PHẦN MỘT
1
Cuộc đời đầy nghịch lý.
Thu nhập thì đi lên,
Đạo đức lại đi xuống,
Tỉ lệ nghịch với tiền.
Nhà xây ngày càng lớn,
Lại càng bé gia đình.
Tiện nghi toàn hiện đại,
Cư xử kém văn minh.
Con người tìm hạnh phúc
Trong mua sắm, chi tiêu.
Nên sử dụng thì ít,
Mà đồ đạc thì nhiều.
Suốt ngày bố câu cá,
Cùng bạn nhậu lai rai.
Về nhà lại kêu bận,
Không giúp con học bài.
Thay cho việc ngồi kể
Một câu chuyện thần tiên,
Mẹ đua với hàng xóm,
Mua đồ chơi đắt tiền.
Nói thì nhiều, nghe ít.
Lại thích chạy long rong.
Ai cũng lo kiếm sống.
Học cách sống thì không.
Con người cố làm sạch
Không khí và môi sinh,
Thế mà đang tự nguyện
Làm bẩn tâm hồn mình.
Con người vượt tỉ dặm
Thăm hỏi các vì sao.
Trở về, gặp hàng xóm,
Không nói nổi tiếng
“Chào!”.
Cuộc đời là thế đấy.
Xã hội càng văn minh,
Ta càng tiến hóa ngược
Rồi để mất chính mình.
2
Một đêm nọ, mất điện.
Dò dẫm bước, bà già
Thắp một ngọn nến nhỏ,
Rồi vui vẻ, cả nhà
Lại tiếp tục ăn tối
Dưới ánh nến lung linh.
Ngọn nến cũng vui lắm.
Nhưng bất chợt giật mình.
Nó thấy, để chiếu sáng
Cho mọi người vui cười,
Nó chịu nóng, tan chảy,
Giờ chỉ còn nửa người.
Thế thì thật phi lý.
Kẻ chịu đau, chết dần,
Người được hưởng ánh sáng,
Vui vẻ bên bàn ăn.
Cây nến hờn dỗi ấy,
Nhân ngọn gió thổi qua,
Tự mình tắt, bóng tối
Lại bao trùm ngôi nhà.
Bà chủ lại lọ mọ
Thắp một chiếc đèn dầu.
Căn phòng được chiếu sáng,
Mọi người vui bên nhau.
Trong khi nửa ngọn nến
Bị vứt vào góc sân,
Nằm mốc meo, sau đó
Lũ chuột tha về ăn.
*
Người ta làm ra nến
Để chiếu sáng cho đời.
Thế mà ngọn nến ấy
Suy nghĩ thật buồn cười.
Đáng lẽ hưởng hạnh phúc
Trong ánh sáng của mình,
Thế mà nó phải chết
Trong hang chuột hôi rình.
3
Một cô bé ốm nặng,
Chờ cái chết hàng ngày.
Như ngọn nến bé nhỏ
Trong gió bão, lắt lay.
Mẹ cô bệnh, chết sớm.
Bố nghèo, lo làm ăn,
Nên chỉ vào bệnh viện
Mỗi ngày một, hai lần.
Mà cô thì yêu bố,
Muốn bố ôm vào lòng,
Muốn được làm nũng bố
Hoặc hôn lên má ông.
Bố vẫn bận, lo lắng
Vẫn đè nặng lên vai,
Vẫn bươn chải, kiếm sống.
Cô chỉ biết thở dài.
Và rồi, cô lặng lẽ
Lấy một tập giấy màu,
Cắt thành nhiều miếng nhỏ,
Dán chúng lại với nhau.
Trước khi dán, âu yếm,
Hôn mẩu giấy bé con,
Cô thầm thì: “Gửi bố
Thêm nữa một cái hôn.”
Suốt một tuần lặng lẽ,
Cuối cùng cô làm xong
Một chiếc hộp giấy đẹp,
Đủ màu xanh màu hồng.
Tối ấy, khi bố đến,
Cô tặng hộp giấy này,
Nói để bố nhìn nó
Và nhớ con hàng ngày.
Một giờ sau, cô chết.
Ông bố ngồi ôm con,
Bên cạnh chiếc hộp giấy
Đựng một triệu cái hôn.
Tiếc là vì vất vả,
Vì nỗi đau xé lòng,
Ông không nhìn thấy chúng
Trong hộp giấy xanh hồng.
Và rồi, ông vứt nó,
Chiếc hộp giấy của con,
Cùng những giọt nước mắt
Và một triệu cái hôn.
4
Một bác nhà giàu nọ
Đưa con trai về quê,
Một nơi còn nghèo khổ
Và thiếu thốn đủ bề.
Là ý bác muốn nhắc
Anh con lo học hành
Để thành giàu, sung sướng,
Sống ở chốn đô thành.
Trên đường về thành phố,
Ông bố bảo anh con
Nói ông nghe cảm tưởng
Lần đầu về nông thôn.
“Con thích lắm, bố ạ.
Con thấy sống ở đây
Hay hơn sống thành phố.
Vì sao? Vì thế này.
Ở thành phố chật hẹp
Toàn những người là người.
Đâu cũng thấy tường chắn,
Nhà cao, che lấp trời.
Còn nông thôn thoáng đãng,
Hút mắt một màu xanh.
Đêm, thay cho đèn điện
Là trời sao lung linh.
Nhà giàu ở thành phố
Có chiếc bồn nước nông.
Ở đây người ta có
Xanh biếc một dòng sông.
Đây, nhà nào cũng có
Bò lợn, rau đầy vườn.
Trong khi dân thành phố
Toàn rau héo, cá ươn.
Người thành phố hậm hụi,
Suốt ngày lo kiếm tiền.
Ở đây con cảm thấy
Được hòa cùng thiên nhiên…”
Ông bố ngồi im lặng,
Tư lự lắng nghe con,
Chợt thấy như hẫng hụt,
Không đâu, chợt thấy buồn.
5
Câu chuyện này có thật.
Chuyện Na-pô-lê-ông
Một lần đang đi dạo
Thơ thẩn bên bờ sông.
Bỗng có ai chết đuối,
Đang kêu cứu thất thanh.
Ông chạy lại, và thấy
Giữa dòng nước chảy nhanh,
Là một chú lính trẻ,
Trông khỏe mạnh và hiền,
Đang vùng vẫy, cố ý
Chờ người cứu mình lên.
Ông liền rút khẩu súng,
Bắn ba phát phía sau:
“Hãy lên bờ nhanh chóng.
Không, ta bắn vỡ đầu!”
Chú lính nghe sợ quá,
Liền đem hết sức mình
Bơi vào bờ, thoát nạn,
Khỏe mạnh và nguyên lành.
*
Câu chuyện chỉ có vậy.
Nhưng bài học thế này:
Chúng ta, cả tôi nữa,
Trong cuộc sống hàng ngày,
Ta làm chưa hết sức,
Kiểu lớt phớt, lờ phờ.
Nhưng khi bị bắt buộc,
Hay tai họa bất ngờ
Thì lập tức đâu đó
Sức mạnh trong người ta
Giúp làm tốt mọi việc,
Khó mấy cũng vượt qua.
Con người là thế đấy,
Thích léng phéng, ham chơi.
Khi bị đánh vào đít
Mới bỏ được thói lười.
6
Có một thiền sư nọ
Được Diêm Vương cho người
Đưa xuống thăm Địa Ngục
Để tìm hiểu sự đời.
Ở đấy ông chứng kiến
Cảnh mọi người đánh nhau.
Mà đánh nhau ghê lắm.
Nguyên nhân có gì đâu.
Đến bữa ăn, tất cả,
Tất cả, không trừ ai,
Được phát một chiếc muỗng
Bằng gỗ cứng, rất dài.
Mọi người dùng chiếc muỗng
Múc thức ăn, tiếc sao,
Muỗng dài quá nên vướng,
Chẳng ăn được chút nào.
Và thế là địa ngục,
Hết chửi lại đánh nhau.
Vướng muỗng không ăn được.
Chỉ thế, có gì đâu.
Cũng chính thiền sư ấy
Sau được Ngọc Hoàng thương,
Phái một bầy tiên nữ
Đưa lên thăm Thiên Đường.
Ông ngạc nhiên khi thấy
Đến bữa ăn, ai ai
Cũng được phát chiếc muỗng
Bằng gỗ và rất dài.
Thế mà lạ, tất cả
Rất ý hợp tâm đầu.
Muỗng ai người ấy múc,
Nhưng mà múc cho nhau.
Thành ra không hề vướng.
Mọi người ăn, vui cười.
Vì họ biết nhường nhịn,
Biết nghĩ đến mọi người.
Thế đấy, cùng chiếc muỗng
Và bữa ăn bình thường,
Thế mà thành Địa Ngục,
Hoặc trái lại, Thiên Đường.
Không khó lắm để rút
Bài học từ chuyện này.
Các bác tự rút nhé.
Tôi xin dừng ở đây.
7
Một sĩ quan cấp tá
Của Việt Nam Cộng Hòa,
Sau năm năm “cải tạo”
Đã nhận được vi-sa
Sang định cư bên Mỹ.
Đặt chân đến phi trường,
Ông vào ăn lót dạ
Trong một quán bình thường.
Quen cái thói trong nước,
Ông cứ chờ dài dài.
Chờ người đến phục vụ.
Chờ mãi, chẳng thấy ai.
Cuối cùng, một bà Mỹ
Giải thích: “Ở nước này,
Muốn ăn, phải tự lấy,
Xếp hàng như tôi đây.”
Đó là bài học quí
Đầu tiên ở xứ người.
Nó giúp ông đứng vững
Và thành đạt trong đời.
Dân Việt ta thật lạ.
Tôi nói không ngoa đâu.
Đã trên răng dưới dép,
Mà cứ thích được hầu.
8
Có một cậu bé nọ
Được bố đưa đi chơi,
Tới vách núi dựng đứng,
Vươn cao đến tận trời.
Bất chợt cậu vấp ngã,
Buột miệng kêu: “Úi chà!”
“Úi chà!” từ trong núi
Có tiếng đáp bay ra.
Cậu bực mình, liền quát:
“Trêu ta hả? Câm đi!”
“Câm đi! Trêu ta hả?”
Vách núi đáp tức thì.
“Có ai đấy độc ác
Đang trêu con, bố ơi.”
Ông bố đáp: “Đừng sợ.
Chỉ tiếng vọng mà thôi.”
Rồi ông kêu: “Chào bạn!
Tôi yêu bạn nhất đời.”
“Chào bạn! Tôi yêu bạn.”
Vách núi liền trả lời.
“Tiếng vọng là thế đấy.
Bất kỳ con nói gì. -
Ông bố bảo cậu bé. -
Nó đáp trả tức thì.
Đời cũng vậy, con ạ.
Con ở ác, tất nhiên,
Nhất định sẽ gặp ác.
Con ở hiền, gặp hiền.”
*
Lời nói này chí lý
Nhắc cả cho mọi người.
Ở ác thì gặp ác.
Đó là luật của trời.
9
Chuyện xẩy ra ở Nhật.
Một bác Samurai
Mang kiếm đến đòi nợ
Nhà một bác dân chài.
Bác dân chài nhăn nhó
Xin khất nợ năm sau.
Ông tức giận rút kiếm,
Định lập tức chém đầu.
“Ấy chết, bác bình tĩnh.
Các võ sư đạo Thiền
Luôn nhắc, khi giận dữ
Hãy để kiếm nằm yên.”
Bác Samurai nọ,
Nghe thế, liền dừng tay.
“Xưa thầy ta cũng thế.
Cũng từng nói câu này.”
Rồi bác cho con nợ
Hoãn trả tới năm sau,
Vẫn dọa, nếu không trả,
Nhất định sẽ chém đầu.
Về nhà, bác kinh ngạc
Thấy trên giường của mình
Vợ nằm cùng ai đó.
Thật láo, dám ngoại tình!
Bị xúc phạm danh dự,
Bác quyết định ra tay,
Rút thanh kiếm sáng loáng
Định giết hai người này.
Bất chợt bác khựng lại,
Nhớ lời ông dân chài:
Không rút kiếm khỏi vỏ
Khi đang thù giận ai.
