112
Vấn đề là ở chỗ
Một số bác ngồi yên,
Không chịu làm gì cả
Mà lại muốn có tiền.
Nhiều sinh viên đại học
Thích ra đường chạy rong
Mà lại muốn bài tập
Lúc về nhà đã xong.
Kỳ nữa, có nhiều bác
Chỉ sống bằng ước mơ,
Mà không chịu làm việc,
Nên suốt đời cứ chờ.
113
Dù anh tốt hay xấu
Với những người xung quanh,
Người ta cũng đánh giá
Theo cách nghĩ của mình.
Đó là một chân lý,
Luôn đúng bao đời nay.
Việc mình, mình làm nhé.
Và luôn nhớ điều này.
114
Một nhà thông thái nọ
Có lời khuyên thế này.
Ông cam đoan luôn đúng
Trong giao tiếp hàng ngày:
Đối với mọi câu hỏi,
Im lặng là trả lời.
Phản xạ trước sự việc
Tốt nhất là nụ cười.
Nụ cười và im lặng
Dễ, lại không mất tiền.
Nhớ nhé, hai điều ấy
Giúp bạn được bình yên.
115
Khi anh xin gì đó,
Mà Số Phận không cho.
Điều ấy không có nghĩa
Rằng Số Phận ky bo.
Rất có thể Số Phận
Đang dành sẵn cái gì
Tốt, ý nghĩa hơn thế.
Bao giờ đến, còn tùy.
116
Hơi kỳ, nhưng sự thật,
Rằng ở đời, khi ta
Quá thương yêu ai đó,
Thì kết quả sẽ là
Trong con mắt người ấy,
Người ta quá thương yêu,
Giá trị ta sẽ giảm.
Giảm ít hoặc giảm nhiều.
Sống ở đời thế đấy.
Quả không dễ, đúng không
Vậy nên thế nào nhỉ,
Yêu, cứ giấu trong lòng?
117
Sách Kinh Phật đã dạy:
Ai đó làm hại mình,
Đừng trả thù, hãy đợi,
Rồi Trời Đất anh linh
Sẽ trừng phạt người ấy.
Và nếu bạn gặp may
Được sống lâu, Trời Đất
Cho thấy hình phạt này.
118
Muốn khóc thì cứ khóc,
Hết nước mắt mới thôi.
Khi khóc hết nước mắt,
Ta mới dễ mỉm cười.
Khóc một mình lặng lẽ,
Hay cả trước đám đông
Không có gì xấu hổ.
Cứ khóc cho vợi lòng.
119
Lô-gic chỉ đưa bạn
Đi từ A đến B.
Óc tưởng tượng đưa bạn
Từ A đến Everywhere.
Einstein nói thế
Nhắc mọi người một điều:
Trẻ phải đọc cổ tích
Để tâm hồn phiêu diêu.
120
Muốn thành công, bí quyết
Là không nói “Ước gì”,
Mà phải nói “Mình muốn”,
“Mình sẽ làm!” Làm đi!
121
Thực ra thì phụ nữ
Khi chọn người làm chồng,
Không tìm kiếm hoàn hảo.
Thậm chí giàu cũng không.
Người duy nhất họ muốn
Là yêu vợ, thương con.
Nghèo một chút cũng được,
Nhưng phải giàu tâm hồn.
Đi công tác in ít.
Đi chơi đừng chơi lâu.
Họ muốn chồng quanh quẩn
Ở nhà cho họ hầu.
Chỉ anh nào thông thái
Mới ngộ được điều này.
Vậy nhớ ở nhà nhé
Để vợ hầu hàng ngày.
122
Ở đời, rất có thể
Có ai đó cố tình
Làm bạn phải đau khổ,
Thất vọng hay bực mình.
Tuy nhiên, người tử tế,
Theo Đức Phật Thích Ca,
Đó không phải cái cớ
Để mình hại người ta.
123
Ngày xưa, một đạo sĩ
Sống ngay trên bờ sông.
Mùa nước lũ sắp tới
Có thể cuốn nhà ông.
Có nhiều người đến nhắc
Phải di dời thật nhanh.
Ông nói thần báo mộng,
Hứa bảo vệ cho mình.
Người ta lại tới nhắc
Khi nước đã dâng to,
Nói ông gặp nguy hiểm,
Nhưng ông không hề lo.
Cuối cùng nước lũ đến,
Cuốn nhà ông xuống sông.
Còn đạo sĩ, thật tiếc,
Bị chết đuối giữa dòng.
Sau khi chết, ông gặp
Thần hộ mệnh, và rồi
Trách thần hứa bảo vệ,
Thế mà ông chết trôi.
Thần đáp thần đã giúp
Bằng cách cử nhiều người
Đến nhắc ông nguy hiểm,
Nhưng ông chẳng di dời.
Đức Phật cho ta thấy
Một chân lý, đó là
Ngài chỉ con đường sáng,
Không làm hộ cho ta.
Và rằng giáo lý Phật
Chia đều cho chúng sinh.
Còn hiểu và thực hiện
Là tùy thuộc ở mình.
124
Ông quan đại thần nọ
Được giao dạy con vua,
Tức là dạy thái tử,
Một cậu bé thích đùa.
Cậu nhằm ông trêu chọc,
Việc ấy ông cho qua.
Nhưng cậu hay cáu giận
Đã làm ông lo xa.
Vì sớm muộn, thái tử
Cũng nối ngôi cha mình.
Nếu vua hay tức giận,
Vua không còn thông minh.
Đó sẽ là tai họa
Cho đất nước sau này.
Nên ông quyết tìm cách
Trừ họa từ hôm nay.
Một hôm ông dẫn cậu
Tới một bụi cây hồng.
Có con ong ở đấy
Đốt tay cậu sưng phồng.
Cậu bé òa lên khóc,
Dọa sẽ mách vua cha.
Ông nói: “Cậu mách hộ
Cả cái này cho ta!”
Rồi ông chỉ xuống đất,
Một cảnh tương hãi hùng:
Con ong vừa đốt cậu,
Chết, gan ruột xổ tung.
“Cậu nhìn đi, - ông nói. -
Bị trêu chọc, con ong
Do vì quá tức giận,
Đốt tay cậu sưng phồng.
Kết quả thì cậu thấy,
Chính nó tự giết mình,
Vì không thể kiềm chế
Mà mất trí thông minh!”
Thái tử ngay tối đó
Mách vua cha điều này.
Vua không những không phạt,
Mà còn thưởng ông thầy.
Về sau cậu bé ấy
Thành một đấng minh quân,
Thông minh, luôn điềm tĩnh
Và rất được lòng dân.
Đức Phật thường vẫn dạy
Mọi bất hạnh bắt đầu
Bằng một cơn cuồng giận
Để hối hận về sau;
Rằng đời người đau khổ
Chủ yếu vì Tham, Sân.
Kiềm được hai cái ấy,
Mọi cái sẽ tốt dần.
125
Người chồng tốt đích thực
Không đòi hỏi gì nhiều
Ngoài trung thực, chung thủy,
Thông cảm và tình yêu.
Phụ nữ có chồng tốt
Cũng phải dành cho chàng
Cái tốt nhất mình có.
Kể cả cái “nghìn vàng”.
126
Hôm qua, đi ăn sáng,
Bắt quả tang thấy mình
Liếc nhìn một cô gái
Mặc quần xooc, rất xinh.
Thế đấy, chết đến đít,
Vẫn thích thói trăng hoa.
Mà vui hay buồn nhỉ,
Mình già, hay chưa già?
127
Tôi nghĩ thế này sướng -
Đúng mười giờ, lên giường,
Ngủ, mơ giấc mơ đẹp,
Quên hết chuyện đời thường.
Sáng dậy, ta tỉnh táo
Quay lại chuyện thường ngày.
Được nạp thêm năng lượng,
Ta làm việc hăng say.
Là ý tôi muốn nói
Giấc ngủ cần cực kỳ.
Nên phải đi ngủ sớm.
Vứt mẹ thằng ti-vi.
Để ngủ cho ngon giấc,
Để được vào cõi tiên,
Nên đọc khoảng một tiếng
Rồi với tay tắt đèn.
Lời khuyên của tôi đấy.
Một lời khuyên thông minh.
Thế mà tôi, thật tiếc,
Không thực hiện với mình.
Vì tôi già, sắp chết,
Phải tranh thủ từng ngày.
Viết được gì thì viết,
Kẻo hối hận sau này.
Còn các bác, đang trẻ,
Cứ ngủ thật nhiều vào.
Cuộc đời dài phía trước.
Sướng một tí, không sao.
128
Chừng nào bạn đang có
Một việc làm hàng ngày,
Mái nhà tránh mưa gió,
Trước cổng, một hàng cây.
Ngủ dậy, ngồi ăn sáng,
Quây quần bên người thân.
Có lẽ thế là đủ
Cái hạnh phúc bạn cần.
Bạn còn muốn hơn thế?
Vâng, cơ hội còn đầy.
Nhưng tôi, vốn khiêm tốn,
Hài lòng với chừng này.
129
Món quà quí giá nhất
Một người chồng thông minh
Có thể tặng cho vợ,
Là thời gian của mình.
Thời gian để chú ý,
Giúp đỡ và thương yêu.
Để đôi lúc lặng lẽ
Cùng ngắm mặt trời chiều.
Tại sao lại không nhỉ,
Việc cùng ngắm hoàng hôn?
Điều này cũng cần thiết
Cả khi đã có con.
Tình yêu sẽ luôn đẹp
Như buổi ấy ban đầu,
Nếu chúng ta biết cách
Dành thời gian cho nhau.
130
Tôi có một nhận xét,
Không biết đúng hay sai,
Là các bác thường ngại
Đọc những bài dài dài.
Ngược lại, chắc vì trẻ
Các bác thường like nhiều
Những bài ngắn, mùi mẫn
Về mơ mộng, thương yêu.
Trong khi đó, bên cạnh
Nhiều bài hay, sâu xa
Mà tôi, tác giả, thích,
Nhưng các bác bỏ qua.
Không sao, các thế hệ
Có sở thích khác nhau.
Không thể bắt người trẻ
Giống ông lão bạc đầu.
Đọc cái gì cũng được.
Like hay không, chẳng sao.
Miễn là các bác đọc,
Đọc bất cứ bài nào.
