Truyện
ngắn. Thái Bá Tân
Nhà ông Phán Lại có
cô con gái xinh người đẹp nết, mười bảy tuổi, cái tuổi đầy mơ mộng pha chút lo
sợ thầm kín rất đặc trưng cho lứa tuổi ấy. Cô đang yêu, hay cũng gần như thế.
Ông làm thông phán ở thành phố
mới dọn về làng, do vậy người ta mới gọi là Phán Lại. Ông vốn người bộc trực,
liêm khiết (chắc vì thế mà thành buồn chán rồi từ quan), hồ hởi chào đón cách
mạng và sự ra đời của chế độ mới. Dù chẳng còn trẻ, những ngày ấy người ta thấy
ông hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể, và là một trong những người đi
đầu trong đoàn biểu tình cướp phá Đồn Thủy rồi kéo về Nhà Hát Lớn cuối tháng
Tám năm 1945. Khi Pháp trở lại, để tỏ thái độ bất hơp tác, ông đưa con gái, cô
Nguyệt Tú, về sống ở làng này, vốn là quê tổ của ông, cách Hà Nội tám mươi cây
số về phía Tây, và được xem là khu an toàn kháng chiến.
Cô Nguyệt Tú đã học hết lớp
chót trường nữ sinh trung học, khá giỏi tiếng Pháp, bằng chứng là chiều chiều
cô ngồi bên cửa sổ đọc tiểu thuyết của các nhà văn tình cảm phương Tây rồi thút
thít khóc một mình. Thậm chí cô còn theo học cả đàn pianô như nhiều tiểu thư
thị thành thời ấy, nhưng sau do gia đình sa sút đành bỏ. Cô là người nhút nhát
hiếm thấy, lại mau nước mắt, và mỗi lần phải nói chuyện trực tiếp với ai, nhất
là đàn ông, khuôn mặt xinh đẹp, trắng nhợt của cô lại đỏ rực, đỏ đến cả hai
tai. Cô sống khép mình, không có chủ kiến mà dường như cũng chẳng muốn có. Rõ
ràng cô sinh ra để được che chở chứ chẳng phải che chở người khác. Cô thực sự
sợ hãi khi thấy các cô gái làng thắt quần móng lợn suốt ngày lăn lê bò toài
trên sườn đồi, hò hét đâm chém các hình nộm, lại cười rất to và nói những lời
cô bịt tai không dám nghe. Các cô kia thì tất nhiên chẳng coi cô ra gì, một con
bé tiểu thư thành phố thuộc “giai cấp ăn bám”, một phần tử “vô tích sự” không
đáng cho họ mời tham gia hội họp và luyện tập.
Thế mà không ai ngờ, không ai
biết chính cái cô ăn bám, vô tích sự ấy và đội trưởng đội du kích của họ đang
yêu nhau, mà không chỉ mới hôm qua hay tuần trước.
Họ quen nhau vì anh đội trưởng
du kích rất cách mạng ấy là thanh niên duy nhất có học trong làng, học xong
trường huyện, con một gia đình phú nông có những ba người đang là bộ đội kháng
chiến và trước đấy nhiều năm nuôi giấu cán bộ, có người bây giờ đang làm to.
Thỉnh thoảng anh sang nhà ông Phán mượn sách. Cũng là điều dễ hiểu. Buồn vì
không có người nói chuyện sách vở, hai người thân nhau, có hôm ngồi rất lâu.
Ông thấy mến anh chàng này vì mặt mày sáng sủa, có văn hóa và ăn nói lễ phép
chứ không như mấy ông bà cách mạng trẻ nông dân ông không dám khinh nhưng thực
bụng chẳng mấy thích thú. Khi tủ sách của mình cạn, chính ông giới thiệu anh
hỏi mượn sách của cô con, là người luôn lỉnh vào phòng đóng chặt cửa mỗi lần
anh đến.
