Monday, February 23, 2015

NHỮNG VIÊN CUỘI NHIỀU MÀU - TẢN VĂN



Ngày bé chăn trâu, chúng tôi thường hay vào khe Rú Bạc tìm nhặt những viên cuội có màu sắc khác nhau. Đó là cửa miệng một con suối ngầm ăn sâu vào lòng núi, được những bụi cây mua và cây mâm xôi um tùm che kín phía trên.
Trong khe có nhiều cuội, phần lớn màu trắng ngà bị nước bào mòn lâu ngày thành trơn nhẵn. Nhưng lũ trẻ chúng tôi lại cần những viên có màu, càng sặc sỡ càng tốt. Những viên như thế ít lắm, thường phải vào thật sâu trong khe, phải ngâm mình dưới nước, chịu lạnh, chịu đủ thứ lo sợ và khổ sở may lắm mới tìm được một vài viên vừa ý. Trẻ con bao giờ cũng là trẻ con, và chúng tôi đã làm cái công việc tìm kiếm những hòn đá vô tích sự ấy một cách say mê, như người lớn say mê săn lùng đồ cổ hoặc những thứ khác mà chúng tôi cho là vô bổ.
Chắc bây giờ tôi còn giữ được bộ sưu tập tuổi thơ ấy của mình nếu năm 1967 nhà tôi không bị trúng bom và biến thành đống gạch vụn. Lúc đó tôi đã là người lớn và đang ở xa, rất xa. Trước khi đi, tôi gói những viên cuội nhiều màu của tôi vào một chiếc túi nhỏ, lặng lẽ giấu vào chỗ kín nhất trong nhà.
Còn khe Rú Bạc? Tiếc thay khe Rú Bạc ngày nay không còn nữa. Chỗ của nó bây giờ là một cái hồ dài và rất sâu, nước trong xanh đến rợn người. Số là cách đây mấy năm, người của nhà máy bê tông đúc sẵn thành phố Vinh phát hiện ra nó. Thế là hàng chục chiếc xe tải khổng lồ rầm rộ kéo đến. Nghe nói chưa đầy một tháng, chúng đã chở hết tất cả sỏi của khe Rú Bạc, tất nhiên trong đó có cả những viên cuội nhiều màu mà ngày nhỏ chúng tôi hằng mong ước.
Từ lâu tôi không còn là một cậu bé. Tôi không quá tiếc những viên cuội kia của mình, cũng chẳng lên án những người làm hỏng khe Rú Bạc. Ngược lại, lý trí còn nhắc tôi phải vui mừng, vì ít ra những viên cuội chỉ làm đồ chơi của ngày xa xưa ấy bây giờ tìm được cuộc sống mới có ích hơn trong những ngôi nhà cao tầng xinh đẹp của thành phố quê hương tôi.
Qui luật cuộc sống là thế, rất thiết thực và lô-gích. Vậy mà bây giờ, mỗi lần nghĩ lại, không hiểu sao tôi cứ thấy buồn buồn. Buồn còn vì cả những lý do khác. Từ cậu bé chăn trâu ngày nào, vâng, mới ngày nào, nay tôi đã thuộc thế hệ người già. Tôi làm thơ, viết văn, nghĩa là suy cho cùng, cũng giống ngày xưa, tôi đang say mê tìm cách làm giầu thêm bộ sưu tập ý nghĩ và cảm xúc của mình. Trong trường hợp này, khe Rú Bạc là đầu tôi, còn những viên cuội nhiều màu là những ý nghĩ lóe sáng mà vô tình tôi bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày.
Đây, chúng đây, tôi tập hợp những viên cuội - ý nghĩ ấy của tôi ở đây. Rất khác nhau về màu sắc, kích thước, và tất nhiên cả về chất lượng.


Chuyện cây chuối

Cả đời mình, mỗi cây chuối chỉ cho một buồng quả, và khi buồng quả ấy bị cắt, nó sẽ chết. Đó là quy luật phát triển tự nhiên của loại cây này.
Tôi biết thế nhưng vẫn ít nhiều ngỡ ngàng khi nhìn những cây chuối xanh tươi đầy nhựa sống hăm hở trổ hoa, nghĩa là hăm hở vươn tới cái chết. Hơn thế, tôi cũng buồn cả khi chúng ta, con người, chúng ta giận dữ, khó chịu nếu có cây nào trong số những cây chuối hiền lành mềm yếu ấy không chịu chết hoặc không muốn chết vì chúng ta.


Đavít

Từ một tảng đá lớn ngẫu nhiên có ở sân nhà thờ Đômơ, thành phố Flôrenxơ, trong bốn năm Mikêlăngiơ đã làm nên bức tượng Đavít tuyệt đẹp.
Làm thế nào? Thật đơn giản: nhà điêu khắc thiên tài lấy chiếc đục sắt bình thường, chiếc búa cũng bình thường, và rồi hết ngày này sang ngày khác, hết mẩu này đến mẩu khác, ông bóc đi các chỗ thừa, để lộ dần dần, có thể lúc đầu là vầng trán, đôi mắt, đôi tay, rồi đến thân người, đôi chân... chi đến một hôm, không còn gì nữa ngoài một chàng trai bằng đá, cao hơn năm mét, với các đường nét hài hòa, khỏe mạnh và có ma lực hấp dẫn đủ biến tác giả của nó, một thanh niên hai mươi tư tuổi mới vào nghề, thành một trong ba người khổng lồ của nghệ thuật Ý thời Phục Hưng.
Thật khó tin rằng từ một tảng đá thô và xấu xí có thể làm nên một bức tượng vĩ đại như thế. Cũng thật khó tin một cơ thể sống, hoàn hảo, khỏe mạnh như Đavít đã bị giam trong tảng đá kia hàng triệu hay thậm chí hàng chục triệu năm trước khi được Mikêlăngiơ đến giải thoát đưa về với cuộc sống.
Trái đất có nhiều, rất nhiều núi đá, nghĩa là trái đất còn nhiều, rất nhiều những Đavít bị giam cầm, ngột ngạt. Và đang chờ người đến giải phóng.
Ai sẽ làm điều đó?


Môna Liza

Về nụ cười bí hiểm của nàng Môna Liza trong tranh Lêôna đơ Vanhxi đã có hàng đống sách được viết. Suốt bốn, năm thế kỷ nay biết bao giấy mực, công sức và thời gian đã phí tổn vì nó.
Có người nói: Nàng đang cười những cái yếu, cái không hoàn thiện của loài người.
Nếu quả đúng nàng đang cười chúng ta, thì theo tôi, cái đáng cười hơn cả là giữa cuộc sống sôi động, bừa bộn những việc lớn và cấp thiết đang chờ làm, thế mà suốt bốn, năm trăm năm nay chúng ta đã để hao tổn chừng ấy giấy mực, chừng ấy công sức và chừng ấy thời gian cho nụ một cười, hay chính xác hơn, nửa nụ cười. Mà lại trên tranh vẽ.


A Phòng cung

Suốt mấy chục năm Tần Thủy Hoàng bắt bảy mươi vạn người Trung Hoa dựng một lâu đài bằng gỗ khổng lồ ở Hàm Dương bên bờ sông Vị, gọi là A Phòng Cung. Một công tình kiến trúc thuộc loại có một không hai thời cổ đại - chỉ riêng tầng trên của nó đã có thể chứa được mười vạn người.
Thật vĩ đại! Thật nặng nề! - cái nặng của sự sáng tạo.
Sau này, khi đánh đổ nhà Tần, Hạng Vũ cho phóng lửa đốt cháy toàn bộ A Phòng Cung. Theo sử ký Tư Mã Thiên, phải mất ba tháng mới cháy hết.
Thật ghê gớm! Thật nặng nề! - cái nặng của sự hủy diệt.
Và hai cái nặng ấy treo ở hai đầu chiếc đòn gánh đè lên vai bảy mươi vạn người đã dựng nên A Phòng Cung, những người không được sử dụng và cũng không phóng lửa đốt nó.


