1
Rồi hai mươi năm nữa
Bạn sẽ thấy thực tình
Buồn chán và thất vọng
Về lựa chọn của mình.
Thất vọng về những việc
Đáng lẽ bạn phải làm,
Chứ không phải những việc
Rốt cục bạn đã làm.
Mark Twain nói thế.
Ông còn khuyên chúng ta
Không chần chừ thêm nữa.
Hãy giương buồm đi xa.
Hãy ước mơ, thám hiểm.
Hãy bay lên trời xanh,
Để hai mươi năm nữa
Khỏi thất vọng về mình.
2
Đáng tiếc là đôi lúc
Ta chưa chú ý nhiều
Những cái tưởng nhỏ nhặt
Thể hiện tình thương yêu.
Như nụ cười, ánh mắt,
Khẽ khàng cái chạm tay,
Lời khen, lời an ủi,
Hoặc lời chào hàng ngày.
Đúng là thật nhỏ nhặt.
Tôi nhiều khi cũng quên.
Nhỏ nhặt nhưng cần thiết,
Dễ, lại không mất tiền.
Những điều nhỏ nhặt ấy
Như hơi ấm mùa đông,
Như cơn mưa mùa hạ,
Làm ai cũng mát lòng.
Về những điều nhỏ nhặt,
Tôi đã viết mấy bài.
Giờ viết thêm lần nữa,
Chịu mang tiếng nói dai.
Là vì các bạn trẻ
Tính bồng bột, hay quên.
Nhớ nhé, điều nhỏ nhặt,
Dễ, lại không mất tiền.
Nhớ đừng quên khen bạn.
Đừng tiết kiệm lời chào.
Là điều tưởng nhỏ nhặt
Mà chẳng nhỏ chút nào.
PS
Nhân tiện, xin chép lại
Bài thơ về việc này,
Tức những điều bé nhỏ,
Tôi mới dịch gần đây.
Nếu nghi ngờ bản dịch,
Thì mời đọc tiếng Anh.
Bảo đảm tôi dịch đúng,
Lời khuyên cũng tốt lành.
NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ
Những giọt nước bé nhỏ,
Những hạt bụi đang bay
Đã làm nên biển lớn
Và cả trái đất này.
Cũng thế, giây và phút,
Ta tưởng ngắn, không dài,
Đã làm nên thế kỷ,
Quá khứ và tương lai.
Những sai lầm nhỏ bé,
Ta tưởng chẳng là gì,
Tích lại là tai họa,
Làm ta chệch hướng đi.
Những điều tốt nhỏ nhặt;
Những lời nói yêu thương
Làm trái đất thành đẹp,
Đẹp như chốn thiên đường.
LITTLE THINGS
Little drops of water,
Little grains of sand,
Make the mighty ocean
And the pleasant land.
Thus the little minutes,
Humble though they be,
Make the mighty ages
Of eternity.
Thus our little errors
Lead the soul away
From the path of virtue
Off in sin to stray.
Little deeds of kindness,
Little words of love,
Make this earth an Eden,
Like the heaven above.
3
Người ta đã tổng kết,
Rằng bạn sợ cái gì
Là tối lên giường ngủ
Có cái ấy, tin đi.
Thí dụ, bạn sợ nhện,
Thì bạn thấy bất ngờ
Trong chăn, một con nhện
Như cái bát, đang chờ.
PS
Tôi, vốn ghét hoa hậu,
Loại chân dài và gầy,
Nên đêm không dám ngủ,
Phải thức cùng thằng Phây.
4
Sau khi Ngài thành Phật,
Đệ tử có khắp nơi.
Một hôm có người nói:
“Ngài vĩ đại nhất đời!”
Đức Phật nghe, bèn đáp:
“Chưa biết hết các thầy
Đã có và sẽ có,
Nói thế là không hay.
Nếu thấy lời ta đúng
Thì cứ việc thực hành.
Con người lớn không phải
Ở cái tên và danh.”
Một lần khác Đức Phật
Hỏi một người: “Nếu ông
Mua vàng, không được thử,
Liệu ông có mua không?”
“Bạch Thế Tôn Đức Phật,
Con không mua, tất nhiên,
Vì sợ gặp vàng giả,
Bị cười chê, mất tiền.”
