Tuesday, March 3, 2015

CHÂM NGÔN TẬP NĂM (THƠ ĐỜI THƯỜNG) - 5



THƯ CỦA NHÀ VĂN PHÁP GỬI CON GÁI

Có một nhà văn pháp,
Ông Rene Certone,
Chiến tranh, bị Đức bắt,
Đã gửi thư cho con.

Chả là cô hỏi bố
Nên chọn chồng ra sao.
“Con gái ạ, - ông viết. -
Việc con chọn người nào

Là do con quyết định.
Bố không thể làm thay.
Chọn và chịu trách nhiệm
Cuộc đời con sau này.

Bố hồi hộp chờ đợi
Vào một ngày không xa.
Có chàng trai nào đó
Được con dẫn về nhà.

Bố sẽ yêu anh ấy,
Tức chồng con tương lai.
Càng yêu, nếu không quá
Khéo nói và bảnh trai.

Vì những người như thế,
Con tin không thì tùy,
Thường là không chung thủy,
Hợm hĩnh và kiêu kỳ.

Bố cũng hay định kiến,
Không thích những chàng trai
Quá chỉn chu, chải chuốt
Và chăm sóc vẻ ngoài.

Vì sao? Vì làm thế
Tức là họ vô tình
Lo cho họ nhiều quá
Mà quên vợ con mình.

Tương tự, bố không thích
Những anh chàng xuềnh xoàng,
Lố lăng, thích lập dị,
Thành ra không đàng hoàng.

Bố cũng không thích lắm
Những chàng trai “thông minh”,
Cố tỏ ra uyên bác,
Nhiều khi đến hợm mình.

Ừ, họ thông minh thật,
Nhưng sự thông minh này
Không mang lại hơi ấm
Cho người nào xưa nay.

Người ham công tiếc việc
Cũng không hay lắm đâu.
Vì ham công tiếc việc,
Họ luôn bận trong đầu,

Nên không thể đơn giản
Sống thảnh thơi bình thường,
Không đưa con đi dạo,
Quên nói lời yêu thương.

Tất nhiên bố không muốn
Thấy người chồng của con
Đạo mạo và triết lý
Như một ông cụ non.

Trẻ, mà quá đạo đức,
Thường hay dễ cằn nhằn,
Thích nói điều to tát
Mà quên việc kiếm ăn.

Chồng giàu ư? Cũng tốt.
Nhưng hãy nhớ, người giàu
Cứ luôn muốn giàu mãi,
Gạt vợ con khỏi đầu…

Thế đấy con gái ạ.
Bố không ưa, không ưa…
Con nghe chắc chán lắm.
Ừ, bố cũng không vừa.

Con có thể hỏi lại:
Bố sẽ nghĩ thế nào,
Khi chồng con ngộ nhỡ
Không yêu bố thì sao?

Không sao, con gái ạ.
Miễn là đẹp tâm hồn.
Bố nghĩ bố biết cách
Không cản đường các con.


BÍ QUYẾT THÀNH CÔNG

Có chàng trai trẻ nọ
Nghe lời đồn, một lần
Gặp một người thành đạt,
Hỏi kinh nghiệm làm ăn.

Người thành đạt lặng lẽ
Đi vào bếp, quay ra
Với một quả dưa hấu
Vừa mới bổ làm ba.

Ba phần quả dưa hấu
Được bổ không đồng đều.
Với hai phần khiêm tốn,
Một phần to hơn nhiều.

“Xét về mặt lợi ích,
Nếu quy ra bằng tiền,
Anh chọn phần nào nhỉ?”
“Chọn phần to, tất nhiên.”

“Anh chọn thế là đúng. –
Chủ nhà cười hiền lành.-
Vậy tôi ăn miếng nhỏ,
Còn miếng lớn phần anh.”

Chàng trai ăn miếng lớn.
Chưa ăn hết thì ông
Đã chuyển sang miếng khác,
Với vẻ rất hài lòng.

Hai miếng nhỏ cộng lại
Lớn hơn miếng kia nhiều.
Tức là ông muốn nhắn
Với chàng trai một điều:

Rằng nếu muốn thành đạt,
Thì phải ngay từ đầu
Đừng tham cái lợi nhỏ
Mà thua thiệt về sau.


THƯ CĂN DẶN CON CỦA MỘT CHÍNH KHÁCH

Đây là lá thư của ông Tôn Vận Tuyền, một chính khách nổi tiếng của Đài Loan gửi các con ông lúc còn sống. Lá thư là sự đúc kết kinh nghiêm từ cuộc đời của ông.

Chào các con thân mến.
Khi viết những dòng này,
Bố dựa trên nguyên tắc
Rằng ta sống hôm nay

Không một ai biết trước
Sống hoặc chết lúc nào.
Vậy có gì cứ nói.
Nói sớm cũng không sao.

Bố nói còn bởi lẽ,
Những điều này tâm tình
Không ai khác ngoài bố
Nói với các con mình.

Đó là những đúc kết
Bố chắt lọc xưa nay.
Thì bố cứ dặn trước.
Hãy nhớ những điều này.

*
Một, ai đó đối xử
Không tốt với các con,
Đừng để tâm nhiều quá,
Cũng không đáng để buồn.

Không ai có nghĩa vụ
Đối xử tốt với ta,
Ngoài những người thân nhất,
Như bố mẹ, ông bà.

Ai đó đối xử tốt,
Phải cảm ơn người này.
Nhưng cũng nên cẩn thận,
Vì người đời xưa nay

Làm việc luôn suy tính.
Thấy họ tốt, chí tình,
Cũng chưa kết luận vội
Họ là bạn của mình.

Hai, không ai bất biến,
Lại càng không có gì
Ta phải bám chặt mãi.
Cần đi thì cho đi.

Hiểu được chân lý ấy,
Nếu bạn đời các con
Vì lý do nào đó
Muốn chia tay, đừng buồn.

Ba, đời người ngắn ngủi.
Ta lãng phí thì giờ
Là lãng phí cuộc sống.
Vậy ngay từ bây giờ

Phải biết sống hữu ích.
Vì tuổi thọ con người
Đo bằng chính những việc
Ta làm được trong đời.

Bốn, nhiều người thành đạt
Không nhờ do học hành.
Tuy nhiên, không vì thế
Mà sao nhãng học hành.

Học để có kiến thức.
Kiến thức giúp thông minh.
Nó cũng là vũ khí
Trong cuộc đời mưu sinh.

Ta có thể lập nghiệp
Với hai bàn tay không.
Nhưng trong tay phải có
Tấc sắt hay tấc đồng.

Năm, bố không bắt buộc
Các con nuôi cha mình
Trong nửa đời con lại.
Phần các con, trưởng thành,

Các con tự xoay xở.
Phần bố đã làm tròn.
Hạnh phúc hay bất hạnh,
Sướng khổ, tùy các con.

Sáu, các con có thể
Bắt mình phải giữ lời,
Nhưng các con không thể
Bắt người khác giữ lời.

Các con có thể tốt,
Cư xử có nghĩa tình,
Nhưng khó bắt người khác
Cư xử tốt với mình.

Các con phải ghi nhớ
Chân lý này hiển nhiên.
Nếu không, sớm hoặc muộn
Sẽ cảm thấy buồn phiền.

Bảy, bố mua vé số
Trong ba mươi năm qua,
Nhưng không bao giờ trúng,
Vẫn nghèo khi về già.

Điều ấy cho ta thấy
Khi sống ở đời này,
Muốn giàu phải lao động,
Không trông chờ vận may.

Tám, vì do duyên phận,
Một khi là gia đình,
Thì phải sống hòa thuận
Với người thân của mình.

Rất có thể không có
Cái gọi là kiếp sau.
Vậy, kiếp này ta sống,
Phải luôn thương yêu nhau.


TRÍ THỨC LƯU MANH

Khi trí thức im lặng
Trước oan trái dân tình,
Nghĩa là họ tự chuốc
Cái nhục nhã cho mình.

Khi trí thức lén lút
Ăn tiền của dân lành,
Nghĩa là họ chấp nhận
Biến mình thành lưu manh.

“Lịch sử” rồi “Tư tưởng”,
Rồi “thi đua”, “Nhân văn”,
Rồi “Định hướng”, “Cải cách”…
Là vùng đất kiếm ăn.

Không ít người có chữ
Bỏ công chạy đề tài.
Tự các bác thừa biết
Thực chất họ là ai.

Giờ họ bận “nghiên cứu”,
Tức chờ cơ, đợi thời,
Một khi có thay đổi,
Xin cược một ăn mười,

Họ sẽ to mồm nhất
Để giành phần, tranh công.
Bọn này tởm lắm đấy.
Điểm mặt mà đề phòng.


BIẾT ƠN

Biết ơn Đất và Nước
Bốn mùa cho trái cây.
Biết ơn người làm ruộng
Cho bát cơm hàng ngày.

Biết ơn bác Steve Jobs
Cho Ipad, Iphone.
Biết ơn cả mây gió
Cho ráng chiều hoàng hôn.

Nhưng tôi biết ơn nhất
Là ông bà, tổ tiên
Cho nhiều món ẩm thực
Ngon mà tốn ít tiền.

Mỗi vùng một đặc sản,
Không nơi nào giống nhau.
Tha hồ ăn căng rốn,
Mà không cần phải giàu.

Nước mắm thì vô địch.
Mắm tôm luôn tuyệt vời.
Thật mừng, nước ta có
Rau muống, rau mùng tơi.

Tôi đi bốn mươi nước.
Ăn tiệc với Hoàng Gia.
Cốc-tây với nguyên thủ.
Thế mà thèm quả cà.

Đúng, thèm chết đi được,
Đến mức nghĩ, thật may
Được làm dân nước Việt,
Không phải những nước này.

Thì cảm ơn nước Việt,
Cả đảng nữa chứ sao.
Cảm ơn đảng đổi mới.
Không, chẳng biết thế nào.

Đừng vội ném đá nhé.
Ném cũng không sợ đâu.
Đảng mà không đổi mới,
Thì làm gì được nhau?

Chắc chắn dân sẽ đói
Như dân bác Bắc Hàn.
Đến ho cũng chẳng dám,
Còn nói gì kêu oan.