Món quà tặng mẹ

          Không biết bao giờ và ở đâu, nhưng có người đã kể tôi nghe một câu chuyện thế này:
Một thanh niên đến hỏi mua quả gì đấy ở bà bán hàng nọ. Bà kia, khi thấy bảo mua cho mẹ, liền chọn cho anh ta một quả to nhất, ngon nhất và nói:
- Từ sáng đến giờ biết bao người mua hàng của tôi, nhưng anh là người đầu tiên hỏi mua cho mẹ. Vì lòng tốt của anh và vì người mẹ đã sinh ra anh, tôi xin biếu anh quả này.
Bây giờ, bất chợt nhớ đến câu chuyện trên, tôi đi lại một bà bán dừa, bảo bà ta chọn cho tôi một quả thật ngon, nhắc to hai lần để mang về Diễn Châu tặng mẹ.
Bà bán dừa ngước nhìn lên, suy nghĩ một lát rồi thản nhiên bảo tôi:
- Thế thì anh phải tự chọn lấy. Và cũng không nên quá nhiều lời như thế về món quà anh mua tặng mẹ.


Hoa giả, hoa thật

Đứa bé chỉ vào lọ hoa có cắm mấy bông lay-dơn nhựa màu trắng đục, hỏi:
- Sao hoa kia không héo hả mẹ?
- Vì đó là hoa giả, con ạ.
- Sao hoa giả lại không héo?
- Vì... vì không như hoa thật, hoa giả không sống, nên nó cũng chẳng bao giờ chết.
- Hoa giả và hoa thật, hoa nào tốt hơn?
- Tất nhiên là hoa thật, con gái yêu của mẹ ạ.
- Vậy sao nhà ta dùng hoa giả?
Bà mẹ không đáp, chỉ dịu dàng hôn lên mái tóc của nó. Đứa bé chẳng hỏi gì thêm, lát sau bỏ ra sân chơi với các bạn.
Chờ con đi khỏi, bà đến bên lọ hoa rồi cầm mấy bông lay-dơn nhựa trên tay. Bà tần ngần nhìn hồi lâu như cân nhắc có nên đem vứt sọt rác hay không. Cuối cùng, khẽ thở dài, bà lặng lẽ cắm hoa vào lọ.


Tập xe đạp

Ngày còn bé tập xe đạp, hễ anh tôi thả tay ngừng đẩy là thế nào tôi cũng ngã. Mỗi lần ngã, anh tôi lại cốc cho một cái vào đầu. "Xem đây!" Anh tôi nói rồi dựng xe dậy, tót lên yên phóng vù đi.
Tôi đứng nhìn theo, tấm tức. Lạ thật, khi tôi tập có người đỡ cẩn thận, đi chậm như đứng yên một chỗ, thế mà vẫn ngã. Còn anh tôi, trông kìa, cứ bon bon dễ như chơi mà xe đứng thẳng. Tôi hỏi tại sao, nhưng anh tôi, có thể đang bực mình, cũng có thể vì không biết trả lời thế nào nên chẳng nói gì.
Lớn lên tôi hiểu đấy là quy luật thăng bằng. Còn bây giờ, khi đầu đã hai thứ tóc, tôi lại hay suy nghĩ một cách triết lý, rằng chiếc xe đạp kia cũng như chính bản thân cuộc sống, nó chỉ tồn tại và đứng thẳng được trong một sự chuyển động không ngừng về phía trước.


Lại chuyện cây chuối

Cây chuối mọc ở bờ ao. Trên đầu là tán lá xum xuê của cây ổi già, nơi hàng ngày chim đua nhau đến hót. Phía dưới là mặt nước ao mát lạnh với những bông hoa bèo tây thanh nhã màu tím nhạt. Chỗ đất nó mọc, ngẫu nhiên cũng là chỗ mầu mỡ nhất, thành ra cây chuối cứ thế lớn lên, xanh tươi, mơn mởn. Nó thấy cuộc đời xung quanh thật đẹp. Vốn chân thật và đầy lòng biết ơn, nó muốn làm việc gì đấy thật tốt, thật phi thường để bù lại những gì cuộc đời đã cho nó.
Thế là, trong niềm hạnh phúc ngất ngây của mình, cây chuối biết ơn ấy đã trổ một buồng chuối có thể nói phi thường như nó muốn. Buồng chuối thật to, dài và ngày một lớn thêm, lớn thêm mãi, đến mức nó kéo cây chuối lệch hẳn về phía ao. Còn cây chuối thì quá vô tư và hạnh phúc đã không nhận ra điều ấy. Nó vẫn không ngừng vắt kiệt những chất dinh dưỡng còn lại trong cơ thể mảnh mai, quá ư non trẻ và chưa từng trải của mình để nuôi lớn buồng chuối.
Một sáng nọ bà chủ nhà ra ao, thấy cây chuối ngã gãy xuống nước vì không chịu nổi sức nặng của buồng quả quá lớn. Bà thở dài tiếc rẻ, rồi lấy dao đẵn cây chuối vào làm thức ăn cho bầy lợn háu đói. Cả buồng quả non cũng chịu chung số phận.


Hai chiếc gương

Ngẫu nhiên nhà tôi có hai chiếc gương giống nhau - cả kích thước, khung gỗ, ngày, nơi sản xuất, thậm chí cả tờ giấy cứng lót phía sau cũng thế. Nghĩa là hoàn toàn giống nhau, duy một điều là khác, khác cơ bản: Một chiếc cho ảnh thật, còn chiếc kia thì không, ai soi vào cũng thấy mình đẹp hơn. Tất nhiên ta sẽ có cảm tình với chiếc gương biết chữa các khuyết tật bẩm sinh này. Có lẽ ta sẽ nâng niu sử dụng nó suốt đời, nếu không vì một cảm giác bất tiện âm ỉ không để ta yên, rằng nó là... một kẻ nói dối. Một kẻ nói dối dịu dàng và đáng yêu.
Vâng, nhà tôi có hai chiếc gương như thế. Nhưng trong một căn phòng nhỏ mà treo hai chiếc gương lớn (hơn nữa lại giống nhau) là thừa. Do vậy chúng tôi (tôi và hai cô em của tôi) quyết định cất đi một chiếc. Chiếc nào? Tất nhiên không phải chiếc cho ảnh thật - chúng tôi là những người yêu chân lý và căm ghét giả dối.
Tôi biết chắc hai cô em tôi, tuy không nói ra nhưng trong lòng rất tiếc khi phải tháo bỏ chiếc gương đáng yêu kia. Với tư cách là anh, tôi bắt chúng phải làm việc đó, nhưng chúng cứ ùn đẩy nhau mãi. Cuối cùng một đứa đề nghị cứ treo cả hai, mặc cho ai ưa nịnh tha hồ soi vào chiếc gương giả dối. Tôi đồng ý.
Suốt một thời gian dài cả hai chiếc gương vẫn ở nguyên vị trí cũ trong căn phòng bé nhỏ của chúng tôi. Hai chiếc kề bên nhau. Vô tình chiếc gương thứ hai thành sự cám dỗ đầy thử thách. Cũng dễ hiểu: ai chẳng muốn được thấy mình xinh đẹp, nhất là phụ nữ và một người bề ngoài không mấy hấp dẫn như tôi. Thành ra nhiều khi phải vất vả lắm tôi mới không bỏ chiếc gương này để sang soi vào chiếc gương khác.
Một vài lần tôi bắt gặp các em tôi lén lút đứng trước chiếc gương giả dối, nhưng lờ như không nhìn thấy, phần sợ chúng xấu hổ, phần nghĩ con gái yếu đuối, điều này đôi lúc có thể tha thứ được.
Còn tôi? Là đàn ông, tôi cương quyết không để bị cám dỗ. Tôi có thể tự hào mà nói rằng tôi đã luôn đứng vững, trừ một lần, vâng, chỉ một lần thôi, ấy là khi tôi chuẩn bị cho buổi hẹn đầu tiên với một cô gái.
Tôi ăn mặc chỉnh tề, chải chuốt, nhưng khốn thay, như đã nói, tôi không thuộc loại người đẹp trai, lại bắt đầu già, nên tất nhiên chiếc gương thật đã không làm tôi hài lòng. Tôi giận mình, rồi giận lây cả nó. Thế này thì không thể đi gặp người yêu được. Tôi lại bỏ đi thay quần áo, lại chải chuốt. Mấy phút sau, tôi đã cố tình nhầm và đến đứng trước chiếc gương giả dối đáng yêu kia (thì đã nói hai chiếc rất giống nhau mà). Lập tức tôi thấy mình dễ coi hơn, các nếp nhăn trên trán dãn ra, các đường nét trở nên thanh tú hơn. Chỉ lúc ấy tôi mới đủ can đảm đi đến chỗ hẹn.