Một hôm, nhận lại cuốn sách
anh trả, thờ thẫn cầm nó trên tay như ve vuốt, là việc cô thường làm một cách
vô thức chẳng hiểu vì sao, cô chợt thấy ở ngay trang đầu có mảnh giấy nhỏ ghi
ba chữ rất nắn nót “Anh yêu em!” Dấu chấm than được tô đậm đến mức suýt thủng
tờ giấy pơ-luya mỏng.
Không khó hình dung đôi má cô
lúc ấy đỏ lên như thế nào. Cô lặng người một lát, lồng ngực nhô lên hạ xuống vì
thở gấp, rồi chạy ù vào giường, nằm ngửa mặt, trân trân nhìn lên trần nhà.
Không thể nói lâu nay cô không cảm tình với anh, nhưng để nhận tờ giấy này thì
quả cô không ngờ và chưa sẵn sàng đón
nhận nó. Cô không biết bây giờ phải làm gì, phải nghĩ gì và nhất là phải có
thái độ thế nào đối với anh ấy. Đặt cuốn
sách lên ngực, cô mân mê tờ giấy, đọc đến hàng chục lần mấy chữ ngắn gọn,
đơn giản mà kỳ diệu ấy. Trước mặt cô hiện lên khuôn mặt sáng sủa của anh với
đôi mắt nghiêm nghị, làn da cháy rám vì suốt ngày chang nắng ngoài trời. Cô
thấy hơi sợ đôi nghiêm nghị ấy, bây giờ cũng như những lần ít ỏi anh nói chuyện
với cô, hầu như chỉ mình anh nói, còn cô thì bẽn lẽn cúi đầu. Anh nói hay, cô
thích nghe anh, thích anh đến mượn sách, dù vẫn luôn tự trách và cười diễu mình
vì sự thích ấy. Thích mà vẫn sợ, như sợ một cái gì đấy xa lạ chưa lý giải nổi.
Anh ấy là người mạnh mẽ, là cộng sản, cách mạng, còn mình thì...
Buổi tối, cô cáo ốm không ăn
cơm, rồi thiếp đi với cuốn sách cùng mảnh giấy vẫn trên ngực và môi khẽ thì
thầm hai tiếng anh ấy cùng nụ cười nửa hạnh phúc nửa lo sợ mơ hồ.
Mấy ngày sau anh gửi trả một
cuốn sách khác, lại kèm tờ giấy trắng với ba chữ “Anh yêu em” như trước, nhưng
lần này, rất sâu phía dưới có viết thêm là nếu cô không dửng dưng với anh thì
hãy để một tờ giấy trắng vào cuốn sách anh sẽ đến mượn ngày mai. Hôm sau đến
nhà ông Phán mượn sách, anh không thấy tờ giấy nào kẹp trong đó. Cuốn sách cũng
không được cô đưa tận tay như mọi lần, mà qua ông bố, còn cô thì được bảo khó ở
đang nằm trong phòng.
Cuốn sách này, và thêm một
cuốn nữa khi nhận lại, cô chợt buồn khi không thấy có tờ giấy với dòng chữ quen thuộc mà cô mong đợi. Nhưng cuối cùng,
dẫu nhút nhát và rất sợ, cô cũng nói được anh ấy biết tình cảm của mình. Tình yêu còn lớn hơn cả nỗi sợ và nghi
ngại. Một lần, ngồi bên cửa sổ thấy anh đang đến, cô nhanh nhẹn bước ra, dúi
vào tay anh một bức thư dài viết sẵn rồi bỏ chạy.
Còn tối nay thì cô đã nhận lời
ra gặp anh ngoài bờ đê sau làng. Chả là chỉ ít hôm nữa anh sẽ lên đường đi bộ
đội tận chiến khu Việt Bắc, có thể một thời gian dài như anh nói.