Các bác trẻ nôn nóng,
Được voi, đòi máy bay.
Mà quên xưa khổ lắm,
Gấp vạn lần ngày nay.

Nay cơm ngày ba bữa,
Quần áo mặc cả tuần.
Muốn nói gì thì nói,
Đời sống đang tốt dần.

Thằng quan, tức đầy tớ,
Giờ vẫn láo, tất nhiên.
Xưa hắn láo gấp bội,
Mọi người vẫn phải khen.

Vậy, biết ơn là đúng.
Biết ơn thì đã sao.
Vô ơn mới đáng trách.
Có phải thế không nào?


LẠI TIẾC TIỀN ĐÓNG THUẾ

Bộ trưởng bộ Nội Vụ,
Đã khẳng định thế này,
Chắc như đinh đóng cột:
Cán bộ ta xưa nay

Không hoàn thành nhiệm vụ,
Nhiều lắm một phần trăm.
Còn lại là làm tốt,
Ngang tầm và vượt tầm.

Tức, thiết kế thủy điện,
Mua ụ tàu để phơi,
Rồi y tế, giáo dục…
Cái gì cũng tuyệt vời.

Tức, không có tham nhũng.
Tham nhũng một phần trăm,
Còn lại là liêm khiết,
Có tình và có tâm.

Vì cán bộ đã tốt,
Làm tốt việc được giao,
Thì không thể ăn vụng,
Không tắt mắt tẹo nào

Hoàn thành tốt nhiệm vụ,
Nghĩa là quan của ta
Làm việc có hiệu quả,
Mang lợi cho nước nhà.

Bằng chứng, các bác thấy -
Vinalines, rồi -shin,
Rồi nhiều Vina khác
Nợ tỉ tỉ, nghìn nghìn.

*
Quen thấy gì nói nấy,
Năm nay U bảy mươi,
Tôi xin phép khẳng định:
Mười người thì bảy người

Đến cơ quan chủ yếu
Để tán phét, uống trà,
Hay nói xấu chế độ,
Chiều, vác ô về nhà.

Nhiều người trong các bác
Từng làm việc cơ quan,
Làm việc không, khắc biết.
Điều ấy khỏi phải bàn.

PS
Mà ông này, bộ trưởng,
Theo tôi nhớ, trước đây
Phát biểu với cả nước
Rằng bộ ông xưa nay

Chưa thấy có bằng chứng
Trường hợp nào chạy tiền
Để được vào biên chế.
Toàn chỉ đồn luyên thuyên.

*
Lại tớn lên vào mạng
Tìm hiểu cái nhân tình.
Lần nữa tiếc đứt ruột
Tiền đóng thuế của mình.


CHẾT KHÔNG ĐÚNG QUY TRÌNH

Phó thủ tướng cho biết
Việc xã lũ vừa rồi
Đúng qui trình, chỉ tại
Nước lớn quá mà thôi.

Thế thì chỉ biết nói
Thủy điện luôn thông minh.
Còn dân ta thì ngốc,
Chết không đúng qui trình.


KHÔNG HỀ CÓ THAM NHŨNG!

Thanh Tra vừa cho biết,
Từ đầu năm, tin không,
Không hề có tham nhũng
Ở chín tỉnh Sông Hồng.

Vậy, thằng quốc tế láo,
Dám vu oan cho ta
Đứng đầu bảng tham nhũng,
Nhằm bôi nhọ nước nhà.

Vậy, thằng dân nói xấu
Quan phụ mẫu của mình.
Không hề có tham nhũng,
Rõ ràng và phân minh.

Tương tự, không hề có
Việc mua chức xưa nay.
Bộ trưởng Bộ Nội Vụ
Đã khẳng định điều này.

Tức là người nào tố
Phải đút lót tiền, quà
Mới được làm công chức
Là vu khống quan ta.

Thế đấy, mười một tháng
Không vụ tham nhũng nào
Ở chín tỉnh Miền Bắc.
Không thể không tự hào.

Các bác tự kết luận:
Một, về các thanh tra.
Hai, có hay không có
Tham nhũng ở nước ta.

Cà phê ngon, nắng đẹp,
Tớn lên xem truyền hình,
Rồi cáu, ngồi đuỗn mặt,
Tiếc tiền thuế của mình.


ĐẠI GIA NGHÈO

Trong một giảng đường lớn,
Một mình, chàng sinh viên
Để chạy mười chiếc quạt,
Bật hết mười bóng đèn.

Xài sang, hoành tráng thế,
Chắc phải con đại gia?
Không, nông dân chính gốc,
Và đang nợ tiền nhà.

Chàng chỉ thích hoành tráng
Khi xài chùa của công.
Thản nhiên bật hết quạt
Và hết đèn trong phòng.

Tiếc, chừng ấy ánh sáng
Không làm đầu anh ta
Sáng hơn thêm một chút.
Tội nghiệp chàng đại gia.

PS
Ông chồng càng ít học,
Càng tỏ vẻ ta đây.
Gia trưởng, thích quan trọng
Và quát tháo suốt ngày.

Từ nhà quê lên phố,
Thường các bác nông dân
Càng nghèo, càng lãng phí
Đồ uống và thức ăn.

Nghèo không phải tội lỗi,
Dù chẳng hay ho gì.
Nhưng nghèo cái ý thức
Mới là nghèo cực kỳ.


TIÊN SƯ CHÚNG NÓ!

Trường nọ có cháu bé,
Bé lắm, mới lớp hai,
Đến giờ ăn, cô giáo
Thẳng tay đuổi ra ngoài.

Vì sao? Vì bố mẹ
Chưa nộp tiền cho trường.
Hai ngày liền phải nhịn.
Thật thương cháu, thật thương.

Chắc cháu phải tủi lắm,
Cháu mới chỉ lớp hai.
Phải xấu hổ và khóc
Khi bị đuổi ra ngoài.

Ừ thì chuyện sòng phẳng
Khi liên quan đến tiền.
Nhưng ở đâu “ưu việt”
Và “cô giáo mẹ hiền”?

Ở đâu thằng khẩu hiệu
“Vì con em chúng ta!”
Chuyện chỉ bát cơm nhỏ,
Miếng thịt hay quả cà.

Tôi cũng tủi như cháu,
Khi viết những dòng này.
Vừa tủi vừa xấu hổ
Vì nước ta ngày nay.

Xin các bác cho biết
Có trường nào nước ngoài
Đến giờ ăn, nỡ đuổi
Một cháu bé lớp hai?

Tiên sư bọn chúng nó.
Nói một tấc đến trời,
Mà cư xử đốn mạt.
Người mà không phải người!


THỦY ĐIỆN

Miền Trung đang lũ lớn,
Chết những hăm lăm người.
Lỗi thiên nhiên là một.
Lỗi thủy điện là mười.

Ai làm thằng thủy điện?
Mấy ông ở trung ương.
Có thẩm định dự án
Và tính đến môi trường.

Ai thẩm định dự án?
Ai quyết định cho xây?
Ai phải chịu trách nhiệm?
Tất nhiên mấy ông này.

Tưởng như thế là rõ.
Thế mà rồi cuối cùng
Chẳng ai chịu trách nhiệm.
Chỉ khốn khổ Miền Trung.

Còn nhiều chuyện khác nữa,
Nghĩ mà thật đau lòng.
Cái nước ta thế đấy.
Các bác thấy kỳ không?

PS
Không thể không lo nghĩ
Về thằng điện hạt nhân,
Tàu cao tốc Nam Bắc,
Thằng Bô-xit, vân vân.

Có thể làm là đúng.
Ngộ nhỡ sai thì sao?
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Chắc lại không người nào.


ĐÔI LỜI BỘC BẠCH

Không già, cũng không trẻ,
Nhưng đã U 70,
Tôi chỉ muốn cố gắng
Sống thật tốt với đời.

Cái cần có đã có,
Thậm chí nhiều hơn cần,
Nên bỏ thơ hoa lá
Để làm “thơ nhân dân”.

Tức là thơ năm chữ,
Giản dị như ca vè.
Gọi thơ nói cũng được.
Con cóc cũng ô-kê.

Miễn là người đọc hiểu,
Ngẫm một chút, rồi cười,
Rồi rút ra bài học
Về xử thế ở đời.

Rồi gật gù: Ông Béo
Nói đúng cái ý mình
Về bất công xã hội,
Về thế thái nhân tình.

Thơ của tôi là thế.
Thậm chí không phải thơ,
Mà đôi lời nhắn nhủ
Với lớp trẻ bây giờ.

Chúng, như tôi ngày trước,
Dốt, còn tưởng mình khôn.
Vậy thì biết, phải nói,
Qua những bài châm ngôn.

Đơn giản vì lớp trẻ
Là tương lai nước nhà.
Chúng ngoan hay hư hỏng,
Phần nhiều do lớp già.

Không quan trọng hai chữ
Nhà thơ hay nhà văn.
Quan trọng là phải viết
Những cái thực sự cần.

Vậy nhé, xin cứ gọi
Ông Béo Thái Bá Tân
Chỉ là người cầm bút,
Nói hộ cho người dân.

Thơ thế nào chưa nói,
Nhưng ông có cái đầu
Và tấm lòng - bạn ngã,
Ông cũng cảm thấy đau.


HẦU

Người ta thường không biết
Có người đang hầu mình
Cho đến khi người ấy
Bất chợt thôi hầu mình.

Người hầu kia, khốn nỗi,
Mắc một tội đáng yêu,
Là hầu quá hăng hái,
Quá tốt và quá nhiều.

Ngồi thẫn thờ, chợt nhớ
Một châm ngôn gần đây
Là “Triết lý cái kẹo”.
Đại khái nó thế này:

*
Có một ông người lớn
Cho thằng bé nhà bên
Mỗi ngày một chiếc kẹo,
Loại ngon và đắt tiền.

Thằng bé yêu ông lắm,
Vì có kẹo hàng ngày.
Vì cả việc ông ấy
Biết kể chuyện rất hay.

Một hôm, ông người lớn,
Không nói rõ vì sao,
Khi gặp thằng bé ấy,
Không cho chiếc kẹo nào.

Vốn quen được ăn kẹo,
Không mất tiền, hàng ngày,
Thằng bé rất khó chịu,
Phản ứng lại gắt gay.

