Truyện ngắn Thái
Bá Tân
Hà Nội, đầu những năm sáu mươi...
Đêm hôm ấy, không mua được vé đi Vinh chuyến
mười một giờ rưỡi, Mai Hữu Bình, trung tá công an an ninh đang trong thời gian
bị kỷ luật, phải ngủ lại ở nhà ga, chen chúc cùng mấy bà buôn chuyến cồng kềnh
quang gánh trên mái hiên chật chội và bốc mùi nồng nặc.
Mờ sáng, ông dậy xếp hàng ở vòi nước công cộng
chờ được dấp ướt chiếc khăn, vừa lau mặt vừa lau người. Đúng lúc đến lượt ông
thì có một người đàn bà chen vào, lắp bắp xin lỗi rồi dí chiếc ấm nhôm nhăn
nhúm dưới vòi nước. Một vài người phía sau kêu lên phản đối, còn ông chỉ đứng
chờ.
Lấy xong nước, người kia đứng dậy, nói “Cảm ơn”.
Bỗng chị ta khựng lại, nhìn ông chằm chằm:
“Ông đấy à?”
“Tôi không quen chị”, ông Bình uể oải đáp, cúi
xuống hứng nước vào khăn.
“Đúng ông rồi”, chị kia lại nói khi ông bước ra
khỏi hàng. “Đúng rồi. Cảm hơn ông cho tôi tiền. Bên hồ Thiền Quang ấy mà. Ông
quên rồi à?”
“Sau khi chị gọi tôi là thằng khốn nạn!” Ông
Bình cũng nhận ra cô ta, dù không chắc lắm.
“Đúng. Vậy là ông nhớ rồi! Tôi biết mà. Người
như ông không thể nhầm vào đâu được, ban ngày hay đêm cũng vậy”.
“Cô muốn gì ở tôi?
Ông Bình nghiêm mặt hỏi, rõ ràng không muốn dây
vào cô gái điếm, nhất là ở chỗ đông người thế này. Quả thật đêm hôm kia ông cứu
cô ta khỏi bị mấy thằng du thủ du thực đánh chết ở hồ Thiền Quang, sau còn
thương tình cho ít tiền. Bây giờ, dưới ánh sáng ban ngày, ông nhìn thấy rõ hơn.
Cô ta chỉ trạc ba lăm tuổi là cùng, ít ra không già đến mức ông nghĩ là “mụ” như
đêm hôm đó. Quần áo giản dị, không đến nỗi bẩn và rách lắm. Cũng chẳng xấu như
ông tưởng. Thậm chỉ còn xinh, hay ít ra còn phảng phất cái gì đó có thể gọi ưa
nhìn. Khó có thể nghĩ cô ta là con điếm, một con điếm ngoa ngoắt như ông đã
gặp, không đâu dám gọi người khác là đồ mất dạy. Thế mà đêm kia cô ta đúng là
người như vậy. Định giở trò gì nữa đây? Không lẽ lại mời chào bắt khách?
“Cô muốn gì ở tôi?” Ông nhắc lại, hơi cao giọng.
“Muốn gì à?” Cô kia phá lên cười. “Tôi chẳng
muốn gì cả. Ngẫu nhiên gặp ông thì nói vài câu cho vui. Ông không thích thì
thôi. Nhân tiện cũng muốn cảm ơn ông. Ông không biết ông đã cứu mẹ con tôi thế
nào đâu với số tiền ông cho. Suốt đêm hôm ấy tôi thắp hương cầu trời khấn phật
cho ông đấy. Mà sao bỗng nhiên ông cho tôi chừng ấy tiền nhỉ?”
“Vì cô chửi tôi”.
“Xin lỗi. Câu ấy thực ra chỉ dành cho những đứa
đã đẩy mẹ con tôi vào nước này. Bực mình vì không kiếm được tiền thì vung ra
thế thôi. Trước bàn thờ tôi đã xin trời phật tha cho cái tội chửi ông là thằng
khốn nạn, trong khi ông là thiên thần, là cứu tinh của mẹ con tôi”.
“Chị nói gì tôi không hiểu”. Ông Bình thật thà
nói.
