Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Lần đầu tiên ông nghĩ đến tuổi già khi một tối nọ bất chợt
không nhớ nổi ba con số đơn giản của chiếc khóa cũ Liên Xô có từ hàng chục năm
nay. Ngày nào ông cũng mở nó để lên sân thượng, vậy mà bây giờ con số thân quen
ấy bỗng nhiên chui tọt khỏi đầu, để ông hồi lâu bất lực đứng trước cánh cửa
song sắt hoen rỉ.
Bên ngoài trăng sáng, có lẽ trời nhiều sao, gió mát, và từ
sân thượng nhìn xuống thành phố chắc đẹp lắm. Ông muốn ra đó tận hưởng những
thứ xa xỉ không mất tiền ấy nhưng lại phải đứng đây, trên nóc cầu thang ẩm mốc,
tường bụi bám đen xịt này. Trở ngại đơn giản chỉ là cái khóa với ba con số ông
không sao nhớ nổi. Thật kỳ cục mà cũng thật buồn.
Ngồi bệt xuống sàn xi măng, mắt vẫn nhìn ra sân thượng, ông
lẩm bẩm: “Vậy là mình già thật rồi”. Chẳng trách hôm kia lên xe buýt, có người
lịch sự đứng dậy nhường ghế. Nghĩa là ông đã thuộc loại được ưu tiên, như người
tàn tật, phụ nữ có thai và trẻ em. Xe
nào cũng có dòng chữ nhắc mọi người quan tâm tới họ.
Già? Ông đã là người già, ở tuổi năm mươi lăm? Tức là chính
thức được thôi làm việc, thôi cần cho ai đó, và từ nay sẽ sống như những cụ
ông, cụ bà trong phố sáng đi bộ hai tay vung vẩy, chiều tập thái cực quyền với
những động tác nhẹ nhàng và chậm như múa? Những câu hỏi không mấy dễ chịu dù
đúng sự thật mà ông không muốn chấp nhận.
Còn khỏe, tuy tóc bạc sớm có vẻ già trước tuổi, ông vốn là
bác sĩ quân y, thuộc loại “lắm tài nhiều tật” theo cách nhận xét của cấp trên
vốn khó chịu với sự ngay thẳng bộc trực của cấp dưới, nên người ta tìm cách cho
về hưu sớm. Toàn những lý do chính đáng mà với tư cách một quân nhân tự trọng
và luôn phục tùng tổ chức, ông không thể không chấp nhận.
Như vậy là tự đầu hàng? Ông cũng chẳng biết nữa. Để rồi xem.
Ông mới về hưu chưa đầy tháng nay, và như nhiều người khác cùng hoàn cảnh, đang
ở giai đoạn khủng hoảng của sự chuyển tiếp từ chỗ luôn bận bịu sang trạng thái
quá nhàn rỗi chẳng biết làm gì. Vì vậy mà ông hay suy nghĩ, bực bội vô cớ. Sự
cố chiếc khóa hôm nay là một thí dụ.
Để chứng tỏ không chịu đầu hàng, ngay bây giờ ông phải nhớ
bằng được ba con số quái ác kia. Thế là ông lặng lẽ ngồi yên, ngồi rất lâu, thi
gan với mấy song sắt và chiếc khóa cũ.
Khuya, khi cô con dâu sốt ruột lên tìm, ông bảo ông không
muốn ra sân thượng. Cô kia tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng không nói gì.
*
Đang thiu thiu ngủ thì bỗng có chuông điên thoại réo vang
gay gắt giữa bốn bề tĩnh mịch. Lúc ấy đã khuya, có thể gần sáng. Ông lấy làm ngạc
nhiên, thậm chí thoáng lo sợ vì xưa nay không ai gọi cho nhà ông vào giờ này.
Hóa ra chỉ nhầm điện thoại. Thế là mất toi giấc ngủ. Mỗi khi
bị đánh thức giữa chừng, ông thường không ngủ tiếp được nữa. Ông rất khó chịu.