“Cũng vậy, lời ta dạy,
Đừng vội vàng tin ngay,
Mà trước hết phải thử,
Trong cuộc sống hàng ngày.
Không nên vì kính trọng
Mà làm theo lời ta.
Hãy làm theo, nếu đúng.
Không đúng thì bỏ qua.
Tương tự, với thầy khác
Đừng phê phán nặng lời.
Mỗi thầy một quan điểm,
Ai cũng muốn cứu đời.
Ngài còn dạy đệ tử
Phải kiềm chế bất bình
Để kính trọng người khác,
Tức là kính trọng mình.
5
Sâu trong lòng, ta có
Một tiếng nói thầm thì,
Nhắc ta sai hay đúng,
Không làm, hoặc làm đi.
Hãy tin tiếng nói ấy.
Làm, không làm, đúng sai -
Ta là người quyết định,
Chứ không phải người ngoài.
6
“Nếu gặp điều sai trái,
Anh lặng im, thì anh
Đã trở thành tòng phạm,
Cố tình hoặc vô tình.”
Einstein nói thế,
Càng đúng với ngày nay.
Anh là tòng phạm đấy
Với bất công hàng ngày.
7
Có lẽ bạn nghĩ bạn
Ngồi yên trong phòng mình?
Không, bạn đang chuyển động
Cùng Trái Đất hành tinh.
Mà hành tinh Trái Đất
Quanh Mặt trời đang bay
Với vận tốc kinh khủng -
Ba mươi km/giây.
Mặt Trời, ngôi sao sáng,
Bay quanh tâm Thiên Hà,
Nhanh gấp mười như thế.
Không thấy chóng mặt à?
Còn cái Thiên Hà ấy
Mang cả bạn và tôi
Đang bay, có tốc độ
Còn lớn hơn gấp đôi.
Tóm lai là kinh khủng.
Đọc xong bài thơ này,
Hơn ba nghìn cây số
Tôi và bạn đã bay.
8
Người Ấn Độ tôn trọng
Bốn nguyên tắc tâm linh.
Một, là ai bạn gặp
Cũng là bạn của mình.
Ai cũng có thể dạy
Cho bạn một đôi điều,
Trong giây phút nguy kịch,
Chìa bàn tay thương yêu.
Hai, mọi việc lớn nhỏ
Xẩy ra không ngẫu nhiên,
Vì đó là Số Phận,
Ý muốn của Bề Trên.
Không ai có thể tránh.
Cứ để nó xẩy ra.
Vì đó là trải nghiệm
Và bài học cho ta.
Ba, trong mỗi số phận,
Sự việc được bắt đầu
Đúng thời điểm của nó.
Không trước cũng không sau.
Giục nhanh cũng không được.
Níu lại chẳng ích gì.
Cái cần đến sẽ đến.
Cái cần đi sẽ đi.
Bốn, và rất quan trọng -
Cái gì qua cho qua.
Đừng để chuyện quá khứ
Làm nặng lòng chúng ta.
Khi một việc chấm dứt,
Cũng có nghĩa bắt đầu
Một việc khác mới mẻ.
Vậy sao phải buồn rầu.
Người Ấn Độ nghĩ thế
Về nguyên tắc tâm linh.
Các bạn đọc, thấy đúng,
Thì áp dụng cho mình.
9
Xưa có tỳ kheo nọ
Sống trên núi, ngang mây
Để chuyên tâm thiền định,
Và luyện pháp đêm ngày.
Có dòng sông dưới núi,
Ngài vẫn thường đi qua
Khi hạ sơn hóa đạo,
Khai trí cho mọi nhà.
Xưa nay một bà lão
Vẫn chèo đò chở người.
Bà ân cần đón khách
Luôn bằng một nụ cười.
Rồi một hôm, bất chợt
Ngài xuống đò, giật mình:
Thay cho bà lão ấy -
Một cô gái rất xinh.
Nàng xính đẹp đến mức
Một tỳ kheo như ngài
Cũng phải liếc nhìn trộm
Rồi lầm bầm: “Thiện tai!”
Cô lái đò lần ấy
Đòi mỗi người sang sông
Trả một đồng một lượt.
Cô đòi ngài hai đồng.
Ngài ngạc nhiên hỏi lại.
