Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Ông
cụ ốm liệt giường đã lâu, nhưng chỉ khi biết mình sắp chết mới cho đánh điện
gọi anh con trai duy nhất tận thành phố Sài Gòn về. Cũng ngay hôm ấy, ông cụ
bắt cô Nhàn chuyển ông từ chiếc giường gỗ đang nằm sang chiếc chõng tre ọp ẹp
kê sát tường đối diện. Ông cụ cũng bắt thay cả chiếc chăn bông vải chéo hoa còn
mới và dày bằng chiếc chăn chiên cũ, tuy trời hẵng còn lạnh.
Cô
Nhàn là cháu gọi ông cụ bằng bác. Cô bốn mươi tuổi chưa chồng, được giao nhiệm
vụ chăm sóc người ốm. Khi hiểu vì sao ông cụ làm vậy, cô kịch liệt phản đối nhưng
vốn nhút nhát, lại bị mắng nên phải
chiều theo. Thế là từ đấy, nằm trên chõng với chiếc chăn mỏng trùm kín đầu, ông
cụ vừa rên vì bệnh tật dày vò, vừa nóng lòng chờ con trai và cái chết.
Ông
cụ năm nay đã ngoài tám mươi, vốn ăn được, ngủ được, khỏe mạnh đến mức các cụ
già khác trong làng phải ghen tỵ, thế mà đùng một cái bỗng lăn ra ốm. Ốm gì
chính ông cũng chẳng rõ, chỉ thấy đau toàn thân, đau âm ỉ và dai dẳng; các khớp
như bị tháo tung. Chỉ có cái đầu còn tỉnh táo, thậm chí tỉnh táo hơn bình
thường. Ông cụ biết đó là thứ bệnh của người già sắp chết, nên không chịu cho
mời thầy thuốc. Ý nghĩ về cái chết không làm ông lo sợ, trái lại, nhiều khi còn
thấy xấu hổ vì mình sống lâu quá, như thể tranh mất phần của con cháu. Lúc này
ông cụ chỉ băn khoăn một điều là nhỡ con trai không về kịp, để ông chết không
có người ruột thịt kề bên.
Ba
ngày trôi qua mà vẫn không thấy anh con xuất hiện.
Ông
cụ bắt đầu lo lắng. Cái đau có vẻ dịu bớt nhưng để lại một cảm giác tê dại,
lành lạnh. Đó là dấu hiệu báo trước rằng cái phải đến sắp đến.
Như
tất cả những người khác trong làng, suốt đời ông cụ gắn bó với cánh đồng chiêm
trũng nơi quê nhà, và cũng như người khác, luôn phải vật lộn với cái nghèo, cái
vất vả của anh làm ruộng. Vợ ông chết từ hồi đánh nhau với Pháp, chết trong một
cuộc chạy giặc cùng đứa con gái đầu lòng. Còn lại hai người con trai thì một đi
bộ đội hy sinh đâu đó bên Lào; người kia, tức là người ông đang nóng lòng chờ
đợi, sau nhiều năm đi hết nước này nước khác khắp thế giới, cuối cùng về đóng
đô ở Sài Gòn, nghe nói làm nghề ngoại giao hay ngoại thương gì đấy ông không rõ
lắm. Không lộ ra ngoài nhưng trong lòng ông rất tự hào về con trai, luôn cảm ơn
trời phật cho nó sống sót để thừa kế chức trưởng họ, thay cha hương khói tổ
tiên các dịp lễ lạt. Sắp tới đây, chính nó sẽ tự tay ghi ngày tháng ông chết
vào cuốn gia phả dòng họ, có điều không phải bằng chữ nho mà chữ Tây.
Năm
ngoái con ông về quê, một hai đòi đưa bố vào Nam cùng ở với gia đình ông ta.
Còn nhà thì "bán đi, được đồng nào thì được, không thì cho ai đó trong họ,
như cô Nhàn chẳng hạn", ông con bảo thế. Tất nhiên ông cụ không đồng ý.
Ông chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày sống hoặc chết, nhất là chết, đâu đấy xa ngôi
làng thân thuộc, xa dòng họ đông đúc mà ông đảm đương trách nhiệm tinh thần.
Ông buồn, thầm trách con, người trưởng họ tương lai, lại có thái độ hờ hững với
quê hương và ngôi nhà tổ tiên như vậy.
Tuy
nhiên lần ấy ông cụ cũng theo con vào Sài Gòn để "thăm cháu và chữa
bệnh" như ông nói với hàng xóm. Thực ra ông cũng tò mò muốn ngó qua một tý
xem cái Sài Gòn là gì mà người ta hay nhắc tới thế.
Có
thể nói chuyến đi làm chấn động mạnh đầu óc và cơ thể vốn đã già yếu của ông.