Tôi, tác giả, tâm niệm
Chỉ viết những điều lành,
Nhắc người trẻ sống tốt,
Lo tu dưỡng, học hành.
Còn ba cái thế sự,
Tôi chẳng thích lắm đâu,
Nhưng, viết vẫn phải viết,
Vì thế hệ mai sau.
Là vì, các bác ạ,
Trẻ không chỉ ăn chơi,
Mà phải biết, thấm thía
Cái đau của cuộc đời.
131
Thêm một lời khuyên nữa,
Là gặp đứa trẻ nào,
Cho dù bận đến mấy,
Cũng phải cười và chào.
Điều này rất quan trọng,
Để giúp trẻ thành người,
Tin yêu vào cuộc sống
Và cái đẹp của đời.
Cá nhân tôi, trong xóm,
Đứa bé nào cũng quen.
Gặp là chào Ông Béo
Và cười, trông thật hiền.
132
Hình như tôi đã tạo
Một dòng thơ khác người,
Là Khẩu Thi, thơ nói,
Dung dị, thật như đời.
Nhiều khi rất chợ búa,
Đôi lúc lại thâm trầm.
Nhưng xuyên qua tất cả
Là cái tình, cái tâm.
Thơ về đủ mọi chuyện,
Từ “chính chị, chính em”,
Đến tình yêu, thế sự,
Và những vì sao đêm.
Mặc các bạn đồng nghiệp
Trách tôi đang phá thơ.
Ừ thì tôi phá đấy,
Vì ghét cái ỡm ờ,
Cái ẫm ương triết lý
Thực sự chẳng ai cần.
Cái lối thơ hiện đại
Đếch niêm luật, đếch vần.
Cái tôi quan tâm nhất
Không phải là văn chương,
Mà phản ánh cuộc sống
Trần trụi của đời thường.
Tôi chẳng hề mơ ước
Giải thưởng Hội Nhà Văn.
Tôi viết để nói hộ
Tiếng nói của người dân.
Chỉ mong thơ tôi viết
Mọi người đọc, mỉm cười,
Học được cái gì đấy
Để sống tốt với đời.
Thơ tôi là thế đấy,
Kiểu năm chữ, có vần.
Thích thì cứ tạm gọi
“Phong cách Thơ Nhân Dân”.
133
Ở đời, người ngu dốt,
Vâng, chính những người này,
Thường lên tiếng chửi mắng
Người nói thật, người ngay.
Cũng họ, vì ngu dốt,
Thường chê người thông minh.
Và lên tiếng bảo vệ
Kẻ đang áp bức mình.
134
Sống với đúng ý nghĩa sống
Quả thật không nhiều người.
Hầu hết chỉ đơn giản
Là tồn tại trên đời.
Cứ cho là tồn tại.
Tồn tại cũng chẳng sao.
Vấn đề nằm ở chỗ
Ta tồn tại thế nào.
135
Một con chim bị nhốt
Quá lâu, trong góc nhà.
Khi cửa lồng được mở
Nó không chịu bay ra.
Là vì cái tâm lý
Quen bị nhốt trong lồng,
Làm nó sợ, không dám
Bay vút lên tầng không.
Cần thời gian để nó
Kịp nhớ lại bầu trời.
Quy luật này cay đắng
Cũng đúng với con người.
136
Sống ở đời thật khó.
Làm cừu sẽ rất buồn.
Làm chó sói nguy hiểm,
Bị săn và cô đơn.
Sợ cô đơn, nguy hiểm.
An toàn là tối ưu,
Dẫu buồn và nhục thật,
Người ta chọn làm cừu.
137
Mỗi người một sở thích.
Mỗi người một đam mê.
Có nhiều người, thật lạ,
Trong giấy phút nặng nề
Khi nhìn thấy cuốn sách,
Chợt thấy lòng thảnh thơi.
Tôi cũng trong số ấy.
Luôn luôn, và suốt đời.
138
Nhiều người khi đọc sách
Thấy buồn chán. Vì sao?
Vì cái tâm chưa tĩnh,
Nên đọc mà không vào.
Còn một lý do nữa.
Đó là chọn sách sai.
Chọn sách như chọn bạn,
Nghiêm túc và lâu dài.
Không thể sống thiếu bạn.
Bạn là một phần đời.
Không thể sống thiếu sách.
Sách là bạn của người.
Bạn, có nhiều bạn xấu.
Sách, có cuốn không hay.
Chỉ mình anh có thể
Biết rõ được điều này.
139
Nhiều người lớn cứ nghĩ
Sách viết cho trẻ con
Phải dạy cái gì đấy
Để chúng học, lớn khôn.
Điều ấy có thể đúng,
Nhưng chỉ đúng một phần,
Thậm chí là phần nhỏ.
Vì cái trẻ con cần
Không phải là giáo huấn,
Mà chính lời tiếng cười.
Tiếng cười mới quan trọng,
Vì nó là cuộc đời.
140
Rùa đực và rùa cái
Làm chuyện ấy với nhau.
Làm xong, rùa đực nói:
“Chào em, mai gặp sau.”
Ngày tiếp, rùa đực đến,
Đang háo hức lửa tình,
Thấy rùa cái nằm ngửa,
Rõ ràng đang đợi mình.
“Em rùa này được đấy.
Đúng là dân chịu chơi.”
Rùa cái nghe, tức giận,
Hết chửi đất, chửi trời,
Quay sang chửi rùa đực:
“Chơi cái gì? Hôm qua
Xong việc là tếch thẳng,
Quên không lật người ta!”
*
Bài học: Xin các bác
Luôn ghi nhớ trong lòng,
Phải kiểm tra cho chắc,
Có quên lật ai không!
141
Chiếc ô nhỏ không thể
Ngăn được trời mưa rơi.
Nhưng nhờ chiếc ô ấy,
Ta không bị ướt người.
Cũng thế, tin Số Phận
Không giảm được buồn đau.
Nhưng nhờ niềm tin ấy,
Ta chịu được, chịu lâu.
Niềm tin vào Số Phận,
Không mê tín dị đoan,
Đó là một góc nhỏ
Giúp ta thấy an toàn.
142
Cuộc sống chỉ thực sự
Được bắt đầu khi anh
Dám rón rén cất bước
Khỏi tổ ấm gia đình.
Không có người che chở.
Gió bão quật tơi bời.
Nhưng đó chính là lúc
Anh thấm thía cuộc đời.
Và gió bão càng mạnh,
Sự thật càng đắng cay,
Anh càng được tôi luyện
Để đứng vững sau này.
143
Trẻ con thích bắt chước,
Nên bố mẹ làm gì,
Chúng sẽ làm như thế.
Còn làm hơn, đôi khi.
Đặc biệt những việc xấu,
Chúng bắt chước rất nhanh.
Chúng hư, trách mình trước
Sau mới trách con mình.
Nên dạy thì cứ dạy.
Quan trọng là làm gương
Cho con trẻ bắt chước
Trong cuộc sống đời thường.
Bố mẹ nào, con nấy -
Các cụ dạy từ lâu.
Xin lưu ý điều ấy.
Mà phải ngay từ đầu.
144
Có người đàn ông nọ
Tới một tỉnh Miền Đông,
Tán tỉnh một cô gái,
Rồi rủ cô lên phòng.
Sáng hôm sau, cùng bạn
Ngồi trong quán cà phê,
Không phải không thích thú,
Anh ta đem ra khoe:
“Con gái giờ rẻ thật.
Rẻ đến mức khó tin.
Chỉ một chai rượu dở
Và thêm mấy trăm nghìn…”
Anh ta không hề biết
Rằng cô gái đêm qua
Cũng đang ngồi với bạn,
Tán gẫu bên ly trà.
“Mày ạ, giờ đĩ đực,
Nhiều và rất hồn nhiên.
Hú một cái là đến,
Lại không phải trả tiền.”
PS
Bài này, tôi muốn nói:
Khi một người mua dâm,
Là anh ta tự hạ
Xuống thấp hơn một tầm.
Và rằng đừng tinh tướng
Mà khinh rẻ người ta.
Gái bán hoa tử tế
Hơn đàn ông mua hoa.
145
Muốn hôn nhân hạnh phúc,
Đơn giản chỉ thế này:
Chồng sợ vợ một chút,
Hoặc vờ sợ, hàng ngày
Hết mọi chuyện lớn nhỏ
Giao vợ quyết là xong.
Và vợ luôn luôn đúng,
Cả khi trái ý chồng.
Nhận lương về đưa hết,
Không chừa lại đồng nào.
Tiền xăng để vợ đổ.
Ăn sáng cho vợ bao.
Thế là anh chồng sướng.
Được “gái” bao còn gì.
Tôi luôn luôn làm thế
Nên thoải mái cực kỳ.
Theo kết quả nghiên cứu
Một công trình vừa qua,
Nhà nào chồng sợ vợ,
Là vui cửa yên nhà.
146
Nhiều người biết nhiều chuyện
Nhưng lại chẳng nói gì.
Nhiều người chẳng biết gì,
Mà thích nói nhiều chuyện.
Nhiều người tiền đầy két
Thế mà không muốn tiêu.
Nhiều người rất muốn tiêu
Mà không tiền trong két.
Nhiều người rất ngu dốt
Xài điện thoại thông minh.
Nhiều người rất thông minh,
Xài điện thoại lạc mốt.
Nhiều người óc thì ngắn
Mà lại thích chân dài.
Nhiều người tóc rất dài
Mà chân lại quá ngắn.
Cuộc đời là thế đấy,
Trái khoáy và nhiễu nhương.
Nhiều người biết rất rõ.
Nhiều người - cũng thường thường.
147
Còm tục tĩu một nhẽ.
Văn tục tĩu mới kinh.
Lại còn nhạc tục tĩu.
Nghe mà thấy rùng mình.
Tục tĩu toàn tập ấy,
Tôi nghĩ không ngẫu nhiên.
Nó là cái ung nhọt
Đã bắt đầu nhú lên.
Khi đạo đức xuống cấp,
Cũng toàn tập, thật kinh,
Thì ăn nói tục tĩu
Là cách bảo vệ mình.
148
Cuộc sống sẽ chấm dứt
Khi ta thôi ước mơ.
