349
“Bố em luôn say rượu.
Thầy bảo phải làm gì?
Em buồn và khổ lắm.
Hay bỏ nhà ra đi?”
Đó là lời cầu cứu
Của một cô sinh viên.
Tôi nghe, lòng phẫn nộ,
Nhưng bất lực ngồi yên.
Những ông bố nát rượu
Làm khổ con suốt đời.
Bố không đáng mặt bố.
Người không đáng mặt người.
Chữ bố linh thiêng lắm,
Luôn phải được viết hoa.
Sao bố thành nỗi sợ
Cho con cái trong nhà?
Chỉ vì vô trách nhiệm,
Do ngu dốt, đua đòi
Tập uống rượu, rồi nghiện,
Làm tan nát cuộc đời.
Vừa thương lại vừa giận
Những ông bố mất khôn.
Mong họ đủ tỉnh táo,
Nghe lời này của con:
“Bố em luôn nát rượu.
Thầy bảo phải làm gì?
Em buồn và khổ lắm.
Hay bỏ nhà ra đi?”
350
Một lần, khi khất thực,
Đi qua một vườn cây,
Có mấy bác làm ruộng
Chặn Phật, nói thế này:
“Chúng tôi phải vất vả
Cày cấy và bón phân,
Nếu không bị trời hại,
Mới kiếm được miếng ăn.
Trong khi đó, các vị
Thực ra chẳng làm gì
Mà vẫn ăn, ăn khỏe,
Còn làm bộ từ bi.”
Phật ôn tồn đáp lại:
“Chúng tôi cũng cấy cày,
Cũng bón phân đấy chứ,
Và vất vả hàng ngày.
Chúng tôi đang gieo hạt,
Hạt giống của Tình Thương
Và Niềm Tin nhân ái.
Cái ấy đâu tầm thường.
Khi đến mùa thu hoạch,
Hạt giống này nhỏ nhoi
Sẽ mang lại quả Thiện
Và An Lạc cho đời.”
Mấy bác kia chợt hiểu,
Mời Đức Phật vào nhà
Ăn cơm nấu với sữa,
Và cúng tặng nhiều quà.
“Người nhà Phật giáo pháp, -
Phật nói rồi lắc đầu. -
Không phải mong được cúng.
Nếu muốn, để lần sau.”
351
Sốt ruốt chờ giấy phép
Để xây một ngôi nhà,
Thế mà ông nhà nước
Cứ dềnh dàng, rề rà.
Ta chờ nhà xuất bản
Duyệt cho in sách thơ,
Thế mà nhà xuất bản
Cứ đủng đỉnh, bắt chờ.
Ta hẹn với ai đó
Làm cái nọ, cái này,
Thế mà người đã hẹn
Cứ khất lần nhiều ngày.
Ta bực bội, khó chịu,
Đến văng tục đôi khi.
Nhưng người đời là thế,
Nên chẳng thể làm gì.
Tôi có lời khuyên nhỏ,
Xin được đưa vào thơ,
Rằng giục thì cứ giục
Và chờ thì cứ chờ,
Đừng bực mình mà thiệt,
Hại tim và đau đầu.
Cả khi anh dọa chết,
Cũng chẳng nhanh hơn đâu.
Người đời luôn như thế.
Vì là việc của người,
Nên họ làm rất chậm.
Thôi, kệ mẹ người đời.
352
Một friend vừa viết:
Nếu tất cả khỏa thân,
Thì người mặc quần áo
Sẽ trở thành tâm thần.
Ngay lập tức người ấy
Sẽ bị cả cộng đồng
Lên án vô đạo đức
Hoặc bỏ tù, tội không?
Tương tự, mặc quần rách
Sẽ bị cho là điên.
Nhưng nhiều người cùng điên
Thì lại trở thành mốt.
Đúng sai giờ thế đấy,
Tùy thuộc vào đám đông.
Đám đông thì đồng bóng.
Vậy biết mà đề phòng.
353
Vào mạng, đọc mà khiếp
Cái mốt đổi vợ chồng.
Có câu lạc bộ nhé.
Các bác có tin không?
Tôi không thể tin nổi.
Sao xuống đến mức này?
Hay ung nhọt xã hội
Bục vỡ đã đến ngày?
Bia ôm là một nhẽ.
Đĩ điếm là một đường,
Nhưng đổi chồng, đổi vợ
Là chuyện không bình thường.
Đó là sự tha hóa,
Là tiếng chuông báo nguy,
Rằng nền tảng xã hội
Đã lung lay cực kỳ.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Vì sao và do đâu?
Những câu hỏi đau nhói
Vương vấn mãi trong đầu.
354
Hôm nọ đi họp lớp,
Bạn cũ, tướng an ninh,
Khoe: “Tớ được lên tướng
Không mất một đồng chinh”
Vậy, khai không cần hỏi,
Rằng trong ngành công an,
Như rất nhiều ngành khác,
Có bán chức, bán quan.
Một cậu, xưa học kém,
Giờ giáo sư ngữ văn.
Quả không dám nghĩ xấu,
Nhưng cứ thấy lăn tăn.
PS
Cậu tướng an ninh ấy
Khoe to giữa đám đông:
“Tớ với lão Tân Béo
Ngày xưa sống cùng phòng!”
356
Có một giáo sĩ nọ
Nhìn tấm biển cửa hàng:
“Ở đây bán sự thật”,
Hơi ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
Giáo sĩ bước vào quán.
Ông chủ cúi đầu chào:
“Ngài muốn mua sự thật?
Có nhiều loại, loại nào?
Loại sự thật một nửa,
Hay sự thật toàn phần?
Sự thật làm nhức nhối
Hay chỉ khiến băn khoăn?”
“Tôi là người dũng cảm,
Và cái tôi quan tâm
Là sự thật trần trụi,
Sự thật trăm phần trăm!”
“Thế thì giá đắt đấy. -
Chủ quán đáp, nhìn ông. -
Hơn nữa, còn nguy hiểm.
Ngài có dám mua không?
Khi biết sự thật ấy,
Ngài sẽ thấy bất yên,
Nghi ngờ suy nghĩ cũ,
Rồi rơi vào buồn phiền…”
Giáo sĩ nghe, tư lự,
Thấy nặng trĩu trong lòng.
Ông bước ra khỏi quán,
Như lúc vào, tay không.
Ông chưa đủ dũng cảm
Biết loại sự thật này.
Biết nó là phủ nhận
Mọi niềm tin xưa nay.
Dẫu sao ông đã sống
Hơn già nửa cuộc đời.
Kịp để điều vớ vẩn
Thấm rất sâu vào người.
*
Câu chuyện này tôi đọc
Trong “Cơn bão cốc trà”.
Đọc, và ngồi suy ngẫm
Về mỗi một chúng ta.
Không phải ta không biết
Rằng niềm tin của mình
Từ đầu đã sai trái,
Cả lý và cả tình.
Ta hèn nhát, né tránh
Đối mặt với điều này.
Tự phủ nhận mình khó,
Quả rất khó xưa nay.
Thế là ta dung dưỡng,
Cố tình hoặc vô tình,
Những cái sai, dối trá
Để mình tự lừa mình.
Để được sống yên ổn
Phần còn lại cuộc đời.
Dẫu đôi khi dằn vặt
Thầm xấu hổ với người.
357
Cổ nhân xưa đã dạy,
Rằng nhiều khi có người
Đặt mình vào chỗ chết
Để tồn tại trên đời.
Ngược lại, không ít kẻ,
Vì cái Tham, Si, Sân,
Đặt mình vào chỗ sống
Để rồi chết dần dần.
358
“Cà phê pha hai cốc.
Một ghế vẫn trống không.
Có ai đó ở Mỹ
Đến uống cùng tôi không?”
Một friend viết thế
Trên News Feed của tôi.
Tôi, vừa mới ngủ dậy,
Cũng một mình đang ngồi.
Mới lọ mọ đun nước
Pha cà phê hòa tan.
Phòng tôi chỉ một ghế,
Luôn một ghế bên bàn.
Tự nhiên thương ai đó
Chờ ai đó, đang ngồi.
Cốc cà phê đã nguội.
Tự nhiên thương cả tôi.
Có ai ở Hà Nội
Đến uống cùng tôi không?
Tôi sẽ pha cốc nữa,
Bê ghế nữa vào phòng.
359
Một mình, già, lủi thủi.
Căn hộ rộng mênh mông.
Nhiều hôm mải suy nghĩ,
Nhầm đường, vào lạc phòng.
Người có tuổi thường nặng
Cái nặng lòng thương yêu.
Cả tuổi già cũng nặng.
Cô đơn nặng hơn nhiều.
360
Hôm nọ ngồi nói chuyện
Với một cậu lớp mười.
Cậu nói: “Cháu cực ghét
Mọi áp đặt trên đời.
Sao thầy cô cứ bắt
Phải thế nọ, thế này.
Sao không cho phản biện
Như trường học bên Tây…”
Thậm chí tay chém gió,
Cậu nói rất say mê.
Tôi, già hơn ông cậu,
Chỉ chăm chú ngồi nghe.
Thầm khen cậu biết nghĩ,
Đòi phản biện với thầy.
Việc ấy đúng, có thể,
Nhưng vấn đề thế này.
Trước khi cháu phản biện,
Cháu đã biết những gì?
Lớp mười còn nhỏ lắm.
Thầy dạy thì nghe đi.
Có thể giơ tay hỏi
Khi thấy có điều sai.
Mà chưa chắc sai hẳn.
Sự học còn lâu dài.
Phản biện là rất tốt,
Ấy là khi trưởng thành.
Nhỏ, tích lũy kiến thức
Cho bằng chị, bằng anh.
Lớn lên, cháu sẽ biết
Cuộc đời lắm bất công.
Lúc ấy hãy phản biện.
Có điều, có dám không?
361
Anh bận đến không thể
Nhắn cái tin bình thường,
Hay một lần gọi điện
Cho người mình yêu thương?