Người không nhớ tên mình

Trong lần điều tra dân số gần đây, người ta đến hỏi một bà cụ nghễnh ngãng gần tám mươi tuổi ở làng Vĩnh Lộc:
- Dạ thưa, tên cụ là gì ạ?
Phải hồi lâu, khi nhắc lại tới lần thứ ba, bà cụ mới hiểu và vừa móm mém nhai trầu, vừa thong thả đáp:
- Còn gì nữa, người ta vẫn gọi tôi là Cố Chuyên.
- Nhưng thưa cụ, đó là tên đứa bé này, - một người trong tốp cán bộ chỉ đứa bé hai tuổi đang ngồi chơi bên cạnh. - Trước khi có nó, tên cụ là gì?
- Là Chính, theo tên cháu nội tôi.
- Thế trước đấy?
- Trước đấy tôi mang tên con gái tôi.
- Trước nữa?
- Trước nữa tôi được gọi theo tên chồng...
- Nhưng xin lỗi, cuối cùng thì tên thật của cụ là gì ạ? - Một người khác sốt ruột hỏi .
- Tất cả những cái tên ấy đều tên thật, - bà cụ bình thản đáp.
- Không, thưa cụ, chúng tôi muốn biết tên cụ, tên riêng của cụ cơ. Tên thời con gái ấy.
- Để làm gì?
Người ta lại phải dài dòng giải thích cho bà cụ hiểu thế nào là điều tra dân số, và tên của cụ đối với họ quan trọng ra sao.
Bà cụ ngồi im hồi lâu, cố dựng lại trong đầu óc chậm chạp, lú lẫn của mình những hình ảnh rời rạc đã bị bỏ quên từ những năm xa xưa mờ mịt.
- Tôi không nhớ nổi, - cuối cùng bà cụ nói, giọng buồn buồn. - Sáu mươi năm rồi còn gì, và trong suốt chừng ấy năm, các ông các bà là người đầu tiên nhắc tới chuyện này. Vả lại, tôi còn cần gì đến nó, cái tên riêng ấy, một khi tôi đã có tên chồng, tên con, tên cháu, và nay là tên thằng bé này?
Rồi bà cụ quay sang chơi với cháu. Mấy anh cán bộ điều tra dân số nhìn nhau bất lực, đành ghi vào sổ tên bà cụ bằng tên của người chồng đã chết cách đây bốn mươi năm.
Ở quê tôi, bao đời nay bố mẹ luôn được gọi bằng tên con cả, sau con đến cháu, sau cháu đến chút chắt. Một truyền thống dân dã, mộc mạc và tốt đẹp? Chí ít cũng vô hại? Vâng. Bản thân tôi cũng thích cái truyền thống ấy. Ở làng người ta luôn gọi bố mẹ tôi là ông Tân bà Tân. Nhiều người thắc mắc sao mãi đến giờ hai cụ chưa được gọi tên mới là ông Hiền bà Hiền, theo tên con gái tôi. Vì tôi là con cả nhưng sống ở Hà Nội và dân làng ít biết tên con gái tôi là Bảo Hiền. Bản thân các cụ cũng lấy làm khó chịu, thậm chí như thể bị xúc phạm.
Một phong tục đáng yêu, hẳn thế, nhưng xét kỹ, cũng tàn nhẫn không kém, vì nó nỡ cướp đi cái quí nhất của con người là tên của họ.




Công chúa, quả táo vàng và trái tim nhà thơ

Ngày nhỏ tôi đọc đâu đó một câu chuyện nội dung đại khái thế này:
Có nàng công chúa xinh đẹp đến tuối lấy chồng, được vua cha mở hội cho chọn phò mã. Tất nhiên người đến dự hội rất đông và ai cũng muốn được thành người kế tục ngôi báu. Nhiều ngày trôi qua mà công chúa vẫn không chọn được ai vừa ý.
Một hôm có hai người cùng một lúc đến xin ra mắt công chúa. Người thứ nhất là hoàng tử con vua nước láng giềng. Chàng mang theo một quả táo bằng vàng làm lễ hỏi. Người thứ hai là một nhà thơ nghèo có tài. Vì nghèo nên chàng chẳng có gì  ngoài những bài thơ bất hủ và trái tim yêu thương của mình. Và chàng đã dâng trái tim ấy lên công chúa.
Tất cả hồi hộp chờ đợi. Công chúa im lặng hồi lâu. Nàng thông minh, vì vậy không bao giờ vội vã khi lựa chọn. Nàng thích quả táo vàng, hẳn thế, nhưng nàng cũng thích nghe những lời thơ ca ngợi nàng, thích có trái tim chân thành yêu nàng. Thật tiếc, nàng phải chọn một trong hai cái đó. Chọn cái gì bây giờ?
Đọc đến đây, tôi, mà có lẽ phần lớn chúng ta cũng thế, cứ nghĩ công chúa sẽ chọn nhà thơ. Thế mà cuối cùng nàng đã lặng lẽ cầm quả táo vàng rồi khoác tay hoàng tử đến trình vua cha.
Lúc ấy còn nhỏ, tin vào sự có thật của câu chuyện, tôi rất giận cô công chúa kia. Tôi nghĩ cô ta là người tham lam, thiển cận, hay ít ra không xử sự giống các công chúa khác trong những chuyện cổ tích tôi đã đọc hoặc nghe kể trước đó. Lớn lên, hiểu hơn được nhiều thứ, tôi trách nhà văn cho câu chuyện kết thúc như vậy. Đành rằng trong cuộc sống, những việc tương tự có thể và thường vẫn xẩy ra. Nhưng văn học với chức năng thẩm mỹ và giáo dục của nó thì sao? Không lẽ văn học chỉ miêu tả cuộc sống một cách thụ động, đồng tình hay im lặng trước những việc làm như vậy?
Nhiều năm đã trôi qua, bây giờ chính tôi cũng thành người cầm bút như nhà văn kia. Tôi phải viết thế nào đây? Không lẽ bắt công chúa chọn trái tim khi cô ta yêu quả táo vàng hơn? Và bằng cách ấy, tôi sẽ lừa dối bạn đọc? Hay tôi cứ  nói đúng sự thật để chuốc lấy sự oán giận của người khác như thời nhỏ tôi từng oán giận nhà văn nọ?
Tôi đã suy nghĩ và phân vân không ít, như có lẽ đã từng suy nghĩ và phân vân nhà văn tuổi thơ của tôi, trước khi ông viết câu chuyện trên về một sự lựa chọn tàn nhẫn của cuộc sống.