Cũng vừa hay lúc ấy
Chiếc chăn đắp hai người
Nằm trên giường lật mở.
À, mẹ vợ sang chơi.
Đến năm sau, con nợ
Mang tiền đến tận nhà,
Nhưng chủ nợ không lấy,
Lại còn mời dùng trà.
“Thực ra, tôi nợ bác.
Đúng như thế, nợ nhiều.
Bác giữ số tiền ấy.
Nó chẳng đáng bao nhiêu.
*
Các cụ ta đã nói,
Một sự nhịn, chín lành.
Nhắc lại: Lúc tức giận,
Phải nhớ kiềm chế mình.
10
Đã bao giờ các bạn
Tự hỏi mình vì sao
Đàn ngỗng bay trú rét
Hình chữ V trên cao?
Theo các nhà khoa học,
Điều này không ngẫu nhiên.
Mỗi con ngỗng vẫy cánh,
Tạo một lực nâng lên.
Các lực ấy cộng hưởng
Thành luồng khí phía sau,
Giúp nâng cả đàn ngỗng,
Bay dễ dàng, bay lâu.
Con người ta cũng vậy.
Nếu hợp sức, hợp lòng.
Ý chí sẽ cộng hưởng,
Giúp dễ đạt thành công.
Con đầu đàn, bay trước,
Không được hưởng lực này,
Nó chóng mệt, con khác
Phải luân phiên lên thay.
Tương tự, người làm việc,
Cũng có người cầm đầu.
Trách nhiệm lãnh đạo ấy
Cũng nên luân phiên nhau.
Trong khi bay, đàn vịt
Thường kêu - không ngẫu nhiên.
Đó là lời chúng nhắc
Cả đàn cùng tiến lên.
Nhắc nhau trong công việc
Cũng rất cần ở người.
Để gắn với tập thể,
Và để chống cái lười.
Khi đàn ngỗng di trú,
Nếu một con bị thương
Hay mệt không bay nổi,
Thì một lẽ bình thường
Là có hai con khác
Đến đỡ nó cùng bay.
Khi hai con này mệt,
Hai con khác đến thay.
Con người ta cũng thế,
Khi vấp ngã, ốm đau,
Vì tinh thần đồng đội,
Không thể bỏ rơi nhau.
Vậy là chúng ta thấy
Rằng chúng, đàn vịt trời
Đang nêu một gương tốt
Cho chúng ta, con người.
Đừng nghĩ mình ghê gớm,
Lại càng không tự hào
Chỉ vì ta được xếp
Là động vật bậc cao.
11
Một nhà chiêm tinh nọ
Được vua gọi vào chầu.
“Ngươi hãy nói ta biết,
Ta sống thọ bao lâu?”
“Dạ, muôn tâu hoàng thượng,
Đại đức và đại tài,
Ngài sống lâu, đến mức
Con cháu chết trước Ngài!”
Nhà vua nghe chữ chết,
Rất khó chịu trong lòng,
Cho đó là điềm gỡ,
Liền ra lệnh chém ông.
Một nhà chiêm tinh khác
Cũng được hỏi câu này.
“Bẩm, hoàng thượng rất thọ.
Hiếm có ở đời này.
Ngài là người thọ nhất
Trong hoàng cung, thọ hơn
Tất cả các bà vợ,
Thậm chí cả cháu con!”
Vua nghe ông này nói,
Cảm thấy rất hài lòng.
Bèn ra lệnh ban thưởng
Mấy đồng vàng cho ông.
Vậy là chúng ta thấy.
Cùng một ý như nhau.
Nói thế này được thưởng.
Nói thế kia mất đầu.
Thì các cụ đã dạy.
Lời nói không mất tiền.
Vậy lựa lời mà nói.
Thuận tai, lại đỡ phiền.
12
Cuộc đời như cuốn sách.
Có trang không thật hay.
Vậy thì lật trang mới
Và thôi đọc trang này.
Đời như sách, đúng thế,
Có nhiều trang, nhiều chương.
Quan trọng là đọc tiếp,
Cả khi thấy chán chường.
13
Có một người hành khất
Đến cửa một nhà giàu,
Ngửa tay xin bố thí,
Nhẫn nhục, đứng rất lâu.
Lão chủ nhà keo kiệt
Không bố thí cái gì,
Mà còn lấy hòn đá
Ném vào ông, đuổi đi.
Người ăn mày lặng lẽ
Cất kỹ hòn đá này,
Trong lòng nuôi mối hận,
Nhất định chờ đến ngày
Sẽ dùng hòn đá ấy
Ném vào lão nhà giàu.
Ở ác thì gặp ác.
Không ai thoát được đâu.
Và rồi, như mong đợi,
Không hiểu lý do gì.
Lão nhà giàu bị bắt,
Bị gông cổ, giải đi.
Bị gông cổ, giải đi.
Người ăn mày thấy thế,
Lấy hòn đá, vui mừng,
Định ném về phía lão,
Thế mà rồi, giữa chừng
Ông khựng lại khi thấy
Khuôn mặt lão thâm sì,
Hốc hác vì đau đớn.
Ông vứt đá, bỏ đi.
*
Ở đời, cái đẹp nhất,
Chính là lòng vị tha.
Ai đó xúc phạm bạn,
Buồn, nhưng hãy cho qua.
Không có sự thù hận,
Thì gánh nặng cuộc đời
Vốn cũng đã quá nặng
Đè lên vai con người.
Khả năng biết tha thứ
Là tột đỉnh tình thương.
Nó giúp ta sống đẹp
Thanh thản cuộc đời thường.
14
Một ẩn sĩ nổi tiếng
Đến gặp vua Meysem:
“Quán trọ này còn chỗ
Cho ta trú qua đêm?”
Vua ngạc nhiên, khó chịu,
Lớn tiếng hỏi ông già:
“Ngươi mù sao, không thấy
Lâu đài này của ta.
Một lâu đài đồ sộ,
Nổi tiếng nhất phương Đông.
Tường dát vàng, dát bạc,
Không dưới một nghìn phòng!”
Ông già ẩn sĩ nói:
“Xin bệ hạ cho hay
Trước ngài ai đã sống
Trong “tòa lâu đài” này?
“Thân mẫu ta, hẳn vậy.”
“Còn trước đấy là ai?”
“Là ông ta…” Ẩn sĩ
Cung kính nói: “Thưa ngài,
Giờ thì ngài đã thấy,
Lâu đài ngài nghìn phòng,
Cũng chỉ là quán trọ
Che nắng gắt, mưa giông.
Giờ ngài sống trong nó
Là sống tạm mấy ngày,
Như ông bà, bố mẹ
Đã sống tạm trước đây.
Xin hỏi ngài lần nữa,
Thưa đức vua Meysem:
Quán trọ này đủ chỗ
Cho tôi trú qua đêm?”
*
Cuộc đời là quán trọ.
Ta nói thế nhiều lần.
Đời phù du, tạm bợ,
Thế mà ta, người trần,
Ta đua nhau, cặm cụi
Vơ mọi thứ vào mình,
Để rồi ngày càng ngập
Trong bể khổ vô minh.
Sớm muộn ai cũng chết.
Ngắn ngủi một cuộc đời.
Cái ta tưởng ta có
Hóa ra là của đời.
15
“Lắm thương, lắm đau khổ.
Tích nhiều sẽ mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.”
Câu này của Lão Tử,
Nghiệm, thấy đúng vô cùng.
Rõ ràng và đơn giản.
Thế mà ta, nói chung,
Ta không chú ý lắm,
Làm theo càng chẳng màng.
Vì sao? Vì nó đúng,
Đơn giản và rõ ràng.
Đến mức ta thấy nó
Cứ như điều hiển nhiên.
Như xưa các cụ nói,
Gần mực thì sẽ đen.
Tương tự, trong cuộc sống,
Nhiều người tốt với ta,
Nhất là người ruột thịt,
Vâng, tốt lắm, thế mà
Ta coi sự tốt ấy
Là đương nhiên, bình thường,
Như việc cần phải có,
Và chẳng mấy vấn vương.
Hóa ra là thế đấy.
Thật lạ, cái đời này.
Quá đúng và quá tốt
Chưa hẳn đã là hay.
Và đó là nghịch lý
Ta đang thấy, hiển nhiên.
Hơi sai sai một chút
Có khi lại ăn tiền.
16
Chắc nhiều người đã biết
Câu chuyện triết lý này,
Gọi là “triết lý kẹo”.
Xin kể nó ra đây.
Có một ông người lớn
Cho thằng bé nhà bên
Mỗi ngày một chiếc kẹo,
Loại ngon và đắt tiền.
Thằng bé yêu ông lắm,
Vì có kẹo hàng ngày.
Vì cả việc ông ấy
Biết kể chuyện rất hay.
Một hôm, ông người lớn,
Không nói rõ vì sao,
Khi gặp thằng bé ấy,
Không cho chiếc kẹo nào.
Vốn quen được ăn kẹo,
Không mất tiền, hàng ngày,
Thằng bé rất khó chịu,
Phản ứng lại gắt gay.
Nó nói lời hỗn láo
Với người bạn của mình,
Rồi đơm chuyện, bịa đặt
Với những người xung quanh.
Chuyện chỉ thế, thật tiếc,
Trong cuộc sống hàng ngày,
Ta đã, đang, sẽ gặp
Nhiều chuyện kiểu thế này.
Ta có thể hào phóng
Giúp ai đó trăm lần,
Nhỡ một lần không giúp,
Thì hắn chẳng ngại ngần
Sổ toẹt trăm lần ấy,
Coi như chẳng có gì,
Rồi mắng ta thậm tệ,
Rồi quay mặt bỏ đi.
Vậy, muốn giúp cứ giúp.
Muốn cho ai, cứ cho.
Nhưng biết mà phòng trước,
Chỉ ít khỏi bất ngờ.
17
Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ.
Mèo to bắt chuột to.
Tương tự, ăn - nên tránh
Quá ít hoặc quá no.
Khi thuyền không lớn lắm,
Đừng dương buồm quá cao.
Tớn lên, gió thổi mạnh,
Thuyền có thể lật nhào.
Túm lại là các bác
Phải biết mình, biết ta.
Liệu cơm mà gắp mắm,
Liệu sức mà đi xa.
Cứ đều đều mà tiến.
Vội vã làm đếch gì.
Cái gì đến sẽ đến.
Cái gì đi sẽ đi.
18
Ở Miền Tây nước Mỹ,
Xưa có hai anh em,
Do đói ăn, buộc phải
Đi trộm cừu ban đêm.
Không may, họ bị bắt,
Bị trừng phạt nặng nề,
Bằng cách xăm trên trán
Hai chữ cái ST (Es Tê).
Đó là chữ viết tắt
Từ tiếng Anh Stealer.
Tức là thằng ăn trộm,
Bần tiện và nhuốc nhơ.
Để tránh sự nhục nhã,
Người anh bỏ đi xa,
Gây dựng cuộc đời mới,
Có tiền và có nhà.
Nhưng chữ ST ấy
Vẫn chẳng mất đi đâu.
Vẫn là tên ăn trộm.
Một kỷ niệm buồn đau.
Người em thì ngược lại,
Vẫn bám trụ quê mình,
Quyết tâm chuộc lầm lỗi
Bằng vất vả, hy sinh.
Anh chịu khó lao động,
Rồi nhanh chóng thành giàu,
Làm rất nhiều việc thiện,
Giúp đỡ người ốm đau.
Anh ăn uống kham khổ,
Dành tiền làm việc công.
Xây đường và bệnh viện
Dành riêng cho cộng đồng.
Giàu có và nổi tiếng,
Anh vẫn luôn nhớ mình
Từng là một tên trộm,
Nhục nhã và đáng khinh.
Tuy nhiên, cùng năm tháng
ST trên trán anh
Được mọi người đọc, hiểu
Thành Saint, thánh lòng lành.
19
Xưa, tổng thống nước Mỹ,
Abraham Lincoln,
Gửi bức thư nổi tiếng
Cho hiệu trưởng trường con.
Giờ rỗi, ngồi đọc lại,
Thấy ông nói chí tình.
Xin trích để các bác
Suy ngẫm về chính mình.