Nó nói lời hỗn láo
Với người bạn của mình,
Rồi đơm chuyện, bịa đặt
Với những người xung quanh.

Chuyện chỉ thế, thật tiếc,
Trong cuộc sống hàng ngày,
Ta đã, đang, sẽ gặp
Nhiều chuyện kiểu thế này.

Ta có thể hào phóng
Giúp ai đó trăm lần,
Nhỡ một lần không giúp,
Thì hắn chẳng ngại ngần

Sổ toẹt trăm lần ấy,
Coi như chẳng có gì,
Rồi mắng ta thậm tệ,
Rồi quay mặt bỏ đi.

Vậy, muốn giúp cứ giúp.
Muốn cho ai, cứ cho.
Nhưng biết mà phòng trước,
Chỉ ít khỏi bất ngờ.


NÓI VÀ LÀM

Chưa làm thì không nói.
Đã nói thì phải làm.
Nếu quả có muốn nói,
Hãy chờ sau khi làm.

Điều này rất quan trọng.
Các bác cứ nghe tôi.
Nói phải có trách nhiệm.
Tuyệt đối không đãi bôi.

Nói mà không suy nghĩ,
Kiểu nói trước quên sau
Là tính cách nhỏ bé.
Không hay ho gì đâu.


CHUYỆN KHỔNG TỬ VÀ NHAN HỒI

Thời Đông Chu loạn lạc,
Khắp nơi có chiến tranh,
Dân lầm than, đói khổ,
Phải phiêu bạt, điêu linh.

Cả thầy trò Khổng Tử
Lúc có ăn, lúc không.
Nhưng không ai ta thán,
Vẫn một lòng theo ông.

Lần nọ, thật may mắn,
Vừa đến đất nước Tề,
Có một bậc hào phú
Từ lâu đã được nghe

Tài đức của Khổng Tử,
Nên tự đến chào ông
Và biếu một hộc gạo,
Chí ít đỡ đói lòng.

Ông liền sai Tử Lộ
Đi tìm củi, tìm rơm.
Nhan Hồi, đáng tin nhất,
Được giao phần thổi cơm.

Khổng Tử nằm đọc sách
Cách nhà bếp không xa.
Đã xế chiều lúc ấy.
Chỉ hai người ở nhà.

Bất chợt, có tiếng động.
Nhìn xuống bếp, và rồi
Khổng Tử rất kinh ngạc
Thấy trò yêu Nhan Hồi

Mở nồi cơm đang chín,
Xúc một ít lên tay,
Vắt thành nắm, sau đó
Cho vào miệng ăn ngay.

Ông quay mặt, xấu hổ,
Cố kìm tiếng thở dài:
“Nhan Hồi, một trò giỏi,
Có đức và có tài,

Sao có thể ăn vụng,
Sao đốn mạt thế này?
Vậy là bao hy vọng,
Bỗng chốc thành khói mây.”

Lát sau, khi tất cả
Có mặt bên bàn ăn,
Khổng Tử nói: “Ta muốn
Dâng cơm cúng thánh thần.”

Nhan Hồi nghe, đứng dậy
Cung kính đáp: “Thưa thầy,
Xin thầy để hôm khác,
Bởi lẽ nồi cơm này

Không được sạch.” “Sao vậy?”
Vì lúc nãy tro rơm
Gió thổi mạnh, một ít
Đã rơi vào nồi cơm.

Con xúc lên, định vứt,
Nhưng nghĩ tiếc, đã ăn.
Giờ con không ăn nữa,
Vì mình đã có phần.”

Khổng Tử nghe, ngửa mặt
Mà than rằng: “Chao ôi,
Có cái mắt mình thấy,
Tưởng đúng, thế mà rồi

Hóa ra lại không đúng.
Ta suýt nữa hồ đồ
Vu oan và nghĩ xấu
Cho một người học trò!”


CHO NÓ OAI

Hăm tư nghìn tiến sĩ.
Giáo sư - hơn chín nghìn.
Việt Nam ta giỏi thật.
Nhiều đến mức khó tin.

Chức, từ hàng thứ trưởng,
Ta hơn Nhật năm lần
Về giáo sư, tiến sĩ.
Còn nói gì Thái Lan.

Nhưng công trình khoa học
Thì ta lại thua xa
Một trường đại học Thái,
Cỡ hạng hai, hạng ba.

Phần lớn các tiến sĩ
Của Đại Việt anh hùng
Tiếng Anh chỉ lọ mọ,
Chắc bằng C là cùng.

Không biết thứ tiếng ấy
Thì nghiên cứu nỗi gì?
Còn phát minh tầm cỡ
Thì tốt nhất quên đi.

Tự nhiên nghĩ, có thể
Ta phong nhau cho oai.
Khoe cho vui là chính,
Vênh vang với nước ngoài.

Oai đâu quả chưa thấy,
Nhưng dốt mà muốn chơi,
Thằng tư bản giãy chết
Chắc đang bụm miệng cười.

*
Nhà nước quyết mọi chuyện.
Luôn vẫn thế xưa nay.
Vậy đề nghị nhà nước
Xem lại mình việc này.


THƯƠNG MỤ VỢ

Nghĩ mà thương Mụ Vợ.
Ngày xưa, khi lấy chồng,
Đúng bốn mươi cân chẵn,
Tươi rói như bông hồng.

Không diện, không son phấn,
Mà trông thật đáng yêu.
Như Thúy Vân, nhí nhảnh.
Yểu điệu như Thúy Kiều.

Thế mà nay Nàng ấy,
Bước sang tuổi năm mươi,
Không còn thanh thoát lắm,
Khuôn mặt cũng kém tươi.

Tội nghiệp, Nàng đuỗn mặt,
Cứ như thể bị lừa.
Rằng ngày xưa là thế,
Mà bây giờ… khổ chưa!

Rồi Nàng quyết cưỡng lại
Bằng đủ kiểu Spa.
Tập thể dục, tập chạy,
Tập cả y-ô-ga.

May chưa đến Mỹ Viện
Của bác sĩ Cát Tường.
Mụ Vợ tôi thế đấy,
Vừa buồn cười, vừa thương.

Tôi là chồng, chỉ biết
An ủi Mụ: Thật may,
Mụ có da, có thịt,
Không như hoa hậu gầy.

Mụ gầy là tôi bỏ.
Chân dài cũng bỏ luôn.
Mụ nghe, chưa tin lắm,
Nhưng có vẻ bớt buồn.

*
Muốn nói gì thì nói,
Trong việc vợ phát phì,
Lỗi đàn ông là chính.
Các bác cứ tin đi.


MỘT KHÚC SÔNG, SÁU XÁC CHẾT

Khi tìm kiếm xác chết
Một vụ án đau lòng,
Ngẫu nhiên người ta thấy
Sáu xác chết trên sông.

Một khúc sông, một lúc
Những sáu xác - quá nhiều.
Ở khúc khác, lúc khác,
Số xác là bao nhiêu?

Hai trong số sáu xác
Là một cặp vợ chồng
Tự trói mình, cùng nhảy
Xuống mặt nước sông Hồng.

Đã xác định danh tính
Xác chết một chàng trai.
Ba cái xác còn lại
Vẫn chưa biết là ai.

Mấy người đã nhỏ lệ,
Hay chút ít cảm thông
Với những người xấu số,
Xác trôi giữa sông Hồng?

Thế mà thấy xác họ,
Có người buồn, lặng im
Chỉ vì đó không phải
Là xác họ cần tìm.

Có nhiều ngôi mộ gió
Dọc bên bờ biển Đông.
Mộ những người đi biển,
Mà hài cốt thì không.

Ven sông, ở Hà Nội,
Có bao nhiêu mộ phần
Chôn xác vô thừa nhận,
Không hương khói, người thân?

Một khúc sông, một lúc
Những sáu xác - quá nhiều.
Ở khúc khác, lúc khác,
Số xác là bao nhiêu?

Cuộc đời quá nghiệt ngã.
Ngẫm mà thật đau lòng.
Một lúc sáu cái xác
Trên chỉ một khúc sông.


ĐÀN ÔNG

Đàn ông, về cơ bản,
Na ná như củ hành.
Trong là gì chẳng biết,
Ngoài nửa trắng, nửa xanh.

Bị đối xử không đẹp,
Nhiều phụ nữ đau lòng,
Cứ tò mò muốn biết
Họ có gì bên trong.

Và rồi họ quyết định
Bóc lớp củ hành này.
Lớp dày rồi lớp mỏng,
Bóc bằng răng, bằng tay.

Bóc, và chảy nước mắt,
Cuối cùng thấy nhân hành,
Như trái tim chồng họ,
Vẫn nửa trắng, nửa xanh.

*
Cái còm trên chua xót
Tôi vừa đọc trên Phây.
Hy vọng các bác nữ
Thấm thía bài học này.

Ở đời, không nhiều lắm
Người xanh vỏ đỏ lòng.
Vô tâm và ích kỷ
Là bản chất đàn ông.


HOA VỪA TRÔI VỪA NỞ

Có một loài hoa đẹp,
Vừa trôi vừa nở hoa.
Anh yêu, ở lại nhé.
Em đi lấy chồng xa.

Hoa vừa trôi vừa nở
Ở dòng sông cuối thôn.
Có thể anh không biết
Hoa vừa trôi vừa buồn.

*
Giật mình vì ý đẹp
Một bài thơ trên Phây.
Không đừng được, chép lại
Thành bài ngũ ngôn này.


CHÂM NGÔN

Châm ngôn khác tiểu thuyết,
Đọc, không phải một lần,
Mà thỉnh thoảng đọc lại
Cho nó thấm dần dần.

Châm ngôn là lời nhắc,
Mà nhắc toàn cái hay.
Các bác chịu khó đọc,
Thậm chí đọc hàng ngày.

Rồi nhờ sự nhắc ấy,
Tôi bảo đảm, về sau
Các bác sẽ thành thánh.
Nghiêm túc, không đùa đâu.

Tóm lại là đừng cáu
Nếu post lại châm ngôn.
Thành thánh sống sướng lắm,
Dù, thật ra, cũng buồn.


VÃNG SANH

Đôi khi rất đơn giản,
Ta nghĩ sống làm người,
Chết là coi như hết.
Ngắn ngủi một cuộc đời.