Không, anh chỉ ngụy biện.
Thực chất vấn đề là,
Anh nói thì hay lắm,
Nhưng không yêu người ta.
362
Một khi đã yêu bạn,
Nhất định người đàn ông
Sẽ quan tâm tới bạn,
Dù bạn muốn hay không.
Vậy là không cần thiết
Phải chủ động làm lành.
Đỡ phiền cho người khác.
Đỡ phiền cho cả mình.
363
Một tối nọ, trời rét,
Có đôi vợ chồng già
Tìm đến một khách sạn
Ở một vùng núi xa.
Rất tiếc đã hết chỗ.
Các nơi khác cũng không.
Đêm đã khuya, trời tối,
Lại đang giữa mùa đông.
Anh lễ tân ái ngại,
Chẳng biết làm gì hơn.
Cuối cùng bèn dẫn họ
Vào một phòng bé con.
Căn phòng bé nhưng sạch,
Giường lò xo, đệm mềm.
Anh bảo họ đành tạm
Nghỉ phòng này qua đêm.
Hai người già sáng dậy
Đến trả tiền ở quầy,
Thì một nhân viên khác
Giải thích rằng phòng này
Của nhân viên trước đó
Nhường lại cho hai người.
Còn mình thì nằm ngủ
Trên chiếc ghế phô-tơi.
Một thời gian sau đấy
Anh nhân viên nhường phòng
Nhận được bức thư nhỏ,
Kèm theo một bó hồng.
Thư nhã nhặn đề nghị
Làm giám đốc, điều hành
Hilton, một khách sạn
Được xây riêng cho anh.
Số là anh không biết
Rằng hai ông bà già
Vốn là những tỉ phú
Nổi tiếng khắp gần xa.
Nhờ một nghĩa cử đẹp
Lúc khó khăn giúp người,
Anh nhân viên tỉnh lẻ
Có cơ hội đổi đời.
Anh thành vị giám đốc
Đầu tiên của Hilton,
Một chuỗi khách sạn lớn
Suốt đời anh hàm ơn.
364
Mua vé vào rạp xiếc,
Xem xiếc thú, xiếc người,
Xem anh hề mũi đỏ,
Ông cháu thỏa thích cười.
Ông cười to hơn cháu,
Còn hơn cả trẻ con.
Tiếng cười như mưa mát
Làm mới lại tâm hồn.
Chợt tiếc mình đánh mất,
Vì cuộc sống mưu sinh,
Tài sản quí giá nhất,
Là tiếng cười của mình.
Những muốn như ngày nhỏ,
Nhảy như con choi choi,
Tắm giữa trời mưa lớn.
Tiếc, quá muộn mất rồi.
365
Một con sư tử nọ
Đói, đi săn, và rồi
Bắt được ba con thú -
Khỉ, dê và lợn lòi.
Nó hỏi dê: “Hãy nói,
Hơi thở ta thế nào!”
“Dạ bẩm ngài, thơm lắm.
Phải nói thơm ngạt ngào!”
“Ta chuyên ăn thịt sống,
Nên miệng thối xưa nay.
Mày là kẻ nịnh hót.
Ta sẽ ăn thịt mày!”
Ăn xong, nó bèn hỏi:
“Mày, lợn lòi, thì sao.
Hãy nói cho ta biết,
Hơi thở ta thế nào?”
Lợn lòi, rút kinh nghiệm,
Nhanh nhẩu đáp: “Thực tình
Hơi thở ngài thối lắm.
Ngửi mà thấy phát kinh!”
Sư tử quát: “Mày láo,
Dám cả gan chê ta.
Vậy thì mày phải chết.
Cấm không được xin tha!”
Cuối cùng, nó hỏi khỉ
Cũng với câu hỏi này.
Khỉ gãi tai, rồi đáp:
“Rất tiếc, mấy hôm nay
Cái mũi con bị tịt,
Con chẳng hiểu vì sao.
Do vậy, không thể biết
Hơi thở ngài thế nào”.
Sư tử nghe, thích lắm:
“Mày nói hợp ý ta.
Dù biết mày khôn lõi,
Nhưng mà thôi, ta tha!”
*
Ngụ ngôn trên tôi kể
Nhiều người biết từ lâu.
Ngẫm kỹ, ta sẽ thấy
Có bài học như sau:
Sống ở đời, dễ chết
Là những anh thật thà.
Láu cá quá cũng chết.
Chỉ sống loại thứ ba
Là loại người thực tế,
Chẳng quá ngu, quá khôn,
Biết tùy cơ ứng biến.
End of this Châm Ngôn.
366
“Khi làm việc gì đấy,
Tính toán vừa vừa thôi.
Chừa chỗ cho trời tính.”
Một ông bạn bảo tôi.
Tức là ông muốn nói,
Vừa vừa cái tính tham.
Vì trời có can dự
Trong mọi việc ta làm.
Ông bảo tôi như vậy,
Tôi thấy đúng, hôm nay
Nhắc lại với các bác
Để lưu ý chuyện này.
367
Một bác vừa cho biết
Một chuyện thật thế này.
Ông chủ tịch tỉnh bác,
Bố mới mất gần đây.
Ông này giữ xác bố
Hơn một tuần trong nhà.
Người đến viếng đông lắm,
Tấp nập khách vào ra.
Ông được khen hiếu thảo.
Ai cũng thấy ngậm ngùi.
Trời nóng, rồi cái xác
Cuối cùng đã bốc mùi.
Ông rốn thêm ngày nữa.
May quá, mấy chiếc xe
Của các đoàn cúng viếng
Từ huyện xa kịp về.
Ông dẫn họ viếng bố,
Nước mắt chảy ròng ròng,
Cẩn thận vuốt chiếc túi
Đựng phong bì căng phồng.
368
Có con chó mù nọ
Bị lạc trong rừng già.
Mắt mù nhưng mũi thính,
Nó lần được đường ra.
Khu rừng ấy rậm rạp.
Nó để lại đằng sau
Một vệt đường sương ướt
Và ít cỏ bị nhàu.
Rồi nhờ vệt đường ấy,
Một bác thợ săn già
Thoát khỏi khu rừng rậm,
Bình yên về đến nhà.
Sau đó nhiều người nữa,
Lạc đường, cũng đi theo,
Thành một lối mòn nhỏ,
Trơ lòng đất, ngoằn ngoèo.
Rồi con đường mòn ấy
Được mở rộng, tôn nền
Hai mươi năm sau đó.
Nhà cửa mọc hai bên.
Rồi hai mươi năm nữa,
Một thị trấn xinh xinh
Đã dần dần xuất hiện,
Phong cảnh thật hữu tình.
Thị trấn xinh xinh ấy
Rất có thể sau này
Thành một đô thị lớn,
Chiếm hết cả rừng cây.
Tiếc là không ai nhớ
Con chó mù đáng thương,
Ông tổ thành phổ ấy,
Đã dò dẫm tìm đường.
369
Một người mà hám hố
Vơ hết lợi cho mình
Thì người ấy chắc chắn
Vơ cả hại vào mình.
Cái lợi và cái hại
Luôn đi liền với nhau.
Như khỏe mạnh, ốm yếu,
Cái nghèo và cái giàu.
Đó là luật cân xứng
Của vũ trụ, của Đời.
Được ăn, đừng ăn cả,
Nhớ nên dành cho người.
370
Platon xưa đã nói:
Khi người tốt, thông minh
Thờ ơ với thời cuộc
Và thế thái nhân tình,
Thì cái giá họ trả
Là chính họ về sau
Bị kẻ xấu cai trị.
Một cái giá rất đau.
371
Nhân nào thì quả ấy.
Gieo gió thì gặt mưa.
Bây giờ ta phải khổ,
Cứ quanh co đổ thừa.
Xã hội ta đang sống
Tốt hay xấu thế nào
Do ta gây nên cả.
Vậy còn kêu là sao?
Ta, đám đông vô thức,
Ta xây cái trót xây,
Giờ phá không dám phá,
Chỉ kêu ca suốt ngày.
372
Người tốt làm việc thiện
Thường không muốn nói ra.
Người đàn ông bất lực
Thường khoe chuyện đàn bà.
373
Ngày xưa, ở nước Trịnh,
Người dân quê nhiều miền
Tối, kéo đến trường học
Để bàn chuyện chính quyền.
Tất nhiên lời khen có,
Chê cũng là thường tình.
Chuyện đến tai tể tướng
Có tên là Nhiên Minh.
Ông tâu với Tử Sản,
Vốn là một vua hiền,
Xin phép phá trường học,
Dân hết chỗ than phiền.
Tử Sản đáp: “Không được.
Vua trị nước đúng sai,
Cứ để người dân nói.
Dân chê đã chết ai?
Để dân góp ý kiến,
Chép, rồi trình ta xem.
Không được phá trường học.
Nếu cần, cho xây thêm!”
374
Trong một chiếc lồng hẹp
Ta nhốt con kền kền.
Cả khi lồng không mái,
Nó cũng không bay lên.
Là vì, loài chim ấy
Không thể nào thoát ra,
Nếu nó không được chạy
Ba bốn mét lấy đà.
Con dơi, như ta biết,
Cũng đành chịu, đứng yên,
Nếu đặt trên mặt phẳng
Không có điểm nhô lên.
Là vì thiếu điểm ấy,
Nó không thể nhún mình
Thoát ra ngoài, dù nó
Nhanh nhẹn và rất tinh.
Ta cho con ong nghệ
Vào một chiếc cốc to
Không hề có nắp đậy,
Nó vẫn cứ nằm co.
Là vì loài ong ấy
Mắc cái thói thật phiền,
Là nhìn ngang, nhìn xuống,
Không bao giờ nhìn lên.
Ta, con người, tương tự,
Cũng giống ba loài này.
Gặp khó, ta tuyệt vọng
Than với trách suốt ngày.
Trong khi, rất đơn giản,
Ta có thể bay lên
Bằng hành động tích cực,
Lạc quan, không buồn phiền.