“Thưa thầy, như thầy biết,
Rằng còn có nhiều người
Bất nhân và giả dối
Đang gây ác cho đời.
Xin thầy dạy cháu biết
Sự thật cay đắng này.
Nhưng đừng quên nhắc cháu
Rằng người tốt, người ngay
Trên đời cũng không ít,
Thậm chí nhiều hơn nhiều,
Và rằng đừng nản chí,
Đánh mất tình thương yêu.
Xin thầy hãy dạy cháu
Rằng một đồng đô la
Kiếm được bằng lao động
Hơn mười đồng tiền quà.
Và rằng cần phải có
Chính kiến của riêng mình,
Bất chấp sự áp đảo
Của những người xung quanh.
Xin thầy hãy dạy cháu
Biết cư xử dịu dàng
Với người ngay; cứng rắn
Với kẻ xấu, sỗ sàng.
Và rằng cần phải đọc,
Đọc sách báo hàng ngày.
Đọc, không quên suy ngẫm,
Chắt lọc những điều hay.
Xin thầy hãy dạy cháu
Biết lắng nghe mọi người.
Tránh xa sự đố kỵ,
Và thói xấu cuộc đời.
Và rằng cần phải biết
Mỉm cười khi đau buồn.
Rằng muốn khóc, cứ khóc
Cho vợi bớt tâm hồn.
Xin thầy hãy dạy cháu
Biết tin vào bản thân,
Vì để tin người khác,
Điều ấy là rất cần.
Và rằng cháu có thể
Bán trí tuệ, bắp cơ.
Nhưng niềm tin, lý tưởng
Thì không bán bao giờ…
Thưa thầy, tôi rất biết
Làm được những việc này
Là vô cùng gian khó,
Và không phải một ngày.
Nhưng xin thầy hãy cố
Dạy cháu để thành người.
Được vậy, tôi và cháu
Biết ơn thầy suốt đời…”
20
Tăng gấp đôi số lượng
Thời gian dành cho con.
Giảm một nửa số lượng
Tiền bạc dành cho con
Thêm gấp đôi kiên nhẫn,
Giảm một nửa biếng lười.
Đấy, bí quyết tốt nhất
Giúp con lớn thành người.
21
Sự khác nhau cơ bản
Giữa đàn ông, đàn bà,
Là đàn ông quên đấy,
Nhưng tha thì không tha.
Còn đàn bà ngược lại,
Với bản chất dịu hiền.
Họ có thể tha thứ,
Nhưng quên thì không quên.
22
Phụ nữ quá lịch sự,
Cư xử với mọi người,
Thường ít khi làm được
Việc gì lớn trong đời.
Nhận xét này độc đáo
Của Na-pô-lê-ông.
Tôi xin nhường các bạn
Phán xét đúng hay không.
23
Đàn ông, vốn ngu ngốc,
Nên chọn vợ cho mình,
Thích chọn người tương xứng -
Hơi hơi kém thông minh.
24
Oscar Wilde có nói:
“Khuôn mặt người đàn ông
Là tiểu sử tự thuật,
Chính xác đến từng dòng.
Còn khuôn mặt phụ nữ
Là tiểu thuyết nhiều chương,
Một tác phẩm hư cấu,
Rối rắm và dị thường.”
25
Phụ nữ thích mạo hiểm,
Chơi với lửa, có ngày
Khói sẽ bay vào mắt,
Chưa nói chuyện bỏng tay.
26
Ta dạy một cậu bé
Là chỉ dạy một người.
Ta dạy một cô bé,
Là dạy cho nhiều người.
27
Hepburn, cô đào Mỹ,
Từng nói, rất thật lòng:
“Phụ nữ và nam giới
Không nên thành vợ chồng.
Tốt hơn, là hàng xóm,
Muốn thì đến gặp nhau,
Rồi ai về nhà nấy.
Quan hệ sẽ bền lâu.”
Tôi thấy ý tưởng được.
Thậm chí rất khả thi.
Cả hai thoát được nợ,
Lại chẳng vương vấn gì.
28
Phụ nữ nào đòi hỏi
Bình đẳng trong gia đình,
Là tự đánh giá thấp
Quyền hợp pháp của mình.
Chúa tạo nên người nữ
Từ xương sườn đàn ông,
Nhưng lại cho họ thọ
Và thông minh hơn chồng.
29
Phụ nữ sai ghê gớm
Khi tuyên bố đàn ông
Chỉ duy nhất cần sex,
Còn cái khác thì không.
Theo như chỗ tôi biết,
Đàn ông cũng cần ăn.
Cứ thử rồi sẽ biết
Cái hắn đích thực cần.
30
Khi gặp chuyện buồn bực,
Đàn ông hay chửi thề.
Phụ nữ chỉ biết khóc
Cho vợi bớt nặng nề.
31
Nhà văn Pháp vĩ đại,
Alexandre Dumas Cha,
Nói mỗi người đàn bà
Đều đáng tôn thành thánh.
Ông luôn nói điều này
Với mọi người, mọi chỗ,
Dẫu suốt đời đàn bà
Luôn làm ông đau khổ.
33
“Tôi là một người tốt,
Nhưng không phải thiên thần.
Tôi thông minh, dí dỏm,
Dẫu đôi khi ngu đần.
Là cô gái nhỏ bé
Sống giữa mấy tỉ người,
Tôi hy vọng tìm được
Ai đó làm bạn đời.”
Chắc nhiều người không biết
Marylin Monroe
Nói câu này ấn tượng
Ở Monte Carlo.
Vì đẹp, vì nổi tiếng,
Vì khao khát lấy chồng,
Về sau cô tìm được
Không một, mà mấy ông.
34
Có một thiền sư nọ
Mở tuần lễ định thiền.
Chư tăng và phật tử
Kéo đến từ mọi miền.
Bỗng người ta phát
hiện
Một đệ tử gần đây
Có hành động ăn cắp.
Thật nhục nhã điều
này.
Mọi người ngay lập tức
Đòi phải đuổi anh ta,
Nhưng thiền sư bình
thản
Như không gì xẩy ra.
Một thời gian sau đó,
Anh chàng hư hỏng này
Lại ăn cắp lần nữa.
Lần này thì rất gay.
Mọi người đòi dứt
khoát
Phải đuổi ngay tức
thì.
Nếu thiền sư không
đuổi,
Tất cả sẽ ra đi.
Thế mà thiền sư ấy
Vẫn không đuổi anh
chàng.
Hơn thế, còn gần gũi
Và tỏ lòng cưu mang.
Ngài nói với đệ tử:
“Các con vốn thông
minh,
Biết gì sai, gì đúng,
Với người anh em mình
Đừng nên quá khe khắt.
Anh chàng ngu dốt này
Ăn cắp vì ngu dốt
Vậy thì liệu ai đây
Giúp thành người thông
tuệ,
Nếu không phải là ta?
Ta không có ý giữ,
Ai muốn, cứ về nhà.”
Nghe thế, người ăn cắp
Hai mắt lệ ứa tràn,
Từ đấy thói ăn cắp
Anh bỏ hẳn hoàn toàn.
35
Có một con bò nọ,
Nhân khi vắng người chăn,
Đã xuống ăn ruộng lúa
Của một người nông dân.
Ông này rất độc ác,
Tức giận, mắng con bò:
“Tao vất vả, nhịn đói,
Mà mày thì ăn no.
Mày phải trả giá đắt.
Tao sẽ cắt lưỡi mày,
Để mày phải ghi nhớ
Không ăn lúa từ nay!”
Nói đoạn, ông cắt lưỡi
Con bò này đáng thương.
Nó không hiểu, nghĩ lúa
Là loại cỏ bình thường.
Còn ông nông dân ấy
Sau sinh ba người con,
Tất cả đều khỏe mạnh,
Cả thể xác, tâm hồn.
Có điều cả ba đứa,
Không ai hiểu vì sao,
Câm, suốt ngày lặng lẽ,
Không nói được tiếng nào.
Các thầy thuốc bất lực.
Ông bố thì buồn lo.
Và rồi ông chợt nhớ
Chuyện xưa cắt lưỡi bò.
Giờ hối thì đã muộn.
Ở
lành thì gặp hiền.
Sống
ác thì gặp ác.
Mọi
cái có nhân duyên.
36
Xưa có anh chàng nọ
Nghe nói Phật là người
Ba mươi hai tướng tốt
Và vẻ đẹp - tám mươi.
Và rằng ai gặp Phật
Sẽ may mắn lâu dài.
Anh ta xin phép mẹ
Lên đường đi tìm Ngài.
Suốt ba năm ròng rã,
Chịu mưa nắng dãi dầu,
Anh ta tìm khắp chốn
Mà không thấy Phật đâu.
Người băm hai tướng tốt
Và vẻ đẹp - tám mươi
Quả tìm mãi không thấy,
Dù tìm ba năm trời.
Cuối cùng anh ta gặp
Một vị sư rất già,
Đem sự tình kể hết.
Vị sư nói: “Thích Ca
Hiện đang còn tại thế.
Ngài có mặt khắp nơi,
Nhưng ẩn thân, dưới dạng
Bình thường như mọi người.
Do vậy phải nhìn kỹ,
Phải kiên nhẫn lâu dài,
Và thiện tâm, cầu thị
Mới hy vọng gặp Ngài.
Tuy vậy, ta có cách
Giúp con gặp Thích Ca.
Bây giờ con quay lại,
Theo đường cũ về nhà.
Hãy chú ý quan sát,
Để ý thấy chân ai
Vô tình đi lộn dép,
Thì người đó là Ngài.
Anh chàng kia hăm hở
Quay về nhà, dọc đường
Buồn vì thấy tất cả
Đi đúng dép, bình thường.
Đến làng mình, bà mẹ,
Nghe nói con trai về,
Vội vã chạy ra đón,
Nước mắt chảy dầm dề.
Anh chàng không hề biết
Rằng hàng ngày mẹ già
Luôn tụng kinh, niệm Phật
Mong anh sớm về nhà.
Bà nghe tin, vui quá,
Vui và vội, quáng quàng
Xỏ đôi dép, xỏ lộn,
Ra đón con đầu làng.
Anh con đã sụp lạy,
Gặp được Phật Thích Ca
Khi bất ngờ nhìn thấy
Đôi dép dưới chân bà.
37
Xưa, một phú ông nọ,
Giàu vào loại cực kỳ.
Nhưng ông rất hà tiện,
Chẳng cho ai cái gì.
Thế mà một buổi sáng
Có ông lão ăn mày
Đứng chìa tay trước cửa,
Cứ đứng thế suốt ngày.
Mà lão ăn mày ấy
Không phải xin cơm rang,
Xin tiền hay gì đấy.
Lão xin một nén vàng.
Cho cơm, không chịu nhận,
Người ta đuổi, không đi.
Lão ăn mày đứng thế.
Đúng là thật chây lỳ.
Suốt một năm như thế,
Còn biết làm gì đây?
Cuối cùng ông hà tiện
Lấy vàng cho lão này.
Rồi ông sai người ở
Lặng lẽ theo ông già.
Lão này đến, nằm ngủ
Gần một bãi tha ma.
Nhân khi lão đang ngủ,
Anh đầy tớ đến gần
Lấy thỏi vàng của lão,
Về đưa cho chủ nhân.
Lão ăn mày sáng dậy,
Lại đến nhà phú ông,
Hỏi xin vàng như trước.
Thế có bực mình không.
Phú ông ra, liền quát:
“Ông quá đáng vừa thôi.
Vừa cho vàng hôm trước,
Sao còn đến xin tôi?”
Lão ăn mày bình thản
Vừa đáp vừa vuốt râu:
“Vì tôi mới nhắm mắt,
Vàng đã biến đi đâu.”
Người phú ông đêm ấy
Cứ băn khoăn, bồn chồn:
Ừ nhỉ, hễ nhắm mắt
Là vàng đã không còn.
Rồi dần dần ông hiểu
Vàng bạc chỉ nhất thời,
Và điều quan trọng nhất
Là sống có tình người.
Ông hà tiện sau đó
Đem hết bạc và vàng
Cúng chùa, làm việc thiện,
Giúp đỡ người trong làng.