Vì thế ta sống vội,
Chỉ biết ngày hôm nay,
Không lo, không chuẩn bị
Cho thế giới sau này.

Không sợ luật Nhân Quả,
Không biết vòng Luân Hồi,
Ta buông xuôi, sống thả,
Kiểu bèo dạt mây trôi.

Không một lần tự hỏi,
Không vương vấn trong đầu:
Chúng ta từ đâu đến,
Và chết sẽ về đâu?

*
Sau sáu năm khổ hạnh,
Thái tử Tất Đạt Đa
Ngồi lặng lẽ thiền định
Dưới cây bồ đề già.

Sáng ngày thứ bốn chín,
Mồng Tám tháng Mười Hai,
Ngài chứng đạo Vô Thượng,
Trở thành Phật, và Ngài

Nay hoàn toàn giác ngộ,
Tường tận hết Lục Thông,
Biết được Sinh và Tử,
Luật Luân Hồi quay vòng.

Ngài nói rằng người chết,
Trong vòng bốn chín ngày,
Sẽ vãng sanh trở lại
Trong sáu cõi dưới đây:

Một, người tu Thập Thiện,
Nhiều công đức với đời,
Khi chết, được siêu thoát,
Vãng sanh lên Cõi Trời.

Hai, người giữ Ngũ Giới,
Chuyên tâm làm việc lành,
Khi lâm chung sẽ được
Vào Cõi Người vãng sanh.

Những người tu Thập Thiện,
Siêu thoát lên Cõi Trời,
Khi hưởng hết phước báo,
Lại quay về Cõi Người.

Ba, người có công đức,
Nhưng còn Tham Si Sân,
Ngạo mạn và ích kỷ,
Sẽ vào cõi Quỉ Thần.

Cõi này còn được gọi
Là cõi A Tu La.
Nửa tốt và nửa xấu
Như hầu hết chúng ta.

Ba Cõi còn lại khác:
Tùy tội lỗi của mình,
Mà khi chết buộc phải
Đầu thai thành Súc Sinh,

Hoặc Ngạ Quỉ, quỉ đói,
Hay đày đọa suốt đời
Dưới chín tầng Địa Ngục
Tăm tối, không mặt trời.

Phật nói: Số người chết
May mắn được đầu thai
Thành người, ít như đất
Dắt ở móng tay Ngài.

Tức là số còn lại
Khổ nhiều kiếp, nhiều đời,
Cho đến khi hết nợ
Mới lại được làm người.

Các chúng sinh khi sống
Phải sống thiện hàng ngày
Để tránh ba Cõi Dữ
Của các kiếp sau này.

Luân Hồi và Nhân Quả
Là Luật của đất trời.
Không ai thoát được nó,
Cả vật và cả người.


NGHIỆP

Nhân Quả trong tiếng Phạn
Được gọi là Karma,
Thường hay dịch là Nghiệp,
Phiên âm thành Yêt Ma.

Nghiệp dẫn tới Quả Báo,
Liên tiếp mãi không thôi,
Tạo thành Luật Nhân Quả,
Trong vòng lớn Luân Hồi.

Hồi là quay trở lại.
Luân nghĩa là bánh xe.
Bánh xe quay, thực chất,
Quay đi lại quay về.

Con người sinh, rồi chết.
Chết rồi lại được sinh.
Con người mới là Quả
Của Nhân cũ của mình.

Ai đó, theo Phật dạy,
Được sinh ở đời này,
Tức là đã từng sống
Nghìn vạn kiếp trước đây.

Người sinh ra, hình tướng
Đẹp hay xấu khác nhau.
Cũng khác nhau sướng khổ,
Phải nghèo hay được giàu.

Đó là Nghiệp, Nhân Quả.
Mọi cái có nhân duyên.
Ở ác thì gặp ác,
Ở hiền sẽ gặp hiền.

Muốn biết Nhân ngày trước,
Hãy nhìn Quả hôm nay.
Nhìn việc làm hiện tại
Để biết Số sau này.

Muốn giàu, phải bố thí,
Làm những điều tốt lành.
Kiếp sau muốn sống thọ,
Kiếp này không sát sinh.

Muốn mặt mày xinh đẹp,
Phải vào chùa dâng hoa.
Muốn tinh thần thoải mái,
Không nóng giận, dâm tà.

Tất cả đều do Nghiệp.
Mà Nghiệp gồm ba phần,
Mỗi phần có hai loại.
Nghiệp gồm Ý, Khẩu, Thân.

Ý Nghiệp quan trọng nhất.
Nó chi phối mọi điều.
Thiện Ý là trí tuệ,
Từ bi, tình thương yêu.

Ác Ý là nghĩ xấu,
Nghĩ chuyện Tham Sân Si.
Nóng giận và ghen ghét,
Chẳng coi ai ra gì.

Khẩu Nghiệp là lời nói.
Ác Khẩu là điêu toa,
Nói dối, gây hiềm khích,
Hoặc khai man trước tòa.

Thiện Khẩu là nói thật,
Nói điều hay, điều lành,
Giảng kinh và thuyết pháp,
Sâu xa và chân thành.

Thân Nghiệp và Khẩu Nghiệp
Dễ nhận thấy ở người.
Cái Ác và cái Thiện
Trong việc làm và lời.

Thân Ác là làm ác,
Như trộm cắp, sát sinh,
Đánh đập người, súc vật,
Phá chùa, phá đền đình.

Thân Thiện thì ngược lại,
Bố thí và cúng dường,
Giúp đỡ người nghèo khổ,
Sống bằng tình yêu thương.

*
Vậy là ta đã biết,
Mọi cái có nhân duyên.
Ở ác thì gặp ác,
Ở hiền sẽ gặp hiền.

Nhưng nhiều người sống thiện
Vẫn gặp ác, vì sao?
Còn lắm kẻ sống ác
Vẫn sướng, là thế nào?

Là vì hạt giống Thiện
Và giống Ác ở đời,
Như mọi hạt giống khác,
Phải chờ mưa, chờ thời.

Nghiệp và Luật Nhân Quả
Như Lưới Trời bủa vây.
Không người nào có thể
Thoát được Lưới Trời này.


BỐ THÍ VÀ CÚNG DƯỜNG

Sống, phải làm việc thiện,
Mà không mong đợi gì.
Việc thiện giúp tâm sáng,
Hỷ Xả và Từ Bi.

Bi là giúp người khác
Thoát nỗi khổ cuộc đời.
Từ - đem niềm vui đến
Cho tất cả mọi người.

Làm việc thiện, chủ yếu
Là bố thí, cúng dường.
Không toan tính, vụ lợi,
Trọn vẹn tình yêu thương.

Bố thí là gieo thiện,
Gieo mầm đức, sau này
Người gieo hái quả phước
Từ việc làm hôm nay.

Bố thí không nhất thiết
Giá trị lớn, hoặc nhiều,
Để cúng dường Tam Bảo,
Và giúp đỡ người nghèo.

Phật dạy, giúp kẻ khó
Trong cuộc sống đời thường
Là việc làm kính Phật,
Cũng một dạng cúng dường.

Bố thí phổ biến nhất
Là cho tiền, thức ăn,
Tức tài thí, vật thí,
Đáng quí và rất cần.

Nhưng quan trọng hơn cả
Là Pháp Thí, tức là
Giúp người khác cùng hiểu
Và theo Phật Thích Ca.

Vì người biết theo Phật
Là người sống có tâm,
Xa lánh những điều ác,
Giúp hạt thiện nảy mầm.

Pháp Thí là phổ biến
Giáo lý Phật Thích Ca
Bằng viết hoặc in sách,
Phân phát cho mọi nhà.

Giúp một người hiểu biết,
Thì về sau người này
Sẽ giúp tiếp người khác
Hiểu cái đúng, cái hay.

Cứ thế, chân lý Phật,
Bác ái và từ bi,
Sẽ dần dần lan tỏa,
Chiến thắng Tham Sân Si.

Cuối cùng - Vô Úy Thí
Là đem lại tình thương,
Niềm vui, sự tĩnh tại
Trong cuộc sống ngày thường.

Thí chủ sẽ tìm cách,
Bằng lời dạy, lời khuyên,
Giúp người khác nghị lực,
Niềm tin và bình yên.

Tóm lại, như Phật dạy,
Làm bố thí giúp người
Là việc làm đẹp nhất
Suốt trong cả kiếp người.

Đức Phật cũng từng dạy:
Cứu được một mạng người
Hơn xây bảy chùa lớn,
Dù cao đẹp nhất đời.

Giá trị của bố thí
Không ở ít hay nhiều,
Mà ở lòng thí chủ,
Ở tình thương, tình yêu.

*
Xưa, có cô gái nọ
Sống bằng nghề ăn xin.
Một lần, đứng trước cửa
Ngôi chùa ở làng bên.

Qua cánh cổng, cô thấy
Các sư ngồi trong sân,
Chia những thứ ít ỏi
Mới xin được cùng ăn.

Dẫu là người hành khất,
Nhịn suốt ngày là thường,
Cô vẫn thấy ái ngại,
Và chợt muốn cúng dường.

Cô sờ túi, thất vọng,
Tiền chỉ đúng một đồng.
Biết mua gì vào cúng,
Ai được ăn, ai không?

Cuối cùng cô quyết định
Mua một bát muối đầy,
Các sư ăn sẽ đủ,
Thậm chí được mấy ngày.

Sư trụ trì biết chuyện,
Liền mời cô vào chùa,
Tiếp rước như Bồ Tát,
Dùng cả lọng tua rua.

Nhờ sự cúng dường ấy,
Cô gái này về sau
Trở thành vợ hoàng tử,
Cao quí và rất giàu.

Một hôm, cô cho chở
Cả một xe vàng đầy
Vào dâng ngôi chùa ấy.
Thế mà rồi lần này

Sư trụ trì đón tiếp
Không khác khách bình thường,
Bất chấp sự giàu có,
Địa vị người cúng dường.

Cô hỏi thì ngài đáp:
Bát muối đầy ngày xưa
Là những gì cô có,
Thành tâm dâng nhà chùa.

Còn bạc vàng, châu báu
Cô dâng cúng hôm nay,
Tất nhiên chùa đa tạ,
Nhưng tiền cúng lần này

Là tiền của nhà nước,
Tức là tiền của dân.
Cô chỉ thay mặt họ
Để cúng dường cầu thân.


