QUYỀN CỦA BẠN
Suy cho cùng, Cuộc Sống
Có quyền làm bạn đau.
Cũng có quyền, người khác
Bắt bạn phải buồn rầu.
Không ai muốn đau đớn,
Nhưng vấn đề thế này:
Bạn có quyền đứng dậy,
Hay ngồi khóc suốt ngày.
LẠI NÓI VỀ HẠNH PHÚC
Nếm trải bao sóng gió
Những mối tình phù hoa,
Người đàn ông mệt mỏi,
Một hôm trở về nhà.
Cơm vẫn thế, đạm bạc.
Vợ vẫn thế, vợ mình.
Thế mà chợt thấm thía
Cái hạnh phúc gia đình.
Người đàn bà từng khóc,
Khóc nhiều lần, vì yêu
Những hoàng tử xinh đẹp
Cùng những áng mây chiều.
Rồi một hôm, cảm động,
Ngồi lên xe một người,
Một chàng đi xe đạp,
Cùng đi hết đường đời.
Hạnh phúc thường vẫn vậy,
Dung dị, không cao siêu,
Mà vẫn có hoàng tử
Và những áng mây chiều.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Khi những người tử tế
Chọn cách sống co mình,
Không tham gia chính sự,
Tức là họ vô tình
Chấp nhận bị cai trị
Bởi những người xấu xa.
Và đó là cái giá
Cho họ và quốc gia.
ĐIỀU TỒI TỆ
Thực ra điều tồi tệ
Không phải không có ai
Để chúng ta yêu dấu
Và gắn bó lâu dài.
Mà điều tồi tệ nhất
Là khi có một người
Đến, làm ta quên hết
Phần còn lại cuộc đời.
Rồi người ấy bất chợt
Bỏ chúng ta ra đi.
Để lại một thế giới
Trống vắng, không có gì.
Thế giới trống vắng ấy
Cùng một vết thương lòng,
Đã làm ta hoảng sợ.
Nhất là sợ lấy chồng.
PHỤ NỮ
Phụ nữ, cứng rắn mấy
Cũng có lúc mềm lòng.
Họ cần có điểm tựa.
Điểm tựa ấy là chồng.
Vợ, dù thông minh mấy,
Thì vẫn là đàn bà.
Họ muốn chồng quyết định
Những việc lớn trong nhà.
Phụ nữ, tốt hay xấu,
Khi đã về nhà chồng,
Điều duy nhất họ muốn,
Đó là sự cảm thông.
Phụ nữ là phái yếu,
Dù có mạnh đến đâu.
Khi họ khóc, im lặng
Đứng cho họ tựa đầu.
ĐẠO, NGHĨA VÀ ĐỨC
Người thực sự biết Đạo
Không bao giờ khoe khoang.
Người thực sự biết Nghĩa
Không ham tiền, ham vàng.
Người thực sự biết Đức
Chỉ thích sống bình yên,
Biết cả ba cái ấy
Là những bậc thánh hiền.
KHÓ ĐẤY
Đúng, ta luôn tử tế,
Không tham nhũng một đồng.
Nhưng nếu có điều kiện,
Ta có tham nhũng không?
Tham nhũng giờ dễ lắm,
Đã là chuyện bình thường.
Không bị ai trừng phạt.
Cũng một dạng tiền lương.
Một câu hỏi khó đấy.
Đừng vội trả lời ngay.
Đúng, ta luôn tử tế,
Nhưng rất khó điều nay.
Nhắc lại: Nói chuyện nghĩa,
Ai cũng là thánh nhân.
Nhưng khi mèo gặp mỡ,
Chuyện mới vỡ ra dần.
CON SÒ TÌNH YÊU
Việc tìm chồng, kén vợ,
Như xưa, ta hàng ngày
Ra bãi biển tìm ốc,
Kiên nhẫn và mê say.
Thường thì ta chỉ chọn
Con ta thích, nói chung,
Không phải con đẹp nhất.
Nhiều khi rất lạ lùng.
Những con sò thời bé
Ta cố tìm thật nhiều.
Giờ ta chỉ được phép
Chọn một người để yêu.
Con sò tình yêu ấy,
Một khi đã chọn xong,
Đừng đi ra bãi biển,
Kẻo lại rối tơ lòng.
CHỜ ĐỢI
Bản thân sự chờ đợi
Không đáng sợ lắm đâu.
Cái thực sự đáng sợ
Là phải chờ bao lâu.
Nhưng điều đáng sợ nhất
Là cuối cùng, bất ngờ
Ta thấy cái chờ đợi
Không đáng để ta chờ.
TỰ TIN
Có thể ta chưa giàu
Để người ta chú ý.
Có thể ta chưa xinh
Để người ta yêu quí.
Nhưng quan trọng ở đời,
Cần biết điều sai trái.
Cần tự tin, để ta
Không cần ai thương hại.
BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Để thành công, xin có
Một bí quyết nho nhỏ:
Hãy làm việc bình thường
Bằng nghị lực phi thường!
Không có việc gì nhỏ.
Việc cần làm thì làm,
Không dây dưa trì hoãn.
Mà làm phải ra làm.
Chính nhờ bí quyết ấy,
Quỹ thời gian như nhau,
Tôi làm được nhiều việc,
Bạn thì chưa chắc đâu.
Vậy nhé, bạn đang có
Một bí quyết nho nhỏ:
Hãy làm việc bình thường
Bằng nghị lực phi thường!
LỜI ƯỚC CỦA VUA MIDAS
Ngày xưa ở xứ nọ
Có ông vua rất giàu,
Tên gọi là Midas.
Phải nói ông cực giàu.
Cả một gian phòng lớn
Trong lâu đài của ông
Chất tận nóc, chật cứng,
Những thỏi lớn vàng ròng.
Hơn thế, ông vua ấy
Lại yêu vàng nhất đời.
Hơn cả cái quí nhất,
Là cô con lên mười.
Một hôm, như thường lệ,
Ngắm kho vàng của mình,
Bất chợt ông nhìn thấy
Một cậu bé rất xinh.
Cậu bé rất xinh ấy
Là thiên thần nhà trời,
Muốn dạy ông bài học
Về ý nghĩa cuộc đời.
“Nếu có một điều ước,
Đức vua muốn ước gì?
Tôi giúp vua điều ấy.
Vậy xin ngài chọn đi.”
“Thế thì ta sẽ ước,
Nếu ngươi nói thực lòng:
Mọi cái tay ta chạm
Sẽ biến thành vàng ròng.”
Thiên thần đáp: “Rất tốt.
Ngay từ sáng ngày mai
Khi mặt trời mới dậy,
Sẽ đúng như ý ngài.”
Đêm ấy vua không ngủ,
Sốt ruột chờ rạng ngày.
Đúng khi mặt trời mọc,
Vua hồi hộp chạm tay
Vào chiếc bàn, chiếc ghế
Và chiếc giường trong phòng.
Lập tức những cái ấy
Đều biến thành vàng ròng.
Vua kêu lên sung sướng.
Mọi đồ vật khắp nơi
Chẳng bao lâu sau đó
Đều thành vàng sáng ngời.
Một lát sau vua mệt,
Vào phòng ăn, và rồi
Với tay cầm cốc rượu,
Nhưng cốc rượu, than ôi,
Lập tức đông đặc lại,
Không uống được. Vội vàng
Vua liền cầm quả trứng -
Nó cũng biến thành vàng.
Từ vui thành ngơ ngác,
Vua bối rối trong lòng.
Cô con nhỏ chạy đến,
Lao vào vòng tay ông.
Lập tức cả cô bé,
Nhí nhảnh và xinh tươi,
Biến thành bức tượng nhỏ,
Trên môi còn nụ cười.
Giờ thì Midas hiểu
Chuyện gì đang xẩy ra.
Tay ôm mặt, ông khóc,
Hai hàng lệ chảy nhòa.
Cuối cùng ông van lạy
Xin thiên thần cho ông
Rút lại lời ước ấy
Về vật hóa vàng ròng.
Vậy là vua học được
Một bài học làm người,
Rằng vàng không là cái
Quí trọng nhất trên đời.
PANDORA
Lần nọ, buồn, thần Dớt
Sai các thần của mình
Vắt một người phụ nữ
Bằng đất sét, rất xinh.
Người ấy có đầy đủ
Các đặc tính đàn bà.
Ngài cho xuống hạ giới,
Tên là Pandora.
Trước khi đi, ngài tặng
Một chiếc hộp bằng vàng
Được khóa rất cẩn thận,
Và nhiều lần dặn nàng
Không bao giờ mở nó,
Cho dù lý do nào.
Pandora đồng ý,
Dẫu không hiểu vì sao.
Nàng bay xuống hạ giới,
Luôn ấm ức trong lòng,
Vì tò mò muốn biết
Có cái gì bên trong.
Rồi cái tò mò ấy,
Đặc trưng của đàn bà,
Cuối cùng đã chiến thắng -
Một hôm, Pandora
Nhân lúc chồng đang ngủ,
Trong nhà không có ai,
Nàng lén mở chiếc hộp.
Lập tức bay ra ngoài
Đủ các loại tội lỗi
Và bệnh tật trên đời.
Từ đó gây tai họa
Cho nàng và loài người.
Từ đó người thành ác,
Sống không còn vô tư.
Tham lam và ghen tị,
Nhiều tật xấu, thói hư.
Cũng may trong chiếc hộp,
May cho Pandora,
Sót lại chút Hy Vọng.