Các vị cao niên nói
Rằng ông lão ăn mày
Chính là Phật, Ngài đến
Dạy ông bài học này.
38
Một ngày nọ, Đức Phật
Đi qua một ngôi làng
Có một người thô lỗ
Sỉ nhục Ngài sỗ sàng.
Anh ta còn trẻ tuổi,
Ăn nói như người điên,
Bảo Ngài cũng ngu dốt
Như người khác, tuy nhiên,
Do rất giỏi lừa phỉnh
Nên người ta tin Ngài.
Tóm lại, toàn nhảm nhí,
Không đáng lọt vào tai.
Đức Phật nghe, bình thản
Trước lời nhục mạ này.
Bất chợt, Ngài khẽ hỏi:
“Xin anh nói tôi hay.
Nếu anh tặng ai đó,
Thí dụ, chiếc áo dài,
Nhưng người ấy không nhận,
Thì nó là của ai?”
Anh kia hơi bối rối,
Nhìn Đức Phật, và rồi
Liền đáp: “Món quà ấy
Tất nhiên là của tôi.”
Đức Phật cười thân mật:
“Anh nói đúng, vậy thì
Những lời anh vừa nói
Là của anh, nhận đi.
Anh mắng tôi thậm tệ,
Tôi không nhận, làm thinh,
Nghĩa là anh thực sự
Đang mắng bản thân mình.
Ở đời, anh bạn ạ,
Đừng gây ra cho người
Những gì mình không muốn.
Được thế, sẽ tuyệt vời.
Anh thù hận người khác,
Tức là thù hận anh.
Chính anh sẽ đau khổ,
Vì anh làm hại mình.”
Anh kia nghe, chợt hiểu,
Quì xuống dưới chân Ngài,
Xin được làm đồ đệ,
Sau thông tuệ, thành tài.
39
Xưa, có anh đồ tể
Sống cạnh ngôi chùa làng.
Hàng ngày cứ mờ sáng,
Khi chuông chùa ngân vang
Là anh ta tỉnh dậy
Sửa soạn bộ đồ nghề
Rồi bắt đầu mổ lợn,
Tiếng lợn kêu thật ghê.
Mỗi người một nghề sống,
Nên dân làng bực mình
Cũng chẳng làm gì được,
Đành bấm bụng làm thinh.
Một tối nọ, sư cụ
Mơ thấy có một bà
Dắt năm đứa con nhỏ
Nhờ cứu mạng bà ta.
“Bằng cách nào? - sư hỏi. -
Xin bà nói tôi hay.”
“Xin ngài thỉnh chuông sáng,
Muồn muộn hơn mọi ngày.”
Sư cụ thỉnh chuông muộn.
Anh đồ tể ngủ quên,
Nên không kịp giết lợn,
Bèn sang trách chùa bên.
Anh ta được sư cụ
Kể giấc mơ của mình,
Về nhà, vào chuồng lợn,
Thì thấy lợn vừa sinh
Đúng năm con rất đẹp.
Anh đồ tể lặng người,
Nhẩm đếm mình đã giết
Bao sinh mạng trên đời.
Rồi anh ta quyết định
Từ nay sẽ bỏ nghề,
Không bao giờ giết lợn,
Cầm con dao anh thề.
Rồi cắm con dao ấy
Giữ sân chùa, sau này,
Qua một đêm sấm chớp,
Nó hóa thành bụi cây
Có lá như dao nhọn,
Hoa đỏ như máu tươi.
Mọi người gọi huyết dụ,
Tức là cây máu người.
40
Ở Tế Dương, thôn Chúc,
Xưa có một ông già,
Bỗng dưng lâm bệnh chết,
Ở cái tuổi sáu ba.
Mọi người đang tất bật
Lo tang lễ cho ông.
Ông thì nằm thanh thản
Trong quan tài giữa phòng.
Bỗng nhiên ông bật dậy,
Bước ra khỏi quan tài.
Cháu con nhìn, vui sướng,
Cũng có anh thở dài.
Ông bảo vợ: “Tôi chết,
Bỗng nhiên thấy thương bà,
Nên chưa xuống âm phủ,
Mà lại quay về nhà.
Trước ta thề chung thủy
Đến răng long, bạc đầu.
Không lẽ nay đơn độc
Ta chết không có nhau?
Vì thế tôi quay lại,
Rủ bà cùng đi luôn.
Có bà, tôi thêm bạn,
Mà bà cũng đỡ buồn.”
Mọi người nghe, liền nghĩ
Ông mê sảng linh tinh,
Nhưng ông nghiêm mặt nói
Với bà vợ của mình:
“Giờ bà hãy nằm xuống.
Nằm thế này, bên tôi.
Duỗi hay tay thoải mái,
Rồi ta đi có đôi.”
Bà già hơi sờ sợ,
Cứ tưởng ông đùa chơi,
Nhưng muốn chối cũng khó,
Nên bà nằm thẳng người.
Và thế là hai cụ
Trước mặt đám cả đám đông
Nằm bên nhau như thể
Đang ngủ say trong phòng.
Mặt các cụ thanh thản,
Lại còn nắm tay nhau.
Họ ngủ thật, mắt nhắm,
Ngủ say và khá lâu.
Khi người nhà gọi dậy,
Thì hai người, than ôi,
Toàn thân đã lạnh toát,
Xem, thì đã chết rồi.
41
Một hôm, Đức Phật nói:
“Hãy nhìn kia, bầy sâu
Đang ăn quả táo thối.
Mà cắn xé, tranh nhau.
Chúng tưởng chúng hạnh phúc
Ăn thứ nhơ bẩn này.
Ta, người thường, thấy chúng
Là loài đáng thương thay.
Còn những người giác ngộ
Thì thấy người vô minh
Như sâu ăn táo thối,
Rất hài lòng với mình.”
42
Một người nọ mừng cưới
Con hàng xóm chỉ vàng,
Thành nổi tiếng tốt bụng
Và chịu chơi nhất làng.
Nhưng ông đã tính kỹ:
Nay mừng cưới người ta,
Sang năm con ông cưới,
Họ mừng lại thôi mà.
Vậy thì ông chỉ lợi.
Vàng ông vẫn còn nguyên,
Mà lại được tiếng tốt,
Hào phóng và nhiều tiền.
Nhưng năm sau, thật lạ.
Lạ đến mức khó tin:
Ông hàng xóm mừng cưới
Chỉ phong bì trăm nghìn.
Ông giật mình, hốt hoảng,
Bóng gió nhắc chỉ vàng.
Ông hàng xóm lờ tịt,
Rồi cãi nhau um làng.
Câu chuyện này có thật.
Tôi viết nó ra đây
Để mọi người suy ngẫm
Về cưới xin hiện nay.
Ngày nay làm lễ cưới
Còn hơn cả đi buôn.
Rằng vui thì vui thật,
Nhưng ngẫm, thấy thật buồn.
43
Nhiều hôn nhân tan vỡ,
Dẫn đến chuyện buồn đau,
Chỉ vì do không biết
Cách làm bạn với nhau.
Vợ chồng là một chuyện.
Chuyện khác, khó hơn nhiều -
Sống như những người bạn,
Bình đẳng và thương yêu.
44
Trước đây tôi ngu ngốc
Tìm cách làm vừa lòng
Bọn con trai tôi gặp,
Mong kiếm được tấm chồng.
Giờ thì nghỉ cho khỏe.
Tôi không thay đổi mình.
Không thích thì mời biến.
Không tình thì đừng tình.
45
Ba chục năm nghiên cứu
Về tâm hồn đàn bà,
Sigmund Freud thú nhận
Rằng cuối cùng ông ta
Vẫn không trả lời được
Câu hỏi giản đơn này:
Vậy rốt cục phụ nữ,
Họ muốn cái gì đây?
46
Vấn đề của phụ nữ
Bắt đầu từ đàn ông.
Vấn đề của đàn ông
Kết thúc ở phụ nữ.
47
Phụ nữ khác nam giới,
Là họ bắt đầu yêu
Khi hiểu được đối tượng,
Không cần suy nghĩ nhiều.
Nam giới không cần hiểu,
Yêu ngay từ nụ cười.
Hiểu được rồi, họ sợ,
Bỏ của chạy lấy người.
48
Phụ nữ khi yếu thế,
Mới nghĩ đến mưu mô.
Và họ chỉ nói dối
Khi trong lòng thấy lo.
Còn đàn ông khi mạnh,
Mới toan tính đủ điều.
Còn nói dối, đơn giản
Vì ngạo mạn và kiêu.
49
Người phụ nữ đứng tuổi
Đẹp cách riêng của mình,
Như thu vàng lá rụng
Và trái chín trên cành.
Ở họ, sự đằm thắm
Như bếp than lụi hồng,
Gọi ta đến ngồi cạnh
Trong giá lạnh đêm đông.
50
Tôi nhớ ai đó nói:
Phụ nữ chỉ sexy
Khi đang mặc quần áo.
Cởi ra, chẳng còn gì.
Và rằng hấp dẫn nhất
Trên cơ thể đàn bà
Là cái dưới quần áo,
Không phải cái lộ ra.
Có thể điều ấy đúng,
Vì sexy hay không
Tùy vào trí tưởng tượng
Và gu của đàn ông.
52
Nhiều khi ta chẳng biết
Đàn bà là bạn mình
Hay kẻ thù, có thể
Đơn giản chỉ nhân tình.
Không biết rõ điều ấy,
Ta đành coi đàn bà
Thuộc loại ba trong một
Hay là một mà ba.
53
Nhiều khi bạn kêu đói,
Có không ít đàn ông
Bảo: “Hãy ăn bát phở”,
Nhưng đi mua thì không.
Nhiều khi bạn kêu mệt,
Ít nhất có vài anh
Bảo: “Thì em hãy nghỉ”,
Rồi vội biến rất nhanh.
Đàn ông là thế đấy.
Luôn thế, hãy tin tôi.
Chỉ toàn “lip service”,
Nôm na là đãi bôi.
Đừng mơ hoàng tử nữa.
Hoàng tử không có đâu.
Chỉ cần tìm ai đó
Với chiếc ô che đầu.
54
Suy cho cùng, phụ nữ
Chỉ hoàn toàn tự do
Khi biết thôi mơ ước
Và chờ được hẹn hò.
Vì sự chờ đợi ấy,
Phần lớn chờ viển vông,
Là một dạng tự nguyện
Nô lệ cho đàn ông.
55
Ai đó yêu ai đó,
Đơn giản chỉ là yêu.
Không cần phải giải thích,
Cũng không cần nói nhiều.
Tình yêu như ngọn gió,
Một ngọn gió mát lành.
Anh không sờ được nó,
Nhưng nó ở trong anh.
56
Tình yêu thật kỳ diệu,
Thay đổi ta bất ngờ.
Trái tim yêu mọc cánh,
Ta trở thành nhà thơ.
Nhận xét này xác đáng,
Ai nói, bạn biết không?
Không phải tôi, hẳn thế,
Mà triết gia Platông.
Nhưng ông này, thật tiếc,
Lại chủ trương mọi người
Yêu thanh cao, không sex.
Thế mới chán mớ đời.
57
Tình yêu như ngọn lửa.
Nó sưởi ấm lòng ta,
Hay không may, sơ ý,
Thiêu trụi cả ngôi nhà?
Điều ấy không ai biết.
Đơn giản vì là điều
Nếu biết trước thì đó
Không còn là tình yêu.
58
Mark Twain nói, đại ý,
Người sợ chết là người
Thực ra đang sợ sống
Vật vờ nơi cõi đời.
Người khôn, sống trọn vẹn,
Sống ý nghĩa, sống thiền,
Sẵn sàng đón cái chết
Như một lẽ tự nhiên.
60
Quả tình yêu đích thực
Không nhiều lắm ở đời.
Nhưng nó mang ý nghĩa
Cho cuộc sống con người.
Cả khi buồn, bất hạnh
Do trắc trở, không thành,
Thì tình yêu vẫn đẹp
Và giúp ta trưởng thành.
Vậy khi tình yêu đến,
Đừng bỏ chạy, đừng lo.
Tình yêu như mưa mát
Rắc ngọc lên mặt hồ.
Tình yêu là hạnh phúc,
Ân phước của Bề Trên.