A DI ĐÀ PHẬT

Tên Phật, theo tiếng Phạn,
Là A-mi-tab-ha,
Tức Vô Lượng Ánh Sáng,
Tức Phật A Di Đà.

Đức A Di Đà Phật
Là vị Phật đầu tiên
Trong vô số Đức Phật
Được tôn làm người hiền.

Ngài được thờ nhiều nhất
Trong Ma-hay-a-na,
Tức Đại Thừa, nhánh Phật
Thịnh hành ở nước ta.

Theo truyền thuyết kể lại,
Vô lượng kiếp trước đây
Có vị vua hùng mạnh
Bất chợt trong một ngày

Được Đức Phật thuyết giáo,
Ngài từ ngôi, qui y,
Sau thành Phật, biểu tượng
Của Trí Tuệ, Từ Bi.

Ngài bèn lấy Phật hiệu
Là Phật A Di Đà,
Pháp danh là Pháp Tạng,
Đức độ và tài ba.

Thích Ca Mâu Ni Phật
Nói Ngài ở Tây Phương,
Hay Tây Phương Cực Lạc,
Kiểu một dạng thiên đường.

Cực lạc là sướng nhất,
Phong cảnh đẹp tuyệt vời.
Ai muốn gì có ấy,
Nhưng chẳng ai ham chơi.

Thay vào đó, tất cả
Nghe Phật A Di Đà
Thuyết pháp để thành Phật,
Sống giữa cõi chói lòa.

Nhiều phật tử tâm niệm
Khi chết được vãng sinh
Vào cõi trời của Phật,
Cực lạc và yên bình.

Trong lịch sử Đạo Phật,
Phép niệm A-di-đà
Là một mốc quan trọng
Ở rất nhiều quốc gia.

Đây là cách tu mới -
Qua niệm Phật đời thường,
Phật tử mong được đến
Cõi Cực Lạc Tây Phương.

Để tới đấy, đơn giản,
Lúc lâm chung, người ta
Nhớ mười lần tụng niệm
“Nam mô A-di-đà.”

Tưởng dễ, nhưng rất khó,
Vì sắp chết, con người
Thường đau đớn, lú lẫn
Và quên hết sự đời.

Do vậy lúc còn sống
Các phật tử hàng ngày
Niệm càng nhiều càng tốt
Câu niệm quen thuộc này.

*
Ở các chùa hiện tại,
Ngoài tượng Phật Thích Ca,
Ta còn thấy cả tượng
Đức Phật A-di-đà.

Tượng Ngài thường sơn đỏ,
Tượng trưng mặt trời hồng
Ở Tây Phương Cực lạc
Soi sáng mọi tấm lòng.

Tay Ngài cầm bát pháp,
Có khi một bông sen,
Đưa xuống, như nâng đỡ
Các phật tử cùng lên.

Đặc điểm nổi bật nhất
Của tượng A-di-đà,
Là tóc hình xoắn ốc,
Khác tóc Phật Thích Ca.

Dưới chân tượng túc trực
Một đôi công rất hiền,
Và công là biểu tượng
Giữ cuộc sống bình yên.

Ai cũng muốn khi chết
Được hưởng lạc, yên hòa.
Vậy hãy nhớ niệm Phật.
Nam mô A-di-đà.


SÁU PHÁP BA LA MẬT

Ba La Mật, tiếng Phạn
Là Pu-ra-mi-ta,
Gồm có sáu pháp chính
Của những người xuất gia.

Ba La Mật có nghĩa
Là vượt qua sông Mê.
Một quá trình tu dưỡng
Giúp phát tâm Bồ Đề.

Đây là Bồ Tát đạo,
Trước, giải thoát cho mình,
Còn gọi là tự độ,
Sau, cứu giúp chúng sinh.

Sáu pháp Ba La Mật:
Một, Bố Thí giúp người.
Hai, Trì Giới, giữ luật.
Ba, Kiên Nhẫn ở đời.

Bốn, rèn luyện Tinh Tấn.
Năm, Thiền Định hàng ngày.
Sáu, chăm lo Trí Tuệ
Để bát Tuệ luôn đầy.

1
BỐ THÍ

Bố thí có ba loại.
Tài thí là loại đầu,
Tức bố thí tiền bạc.
Pháp thí là loại sau.

Pháp thí đem chân lý
Của Phật đến cho người.
Dạy Từ Bi Hỷ Xả
Để sống tốt ở đời.

Vô úy là bố thí
Niềm vui và lời khuyên,
Để người khác an lạc,
Thoát khỏi nỗi buồn phiền.

Bố thí có ba bậc,
Tùy đức độ từng người,
Là Hạ, Trung và Thượng.
Tất cả nhằm giúp đời.

Hạ, bố thí cơm nước,
Quần áo cũ, dầu đèn.
Trung, bố thí nhà cửa,
Vàng bạc và thuốc men.

Thượng, bố thí cao nhất,
Của các bậc thánh linh,
Sẵn sàng đem bố thí
Đầu, mắt, chân tay mình.

Xét theo luật nhân quả,
Bố thí nghĩa là cho,
Nhưng cũng nghĩa là nhận
Cái ngày xưa mình cho.

Người nhận của bố thí
Là người có phước lành,
Giờ khó khăn, nhận lại
Cái đức xưa của mình.

Tương tự, người bố thí
Đang tu đức này nay
Bằng cách giúp người khác,
Để được giúp sau này.

2
TRÌ GIỚI

Để Thân, Khẩu và Ý
Tránh được điều không hay,
Không làm điều bất thiện,
Phải trì giới hàng ngày.

Tức là luôn tâm niệm
Để ghi nhớ trong lòng,
Không phạm năm điều cấm,
Trong ý nghĩ cũng không.

Một, là không nói dối.
Hai, là không sát sinh.
Ba, không được trộm cắp,
Lấy cái không của mình.

Bốn, là không uống rượu.
Năm, không được tà dâm.
Giữ được năm giới ấy,
Sẽ thanh thản cõi tâm.

Trì giới phải tự nguyện,
Không để khoe với đời.
Liên tục và kiên nhẫn,
Không một phút buông lơi.

3
NHẪN NHỤC

Nhẫn nhục là đức tính
Cần thiết cho con người
Để được sống thanh thản
Và thành đạt trong đời.

Nhẫn nhục có ba cấp.
Thân nhẫn là cấp đầu.
Nhẫn nhục chịu mưa gió,
Đói khát và buồn đau.

Khẩu nhẫn là cấp tiếp.
Nhẫn nhục nén trong lòng,
Không nói lời than trách,
Cả khi chịu bất công.

Quan trọng và cao nhất
Là Ý nhẫn, là khi
Tâm ý không thù hận,
Không để bụng điều gì.

Khi đạt được Ý nhẫn,
Lòng an lạc, yên bình.
Tham Sân Si tự biến,
Thoát được vòng vô minh.

4
TINH TẤN

Theo nghĩa thông dụng nhất,
Tinh tấn là chuyên cần,
Quyết tâm và cố gắng
Để vượt mọi khó khăn

Đời thường đầy cám dỗ,
Vất vả đủ trăm điều.
Người tu hành còn khổ
Và vất vả hơn nhiều.

Vì thế phải tinh tấn,
Phải luôn nhắc nhở mình,
Để vượt qua cám dỗ,
Thoát khỏi vòng vô minh.

Muốn đắc quả, giác ngộ,
Thì với người tu hành,
Phải một lòng tu pháp,
Không để ý xung quanh.

Chính nhờ sự tinh tấn,
Thái tử Tất Đạt Đa
Vượt được nhiều khổ ải
Để thành Phật Thích Ca.

Kiên nhẫn và tinh tấn
Giúp ta thắng cái lười,
Đạt được đích mình muốn,
Tránh thói xấu cuộc đời.

 5
THIỀN ĐỊNH

Thiền định trong tiếng Phạn
Gọi là Dhyana,
Tức tư duy, tĩnh lự,
Là quá trình khi ta

Chuyên tâm ngồi một chỗ,
Trong tư thế tọa thiền,
Suy ngẫm về tâm thức,
Thân và trí tĩnh yên.

Sau sáu năm khổ hạnh,
Thái tử Tất Đạt Đa,
Nhờ chuyển sang thiền định,
Mới thành Phật Thích Ca.

Thiền định là một cách
Ta tìm lại chính mình,
Thanh lọc các ý nghĩ,
Đạt cái thiền, cái minh.

Như tụng kinh, niệm Phật,
Hoặc thanh tịnh ăn chay,
Thiền, phải thiền liên tục,
Kiên nhẫn và hàng ngày.

 6
TRÍ TUỆ

Theo Phật học, Trí tuệ
Có hai loại như sau.
Một là Căn bản trí,
Trí tuệ gốc ban đầu.

Căn bản trí là trí
Có sẵn trong mỗi người,
Được thiên nhiên ban phú
Ngay từ lúc chào đời.

Tuy nhiên, cái trí ấy
Có thể bị lãng quên
Nếu không chịu rèn luyện,
Sống vô minh, thấp hèn.

Vì vậy phải cần đến
Cấp Trí tuệ thứ hai,
Gọi là Hậu đắc trí,
Giúp ta thành hiền tài.

Trí này chỉ có được
Qua quá trình dài lâu
Thiền định và trì giới,
Đọc sách và nguyện cầu.

Một khi có được nó,
Ta thoát vòng vô minh,
Phân biệt được sai đúng,
Cứu người và cứu mình.

Việc rèn luyện trí tuệ
Để sống tốt, thành người
Đòi hỏi phải kiên nhẫn,
Và kéo dài suốt đời.

*
Trên đây tôi lược kể
Dễ hiểu và nôm na
Sáu pháp Ba La Mật
Của Đức Phật Thích Ca.

Làm được thế chắc khó,
Nhưng cứ thử xem sao.
Chí ít để biết được
Mình là người thế nào.

Ở đời Bồ Tát ít,
Người bình thường thì nhiều.
Đời có thêm Bồ Tát,
Thì đời càng đáng yêu.


NÓI SAI, TÔI CHẾT LIỀN

Thằng rể tặng bố vợ
Đôi giày Italy.
Chắc giá phải mấy triệu,
Thế mà rồi tôi đi,

Cũng chẳng thấy sướng lắm.
Hơn thế, mấy triệu đồng
Không thể ngăn được nó
Thấm nước, rồi đế bong.