Sao người ta có thể nhầm lẫn như thế để làm phiền người khác nhỉ? Tuy nhiên khi
trả lời máy, ông không trách, thậm chí chẳng cao giọng.
Cô con dâu, đang ngủ với con ở phòng bên vì chồng đi lao
động nước ngoài, sợ có chuyện gì, hé cửa nhìn vào phòng khách, là nơi ban đêm
ông kê thêm chiếc giường bạt để ngủ vì nhà chật.
“Láo lếu. Đang đêm tự dưng dựng người ta dậy. Sao bố không
mắng cho một trận?”
Ông không đáp, lặng lẽ kéo chăn lên sát mũi.
Chưa đầy mười lăm phút sau, chuông điện thoại lại réo, có vẻ
còn gay gắt hơn.
“Tôi đã bảo là anh nhầm, - ông đáp, lần này không giấu nổi
vẻ bực mình. - Anh gọi cho ai, theo số máy nào?.. Vâng, số máy thì đúng, nhưng
tôi không phải người anh tìm!”
“Đây là số điện thoại bố cháu đưa cho cháu. - Người đầu kia
dây nói. - Bố cháu tên là Tâm, bảo khi nào trong nhà có ai đau ốm thì nhờ đến
bác. Hôm nay vợ cháu không hiểu thế nào cứ ôm bụng quằn quại kêu đau. Bác là
bác An, bác sĩ An, bạn thân của bố cháu, phải không ạ?”
“Không, tôi là Bình và không quen ai là Tâm cả. Sao vợ anh
đau bụng lại phải đánh thức người khác dậy vào giờ này? Đau là đau thế nào?”
“Xin lỗi bác, cháu cũng chẳng biết nữa... Có thể chỉ đau
bình thường. Cũng có thể phải đi bệnh viện.- Người kia ấp úng một lát. - Nhưng
thú thật, đi bệnh viện phải có tiền, mà tiền thì nhà cháu không có. Cháu xin
lỗi bác. Lần nữa cháu xin lỗi bác”.
Người đầu kia đặt máy. Ông vẫn cầm chiếc ống nghe kêu tút
tút hồi lâu trên tay.
“Ôm bụng đau quằn quại. Đau kiểu ấy chỉ có thể là ngộ độc
thức ăn nặng hoặc viêm ruột thừa cấp tính. Thế thì có cả chục ông bạn bác sĩ
đến nhà cũng vô ích. Phải ngay lập tức đưa đi bệnh viện. Cái anh này (mà qua
giọng ông đoán còn trẻ và ít kinh nghiệm, chắc phải ở vùng ngoại ô xa) thật rõ
ngớ ngẩn. Mất thời gian tìm ông bạn nào đó của bố, trong khi tính mạng người
bệnh đang được tính từng giờ. Lại còn kêu không có tiền. Không có tiền thì sau
hẵng hay. “Phải đưa ngay, đưa ngay đến bệnh viện gần nhất!” bất chợt ông nói to
ý nghĩ thành tiếng. Rồi ông lấy làm tiếc lúc nãy đã không bảo anh ta làm thế. “Ừ,
sao mình lại quên mất nhỉ? Không khéo do ngu ngốc hắn để vợ chết oan cũng nên”.
Tự nhiên ông thấy lạnh ở sống lưng, thầm lo cho gia đình con người vừa vô cớ
làm mất giấc ngủ của ông.
“Phải lập tức đưa người bệnh đi viện!” Ông lẩm bẩm như đang
ra lệnh cho anh chàng ngu ngốc kia. Rồi ông nằm ngửa, trân trân nhìn trần nhà
tối om, một tay đặt lên máy điện thoại, hy vọng anh ta sẽ gọi lại. Gọi nhầm số
điện thoại.
