Thursday, March 5, 2015

CÔ ĐƠN



Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Ông ngồi trên ghế đá, chìa một tay để ngừa về phía trước.
- Cúc, cù cu. Nào, lại đây ta cho ăn! Lại gần nữa, đừng sợ! Nào! Thật rõ ngốc!
Trước mặt ông là mấy con chim bồ câu, một con màu trắng, số còn lại màu xám, cổ lốm đốm các chấm đen. Chúng mở những cặp mắt to tròn nhìn ông, đầu luôn nghiêng ngó bên này bên kia, chốc chốc lại kêu lên "gù gù", nghe như được phát ra từ sâu trong ngực. Chúng đứng từ xa chờ ông ném những vụn bánh mì khô đang giữ trên tay, nhưng ông lại muốn chúng đến gần, gần hơn nữa. Ông muốn chúng đậu và ăn từ lòng tay ông. Lúc này chúng đang cách ông một mét.
Một tuần trước đây, khoảng cách là ba bốn mét. Những mét đầu tiên được rút ngắn dễ dàng, nhưng đến cái mét cuối cùng này thì khác hẳn. Bầy chim đã quen ông, đến mức mỗi sáng khi ông xuất hiện, không hiểu từ đâu chúng kéo nhau bay đến đậu rất nhiều trước mặt. Ông ném thức ăn cho chúng, hôm là những vụn bánh, có hôm cơm thừa phơi khô hay thóc gạo. Chúng mổ ăn ngon lành, có lúc mổ nhầm cả những viên sỏi nhỏ. Chao, ông thèm được vuốt ve những con vật bé nhỏ đáng yêu này biết bao, thèm được chúng tự nguyện đặt đôi chân mảnh mai lên tay ông, để ông khoan khoái tận hưởng cái cảm giác nhuồn nhuột dễ chịu khi chúng mổ mổ vào lòng tay. Rồi vừa lẩm bẩm mắng yêu chúng tội tham ăn và khó bảo, ông vừa chìa tay về phía trước, nhưng những con chim bướng bỉnh vẫn không chịu rút ngắn cái khoảng cách một mét tai hại kia. Ngay cả con trắng dạn nhất cũng vậy. Ông tiến lên bao nhiêu, chúng lùi xa bấy nhiêu. Để chúng khỏi thất vọng bay đi, chốc chốc ông phải tung một ít thức ăn. Ông biết chúng còn ngần ngại, không tin vào lòng tốt của ông.
- Thật rõ ngốc! Có ai làm gì chúng mày đâu mà sợ, - ông mắng bầy chim, rồi lại dỗ: - Nào, lại đây! Lại đây ta cho ăn nào!...
Cứ thế, hết giờ này đến giờ khác, ông già ngồi trên ghế đá với bàn tay để ngửa chìa ra phía trước như người xin bố thí, trong khi thực ra ông đang cho, cho mà không được nhận.
Vào giờ này công viên vắng người. Mặt trời đã vượt lên khỏi khu nhà năm tầng phố bên. Đang tiết thu, nắng vàng dễ chịu. Một đôi trai gái dắt tay nhau đi ngang. Họ cười khá to, làm đàn chim hoảng sợ bay lên. Sau đó một số quay lại, số khác bay đi hẳn, chắc vì đã no hay vì chán trò chơi ú tim kia.
Bỗng một hồi trống vang to, báo hiệu hết giờ của trường tiểu học gần đó. Ông tung nốt những vụn bánh còn lại cho bầy chim rồi thong thả đứng dậy, đội chiếc mũ phớt cũ lên mái đầu bạc, sửa sửa chiếc cà vạt trên cổ và chống gậy đi ra phía cổng. Ở đó ông sẽ gặp một cô bé lớp một kháu khỉnh mà đã tuần nay hàng ngày ông có nhiệm vụ đưa đến trường và chờ học xong lại đưa về nhà.
- Ông vẫn chờ cháu từ sáng tới giờ ở Công viên đấy à? - Cô bé hỏi khi hai người bước sang phố đối diện.
          - Ừ, - ông lơ đãng đáp, tai lắng nghe những tiếng động đều đều quen thuộc của phố phường. Sáng hôm nay trời thật đẹp. Không khí trong lành và thoang thoảng mùi hoa sữa. Xuyên qua những tán cây rậm rạp, mặt trời để rơi trên hè phố những đốm tròn màu vàng chồng chéo lên nhau. Ông thong thả bước đi, thích thú gõ mạnh đầu gậy xuống đường, cố tình dẫm lên những chiếc lá khô để được nghe tiếng lạo xạo dưới đế giày.