May cho cả chúng ta.
CÂY SÁO THẦN
Xưa có chàng trai nọ,
Thông mình và khôi ngô,
Con của Ca-li-ốp
Và thần A-pô-lô.
Chàng làm nghề chăn thú.
Tên chàng là Ooc-phê,
Có biệt tài thổi sáo
Làm lòng người say mê.
Khi nghe sáo chàng thổi,
Chiếc sáo nhỏ bằng vàng,
Thú dữ nằm ngoan ngoãn,
Cây đứng im mơ màng.
Khi vợ, Ơ-ri-đit,
Không may chết, Ooc-phê
Đi xuống tận Địa Ngục,
Quyết tâm đưa nàng về.
Bên dòng sông Stix,
Chàng thổi cây sáo thần.
Hay và buồn đến mức
Thần Ha-đet phân vân,
Rồi cuối cùng đồng ý
Trả lại vợ cho chàng,
Nhưng dặn khi trở lại,
Chàng phải đi trước nàng.
Và rồi, quan trọng nhất,
Chàng không được ngoái đầu,
Dù một lần để thấy
Vợ mình đi phía sau.
Con đường từ địa ngục
Quay trở lại cõi người
Tối tăm và nguy hiểm,
Men vách núi chơi vơi.
Chàng lặng lẽ đi trước,
Lo cho vợ phía sau.
Cuối cùng không kìm được,
Nên chàng đã ngoái đầu.
Thế là chàng vĩnh viễn
Mất người vợ thân yêu.
Từ đó, chàng chỉ biết
Trên bãi cỏ, chiều chiều
Đem sáo thần ra thổi.
Tiếng sáo thật não lòng.
Tiếng tình yêu bất diệt
Của đạo nghĩa vợ chồng.
PƠ-SI-SHÊ VÀ THẦN TÌNH YÊU Ê-RÔT
Có ông vua nước nọ
Sinh được ba người con.
Ba công chúa xinh đẹp.
Phải nói đẹp mê hồn.
Tuy nhiên, phải thừa nhận,
Xinh nhất trong ba người -
Pơ-si-shê, cô út,
Đúng là xinh tuyệt vời.
Nàng xinh đẹp đến mức
Chính nữ thần tình yêu,
Là nàng A-phrô-đit,
Phát ghen, mà ghen nhiều.
Sợ nữ thần nổi giận,
Nên dẫu rất yêu nàng,
Các hoàng tử thời ấy
Không ai dám tơ màng.
Hai cô chị đến tuổi,
Được nhanh chóng gả chồng.
Còn nàng, xinh đẹp nhất,
Thì không vẫn hoàn không.
Vua cha rất phiền muộn,
Làm lễ tế thật to,
Đến hỏi các thầy tế
Của thần A-pô-lô.
Than ôi, các thầy tế
Phán rằng con gái ngài
Thật tiếc, sẽ phải chết,
Mà chết ngay ngày mai.
Các thầy tế thời ấy
Được xem như thần linh,
Nên vua phải chuẩn bị
Cái chết cho con mình.
Ông vua già vừa khóc,
Vừa đưa Pơ-si-shê
Lên một mỏm núi đá,
Rồi một mình quay về.
Đúng lúc nàng định nhảy
Xuống vực thẳm đen sì,
Thì Thần Gió xuất hiện,
Đỡ nàng rồi bay đi.
Thần cứ bay, bay mãi,
Cuối cùng họ dừng chân
Trước một lâu đài lớn
Của Ê-rôt, bạn thần.
Ê-rôt, như ta biết,
Là vị thần Tình Yêu,
Một chàng trai tuyệt đẹp
Với đôi cánh mĩ miều.
Vì lo nàng hoảng sợ
Bởi đôi cánh của mình,
Ê-rôt liền tự biến
Thành một người tàng hình.
Bằng những lời âu yếm,
Ê-rốt luôn dặn nàng
Không bao giờ tìm cách,
Dù một lần, nhìn chàng.
Pơ-si-shê từ đó,
Sống cùng thần Tình Yêu
Trong lâu đài ánh sáng
Giữa những áng mây chiều.
Tự lúc nào không biết,
Nàng đem lòng yêu chàng,
Người tàng hình dấu mặt,
Một tình yêu dịu dàng.
Như trong giấc mơ đẹp,
Nàng ngây ngất vì tình.
Không nhìn thấy Ê-rôt,
Nhưng biết chàng bên mình.
Một thời gian sau đó
Nàng chợt thấy nhớ nhà,
Bèn xin phép Ê-rôt
Cho gặp chị và cha.
Ê-rôt không đồng ý.
Nhưng nàng khóc, và chàng
Cuối cùng đành miễn cưỡng
Cho hai chị gặp nàng.
Một lần nữa Thần Gió,
Lại dang cánh bay đi,
Đưa hai chị nàng tới
Lâu đài này diệu kỳ.
Tuy nhiên, hai cô chị,
Thấy lâu đài bằng vàng
Và em mình hạnh phúc,
Lại ghen ghét với nàng.
Họ nói rằng Ê-rôt
Là quái vật trá hình.
Hắn giả vờ âu yếm
Chỉ cốt để lừa tình.
Và rằng nàng nhanh chóng
Phải trốn đi thật nhanh.
Nàng không tin, tuy vậy,
Lòng không còn yên bình.
Một hôm, không ngủ được,
Bị thôi thúc, và nàng
Tay cầm cây nến nhỏ
Lén bước vào phòng chàng.
Thay cho con quái vật,
Nàng nhìn thấy trước mình
Một chàng trai tuyệt đẹp
Với đôi cánh xinh xinh.
Không may, một giọt nến
Rơi xuống chàng, tức thì
Chàng mở mắt, hiểu chuyện,
Buồn, vỗ cánh bay đi.
Lòng vô cùng hối hận,
Nàng khóc, ra bờ sông
Gieo mình, tìm cái chết,
Mong vợi bớt nỗi lòng.
Pan, vị thần tốt bụng
Nổi tiếng hay thương người,
Thần của người chăn thú,
May cứu nàng kịp thời.
Thần nói: “Đừng yếu đuổi.
Hãy bình tĩnh, thông minh.
Xin thần A-phrô-đít
Tha thứ và giúp mình.”
Nữ thần A-phrô-đit
Vẫn ghen và giận nàng,
Một công chúa trần tục
Yêu con thần, là chàng.
Thần giả vờ đồng ý,
Giao cho Pơ-si-shê
Một loạt những nhiệm vụ
Khó khăn và nặng nề
Mà thần biết chắc chắn
Không người trần tục nào
Có thể thực hiện được,
Dù cố gắng ra sao.
Thế mà nàng, làm được,
Nhờ những người vô hình
Mà Ê-rôt phái đến
Giúp người yêu của mình.
Cuối cùng A-phrô-đit
Bắt nàng Pơ-si-shê
Xuống địa ngục tìm kiếm
Lấy và rồi mang về
Một chiếc hộp kỳ diệu
Đựng các đồ hóa trang
Để thần dùng, hy vọng
Trở thành đẹp hơn nàng.
Đây là việc cực khó
Và nguy hiểm xưa nay.
Nhờ Ê-rốt giúp đỡ,
Nàng làm được việc này.
Lấy được chiếc hộp ấy,
Chờ nữ thần, nóng lòng,
Nàng hé nhìn chiếc hộp,
Xem có gì bên trong.
Một luồng khí hôi thối
Từ trong hộp bay ra.
Nàng hít phải, chết ngất.
Bỗng trong tia chớp lòa
Thần Ê-rôt xuất hiện.
Chàng lấy mũi tên vàng
Chạm vào nàng, lập tức
Nàng tỉnh dậy, và chàng
Đưa nàng quay trở lại
Tòa lâu đài của mình,
Nơi hai người lần nữa
Lại thề thốt, tỏ tình.
Thần Tình Yêu Ê-rôt
Phải thuyết phục khá lâu,
Mẹ mình, A-phrô-đit,
Mới nhận nàng làm dâu.
Hai người làm lễ cưới,
Có đủ mặt các thần.
Rượu tuôn ra như suối,
Kéo dài những mấy tuần.
Thậm chí cả thần Dớt
Cũng hài lòng, và ngài
Cho nàng thành bất tử,
Không hề thua kém ai.
Thần Tình Yêu Ê-rôt
Và nàng Pơ-si-shê
Từ đó sống bất diệt
Trong hạnh phúc tràn trề.
NGƯỜI ĐẸP NGỦ TRONG RỪNG
Xưa, ở vương quốc nọ,
Sau bao ngày chờ mong
Bà chính phi hoàng hậu
Đã sinh hạ cho chồng
Một bé gái xinh đẹp,
Dịu dàng như bông hoa,
Đôi mắt như sao sáng,
Tên là Aurora.
Vua liền mở đại tiệc,
Cho mời ba bà tiên
Đến ban phước cho cháu.
Ba bà tiên rất hiền.
Các bà tặng cháu bé
Những món quà tuyệt vời,
Cùng lời chúc chóng lớn
Và hạnh phúc nhất đời.
Bỗng một mụ phù thủy,
Tên là Maleficent
Xuất hiện trong bữa tiệc,
Khăn và áo đều đen.
Mụ phù thủy tức giận
Vì không được vua mời.
Tức là xem thường mụ.
Một mối thù nhớ đời.
Mụ liền vung chiếc đũa,
Đưa ra một lời nguyền,
Rằng lên mười sáu tuổi,
Cô công chúa dịu hiền
Sẽ bị mũi thoi nhọn
Đâm vào đầu ngón tay.
