Tuesday, March 3, 2015

CHÂM NGÔN TẬP BA (LẠI CHÂM NGÔN) - 2



133
Ta ngại nghe sự thật,
Dù đúng và thông minh,
Vì muốn tiếp tục sống
Trong ảo tượng của mình.

Nietzsche đã nói như vậy.
Các bác thấy đúng không?
Tôi nghĩ đúng cả việc
Sự thật làm đau lòng.

134
Tặng Nguyễn Thơm

Vui, vì có tin nhắn
Của một cô học trò.
“Chúng em đang leo núi,
Dù trời rét, mưa to.”

“Leo núi nào? - tôi hỏi.”
“Phăng-xi-phăng mù sương.
Ba nghìn một trăm mét.
Mái nhà của Đông Dương!”

Chỉ chữ, không có tiếng,
Thế mà tôi vẫn nghe
Giọng cô vui, phấn khích
Và tự hào tràn trề.

Định bảo, ừ, cẩn thận
Kẻo trượt ngã thì gay,
Nhưng rồi chợt chững lại:
“Lẩn thẩn cái ông này.

Lớp trẻ đang leo núi
Giữa cái lạnh Sapa
Để khẳng định bản lĩnh,
Thế mà ông bàn ra.”

Đúng, hoan hô lớp trẻ.
Hãy chinh phục độ cao.
Để từ độ cao ấy
Ngẩng cao đầu tự hào.

Đất nước ta đang thấp,
Cần có người nâng lên.
Không thể để đất nước
Mãi cúi đầu thấp hèn.

Mặc kệ đám người lớn,
Nhút nhát và quá khôn,
Răn đe hay khuyên nhủ,
Dũng cảm leo lên con!

135
William Penn viết:
“Cái gì sai vẫn sai,
Dù tất cả bảo đúng.
Tất cả, không trừ ai.

Ngược lại, cái gì đúng
Thì vẫn đúng ở đời,
Dù tất cả phủ nhận.
Vâng, tất cả mọi người.”

136
“Những người tốt im lặng
Là tất cả những gì
Bọn cường quyền cần có
Để tiếp tục duy trì.”

Jefferson nói thế
Đã hơn hai trăm năm.
Hai trăm năm lịch sử,
Chưa trường hợp nào nhầm.

137
George Washington nói:
“Khi đất nước rối ren,
Có hai cách giải quyết -
Đàn áp và in tiền.”

John Adams thì nói:
“Muốn khuất phục người nào,
Hãy cho hắn vay nợ,
Hoặc dùng súng, dùng dao.”

138
Tự nhiên thương cháu Chip
Khi nghe đài đưa tin
Các doanh nghiệp nhà nước
Nợ tỉ tỉ, nghìn nghìn.

Hai tuổi, cháu không biết,
Rằng chính phủ của ông
Đã bắt cháu phải gánh
Cả một núi nợ công.

Ừ, ông thương cháu lắm,
Nhưng chẳng biết làm gì,
Ngoài việc xin lỗi cháu.
Tha hay không thì tùy.

139
Chỉ vì một vết xước
Do mèo cào, một người
Đã thẳng tay ném nó
Từ tầng thứ hai mươi.

Ông hàng xóm kể thế,
Chuyện thật ở Xa La.
Tự nhiên chẳng buồn viết.
Tự nhiên lòng xót xa.

Trời không rét mà rét.
Hết đi ra ban công,
Lại quay vào bàn viết.
Tự nhiên đi lòng khòng.

Chỉ vì một vết xước
Do mèo cào, có người
Đã thẳng tay ném nó
Từ tầng thứ hai mươi.

140
“Không quan tâm chính trị.”
Anh tuyên bố chân thành.
Nhưng chính trị, rất tiếc,
Luôn quan tâm đến anh.

Chính trị là thực tế,
Là cuộc sống, là đời.
Anh không quan tâm nó
Thì kể cũng buồn cười.

Xin phép được nói thật,
Dẫu anh nói chân thành,
Tôi thấy có gì đó
Hơi hèn hèn trong anh.

141
Charlie Chaplin nói:
“Sống ở đời, người ta
Chỉ mong có quyền lực
Để làm điều xấu xa.

Bình thường, người lương thiện
Đòi hỏi quả không nhiều.
Để làm được mọi chuyện,
Họ chỉ cần tình yêu.”

“Ở đời này tội lỗi
Không có gì bền lâu.
Thậm chí cả đau khổ
Không kéo dài lắm đâu.”

Chaplin còn nói thế
Để tự an ủi mình,
An ủi cả ta nữa.
Xin phép miễn lời bình.

142
Các chuẩn mực đạo đức
Luôn thay đổi, dần dần.
Cùng thay đổi với nó
Là các mốt áo quần.

Thậm chí ở nước Mỹ,
Năm Một Chín Bốn Ba,
Nhiều nơi có biển nhắc
Phụ nữ ra khỏi nhà

Chỉ được phép mặc váy,
Tuyệt đối không mặc quần.
Không được đi xe đạp,
Không được để vai trần.

Ở Triều Tiên, phụ nữ
Không được mặc quần bò.
Phụ nữ Hồi nhiều nước
Không được lái ô tô.

Còn phụ nữ Trung Quốc
Dưới thời Mao Trạch Đông,
Ai mông to, vú nở
Là tư sản chính tông.

Tức là loài ăn bám,
Là phản động cực kỳ
Nên thời ấy phụ nữ,
Ai ngực cũng phẳng lì…

Những qui định kỳ quặc,
Buồn cười và đau lòng.
Ai đã nghĩ ra chúng?
Đàn ông, bọn đàn ông.

143
Golda Meir, thủ tướng
Nước Do Thái ngày nay,
Khi tiếp một vị khách,
Bà đã nói thế này.

“Ông khỏi phải khiêm tốn.
Xin mời ông cứ ngồi.
Ông chưa đủ vĩ đại
Để khiêm tốn với tôi.”

144
Sống ở đời, tất cả,
Ai cũng phạm sai lầm.
Điều ấy không có nghĩa
Phải trả giá nhiều năm.

Đôi khi cả người tốt
Cũng làm việc không hay.
Điều ấy không có nghĩa
Là xấu, những người này.

Sống là phải hành động.
Đừng lo bị chê cười.
Ta vấp ngã, đơn giản
Vì ta chỉ là người.

145
Đừng để phí tuổi trẻ,
Hãy mơ ước viễn vông.
Đừng sợ ai cười bạn
Nhìn đời qua màu hồng.

Hãy ngắm hoàng hôn đỏ.
Hãy ngước nhìn trời sao.
Hãy giang tay, nhắm mắt,
Chầm chậm bay lên cao.

Vì cuộc đời trần tục
Và mưu sinh sau này
Chắc chắn sẽ tìm cách
Giữ, không cho bạn bay.

146
Một cái ôm âu yếm
Đủ để nói rất nhiều.
Khi không cần, không muốn
Nói những lời thương yêu.

147
Bớt nói chuyện điện thoại.
Bớt thời gian lên Phây,
Để quan tâm hơn nữa
Người bạn gặp hàng ngày.

Bớt đi chơi với bạn,
Bớt cả xem truyền hình
Để ngồi lâu bên cạnh
Bố mẹ và con mình.

Trót thích thơ tôi viết,
Cũng đừng đọc quá nhiều.
Đọc ít, chậm, suy ngẫm.
Hay, thì học đôi điều.

148
Một nhóm sinh viên nọ,
Học chuyên ngành môi trường,
Đi chơi, ăn quà vặt,
Rồi vứt rác xuống đường.

Gần đây thấy trên mạng
Một cảnh sát giao thông
Không đội mũ bảo hiểm,
Còn đèo hai “bóng hồng”.

Các quan giảng đạo đức,
Nói thì hay cực kỳ,
Rồi thản nhiên vòi vĩnh,
Ăn bẩn chẳng sót gì.

Ta, tôi và các bác,
Cứ luôn miệng kêu đời,
Phán thì nghe hay lắm,
Nhưng làm thì lại lười.

Hóa ra ta, người tốt,
Mà nói thì một đằng,
Nhưng làm lại một nẻo.
Liệu như thế được chăng?

Vấn đề là thế đấy.
Thế đấy cái vấn đề.
Tôi nghĩ đã đến lúc
Tăng làm và bớt chê.

149
Các bạn Phây sướng thật.
Khoe chồng, khoe vợ con,
Chát chít xôm trò lắm.
Còn tôi thì châm ngôn.

Châm ngôn viết cả rổ
Rồi đưa hết lên Phây.
Cả bài mới bài cũ,
Hơn trăm bài mỗi ngày.

Các bác chắc phát sợ.
Tự tôi thấy cũng kỳ.
Xin lỗi, nhưng rồi hỏi,
Tôi còn biết làm gì?

Suốt ngày đêm hí húi,
Ngồi một đống lù lù,
Viết như bị ma ám,
Còn khổ hơn thằng tù.

Cái số tôi nó thế,
Cả mấy chục năm nay.
Viết, viết nữa, viết mãi
Mà túi thơ vẫn đầy.

Một bác hồn nhiên hỏi:
“Cụ viết thế, mệt không?”
Úi giời, đi mà hỏi
Con trâu cày giữa đồng.

Mệt thì được nghỉ chắc?
Tôi sinh năm con trâu,
Nên trời hành là đúng,
Mà hành nhiều, hành lâu.

May mà việc có ích,
Thơ cũng không không quá tồi.
Mong các bác thông cảm,
Mà tha cho thằng tôi.

Nên thích thì mời đọc.
Không thích thì bỏ qua.
Còn tôi, nếu viết được,
Tôi sẽ post gấp ba.

Tính tôi là thế đấy,
Không ai ngăn được đâu,
Sẽ viết cho đến lúc
Không còn thơ trong đầu.

150
Một nhà thông thái nói:
“Bạn giành được cho mình
Tất cả cái bạn muốn,
Nếu chấp nhận hy sinh.”

Là ý ông ám chỉ
Rằng mọi cái ở đời
Đều có giá của nó,
Có khi là mạng người.

Vậy trước khi xung trận,
Cứ nghĩ trước trong đầu:
Để thắng, mình dự định
Chấp nhận thua đến đâu?

151
Ở đời, khối chuyện bực.
Quan tâm làm đếch gì.
Cau có, ấm ức mãi,
Bạn sẽ thành ù lỳ.

Quên đi cho nhẹ nợ.
Sống được mấy mà buồn.
Hãy vui cười, làm việc.
Chán thì đọc châm ngôn.

Mà châm ngôn tôi viết
Cố tình viết như đùa,
Để giúp bạn vui đấy.
Vậy vào mà đọc chùa.

152
Phật Thích Ca đã dạy:
Ở đời, ta cho gì,
Sau sẽ nhận cái ấy.
Vậy có thì cho đi.

Ta thù hận ai đó,
Bí mật hoặc công khai,
Thì sự thù hận ấy
Quay lại ta nay mai.