Hy vọng sẽ chấm dứt
Khi ta thôi đợi chờ.
Tình yêu sẽ chấm dứt,
Sau thất vọng, buồn đau,
Khi hai người lặng lẽ
Không quan tâm đến nhau.
149
Nói dối là nói dối -
Chuyện người hay chuyện mình,
Chuyện to hay chuyện nhỏ,
Nói dối là đáng khinh.
Thật lạ, có nhiều bác
Nói dối rất thản nhiên.
Không cần cũng nói dối,
Như mắc bệnh kinh niên.
Mà nó đúng là bệnh,
Rất khó chữa xưa nay.
Tuy nhiên, vẫn chữa được,
Theo tôi, bằng cách này.
Mỗi lần ta nói dối,
Mình bắt mình quả tang,
Thì tự vả vào miệng,
Vả mạnh hay nhẹ nhàng.
Nếu làm được như thế
Mọi lúc và hàng ngày.
Ta thành người tử tế
Tự lúc nào không hay.
150
Tiền công một đô rưỡi
Cho những người làm thuê
Suốt ngày chang giữa nắng
Trên đồn điền cà phê.
Những đứa trẻ nghèo đói
Mót cà phê, gặp may,
Hơn nửa đô gì đấy.
Cũng chang nắng suốt ngày.
Một ly cà phê nhỏ,
Một đô, quán bình dân.
Trong nhà hàng, khách sạn
Gấp ba hay bốn lần.
Đó là những con số
Chính xác và khô khan.
Nêu để mọi người biết.
No comment, miễn bàn.
Và đó là thực tế
Không riêng với cà phê,
Mà toàn bộ xã hội.
Một thực tế nặng nề.
Sự trớ trêu lớn nhất
Là giữa dân và quan.
Các bác đều đã biết.
No comment, miễn bàn.
151
Từ lúc ba lăm tuổi
Phật giảng đạo cho đời.
Bốn lăm năm sau đó
Ngài đã đi nhiều nơi.
Khắp cả nước Ấn Độ,
Những nơi nào Ngài đi,
Ngài giảng về an lạc,
Tình thương và từ bi.
Ngài kể nhiều câu chuyện
Trong khi giảng hàng ngày.
Đây là một thí dụ
Được lưu truyền đến nay.
Xưa có ông vua nọ,
Rất kiêu hãnh, rất giàu,
Muốn xây cung điện lớn
Để lưu truyền về sau.
Vua tìm thấy cây gụ
Rất cao to giữa rừng,
Rất hợp làm trụ đỡ,
Vì thế vua vui mừng.
Đêm ấy vua nằm ngủ,
Thấy giấc mơ thế này:
Có một người to lớn
Tự xưng là thần cây
Đến gặp vua và nói:
“Tôi đã sống mấy đời
Trong thân cây gụ ấy.
Xin ngài tha cho tôi.
Mỗi nhát dao ngài chặt
Sẽ làm tôi rất đau.
Nếu nay mai tôi chết.
Cháu con tôi sống đâu?”
Ông vua quyết không chịu,
Vì cần gỗ xây nhà.
Cuối cùng ông kia nói:
“Một khi ngài không tha,
Thì xin cho người chặt
Từng đoạn một, ngắn thôi.
Bắt đầu chặt từ ngọn,
Cho đến tận chân tôi.”
“Nếu ta chặt từ gốc,
Ông chỉ đau một lần. -
Vua nói. - Chặt từ ngọn,
Mà lại thành nhiều phần,
Ông sẽ đau gấp bội.
Sao ông muốn điều này?”
“Vì thân tôi cao lớn,
Lá nhiều và rất dày.
Nếu ngài chặt từ gốc,
Tôi ngã, thân và cành
Sẽ đè chết chim chóc
Và cây cối xung quanh.
Nếu ngài chặt từ ngọn,
Mà từng đoạn, ngắn thôi
Thì sẽ ít sinh vật
Phải đau đớn vì tôi.”
Vua nghe xong, chợt tỉnh.
“Con người này tốt sao.
Sẵn sàng chịu đau đớn
Để cứu giúp đồng bào.
Ta, một người ích kỷ,
Nhưng sau bài học này,
Thay cho việc đốn hạ,
Ta lập miếu thờ cây.”
152
Xưa có anh chàng nọ
Được trời ban nhiều tài.
Rất thông minh, mẫn tiệp,
Khỏe mạnh và đẹp trai.
Ấy là chưa nói chuyện
Anh học gì cũng nhanh.
Chỉ một thời gian ngắn
Đã hơn hẳn thầy mình.
Rốt cục, tuy còn trẻ,
Văn võ đã toàn tài.
Không môn gì không giỏi,
Chưa bao giờ thua ai.
Chẳng còn gì để học.
Anh ta thôi tìm thầy
Mà đi tìm đối thủ,
Tìm khắp hết đó đây.
Vậy mà tìm chẳng thấy.
Quả người giỏi không nhiều.
Nghĩ mình tài giỏi nhất,
Anh đã bắt đầu kiêu.
Một hôm, giữa đồng vắng,
Anh gặp một ông già
Tay ôm bát khất thực,
Người mặc áo cà-sa.
Thấy ông cụ đạo mạo,
Anh hỏi cụ là ai?
Ông cụ đáp là Phật.
“Là Đức Phật Như Lai?”
Đức Phật đáp: “Đúng thế.”
“Nghe nói Phật thần thông,
Tôi tìm người thách đấu.
Phật có nhận lời không?”
“Bây giờ ta đang bận
Chiến đấu với chính mình.
Đối thủ đang gờm nhất
Chính là bản thân anh.
Khi nào thắng được nó,
Anh hãy đến tìm ta.”
Nói đoạn, Phật đi tiếp.
Biến mất giữa nắng tà.
Anh chàng vô địch ấy
Đứng nhìn theo hồi lâu.
Lời nói của Đức Phật
Âm vang mãi trong đầu.
Đối thủ đang gờm nhất
Chính là bản thân ta.
Bao năm tìm đối thủ,
Thế mà tìm không ra.
Nó là lòng tự phụ,
Mình tưởng mình nhất đời,
Và bao thói xấu khác
Thuộc bản năng con người.
*
Anh chàng này nghe nói,
Sau xuống tóc xuất gia,
Sống trong chùa lặng lẽ
Cho đến tận tuổi già.
Một lần có người hỏi:
“Sao tài nghệ ông cao
Mà sao tôi không thấy
Ông thi đấu lần nào?”
Ông đáp: “Tôi đang bận
Thi đấu với chính mình.
Hy vọng tôi sẽ thắng
Để được hưởng yên bình.”
153
Nói, ai cũng nói được.
Làm, khó hơn, tất nhiên.
Nhất là khi câu chuyện
Có dính đến chút tiền.
Chú ý nhìn, sẽ thấy
Phần lớn nói đãi bôi.
Tây gọi “lip service”.
Các bác cứ tin tôi.
Thích thì nghe cho biết.
Tin, nên tin vừa vừa.
Bài học này đơn giản
Từ lâu tôi biết thừa.
Mà có lẽ các bác
Cũng nên xem lại mình.
Một khi lòng còn ít,
Bơn bớt nói chữ tình.
154
Phụ nữ, mập vừa phải,
Trông như múi mít ngon.
Mắn đẻ và phồn thực,
Nhìn đâu cũng thấy tròn.
Người đàn ông tinh tế
Thích loại phụ nữ này.
Vừa “đậm đà bản sắc”,
Vừa da dẻ phây phây.
Vậy, khuyên các bác nữ:
Muốn bắt mắt đàn ông,
Đừng ăn kiêng, đỡ khổ,
Lại không sợ ế chồng.
155
Ở đời Đường, Trung Quốc
Có thiền sư Ô Sào.
Ô sào là tổ quạ,
Tít trên ngọn cây cao.
Người ta gọi ông thế
Vì bà mẹ sinh ông,
Thấy dị dạng, xấu xí,
Không muốn bế vào lòng.
Mà đặt vào tổ quạ
Trên cây đại thụ già
Ngay trước ngôi chùa cổ
Có cây cối xùm xòa.
Ông lớn lên ở đấy.
Đêm, nó là giường nằm.
Và ông thấy thoải mái
Sống thế suốt nhiều năm.
Sau đi tu, đắc đạo,
Ông lại leo trên cây,
Kê chiếc ván đủ rộng
Ngồi định thiền suốt ngày.
Có một ông quan lớn,
Cũng là một thi hào,
Đó là Bạch Cư Dị,
Đi ngang nhà Ô Sào.
Vốn không thích những kẻ
Yếm thế, trốn cuộc đời,
Thị lang Bạch Cư Dị
Nói, ngửa mặt lên trời:
“Phải chăng đất thiếu chỗ,
Mà phải leo lên cây?
Vừa nguy hiểm vừa chối.
Khéo rồi ngã có ngày.”
Ô Sào thiền sư đáp:
“Bẩm quan, chỗ của tôi
An toàn và chắc chắn
Hơn chỗ quan đang ngồi.”
“Kiệu tôi rộng, thoải mái, -
Bạch Cư Dị hỏi ông. -
Tôi thấy nó chắc chắn.
Sao ông bảo là không?”
“Bẩm quan, là quan lớn,
Quan chỉ dưới mấy người
Nhưng trên cả trăm họ
Như quan biết, thói đời
Trên yêu thì dưới ghét,
Được vua thì mất dân.
Thành ra quan ở giữa
Khó lòng mà yên thân.
Chỗ của quan là thế -
Kê trên lưỡi người đời.
Hỏi làm sao chắc chắn
Bằng cây này của tôi?”
Bạch Cư Dị im lặng,
Ngồi cúi đầu nghĩ suy.
“Xin thầy cho tôi biết
Lời Phật dạy là gì?”
“Phật dạy: Không làm ác.
Chỉ được làm điều lành
Và thường xuyên thanh lọc
Ý nghĩa và lòng mình.”
“Điều ấy thì con trẻ
Lên ba đã thuộc lòng.”
“Thưa, hỏi ngài, người lớn,
Có luôn làm được không?”
*
Ông quan nhà thơ ấy,
Giàu có và thanh cao,
Nghe nói sau dâng lễ
Làm đệ tử Ô Sào.
156
Câu chuyện này có thật.