Không thuốc nào chữa được.
Công chúa sẽ chết ngay.
Một bà tiên đã nguyện
Để hóa giải lời nguyền,
Rằng nàng sẽ không chết,
Mà đơn giản ngủ yên.
Một giấc ngủ êm dịu,
Với hơi thở đều đều.
Nàng sẽ tỉnh khi nhận
Cái hôn của người yêu.
Lo lắng cho con gái,
Vợ chồng vua yêu cầu
Ba bà tiên tốt bụng
Nhận làm mẹ đỡ đầu
Và đưa công chúa nhỏ
Vào nuôi dưỡng trong rừng.
Tránh mặt mụ phù thủy,
Luôn để ý, canh chừng.
Ba bà tiên giả dạng
Làm những người nông quê,
Tránh không dùng pháp thuật
Để chống lại mụ kia.
Trong khu rừng vắng vẻ,
Aurora lớn lên,
Như một cô thôn nữ,
Tươi trẻ và hồn nhiên.
Nàng cũng không hề biết
Rằng mình là con vua.
Càng lớn càng xinh đẹp,
Dẫu bề ngoài quê mùa.
Như mọi cô gái khác,
Nàng bắt đầu mong chờ
Một hoàng tử xinh đẹp,
Tài ba và mộng mơ.
Đúng năm mười sáu tuổi,
Do lỗi của bà tiên,
Tung tích nàng bị lộ,
Và tiếc thay, lời nguyền
Của mụ già phù thủy
Thành hiện thực, vội vàng,
Mũi một con thoi nhọn
Đâm đứng ngón tay nàng.
Lập tức nàng ngất lịm
Trong giấc ngủ triền miên
Giữa khu rừng hoang vắng,
Vương quốc của thần tiên.
Các bà tiên làm phép,
Để cả vương quốc này
Cũng chìm trong giấc ngủ,
Dịu êm và dài ngày.
*
Một hoàng tử xinh đẹp,
Có tài và thông minh,
Từ lâu bị phù thủy
Giam trong lâu đài mình.
Chàng tên là Phillip,
Thà chết không nhật lời
Lấy mụ già làm vợ.
Thà bị giam suốt đời.
Ba bà tiên hiền hậu
Quyết định cứu giúp chàng.
Với hy vọng hoàng tử
Có thể đánh thức nàng.
Hay tin hoàng tử trốn,
Mụ phù thủy gian tà
Dựng một rừng gai nhọn,
Nhưng chàng vẫn vượt qua.
Mụ hóa phép làm núi,
Làm lửa cháy, làm sông.
Nhưng vô ích, rồi mụ
Hóa thành một con rồng.
Con rồng và hoàng tử
Suốt nhiều ngày đánh nhau.
Cuối cùng mụ phù thủy
Bị chàng chém đứt đầu.
Ba bà tiên làm gió
Đưa chàng về khu rừng
Nơi người đẹp đang ngủ,
Cuộc sống như đang ngừng.
Nhưng người đẹp vẫn đẹp,
Như bông hoa dịu hiền.
Hoàng tử yêu say đắm
Từ cái nhìn đầu tiên.
Chàng lặng lẽ cúi xuống
Hôn lên đôi môi nàng.
Lập tức nàng tỉnh dậy,
Với đôi mắt ngỡ ngàng.
Cả vương quốc bừng tỉnh.
Cây cối lại xanh tươi.
Khu rừng già đầy ắp
Tiếng hát và tiếng cười.
Hoàng tử và công chúa
Được làm lễ thành hôn.
Một tiệc cưới vĩ đại
Đúng vào đêm trăng tròn.
Ba bà tiên nhân hậu
Vui chung với mọi người.
Hoàng tử và công chúa
Sống hạnh phúc trọn đời.
BA ĐỒNG MỘT MỚ ĐÀN ÔNG
Sang thăm nhà hàng xóm,
Thấy cô đầu, bốn mươi,
Chơi cùng con em gái,
Dạy hát, rồi cùng cười.
“Đàn ông giờ rẻ lắm.
Ba đồng một mớ đầy.
Chị mua về làm thịt,
Cả thằng béo, thằng gầy.
Đàn bà thì ngược lại.
Một mụ ba trăm đồng.
Dùng kiệu vua mà kiệu,
Che lọng xanh, lọng hồng…”
Thằng bé cười nắc nẻ,
Không nhận thấy cái hôn
Của bà cô, đang ế,
Có cái gì buồn buồn.
GIÁNG SINH AN LÀNH!
Đêm Nô-en, trời rét.
Ngồi buồn trong ô tô.
Vặn đài nghe, đúng lúc
Đài đang phát rất to:
“Tòa án huyện Nghi Lộc
Mời chị Nguyễn Thị A.,
Bỏ đi hai tháng trước,
Nhanh chóng trở về nhà.
Trong thời hạn bốn tháng,
Mời chị về, nếu không,
Tòa sẽ xử theo luật,
Như yêu cầu của chồng.”
“Chị L, bốn mươi tuổi,
Ở đâu, về nhà ngay.
Chồng và con đang đợi,
Mong ngóng chị hàng ngày.”
“Cháu gái M, bố đánh,
Người làng Mõ, Hương Khê.
Bỏ nhà đi ba tháng.
Giờ ở đâu, hãy về!”
“Cụ bà, bảy mươi tuổi,
Có dấu hiệu tâm thần,
Chít khăn đen, ai biết,
Xin báo với người thân”…
*
Chương trình chỉ tám phút.
Đài đưa tin mười người.
Mà lạ, toàn phụ nữ,
Bỏ nhà đi bụi đời.
Vì sao toàn phụ nữ.
Vì sao phải bỏ nhà?
Chắc không vì hạnh phúc
Và gia đình yên hòa.
Đêm nay trời trở rét.
Giờ thì buốt trong lòng.
Vì nói gì thì nói,
Lỗi do ta, đàn ông.
Muốn mà không thể nói,
Đêm nay, đêm Chúa Sinh,
Chúc các bà, các chị
Một Giáng Sinh an lành!
CẬU BÉ VÀ ÔNG LÃO HÀNH KHẤT
Một ông lão hành khất
Đứng bên đường, chìa tay,
Giữa mưa phùn, gió rét,
Kiên nhẫn đứng suốt ngày.
Người đi qua, đi lại
Chẳng ai nhìn thấy ông
Cùng bàn tay run rẩy
Và cái lưng còng còng.
Cuối cùng, một cậu bé,
Con nhà nghèo trong làng,
Đến cầm tay ông lão,
Rồi nói, rất dịu dàng:
“Cháu muốn cho ông lắm,
Nhưng tiếc chẳng có gì.
Thôi, ông về nhà nghỉ.
Để cháu giắt ông đi.”
Cậu không biết hôm ấy
Ông lão về tay không,
Nhưng bàn tay của cậu
Đã làm ông ấm lòng.
PS
Câu chuyện này giản dị
Về tình thương, tình người,
Đọc từ ngày còn bé,
Đã theo tôi suốt đời.
Thật ấm và thật đẹp
Khi tay nắm bàn tay.
Cả tôi cũng thấy ấm,
Dẫu chưa gặp cậu này.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG PHỤ NỮ CẦN
Đàn ông giàu không hiếm.
Cũng lắm chàng đẹp trai.
Càng không hiếm cả loại
Học cao và có tài.
Thế mà với phụ nữ,
Đặt tiêu chuẩn kén chồng,
Họ chỉ mong may mắn
Chọn được người đàn ông
Luôn biết bảo vệ vợ
Trước những người đàn bà
Rắp tâm cướp chồng họ.
Làm tan cửa nát nhà.
MỐI TÌNH ĐẦU
Ở đời luôn vẫn vậy.
Ta để mất cái gì,
Thường ta cho cái ấy
Là tốt đẹp cực kỳ.
Trong tình yêu cũng thế.
Đặc biệt mối tình đầu.
Nó đẹp và thơ mộng
Vì không lấy được nhau.
Nhưng nếu nó suôn sẻ,
Rồi thành vợ, thành chồng,
Có thể ta thấy nó
Không chỉ toàn màu hồng.
Vậy tiếc thì cứ tiếc,
Nhưng đừng quá buồn phiền
Một khi gặp trắc trở
Với mối tình đầu tiên.
NGHỊCH LÝ
Bình pha-lê dễ vỡ.
Ráng chiều dễ xạm đen.
Cái đẹp và tinh tế,
Rất tiếc, khó lâu bền.
Trong hôn nhân cũng vậy.
Nếu cả vợ cả chồng
Tầm hồn quá nhạy cảm
Thì không dễ cảm thông.
Và rồi sớm hoặc muộn,
Sẽ đến lúc chia tay.
Trong khi nhà hàng xóm
Chửi nhau như hát hay.
Thậm chí cả đánh đập.
Xong, rồi lại vui cười.
Lạ, nhờ thế mà họ
Sống với nhau trọn đời.
ẮM ỨC
Đã gọi là ấm ức,
Thì không nói thành lời.
Cái đã nói thành lời,
Không còn là ấm ức.
Tương tự, người ta yêu
Không dễ bị chiếm đoạt.
Nếu dễ bị chiếm đoạt,
Không phải người ta yêu.
PHẢI TÌM HIỂU KỸ
Ta dành cho ai đó
Chút thời gian của mình,
Là ta đã cho họ
Chút phần đời của mình.
