Truyện
ngắn. Thái
Bá Tân
Không khí thật điền viên, ấm
áp. Như bà già trong bản sao khổ lớn bức tranh sơn dầu nổi tiếng "La jeune fille au piano" của
danh họa Paul Cézanne treo trên tường, bà lặng lẽ ngồi đan trên chiếc ghế
xa-lông da mềm và sâu. Con mèo mướp lười biếng nằm ngủ dưới ghế, đầu gối lên
đôi chân đi tất len dày của bà. Chốc chốc nó duỗi mình, vươn thẳng tứ chi rồi
lại khoanh tròn ngủ tiếp.
Đầu xuân, nhưng trời còn rét
ngọt. Dù ở nhà, như thường lệ, bà vẫn mặc chiếc áo dài vải the mầu xẫm kiểu cổ
thời trước cách mạng. Bà có khuôn mặt bình thản hình trái xoan, với chiếc mũi
thanh tú, đôi môi nhỏ và dày. Một nốt ruồi to bên cạnh, na ná nốt ruồi nổi
tiếng của ca sĩ nhạc pop Mađôna, càng tôn thêm cho bà cái duyên thầm rất ưa
nhìn. Cặp kính lão mắt tròn (cũng kiểu cổ) treo sệ xuống đầu mũi, và bà thường
nhìn trên kính chứ không qua mắt kính như người khác. Bất chấp những nếp nhăn
sâu trên mặt và mái tóc phi-dê ngắn bạc gần hết, người ta vẫn dễ dàng đoán biết
bà từng một thời là người xinh đẹp và xuất thân từ một gia đình rất nền nếp.
Nếu phải chọn ai đấy là dân
Hà Nội gốc, tiêu biểu cho lớp trí thức cũ vừa lịch sự vừa bảo thủ, thì có lẽ bà
là người thích hợp nhất. Có cảm giác như cuộc sống mới thực dụng và hiện đại
một cách xô bồ bên ngoài không mảy may ảnh hưởng đến con người bà và căn phòng
nhỏ bà đã sống suốt bảy mươi năm qua. Bản thân căn phòng cùng các đồ vật trong
đó cũng cổ kính và trầm lặng như chủ nhân chúng.
Bà là một trong số rất ít các
nghệ sĩ pianô ở lại với cách mạng sau ngày thủ đô giải phóng, là người thầy đầu
tiên bộ môn này ở Nhạc viện Hà Nội. Bà đã dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ trưởng
thành, có người dành được giải thưởng lớn trong các cuộc thi quốc tế. Bà nghỉ
hưu đã mấy năm nay, với danh hiệu "nhà giáo nhân dân" và "nghệ
sĩ ưu tú". Chồng bà là cán bộ cao cấp trong quân đội, một vị tướng chiến
trường, hy sinh trong chiến dịch Khe Sanh. Họ không có con. Bấy lâu nay bà sống
một mình với con mèo, với chiếc đàn pianô hiệu Bekker cũng già nua và quí phái
như bà.
Khách đến nhà bà không nhiều.
Bà thích thế. Mỗi tuần hai lần vào thứ ba và thứ bảy, bà dạy đàn cho đứa cháu
gái mười tuổi của bà em. Nó có khiếu, tiếp thu nhanh. Bà muốn và có thể dạy nó
thành nghệ sĩ pianô có tài. Nhưng nó lại không thích. Cái nó thích là nhai kẹo
cao su - vừa tập đàn vừa nhai - và nhạc xập xình chứ không phải nhạc Mozart hay
Schubert. Không nói ra nhưng bà buồn. Bà buồn cả việc nhiều học trò giỏi của bà
tối tối vào các khách sạn hoặc quán bar chơi đàn cho đám thực khách thô lỗ.
Khách của bà còn là những học trò cũ thỉnh thoảng đến thăm, nhất là vào ngày
mồng Tám tháng Ba và ngày Hai mươi tháng Mười Một. Và cuối cùng là ông già đang
ngồi chơi đàn trước mặt bà lúc này. Một vị khách không mời cũng đến, đều đặn
mỗi tháng một lần đúng ngày rằm. Vì sao lại ngày rằm? Cả ông lẫn bà đều không
biết. Đơn giản vì đến mấy lần vào ngày ấy rồi quen, sau cứ thế tiếp tục mãi đã
hàng chục năm nay.
