Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Như
Maupassant quan tâm những người điên, tôi luôn chú ý đến người mù. Với sự cảm thông, tất nhiên. Trong
chừng mực phù hợp và có thể, tôi đã đưa họ vào một số tác phẩm của mình. Cách
đây mấy năm tôi có viết bài thơ về một cô gái mù hàng ngày đứng bán hoa tươi ở
ngay đầu phố nhà tôi. Thực ra đó là một truyện ngắn với đúng nghĩa của nó. Câu
chuyện có thật và tôi đã định viết thành truyện. Lúc ấy vợ tôi bảo tôi viết
truyện dở, thà dịch hoặc làm thơ còn hơn. Bà ấy luôn là người đầu tiên đọc tác
phẩm của chồng, đọc xong thường đưa ra một phán xét ngắn gọn là
"Được" hoặc "Không được". Chỉ thế thôi. Và tôi luôn biết
phải làm gì sau đó. Vậy là tôi theo vợ, miễn cưỡng viết "Cô gái mù" thành bài thơ. May không
đến nỗi.
Hôm nọ ngồi uống rượu với nhà văn đồng
hương Võ Văn Trực, tôi được nghe ông kể chuyện vợ chồng nhà văn Nguyễn Huy
Tưởng ngày trước. Hóa ra ông Tưởng cũng rất kính trọng vợ, nhưng xử sự không
giống tôi. Ông lẳng lặng quan sát và rút được bài học quí: hễ vợ chê cái gì là
ông yên tâm cái ấy hay, và ngược lại. Thí dụ bà vợ ông Tưởng đã thẳng thừng vứt
tác phẩm "Chí Phèo" của Nam
Cao xuống gầm giường với câu phán :"Dở đến thế là cùng!" Nghe nói
nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của chồng bà cũng chịu số phận tương tự.
Không
hiểu có đúng thế không hay chỉ lại một giai thoại nữa trong giới làng văn. Dẫu
sao thì nó cũng gợi cho tôi một lối thoát. Mấy tháng gần đây tôi lẳng lặng viết
truyện ngắn, viết nhanh, nhiều, cứ như sợ bị vợ bắt được cấm không cho viết
nữa. Kết quả? Bà ấy nhận xét "Không được" nhiều hơn "Được".
Thế là tôi quyết định bỏ hẳn thơ, từ nay yên tâm viết văn xuôi. Tiếc rằng nhiều
cốt truyện hay của tôi đã bị bỏ phí, vì bằng thơ, muốn hay không, tôi cũng phải
viết ngắn, cắt bỏ nhiều nhân vật và chi tiết. Mà viết lại bằng văn xuôi thì
ngại, mà cũng tiếc. Dẫu sao đó cũng là những bài thơ tôi tâm đắc. Vậy chỉ còn
cách bổ sung văn xuôi vào những truyện ngắn trước đấy trót viết bằng văn vần.
Xin thử bắt đầu bằng "Cô gái mù". Toàn bộ bài thơ -
truyện ngắn ấy như sau:
Cô gái mù bé nhỏ
Đứng
bán hoa bên hè.
Bên
cạnh là con chó,
Mõm
ngắn, lông vàng hoe.
Hàng
ngày con chó dắt
Cô
chủ tới nơi này.
Phố
đông người, lại chật,
Làn
hoa nặng xách tay.
Kính
đen, đầu đội mũ,
Cô
gái đẹp lạ thường.
Cũng
buồn buồn như chủ,
Con
chó thật dễ thương.
Khách quen và khách lạ
Mua
của cô rất đông,
Không
chọn, không mặc cả,
Cũng
chẳng phải dài dòng.
Họ
cầm hoa lặng lẽ,
Và
lặng lẽ trả tiền.
Cô
gái mù e lệ
Mỉm
cười trông thật hiền.
Không
ít người sau đó
Để
lại hoa và đi.
Hình
như con chó nhỏ
Biết,
nhưng không nói gì.
Một
hôm, bỗng không thấy
Cô
bán hoa trên hè.
Con
chó con cũng vậy,
Con
chó lông vàng hoe.
Nhiều
hôm sau vẫn thế,
Không
ai thấy cô đâu.
Có
người đồn, như thể
Cô
đã thành nàng dâu.
Cũng
có người quả quyết:
Bị
ai đó phụ tình,
Vốn
trắng trong, mãnh liệt,
Cô
đã liều quyên sinh.
Có
thể là sự thật,
Cũng
có thể là không,
Nhưng
cô đã biến mất,
Con
chó thành chó rông.
Còn
vắng cô, cả phố
Như
buồn hơn rất nhiều.
Buồn
cả vì con chó
Lông
vàng hoe đáng yêu.
Bằng thơ, viết thế là đủ, thêm nữa sẽ
thành thừa. Tôi hiểu điều đó nên đã rất lấy làm tiếc khi phải đặt dấu chấm hết,
dù câu chuyện còn dài, nhiều tình huống hơn và rất tiếc cũng buồn hơn.
