Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Ông Nguyễn Xuân Đoàn thuộc loại người vô
tư và biết hài lòng với mình, với đời. Mà đời ông thì sống ở nước ngoài nhiều
hơn trong nước. Ông là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, đã qua chức vụ trưởng một
vụ ở bộ, hai nhiệm kỳ đại sứ ở Bắc Âu. Ông mới về hưu đầu năm nay, đúng tuổi
sáu mươi, còn khỏe mạnh và tràn trề hạnh phúc. Sáng chơi ten-nít, chiều uống
bia, tối đọc sách hoặc thậm chí làm thơ. Chắc chắn ông cũng hài lòng với những
bài thơ ông viết.
Một hôm có ông bạn già ở trường ngoại ngữ
đến nhờ ông Đoàn dạy hộ một lớp tiếng Anh nâng cao mà ông mở riêng đã mấy năm
nay, giờ vợ chồng ra nước ngoài sống với con cháu.
“Bỏ thì tiếc, - ông nhà giáo nói. - Mà
tôi thì chỉ có thể tin bác được thôi. Chẳng vất vả gì đâu. Mỗi ngày hai tiếng
từ sáu đến tám giờ tối. Mọi việc cô Mai sẽ lo. Cô ấy tốt và tháo vát lắm. Bác
chỉ dạy”.
Thấy bạn có ý lưỡng lự, ông nói thêm:
“Tôi biết với bác tiền không quan trọng,
mặc dù phải nói rằng thu nhập lớp này cũng khá. Cái chính là bác sẽ được thay
đổi không khí, sẽ cảm thấy hài lòng vì mình còn giúp được ít nhiều cho lớp
trẻ”.
Một tuần sau ông Đoàn lên lớp, chủ yếu vì
cái “thay đổi không khí” và “giúp thế hệ trẻ” ấy.
Lớp là một giảng đường đại học thuê bao
cả năm. Khi đến, ông ngạc nhiên thấy học viên ngồi kín gần hết, dễ đến cả trăm
người. Điều này chứng tỏ bạn ông phải là người rất giỏi và uy tín. Bản thân ông
cũng giỏi, nói và viết tiếng Anh thuộc loại nhất nhì bộ. Cách thức tiến hành
buổi học thì đã được bạn hướng dẫn kỹ. Cả con số một trăm người học kia cũng
chẳng thành vấn đề, vì là lớp dịch không phải giao tiếp với từng người, không
cần nói to vì cô Mai đã bố trí sẵn chiếc máy phóng thanh nhỏ trên bàn. Ông có
thể đi lại thoải mái mà giọng vẫn vang to khắp phòng.
Buổi dạy đầu tiên diễn ra suôn sẻ. Các
buổi sau cũng thế. Dường như người học cũng thích ông. Họ chủ yếu là sinh viên
các năm cuối và cán bộ cơ quan có nhu cầu nâng cao ngoại ngữ. Bằng chứng là sĩ
số không giảm mà còn tăng thêm. Không chú ý mấy đến việc cô Mai chăm chỉ thu
học phí, kiểm tra thẻ, lo chuyện phấn bảng, ông đến lớp đúng giờ rồi hết giờ ra
về, trang nghiêm và đạo mạo đúng kiểu một ông giáo có tuổi và giỏi nghề như ông
cần có. Công việc mới mẻ này làm ông thích, có thể nói còn cuốn hút.
Cuối tháng cô Mai tìm đến nhà ông. Cô
trạc ba lăm, hai con, nhân viên phòng quản trị của trường nơi ông đang dạy.
Người cô đẫy đà, phúc hậu, tính cẩn thận, tháo vát và có vẻ đáng tin cậy như
ông bạn giới thiệu. Cô rút ra tờ giấy chi chít tên người và các con số.
“Dạ, đây là tiền học phí của lớp tháng
vừa rồi, sau khi trừ các khoản”. Cô lễ phép nói. “Mười ba triệu năm trăm mười
nghìn đồng”.
“Nhiều thế cơ à?” Ông Đoàn ngạc nhiên
hỏi.
“Cũng bình thường thôi ạ. Vào các tháng
sau Tết và đầu năm học thường nhiều hơn”.
“Xưa nay vẫn thế?”
“Vâng ạ”.