Rú Thần

Ngay sát bờ Kênh Nhà Lê cạnh làng tôi có ngọn núi nhỏ gọi là Rú Thần. Tiếng là núi nhưng thực ra nó chỉ là gò đất cao lổn nhổn những tảng đá lớn, nổi bật lên giữa một vùng bằng phẳng.
          Rú Thần thiêng lắm. Các cụ già trong làng thường kể những câu chuyện ly kỳ, rùng rợn về nó, khiến lũ trẻ chúng tôi nghe xong đêm không dám ngủ một mình. Dưới chân núi có ngôi đền cổ, tuy lớn lên tôi không thấy dân làng đi lễ nữa, nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn, vẫn giữ được voi quỳ ngựa đứng cùng nghê hạc, gươm đao và những thứ cần thiết khác mà một ngôi đền cổ kính phải có. Trước đền là chiếc hồ nhỏ, cũng gọi Hồ Thần, nguồn cung cấp nước uống cho cả làng tôi bao đời nay.
Thuở bé chúng tôi ngày nào cũng chăn trâu ở đây. Rú Thần thời ấy rất rậm. Vút lên cao, xum xuê là những cây thổ lửa cổ thụ quả chín vàng, to như quả chanh, rất thơm và ngọt. Phía dưới chằng chịt những bụi dây leo, phải khéo léo lách người mới qua nổi. Chúng tôi đùa nghịch, chơi trốn tìm trong đó hoặc lùng hái những quả sim ăn tím cả răng và lưỡi, hoặc ngồi yên hàng giờ hồi hộp theo dõi hai bố con ông lão làng bên bẫy cò, những đàn cò vẫn thường kéo đến rất đông vào những ngày xuân trời ấm...
Rú Thần tuổi thơ của tôi, trong thực tế và trong trí nhớ của tôi, bao giờ cũng xinh đẹp, thiêng liêng và tươi mát. Rồi lớn lên tôi rời làng ra đi. Sau này mỗi dịp trở lại, tôi được chứng kiến những đổi thay - lớn hoặc nhỏ, buồn hoặc vui - của quê hương. Dĩ nhiên, một trong những cái tôi quan tâm nhất là số phận của Rú Thần.
Suốt hai cuộc chiến tranh với Pháp và Mỹ nó may mắn không bị bom đạn tàn phá. Nhưng sau đó thì tai họa liên tiếp đổ xuống đầu nó. Đầu tiên là ngôi đền. Hòa bình, cần một trụ sở hợp tác xã to hơn, đàng hoàng hơn. Thế là nó được cải tạo thành chỗ làm việc của ủy ban xã, luôn nấp nập người ra vào. Tất cả những cái thừa như voi ngựa, gươm đao đều bị phá bỏ - cho hợp với tinh thần và phong cách thời đại mới. Tiếp đến là những cây thổ lửa. Cũng vì nhu cầu xây dựng cấp thiết và dễ hiểu của một vùng quê nghèo đói, chúng bị chặt xuống, cưa thành từng tấm lớn nhỏ khác nhau. Trong một dịp về thăm quê khác, tôi thấy Rú Thần bị đào xới nham nhở để lấy cát và đá xây nhà. Còn lần này thì trên đường từ ga về làng, tôi đã dừng lại rất lâu trước Rú Thần tội nghiệp của tôi. Dưới chân nó, ba chiếc máy ủi cỡ lớn đang đứng đợi sẵn.
- Sang năm xã ta sẽ xây trường mới ở đây. Hai tầng, mái bằng hẳn hoi! - một người cùng làng vui vẻ nói, không giấu nổi vẻ tự hào.
Tất nhiên nghe một tin như thế không người yêu quê nào không cảm thấy sung sướng. Thế mà lúc này trong tôi vẫn có cái gì bâng khuâng, luyến tiếc. Tôi buồn rầu nhìn phần còn lại đáng thương của Rú Thần, nhìn những chiếc máy ủi to lớn, thô kệch - biểu tượng của sức mạnh kỹ thuật. Sắp tới chúng sẽ hăm hở san bằng Rú Thần, sẽ vĩnh viễn chấm dứt sự tồn tại bao đời nay của nó.
Sự kết thúc cái cũ bao giờ cũng là sự bắt đầu của cái mới. Nay mai trên chỗ vốn xưa là Rú Thần sẽ mọc lên một ngôi trường hai tầng to đẹp có những ô cửa sổ rộng thoáng gió. Lũ trẻ làng tôi sẽ được ngồi học trong đó - cổ quảng khăn đỏ, nét mặt tươi vui, tiếng cười nói vang xa không dứt. Đó là cuộc sống mới, là hạnh phúc. Nhưng dẫu sao, dẫu sao...
Nếu là tôi, tôi sẽ cho xây ngôi trường xinh đẹp ấy bên chân Rú Thần (chứ không phải ngay trên người nó, chiếm chỗ của nó)... Nếu là tôi, tôi sẽ làm hết sức mình để chăm sóc và giữ Rú Thần nguyên vẹn để lớp trẻ bây giờ, ngoài cái hạnh phúc được hưởng hôm nay, chúng còn được hưởng cả cái hạnh phúc của chúng tôi ngày xưa - được chơi trốn tìm, đung đưa trên những dây leo chẳng chịt của Rú Thần, được ngắm những đàn cò bay xuống đậu ngay bên ngôi trường của mình, được ăn những quả thổ lửa vàng thơm và ngọt mà tôi, dù đi nhiều, thấy nhiều, chưa hề gặp ở bất kỳ nơi nào khác.
Nếu là tôi, tôi sẽ chẳng cho phá ngôi đền cổ kính, dù có thể nó không mang lại lợi ích gì thiết thực. Nhưng nó là một phần của quá khứ, một di sản  văn hóa của dân làng tôi, mà những gì thuộc về quá khứ và văn hóa thì như ta biết, cần được đo bằng những đại lượng đo lường riêng biệt.
Tiếc là nhiều khi chúng ta, vì những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống trước mắt, vì đầu óc thực dụng đầy tính toán, chúng ta đã vĩnh viễn để tuột khỏi tay những cái đẹp mà sau này sẽ có lúc chúng ta hối tiếc, cố cứu vớt lại một cách bất lực. Chúng ta quên rằng ngoài tính thực tế, con người cũng cần, rất cần, cả tính lãng mạn, một trong những động lực chính thúc đẩy cuộc sống đi lên phía trước.



Điệu nhảy chậm

Sáng mồng bảy tháng Ba vừa rồi, ngủ dậy, như thường lệ tôi mở email và nhận được bức thư điện tử của Rodney Dickson, một người bạn họa sĩ ở New York. Đây là loại chain letter, tức thư gửi chuyền nhau qua mạng cho nhiều người khắp nơi trên thế giới, không có tính riêng tư và thường về một vấn đề xã hội, nhân đạo nào đấy. Rodney nhận được từ ai đó rồi đến lượt mình gửi cho tôi và một số bạn bè khác của anh. Bức thư mở đầu bằng mấy dòng của những người tham gia chữa trị cho một bé gái ở New York:

"Các bạn thân mến,
Xin hãy gửi bức thư điện tử này cho tất cả những người các bạn quen biết và không quen biết. Đây là mong muốn cuối cùng của một cô bé chỉ còn sáu tháng nữa để sống vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Đây cũng là cách duy nhất chúng ta có thể mang lại cho em và gia đình em chút ít hy vọng, vì cứ thêm một người nhận được thư, Hội ung thư Mỹ sẽ tài trợ thêm cho em 3 xu Mỹ để thực hiện nỗ lực cứu chữa cuối cùng. Có người đã gửi thư này cho 500 người khác. Chúng tôi hy vọng mỗi chúng ta ít nhất cũng gửi thêm cho 5-6 người nữa. Cô bé New York tội nghiệp đơn giản chỉ muốn chúng ta đọc bài thơ này của em để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, và quan tâm nhiều hơn đến những người xung quanh.
                                      Bác sĩ  Yeou Cheng Ma,
                                      Giáo sư Dennis Shields,
                                Khoa sinh học phân tử và phát triển,

                                                1300 Moris Park Avenue

                                      Bronx, New York 10461"

          Và đây là bài thơ của em (không thấy ghi tên tuổi, sắc tộc và hoàn cảnh gia đình). Một bài thơ hay, cảm động và đầy triết lý. ít ra, qua nguyên bản tiếng Anh tôi cảm nhận được như vậy. Bài thơ có nhan đề “Điệu nhảy chậm”, xin tạm dịch như sau:

Cô chú từng thấy trẻ
Nô đùa chơi đu quay,
Hay nghe mưa thánh thót
Rơi trên từng lá cây?

Từng thích thú chạy theo con bướm nhỏ
Hay trầm tư ngắm hoàng hôn rực đỏ?

                                      Nhảy chậm thôi, nhảy chậm
                                      Để lắng nghe mọi người,
                                      Vì thời gian và nhạc
                                      Không kéo dài suốt đời.

