Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Từ
ga Mỹ Lý phía Nam huyện Diễn Châu, gần đền thờ An Dương Vương, đi ngược lên
phía Tây độ vài cây số đường núi đất đỏ lởm chởm đá và phân súc vật, người ta
sẽ thấy một làng nhỏ nằm lọt thỏm giữa hai quả núi thấp, trước trọc trơn nhưng
gần đây được phủ cây xanh, loại thông cằn cỗi đặc trưng của vùng duyên hải miền
Trung, tuy nhiên nhiều chỗ cây bị bọn trẻ chăn trâu bẻ gãy hoặc dân làng đốt
cháy thành những vết loang lỗ như những nốt ghẻ lớn.
Đó
là xóm Núi, thời hợp tác xã nông nghiệp chưa giải tán được gọi là Đội Bảy, hoặc
xóm Đập Ba Ra. Chả là cách đấy không xa có con đập xây từ thời Pháp, biến thung
lũng phía bên kia thành hồ chứa nước tưới tiêu cho cả mấy xã phía Nam huyện
Diễn Châu. Nghe nói đích thân vua Bảo Đại cùng toàn quyền Pháp đi trực thăng
tới đây cắt băng khánh thành con đập này. Cả làng vẻn vẹn chưa đến bốn chục nóc
nhà, bây giờ hầu hết đã là nhà ngói, nhờ ở chỗ đất thấp nên cây cối mọc um tùm.
Buổi chiều, khi cái nắng hun người lắng xuống, với những con bò gặm cỏ trên
sườn đồi, lũ trẻ chơi bi hoặc bốc đất ném nhau và đôi sợi khói lam treo lơ lửng
trên làng, nó cũng có vẻ điền viên không kém nơi nào, dù chỉ là một xóm nghèo,
sống tách biệt và bị bỏ quên, thậm chí thời chiến tranh ác liệt không một quả
rốc-két, một quả bom nào rơi xuống nó. Dân làng sống nhờ vào dải đất hẹp trồng
lúa sát chân đập, cùng bầy gà và mấy con lợn còm trong chuồng. Ngoài ra không
có gì. Không nghề phụ, không giao lưu buôn bán. Trước còn trồng sắn trên sườn
đồi, nay bị cấm để trồng thông, vả lại có trồng được cũng chẳng ai ăn. Mấy nhà
có máu kinh doanh đã thử ra đường quốc lộ dựng lều bán chè chén và kẹo cu-đơ,
nhưng lãi chẳng bõ một ngày hai lần vượt núi giữa mưa nắng trên đường lầy lội.
Thế
mà cái xóm Núi ngái ngủ, buồn tẻ và bị cả ta lẫn địch bỏ quên ấy lại được chọn
làm nơi dưỡng già của hai ông suốt đời sống thủ đô và có nhà cửa đàng hoàng ở
đấy. Đó là ông Nhà Thơ và ông Cán Bộ Cỡ, người làng gọi thế, chẳng
biết cỡ đến mức nào. Cả hai đều sinh ở đây và là những người đầu tiên của không
chỉ xóm Núi mà cả xã Diễn Lộc rộng lớn học xong trường Nguyễn Xuân Ôn ở Phủ
Diễn rồi thành cán bộ nhà nước, cách đây năm chục năm. Một ông, ông Nhà Thơ, nổi tiếng vì ba bài thơ đăng
báo trung ương đầu những năm 60 và bị tù sáu năm vì chính ba bài thơ đó. Lúc
mới về làng ông còn bị nhiều người xì xào gọi là phản động, phản cách mạng. Còn
ông kia thì cái tên Cán Bộ Cỡ dân
làng đặt cho đủ nói rõ ông là ai. Hai người đương nhiên nổi bật hẳn trong làng.
Một ông Đỏ, một ông Đen giữa đám dân chúng lôi thôi lếch
thếch không màu sắc.
"Tôi
mới mua tập truyện ngắn Giả Bình Ao hay lắm. - Ông Cán Bộ Cỡ nói với ông Nhà Thơ
khi hai người ngồi uống trà vào buổi chập chiều như thường lệ. Từ nhỏ đã chơi
thân, nay họ gặp nhau luôn cũng là chuyện bình thường. - Cái anh này thế mà
viết khá. Ông thích tôi cho mượn.