Cô đã mất những ba ngày để
khâu tặng anh một chiếc khăn mù-soa. Nó được cắt từ thân trước, chỗ che ngực,
chiếc áo dài màu trắng cô mặc thời còn ở trường nữ sinh. Cô thẹn thùng với ý
định kỳ cục ấy, mấy lần định thay bằng miếng vài lụa mới tinh, nhưng cuối cùng
vẫn không thay. Vốn được dạy nhiều về nữ công gia chánh, cô có thể thêu rất
nhiều hình đẹp trên đó, nhưng suy đi nghĩ lại, rốt cục cô chỉ thêu chữ cái tên
hai người, T và H đan lồng nhau, bằng chỉ hồng, rất tinh tế và rất đẹp. Bây giờ
chắc ít người tặng nhau những kỷ vật tình yêu kiểu này, nhưng thời đó là mốt
của các cô gái trẻ mơ mộng tỉnh lẻ. Nhiều lần cô đã khóc khi thêu chiếc khăn
đó, cũng nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống nó, nhưng nghe nói nước mắt con gái
mới lớn không mặn nên không để lại vết ố nào. Có thể vì thế mà anh ấy sẽ chẳng
bao giờ biết được nó đã từng thấm nước mắt người yêu. Không biết rằng nó cũng
từng nhận nhiều, rất nhiều những cái hôn của cô.
Trên đê lộng gió, hơi se lạnh.
Trăng cuối tháng mảnh như chiếc lá cỏ voi bị uốn cong, nhưng trời sáng vì rất
nhiều sao, những ngôi sao to, đẫm nước. Chếch phía Tây là dãy núi thấp mờ đen
có hình con chó nằm phủ phục, đầu hơi ghếch lên, lơ đãng lắng nghe những lời
yêu đương của đôi trai gái sắp xa nhau.
Nhưng họ nói với nhau ít lắm.
Anh nói:
“Anh đi ít năm rồi về. Chờ anh
nhé!”
“Vâng, em chờ”, cô đáp.
Rồi anh với tay định cầm tay
cô. Theo bản năng, cô né tránh, và tới lần thứ ba anh mới có được bàn tay bé
nhỏ, nóng hổi của cô trong tay mình. Bàn tay run run như con chim nhỏ thảng
thốt.
Bằng bàn tay kia, cô móc túi
lấy ra chiếc khăn.
“Tặng đấy. Hãy giữ và nhớ đến
em”.
Con chim - bàn tay càng run
rẩy, thảng thốt hơn.
“Cảm ơn em”, anh nói đơn giản
rồi nhét vào túi trên ngực.
Cô chạnh buồn vì anh không mở
ra xem hoặc không nói thêm đôi câu nữa về nó. Xem gì, nói gì, chính cô cũng
không biết, chỉ thấy hơi buồn.
Họ im lặng khá lâu, tay vẫn
trong tay. Trăng đã chếch ngang đầu, trời sao như sà xuống thấp hơn. Ngoài đê,
trong bụi duối rậm không xa chỗ họ đứng có con gì cứ tỉ tê đơn điệu.
“Em sợ lắm...”
“Em sợ gì cơ?”
“Không biết, nhưng em thấy sợ,
nhất là khi không có anh ở đây”.
“Em nói lạ thật đấy”.
“Không, thật mà. Em sợ... Em
sợ cộng sản, sợ cách mạng...”
Anh phá lên cười:
“Thế thì lại càng lạ. Anh là
cộng sản, là cách mạng đây. Em thấy anh có đáng sợ không?”
“Anh thì không, nhưng người
khác thì em sợ. Họ không thích những người như em. Em nghĩ có thể tốt hơn nếu
em và bố quay lại vùng tạm chiếm”.
“Em hiểu nhầm rồi, - anh lại
cười. - Tại em không chịu tham gia các cuộc họp của bọn anh đó thôi. Cộng sản,
cách mạng mang lại hạnh phúc cho mọi người. Em hiểu chứ? Mọi người! Cách mạng
sẽ...”