Ông là thợ (có người gọi nghệ
sĩ) lên dây đàn pianô lâu năm nhất và cũng thuộc loại giỏi nhất ở Hà Nội. Ông đến
để lên dây đàn cho bà, mặc dù gần đây bà ít chơi đàn và do vậy dây đàn ít sai
để phải lên lại. Nhưng ông cứ đến và bà chẳng lấy thế làm khó chịu. Họ là bạn
của nhau từ thời còn trẻ. Chiếc pianô luôn là chiếc cầu nối giữa họ. Thường sau
mỗi lần chỉnh đi chỉnh lại những nốt đàn đã quá chính xác, ông thong thả cất bộ
đồ nghề vào hộp, rồi cũng thong thả như thế, ông trang trọng ngồi xuống trước
đàn, bắt đầu chơi bài "Fur Elise"(Gửi nàng Elise) của Beethoven, một
bản nhạc đượm buồn ai oán mà tương truyền nhạc sĩ thiên tài người Đức này đã
viết gửi một nàng Elise nào đó để bày tỏ mối tình vô vọng của mình. Tiếp đến là
một bản etude chậm của Chopin mà theo
chất nhạc, người ta đặt thêm cho cái tên là "Tristess"
(nhạc buồn). Lần nào cũng chỉ hai bài ấy. Bà chẳng biết vì sao nhưng không bao
giờ hỏi. Xong, ông cẩn thận đậy nắp đàn, lấy giẻ lau sạch bóng lần nữa, ngồi
xuống cạnh bà, uống nước, trao đổi đôi ba câu vu vơ rồi ra về, cúi đầu chào
thật thấp, thậm chí còn ngả mũ nghiêng mình nếu lúc ấy là mùa đông và ông đội
chiếc mũ phớt dạ từ thời Pháp còn lại.
Tuy
nhiên, hôm nay hình như ngoại lệ. Sau hai bài bất di bất dịch kia, ông chơi
thêm một bản nocturne (dạ khúc) của
Chopin, bản số 1, và hiện đang chơi bản sonnate
"Les Adieux" (Vĩnh biệt) số
26 của Beethoven.
Bà hơi ngạc nhiên nhưng vẫn lặng lẽ ngồi nghe, không một lần
ngước mắt khỏi que đan. Ông đàn không hay, không phải ở mức a-ma-tơ nhưng cũng
chưa hẳn chuyên nghiệp. Xuất thân từ một gia đình tư sản sa sút, ngày xưa ông
cùng học pianô một thời gian ở Paris với bà. Bà học giỏi, có tài, tiếp tục tiến
lên, còn ông thì sau nhiều thăng trầm, tự biết không bao giờ có khả năng thành
nghệ sĩ giỏi, cuối cùng tự chọn cho mình cái nghề lên dây đàn pianô, dẫu nó,
trước kia cũng như bây giờ, hiếm ai lao vào và chưa bao giờ mang lại cho ông
nhiều tiền. Đơn giản vì ông không thể sống thiếu cây đàn này. Không trực tiếp
biểu diễn thì ông chăm chút, chuẩn bị nó cho người khác. Và ông lấy thế làm hài
lòng. Bây giờ đến lượt ông đàn, lại một bài khó và dài như "Les Adieux", ông không khỏi lúng túng, ngượng ngập.
Chiếc Bekker già nua, loại Grand piano,
chiếm trọn nửa căn phòng, đang rên rỉ dưới những ngón tay cũng già nua không
kém của ông. Những phím đàn màu trắng ngả vàng ngà như nhảy múa một cách miễn
cưỡng. Tiếng của nó cũng không còn trong trẻo và sắc gọn như xưa.
Theo thói quen nghề nghiệp, thỉnh thoảng bà ngừng tay, gõ
mạnh que đan vào thành ghế rồi nói to như trước bà là cậu học sinh chưa thuộc
bài: "Forte! Forte!" (mạnh
hơn, mạnh hơn nữa) hoặc "Tình cảm vào! Chậm thôi, chậm thôi!" Ông
ngoan ngoãn làm theo, vấp một đôi lần rồi cuối cùng ngừng chơi, quay về phía
người bạn già.
-
Cây đàn của bà già lắm rồi, - ông thở dài.
Đó là một chiếc đàn tốt bố mẹ
mua cho bà từ Pháp. Với tư cách là giảng viên lâu năm, sau này nhiều lần Nhạc Viện
đề nghị cấp đàn mới nhưng bà không nhận mà vẫn giữ nó như kỷ niệm một thời.
-
Còn ông thì không? - bà đáp, nửa châm chọc nửa trách móc như thể chiếc đàn bị
chê một cách oan ức.