Với tư cách là phần vào truyện, ba khổ
đầu chẳng cần thêm bớt gì. Văn xuôi khó chuyển đạt thành công hơn cái ấn tượng
buồn buồn, gợi cảm ấy. Đó là đặc thù và cũng là thế mạnh của thơ. Sự thật diễn
ra đúng như thế và tôi đã nói lên đúng cái sự thật ấy.
Nhưng
nội dung ba khổ tiếp thì đã được thi vị hóa phần nào. Quả đúng mua hoa của cô,
chẳng ai mặc cả vì ai cũng thương cô. Cũng đúng cả việc nhiều người mua hoa,
trả tiền xong lại lặng lẽ đặt vào chỗ cũ để cô bán lần nữa. Cô không là ăn mày
nên người ta không thể tự nhiên dúi tiền vào tay được. Cô có biết điều này
không, tôi chẳng rõ. Nhưng con chó thì chắc chắn không thèm để ý. Thường những
lúc cô chủ bán hoa, nó bận gặm xương (cạnh đấy có hàng cơm bụi) hoặc lỉnh đi
chơi với con chó cái nhà bên. Không nên trách nó làm gì, vì suy cho cùng nó
cũng chỉ là một con chó. Trong thực tế nó không đẹp và đáng yêu như trong thơ
tôi viết. Nó gầy nhom đến trơ cả xương sườn. Mõm thì đúng là ngắn, nhưng lông
có màu nâu bẩn. Tôi nói "vàng hoe" đơn giản chỉ vì bắt phải vần với
câu "Cô bán hoa trên hè" đã
trót viết. Tuy nhiên công bằng mà nói, nó là con chó tốt, trung thành và rất hiểu
nhiệm vụ của mình. Mà thôi việc này không quan trọng, và chúng ta có thể tạm
hài lòng với những gì đã viết:
Khách
quen và khách lạ
Mua
của cô rất đông,
Không
chọn, không mặc cả,
Cũng
không phải dài dòng.
Họ
cầm hoa lặng lẽ,
Và
lặng lẽ trả tiền.
Cô
gái mù e lệ
Mỉm
cười trông thật hiền.
Không
ít người sau đó
Để
lại hoa và đi.
Hình
như con chó nhỏ
Biết,
nhưng không nói gì.
Những câu thơ đẹp. Hình ảnh cũng đẹp
và khá cảm động. Nhưng trong thực tế, cái thực tế văn xuôi đời thường ấy mà,
rất tiếc mọi việc không đẹp như thế. Không ít kẻ xấu từng ăn cắp hoa hoặc bớt
tiền của cô. Có thằng nghiện còn giật tiền cô rồi bỏ chạy, khiến cô ngồi khóc
mãi, trong khi "con chó đáng yêu" ấy chỉ biết sủa vu vơ mấy tiếng
hoặc vây vẩy đuôi một cách ngớ ngẩn.
Những
việc như thế hiếm thôi, nhưng vẫn có. Cũng có cả việc cô phải "chạy công
an" như những người bán rong khác trên vỉa hè, đặc biệt khi có chiến dịch
"đường thông hè thoáng". Mà cô thì mù, làm sao chạy nhanh được, nên
một lần cả làn hoa của cô đã bị vứt tung xuống đường. Người làm việc này là một
thanh niên mang băng đỏ từ nơi khác đến và không biết cô mù. Bị mọi người phản
đối, anh ta tự mình nhặt lại, thậm chí còn xin lỗi. Sau vụ này hình như theo
chỉ thị ai đó từ lãnh đạo địa phương, cô được để yên.
Vợ
chồng tôi chỉ mua hoa của cô, dù hoa cô không đẹp, không tươi vì mua lại của
mấy bà nhà quê ở chợ Mơ. Tôi xung phong đảm nhận việc này, và đều đặn mua hoa
của cô gái mù vào mỗi buổi chiều, khi từ cơ quan trở về nhà. Cũng có nghĩa là
chỉ mua toàn hoa ế và héo. Tất nhiên tôi cũng thuộc đám khách "không chọn, không mặc cả", có
khi mua rồi "để lại hoa và đi".
Một hôm bỗng không thấy
Cô
bán hoa trên hè.
Con
chó con cũng vậy,
Con
chó lông vàng hoe...