“Hôm ấy tôi cần, rất cần tiền mua thuốc cho đứa
con đang ốm trong bệnh viện. Mà tôi thì không biết tìm đâu ra, nên mới có
chuyện ra hồ bắt khách. May ông cho tiền, không thì chắc con tôi đã chết. Thế
mà tôi nỡ nói mấy tiếng khốn nạn ấy với ông. Ông tha lỗi nhé”.
“Ra cô không chuyên nghiệp làm nghề ấy?”
‘Cả có mà cả không. Chỉ khi nào rất cần tiền.
Trước không, nhưng nay thì có”.
“Vì sao?”
“Vì vẫn cần tiền chữa bệnh cho con. Tôi chẳng
biết nghề gì. Nói ông không tin, trước tôi là con nhà tư sản giàu ở Hà Nội đấy.
Tôi từng ở Pháp bốn năm, thậm chí một thời còn tập tễnh viết văn. Văn chương
nhảm nhí thôi, nhưng cũng được đăng vài ba truyện trên tạp chí Tri Tân, ký tên
Diễm Hương. Chắc ông chưa bao giờ đọc…”
Ông Bình lắc đầu.
“Cũng chính vì con nhà tư sản nên tôi mới đến
nước này. Đang cải tạo tư sản mà. Người ta chẹn hết đường sống rồi”, cô điếm
nói tiếp.
“Người ta là ai?”
“Là bọn khốn nạn”.
Ông Bình nhìn cô với vẻ muốn hỏi cụ thể bọn khốn
nạn ấy là ai.
“Là chính quyền. Là công an. Là bọn lừa đảo, bọn
giết người không ghê tay, uống máu người không ghê răng…”
“Ấy chết, cô nói khẽ thôi kẻo người ta nghe”.
“Tôi không sợ. Tôi chẳng còn gì nữa để mất.
Chính quyền mới các ông đã cướp hết mọi thứ của tôi, dồn tôi vào nước này nên
tôi cứ chửi. Tôi chẳng sợ thằng nào nữa hết! ”
Cô điếm nói to, rồi tự nhiên òa khóc. Nhiều
người xung quanh quay sang nhìn. Ông Bình cầm tay cô lôi đi nơi khác. Ông cũng
không hiểu vì sao ông làm thế. Nhưng rõ ràng ông đang bối rối và xúc động. Lần
đầu tiên ông nghe một người công khai giữa nhà ga chửi chế độ, chửi công an mà
không chút sợ hãi, dù đó là tội nặng nhất ở đất nước này, nặng hơn cả giết
người. Đó là phản ứng của những kẻ bị dồn vào chân tường. Tại sao nhỉ? Tại vì
cô ta chẳng còn gì nữa để mất như chính cô ta nói? Cô ta đã làm gì, và người ta
đã làm gì với cô ta? Con em tư sản, trí thức thì đúng là chế độ này chẳng chiều
chuộng, nhưng không lẽ vì thế mà một tiểu thư giàu có, từng sống ở Pháp, từng
viết văn được in báo lại trở thành con điếm?
Trung tá Bình thấy tò mò. Ông dìu cô kia đi.
“Chị đừng khóc nữa, kẻo người ta cười cho bây
giờ. Ngồi xuống đây và lau nước mắt đi.” Ông đưa cô lại một chiếc ghế sắt trên
đường đợi tàu.
“Không. Để tôi về. Nhà tôi đây rồi”.
“Nhà chị? Ở đây?” ông Bình ngạc nhiên hỏi.
“Vâng. Thì tôi cũng phải có nơi nào để chui ra
chui vào chứ”, cô vừa đáp, vừa lau nước mắt. “ Kia kìa. Ông có vào cho biết
không?”
Ông Bình nhìn theo hướng chỉ, chẳng thấy gì
ngoài một toa tàu cũ bỏ lâu không dùng, cỏ mọc che hết các bánh. Thân tàu hoen
dỉ nham nhở, chi chít những hình vẽ tục tĩu.
Toa tàu được chia làm hai. Một nửa chất đầy
những thanh tà vẹt cũ. Nửa kia, nhỏ hơn, được biến thành nơi ở. Nó tương đối
sạch sẽ và ngăn nắp trong chừng mực có thể. Một chiếc chiếu trải trên sàn làm
giường nằm. Bên cạnh có cái rổ đựng chiếc bánh mì ăn dở, mấy chai thủy tinh
trống không, chiếc cốc nhựa méo mó và một gói gì đấy bọc vải. Trên chiếu có
chiếc chăn vải sợi bạc màu nhưng không bẩn lắm. Rõ ràng nơi này chỉ là chỗ ngủ,
của một người và khá rộng. Trên thành tàu, chỗ sát chiếc chiếu có dán rất nhiều
những tờ giấy nhạc, không có chữ, chỉ toàn nốt nhạc.