Cô lái đáp: “Vừa rồi
Ngồi trên đò, mấy bận
Ngài đã liếc nhìn tôi.”
Nghĩ mình quả làm vậy,
Không muốn mất thì giờ,
Ngài trả tiền, sau đó
Lòng cứ nghĩ vẩn vơ.
Chiều hôm ấy, quay lại,
Ngài úp mặt xuống thuyền.
Nhưng lúc xuống, cô gái
Đòi gấp bốn lần tiền.
Lần này ngài tức giận
Hỏi cô lái vì sao?
Cô đáp: “Ngài quả thật
Không nhìn tôi lần nào.
Nhưng tâm ngài, thật tiếc
Lại luôn hướng về tôi,
Nên tiền đò gấp bốn
Chứ không phải gấp đôi.”
Ngài nghe và chợt nghĩ:
“Đức Phật thử thách ta.”
Rồi cô gái biến mất,
Để lại một bà già.
10
Hai bố con nhà nọ,
Cũng chỉ vì quá nghèo
Mà sang vườn hàng xóm
Trộm mấy quả dưa leo.
Người bố trèo lên hái,
Người con thì đứng canh.
Đêm đã khuya, vắng vẻ,
Im lặng bốn xung quanh.
Bỗng cậu con khẽ nói:
“Có người đang nhìn ta!”
“Ai?” ông bố hoảng sợ
Liền bỏ chạy về nhà.
“Ai? Sao bố không thấy?”
Cậu con chỉ lên trời:
“Trăng đang nhìn ta đấy.”
Ông kia nghe, nhẹ người.
Rồi bất chợt ông nghĩ,
Ăn trộm là không hay.
Người không biết, trời biết.
Mình cũng biết việc này.
Từ đấy thôi ăn trộm,
Cả khi đang đói ăn,
Ông quyết sống lương thiện,
Cam chịu cảnh thanh bần.
Phật nhắc ta lần nữa
Qua truyện này thông minh,
Rằng những người tử tế
Chỉ mình sợ chính mình.
11
Ngày xưa ở nước nọ
Có một cậu học trò
Được thầy cho lên phố
Thăm thú và chơi trò.
Hôm ấy có phiên chợ
Rất đông người lại qua.
Có ai đó mất cắp,
Người ta nghi cậu ta.
Thế là cậu bị bắt,
Rồi giải lên gặp quan.
Quan tra khảo rồi thả,
Vì thấy cậu bị oan.
Về làng, cậu kể lại.
Ông thầy nghe, bất ngờ
Sai nọc cậu ra đánh.
Cả lớp nhìn, sững sờ.
“Quả trò không ăn cắp,
Nhưng ta đánh vì trò
Cư xử và nét mặt
Khiến người ta nghi ngờ.”
Đem kể câu chuyện ấy,
Phật dạy ta: Người ngay
Phải đàng hoàng, chính trực.
Thật quí bài học này.
12
Lincoln đã từng nói
Một câu đúng và hay.
Nếu không nhầm, tôi nhớ,
Đại khái ý thế này.
“Thọ là người sống tốt,
Chứ không phải lâu năm.
Sống tốt là làm tốt
Đúng những việc cần làm.
Tôi xưa nay, thực sự,
Không quí lắm người mà
Hôm nay không có thể
Thông minh hơn hôm qua.”
13
Ai máu mê cờ bạc,
Thậm chí chỉ lô đề,
Bỏ được là khó lắm,
Kiểu một đi không về.
Tôi, đã sống không ít,
Thấy cũng nhiều xưa nay,
Thế mà chưa hề thấy
Ai thoát được thằng này.
Kiểu một dạng bệnh lý.
Cái bệnh tham của người.
Kiểu muốn giàu nhanh chóng,
Mà làm việc thì lười.
Tôi cũng chưa hề thấy
Ai cờ bạc mà giàu.
Chỉ thấy vướng vào nó
Là nghèo đói, khổ đau.
Cờ bạc là thế đấy.
Tuyệt đối không thể nhầm.
Khi chọn chồng, chọn vợ,
Nhớ để không chọn nhầm.
14
Vấn đề của nam giới
Là Trời bắt anh ta
Phải khổ vì một lúc
Yêu nhiều người đàn bà.
Vấn đề của đàn bà
Là dù Trời không bắt,
Vẫn thủy chung, hết lòng
Với một người đàn ông.