Vào thế kỷ mười lăm,
Trong một ngôi làng nhỏ
Nước Đức xưa tối tăm,
Có một gia đình nọ,
Những mười tám người con.
Bố làm thợ vàng bạc,
Vất vả để sinh tồn.
Dù quần quật làm việc,
Gia đình ông Durer
Vẫn bữa no bữa đói
Và thiếu thốn trăm bề.
Albrecht và Albert,
Hai con lớn của ông,
Từ lâu luôn ấp ủ
Một giấc mơ cháy lòng.
Là tới Nuremberg
Để học vẽ, tuy nhiên,
Gia đình nghèo đói thế,
Biết lấy đâu ra tiền?
Cuối cùng, họ quyết định
Tung đồng xu trước cha.
Ai thắng sẽ đi học.
Ai thua sẽ ở nhà.
Người thua phải làm việc
Dưới hầm mỏ, lấy tiền
Nuôi người thắng ăn học
Để thành tài, đi lên.
Khi học xong, người thắng
Sẽ phải giúp người thua
Bằng tiền tranh bán được,
Nếu đẹp, có người mua.
Nếu không, phải làm thợ
Dưới hầm mỏ hàng ngày
Nuôi người thua ăn học,
Thử tài và vận may.
Albrecht đã thắng.
Tháng sau anh lên đường
Tới thành Nuremberg,
Và được nhận vào trường.
Hàng tháng anh đều đặn
Nhận tiền của em trai
Người làm dưới hầm mỏ
Suốt những bốn năm dài.
Anh là người có chí
Và năng khiếu bẩm sinh,
Nên học hành tấn tới,
Bán được rất nhiều tranh.
Học xong, Albrecht,
Một họa sĩ có tài,
Trở về quê, háo hức
Giúp đỡ người em trai.
Nay Albert có thể
Học vẽ như anh mình
Sau bốn năm vất vả
Và chịu nhiều hy sinh.
Thế mà Albert khóc,
Ngượng ngùng chìa hai tay,
Do lao động vất vả,
Bị méo dập, cộm dày.
Với đôi tay như thế
Thì giấc mơ vẽ tranh,
Dù cố học đến mấy,
Cuối cùng vẫn không thành.
*
Durer Albrecht,
Thế kỷ thứ mười lăm.
Một danh họa thế giới,
Giàu có và tiếng tăm.
Tranh ông là báu vật,
Ở Đức và nước ngoài.
Nhưng ông luôn mặc cảm
Mắc nợ với em trai.
Tác phẩm nổi tiếng nhất
Của người họa sĩ này
Là một bức tranh lớn
Có hình hai bàn tay.
Hai bàn tay Albert,
Đen xạm, không tươi hồng.
Nhăn nheo và biến dạng,
Đang nguyện cầu cho ông.
157
Khi bạn yêu ai đó
Không phải vì vẻ ngoài,
Mà tâm hồn, tính cách,
Tình yêu sẽ lâu dài.
Và điều kỳ lạ nữa -
Bạn sẽ thấy người yêu
Dẫu thế nào vẫn đẹp,
Trong mọi việc, mọi điều.
PS
Nhân tiện, xin được nhắc
Một thực tế thế này:
Vợ có xinh đến mấy,
Chỉ cãi nhau một ngày,
Là cái xinh của vợ
Sẽ lập tức bốc hơi.
Còn cái xấu tính cách
Ở với bạn suốt đời.
158
Chân lý này chẳng lạ,
Rằng chúng ta con người
Thích nhàn, thích dễ dãi
Và, đặc biệt, thích lười.
Chỉ khi bị thúc ép
Hay nhờ quyết tâm cao,
Ta mới chịu làm việc,
Và bớt lười phần nào.
Tôi cũng không ngoại lệ,
Tức là cũng thích lười.
Thế mà vẫn đều đặn
Viết, viết mãi, suốt đời.
Là vì tôi cam kết
Với bản thân từ đầu:
Chưa viết, chưa đi ngủ,
Dẫu chỉ một vài câu.
Cũng khó chịu lắm đấy,
Nhưng dần dần sẽ quen.
Đến nay thì sự viết
Đã thành lẽ đương nhiên.
Nếu muốn, xin các bác
Cứ học tôi điều này.
Đưa mình vào kỷ luật,
Tạo thói quen hàng ngày.
Thói quen luôn đọc sách,
Giúp con cái học bài.
Giúp vợ rửa bát đĩa,
Không cần, không ra ngoài.
Các bác sẽ làm được,
Miễn là có quyết tâm.
Thí dụ, chưa rửa bát,
Cương quyết không đi nằm.
159
Cảm động cảnh hoa hậu
Tới vùng sâu, vùng xa,
Trường học và bệnh viện
Để thăm hỏi, tặng quà.
Những cử chỉ âu yếm,
Những lời nói thương yêu,
Những món quà nho nhỏ,
Của ít mà lòng nhiều.
Thật tốt, các hoa hậu,
Ân cần và dịu hiền.
Thật đẹp, các hoa hậu,
Đẹp như những nàng tiên.
Cái tốt, cái đẹp ấy
Được chụp ảnh, được ghi.
Nhiều cảnh, nhiều góc độ,
Để tối lên ti-vi.
Chỉ tiếc các hoa hậu
Làm từ thiện một lần
Rồi quay về catwalk,
Lại mặc áo vai trần.
Rồi mua váy tiền tỉ,
Rồi mắc bệnh ngôi sao,
Rồi quên những người bệnh,
Những đứa bé hôm nào.
*
Chợt nhớ bà lão nọ
Nhặt ve chai, suốt đời
Nấu cháo phát miễn phí
Làm phúc cho nhiều người.
Chợt nhớ ở Đà Lạt,
Một người gom người điên,
Hàng chục người, nuôi họ.
Mà suốt nhiều năm liền.
Chợt nhớ những đứa trẻ
Bị bố mẹ bỏ rơi
Được các sư nuôi dưỡng
Đến khôn lớn thành người.
Hoa hậu làm từ thiện
Có phóng viên đi theo.
Coi như một thủ tục,
Phải đến với người nghèo.
Người khác làm từ thiện,
Không cần ai biết mình.
Nhiều năm không lên báo,
Cũng không lên truyền hình.
PS
Chợt nhớ cả mình nữa.
Bốn mươi năm làm thơ
Lặng lẽ không ai biết.
Chẳng đài báo bao giờ.
Làm thơ mang cái đẹp,
Cái tốt đến cho đời,
Để cuộc sống thêm đẹp
Và người luôn yêu người.
Còn cả chuyện này nữa.
Dạy học hăm lăm năm.
Cũng một dạng từ thiện.
Dạy cái chữ, cái tâm.
160
Người nghèo khổ bán báo,
Bán vé số, đánh giày.
Bán dao kéo, hoa quả,
Hoặc những người ăn mày…
Có thể không ít lúc
Họ làm bạn bực mình.
Có thể, nhưng nhất thiết
Bạn không được coi khinh.
Lại càng không đùa nghịch
Đem họ làm trò cười.
Làm thế là có tội.
Vì họ là những người
Do hoàn cảnh bắt buộc
Phải làm những nghề này.
Kiếm từng đồng xu nhỏ,
Chang giữa nắng suốt ngày.
Họ cần, hơn ai hết,
Tình thương yêu, tình người.
Nếu được, hãy hào phóng
Cho họ một nụ cười.
161
Thơ có thể dài ngắn,
Có thể hay, không hay.
Nhưng với tôi, quan trọng
Là phải viết hàng ngày.
Với các bạn, người đọc,
Lúc thích ít, lúc nhiều.
Cũng có lúc thấy mệt,
Nhưng nên đọc đều đều.
Vì sao? Vì sự đọc
Giúp ta trưởng thành dần.
Suy cho cùng, sách báo
Cũng cần như miếng ăn.
Dẫu chưa hay, dẫu mệt,
Tôi, các bạn hàng ngày
Phải viết và phải đọc,
Phải cố tìm cái hay.
Vì chúng ta cùng có
Mục đích chung ở đời,
Là vươn tới cái đẹp,
Cái ấm áp tình người.
162
Có hai đạo sĩ nọ
Cùng nhau đi trên đường,
Bỗng gặp một cô gái
Xinh đẹp và dễ thương.
Cô gái ấy xinh đẹp
Ngồi bên dòng suối sâu,
Muốn sang bên kia suối
Mà tiếc chẳng có cầu.
Có việc, cần đi gấp,
Biết làm sao bây giờ?
Lội thì sợ ướt váy,
Nên cô dành cứ chờ.
Hay chuyện, hai đạo sĩ
Dừng lại, dáng phân vân,
Rồi một người trong họ
Dùng hai cánh tay trần
Bế cô vượt qua suối.
Rồi hai người lại đi.
Một người đã phạm giới,
Nhưng không ai nói gì.
Tối đến anh bạn trách
Sao dám bế đàn bà.
Người kia thản nhiên đáp,
Vô tư và thật thà:
“Ừ thì tôi phạm giới,
Chỉ một chốc mà thôi.
Vả lại tôi làm thế
Là chỉ để giúp người.
Còn anh, anh không giúp,
Nhưng lại bế cô ta
Từ bờ con suối ấy
Đến tận đây, tận nhà.
Câu chuyện này của Phật
Dạy ta hiểu: Đôi khi
Người thực sự phạm giới
Là người không làm gì.
163
Chuyện này cũng có thật,
Trong “Tả Truyện” nước Tàu.
Tể tướng Tề, Thôi Trữ,
Độc ác và mưu sâu.
Hắn đã giết minh chúa
Là vua Tề Trang Công.
Tự mình lên ngôi báu,
Rất hả hê trong lòng.
Hắn triệu quan viết sử,
Rồi bảo ông thế này:
“Việc ta thay vua cũ,
Ông định chép sao đây?”
Thái sử Bá liền đáp:
“Viết như nó xẩy ra
Rằng Ngài giết minh chủ
Tháng Năm, ngày mồng Ba…”
Thôi Trữ quát: “Không được.
Phải viết khác, viết hay!”
“Bẩm, tôi quan chép sử,
Phải chép đúng thế này.”
Thái sử Bá lập tức
Bị Thôi Trữ chém đầu.
Ở Trung Hoa thời đó
Có truyền thống từ lâu
Là chức quan chép sử
Vốn thuộc một gia đình,
Kiểu cha truyền con nói,
Chỉ trong dòng họ mình.