375
Xã hội đang sôi sục
Như nồi cơm sắp trào.
Khôn thì lấy bớt củi.
Đừng dại, cho thêm vào.
376
Những người vượt đèn đỏ
Tự mình xem thường mình.
Tự khoe cái vô học
Trong mắt người xung quanh.
Hơn thế, những người ấy,
Xin cứ nói nôm na,
Thường hèn, công an tóm,
Là van vỉ xin tha.
Có gan vượt đèn đỏ,
Thì có gan chịu chơi.
Nộp phạt cho tử tế.
Nhăn nhó, người ta cười.
377
Hôm qua đọc trên mạng,
Thương bác Quê Thuốc Lào
Bị ai đó sát hại
Mà không hiểu vì sao.
Hôm nay vui khi biết
Các chiến sĩ công an
Nhanh chóng tìm ra mối
Và bắt được kẻ gian.
Trong các vụ hình sự,
Nhất là có giết người,
Phải khen công an giỏi,
Làm đến chốn, đến nơi.
Nhiều bác cũng hơi quá,
Chuyện nọ xọ chuyện này.
Dở thì cứ nói dở,
Nhưng hay, phải khen hay.
Đó là cách ứng xử
Của một người đàng hoàng.
Hơn thế, cả khi trách,
Cũng nên trách nhẹ nhàng.
Phật dạy không định kiến,
Nuôi thù hận trong mình.
Vì nó, ta có thể
Rơi vào vòng vô minh.
378
Có ba cây cổ thụ
Trong rừng nọ, một ngày
Sôi nổi cùng bàn chuyện
Về mơ ước sau này.
Một cây luôn mong ước
Cuối cùng được người ta
Xẻ gỗ làm chiếc tráp
Đựng châu báu, ngọc ngà.
Cây thứ hai thì muốn
Được đóng thành chiếc thuyền
Chở vua và hoàng hậu
Đi thăm thú các miền.
Cây thứ ba hy vọng
Được sống mãi trên đời,
Trở thành cây lớn nhất,
Vươn cao tới chạm trời.
Năm sau, một tốp thợ
Vào đốn cả ba cây.
Cả ba hồi hộp đợi
Tương lai mình sau này.
Cây thứ nhất được xẻ
Làm máng đựng thức ăn
Rồi đặt trong chuồng ngựa.
Cũng là cái rất cần.
Cây thứ hai, thật tiếc,
Không trở thành thuyền rồng,
Mà thành thuyền đánh cá,
Loại bé nhỏ trên sông.
Cây thứ ba bị chẻ
Thành từng khúc khá to.
Ông chủ bó thành bó
Rồi vứt vào nhà kho.
Cả ba cây cổ thụ
Tất nhiên không hài lòng,
Vì đó chẳng là cái
Mà chúng hằng ước mong.
Thế mà rồi ngày nọ,
Một đứa bé ra đời,
Nằm trong chiếc máng cỏ,
Rất ấm áp tình người.
Cây cổ thụ thứ nhất
Vui, nước mắt tuôn trào,
Thấy cuộc đời mình sống
Thật ý nghĩa, thanh cao.
Một hôm, trời có bão,
Nhiều thuyền chìm trên sông.
Chiếc thuyền làm từ gỗ
Cây thứ hai thì không.
Nó hãnh diện, sung sướng
Cứu được ba mạng người,
Dẫu không chở hoàng hậu
Và nhà vua đi chơi.
Những thanh gỗ thô ráp
Bị lãng quên, buồn sao,
Một hôm được ông chủ
Dựng lên thành bờ rào.
Không là cây lớn nhất,
Vươn cao đến tận trời,
Nhưng nó rất thỏa mãn
Vì có ích cho người.
*
Mơ ước cứ mơ ước,
Không thành cũng chẳng sao.
Quan trọng là ta sống
Ý nghĩa đến mức nào.
379
Sau khi chết mới biết
Thực sự ai là ai.
Một người khi đang sống
Không thể thành thiên tài.
Qui luật nghiệt ngã ấy
Luôn vẫn đúng xưa nay.
Mà như thế là tốt.
Hãy ghi nhớ điều này.
380
Việc tôi viết, cứ viết.
Các bác khen, cứ khen.
Nhưng đừng nghĩ vì thế
Tôi phổng mũi, tớn lên.
Tôi thừa khôn để biết
Bản chất của con người.
Rất dễ, và nhanh lắm
Từ khen thành chê cười.
Một nghìn lần viết đúng,
Nhỡ một lần viết sai,
Lúc ấy sẽ không khó
Biết người khen là ai.
Nhân tiện xin được nhắc:
Đừng vội tin lời khen.
Vì lời khen nhẹ lắm.
Vì nó không mất tiền.
Mà tình người cũng nhẹ.
Luôn nói trước, quên sau,
Có khi còn tráo trở.
Các bác chưa hiểu đâu.
381
Thích thì cứ ném đá,
Nhưng sự thật thế này,
Rằng tôi kiêu lắm đấy.
Mà từ xưa đến nay.
Vâng, tôi kiêu đến mức
Nghĩ văn mình hơn người,
Hạn chế xuống tối thiểu
Việc giao tiếp ngoài đời.
Có thể kiêu không tốt,
Nhưng vấn đề thế này,
Tôi, nhờ kiêu như thế,
Mới được như hôm nay.
Mà rồi cái kiêu ấy
Không ảnh hưởng người nào.
Chỉ mình tôi bị khổ.
Nhưng quen rồi, không sao.
382
Chuyện này tôi đã đọc,
Không nhớ chuyện của ai,
Trong một cuốn sách cũ,
Chắc là của nước ngoài.
Có một cậu bé nọ
Mắc thói xấu thế này,
Là cậu hay cáu bẳn
Và chửi thề suốt ngày.
Một hôm ông bố cậu
Đưa cho cậu nắm đinh,
Bảo, mỗi lần cáu giận,
Thì cậu phải tự mình
Đóng một chiếc đinh lớn
Vào bờ rào sau nhà.
Ngày đầu tiên cậu đóng
Số đinh là ba ba.
Đóng đinh cũng vất vả.
Vì thế, những ngày sau
Số đinh đóng giảm hẳn
Nếu so với ngày đầu.
Cuối cùng, một ngày nọ,
Không cáu giận lần nào,
Cậu bé rất sung sướng,
Không phải đóng đinh nào.
Nhưng ông bố lại bảo:
“Ngày nào con thấy mình
Không cáu giận, ngày ấy
Con nhổ một chiếc đinh.
Phải đóng đinh đã khổ.
Còn khổ hơn - nhổ đinh
Thế mà cậu nhổ hết,
Từ bờ rào nhà mình.
Ông bố khen cậu giỏi,
Chỉ những lỗ đinh sâu:
“Con xem, hàng rào gỗ
Đầy những vết thương đau.
Tương tự, khi cáu giận,
Con xúc phạm một người.
Lời con xúc phạm ấy
Sẽ thành sẹo suốt đời.”
383
Cũng trong cuốn sách ấy
Tôi đọc được truyện này.
Đọc từ hồi bé tí
Mà giờ vẫn thấy hay.
Có một cậu bé nọ
Với nét mặt buồn buồn,
Vào cửa hàng có biển
“Ở đây bán chó con”.
Ông chủ liền dẫn cậu
Vào sân sau nhà mình
Nơi có con chó mẹ
Cùng năm con mới sinh.
Cậu bé thích thú ngắm
Năm chú cún dễ thương,
Bất chợt thấy một chú
Đi cà nhắc, khác thường.
Hỏi thì ông chủ nói
Chú chó này, tiếc thay,
Sinh ra đã khuyết tật,
Chịu đau đớn thế này.
Cậu bé ngồi tư lự,
Rồi hỏi giá, muốn mua
Chú chó con khuyết tật.
Ông chủ tưởng khách đùa:
“Cậu đừng mua con ấy.
Nó thế, mua làm gì?
Nếu thực tình cậu muốn,
Tôi cho không, lấy đi!”
“Không, cháu muốn mua nó.
Mua chứ không phải cho…”
“Con khỏe mạnh có giá
Trên dưới ba mươi đô…”
Cậu bé lục các túi,
Thấy hai đồng đô-la
Và ba bảy xu lẻ,
Liền đưa cho ông ta.
“Cháu chỉ có ngần ấy.
Bán cho cháu được không?
Cháu sẽ trả hết nợ,
Mỗi tháng khoảng nửa đồng”.
“Cháu là người khó hiểu.
Cho, không chịu mang đi.
Cứ đòi mua, giá đắt.
Nhưng mua nó làm gì?”
Cậu bé buồn lặng lẽ
Khẽ kéo một ống quần,
Để lộ những thanh thép
Đang gá đỡ cẳng chân.
“Thưa bác, như con chó,
Cháu khuyến tật bẩm sinh.
Cháu biết con chó ấy
Cần một người hiểu mình.”
475
Hoàng đế Claudius,
Vào thế kỷ thứ ba
Tiến hành nhiều cuộc chiến
Cả gần và cả xa.
Vị hoàng đế hiếu chiến
Không được dân đồng tình.
Dân thường hay trốn lính.
Quân không có đủ binh.
Ông nghĩ nguyên nhân chính
Là thanh niên nước ông
Thích ở nhà với vợ,
Vợ làm họ mềm lòng.
Ông bèn ra lệnh cấm
Các thần dân của mình
Không tổ chức lễ cưới,
Không thành lập gia đình.
Một lệnh cấm kỳ quặc,
Nhưng vẫn phải nghe theo.
Trái lệnh, sẽ bị giết,
Cả người giàu, người nghèo.
Cùng Thánh Marius,
Linh mục Valentine
Bí mật làm lễ cưới
Cho các cặp thanh niên.
Cuối cùng ông bị bắt
Và kết án tử hình
Bằng cách đem thiêu sống
Trước con mắt dân tình.
