mềm.
Cả thành phố rực rỡ
Vì đang là Nô-en.
Ông thấy nó đứng đó,
Co ro dưới cột đèn.
Lạnh, sao trời lạnh thế.
Tuyết rơi, lúc một dày.
Lửa, nó cần có lửa,
Sẵn bao diêm trên tay,
Nó quẹt một que nhỏ.
Ấm hơn, ấm hơn nhiều.
Tiếc que diêm quá ngắn,
Nên ấm chẳng bao nhiêu.
Mà trời thì vẫn lạnh,
Tuyết vẫn rơi, và rồi
Nó quẹt thêm que nữa,
Que nữa, que nữa thôi.
Nó biết nếu diêm hết,
Ngày mai sẽ nhịn ăn,
Bố đánh, nhưng vì lạnh,
Đánh thì đánh, không cần.
Sáng hôm sau, nó chết
Còng queo trên mặt đường.
Những mẩu diêm đen xạm
Bên xác nó còn vương.
2
Người đàn ông đang nói
Chính là An-de-sen,
Một nhà văn vĩ đại,
Một trái tim dịu hiền.
Câu chuyện này tôi đọc
Chắc lúc mới lên mười.
Giản dị và cảm động,
Nó theo tôi suốt đời.
Tôi nợ ông nhiều lắm,
Nhiều hơn một que diêm.
Ông dạy tôi đa cảm,
Thậm chí biết yếu mềm.
Tôi cũng từng đi dạo
Các phố Cô-pe-nha,
Có thể chính con phố
Ông đã từng đi qua.
Như ông, tôi thầm khóc,
Đi giữa phố Sài Gòn,
Nghe trẻ bán vé số:
“Chú mua giùm cho con...”
Những tiếng rao vé số:
“Chú mua giùm cho con...”
Sao cứ vang vọng mãi
Giữa các phố Sài Gòn?
Thế đấy, đời thế đấy,
Còn nhiều bé bán rong
Bán diêm, bán vé số,
Làm ta đau quặn lòng.
ANH CHÀNG CHĂN LỢN
Xưa có chàng hoàng tử,
Nước nhỏ, dân không nhiều,
Nhưng đủ giàu và rộng
Để kiếm một người yêu.
Vì chàng là hoàng tử,
Từ chân đến đỉnh đầu,
Chắc chỉ hô một cái
Là có ối nàng dâu.
Nhưng hoàng tử chỉ muốn
Và thầm yêu một người,
Là con gái hoàng đế,
Vừa giàu, vừa xinh tươi.
Gia tài chàng chỉ có
Một cây hồng rất già.
Năm năm nó mới nở
Duy nhất một bông hoa.
Nhưng là bông hồng đẹp,
Có thể gọi hồng tiên.
Ai ngửi hương của nó
Sẽ quên hết ưu phiền.
Ngoài ra chàng còn có
Một con chim họa mi.
Đương nhiên nó biết hót,
Và hót hay cực kỳ.
Chàng gửi hai cái ấy,
Cộng trái tim, tâm hồn,
Tới con gái hoàng đế,
Gọi là để cầu hôn.
Tiếc là nàng công chúa,
Đẹp thì đẹp, có điều
Hời hợt và hơi ngốc,
Sự ngốc nghếch đáng yêu.
“Hoa thật à? Chán thế!”
Nàng kêu lên, và rồi
Các nịnh thần nhất loạt:
“Ôi hoa thật, eo ôi!”
Khi chim họa mi hót,
“Charmant! Merveilleux!”
Tức là hay, hay quá! -
Các cung nữ kêu to.
Thế mà công chúa nói:
“Lại chim thật! Tiếc thay!
Giá nó là chim máy!”
Rồi nàng thả nó bay.
Nghĩa là nàng từ chối
Không cho chàng vào cung.
Nhưng hoàng tử bướng bỉnh,
Quyết đeo đuổi đến cùng.
Chàng giả vờ cà nhắc,
Mặt lấy tro bôi đen,
Gặp hoàng đế, tự nguyện
Làm anh chăn lợn quèn.
Phòng chàng gần chuồng lợn.
Thức suốt đêm, chàng ngồi,
Hý hoáy đục rồi cắt
Chàng làm được chiếc nồi.
Một chiếc nồi kỳ diệu,
Lại phát nhạc rất hay.
Nó hát: “Yêu em lắm...”
Thật thích chiếc nồi này.
Ngoài ra, ai ngửi nó
Sẽ biết được trong thành
Ai ăn gì lúc ấy:
Cá, thịt, đậu hay canh...