Đã bao giờ vì vội,
Cô chú chào rất nhanh,
Vội đến mức không kịp
Nghe người khác chào mình?

Và tối lên giường ngủ,
Vì vội, ngủ rất mau.
Đã bao giờ ý nghĩ
Vương vấn mãi trong đầu?

Tốt hơn nên nhảy chậm
Để lắng nghe mọi người,
Vì thời gian và nhạc
Không kéo dài suốt đời.

Đã bao giờ cô chú
Bảo con: Chờ ngày mai!
Và vì vội, không thấy
Con buồn khóc, thở dài?

Hay đã từng để mất
Một tình bạn đẹp sao,
Chỉ vì cô chú bận
Không nói nổi tiếng "Chào!"?

                                      Nhảy chậm thôi, nhảy chậm
                                      Để lắng nghe mọi người,
                                      Vì thời gian và nhạc
                                      Không kéo dài suốt đời.

Vì việc vội, lo kịp đi đâu đấy,
Đã là mất nửa niềm vui việc ấy.

Và một khi cứ lo, vội suốt ngày,
Thì cuộc đời ta để mất không hay.

Không phải đua tốc độ,
Đời - bản nhạc không dài.
Hãy lắng nghe chầm chậm,
Để không quên, sót ai.

Bài thơ cứ làm tôi bâng khuâng suy nghĩ mãi. Trước hết về số lượng người đã đọc nó và kèm theo đấy là số tiền Viện ung thư Mỹ tài trợ để cứu em, nếu có thể. Nó làm tôi nhớ lại câu chuyện về một cô bé Nhật cách đây  bốn mươi năm. Cô bị nhiễm xạ bom nguyên tử, mắc bệnh máu trắng, và cũng phải nằm nhẩm đếm những ngày còn lại ít ỏi của đời mình. Cô bé Nhật thơ ngây ấy tin vào một truyền thuyết cổ nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con thiên nga bằng giấy trắng, cô sẽ khỏi bệnh. Cô không muốn chết và đã lặng lẽ, kiên nhẫn thực hiện ý định của mình. Biết chuyện, trẻ em của thành phố Hirôshima quê hương cô, của cả nước Nhật và nhiều nơi khác trên thế giới  tới tấp gửi đến cho cô hàng nghìn, hàng vạn con thiên nga bằng giấy. Dẫu không cứu được cô, việc làm này của các em đã là một cái gì đấy thật cảm động và đầy ý nghĩa, khiến người lớn phải suy nghĩ. Nhưng em bé New York lần này không yêu cầu chúng ta cứu em thoát chết (cái sáng kiến tài trợ của Viện ung thư Mỹ chỉ là ý định đẹp đẽ của người lớn). Em chỉ muốn trước khi chết nhắn nhủ chúng ta một điều giản dị, là chúng ta hãy nhảy chậm trong điệu nhảy cuộc đời, (nếu quả thật cuộc đời là một điệu nhảy), để có thời gian chú ý và quan tâm nhiều hơn đến người khác.
Tôi đọc bài thơ mà như thấy em, một cô bé không quen biết ở tận bên kia bờ đại dương, đang khiển trách tôi, rằng suốt mấy chục năm qua hình như tôi đã nói quá nhiều, sống và viết quá ào ạt, quá nhanh, và do vậy đã bỏ qua không nhìn thấy nhiều điều xung quanh, vui cũng như buồn, rằng tôi phần nào ích kỷ chỉ biết đến mình, ít đọc để hiểu đồng nghiệp. Có thể vì luôn vội vã, tôi đã ít chào người khác hoặc người khác chào mình mà không biết để chào lại. Cũng vì lý do ấy, thật xấu hổ, mãi gần đây tôi mới biết đến người đồng hương vĩ đại của tôi, nhà đạo học, nhà tư tưởng, giáo sư Cao Xuân Huy ở cách làng tôi chỉ một cánh đồng. Con người ấy sống thật thanh thản, thật thiền, ít nói, ít đòi hỏi, chỉ lặng lẽ đọc và suy ngẫm. Trong đời, con người ấy đi thật chậm, thật khẽ, ấy thế mà đến đích thật vinh quang và dấu ấn để lại cho đời thật sâu đậm.
Đây chỉ là những ý nghĩ chân thành, có thể phần nào hơi bột phát của tôi. Tôi hy vọng bài thơ trên sẽ gợi được ở bạn đọc một vài liên tưởng về bản thân, về bạn bè, công việc và về cuộc sống nói chung.
Phần tôi, tôi đã nhờ Rodney Dickson, nếu được, hãy nói với cô bé New York ấy rằng tôi đã gửi bài thơ của em tới ít nhất 5-6 người (cũng có nghĩa là đóng góp thêm khoảng 20 xu Mỹ cho nỗ lực cứu chữa em), và rằng tôi cảm ơn em đã nhắc tôi một điều tưởng như rất giản dị nhưng không phải lúc nào ta cũng nhớ, rằng "cuộc đời không phải cuộc đua tốc độ, mà chỉ là bản nhạc không dài, và do vậy, phải lắng nghe chầm chậm để không quên ai, sót ai".


Đôi  tay đẹp

Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi một câu chuyện cổ Trung Quốc. Chẳng rõ thực hư thế nào, nhưng câu chuyện có nội dung thế này.
Kinh Kha là một thích khách nổi tiếng của nước Ngụy. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, là tay đâm thuê chém mướn thạo nghề và rất được tín nhiệm. Với tham vọng thống nhất sáu nước hòng bá chủ thiên hạ, Thái tử Đan nước Yên đã thuê Kinh Kha giết vua nước Tần là Doanh Chính, tức Tần Thủy Hoàng. Tiếc rằng lúc này Kinh Kha đang có ý giải nghệ nên không mấy mặn mà với số tiền công lớn khách hàng đề nghị được trả. Để mua chuộc, Thái tử Đan cho mở yến tiệc suốt ngày đêm với đủ các thức ngon vật lạ và vô số mỹ nữ luôn mua vui bên cạnh. Một tối nọ, khi tư lự nghe một nữ công chơi đàn, Kinh Kha vô tình thốt lên lời khen nàng có đôi tay đẹp. Sáng hôm sau Kinh Kha thấy người của Thái tử Đan mang đến một hộp quà phủ lụa đỏ. Mở ra thì thấy bên trong là đôi tay thon nhỏ của cô gái chơi đàn tội nghiệp. Hắn, tên đâm thuê chém mướn không ghê tay ấy, sững sờ xúc động, cho chôn cất đôi tay cẩn thận rồi lên đường đi tới nước Tần. Nhưng hắn cố tình không giết Doanh Chính, và đã phải đem mạng sống của mình trả giá cho việc này.
Câu chuyện chỉ có thế, nhưng nó gây ấn tượng đủ mạnh để chúng ta thấm thía hết thân phận bèo bọt của người dân bình thường, cũng như sự độc ác vô liêm sĩ của những kẻ cầm quyền.
Nó cũng làm tôi nhớ lại chuyện "Cậu Trời" Đặng Mậu Tôn, em trai Đặng Thị Huệ ngày xưa. Mỗi lần ra đường, gặp cô gái nào xinh đẹp, hắn liền sai lính chặn lại để hãm hiếp ngay tại chỗ. Gần đây thôi, chính xác là vào nửa đầu của thế kỷ hai mươi này, ở Liên Xô cũng có một "Cậu Trời" tương tự. Đó là Bêria, bộ trưởng bộ nội vụ nhà nước cộng sản đầu tiên trên toàn thế giới. Nếu không bị kịp thời ngăn chặn, hắn đã có thể leo lên chức đứng đầu đất nước rộng lớn, hùng mạnh này. Có điều, khác Cậu Trời, hắn không công khai hiếp người trên đường phố, mà thích ai thì bắt về nhà, và sau khi thỏa mãn thú tính, hắn cho ném những người phụ nữ xấu số ấy vào một bồn tắm bằng đá hoa cương khổng lồ chứa a-xít để làm "bốc hơi" xác họ. Việc này kéo dài hàng chục năm không ai biết, hay biết nhưng không ai dám nói. Nạn nhân của hắn vượt xa con số hai trăm.
Lịch sử thế giới xưa nay không hiếm những chuyện như thế. Cả những chuyện đã biết và những chuyện chưa biết.
Tôi là một phần rất nhỏ của số đông những con người bình thường. Hơn thế lại là nhà văn, nghĩa là chẳng khác mấy so với cô gái đã chơi đàn cho Kinh Kha nghe. Tất nhiên tôi không muốn làm nạn nhân của người khác, nhưng cũng chẳng bao giờ muốn làm kẻ có quyền sinh quyền sát. Để khỏi bị chặt tay hoặc phải chặt tay ai đó.
                                                                                     