Ông Nhà Thơ là người ít nói, không trả lời
ngay mà chỉ xuay xuay chén trà nóng đặc quánh trong những ngón tay thon gầy.
"Nhưng
cũng có truyện đọc mà khiếp, như truyện Quỉ
Thành chẳng hạn. - Ông kia nói tiếp. - Truyện kể thời cách mạng văn hóa có
làng nhỏ ở Thiểm Nam đang sống yên bình thế mà quỉ xui ma khiến thế nào bị chia
thành hai phe chém giết nhau như ngóe. Chém giết chứ không phải phê bình, đấu
tố. Kinh lắm. Mà chẳng vì gì cả. Bên nào cũng tự cho mình cách mạng, thế là chém nhau, số người chết lên đến hàng
trăm, chôn chung một nghĩa trang, sau gọi là thành phố ma...
"Thế
thì tôi không muốn đọc, - ông Nhà Thơ
tư lự đáp. - Hay ho gì. Ta cũng khối
chuyện như vậy.
Cả
hai cùng lặng im. Ông Cán Bộ Cỡ biết
mình đã chạm vào nỗi đau của bạn. Ông cũng biết "khối chuyện như thế" nghĩa là gì, vì ông từng là cán bộ đội
cải cách rồi sau đó là cán bộ sửa sai những năm năm mươi.
"Ừ,
cái thời ấy nó thế, - ông chép miệng nói. - Gọi là ấu trí, mù quáng cũng được,
mà điên cũng được. - Nhưng nó đã xẩy ra đúng như thế".
"Ông
biết chuyện thời ấy ở xóm Núi này ông Sáu Điếc bị thiêu sống trên cây đa Bãi
Chùa chứ?"
"Biết".
Sáu
Điếc là chủ tịch xã kháng chiến, từng tham gia phong trào Xô Viết năm ba mươi.
"Cả
thằng hại ông ấy?"
"Vâng.
Thằng cán bộ Đội cải cách từ Vinh về. Hắn giở trò hiếp cô Lụa con ông Sáu, ông
bắt được đánh cho một trận nên thân. Hắn bị tố cáo, mất chức, nhưng ông Sáu vẫn
bị thiêu sống. Khốn nạn. Có điều tôi không biết sau này hắn thế nào".
"Làm
quan, to nữa là khác. Đang ở Vinh. Bảy mươi tuổi và bệnh chờ chết. Bà Lụa nói
thế. Ông cũng biết cả chuyện thằng Sửu vì muốn vào Đảng mà tố láo bố nó giấu
thóc trên núi, thành ra bố hắn bị chết oan?"
"Biết.
Chuyện ấy cả vùng này ai chẳng biết. Cái thằng khốn nạn. Khốn nạn nữa là sau
này hắn được kết nạp Đảng, rồi làm phó chủ tịch xã mấy năm liền cho đến khi
không chịu nổi tiếng xì xào phải bỏ quê đi biệt tăm mãi tới giờ. Kinh khủng
thật. - Ông cán bộ cỡ lại thở dài. - Ông nói đúng, ở ta cũng có những chuyện
tày trời như vậy, may còn kịp sửa sai. Và tôi vẫn mãi không hiểu sao những con
người hiền lành, chất phác như dân xóm Núi này và bao làng quê Việt Nam khác
thời ấy lại có thể làm những điều như vậy".
Ông Nhà Thơ không đáp, chỉ ngước lên nhìn
bạn với đôi mắt buồn mệt mỏi khi ông này cáo từ xin về. Sớm hơn mọi ngày.
Mặt
trời đang khuất dần sau ngọn núi phía Tây. Có gió mát nhẹ thổi từ phía đập Ba
Ra. Cao trên trời, mây trắng đứng im từng cụm lớn và dày. Kiểu này còn lâu mới
mưa.