Mà đời thì ngắn lắm.
Nên khi cho, dẫu sao,
Cũng phải tìm hiểu kỹ
Họ là người thế nào.
NGHIỆT NGÃ
Có nhiều cặp trai gái
Chân thành khi yêu nhau.
Cả hai đều mong muốn
Chung sống đến bạc đầu.
Thế mà rồi dang dở.
Chia tay, người một nơi.
Đơn giản vì hoảng sợ
Trước nghiệt ngã cuộc đời.
PHỤ NỮ KÉN CHỒNG
Thực ra khi phụ nữ
Kén chọn ai làm chồng,
Họ không cần nhiều lắm
Ở một người đàn ông.
Xấu hay đẹp cũng được,
Không sao, miễn là anh
Phải đàn ông đích thực,
Trông tử tế, hiền lành.
Giàu nghèo không quan trọng.
Chỉ cần anh sau này
Biết sống có trách nhiệm
Với vợ con hàng ngày.
Chồng như chiếc điện thoại,
Cục gạch hay thông minh,
Với họ đều thế cả,
Miễn là nối được tình.
Với họ, xe xấu tốt
Không quan trọng lắm đâu.
Quan trọng - trên xe ấy
Vợ chồng luôn bên nhau.
Cũng chẳng sao cả việc
Trước anh yêu nhiều người.
Chỉ cần khi lấy vợ,
Anh chung thủy suốt đời.
Phụ nữ là thế đấy.
Khi chọn anh làm chồng,
Họ chỉ cần duy nhất
Ở anh - một tấm lòng.
XƯA VÀ NAY
Ngày xưa người ta viết
Điều thầm kín, riêng tư
Trong những cuốn nhật ký
Hay trong những lá thư.
Ngày nay những điều ấy
Được khoe như trò chơi
Trên Blog, Facebook,
Cho tất cả mọi người.
Xưa, người ta tình tự,
Vặt trụi hết lá cây.
Nay người ta sống thử
Để thử “lúa ngắn ngày”.
Xưa người ta chiến đấu
Vì người yêu ở nhà.
Nay người ta cưa gái
Bằng SH, Vespa.
Xưa cưới, thuốc lá cuộn.
Hát đồng thanh thật to.
Giờ cưới, phải mua cỗ,
Vờ vui, nhưng rất lo.
Xưa và nay khác lắm,
Như trời nắng, trời mưa.
Tuy thế, cũng khó nói
Rằng nay xấu hơn xưa.
CÁC BÁC SẼ THÀNH THÁNH
Nếu các bác chịu khó
Đọc, làm theo thơ thầy,
Xin cược mười ăn một,
Nhất định sẽ có ngày
Các bác sẽ thành thánh,
Thánh ông và thánh bà.
Trên đỉnh đầu mỗi vị
Một vòng sáng chói lòa.
Làm thánh cũng sướng lắm.
Hết lo sợ, bực mình,
Từ bi và bác ái,
Thoát được vòng vô minh.
Các thánh con, thánh cháu
Nhờ thế được sướng theo.
Gia đình sẽ hạnh phúc,
Cho dù giàu hay nghèo.
Cho đến nay tôi viết
Bốn nghìn bài châm ngôn.
Cũng chỉ mong các bác
Sống đẹp và thiền hơn.
Tôi, một người khiêm tốn,
Mong có ngày hài lòng,
Đứng từ xa chiêm ngưỡng
Các thánh bà, thánh ông.
Vậy, chịu khó đọc nhé.
Chịu khó làm theo thơ.
Các bác sẽ thành thánh.
Nhất định thế. Tôi chờ.
TIÊU TIỀN NHƯ THẾ NÀO
Có một tỉ phú Mỹ,
Khi hết tiền, cuối đời,
Nói một nửa gia sản
Ông chi cho ăn chơi,
Cờ bạc và em út…
Và rằng khoản tiền này
Chi đúng và hữu ích.
Còn nửa kia, tiếc thay,
Chi cho cái vớ vẩn,
Như đầu tư, kinh doanh.
Mệt người và buồn chán.
Mà rồi việc không thành.
Nghĩ thế nên ông chết
Hạnh phúc và thảnh thơi,
Vì một nửa gia sản
Đã chi cho ăn chơi.
PS
Câu chuyện này có thật,
Tôi chép lại hôm nay,
Không định khuyên các bác
Tiêu tiền như ông này.
Nhưng nếu có tiền bạc,
Đừng ky bo làm gì.
Đời này sống được mấy.
Sướng được thì sướng đi.
HẠNH PHÚC
Ngày xưa, như ta biết,
Loài quỉ và loài người
Luôn tranh nhau thứ bậc
Trong việc cai trị đời.
Loài người thời xưa ấy
Sống hạnh phúc, vô lo,
Nên thường thắng loài quỉ,
Dẫu chúng nhiều mưu mô.
Loài quỉ họp nhau lại,
Tìm được cách, đó là
Cướp cái hạnh phúc ấy
Rồi giấu đi thật xa.
Một khi không hạnh phúc,
Con người sẽ ù lỳ,
Chỉ suốt ngày ca cẩm
Và không làm được gì.
Nói là làm, lập tức
Cướp hạnh phúc của người,
Loài quỉ đem giấu kín
Sâu dưới đáy biển khơi.
Con người không cam chịu,
Vốn tháo vát, thông minh,
Tìm tới tận đáy biển,
Lấy lại hạnh phúc mình.
Mấy lần tiếp loài quỉ
Giấu trên đỉnh núi cao,
Dưới sông, trong lòng đất,
Nhưng cuối cùng lần nào
Con người cũng tìm được.
Vì thế mà con người
Luôn chiến thắng loài quỉ,
Nhờ hạnh phúc, vui cười.
Lại lần nữa loài quỉ
Họp bàn, tới bảy ngày.
Và rồi một cụ quỉ
Đã hiến kế thế này:
“Con người về thực chất,
Không thông minh lắm đâu.
Đặc biệt chuyện hạnh phúc,
Họ cứ tìm đâu đâu.
Vậy lần tới không giấu
Dưới biển hay trên trời,
Mà giấu nó, hạnh phúc
Ngay bên trong mỗi người!”
Và thế là từ đó,
Như ta thấy ngày nay,
Con người không hạnh phúc,
Cứ cau có suốt ngày.
Họ khao khát có nó,
Tìm kiếm nó khắp nơi,
Mà không biết hạnh phúc
Ở trong chính mỗi người.
NHÀ VUA VÀ ĐÔI GIÀY
Xưa, có ông vua nọ
Làm một chuyến vi hành
Tới các vùng hẻo lánh
Trong vương quốc của mình.
Thay cho việc cưỡi ngựa,
Ngồi kiệu hay đi xe,
Vua quyết định đi bộ,
Hệt như bác nhà quê.
Đường khó đi, đầy sỏi
Và đá nhọn như chông,
Nên một lúc vua mệt,
Và rất không hài lòng.
Ngài về cung, ra lệnh
Lấy da thuộc thật mềm
Trải kín đường trong nước
Để vua đi cho êm.
Các quan nghe, kinh sợ,
Gãi tai rồi gãi đầu:
Tức phải giết hàng triệu
Con bò và con trâu!
Lệnh vua không thể trái.
Làm thế nào bây giờ?
Trong khi đang bối rối,
Có anh hầu bất ngờ
Đưa ra một ý tưởng
Rất thông minh thế này:
Thay cho việc giết mổ
Triệu gia súc kéo cày,
Để lấy da phủ kín
Tất cả mọi con đường,
Vua có thể đơn giản
Cắt miếng da bình thường
Khâu thành đôi giày nhỏ
Đế da được thuộc mềm.
Đường có xấu đến mấy,
Vua đi vẫn thấy êm.
Vua nghe, rất ưng ý,
Liền ra lệnh làm ngay.
Hàng triệu con gia súc
Thoát chết nhờ anh này.
*
Qua đây ta học được
Một bài học thông minh:
Muốn mọi thứ tốt đẹp,
Phải thay đổi từ mình!
LỜI THỊ PHI
Trong một lần nhàn nhạ,
Vua Đường, Đường Thái Tông
Hỏi một vị quan lớn
Trong cận thần của ông:
“Khanh là người chính trực,
Vì sao ta vẫn nghe
Thiên hạ hay đàm tiếu
Đủ các lời khen chê?”
“Dạ, muôn tâu bệ hạ,
Mùa xuân, có mưa phùn.
Cỏ cây mừng, xanh tốt,
Nhưng đường xá lấm bùn.
Mùa thu, trăng sáng đẹp,
Đẹp lòng các thi nhân.
Nhưng với bọn đạo chích
Thì hết đường làm ăn.
Người làm muối, ta biết,
Chỉ mong trời nắng to.
Nhưng nắng là bất hạnh
Với những người bán ô.
Tâu bệ hạ, trời đất
Vốn công bằng xưa nay
Mà người yêu, người ghét,
Vậy thì hạ thần này
Hỏi làm sao tránh được
Bị người đời thị phi.
Lời thị phi xúc xiểm
Không chừa ai, chừa gì.
Lời thị phi độc ác,
Như rắn độc ở đời.
Vua nghe, trung thần chết.
Dân nghe, người hại người.
Hạ thần mong bệ hạ
Đừng quan tâm làm gì.
Bệ hạ, đấng minh trực,
Đừng nghe lời thị phi.