Nên Phật đã nhắc nhở,
Sống ở cõi vô thường,
Ta thương yêu người khác,
Để cũng được yêu thương.

153
Nhân năm mới sắp đến,
Tôi xin chúc mấy lời:
Chúc bạn đủ hạnh phúc
Để yêu mình, yêu đời.

Chúc bạn đủ thử thách
Để phấn đấu thành công.
Chúc bạn đủ nghị lực
Để thắng phút yếu lòng.

Chúc bạn đủ tin tưởng
Để tiếp tục vươn lên.
Chúc bạn đủ tỉnh táo,
Không chạy theo đồng tiền.

Cuối cùng, xin chúc bạn
Uống vừa đủ, đừng say,
Để tiếp khách, nghe nhạc
Và nhất là lên Phây.

154
Nếu một ngày nào đấy
Bạn khóc vì chán đời.
Tôi sẽ đến giúp bạn.
Hãy gọi điện cho tôi.

Quả thật không dám hứa
Làm được bạn bớt đau,
Nhưng tôi sẽ bên bạn,
Lặng yên ngồi với nhau.

Nếu một ngày nào đấy
Bạn muốn bỏ nhà đi.
Gọi điện cho tôi nhé.
Cứ gọi, chẳng hề gì.

Quả thật không dám hứa
Giữ được bạn ở nhà.
Vậy tôi đi cùng bạn,
Mà có thể đi xa.

Nếu một ngày nào đấy
Muốn có người tâm tình,
Gọi điện cho tôi nhé.
Tôi sẽ đến rất nhanh.

Tôi sẽ ngồi lặng lẽ,
Nghe như nuốt từng lời.
Cho đến khi hết chuyện,
Ta cùng dậy đi chơi.

Nếu một ngày nào đấy
Bạn gọi điện, và rồi,
Không thấy ai nhấc mày,
Thì chắc chắn là tôi

Đang rất cần có bạn.
Bạn hãy đến thật nhanh.
Tôi cần sự giúp đỡ
Của người bạn chân thành.

*
Đây là lời bài hát
Tôi đọc được tình cờ,
Thấy hay và ý nghĩa
Nên chuyển nó thành thơ.

Tôi mong các bạn trẻ
Tìm đúng bạn, đúng người,
Để giúp nhau học tập,
Chia sẻ và vui chơi.

155
Để đàn ông thấm thía
Cái khổ của đàn bà,
Người ta đã tổ chức
Ở nước Canada

Một cuộc đi bộ lớn
Chỉ dành cho đàn ông.
Ban tổ chức bắt buộc,
Dù có muốn hay không,

Rằng các bậc nam giới,
Từ trẻ cho đến già
Phải tháo giày để diện
Guốc cao gót đàn bà.

Đường đi chỉ sáu dặm,
Mười cây số, không nhiều.
Thế mà không ít vị
Phải ngất ngã, liêu xiêu.

Nghe nói sau lần ấy
Đàn ông Canada
Tự nhiên rất chiều vợ,
Cứ tranh làm việc nhà.

Đây là ý tưởng tốt.
Tôi cứ nghĩ tại sao
Việt Nam không làm thử
Xem kết quả thế nào.

Thí dụ ta tổ chức
Đi bộ đúng năm vòng
Quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm,
Và tất cả đàn ông

Bắt buộc phải mặc váy.
Mi-ni Juyp càng hay.
Mặc váy lạnh chân lắm.
Cho đàn ông biết tay.

Nếu tổ chức, nhất định
Tôi giơ tay xung phong,
Vì tôi yêu phụ nữ,
Và vì tôi đàn ông.

Có điều bụng tôi béo,
Vòng bụng gần mét ba.
Nếu buộc phải mặc váy
Thì biết kiếm đâu ra?

Đành nhờ các bà chửa
Cho mượn tạm một ngày.
Nếu của họ còn bé
Thì bỏ tiền đi may.

Vậy là thống nhất nhé.
Đây không phải biểu tình.
Xin chính quyền cho phép.
Không “diễn biến hòa bình”.

Sau vụ này, tôi nghĩ
Cánh đàn ông Việt Nam
Sẽ hoàn toàn thay đổi
Cả ý nghĩ, việc làm.

Chắc chắn họ bắt chước
Đàn ông Canada
Yêu thương và chiều vợ,
Tranh làm hết việc nhà.

156
Thời đại ta đang sống
Có thực tế đau lòng
Mà vẫn phải chấp nhận,
Dù ta muốn hay không:

Nhà to, gia đình bé.
Học nhiều mà ấm đầu.
Y học rất phát triển,
Mà nhiều người ốm đau.

Thờ ơ, thiếu tình cảm,
Mặc dù IQ cao.
Không biết ông hàng xóm,
Nhưng biết rõ trời sao.

Thu nhập khá hơn trước,
Mà lòng vẫn không yên.
Mọi kiến thức học được
Chỉ dùng để kiếm tiền.

Cuối cùng, quan trọng nhất,
Là dân số ở đời
Gia tăng tỉ lệ nghịch
Với tình thương, tình người.

157
Nếu bạn không cố thử,
Bạn sẽ chẳng sai lầm.
Nếu bạn không sai lầm,
Bạn sẽ chẳng học hỏi.

Nếu bạn không học hỏi,
Bạn sẽ khó thành công.
Nếu bạn không thành công,
Thì bạn chưa biết sống.

158
Càng lâu bạn chờ đợi
Có được cái mình yêu,
Thì khi có được nó,
Bạn càng quí nó nhiều.

Không có gì khó hiểu:
Cái đáng có ở đời
Cần và đáng chờ đợi.
Có khi cả đời người.

159
Đúng, ở đời luôn có
Những người muốn hại anh.
Những người thích đơm đặt
Và làm điều chẳng lành.

Nhưng không được vì thế
Mà anh buồn, chán đời.
Vì ngoài họ còn có
Nhiều, thậm chí nhiều người

Thực sự là người tốt,
Luôn sẵn sàng giúp anh.
Không lợi dụng, đơm đặt,
Chỉ làm điều tốt lành.

Vậy vấn đề ở chỗ
Phải tìm những người này.
Việc này không khó lắm.
Chỉ cần anh chìa tay.

160
Ở đời luôn vẫn vậy:
Hạnh phúc có trên tay,
Ta thường thấy bé nhỏ,
Coi như chuyện hàng ngày.

Nhưng một khi mất nó,
Bất chợt ta lặng người
Chợt hiểu mình để mất
Hạnh phúc cả cuộc đời.

161
Cuộc đời là con phố,
Rất tiếc chỉ một chiều.
Lối rẽ ngang, rẽ dọc
Hai bên nó rất nhiều.

Đi trên con phố ấy,
Người một cách, chúng ta
Không thể nào quay lại
Đoạn đường đã đi qua.

Vậy thì hãy biết quí
Từng giây phút cuộc đời.
Tức là từng mét nhỏ
Trên con phố đời người.

162
Đời bao giờ chẳng thế.
Cái tốt đẹp có nhiều.
Cái xấu xa không ít.
Nhưng phải nói một điều,

Rằng còn có cái khác,
Có hàng ngày, hàng giờ,
Ác hơn cả cái ác,
Đó là sự thờ ơ.

Thờ ơ với cái thiện,
Thờ ơ với cái tà.
Thờ ơ với tất cả
Chỉ mình ta biết ta.

Thế đấy, ngẫm mà sợ,
Vừa sợ vừa đau lòng,
Khi sự thơ ơ đó
Hiện đang là số đông.

Vì thiếu năng trí tuệ?
Vì trầm cảm, thất tình?
Không, đó là thái độ
Chỉ biết sống vì mình.

Đáng sợ hơn, trong họ
Quả có không ít người
Trẻ, thông minh, có học
Mà thờ ơ, phớt đời.

Cứ như thể những việc
Đang diễn ra xung quanh
Không liên quan đến họ,
Không phải việc của mình.

Thật đau, các bác ạ,
Đau gấp đôi, gấp ba,
Giật mình thấy trong họ
Có người thân của ta.

Xin nhắc lại lần nữa:
Trong cuộc sống bây giờ
Ác hơn cả cái ác,
Đó là sự thờ ơ.

163
Cuộc sống có hai cách
Để thử ta đôi khi.
Một, cho nhiều một lúc.
Hai, là không cho gì.

164
Nhiều cái không cần biết
Mà vẫn phải thuộc lòng.
Nhiều cái ta không muốn
Mà không thể nói không.

Nhiều người ta không thể
Sống thiếu họ, một ngày
Dẫu buồn và đau đớn,
Ta vẫn phải chia tay.

165
Cuộc sống là cơ hội,
Phải tận dụng nó ngay.
Cuộc sống là cái đẹp,
Phải chiêm ngưỡng hàng ngày.

Cuộc sống là thử thách,
Phải cố mà vượt qua.
Cuộc sống là bài hát,
Thì hát, hát vang nhà.

Cuộc sống là mạo hiểm,
Phải dũng cảm đối đầu.
Cuộc sống là bi kịch,
Phải chiến thắng buồn đau.

Cuộc sống là nghĩa vụ
Thì phải làm tận tình.
Cuộc sống là bữa tiệc,
Vậy phải vui hết mình.

Cuộc sống bạn quí lắm.
Đừng lãng phí cái gì.
Hãy chiến đấu vì nó.
Bằng cách nào thì tùy.

166
Ta, con người, tất cả,
Đều có đủ kiên trì,
Sức mạnh và ý chí,
Nói chung không thiếu gì,

Để đạt được mơ ước,
Mục đích và thành công.
Vấn đề chỉ ở chỗ
Ta có dám thử không.

167
Tất cả ta, chắc chắn,
Từng bị đau nhiều lần
Vì những lời xúc phạm,
Của người lạ, người thân.

Vậy trước khi ta nói,
Hãy cân nhắc trong đầu,
Những gì ta sắp nói
Liệu có làm ai đau?

168
Tiếng Anh anh còn kém,
Yếu ngữ pháp, thiếu từ,
Nhưng chắc chắn vẫn đủ
Để nói “I Love You”.

Anh dốt môn Địa Lý,
Nhưng vẫn thừa thông minh
Để biết em đâu đó
Luôn trong trái tim mình.

Anh không giỏi môn Sử.
Điều ấy cũng chẳng sao,
Vì nhớ ta đã gặp
Lần đầu vào ngày nào.

Anh hơi yếu môn Hóa,
Nhưng biết chạy khắp người
Cái phản xạ hạnh phúc
Mỗi lần em mỉm cười.

Môn Lý anh kém nhất,
Thế mà cả ban đêm,
Ánh mắt anh rực sáng
Mỗi lần nhìn thấy em.

*
Thêm một bài hát nữa
Tôi viết lại thành thơ.
Bài hát hay và đẹp
Về anh chàng mộng mơ.

Viết xong, buồn, chợt nghĩ,
Năm mươi năm trước đây,
Tôi cũng từng như thế,
Hệt như anh chàng này.