Vì thế Thái sử Trọng
Là em, được lên thay.
Ông cũng bị giết chết
Vì giữ quan điểm này.
Sau Trọng, đến lượt Thúc,
Viết sự thật, đó là:
“Thôi Trữ giết minh chúa
Tháng Năm, ngày mồng Ba.”
Sau khi Thúc bị giết,
Thái sử Quý lên thay.
Và rồi ông lại chép
Nguyên xi những việc này.
Chép xong, ông giơ cổ
Chờ đao phủ chém đầu:
“Sự thật là sự thật.
Vua không giết được đâu.
Dòng họ quan chép sử
Có thể sẽ không còn.
Nhưng sự thật còn đó
Và vẫn mãi trường tồn.”
Thôi Trữ nghe, run sợ.
Tay chân chợt yếu, mềm.
Hắn cúi đầu tư lự,
Và không dám giết thêm.
164
Tôi thấy bằng lăng đẹp.
Cái tên cũng tuyệt vời.
Nhiều khi nhìn, bất chợt
Thấy đẹp đến lặng người.
Một màu tím thơ mộng,
Như mây tím hoàng hôn.
Phảng phất chút thi vị,
Chút suy tư, chút buồn.
Rất mong ông thành phố
Quy hoạch nhiều công viên
Chỉ toàn bằng lăng tím
Với vẻ đẹp thôi miên.
Rồi có ngày bè bạn,
Khắp các nước Tây, Đông,
Đến, đua nhau xin phép
Mang bằng lăng về trồng.
Ở nước Mặt Trời Mọc,
Ngoài lễ hoa anh đào,
Có lễ bằng lăng tím.
Lễ nào hơn lễ nào?
Ở thủ đô nước Mỹ
Mọi người từ các bang
Đổ về xem hoa nở.
Hoa bằng lăng Việt Nam.
Nước ta sẽ được gọi -
Không tự hào lắm sao -
Xứ sở bằng lăng tím.
Như xứ sở anh đào.
Đang giữa kỳ nở rộ.
Không hoa nào đẹp bằng.
Xin hãy gọi Hà Nội
Thành phố hoa bằng lăng.
165
Đơn giản thế này nhé:
Khi bạn sống đàng hoàng,
Không làm gì sai trái
Và lương tâm nhẹ nhàng,
Thì yên tâm sống tiếp,
Đừng bận tâm làm gì
Về ý kiến người khác
Và những lời thị phi.
Vì người đời vốn thế.
Anh tốt xấu thế nào,
Người ta cũng nói được,
Mà toàn nói tầm phào.
Họ thích, để họ nói.
Ta cứ làm việc ta.
Chuyện chó sủa mặc chó.
Đi là chuyện lạc đà.
166
Ngày xưa Khổng Tử dạy
Đời thịnh, ra làm quan.
Đời suy, về ở ẩn,
Chí ít được cái nhàn.
Tôi theo lời Ngài dạy,
Bốn chín tuổi, hưu non.
Từ ấy đến giờ - sướng.
Chơi đàn, viết châm ngôn.
Không bị dân la ó.
Không phải lụy chính quyền.
Vẫn cơm no, áo ấm.
Thậm chí có cả tiền.
Vậy, nghe theo Khổng Tử,
Đời suy, không làm quan.
Muốn sống cho tử tế,
Về ở ẩn cho nhàn.
167
Một người luôn miệng hứa:
“Tớ giúp, yên tâm đi”,
Thì yên tâm, người ấy
Có thể không giúp gì.
Một người mua cuốn sách,
Đánh tiếng những mười lần,
Thì chắc chắn, người ấy
Sách quả thật không cần.
Thế đấy, cứ thích nói,
Mà làm thì chẳng làm.
Lại thêm một đặc điểm
Của ta, người Việt Nam.
Nhớ nhé, người luôn hứa
Và nói “yên tâm đi”,
Thì người ấy có thể
Chẳng bao giờ giúp gì.
Kinh nghiệm này đúc kết
Cũng đã mấy chục năm.
Nhắc để mọi người biết.
Tuyệt đối không thể nhầm.
168
Cứ phải nói cho rõ,
Rằng kêu thì cứ kêu,
Nhưng cũng phải thừa nhận
Giờ ta sướng hơn nhiều.
Rằng tắc thì cứ tắc,
Nhưng đi lại bây giờ
Sướng hơn xưa gấp vạn.
Trước tôi chẳng dám mơ.
Rằng khổ thì vẫn khổ,
Nhưng chí ít ngày nay
Quần áo ta đủ mặc.
Cơm ba bữa một ngày.
Rằng môi trường xuống cấp,
Báo đài nào cũng kêu.
Thế mà tôi lại thấy
Tốt hơn trước rất nhiều.
Có được những cái ấy,
Những cái tốt kể trên,
Phải ghi nhận nỗ lực
Của đảng và chính quyền.
PS
Làm thêm cái mở ngoặc:
Nhà nước có cách gì
Chặn được thằng tham nhũng
Thì phải nói cực kỳ.
169
Một vài bác thỉnh thoảng
Trách tôi khá nặng lời,
Rằng đảng cho đi học,
Được khôn lớn, thành người
Nay quay sang chửi đảng,
Chửi chế độ dài dài.
Trong khi nhiều người chết,
Mình đi học nước ngoài.
Một, tôi không chửi đảng.
Tôi, người chế độ này,
Cũng phải chịu trách nhiệm,
Chỉ muốn đảng đổi thay.
Thấy sai thì tôi nói,
Xây dựng, không xỏ xiên.
Cái gì tốt, khen tốt.
Cố theo gương người hiền.
Hai, về chuyện đi học.
Lúc ấy đang chiến tranh.
Cảm ơn đảng, nhà nước
Cho tiếp tục học hành.
Thế là được du học,
Tiền của dân, tất nhiên.
Nếu phải làm người lính,
Chắc tôi cũng không hèn.
Ba, nhiều người ngã xuống,
Tôi được sống hôm nay.
Sống và luôn mặc cảm
Cái nợ khó nói này.
Có nợ thì phải trả.
Nay đã U bảy mươi.
Mấy mươi năm lặng lẽ
Tôi lo trả nợ đời.
Mấy mươi năm dạy học,
Truyền chữ cho cháu con.
Truyền cả kinh nghiệm sống
Qua những bài châm ngôn.
Mỗi người một số phận.
Người gặp may, người không.
Người gặp may vì thế
Cần phải sống có lòng.
Nôm na là như vậy.
Không muốn nói thành lời,
Thế mà vẫn phải nói.
Phức tạp cái sự đời.
170
Đời lúc nào cũng đẹp,
Luôn ở hướng đi lên.
Đôi khi ta thấy nản
Là vì cặp kính đen.
Còn một lý do nữa.
Đời nửa nọ, nửa này.
Muốn xấu thì nó xấu,
Muốn hay thì nó hay.
Một khi bạn thích nhạc
Sô-panh và Mô-za,
Thì bạn thấy đời đẹp
Tươi sáng và hài hòa.
Một khi bạn thích đọc
Ba cái báo linh tinh
Về cướp, trộm, giết, hiếp
Thì đời sẽ rất kinh.
Nhân tiện khuyên các bác
Không đọc loại báo này.
Vô bổ và thấp kém,
Làm mất vui cả ngày.
171
Ngày xưa có ông bố
Và anh con chia tay
Mỗi người đi một ngả,
Hẹn gặp nhau sau này.
Đúng mười năm sau đó
Ông bố thành rất giàu.
Anh con thì nghèo rớt,
Ăn bữa cháo, bữa rau.
Anh quá nghèo, xấu hổ,
Không đến gặp cha mình
Theo như lời đã hẹn.
Nghĩ mà thấy thương tình.
Tại cái số nó thế
Chứ anh không ham chơi,
Cần cù, không nghiện ngập,
Thế mà nghèo suốt đời.
Một hôm, vì đói quá
Anh ngửa tay xin ăn,
Lại xin đúng nhà bố,
May chỉ gặp gia nhân.
Đứng từ xa, ông bố
Nhận ngay ra con mình.
Thấy thế, ông thương lắm,
Nhưng bấm bụng làm thinh.
Rồi ông cho người nói
Rằng có việc đang cần,
Nếu chịu khó làm việc,
Anh sẽ được nuôi ăn.
Anh con liền đồng ý,
Được đưa tới một nơi
Ở rất xa nơi ấy
Làm việc mấy năm trời.
Anh làm việc chăm chỉ,
Làm vất vả, không tiền
Chỉ được ăn no đủ,
Không một lời than phiền.
Bỗng một hôm ông chủ,
Cho gọi anh vào nhà.
Lần đầu tiên gặp mặt
Giữa anh con và cha.
Lúc ấy đang có mặt
Đông đủ đại gia đình.
Ông chỉ anh và nói
Đây là con trai mình.
Ông kể chuyện ngày trước
Hai cha con xa nhau,
Rồi anh con nghèo đói,
Còn ông thì rất giàu.
Và rằng ông thử thách
Con mình mấy năm qua.
Anh đã vượt được nó,
Và nay ông tuổi già,
Ông đã làm di chúc
Để lại cho con trai
Hết những gì ông có,
Tức toàn bộ gia tài.
Anh con kia sung sướng,
Chỉ còn biết đứng ngây.
Khi kể xong câu chuyện,
Đức Phật nói thế này:
“Kỳ thực, núi của ấy
Do anh ta làm ra.
Có điều chuyển cho bố
Để giữ cho anh ta.
Ta làm việc, có thể
Thành quả chưa có ngay.
Một khi làm việc tốt,
Nó sẽ đến sau này.”
172
Giàu nghèo là khái niệm
Tương đối và nhất thời.
Xưa có cái xe đạp
Là coi như hơn người.
Ngày trước các bộ trưởng
Mới được đi Vôn-ga.
Thứ trưởng - Moskovich.
Đều là xe của Nga.
Giờ các loại xe ấy,
Mời các bác nhà quê,
Các bác thà đi bộ
Chứ không chịu lên xe.
Mà rồi cũng thay đổi
Thái độ với người giàu.
Xưa thì giàu là chết,
Nhưng giờ thì không đâu.