PAGANINI
Một nghệ sĩ vĩ đại,
Chơi đàn vi-ô-lông,
Ở thế kỷ mười chín,
Chưa có ai hơn ông.
Nghệ sĩ vĩ đại ấy
Là Paganini
Một lần cùng dàn nhạc
Chơi nhạc Vivaldi.
Đang say sưa, bất chợt,
Đúng vào lúc cao trào,
Một dây đàn bị đứt.
Giờ biết tính làm sao?
Dù bất ngờ, choáng váng,
Ông vẫn tiếp tục chơi
Trên ba dây còn lại.
Tiếng đàn vẫn tuyệt vời.
Thật oái oăm, sau đó
Đứt thêm dây thứ hai.
Dây thứ ba cũng đứt.
Mà bản nhạc còn dài.
Người nghệ sĩ vĩ đại,
Trên dây cuối, dây SOL,
Đã chơi hết bản nhạc
Với vẻ đẹp mê hồn.
Cả nhà hát chết lặng.
Các nhạc công nhìn nhau.
Nhiều người ôm mặt khóc.
Nhạc trưởng cúi thấp đầu.
Bằng nghị lực vĩ đại,
Ông, Paganini,
Chỉ một dây duy nhất,
Chơi nhạc Vivaldi.
Mà chơi rất điệu nghệ,
Vâng, chỉ trên một dây.
Nhờ quyết tâm vĩ đại
Mới làm được điều này.
PS
Cuộc đời ta đang sống
Khó khăn nhiều, rất nhiều.
Thường thì ta than vãn
Mà quên mất một điều,
Rằng trong ta thực sự
Có hàng trăm dây đàn,
Nhiều khả năng tiềm ẩn,
Chưa khai thác một lần.
Một vài dây bị đứt
Thực ra chẳng hề gì.
Gặp khó khăn, hãy cố
Như Paganini.
CUỘC ĐỜI LÀ THẾ ĐẤY
Trong đời, nhiều mơ ước
Vẫn chỉ là ước mơ.
Nhưng nhờ nó, ta sống
Và phấn đấu hàng giờ.
Nhiều nỗi đau day dứt,
Nhiều vết thương lâu lành.
Nhưng một phần nhờ chúng,
Ta lớn khôn, trưởng thành.
Nhiều lúc ta tưởng đúng,
Mà hóa ra lại sai.
Đời phức tạp, chưa hẳn
Một cộng một bằng hai.
Ai hứa làm gì đấy,
Nhưng cuối cùng lại không.
Ta buồn, nhưng học được
Cái giá của chờ mong.
Trong đời, có đôi lúc
Ta hoang phí nhiều tiền.
Đừng buồn, vì nhờ thế
Ta biết cách tiêu tiền.
Một cuộc tình dang dở
Làm ta đau điếng người.
Điều ấy không có nghĩa
Ta bất hạnh suốt đời.
Cuộc đời là thế đấy,
Phức tạp và muôn màu.
Chỉ thực sự hạnh phúc
Khi có chút buồn đau.
ĐI NHANH, ĐI CHẬM
Có một chàng trai nọ,
Mới tu, rất nhiệt tình,
Một hôm, nhân lúc nghỉ,
Hỏi sư phụ của mình:
“Bạch thầy, nếu cố gắng
Tụng niệm và sách đèn,
Liệu bao lâu có thể
Con đạt tới chân thiền?”
“Mười năm”, ông già đáp.
“Còn nếu con chuyên tâm,
Cố gắng, rất cố gắng?..”
“Thế thì hai mươi năm.”
“Bạch thầy, con không hiểu.
Sao phải lâu gấp đôi,
Khi con rất cố gắng
Để chóng thiền, mà rồi…”
“Là vì, - sư phụ đáp, -
Khi đang đi trên đường,
Một mắt con hăm hở
Hướng tới đích, lẽ thường,
Chỉ một mắt còn lại
Chú ý nhìn xuống chân,
Thành ra con đi chậm.
Mà chậm gấp hai lần.
RỒI MỌI CHUYỆN SẼ ỔN
Một bác từ Lào Cai phóng xe máy
hơn 300 cây số đến gặp thầy, “giải bày tâm sự” và xin lời khuyên.
Cháu ạ, đời phức tạp.
Ai cũng có nỗi đau.
Mỗi người đau một kiểu,
Và không ai giống nhau.
Nên khuyên thì cũng khó,
Chỉ biết nói thế này:
Chuyện gia đình của cháu
Cũng thường tình xưa nay.
Gia đình có lúc thuận,
Có lúc nổi phong ba.
Dù chuyện gì đi nữa,
Rồi sớm muộn cũng qua.
Điều quan trọng là cháu,
Đã mang tiếng đàn ông,
Phải cư xử cao thượng,
Chín chắn và có lòng.
Thì bao giờ chẳng thế,
Chuyện mẹ chồng nàng dâu.
Vợ cháu chắc khổ lắm,
Đừng làm vợ thêm đau.
Phận con gái đơn độc,
Lại đi lấy chồng xa,
Thế mà giờ, cháu thấy,
Bị đuổi ra khỏi nhà.
Chưa nói chuyện sai đúng,
Nhưng cháu, là đàn ông,
Hãy đi theo, để vợ
Được ngả vào vai chồng.
Rồi sẽ ổn, cháu ạ.
Về đi, vợ đang chờ.
Có dịp, ta gặp lại,
Chỉ nói chuyện văn thơ.
CÔNG LÝ VÀ “ĐẠI CỤC”
Một vụ tham nhũng lớn,
Ăn chặn tiền trẻ con,
Truy đúng người, đúng tội,
Đủ bằng chứng hùng hồn.
Thế mà lãnh đạo quyết
Không khởi tố vụ này
Vì “lợi ích đại cục”.
Lãnh đạo ta thật hay.
Không thể không văng tục,
Rằng lãnh đạo, cỡ to,
Tầm “đỉnh cao trí tuệ”,
Mà ngu như con bò.
Một, bò mới không hiểu
Không có “đại cục” nào
Đứng cao hơn công lý.
Đúng là chuyện tầm phào.
Hai, cái “đại cục” ấy,
Người ta biết từ lâu,
Quan đưa ra mục đích
Nhằm bảo vệ cho nhau.
Ba, coi thường công lý.
Ngẫm mà thấy đau lòng.
Thành ra luật thì có
Mà rồi cũng như không.
Quan ta giờ thế đấy,
Vừa láo vừa ngu si.
Tham nhũng đã kỷ lục,
Mà ngu cũng cực kỳ.
Ra vậy, các bác ạ.
Tiền thuế của đồng bào
Nuôi hạng người thế đấy.
Các bác tính thế nào?
PS.
Mà lãnh đạo tỉnh ấy,
Tỉnh Hà Giang của ta,
Xưa nay vốn nổi tiếng
Với thành tích, đó là:
Một, tỉnh suýt tuyên bố
Phá sản vì nợ công.
Hai, có thầy hiệu trưởng
Của một trường phổ thông
Làm trung gian môi giới,
Đưa học sinh của mình
Bán dâm cho quan lớn,
Khiến dư luận bất bình.
Ba, ông chủ tịch tỉnh,
Chủ tịch tỉnh đầu tiên,
Lộ mặt mua xác thịt
Của trẻ vị thành niên.
Bốn, nhờ quan lãnh đạo,
Sáng suốt và tài tình,
Hà Giang luôn là tỉnh
Nghèo khổ nhất nước mình.
Giờ thêm vụ “đại cục”
Thì phải nói nhất làng.
Nhưng nhất toàn cái xấu.
Hà Giang ơi, Hà Giang.
NGƯỜI BỐ TUYỆT VỜI
Chuyện kể rằng Thượng Đế
Khi tạo ra loài người,
Ngài tạo người Bố trước -
Cao to, đẹp tuyệt vời.
Một nữ thần bèn nói:
“Cao to thế thực tình
Người Bố sẽ bất tiện
Cúi chơi với con mình.”
Ngài đáp: “Đã là Bố,
Phải cao lớn, đúng không?
Để con cái ngưỡng mộ
Và cao lớn như ông.”
Thấy đôi tay người Bố
Quá thô ráp, nữ thần
Lại nói: “Thưa Thượng Đế,
Tay to thế không cần.
Vì xâu kim sẽ khó.
Khó đeo khuyên vào tai,
Cài nơ cho con gái,
Cài cúc cho con trai.”
“Đôi tay Bố phải lớn, -
Thượng Đế đáp, mỉm cười. -
Để nâng đỡ con cái
Vượt khó khăn thành người.”
Vị nữ thần lần nữa
Lại ngạc nhiên thấy Ngài
Đang tạo cho người Bố
Lực lưỡng một đôi vai.
“Đôi vai này khỏe mạnh
Công kênh con đi xa,
Để con kê đầu ngủ,
Để gánh đỡ cả nhà.”
Xong việc, ngày hôm ấy
Thượng Đế rất hài lòng
Khi tạo nên tuyệt tác
Người Bố, người Đàn Ông.
Có mấy giọt nước mắt
Trên khóe mắt người này.
Ngài do dự một chốc,
Rồi lau nó bằng tay.
Người Bố tuyệt vời ấy
Yêu vợ và thương con
Về sau ít khi khóc,
Cả những lúc đau buồn.
CHÚC GIÁNG SINH VUI VẺ!
Đêm Giáng Sinh, trời lạnh.
Tuyết phủ kín khắp nhà.
Ngoài hiên, một ông lão
Đang ôm con chó già.
