Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Ở
làng tôi có một cô gái gù. Chúng tôi là bạn thân với nhau thời nhỏ, dù cô hơn
tôi những năm tuổi...
Mà
thôi, trước khi bắt đầu câu chuyện ấy, có lẽ độc giả hãy đọc bài thơ dưới đây
của Eđuardas Mêgiêlaitis mà theo tôi là hay và cũng có chung đầu đề như câu
chuyện của tôi.
Cô
gái gù
Cô bé sống trong một khu làng nhỏ
Sống vô tư với bà nội một nhà.
Sao lo sẵn của hồi môn giàu có.
Cho cô dùng - trăng dệt áo, thêu hoa.
Cô bé ấy lớn lên, chờ hạnh phúc.
Nhưng than ôi, số phận chẳng nuông
chiều.
Mang cái bướu trên lưng như vết nhục,
Cô đau buồn, cô gái đẹp, đáng yêu.
Và cứ thế, trong căn phòng khép chặt,
Cô để trôi những năm tháng ê chề.
Cho cô bé - bầu trời trong đôi mắt,
Những lúc buồn, họa mi hót cô nghe.
Như đàn bướm luôn vô tư, vui vẻ,
Các bạn cô vui ca hát bên nhà.
Qua đôi mắt đang rưng rưng ngấn lệ,
Cô gái gù từ khe cửa nhìn ra.
Rồi bà chết, được xe đưa yên nghỉ
Bên hàng dương nghĩa địa phía sau làng.
Và vừa khóc, cô cháu bà yêu quý
Vừa cúi đầu theo sát chiếc xe tang...
Cái vất vả và cái nghèo cuộc sống
Trao chiếc roi cho cô gái lưng gù
Bắt cô bé phải hàng ngày chăn ngỗng
Ngoài cánh đồng heo hút những chiều thu.
Cô cùng tôi thường tết hoa, đi dạo,
Thường cùng nhau nhóm lửa sưởi... Hàng
giờ
Cho cô nghe, nhiều lần tôi thổi sáo
Cũng nhiều lần tôi hát hoặc làm thơ.
Mùa đông đến, một mùa đông khắc nghiệt
Làm cỏ cây cùng muông thú chết dần.
Và để sống, để hàng ngày chống rét,
Nhà tiếp nhà cô xách bị xin ăn.
Một tối nọ, cô nằm im, không dậy.
Cả trời sao sà xuống tỏa ánh vàng.
Như
món của hồi môn, trời sao ấy
Cô gái gù cho vào bướu đang mang.
...Tôi cúi xuống chiếc quan tài nhỏ bé -
Cô nằm yên bên cửa sổ, che mình
Bằng tấm lụa ánh trăng thêu đẹp đẽ
Dính một vài ngôi sao sáng lung linh.
Cô gái ấy đã làm gì nên tội
Để phải mang một số phận thế này?
Trước cô gái, tôi thấy mình có lỗi
Và đau buồn, và day dứt lâu nay...
Đúng
là cả truyện ngắn chỉ trong một bài thơ nhỏ - một truyện ngắn cổ điển với đầy
đủ các chi tiết cần thiết.
Tôi rất yêu thơ Mêgiêlaitis (1), thậm chí còn quen ông và suốt một thời
gian dài chúng tôi trao đổi thư từ với nhau. Cách đây hai mươi năm tôi từng
dịch và in hai tập thơ riêng của ông. Nếu được chọn chỉ một nhà thơ xô-viết để
trao giải Nôben, nhất định tôi sẽ chọn Mêgiêlaitis. Tất nhiên không phải vì ông
là bạn tôi mà vì theo tôi, ông là nhà thơ số một của nền thơ xô-viết, xứng đáng
hơn nhiều nhà thơ nước khác từng được nhận giải thưởng cao quí này. Mở đầu tập
thơ "Nghịch lý của bàn tay" xuất
bản ở Việt Nam năm 1984 ông có lời
tựa với những dòng cảm động về tình cảm của ông đối với con người và đất nước
chúng ta.