Con
chó đen to lớn nằm ở góc sân, ngoẹo đầu, mắt lim dim, chốc chốc thè chiếc lưỡi
đỏ và ướt. Nó già đến mức trên lưng lông đã rụng vài chỗ lớn bằng cái trôn
chén, nhưng còn là con chó khôn ngoan và được việc. Nhờ nó mà luống hoa nhỏ của
ông tránh được sự quấy phá của trẻ con, lợn gà và cả trâu bò hàng xóm. Vâng, nó
dám tấn công cả những con vật to lớn ấy. Nó đứng đối diện, sủa to, nhe nanh dữ
tợn cho đến khi chúng sợ bỏ đi. Còn người lạ thì chẳng ai dám bước vào nhà khi
chưa được chủ đích thân ra dẫn. Con chó như phân biệt được đâu là người tốt và
kẻ xấu. Thế mà thật lạ, không hiểu sao nó lại ác cảm với ông Cán Bộ Cỡ, và lần
nào ông đến nó cũng lồng lên sủa vang, khiến cả chủ lẫn khách ngạc nhiên mắng:
"Cái con dở hơi này!"
Ông Nhà Thơ còn ngồi uống trà rất lâu mới bỏ
ra vườn tưới nước cho hoa. Cái thú chơi hoa lạc lõng chẳng kém sự hiện diện của
ông ở làng nông thôn hẻo lánh này. Nó cũng góp phần làm ông thành người lập dị.
Ông sống một mình không vợ con, không người thân thích. Người ta thường bắt gặp
ông nói chuyện với hoa như với bạn bè. Ông ngắt chúng vào buổi sáng, và vì ở
đây trời nóng nên chập chiều chúng đã héo. Thay vì vứt vào sọt rác, ông chôn
chúng. Không phải vùi qua loa mà chôn theo đúng "nghi lễ". Ông đào
một chiếc hố dài hai gang tay, sâu nửa gang, lấy giấy báo cẩn thận bọc hoa lại như
liệm người chết rồi nhẹ nhàng đặt xuống, và cũng nhẹ nhàng như thế, ông vùi đất
thành đường gờ nhỏ như chiếc mộ tí hon. Xong, ông ngồi im trầm ngâm một lúc mới
đứng dậy đi vào nhà. Một ông già lẩm cẩm. Mọi người, kể cả ông Cán Bộ Cỡ bạn ông, cho là thế, nhưng vì
đây là việc vô hại, lại hay hay nên chẳng ai nói gì.
Bây
giờ ông đang làm cái nghi lễ chôn hoa thường ngày đó. Khác chăng, ông ngồi
trước gờ đất lâu hơn bình thường. Hình như câu chuyện vừa rồi làm ông buồn.
Đi
bộ đội từ cuối năm 1949, ông tham gia hầu hết các trận đánh lớn, kể cả trận
Điện Biên Phủ, rồi về Hà Nội được chọn làm phóng viên một tờ báo lớn. Chả là
vốn có năng khiếu thơ văn, trước đó ông sáng tác và được in mấy bài liền trên
tờ Văn Nghệ Chiến Khu. Năm 1956, là
trưởng phòng của tờ báo nơi ông làm việc, ông đăng ba bài thơ "hoàn toàn vô hại" như ông và mọi
người vẫn nói, ông tổng biên tập còn khen hay khi ký duyệt, thế mà sau đó người
ta suy luận thế nào, chụp cho cái mũ Nhân
Văn. Ông phản đối, kêu oan, tất nhiên, nhưng vì không khéo chọn lời nên chính
sự phản đối kêu oan ấy làm tình hình thêm nghiêm trọng. Cuối cùng thì người ta
cách chức, đình chỉ công tác, và tống ông vào tù. Sáu năm cho ba bài thơ vô
hại, nếu không kể bản sao cả tập thơ ông viết chưa in, trong đó có nhiều bài
"bộc lộ tư tưởng phản động".
Suốt đời ông băn khuăn không hiểu bằng cách nào tập thơ ấy đến tay người khác,
vì ông luôn giấu kỹ và ngay lập tức đốt hủy nó sau hôm ba bài thơ kia bị đánh.