Tôi mua một đôi khác,
Một trăm năm mươi nghìn
Ở vỉa hè phố cạnh.
Nói các bác không tin,

Nhưng quả thật tôi thích
(Chủ yếu vì ít tiền).
Nó trông cũng bóng lộn
Chưa bong đế, còn bền.

*
Bài học: Không nhất thiết
Phải chơi sang hơn người.
Đồ vật để sử dụng,
Chứ không để lòe đời.

Kể cũng hơi xấu bụng,
Nhưng từ ấy đến nay,
Hễ gặp ai, len lén
Tôi cúi nhìn đôi giày.

Anh nào có giày tốt,
Tôi cứ thấy thương thương,
Như thể đang sập bẫy
Thói phù hoa đời thường.

Rồi cái thương thương ấy
Chuyển sang những cô nàng
Đi Vespa trăm triệu,
Dù chủ chỉ nhàng nhàng.

Ông chủ chiếc Rolls-Royce,
Cũng một dạng người quen,
Bảo tôi, ông chẳng sướng
Cưỡi trên một núi tiền.

Tức cái núi tiền ấy
Chỉ mua danh đại gia.
Giờ mà đem bán nó,
Giá chỉ một phần ba.

Ông tâm sự, tội nghiệp,
Nghe mà thương cho ông:
“Tháng trước thay bộ lốp
Mất hai trăm triệu đồng.”

Tóm lại là phải nói,
Chúng ta, rất buồn cười,
Thích sĩ, thích hoành tráng,
Mọi cái phải hơn người.

Để làm gì điều ấy?
Để khoe ai hơn ai.
Nhưng những người tử tế
Chẳng coi trọng bề ngoài.

Vậy là ta ăn diện,
Thật hoành tráng, thật xinh
Cho những kẻ sĩ diện
Và ú ớ như mình.

*
Nhớ nhé, phải tiết kiệm.
Tiết kiệm là hàng đầu.
Nhất là khi nghèo túng.
Tiết kiệm cả khi giàu.

Bắt chước tôi, nếu muốn.
Đừng sợ ai cười chê,
Bỏ không đi giày Ý,
Đi giày mua vỉa hè.

Thực ra người ăn diện,
Đau đầu, lại tốn tiền,
Chỉ để chiều người khác.
Nói sai, tôi chết liền!


LƯỜI

Cái lười nào cũng dở,
Nhưng dở nhất trên đời
Là lười, không suy nghĩ.
Người, mà đếch phải người.

Khối bác sẽ nhảy cẫng:
Ông này nói thật kỳ:
Suốt ngày cháu động não,
Không suy nghĩ là gì?

Đó không phải suy nghĩ,
Chỉ tính toán lăn tăn,
Sao cho mình mọi chuyện
Được lợi và yên thân.

Nghĩ là biết bình tĩnh
Đặt câu hỏi “vì sao”.
Rồi tự mình tìm kiếm
Câu trả lời thế nào.

Vì sao mình học dốt,
Buôn điện thoại, chạy rông?
Nhiều người biết chơi nhạc
Mà mình thì lại không?

Vì sao dân ta khổ,
Vì sao có chiến tranh?
Vì sao quan tham nhũng,
Vì sao đời thiếu tình…

Đại khái là như vậy.
Tự hỏi và trả lời,
Sẽ vỡ ra nhiều chuyện,
Sẽ bớt cái buồn cười.

PS
Tuy nhiên, để nghĩ đúng
Khi đánh giá mọi điều,
Thì phải nghe người lớn
Và đọc sách, đọc nhiều.

Học là học suy nghĩ,
Cái nước ta ở trường
Chẳng ai dạy các bác,
Nên giận mà vẫn thương.


BỰC MÌNH

Người yếu đuối, ít học,
Cả khi sai rành rành,
Vẫn cãi chày, cãi cối,
Không nhận sai về mình.

Thanh niên, càng ngu dốt,
Càng tự kiêu ta đây.
Hơn thế, thích lý luận.
Đáng thương bọn người này.

Để ý, trên Facebook,
Bác nào thích chửi nhau,
Thì đích thị bác ấy
Láo lếu và ngu lâu.

Ai to mồm tuyên bố
Yêu mến quê hương mình,
Thì gần như chắc chắn
Chẳng yêu ai, ngoài mình.

Gọi người ta “phản động”
Và “vô ơn” là người
Thực sự là phản động
Và đếch hiểu sự đời.

Ta tưởng ta oai lắm,
Mà tư duy bầy đàn.
Có lẽ hơn một chút
So với dân Bắc Hàn.

*
Đừng ngứa mồm nói bậy,
Đừng tớn lên cười chê.
Một khi mình ngu dốt,
Thì dựa cột mà nghe!


MẸ THỨ

Mẹ ngồi, già, nhăn nhúm,
Một mình bên bàn ăn
Với chín chiếc bát rỗng
Bày sẵn cho người thân.

Chín người ấy đã chết
Trong các cuộc chiến tranh,
Để lại chín chiếc bát
Và Bà Mẹ, một mình.

Xây tượng lớn cho Mẹ?
Phong Anh Hùng, ghi công?
Nhưng điều ấy không thể
Làm dịu bớt nỗi lòng.

Ước gì có phép lạ,
Ngày Hai mươi tháng Mười,
Ai đó trả cho Mẹ
Dù chỉ một, một người.

Nhìn mà những muốn khóc.
Chín chiếc bát mẹ già.
Phụ nữ nào đau khổ
Như phụ nữ nước ta?


CÂY NẾN

“Cây nến không thắp sáng
Là thỏi sáp vô hồn.
Nhưng thắp lên, sẽ cháy
Cho đến lúc không còn.

Thiếu tình yêu, tim bạn
Là cục thịt sẫm màu.
Nhưng khi yêu, tự nó
Sẽ thổn thức vì đau.”

Một friend viết thế
Rồi còm thêm thế này:
“Và đó là sự thật.
Một sự thật đắng cay!”

Bác nói đúng, nhưng nến
Được làm để cháy lên.
Trái tim yêu phải đập,
Vì không thể nằm yên.


GHÉT GIẢ DỐI

“Tôi rất ghét giả dối!”
Ít nhất trong mười người,
Chín người tuyên bố thế,
Với mình và với đời.

Giả dối là đáng ghét.
Nhưng vấn đề thế này:
Xã hội ta đang sống
Đầy giả dối xưa nay.

Vậy xin phép được hỏi,
Thẳng thắn chút không sao:
Chín trong mười người ấy
Đã ghét nó thế nào?

Nhiều người nói hay lắm,
Mà làm thì không hay.
Thế cũng là giả dối.
Đừng tin những người này.


TỰ SƯỚNG

Bắt được người khác đợi
Đọc thơ mình hàng ngày
Là việc hiếm xưa nay
Cả trong và ngoài nước.

Càng hiếm - bỏ tiền túi
In hai mươi tập thơ,
Rồi bán, còn có lãi.
Quả chưa có bao giờ.

Hóa ra mình cũng được.
Vậy không nay thì mai
Chắc sẽ vươn tới đích.
Mà đích là thành tài.

PS
Dấu hiệu của điều ấy:
Một, thơ mà nhiều tiền.
Hai, viết cứ như bỡn.
Ba, cũng hơi điên điên.

Có điên mới nói thế.
Nói thế là có tài.
Tự mình sướng, ghi nhận.
Tự mình biết đúng sai.

Không phải khoe đâu nhé.
Các bác là cái đinh.
Chẳng qua không ngủ được,
Thì dậy, sướng với mình.


BUỒN

Buồn, hoa sen đang héo
Mà khách chơi hững hờ.
Càng buồn, đời oan trái
Mà dân tình thờ ơ.

Buồn nữa, giờ mình nói.
Nếu bị bắt, bọn hèn
Chắc sẽ vui mừng lắm,
Dù bây giờ chúng khen.

Khen hay chê mặc chúng.
Mình tự biết lòng mình.
Cũng phải có ai đó
Dám vì nước hy sinh.


TẦN CỐI

Khoảng một nghìn năm trước,
Tần Cối bị người đời
Phỉ nhổ, đúc thành tượng,
Chang nắng mưa giữa trời.

Hai vợ chồng gian tặc,
Tay bị trói, phải quỳ
Trước mộ người chúng giết
Là trung thần Nhạc Phi.

Vậy là từ ngày ấy,
Suốt một nghìn năm qua,
Hắn bị nhổ nước bọt,
Bị roi quất vào da.

Những kẻ đang bán nước
Và gian thần ngày nay
Khôn thì sớm mở mắt
Ghi nhớ bài học này.

*
Tần Cối là thừa tướng
Đời vua Tống Huy Tông,
Nhanh chóng nắm quyền lực
Mà không hề lập công.

Hắn đang tâm bán rẻ
Giang sơn của tổ tiên,
Giết bao người trung nghĩa
Vì bổng lộc và tiền.

Cùng với vợ, Thát Lại,
Hắn không từ điều gì
Để hèn hạ giết chết
Hai cha con Nhạc Phi.

Thế là nước Đại Tống,
Qua bảy nổi, ba chìm,
Bị vợ chồng Tần Cối
Bán rẻ cho nước Kim.

Tần Cối là vết nhục
Trong lịch sử người Hoa.
Là biểu tượng bán nước,
Mưu mô và gian tà.

Suốt nhiều năm sau đó,
Nhiều người Hoa băn khoăn,
Mặc cảm và xấu hổ
Vì mình mang họ Tần.

Những người có họ khác
Sinh con, không bao giờ
Đặt tên con là Cối.
Thậm chí cả bây giờ.

Trong Liêu Trai Chí Dị
Có một truyện rất hay:
Một người nọ mổ lợn,
Thấy lạ, con lợn này

Thịt bốc mùi rất thối.
Lật xem kỹ, và rồi
Thấy dòng chữ trong ruột:
“Thịt Tần Cối bảy đời”.

Hơn thế, chiếc bánh quẩy
Mà người Hoa hay ăn
Cũng liên quan đến hắn,
Nhưng lâu rồi quên dần.