Ông cụ được đưa ra Hà Nội, chơi đấy vài ba hôm, vừa xem qua thành phố, thăm
công viên, vườn bách thú, tối đi xem tuồng, xem xiếc, vừa chờ may vài bộ quần
áo mới. Rồi có người đưa ông lên máy bay vào Sài Gòn, khi xuống đã có ô tô đợi
sẵn. Ở nhà con, ông cụ được dành hẳn một phòng trong tòa biệt thực hai tầng
xinh xắn ngay trung tâm thành phố. Theo yêu cầu của con cháu, ông cụ phải nằm
đệm mút, tắm nước nóng và uống cà phê mỗi sáng. Đêm, nếu không được đưa đi chơi
đâu đó thì ngồi xem ti vi hoặc nghe nhạc xập xình với những thùng loa to như
chiếc tủ con, nghe đến thấy tức trong
ngực. Nghĩa là ông cụ được chủ ý cho thưởng thức hết những cái hay ho
của cuộc sống văn minh hiện đại mà một gia đình thuộc loại trung lưu có thể
mang lại.
Con
dâu và các cháu đối xử rất lễ độ và chu đáo. Nhưng vốn quen cuộc sống nông thôn
mộc mạc, chính các tiện nghi và sự chăm sóc chu đáo ấy lại làm ông thấy bất
tiện và phải luôn trong tình trạng giữ ý căng thẳng, để khỏi làm điều gì đấy bị
coi là thiếu lịch sự. Cuộc sống thành phố khiến ông thấy mệt. Sau những ngày
đầu choáng váng, ông bắt đầu nhìn những người xa lạ xung quanh bằng con mắt vừa
hờ hững vừa sờ sợ. Cả trong ngôi nhà của con trai ông cũng thấy mình như người
lạc từ đâu lạc vào, chẳng ăn nhập tý nào với những đồ vật chung quanh.
Điều
đầu tiên làm ông cụ thất vọng là không thấy có chỗ thờ cúng với cái lư hương
quen thuộc mà một người như con ông lẽ ra phải có. Thay vào đó là những đồ mạ
kền sáng loáng, những bức tranh phụ nữ nửa kín nửa hở. Mấy lần ông thử nói với
con chuyện quê hương, họ hàng, về những việc mà nay mai khi ông chết con ông sẽ
phải lo đến, như chữa lại nhà thờ, bốc mộ ông bà quy về một chỗ ở chân Núi Mục,
vân vân, nhưng xem ra con ông không quan tâm lắm. Ông ta luôn chăm chú ngồi
nghe, không đồng ý mà cũng không phản đối. "Nó chẳng thiết gì đến tổ tiên
làng xóm". Ông cụ thở dài, thầm chua xót thấy con trai, con dâu và hai đứa
cháu duy nhất - mà toàn gái - là những người vừa gần gủi, vừa xa lạ, vừa như
con cháu ông mà cũng như không phải con cháu ông...
Định
ở với con một tháng, được mười ngày ông cụ đã nằng nặc đòi về, và chưa đầy nửa
năm sau thì bắt đầu ốm cho đến bây giờ.
"Nó
chẳng còn gắn bó với mảnh đất này nữa, cũng không cần gì ở mình, ở ngôi nhà
này, - ông cụ lại thở dài. - Con cái ăn nên làm ra, đi đây đi đó cho bằng thiên
hạ là tốt, nhưng gì thì gì, cái gốc, cái nguồn vẫn là trên hết. Suốt đời xa
nhau, những ngày sắp chết cha con phải ở bên nhau chứ".
Rồi
ông cụ bắt đầu nhớ lại việc ông ngày xưa chứng kiến cái chết của cha ông như
thế nào. Việc đó xảy ra cách đây năm mươi năm. Gia đình và nói chung cả dòng họ
ông bao đời nay chỉ làm ruộng, nên tất nhiên đều nghèo đói như nhau. Khác
chăng, đến đời ông, cuộc sống mới dễ thở hơn ít nhiều. Cũng chính ông là người
đầu tiên xây được ba gian nhà gạch, sắm đôi ba thứ trong nhà đáng gọi đồ vật,
đấy là chưa nói việc con trai ông được học hành tử tế thành cán bộ nhà nước.
Nhà
đông người. Mẹ ông mười một lần sinh, chỉ sống bảy, ông là con cả. Ngày cha
chết, cả bảy người con đều có mặt. Trước đấy cha ông đi làm thuê - xẻ gỗ và làm
mộc vặt vãnh - mấy tháng liền tận Mường Xén giáp Lào. Tiền chẳng kiếm được bao
nhiêu, nhưng mắc bệnh sốt rét cấp tính, phải nhanh lắm mới kịp về nhà để chết.
Là con trưởng, ông đứng ra lo mọi việc, và theo lệ thường, được hưởng gia tài
bố mẹ để lại (bà mẹ chết mấy năm trước đó). Gọi là gia tài nhưng thực ra chẳng
có gì ngoài mấy sào ruộng xấu đã chia dần cho các em ông lúc ở riêng. Một ngôi
nhà tranh tường trát đất mà sau này khi xây nhà ngói ông tháo dỡ làm bếp, cộng
ít đồ đạc vặt vãnh, trong đó có giá trị nhất là chiếc giường ông đang nằm.