“Cái gì thế này?” Ông Bình chỉ vào những tờ
giấy, hỏi.
“Nốt nhạc. Để nhớ một thời hạnh phúc”, cô điếm
đáp. “Trước tôi chơi pianô. Nhà có chiếc đàn lớn lắm, hiệu Becker hẳn hoi. Tất
cả sách chữ Tây bị người ta lấy hết, còn những tờ nhạc này thì để lại, vì chúng
không có chữ, do vậy không phải tài liệu phản động. Thực ra tác giả các bản
nhạc này đều phản động cả đấy. Đây là Bêtôven, đây là Môza, còn đây là Sôpanh,
Bach, Traicôpxki… Họ là những người tử tế, những nhà nhân văn, yêu con người,
yêu cái đẹp, vì vậy họ không thể không chống lại những con người ngu dốt và độc
ác…”
“Cô vơ đũa cả nắm đấy.”
“Ông không muốn nói ông là công a đấy chứ?”
“Vâng.
Tôi là Mai Hữu Bình, trung tá công an, hay ít ra từng là thế. Mà tên cô là gì
nhỉ?”. Ông Bình hỏi, tự nhiên thấy như bị xúc phạm.
“Ngọc Mai. Vậy mà ông bảo ông không là đồ khốn
nạn”.
“Không. Bây giờ tôi khác”.
“Nghĩa là trước đây ông khốn nạn?”
Ông Bình không đáp.
“Chỗ này cũng được đấy chứ”, ông chuyển đề tài.
“Người ta cho chị ở đây là tốt làm rồi”.
“Không, bọn khốn nạn ấy không tốt như ông tưởng
đâu”.
“Bọn nào?”
“Bọn bảo vệ ga. Ba đứa. Để được yên ổn ở đây, phải
cho chúng ngủ không mất tiền. Một tuần bảy ngày chia nhau ba đứa. Một ngày lẻ
không chia được, tôi được yên. Một lũ khốn nạn. Chúng thay nhau vật tôi ra ngay
ở đây, trước mặt những người tử tế là Bêtôven, Môza, Bach, Sôpanh và
Traicôpxki. Năm tháng rồi. Mà tôi thì không thể nằm vật vạ ngoài đường. Công an
bắt. Thế đấy, ban ngày tôi phe phẩy tem phiếu hoặc nhặt sắt vụn, ban đêm về đây
cho chúng nhảy lên bụng mà không phải trả tiền”.
Ông Bình thấy nóng mặt:
“Làm cái chuyện đểu cáng ấy thì có thể bất kỳ người
nào”.
“Đúng thế, nhưng đã năm tháng nay chúng làm điều
đó với tôi mà chẳng chịu chi đồng nào, coi như đương nhiên có quyền, trong khi
từ thằng xích lô cho đến đứa trộm cắp, đứa nào cũng ngả giá sòng phẳng, không
nhiều thì ít. Chuyện xẩy ra như thế, ông bảo tôi nói khác sao được? Nhiều khi
tôi những muốn tự tử, nhưng con tôi còn nhỏ, lại đang ốm cần thuốc chữa trị
hàng ngày, tôi chết sao đành…”
Nói rồi, cô ta lại oà lên khóc.
“Không tin, ông cứ hỏi những con người vĩ đại
này thì biết”.
Cô điếm đưa tay chỉ những tờ giấy nhạc trên
tường, rồi lại khóc, đôi vai gầy run lên theo tiếng nấc.
Trung tá Bình cảm thấy lúng túng không biết làm
gì. Ông biết các cô gái điếm là chúa phịa đủ chuyện ly kỳ, nhưng hình như cô
này khác. Theo cách ăn nói, có thể đoán cô là người có học. Có thể cả con nhà
giàu, cả chơi đàn pianô và viết văn nữa. Tất cả đều có thể, nhưng ông vẫn chưa
hết bán tín bán nghi. Chỉ lúc sau, khi cô thôi khóc và mời khách uống tạm thứ
nước đựng trong chiếc bình nhôm méo mó vừa lấy ở vòi công cộng, kèm theo một
câu dài xin lỗi bằng tiếng Pháp rất sõi, ông mới hoàn toàn tin những gì cô kể
là thật.