Ông ôm nó, và khóc:
“Này chó, chuyện thế này.
Tớ đi trại dưỡng lão,
Nên buộc phải xa mày.
Cái trại ấy, mày biết,
Cấm không cho người ta
Được sống chung với chó,
Dẫu một con chó già.
Vậy phải tìm người khác
Để nuôi mày. Biết đâu
Mày sướng hơn. Con chó
Lắc đầu đáp: “Gâu! Gâu!”.
“Mày là con chó tốt.
Tớ, ông chủ không tồi.
Tiếc giờ ta không thể
Tiếp tục sống có đôi…”
Ông lão ôm chó khóc,
Vuốt lưng rồi xoa đầu.
Con chó chưa hiểu lắm,
Vẫn cứ sủa “Gâu, gâu”.
Ông đeo vào cổ nó
Mẩu giấy bọc ni-lông.
Trên đấy có dòng chữ
Được viết bằng mực hồng:
“Tôi là con chó tốt,
Dễ bảo và hiền lành.
Hãy cho tôi làm bạn.
Tôi tuyệt đối trung thành.”
Rồi ông, giữa mưa tuyết,
Dắt con chó ra đi.
Đêm Giáng Sinh, trời lạnh.
Cây lá thôi thầm thì.
Đến một ngôi nhà lớn,
Đèn thắp sáng lung linh.
Lần nữa ông lão khóc,
Bảo con chó của mình:
“Chạy đi, chạy đến cửa.
Người ta đợi từ lâu.”
Hình như con chó khóc.
“Tạm biệt mày!” “Gâu, gâu!”.
Con chó chạy đến cửa,
Đúng lúc từ trong nhà,
Tay cầm chiếc đèn nhỏ,
Một cậu bé bước ra.
Chuông nhà thờ bên cạnh
Điểm mười hai tiếng liền.
“Mẹ ơi, có con chó!
Quà của Ông Nô-en!”
“Chúc Giáng Sinh vui vẻ!”
Ông lão nói, cúi đầu.
Hình như ông nghe tiếng
Con chó đáp: “Gâu! Gâu!”
ĐẠO LÀM NGƯỜI
Tử Phòng là tướng giỏi.
Sau khi giúp Lưu Bang
Lấy lại được nhà Hán,
Danh vọng ông chẳng màng.
Ông từ chối không nhận
Ba vạn hộ nước Tề.
Từ chối cả chức, tước
Và ân sủng mọi bề.
Một mình, ông lên núi
Để học phép tu tiên.
Con ông là Bất Nghị,
Giàu đất, giàu cả tiền.
Một hôm lên thăm bố
Giữa lưng chừng mây trời:
“Thưa cha, gì khó nhất
Trong đạo lớn làm người?”
Tử Phòng không ngoảnh mặt,
Tiếp tục luyện thuốc tiên:
“Đạo làm người khó nhất
Không ở đất, ở tiền.
Mà ở hai điều lớn:
Một, biết mình là ai.
Biết thời mình đang sống
Là điều lớn thứ hai.”
Bất Nghị nghe, đứng lặng,
Rồi vội quay về nhà,
Mải suy nghĩ, thậm chí
Quên không kịp chào cha.
ẤM
Ấm, không cứ nhất thiết
Ngồi bên bếp lửa hồng.
Ấm, khi có người hỏi:
“Bạn có lạnh lắm không?”
Ấm, không nhờ liên tục
Xoa hai tay, xuýt xoa.
Ấm, là khi được nắm
Bàn tay đang chìa ra.
Ấm, nhiều khi, thật lạ,
Chỉ cần một nụ cười.
Vì trong nụ cười ấy
Có tình bạn, tình người.
LỢN VÀ BÒ
Một ông nhà giàu nọ
Thích khoe với mọi người:
“Tôi làm giàu, khi chết,
Để lại hết cho đời!”
Có cụ già nghe thế,
Bèn đáp lại thế này:
“Được, nhưng nghe tôi kể
Câu chuyện nhỏ sau đây.
Xưa có một con lợn
Ở chung với con bò.
Lợn thường bị bỏ đói,
Còn bò thì ăn no.
Lợn kêu: “Sao ông chủ
Nỡ đối xử cách này?
Không lẽ vì anh bạn
Cho họ sữa hàng ngày?
Tôi cũng đâu thua kém.
Khi tôi chết, biết không,
Tôi cho họ tất cả,
Thịt, da và bộ lòng.”
“Khác nhau là chỗ ấy.
Khác giữa lợn và bò.
Tôi cho lúc đang sống.
Anh thì chết mới cho.”
BÀI HỌC TỪ THIÊN NHIÊN
Ở vùng đất Do Thái
Và người Palestin
Có hai biển hồ lớn,
Cũng khác hai cái tên.
Một hồ gọi Hồ Chết.
Chết vì nước trong hồ
Mặn, không gì sống nổi,
Thậm chí cả con sò.
Hồ kia thì ngược lại,
Tên là Ga-li-lê,
Nước ngọt và mát lạnh,
Nên sự sống tràn trề.
Cả hai biển hồ ấy
Nhận nước một dòng sông,
Sông Jordan
nổi tiếng
Thơ mộng và xanh trong.
Có điều dòng nước ấy
Hồ Chết nhận vào mình,
Giữ lâu, thành nước mặn,
Không chia cho xung quanh.
Trong khi hồ nước khác,
Hồ nước Ga-li-lê,
Lại hào phóng phân phát
Cho sông, suối và khe.
Thành ra nước luôn chảy.
Mang sự sống muôn nơi,
Cho những đồng lúa mạch,
Muông thú và con người.
*
Ta học được bài học
Từ chuyện hai biển hồ:
Sự sống và hạnh phúc -
Không chỉ nhân, mà cho.
NHỤC
Xe tải gặp tai nạn,
Hoàng hóa đổ ra đường.
Dân bu tới hôi của.
Vừa buồn, vừa thấy thương.
Họ là dân mình đấy.
Tốt xấu vẫn dân mình.
Và đó là sự thật.
Phải chấp nhận, miễn bình.
Nhà hàng nó rửng mỡ,
Cho bữa ăn free.
Dân xúm đen xúm đỏ,
Tranh nhau miếng sushi.
Người Việt đi xuất ngoại
Ăn trộm chó của người,
Cả ăn cắp siêu thị.
Đau không nói nên lời.
Họ là dân mình đấy.
Tốt xấu vẫn dân mình.
Và đó là sự thật.
Phải chấp nhận, miễn bình.
Chẳng biết nói gì khác,
Ngoài việc mỗi chúng ta
Chấp nhận và xấu hổ
Với hình ảnh nước nhà.
Để bình tĩnh suy ngẫm,
Bơn bớt tự khen mình.
Bơn bớt cái “văn hiến”,
“Anh hùng” và “quang vinh”.
Để cắn răng nuốt nhục,
Mỗi chúng ta hàng ngày
Nhớ cư xử đúng mực
Để rửa cái nhục này.
SỰ KHÁC BIỆT
Có hai người, hai nước
Cách xa nửa địa cầu.
Cứ tạm cho khi chết,
Cùng vĩ đại như nhau.
Ở một nước, dân chúng
Tất nhiên là xót thương,
Nhưng thể hiện theo cách
Văn minh và bình thường.
Còn nước kia, vật vã,
Dân khóc theo đám đông.
Cả nước cứ sôi sục
Như một cơn lên đồng.
Đó là sự khác biệt
Giữa ta và Nam
Phi.
Mà khác biệt lớn lắm,
Phải nói lớn cực kỳ.
Khác biệt về dân trí,
Về chế độ, chính quyền.
Cả về cách báo chí
Đã đưa tin, tất nhiên.
*
Nhân tiện, về báo chí,
Xin nhận xét thế này:
Báo chí ta, phải nói,
Như hiện tình ngày nay,
Cả về tài, về đức,
Về liêm sỉ, chuyên môn…
Đang kém nhất thế giới.
Ngẫm mà thấy thật buồn.
NELSON MANDELA
Một con người vĩ đại
Vừa từ giã chúng ta.
Cúi thấp đầu vĩnh biệt
Nelson Mandela.
Một lãnh tụ vĩ đại
Đã suốt đời hy sinh
Vì tự do, nhân phẩm
Của người dân nước mình.
Suốt đời ông chiến đấu
Chống phân biệt màu da.
Thành công, ông hòa giải,
Không phân biệt màu da.
Kính trọng cả dân tộc
Đã sinh Mandela.
Ông chết, không ướp xác,
Mà chôn ở quê nhà.
NHỮNG CÂU NÓI NỔI TIẾNG
CỦA NELSON MANDELA
“Có người đã gục ngã
Trước thử thách, gian nan.
Nhưng có người cứng cáp
Nhờ thử thách, gian nan.”
*
“Lòng tốt của ai đó
Có thể bị che mờ.
Dẫu khó khăn, lòng tốt
Không lụi tắt bao giờ.”
*
“Nước không có dân chủ,
Sẽ không có hòa bình”.
Mọi lời nói hoa mỹ
Chỉ lừa người, lừa mình.
*
“Sự bình đẳng xã hội,
Qua kiểm chứng bao đời,
Là cơ sở duy nhất
Của hạnh phúc con người.”
*
“Người lãnh đạo đích thực
Là người dám, khi cần,
Hy sinh hết tất cả
Vì tự do nhân dân.”
*
“Tôi chỉ có thể nói
Những gì tôi đã làm
Do lương tâm, đạo đức
Bắt buộc tôi phải làm.”