Bề Trên tặng, hãy nhận,
Để hàng ngày, ngoài hiên
Bạn bâng quơ, đứng lặng,
Lơ đãng ngắm ráng chiều,
Rồi từ từ cất cánh,
Đôi cánh của tình yêu.
Lại nữa, tình yêu đẹp
Vì thấm buồn cuộc đời.
Buồn là đẹp, cái đẹp
Chỉ dành cho ít người.
61
Tặng Trần Kim Ánh
Một người đàn bà đẹp
Càng đẹp khi có con.
Các góc cạnh tuổi trẻ
Dần biến thành đường tròn.
Cái đồng bóng, nhí nhố
Lắng xuống thành cặn đường,
Dịu ngọt và ấm áp,
Nồng thắm và yêu thương.
Chiều, đứng bên cửa sổ,
Nàng bế con, chờ chồng.
Trong vườn, cây sai quả,
Rực rỡ dưới nắng hồng.
Bâng quơ, nàng nhếch mép
Như Mona Liza,
Không biết mình bất chợt
Đã trở thành Thánh Bà.
62
Trên thực tế, phụ nữ
Bỏ chồng, thường mạnh thêm.
Đàn ông sau bỏ vợ
Thường nhếch nhác, say mèm.
Nhận xét này chua chát
Của một ông nhà văn
Nói khi nhờ Mụ Vợ
Giặt hộ đống áo quần.
Mụ Vợ tôi được thể,
Nói: “Dẫu nhiều đàn bà.
Đàn ông không thể sống
Thiếu người vợ trong nhà.”
63
Hôm nọ, ăn ngoài quán,
Một cô gái thật xinh
Bước vào, bảo ông chủ
Cho một bát tiết canh.
Cô ngồi bên, lễ phép,
Nhìn tôi còn mỉm cười.
Chiếc miệng thật xinh xắn.
Đôi môi mọng thật tươi.
Áo quần rất hợp mốt,
Chiếc bóp da thật xinh.
Cách cầm thìa cũng điệu.
Đúng là người văn minh.
Rồi cái miệng xinh ấy
Bắt đầu ăn, đỏ lòm.
Tôi bỏ đũa, đứng dậy,
Suýt nữa thì buồn nôn.
“Ấy, bác sao thế ạ?”
Trước mặt cả đám đông,
Tôi đáp: “Không sao cả.
Tôi sợ ma cà rồng.”
Quả thật tôi sợ lắm,
Vội vã bỏ đi ngay.
Chiếc miệng đầy máu ấy
Còn ám tôi mấy ngày.
*
Cho phép không bình luận.
Tôi xin khuyên chân thành:
Không lấy chồng thịt chó.
Không lấy vợ tiết canh!
64
Xưa hay nay vẫn vậy,
Phụ nữ luôn thiệt thòi.
Yếu ớt và nhạy cảm,
Nhưng trách nhiệm gấp đôi.
Vừa lo việc xã hội,
Vừa cáng đáng việc nhà.
Suốt ngày họ tối mặt
Vì bếp núc, dưa cà.
Đến chết, họ còn chịu
Thêm một nỗi bất công:
Con cái họ để lại
Toàn mang họ của chồng.
65
Với phụ nữ, khi hứng
Thì sex thật tuyệt vời.
Không hứng là cưỡng hiếp,
Là chịu đựng, rã rời.
Bọn đàn ông ích kỷ,
Hùng hục, chỉ biết mình.
Tôi nghĩ cái tội ấy
Phải xử theo luật hình.
66
Thật đẹp và cảm động
Khi một người đàn bà
Đưa con gái, còn nhỏ,
Lên chùa, dạy dâng hoa.
Cũng đẹp, khi ông bố
Dẫn con trai hàng ngày
Ra sân tập chơi bóng.
Về thâm tím chân tay.
Càng đẹp, sau cơm tối,
Cả nhà ngồi quây quần
Đọc truyện thơ cổ tích
Ông Béo Thái Bá Tân.
Nhưng có lẽ đẹp nhất,
Là Ông Béo, to đùng,
Vì muốn đời thêm đẹp,
Thức, viết như ông khùng.
67
Rất tiếc, tôi không có
Một triệu bông hồng xinh
Như chàng họa sĩ nọ
Tặng ca sĩ của mình.
Nhưng tôi có một tỉ
Những vần thơ lung linh,
Trong đó tôi gửi gắm
Chút hơi ấm, chút tình.
Tôi dâng nó cho bạn.
Có thể chưa thật hay.
Nhưng đó là tất cả
Tôi có ở đời này.
Đời vẫn còn đói khổ,
Giá lạnh và bất công.
Mong nó, thơ tôi viết,
Làm bạn thêm ấm lòng.
Mai sau già, tôi chết,
Lên trên ấy, Niết Bàn,
Tôi sẽ xin Đức Phật
Cho bạn được bình an.
68
Albert Einstein nói:
“Nếu bạn muốn con mình
Sau thành người thông minh,
Hãy đọc truyện cổ tích.
Muốn thông minh hơn nữa?
Thì tôi khuyên thế này:
Tiếp tục đọc cổ tích
Cho con nghe hàng ngày!”
69
Bạn thực sự không biết
Mình là ai đời này
Cho đến khi hạnh phúc
Được bế con trên tay.
70
TẬP LÀM THƠ NĂM CHỮ
Nhập môn
Thực chất, thơ năm chữ
Phong cách Thái Bá Tân,
Đơn giản là văn nói
Có kèm theo chút vần.
Viết nó không khó lắm.
Các bác muốn thì đây,
Tôi xin mách vài nước.
Đại khái như thế này.
Một, là phải có ý,
Có ý mới làm thơ.
Cố tìm ý độc đáo,
Triết lý và bất ngờ.
Hai, là khi thể hiện,
Chỉ dùng từ bình dân,
Nôm na và dễ hiểu.
Ba, là khâu ghép vần.
Vần có bằng và trắc.
Câu một với câu ba,
Câu hai với câu bốn
Phải vần nhau mượt mà.
Xưa tôi vần kinh khủng,
Nay lười, viết lăng nhăng,
Không chịu tìm vần trắc,
Chỉ tìm vần vần bằng.
Trắc và bằng lần lượt
Trong một khổ bốn câu.
Thằng nào trước cũng được,
Nhưng phải vần với nhau.
Ghép vần hơi khó đấy.
Cả tôi, hàng chuyên gia,
Mà nhiều lúc đực mặt,
Tịt, tìm mãi không ra.
Được vần thì mất ý,
Được ý thì mất vần.
Cái khó là chỗ ấy.
Suýt bỏ nghề nhiều lần.
Nếu tìm mãi không được
Thì viết lại từ đầu,
Thử tìm các vần khác.,
Chịu khó tìm thật lâu.
Bốn, và quan trọng nhất -
Không được viết linh tinh.
Vì “văn dĩ tải đạo”,
Thơ phải ấm cái tình.
Các hình thức vần
Thơ ngũ ngôn năm chữ
Đơn giản và rất hay.
Tiếc là ta bỏ phí
Không khai thác thằng này.
Ta có thể dùng nó
Để viết thơ trữ tình.
Trữ tình cực kỳ nhé,
Mượt mà và lung linh.
Ngược lại, khi cần thiết,
Nó là thơ nôm na,
Như lâu nay tôi viết,
Kiểu thơ vè, diễn ca.
Thơ ngũ ngôn mỗi khổ
Thường chỉ có bốn câu.
Vần có thể biến tấu
Rất nhiều cách khác nhau.
Để giúp các bác hiểu,
Tôi xin trích ở đây
Một số cách phổ biến.
Đại khái là thế này.
Một, ngũ ngôn đại chúng,
Mì ăn liền, nôm na.
Không vần hai câu trắc,
Là câu một, câu ba.
Đây là kiểu dễ nhất
Tôi đang viết bây giờ,
Mà viết có chủ đích,
Kiểu văn nói bằng thơ.
Hai, là vần tuyệt đối,
Cả bốn câu đều vần,
Tạm gọi là phong cách
Trữ tình Thái Bá Tân.
Dưới đây xin các bác
Cứ đọc thử mấy bài
Tôi viết đã lâu lắm,
Năm Tám Mốt, Tám Hai.
Tôi viết nhiều thời ấy
Loại bằng trước trắc sau.
Đây là một thí dụ,
Thành kinh điển từ lâu.
TIỄN BẠN ĐI NƯỚC NGOÀI
Tặng Gấu Phạm Anh Tuấn
Rời quê hương, chúng ta,
Mỗi người đi một ngả.
Có người đi rất xa,
Sống ở miền đất lạ.
Từng ngủ cao ngang mây,
Nhiều đêm ta thầm khóc
Nhớ về những luống cày
Nơi chúng ta đã mọc.
Những người con tha phương
Vẫn hướng về Tổ quốc,
Như nước rời đại dương
Để lại rồi thành nước,
Như đã ném lên trời,
Dù xa và cao thật,
Nhưng cuối cùng vẫn rơi
Và trở về với đất.
Như đá, ta bay cao
Rồi rơi về đất mẹ,
Đất đau, nhưng lần nào
Cũng ôm ta lặng lẽ.
*
Đây là một kiểu khác,
Câu một và câu ba,
Không vần bằng, mà trắc,
Nghe cũng rất mượt mà.
DẠY CON TẬP ĐÀN
Tay con còn bé nhỏ,
Mà phím đàn lại to.
Không sao, con hãy cố
Tập đàn pi-a-nô.
Hai phím đàn đen trắng
Là phím đêm và ngày.
Phím buồn rầu lo lắng,
Phím niềm vui ngất ngây.
Đàn chỉ hai phím ấy,
Đời chỉ vui hoặc buồn
Nhạc và đời do vậy
Đang nằm trong tay con.
Đời cũng như nghệ thuật,
Có dũng cảm, có hèn.
Mọi cái phải dứt khoát
Đừng lẫn lộn trắng đen.
Tay con yếu và ngắn
Mà phím lại quá dài.
Không sao, phải kiên nhẫn,
Phải học vì ngày mai.
Bố ngồi bên, cúi nhặt
Những nốt nhạc vụng về
Con để rơi xuống đất...
Nào, đánh lại bố nghe!
*
Giờ đến thể biến tấu.
Tôi trích luôn mấy bài.
Các bác đọc thì biết,
Không cần giải thích dài.
Hãy để ý vần điệu
Và cách bố trí vần,
Cách lặp đi lặp lại,
Và làm theo thầy Tân.
Quan trọng là phải biết
Lúc nào dùng kiểu gì.
Nội dung và hình thức
Phải hài hòa cực kỳ.
ANH CHỜ EM
Anh chờ em ngoài vườn.
Trời hôm nay không lạnh
Lại đầy sao lấp lánh.
Anh chờ em ngoài vườn.
Gió hình như ngừng thổi
Mà cây cứ xạc xào.
Em không đến, vì sao?
Gió hình như ngừng thổi.
Có ngôi sao đổi ngôi,
Như mũi tên lặng lẽ
Xuyên tim anh nhè nhẹ.
Có ngôi sao đổi ngôi.
Lẽ nào em không đến?
Như anh, bầu trời đêm
Và cỏ cây chờ em.
Lẽ nào em không đến?
CA KHÚC
Anh hái hoa tặng em,
Những bông hoa mới nở.
Chúng run lên vì sợ,
Bó hoa anh tặng em.
Những giọt sương long lanh
Trên hoa như nước mắt.
Có thể hoa khóc thật
Hay chỉ sương long lanh?
Em cầm hoa mỉm cười.
Những bông hoa lộng lẫy
Nhưng em không nhận thấy
Hoa nhìn em, không cười.
Hình như hoa trách anh.
Cũng chẳng sao, có thể
Anh chiều em, cứ để
Hoa giận và trách anh.
CA KHÚC
Trái tim anh mọc cánh
Bay đến tận giường em,
Thành ngọn lửa suốt đêm,
Để em không thấy lạnh.
Như bầy chim, thơ anh
Cánh đủ màu lộng lẫy,
Sẽ hót chào em dậy
Đón buổi sáng trong lành.
Còn anh, như xác chết,
Không tim, không cả thơ.