- Ông làm gì ở công viên?
- Ông chơi.
- Ông chơi? Chơi một mình?
- Ừ, ông ngồi chơi một mình. Cháu ngạc nhiên à?
Cô bé im lặng một lúc như suy nghĩ điều gì:
- Cháu không thích chơi một mình, cháu cũng không thích ông chơi một mình.
Một chiếc xe rửa đường đi tới. Khách từ giữa lòng phố vội né lên hè. Nhiều người lầu bầu bực mình hoặc mỉm cười vui thích vì bị nước té. Chiếc xe đi qua, để lại mặt đường ướt sẫm với làn không khí run run những chấm li ti xanh đỏ cùng mùi hăng hăng dễ chịu như mùi một loài hoa nào đấy ta quên mất tên.
- Ông ơi, - cô bé lại lên tiếng, - ông biết điều này chưa?
- Biết gì cơ?
- Biết bà cháu nhận được điện báo tối nay bố mẹ cháu về.
- Thế à? - ông hỏi lại. Lúc này ông mới thực sự chú ý tới lời cô bé. Ông định hỏi thêm điều gì nhưng không hiểu sao lại lặng lẽ đi tiếp.
Nghĩa là từ ngày mai mình chẳng còn được đưa nó tới trường nữa, ông thầm nghĩ, bỗng thấy buồn buồn.
Đứa bé này không phải cháu ông, mà con một đôi vợ chồng diễn viên điện ảnh đang bận quay phim ở vịnh Hạ Long một tuần. Trong khoảng thời gian đó đứa bé được gửi đến ở với bà nội, và vì bà nội nó đi lại khó khăn nên ông, với tư cách bạn cũ của gia đình, được nhờ hàng ngày đưa nó đi học.
Nhà ông cách đấy hai dãy phố. Ông sống một mình. Ông sống một mình từ xưa đến nay, chưa từng lấy vợ lần nào và tất nhiên chưa bao giờ có con cháu. Ông đã bẩy mươi tuổi. Về hưu đến cuối năm nay là tròn mười năm. Ông là nghệ sĩ vi-ô-lông nổi tiếng mà trong giới âm nhạc không ai không biết.
Tốt nghiệp xuất sắc nhạc viện Pari, ông vừa về nước thì cách mạng bùng nổ. Ông lên Việt Bắc tham gia kháng chiến bằng chiếc đàn của mình, chiếc đàn ông vẫn tự hào khoe với bạn bè là do chính tay Stradivarius làm nên. Hòa bình, ông làm việc ở Đoàn ca múa Trung ương, sau chuyển sang Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, từ ngày thành lập cho đến lúc về hưu. Ông có tài, lại được đào tạo cơ bản nên bao giờ cũng được giao chơi bè vi-ô-lông một. Trong suốt những năm ở dàn nhạc, ông luôn dẫn đầu bè, luôn ngồi cạnh nhạc trưởng và mỗi lần biểu diễn xong, nhạc trưởng lại bước xuống khỏi bục chỉ huy đến bắt tay ông, có khi còn tặng hoa, nếu khán giả tặng nhiều hoa cho nhạc trưởng. Những lúc ông cúi chào khán giả với một tay cầm chiếc đàn viôlông bóng loáng, tay kia bó hoa, mặc áo đuôi tôm màu đen bó sát người với chiếc nơ con bướm trên cổ, ông thấy mình thật hạnh phúc, thật đẹp, đẹp và cao thượng như thế giới âm thanh kỳ diệu mà ông vừa góp phần tạo ra.
Người ông dong dỏng, khuôn mặt thanh tú với chiếc mũi thẳng và bộ ria mép à la Fuhrer trứ danh. Thời trẻ ông nổi tiếng đẹp trai, lịch sự và hiểu biết rộng, xuất thân từ gia đình giàu có, nên không nói cũng dễ đoán ông được phụ nữ hâm mộ thế nào. Vì trong dàn nhạc ông chơi bè vi-ô-lông một (premiere violon) người ta gọi ông là Maestro Premiere, nghĩa là Ông Nhất, nhất trong mọi lĩnh vực, cả âm nhạc lẫn ngoài đời...