*
“Tôi buộc phải thừa nhận
Tôi không có quyền nào
Để phán xét người khác
Dẫu tôi đúng thế nào.”
*
“Chúng ta chỉ mong muốn
Một xã hội hài hòa,
Mọi người thôi suy nghĩ
Căn cứ theo màu da.”
*
“Sự hòa giải dân tộc
Là mọi người chung tay
Khắc phục và sửa chữa
Sự bất công trước đây.”
*
“Nếu buộc phải làm lại
Những gì tôi đã làm,
Chắc chắn tôi làm lại
Những gì tôi đã làm.
Những ai yêu công lý,
Tự cho mình là người,
Tôi nghĩ rằng cả họ
Cũng sẽ làm như tôi.”
*
“Có thể chết thanh thản
Một người dám hy sinh,
Làm những gì cần thiết
Cho nhân dân của mình.”
*
“Tự do không đơn giản
Phá bỏ hết xích xiềng,
Mà biết sống, tôn trọng
Tự do của láng giềng.
*
“Tôi chỉ nghỉ một lát,
Rồi tiếp tục đấu tranh,
Vì Tự Do, Trách Nhiệm
Xưa nay luôn đồng hành.”
*
“Tôi bị tống vào ngục
Không vì việc tôi làm.
Mà vì cách tôi nghĩ,
Vì khát vọng, lương tâm.”
PHÚC LỘC LÂU DÀI
Một bác nhà giàu nọ
Xin thiền sư Sengai
Đầu năm, cho mấy chữ
Về phúc lộc lâu dài.
Thiền sư lấy tờ giấy,
Nắn nót viết một dòng:
“Cha, con, rồi cháu chết.”
Lặng lẽ đưa cho ông.
Bác nhà giàu tức giận:
“Tôi là một người ngay,
Đến xin chữ phúc lộc.
Sao ngài viết thế này?”
Thiền sư bình thản đáp:
“Tôi chẳng dám trêu ông.
Ông hỏi xin phúc lộc,
Lại lâu dài, đúng không?
Thì đây, tôi cho chữ.
Đúng những cái ông cần.
Cha, con, rồi cháu chết.
Tuần tự và dần dần.
Phúc lộc ông ông hưởng,
Rồi đến lượt cháu con.
Lâu dài và bền vững,
Đúng qui luật càn khôn.
Được thế là hạnh phúc,
Ai cũng thấy vui lòng.
Hay ông muốn ngược lại,
Con cháu chết trước ông?
MẸ DẶN CON GÁI
Con gái yêu, hãy nhớ,
Mỗi khi con giận chồng,
Muốn làm gì cũng được,
Nhưng cãi nhau thì không.
Lại càng không to tiếng,
Không để lộ ra ngoài.
Chồng con tiến một bước,
Thì con phải lùi hai.
Ngôi nhà là tổ ấm.
Dù xẩy ra chuyện gì,
Bởi quay về khó lắm,
Đừng bao giờ bỏ đi.
Đã là chồng, là vợ,
Lại tự nguyện lấy nhau,
Thì hãy gạt cái sĩ.
Chẳng hay ho gì đâu.
Người chồng nào cũng vậy,
Giàu nghèo hay trẻ già,
Đều muốn vợ tươm tất,
Và gọn cửa sạch nhà.
Chồng con có thể tốt
Và không muốn trăng hoa.
Nhưng nhiều đàn bà xấu
Muốn quyến rũ anh ta.
Vậy con phải cẩn thận
Trước khi đánh giá chồng.
Nhiều khi tưởng là thế,
Mà hóa ra lại không.
Người ta đã tổng kết,
Tổng kết đúng - xưa nay,
Muốn giữ chặt hạnh phúc
Thì phải nới bàn tay.
Hạnh phúc phá thì dễ,
Xây mới khó hơn nhiều.
Con hãy nuôi dưỡng nó
Bằng tình thương, tình yêu.
VUA HỀ CHARLIE
Người ta kể, lần nọ
Ông vua hề Charlie
Tới một vùng hẻo lánh,
Nơi đang có cuộc thi.
Thi gì? Thi tìm chọn
Một người giống như ông,
Đóng làm Charlie giả,
Mua vui cho đám đông.
Ông đăng ký tham dự.
Vượt qua được vòng đầu.
Nhưng dù rất cố gắng,
Ông rớt ở vòng sau.
Vậy là ông không giống
Ông vua hề Charlie.
Thì xem người ta diễn.
Hỏi còn biết làm gì?
*
Một bài học đáng nhớ:
Trong con mắt người đời,
Bạn chưa hẳn là bạn,
Dù có giỏi bằng mười.
KINH TẾ QUỐC DOANH
Tôi nghe nhà nước nói
Rằng kinh tế quốc doanh
Giữ vai trò chủ đạo,
Quyết định bại hay thành.
Vậy thì sao có chuyện
Cái thằng quốc doanh này
Nợ nghìn nghìn, tỉ tỉ,
Luôn thua lỗ xưa nay?
Thằng ấy ăn như hổ,
Mà làm thì như mèo.
Tham nhũng thì kỷ lục,
Làm đất nước thêm nghèo.
Nhà nước như bố mẹ,
Sao để thằng con mình,
Loại phá gia chi tử,
Phung phí tiền gia đình?
Vậy thì xin nhà nước
Xem xét lại thằng này.
Chứ dân nhìn hắn phá,
Tiếc và buồn lắm thay.
Là bố mẹ nghiêm khắc,
Xin cứ đánh nếu cần.
Con ngu dốt, lếu láo,
Dứt khoát không cho ăn!
ĐÁNG LO
Có cái gì không ổn
Trong việc giờ, ở đâu
Cũng san sát quán nhậu,
Cao lâu rồi thấp lâu.
Rồi quán bia, quán lẩu,
Rồi ka-ra-ô-kê,
Rồi trăm thứ ăn uống
Chiếm hết cả vỉa hè.
Đâu cũng thế, nhiều lắm,
Nhiều đến mức giật mình.
Mà sao ăn ngoài phổ,
Không phải ở gia đình?
Nếu đó là “văn hóa”,
Thì kiểu “văn hóa” này
Rất đáng để lo sợ,
Vì lý do sau đây:
Một, lai rai ăn nhậu
Tốn thời gian, tốn tiền.
Một cảnh không đẹp lắm,
Nhất là với thanh niên.
Hai, uống say, về muộn
Thành lục đục gia đình.
Con cái tuy không nói,
Nhưng trong lòng chúng khinh.
Ba, tửu nhập ngôn xuất,
Chuyện dại rồi chuyện khôn.
Không khéo rồi sinh sự,
Phải kéo nhau vào đồn.
Bốn, và quan trọng nhất -
Trẻ, rất cần thời gian
Để đọc sách, làm việc,
Không hưởng lạc, an nhàn.
Tóm lại là tôi thấy
Cái nước mình thật buồn.
Cái gì cũng yếu kém,
Ăn chơi thì sợ luôn.
Uống bia nhất châu Á,
Nhậu nhẹt suốt đêm ngày.
Nếu đó là “văn hóa”,
Thì thật đáng lo thay.
LẠI BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG
Một giáo sư kinh tế
Thuyết trình trước đám đông
Về kinh nghiệm, chiến lược,
Và bí quyết thành công.
Ông lấy một chiếc lọ
Rồi lần lượt cho vào
Những viên cuội màu trắng,
To như những trái đào.
Khi không cho được nữa,
Ông liền hỏi: “Nhìn đây.
Chiếc lọ đầy chưa nhỉ?”
Mọi người nói: “Đã đầy.”
“Chưa đâu”, ông cười đáp,
Rồi bốc một vốc to
Những viên sỏi bé tí,
Bé chỉ bằng hạt ngô.
Ông cho chúng vào lọ.
Chúng lần lượt chui vào.
Các khe hở đủ rộng,
Không sót một viên nào.
“Vẫn chưa đầy đâu nhé!”
Ông dùng cả hai tay
Bốc cát đổ lên sỏi,
Rồi lắc cho thật đầy.
Cuối cùng, ông rót nước
Vào chiếc lọ từ lâu
Đã đầy sỏi lớn nhỏ
Và lớp cát sẫm màu.
*
Bằng thí dụ đơn giản,
Ông nhắc ta một điều,
Rằng thời gian có hạn,
Mà công việc thì nhiều.
Như trường hợp chiếc lọ.
Nếu cho cát vào đầy
Thì sẽ không còn chỗ
Để chứa sỏi sau này.
Vậy bí quyết hạnh phúc
Và thành công là gì?
Là phải biết quyết định
Lúc nào nên làm gì.
TÌNH YÊU
Người ấy đến, và bạn
Vờ không quan tâm nhiều.
Người ấy đi, lại nhớ,
Thì đúng là bạn yêu.
Mở hộp thư điện tử,
Cái bạn đọc đầu tiên
Là thư của người ấy,
Thì bạn yêu, tất nhiên.
Bạn có một cặp vé
Đi xem phim buổi chiều.
Bạn nghĩ đến người ấy,
Thì đúng là bạn yêu.
Bạn nói “Chỉ là Bạn”,
Mà nhớ “bạn” suốt ngày.
Tức là đang yêu đấy,
Mà yêu nhiều mới gay.
Đọc bài này, tư lự,
Bạn đang nhớ đến ai,
Tức bạn yêu người ấy.
Cứ tin đi, cấm sai.
Tình yêu thật kỳ diệu.