Xét từ góc độ ấy,
Trời cũng có vấn đề:
Nam hư thì cho phép.
Nữ hư thì lại chê.
15
Ta cứ quen nếp nghĩ
Bộ máy hành chính ta
Kiểu hành dân là chính,
Nhiễu sự và phiền hà.
Có thể đúng thế thật.
Có thể đó là xưa.
Giờ tôi thấy khá tốt,
Chí ít, tốt vừa vừa.
Đến hạn, phải đi đổi
Cái giấy phép lái xe.
Những tưởng vất vả lắm
Và thủ tục nhiêu khê.
Thế mà không, đơn giản.
Một cửa vào và ra.
Chỉ những giấy cần thiết.
Ảnh hai, chứ không ba.
Và điều quan trọng nhất -
Thái độ của nhân viên.
Ăn mặc đẹp, lễ độ,
Cười cũng rất có duyên.
Luôn “thưa cô”, “thưa bác”,
Kiên nhẫn và nhẹ nhàng.
Nghe mà sướng cái bụng,
Thậm chí hơi ngỡ ngàng.
Tôi không thật thích lắm
Cái bác Đinh La Thăng.
Đôi lúc cáu, xin lỗi,
Còn chửi thầm là “thằng”
Giờ thì phải khen bác
Ít nhất là một lần.
Khen bác nhắc cấp dưới
Phải lịch sự với dân.
*
Không ai hoàn toàn tốt.
Hoàn toàn xấu càng không.
Khi nhận xét ai đó,
Nên gợn đục khơi trong.
Tôi, nghĩ gì nói thế,
Tuyệt đối không nịnh ai.
Cái gì tốt, khen tốt.
Cái gì sai, chê sai.
Mình đâu có hoàn hảo.
Đời không chỉ trắng đen.
Tôi là tôi cứ muốn
Tìm cái tốt để khen.
Mà cái tốt người khác
Thật ra cũng rất nhiều,
Miễn ta không định kiến
Và có lòng thương yêu.
16
Xưa có một người nọ,
Gặp chuyện buồn trong lòng,
Bực mình, vứt khúc gỗ
Xuống biển sóng mênh mông.
Khúc gỗ ấy khá lớn,
Có một lỗ hổng to.
Nước và cá có thể
Chui qua rất tự do.
Mà biển thì nhiều gió.
Lúc từ Đông sang Tây,
Lúc thì Nam sang Bắc,
Lúc ngược lại suốt ngày.
Thành ra, tội khúc gỗ,
Không lúc nào được yên.
Luôn nay đây mai đó
Giữa biển cả vô biên.
Có con rùa trong biển.
Nó mù, một trăm năm
Mới ngoi lên mặt nước
Một lần, lúc trăng rằm.
Phật đang kể câu chuyện,
Nổi tiếng và rất hay,
Chắc nhiều người đã biết.
Rồi Phật hỏi thế này:
Vậy bao lâu có thể
Ngẫu nhiên con rùa già
Gặp được khúc gỗ đó,
Thấy lỗ rồi chui qua?
Chắc phải lâu, lâu lắm.
Có thể chẳng bao giờ.
Phật nói: “Người cũng vậy,
Khi rơi xuống bùn nhơ
Thì trở lại chính đại
Sẽ vô cùng khó khăn,
Hệt như con rùa ấy
Một trăm năm một lần
Mới ngoi lên mặt biển,
Ngẫu nhiên gặp khúc cây
Rồi chui qua cái lỗ,
Thì quả khó lắm thay.
Ấy là nói người ấy
Không chịu khó chân tu,
Cam tâm sống dưới đáy
Hệt như con rùa mù.
17
ĐÔI LỜI NHẮC NGƯỜI TRẺ
Sống lâu trong giả dối,
Con người thành chai lì.
Nghe thì có nghe đấy,
Nhưng không cảm nhận gì.
Kiểu nước đổ đầu vịt.
Là vì da nó dày.
Dẫu sao cũng nhắc lại
Với lớp trẻ thế này.
Một, ở đời, quan trọng,
Hơn nhau ở cái lòng
Công danh, giàu có - vứt.
Rốt cục là số không.
Hai, cố sống tử tế,
Trung thực và đàng hoàng.