Anh chờ em, anh chờ
Suốt đêm dài mỏi mệt.
Anh chỉ tiếc là em
Vốn thờ ơ, không biết
Rằng có người đang chết,
Đang chờ em suốt đêm...
CA KHÚC
Một mình, đêm thanh vắng
Anh đợi em lúc này,
Hai tay đầy im lặng
Im lặng đầy hai tay.
Chút hiểu lầm nho nhỏ
Mà em đi khỏi nhà.
Chúng ta tự làm khổ
Ta tự làm khổ ta.
Anh buồn, luôn đi lại,
Chờ mãi không hết đêm.
Nhà vắng em, trống trải
Trống trải vì vắng em.
Gần sáng, ai í ới
Gọi nhau sau bờ tre.
Mong em về, anh đợi,
Anh đợi, mong em về.
Bước ra ngoài, im lặng,
Anh chỉ nhìn thấy ngày,
Chỉ thấy tay đầy nắng,
Thấy nắng đầy hai tay.
*
Vậy là tôi đã dạy
Hết bài học đầu tiên.
Dạy làm thơ năm chữ,
Free, không lấy tiền.
Chỉ yêu cầu người học,
Nếu viết được thơ hay,
Có sử chỉ hào hiệp
Là mua sách thơ thầy.
71
Trẻ con và loài chó
Giống nhau rất nhiều điều.
Hồn nhiên, không thiên vị,
Nghịch ngợm và đáng yêu.
Nhìn vào đôi mắt chó
Hay đôi mắt trẻ con,
Ta thanh lọc ý nghĩ
Và rửa sạch tâm hồn.
Tôi rất yêu con trẻ,
Đặc biệt trẻ lang thang.
Tôi rất yêu loài chó
Đặc biệt là chó hoang.
72
Thơ Haiku Nhật Bản
Tưởng như chẳng nói gì,
Mà nói nhiều, thí dụ
“Tôi vẫn tiếp tục đi -
Hoa huệ - Tiếp tục nở.”
Chỉ thế, chỉ ba câu.
Mà bắt ta vương vấn,
Vương vấn mãi trong đầu.
Ai không thấy vương vấn
Cũng chẳng sao, có điều,
Tôi nghĩ hơi bị thiệt.
Có thể là thiệt nhiều.
73
Đến thăm một người bạn.
Nhà hai phòng, mái bằng,
Xây tốn khoảng trăm triệu,
Mái fibro xi-măng.
Bù lại thì cái bếp
Sáng choang và sạch bong.
Tủ gỗ đẹp, rất mốt,
Tốn ba mươi triệu đồng.
“Bà nhà tôi muốn thế. -
Giải thích ông chủ nhà. -
Bếp là phải trên hết.
Bác lạ gì đàn bà.”
Ừ, quả tôi không lạ.
Phụ nữ đều như nhau.
Hơn phòng khách, phòng ngủ,
Bếp cứ phải sạch làu.
Mụ Vợ tôi ngày trước
Nhà chưa có ti-vi,
Chưa điều hòa, máy giặt,
Nhưng bếp thì cực kỳ.
Biết phụ nữ là thế,
Đừng nên can thiệp nhiều.
Phụ nữ thật kỳ cục,
Cái kỳ cục đáng yêu.
74
Ở đời có những cái
Khỏi phải nói dài dòng,
Khỏi tranh luận sai đúng.
Hoặc chấp nhận, hoặc không.
Có những cái sai trái,
Sửa mãi chẳng ích gì.
Sửa mãi chẳng ích gì.
Hãy thay bằng cái mới.
Không được thì quên đi.
Nhiều cái đề nghị sửa
Đơn giản chỉ câu giờ.
Sửa cái không thể sửa
Là việc làm ngây thơ.
75
Cuộc đời ta, đơn giản,
Như chiếc đàn dương cầm.
Biết chơi sẽ thành nhạc.
Không biết sẽ lặng câm.
Chiếc đàn ấy phức tạp,
Có nốt vui, nốt buồn,
Có nốt cao, nốt thấp -
Một thế giới tâm hồn.
Tùy ta, thế giới ấy
Sẽ rực rỡ đầy hoa,
Hay chỉ một xác chết
Nằm im trong góc nhà.
76
Thế giới này lớn lắm,
Bảy tỉ người trên đời.
Không lẽ anh chấp nhận
Ai đó, chỉ một người,
Được phép bắt anh khổ,
Thất vọng và chán đời?
Không! Ai đó chỉ một
Trong bảy tỉ con người.
77
Ta là người, hẳn thế,
Homo Sapiens,
Thế mà ta chấp nhận
Thành cừu trắng, cừu đen.
Vì lười nghĩ, hành động,
Vì hèn nhát, vì ngoan,
Chính chúng ta tự nguyện
Thành cừu, thành bầy đàn.
78
Nụ cười xinh đẹp nhất
Thực ra là nụ cười
Qua dàn dụa nước mắt
Và sóng gió cuộc đời.
Hạnh phúc lớn lao nhất
Là hạnh phúc khi ta
Đưa con thuyền vượt bão
Bình yên cập bến nhà.
79
Có nhiều điều nhỏ nhặt,
Nhỏ đến mức buồn cười,
Ta nhận từ ai đó,
Đi theo ta suốt đời.
Hạnh phúc không nhất thiết
Phải cái gì lớn lao.
Nhiều khi ta hạnh phúc
Đơn giản vì được chào.
Thực sự tốt, vĩ đại
Là ai sống ở đời
Mang niềm vui nhỏ bé
Phân phát cho mọi người.
80
Ai đấy sống đơn độc,
Chưa hẳn là cô đơn.
Có thể vì người ấy
Thích sống cách này hơn.
Cũng có thể người ấy
Đủ mạnh và thông minh
Để giải quyết ổn thỏa
Các khó khăn của mình.
81
Nếu chịu khó học hỏi
Và phục thiện, thì anh
Sẽ học được nhiều cái
Từ nhiều người xung quanh.
Đứa trẻ dạy anh biết
Thế nào là hồn nhiên.
Bác đại gia có thể
Gợi ý cách kiếm tiền.
Đêm khuya, tiếng ai khóc
Dạy anh biết đau buồn.
Dạy anh biết mơ mộng
Là ráng chiều hoàng hôn.
Lặng lẽ anh cứ học.
Học những điều tốt lành.
Anh học những người khác,
Nhưng anh vẫn là anh.
82
Đừng hỏi sao người khác
Cứ thích làm bạn đau.
Hãy hỏi sao bạn để
Người khác làm bạn đau.
83
Những cái mà dễ đến
Thường không ở lâu dài.
Những cái ở lâu dài
Lại thường không dễ đến.
84
Đừng làm khổ mình nữa,
Vì luôn có nhiều người
Muốn làm anh đau khổ.
Hãy cố mà mỉm cười.
Đã sao, trong cuộc sống
Anh nhầm nhỡ đôi lần?
Cả cái nhầm nhỡ ấy
Có thể anh cũng cần.
85
Hôm qua thuộc quá khứ.
Cái gọi là ngày mai
Có thể sẽ không đến.
Đừng chờ, đừng thở dài.
Hãy nhớ lời Phật dạy.
Ngài đã dạy thế này:
Ở đời, đáng sống nhất
Chính là ngày hôm nay.
86
Bạn buồn vì thất vọng?
Đừng trách ai ngoài mình,
Vì bạn đã vô tình
Đặt quá nhiều hy vọng.
87
Không làm được gì đấy,
Người giỏi và thông minh
Luôn dễ dàng thừa nhận
Sự yếu kém của mình.
Ngược lại, người ngu dốt
Hay khả năng vừa vừa
Là nhất định tìm cách
Bào chữa hay đổ thừa.
88
Alexandre Đại đế
Vào giờ phút lâm chung,
Theo sử sách ghi lại,
Nói câu này cuối cùng:
“Ta chết, hãy đốt xác.
Lăng tẩm không cần xây.
Khi quàn ta, nhất thiết
Phải để lộ hai tay,
Để mọi người nhìn thấy,
Giờ phút ta ra đi.
Chinh phục toàn thế giới,
Chết, không mang theo gì.”
89
Oai thì có oai thật
Cái con Lạc cháu Rồng,
Bốn nghìn năm văn hiến,
Cái khí phách cha ông.
Nhưng nghe mãi cũng mệt.
Thậm chí đau cả đầu.
Tôi đang ngồi tự hỏi
Lạ nhỉ, sao lại đau?
Cũng chẳng vui đất nước
Có quá nhiều anh hùng.
Lại thẩn thờ tự hỏi,
Mình khùng hay ai khùng?
PS
Đêm mất ngủ, sáng dậy
Ra phố hít khí trời.
Thế mà phải quay lại,
Thật chán cái mớ đời.
Con phố mấy trăm mét
Vốn hiền hòa thân thương,
Thế mà bị ai đó
Cắm pa-nô đầy đường.
Khoảng hai, ba chục cái.
Đỏ rực và to đùng
Khoe nhà nước phong tặng
Vietinbank Anh hùng!
Vietinbank lãi lỗ
Tôi chưa biết thế nào,
Nhưng chiếm cả con phố
Là coi thường đồng bào.
Lại về, đóng chặt cữa,
Buồn và mệt rã rời.
Các bác đọc, buồn một.
Tôi, tác giả, buồn mười.
90
Không ai hoàn toàn tốt.
Không ai xấu hoàn toàn.
Mọi cái chỉ tương đối.
Cái ấy khỏi phải bàn.
Thế mà có nhiều bác
Thuộc “lề trái”, “lề dân”,
Thấy chính phủ là chửi,
Sai đúng cũng bất cần.
Đến mức họ không thể
Bình tĩnh và tự nhiên
Nói về điều gì khác
Ngoài cái “lề” kể trên.
Có thể “chửi” là đúng,
Nhưng cũng nên lựa lời.
Đấy là chưa nói chuyện
Ngẫm mình khi trách người.
Cứ công bằng mà nói,
Giờ ta sướng hơn nhiều.
Ấy là nhờ đổi mới,
Chứ không như anh Triều.
Nếu nhà nước không đổi,
Ai làm gì được ai?
Chắc chắn ta, dân Việt,
Vẫn còn khổ dài dài.
Đành rằng cái đổi ấy
Hợp lý và tự nhiên,
Lý do chưa cần nói,
Nhưng khen thì nên khen.
*
Phật nói: “Các định kiến
Có thể ám ảnh mình.
Cẩn thận, kẻo vì nó
Ta thành người vô minh.”
91
Thường cái đau đớn nhất
Bạn phải chịu ở đời
Giúp ta thêm nghị lực
Để vươn lên thành người.
Đúng, nhưng nghe nhàm chán.
Và vì nhàm, chúng ta
Không hiểu hết cái giá
Những gì đang xẩy ra.
Từ đó ta thất vọng,
Ủ ê và nản lòng.
Ta ngắm cầu vồng đẹp,
Quên trời phải có giông.
92
Một viện nghiên cứu lớn,
Mười ban, một trăm người,
Làm việc không hiệu quả
Bằng một nhóm mười người.
Cái nhóm mười người ấy,
Dẫu toàn các chuyên gia,
Làm việc không hiểu quả
Bằng một người ở nhà.
Một người ở nhà ấy,
Có trình độ, nhiệt tình,
Cuối cùng có thể có
Đồ sộ một công trình.
Công trình một người ấy
Hơn công trình mười người,
Hơn cả viện nghiên cứu
Mười ban, một trăm người.
Hơn thế, ông nhà nước
Không mất một đồng nào
Cho cái công trình ấy.
Còn viện thì, ôi dào…
Ấy là tôi chỉ nói
Về hiện tình nước ta.
Có thể sai hoặc đúng.
Mời các bác kiểm tra.
93
Không cẩn phải nói dối
Với chính bản thân mình.
Ở đời này ít lắm
Người nói thật với anh.
94
Tuyệt đối không nói dối,
Cả khi chỉ vui cười.
Nói dối là căn bệnh
Dễ lây và chết người.
Anh nói dối điều nhỏ
Thì chắc chắn sau này
Sẽ nói dối điều lớn
Mà tự mình không hay.
Nguy hiểm hơn, anh nghĩ
Nói dối cũng bình thường.