Đêm trước ngày hành quyết,
Ông gửi tấm thiệp hồng
Cho một cô gái trẻ
Được ông giúp lấy chồng.
Bức thiệp được nắn nót
Ký tên Valentine,
Gửi gắm nhiều hy vọng,
Tình yêu và niềm tin.
Tấm thiệp tình yêu ấy
Được người đời về sau
Bắt chước vị linh mục,
Âu yếm gửi cho nhau.
Và rồi ngày ông viết,
Ngày Mười Bốn tháng Hai,
Trở thành ngày lễ hội
Tình yêu của gái trai.
Vào ngày ấy, trai gái,
Cả ở Việt Nam ta,
Để tỏ tình, gửi thiệp
Cùng bánh kẹo và hoa.
386
Ăn trưa, làm chén rượu,
Ngủ dậy còn ngà ngà.
Muốn nói gì thì nói,
Đó là dấu hiệu già.
Thêm một dấu hiệu nữa -
Ngồi trước máy nửa giờ,
Không khéo rồi lại tịt,
Tìm mãi chẳng thấy thơ.
Những ý nghĩa rời rạc,
Cứ lởn vởn trong đầu.
Muốn xua đi chẳng được.
Mà biết xua đi đâu?
Mong cháu Chíp chóng lớn,
Sai pha cốc nước chanh.
Chỉ trong phim, thật tiếc,
Trẻ con mới lớn nhanh.
Cái xe mới cũng tốt,
Nhưng ngốn xăng như điên.
Sướng thì quả sướng thật,
Mà khổ vì tốn tiền.
Tiên sư thằng xe tải
Húc vỡ chiếc KIA.
Mày, đoàn viên cộng sản,
Không đền, không nhục à?
Bão thì ở đâu đó,
Mà Hà Nội mưa to.
Tội con chó hàng xóm,
Bị ướt, đứng co ro.
Không sao, chốc nữa nắng,
Lại khô ráo, và rồi
Con chó đang buồn ấy
Còn vui hơn cả tôi.
Ừ nhỉ, người cũng thế.
Có buồn đau vài ngày,
Rồi lại vui, như chó,
Lại ngoe nguẩy đuôi ngay.
Thiểu năng mới không biết
Đời có vui, có buồn,
Không thì đời chán chết.
Nếu cần, tôi thề luôn.
Nhiều bác gian lắm nhé,
Cứ thích vào đọc chùa.
Sách Ebook, sách giấy
Có đầy mà không mua.
Ừ, không mua cũng được.
Nếu lương tâm đang còn,
Nó cắn rứt cho chết,
Rồi lại khổ vợ con.
Đời lúc này lúc nọ.
Mọi cái có lý do.
Khó khăn thì ta vượt,
Đếch gì phải buồn lo?
Một lần, Socrates
Mỉm cười, hỏi Platông:
“Về cái khoản phụ nữ,
Ông còn ham muốn không?”
Platông đáp: “May quá,
Trời đã tha cho tôi.
Con quỉ khủng khiếp ấy
Đã bỏ đi lâu rồi.”
Xe hỏng thì đi bộ.
Đi bộ thì đã sao?
Rất nhiều người tàn tật
Chẳng đi được bước nào.
Mình ngu, bị móc túi,
Mất tiền, tiếc, tất nhiên.
Nhưng còn hơn ai đó,
Muốn mất, không có tiền.
Làm sao anh thất vọng,
Mà thất vọng nỗi gì?
Đời bao nhiêu phương án,
Thích cái nào, chọn đi!
Tiên sư cái thằng mạng,
Thỉnh thoảng nó lại đơ.
Bị tịt cái thằng ấy
Còn khổ hơn tịt thơ.
Cuộc đời vẫn đáng sống,
Dẫu nó không công bằng.
Cụ móm cười cũng đẹp,
Dẫu miệng không còn răng.
Con cái đã khôn lớn,
Phải cho ra với đời.
Suốt đời lo cho chúng
Là hại chúng suốt đời.
Cuộc đời không dài lắm,
Nên đừng phí thời gian
Để thù ghét ai đó.
Ít ra được chữ nhàn.
Nhiều người cứ đổi vợ
Y như đổi ô tô.
Đó là điều ngu ngốc
Và chẳng gì hay ho.
Ô tô thay thì đúng,
Còn vợ thì không nên.
Tức là cố phải sửa.
Đỡ tốn, lại đỡ phiền.
Thảm họa của tuổi già
Không phải do ta già,
Mà vì không muốn trẻ,
Nên ta thành người già.
Muốn xây nhà, trước hết
Phải làm móng, đổ nền.
Xưa nay ai có thể
Túm tóc mình kéo lên?
Đã già, phải cư xử
Đúng theo kiểu người già.
Thận trọng và điềm đạm,
Nhân ái và ôn hòa.
Vừa rồi có một lão
Tóc bạc, mặt già câng,
Mà ăn nói bộp chộp,
Kiểu dở ông dở thằng.
Một friend nhận xét:
“Thơ của cụ rất hay.
Trên Phây ai cũng like.
Sao bán chậm thế này?”
Là vì like miễn phí,
Sách phải mua, tất nhiên.
Mà mua thì khó lắm.
Nó liên quan đến tiền.
Thí dụ thằng Ebooks.
Tám nghìn lượt tải rồi,
Chỉ ba chục người nhớ
Chuyển khoản tiền cho tôi.
Cuộc sống vốn vẫn vậy.
Vốn vẫn vậy con người.
Lại thêm một bài học
Về ứng xử ở đời.
Không ai được phép chọn
Bố mẹ và nơi sinh.
Bố mẹ càng nghèo khổ,
Càng yêu bố mẹ mình.
Đời có nhiều oan trái,
Về àm ăn, về tiền.
Lạ, oan trái lớn nhất
Thường từ phía chính quyền.
Lương tâm là tiếng nói
Của tâm hồn chúng ta.
Ai trót để mất nó,
Sẽ câm và mù lòa.
Đáng sợ và nguy hiểm
Người không có lương tâm.
Cứ tưởng là mình đúng,
Nhưng hóa ra đang nhầm.
Đêm, trời lạnh, hãy nhớ
Chuyển lửa cho người bên.
Phật Thích Ca đã dạy:
Đèn thắp sáng từ đèn.
Chúng ta ngại thừa nhận
Một thực tế hiển nhiên,
Rằng người bạn tốt nhất
Cuối cùng vẫn là tiền.
Mấy bác friends tởm,
Cứ hay nói linh tinh,
Rằng tôi là “phản động”,
Không yêu đất nước mình…
Đang cáu, nói thật nhé:
Ông yêu đất nước này
Và mong muốn nó tốt
Còn gấp vạn chúng mày.
Không yêu đã chẳng nói,
Đỡ mệt, lại đỡ phiền.
Ông khôn hơn khối đứa
Đang ngậm miệng ăn tiền.
Thôi, đến giờ đi dạy.
Tiên sư cái thằng Phây.
Già rồi, vẫn còn nghiện,
Mê mẩn nó suốt ngày.
387
Một người đàn ông nọ,
Đang đi công tác xa,
Linh tính, nghi ngờ vợ,
Liền gọi điện về nhà.
“Ông là ai?” Ai đó
Hỏi lại, giọng rất to.
“Là chủ nhà, - ông đáp.
Chủ nhà này. Còn cô?”
“Tôi là người giúp việc,
Mới được thuê hôm qua.”
“Bà chủ đâu?” Ông hỏi.
“Đang ngủ trên gác ba.”
“Giờ này mà đang ngủ?
Với ai, cô biết không?”
Cô giúp việc liền đáp:
“Tất nhiên ngủ với chồng.”
Ông kia nghe, đứng lặng.
“Tôi nhờ cô một điều.
Cô làm tốt, tôi thưởng.
Thưởng tiền, mà thưởng nhiều.”
“Được, xin ông cứ nói.”
“Tôi mới là chủ nhà.
Ngăn bàn có chiếc súng,
Cầm lấy, lên gác ba.
Hãy bắn hai đứa ấy.
Nhớ làm thật gọn gàng.”
Một lúc sau trong máy
Hai tiếng nổ rất vang.
“Thưa ông, chúng đã chết.”
“Giỏi lắm, cô đừng lo.
Giờ đem hai cái xác
Nhanh chóng vứt xuống hồ.”
“Thưa ông, đây là phố,
Không có chiếc hồ nào
Vâng, trung tâm thành phố.
Vậy tôi phải làm sao?”
Ông kia liền tắt máy,
Người vã hết mồ hôi:
“Bỏ mẹ, gọi nhầm số.
Giết oan người ta rồi.”
*
Ghen là việc chính đáng.
Kiểm tra vợ cũng nên,
Nhưng nhớ phải cẩn thận,
Kẻo mang vạ, mất tiền.
388
Một con lừa già nọ,
Gầy yếu, lại ốm đau,
Sẩy chân, sa xuống giếng.
Giếng vừa hẹp, vừa sâu.
Con lừa khốn khổ ấy
Kêu người đến kéo lên,
Nhưng chẳng ai thèm đến
Vì nó quá nghèo hèn.
Thấy nó vô tích sự,
Ông chủ và thằng con
Quyết định cùng xúc đất
Đổ xuống giếng, lấp luôn.
Đất đổ xuống lưng nó.
Nó rất đau, tất nhiên,
Nhưng lắc người, và đất
Rơi xuống, đáy tôn lên.
Cuối cùng, đất được đổ
Tới miệng giếng, và rồi
Con lừa già thoát chết.
Một kết cục không tồi.
*
Thế đấy, các bác ạ.
Đời lắm lúc khó khăn.
Khó khăn thì khắc phục.
Rồi sẽ ô-kê dần.
Tuyệt đối không thất vọng,
Không rên rỉ suốt ngày.
Rồi sẽ có lối thoát
Như con lừa già này.
389
Một số người độc ác
Vẫn sống nhăn, sống giàu.
Người khác nhìn, tự hỏi:
Thế luật nhân quả đâu?