Đời nhiều thử thách đấy,
Và không hề dễ dàng.
Ba, học phải ra học,
Làm lại càng ra làm.
Tuyệt đối không lớt phớt
Kiểu “phong cách Việt Nam”.
Bốn, thường xuyên đọc sách,
Thích nữa, chơi nhạc luôn.
Vì chính đó là cái
Làm phong phú tâm hồn.
Năm, không đeo mặt nạ,
Khi giao tiếp ngoài đời.
Tuyệt đối không nói dối.
Nói dối nó nhỏ người.
Sáu, lo toan cuộc sống,
Nhưng đừng quên thiên nhiên.
Phải học sống đơn độc,
Thỉnh thoảng nên ngồi thiền.
Bảy, vứt mẹ điện thoại.
Bạn bè cũng ít thôi.
Nếu thích thì bắt chước
Không có bạn, như tôi.
Tám, phải học được cách
Ngồi mòn đít trong phòng.
Tuyệt đối không nhấp nhỏm,
Không tìm cớ chạy rong.
Chín, biết thì thưa thốt,
Không biết thì im đi.
Lặng lẽ mà tích điện
Như cái bình ac-qui.
Mười, không việc gì khó,
Chỉ sợ mình thích lười.
Đã muốn là làm được.
Vậy cố mà thành người.
Mười điều khuyên giản dị,
Mà toàn đúng, tin đi.
Tôi viết nhắc người trẻ.
Theo hay không thì tùy.
Theo thì mình được sướng.
Không theo cũng okay.
Sau thành người vớ vẩn
Đừng kêu than suốt ngày.
Hãy tin luật nhân quả.
Cố gắng thì việc thành.
Lười biếng thì thất bại.
Ở lành thì gặp lành.
Trong mọi cái, khó nhất
Là rèn luyện bản thân.
Từng tí, từng tí một,
Hàng ngày và dần dần.
Dứt khoát không có chuyện
Sống dễ dãi và lười
Mà thành giỏi, tử tế
Và thành đạt hơn người.
Thương thì khuyên như thế,
Nhưng rồi chắc bọn mày
Lại nước đổ đầu vịt.
Là vì da quá dày.
PS
Ừ quên, một điều nữa,
Muốn hạnh phúc ở đời
Phải cho, chứ không nhận,
Tức sống vì mọi người.
Phật Thích Ca đã dạy,
Mọi cái khổ của ta
Là do chiều thân xác.
Từ đó mà suy ra.
Nhân thể, để minh họa,
Xin được trích ở đây
Một câu chuyện của Phật.
Cũng về vấn đề này.
*
Đức Phật, như ta biết,
Khi giảng đạo cho người,
Đưa ra nhiều thí dụ
Thâm sâu và dạy đời.
Đó là những câu chuyện
Sinh động và thông minh
Giúp người nghe chiêm nghiệm,
Rút bài học cho mình.
Ngài nói, sẽ vô ích
Nếu ta muốn giúp đời
Mà tự mình không muốn
Tu dưỡng để thành người.
Chẳng khác gì đêm tối
Đèn của ta hết dầu
Mà ta muốn chiếu sáng
Giúp người khác qua cầu.
Nấu canh ăn cũng vậy,
Canh không bao giờ sôi
Khi bếp không có lửa,
Khuấy mãi cũng thế thôi.
Những ai trong cuộc sống
Tìm cái vui nhất thời
Ngài ví như con trẻ
Còn nhỏ tuổi, ham chơi.
Chúng thích liếm mật ngọt
Trên lưỡi dao - điều này
Sẽ làm chúng sớm muộn
Cũng đứt môi, đứt tay.
Cuộc đời là bể khổ,
Ngài dạy thế nhiều lần.
Khổ vì Lão, Bệnh, Tử,
Khổ vì Tham, Si, Sân.
Cuộc đời là đêm tối,
Bốn xung quanh màu đen.
Chỉ ít giây sung sướng
Khi tia chớp lóe lên.
Ngài bảo các đệ tử:
“Hãy nhìn kìa, bầy sâu
Đang ăn quả táo thối.
Mà cắn xé, tranh nhau.
Chúng tưởng chúng hạnh phúc
Ăn thứ nhơ bẩn này.