“Lớp nào, thầy nào cũng thế?”
“Không. Trường này còn ba lớp tiếng Anh
nữa, dạy thực hành, giáo viên trẻ, ít người học nên ít hơn nhiều. Còn các lớp
luyện thi toán lý hóa thì có thể nhiều
hơn”.
Ông Đoàn ngồi im không nói gì.
“Thế cô được bao nhiêu?” Lúc sau ông hỏi.
“Dạ, sáu trăm nghìn như mọi khi. Trong
giấy này em có ghi”. Cô Mai đáp rồi lễ phép chào ông ra về.
“Mười mấy triệu đồng một tháng. Mỗi ngày
hai giờ dạy. Nhiều quá”. Ông Đoàn nghĩ.
“Hóa ra bao năm nay cái ông Năm nhà giáo này kiếm cũng khá.”
Đúng là ông không quan tâm đến khía cạnh
kinh tế của việc dạy học. Dạy cho vui như ông vẫn nghĩ. Nhà ông khá giả, có thể
nói giàu. Chỉ còn hai ông bà già sống với nhau, lương hưu cao. Hai đứa con đã
trưởng thành, cũng giàu. Anh con cả hiện đang làm cho một liên doanh ở Sài Gòn,
mấy năm trước còn biết đem tiền tiết kiệm của ông mua mảnh đất, vừa rồi sốt
đất, đem bán lãi hơn một tỉ. Số tiền này ông bà đang gửi tiết kiệm, riêng lãi
cũng thừa sống, nên khoản tiền mười mấy triệu một tháng kia càng trở nên nhiều,
thậm chí quá nhiều. Ông là người như vậy, luôn suy nghĩ như vậy, chân thành và
trong sáng.
Hôm sau học xong, ông bảo cô Mai ở lại,
đề nghị cho ông biết rõ tình hình học sinh, học phí. Nghe xong, ông nói:
“Cô xem có thể giảm học phí cho mọi người
được không?”
Cô Mai ngơ ngác, đờ mặt nhìn ông hồi lâu:
“Dạ, em không thật hiểu...”
“Tôi nói giảm học phí. Tức là có thể hạ
học phí từ mức mỗi người một tháng một trăm nghìn đồng xuống năm mươi hay bảy
mươi nghìn chẳng hạn. Cô biết rõ nên giảm bao nhiêu. Thực sự tôi không cần
nhiều như vậy. Tôi chắc trong số người học ở đây nhiều người cũng khó khăn, đặc
biệt các em từ nông thôn. Cô hiểu rồi chứ?”
“Dạ hiểu”, cô Mai ấp úng. “Nhưng em thấy
không thể làm thế được ạ”.
“Vì sao?”
“Vì... không thể được. Xưa nay người ta
chỉ tăng chứ không giảm học phí...”
“Nhưng đây là lớp tư. Của tôi. Và tôi
muốn giảm!” Ông Đoàn hơi cao giọng. Là nhà ngoại giao, ít khi ông cao giọng.
“Nhưng làm thế sẽ ảnh hưởng đến các lớp
tiếng Anh khác. Có thể cả những lớp không phải tiếng Anh. Mọi người sẽ không
hiểu, sẽ bàn tán, dị nghị, sẽ cho rằng thầy...”
“Tôi không cần biết người ta nghĩ gì về
tôi. Đây là việc riêng, và tôi quyết định từ nay cô chỉ thu năm mươi nghìn đồng
một tháng! Không bàn nữa. Cứ thế mà làm!”
Ông Đoàn thậm chí giật mạnh chiếc cặp
trên bàn rồi bước ra khỏi phòng.