Buổi sáng, như thường lệ,
Công chúa dạo ngoài đồng,
Chợt nghe “Yêu em lắm...”
Bài hát nàng thuộc lòng.
Bản nhạc hay đến nỗi
Nàng công chúa đáng yêu
Sai thị tỳ đến hỏi
Chàng bán không, bao nhiêu?
“Có bán, - anh chàng đáp. -
Giá là mười cái hôn
Của chính nàng công chúa.
Không kém, cũng không hơn!”
“Thằng này thật là láo!”
Rồi nàng bảo nữ tỳ:
“Mười cái hôn, đồng ý,
Chúng mày hôn. Đi đi!”
Các nàng kia dãy nãy:
“Bẩn lắm, không hôn đâu!”
Nhưng không dám trái lệnh
Vì không muốn mất đầu.
Như người có hàng tốt,
Anh chăn lợn làm cao:
“Không mặc cả, - anh đáp.-
Không thì thôi, xin chào!”
Công chúa phụng phịu mặt.
Nàng bỏ đi, chiếc nồi
Vẫn hát “Yêu em lắm...”
Hát rất hay, và rồi
Không nhịn được, công chúa
Bảo thị tỳ đứng quanh,
Kéo váy, che thật kín
Để nàng cúi hôn anh.
Vậy là ai cũng thích:
Công chúa được chiếc nồi.
Còn anh chàng chăn lợn -
Mười cái hôn lên môi.
Ôi, thật hay, thật tuyệt,
Công chúa nghe cả ngày,
Hơn thế, trong thành phố
Ai ăn gì, biết ngay.
Anh chăn lợn - hoàng tử,
Tháo vát và thông minh,
Mấy hôm sau làm được
Chiếc máy nhạc tài tình.
Chỉ cần quay một cái
Là nó hát đủ bài:
Valse, ponka, sonnate...
Thật hay và vui tai.
Công chúa nghe, chết lịm.
“Nhưng lần này thì không,
Quyết không hôn hắn nữa.
Hay mấy cũng đừng hòng!”
Thế mà rồi, tội nghiệp,
Không đừng được, và nàng
Gấp mười lần lần trước,
Đã phải cúi hôn chàng.
Từ ban công, hoàng đế
Thấy đám đông nữ tỳ
Tụm quanh trên bãi cỏ,
Không biết đang làm gì.
Ngài rón rén đi tới,
Và ôi, thấy con mình
Đang hôn thằng chăn lợn,
Hôn nhiều lần, thật kinh!
Tức giận, ngài cầm giép
Đánh vào đít các nàng
Mỗi người đúng một cái,
Thật đau, thật phũ phàng.
Còn anh chàng chăn lợn
Thì Ngài cáu vô cùng.
Cáu cả nàng công chúa.
Cáu, đuổi khỏi hoàng cung.
Nghĩ mà thương, thật tội,
Như A-đam, Ê-va
Bị đuổi khỏi thượng giới,
Họ bị đuổi khỏi nhà.
Lại đúng hôm mưa gió,
Quần áo dính vào người.
Nàng nói: “Ta lạnh lắm!”
Chàng không ôm, còn cười.
Chưa hết - mưa rửa sạch
Vết nhọ trên mặt chàng.
Chàng lại thành hoàng tử,
Tuấn tú và cao sang.
Công chúa giờ mới tiếc,
Tiếc hùi hụi, vì mình
Đã ngu dốt từ chối
Con người này thông minh.
Rồi dẫu con hoàng đế,
Rất kiêu, đẹp, lại giàu,
Nàng chủ động đề nghị,
Nhưng hoàng tử lắc đầu.
Chàng cương quyết từ chối,
Còn nỡ oán trách nàng,
Rồi đi, để công chúa
Giữa mưa gió phủ phàng.
Cũng đáng, nhưng tội nghiệp,
Tội nghiệp công chúa này,
Vì nói gì thì nói -
Chàng cư xử không hay.
Thứ nhất, xinh thường ngốc,
Còn hơn xấu thông minh.
Thứ hai, ta, nam giới,
Phải biết chết vì tình.
Chí ít, chàng có thể
Mời công chúa vào nhà,
Cho ăn uống, cho ngủ,
Sáng đuổi cũng kịp mà.
Tôi mong cho công chúa
Kén chọn được người tài.
Hoàng tử tìm được vợ.
Còn giờ thì bye-bye!
No comments:
Post a Comment