Khi
đọc xong "Cô gái gù" trong
số sách ông mới gửi tặng - lúc ấy khoảng cuối năm 1980 - tôi liền viết thư hỏi
ông xuất xứ bài thơ này, và nói thêm
rằng thưở nhỏ tôi cũng chơi thân với một cô bé gù bất hạnh. Ông cho biết nội
dung bài thơ hoàn toàn có thật, trừ những chi tiết được thi vị hóa, và bảo tôi
hãy viết một bài thật hay về bạn mình. Tôi định thử nhiều lần nhưng cuối cùng
lại thôi, vì biết có viết gì và hay đến đâu, cũng sẽ chỉ là sự lặp lại mờ nhạt
những điều Mêgiêlaitis đã nói. Bây giờ, khi cho in lại lần thứ ba tác phẩm của
ông trong một tuyển tập mới, và lần nữa đọc "Cô gái gù", tôi quyết định quay lại đề tài này, không bằng thơ
mà bằng văn xuôi.
Ở đời quả có nhiều sự trùng
hợp ngẫu nhiên. Cô gái gù của tôi ngày nhỏ cũng có khuôn mặt xinh đẹp, đặc biệt
là đôi mắt. Tôi không biết vì sao cô bị gù, có thể do bẩm sinh hay hậu quả một căn bệnh
nào đó. Lớn lên tôi đã thấy cô mang chiếc bướu sau lưng. Chiếc bướu to khiến
người cô co rúm lại, khuôn mặt xinh đẹp như lọt thỏm trong đôi vai nhô cao. Dù
hơn tôi năm tuổi, nhưng vì là con gái, nhỏ người hơn, có thể vì gù nữa, nên tôi
xưng hô tao mày như bạn bè ngang lứa.
Tên cô là Hồng, một cái tên đẹp, có vẻ hơi kiểu cách ở quê
tôi thời ấy, nhưng mọi người chỉ đơn giản gọi "con gù". Tôi cũng gọi
thế, ít ra thời gian đầu. Mẹ tôi bảo cô mồ côi từ nhỏ và sau đấy, cũng giống cô
gái gù trong thơ Mêgiêlaitis, cô sống với bà nội, một người bán hàng xén ở chợ
Hôm, không giàu nhưng chẳng nghèo lắm. Thậm chí cô còn được đi học một thời
gian. Sau đó bà cô bệnh nặng chết, để cô một mình không nơi nương tựa. Cô chẳng
còn ai thân thích trừ vài người thuộc đằng ngoại ở Hà Tĩnh mà từ lâu đã mất
liên lạc.
Chẳng còn cách nào khác, cô
phải đi xin ăn ở chợ Hôm và các làng lân cận. Cuối cùng, động lòng thương, một
địa chủ trong làng đưa cô về nuôi như con cái trong nhà. Cái khái niệm địa chủ
thời ấy chủ yếu mang tính giai cấp chứ không vì sự giàu có hay bóc lột. Vợ
chồng, con cái người địa chủ ấy cũng hàng ngày ra đồng làm quần quật từ sáng
đến tối như mọi người. Khác chăng, họ có nhiều ruộng hơn, biết lo toan nên sống
khá giả và có được ngôi nhà ngói ba gian. Họ có ba người con đi bộ đội cách
mạng, một người sau này thành vị chỉ huy có tài, được gọi là "con hùm xám
quốc lộ 6". Theo sách vở thì địa chủ phải độc ác lắm. Có thể nói chung như
vậy thật, nhưng ông địa chủ này chẳng giống thế chút nào. Ông hiền, tốt bụng và
hay giúp đỡ người khác nên trong làng ai cũng quí mến ông.
Cô
bé gù làng tôi không chăn ngỗng mà chăn trâu, một việc bình thường của lũ trẻ
trong làng. Ngày nào tôi và cô cũng dắt trâu ra bãi hoang Đồng Chùa. Không phải
tôi có cảm tình gì đặc biệt, mà thực tình chỉ muốn lợi dụng cô. Chả là tôi có
nhiều sách, cô lại ham đọc nên tôi cho mượn, với điều kiện mượn một cuốn, cô
phải trông trâu cho tôi một tuần để tôi yên tâm đọc sách, nằm ngủ hoặc chơi
lang thang đâu đó.