Tội nghiệp cô Mai. Cô bị sốc thật sự. Đêm
ấy cô trằn trọc mãi không sao ngủ được. Đã mười năm nay cô làm thêm nghệ quản
lý các lớp dạy thêm, học thêm này, cho nhiều thầy, nhiều cô, nhưng chưa bao giờ
cô gặp trường hợp nào tương tự. Ngoài đức tính quí báu là mẫn cán và trung
thực, cô còn là người dễ xúc động và hay lo. Cô hình dung chuyện gì sẽ xẩy ra
khi cô thông báo cái quyết định kỳ cục ấy. Người ta sẽ bảo lớp cô “phá giá” để
chơi xỏ nhau, bảo ông thầy này điên, định tỏ ra này nọ. Người học chắc chắn sẽ
lấy làm ngạc nhiên, đoán non đoán già không biết vì sao lớp bỗng dưng giảm học
phí. Mà nào có ai kêu đâu. Lớp dạy chất lượng, so với nhiều nơi khác là còn rẻ,
lại được bảo lưu, học bù thoải mái. Rồi họ sẽ quay sang nghi ngờ cả những
chuyện kỳ cục nhất, như phải chăng ở đây đang có điều gì khuất tất? Hay thầy
trót phạm tội lỗi nào đó nay lương tâm cắn dứt? Được giảm tiền cũng thích, tất
nhiên, nhưng ý nghĩ học với một người tội lỗi thì chẳng thích thú gì. Rất có
thể vì thế mà nhiều người sẽ bỏ học. Nhất định phải có chuyện gì đó. Nếu không
ai bỗng dưng từ chối tiền, nhất là những đồng tiền chính đáng? Ừ, mà sao ông ấy
làm thế nhỉ? Không thể nói vì giàu. Xưa nay càng giàu người ta càng muốn có
thêm tiền để giàu hơn. Vậy thì vì cái gì? Cô Mai chịu không sao hiểu nổi. Hay
thật sự có điều gì khuất tất? Hay biết đâu ông ta nói thế là nhắc khéo mình
tăng chứ không phải giảm học phí?
Với những băn khoăn như thế, cô quyết
định tạm thời cứ chờ một thời gian xem sao. Biết đâu đây chỉ là ý nghĩ bốc đồng
thoáng qua và chẳng bao lâu nữa ông ấy sẽ thay đổi.
Những ngày tiếp theo ông Đoàn không đả
động gì đến chuyện này, vẫn đều đều lên lớp, trang nghiêm và đạo mạo như trước,
không mảy may chú ý tới cô Mai và những việc cô làm trong lớp.
Cuối tháng, cô lại đến gặp ông.
“Hóa ra cô không làm như tôi yêu cầu?”
ông Đoàn hỏi khi cô đưa cho ông gói tiền với tờ giấy đủ các khoản diễn giải và
con số gần mười lăm triệu đồng.
“Dạ vâng. Em xin lỗi”, cô ấp úng. “Em
nghĩ có thể vì mới đến thầy chưa biết. Việc này không đơn giản như thầy nghĩ.
Vả lại...”
“Thôi được rồi’, ông Đoàn ngắt lời không
chút ngoại giao. “Nếu thế thì cứ mặc tôi.”
Đêm hôm ấy cô Mai lại mất ngủ. Cô thấy
tiếc những năm làm việc đều đều không sự cố với thầy Năm, và cô lo lắng nghĩ tới
việc ngày mai ông Đoàn sẽ nói “điều ấy” với cả lớp, một việc đáng lẽ cô làm nhưng
ông không để cô làm. Tức là mọi người sẽ nghĩ có sự không ổn giữa ông và cô.
Nhưng cô ngạc nhiên khi hôm sau và mấy
ngày tiếp điều cô lo vẫn không xẩy ra. Cô không biết rằng ông Đoàn đã đích thân
ra phòng thuế quận xin nộp thuế thu nhập cá nhân. Ý tưởng mới mẻ và độc đáo này
đến với ông khá bất ngờ, khi buổi sáng đi chơi ten-nít về, ông ngẫu nhiên nhìn
thấy câu khẩu hiệu viết bằng sơn đỏ đã phai màu trên một bức tường vôi tróc
loang lỗ: “Nộp thuế là nghĩa vụ và quyền
lợi của công dân” Đúng! Mình là công dân, công dân gương mẫu, có thu nhập
cao, tại sao không tự nguyện khai báo nộp thuế?
Ở phòng thuế, anh nhân viên trẻ sau khi
nghe khách trình bày ý định của mình, thấy có sự lạ, bèn lễ phép mời ông sang
phòng bên “gặp lãnh đạo”. “Lãnh đạo” là một ông già gầy đét đã ngồi ghế trưởng
phòng hơn hai mươi năm nay, có tên là Chẩm, vừa nghe vừa chăm chú nhìn ông bằng
đôi mắt nhà nghề đầy cảnh giác của một cán bộ ngành thuế dày dạn kính nghiệm.