-
Tôi cũng già rồi. Cả bà nữa. Cái gì phải đến sẽ đến thôi. - Ông lại thở dài. -
Bà nghỉ dạy đã mấy năm. Bây giờ đến lượt tôi. Hôm nay là lần cuối cùng tôi lên
dây đàn đấy. Tất nhiên cho chiếc đàn của bà. Bà và tôi gắn bó với nó bao nhiêu
năm rồi nhỉ?
-
Gần năm mươi năm. - Bà đáp, ngừng đan, ngạc nhiên hỏi: - Lần cuối cùng? Vì sao
lại lần cuối cùng?
-
Vì tai tôi hỏng rồi. Cũng đúng thôi. Tuổi tác mà. Hình như nó hỏng đã lâu nhưng
vì người ta thương tôi, nể tôi nên không nói đấy thôi. Tháng trước Nhà Hát Lớn
không nhờ tôi lên dây chiếc Steinway
cho một nghệ sĩ Hà Lan biểu diễn, tôi đã lờ mờ đoán có chuyện không ổn. Chỉ hôm
qua tình cờ tôi nghe có người nói bây giờ tai tôi không chính xác nữa, lên sai
dây đàn mà tự mình không biết. Hóa ra mấy lần trước người ta bí mật nhờ cậu Hà
chỉnh lại những chiếc đàn tôi đã lên dây ở Nhà Hát Lớn, Hội nhạc sĩ, phòng thu
Đài phát thanh và phòng hòa nhạc của Nhạc Viện. (Hà là một trong những thợ học
việc của ông, sau được gửi sang Tiệp luyện nghề hai năm, thời gian gần đây đang
thay ông chăm sóc mấy chục chiếc đàn ở Nhạc viện. Tuy nhiên những chiếc đặc
biệt dành cho các buổi biểu diễn quan trọng thì vẫn phải đích thân ông trực
tiếp chuẩn bị). Bà biết đấy, nghề tôi chỉ nhờ vào đôi tai. Nay nó hỏng, coi như
tôi mất nghề. Beethoven điếc vẫn viết nhạc được vì ông nghe thầm trong đầu. Còn
tôi, tôi cần nghe rõ những âm thanh có thật. Không khéo lần trước tôi lên dây
cho chiếc đàn này cũng sai, và như người khác, bà thương tôi nên không nói. Có
đúng thế không?
Bà
im lặng hồi lâu mới khẽ đáp:
-
Không. Tôi thấy nó vẫn chính xác.
Bà
ái ngại nhìn ông già, không đủ can đảm nói lên cái sự thật bà biết không phải
tháng trước mà từ lâu trước đó, rằng đôi tai rất thính nhạy của ông đã bắt đầu
không ổn. Tuy vậy bà vẫn không muốn bất kỳ ai khác chạm vào chiếc đàn yêu quí
của bà. Bà hiểu ông tự hào và yêu nghề mình đến mức nào. Nó là hạnh phúc và
cũng là ý nghĩa cuộc sống đối với ông. Suốt năm mươi năm qua người ta đánh
nhau, cày cấy hoặc đổ mồ hôi trong nhà máy, hầm mỏ, còn ông thì luôn quanh quẩn
bên những chiếc đàn pianô. Ngoài ra ông không biết một nghề nào khác. Xã hội
cũng cần ông như chính ông cần những chiếc đàn pianô để sống, đúng cả nghĩa đen
lẫn nghĩa bóng.
Cũng suốt chừng ấy năm người
ta thấy ông lọm khọm đạp chiếc xe cà tàng tới Nhạc Viện ở Ô chợ Dừa, phòng tập
trường múa ở Mai Dịch và các phòng hòa nhạc, thu thanh khắp nơi trong thành
phố. Nhiều lần ông còn được ô tô, máy bay đưa đón đến một thành phố xa nào đó
chỉ để lên dây một chiếc đàn pianô. Thường sau khi xong việc, ông nán lại để
được tận hưởng thành quả lao động của mình, tự hào và lâng lâng hạnh phúc lắng
nghe các nghệ sĩ biểu diễn, hoặc ngắm nhìn những diễn viên ba-lê nhún nhẩy bước
đi trên đầu ngón chân theo tiếng nhạc chiếc đàn ông đã nâng tới mức hoàn thiện.
Ông thường giật mình cảm thấy như người có tội, dằn vặt mấy ngày liền nếu tình
cờ phát hiện có dây đàn nào đấy lên chưa chuẩn lắm. Công bằng mà nói, người
ngoài nghề it ai hiểu hết giá trị công việc ông làm. Các nghệ sĩ đích thực thì
khác. Họ kính trọng ông, thân mật tôn ông thành Maestro (sư phụ). Sau buổi biểu diễn, nhiều danh cầm thế giới tự
tìm đến bắt tay cảm ơn ông và tặng những món quà nho nhỏ được ông tập hợp thành
bộ sưu tập bày nơi trang trọng nhất trong nhà mình.