Vậy thì sao đến nông nỗi này?
Trung tá Mai Hữu Bình ngồi trong toa tàu bỏ
hoang ấy thêm ba mươi phút nữa, và ông được cô điếm trí thức, con nhà giàu và
biết chơi đàn pianô ấy kể cho nghe câu chuyện thương tâm của mình.
*
Ngọc Mai là con gái rượu của nhà tư sản ngành
dệt kim Cự Thanh nổi tiếng cả xứ Bắc Kỳ những năm bốn mươi. Ông Cự Thanh có một
nhà máy ở Hà Nội với hai trăm công nhân và một nhà máy khác nhỏ hơn ở Nam Định. Thời
ấy như thế đã ghê lắm. Hàng của ông được bán khắp nước, đôi khi xuất cả sang
Lào, Cămpuchia và Nam Dương, nếu xin được suất của các nhà buôn Pháp. Lần triển
lãm hàng dệt may ở Macxây năm 1939, bộ đồ ten-nít của ông được tặng huy chương
bạc vì mẫu mã đẹp, dày mịn mà không bí. Nhờ thế, sau hội chợ ông ký được một
hợp đồng lớn với công ty Maliot de Paris, làm rạng danh cho ngành công nghiệp
non trẻ xứ An Nam
thuộc địa.
Ông Cự Thanh phất lên được chủ yếu nhờ gặp may,
chứ thực ra đáng lẽ ông phải là nhà thơ hay cái gì đại loại như thế, vì tính
ông cả tin, dễ xúc động và, có thể nói, thơ ngây. Hơn thế, ông tốt bụng, rất
tốt bụng, là điều gây ngỡ ngàng không ít với những người lao động được đọc,
được nghe quá nhiều về sự tham lam, tàn ác của giới chủ. Ông có cái mũi thính
giúp nhanh chóng phát hiện mặt hàng nào đang hoặc sắp tới người ta thích, cộng
với đôi mắt tinh tế cùng khiếu thẩm mỹ phát triển (ông tốt nghiệp trường Mỹ
thuật Đông Dương cộng thêm một năm tu nghiệp ở Pháp), để kịp tung ra thị trường
các mẫu mốt thích hợp. Tài kinh doanh của ông chỉ có thế. Vậy mà ông thành đạt.
Sự thành đạt ấy phần nhiều nhờ nước Pháp. Ông nhập máy móc từ Pháp, học hỏi
kinh nghiệm người Pháp, và thực sự ông làm ăn được cũng do nhờ quan hệ tốt với
giới quan chức Pháp.
Nhưng là người yêu nước, ông hồ hởi ủng hộ cách
mạng và đã hiến tặng chính quyền mới đúng ba trăm bảy mươi ba cây vàng trong
“Tuần lễ vàng” do chính phủ phát động năm 1946. Nếu không kể hai nhà máy thì đó
gần như toàn bộ gia sản của ông. Ngoài ra, ông còn tự nguyện hiến ngôi nhà to
nhất của gia đình ở phố Hàng Bột để chính quyền làm công sở.
Nhờ hiến tặng một số tiền lớn như thế, cũng nhờ
cả việc được lãnh đạo thành phố gặp và biểu dương, ông được xếp vào hàng tư sản
yêu nước, thậm chí còn bầu vào Mặt trận Tổ quốc thành phố. Hai nhà máy của ông
không bị tịch thu mà chuyển thành công ty hợp doanh với nhà nước, vẫn mang tên
ông, cái ở Hà Nội gọi cơ sở một, còn ở Nam Định là cơ sở hai. Ông vẫn là giám
đốc cả hai cơ sở ấy, tuy thực chất chỉ làm vì. Bên ông luôn có ông bí thư đảng
ủy và bộ tứ lãnh đạo. Mọi quyết định đều do họ đưa ra. Người ta chỉ cần đến ông
khi gặp khó khăn kỹ thuật hoặc khi phải nhập nguyên liệu. Đã là hợp doanh thì
đáng lẽ lời lãi chia nhau, nhưng ông chỉ được nhận lương chứ không có gì hơn.