Phật nói: Ai gieo ác,
Thì sớm muộn có ngày
Sẽ phải hái quả ác.
Chưa ai thoát điều này.
Như mọi hạt giống khác,
Hạt nhân quả của đời
Muốn mọc lên, cho quả,
Cũng cần phải chờ thời.
Quả ác ấy có thể
Sẽ vấn vào người gieo.
Nhưng cũng nhiều trường hợp,
Vào thế hệ tiếp theo.
490
Có nhiều ông chồng, lạ
Thậm chí còn dở hơi.
Yêu vợ thì thể hiện
Sao sợ người ta cười.
Chồng hôn vợ âu yếm
Không có gì đáng chê.
Muốn nịnh thì cứ nịnh,
Thích nữa thì vuốt ve.
Đừng sợ người ta nói
Bắt chước Tây, trẻ con.
Khi đi làm, nhớ nhé,
Chìa má cho vợ hôn.
391
Có một anh chồng nọ
Than trách đời đắng cay,
Rằng cứ phải đều đặn
Đến công sở hàng ngày.
Rằng làm đàn ông khổ,
Vì là anh chủ nhà,
Mọi việc phải lo nghĩ,
Không sướng như đàn bà.
Và rồi một tối nọ,
Anh cầu chúa ban ơn
Cho được đổi làm vợ,
Hy vọng sống nhàn hơn.
Chúa động lòng trắc ẩn,
Hứa sẽ giúp anh ta.
Thế là anh chồng ấy,
Sáng dậy thành đàn bà.
Trời còn chưa sáng hẳn,
Anh đã ra khỏi phòng,
Xuống bếp làm bữa sáng
Cho con và cho chồng.
Rồi quét tước, giặt dũ,
Rồi rửa bát, lau nhà,
Trăm thứ việc vặt vãnh,
Vốn chức phận đàn bà.
Rồi cuống cuồng chuẩn bị
Đưa thằng con đến trường.
Rồi phải vào siêu thị
Mua bánh, bơ và đường.
Rồi thuê người cắt cỏ
Cả trước và sau nhà.
Rồi gặp trưởng khu phố,
Rồi tưới mấy bồn hoa.
Làm chưa hết công việc,
Loáng một cái, tối ngày.
Lại hùng hục vào bếp,
Cứ luôn chân, luôn tay.
Rồi loáng một cái nữa,
Đã mười một giờ đêm.
Mệt rã rời, muốn ngủ,
Chồng lại đòi tòm tem…
Ôi khốn nạn, khốn khổ
Cái thân phận đàn bà.
Sau một ngày “trải nghiệm”,
Bây giờ mới hiểu ra.
Lén, không đánh thức vợ,
Mà lúc này là chồng,
Anh cầu xin Đức Chúa
Lại cho thành đàn ông.
Đức Chúa nói:”Cũng được,
Nhưng không phải lúc này.
Con buộc phải chờ đợi
Thêm chín tháng mười ngày!”
Anh chồng kia hốt hoảng:
“Dạ vì sao, thưa Ngài?”
“Vì sao ư? Lúc nãy
Con đã trót dính thai.”
PS
Đây là chuyện có thật,
Tôi đọc trong sách Tây.
No comment! Các bác
Nhớ học bài học này.
392
Nhiều tài liệu có chép
Chuyện Đức Chúa ngày xưa,
Sáng tạo xong loài vật,
Ngài nói với con Lừa:
“Ngươi là loài ngu dốt,
Làm quần quật suốt đời.
Bù lại, ta cho sống
Số năm là năm mươi”.
“Thưa Chúa, đời khổ thế,
Con không muốn sống lâu.
Hai mươi năm là đủ.”
Chúa nhân từ gật đầu.
Rồi Ngài bảo con Chó:
“Ngươi sẽ phải suốt đời
Bảo vệ nhà, tài sản
Và sống với con Người.
Ngươi phải ăn những thứ
Con Người ăn còn thừa.
Ta cho ngươi được sống
Hăm lăm năm, nhớ chưa?”
Chó nghe xong, van vỉ:
“Hình phạt ấy, thưa Ngài
Là quá nặng, con nghĩ
Mười năm đã là dài.”
“Thôi được, - Chúa đồng ý,
Rồi bảo Khỉ thế này: -
Con sinh ra làm Khỉ,
Thích đánh đu trên cây.
Con giống Người thật đấy,
Nhưng cứ thích làm trò.
Hai mươi năm được sống
Là cái ta ban cho.”
Khỉ tạ ơn, rồi khóc:
“Xin Đức Chúa thương tình
Cho con sống một nửa.
Vì thế là cực hình.”
Chúa gật đầu, cho Khỉ
Giảm một nửa tuổi đời.
Cuối cùng Ngài nghiêm túc
Quay sang nói với Người:
“Là động vật duy nhất
Biết đi bằng hai chân,
Ngươi sẽ được làm chủ
Cả thế giới đời trần.
Ngươi thông minh, khôn khéo,
Nhưng hay phạm sai lầm.
Ta sẽ cho ngươi sống
Không quá hai mươi năm.”
Con Người nghe, cúi rạp,
Xin Đức Chúa ban ơn
Cho mình, tức ông chủ,
Được phép sống lâu hơn.
“Con chỉ xin số tuổi
Mà Chó, Khỉ và Lừa
Từ chối không muốn nhận,
Tức là tuổi còn thừa.”
Đức Chúa hơi khó chịu,
Nhưng cuối cùng gật đầu.
Thế là Người được sống
Một quãng đời khá lâu.
Hai mươi năm tuổi trẻ
Sống đúng nghĩa con người.
Rồi anh ta lấy vợ
Và thấm khổ sự đời.
Rồi ba mươi năm tiếp,
Làm quần quật hàng ngày
Như con Lừa khốn khổ
Cùng bao nỗi đắng cay.
Tiếp theo là kiếp Chó,
Còn khổ hơn kiếp Lừa.
Ăn uống toàn những cái
Lũ con chán, để thừa.
Tiếp đến là kiếp Khỉ,
Mười năm của tuổi già,
Chuyên làm trò dỗ cháu
Và luẩn quẩn trong nhà.
Cuối cùng con Người chết,
Chẳng biết mình là ai.
Người, Khỉ, hay là Chó?
Rồi tiếc đời quá dài.
393
Sáng ngủ dậy, đọc được
Một bài thơ hay hay.
Lời của một bài hát,
Đại khái ý thế này:
Có một người lặng lẽ
Đứng bên em, vô hình.
Lặng lẽ không dám nói
Điều buồn lo của mình.
Mà lo thì nhiều lắm.
Mà thương cũng rất nhiều,
Nhưng vẫn đứng lặng lẽ
Nặng một lòng thương yêu.
Có một người lặng lẽ
Đứng bên em chân thành.
Kiên nhẫn chờ đến lúc
Vết thương em lại lành.
394
Lại in một cuốn sách.
Vẫn sách thơ, tất nhiên.
Thế mà sướng âm ỉ,
Dù in, phải bỏ tiền.
Hết mở rồi lại gập
Thỉnh thoảng ghé môi hôn.
Ừ, Mụ Vợ nói đúng,
Mình đúng như trẻ con.
Vâng, tôi trẻ con đấy.
Nhưng là sách của tôi,
Tôi phải yêu nó chứ,
Dù nhiều chỗ còn tồi.
Không thể không vui sướng
Khi cuốn sách ra đời.
Phải yêu, nâng niu sách.
Sách, một phần con người.
PS
Còn chúng mày, con nít,
Đọc Truyện thơ Nước ngoài,
Phải nhớ Ông Béo nhé,
Rồi ông cho sờ tai.
Sách nhiều chuyện hay lắm.
Nhớ đọc kỹ, từ từ.
Học thuộc được càng tốt.
Cấm không đứa nào hư.
395
Dân Đại Việt còn khổ,
Đời đang nhiều cái lo,
Thế mà tiền bia rượu
Mỗi năm ba tỉ đô.
Đứng đầu Đông Nam Á
Về nhậu nhẹt, ăn chơi.
Cái nước ta thật lạ,
Cái gì cũng khác người.
396
Nghe người ta kể lại,
Vua Mamun thông minh,
Khi thành đại giáo chủ,
Đã kén chọn cho mình
Một cô gái xinh đẹp,
Phải nói đẹp tuyệt trần.
Thế mà cô gái ấy
Đêm, không cho vua gần.
Vua ngạc nhiên, tức giận
Rút kiếm định chém đầu.
Rồi tò mò, vua hỏi
Vì sao và do đâu?
“Vì miệng đức vua thối.
Hơi thở thối vô cùng.
Nên tôi thà chịu chết
Hơn phải chịu nằm chung!”
Không quen nghe người khác
Nói xấu hay chê mình,
Vì là vua vĩ đại,
Một ông vua anh minh,
Nên ngài gọi thầy thuốc
Đến chữa bệnh cho ngài.
Và rồi bệnh ngài khỏi,
Miệng thơm như hương nhài.
Sau đấy, vua thường nói:
“Bạn tốt và chân tình
Là người cho ta biết
Các khuyết điểm của mình.”
397
Vừa đọc ở trên mạng
Một bài về dạy con.
Thấy nó cũng bổ ích,
Xin đưa vào châm ngôn.
Muốn con cái khỏe mạnh,
Học cách nuôi, cách chăm.
Muốn con cái ngoan ngoãn,
Học dạy con chữ tâm.
Muốn con cái thành đạt,
Học dạy cách làm ăn.
Muốn con cái gắn bó,
Học lắng nghe ân cần.
Hãy để con khám phá
Thế giới lớn bên ngoài.
Đừng chăm con, tỉa tót
Như chăm chậu bon-sai.
Không sao nếu vấp ngã.
Vấp ngã thì đỡ lên.
Yêu, nhưng phải nghiêm khắc.
Chê, không quên lời khen.
Dạy con điều tử tế,
Mình phải cố làm gương.
Cả trong việc to lớn
Và chuyện nhỏ đời thường.