Vâng, đúng thế thật. Một buổi sáng nọ
không ai thấy cô gái mù đứng bán hoa cạnh chân cột điện trước cơ sở điều trị
tâm thần ở ngõ Liên Hương. Đó là một sự lạ. Bao lâu nay người ta quen thấy cô ở
đó, đến mức cái điều tưởng như nhỏ nhặt này đã khiến mọi người chú ý, kể cả nhà
chức trách. Nhiều người mua hoa như tôi hôm ấy về nhà tay không. "Chắc cô
ấy ốm", mọi người nghĩ. Tuy nhiên, hôm sau vẫn không thấy cô và con chó
xuất hiện trở lại. Người ta ngạc nhiên, vì tò mò thôi chứ chẳng phải thương nhớ
gì. Thường vẫn vậy, một cái gì đó vốn quen nhìn, quen nghe, nay bỗng không có
nữa sẽ gây cho ta cảm giác thiếu vắng mơ hồ. Bà lão bán nước cạnh đấy chép
miệng bảo cô bán bún riêu: "Chắc con bé ốm, tội nghiệp".
Có
người đồn như thể
Cô
đã thành nàng dâu.
Cũng
có người quả quyết:
Bị
ai đó phụ tình,
Vốn
trắng trong, mãnh liệt,
Cô
đã liều quyên sinh...
Việc
này thì do tôi hoàn toàn hư cấu. Hay các bạn có thể gọi là phịa hoặc xuyên tạc
cũng được. Vì thực tế không hề như thế. Chẳng ai đồn đại hay đoán non đoán già
gì cả. Mọi người, tức là những người sống trong khu phố chúng tôi, ngay tối hôm
sau đã biết hết mọi chuyện.
Cô không
thành nàng dâu, cũng chẳng vì thất tình mà tự tử. Sự thật là thế này: Năm giờ
chiều sau ngày cô không ra bán hoa như thường lệ, có người phát hiện thấy xác
cô trên bờ hồ cạnh xóm liều cách nhà cô không xa. Công an điều tra và đi đến
kết luận rằng tối hôm trước đó, trên đường về nhà cô bị một tốp thanh niên bất
hảo lôi ra hồ, cưỡng hiếp rồi bóp cổ chết. Một cái chết thảm thương. Một tội ác
đê tiện. Khó tin, nhưng trên đời vẫn có những hạng người thế đấy. Mà chúng sống
ngay trong lòng cộng đồng chúng ta, thậm chí có thể là hàng xóm chúng ta.
Đám tang cô có rất nhiều người, cả vợ
chồng và con gái tôi. Trước đây cô bán những bông hoa đủ màu, bây giờ người ta
mang đến cho cô rất nhiều hoa, toàn hoa trắng.
Chậm
chạp bước theo chiếc quan tài nhỏ với cả rừng hoa trắng ấy, không ai bảo ai,
tất cả chúng tôi đều cúi đầu với cảm giác tội lỗi và xấu hổ, rằng chúng tôi,
những người khỏe mạnh, tốt bụng, sống trong một xã hội văn minh có kỷ cương,
pháp luật, thế mà bất lực không bảo vệ được một cô gái mù bất hạnh mà chúng tôi
yêu quí nhường ấy.
Cây cột điện nơi trước đây cô đứng bán hoa hàng ngày bây giờ
trở nên trống vắng, buồn tênh và xấu hẳn đi. Cuộc sống lại quay về nếp cũ của
nó, nhưng ai cũng cảm thấy như hụt hẫng điều gì, đúng như tôi đã viết:
Và
vắng cô, cả phố
Như
buồn hơn rất nhiều.
Buồn
cả vì con chó
Lông
vàng hoe đáng yêu.
Vậy
là cô gái mù bán hoa xinh đẹp, tội nghiệp đã biến mất khỏi cuộc sống của khu
phố chúng tôi. Nhưng con chó thì may không thành chó rông. Tôi tìm được nó và
đưa về nhà nuôi. Nó đã già và không được tích sự gì. Hình như nó chẳng nhớ
thương lâu cô chủ xấu số trước đây của nó. Cũng chẳng sao. Loài chó thường vẫn
thế. Chúng tôi nuôi nó tử tế, vì cô gái mù nhiều hơn vì chính bản thân nó. Nó
mới chết năm ngoái. Chết già. Tôi cũng nhanh chóng quên nó như từng quên bao
vật nuôi đã chết khác. Nhưng hình ảnh cô gái mù và cái chết thảm thương của cô
thì không...
P.S. Tôi vừa đưa vợ xem truyện ngắn
này. Đọc xong, bà ấy liền phán ngay: "Không được! Sao ông nỡ giết cô ấy?
Ông chỉ tổ làm hỏng bài thơ!" Tính tôi không thích cãi vợ, cả khi bà ấy
sai. Như trường hợp này chẳng hạn. Tôi đâu có giết ai. Tôi chỉ viết đúng cái sự
thật mà chính bà ấy cũng biết. "Không được", tức là, theo cách hiểu
của Nguyễn Huy Tưởng, tôi biết truyện này "Được", và vì vậy tôi không
vứt nó vào sọt rác mà giữ lại chờ bạn đọc phán xét.
Hà Nội,
10.4.2001
No comments:
Post a Comment