Trong khi kẻ nói dối
Là ti tiện, đáng thương.
95
Anh có thể bỏ nhỡ
Một bữa ăn trong ngày.
Nhưng đừng nên bỏ nhỡ
Đọc một cuốn sách hay.
Vì bữa ăn, đơn giản,
Giúp ta no tạm thời.
Cuốn sách hay, ý nghĩa
Giúp ta no cả đời.
96
Đêm qua, thiu thiu ngủ,
Nghĩ được bài thơ hay.
Lười, không dậy gõ phím.
Sáng dậy bài thơ này
Tự nhiên biến đâu mất.
Tìm, bới mãi trong đầu.
Tìm ngang rồi tìm dọc,
Mà chẳng thấy nó đâu.
Rồi chán, không buồn viết,
Ngồi đuỗn mặt, thẫn thờ.
Tiếc giờ già lẩm cẩm.
Cũng tiếc cả bài thơ.
97
Cái gì cũng có giá.
Chưa từng bị đánh đau,
Anh khó thành dũng cảm,
Thậm chí chỉ trong đầu.
Không thể có kinh nghiệm
Nếu chưa mắc sai lầm.
Không học nghe, học nói
Anh mãi là người câm.
Anh nói anh muốn thắng,
Chỉ có thắng, không thua?
Có thể anh nghiêm túc,
Tôi thì nghĩ anh đùa.
98
Đời như chiếc máy giặt -
Quay, vò, vắt chúng ta.
Đau lắm, nhưng sau đó,
Ta sạch hơn khi ra.
99
Đừng phụ thuộc nhiều quá
Vào một ai ở đời.
Cả chiếc bóng anh có
Bỏ anh khi tối trời.
100
Thường thì một đứa trẻ
Phải mất khoảng vài năm
Để tập nói, tuy vậy,
Vẫn nói ngọng, nói nhầm.
Về sau, đứa trẻ ấy
Phải mất cả cuộc đời
Chỉ để tập im lặng
Khi giao tiếp với người.
PHẦN HAI
101
Suy cho cùng, mỹ phẩm
Không làm anh đẹp hơn.
Cả tiền bạc cũng thế,
Không làm anh giàu hơn.
Vì cái giàu, cái đẹp
Chỉ phụ thuộc vào anh.
Chính xác hơn, vào cách
Anh tự đánh giá mình.
103
Ta có hai phương tiện
Để thành đạt trong đời.
Đó là biết im lặng.
Thứ hai là biết cười.
Nụ cười luôn là cái
Giúp chúng ta thành công.
Sự im lặng giúp tránh
Nhiều chuyện rất phiền lòng.
104
Mạnh mẽ không nhất thiết
Là cứ phải đánh nhau,
Mà ở chỗ không chấp,
Bỏ đi, ngẩng cao đầu.
105
Hãy sống vì những cái
Tương Lai mang cho ta.
Đừng sống vì những cái
Thuộc Quá Khứ đã qua.
Làm sao anh có thể
Bay cao lên trời xanh
Khi một hòn đá nặng
Đang trói buộc chân anh?
106
Thấy, người nào cũng thấy
Cái bề ngoài của anh.
Hiểu, ít ai hiểu được
Cái bên trong của anh.
Phán, cứ để họ phán.
Quan tâm làm đếch gì.
Sủa, mặc chó cứ sủa.
Đi, lạc đà cứ đi.
107
Khi bạn yêu ai đấy
Mà họ không yêu mình,
Thì quên đi cho khỏe.
Đấy không phải là tình,
Mà là sự ngu ngốc,
Đại khái kiểu thế này:
Bạn chờ tàu thủy đến
Mà ngồi ở sân bay.
108
Lười, mời anh cứ đọc
Loại sách báo ba xu.
Anh có thể thấy thích,
Nhưng suốt đời vẫn ngu.
Muốn trở thành thông thái,
Phải đọc Kant, Platông.
Hay thì đúng hay thật,
Nhưng rối rắm, dài dòng.
Kết hợp hai cái ấy,
Vừa vui, vừa dạy khôn,
Tốt nhất tìm Ông Béo
Mà đọc thơ châm ngôn.
109
Người bạn mà đích thực,
Không vụ lợi, chân thành,
Khi anh gặp tai họa,
Sẽ có mặt bên anh.
Bạn giả dối thường đến
Tìm gặp anh, tuy nhiên,
Chỉ nhờ vả, xin xỏ,
Hoặc tìm cách vay tiền.
Hoặc tìm cách vay tiền.
Vậy là không khó biết
Ai là bạn thực lòng.
Ai là phường xôi thịt,
Chí ít để đề phòng.
110
Anh muốn tình yêu đẹp
Và lãng mạn, ly kỳ?
Thế thì đêm chịu khó
Thức mà xem ti-vi.
Anh muốn có biệt thự,
Sống hệt như người giàu?
Lên ti-vi mà sống.
Ngoài đời không có đâu.
Đời là thế, muốn sướng,
Anh hỏi phải làm gì?
Hãy sống như anh có.
Tắt mẹ thắng ti-vi!
111
Lớn không phải to xác,
Mà là đủ trưởng thành
Để không chơi, không bạn
Với mấy thằng trẻ ranh.
112
Đột nhiên, chồng thương vợ
Đang hý húi nấu ăn,
Muốn ôm hôn âu yếm,
Thế mà cứ ngại ngần.
Muốn nói câu gì đó
Thật dịu dàng, thật hay.
Lần nữa lại ngần ngại
Vì sợ giống thằng Tây.
Thế đấy, ta là thế,
Các ông chồng Việt Nam,
Cái việc đáng làm nhất
Cuối cùng lại không làm.
113
Đã chơi, chơi cho đã.
Đã làm thì không chơi.
Cố mà làm cho tốt.
Không vừa làm vừa chơi.
Tương tự, yêu ai đó,
Phải chân thành, mê say.
Chứ đừng được khôn lõi,
Trông núi nọ, núi này.
114
Cái việc anh lấy vợ
Giống như tìm việc làm.
Phải cố gắng, vất vả
Mới được nhận vào làm.
Để giữ việc làm ấy
Còn vất vả hơn nhiều.
Anh không muốn cố gắng,
Mà đòi giữ tình yêu?
115
Người xưa, trọng liêm sỉ.
Vì một câu nặng lời,
Có thể thách đấu kiếm,
Hay tự tử như chơi.
Người nay đếch thèm biết
Cái liêm sỉ là gì.
Bị chửi thẳng vào mặt,
Vẫn trơ cái mặt lì.
Có ông quan, to lắm,
Dân chửi, gọi là thằng,
Coi như không thèm biết,
Mặt giá lạnh như băng.
Có ông nhà văn nhớn
Đạo văn, bắt quả tang,
Thế mà vẫn cứ nhớn,
Chém gió hoành tá tràng.
Ừ nhỉ, sao thế nhỉ.
Thật lạ cho người nay.
Hay xã hội suy thoái
Nên đạo đức thế này?
116
Sau cái hôn, anh nói
“Anh yêu em”, tức là
Anh có một lời hứa
Nghiêm túc với người ta.
Và anh phải giữ nó,
Bằng việc làm, suốt đời.
Hứa là việc quan trọng,
Chứ không phải trò chơi.
117
Thường ở đời ta làm
Những cái cần phải làm,
Chứ không phải ngược lại,
Những cái ta thích làm.
118
Xưa, in một cuốn sách,
Đặc biệt là sách thơ,
Phải được nhà nước xét,
Và tất nhiên phải chờ.
Có khi chờ lâu lắm,
Hết mất nửa đời người.
Nhưng sách được xuất bản,
Sẽ “vang bóng một thời”.
Nay nhờ thằng cơ chế,
Cứ có tiền là in.
Nên sách thơ nhiều lắm,
Nhiều đến mức khó tin.
Thơ nhà thơ chuyên nghiệp.
Thơ nhà thơ nửa mùa.
Thơ các cụ phụ lão.
Thơ Phật tử đền chùa.
Nhưng có lẽ nhiều nhất
Là thơ quan lắm tiền,
Về hưu, chợt rửng mỡ,
In những mấy tập liền.
Rồi họ mở chiến dịch
Nhờ các bạn quen thân
Giới thiệu thơ họ viết,
Kết nạp Hội Nhà văn.
Nói chung, xôm trò lắm.
Đâu cũng thấy nhà thơ.
Không ít “nhà thơ trẻ”
Mà đầu tóc bạc phơ.
Suy cho cùng điều ấy
Cũng chẳng sao, có điều
Đài báo lăng xê họ,
Chắc được tiền, được nhiều.
Rồi giao lưu, hội thảo,
Rồi giải nọ giải này.
Thành ra loạn xị ngậu
Cái nền thơ ngày nay.
Tôi, không vì khiêm tốn,
Thật sự chẳng bao giờ
Khoe mình có thơ viết,
Hay nhận mình nhà thơ.
Trong Hội, tôi dám chắc
Tất cả nghĩ rằng tôi
Chỉ là anh thợ dịch,
Nghe nói, dịch không tồi.
Thành thật khuyên các bác
Thích thì viết thơ chơi.
Thích nữa, in cũng được,
Đừng khoe, người ta cười.
119
Kẻ bất lương, tù tội,
Giết người không ghê tay,
Ra tù, được nhà nước
Tạo việc làm, cho vay.
Còn hàng xóm của họ,
Người lương thiện, thương nhân,
Không được nhà nước giúp,
Còn chặn đường làm ăn.
Những người luôn chính xác
Trong giờ giấc, vô tình
Chỉ một lần đi muộn
Là đã bị phê bình.
Còn người suốt đời muộn,
Một lần, do tình cờ
Đi đâu đấy không muộn,
Thì được khen đúng giờ.
Cuộc đời luôn vẫn vậy.
Mà không chỉ ở ta.
Luôn có điều khập khễnh,
Không thật dễ nói ra.
Đại khái, kiểu nhà nước
Chi tiền, không ít đâu,
Cứu con vật quí hiếm
Đâu đó trong rừng sâu.
Nhưng cũng trong rừng ấy
Có nhiều trẻ đói ăn
Không được ai giúp đỡ,
Trí, lực đang kiệt dần.
Vâng, nói gì thì nói,
Việc con người, dẫu sao,
Yêu thú hơn đồng loại
Là chẳng hay chút nào.
120
Nhiều nhà văn, thật lạ,
Tác phẩm chẳng thấy đâu,
Chỉ thấy hoặc chém gió,
Hoặc viết bài chửi nhau.
Mà chửi cái vớ vẩn,
Kiểu hàng mắm, hàng tôm.
Chuyện bé như hạt đỗ
Mà cũng làm om sòm.
Lại nữa, không viết được,
Họ bảo không do mình,
Mà do thiếu dân chủ,
Tự do và văn minh.
Họ trách đời, ấm ức
Mình là bậc thiên tài,
Đời không hiểu, hơn thế,
Họ không thèm đọc ai.
Thật đấy, tôi thấy lạ,
Chỉ còn biết thở dài.
Nhà văn mà không viết,
Chẳng qua do bất tài.
121
Không thể bằng tiết kiệm
Mà ta trở thành giàu.
Không thể giúp người đói
Bằng cách diệt người giàu.
Người lao động lương thấp,
Không thể giúp anh ta
Bằng cách bắt ông chủ
Tăng gấp đôi, gấp ba.
Không thể giúp người yếu
Chỉ bằng cách giản đơn
Bắt những người mạnh mẽ
Phải trở thành yếu hơn.
Không thể giúp ai đó
Có bản lĩnh, thành người
Bằng cách chỉ giáo huấn,
Trói buộc họ suốt đời.
Càng không thể yên ổn
Sống hạnh phúc, thanh bình
Bằng cách tiêu quá mức,
Vượt khả năng của mình.
*
Đó là mấy nhận xét
Của William Boetcker.
Thấy hay và chí lý
Thì tôi chuyển thành thơ.
122
Không nhớ, không tôn trọng
Quá khứ buồn trước đây.
Trong tương lai, sớm muộn,
Ta gặp quá khứ này.
123
Một việc tưởng rất nhỏ,
Ấy là tiếng vỗ tay.