Quẩy luôn có hai nửa
Được làm dính vào nhau.
Là Tần Cối và vợ,
Bị ném vào chảo dầu.

Đó là cách trừng phạt
Của người dân nước này
Với vợ chồng gian tặc.
Trừng phạt tận ngày nay.

PS
Còn ta thì sao nhỉ?
Bán nước và gian thần
Xưa nay quả không ít,
Làm bức xúc lòng dân.

Rồi cháu con có lẽ
Phải đúc tượng bọn này
Để mọi người phỉ nhổ,
Đánh đập giữa ban ngày.

1. Giò Chấu Quẩy đọc trại từ âm Hán là: Du Tặc Cối. Tức là nấu dầu Tần Cối. (Thứ bánh chiên mà ta hay ăn với cháo xuất phát điển tích này).


LẠI BỰC MÌNH

Bực mình, có một bác,
Nhà thơ, giải Quốc Gia,
Được người ta tâng bốc
“Rường cột thơ nước nhà”.

Cái ông “rường cột” ấy
Cứ gọi điện đều đều:
“Sao cậu không thăm tớ?
Cậu là hơi bị kiêu!”

Miệng thì đáp: Vì bận,
Nhưng tôi nghĩ thế này:
Xin lỗi, tôi thừa việc
Đủ để làm hàng ngày.

Ở ông, xin nói thật,
Chỉ vừa vừa cái tài.
Cái chí thì bé tẹo,
Nhưng to đùng cái oai.

Đấy là chưa nói chuyện
Tôi chưa tha cho ông
Cái vụ bồi bút tởm
Mới năm kia, nhớ không?

Lịch sự, tôi không nói,
Nhưng ông phán rất ghê,
Mà viết thì dở ẹc.
Cái gì ông cũng chê.

Dẫu không là Buffett,
Tôi là người khó mời.
Giải Quốc Gia chưa đủ
Để được tôi đến chơi?


ĐỦ

Lão Tử đã từng viết
Trong cuốn sách của mình,
Kiệm lời mà sâu sắc,
Gọi là Đạo Đức Kinh:

Không biết sao là đủ
Là cái họa nhất đời.
Tham, không biết chừng mực
Là cái hại nhất đời.

Vậy biết được cái đủ,
Kiềm chế được cái tham,
Ta mới luôn thấy đủ
Trong ý nghĩ, việc làm.


LỜI PHẬT THÍCH CA

Phật Thích Ca từng nói:
Sư tử, chúa rừng xanh,
Không ai giết được nó,
Trừ nó tự giết mình.

Giết nó là hàng tỉ
Các vi rút không tên.
Tức là những mầm bệnh
Chính tự nó gây nên.

Mà cái mầm bệnh ấy
Bắt nguồn từ tạp ăn,
Cậy mình khỏe, làm láo,
Phải trái đều bất cần.

Cũng vậy, sẽ tự chết
Các chế độ cực quyền.
Chết vì những ung nhọt
Do tự mình gây nên.


MỘT FRIEND NHỜ DỊCH HỘ
BÀI THƠ NÀY CỦA ADY ENDRE

Bàn tay anh nhăn nhúm
Đang nắm giữ tay em.
Đôi mắt anh mờ đục.
Mắt em như sao đêm.

Anh, người bị xua đuổi
Giữa đời này phũ phàng.
Nay già, anh trở lại
Cầm tay em dịu dàng.

Đôi mắt anh mờ đục.
Mắt em như sao đêm.
Bàn tay anh nhăn nhúm
Đang nắm giữ tay em.

Anh giữ em trong mắt
Và cả trong lòng tay.
Chừng nào còn giữ được,
Sẽ mãi mãi thế này.


HOAN HÔ CÔNG AN

Câu chuyện này có thật,
Tôi nghe kể sáng nay.
Có thể nói chuyện nhỏ,
Mà thấy ấm cả ngày.

Có một ông già nọ,
Bảy mươi tuổi, bạc đầu.
Trót phạm tội gì đấy,
Nên bị tù, tù lâu.

Trước khi bị chuyển trại,
Ông được gặp người nhà -
Một đứa cháu, năm tuổi,
Và vợ, một cụ bà.

Theo qui định nào đó,
Ông vẫn bị còng tay
Cả khi muốn ôm cháu.
Thật trái khoáy chuyện này.

Cả ông và cả cháu
Cứ lúng túng hồi lâu.
Rồi cả hai cùng khóc.
Cụ bà thì cúi đầu.

Một trong hai quản giáo
Thấy thế cũng nghẹn lòng,
Và rồi, không đừng được,
Đã mở còng cho ông.

Một việc làm thật đẹp
Của một người có tình,
Dù vi phạm qui định,
Có thể bị phê bình.

*
Chuyện đơn giản chỉ vậy.
Thật mừng, anh công an
Dám bất chấp tất cả,
Đã làm việc phải làm.


KHỐN KHỔ

Thật đúng là khốn khổ
Cho bác nào không may
Sống cạnh thằng hàng xóm
Cứ đánh vợ hàng ngày.

Nếu được, đổi chỗ ở.
Không thì cố lánh xa
Cái thằng ấy cặn bã,
Tăm tối và xấu xa.

Trừ trường hợp đặc biệt,
Đừng cho vào nhà mình.
Không bắt tay, trò chuyện,
Phải tỏ ý coi khinh.

Vì một người dám
Giơ tay đánh vợ con,
Thì chất người trong hắn
Từ lâu đã không còn.

PS
Muốn đánh giá chính xác
Ai là người thế nào,
Hãy xem họ cư xử
Với vợ con ra sao.


KHÔNG ĂN THỊT CHÓ

Xin có một gợi ý,
Chỉ mang tính cá nhân:
Thấy ai ăn thịt chó,
Nếu được, đừng lại gần.

Vì còn ăn món ấy,
Nghĩa là còn tối tăm
Trong nhận thức, suy nghĩ.
Nói chung là dưới tầm.

Cho dù là tiến sĩ,
Giáo sư hay nhà thơ,
Thấy họ ăn, các bác
Có cớ để nghi ngờ.

Nhân tiện: Mèo và chó
Là bạn thân của tôi.
Bác nào ăn thịt chúng
Thì đừng chơi với tôi.

PS
Thịt chó bán ngoài quan,
Đến hơn hai phần ba
Là thịt chó câu trộm.
Ăn không vướng cổ à?

Hơn thế, lại phạm pháp
Vì tiêu thụ của gian.
Hai phần ba, nhớ nhé,
Theo số liệu công an.


MUA CUỐN SÁCH THẬT KHÓ

Trong hai cái friend lists
Ở hai trang, ôi trời,
Con số fan hâm mộ
Gần năm mươi nghìn người.

Hầu hết những người ấy
Suýt soa khen thơ hay.
Xin tiền con, người viết
In mấy tập gần đây.

Sách in một nghìn bản.
Rao bán sáu tháng trời,
Mà vẫn chưa bán hết.
Chỉ còn biết ngậm cười.

Mua cuốn sách khó lắm.
Mà dại gì phải mua?
Cứ thoải mái lên mạng
Download và đọc chùa.

Xin mời cứ thoải mái
Download, đọc cho vui.
Tôi không hề cay cú.
Đọc là đã tốt rồi.

Trước khi in đã biết,
Nên sách ế vẫn cười.
Chỉ nêu vài con số
Để bạn hiểu thêm đời.


ĐÀN ÔNG MUỐN GÌ Ở ĐÀN BÀ

Người đàn ông chỉ muốn
Người đàn bà của mình
Giỏi ở trên giường ngủ,
Trong bếp và gia đình.

Chứ giỏi chuyện công tác
Và trí tuệ, xưa nay
Chúng là chúng rất ghét.
Vậy lưu ý điều này.


TIỀN VÀ NGHĨA

Bình thường, nói chuyện nghĩa,
Ai cũng là thánh nhân,
Nhưng đụng đến tiền bạc,
Chuyện mới vỡ ra dần.

Đừng tớn lên, nhớ nhé.
Thích thì cứ nghe khen.
Nhưng chú ý quan sát
Khi chuyện dính đến tiền.

Người luôn mồm kêu bận
Lại thường là những người
Làm được rất ít việc
Cho mình và cho đời.

Người thích chê người khác
Rằng thế nọ, thế này
Thường là người ngu dốt,
Thích tỏ vẻ ta đây.


NGƯỜI ĐÀN BÀ NHÂN HẬU

Một khuôn mặt đẹp mấy,
Rồi cũng có nếp nhăn.
Một cơ thể đẹp mấy,
Rồi cũng phát phì dần.

Người đàn bà nhân hậu
Sẽ nhân hậu suốt đời.
Bất chấp sự thay đổi
Trên mặt và trên người.


TUỔI GIÀ ĐÁNG YÊU

Có hai cụ già nọ,
Không hiểu sao giận nhau.
Ngồi công viên, ghế đá,
Hai cụ tít hai đầu.

Bỗng nhiên trời mưa lớn.
Chỉ cụ ông có ô.
Khốn nỗi, cụ đang giận,
Cứ tiếp tục đôi co.

Cụ với tay, quay mặt,
Che ô cho cụ bà.
Nhất định không ngồi cạnh.
Thật đáng yêu tuổi già.

*
Một tình yêu đích thực
Là còn quan tâm nhau
Cả khi đang giận dỗi,
Cả khi muốn chặt cầu.


CHUYỆN THẬT

Chuyện thật, thế này nhé,
Được xem là bình thường.
Giữa thanh thiên bạch nhật,
Thị trấn Dùng, Thanh Chương.

Có hai người lương thiện
Bị một nhóm côn đồ
Tự nhiên xông vào chém,
Bằng dao bé, dao to.

Trắng trợn và láo lếu,
Chuyện ấy khỏi phải bàn.
Đáng bàn là lúc ấy
Có năm anh công an.

Cả năm mặc đồng phục.
Sự thật, dù khó tin
Chúng chém dân vô tội,
Mà cả năm đứng nhìn.

Về sau, hỏi, thì đáp:
“Quả đúng thế, có điều
Bọn chúng có hung khí,
Chúng tôi không dám liều…”

PS
Sự việc đúng như vậy.
Hỏi các bác nghĩ sao?
Tôi, một bụng đầy chữ,
Mà không có chữ nào

Để bình luận thêm nữa.
Mà rồi cũng không cần.
Công an giờ thế đấy,
Của dân và vì dân.