                  

Chuyện nhà chùa - 1


Một nhà nghiên cứu văn hóa bất ngờ phát hiện thấy ở một ngôi đền nọ một sự thật không mấy thú vị. Thì ra suốt hai trăm năm qua ngôi đền này (vì những lý do dễ hiểu tôi xin phép không nói tên, kể cả tên những người liên quan) đã thờ một nhân vật không xứng đáng, thậm chí còn là người xấu, kẻ đã khôn khéo leo lên bục thờ nhờ mưu mô xảo quyệt. Ngày xưa những chuyện như thế vẫn xẩy ra, một số vua triều Nguyễn còn có luật trị nghiêm tội này.
Vậy là bao đời nay hàng ngày khách thập phương háo hức kéo đến dâng hương lễ, cung phụng, tôn vinh hắn và nhờ hắn ban ơn giúp đỡ. Còn hắn thì nghiễm nhiên ngồi trên bệ thờ được sơn son thếp vàng, tôn nghiêm, thánh thiện ngang hàng các vị anh hùng dân tộc.
- Ông không nhầm đấy chứ? - tôi hỏi nhà nghiên cứu văn hóa kia, cũng là một người bạn của tôi.
- Không. Tôi đã bỏ ra ba tháng tìm đọc hàng đống tài liệu mới khám phá được vụ này. Hắn là một tên quan xảo quyệt và đầy quyền lực của triều vua Tự Đức. Quyền lực và sự xảo quyệt ấy của hắn từng làm nhiều trung thần thiệt mạng, giúp hắn dựng nên chùa này để thờ chính hắn và một chùa nữa thờ bố mẹ hắn. Nhưng chùa ấy đã bị phá thời cải cách ruộng đất.
- Thì bây giờ ta phá nốt chùa này. - tôi hăng hái nói.
- Không được. - Bạn tôi tỏ ý thất vọng.
- Vì sao?
- Vì cái thời phá chùa đập tượng qua rồi. Xã hội văn minh không bao giờ làm những việc tương tự.
- Nhưng đây là chùa rổm, tượng rổm. Hắn đã và đang lừa dối biết bao người.
- Đúng thế. Thời gian đã kịp biến cái rổm ấy thành di sản văn hóa. Mà di sản văn hóa thì không thể phá được. Hơn thế, nó lại được xếp hạng, thuộc diện cấm xâm phạm.
- Các ông xếp hạng ấy có biết không?
- Chắc không. Mà có biết cũng chẳng làm gì được.
- Cả vị sư trụ trì ngôi chùa?
- Tất nhiên.
- Vậy ông bỏ công khám phá ra cái sự thật này làm gì?
- Chẳng làm gì cả. Cùng lắm chỉ để biết người đời dễ bị lường gạt thế nào.
Tôi im lặng, tấm tức không biết nói gì thêm. Nhận ra điều đó, anh bạn tôi hạ giọng, với giáng vẻ một nhà hiền triết:
- Cái gì trót đưa lên bàn thờ thì cứ giữ nguyên ở đó. Không phải mọi cái được tôn thờ đều thiêng liêng. Vả lại người ta đến chùa này thực chất không vì thằng kia. Thậm chí không biết và cũng chẵng muốn biết hắn là ai.
Mấy hôm sau có việc đi ngang, hai chúng tôi lại rẽ vào chùa. Như một người mộ đạo thực thụ, bạn tôi, nhà nghiên cứu văn hóa có công khám phá điều giả dối ấy, đã thắp một nén hương, kính cẩn cắm trước bức tượng gỗ tên gian thần. Còn hắn thì từ trên cao khinh khỉnh nhìn xuống lũ chúng sinh thông minh quá mà thành ngu ngốc đang xun xoe khúm núm trước hắn bằng cái nhìn ban ơn, với nụ cười giả dối cũng được sơn son thếp vàng của hắn.

                                               

Chuyện nhà chùa - 2


Những tiếng cầu xin rất thành tâm,
Những cái chắp tay lễ độ...
Thế mà Phật vẫn làm ngơ -
Phật là người hay là gỗ?

Một ông lão mù lòa
Chìa tay xin những người kia
Rất thành tâm, lễ độ,
Thế mà họ vẫn làm ngơ đi qua -
Họ là người hay là gỗ?


Chuyện nhà chùa - 3


Tiếng mõ đều đều.
Tiếng tụng kinh.
Khói. Hoa.
Những ông già bằng gỗ...
          Ôi, buồn sao!

Thế mà những cô gái đáng yêu,
Hiện đại, xinh
Lại lăng xăng trước họ...
          Ôi, buồn sao!



Về nghệ thuật - 1


          Mới đây có ông bác sĩ người Anh bỏ ra 33 nghìn đô-la để mua một bức tranh sơn dầu thuộc trường phái hiện đại. Hiện đại đến mức trên bức tranh ấy không có gì khác ngoài màu trắng của toan vẽ! Người mua tuyên bố đây là một tác phẩm tuyệt đẹp xứng đáng với chừng ấy tiền ông ta bỏ ra. Còn hai người bạn thân của ông thì bảo ông điên rồ, dở hơi, vân vân. Cứ thế họ tranh cãi nhau về "giá trị nghệ thuật". Không ai chịu ai, cuối cùng dẫn đến ẩu đả.  
Chuyện tưởng như đùa nhưng có thật. Dựa theo đó, người ta đã viết một vở kịch có tên là "Nghệ thuật" đang được trình diễn ở sân khấu Luân Đôn và một số nơi khác. Cũng có thật cả việc những "bức tranh" trừu tượng do voi vẽ hoặc súng phun mực trẻ con té bẩn mà thành, có giá nhiều nghìn đô-la.
          Thị hiếu mỗi người một khác, tất nhiên, và giá trị tác phẩm nghệ thuật, cứ cho bức tranh không vẽ gì kia là một tác phẩm nghệ thuật, phụ thuộc vào thị hiếu của từng người cụ thể. Tất nhiên ông bác sĩ kia có quyền tiêu tiền theo cách ông ta muốn.
          Tôi là người bảo thủ, không chỉ trong hội họa mà cả văn chương, âm nhạc và kiến trúc. Có thể đó là hạn chế và thiệt thòi vì tự tôi tước đi của mình cảm thụ cái đẹp của sự mới mẻ không khuôn phép. Nhưng như người khác, tôi cũng có quyền giữ cho mình cách đánh giá riêng về nghệ thuật.
          Tôi có dịp đi nhiều nước, thăm nhiều bảo tàng danh tiếng thế giới. Mỗi lần đứng trước một tác phẩm trừu tượng, siêu hiện đại kiểu vừa nói, tôi luôn cảm thấy lúng túng không biết nên nghĩ gì. Tôi không có lý do nào để phủ nhận chúng. Chẳng qua không thích, đơn giản thế thôi. Và tôi bỏ đi. Tuy nhiên, lần nào trong đầu vẫn quanh quẩn mãi câu hỏi mà đến bây giờ vẫn không trả lời nổi: Phải chăng đó là những tác phẩm nghệ thuật đích thực, xứng đáng với lời khen và cái giá của người đời? Còn tôi do ngu dốt nên không nhận ra giá trị của chúng? Thường những lúc ấy tôi lại nhớ đến câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Andersen về ông vua cởi truồng.
          Xin thêm một ý nhỏ: Nếu để ý, ta sẽ thấy hiện nay số lượng họa sĩ vẽ tranh trừu tượng rất nhiều, còn người vẽ theo phong cách cổ điển (với nghĩa giống thật) thì ít hơn hẳn. Chắc phải có lý do của nó. Trong số những người tôi quen biết, không ít người xưa nay vốn xa lạ với hội họa bỗng dưng đổi nghề thành họa sĩ. Họ cũng mở triển lãm và đôi khi bán được tranh. Có điều tôi chưa thấy người nào giữa chừng chuyển sang chơi nhạc cổ điển. Chơi pianô như Đặng Thái Sơn chẳng hạn. Để có thể bước lên sân khấu, Đặng Thái Sơn phải tập đàn mỗi ngày từ sáu đến mười giờ liên tục trong hai mươi năm. Ít nhất cũng phải mười lăm năm.
          Tháng trước tôi nghịch, lấy toan vẽ của vợ tôi (cũng một dạng họa sĩ nhưng may chỉ vẽ phong cảnh), bôi nhăng nhít các màu lên đó, đặt cho cái tên cũng nhăng nhít không kém, rồi đóng khung đẹp treo lên tường. Mọi người xem không nói gì. Nhưng cũng có người khen đẹp.
                                                                            