Vỗ tay chẳng gì xấu,
Nhưng tôi thấy thế này.
Ở đâu mà tất cả
Cùng vỗ tay hoan hô,
Thì ở đấy phần lớn
Con người mất tự do.
Tự nhiên tôi thấy sợ
Cái cảnh cả đám đông
Đứng vỗ tay không dứt.
Các bác có sợ không?
124
Một chính trị gia nọ,
Chẳng nêu tên làm gì,
Nói: “Tôi ghét công chúng.
Công chúng biết đếch gì.”
Thế thì cũng hơi hỗn.
Còn tôi, nói thực lòng.
Tôi chẳng quan tâm mấy
Ý kiến của đám đông.
Tôi chỉ chịu trách nhiệm
Cái mình viết với đời.
Tôi không chịu trách nhiệm
Cách hiểu của mọi người.
125
Chuyện này là có thật,
Rằng ông Ỉn Triều Tiên,
Khi chết, dân phải khóc
Ròng rã mấy ngày liền.
Ai hỗn láo không khóc,
Hoặc khóc vờ, công an
Sẽ bắt đi cải tạo
Thì coi như đời tàn.
Chuyện này chưa chắc lắm -
Ở Bắc Triều, người ta
Vì yêu quí lãnh tụ
Mà treo ảnh đầy nhà.
Còn chuyện này giả dối,
Nhảm nhí và buồn cười,
Rằng nước cộng sản ấy
Là thiên đường loài người.
Tôi đã đến nước ấy,
Thiên đường của bác Triều.
Thiên đường đâu không thấy,
Chỉ toàn thấy cái nghèo.
126
Phật dạy, muốn theo Phật,
Phải làm lễ quy y
Tức quy y Tam Bảo,
Nương tựa cửa Từ Bi.
Thứ nhất là Phật Bảo:
Yêu tin Phật thực lòng.
Phật là đức cứu độ,
Với tình yêu mênh mông.
Nó là Tuệ Cụ Túc,
Tức có được Niềm Tin
Vào con đường đã chọn
Để Nghe, Ngẫm và Nhìn.
Thứ hai là Pháp Bảo,
Tức Giáo Lý của ngài,
Theo đó, phải diệt dục
Để thoát khổ trần ai.
Nó là Tín Cụ Túc,
Niềm Tin để mọi người
Chăm chân tu, hành đạo
Cứu mình và cứu đời.
Thứ ba là Tăng Bảo.
Tăng là các nhà sư
Giúp ta đến với Phật
Khoan dung và nhân từ.
Nó là Thí Cụ Túc:
Các nhà sư giúp ta,
Ta phải nuôi nấng họ.
Mối quan hệ hài hòa.
Ba Cụ Túc đã nói
Cùng Cụ Túc thứ tư
Thành Tứ Bất Hoại Tín
Của Đạo Phật nhân từ.
Đó là Giới Cụ Túc,
Tức là Năm Điều Răn
Mà chúng ta phải tránh
Khi sống ở đời trần.
Không vi phạm Năm Giới:
Một, không được Sát Sinh.
Hai, không được Trộm Cắp,
Lấy cái không của mình.
Ba, liên quan sắc dục,
Quyết không được Dâm Tà.
Bốn, không được Nói Dối,
Nói dối là xấu xa.
Năm, không được Uống Rượu.
Rượu làm mất thông minh,
Làm tổn hại sức khỏe
Và tan nát gia đình.
Giữ được Năm Giới ấy,
Ta sẽ sống thảnh thơi,
Yên tâm với hậu kiếp,
Không phạm tội ở đời.
Cuộc sống là giấc ngủ,
Mọi cái đều đổi thay.
Chỉ Tam Bảo, Ngũ Giới
Bất biến ở đời này.
127
Mười bốn điều răn của Phật
Kẻ thù nguy hiểm nhất
Của mình là chính mình.
Sai lầm to lớn nhất
Là tự đánh mất mình.
Cái ngu dốt lớn nhất
Là dối lừa, ba hoa.
Tội lỗi to lớn nhất -
Bất hiếu với mẹ cha.
Lễ dâng tặng lớn nhất
Là khoan dung với người.
Niềm an ủi lớn nhất
Là bố thí cho đời.
Sự khâm phục lớn nhất -
Ngã, đứng dậy rồi đi.
Điều đáng thương hại nhất
Là khi anh tự ti.
Tài sản đáng giá nhất -
Sức khỏe và thông minh.
Món nợ khó trả nhất -
Chưa ăn ở có tình.
Điều đáng khinh bỉ nhất
Là tự cao, khinh đời.
Cái buồn đáng buồn nhất
Là ghen tị với người.
Sai lầm to lớn nhất
Là thất vọng, ê chề.
Còn khiếm khuyết lớn nhất
Là ngu dốt, u mê.
128
Trong Tứ Thư, Khổng Tử
Có nhiều ý thâm, hay.
Xin mạn phép trích dẫn
Một vài ý sau đây.
*
Vật hữu bổn, mạt.
Sự hữu chung, thủy.
Tri sở tiên, hậu.
Tắc cận đạo hỹ.
Việc có sau, trước.
Vật có đầu, đuôi.
Ai làm theo luật ấy
Rồi sẽ được thành người.
*
Thanh, tư trạc anh.
Trược, tư trạc túc.
Nước trong giặt mũ.
Đục - rửa chân tay.
Dùng người cũng vậy,
Nên nhớ điều này.
*
Tiên hành kỳ ngôn.
Nhi hậu tùng chi.
Khuyên ai làm gì,
Tự mình làm trước.
*
Bất thiên chi vị trung.
Bất dịch chi vị dung.
Cố định, không thiên lệch,
Đó là thuyết trung dung.
Trong thuyết giáo Khổng Tử
Quan trọng nhất thuyết này.
Nó giúp ta kiềm chế,
Tĩnh tâm, giữ lòng ngay.
*
Thượng bất oán thiên.
Hạ bất vưu nhân.
Trên không trách trời.
Dưới không phiền người.
*
Kinh Thi ba trăm thiên,
Chỉ một câu gói trọn:
Phải luôn giữ lòng mình
Không ác tà, khiêm tốn.
*
Bất hoạn vô vi.
Hoạn sở dĩ lập.
Bất hoạn mạc kỷ tri,
Cầu vi khả tri giã.
Đừng lo không được dụng.
Chỉ sợ mình bất tài.
Không sợ người không biết.
Sợ mình không bằng ai.
*
Quân tử chi ư thiên hạ giã,
Vô thích, vô mịch giã
Nghĩa chi dữ tỷ.
Quân tử làm việc nghĩa
Bất kể thích hay không,
Miễn, có lợi cho nước.
Miễn, hợp ý, hợp lòng.
*
Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỹ nhân.
Ai nói lời hoa mỹ,
Xăng xái, dáng ân cần,
Luôn bảnh bao, kiểu cách,
Người ấy kém lòng nhân.
*
Trí giả nhạo thủy.
Nhân giả nhạo sơn.
Người trí thích nước.
Người nhân - núi non.
Trí giả động,
Nhân giả tĩnh.
Người trí ưa động.
Ưa tĩnh - người nhân.
Cả hai người ấy
Vì nước, vì dân.
*
Trung Dung chi vi đức giã,
Kỳ chí hỹ hồ.
Dân tiển cửu hỹ.
Trung Dung là tuyệt đỉnh
Các đức hạnh xưa nay.
Tiếc chưa ai có thể
Lên tới đỉnh thuyết này.
*
Quân sử thần dĩ lễ
Thần sự quân dĩ trung.
Vua với tôi - đúng phép.
Tôi với vua - hết lòng.
*
Nhân viễn hồ tai?
Ngã dục nhân, tư nhân chí hỹ.
Điều nhân không đâu xa.
Nó ở ngay trong ta.
Nếu ta muốn điều ấy,
Tự khắc sẽ nghĩ ra.
*
Dụng chi tắc hành.
Xả chi tắc tàng.
Được dùng, ra làm quan.
Không dùng, về ở ẩn.
*
Tử sinh hữu mệnh.
Phú quí tại thiên.
Sống chết có số.
Giàu sang do trời.
*
Sĩ nhi hoài cư
Bất túc dĩ vi sĩ hỹ.
Kẻ sĩ chỉ lo ăn,
Không đáng gọi kẻ sĩ.
*
Tính tương cận giã.
Tập tương viễn giã.
Ai cũng tốt lúc đầu,
Sau tính mới khác nhau.
Sau tính mới khác nhau.
*
Niên tứ thập nhi kiến ố yên,
Kỳ chung giã dĩ.
Ai đã bốn mươi tuổi
Mà còn chưa thành người,
Thì khó lòng thay đổi
Và vẫn thế suốt đời.
*
Duy nữ tử dữ tiểu nhân
Vi nan dưỡng giã.
Cận chi tắc bất tốn,
Viễn chi, tắc oán.
Con hầu và thằng ở
Là hai loại khó chiều:
Thân mật, chúng thành láo.
Nghiêm minh, chúng lại kêu.
129
Mạnh Tử cũng đã nói
Rất nhiều câu thâm, hay
Trong cuốn Tứ Thư ấy.
Xin phép trích ra đây.
*
Phù, nhân tất tự vũ.
Nhiên hậu nhân vũ chi.
Anh tự khinh mình trước.
Nay đời khinh, kêu gì?
*
Nhân chi loạn
Tại háo vi nhân sư.
Đời vẫn thế: thằng dốt
Lại cứ thích làm thầy
Gây nên bao tai họa
Cho mọi người xưa nay.
*
Bất hiếu dĩ tam.
Vô hậu vi đại.
Có ba điều bất hiếu:
Hư, làm bố mẹ buồn.
Không phụng dưỡng bố mẹ.
Không lấy vợ sinh con.
Ba điều bất hiếu ấy,
Lớn nhất điều thứ ba -
Không để lại con cháu
Mong nối dõi ông bà.
*
Vô tội nhi sát sĩ,
Tắc đại phu khả dĩ khứ.
Vô tội nhi lục dân,
Tắc sĩ khả dĩ nhĩ.
Vua giết dân vô tội,
Người có học bỏ đi.
Vua giết người có học,
Coi như chẳng còn gì.
*
Quân nghĩa, mạc bất nghĩa.
Quân nhân, mạc bất nhân.
Vua có tình, có đức,
Dân noi theo, tốt dần.
*
Hữu bất ngu chi dự.
Hữu cầu toàn chi hủy.
Thằng ngu lười, được khen.
Người tốt làm, bị trách.
*
Nhân hữu bất vi giã,
Nhi hậu khả dĩ hữu vi.
Trước hết cần phải biết
Việc nào không được làm.
Rồi sau mới xem xét
Việc nào mình phải làm.
*
Ngôn vô thật bất tường.
Bất tường chi thật,
Tế hiền giả đương chi.
Nói không thật có hại.
Nhưng hại nhất là người
Dùng lời nói không thật
Để để mưu toan hại đời.
*
Nhân nhân chi an trạch giã.
Nghĩa, nhân chi chính lộ.
Nhân - làm yên lòng người.
Đức - đường lớn của đời.
*
Mạc phi mệnh giã.
Thuận thọ kỳ chính.
Mệnh Trời đã định sẵn.
Liệu bề mà chấp nhận.
*
Trí giả vô bất tri giả,
Đương vụ chi vi cấp.
Nhân giả vô bất ái giả,
Cấp thân hiền chi vi vụ.
Người trí phải biết hết,
Nhất là việc đang cần,
Người nhân phải yêu hết,
Nhất là những người thân.
*
Dân vi quí.
Xã tắc thứ chi.
Quân vi khinh.
Trong nước, dân quí nhất.
Xã tắc đứng sau dân.
Rồi sau đó mới đến
Vua và các đại thần.
130
Nghèo không phải tội lỗi,
Ít học, càng không luôn.
Nhưng quan chức ít học
Và nghèo thì thật buồn.
Vì ít học thì dốt.
Nghèo sẽ tìm cách giàu.
Quan chức mà như thế,
Đất nước sẽ về đâu?
132
George Washington nói
Một câu này, rất hay:
Không thể trả nợ cũ
Bằng cách lại đi vay.
No comments:
Post a Comment