Giờ người giàu - chân chính -
Được khen chứ không chê.
Họ nộp thuế, mua sắm,
Làm tăng GDP.
Người giàu lập doanh nghiệp,
Tạo công ăn việc làm,
Ra nước ngoài du lịch,
Thêm oai người Việt Nam.
Đấy là chưa nói chuyện
Xã hội nhiều người giàu
Thì sẽ thêm ổn định,
Và phát triển bền lâu.
Tóm lại, giàu là tốt.
Giàu được thì giàu đi.
Có thấy ai giàu có,
Đừng khó chịu làm gì.
Có lẽ đã đến lúc
Phải học yêu người giàu.
Nhất là các bạn trẻ.
Nghiêm túc, không đùa đâu.
173
Đức Phật, khi viên tịch,
Nằm giữa hai hàng cây,
Có để lại lời dạy,
Thành giáo lý ngày nay:
“Không được làm điều ác.
Chỉ được làm điều lành,
Và hàng ngày hãy nhớ
Thanh lọc ý nghĩ mình.”
Đó là ba nền tảng
Của Đạo Phật Thích Ca.
Hai điều trên đã rõ.
Khó là điều thứ ba.
Cơ thể bẩn thì tắm.
Ý nghĩ vấy bùn đen,
Ngài dạy phải gột sạch
Bằng cách ngồi định thiền.
Thiền tốt, nhưng không dễ.
Tôi nghĩ còn cách này -
Ta thanh lọc ý nghĩ
Bằng đọc sách hàng ngày.
Tất nhiên sách tử tế,
Hướng thiện và nhân văn.
Sách, như mưa ngày hạn,
Sẽ thấm sâu, thấm dần.
174
Tôi thấy nước ta đẹp.
Người thân thiện, hiền lành.
Ai đó chưa như thế,
Có thể lỗi do anh.
Phụ nữ ta tuyệt diệu,
Yêu con và thương chồng.
Ai đó chưa như thế,
Có thể lỗi đàn ông.
Cũng đẹp và ngoạn mục
Cảnh quan và thiên nhiên.
Nơi nào không như thế,
Có thể lỗi chính quyền.
Các món ăn dân tộc
Ngon, lại không tốn nhiều.
Nếu anh không thấy thế,
Hãy trách bà vợ yêu.
Ta có truyền thống đẹp
Là kính trọng người già.
Cháu nào chưa làm thế,
Có thể lỗi ông bà.
Vậy là hình như đủ,
Để người dân nước mình
Có cuộc sống hạnh phúc
Vô lo và yên bình.
Tiếc rằng chưa được thế.
Lòng dân vẫn chưa yên.
Cuộc sống còn cơ cực.
Vậy thì lỗi chính quyền.
175
Châu Âu có thể đẹp.
Mỹ có thể tuyệt vời.
Nhưng Việt Nam
là nước
Tôi được sinh làm người.
Và tôi sẽ ở lại,
Chết trên mảnh đất này.
Vì nó là Tổ Quốc
Cha ông bao đời nay.
Mỗi người một hoàn cảnh.
Ở Mỹ hay châu Âu,
Tất cả con dân Việt,
Cho dù đang ở đâu,
Theo “tiếng gọi hoang dã”
Luôn hướng về quê nhà,
Với bát canh rau ngót,
Đĩa dưa và bát cà.
Với ngôi chùa cổ kính,
Với bàn thờ tổ tiên
Ruộng lúa xanh bát ngát
Và những đầm hoa sen.
176
Nhiều bác cứ ca cẩm
Rằng bây giờ người đời
Không còn như ngày trước,
Vắng bóng hẳn tình người.
Mỗi người một quan niệm.
Tôi thì nghĩ thế này,
Rằng cái ngày xưa ấy
Không tốt hơn ngày nay.
Một, vì có qui luật
Rằng thường thì người ta
Chỉ thích nhớ cái đẹp
Của những ngày đã qua.
Hai, ngày xưa nghèo đói.
Cũng chỉ vì miếng ăn
Mà người ta buộc phải
Chà đạp nhau, giành phần.
Ba, ngày xưa xã hội
Rập khuôn và giáo điều,
Nên hãm hại, tố cáo,
Đạo đức giả rất nhiều.
Chỉ là chuyện lầm tưởng
Cứ như thể ngày xưa
Ít tham nhũng, trộm cướp,
Chém giết và lọc lừa.
Xưa đài báo không nói
Về những cái xấu này.
Vì thế người ta tưởng
Nó tốt hơn ngày nay.
Là một người có tuổi,
Chứng kiến chẳng sót gì.
Tôi thực lòng nghĩ thế.
Ai nghĩ sao thì tùy.
177
Một khi anh lịch sự
Với những người xung quanh,
Thì người ta chắc chắn
Sẽ lịch sự với anh.
Hỏi đường, anh thưa gửi,
Có kèm theo nụ cười,
Anh sẽ được chỉ dẫn
Tận tình và tận nơi.
Ngược lại, anh trịch thượng,
Nói trống không, chau mày,
Thì người ta im lặng,
Tha không mắng là may.
178
Tính tôi vốn xởi lởi,
Gặp ai cũng mỉm cười.
Đôi khi cả người lạ.
Và tôi thấy mọi người
Rất vui vì việc đó,
Việc họ được tôi chào,
Được tôi tự bắt chuyện,
Dù mấy câu tầm phào.
Họ lại càng vui nữa,
Được đối xử ngang hàng,
Được người khác thưa gửi
Và ăn nói nhẹ nhàng.
Kinh nghiệm của tôi đấy.
Cứ xởi lởi ở đời,
Vừa được người ta mến,
Mà mình cũng nhẹ người.
179
Với trẻ con, hãy nhớ
Tuyệt đối không bao giờ
Thất hứa hay nói dối.
Vì còn bé, ngây thơ,
Chúng tin điều anh nói,
Tin lập tức, từng lời.
Thất hứa sẽ làm chúng
Mất niềm tin suốt đời.
180
Tính cách của đứa trẻ
Phụ thuộc vào môi trường
Mà hàng ngày nó sống,
Ở nhà hay ở trường.
Trong môi trường bạo lực,
Thì đứa trẻ sau này
Rất dễ thành bạo lực,
Thượng cẳng chân, cẳng tay.
Bố mẹ luôn mắng chửi,
Lại thường xuyên cãi nhau,
Thì rất dễ con cái
Sẽ hận đời về sau.
Bố mẹ nào, con nấy -
Các cụ dạy chí tình.
Hãy nhớ rằng con cái
Là bản sao của mình.
Dạy con, cách tốt nhất,
Bố mẹ phải làm gương
Qua những việc lớn nhỏ
Của cuộc sống đời thường.
181
Con người kể cũng lạ,
Mê say đến phát điên
Cô ca sĩ nào đó
Xinh đẹp và nhiều tiền.
Thế mà họ vô cảm
Trước bà lão ăn mày
Đang đói ăn, suýt ngất,
Lặng lẽ đứng chìa tay.
182
Giả sử cây biết nói,
Nó sẽ khuyên thế này:
“Hãy vươn cao, đứng thẳng,
Nghe chim hót suốt ngày.
Hãy uống thật nhiều nước,
Nhớ cội rễ của mình.
Không đi đâu mà vội.
Hãy ngắm nhìn xung quanh.”
Cây, một loài thực vật,
Đâu được như con người.
Thế mà nó biết sống
Thông minh hơn nhiều người.
183
Platông đã nhắc đến
Chân lý này từ lâu:
Không nên quá nghèo đói,
Ngược lại, không quá giàu.
Vì hai thái cực ấy
Chẳng mang lại cái gì
Ngoài khổ đau, tai họa
Cả tội lỗi nhiều khi.
Một chân lý đơn giản
Nhiều người biết, tuy nhiên,
Không thắng được ma lực
Cảm dỗ của đồng tiền.
Các bác có thể hỏi:
“Còn Ông Béo thì sao?”
Tôi ấy à, hiện tại
Không giàu cũng không nghèo.
Tôi thích tiền, hẳn thế.
Nhưng chừng mực, xưa nay
Luôn nhớ Khổng Tử dạy
Một câu, ý thế này:
“Lắm thương, lắm đau khổ.
Tích nhiều sẽ mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.”
184
Quân tử lo việc nghĩa,
Lo việc lợi - tiểu nhân.
Kẻ sĩ ham đọc sách.
Phàm phu - mê miếng ăn.
Điều ấy đúng, hẳn thế.
Nhưng quân tử kiếm tiền
Cũng là việc cần thiết.
Tiền chính đáng, tất nhiên.
Vì cũng không ổn lắm
Quân tử dạy điều hay
Mà tiền thì không có,
Bụng sôi réo suốt ngày.
Quân tử càng quân tử
Khi có tiền, có xe.
Lời nói càng trọng lượng
Và càng nhiều người nghe.
Tôi ngộ chân lý ấy,
Nên vẫn chăm kiếm tiền
Song song với việc dạy
Cái chữ của thánh hiền.
Tôi nhiều tiền đến mức
Nhiều người thấy bất ngờ:
“Quái, lão này giàu thật.
Đếch phải là nhà thơ!”
185
Một sư cụ, tối nọ,
Đang tụng kinh ê a,
Thì có một tên trộm
Cầm kiếm, lẻn vào nhà.
Hắn quát: “Nếu muốn sống,
Đưa hết tiền ra đây!”
“Ta đang bận, - sư nói. -
Tiền trong tủ, phía này.”
Thấy ông già không sợ,
Tên trộm rất ngạc nhiên,
Nhưng cũng chỉ một chốc,
Vì hắn bận tìm tiền.
“Mai tôi phải nộp thuế, -
Sư cụ nói. - Xin ông
Chừa cho tôi một ít.”
Tên trộm chừa mấy đồng.
Tên trộm ra đến cửa,
Sư cụ bảo hắn ta:
“Không lẽ ông không định
Cảm ơn tôi, chủ nhà?”
Tên trộm nghe, sợ quá,
Liền líu ríu cảm ơn.
Về nhà kể với bạn:
Được một phen hết hồn.
Mấy ngày sau, bị bắt,
Quan tòa xử hắn ta.
Sư cụ được mời đến
Để làm chứng trước tòa.
Ông nói hắn không trộm,
Mà ông cho, tất nhiên.