169
Đệ nhất phu nhân Mỹ,
Eleanor Roosevelt,
Một lần gặp ai đó
Có đưa ra lời khuyên:

“Cứ làm gì thấy đúng.
Đừng chú ý mọi người.
Anh làm, họ cười đấy.
Không làm, họ vẫn cười.”

170
Hạnh phúc đơn giản lắm.
Sao cứ tìm đâu xa.
Đó là mỗi sáng dậy
Anh ngửi thấy mùi hoa.

Anh cảm thấy nắng ấm,
Nghe chim hót trên cành,
Ngồi nhâm nhi bữa sáng
Vợ chuẩn bị cho anh.

Anh nghe con làm biếng,
Đòi cái nọ, cái này,
Hoặc cười thầm khi vợ
Cố ý chạm vào tay.

Đại khái là như vậy.
Toàn những điều bình thường.
Bình thường mà cảm động,
Thấm đẫm tình yêu thương.

Những điều bình thường ấy
Anh luôn có hàng ngày,
Nhưng anh không nhận thấy
Nên nặng mặt, chau mày.

Nghĩa là anh từ chối
Hạnh phúc của chính mình.
Tức là cũng từ chối
Hạnh phúc của gia đình.

Lý do thật đơn giản:
Anh không biết ngửi hoa,
Không cảm thấy nắng ấm,
Nghe chim hót sau nhà.

Không biết con làm biếng
Hay vợ cố chạm tay
Là hạnh phúc to lớn
Anh có ở đời này.

171
Số Phận gửi cho bạn
Những người mà bạn cần,
Không phải người bạn muốn.
Rồi bạn sẽ hiểu dần.

Những người ấy giúp bạn
Nhận biết được nhiều điều:
Nỗi đau bị xúc phạm,
Niềm vui được thương yêu.

Qua họ, bạn cảm nhận
Bàn tay nâng bạn lên
Hay bàn tay vùi dập,
Cao thượng hay đê hèn.

Và quan trọng hơn cả.
Chính nhờ những người này
Bạn thành người mạnh mẽ
Như bạn có hôm nay.

172
Có lẽ đã đến lúc
Bạn chia tay những người
Luôn làm bạn buồn bực
Bằng đủ chuyện trên đời.

Có lẽ đã đến lúc
Bạn phải tìm cho mình
Những người bạn tử tế,
Trung thực và có tình.

Có lẽ đã đến lúc,
Gạt hết mọi vấn vương,
Để hướng tới cái đẹp,
Quên những cái tầm thường.

Thất bại và vấp ngã
Là thuộc tính con người.
Sống, phải biết đứng dậy
Để đi tiếp đường đời.

Cuộc sống là hạnh phúc,
Cả khi vấp ngã đau.
Theo con đường đã chọn,
Hãy bước, ngẩng cao đầu.

173
Thực ra thì con cái,
Khi lớn lên sau này
Không nhớ những đồ vật
Ta cho chúng trước đây.

Ngược lại, chúng rất nhớ
Sự vuốt ve, cái hôn
Và những lời âu yếm
Bố mẹ dành cho con.

Thế mà ta, bố mẹ,
Cứ như đang đua nhau,
Mua những thứ đắt giá,
Dù ta vốn chẳng giàu.

Đồ tốt mấy cũng hỏng,
Nhưng nụ hôn, tiếng cười
Được con cái nhớ mãi
Và nâng niu suốt đời.

Có nhiều bác, thật lạ,
Yêu con là đương nhiên,
Nhưng cứ muốn thể hiện
Tình yêu ấy bằng tiền.

Và sự thật là họ
Dễ dàng mua cho con,
Đủ loại đồ chơi khủng,
Thế mà khó ôm hôn.

Thế đấy, lại thế đấy,
Các bố mẹ Việt Nam
Cái việc đáng làm nhất,
Cuối cùng đã không làm.
                   
                    174
Ông nhà văn Đan Mạch
Có câu chuyện rất hay.
Chắc nhiều người đã biết.
Xin kể lại thế này.

Có hai tên đại bợm
Một hôm vào hoàng cung
Khoe chúng có thể dệt
Thứ vải đẹp vô cùng.

Đẹp và rất tinh tế,
Đến mức mắt người ngu
Sẽ không thấy nó đẹp.
Vua nghe xong, gật gù.

Thế là hai tên bợm
Vờ dệt rồi vờ may,
Vờ khoác chiếc áo ấy
Lên người ông vua này.

Tự cho mình tinh tế,
Ông vua lại gật gù
Khen chiếc áo tuyệt đẹp
Để khỏi thành thằng ngu.

Mọi người, từ tể tướng
Cho đến anh lính quèn,
Mặc dù chẳng thấy áo,
Vẫn cứ hết lời khen.

Ông vua còn hợm hĩnh
Mặc chiếc áo vô hình,
Tức là trần như nhộng,
Ra khoe với dân tình.

Còn dân thì khỏi nói,
Ai dám không khen vua?
Nên tranh nhau khen vải,
Khen các hình thêu thùa.

Bất chợt có cậu bé,
Loại ngu si, ngông cuồng,
Kêu toáng lên giữa phố:
“Ôi, vua đang cởi truồng!”   

Và thế là, tất cả
Ồ lên cười ông vua.
Một ông vua vĩ đại
Tự biến thành trò đùa.

175
Lần nọ, đi giữa phố,
Gặp một chuyện bất công.
Bất công và quá đáng,
Thế mà bạn biết không,

Tôi, một người biết sống,
Coi như không thấy gì.
Không thấy vì mắt kém,
Rồi đường tôi, tôi đi.

Mà tôi đi là đúng.
Bao nhiêu việc đang chờ,
Dính vào cũng vô ích,
Lại còn mất thì giờ.

Nhìn kia, những người khác
Cũng lờ ngang như tôi.
Tôi hành động, đơn giản,
Như tất cả mà thôi.

Vậy là tôi đi tiếp,
Tự bào chữa cho mình.
Tôi đúng, hoàn toàn đúng,
Thế mà sao, vô tình

Có cái gì sắc nhọn
Cứ cắn cấu trong lòng,
Rằng đúng thì đúng thật,
Nhưng lờ thế, nên không?

Rằng cái lý biết sống
Hơi nhàm nhàm, quen quen.
Suốt cả năm sau đó
Tôi sống với chữ HÈN!

176
Suốt một đời cặm cụi
Dịch thơ rồi viết thơ,
Toàn những lời hoa mỹ,
Toàn những điều ỡm ờ.

Cứ tưởng dân cần lắm
Cái thơ ấy của mình,
Đầy hoa thơm, cỏ biếc,
Cùng trời sao lung linh.

Thơ thì như đánh đố,
Ý ít mà lời nhiều,
Quanh đi rồi quẩn lại,
Hết buồn lại đến yêu.

May cuối đời chợt tỉnh,
Mới hiểu rằng thơ ca
Ăn nhau ở cái ý
Và cái giọng thật thà.

Và rằng hoa với lá
Và trời sao cũng cần,
Nhưng cái cần hơn cả
Là đi vào lòng dân.

Mà dân thì đang khổ,
Nước thọ địch bốn bề,
Vậy hãy gác hoa lá
Để nói cho dân nghe,

Nói một cách giản dị,
Nói hộ dân, nôm na,
Những gì dân đang nghĩ
Về mình, về nước nhà.

Văn thơ là phải nói
Về thế thái nhân tình,
Vì văn dĩ tải đạo,
Chứ không phải tải mình.

Chẳng sao, nếu đồng nghiệp
Trách thế nọ, thế này.
Tôi là tôi quyết định
Viết thơ nói từ nay.

Nhiều khi tôi cứ nghĩ,
Làm cái anh nhà thơ,
Sẽ là không tử tế
Nếu cứ mãi ỡm ờ.

Mời các vị cứ viết
Về hoa lá, mùa xuân.
Nếu thơ có phe cánh,
Tôi thuộc phe nhân dân.

177
Một người nọ, bất chợt
Phải đi công cán xa.
Rồi người ấy buồn hẳn
Khi xong việc, về nhà,

Thấy con phố ông sống
Vốn tên là phố Rươi,
Nay nó thành phố lạ,
Mang tên của một người.

Người ấy cũng xa lạ,
Dẫu biết tiếng xưa nay.
Ừ, lão thành cũng tốt,
Nhưng sao lạc vào đây?

Đây là con phố nhỏ
Tồn tại bốn năm đời,
Phần lớn dân - con cháu
Của cụ tổ bán Rươi.

Nghĩa là cụ đã lập
Con phố này thân quen,
Vậy thì con cháu cụ
Có quyền giữ cái tên.

Vâng thì nay hiện đại,
Không nhiều người ăn rươi.
Nhưng nó là lịch sử,
Ấm áp chút tình người.

178
Có hàng triệu cô gái
Là thanh niên xung phong,
Xung phong ra tiền tuyến,
Rồi trở về ế chồng.

Ấy là nói về được.
Hàng triệu cô gái này
Giờ đã thành bà lão,
Nhăn nheo hai bàn tay.

Hai bàn tay thèm cháu,
Thèm một người bạn già,
Để bê cơm, hầu nước,
Để có ông, có bà.

Và cũng để khi chết
Có người chôn bên mình.
Một ước mong khiêm tốn.
Thế mà rồi chiến tranh…

Cái chiến tranh khủng khiếp
Cứ nặng mãi trong lòng,
Làm mái tóc chóng bạc,
Làm cái lưng chóng còng.

Cũng may, chiến tranh ấy
Sẽ theo họ xuống mồ
Như chiến tranh chính nghĩa,
Như người lính Cụ Hồ.

179
Hưu, được lười, dậy muộn,
Rồi thơ thẩn công viên.
Có môt bà lạ hoắc,
Mỉm cười chào thật hiền.

Một thằng nhóc lếu láo
Đá bóng trúng người ông,
Còn hỏi: Ông xem cháu
Đá phát này giỏi không?

Một ông lão hành khất,
Chìa chiếc mũ ra xin.
Lục, không thấy tiền lẻ,
Đành cho hai chục nghìn.

Trời mới mưa, lá mướt,
Mặt trời sau hàng cau.
Chim hót, ừ chim hót,
Nhưng suýt ỉa trúng đầu.

Giản dị và thật đẹp,
Cuộc sống này của tôi.
Thật đẹp và giản dị
Đất nước này của tôi.

Bao đời nay vẫn vậy,
Vẫn vậy sự hiền hòa.
Đói, giản dị mà đẹp,
Cuộc sống của chúng ta.

180
Suất cơm bụi hai chục,
Một nửa đã no phè.
Ngượng ngùng bảo cô chủ:
Gói cho ông mang về.

Vợ biết, bấm điện thoại.
Con gái gọi: Ối trời,
Sao bố lại làm thế?
Khéo không người ta cười.

Tiếp đến là: Không được!
Nhà ta có nghèo gì,
Rằng bố là cán bộ,
Hơn nữa lại… Thôi đi.

Đúng, nhà không nghèo thật,
Thậm chí có ô tô.
Nhưng suất cơm hai chục
Là quá nhiều, quá no.