Về nghệ thuật - 2


          Yehudi Menuhin là nghệ sĩ viôlông hàng đầu thế giới. Ông luôn cảm thấy băn khoăn khi nhiều người than phiền không mua được vé vào các phòng hòa nhạc lớn để nghe ông biểu diễn.
          Một hôm, nghe kể lại, ông cải trang thành ông già nghèo khổ rồi mang đàn ra Times Square, quảng trường chính và cũng đông người qua lại nhất ở thành phố New York.
Ông để chiếc mũ nhàu nát trước mặt, bắt đầu đàn. Ông chọn những bài nổi tiếng nhất, quen thuộc nhất và đàn một cách say sưa như những lần trình diễn trước công chúng. Có điều lần này không có ánh sáng rực rỡ của phòng hòa nhạc thượng lưu và những lời tán dương nồng nhiệt của người giới thiệu. Có lẽ vì thiếu những cái ấy hoặc vì những lý do khác mà suốt ba giờ liền chẳng ai lắng nghe hoặc chú ý đến ông, trừ một số rất ít người dừng lại mấy giây, tò mò nhìn hoặc ném cho ông vài đồng xu.
          Trời đang chuyển sang đông khá lạnh, và do yếu tim sẵn, ông đã ngất xỉu trong lúc chơi đàn. Cảnh sát đưa ông vào bệnh viện cấp cứu, cho thông báo ai là người nhà của một ông già Yehudi Menuhin nào đó hãy tới bệnh viện để thanh toán viện phí và đưa ông về.
          Lần ấy ông ốm khá nặng. Đó là cái giá ông phải trả cho ý định kiểm tra trình độ thưởng thức nghệ thuật của người đời. Sau đó ông lại tiếp tục biểu diễn ở các phòng hòa nhạc danh tiếng của chính cái thành phố New York ấy và cho chính những con người đã thờ ơ đi qua ông trong suốt ba giờ khi ông chơi đàn ở quảng trường Times. Như trước, ông lại tiếp tục được nghe những lời than phiền về việc khó mua vé các buổi ông biểu diễn.
          Tất nhiên có sự khác nhau giữa ông già nghèo khổ mà ông cải trang và nghệ sĩ bậc thầy Yehudi Menuhin, một người New York chính gốc (sinh năm 1916 và hiện còn sống) nhưng mang quốc tịch và tuớc hiệu quí tộc Anh cùng vô số phần thưởng cao quí của nhiều nước khác. Nhưng tiếng đàn của ông thì chỉ  một.
          Câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng đôi khi giá trị một tác phẩm nghệ thuật ở chính cái tên con người tạo ra nó chứ không phải ở bản thân tác phẩm ấy?

                                     

Về nghệ thuật - 3


          Có một chi tiết người đời ít biết về Tần Thủy Hoàng, tên bạo chúa thời Trung Hoa cổ đại từng ra lệnh đốt sách và chôn sống các nhà nho. Đó là việc hắn, một kẻ căm ghét văn hóa như vậy, lại cũng rất yêu âm nhạc.
          Cao Tiệm Ly thổi sáo rất hay, đến mức mặc dù biết ông là người của nhóm định giết hắn không thành và đáng lẽ phải bị xử trảm như nhiều người khác, Tần Thủy Hoàng vẫn cho ông sống để hàng ngày thổi sáo hắn nghe. Có điều, đề phòng bất trắc, hắn chọc mù cả hai mắt ông. Hắn không ngờ người nghệ sĩ mù ấy vẫn nuôi chí căm thù, và đã lén đổ chì vào ống sáo chờ dịp đánh vào đầu hắn.
          Nếu Tần Thủy Hoàng không lâm bệnh chết đột ngột, rất có thể sứ mạng giết hắn, kẻ hủy diệt văn hóa, sẽ được trao cho người sáng tạo văn hóa là Cao Tiệm Ly.
          Ở đây có hai điều đáng suy ngẫm: Một bạo chúa biết yêu âm nhạc, và một nghệ sĩ có ý định giết người, cho dù người ấy đáng bị giết.


Về sự nổi tiếng


          Như tiền bạc và quyền lực, với nhiều người, sự nổi tiếng là mục đích tối thượng, và họ sẵn sàng tìm cách đạt được bằng mọi giá.
          Thời cổ đại đó là trường hợp của Êrôstrat, một kẻ tầm thường, một tên lái buôn ti tiện ở thành Ephes. Chỉ với ý muốn duy nhất là được mọi người biết đến, năm 356 trước công nguyên hắn đã không ngần ngại châm lửa đốt trụi đền thờ nữ thần Artêmis, một trong bảy kỳ quan thế giới. Hắn đã bị các công dân lương thiện Hy Lạp trừng trị, tất nhiên. Hơn thế, người ta còn ban lệnh cấm nhắc tên hắn ở mọi nơi, mọi lúc. Tức là ngăn không cho hắn trở thành "nổi tiếng", là điều hắn luôn thèm muốn một cách bệnh hoạn. Thế mà thật trớ trêu, gần 2500 năm sau ngày hắn chết, bây giờ tôi và các bạn lại đang nhắc đến cái tên Êrôstrat đáng nguyền rủa ấy. Dù chỉ với mục đích nhắc nhở người đời về hiểm họa tiềm ẩn trong những Êrôstrat khác đang lởn vởn quanh ta.
          Cũng nhằm mục đích nổi tiếng, ngày nay không ít người làm đủ trò quái dị. Nhất là các "ngôi sao" nghệ thuật lớn bé đủ cỡ, dù nhiều khi chỉ là những trò vô hại không gây tai họa tầm cỡ Êrôstrat. Họ tự dựng nên các vụ xì-căng-đan về mình, tự nói xấu mình, thậm chí còn tồng ngồng đi giữa phố để trở thành độc đáo, tức là thành nổi tiếng. Và họ đã thành nổi tiếng. Họ, những người trần truồng nơi công cộng, chứ không phải chúng ta, những người tự trọng ăn mặc bình thường.
          Ở họ luôn có một điểm chung. Đó là sự bất tài.
          Trong đời sống văn học nước ta thời gian gần đây, thật tiếc hiện tượng này vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng. Một người tài năng không đến nỗi, ít ra một thời là thế, tự biến mình thành anh hề trong làng văn chương. Hề cả ngoài đời lẫn trong câu chữ. Một nhà thơ nữ trẻ, rất trẻ, nếu không muốn nói còn trẻ con, viết thơ tục tĩu và trơ trẽn đến mức, theo nhận xét của nhiều người, đang "cởi truồng vênh vang giữa phố". Ấy là nói theo nghĩa bóng với ý phê phán những vần thơ tình dục trơ trẽn của nàng. Một vị đáng kính tự viết bài khen mình hết lời, rồi ký tên người khác đưa lên báo. Ông ta còn khuyên bạn bè cũng nên làm thế. Một lời khuyên chân thành với giọng cũng rất chân thành, và không chút ngượng ngập.
          Như trong hội họa, khi các họa sĩ không có khả năng vẽ giống thật thì họ nghĩ ra cách bôi bác lòe đời nhân danh đủ loại chủ nghĩa này nọ. Trong làng văn hiện nay không hiếm người viết nhảm nhí để tỏ ra mình khác người, khác đời rồi lớn tiếng gọi cái mớ nhảm nhí ấy là "cách tân", "khám phá". Những chuyện như thế thật lố bịch và đáng lạ. Nhưng còn lố bịch và đáng lạ hơn là việc những "cách tân" và "khám phá" ấy không ít khi được tung hê, khen ngợi (chủ yếu theo đơn đặt hàng và trên cơ sở có đi có lại). Thậm chí người ta còn trao giải hoặc tổ chức hội thảo khoa học về các "tác giả" và "tác phẩm" ấy. Rồi dần dần nói mãi, nghe mãi thành quen, họ cũng thành nổi tiếng và bắt đầu nhìn người tử tế bằng con mắt khinh miệt.
          Những kẻ háo danh kể trên, từ Êrôstrat đến nữ nhà thơ trẻ con tồng ngồng giữa phố kia, còn có một điểm chung nữa - sự vô liêm sỉ.