Đành rằng lương ông cao hơn người khác, kể cả bí thư chi bộ nhà máy, khiến ông
này tức tối và xúi công nhân tố cáo ông bóc lột. Tư sản mà dám bóc lột giai cấp
vô sản ở một nước cộng sản, to gan thật! Nhà máy làm ăn thua lỗ, năng suất giảm
hơn một nửa so với trước, người ta kết luận do ông ngấm ngầm phá hoại.
Một hôm, khi đang họp lãnh đạo nhà máy thì có cô
công nhân vác bụng chửa tìm đến, nói cô bị ông Cự Thanh hiếp. Cuộc họp chuyển
thành cuộc nhục mạ giám đốc, bất chấp lời khẳng định của ông rằng ông chưa hề
gặp người đàn bà này. Tối hôm ấy, ông nhảy lầu tự tử, gãy một chân và chấn
thương sọ não nghiêm trọng. Ba ngày sau ông chết trong nhà thương Phủ Doãn. Nhà
máy của ông sáp nhập thành bộ phận dệt kim của nhà máy dệt Mồng Tám tháng Ba,
còn cơ sở hai thì nhập vào nhà máy dệt Nam Định.
Ông Cự Thanh chết, để lại cô con gái Ngọc Mai
một mình trong ngôi nhà ba tầng ở phố Hàng Ngang. Tổng cộng ông có bảy nhà.
Ngoài chiếc lớn nhất đã hiến nhà nước cùng ba trăm bảy mươi ba cây vàng năm bốn
sáu, là điều khiến gia đinh bất hòa và bà vợ sau đó bỏ sang Pháp cùng đứa con
trai cả, năm chiếc khác ông bị bắt “hiến” sau ngày giải phóng Thủ Đô để được
tiếp tục làm ăn, không phải lên Hòa Bình cải tạo, và cũng để cô Ngọc Mai không
bị đưa xuống tuyển than ở mỏ Cọc Sáu. Có thể nói hai bố con ông đã hết lòng
chiều chế độ nên mới giữ được ngôi nhà còn lại này. Bản thân cô Mai, để tránh
tiếng ngồi không ăn bám, đã xin vào làm công nhân trong nhà máy bố mình. Không
qua đào tạo, lại chẳng quen lao động vất vả, cô thường không đạt chỉ tiêu được
giao, và nhiều lần bị đem ra kiểm điểm vì không chịu cải tạo lao động.
Cũng nhằm mục đích hòa mình với giai cấp công
nhân ưu tú, cô nhận lời lấy một anh thợ điện trong nhà máy theo sự gợi ý và dàn
xếp của chi bộ. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân bất đắc dĩ tư sản vô sản ấy đã không
thành công, dẫu có được đứa con trai luôn đau ốm.
Anh thợ điện chồng Ngọc Mai người Hải Phòng, vốn
nông dân đi bộ đội, sau giải ngũ được tuyển vào nhà máy nhờ thành tích chiến
đấu ở Điện Biên. Bản chất không phải người xấu, nhưng do yếu đuối và ngu dốt
đến mức mù quáng, anh này đã làm những điều khiến cô vợ tư sản trí thức không
chịu nổi. Anh ta có người bạn thân cùng quê làm thơ luôn ký tên là “Mắt Buồn”.
Vì sao mắt lại buồn? Vì nhìn hiện thực xã hội chủ nghĩa tươi đẹp bằng đôi mắt
buồn? Thế là trái với đường lối văn nghệ của đảng. Công an lập luận như vậy, và
ông này bị theo dõi. Theo yêu cầu của công an, coi như một thử thách để được
kết nạp đảng, anh chồng Ngọc Mai đánh bức điện, báo ông “Mắt buồn” bố ốm nặng
sắp chết phải về ngay, để công an cho người vào nhà tìm “tài liệu phản động”.
Ông kia về quê, không thấy gì bèn đến nhà chửi ầm lên, từ đó cắt luôn bạn bè.