Hai mẹ con đắc thắng
Thấy bố im, không tin
Bố đang nghĩ tới chuyện
Lần sau gọi mười nghìn.

181
Có một quầy tạp hóa
Của một ông hói đầu,
Tự dưng treo tấm biển:
“Đây không bán hàng Tàu!”

Nhưng hàng Tàu nó rẻ,
Phù hợp với dân nghèo.
Hàng mình xấu, lại đắt,
Mà rổm cũng rất nhiều.

Ông hói nhìn khách đáp:
Xưa nay, bác biết rồi,
Trong đắt có cái rẻ.
Trong rẻ có cái ôi.

Câu chuyện chỉ có thế,
Vừa nghe lỏm sáng nay.
Chuyện nhỏ như con thỏ,
Thế mà vui cả ngày.

182
Có cơ quan nhà nước
Quảng cáo tuyển nhân viên,
Đến thì được ra giá
Chừng ấy, chừng ấy tiền.

Mà giá đòi cao lắm,
Đến hàng trăm triệu đồng
Cho một chỗ khiêm tốn.
Các bác có tin không?

Mà ông quan tuyển dụng,
Các bác không tin đâu,
Công khai nêu con số,
Thậm chí ngẩng cao đầu.

Chắc ông không ăn cả,
Còn phải chia nhiều người.
Chia cho cả hệ thống.
Ngẫm mà chán mớ đời.

Chán nữa là điều ấy
Đã thành lệ xưa nay.
Ăn bẩn cấp nhà nước,
Móc túi có đường dây.

Không cần nói cũng biết
Tiền tỉ ấy đi đâu.
Tất nhiên quan liêm khiết
Sẽ dấm dúi chia nhau.

Tôi là công dân tốt,
Không bôi nhọ nước nhà.
Nhưng sự thật thế đấy.
Ôi, nước ta, nước ta.

Chỉ tội mấy đứa nhỏ,
Trường dạy toàn điều hay.
Học xong, ra xin việc
Lại gặp cảnh thế này.

183
Tôn giáo là nền tảng
Của đạo đức ở đời,
Chứ không phải thuốc phiện
Nhằm ru ngủ con người.

185
Nhà thơ muốn tử tế,
Phải trăn trở với đời,
Biết và dám nói hộ
Cái tâm tư mọi người.

Nhà thơ mà né tránh
Tiếng kêu của dân oan,
Nỗi đau toàn xã hội,
Là tôi thấy gian gian.

Mang tiếng anh cầm bút,
Sống nhờ bác đi cày,
Thì sống cho phải đạo,
Nhất là thời buổi này.

Tức là sống trung thực,
Góp vào tiếng nói chung,
Để thêm cái tốt đẹp
Và bớt cái điên khùng.

Mà rồi, không nhất thiết
Thơ cứ phải cao xa,
Rối rắm, chẳng ai hiểu,
Như đánh đố người ta.

Thời buổi này mà viết
Hoa lá cành huyên thuyên,
Làm xiếc với con chữ,
Thì sáo và vô duyên.

186
Kẻ sĩ mà mà vun vén
Cái yên ấm cho mình
Thì không còn kẻ sĩ,
Không đáng bậc tiên sinh.

Mạnh Tử nói điều ấy
Về nhiễu nhương một thời.
Giờ nước ta, ngẫm lại,
Kẻ sĩ được mấy người?

187
Một xã hội đích thực
Tự do, không giáo điều
Là xã hội chấp nhận
Những ý kiến trái chiều.

Một chính phủ đích thực
Phục thiện và thông minh
Là chính phủ kiên nhẫn
Lắng nghe người dân mình.

188
Thế đấy, cũng có lúc
Ta cần bị đánh đau,
Để thấm cái đau ấy
Mà đề phòng lần sau.

Thế đấy, cũng có lúc
Ta phải ngã sái chân,
Để thấm cái ngã ấy
Mới sáng mắt ra dần.

Thế đấy, cũng có lúc
Ta phải thua tơi bời
Để thấm cái thua ấy
Mà chiến thắng, thành người.

Là vì các bài học
Về cuộc sống, tiếc thay,
Chỉ có thể học được
Qua cái đau hàng ngày.

189
Đáng buồn, nhưng sự thật,
Trong giao tiếp bây giờ
Người ta quá thô lỗ,
Vụ lợi và hững hờ,

Nên nếu có ai đấy
Lịch sự và văn minh,
Người ta có thể nghĩ
Đang âm mưu hại mình.

190
“Một khi anh không thể
Làm thơ ca ngợi đời,
Thì chí ít hãy cố
Làm bài thơ không lời.”

Một triết gia cổ đại
Xưa đã nói câu này.
Ta có thể suy luận -
Đã là thơ, phải hay.

Và rằng đời dung dị,
Thơ cũng giống như đời.
Nhưng thơ phải ý nghĩa
Và làm đẹp con người.

191
Âm nhạc là ngôn ngữ
Khi không nói nên lời,
Khi không thể im lặng,
Thổn thức trái tim người.

Âm nhạc là giọt nắng,
Treo trên lá lung linh.
Âm nhạc là hơi ấm,
Lời thủ thỉ tâm tình.

Âm nhạc luôn hiện hữu
Trong mỗi một chúng ta.
Đừng quên đánh thức nó,
Những giai điệu mượt mà.

Âm nhạc là quà tặng
Chỉ dành riêng cho người.
Còn với tôi, âm nhạc
Là một nửa cuộc đời.

192
Huân tước Byron nói,
Rằng ta, không trừ ai,
Thực ra không phải sống,
Mà tồn tại kéo dài.

Co mình vì sợ hãi,
Như bóng ma vật vờ.
Mà cái chúng ta sợ
Toàn vớ vẩn, vẩn vơ.

Ta sợ vì phải sống.
Nhưng cái ta sợ hơn
Lại chính là phải chết.
Thật đúng không giản đơn.

193
Có ai đấy đã nói,
Cuộc đời là giấc mơ,
Thậm chí giấc mơ đẹp,
Dẫu đời còn đơn sơ.

Nhưng giấc mơ đẹp nhất
Là giấc mơ ban ngày,
Khi từng viên gạch một,
Lâu đài ta ta xây.

194
Tôi thuộc người lớp trước,
Tức là những người già.
Không đến nỗi bảo thủ,
Cũng biết người, biết ta.

Vậy cho phép tôi nói.
Ta hay trách cháu con
Rằng thế này, thế nọ.
Toàn những lời dạy khôn.

Ừ thì thế hệ trẻ
Có nhiều cái không hay.
Nhưng ai nuôi dạy chúng
Thành những người thế này?

Chúng ta, các cụ ạ,
Tôi nghĩ cũng thường thôi.
Lỗi của các cụ đấy.
Tất nhiên cũng của tôi.

Các cụ thừa biết chúng
Học cái gì ở trường
Và những điều trái khoáy
Chúng gặp trong đời thường.

Bố mẹ nào, con ấy,
Cha ông nói thế rồi.
Nên trách thì cứ trách,
Nhưng cũng vừa vừa thôi.

195
Câu hỏi quan trọng nhất
Với tất cả mọi người:
“Vậy ta đã, rốt cục,
Làm được gì cho đời?”

Luther King nói thế.
Ông, một nhà đấu tranh.
Ông làm được nhiều lắm,
Cho tôi, và cho anh.

196
Những đứa trẻ miền núi,
Nhìn ta từ vệ đường.
Những đôi mắt ngơ ngác,
To một cách khác thường.

Những đứa trẻ miền núi,
Đẹp như các thiên thần,
Ôm nhau giữa trời lạnh,
Áo mỏng, đôi chân trần.

Chúng nhìn khách du lịch
Đang ngồi trên ô tô.
To béo và tốt bụng.
Bụng anh ách, vì no.

Chúng đứng nhìn, chỉ thế,
Không “money, money”.
Chúng đói, chắc đang đói,
Nhưng không xin xỏ gì.

Sa Pa giờ đẹp lắm.
Nhiều du khách đến thăm.
Vẫn đứng đấy, lũ trẻ,
Giữa cái rét căm căm.

Vẫn những du khách béo,
Bụng anh ách vì no
Cùng đứa con của họ
Đang sướng quá hóa rồ.

Chợt nghĩ, giá chính phủ
Bơn bớt cái Vina -
Shin, rồi Lines, Conex.
Bơn bớt cái pháo hoa.

Chợt nghĩ, giá mẹ Chip
Bớt mua cho cháu tôi
Các loại tã giá khủng.
Bơn bớt một chút thôi…

Trong khi chờ chính phủ
Và mẹ Chip yêu thương,
Nhưng đứa trẻ miền núi
Vẫn đứng đấy, bên đường.

Chúng vẫn nhìn du khách,
Không “money, money”.
Chúng vẫn đói, chắc thế,
Nhưng không xin xỏ gì.

Còn tôi thì xin đấy.
Tôi, ông già làm thơ,
Tôi chỉ xin bạn đọc
Chí ít đừng hững hờ.

197
Căn phòng không ánh sáng,
Ngột ngạt và tối tăm.
Có thể mới ít phút,
Có thể cả trăm năm.

Điều ấy không quan trọng.
Vì khi ta thắp đèn,
Cả căn phòng bừng sáng
Xua hết sạch bóng đen.

Như thể căn phòng ấy
Trong suốt cả trăm năm
Không hề được chiếu sáng,
Ngột ngạt và tối tăm.

Tương tự, khi ai đó
Bị ức chế, tự ti,
Nhiều năm, nhiều thập kỷ,
Không biết phải làm gì.

Nhưng khi chính người ấy,
Sau một phút ngập ngừng,
Đã quyết định hành động,
Đầu óc bỗng sáng bừng.

Cứ như thể người ấy
Không ức chế, tự ti,
Nhiều năm, nhiều thập kỷ,
Không biết phải làm gì.

Mà khi đầu đã sáng,
Mọi thứ sẽ rõ ràng.
Mọi bước đi sau đó
Đơn giản và dễ dàng.

198
Ai cũng ham hiểu biết,
Tức là bất kỳ ai
Cũng ham muốn đọc sách,
Cả sách dày và dài.

Nhưng nhiều người, thật tiếc,
Ngại đọc sách, bởi vì
Đơn giản còn chưa biết
Họ nên đọc sách gì.

Nhưng một khi đã đọc,
Đọc đúng sách mình cần,
Thì thói quen đọc sách
Sẽ hình thành dần dần.

Đọc sách quan trọng lắm.
Ai cũng biết điều này.
Nhưng ít người ý thức
Phải đọc sách hàng ngày.

Chưa đọc thì thấy ngại.
Đọc rồi thì càng mê.
Còn hơn cả mê gái.
Đúng thế đấy, xin thề.

Hai nghìn năm về trước,
Triết gia Xixêrông
Nói một câu có cánh.
Tôi nhất trí với ông.

“Bạn có một tủ sách
Và một khu vườn con,
Là bạn có tất cả
Và không cần gì hơn.”