Đó
là chiếc giường cổ gỗ lim, các cạnh bị bào mòn, trơn và đen nhánh. Nó không
phải giường một nhưng cũng chưa đủ rộng thành giường đôi, hình dáng cổ lỗ,
thành giường cao nên trông na ná chiếc máng lợn khổng lồ; chân thấp và mảnh,
trong khi hai phần đầu và cuối giường rất cao, gồm nhiều chấn song dài ngắn
khác nhau. Chiếc giường này có thể một thời được xem là đẹp, bây giờ nó gây cảm
giác nặng nề và hơi ngồ ngộ.
Bản
thân ông cụ không biết nó có từ bao giờ và lọt vào nhà ông bằng cách nào. Lớn
lên ông đã thấy nó. Có lẽ lúc chết, ông nội để lại cho cha ông. Về phần mình,
có thể ông nội nhận được nó từ các bậc tổ tiên trước đấy. Ông nhớ một ngày
trước khi qua đời, theo yêu cầu của người hấp hối, chính tay ông bế cha từ
chiếc giường này đặt xuống chiếc chiếu cũ trải dưới sàn đất lạnh, vì theo tục
lệ bao đời nay của vùng này, tất cả quần áo, chăn màn và giường người chết nằm
lúc chết sẽ bị đốt hết. Chăn bông thời ấy chưa có, nhưng chiếc áo nâu còn tương
đối mới được cởi ra thay bằng chiếc khác đã rách. Ở quê ông xưa nay việc ấy
được xem là bình thường, vì người chết không nhất thiết phải mang đi những gì
người thân thích nghèo khổ của mình đang cần đến. Chính nhờ thế mà hết thế hệ
này đến thế hệ khác, chiếc giường tuy thô xấu nhưng vững chắc này được truyền
lại cho ông cụ, ông nội, cha ông và cuối cùng là ông, như sợi dây liên tục nối
liền cả dòng họ. Còn bây giờ đến lượt ông và con ông thì sao?
Ông
cụ tự hỏi mình, vô tình trước mắt lại hiện lên quang cảnh Sài Gòn sặc sỡ, nhộn
nhịp, nơi có ngôi biệt thự xinh xắn với những chiếc giường mô đéc được đánh véc
ni bóng lộn, có đệm mút và vải trải giường màu trắng mà con cháu ông vẫn nằm.
Thầm trong đầu, ông đặt chiếc giường cổ lỗ của mình cạnh chúng, nhưng liền vội
vã bê nó đi với cảm giác ngượng ngập, như khi lần đầu ông thấy mình lạc vào
giữa những con người thành phố hiện đại.
Thực
ra ông cụ thấy chẳng có gì phải kêu ca về cuộc đời mình. Đã nông dân ai chẳng
có lúc vất vả hoặc thiếu đói. Ông cũng xây được nhà gạch, kiếm đủ cái ăn, được
xã hội và con cháu chăm sóc tử tế. Đời ông nay khác xa tổ tiên xưa kia, có thể
vì thế, như dấu hiệu của sự đổi khác ấy, phải chăng bây giờ ông là người đầu
tiên có thể yên tâm nằm chết trên chiếc giường của mình? Được chết trên giường
cũng hạnh phúc lắm chứ?
"Con
mình chẳng còn cần ngôi nhà này, cái giường này và cả cái làng này nữa, - ông
cụ chua xót nghĩ. - Đúng thế. Nó đã là người khác hẳn. Con cháu và con cháu của
con cháu nó có lẽ cũng vậy. Mỗi thời mỗi khác, biết làm thế nào được. Nhưng...
Nhưng không lẽ chiếc giường, dù xấu xí và
không còn chút giá trị nào nhưng đã được truyền đời này sang đời khác,
nay đến ông sẽ bị đốt thành tro, và bị đốt theo nó là dấu vết tổ tiên, nghĩa là
sợi dây liên hệ giữa các đời với nhau bị đứt?..."
Ông
cụ nằm suy nghĩ mãi như thế suốt thời gian ốm, cho đến một hôm, như đã nói, ông
sai cô Nhàn đưa ông sang nằm trên chõng tre và thay chiếc chăn bông vải hoa
bằng chiếc chăn chiên mỏng.
Khi
con trai về thì ông cụ đã yếu lắm, yếu đến mức cái đầu vốn tỉnh táo cũng trở
thành nặng trĩu. Ông cụ chỉ mơ hồ biết con đã về, hình như đang to tiếng mắng
cô Nhàn chuyện gì đấy. Sau đó ông cụ cảm thấy được một đôi tay khỏe mạnh nhấc
bổng khỏi chõng tre, đặt lên giường. Tiếp đến là cảm giác ấm áp, dễ chịu của
chiếc chăn bông đang phủ lên người.
Sáng
hôm sau, ông con trai đứng lặng khi thấy bố mình nằm chết trên sàn nhà ẩm lạnh,
mặt úp xuống đất, một tay bám vào chiếc chõng tre đặt sát tường đối diện.
Diễn Châu, 1985
No comments:
Post a Comment