Tóm lại, có thời ông từng là người hạnh phúc với cuộc sống thành đạt, đầy đủ và vô tư. Lúc này, hay chính xác hơn, thời gian gần đây, ông hay nghĩ về cái thời đẹp đẽ ấy. Ông buồn rầu nghĩ rằng đáng ra ông không phải cô đơn như bây giờ, rằng ông đã có thể có được những đứa cháu xinh đẹp như cô bé đang đi bên cạnh. Ông có đủ điều kiện cần thiết để được hưởng một cuộc sống gia đình hạnh phúc như người khác. Thế mà tiếc thay, lúc ấy, vì mải chạy theo sự nghiệp, vì ngại vất vả và nói chung vì ích kỷ, ông đã lần lữa, trốn tránh không muốn bước vào cuộc sống ấy. Nhiều cô gái xinh đẹp đã đến với ông, yêu ông và ông cũng yêu họ, yêu một cách chân thành, nhưng không bao giờ cho phép những mối tình ấy phát triển đến mức hôn nhân, là điều ông rất sợ, đặc biệt sợ có con.
Ông nhớ hồi còn là sinh viên ở Pari, ông yêu một cô gái Pháp nhỏ nhắn tóc vàng thật dễ thương học cùng lớp. Đó là một mối tình đẹp và trong trắng. Cô gái kia cũng yêu ông và nếu được gia đình cho phép, có lẽ ông đã ở lại nước Pháp để cưới cô ta làm vợ. Rồi một hôm cái cô gái người Pháp xinh đẹp ấy sung sướng báo ông một tin quan trọng là cô đang có thai. Thế mà ông thì lo quýnh lên, tìm đủ cách thuyết phục và dọa dẫm bắt phải phá thai bằng được. Cuối cùng cô ta làm theo ý ông, nhưng từ đó tỏ ra khinh bỉ và không còn yêu ông nữa.
Tốt, thông minh, nhưng ông là người thiếu nghị lực, ít ra trong cuộc sống đời thường. Ông sống dễ dãi, có thể nói hơi chút ít buông thả. Ông đến với phụ nữ nhanh chóng rồi xa họ - hay họ xa ông - cũng nhanh chóng như thế.  Và khi họ nói có thai, lại vẫn những lời van xin, dọa dẫm ấy, vẫn nỗi sợ cuống quít và những lo lắng chạy chọt ấy. Ở Việt Nam việc này tế nhị, phức tạp hơn nhiều. Không ít khi ông dở sống dở chế, suýt để chuyện vỡ lở. May rồi mọi chuyện cũng trôi qua êm thấm. Ông ép được nhiều phụ nữ không cho những đứa con tương lai của ông ra đời. Có thể đó là những đứa bé rất đẹp, rất thông minh. Có thể lớn lên chúng là những đứa con hiếu thảo nuôi dưỡng ông lúc già yếu, hoặc biết đâu có thể chúng sẽ trở thành các bậc thiên tài mang vẻ vang lại cho ông và cho đất nước... Thế mà ông, ông đã không cho chúng xuất hiện trên đời. Ông đã giết chúng! Vâng, giết từ khi còn trong bụng mẹ... Chúng, những đứa con, một phần máu thịt chính bản thân ông.
Ông rùng mình trước ý nghĩ đó. Trước kia ông cũng mặc cảm và ít nhiều bị lương tâm cắn rứt, nhưng nói chung ông xem việc này là bình thường. Thậm chí trên khía cạnh nào đó còn "mang tính nhân đạo". Bây giờ, già và cô đơn, dần dần ông nhìn nhận sự việc theo góc độ khác. Càng ngày ông càng hay nghĩ đến chúng, cũng như hay nghĩ tới Trời, Phật,...
- Thế là mai cháu không đi học với ông nữa à?... - ông hỏi.
- Không ạ, mai mẹ cháu dẫn đi. Mai thứ ba, thứ lẻ, còn các thứ chẵn bố cháu dẫn, - cô bé đáp.
- Cháu thích ông hay bố mẹ dẫn đi học?
Đứa bé không trả lời ngay. Nó ngước lên nhìn, dò xem ông hỏi thế có hàm ý gì, rồi với cái cách láu lỉnh của trẻ con, nó đáp:
- Cháu thích cả ông, cả bố mẹ cháu.
Ông thừa biết nó nói thế để khỏi làm ông mất lòng, chứ thâm tâm nó thích đi học với bố mẹ hơn. Bất giác ông thở dài, chống gậy đi tiếp. Như để xua đi những ý nghĩa nặng nề, ông thầm hát giai điệu quen thuộc trong một bản giao hưởng của Mozart mà ông đã nhiều lần biểu diễn.