199
“Hãy yêu và quí đất,
Vì sớm muộn sau này
Chính bạn cũng thành đất.”
Một câu nói rất hay.

Tôi nhớ câu nói ấy
Là của một triết gia
Gần nghìn năm về trước,
Ở vùng đất Lưỡng Hà.

Đúng thế, đất quí lắm,
Cả đất không của mình.
Nếu anh xúc phạm đất,
Đất sẽ xúc phạm anh.

Đừng cướp đất người khác.
Đừng bỏ phí tấc nào.
Đất cúi mình chịu thấp
Để nâng anh lên cao.

Nhân tiện xin được trích
Lời của Phật Thích Ca
Đã dạy con trai Phật,
Cũng là dạy chúng ta:

“Con hãy học ở đất
Sự nhẫn nhục, khiêm nhường.
Đất lặng lẽ chấp nhận
Cái xấu xa, tầm thường.

Bị người ta vứt bẩn,
Hay khạc nhổ, không sao,
Đất thản nhiên chịu dựng,
Không nói một lời nào.

Và khi vụ mùa đến,
Đất trao tặng cho đời
Những bông lúa trĩu nặng,
Những cành hoa xinh tươi.”

200
Con người cần nhiều thứ,
Nhất là các tiện nghi.
Ô tô, nhà, tiền bạc…
Không thiếu một thứ gì.

Tuy nhiên, cái cần nhất,
Cực cần với con người,
Đó là không gian rộng,
Nếu được, cả bầu trời.

Ta cảm thấy tù túng,
Ngồi một chỗ trong phòng,
Ý tưởng bị thui chột,
Tình cảm bị giá đông.

Con người, như ta biết,
Xưa sống giữa thiên nhiên,
Nay bản năng thầm nhắc
Quay về với tổ tiên.

Thế là ta cứ muốn
Đi đâu đó thật xa,
Thậm chí tới sa mạc
Hay đại dương bao la.

Đại dương và sa mạc
Kể cũng tốt, tuy nhiên,
Hơi ít nhiều nguy hiểm,
Vả lại, cũng tốn tiền.

Vậy tôi khuyên các bạn,
Đừng suốt ngày trong nhà.
Thỉnh thoảng nên dạo phố,
Hay thơ thẩn vườn hoa.

Tuyệt đối không bắt chước
Tác giả bài thơ này
Ngồi lù lù một đống
Thơ với thẩn suốt ngày.

PS
Lại thêm một thí dụ:
Người viết thơ châm ngôn
Không nhất thiết làm đúng
Như mình đang dạy khôn.


PHẦN BA

201
Người da đỏ châu Mỹ
Có câu tục ngữ hay.
Tôi đọc đã lâu lắm.
Ý đại khái thế này.

Để không thấy cái xấu
Và bóng đen cuộc đời,
Đơn giản chỉ cần bạn
Ngước mắt nhìn mặt trời.

Đúng là thật đơn giản.
Nhìn mặt trời, tất nhiên,
Bạn chỉ thấy ánh sáng
Và không thấy bóng đen.

Cũng đơn giản tương tự,
Trong cuộc sống hàng ngày,
Tiếp xúc với người tốt
Để học hỏi cái hay,

Ta sẽ thành người tốt,
Tránh được cái thấp hèn,
Kiểu như các cụ nói,
Gần mực và gần đèn.

Nhưng chúng ta, thật tiếc,
Cái điều đơn giản này
Không phải ai cũng nhớ
Và nhắc mình hàng ngày.

202
Một người hỏi Đức Phật:
“Bạch Thế Tôn được gì
Khi thiền lâu như vậy?”
Đức Phật đáp: “Không gì.”

Một lát sau, Ngài nói:
“Nhưng sau khi ngồi thiền
Ta để mất Nỗi Sợ,
Lo Lắng và Buồn Phiền.”

203
Cuộc sống là cuộc sống,
Có lúc xuống, lúc lên.
Có lúc khó, lúc dễ,
Lúc động và lúc yên.

Cho nên cũng hơi lạ
Khi có người, khá nhiều,
Chưa sướng đã hoan hỉ,
Chưa đau buồn đã kêu.

Cuộc sống là như vậy.
Không thì nói làm gì.
Có sinh ắt có tử,
Có thịnh ắt có suy.

Sống mà cứ phẳng lặng
Là tồn tại kéo dài.
Không buồn vui, sướng khổ
Chỉ nằm trong quan tài.

Nếu chưa thì mời đọc,
Cũng về đề tài này,
Một câu chuyện của Phật,
Tôi nghĩ thâm và hay.

*
Có người đàn bà nọ,
Tên là Gô Tà Mi.
Con trai bà mới chết,
Không biết phải làm gì,

Bà tìm tới Đức Phật,
Ẵm đứa bé trên tay.
“Mong Ngài làm sống lại
Con tôi, đứa bé này.”

Ngài nhìn bà, khẽ nói:
“Ta có thể giúp bà.
Ta đang cần mù tạc,
Bà hãy kiếm cho ta.

Nhưng hạt mù tạc ấy
Phải lấy ở những nhà
Chưa từng có người chết,
Chưa có cảnh tang gia.”

Bà kia liền vội vã
Tìm mù tạc cho ngài.
Hạt mù tạc không ít,
Nhưng khi hỏi, ai ai

Cũng bảo gia đình họ
Từng đã có người thân
Bị ốm bệnh rồi chết,
Dẫu hỏi xa, hỏi gần.

Hôm sau bà lại đến
Thưa với Phật rằng bà
Đã hiểu lời Ngài dạy,
Và rằng con bà ta

Theo lẽ thường, đã chết
Như tất cả mọi người.
Sinh ra, sống rồi chết
Là cái luật của đời.

Phật ôn tồn đáp lại:
“Nhờ thấu hiểu điều này,
Bà sẽ được an lạc   
Và hạnh phúc từ nay.

Sau lần ấy Đức Phật
Còn dạy bà nhiều điều.
Quả bà sống thảnh thản
Và hạnh phúc hơn nhiều.

204
Số phận có hai cách
Thử ý chí con người,
Cách nào cũng quyết liệt,
Để đứng vững trong đời.

Một, không cho gì cả.
Thích kêu thì cứ kêu.
Hai, số phận một lúc,
Cho dồn dập, cho nhiều.

Hai cách thử thách ấy
Đều khắc nghiệt như nhau.
Cách thứ hai thậm chí
Còn hơn cả cách đầu.

Ngày xưa đức Khổng Tử
Có thuyết gọi Trung Dung,
Chủ trương trong mọi cái
Không nên đẩy đến cùng.

Tôi thấy thuyết ấy đúng.
Ta hãy nhìn quanh ta,
Có không ít trường hợp
Ngẫm mà thấy xót xa.

Một cậu bé chân đất,
Con nhà nghèo, chăn trâu,
Bỗng thành sao bóng đá,
Bỗng thành giàu, rất giàu.

Một cô bé làm ruộng,
Người dài ngoẵng, bỗng nhiên
Thành hoa hậu, siêu mẫu,
Hơn thế, kiếm bộn tiền.

Và rồi cuối cùng đến
Cái phải đến, tiếc thay.
Cả anh sao bóng đá
Và cô hoa hậu gầy

Đã nhiễm thói hư hỏng,
Mà nhiễm nhanh, nhiễm liền,
Của những người ít chữ
Mà bỗng nhiên nhiều tiền.

Rồi bắt đầu xuống dốc,
Kiểu như rơi tự do,
Rồi trắng tay, tù tội,
Hay bệnh tật, buồn lo.

Họ không vượt qua nổi
Thử thách ấy của mình,
Khi một lúc số phận
Cho nhiều tiền, nhiều tình.

Nếu cô gái làm ruộng
Và cậu bé chăn trâu
Không thành sao, người mẫu,
Thì cũng chẳng sao đâu.

Có thể nghèo một chút,
Họ lấy vợ, lấy chồng,
Sống cuộc sống bình dị,
Hòa lẫn trong cộng đồng.

Nói vậy là đủ biết
Chữ quan trọng thế nào.
Chữ là loại miễn dịch
Giúp không mắc “bệnh sao”.

205
Thỉnh thoảng buồn, mỏi mệt,
Hay bí thơ, chán đời,
Tôi lại vào Văn Miếu,
Như một dạng nghỉ ngơi.

Các bác đừng cười nhé.
Tựa bia đá, tôi ngồi,
Chạm bằng tay, năm ngón,
Vào Cụ Tổ của tôi.

Đó là Cụ Thái Thuận,
Một nhà thơ lừng danh,
Tao Đàn phó nguyên súy,
Quê gốc huyện Thuận Thành.

Cụ thi đỗ tiến sĩ
Năm Một Bốn Bảy Năm,
Hai thập kỷ liên tục
Làm quan Viện Hàn Lâm.

Tên tuổi Cụ được khắc
Trên bia đá thứ hai,
Ngoài vào là bên phải.
Với dòng tiểu sử dài.

Tôi tựa vào bia ấy,
Có hôm lâu, rất lâu,
Như thể đang trò chuyện
Với Cụ, thầm trong đầu.

Thế mà lạ, sau đó,
Mỗi lần đi về nhà,
Tôi thấy như khỏe hẳn,
Tâm và trí yên hòa.

Và vui với cảm giác
Tự hào về tổ tiên.
Rằng cả tôi, bé nhỏ,
Xuất hiện không ngẫu nhiên.

Rằng dòng họ Thái Bá
Đã bám rễ rất sâu
Vào lịch sử dân tộc,
Không giàu mà cũng giàu.

Rằng thơ tôi có lẽ
Thừa hưởng từ tổ tiên
Chất dung dị, thanh thoát,
Tao nhã và hướng thiền.

Đôi khi có cảm giác
Như có Cụ ngồi bên,
Mách cho vài vần bí,
Nâng đỡ lúc yếu hèn.

Cụ cũng ghê lắm đấy.
Trong hội thơ cha ông,
Cụ là phó nguyên súy,
Chỉ sau Lê Thánh Tông.

Có thể già, lẩm cẩm.
Các bác chê, không sao.
Có Cụ Tổ như thế,
Là tôi cứ tự hào.

206
Người ta đã tổng kết,
Tám nguyên tắc sau đây
Sẽ giúp bạn sống tốt
Và hạnh phúc hàng ngày.

Một, không được thù hận.
Hai, không lo lắng nhiều.
Ba, sống thật giản dị.
Bốn, sống có tình yêu.

Năm, đừng mong đợi quá.
Sáu, luôn nhớ mỉm cười.
Bảy, hãy làm việc thiện.
Tám, luôn tin có trời.

207
Tôi thấy kể cũng lạ.
Tạo hóa bắt con người
Sớm muộn rồi cũng chết.
Ngắn ngủi một cuộc đời.

Lẽ ra trong cuộc sống,
Con người phải yêu nhau.
Thế mà không, ngược lại.
Họ cứ làm nhau đau.

Con người, lạ hơn nữa,
Còn tự làm khổ mình
Bằng những việc vớ vẩn,
Thậm chí, việc đáng khinh.