HẠNH PHÚC - 1

Cụ Bà ngồi nghiêm nghị.
Cháu con về, rất đông.
Tự nhiên Cụ chớp chớp,
Nước mắt chảy thành dòng.

Hỏi sao Cụ lại khóc.
“Khóc, vui vì chúng mày.
Ơn đảng, ơn chính phủ,
Có được như ngày nay!”

Ừ, ơn đảng, chính phủ.
Tôi, cũng một cụ già.
Khóc, thì mắt không khóc,
Nhưng trong lòng lệ nhòa.


HẠNH PHÚC - 2

Con gái, bụng vượt mặt,
Ngồi chơi pi-a-nô.
Cả hai ông bà ngoại
Ngồi nghe, không dám ho.

Chip cứ đến phá rối.
Mẹ mắng, lại mách ông.
Trong bếp, nồi cá cháy,
Bà ngoại coi như không.

Thằng rể vờ đọc báo,
Nhưng cũng không dám ho.
Chắc hắn tự hào vợ
Biết chơi pi-a-nô.

Nhớ ngày bé con gái
Vừa khóc vừa tập đàn.
Giờ thì ông bà khóc
Vì niềm vui ngập tràn.

Chắc còn khóc lần nữa,
Khi cháu Chip sau này
Ngồi chơi đàn, đông đủ,
Y hệt như hôm nay.

*
Tự nhiên thấy vớ vẩn
Mấy cái trò thơ ca,
Châm ngôn rồi thế sự,
Tiền bạc rồi cửa nhà.

Cháu con là trên hết.
Trên hết là gia đình.
Ai được hai cái ấy,
Coi như nhất là mình!


KHÔNG HAY LẮM

Có lẽ không hay lắm,
Khi người ta chia tay,
Thì coi như sổ toẹt,
Không quan tâm, không dây.

Từng có những giây phút
Đằm thắm giữa hai người,
Từng có chung con cái
Và bao chuyện trên đời.

Sau mỗi cuộc đổ vỡ,
Nên bình tĩnh xem mình.
Biết đâu còn sót lại,
Dẫu ít, một chút tình.


CẢM ƠN

Có một bác nhận xét:
“Em thích thơ châm ngôn.
Hồn nhiên và giản dị,
Y như thơ trẻ con.

Bác viết rất dễ hiểu,
Có vần, nghe như vè.
Như lời nói dân dã
Của chúng em, dân quê.”

Cảm ơn, thật xúc động
Được lời khen thế này.
Đó là phần thưởng lớn
Tôi mong chờ lâu nay.


TÔI YÊU VIỆT NAM

Nước ta, các bác ạ,
Thật đẹp và thân thương.
Từ thiên nhiên, cây lá
Đến cuộc sống bình thường.

Con người lại càng đẹp
Dẫu còn khổ và nghèo,
Nhưng cái tình, cái nghĩa
Luôn có, mà có nhiều.

Thực ra thì xã hội
Cũng không tệ lắm đâu.
Lúc nào đời chả thế,
Cả ở Tây, ở Tàu.

Đẹp hay xấu phụ thuộc
Cái tâm và cách nhìn.
Và điều quan trọng nhất -
Không để mất niềm tin.

Đi gần hết thế giới,
Âu, Á, Phi, Mỹ, Nga…
Tôi vẫn thấy đẹp nhất
Là Việt Nam chúng ta.

Tất nhiên còn nhiều cái
Ta chưa thật hài lòng.
Vậy thì hãy chung sức
Để đất nước thành công.


LỜI NGƯỜI XƯA

Cái Tâm mà chưa thiện,
Phong thủy cũng bằng không.
Bất hiếu với cha mẹ,
Thờ cúng chỉ mất công.

Anh em không hòa thuận,
Còn nói gì bạn bè.
Còn làm điều bất chính,
Đọc sách là trò hề.

Tài giỏi mấy cũng vứt,
Nếu chỉ sống cho mình.
Thông minh mà lười biếng
Thì thà không thông minh.

Người xưa đã nói thế.
Chỉ tiếc rằng người nay,
Vô tình hay cố ý,
Không nhớ những điều này.


CHỚ VỘI TIN

Chớ vội tin gì đó
Đơn giản vì điều này
Được nhiều người tin tưởng
Như chân lý xưa nay.

Chớ vội tin cả cái
Được người đang có quyền
Bảo đó là sự thật.
Chớ vội tin đồng tiền.

Chớ vội tin gì đó
Thấy hợp với ý ta.
Chớ vội tin đài báo.
Chớ vội tin cái loa.

Vậy làm sao? Nhất thiết
Ai nói, không tin ngay,
Mà phải kiểm chứng trước
Với việc làm hàng ngày.


SỐNG CHẬM

Nhiều khi ta bị cuốn
Vào vòng xoáy cuộc đời,
Quên những điều bình dị,
Rất đời thường, rất người.

Cho đến khi chợt tỉnh,
Ta mới biết mất nhiều.
Rồi chất vấn, nuối tiếc,
Mong thời gian đổi chiều.

Hãy chừa một khoảng lặng,
Để thư thái trong lòng
Suy ngẫm về cuộc sống,
Hạnh phúc và thành công.

Để biết chân giá trị
Những gì đang xẩy ra
Với cuộc đời đang sống,
Với người và với ta.

Sống chậm để suy ngẫm,
Cách sống của người khôn.
Hơn thế, rất bổ ích
Cho thể xác, tâm hồn.


CỨNG VÀ MỀM

Người tính cách cứng rắn,
Dứt khoát, không khoan dung,
Dễ gục ngã, vì vậy
Khó đến đích cuối cùng.

Người tính cách nhu nhược.
Luôn do dự, suy bì,
Sống chỉ là tồn tại,
Và chẳng làm được gì.

Không mềm, không quá cứng,
Tuân theo thuyết Trung Dung,
Là những người có thể
Đi đến đích cuối cùng.


CÒN TA THÌ SAO?

Ta chửi quan tham nhũng
Bằng những lời gắt gay.
Mà chửi chúng là đúng.
Nhưng vấn đề thế này.

Ta chửi người thì dễ.
Bản thân mình thì sao?
Được làm quan như họ,
Ta ứng xử thế nào?

Khi làm quan, thỉnh thoảng
Có người cứ cho tiền,
Đúng lúc nhà đang thiếu.
Chuyện ấy mới thật phiền.

Mà cái họ nhờ vả
Cũng chẳng lớn lao gì.
Không vi phạm pháp luật.
Mà cồm cộm phong bì.

Hơn thế, các quan khác
Vẫn nhận, có sao đâu.
Mình mà chối, không khéo
Người ta bảo ngu lâu.

Cuối cùng ta tặc lưỡi.
Cũng lăn tăn trong lòng:
“Lần này tôi nể bác,
Nhưng lần sau thì không!”

Rồi lần sau, sau nữa,
Ta vẫn nói câu này,
Rồi thành quan tham nhũng
Tự lúc nào không hay.

Vấn đề là thế đấy.
Nói thật hay mất lòng:
Ta mà có cơ hội,
Ta có tham nhũng không?

Có nhiều người, tôi biết
Chửi quan ăn tiền dân,
Chỉ vì ghen, vì họ
Muốn mà không được ăn.

Xưa các cụ đã dạy:
Hãy tự ngẫm về mình
Trước khi chê người khác.
Một lời dạy chí tình.

Chắc có người sẽ hỏi:
“Còn cụ Tân thì sao?”
“Cụ sẽ cố đứng vững.
Chưa biết vững thế nào.”


KHÔNG BÙN THÌ KHÔNG SEN

Ca dao và tục ngữ
Luôn ca ngợi hoa sen.
Hoa sen thơm và trắng,
Không hề dính bùn đen.

Nhưng ca dao, tục ngữ
Lại quên mất điều này:
Không được bùn nuôi sống,
                   Liệu hoa đẹp mấy ngày?

Nhiều năm, nhiều sinh vật
Chết để thành bùn đen.
Cái gì cũng có giá.
Không bùn thì không sen.


QUAN LỚN CÚNG CHÙA

Nghe nói nhiều quan lớn
Cúng vàng xây chùa chiền.
Thành tâm làm công đức,
Không mảy may tiếc tiền.

Nhưng cái tâm thành ấy
Cuối cùng cũng lộ dần:
Chúng mua lộc, mua phước
Bằng tiền cướp của dân.


                   BỐ MẸ VÀ CON CÁI

Những oan trái lịch sử
Và cái đau nước nhà,
Những nỗi niềm khó nói
Đè lên vai người già.

Con cháu họ, người trẻ,
Vô tư và hồn nhiên,
Không thấy, không muốn thấy
Cái đau buồn kề bên.

Chúng, thỉnh thoảng sơ ý,
Vấp vào nỗi đau này,
Mà không biết bố mẹ
Đau lặng người mấy ngày.


NGẪU HỨNG NHÂN XEM MỘT CHƯƠNG TRÌNH QUẢNG BÁ DU LỊCH

Giữa một bên: Liên tục
Lăng-xê các chương trình
Ra nước ngoài quảng bá
Để thế giới biết mình.

Và bên kia: Lặng lẽ
Làm những việc bình thường
Làm tốt, rồi tự khắc
Hữu xạ tự nhiên hương.

Cách nào tốt hơn nhỉ?
Các bác nói giùm tôi.
Chứ xem mãi nem rán,
Áo dài mệt lắm rồi.

Có thể người ta đến
Do anh khéo chào mời.
Nhưng đến rồi, thật tiếc,
Lại bỏ của chạy người.

Tôi, chuyên gia quảng cáo,
Tự nhận biết thế này:
Quan trọng là sản phẩm,
Chứ không quảng cáo hay.

Khách hàng giờ khôn lắm.
Khôn hơn người bán nhiều.
Nhất là khi đói kém,
Phải hạn chế chi tiêu.

Vậy khuyên bác du lịch
Dùng tiền ấy ở nhà
Đầu tư, làm thật tốt
Cho bằng nước người ta.

Nói với người của bác
Bớt thói du lịch chùa.
Muốn đi, bỏ tiền túi.
Cũng rẻ và dễ mua.

No comments:

Post a Comment