Vốn không hiếu động, tôi ít
chơi với bọn con trai cùng các trò ồn ĩ của chúng. Tôi không "cùng tết hoa, đi dạo" hay "đọc thơ, thổi sáo cô nghe" như
Mêgiêlaitis, dù lúc ấy tôi đã võ vẽ làm thơ và biết chơi đàn măng-đô-lin nhờ bố
tôi dạy. Nhưng "cùng đốt lửa ngồi
sưởi" với nhau thì có và khá thường xuyên vì bãi hoang Đồng Chùa trống
trải, mùa đông rất lạnh. Với lợi thế "có sách", tôi bắt cô làm mọi
việc, coi như chuyện đương nhiên, mặc dù trong thâm tâm tôi thích cô vì khuôn
mặt đẹp, vì sự dịu dàng bẽn lẽn và cả vì nói chuyện với cô thú vị. Cô không có
bạn nào khác, cả trai lẫn gái. Như "cô gái gù" của Mêgiêlaitis, cô luôn
mặc cảm về bệnh tật của mình và cũng thường "qua
đôi mắt rưng rưng ngấn lệ" lén nhìn các bạn cùng tuổi vui chơi từ sau
cánh cửa.
Năm
1952, quê tôi phát động phong trào đấu tranh chính trị. Làng tôi là cái làng
Nho Lâm được nhắc đến trong cuốn "Chuyện
làng ngày ấy" của nhà văn đồng hương Võ Văn Trực viết về những chuyện
kỳ cục thời đó.
Ông địa chủ tốt bụng kia bị
đem ra đấu tố. Cả làng họp mấy đêm liền để đấu ông. Được mớm lời từ trước, ai
cũng xông vào chửi rủa, đấm đá, té nước đái và cứt vào mặt ông, buộc tội ông là
tay sai, là gián điệp ngầm của đế quốc. Lý do là người ta thấy trong nhà ông có
mấy cuốn sách tiếng Pháp do anh con chỉ huy cách mạng từng học xong tú tài để
lại. Chắc những cuốn tiểu thuyết hay giáo khoa gì đó, nhưng vì không ai biết
đọc nên đương nhiên chúng phải là "tài liệu phản động".
Không hiểu sao chính những
người được gia đình ông xưa nay giúp đỡ nhiều nhất lại đấu ông quyết liệt nhất
và cũng đánh ông đau nhất. Cứ theo lời tố thì suốt đời họ bị thằng địa chủ Việt
gian này bóc lột, bòn rút tận xương tủy. Người ta cũng bắt cô gù, lúc ấy mười
tuổi, tham gia đấu tố, tất nhiên có sự chuẩn bị rất kỹ từ trước. Thế mà trước
"cán bộ" và tất cả dân làng, cái con bé khốn khổ ấy lại nói ngược hết
những lời được dặn.
- Đồng chí Hồng, có phải tên địa chủ
Việt gian phản động, tên tay sai đế quốc này đã bắt đồng chí làm việc hai mươi
giờ một ngày và chỉ cho ăn mỗi ngày một bát cám lợn không?
"Đồng
chí Hồng” nhìn thẳng vào mắt người vừa hỏi, nói rành rọt từng tiếng. Đứng lẫn
trong đám trẻ tò mò chen chúc phía sau, tôi thấy hình như cô đang cố ưỡn thẳng
cái lưng gù của mình.
-
Không. Cháu chăn trâu hàng ngày ở Đồng Chùa. Thỉnh thoảng nếu cậu Tục bận học
bài thì cháu rửa bát. Quét nhà là việc của cháu. Cháu ăn một ngày hai bữa với
cả nhà. Có hôm buổi sáng được ăn khoai luộc, cũng với cả nhà.
-
Nhưng hắn luôn đánh đập đồng chí rất tàn nhẫn.
-
Không, bố cháu không bao giờ đánh cháu. Ông ấy rất tốt và thương cháu...