Ông nằm như thế rất lâu. Bên cạnh, chiếc máy điện thoại vẫn
lì lợm im lặng. Nhưng ông cứ chờ, hy vọng còn kịp. Giấc ngủ đêm nay coi như đã
mất. Mà rồi ông cũng không muốn và không thể ngủ tiếp trong tâm trạng này. Ông
nghĩ tới sự trái khoáy và phi lý của cuộc đời. Cứ lấy ông làm thí dụ. Ông khỏe
mạnh, giỏi nghề, còn háo hức muốn giúp ích cho người khác, thế mà bị tống về
hưu non. Chỉ vì ba con số đơn giản nào đó mà ông bị nhốt trong ngôi nhà ngột ngạt,
không được ra sân thượng lộng gió. Bây giờ đến lượt anh chàng ngớ ngẩn này. Cô
vợ tội nghiệp của anh ta đang quằn quại đau đớn hoặc có thể đã chết, còn anh
chồng thì nghĩ chỉ đau bụng bình thường. Dẫu nhầm, nhưng anh ta đã gọi đúng
người có thể cho lời khuyên quí báu. Thế mà người ấy, tức là ông, lại giận dữ
căn vặn đủ điều, trong khi quên không bảo anh ta làm điều quan trọng nhất là
phải đưa vợ đi ngay đến bệnh viện. Nghĩa là rất có thể chính anh ta đã bắt vợ
chết oan uổng. Còn ông thì sao? Ông có can dự gì vào cái chết ấy không?
Sao anh ta không gọi nữa nhỉ? Biết đâu mình từng có một
người bạn tên là Tâm mà nay đã quên, như quên ba con số của chiếc khóa? Vả lại,
với một bác sĩ, có thực sự phải là bạn mới giúp không? Cú gọi vừa rồi là nhầm
hay đúng số điện thoại?
Với những câu hỏi như thế lởn vởn trong đầu, ông lướt nhanh
quãng đời làm bác sĩ của mình trong quân đội.
Ông tham gia chiến tranh từ ngày đầu cho đến ngày cuối, và
có thể nói không ai chê trách ông điều gì. Ông chưa bao giờ phải cắn rứt lương
tâm vì tắc trách hoặc yếu chuyên môn gây chết người. Tuy nhiên, không nhiều
nhưng cũng có những trường hợp đáng lẽ ông đã có thể cứu sống đồng đội mà đành
bất lực, vì thiếu thuốc, vì được đưa đến trạm quân y dã chiến quá muộn, và vì
trăm nghìn lý do ngẫu nhiên khác của thời chiến. Lỗi không thuộc về ông nhưng
ông vẫn băn khoăn và thường nghĩ đến họ. Đôi tay bác sĩ của ông đã từng chạm
vào hàng trăm, có thể hàng nghìn những cơ thể bị bom đạn xé nát hoặc còn lành
lặn. Nhiều, rất nhiều trong số các cơ thể ấy đã được ông trả lại cuộc sống. Lúc
ấy không có ba con số oái oăm của chiếc khóa rỉ này, không có những đố kỵ và
mưu mô của đồng nghiệp, nên mọi việc đơn giản hơn và cũng dễ dàng hơn.
Lần nọ ở Ngã Ba Đông Dương, người ta đưa đến cho ông một
chiến sĩ trẻ bị ngất vì sức ép bom. Thoáng nhìn ông biết đã quá muộn. Tuy nhiên
ông vẫn cố làm hết những gì có thể, mặc dù không chút hy vọng. Khi thay quần áo
mới cho người chết để đồng đội chôn cất, tự nhiên ông đứng lặng trước cơ thể
trần truồng của anh. Còn nguyên vẹn, đẹp, trắng trẻo, sạch sẽ và hoàn toàn thư
thản. Cơ thể của một đứa bé. Thậm chí ở bộ phận sinh dục lông còn chưa mọc hết.
Người ta bảo mười tám tuổi nhưng ông đoán nhiều lắm chỉ mười sáu. Tự nhiên ông
thấy bủn rủn cả người và thật buồn. Cái buồn này và hình ảnh cơ thể trẻ con ấy
còn bám theo ông rất lâu sau đó. Đến giờ ông vẫn thấy rân rân cái cảm giác lúc
ấy ông vuốt mắt cho người lính trẻ con ấy...