Ta, người thường, thấy chúng
Là loài đáng thương thay.
Còn những người giác ngộ
Thì thấy người vô minh
Như sâu ăn táo thối,
Rất hài lòng với mình.”
Để răn người keo kiệt
Và tham lam trên đời,
Ngài kể một câu chuyện
Rằng xưa có một người
Bỗng nhiên bị mất hết
Cả nhà cửa, ruộng đồng,
Rồi vợ con cũng chết,
Cuối cùng trơ tay không.
Hơn thế, do khinh xuất
Ông bị giam suốt đời.
Vậy mà lạ, ở đấy
Ông thấy mình thảnh thơi,
Thậm chí còn hạnh phúc
Vì thấy mình tự do.
Không còn gì để mất,
Nên không còn để lo.
Thế đấy, Đức Phật dạy,
Chính vì lo làm giàu
Và vì lo giữ của
Mà con người khổ đau.
Một người hỏi Đức Phật:
Để đạt được chân thiền,
Vì sao cứ nhất thiết
Phải ngồi lâu, ngồi yên?
Ngài sai lấy chậu nước
Nhúng tay, quấy một vòng,
Ôn tồn hỏi người ấy:
“Con có thấy gì không?”
“Bạch, không, chỉ thấy nước.”
Chờ nước lặng. Vỗ vai,
Ngài nói: “Con nhìn lại.”
“Bạch thầy, con thấy Ngài!”
“Giờ chắc con đã hiểu
Để đạt được chân thiền,
Vì sao phải im lặng
Ngồi lâu và ngồi yên.”
Ngài nói, mưa chỉ một,
Và chia đều cho nhau:
Bãi cỏ và vườn thuốc,
Ruộng lúa và nương dâu.
Nhưng các cây hút ẩm
Lại rất khác, thế là
Có loài thì lụi chết,
Có loài lại ra hoa.
Có loài thì biết hút
Tinh túy của đất trời
Để thành cây thuốc quí
Giúp chữa bệnh cho người.
Cũng vậy, giáo lý Phật
Không phân biệt nghèo giàu,
Dòng dõi và đẳng cấp.
Ai cũng hưởng như nhau.
Thế mà có người ngộ,
Có người vẫn vô minh,
Có người không thoát khổ,
Có người giải phóng mình.
Có người đi theo đạo
Để hành đạo giúp đời.
Cũng có người theo nó
Để phá đạo, hại người.
18
Có một người chết đuối.
Mấy người thấy, đứng im.
Không ai nhảy xuống cứu.
Người chết đuối chết chìm.
Vậy là có người chết
Trước con mắt hững hờ
Của mấy người chứng kiến,
Lúc ấy đứng trên bờ.
Sau đó xác người chết
Được công an vớt lên.
Hàng trăm người rỗi việc
Kéo đến, xúm đỏ đen.
Trên mặt những người ấy
Hiếu kỳ đứng trên bờ
Và ngắm nhìn xác chết,
Hoàn toàn không hững hờ.
19
Cơ thể người phụ nữ
Như những con đường vòng.
Thường xẩy ra tai nạn
Là những chỗ cua cong.
Đường cong chưa hẳn đẹp.
Nhưng quả thật tuyệt vời
Các đường cong phụ nữ,
Cả khi gây chết người.
20
Một bác friend nữ viết,
Nửa thật, nửa như đùa:
“Chồng - cho không ai lấy.
Mua, cũng chẳng ai mua.
Thế mà chồng, thật lạ,
Sơ sểnh là mất luôn…”
Bác viết, nghe day dứt
Cái chua xót, cái buồn.
Là đàn ông, tôi hiểu,
Và cũng thấy bất bình
Với những người như thế,
Ít nghĩa mà đa tình.
Thôi bác ạ, đừng giữ.
Giữ cũng chẳng ích gì.
Chồng mà không chung thủy,
Muốn đi thì cho đi.
Một người mới sơ sểnh,
Gái chưa gọi đã theo,
Tôi khuyên bác đừng tiếc,
Cũng đừng quan tâm nhiều.
21
Có một người đệ tử
Của Đại sư Tinh Vân,
Suốt ngày lo đèn sách,
Học tập rất chuyên cần.
Sau mười năm vất vả,
Anh bẩm với sư thầy:
“Con đã học hết chữ
Và kiến thức đời này.