Rồi anh nói một thôi, gần như
nguyên xi những gì ông cán bộ tỉnh mới thuyết giảng tối qua về chủ nghĩa cộng
sản, về cách mạng và những điều tốt đẹp của nó.
“Em yên tâm. Cách mạng sẽ bảo
vệ em, che chở cho em! Cho gia đình em! Cho toàn dân!”
“Anh nghĩ như thế thật à?”
“Tất nhiên, nếu không anh đã
chẳng chịu xa em lên đường bảo vệ cách mạng”.
Cô gái khẽ gật đầu, và lần đầu
tiên nắm chặt tay anh.
*
Sáu tháng sau, tức là cuối năm
1952, trong phong trào “Phát động quần chúng đấu tranh chống phản động” ông
Phán Lại bị tòa án cách mạng xử bắn vì tội làm gián điệp cho Pháp. Cô Nguyệt Tú
con ông bị đem đấu tố về tội ăn bám, rồi cô treo cổ tự tử vì không chịu để một
ông cán bộ cộng sản cưỡng hiếp. Khi chết, cô đã nhắc tên anh, một chiến sĩ cộng
sản khác đang chiến đấu bảo vệ cách mạng và chế độ cộng sản tốt đẹp anh đã nói
với cô.
Cái tin này mãi về sau anh mới
biết, vì lúc đó bản thân anh đang bận chỉ đạo thực hiện phong trào ấy ở một nơi
xa. Cũng như trong cuộc cải cách ruộng đất sau này, anh luôn tận tuỵ với công
việc được giao, và không chút nghi ngờ sứ mạng cao đẹp của nó. Anh thực sự tin
vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tính đúng đắn của con đường đã chọn, tin một cách
tuyệt đối pha chút ngây thơ và mù quáng, nên không nghĩ tới sự cần thiết phải
xem xét, kiểm chứng hoặc chiêm nghiệm lại. Anh là mẫu người cách mạng lý tưởng.
Khi lý tưởng cộng sản chui vào đầu anh, một lý tưởng tuyệt đẹp như mọi lý tưởng
khác trên đời, anh choáng ngợp trước cái đẹp cao cả của nó và háo hức vươn tới
mục đích mà ít chú ý tới phương tiện. Mục đích chi phối phương tiện, người ta
dạy anh thế, và một khi mục đích đã cao đẹp thì không có phương tiện nào là
xấu, tức là bất kỳ hành động nào cũng có thể biện minh được, cả khi những hành
động ấy là tàn bạo và phi lý. Con đường cách mạng không bao giờ bằng phẳng và
không thể tránh khỏi một số sai lầm do nhận thức. Cái chết bi thảm đầy oan trái
của hai bố con người yêu anh cũng được nhìn nhận dưới góc độ ấy. Và thật lạ,
dẫu rất đau xót và căm phẫn, anh thấy lòng mình thanh thản hoặc cũng gần như
thế, cả khi nghĩ về những việc anh đã làm trong cuộc vận động ấy. Sai lầm. Sai
thì sửa. Chính lãnh tụ cao nhất của Đảng đã nói lời xin lỗi, mắt rưng rưng. Mắt
anh cũng rưng rưng khi chứng kiến việc này. Có điều cả anh và lãnh tụ không đả
động gì đến việc vì sao và do ai mà những sai lầm tầm cỡ ấy có thể xảy ra, và
liệu một lời xin lỗi như thế có thỏa đáng không trước hàng chục nghìn sinh mạng
bị giết oan.