Ra tù, ông trở thành người ngoài biên chế, không việc làm, không lương, may còn
được giữ căn phòng mười bốn mét vuông cơ quan phân trước đó. Không cả bạn bè,
trừ ông Cán Bộ Cỡ vốn cùng làng, cùng
đơn vị bộ đội và về Hà Nội cùng ngày. Ông này làm bên bộ công an cách tòa soạn
báo ông không xa. Hỏi nghề gì không nói, chỉ cười. Ông ta ba lần lên tận nhà tù
thăm bạn, thỉnh thoảng còn tiếp tế đôi thứ lặt vặt, trong khi mọi người đều tìm
cách xa lánh. Một tình bạn chân thành đáng quí, ông nghĩ thế và thầm biết ơn.
Thật khó nói hết nỗi cơ cực những năm mới ra tù. Ông sống thu mình, kiếm ăn
bằng đủ nghề tạp dịch, không viết, mà có viết cũng chẳng được in. Sau này người
ta cho in thì ông không còn hứng nữa. Suy sụp và buồn chán đến mức chẳng bao
giờ lấy vợ. Ông được nhận trở lại cơ quan, làm chân sửa mo-rát cho đến lúc về
hưu. Nhưng lương thì lương chuyên viên vì được tính cả những năm ở tù và những
năm không đi làm sau đó. Như đã nói, ông chỉ có duy nhất một người bạn là ông Cán Bộ Cỡ. Ông này vợ chồng lục đục, ly
thân hàng chục năm nay, nên nghỉ hưu, ông quay về xóm Núi. Một phần vì thế mà
ông về theo. Ông coi ông này như ân nhân, người luôn giúp đỡ ông cả vật chất
lẫn tinh thần.
Cuộc
đời ông Cán Bộ Cỡ bạn ông may mắn và
suôn sẽ hơn nhiều, ít ra về đường công danh với chức vụ cao nhất là vụ trưởng
(không ai biết ông phụ trách vụ nào). Ông hiền lành, chân thật và khiêm tốn. Vẻ
ngoài béo tốt, phương phi. Hồi học trường huyện ông giỏi toán, nhưng về sau tỏ
vẻ quan tâm nhiều tới thơ văn và rất ham đọc sách. Đôi lần ngẫu nhiên ông hứng
lên tranh luận với ông bạn nhà thơ cùng làng về những bài thơ mới nhất cũng như
những người viết chúng ở cái lĩnh vực ông hoàn toàn xa lạ. Ấy là nói cái thời
xa xưa kia, khi bạn ông chưa bị bắt. Sau này thì ông nhạt dần, và thay vào đó
là những cuốn sách, chủ yếu sách nước ngoài ông đọc thấy hay mang đến cho mượn.
Đêm.
Trăng rằm rất to và sáng trên đầu. Ông Nhà
Thơ vừa ăn và uống xong ấm trà, điều ấy mất gần hai giờ đồng hồ, bây giờ
đang thong thả bước ra khỏi nhà. Con chó lẽo đẽo theo sau, lấm lét và cảnh giác
như mọi ngày. Chốc chốc nó ngoái lại phía sau hoặc nhìn chủ với vẻ nghi ngờ, vì
ít khi ông đi chơi buổi tối, nếu quả thật ông đang đi chơi. Trong khi đó, chủ
nó cứ lặng lẽ bước, hình như hơi vội và chút ít hồi hộp. Lát sau họ tới cuối
làng, là nơi, dưới bóng một cây đa xum xuê, có ngôi nhà đang xây dở, phần móng
vừa làm xong, bừa bộn gạch đá và vôi vữa. Đó là nhà thờ họ Trần của ông được
con một người trong họ làm ăn phát đạt cúng tiền xây lại. "Từ A đến Z. To
gấp đôi nhà cũ!" như anh ta nói. Anh này làm nghề nung vôi mà trở thành
giàu, văn hóa lớp ba nhưng khôn ngoan và cả gian trá nữa. Tuy nhiên, nhờ hào
phóng đóng góp khoản tiền lớn này, người ta dễ dàng bỏ qua cho cái tội vặt vãnh
ấy.
Họ
Trần xóm Núi không lớn, không có gì, không có ai nổi bất, trừ ông là người duy
nhất học hành tử tế, được sống ở Hà Nội. Sống ở Hà Nội là niềm tự hào và mơ ước
của nhiều người trong làng. Ấy thế mà một thời, tức là ngày xưa, theo gia phả
để lại, thời nhà Hậu Lê dòng họ này từng có một người đậu tiến sĩ có thơ được
trích giảng trong giáo trình đại học tổng hợp văn. Sau đó thì coi như lụn bại.