Giờ con học gì nữa?
Con không muốn nghỉ ngơi.”
Đại sư Tinh Vân đáp:
“Tiếp tục học làm người.
Học làm người là việc
Suốt đời và kéo dài.
Thứ nhất, học “nhận lỗi”
Mỗi lần thấy mình sai.
Vì việc không nhận lỗi
Đã là một sai lầm,
Một lỗi đáng xấu hổ
Day dứt nhiều tháng năm.
Thứ hai, học “nhẫn nhục”.
Mọi thành công ở đời
Liên quan đến chữ “nhẫn”.
“Nhẫn” cũng đẹp lòng người.
Thứ ba, học “nhu, nhã”.
“Nhu, nhã” giúp người ta
Vượt qua mọi thử thách,
Cuộc sống cũng yên hòa.
Con biết, răng rất cứng,
Mà cũng rụng, thâm đen.
Nhưng nhờ mềm, chiếc lưỡi
Đến chết vẫn còn nguyên.
Thứ tư, học “thấu hiểu”.
Ở đời, thiếu hiểu nhau
Sẽ dẫn đến tranh chấp,
Hiểu lầm và khổ đau.
Thứ năm, học “buông bỏ”.
Đời như chiếc túi hàng.
Đừng tham chất, thêm nặng.
Vứt bớt cho nhẹ nhàng.
Đời vốn không dài lắm.
Không nên cố chấp nhiều.
Con hãy học tha thứ,
Để yêu và được yêu.
Thứ sáu, học “xúc động”.
Để con không bao giờ
Trước cái đau người khác
Vô cảm và thờ ơ.
Thứ bảy, học “tồn tại”.
Tồn tại là giữ mình
Cho thân thể khỏe mạnh,
Đầu óc luôn anh minh.
Không thể giúp người khác
Khi ta không giúp ta.
Ta, một phần nhỏ bé
Trong vũ trụ hài hòa.”
*
Đại sư đã nói thế,
Không thừa, thiếu một lời.
Vậy tôi và các bác,
Ta cố học làm người.
22
Đã bảy năm lọ mọ
Tự mình sống với mình.
Cũng khổ mà cũng sướng.
Cũng tình mà không tình.
Như nhiều cặp già khác,
Mệt mỏi vì thương, yêu.
Giờ bạc đầu, trái tính,
Thành mỗi cụ một niêu.
Thuần túy lỗi kỹ thuật.
Vẫn vợ và vẫn chồng.
Vẫn đều đều tiến bước
Thành cụ bà, cụ ông.
“Ủa, sao kỳ như vậy?”
Chắc sẽ có nhiều người
Trố mắt ngạc nhiên, hỏi.
Thì thế mới là đời.
23
PATTAYA
Khách sạn, một nghìn người.
Chín phần mười trong đó
Là du khách Trung Hoa
Cùng va-li lớn nhỏ.
Tòa nhà hăm lăm tầng.
Xếp hàng chờ thang máy.
Mỗi lần khoảng nửa giờ.
Sáng, trưa chiều đều vậy.
Tiếng là ở đất Thái,
Mà toàn thấy chữ Tàu,
Nói cũng toàn tiếng Hán,
Mà to đến váng đầu.
Mấy ông Tây tội nghiệp,
Lọt thỏm giữa biển người
Từ Trung Hoa đại lục,
Đành lắc đầu, và cười.
Mừng cho bác Trung Quốc
Thoát được cảnh nghèo hèn,
Giờ ào ào du lịch,
Kiểu “nông dân vùng lên”.
Những con người chất phác,
Hiền lành và dễ thương.
Có điều hơi nhiều quá,
Nhiều một cách khác thường.
Đến mức tự nhiên sợ.
Cái biển người Trung Hoa,
Cứ kiểu này chắc chắn
Sẽ nhanh chóng lan xa.
24
Đại Trí là đệ tử
Của Thiền sư Phật Quang.
Ông vừa về chùa cũ
Sau nhiều năm lang thang.
Ông hăm hở kể lại
Cho bạn và cho thầy
Những gì mình chứng kiến
Trong quãng thời gian này.
Kể xong, ông cung kính
Hỏi vị thiền sư già:
“Bạch thầy, thầy khỏe chứ
Mấy năm con vắng nhà?”