Rồi chết, vớ vẩn nốt,
Sau khi sống vật vờ.
Chết mà cứ như thể
Chưa từng sống bao giờ.

208
Những người thầy giỏi nhất
Chỉ hướng cho ta đi
Chứ không phải căn dặn
Ta phải nhìn cái gì.

209
Bạn là đồ vứt bỏ,
Nửa ngây và nửa khôn?
Có thể, nhưng thiếu bạn,
Có người sẽ rất buồn.

210
Người học muốn học tốt
Và hiệu quả lâu dài,
Thầy không đơn giản dạy
Một cộng một bằng hai.

Mà dạy cách suy nghĩ,
Cách giải quyết vấn đề.
Dạy tư duy độc lập
Để còn biết khen, chê.

Xét trên góc độ ấy
Thì cách dạy của ta
Quả rất đáng lo ngại
Cho tương lai nước nhà.

Người ta đang tìm cách
Biến các cháu học sinh
Thành những con rô-bôt
Nửa máy, nửa thông minh.

Đây chính là chìa khóa
Để giáo dục thành công.
Không giải quyết được nó,
Cải cách cũng bằng không.

211
Người lao động đơn giản
Làm việc bằng tay chân.
Cộng thêm chiếc đầu nữa,
Sẽ trở thành nghệ nhân.

Người nghệ sĩ đích thực
Luôn làm việc bằng tay,
Bằng đầu, thêm vào đó
Là trái tim mê say.

Một vị thánh La Mã,
Francis de Assisi,
Nghìn năm trước nói thế,
Mà nói đúng cực kỳ.

212
Nhân tiện xin được nói,
Rằng tôi vốn là người,
Nghiêm túc và mô phạm,
Luôn chọn ý, chọn lời.

Thế mà giờ tôi viết,
Đặc biệt thơ châm ngôn,
Hay dùng từ đùa tếu,
Đôi lúc như trẻ con.

Vì sao? Vì tôi nghĩ,
Nhiệm vụ của nhà thơ
Là làm sao người đọc
Quan tâm, không hững hờ.

Hơn thế, còn làm họ
Chốc chốc phải mỉm cười.
Cười thành tiếng càng tốt.
Vì tôi biết nhiều người

Có chuyện riêng phiền muộn,
Có thể đang rất đau,
Thậm chí đang nằm viện,
Hay thất vọng buồn rầu.

Vậy thì tôi phải giúp.
Vì mang danh nhà thơ,
Trước cái đau người khác,
Tôi không thể hững hờ.

Nên thơ nó têu tếu,
Thỉnh thoảng văng một câu,
Với hy vọng đọc nó,
Bạn bớt được cái đau.

Qua rồi thời tháp ngọc
Thơ thẩn hoa lá cành.
Giờ thì tôi cứ phải
Nghệ thuật vị nhân sinh.

Đồng nghiệp chê cũng kệ.
Quan tâm làm đếch gì.
Thế nhé, xin mời đọc.
Cười được thì cười đi.

213
Thằng quan mà láo lếu,
Ăn cả đất, cả phân,
Thì không bằng cái gót
Bình thường, một thằng dân.

Bằng cấp, không xứng đáng
Là mấy đứa lăng nhăng.
Thua xa người tử tế
Xứng đáng, nhưng không bằng.

Đại gia mà chúa chổm,
Rolls-Royce cũng bằng không.
Thua người đi xe đạp,
Không nợ ai một đồng.

214
Henry Ford, người Mỹ,
Vua ô tô trước đây.
Chết, được gặp Thượng Đế.
Ông bảo Ngài thế này:

“Ngài là đấng sáng tạo,
Nhà thiết kế tài ba,
Nhưng có cái không ổn,
Khi tạo ra đàn bà.”

Thượng Đế nghe, khó chịu,
Nhưng phục thiện, nên Ngài
Bảo ông cứ nó thẳng
Thiết kế có gì sai.

“Vâng, rất nhiều khiếm khuyết
Trong sản phẩm đàn bà.
Phía sau phồng quá lớn.
Phía trước quá nhô ra.

Máy của nó ồn quá
Khi tài xế phóng nhanh.
Tiêu thụ nhiên liệu khủng.
Khủng cả tiền bảo hành.

Bơm xăng và ống xả
Lại ở quá gần nhau.
Mỗi tháng mấy ngày nghỉ
Vì máy cứ chảy dầu.

Hai đèn trước quá bé.
Phía sau không có đèn.
Liên tục đòi sơn mới,
Chủ phải tốn nhiều tiền…”

Thượng Đế nghe, cho gọi
Các kỹ sư của Ngài.
Họ kiểm tra, xác nhận
Quả đúng thế, không sai.

Ngài buồn, rồi lên tiếng:
“Cái máy ấy nói chung
Quả còn nhiều khiếm khuyết,
Nhưng với người tiêu dùng

Thì nó là loại nhất.
Trăm phần trăm đàn ông
Thích và muốn dùng nó.
Dẫu tốn tiền, đúng không?

Trong khi, theo ta biết,
Chưa đến một phần mười
Đàn ông trên thế giới
Bỏ tiền mua xe hơi.”

215
Cuộc chiến gian khó nhất
Là chống lại cái lười.
Lười biếng là đặc tính
Và bản chất con người.

Tôi cũng không ngoại lệ.
Đêm trời lạnh, nhiều lần
Suýt chết khát, đơn giản
Vì ngại ra khỏi chăn.

Đã có nhiều người chết,
Hay gần chết, chỉ vì
Lười không đi xuống bếp
Để lấy chiếc bánh mì.

Thế cũng chưa khủng lắm.
Khủng nhất là chuyện này.
Một câu chuyện có thật,
Tôi chứng kiến gần đây.

*
Có cặp vợ chồng nọ,
Sống hạnh phúc nhất đời.
Hiềm một nỗi, cô vợ
Xinh thì xinh, nhưng lười.

Cô chỉ ngồi một chỗ,
Chỉ động tay khi ăn.
Mọi việc chồng làm hết,
Không một lời cằn nhằn.

Là vì anh chồng ấy,
Đọc châm ngôn của tôi,
Đã chiều vợ kinh khủng,
Còn muốn chiều gấp đôi.

Một hôm chàng có việc,
Đi xa đúng năm ngày.
“Không chồng lo cơm nước,
Vợ biết sống sao đây?”

Anh chàng tháo vát ấy,
Xâu năm bánh mì to,
Mỗi ngày ăn một bánh,
Rồi treo quanh cổ cô.

Xong xuôi, anh khăn gói
Yên tâm ra khỏi nhà.
Về thì vợ đã chết,
Đúng vào ngày thứ ba.

Cô chết đói, tội nghiệp.
Là vì hai ngày đầu,
Hai chiếc bánh gần miệng,
Cô ăn hết, hôm sau

Cô lười không chịu với
Lấy chiếc bánh tiếp theo,
Nên cô chết, thương quá.
Chết với bụng đói meo.

*
Thế đấy các bác ạ.
Chỉ vì cái thói lười,
Một cô gái xinh đẹp
Phải từ giã cõi đời.

Đây là bài học quí
Về nghệ thuật tồn sinh.
Muốn, cứ lười, tuy vậy,
Đừng chết mà thiệt mình.

Sau mấy lần sợ lạnh,
Suýt chết khát, bây giờ
Khát là tôi dậy uống,
Thậm chí còn làm thơ.

Lười là trở ngại lớn
Trên con đường thành công.
Hơn thế, nó nguy hiểm.
Nhất là lười lấy chồng.

216
Đài báo toàn thế giới
Đưa tin về một người
Chinh phục Everest.
Một kỳ tích tuyệt vời.

Nhưng đài báo thế giới,
Hoàn toàn không nói gì
Về người dân bản địa,
Tức những người cùng đi.

Họ là người hướng dẫn,
Phải đi trước mở đường.
Vai còn vác hành lý.
Năm, mười người là thường.

Tiếc không ai nhớ họ,
Không đưa tin một dòng.
Coi như không hề có,
Vì họ là đám đông.

Có những cuộc cách mạng
Hy sinh nhiều vạn người.
Nhưng vinh quang của nó
Chỉ thuộc một vài người.

Một công trình vĩ đại
Kéo dài mấy thập niên.
Cả triệu người lao động,
Một người được mang tên.

Triệu người ấy đơn giản
Chỉ là một đám đông.
Chỉ biết đào và cuốc.
Mồ hôi chảy thành dòng.

Đám đông vô nghĩa lý.
Chẳng đáng nói làm gì.
Xưa hay nay vẫn vậy.
Cái đời này thật kỳ.

217
Cái nước ta thật lạ.
Tiền sĩ hàng chục nghìn,
Thế mà đài và báo
Cứ hàng ngày đưa tin,

Rằng có bác Hai Lúa,
Ít học, ít cả tiền,
Phát minh được cái máy,
Đăng ký đủ bản quyền.

Rồi các vị tiến sĩ,
Các viện trưởng, giáo sư
Viết bài ca ngợi nó,
Không tiết kiệm ngôn từ.

Xong, các tiến sĩ ấy
Trở về viện, ngồi chờ
Các bác hai lúa khác
Có phát minh bất ngờ.

218
Xưa, có anh chàng nọ
Tới một nước Phương Đông,
Sau mười năm vất vả,
Học được nghề mổ rồng.

Trong nghề mổ rồng ấy,
Chàng là siêu chuyên gia,
Number One thế giới.
Có điều khi về nhà,

Không có rồng để mổ,
Chàng suốt ngày nằm dài.
Cái nghề giỏi, cao quí
Chẳng ích gì cho ai.

Câu chuyện này tôi đọc
Trong Cổ Học Tinh Hoa.
Đơn giản, chỉ có vậy,
Nhưng ngẫm kỹ, chúng ta

Có thể rút bài học
Mà chọn nghề cho mình,
Để vừa kiếm được việc,
Vừa lợi cho dân tình.

May mà tôi ngày ấy,
Nhờ thành phần bần nông,
Được cử đi du học,
Không học nghề mổ rồng,

Mà học tiếng, học chữ,
Sau theo nghề văn chương,
Vất vả và bạc bẽo,
Cũng thuộc loại bình thường.

Nhưng sinh nghề, tử nghiệp,
Tôi yêu quí nghề này.
Nhất là được lên mạng
Hầu các bác hàng ngày.

219
Xưa, vào thời Hậu Hán
Ở vùng đất Giang Đông
Có một chàng trai trẻ
Là hàn sĩ Lương Hồng.

Chàng đẹp trai nho nhã,
Luôn giữ đạo thanh bần,
Lại chuyên tâm học tập
Nên nổi tiếng xa gần.   

Cạnh đấy có cô gái
Tên là nàng Mạnh Quang,
Con một nhà giàu có,
Rất lắm bạc, nhiều vàng.       

Phục tài và phục đức
Của hàn sĩ Dương Hồng,
Nàng bỏ bao nhiêu mối
Để lấy chàng làm chồng.