Con trẻ là hy vọng
Và tương lai nước nhà.
Đất nước suy hay thịnh,
Phụ thuộc vào chúng ta.
Dạy con là nghệ thuật,
Nghệ thuật khó xưa nay.
Muốn dạy tốt, phải học
Nghệ thuật quan trọng này.
398
Phụ nữ về bản chất
Chung thủy và hiền lành.
Nếu có hư, chỉ tại
Mấy cái thằng Sở Khanh.
Còn một lý do nữa:
Phụ nữ mà ngoại tình,
Thì đa phần cũng tại
Các ông chồng của mình.
Các ông chồng tinh tướng,
Chồng đã chẳng ra chồng,
Thô lỗ và gia trưởng,
Lại còn tính lòng thòng.
Tôi đứng ra bảo đảm,
Chồng thương yêu vợ mình,
Sưu thuế nộp đầy đủ
Vợ sẽ không ngoại tình.
401
Có ông thầy ngữ pháp
Đang trên đò qua sông,
Cao hứng, hỏi anh lái:
“Anh biết ngữ pháp không?”
“Dạ không, - anh lái đáp. -
Con không được học hành.”
“Thế thì anh để mất
Đúng một nửa đời anh.”
Anh lái đò khó chịu,
Nhưng không nói lời nào.
Một lúc sau có bão,
Gió lớn thổi ào ào.
Anh hỏi thầy ngữ pháp:
“Thuyền sắp lật, thưa ông.
Dạ, cho tôi được hỏi,
Ông có biết bơi không?”
“Bơi à? Tôi không biết.
Tôi không hề biết bơi.”
“Thế thì ông sắp mất
Cả hai nửa cuộc đời!”
402
Có một ông già nọ,
Gặp thầy lang, than phiền:
“Lưng tôi đau nhức nhối.
Mất ngủ nhiều đêm liền.”
Ông thầy lang liền đáp:
“Đó là bệnh người già.”
“Mắt tôi giờ kém lắm.
Không lẽ sắp mù lòa?”
“Thưa bác, già mắt kém
Là chuyện rất bình thường.
Chỉ những ai còn trẻ
Đôi mắt mới tinh tường.”
“Lại còn chuyện này nữa.
Dạo này tôi hay ho.
Biếng ăn, tiêu hóa kém,
Bụng lúc nào cũng no…”
“Hay ho, kém tiêu hóa,
Là vì bác già rồi.
Không gì phải lo lắng.
Già thì phải thế thôi.”
Ông kia nghe, tức giận:
“Mày là thầy lang khùng.
Không bốc thuốc chữa bệnh,
Cứ thích tán lung tung!”
Ông thầy lang lễ phép:
“Cảm ơn bác đến nhà.
Mà rồi, hay cáu kỉnh
Cũng là bệnh người già.”
403
Một anh hề lấy vợ.
Ông hàng xóm liền chê:
“Sao anh lấy con điếm?
Đúng là một anh hề.
Anh nhờ tôi một tiếng,
Tôi có thể giúp anh
Lấy một cô tử tế.
Loại con gái nhà lành.”
Anh hề đáp: “Thưa bác,
Từ xưa cho tới nay
Tôi chín lần lấy vợ,
Cuối cùng vẫn trắng tay.
Vâng, chín lần lấy vợ.
Toàn con gái nhà lành.
Thế mà rồi lười biếng,
Hư hỏng và đành hanh.
Chưa lấy chồng, họ tốt.
Lấy chồng rồi thì đây,
Họ làm tôi khốn khổ,
Ông xem, đến nước này.
Nên giờ tôi quyết định
Thử lấy điếm xem sao.
Hy vọng vận may ngược.
Để rồi xem thế nào.”
404
Người thông minh chưa hẳn
Đã sung sướng và giàu.
Muốn tham khảo điều ấy,
Xin đọc bài thơ sau.
Bài thơ này tôi chép
Từ thơ cổ nước ngoài.
Có thể nó nói đúng.
Nhưng tôi hy vọng sai.
*
Một chú lạc đà nọ,
Hai bao lớn hai hông,
Bước chậm rãi, kiên nhẫn
Giữa sa mạc mênh mông.
Vắt vẻo trên lưng chú
Là ông chủ, ông này
Trông ngu đần, to béo,
Lơ mơ ngủ suốt ngày.
Đến trạm nghỉ, uống nước,
Tò mò, một ông già
Hỏi: “Bác chở gì đấy
Trên lưng con lạc đà?”
“Một bao đựng hạt dẻ.
Còn trong bao thứ hai
Tôi chỉ đựng toàn cát.
Đường khó đi và dài…”
Ông khách ngạc nhiên hỏi:
“Bác chở cát làm gì?”
“Chở cát cho cân đối,
Để lạc đà dễ đi!”
“Tôi nghĩ bao hạt dẻ,
Nếu tôi mà là ông,
Tôi chia thành hai túi,
Sẽ rất nhẹ, đúng không?”
Ông đần nghe, đực mặt,
Chợt reo lên, và rồi,
Bao cát nặng được vứt,
Bao hạt dẻ chia đôi.
Ông lên đường đi tiếp,
Mời ông khách đi cùng.
Nhẹ vì bớt bao cát,
Lạc đà đi thung dung.
“Bác là nhà thông thái. -
Ông chủ cất lời khen. -
Giúp tôi chia hạt dẻ
Thành hai bao hai bên.
Một khi thông thái vậy,
Chắc bác giàu hơn người.
Hay bác là quan lớn
Đi vi hành trong đời?”
“Ồ không đâu, - khách đáp. -
Tôi là anh cùng đinh.
Vì nghèo nên có được
Cái bác gọi thông minh…”
“Thật thế ư? Không lẽ?
Bác thông thái, mà rồi,
Nghèo khổ như bác nói.
Thậm chí nghèo hơn tôi.
Thế thì mời bác xuống.
Người thông minh mà nghèo
Thì không bằng thằng ngốc
Luôn kiếm đủ tiền tiêu.
Thôi, bác đi đường bác.
Còn tôi đi đường tôi.
Cảm ơn lời khuyên tốt
Về bao dẻ chia đôi.
Nhưng tôi theo cách cũ,
Lại đổ cát đầy bao.
Thành hai bao như trước.
Cách ấy cũng chẳng sao.
Thế là “nhà thông thái”
Trong túi không một đồng
Phải lủi thủi đi bộ
Giữa sa mạc mênh mông.
Còn ông chủ ngu dốt
Ngồi trên lưng lạc đà,
Chở hạt dẻ và cát,
Tiếp tục chuyến đi xa.
405
Xưa có một chàng nọ,
Nhà nghèo, lại hơi đần,
Nhưng bù lại, đẹp mã,
Thích nói chuyện thơ văn.
Các cô nhìn, lác mắt.
Gã lại khéo tỏ tình,
Nên cuối cùng vớ được
Một nàng rất thông minh.
Lấy nhau xong, nàng ấy
Mới biết chồng là ai,
Đành quyết tâm dạy dỗ
Để mau chóng thành tài.
Nàng kèm cặp kinh lắm,
Bắt chàng, nghĩ mà thương,
Phải viết đúng, viết đẹp,
Đêm mới được chung giường.
Bản tính chàng lười biếng,
Thế mà cái cách này,
Chỉ cách này thôi nhé,
Giúp tiến bộ từng ngày.
Thật tiếc, dù tiến bộ,
Nhưng đi thi lần nào
Chàng cũng ở cuối bảng,
Uổng công vợ, buồn sao.
Cuối cùng nàng phát bẳn,
Bảo chồng lo việc nhà
Để vợ đi thi hộ,
Dẫu thân phận đàn bà.
Nàng cải thành nam giới
Rồi lên đường đi thi.
Thi, trúng luôn giải nhất,
Làm xáo động kinh kỳ.
Nàng được bổ quan huyện,
Rồi quan phủ, nhiều cô
Muốn nâng khăn sửa túi,
Nàng nhất định không cho.
Sợ triều đình trị tội
Đóng giả thành đàn ông,
Sáng sáng làm quan lớn,
Tối về ngủ với chồng.
Anh chồng thì thật sướng,
Khác hẳn với người ta.
Vợ làm quan vất vả,
Chồng nằm khểnh ở nhà.
Bao nhiêu lộc anh hưởng,
Chẳng việc gì đến tay,
Đều đặn nhận hối lộ,
Ngủ với gái hàng ngày.
Cứ thế kéo dài mãi
Cho đến lúc quan bà,
Ấy, quan ông, xin lỗi
Về hưu vì tuổi già.
Lúc ấy quan chính thức
Bỏ quần áo đàn ông
Lần nữa lại thành vợ
Sống hạnh phúc với chồng.
*
Một câu chuyện có thật,
Thoạt nghe tưởng hoang đường.
Anh chàng này thật sướng,
Vì mấy ai, người thường,
Được vợ đi thi hộ,
Hộ cả việc làm quan,
Tối đến ôm quan ngủ,
Sống cuộc sống an nhàn.
Mong các bác kiếm được
Cô vợ như nàng này.
Có tìm, ắt có thấy,
Dù vẫn hiếm xưa nay.
406
Câu chuyện này có thật,
Vào thời Ibn Sina,
Một người rất thông thái,
Nổi tiếng khắp gần xa.
Có anh chàng trẻ tuổi,
Thông minh, không ngu đần,
Con nhà giàu, chỉ tiếc
Lại mắc bệnh tâm thần.
Anh chàng này to béo,
Luôn miệng kêu suốt ngày:
“Tôi là con bò đực.
Đưa tôi đi giết ngay!”
Nhiều thầy thuốc tài giỏi
Được mời đến, kê đơn.
Anh chàng không chịu uống,
Bệnh càng trầm trọng hơn.
Cuối cùng gia đình ấy
Phải nhờ Ibn Sina.
Ông nhận lời, rồi dặn
Phải nói với anh ta,
Rằng ngày mai đồ tể
Sẽ đến nhà giết bò.