Lớp hậu duệ ngày nay kém cỏi đến mức không lấy làm tự hào, thậm chí không thèm
nhớ đến ông cụ tổ danh tiếng đó. Người ta xây lại nhà thờ chẳng do yêu quí
giòng họ, tổ tiên mình, mà chỉ tại nhà thờ họ Phạm đã được sửa lại rất đẹp, đứng
sừng sững bên cạnh như thách thức. Hai họ xưa nay vốn chẳng ưu gì nhau. Nay thì
người họ Phạm sẽ trố mắt lên mà nhìn nhé!
Ông Nhà Thơ lặng lẽ dạo một vòng quanh ngôi
nhà xây dở rồi ngồi xuống đống gạch, thong thả lấy thuốc ra hút. Ông bỏ thuốc
từ lâu, nhưng vẫn cho phép mình hút một điếu vào những dịp đặc biệt. Hút xong,
với vẻ ngại ngùng lén lút, ông rút từ túi ra một cuốn sổ nhỏ, đặt nó vào khe hỡ
giữa hai hàng gạch của bờ móng rồi lấy viên gạch vỡ chèn lên trên. Ông cẩn thận
xem lại có chắc không, và sau khi nghĩ ngày mai cánh thợ không thể phát hiện ra
điều này, ông đứng dậy ra về. Chân bước nhanh hơn lúc đến. Cao trên trời trăng
vẫn sáng và chỉ nhích thêm chút đỉnh về phía Tây.
Đó
là cuốn sổ ghi lại những bài thơ ông viết gần đây, chỉ cho mình và chỉ để nói
tâm trạng mình. Khoảng dăm chục bài, toàn bộ sáng tác của một đời thơ, có thể
có tài nhưng đã sớm bị thui chột. Không ai biết ông giải bày những nỗi niềm gì
trong tập thơ viết tay ấy, và vì sao ông quyết định chôn nó dưới móng nhà thờ dòng
họ mình, hay gửi xuống cho ông cụ tổ nhà thơ, tiến sĩ đời Hậu Lê.
Về
tới nhà, lúc ấy chắc đã khuya, thay vì đi ngủ sớm như thường lệ, ông lại pha ấm
trà mới, thờ thẫn nhìn về phía luống hoa nơi có nhiều ngôi mộ nhỏ chôn những
người bạn thân thiết của ông.
Con
chó quay lại từ lúc nào. Chỉ lúc này ông mới sực nhớ tới nó, và lấy làm ngạc
nhiên sao nó không theo ông về ngay lúc nãy. Miệng nó ngậm cáí gì đen đen. Ông
nhìn kỹ thì thấy đó là cuốn sổ thơ của mình.
"Mày
chỉ tội rách việc!" ông mắng nó, nhưng giọng không có vẻ giận. Chỉ hơi
buồn. Dưới ánh trăng, mắt ông lấp lánh như đang khóc.
Chiều
hôm sau, thay cho cuốn truyện Giả Bình Ao, ông Cán Bộ Cỡ mang đến tặng bạn mấy lạng chè ngon. Chè Thái chính hiệu
như ông nói.
"Sáng
nay tôi ra chỗ xây nhà thờ họ Trần. Lớn và đẹp đấy. Sao ông không ra xem sao,
góp ý cái này cái nọ. Dẫu sao ông cũng là người có học nhất trong họ".
"Người
ta không mời. - Ông Nhà Thơ thờ ơ đáp
rồi ngồi im. Lúc sau ông lên tiếng nói tiếp. - Thì tháng trước xóm rước Thành
Hoàng người ta cũng có mời ta đâu".
"Ừ,
tệ thật. Cứ như mình là dân ngụ cư không bằng".
Cái
vụ rước Thành Hoàng không được mời ấy quả là một cú sốc, một sự nhục nhã đối
với họ trong con mắt của dân làng. Mời đây nghĩa là mời vào hàng vai vế, vào
ban tổ chức để ăn uống trước và sau lễ, chứ muốn nhập vào đoàn người đi rước
thì chẳng cần mời. Có thể người ta quên, không muốn làm phiền. Cũng có thể đó
là cách tỏ thái độ cho thấy ở đây họ chẳng là quái gì.