Về lẽ sống và hạnh phúc


          Xưa nay người ta bàn luận khá nhiều về đề tài này. Mọi việc dường như đã rõ. Tôi chẳng muốn và cũng không biết nói gì thêm. Ngẫu nhiên tìm lục trong đống bản thảo cũ, tôi thấy có bài thơ dưới đây của nhà thơ Mỹ hiện đại E. Robinson tôi dịch lúc nào chẳng nhớ. Hy vọng nó giúp ta suy ngẫm thêm đôi điều.

                             Richard Cory

                   Richard Cory mà có việc đi đâu,
                   Là chúng tôi cứ đứng nhìn lác mắt:
                   Ông cao quí suốt từ chân đến đầu,
                   Luôn lịch sự, thông mình và diện nhất.

                   Ông xưa nay rất tế nhị, ít lời,
                   Luôn giúp đỡ những người nghèo, đau khổ,
                   Không tiết kiệm câu chào hỏi, nụ cười.
                   Ông đến đâu là sáng lên ở đó.

                   Ông rất giàu, còn giàu hơn vua nhiều.
                   Ông là gương cho mọi người học hỏi.
                   Chúng tôi nghĩ: Trong tất cả mọi điều,
                   Ai cũng mong được như ông, khỏi nói.

                   Chúng tôi sống, mong một ngày không xa
                   Sẽ sướng hơn, không thiếu ăn, đói rét.
                   Còn Cory, một tối nọ về nhà
                   Cầm súng bắn vào đầu mình - và chết.
         

Về phái yếu


          Từ một cô gái con nhà bình dân, Võ Mỵ Nương (623-705) đã ngoi lên làm Võ Tắc Thiên, nữ Hoàng Đế duy nhất của lịch sử nhiều nghìn năm Trung Hoa phong kiến. Tạm gạt sang một bên các thủ đoạn xảo quyệt và độc ác nhằm đạt bằng được mục tiêu đã định, riêng điều này đủ thấy quyết tâm, nghị lực của phụ nữ đáng kính phục và cũng đáng sợ nhường nào.
          Suốt năm mươi năm thực quyền cai trị, Võ Tắc Thiên tiến hành nhiều cải cách to lớn trong việc trị nước, dùng người, biến triều đại của bà thành một trong những giai đoạn phát triển nhất thời Thịnh Đường.
Điều này lần nữa khẳng định sức mạnh và tài năng của phụ nữ.
          Lên ngôi năm 60 tuổi, Võ Tắc Thiên tuyên bố: "Các nam hoàng đế có bao cung tần mỹ nữ, tại sao các nữ hoàng đế không được có nhiều phi tần dũng nam cho mình?" Với sự công phẫn chính đáng, bà cho lập Nam Cung Tần với hàng nghìn thanh niên mạnh khỏe đêm ngày thường trực bên cạnh. Trong số họ không ít người thuộc giới đạo sĩ và tăng lữ. Chưa hết, các vị tân quan cũng thường được bà cho triệu vào hậu cung, có khi hai ba ngày hoặc lâu hơn, không phải để bàn chuyện "quốc sự", tất nhiên. Sử chép rằng, mỗi lần có người vào đây, bà già canh cổng hậu cung lại chép miệng: "Thế là toi thêm một mạng người nữa!" Nhiều người về nhà được ít hôm thì chết. Cũng có người "chết ngay tại trận". Chắc không phải ai cũng chết vì "quá sức". Có rất nhiều giai thoại về khả năng tình dục "siêu phàm" và sự độc ác của bà.
Về mặt này, có lẽ ít ai từng đọc tiểu sử Võ Tắc Thiên còn tiếp tục bảo thủ cho rằng phụ nữ là "phái yếu".
         

Nero - nghệ sĩ, bạo chúa


          Như Tần Thủy Hoàng ở Trung Hoa thời cổ, Nero (37- 68 sau CN, vị hoàng đế thứ năm của đế chế La Mã) là tên bạo chúa khét tiếng ở phương tây. Lên ngôi năm mười bảy tuổi, hắn cưới và sau đấy treo cổ chị gái đồng thời là vợ mình. Sau đó hắn giết anh trai, giết mẹ về tội dèm pha nhân tình của hắn, giết người thầy và là nhà triết học nổi tiếng Seneca. Rồi hắn giết nhân tình, giết một nhà quí tộc để cướp vợ người ấy... Danh sách các nạn nhân bị hắn giết có thể kéo dài vô tận.
          Về thành tích chém giết, công bằng mà nói hắn chẳng khác mấy những tên bạo chúa trước và sau hắn. Nhưng hắn đã dám làm một việc có thể xem là độc nhất vô nhị. Tháng Bảy năm 64, chỉ với mục đích giải trí, hắn ra lệnh đốt cháy cả thành Rôm hoa lệ. Chắc ngọn lửa vĩ đại ấy không làm hắn vui lâu, nên một phần ba thành phố còn giữ lại được.
          Sự độc ác cùng những trò chém giết, đốt phá quái đản của hắn có thể giải thích bằng sự điên rồ. Nhưng điều không thể giải thích nổi là tại sao thần dân đế quốc La Mã rộng lớn, lúc ấy bao gồm hầu hết châu Âu, kéo dài tới Ai Cập, Tây Phi và Jerusalem, lại cho phép hắn ngồi trên ngai vàng cai trị mình những mười bốn năm liên tục? Liệu có thể đặt câu hỏi nghi ngờ về cái gọi là sức mạnh và vai trò lịch sử của nhân dân được không?
          Và phải chăng chính vì điên loạn mà Nero bạo chúa trên thực tế lại còn là một nghệ sĩ với đúng nghĩa của từ này. Theo sử sách, hắn đã cho dựng lại thành phố hắn vừa đốt, xây nhà tế bần cho những người không nơi nương tựa và cấp không lương thực cho dân chúng. Đồng thời hắn còn là nhà bảo trợ hào phóng của nghệ thuật sân khấu. Hắn tự nguyện tham gia các vở kịch với tư cách một diễn viên bình thường. Nghe nói khả năng diễn xuất của hắn không quá tồi.
          Trước sức ép của Viện Nguyên lão, ngày 9 tháng Sáu năm 68 hắn buộc phải tự tử. Theo Bairơn trong tiểu thuyết thơ nổi tiếng “Đôn Juan”, đêm hôm ấy, khi cả thành Rôm reo hò vui mừng vì thoát được tên bạo chúa đáng nguyền rủa, có ai đó đã lén lút đặt một bông hồng bên xác hắn.
          Bông hoa ấy cho ai - Nero bạo chúa hay Nero nghệ sĩ? Đến nay điều này vẫn còn là một bí ẩn.
Hà Nội, 1983 - 2001

No comments:

Post a Comment