Khi về còn lịch sự
Cảm ơn ông cho tiền.
Tên trộm rất cảm động.
Từ tòa án về nhà.
Hắn hối hận, tự nguyện
Làm đồ đệ sư già.
Về sau hắn tu luyện
Rất chăm chỉ bên ông.
Cuối cùng thành đắc đạo.
Cả hai rất hài lòng.
186
Trẻ con, ít hiểu biết,
Nên ai nói cũng tin.
Không biết được sai đúng
Cái tai nghe, mắt nhìn.
Đến một tuổi nào đấy,
Khi đi nhiều, đọc nhiều
Mới có cái “bản ngã”
Và vỡ ra lắm điều.
Tức là có chính kiến.
Biết phân tích đúng sai.
Biết tiếp thu lời tốt.
Lời xấu bỏ ngoài tai.
Không Tử nói tuổi ấy
Khoảng hăm lăm, ba mươi.
Ấy là chịu học tập
Tu dưỡng để thành người.
Rồi đến một tuổi nữa,
Thường ở tuổi người già.
Tai nghe gì cũng lọt,
Cái gì cũng cho qua
Tôi, một bụng đầy chữ,
Vẫn chưa đến tuổi này,
Dù tôi luôn tâm niệm
Học chơi đàn không dây.
187
Anh muốn lấy ai đó
Tốt, xinh đẹp, dịu dàng,
Bản thân anh phải cố
Tốt và đẹp như nàng.
Anh muốn lấy công chúa
Thì ít nhất chính anh
Phải là một hoàng tử,
Cao thượng và chân thành.
Chứ nếu không, xin lỗi,
Thực chất vấn đề là,
Không phải anh kén vợ,
Mà đang lừa người ta.
Thế đấy, có nhiều bác
Mình chẳng là đếch gì
Mà đòi hỏi ghê lắm
Và kén chọn cực kỳ.
188
Biết đường là một chuyện.
Đi đường đó thế nào
Thì lại là chuyện khác,
Và không dễ chút nào.
Biết được mình yếu kém
Là một nửa cái khôn.
Nhưng khắc phục được nó
Lại là nửa khó hơn.
189
Bất kỳ ai ta gặp
Cũng có chuyện của mình.
Có thể rất phức tạp,
Chuyện đời hoặc chuyện tình.
Vậy đừng nên vội vã
Khi định phán xét người.
Mà tốt hơn, đừng phán.
Hãy tặng một nụ cười.
190
Nhiều người sai khi nói
Tôi chỉ trích, hại đời.
Tôi đang giúp đấy chứ,
Giúp sự nghiệp trồng người.
Mấy chục năm dạy học,
Tôi truyền cái tiếng Anh,
Kèm theo lời dạy dỗ
Toàn những điều tốt lành.
Giờ rỗi rãi, tôi viết
Thơ châm ngôn dạy đời.
Chỉ mong muốn lớp trẻ
Học hỏi mà thành người.
Còn mấy cái thế sự,
Thì tôi là công dân.
Nhà nước cho tôi nói,
Thì tôi nói khi cần.
Mà nói rất xây dựng.
Cũng có thể tôi sai.
Sai thì tôi xin lỗi.
Xin lỗi đã chết ai?
Nhân tiện xin nhắc lại:
Tôi tâm niệm xưa nay
Cố noi theo gương Phật
Để sống thiện đời này.
Tuyệt đối không bạo động.
Tuyệt đối không xỏ xiên.
Suy nghĩ và hành động
Theo chữ Tâm, chữ Thiền.
191
Tưởng lạ mà không lạ.
Muốn nhận, càng phải cho.
Muốn người nghe nghe rõ,
Càng không được nói to.
Muốn giữ chặt hành phúc,
Càng phải nới lỏng tay.
Nôn nóng làm gì đấy
Thì không nên làm ngay.
192
Đẹp là đôi mắt thấy
Cái đẹp của đời thường.
Đẹp là đôi môi nói
Những lời đầy yêu thương.
Khôn là kiếm một triệu,
Chỉ tiêu chín trăm nghìn.
Dại là người hấp tấp,
Ai nói gì cũng tin.
Tốt là anh chồng trẻ
Vợ sai gì cũng làm.
Tốt nữa - anh chồng đó
Vợ không sai cũng làm.
Nhưng anh chồng tốt nhất
Xưa nay lại là người
Luôn kè kè bên vợ,
Ít nói và hay cười.
193
Hôm qua tôi đem tặng
Cuốn sách thơ của mình.
Trước, như một kỷ niệm.
Sau, bày tỏ chút tình.
Thế mà người được tặng,
Một người giàu đang lên,
Không nhận: “Cảm ơn bác.
Tôi bận lắm, khỏi phiền.”
Hai tay nâng cuốn sách
Muốn dâng tặng cho đời.
Hai tay treo lơ lửng,
Như đang ăn xin người.
Câu chuyện chỉ như vậy,
Thế mà đau cả ngày.
Các bác trẻ chắc khó
Hiểu được cái đau này.
194
Khi bạn tin ai đó,
Kiểu một trăm phần trăm,
Thì kết quả có thể
Một, là bạn tin nhầm.
Và đó là bài học
Để bạn nhớ suốt đời.
Hai, là bạn may mắn
Vì đã tin đúng người.
195
Vấn đề là ở chỗ
Ta tặng, khá thường xuyên,
Những món quà sinh nhật,
Đôi khi không ít tiền.
Thế mà rồi thật tiếc,
Mỗi lần về thăm nhà,
Ta ít, hay không tặng,
Bố mẹ một chút quà.
Vì ta biết các cụ
Mắng: “Bày vẽ làm gì!”
Nhưng ta lại không biết
Rằng sau khi ta đi,
Các cụ đem quà ấy
Sang khoe với nhà bên,
Tức là khoe con cháu
Biết điều và thảo hiền.
Nhiều khi, vì công chuyện,
Không phải do vô tình,
Ta chưa quan tâm lắm
Tới bố mẹ của mình.
Đừng để đến giây phút
Ta về quê, và rồi
Nhìn chiếc ghế trống vắng
Nơi các cụ vẫn ngồi.
196
Khi một trái tim lớn,
Trái tim biết yêu thương,
Thì là chuyện tất yếu,
Tức là chuyện bình thường -
Nó dễ đau, đau lắm,
Trái tim đầy thương yêu.
Đau cho mình thì ít.
Đau cho đời thì nhiều.
197
Chọn người để kết bạn
Phải suy xét thông minh.
Chơi với người không hợp,
Thì thà ở một mình.
Chọn người yêu cũng vậy,
Càng phải thông minh hơn.
Không được yêu ai đó
Chỉ vì thấy cô đơn.
198
Ở đời này, tất cả
Đều bình đẳng như nhau.
Ai cũng đáng kính trọng,
Có niềm vui, nỗi đau.
Hãy nói với người khác
Những lời mà chính ta
Mong người khác sẽ nói,
Đặc biệt khi ở nhà.
Hãy cư xử theo cách
Cả tôi và cả anh
Muốn người khác cư xử
Với chính bản thân mình.
Sống ở đời thế đấy.
Có lại và có đi.
Cái ta sẽ nhận được
Tùy thuộc ta cho gì.
199
Rất dễ và đơn giản
Khi gia nhập đám đông.
Rất khó và nguy hiểm
Khi tách khỏi đám đông.
Càng an toàn và dễ
Khi nói theo mọi người.
Càng khó và nguy hiểm
Khi dám nói khác người.
Điều ấy ai cũng biết.
Nhưng quả thật ít ai
Biết điều này, sự thật,
Rằng đám đông thường sai.
200
Người mẹ mang thai nghén
Trong chín tháng mười ngày.
Sinh con, ôm ấp nó
Khoảng ba năm trên tay.
Rồi hy sinh, vất vả
Nuôi con lớn thành người,
Bà mẹ nâng niu nó
Trong tim mình suốt đời.
201
Đừng trở thành gánh nặng
Cho bố mẹ, ông bà.
Thiếu anh, họ đã nặng
Gánh nặng của tuổi già.
202
Nói thật thế này nhé:
Bạn đã muốn làm gì,
Thì chẳng ai ngăn được.
Đúng không nào, nói đi?
Còn nếu bạn không muốn,
Cũng chính cái việc này,
Thì trời đất, thần phật
Cũng phải đành bó tay.
Vậy là tự chính bạn
Có muốn làm hay không.
Bạn là người quyết định.
Không đổ lỗi lòng vòng.
Đổ lỗi cho hoàn cảnh
Là dấu hiệu nhỡn tiền
Một tính cách yếu đuối,
Hơi lười, hơi hơi hèn.
Thấy việc đúng, hợp lý,
Muốn làm thì làm ngay.
Không thì hãy dũng cảm
Nói với mình thế này:
“Kể cũng nên làm thật.
Nhưng khốn nỗi, mình lười.
Ngại khó, thiếu kiên nhẫn.
Thôi, nghỉ cho khỏe người.”
Như thế là sòng phẳng.
Không làm nói không làm.
Không quanh co biện bạch,
Nghe gian gian, và nhàm.
203
Thường các nhà vô địch
Rất ít nói về mình.
Họ chỉ lo luyện tập
Để đạt tới quang vinh.
Còn người nói về họ,
Nói nhiều, khen lẫn chê,
Là cả sân vân động,
Nhiều khi, cả vỉa hè.
Thế đấy, vạn người nói,
Mà làm thì một người.
Xưa hay nay vẫn vậy.
Luôn vẫn vậy ở đời.
204
Tôi lặng lẽ quan sát
Và nhận thấy từ lâu,
Rằng nhiều đôi trai gái
Số Phận cho gặp nhau.
Thế mà rồi Số Phận,
Không hiểu lý do gì,
Lại gây nhiều trắc trở
Khiến họ phải chia ly.
Không hợp là một nhẽ.
Bị ngăn cấm đã đành.
Không, mọi thứ tốt đẹp,
Cả đằng chị, đằng anh.
Không thể giải thích khác
Ngoài Số Phận nhúng tay.
Có mê tín không nhỉ?
Tôi nghĩ mãi điều này.
205
Tất nhiên là rất đẹp
Nhìn một đôi thanh niên
Tay cầm tay đi dạo
Buổi chiều trong công viên.