*
Sáng hôm sau, thấy ông có vẻ như bần thần điều gì, cô con
dâu hỏi:
“Chắc đêm qua bố không ngủ được?”
“Ừ”, ông đáp, rồi kể cô nghe điều ông băn khoăn.
“Bố cứ hay nghĩ vớ vẩn. Người ta làm phiền mình, tha cho
không mắng là may, hơi đâu còn giúp với chả không”.
Rồi cô ta bỏ đi làm, tới ngõ không hiểu sao bỗng dừng xe,
nói vọng vào:
“Bố muốn biết ai gọi, thì nhờ bưu điện tìm giúp. Quay 1080
ấy. Họ biết hết”.
“Ừ nhỉ? Sao mình không nghĩ ra điều ấy từ đầu? Biết đâu có
thể còn kip?” Ông vội quay máy hỏi. Người ta cho ông số máy và địa chỉ người
gọi tới nhà ông giờ ấy, ngày ấy. Đó là số máy văn phòng một xã ở huyện Sóc Sơn,
cách Hà Nội bốn mươi cây số. “Không sao, đến đấy hỏi khắc biết!” Ông lập tức
quyết định đi tìm, không thật rõ lắm sẽ định làm gì nhưng vẫn mang theo bộ đồ
nghề bác sĩ và ít thuốc sẵn có trong nhà.
Ông dễ dàng tìm thấy nhà của người cần tìm, một phần lúc ấy
nhà đó đông người vì đang có tang. “Vậy là cô ta đã chết”, ông buồn bã dựng xe,
đứng xa từ bên ngoài nhìn vào, một chốc sau thì quay về. Ông không muốn vào
nhà, không muốn (mà cũng sợ) gặp anh chồng trẻ ngu ngốc kia. Thậm chí không
muốn hỏi xem sự thể thế nào. Cái cảm giác mơ hồ rằng chính mình phần nào can dự
đến cái chết ấy làm ông thấy nặng nề và mệt mỏi.
Tối hôm đó ông nằm mơ thấy ông bất lực đứng bên cánh cửa sắt
nhà ông với chiếc khóa quên mất số mở. Bên kia, chỉ cách mấy mét là anh lính trẻ
con có cơ thể tuyệt đẹp đang dãy dụa vì nghẹt thở. Anh ta vẫy tay ra hiệu ông
tới làm hô hấp nhân tạo. Ông đu cả người lên cánh cửa, cố hết sức xô đẩy nhưng
vô ích. Trong khi nếu nhớ, chỉ cần vặn nhẹ đúng ba con số là có thể đến được
với anh ta, cứu cho anh ta và cho cả thế giới này cái cơ thể trẻ mới bắt đầu
sống ấy. Nhưng ông đã không nhớ. Không sao nhớ nổi. Và ông ôm mặt khóc.
“Đêm qua bố nói mê ghê quá”, cô con dâu nói khi cả nhà ăn
sáng.
“Thế à? Bố nói những gì?”
“Nhiều lắm. Mấy lần nhắc đi nhắc lại câu ‘Không nhầm đâu! Cứ
gọi cho tôi!’. Ra bố vẫn chưa quên việc đang đêm bị người ta dựng dậy à?”
Trước đó ông đã không cho ai biết việc ông lên Sóc Sơn và
cái chết của cô gái kia.
“Có lẽ bố già thật rồi”, trầm ngâm một lúc, ông nói.
Buổi tối, khi ông lên gác định thi gan với ba con số kia lần
nữa thì đã thấy chiếc khóa số được thay bằng một chiếc khóa Minh Khai mới, loại
bằng đồng, chìa còn cắm trong ổ. Ông lẳng lặng đi xuống, không còn muốn bước ra
ban công lộng gió, nơi chắc trời vẫn đầy sao và đẹp như mấy hôm trước.
Từ đó đêm nào ông cũng nằm thao thức mãi, với cảm giác như
đang chờ điện thoại của ai đó.
Hà
Nội, 2004.
No comments:
Post a Comment