Anh kia nghe, mừng lắm,
Cố tình ăn thật no.
Rồi Ibn Sina đến.
Ông quát: “Bò đực đâu?”
“Đây, tôi là bò đực.
Hãy cho giết tôi mau!”
Ông dùng dây trót chặt
Người bệnh giữa sàn nhà.
Dí một con dao lớn
Vào sát cổ anh ta.
“Ôi, giết đi, thích quá.
Vì tôi là con bò.
Tôi muốn chóng được giết
Lúc đang béo và to.”
Anh ta vươn dài cổ,
Chờ lưỡi dao, mỉm cười.
Ibn Sina lặng lẽ
Đưa tay sờ khắp người.
Rồi bất chợt, ông nói:
“Con bò này quá gầy.
Hãy ăn nhiều cho béo
Thêm ba tháng mười ngày.
Rồi ta sẽ quay lại
Và giết thịt ngươi sau.
Nhớ ăn cho thật béo.
Chắc không phải chờ lâu.”
Tuy ít nhiều thất vọng,
Nhưng anh chàng tâm thần,
Vì mong chóng được giết,
Nên từ đó ham ăn.
Anh chàng đã ăn hết
Những thức ăn ngon lành
Được trộn lẫn cùng thuốc,
Nên khỏi bệnh rất nhanh.
Rồi “đồ tể” lại đến.
Con bệnh và người nhà
Mở tiệc lớn chiêu đãi,
Cảm ơn Ibn Sina.
PS.
Có thể bạn không biết
Ông là người đầu tiên
Nghĩ ra chiếc mũ vải
Mà ngày nay sinh viên
Khi nhận bằng tốt nghiệp
Vẫn thường đội trên đầu.
Chiếc mũ vuông truyền thống
Vốn đã có từ lâu.
407
Socrate vĩ đại
Sống tự nhiên, vô vi.
Ông không cần gì cả,
Và cũng chẳng có gì.
Ông sống rất giản dị,
Hợp với lẽ tự nhiên,
Như cỏ cây, không biết
Khái niệm về đồng tiền.
Gia tài ông vẻn vẹn
Chỉ một chiếc chum to.
Sứt một chút trên miệng.
Đáy đôi chỗ bị rò.
Tối ông vào chum ngủ.
Sáng dậy, mặt trời lên,
Ông chui ra, sưởi nắng
Trên tảng đá kề bên.
Ông không mặc quần áo.
Cả mũ nón cũng không.
Một hôm, vua bắt gặp,
Trong thế ấy tồng ngồng.
Đức vua liền xuống ngựa,
Rất cung kính, cúi chào.
Rồi cũng rất cung kính
Tặng ông chiếc áo bào.
“Cảm ơn ngài, - ông đáp. -
Ta nay đã già rồi.
Già phải mặc quần áo,
Chỉ thêm nặng mà thôi.”
“Nếu muốn, ông cứ hỏi
Xin bất cứ điều gì.
Ông, hiền triết vĩ đại,
Ta là vua, nói đi!”
“Cảm ơn ngài, - ông đáp. -
Tôi chỉ xin một điều.
Ngài đứng xê, tôi muốn
Sưởi thêm chút nắng chiều.”
Khi vua vừa đi khỏi,
Socrate cởi ngay
Chiếc áo bào đang mặc
Rồi treo nó trên cây.
Ông tiếp tục sưởi nắng
Bên chiếc chum của mình,
Mắt lim dim thiu ngủ,
Giữa trời chiều yên bình.
408
Có một tên bợm nọ
Đến gặp một ông già,
Vốn là người thông thái
Và giàu lòng vị tha.
Hắn than khóc, năn nỉ
Xin ông hai đồng vàng
Để trả tiền vay nợ
Một phú ông trong làng.
Hắn nói bị dọa giết
Và đang rất buồn lo.
Ông già thông thái ấy
Lấy hai đồng, và cho.
Sau khi hắn đi khỏi.
Mọi người liền than phiền:
“Hắn là thằng vô lại,
Sao ngài cho hắn tiền?”
“Vì biết hắn vô lại.
Nên ta làm việc này,
Để hắn không quấy nhiễu,
Làm phiền ta suốt ngày.”
*
Khỏi dài dòng bình luận.
Xưa nay sống ở đời,
Ta vẫn phải làm thế.
Chí ít cho nhẹ người.
409
Thật đúng là khủng khiếp.
Ăn thịt chó, mèo nhà,
Đã không biết xấu hổ,
Còn bắt chước người ta
Thành lập cái được gọi
Là Hội của những người
Phát cuồng vì thịt chó
Và thịt mèo. Trời ơi!
Không thể không kinh ngạc.
Không thể không buồn nôn.
Không thể không công phẫn.
Không thể không thấy buồn.
Trong Hội ấy, nghe nói
Có đàn ông, đàn bà,
Cả thanh niên nam, nữ,
Người nghèo và đại gia.
Đầy đủ các ban bệ.
Đầy đủ các chức danh.
Được biết Hội thịt chó
Đang phát triển rất nhanh.
Ngẫu nhiên do click lệch,
Lạc vào cái Hội này,
Không làm việc được nữa,
Chỉ đờ đẫn ngồi ngây.
Ừ, pháp luật không cấm,
Muốn ăn thì cứ ăn.
Nhưng lẽ nào khi nhậu,
Họ không chút lăn tăn
Rằng chó mèo là bạn,
Bạn tốt trong gia đình,
Chúng từng được ve vuốt
Bởi bàn tay con mình?
Nhà tôi, mấy năm trước,
Con Micky, chó yêu,
Tự nhiên lăn ra chết,
Phải đem đi hỏa thiêu.
Tốn đâu khoảng hai triệu,
Nhưng phải thiêu, là vì
Sợ cái bọn cuồng ấy
Đào lên ăn Micky.
Thế đấy, các bác ạ.
Các thành viên Hội này
Có thể ta vẫn gặp
Trong giao tiếp hàng ngày.
Thậm chí còn trò chuyện.
Bề ngoài họ bình thường.
Viết còm và status
Nhiều lúc cũng dễ thương.
PS
Tôi có một đề nghị,
Riêng tư và nhỏ thôi:
Bác nào ăn thịt chó,
Xin unfriend với tôi.
Một khi không bị cấm,
Các bác thích, cứ ăn.
Nhưng tôi thì sợ lắm,
Đến mức không dám gần.
410
Người đàn ông chỉ muốn
Người đàn bà của mình
Giỏi ở trên giường ngủ,
Trong bếp và gia đình.
Chứ giỏi chuyện công tác
Và trí tuệ, xưa nay
Chúng là chúng rất ghét.
Vậy lưu ý điều này.
412
Lại chán, không buồn viết,
Vì cái Hội phát cuồng
Vì thịt mèo, thịt chó.
Đúng là một lũ cuồng.
Đúng, Einstein đã nói,
Sự ngu dốt con người
Là vô cùng, vô tận.
Thế đấy, cái người đời.
Một người ăn thịt chó
Mà không biết việc này
Có điều gì không ổn,
Thì do hoặc thơ ngây,
Hoặc do quá chai sạn,
Nên cái tâm không lành.
Hoặc do không chịu nghĩ
Về cái lý, cái tình.
Mà xưa, cái món ấy
Là đặc sản người nghèo…
Thôi, kệ mẹ chúng nó,
Cái bọn ăn chó mèo.
Vậy là ngừng, không viết
Cái thằng thơ châm ngôn.
Chẳng hay ho gì lắm
Việc viết thơ dạy khôn.
Nghĩ thấy mình cũng tởm,
Viết những bốn tập dày.
Có thể sau khi chết
Sẽ khối người khen hay.
Cứ thật thà mà nói,
Đã rất muốn từ lâu
Vào sống với con cháu
Ở đất ấm Vũng Tàu.
Ở đấy, tha hồ sướng.
Nói mười câu một ngày.
Vứt ô tô đi bộ.
Vứt mẹ cả tháng Phây.
Văn, thơ, dịch vứt hết.
Bắt chước sống vô vi
Như Lão Tử đã sống.
Ăn no lại ngủ khì.
Duy nhất làm một việc
Là hàng ngày chơi đàn.
Thỉnh thoảng đi tắm biển,
Hưởng cái thú già nhàn.
Cơ mà sống như thế
Thì trọng lượng thế nào?
Giờ đã gần một tạ.
Nhỡ hai tạ thì sao?
Mình cứ Nam Tiến trước.
Mụ Vợ sẽ theo sau.
Hai cụ ngồi hai ghế
Để con cháu nó hầu.
Lúc nãy ông hàng xóm
Vào chơi, ngậm tăm tre.
Mà ngậm suốt cả buổi.
Một thói quen từ quê.
Chợt nhớ mấy năm trước,
Từ quê ra, một ông
Không ngồi được xí bệt,
Cứ bắt chở ra đồng.
Thế là tôi, khốn khổ,
Phải chở cụ đi luôn.
Để cụ được ngồi xổm
Giải quyết cái nỗi buồn.
Nhớ lần ở Hy Lạp,
Đột nhiên có nhu cầu.
Vào cái Pay Toilet,
Mất mấy đô, thật đau.
Đau đến mức tắc tị,
Lại ôm bụng đi ra.
Lẩm bẩm chửi: Mẹ nó,
Mất không mấy đô-la.
Việc bận hay không bận
Còn tùy thuộc vào mình
Nhìn nhận công việc ấy
Quan trọng hay thường tình.
Chết, có người di chúc
Cho anh một tỉ đồng.
Có thư mời đến nhận.
Anh có bận hay không?
Khi người yêu đồng ý
Vào nhà nghỉ với anh.
Chắc chắn anh không bận,
Mà ngược lại, rất nhanh.
Nghĩ, thương dân Lào khổ.
Giá gấp đôi Việt Nam,
Mà thu nhập lại yếu.
Yếu cả cái việc làm.
Thế mà lạ, người Việt
Sống ở Lào rất đông.