Món quà của bề trên.
Đừng sợ, đừng né tránh.
Vậy nhé, cứ tự nhiên.
PS
Xưa, lúc tôi còn trẻ,
Vào Thư Viện Quốc Gia
Rồi ngồi quên ở đấy,
Tỉnh thì đã trót già.
Giờ sẵn sàng đánh đổi
Một chục tập thơ dày
Để có được cảm giác
Lần đầu yêu ngất ngây.
THỜI GIAN
Một doanh nhân đã tính,
Khi bạn có trong tay
Chỉ năm cân sắt vụn,
Thì có thể thế này:
Dập làm đinh để bán,
Mười đô đã khó khăn.
Làm kim khâu, bán hết,
Thu hơn ba mươi lần.
Nhưng cũng số sắt ấy
Làm lò xo đồng hồ,
Số tiền bạn thu được
Là hăm lăm nghìn đô.
Chúng ta, ai cũng có
Hăm tư giờ một ngày.
Tức là năm cân sắt.
Biết dùng làm gì đây?
Người sản xuất máy kéo.
Người làm kim đồng hồ.
Người chẳng làm gì cả,
Để sắt nằm trong kho.
Nên người thì thành đạt,
Người nghèo khổ, bần hàn.
Lý do rất đơn giản -
Cách sử dụng thời gian.
Thời gian là tài sản
Quý giá của con người.
Ngu ngốc, lãng phí nó
Là lãng phí cuộc đời.
NHIỀU LUẬT QUÁ
Lại thêm một luật nữa,
Phạt một trăm triệu đồng
Những ai dám nói xấu
Nhà nước mình. Sợ không?
Thế nào là nói xấu?
Nhà nước sai thì sao,
Yếu kém và tham nhũng,
Không lẽ không người nào
Được phép có ý kiến?
Hay dân muốn phê bình
Thì phải xin phép trước
Cho nó “đúng qui trình”?
Nhà nước ta, tôi nghĩ
Rõ ràng có vấn đề.
Các bác ấy chỉ muốn
Đóng cửa rồi “tự phê”.
Một triết gia đã nói,
Tôi không hề đặt điều:
Nhà nước càng mục nát,
Thì luật càng có nhiều.
DI TỬ HÀ
Ngày xưa, vua nước Vệ
Rất yêu Di Tử Hà,
Luôn hào phóng ban thưởng
Cả lời khen, cả quà.
Có luật, ai ăn trộm
Xe quan hay xe dân,
Sẽ bị đánh, sau đó
Bị chặt một bàn chân.
Một hôm, mẹ ốm nặng,
Đêm khuya, Di Tử Hà
Không còn kịp bẩm báo,
Lấy xe vua về nhà.
Mấy hôm sau vua Vệ
Khen rằng ông có tình,
Có hiếu với cha mẹ
Mà không nghĩ đến mình.
Lần khác, trong vườn uyển,
Vua ăn đào, thấy chua.
Ông ăn đúng quả ngọt,
Còn một nửa, dâng vua.
Vua khen ông tốt bụng.
Miếng ăn ngon trên tay
Mà biết nhường người khác.
Thật hiếm có việc này.
Nhưng mấy năm sau đó,
Mặc dù Di Tử Hà
Vẫn không hề thay đổi,
Vua Vệ ghét ông ta.
Một hôm, nhân phạm lỗi,
Vua ra lệnh chém đầu,
Vì tội xưa hỗn láo
Mượn xe mà không tâu.
Hơn thế, đáng tội chết
Vì phạm tội khi quân.
Quả đào đang ăn dở
Mà dám mời vua ăn.
*
Câu chuyện này tôi trích
Trong Cổ Học Tinh Hoa.
Quả thật không khó lắm
Rút bài học: Đó là
Cùng một người, một việc,
Hoàn toàn không khác nhau.
Khi yêu thì ban thưởng.
Khi ghét thì chém đầu.
I LOVE YOU!
Một cậu bé nghịch ngợm,
Bị mẹ cậu rầy la.
Bực mình, không dám cãi,
Cậu đi ra khỏi nhà.
Tới hang núi bên cạnh,
Buổi chiều, trời âm u.
Cậu chụm tay vào miệng,
Rồi hét: “I hate you!”
Ngay sau đó, hang núi,
Xuyên qua lớp sương mù,
Liền đáp lại lời cậu:
“I… I… hate… hate… you!”
Cậu sợ quá, hỏi mẹ:
“Sao có người ghét con?”
Mẹ cậu âu yếm đáp,
Kèm theo một cái hôn:
“Sống ở đời, con ạ,
Con cho đời cái gì,
Sẽ nhận lại cái ấy.
Mà nhận nhiều đôi khi.
Rồi bà đưa cậu bé
Trở lại hang sương mù.
Lần này hang đá nói:
“I… I… love… love… you!”
*
Các bạn có thể biết,
Cũng có thể là chưa,
Chân lý này đơn giản.
Nhắc lại cũng không thừa.
MỘT NGHÌN CON HẠC GIẤY
Có chàng trai Nhật nọ
Gấp tặng cho người yêu
Một nghìn con hạc giấy,
Không ít, cũng không nhiều.
Vì đó là mong muốn
Của cô gái yêu chàng.
Một cô gái xinh đẹp,
Nết na và dịu dàng.
Lúc ấy chàng nghèo lắm.
Nhân viên một công ty.
Ngoài trái tim say đắm,
Chàng không có cái gì.
Một hôm, cô gái nói
Nàng phải ra nước ngoài,
Không bao giờ trở lại,
Và rằng đời còn dài.
Chàng phải yêu người khác,
Đừng chờ nàng làm gì.
Biết mình phận nghèo đói,
Chàng chấp nhận chia ly.
Chàng lao vào công việc
Để quên bớt buồn đau.
Rồi Số Phận cười mỉm,
Rồi chàng trở thành giàu.
Một hôm, trời mưa gió,
Trong chiếc xe loại sang,
Chàng bỗng thấy bố mẹ
Cô gái từng yêu chàng.
Hai cụ đang đi bộ
Giữa gió mưa dầm dề.
Chàng bước xuống, hỏi chuyện,
Rồi mời cùng lên xe.
Chàng xin phép chở họ
Đi đến nơi cần đi.
Một lúc sau thì tới
Nghĩa trang Koiichi.
Ở đấy, từ bia mộ
Cô gái chàng đã yêu
Đang nhìn chàng âu yếm
Sau những sợi mưa chiều.
Giờ thì chàng đã hiểu
Rằng nàng chẳng đi đâu,
Và biết mình sắp chết
Vì căn bệnh bạch cầu.
Nàng buộc phải nói dối,
Khích lệ chàng vươn lên.
Rất lâu chàng đã khóc.
Hai cụ già đứng bên.
VUI
Sáng, vừa ra khỏi cửa,
Có một bà xồn xồn,
Cười rất duyên, rồi tán,
Xin một cuốn châm ngôn.
Châm ngôn in cả rổ.
Bà không mua thơ tôi.
OK, để tôi biếu.
Thích đọc là tốt rồi.
Đánh xe đi ăn sáng.
Phạm lỗi. Tha, ân cần,
Chú công an nhắc nhở.
Không cần thẻ nhà văn.
Vui, công an lịch sự.
Vui cả mụ xồn xồn,
Dù mụ keo, chỉ muốn
Xin, không mua châm ngôn.
Vui thấy ông nhà nước
Mở rộng đường gấp đôi,
Và hàng tháng trợ cấp
Cho hai cụ nhà tôi.
Rồi giảm nghèo, xóa đói,
Cho học sinh, sinh viên
Vay tiền để ăn học,
Dù nhà nước thiếu tiền.
Vui cả vì quan chức
Bắt đầu biết sợ dân.
Vui vì đảng đổi mới,
Chưa nhiều, nhưng dần dần.
Ừ, cái vui nhiều lắm,
Nếu ta biết cách nhìn.
Muốn buồn ư, không khó.
Lý do có hàng nghìn.
Thế đấy, các bác ạ.
Cuộc đời là cuộc đời.
Vui mừng hay buồn bực,
Tùy cách nhìn từng người.
Phê bình thì dễ lắm.
Làm mới khó hơn nhiều.
Nên bơn bớt cái hận,
Tăng tăng cái thương yêu.
Xin thêm cái PS,
Tin hay không thì tùy:
Người hay chê người khác
Thường chẳng làm được gì.
LẠI VUI
Thủ Tướng vừa cho biết,
Tính trung bình, nước ta
Mỗi người có thu nhập
Gần hai nghìn đô-la.
Khi bắt đầu đổi mới,
Chỉ có một trăm đô.
Thế là đáng vui lắm.
Vì không phải trời cho,
Mà đảng và nhà nước
Chung sức cùng nhân dân,
Phấn đấu không ngừng nghỉ
Để cuộc sống tốt dần.
Mà đã tốt hơn thật.
Các bác tự ngẫm mình.
Chỉ trích cứ chỉ trích,
Nhưng cũng phải phân minh.
Ừ, tham nhũng, lãng phí…
Còn nhiều cái để lo.
Nhưng kinh tế phát triển
Không phải do trời cho.
Vậy, cảm ơn nhà nước.
Cứ đà nay tôi tin
Ta sẽ có thu nhập
Ba, bốn, rồi năm nghìn.
Các bác trẻ không biết
Trước ta khổ thế nào.
Giờ khá thì khen khá.
Mà khen thì đã sao?
No comments:
Post a Comment