Vì nhà giàu, hôm cưới,
Vốn xinh đẹp ngày thường,
Giờ lại càng lộng lẫy,
Nàng đeo toàn kim cương,

Mặc quần áo bằng lụa,
Lại đính ngọc, thêu vàng
Tất cả nàng trưng diện
Chỉ cốt đẹp lòng chàng.

Thế mà chàng, thật lạ,
Có vẻ không hài lòng,
Bảy ngày sau ngày cưới,
Không chịu lễ động phòng.

Mạnh Quang buồn, hẳn thế,
Và rất đỗi phân vân.
Cuối cùng có người mách
Phải thay đổi áo quần.

Thế là bộ áo đẹp
Được thay bằng vải thô,
Chiếc trâm ngọc nghìn lạng  
Thay bằng khăn cỏ bồ.

Lương Hồng ôm nàng nói:
“Đây mới là vợ ta!
Ta xuất thân nghèo khó,
Vợ không mặc lụa là.”

Từ đấy họ hạnh phúc,
Vui hưởng cảnh thanh bần.
Chàng vẫn là hàn sĩ,
Vợ thành bà nông dân...

*
Câu chuyện chỉ có thế, 
Trích Cổ Học Tinh Hoa.
Cũng có đôi bài học
Ta cần biết, đó là:

Một, cô dâu ngày cưới
Không mặc đẹp, nếu không,
Chồng sẽ chê, sau đó
Không chịu lễ động phòng.

Hai, nhưng quan trọng nhất,
Tuyệt đối không được giàu.
Giàu là chồng nó bỏ.
Càng nghèo, càng yêu nhau.

Ba, sinh viên cứ học,
Không thi, và cứ bần.
Có thế, vợ mới thích,
Vợ, một bà nông dân.

Còn bài học thứ bốn,
Tức phần thêm của tôi:
Trót giàu, nên gắng chịu,
Coi như sự đã rồi.

220
Thời nhà Đường, Trung Quốc
Có một cặp vợ chồng.
Vợ họ Lư, Lư Thị,
Còn anh kia, họ Phòng.         

Họ yêu nhau rất mực,
Một tấm gương cho đời.
Lư Thị vốn nổi tiếng
Đẹp nết, đẹp cả người.

Chồng nàng mắc bệnh nặng,
Không hiểu mắc bệnh gì.
Một hôm nói với vợ:
“Có lẽ tôi sắp đi.

Tôi muốn sau khi chết,
Nàng còn trẻ, lại xinh,
Nên cần đi bước nữa,
Kẻo uổng phí đời mình.”

Lư Thị nghe, bèn khóc,
Rồi lặng lẽ vào phòng,
Tự khoét một con mắt,
Tỏ ý quyết thờ chồng.

Chồng nàng rất cảm động,
Không ngờ mấy tháng sau
Bệnh khỏi, thi, đỗ trạng,
Thành tể tướng, rất giàu.

Dẫu quyền y tột đỉnh,
Ông yêu vợ thực lòng.
Không hề lấy vợ lẽ,
Cả tì thiếp cũng không.

Đó là chuyện cực hiếm
Thời bấy giờ, cho nên
Không ít kẻ đồn đại
Rằng ông sợ bà ghen.

Chuyện đến tai hoàng đế,
Tức là Đường Thái Tôn.
Ngài bèn quyết định thử
Đúng hay sai lời đồn.

Ngài cho gọi bà tới
Bảo: “Chồng bà đã già,
Ta muốn ông được tặng
Một mỹ nhân của ta.”

Lư thị nghe: “Không được.
Vợ chồng con, xin tâu,
Nguyện suốt đời chung thủy,
Sống chết cùng có nhau.”

“Vậy thì ngươi sẽ chết.”
Hoàng đế quát. “Quân bay,
Hãy đưa chén thuốc độc.
Ngươi phải uống chén này.”

Rất thản nhiên, Lư Thị,
Cầm chén thuốc đen xì -
Thực ra thuốc độc giả -
Uống hết chẳng còn gì.

Hoàng đế nhìn, dướn mắt:
“Quả lời đồn không sai.
Ta có vợ như thế,
Cũng sợ, nói gì ai.”

*
Vậy là thêm truyện nữa
Từ Cổ Học Tinh Hoa,
Tôi chép, hầu các bạn,
Để tham khảo gọi là.

Cuốn sách này có lệ
Mỗi truyện kèm lời bình,
Vậy cho tôi được phép
Cũng có lời của mình.

Tất nhiên ai cũng thích
Khi có vợ yêu chồng.
Nhưng yêu như Lã Thị,
Mọi người dám thích không?

Tôi thì dám, nhưng sợ
Do yêu quá, mà rồi,
Móc mắt mình chưa đủ,
Vợ còn móc mắt tôi.

Chưa nói chuyện, ngộ nhỡ,
Ngộ nhỡ thôi, sau này
Muốn có thêm vợ lẽ,
Vợ cả thế thì gay.

Cái thời Đường tốt nhỉ,
Quan đến lúc về già
Được vua ban gái đẹp.
Chẳng bù cho nước ta.

Ngoài lương hưu còm cõi,
Tuyệt đối không còn gì,
Vợ còn bắt nộp hết -
Tin hay không thì tùy.

Tóm lại, vợ thì xấu,
Không yêu chồng đã đành,
Còn vô cớ ghen ghét
Với mấy nàng trẻ ranh.

Còn nhiều điều muốn nói,
Nhưng mà thôi, thực tình,
Nói càng chán. Ai muốn,
Xin viết tiếp lời bình.

221
Người ta mua xe xịn
Chỉ để khoe với người.
Cắn răng chịu tốn kém,
Để được tiếng ăn chơi.

Người ta lấy vợ đẹp
Cũng để khoe, tất nhiên.
Sướng lắm, dù rất khổ.
Nói sai, tôi chết liền.

222
Khi mọi người im lặng,
Tiếng của anh rất to.
Hãy nhớ câu nói ấy
Của Victor Hugo.

Nhớ nhé, khi anh nói,
Mọi người không nói gì,
Tiếng anh to lắm đấy.
Nói hay không thì tùy.

223
Giật mình vì một tốp
Chiêu đãi viên, phi công.
Lừng lững, cao, và đẹp,
Đồng phục hãng hàng không.

Lịch sự và chững chặc.
Tự tin và đàng hoàng.
Bước đi rộng và thẳng,
Toát lên sự vững vàng.

Con cháu chúng ta đấy.
Các bác nhìn thấy không?
Đừng tưởng mình ghê nhé.
Chúng hơn hẳn cha ông.

Lát nữa chúng sẽ lái
Chiếc máy bay khổng lồ
Đưa tôi đến với cháu,
Nhanh gấp mười ô tô.

Máy bay bay cao lắm.
Tôi chẳng lo tẹo nào,
Vì tôi tin tưởng chúng.
Hơn thế, còn tự hào.

Con cháu chúng ta đấy.
Các bác nhìn thấy không?
Đừng tưởng mình ghê nhé.
Chúng hơn hẳn cha ông.


TÔI YÊU VIETJET AIR

Hàng không tư có khác.
Không chính thống chút nào.
Không áo dài tha thướt,
Quần xoọc, bó và cao.

Đầu đội ca-lô lệch,
Chiếc phù hiệu thật xinh.
Trông các cô chiêu đãi
Hệt như hướng đạo sinh.

Những thiên thần bé nhỏ.
Tươi rói như bông hồng.
Lễ độ, chúng mời nước,
Lại còn cười với ông.

Thế mà tội, Mụ Vợ,
Chẳng hiểu Mụ nghĩ gì,
Cứ thích hãng “chính thống”.
Cái Mụ này thật kỳ.

225
Phụ nữ Việt Nam đẹp.
Tôi khẳng định điều này.
Hơn Nhật Bản, Hàn Quốc,
Hơn cả mấy cô Tây.

Sân bay, người đông đúc,
Phần đông là đàn bà.
Tôi nhìn, thấy đẹp nhất
Là phụ nữ nước ta.

Ăn diện rất hợp mốt.
Làn da trắng, mịn màng.
Đường eo thì hết ý.
Ăn nói cũng dịu dàng.

Đôi cô, của đáng tội,
Váy bó, lại hơi cao.
Nhưng tôi, người có tuổi,
Thấy thế cũng chẳng sao.

Nước mình có nhiều cái
Còn thua kém người ta.
Nhưng cái quan trọng nhất
Ta hơn, là đàn bà.

226
Chờ làm thủ tục, mệt,
Uống ly cà phê đen.
Có ai đó ngồi xuống
Chiếc ghế trống kề bên.

Vô tình nhìn, chợt thấy
Một khuôn mặt dịu dàng.
Thanh thoát và rất đẹp,
Nhìn mà cứ ngỡ ngàng.

Cái đẹp một thiếu phụ
Chắc tuổi ngoài ba mươi,
Nhưng có cái gì đấy
Làm xao xuyến lòng người.

Đúng là nàng đẹp thật.
Tôi cúi mặt ngồi im.
Đẹp đến mức bất chợt
Thấy nhoi nhói trong tim.

Và nghĩ: Sẽ có tội,
Hay xúc phạm, sỗ sàng
Nếu ai đó, đâu đó,
Dám chạm vào người nàng.

227
Dân ở đâu cũng thế.
Dân Việt Nam, dân Tàu,
Dân châu Phi, châu Mỹ,
Về bản chất, giống nhau.

Tức là gian, có dịp,
Không việc gì không làm.
Tham nhũng rồi lừa đảo,
Rồi trốn thuế - vì tham.

Sự khác nhau ở chỗ
Chính quyền như thế nào,
Quản lý chặt hay lỏng,
Tuân thủ luật ra sao.

Chính quyền tốt, dân tốt.
Luật pháp nghiêm, dân nghiêm.
Quản lý đâu ra đấy,
Dân sẽ không lèm nhèm.

Ta giờ lắm cái xấu.
Tham nhũng nhiều, tràn lan.
Có trách, trách lãnh đạo.
Đừng trách dân mà oan.

228
Bà Rịa giờ đẹp thật.
Đất đỏ, cây lá xanh.
Nhà mới mọc san sát,
Hoa, trái chín trĩu cành.

Vui được làm thượng khách
Vùng đất tươi đẹp này.
Khánh thành khu nhà mới
Con cháu vừa mới xây.

Chỉ thoáng buồn - trong xóm,
Một xóm nhỏ, bình thường,
Mà dân từ miền Bắc
Nhiều hơn dân địa phương.

229
Chạnh lòng khi nghe nói,
Trước người dân trong này
Ít ai ăn thịt chó.
Nhưng dân Bắc vào đây

Mang theo cái món ấy,
Cùng một lũ lưu manh
Giờ đầu têu, trắng trợn
Trộm chó của dân lành.

Dân Nam hay dân Bắc,
Đều là dân của ta.
Đất lành thì chim đậu.
Đều anh em một nhà.

Biết thì vẫn biết thế,
Nhưng vẫn thấy chạnh lòng.
Ta, dân “bên thắng cuộc”.
Các bác có buồn không?