-
Không thể như thế được. Bọn địa chủ, tay sai đế quốc không bao giờ thương
người, nhất là những kẻ mồ côi như đồng chí. Đồng chí cố nhớ lại xem. Có gì cứ
nói ra, đừng sợ. Cách mạng sẽ bảo vệ đồng chí. Rõ ràng ý thức giác ngộ giai cấp
của đồng chí còn kém, lập trường cách mạng mơ hồ. Nào, hãy nói đi! Hãy nhổ một
bãi nước bọt vào mặt nó đi!
"Đồng chí Hồng" vẫn đứng im,
rơm rớm nước mắt nhìn ông địa chủ bố nuôi đang bị trói quặt tay sau lưng, mặt
mày thâm tím. Cô là người duy nhất dám công khai bênh vực ông. Trong khi đó đám
đông giận dữ bắt đầu nhao nhao la hét:
-
Đánh dập cái lưng gù của nó đi!
-
Con phản cách mạng! Tay sai đế quốc!
-
Bắt nó ra đấu luôn!
-
Treo ngược nó lên mà đánh!
Thấy
cứ để tiếp diễn như thế sẽ bất lợi, ông cán bộ được cử từ tỉnh về chỉ đạo phong
trào bèn giang tay tát mạnh vào mặt "đồng chí" Hồng, làm nó loạng
choạng suýt ngã. Rồi "đồng chí" bị ai đó tức giận đá đít đuổi đi,
nhường chỗ cho những người có lập trường giai cấp vững hơn.
Cô bé gù bỏ ra đồng ngồi khóc
một mình. Tôi lặng lẽ đi theo. Lúc ấy tôi chưa hiểu thế nào là đấu tranh giai
cấp, là tay sai đế quốc hay phản cách mạng. Tôi cũng không hiểu vì sao dân làng
tôi xưa nay vốn hiền lành, chất phác mà bỗng dưng trở nên hung dữ và độc ác như
vậy. Tôi chỉ biết cô nói đúng sự thật, và càng quí cô hơn vì đã dũng cảm nói
lên sự thật đó.
Xét vì còn bé, lại tật nguyền
nên người ta tha không đem cô ra đấu tố và đánh đập như nhiều người khác. Sợ bị
vạ lây, bố mẹ tôi cấm không cho tôi chơi với cô, nhưng chúng tôi vẫn lén lút
gặp nhau.
Mấy
hôm sau người ta treo ngược ông địa chủ bố nuôi cô lên cành cây, cho đốt rơm
phía dưới để bắt ông khai đã giấu tài liệu đế quốc ở đâu. Nóng quá không chịu
nổi, ông nhận ông là gián điệp nước ngoài và xin được thả xuống để dẫn đi lấy
tài liệu mật. Ông dẫn cả đoàn người háo hức đi khắp đồng, khắp làng nhưng chẳng
thấy tài liệu nào. Người ta lại đánh đập, lại treo ông lên để đốt vì tội ngoan
cố, còn dám đùa với cách mạng. Nửa tháng sau ông chết vì các vết bỏng quá nặng,
hai ngày trước khi có giấy ở trên gửi xuống "sửa sai" và minh oan cho
ông.
Những
năm cải cách ruộng đất, đồ đạc, thóc gạo và cả ngôi nhà của ông đều bị tịch thu
đem chia cho nông dân. Nhà tôi cũng được chia một đôi chum rất to, bị vỡ trong
lần máy bay Mỹ ném bom trúng nhà năm 1966.
Rồi
mọi việc cũng dần dần đi vào ổn định. Với bà mẹ nuôi tháo vát, biết tính toán
làm ăn, gia đình cô lại khá giả và lần nữa lại có thể giúp đỡ hàng xóm, kể cả
những người từng đánh đập và châm lửa đốt chết bố cô. Giữa năm 1967, tất cả
thanh niên làng tôi cùng viết đơn xung phong ra trận. Cả tôi, cô gái gù và Tục,
con trai ông địa chủ phản động. Nhưng ba chúng tôi không được nhận. Tôi được
gửi sang Liên Xô học để sau này hòa bình về xây dựng lại đất nước. Hồng vì cái
bướu trên lưng, còn Tục thì vướng "thành phần không cơ bản". Sau này, khi chiến tranh trở nên ác liệt, Tục
được nhập ngũ và anh đã hy sinh ở Quảng Trị.