Chủ có, làm thuê có.
Kha khá một cộng đồng.
Thành phố Vientian, lạ,
Không hề thấy taxi.
Đi lại toàn tuk-tuk.
Mà giá cao cực kỳ.
Cũng không ít người Việt
Đến Udon làm ăn,
Làm thuê cho dân Thái,
Toàn công việc nhọc nhằn.
Người Thái hiền, chất phác,
Nói chung cũng có tình.
Nhìn ta, chúng không nói,
Nhưng khinh thì có khinh.
Thằng chủ khách sạn láo,
Bảo tôi là người Tây,
Vì Việt Nam không thể
Tiếng Anh giỏi thế này.
Xét về mặt hạnh phúc,
Dân Việt đứng thứ hai.
Thằng Tây nó nói thế.
Theo bạn đúng hay sai?
Tôi thì tôi cứ nghĩ,
Một, thằng Tây nó khùng.
Hai, nó xỏ ta đấy,
Bằng cách nói lung tung.
Thế đấy các bác ạ.
Thích, cứ đọc cho vui.
Chứ Tây cũng ngu lắm,
Còn thích làm thầy dùi.
Nô lệ đáng thương nhất
Là người sống vô lo,
Bị bịt mắt, bịt miệng,
Mà tưởng mình tự do.
Platông có lần nói:
Cái thời này đảo điên.
Trường dạy điều vớ vẩn
Chính phủ chỉ moi tiền.
Ai dám nói sự thật
Sẽ bị tống vào tù.
Người thông thái lên tiếng,
Sẽ bị gọi thắng ngu.
Không có người cai trị
Nếu không ai phục tùng.
Chân lý này đơn giản
Nhưng lại đúng vô cùng.
Nếu bạn không cẩn thận,
Sớm muộn sẽ có ngày
Truyền thông làm bạn ghét
Những người tốt, người ngay.
Cẩn thận với nhiều bác
Đang cổ vũ chúng ta
Phải thế này, thế nọ
“Vì tương lai nước nhà”.
Ở nước ngoài mà nói,
Ai chẳng nói được hay.
Ở trong nước, chưa chắc
Họ làm những việc này.
Có học, không có đức
Là người ác, đáng chê.
Có đức, không có học,
Ấy là người chân quê.
Bạo lực không thuần túy
Là đánh từ bên ngoài.
Cũng là dạng bạo lực
Khi ghét hay thù ai.
Người ác là đáng sợ.
Nhưng đáng sợ gấp đôi
Là khi người thiện ngồi
Thản nhiên nhìn cái ác.
Hai hôm liền không thấy
Ai gọi từ Vũng Tàu.
Gọi, không ai thưa máy.
Hay chúng nó cãi nhau?
Vợ chồng con gái được,
Vì cũng thích nhiều con.
Đố chúng mày mắn đẻ
Như ông viết châm ngôn!
Không phải là nghệ sĩ
Nếu anh không có tài.
Có tài không tác phẩm
Còn tồi tệ gấp hai.
Chỉ đọc những cuốn sách
Ai cũng đọc trên đời,
Rốt cục anh suy nghĩ
Y hệt như mọi người.
Lười, không muốn ra phố.
Ngại tốn xăng, tốn tiền.
Thôi nghỉ, dậy đun nước,
Làm tô mì ăn liền.
Ngẫm thấy mình cũng tội,
Có tiền tỉ, nhiều nhà,
Mà một mình sì sụp.
Đúng là một lão già.
Hay thử mời Mụ Vợ
Đi ăn hoành tá tràng.
Nhưng Mụ dở người lắm,
Không thích ăn nhà hàng.
Lại xin lỗi các bác
Vì thơ thẩn thế này.
Là vì vẫn còn bực
Bọn chó mèo hôm nay.
413
Thật đúng là khốn khổ
Cho bác nào không may
Sống cạnh thằng hàng xóm
Cứ đánh vợ hàng ngày.
Nếu được, đổi chỗ ở.
Không thì cố lánh xa
Cái thằng ấy cặn bã,
Tăm tối và xấu xa.
Trừ trường hợp đặc biệt,
Đừng cho vào nhà mình.
Không bắt tay, trò chuyện,
Phải tỏ ý coi khinh.
Vì một người dám
Giơ tay đánh vợ con,
Thì chất người trong hắn
Từ lâu đã không còn.
PS
Muốn đánh giá chính xác
Ai là người thế nào,
Hãy xem họ cư xử
Với vợ con ra sao.
414
Xin có một gợi ý,
Chỉ mang tính cá nhân:
Thấy ai ăn thịt chó,
Nếu được, đừng lại gần.
Vì còn ăn món ấy,
Nghĩa là còn tối tăm
Trong nhận thức, suy nghĩ.
Nói chung là dưới tầm.
Cho dù là tiến sĩ,
Giáo sư hay nhà thơ,
Thấy họ ăn, các bác
Có cớ để nghi ngờ.
Nhân tiện: Mèo và chó
Là bạn thân của tôi.
Bác nào ăn thịt chúng
Thì đừng chơi với tôi.
PS
Thịt chó bán ngoài quan,
Đến hơn hai phần ba
Là thịt chó câu trộm.
Ăn không vướng cổ à?
Hơn thế, lại phạm pháp
Vì tiêu thụ của gian.
Hai phần ba, nhớ nhé,
Theo số liệu công an.
415
Thay lời kết Châm Ngôn Bốn
TẢN MẠN VỀ CHÂM NGÔN
Lúc đầu buồn, rỗi việc,
Viết mấy bài châm ngôn,
Ai thích thì mời đọc,
Quả không dám dạy khôn.
Nhiều ý của người khác,
Toàn các bậc uyên thâm,
Chép lại, mong bạn đọc
Phần nào bớt lỗi lầm.
Châm ngôn, thơ mộc mạc,
Thậm chí chẳng là thơ -
Kinh nghiệm của đầu bạc,
Tích lũy tự bao giờ.
Có người đọc và biết
Nghìn bài châm ngôn hay.
Biết mà không áp dụng,
Hỏi ích gì điều này?
Bản thân tôi, nói thật,
Dẫu viết sách dạy đời,
Còn lâu mới hoàn hảo.
Đơn giản - tôi là người.
Trước ngô nghê, lầm lạc,
Giờ vẫn vậy mới phiền.
Có điều theo kiểu khác,
Kiểu của người cao niên.
Châm ngôn là bài học,
Nhiều khi cả cuộc đời.
Được đúc kết ngắn gọn
Trong mấy câu, mấy lời.
Cái giá bài học ấy
Người khác trả cho ta.
Giá cũng đắt lắm đấy,
Đầy nước mắt xót xa.
Vậy sao ta không học
Những bài học quí này,
Để không phải trả giá
Không phải chịu đắng cay?
Tất nhiên, đọc một chuyện.
Đọc thì chẳng khó gì.
Khó là chuyện thực hiện.
Nhưng cứ thử, thử đi.
Đến nay tôi đã viết
Bốn tập châm ngôn dày,
Loại thơ ngắn, giản dị,
Cả hay và không hay.
Lần nữa xin nhắc lại,
Rằng có một số bài
Tôi lấy ý người khác
Rồi thêm bớt rông dài.
Có bài ghi tác giả,
Nếu tiện ý, tiện vần.
Nhiều bài không ghi được,
Đành để sau sửa dần.
Ý thơ tôi nhiều lắm,
Dẫu đã thuộc người già.
Nhưng mượn ý người khác
Tôi cũng là chuyên gia.
Kể cũng nhiều đấy nhỉ,
Những hơn ba nghìn bài.
Có bài bốn câu ngắn,
Có bài cũng khá dài.
Châm ngôn là bài học
Từ kinh nghiệm cuộc đời.
Mong bạn đọc tham khảo,
Tu dưỡng để thành người.
Đọc thơ, cũng như viết,
Là cứ phải từ từ.
Đọc và rồi nghiền ngẫm
Như khi đọc Tứ Thư.
Nhưng quan trọng hơn cả
Là phải nghiệm với mình
Để tu thân, và biết
Cái thế thái nhân tình.
Mong các bác chiêm nghiệm.
Nói thật, không đùa đâu.
Các bác mà vấp ngã,
Thực tình tôi cũng đau.
Tôi còn muốn viết nữa.
Túi thơ vẫn còn đầy.
Nhưng mà thôi, dịp khác.
Nhiều chưa chắc đã hay.
Giờ phải làm việc khác.
Mà việc thì còn nhiều.
Già rồi, đang tự hỏi
Còn sống được bao nhiêu.
Tôi sẽ rất hạnh phúc
Nếu các bạn hàng ngày
Sống tốt hơn một tý
Nhờ bộ châm ngôn này.
Còn giờ thì tạm biệt.
Bye! See you later.
Đừng quên tôi, Ông Béo,
Suốt ngày chỉ làm thơ!
Ừ, bye cả mày nữa.
Bye-bye thơ châm ngôn.
Cái gì hết sẽ hết.
Cái gì còn, vẫn còn.
Cũng hơi buồn một tý,
Như mọi cuộc chia ly.
Không viết châm ngôn nữa,
Vậy thì sẽ viết gì?
Nhiều lắm, còn nhiều cái
Cần phải viết từ nay.
Mà cũng rất có thể
Tôi lại viết thằng này.
Thơ, như người, có số.
Mà số là ý trời.
Muốn khác cũng chẳng được.
Nếu tôi viết, đừng cười.
PS
Viết thằng châm ngôn khổ.
Cứ đều đều bốn câu.
Câu nào cũng năm chữ,
Âm vang mãi trong đầu.
Đến mức khi suy nghĩ,
Khi nói cũng thành thơ,
Thành nhịp, năm tiếng một.
Khiến người nghe sững sờ.
Lúc nào cũng tìm ý.
Lúc nào cũng tìm vần.
Đều đều, toàn năm chữ.
Không khéo rồi tâm thần.
No comments:
Post a Comment