Ông Chẩm hoan nghênh ý thức công dân cao
của ông, mời ông uống nước, rồi thong thả nói:
“Vậy là bác đã về hưu, và chỉ dạy thêm
tiếng Anh ‘cho vui’ như bác nói?”
“Vâng, đúng thế”.
“Và đây là lớp dạy tư chứ không phải
trung tâm ngoại ngữ hành nghề có giấy phép và đăng ký với nhà chức trách?”
“Vâng”.
Ông Chẩm trầm ngâm suy nghĩ một chốc rồi
thở dài:
“Rất tiếc tạm thời chưa có luật nào qui
định những người như bác phải nộp thuế thu nhập từ các nguồn tương tự”.
“Nghĩa là cả khi muốn, tôi cũng không được
nộp?”
“Cái này để tôi hỏi ý kiến lãnh đạo. Xin
bác cho địa chỉ, sẽ có người đến báo bác sau”.
Khi khách ra khỏi phòng, ông Chẩm thấy
như hẫng hụt điều gì, thậm chí có cảm giác bị xúc phạm. Xưa nay người ta chỉ
đến gặp ông để kỳ kèo xin miễn giảm, hoặc tìm cách gian lận, thế mà bây giờ
bỗng xuất hiện cái ông kỳ cục này.
“Theo tớ đây là trường hợp đáng ngờ,” ông
quay sang bảo anh nhân viên nọ. “Nhất định phải có cái gì đấy mờ ám. Cậu nghĩ
thế nào?”
“Em cũng nghĩ đúng như thủ trưởng ạ.” Anh
kia hồ hởi đáp. “Có thể ông ta muốn tỏ ra mình lương thiện ở một việc nhỏ để
che dấu một hành vi bất chính khác lớn hơn, như kiểu bọn tội phạm tự nguyện đầu
thú tội ăn cắp vặt để trốn tội giết người ấy mà”.
“Vậy thì giao cho cậu điều tra vụ này.
Phải làm thật khéo và thật kỹ. Đừng quên tìm hiểu cả bệnh án của ông ta. Biết
đâu lại chẳng một lão già tâm thần làm mất thời gian cơ quan nhà nước.”
Một tuần sau ông Đoàn gọi điện thoại đến
phòng thuế. Đích thân ông Chẩm trưởng phòng nhấc máy.
“Thú thật với bác là chúng tôi vẫn chưa
tìm được mục nào trong các luật thuế hiện hành để có thể áp dụng cho bác nộp
thuế”, ông nói, thân mật hơn một chút so với giọng điệu vẫn dùng hàng ngày.
“Cái khó của trường hợp bác là ở chỗ bác đã nghỉ hưu, chỉ dạy tư tiếng Anh, thứ
ngôn ngữ đang được khuyến khích, lại chỉ một lớp và chẳng thuê mướn ai. Nếu bác
là một trung tâm đăng ký hẳn hoi thì lại là chuyện khác. Ừ mà sao bác không
thành lập một trung tâm như thế để hợp pháp hóa việc nộp thuế nhỉ?.. Vâng...
vâng... Bác nói đúng. Tôi biết bác chỉ dạy cho vui chứ không nhằm mục đích kinh
doanh. Thế mới khó cho chúng tôi. Dẫu sao thì người tự giác như bác hiện giờ có
thể nói không nhiều. Vâng... Nhất định thế nào chúng tôi cũng tìm được cách
giúp bác thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi công dân của mình. Xin bác yên tâm chờ
thêm một thời gian nữa. Không lâu đâu. Chào bác”.
“Không lâu đâu” là ý ông Chẩm muốn nói
tới kết quả điều tra của anh nhân viên trẻ. Suốt cả tuần vừa rồi ông chẳng hề
“báo cáo lãnh đạo”, cũng chẳng xem lại luật thuế như ông nói. Cú điện thoại vừa
rồi càng khẳng định thêm ý kiến của ông, rằng người này nhất định phải có vấn
đề. Nếu không đã chẳng hăng hái xin đóng thuế như vậy. Gần trọn đời trong nghề,
ông tin chắc điều ấy. Nhưng vấn đề gì? Cậu nhân viên vẫn chưa tìm ra. Có lẽ
phải nhờ đến công an. Ừ, phải báo công an biết và yêu cầu họ điều tra giúp. Ông
Chẩm nghĩ, thầm hài lòng với chính mình.