Toát ra từ người họ
Là hạnh phúc, tình yêu,
Là cuộc sống phía trước
Hứa hẹn rất nhiều điều.
Nhưng tôi luôn cảm động
Khi thấy hai cụ già
Cùng song song đi dạo
Trong công viên, chiều tà.
Toát lên từ người họ
Cái gì đó ấm lòng,
Bình yên và dịu ngọt
Như hoàng hôn sẫm hồng.
206
Sự thật là sự thật,
Cả khi không ai tin.
Giả dối là giả dối,
Cả khi ai cũng tin.
Đừng tớn lên, tưởng bở.
Đã chắc ai hơn ai?
Cái đúng sẽ lại đúng.
Cái sai sẽ lại sai.
207
Những lời đồn ác ý
Do kẻ xấu tung ra,
Rồi được một lũ ngốc
Truyền miệng gần và xa.
Cuối cùng lời đồn ấy
Đi hết đúng một vòng,
Được những người xấu khác
Tin, và rất hài lòng.
Vậy thì kệ thây nó,
Quan tâm mà làm gì.
Nhắc lại: Chó cứ sủa,
Và lạc đà cứ đi.
208
Tôi thấy nhiều bác lạ,
Mấy cái bác đàn ông,
Gặp nhau bên bàn nhậu
Là đua khoe “chiến công”.
Rằng em này, em nọ,
Rằng một đêm mấy lần.
Nghe mà thấy bẩn bẩn,
Đến chẳng muốn lại gần.
Đã hư, thích trăng gió,
Không xấu hổ, còn khoe.
Người tử tế không thể
Không khinh và cười chê.
PS
Tiếp xúc nhiều, tôi biết
Mấy bác này bốc đồng
Thường nếu không bất lực,
Cũng ít chất đàn ông.
209
Một lần nọ Đức Phật
Ngồi chờ đò sang sông.
Ngài gặp một đạo sĩ
Khoe với Ngài rằng ông
Có thể đi trên nước.
Rồi ông chạy băng băng
Trên mặt sông lấp lánh
Như chạy trên đất bằng.
Đức Phật khen rồi hỏi:
“Ông phải luyện bao lâu
Để có được tài ấy?”
Đạo sĩ ngẩng cao đầu:
“Đúng ba mươi năm chẵn,
Mà phải luyện hàng ngày,
Phải hành xác cực khổ
Nên mới được thế này!”
Đức Phật nghe, chép miệng:
“Thế thì thật quá nhiều.
Tôi đi đò rất tiện,
Giá cũng chẳng bao nhiêu.
Hơn thế, không phải khổ
Vì hành xác hàng ngày.
Đò đến rồi, thế đấy,
Chào ông, tôi đi đây.”
Như ta biết, Đức Phật
Chỉ chú trọng tình người,
Không khuyến khích khắc khổ,
Sống bình thường, thảnh thơi.
Ngài là người thực dụng,
Sống tuân theo tự nhiên,
Không phô trương phép lạ,
Mà vẫn đạt tới Thiền.
210
Ngày xưa, thời đói khổ,
Thiếu đồ dùng, thiếu ăn.
Nên cái gì hư hỏng,
Người ta sửa, nhiều lần.
Khi hôn nhân trục trặc,
Cũng là chuyện thường tình,
Cả hai bên cùng sửa
Để bảo vệ gia đình.
Giờ thì các bác biết,
Người ta cậy nhiều tiền,
Đồ chưa hư đã vứt,
Có cái còn mới nguyên.
Thanh niên nay thật lạ,
Khác hẳn xưa ông bà.
Cứ cãi nhau một trận
Là đệ đơn ra tòa.
Bệnh ấy, các cụ nói
Là sướng quá hóa rồ.
Tôi nhìn mà trong bụng
Vừa buồn, lại vừa lo.
211
Người đàn ông tử tế
Không vội đòi ly hôn.
Chí ít vì một lẽ
Rằng thường vợ nuôi con.
Mà nuôi con, có nghĩa
Vợ sẽ khó lấy chồng.
Nếu là người tử tế,
Điều ấy sẽ nặng lòng.
212
Khi trời mưa, ai đó
Giơ hai tay lên trời
Đón những giọt nước nhỏ
Như chuỗi ngọc đang rơi.
Cùng lúc, có thể có
Ai đó đang bực mình
Vì nước té, làm bẩn
Đôi giày da mới tinh.
213
Thích thì cũng thích thật,
Khi thấy nhiều chùa chiền.
Nhưng tiếc thì cũng tiếc,
Thấy tốn quá nhiều tiền.
Đồng tiền ta còn ít.
Đôi khi ít cả lòng.
Đâu đó dân đang đói.
Đâu đó còn bất công.
Giá bớt được một chút
Số tiền dành xây chùa
Để giúp trẻ miền núi,
Giúp dân khi mất mùa.
Thành tâm dâng lễ Phật,
Tôi đứng lặng, và rồi
Chợt thấy như Đức Phật
Cũng đang nghĩ giống tôi.
214
Buồn hay vui, tùy anh.
Cuộc đời là như vậy.
Anh nhìn đời thế nào,
Sẽ là người thế ấy.
Đời vẫn như vốn có.
Với mọi người - như nhau.
Thích tối thì nó tối.
Thích màu, thì có màu.
215
Đường vắng, đi đúng luật,
Đúng tốc độ, đúng làn.
Thế mà vẫn sờ sợ
Khi thấy bóng công an.
Phản xạ có điều kiện?
Ừ, phản xạ dở hơi.
Không làm gì sai trái,
Thế mà người sợ người.
Hai cái buồn để nói.
Một, có đứa vòi tiền.
Hai, vì cái đứa ấy
Mà mình thành thằng hèn.
216
Có một ông già nọ,
Sáu lăm tuổi, hàng ngày
Mang chiếc bàn cắt tóc
Ra ngồi dưới gốc cây.
Ông là thợ cắt tóc,
Nổi tiếng thời thanh niên,
Giờ cắt tóc từ thiện,
Tức là không lấy tiền.
Khách của ông chủ yếu
Người nghèo khổ, bụi đời.
Ông chỉ cần mỗi khách
Cho ông một nụ cười.
Một điểm sáng nhân ái,
Một bông hoa bên đường,
Thế mà ông, thật tiếc,
Cũng bị công an phường
Nhiều khi làm khó dễ,
Bắt mang về nhà mình,
Để đường phố sạch đẹp,
Trật tự và văn minh.
217
Lúc rỗi, tôi xách ghế
Ra ngồi ngoài ban-công.
Chỗ tôi cảnh quan rộng.
Trước mặt là cánh đồng.
Cánh đồng lúc xanh mướt,
Lúc vàng rực như tơ.
Trong lòng thấy thanh thản.
Có khi ngồi hàng giờ.
Và nghĩ, cuộc đời đẹp.
Già cũng có cái hay.
Thương những người chết trẻ
Không có hạnh phúc này.
218
Thatcher, Bà Đầm Thép,
Nói đúng, đầy tự hào:
“Thiếu tự do kinh tế,
Không có tự do nào.”
219
Người biết yêu loài vật
Là người có tâm lành.
Cũng là người chắc chắn
Yêu thương vợ con mình.
Nhận xét này chí lý
Vẫn luôn đúng xưa nay.
Khi chọn chồng, chọn vợ,
Phải ghi nhớ điều này.
219
Chua xót, nghĩ ai đấy
Không thể sống thiếu ta.
Thế mà rồi người ấy
Vẫn sống tốt, thiếu ta.
Cuộc đời luôn vẫn thế.
Càng vẫn thế người đời.
Ta nghĩ là một chuyện.
Chuyện khác - còn tùy người.
220
Xin lưu ý các bạn,
Rằng có một số người,
Thích xin lời khuyên nhủ
Về đủ chuyện trên đời.
Nhưng sau khi nghe hết
Các lời khuyên thông minh,
Họ, những người xin chúng,
Vẫn làm theo ý mình.
Trong khi tôi và bạn,
Cứ tin họ, tớn lên
Mất thời gian, công sức
Cố tìm một lời khuyên.
Tôi cũng từng bị vậy.
Mãi sau mới nhận ra.
Vậy nhắc để lưu ý
Trong ứng xử hàng ngày.
221
Có thể đọc cả núi
Những bài châm ngôn hay,
Đọc mà không áp dụng
Vào cuộc sống hàng ngày,
Thì núi châm ngôn ấy,
Dẫu hay đến mức nào,
Vẫn là một mớ chữ
Nhí nhố và tầm phào.
Thế thì thật vô bổ
Cho các bạn và tôi,
Người đọc và người viết.
Tức vô bổ gấp đôi.
222
Cuộc đời này quá ngắn
Để chúng ta hàng ngày,
Sáng vừa mở mắt dậy
Đã tiếc buồn, đắng cay.
Hãy lắc đầu thật mạnh.
Lắc mạnh vào, và rồi
Hãy yêu những bạn tốt,
Quên những người bạn tồi.
Hãy tin rằng cuộc sống
Mọi cái có nguyên nhân,
Và rằng sớm hoặc muộn
Mọi cái sẽ tốt dần.
Nếu xuất hiện thử thách,
Thì vượt qua, không sao.
Nếu đời có bước ngoặt
Thì dũng cảm rẽ vào.
Đời có ups and downs,
Có lúc vui lúc buồn.
Có gì chấp nhận nấy.
Thích chơi thì chơi luôn.
223
Mọi cái trong vũ trụ
Cân đối đến lạ thường.
Có nóng và có lạnh.
Có âm và có dương.
Có lửa và có nước.
Có ngày và có đêm,
Có xấu và có tốt.
Có cứng và có mềm.
Có ai đó lừa bạn,
Nhưng có người lại tin.
Ai đó xô bạn ngã,
Ai đó đỡ bạn lên.
Ai đó thích quát mắng.
Ai đó chịu lắng nghe.
Ai đó ruồng rẫy bạn.
Ai đó đến vỗ về.
Cuộc đời là thế đấy.
Bạn nhận và bạn cho.
Có những ngày vui sướng.
Có những ngày buồn lo.
Vậy vững tin mà sống.
Thế giới này hài hòa.
Nếu ta sống tử tế,
Hạnh phúc không quên ta.
No comments:
Post a Comment