Từ trường về nhà chỉ bốn năm dãy phố, nhưng để kéo dài buổi đưa tiễn cuối cùng này, ông cố tình dẫn đứa bé vòng vèo hồi lâu. Để bù lại việc phải đi xa như thế, ông mua cho nó một lúc hai que kem sô-cô-la và một chiếc bóng bay hình con voi, có đủ cả vòi và bốn chân, duy chiếc đuôi thì phải dán bằng giấy nhựa màu đỏ.
Cuối cùng hai ông cháu cũng về tới nhà. Từ cổng, nhìn cô bé chạy lon ton lên bậc thang với chiếc cặp da màu vàng trên lưng, đôi nơ xanh to trên mái tóc và chiếc áo blu-dông rất diện màu đỏ, sặc sỡ và nhí nhảnh như con bướm. Ông đứng nhìn theo, thừ người hồi lâu. Ông có cảm giác như vừa để tuột khỏi tay một cái gì đó đẹp đẽ, ấm áp, một hạnh phúc bé nhỏ mà tuần qua ngẫu nhiên ông được giao giữ tạm nay đến hạn trả lại.
Một tuần, hai tuần rồi cả tháng sau đó, hàng ngày ông vẫn đều đặn ra ngồi trên ghế đá công viên - để sưởi nắng, suy nghĩ và để cho chim bồ câu ăn.
Căn phòng ông đang sống quá rộng, thiếu ánh sáng và vào mùa này thường ẩm lạnh. Ông không muốn ở nhà còn vì một lẽ là ngồi trong phòng không hiểu sao ông thấy khó thở, như thiếu không khí vậy. Một nỗi sợ vô hình nào đó cứ bám lấy ông, khiến ông nhiều khi phải co rúm người lại, hoặc vội nằm xuống gường trùm chăn kín đầu. Những lúc ấy ông thấy mình thật cô đơn, bất hạnh. Cả chiếc đàn vi-ô-lông, người bạn trung thành và là nguồn an ủi của ông mấy chục năm liền, bây giờ cũng chẳng giúp được gì. Lâu nay nó vẫn lặng lẽ treo trên tường. Lặng lẽ như chủ nó.
Thời gian gần đây sức khỏe ông suy sụp một cách nhanh chóng. Ngoài các thứ bệnh của tuổi già, ông mắc thêm chứng nhồi máu cơ tim. Có ông bạn bác sĩ một hôm khám xong, vỗ vai ông, đùa nói: "Cái cơ này thì nên viết sẵn di chúc trước, chứ không biết nó đến lúc nào đâu, ông ạ". Nó tức là cái chết đột ngột mà ông bác sĩ muốn ám chỉ.
Ra ngoài trời, ông thấy dễ chịu hơn, vì dù sao cũng được tiếp xúc với mọi người, tuy chỉ toàn những người xa lạ. Có không ít bạn bè quen thân, nhưng ông chỉ tìm gặp họ vào lúc thật cần thiết. Với mặc cảm của người già, ông sợ sự có mặt của ông sẽ làm phiền họ, hay sợ phải nghe những lời thông cảm hoặc khích lệ vì thương hại. Thành ra mỗi buổi sáng, cứ tám giờ là ông đã ngồi ở ghế đá công viên, nơi ông nghĩ phù hợp với ông hơn cả. Ở đấy có nắng, có cây xanh, có hoa, đông người mà không ai biết ông và ông có thể ngồi bao lâu tùy thích.
Thường mười một giờ rưỡi, khi từ trường học bên cạnh vọng lại tiếng trống báo hết giờ, ông đứng dậy ra khỏi công viên, đến ăn trưa ở quán cơm bình dân quen thuộc. Ông tiếc không còn được đưa cô bé về nhà như trước. Bây giờ bố mẹ nó thay phiên nhau làm việc ấy. Nhiều hôm ông chờ sẵn họ đâu đấy rồi như thể vô tình gặp nhau, ông cùng đi với họ một quãng. Đứa bé, vẫn đỏm dáng và sặc sỡ như con búp bê, một bên nắm tay ông, bên kia là mẹ hoặc bố. Những lúc ấy ông thấy lòng mình tự nhiên ấm lại. Ông lại có cái cảm giác được mượn tạm hạnh phúc ai đó trong chốc lát. Ông cố tình bước chậm, ưỡn thẳng chiếc lưng từ lâu muốn cong gập xuống đất và không phải không tự hào đưa mắt nhìn khắp phố. Ông muốn mọi người thấy ông đúng lúc này, với hai con người trẻ đẹp đang âu yếm đi bên cạnh. Ông muốn mọi người nghĩ họ là con ông, và đứa bé kháu khỉnh kia là cháu ông. Nội hay ngoại không quan trọng.