Họ
tiếp tục nói chuyện, toàn những chuyện trước đấy nhiều lần họ đã nói, một cách
rời rạc, thậm chí buồn tẻ, nhưng là do thói quen chứ chẳng vì thiếu tình cảm.
"Cái
nhà thờ nhà ông ấy mà, - ông Cán Bộ Cỡ
quay lại chuyện cũ, nhìn bạn đầy ngụ ý. - Tôi thì tôi cứ nghĩ ông nên đóng góp
cái gì đấy. Không vật chất thì bằng trí tuệ. Mà tôi nói thế chứ có thể ông đóng
góp rồi cũng nên..."
Chủ
nhà nhìn ông, vẻ không hiểu, và hơi thoáng giật mình. Chả là đêm qua, xích con
chó ở nhà, ông lại đem cuốn sổ thơ ra đặt vào chỗ cũ.
"Ông
nói thế nghĩa là thế nào? Định ám chỉ gì chắc?"
"Không.
Dẫu sao thì thằng Thế oắt con trưởng họ Trần đối xử với ông như vậy là không
được. Để tôi bảo nó".
"Thôi,
khỏi cần".
"Tùy
ông".
Ông Cán Bộ Cỡ cười, nhìn bạn vừa thương vừa
ái ngại. Sáng nay ông ra chỗ ngôi nhà thờ xây dở đúng lúc một cậu thợ xây lôi
ra từ móng nhà một cuốn sổ nhàu nát với những bài thơ được chép rất cẩn thận.
Ông vội dành lấy xem, suy nghĩ một chốc rồi bảo cậu kia để vào chỗ cũ. Ông kiên
nhẫn đứng chờ xây đè lên trên đúng ba hàng gạch, rồi rút ra tờ năm mươi nghìn
đưa cho cậu kia, bắt phải thề không được để ai biết.
Ngồi
thêm một lúc như thường lệ, uống xong nước hai ấm trà đặc, ông Cán Bộ Cỡ ra về. Cũng như thường lệ, con
chó lại sủa vang và chủ nhà phải đưa khách ra tận cửa.
*
Cả
hai người đã chết. Ông Nhà Thơ năm
kia. Ông Cán Bộ Cỡ sau đó bảy tháng.
Họ chết cái chết tự nhiên của người già, khá nhanh chóng và cũng chẳng mấy đau
đớn.
Mãi
sau này, ở Hà Nội, khi khi lục lại đống giấy tờ ông Cán Bộ Cỡ để lại, vợ ông thấy một bức thư chồng bà đề gửi ông Nhà Thơ. Bì thư đã dán và khá nhàu,
chứng tỏ nó được viết từ lâu, mân mê nhiều lần trên tay, chắc do dự có nên gửi
hay không, và cuối cùng nó đã không được gửi. Vì cả hai người đã chết, bà tò mò
mở ra xem.
Đó
là một bức thư dài, kín đặc hai trang giấy pơ-luya, những dòng chữ thẳng hàng,
đều và nắn nót. Kiểu chữ của người quen viết báo cáo. Một bản sám hối với lời
lẽ chân thành, trong đó nhiều lần ông xin bạn tha lỗi vì chính ông đã nộp cấp
trên bản thảo tập thơ khiến bạn ông phải vào tù. Ông nói ông là công an được
phân công theo dõi đám văn nghệ sĩ lập trường không vững, trong đó có bạn ông.
Ông tận tụy với công việc, thực sự tin vào sự đúng đắn và cao quí của nó. Tuyệt
nhiên không hề có ý muốn hại bất kỳ người nào. Và rằng nếu biết bạn ông sẽ bị
bắt và bị tù thì ông thà bị kỷ luật, bị đuổi ra khỏi ngành còn hơn lấy trộm tập
thơ ấy cho người khác.
Bức
thư này cùng nhiều giấy tờ nữa của người chồng quá cố đã được vợ ông đốt ngay
ngày hôm ấy.
Hà Nội, 22. 7. 2004
No comments:
Post a Comment