230
Nói đi, phải nói lại -
Chúng ta, dân, ngày nay
Kêu chính quyền đủ chuyện,
Rằng thế nọ, thế này.

Dân đã kêu, thường đúng.
Cả tôi cũng hay kêu.
Có thể thế là tốt,
Nhưng đừng quên một điều.

Rằng công bằng mà nói,
Đất nước ta ngày nay,
Dẫu chính quyền yếu kém,
Nhưng thay đổi từng ngày.

Nhiều nhà cao, đường đẹp.
Cuộc sống ấm no dần.
Chính quyền, dù còn hỗn,
Nhưng đang học nghe dân.

Có thể thế chưa đủ,
Nhưng với tôi, điều này
Là một niềm vui lớn,
Đủ để vui cả ngày.

231
Mark Twain có nói
Một câu này để đời:
“Tôi càng yêu loài chó,
Khi hiểu rõ loài người.”

232
Tết ông Công, ông Táo,
Người ta ném xuống sông
Những con cá tội nghiệp
Đựng trong túi ni-lông.

Phong tục giờ thế đấy.
Thế đấy “tấm lòng” người.
Nhà Táo cưỡi cá chết,
Không thể không ngậm cười.

233
Giáo sư, tiến sĩ dạy,
Cả Nhà giáo Nhân dân,
Mà sinh viên, thật lạ,
Trốn học, lớp vắng dần.

Nên giáo sư, tiến sĩ
Vào lớp, điểm từng người.
Lúc ra cũng làm thế.
Thôi, có chạy đằng trời.

Cuộc chiến tranh gần nhất
Cách đây ba mươi năm,
Thế mà xe gắn biển
Thương Binh chạy rầm rầm.

Lái những chiếc xe ấy
Lại thường là những người
Khi chiến tranh kết thúc
Còn chưa kịp ra đời.

Nước mình lắm sự lạ.
Lạ nữa là chính quyền
Không hỏi: Sao thế nhỉ?
Và rồi vẫn để nguyên.

Các giáo sư, tiến sĩ
Dạy dốt, bị tẩy chay.
Các “thương binh” khỏe mạnh
Vẫn chạy xe hàng ngày.

234
Ở Hà Nội mỗi sáng
Loa công cộng của phường,
Đúng giờ, lại ông ổng
Làm bật dậy khỏi giường.

Vào Vũng Tàu thăm cháu,
Thức suốt đêm làm thơ,
Rồi lâng lâng ngủ thiếp
Trong tiếng chuông nhà thờ.

Tiếng chuông ấy của Chúa
Đưa tôi lên thiên đường,
Thoát được tiếng địa ngục
Làm bật dậy khỏi giường.

235
Một người mà không biết
Chính mình đang nói gì
Thì người ấy chắc chắn
Không biết mình nghe gì.

Nôm na là hết thuốc.
Đừng nói, đừng thèm dây.
Nước ta nhiều lãnh đạo
Cũng thuộc hạng người này.

236
Sức hút của vũ trụ
Quả rất lớn, có điều
Nó không thể ngăn giữ
Ta rơi vào tình yêu.

Câu nói này chí lý
Là của Einstein.
Vậy các bác lưu ý,
Kẻo mà “rơi” thì phiền.

237
Một bác vừa mới viết:
“Thơ của ông rất tồi.
Tôi đã đọc tất cả,
Mất thời gian của tôi.”

Tôi không đáp, nhưng nghĩ:
Cái bác này thật kỳ.
Một - ai mời bác đọc.
Hai - dở, đọc làm gì?

Nhiều bác trẻ nhận xét:
Thơ đơn giản mà hay.
Nếu muốn, cháu có thể
Viết trăm bài một ngày.

Thỉnh thoảng cũng có vị
Mắng tôi không tiếc lời,
Rằng ăn cháo đái bát,
Rằng phản động, hại đời.

Cũng có vị thẳng thắn
Bảo tôi không đàng hoàng.
Chê rồi khen chế độ,
Kiểu gián điệp hai mang…

Mạng ảo, người cũng ảo,
Chẳng biết ai là ai.
Dẫu không phải là Phật,
Tôi đã bỏ ngoài tai.

Nhân tiện, chỉ muốn nói
Tôi cũng có cái đầu.
Minh mẫn, biết suy nghĩ
Và không ngu lắm đâu.

Là người của chế độ,
Nhờ chế độ thành người.
Nay già, chỉ tâm niệm
Làm việc tốt cho đời.

Thấy sai thì tôi nói.
Thấy đúng thì tôi khen.
Công khai và xây dựng,
Tuyệt đối không xỏ xiên.

Ai thích thì cứ đọc,
Không đuổi, cũng không mời.
Muốn nói gì cứ nói,
Nhưng cũng nên lựa lời.

238
Hôm qua có bữa nhậu.
Tôi ăn nhanh, lên phòng.
Một cô bé mười tuổi,
Đến nói: “Cháu yêu ông”.

“Vì sao?” “Cháu không thích
Người lớn nhậu lai rai.
Ông thì khác, ông viết,
Hoặc giúp cháu học bài.”

Thế đấy, các bác ạ.
Khi chúng ta nhậu lâu,
Vợ con tuy không nói,
Nhưng không thích lắm đâu.

Tôi không quen ăn nhậu
Vì trời nó hành tôi.
Trời không hành, các bác,
Cứ nhậu, nhưng vừa thôi.

239
Niềm tin như tờ giấy.
Trót một lần vò nhàu,
Sẽ rất khó vuốt lại
Phẳng phiu như lúc đầu.

Cũng thế, trong giao tiếp,
Trót một lần lỡ lời.
Ta sẽ phải hối hận.
Mà có khi suốt đời.

240
Thực ra không khoái lắm
Khi được gọi là Thầy.
Đó là trách nhiệm lớn,
Mà trách nhiệm hàng ngày.

Trách nhiệm phải gương mẫu
Với người nhận là trò.
Cả việc bé thường nhật,
Cả đại sự, việc to.

Mà vốn rất phức tạp
Cả đời và cả người.
Có chuyện gì sơ suất,
Không khéo người ta cười.

Vốn làm nghề dạy học,
Đã hơn hai thập niên,
Trò gọi thầy là đúng,
Hợp lẽ và tự nhiên.

Còn với bạn Facebook,
Chắc chỉ gọi cho hay.
Dẫu sao tôi cũng cố
Xứng đáng với từ này.

Thực tình tôi chỉ muốn
Qua văn thơ, giúp người
Học được cái gì đấy
Để sống tốt với đời.

Và khi chết, nếu được,
Mọi người nghĩ về tôi
Như một người tử tế
Và sống đẹp, thế thôi.

Cách gọi thầy trò ấy
Không quan trọng lắm đâu.
Quan trọng là khiêm tốn
Mà học hỏi lẫn nhau.

Cả thánh nhân Khổng Tử
Mà cũng luôn học người.
Ngài học cả Hạng Thác,
Một cậu bé lên mười.

241
Chuyện Ngu Công dời núi
Có thể chỉ hoang đường.
Nhưng không có chuyện ấy
Đời sẽ thành tầm thường.

242
“Tôi may được hơn ngưòi
Nhờ biết đứng sau người”.
Lão Tử nói câu ấy.
Đáng theo và nhớ đời.

243
Con ong cho mật ngọt,
Làm việc không nghỉ ngơi.
Còn trẻ, không chịu học,
Sau lấy gì cho đời?

244
Tứ Thư có bốn cuốn.
Đại Học là cuốn đầu.
Tu thân phải học trước,
Tề gia mới học sau.

Quên đi chuyện trị nước.
Bình thiên hạ - tránh xa.
Con người tốt hay xấu
Ở tu thân, tề gia.

245
Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín -
Ấy là năm đại thường.
Bao trùm lên tất cả
Là tình yêu, tình thương.

246
Nhân chi sơ bản thiện.
Ai cũng tốt ban đầu.
Tính tương cận, tương viễn.
Sau này mới khác nhau.

Khi sinh ai cũng tốt.
Do giáo dục sau này,
Từ những người tốt ấy
Thành kẻ xấu, người ngay.

247
Bản tính người vốn thiện,
Nhưng phải dạy từ đầu.
Trong việc dạy - quan trọng,
Phải dạy đều, dạy lâu.

Con hư tại bố mẹ
Không bảo ban hàng ngày.
Dạy mà không nghiêm khắc,
Trò hư là tại thầy.

Ngọc mà không gọt dũa -
Chỉ viên đá bình thường.
Người mà không chịu hoc
Dễ thành người bất lương.

Đạo làm con - từ nhỏ
Không được quá ham chơi.
Phải tìm thầy học chữ,
Học lễ nghi làm người.

248
Sáng, cứ ườn èo mãi.
Đã lười, lười gấp đôi.
Chíp vào gọi ông dậy
Mẹ bảo cầm chiếc roi.

Chậu hoa bên cửa sổ
Tự nhiên nở mấy bông.
Thằng con rể rất lém:
“Nó nở để đón ông.”

Đang lười, còn muốn ngủ.
Cháu đứng bên, cầm roi.
Thế mà tự nhiên sướng,
Thấy yêu đời gấp đôi.

249
Làm xong hai điếu thuốc,
Hai ly cà phê nâu.
Đủng đỉnh ra vườn dạo.
Thích cái nắng Vũng Tàu.

Vườn mới, cây còn thấp.
Cây nhiều lá, cành dài,
Đứng thành hàng, chào đón,
Chốc chốc vỗ vào vai.

Vườn bên, bà hàng xóm
Đang chổng mông hái rau.
Rồi cười, còn duyên lắm:
“Ông mới vào Vũng Tàu?”

Tôi chào bà, đáp lại,
Rồi khoe, hơi vô duyên:
“Tôi sắp có cháu nữa!”
Bà cười, trông thật hiền.

Tôi là người hạnh phúc,
Có những thứ mình cần.
Cuộc đời này thật đẹp,
Mà tôi là một phần.

250
Thằng rể có ông bác,
Bảy mươi tuổi, nông dân,
Mới in tập thơ đẹp,
Đem phát cho người thân.

Tôi cũng được một cuốn,
Tặng lại tập Châm Ngôn.
Hôm sau, ông đến nói:
“Bác viết như trẻ con.

Đơn giản, dung tục quá.
Được cái thơ có vần.
Bác là trí thức lớn,
Mà thơ như nông dân.

Cái thằng thơ, bác ạ,
Nhất định phải tình yêu.
Phải lâm ly, bay bổng,
Triết lý và cao siêu.”

Tôi đứng nghe ông giảng,
Thầm vui, thấy nước mình
Dân còn yêu thơ phú,
Nghĩa là còn có tình.

Chỉ tiếc thơ ông bác
Quá cao siêu, không vần.
Khác với thơ tôi viết,
Dung dị kiểu nông dân.

Không sao, người một cách.
Làm thơ là vui rồi.
Vui cả việc bác dạy
Cách làm thơ cho tôi.

No comments:

Post a Comment