Trong khi đó, ông Đoàn, với bản tính hồn
nhiên trong sáng và lạc quan vốn có, vẫn tiếp tục cách sống ông yêu thích -
sáng ten-nit, chiều uống bia, tối đi dạy rồi về đọc sách báo, thỉnh thoảng làm
thơ. Thực ra ông chẳng cay cú lắm với cái việc tự nguyện làm giảm tiền của mình
mà không thành. Đơn giản ông thấy “dạy chơi” mà được chừng ấy là quá nhiều, nên
đề nghị hạ học phí hoặc xin đóng thuế. Dẫu vậy ông cũng chút ít ngạc nhiên khi
người ta không cho ông làm cái việc tốt đẹp đó.
Tháng sau, vẫn không thấy động tĩnh gì,
một hôm sau buổi học, ông tuyên bố trước cả lớp từ nay sẽ giảm một nửa học phí.
Cho tất cả mọi người. Rồi ông thong thả xách cặp bước ra khỏi phòng, để cô Mai
ở lại một mình giải thích thêm với đám học viên đang ngạc nhiên bàn tán.
Mấy ngày tiếp theo mọi người nhìn ông với
con mắt tò mò, nghi kỵ, nhưng biết tính thầy nghiêm, không thích nói chuyện lạc
đề nên không ai dám hỏi. Còn cô Mai thì vốn rụt rè ít nói, bây giờ hầu như
chẳng bao giờ mở miệng. Không chủ ý, ông Đoàn vẫn nghe lõm bõm nhiều câu bình
luận sau lưng. Rồi ông nhận được mấy lá thư nặc danh với những lời lẽ khiếm nhã
đầy bóng gió. Kệ. Ông không quan tâm. Ông vẫn sống theo cách xưa nay từng sống.
Ông hài lòng với ý nghĩ đã phần nào giúp được ai đó vấn đề tài chính mà ông
chắc họ đang gặp khó khăn. Thậm chí ông ăn thấy ngon miệng hơn.
*
Mấy
lời nói thêm.
Tháng tiếp theo số người học không tăng
như ông Đoàn tưởng mà còn giảm. Giảm rõ rệt. Cô Mai khốn khổ thực sự vì bị mấy
ông phòng thuế và công an căn vặn về ông thầy “lập dị”. Người học cũng chất vấn
cô không ít, đến mức cuối cùng cô xin thôi lớp ông, sang làm giáo vụ cho một
trung tâm ngoại ngữ ở trường bên, dù lương ít hơn.
Thất vọng vì không phát hiện thấy điều gì
mờ ám liên quan đến nhân thân ông Đoàn, cuối cùng nhà chức trách đi đến kết
luận rằng việc mở lớp dạy tư thuê phòng của trường là vi phạm qui định quản lý
giáo dục và đào tạo, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của khu vực. Vậy là lớp
dịch tiếng Anh của thầy Đoàn bị đóng cửa. Cùng vạ lây theo nó là ba lớp tiếng
Anh thực hành và mười lớp luyện thi đại học. Tất nhiên không ai trong số các
nạn nhân cảm ơn ông điều này.
Còn ông thì sao? Ông vẫn thế, như xưa. Vẫn
hàng ngày làm những việc ông ưa thích - thể thao, bia, sách báo và làm thơ. Bây
giờ ông có thời gian nên làm nhiều hơn. Tuy nhiên, công bằng mà nói, sự trong
sáng của ông dường như cũng bị gợn đục chút ít. Bằng chứng là một lần uống bia
với nhau, giữa chừng ông trầm ngâm bảo tôi, cũng một người về hưu kiếm thêm
bằng nghề dạy học, rằng nếu không có lý do thúc bách thì dẫu sao cũng không nên
giảm tiền học phí hoặc tự nguyện xin nộp thuế. Tiếc là tâm lý xã hội tạm thời
chưa chấp nhận một điều xa xỉ như vậy.
Hà Nội, 7 tháng 2, 2003
No comments:
Post a Comment