Tuy nhiên, anh vẫn bị day dứt
bởi một nỗi ám ảnh, nhỏ thôi nhưng dai dẳng và thật bất tiện, rằng chính anh đã
gây nên cái chết của Nguyệt Tú và bố cô. Dẫu không chủ ý, nhưng anh đã nói dối
họ về việc họ sẽ được cách mạng bảo vệ. Không có anh, chắc họ đã trở lại thành
phố và do vậy tránh được bi kịch. Thoạt đầu anh nghĩ đây chỉ thuộc phạm trù đạo
đức. Một lời khuyên sai, hay thậm chí một lời nói dối, suy cho cùng cũng chỉ là
lời nói dối, tức là ở cấp thấp hơn nhiều so với cả một hệ tư tưởng, và rằng
cùng với thời gian nó sẽ nguôi ngoai rồi đi vào quên lãng. Nhưng ác thay, thực
tế diễn ra trái ngược hẳn. Như con vi rút chết người, chấm đen mặc cảm tội lỗi
ấy không mất đi mà ngày mỗi lớn trong anh. Nó bắt đầu tấn công các tế bào cách
mạng đỏ. Nó biến tướng, tù vi rút đạo đức thành vi rút tư tưởng, và vết thương
cứ to dần, to dần...
Năm tháng trôi qua, đến nay,
anh đã là một ông già. Hơn thế, một ông già cô đơn và bệnh tật. Cùng với vết
thương ấy trong lòng, ông đi tiếp con đường cách mạng của mình, qua những năm
tháng sĩ quan thời chiến, đến chức vụ trưởng, thứ trưởng một bộ quan trọng rồi
chức uỷ viên trung ương Đảng. Tiếc rằng đến đây thì bệnh quá nặng và nó đã bộc
phát ra ngoài. Ba lần ông viết tâm thư lên trung ương của ông, thật thà trình
bày quan điểm của mình cùng những đề nghị thay đổi. Chừng ấy lần ông bị kỷ luật
nội bộ, bị cách chức và quản thúc tại gia. Một lần ông nhảy lầu tự tử nhưng
không chết, nay có muốn nhảy tiếp cũng không thể vì chân què không còn có thể
leo gác. Rồi bệnh đau mắt từ nhỏ tái phát, cộng với nỗi buồn bực, đã biến ông
thành người mù.
Cuối cùng, các đồng chí của
ông đã để ông yên vì ông chẳng thể làm gì được nữa. Một ông lão què chân, mù
mắt, sống một mình (vì ông chẳng bao giờ lấy vợ nên không con cháu) trong ngôi
nhà cấp bốn hai phòng ngay sát Hồ Tây, sống với một bà lão giúp việc (do trung
ương chi tiền thuê) hơi giở người nhưng được cái sạch sẽ và chưa một lần quên
nấu ăn để ông phải đói. Lúc này trong đầu ông chỉ toàn màu đên, tịnh không sót
lại một chút nào màu đỏ hừng hực của
thời trẻ.
Ngày nào ông cũng ngồi trên
chiếc ghế được làm bằng hai thanh gỗ thô ráp, nhìn ra mặt nước Hồ Tây vô cảm.
Ngồi lặng lẽ suốt từ mờ sáng đến tối mịt, ấy là theo lời báo cáo lên trung ương
của bà lão giúp việc, chứ ông thì không biết và không thèm để ý đến khái niệm
thời gian trong ngày. Ông còn minh mẫn, thậm chí minh mẫn hơn cả những ngày
trai trẻ, và nếu không mù và còn giấy mực, hoặc chí ít có người viết hộ thì ông
còn gửi nhiều tâm thư nữa cho Đảng yêu quí của ông. Thời kỳ đầu ông còn lẩm bẩm
một mình, có khi gào to với Hồ Tây, nay thì ông im lặng, suốt ngày im lặng, và,
cũng theo lời bà già chỉ điểm kia, “lúc nào cũng luôn tay mân mê một chiếc khăn
mù-soa bẩn thỉu bị thủng một lỗ bằng ngón tay ở góc”. (Đó là vết đạn xuyên
trúng phổi ông cuối chiến dịch Điện Biên). May người ta cho đó là dấu hiệu lẩm
cẩm của một ông già lẩn thẩn nên nó không bị tịch thu.
Hà nội, 13. 8. 2004
No comments:
Post a Comment