Ngọc Mai phải đứng ra xin lỗi. Anh chồng còn lên giọng quát mắng, sỉ nhục cô
con nhà tư sản thối nát không chịu cải tạo tư tưởng. Thế là quan hệ vợ chồng
vốn chẳng êm ấm gì càng trở nên căng thẳng. Một thời gian sau, để được kết nạp
đảng, anh ta xung phong đi khai hoang miền núi, rồi nghe nói lấy một cô công
nhân nào đó trên ấy. ít ra đã mấy năm nay không tin tức, không về nhà lần nào.
Lúc này ngôi nhà của Ngọc Mai đã bị sở nhà đất
trưng thu với lý do một mình cô ở quá rộng. Ngay lập tức sáu gia đình gốc gác
công nông được bố trí đến ở, mỗi phòng hai gia đình. Ngọc Mai cùng đứa con
trai, năm tuổi, bị đưa xuống một phòng
nhỏ dưới tầng hầm, truớc là ga ra ô tô của bố cô.
Một hôm đi làm về, cô thấy thằng con ngồi khóc
ngoài phố, hỏi sao không vào nhà, nó bảo không vào được. Thì ra căn phòng đã bị
thằng lái xe cũ của ông Cự Thanh chiếm, số đồ đạc ít ỏi của hai mẹ con cô bị
vứt ra ngoài. Hắn bảo trước ông chủ hứa cho hắn phòng ấy. Gia đình hắn xưa nay
ở phòng bên, cũng tầng hầm nhưng rộng gấp đôi. Ngay hôm ấy hắn kịp đục một cửa
thông nhau và chuyển đồ đạc sang. Dù hiền lành và nhút nhát, Ngọc Mai tức quá
làm ầm lên. Cô chạy đi gặp các cấp chính quyền nhờ can thiệp. Người ta lắng
nghe vẻ thông cảm, hứa hẹn nhiều lắm nhưng chẳng chịu làm gì. Cả lãnh đạo nhà
máy cũng vậy. Những ngày sau, tối mẹ con cô ngủ dưới gầm cầu thang, ngày đi hết
nơi này nơi nọ kêu oan. Cuối cùng, cô mang các giấy tờ hiến nhà và vàng trước
kia lên tận Ủy ban nhân dân thành phố đòi gặp lãnh đạo cao nhất. Tất nhiên
không ai cho cô gặp, lại còn bị hạch sách đủ chuyện. Tức nước vỡ bờ, cô như
phát điên, kêu khóc, chửi bới những câu rất “phạm thượng”, và bị công an bắt về
đồn giam một tuần.
Mấy hôm sau thì nhà máy ra quyết định đuổi Ngọc
Mai vì tự ý nghỉ việc không lý do. Hồ sơ lý lịch của cô được ông trưởng phòng
cán bộ, theo gợi ý của bí thư chi bộ, ghi thêm dòng chữ: “Một phần tử bất mãn
nguy hiểm, không chịu cải tạo tư tưởng, có những hành vi và lời nói thù địch
với chế độ. Cần lưu ý theo dõi”.
Ngọc Mai ôm con ra đi, gần như tay không. Những
gì đáng giá nhất trong số đồ đạc đã bị kẻ gian lấy mất. Cô biết làm gì với vốn
kiến thức học được ở trường nữ sinh nội trú Saint Marie chỉ dành cho con em nhà
giàu trước kia, với những tư tưởng nhân văn của Vonte, Môngtexkiơ cùng các bản
nhạc của Sôpanh và Bach? Sự thật chua xót ấy phũ phàng đến mức cả một người như
trung tá Mai Hữu Bình cũng phải rùng mình. Hơn thế, ông còn cảm thấy như mình
can dự, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trung tá Bình móc túi, được bao nhiêu tiền đưa
hết cho cô rồi quay lại chỗ vòi nước công cộng, mặt cúi gầm vì xấu hổ. Ông có
cảm giác như đang dán sau lưng ông là ánh mắt trách móc của các ông Bêtôven,
Môda, Sôpanh, Bach và Traicôpxki nào đó ông không biết nhưng chắc là những con
người tử tế như Ngọc Mai đã nói.
Dưới ánh nắng ban mai rực rỡ, nhà ga phơi ra
toàn bộ sự trần trụi, bẩn thỉu và lạnh lẽo của mình. Ông những muốn nhanh chóng
rời ngay nơi này để quay về với bà Bốn và những cuốn sách ông yêu thích.
Hà
Nội, 1.5.2012
No comments:
Post a Comment