Mươi năm gần đây đất nước mở
cửa, kéo theo sự mở cửa của vô số các quán bar và khách sạn đua nhau làm sang
mua pianô đắt tiền, thuê sinh viên Nhạc Viện biểu diễn để câu khách. Những
chiếc đàn ấy cũng cần được định kỳ lên dây và chăm sóc, tất nhiên. Cũng theo
mốt, người ta mời đích thân ông làm việc này nhưng thường ông bảo Hà và những
người như anh ta làm hộ, dù ở đấy tiền công cao hơn. Âu cũng là một sự lẩm cẩm
nữa của người già.
Ông cũng sống một mình. Hơn
thế, suốt đời sống một mình. Vì sao - không ai rõ mà ông cũng chẳng chịu nói
với ai. Nghe đồn ngày xưa ông yêu bà, yêu lắm, nhưng vì bà là người thành đạt,
lại xinh đẹp, con nhà giàu, còn ông thì... nên ông biết phận mình, chưa một lần
dám thổ lộ. Người ta hỏi cả hai có đúng thế không, nhưng lần nào họ cũng chỉ
cười thay cho câu trả lời. Bản thân họ chưa bao giờ đả động đến chuyện đó. Bao
năm nay họ quen đối xử với nhau như những người bạn và dường như cho thế là đủ.
- Bây giờ ông định thế nào?
Không lên dây đàn thì ông làm gì ? - Bà hỏi.
- Tôi cũng chẳng biết nữa. Có
lẽ tôi không thể tiếp tục sống ở Hà Nội. Những chiếc đàn ở đây làm tôi buồn.
Tôi có người bà con ở vùng trung du Phú Thọ, định về sống nốt tuổi già ở đấy,
vui với mảnh vườn, bầy gà. Cũng được đấy nhỉ? Bà thấy thế nào?
- Tôi thấy ông lẩm cẩm. Không
chỉ tai hỏng mà đầu óc cũng không ổn. - Bà cười đáp, không ra nghiêm túc cũng
chẳng phải đùa. - Suốt đời ở thủ đô, nay ông tưởng về sống nông thôn dễ đấy à?
- Rồi bà xem.
- Tùy ông thôi. Nhưng có phải
vì thế mà vừa rồi ông chơi bản "Les
Adieux" không?
- Bà đoán đúng.
- Nhưng ông chơi tồi và bỏ
giở giữa chừng...
- Đúng thế. - Ông buồn bã
đáp. - Tại lâu ngày không đàn, tôi quên. Tại nó khó quá...
- Bao giờ ông đi?
- Tuần tới. Mọi thứ thu xếp
xong rồi. Hôm nay tôi đến chia tay bà.
Hai người cùng ngồi im.
- Tôi muốn hỏi ông điều này.
Tò mò thôi. Vì sao trong bao nhiêu năm ở nhà tôi ông chỉ đàn hai bài, là "Fur Elise" của Beethoven và
"La Tristess" của Chopin?
- Bà chưa bao giờ thử đoán vì
sao à? - ông hỏi lại, giọng nhỏ nhẹ và không ngước nhìn bà.
- Chưa, - bà đáp. - Mà sao
tôi phải đoán. Ai muốn nói gì cứ nói thẳng ra chẳng hay hơn ư?
Họ lại im lặng, lần này còn
lâu hơn. Cuối cùng ông rụt rè lên tiếng:
- Bà có thể đàn tôi nghe một
bài được không? Bài gì cũng được. Chưa bao giờ bà đàn cho tôi, chỉ riêng một
mình tôi...
Bà liếc nhìn ông với cái nhìn
như muốn nói: "Ông có đòi hỏi nhiều quá không đấy?" Nhưng bà không
nói gì, chỉ lặng lẽ đứng dậy, đài các bước về phía chiếc đàn, và cũng đài các
như thế ngồi xuống ghế, như thể trước bà không phải ông bạn già mà cả nghìn
khán giả am hiểu ở Nhà Hát Lớn. Bà đặt hai bàn tay nhăn nheo nhưng thon mảnh
lên mặt phím đàn đã ngả màu vàng vì năm tháng, đầu hơi ngửa về phía sau một
cách kiêu hãnh. Chiếc đàn cổ lại rung lên vì những nốt nhạc mạnh và dứt khoát.