Tuy nhiên, những cuộc gặp "tình cờ" như thế không thể kéo dài vô tận nên thường sau bữa trưa, nếu ngủ được, ông chợp mắt một chốc, còn không thì lang thang hết phố này đến phố nọ. Để giết thời gian, ông đứng hàng giờ liền trước bảng báo công cộng, đọc không sót mục nào các tờ báo lớn trung ương và Hà Nội.
Nhiều hôm không hiểu sao ông đóng bộ nghiêm chỉnh, thay cà vạt, đánh bóng đôi giày da mũi nhọn rồi xách đàn ra đi, trịnh trọng và hồ hởi như sắp biểu diễn một chương trình quan trọng. Ai hỏi đi đâu, ông ngượng nghịu nói đến nhà một người bạn để ghép bè pi-a-nô. Ông đi ngang Nhà hát lớn, nơi ông ngày xưa thường đến với tư cách Maestro Premiere, đi hai lần. Lần sau, dừng lại trước bảng quảng cáo chương trình, thấy tên một vở cải lương rẻ tiền, ông nhíu mày bỏ đi. Rồi ông xách đàn tới cơ quan cũ. Cạnh đấy là phòng tập của dàn nhạc. Ông muốn vào nghe nhưng ngần ngại không dám, chỉ dám đi ngang qua cổng, bước chậm lại để nghe những âm thành kỳ diệu và quen thuộc đang vang lên khe khẽ phía bên kia bức tường. Sau đó ông rảo bước đi tiếp như sợ bị người quen bắt gặp...

                                                *                                                
- Cúc, cù cu! - ông khẽ gọi. - Nào, lại đây ta cho ăn! Lại gần nữa, đừng sợ. Nào, nào! Thật rõ ngốc!
Đàn chim vẫn không chịu đến gần ông thêm nữa. Ông vung cho chúng một nhúm gạo. Tranh nhau ăn xong, chúng lại đứng nghiêng ngó nhìn ông,  kiên nhẫn đứng chờ ở khoảng cách mà chúng nghĩ là an toàn. Tuy nhiên, ông cứ muốn chúng đến ăn trên lòng tay mình. Ông cũng kiên nhẫn không kém chúng, cái kiên nhẫn của người già khi quyết tâm làm bằng được điều gì đó. Cứ thế hết giờ này đến giờ khác, như một người hành khất, ông ngồi yên với bàn tay để ngửa, trên đó có những hạt gạo nhỏ màu trắng xinh đẹp. Và trong khi chờ đàn chim đến nhận món quà từ lòng tay mình, ông ngả người xuống thành ghế, từ từ nhắm mắt. Nắng ấm và dễ chịu, nhưng trong lòng ông thấy cô đơn, lạnh lẽo. Một lần nữa trước mắt lại hiện lên tất cả cuộc đời dài ông đã sống, với tuổi trẻ sôi nổi, bồng bột, với những thành công nghề nghiệp và những năm tháng tuổi già bất hạnh. Nhưng xuyên qua tất cả vẫn là hình ảnh những đứa con oan trái mà ông, là bố, ông đã tìm mọi cách ngăn không cho chúng ra đời. Ông đã nhẫn tâm giết chúng từ khi còn trong bụng mẹ...
Một buổi sáng, như thường lệ, ông lại ra ngồi trên chiếc ghế đá quen thuộc trong Công viên. Vẫn những ý nghĩ ấy, vẫn bàn tay để ngửa với nhúm gạo trắng và vẫn những con chim bồ câu ấy... Có điều lần này ông ngồi lâu, rất lâu, lưng ngả vào thành ghế, còn đầu thì tựa vào gốc cây phía sau. Tiếng trống báo hết giờ trường bên vang lên từ lâu, rồi còi thành phố báo mười hai giờ, rồi mặt trời ngả sang phía tây, ông vẫn ngồi yên không nhúc nhích. Độ bốn giờ chiều, khi một ông họa sĩ đang vẽ cách đấy không xa sinh nghi, đi lại xem sao thì thấy ông đã chết, tay phải giữ chiếc mũ phớt sờn cũ, tay trái buông thõng xuống mép ghế, những hạt gạo trắng rơi vãi bên chân. Cả lúc ấy mấy con chim bồ câu cũng không dám đến gần nhặt ăn. Chúng chỉ đứng từ xa nghiêng ngó nhìn ông nghi kỵ.
Đúng là một lũ chim ngốc nghếch.

Hà Nội, 1987

No comments:

Post a Comment