Thú
thật từ ấy, do bận bịu học hành, rồi công tác, hoặc đơn giản do vô tâm, tôi ít
khi nghĩ tới cô bạn gù tuổi thơ của mình. Suốt bảy năm ở nước ngoài tôi chẳng
một lần gửi thư cho cô, cũng không một lời thăm hỏi. Về nước, tôi được biết cô
đã là bà cán bộ phụ nữ cấp huyện, một điển hình tốt về mọi mặt, được dự đại hội
chiến sĩ thi đua toàn tỉnh. Bà, và cả tôi nữa, rất vui những lần hiếm hoi chúng
tôi gặp lại nhau. Bà nói ít, chỉ nhìn tôi và cười, nụ cười bẽn lẽn như ngày
nào. Tôi cũng chẳng biết nói gì hơn ngoài những câu xã giao nửa đùa nửa thật mà
người ta vẫn nói trong những trường hợp tương tự. Thậm chí chúng tôi không nhắc
tới chuyện cũ. Chuyện tuổi thơ chúng tôi đẹp đấy, nhưng cũng buồn lắm.
Năm
ngoái tôi về thăm quê đúng lúc bà mới chết ngày hôm trước và người ta đang
chuẩn bị làm lễ quàn. Hơi chút ít sững sờ, tôi vội tới để được nhìn bà lần
cuối. Bà nằm đó trên chiếc giường sạch sẽ trải nệm dày bên chiếc quan tài đợi
sẵn. Khuôn mặt bà vẫn đẹp, đặc biệt rất thanh thản, như suốt bao năm nay bà
không hề có sự mặc cảm của người bị tật nguyền, không hề từng xẩy ra những sự
kiện khủng khiếp của cái năm 52 nọ. Bà chết như một người thực sự hạnh phúc. Bà
xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn như bất kỳ người phụ nữ bình thường
nào. Nghe nói có lần ai đó đem lòng yêu thương bà, muốn hỏi làm vợ nhưng không
hiểu sao bà từ chối. Sau này có người bảo suốt đời bà chỉ thầm yêu một người
nhưng chẳng bao giờ nói ra. Người ấy là tôi. Để chứng minh, người ta cho tôi
xem bà đã nâng niu cất giữ thế nào những cuốn sách tôi viết, cả những bài báo
nhỏ nhất của tôi mà không biết bà gom nhặt từ bao giờ và bằng cách nào. Tuy
nhiên tôi không tin như thế, và nghĩ người ta chỉ đùa.
Còn
lúc này, thắp hương xong, tôi lặng lẽ cúi đầu đứng bên bà. Đang giữa trưa, trời
u ám và có mưa lất phất. Bất giác tôi chợt nhớ bài thơ "Cô gái gù" của Mêgiêlaitis, bài thơ của ông mà cũng là
của tôi.
...Một tối nọ, cô nằm yên không dậy.
Cả trời sao sà xuống, tỏa ánh vàng.
Như món của hồi môn, trời sao ấy
Cô gái gù cho vào bướu đang mang.
...Tôi cúi xuống chiếc quan tài nhỏ bé -
Cô nằm yên bên cửa sổ, che mình
Bằng tấm lụa ánh trăng thêu đẹp đẽ
Dính một vài ngôi sao sáng lung linh...
Cô gái ấy đã làm gì nên tội
Để phải mang một số phận thế này?
Trước cô gái tôi thấy mình có lỗi
Và đau buồn, và day dứt lâu nay...
Hà
Nội, 7.4.2001
(1).
Eđuarđas Mêgiêlaitis (1919 - 1997), nhà thơ lớn Litva, trước đây là một nước
cộng hoà của Liên bang Xô-viết; anh hùng lao động Liên Xô, giải thưởng Lênin về
văn học.
No comments:
Post a Comment