Thật khó tin một phụ nữ nhỏ bé, già nua như bà lại có thể tạo ra được những âm
thanh mạnh mẽ và kỳ diệu đến thế. Bà say sưa đàn, mắt lim dim, dường như quên
hết mọi thứ trên đời. Cả con người và tâm hồn bà đang hòa quyện vào tiếng nhạc
lúc hùng tráng, lúc du dương quyến rũ.
"Bản Prelude và Fuge số 29 của Bach!' - ông
nhận ra ngay từ những nốt nhạc đầu tiên. Đây là tác phẩm phức điệu khó biểu
diễn cả về kỹ thuật lẫn thể hiện tình cảm. Chính vì nó mà ông bị đánh trượt
không tốt nghiệp Nhạc Viện Paris vào một ngày đông giá lạnh ở nước Pháp năm
nào. Những người sành nhạc đều yêu thích bản nhạc này. Ông thì coi nó là đỉnh
cao sáng tác không chỉ của Bach mà cả nền âm nhạc pianô toàn thế giới.
Bà chơi xong phần Prelude hùng tráng, bây giờ đang chuyển
sang phần Fuge trữ tình và theo ông
là phần hay nhất của tác phẩm. Các bè nhạc lúc đan quyện vào nhau, lúc đối đáp
như lời tâm tình không dứt. Những nốt nhạc tinh khiết, thần thánh làm ông lâng
lâng. Tự lúc nào không biết, đôi mắt ông ngấn đầy lệ. Ông giật mình, thầm mừng
bà bận đàn nên không thấy ông khóc.
*
Một tháng sau, đúng ngày rằm,
từ Phú Thọ ông lại về Hà Nội và đến nhà bà.
- Công việc của ông trên ấy
thế nào? - Bà hỏi, hình như không ngạc nhiên trước việc ông quay lại.
- Cũng bình thường. Ổn cả.
Còn bà?
- Tôi thì có gì thay đổi được
nữa. Ông không mang đồ nghề về à?
- Không. Tôi nhớ Hà Nội quá,
nhớ đàn quá. Ghé về chơi một hôm rồi lại lên trên ấy.
- Thế thì tiếc thật.
- Sao vậy? Đàn lại sai dây à?
- Ông hỏi rồi chợt thở dài. - Thật buồn rằng bây giờ tôi chẳng giúp được bà
nữa. Tai tôi hỏng rồi, bà biết đấy. Để tôi bảo cậu Hà...
- Không, tai ông vẫn thính
lắm, - bà ngắt lời. - Vả lại, cây đàn của tôi nó đã quen ông. Nó già yếu lắm
rồi nên cần được chăm sóc thường xuyên. Thiếu ông, dường như nó chẳng còn là
chiếc đàn như trước. Ông cũng chưa bao giờ nghĩ tới điều ấy à?
Ông bối rối không biết đáp
thế nào. Bà bước thêm một bước về phía trước, nhìn thẳng vào mắt ông và nói với
giọng rất nghiêm túc:
- Tôi có một đề nghị thế này,
ông thấy được thì chấp nhận, không thì thôi, tùy ông. Chiếc đàn của tôi hiện
cần phải lên dây hàng ngày. Để đỡ vất vả, nếu muốn, ông có thể ở lại đây, ngay
trong nhà tôi để làm việc đó. Ý ông thế nào?
Ông hiểu, nhưng vì quá bất
ngờ, ông đứng lặng một lúc rồi ấp úng nói:
- Nhưng cả tôi và... chiếc
đàn của bà đã già. Làm thế, e nó thế nào
ấy.
- Ông lại lẩm cẩm rồi. Tai
ông còn tốt, chỉ đầu óc ông có vấn đề mà thôi.
Để ông khỏi lúng túng, bà
ngồi xuống cạnh đàn, vẫn với vẻ đài các nghệ sĩ vốn có của mình.
- Bà vừa đàn bài gì lạ thế,
hình như tôi chưa nghe bao giờ, - ông
hỏi khi bà đàn xong.
- Đó là bản "Le Vieillard et le Piano", khúc
ngẫu hứng tôi viết riêng cho ông đấy. Lần đầu tiên tôi viết nhạc. Nghiệp dư, và
vì hoàn cảnh bắt buộc. "Le
Vieillard" là ông, một ông già lẩm cẩm đáng yêu. Còn "Le Piano" là ai thì tự ông
đoán lấy. "Le Vieillard et le Piano",
một cái tên cũng hay đấy nhỉ?
Hà Nội,
3.1.2001
No comments:
Post a Comment