Thiền sư Phật Quang đáp:
“Ta khỏe và hài lòng.
Dạy học rồi thuyết pháp,
Chép kinh rồi khí công.
Ta vui vì bận rộn,
Bận, nên vui với đời.
Khi sống, quan trọng nhất -
Có việc để không lười.”
Mờ sáng sau, Đại Trí
Ngủ dậy đã thấy Thầy
Tụng kinh rồi quét dọn,
Rồi thuyết giảng suốt ngày...”
“Con thấy Thầy vất vả, -
Ông nói. - Thế mà sao
Bao năm Thầy vẫn thế,
Chẳng già đi chút nào.”
Thiền sư quay lại đáp:
“Con nói đúng, vì ta
Mải vui vì công việc,
Chẳng lúc nào để già.”
*
Khỏi phải bàn thêm nữa.
Chỉ nhắc lại thế này:
Bí quyết giúp ta trẻ
Là làm việc luôn tay.
25
Một bác nông dân nọ
Có con ngựa cái non.
Thế mà nó chạy mất,
Khiến cả nhà rất buồn.
Hay tin, nhiều hàng xóm
Đến chia buồn với ông.
Ông nói: “Ừ, rủi thật.
Cũng có thể là không.”
Hôm sau, con ngựa cái
Tự nhiên chạy về nhà,
Kéo theo một con đực.
Ối chà chà, ối chà!
Hàng xóm lại kéo đến
Chia vui, uống say mèm.
Chủ nhà vẫn tỉnh táo:
“Ừ, còn để rồi xem.”
Được hai ngày, bất cẩn,
Thằng con cả của ông
Tập cưỡi con ngựa mới,
Ngã gãy chân, vẹo hông.
Hàng xóm đến an ủi:
Ôi tiếc sao, buồn sao.
Ông bố tư lự nói:
“Để còn xem thế nào.”
Bỗng xẩy ra chiến sự.
Lính vua đến đầy nhà
Để bắt lính, cậu cả
Chân què, nên được tha.
Hàng xóm lại kéo đến,
Lại mừng, uống suốt đêm.
Ông chủ nhà không uống,
Lẩm bẩm: “Để rồi xem.”
26
Ta - giáo sư, tiến sĩ
Cả hàng chục nghìn người,
Thế mà lạ, không có
Nhiều công trình để đời.
Diễn viên và đạo diễn
Toàn “nghệ sĩ nhân dân”,
Thế mà phim nhạt thếch,
Chẳng ai xem, chẳng cần.
Nhà văn toàn cỡ lớn,
Hết giải nọ, giải này,
Mà tác phẩm của họ
Đọc không hề thấy hay.
Ta, thế mạnh du lịch,
Cả thiên nhiên, con người.
Tây đến thăm một lượt
Rồi lặng lẽ “bốc hơi”.
Nói chung, ta thế đấy.
Quả không dám nói ngoa.
Tôi cũng đau xót lắm.
Tôi, một phần của “ta”.
Còn chúng - các nước khác,
Vâng, chúng thì thế nào?
Bình thường, không khẩu hiệu,
Không khoe mẽ, ồn ào.
Không “lãnh đạo sáng suốt”,
Không phát động thi đua.
Thế mà đâu ra đấy,
Làm thật chứ không đùa.
Xin cược mười ăn một:
Ai từng đi nước người,
Sẽ công tâm đánh giá
Rằng tôi không quá lời.
Vậy nguyên nhân rốt cuộc
Là dân ta bất tài
Hay cơ chế, lãnh đạo
Có cái gì đang sai?
27
Giảng dạy chỉ trên lớp.
Giáo dục là suốt đời.
Chính nhờ được giáo dục
Con người mới thành người.
Một người có giáo dục
Thì yêu cầu hàng đầu
Là tự do, yêu nước,
Biết yêu và biết đau.
28
Một bác friend nữ viết,
Nghe có chút giận hờn:
“Đừng cầm bàn tay lạ,
Chỉ vì quá cô đơn.
Đừng vì chờ ai đó
Quá lâu mà thở dài,
Đến mức quên lý trí,
Ôm đại một bờ vai.
Cứ để mặc gió cuốn,
Vì mây là mây trời.
Ừ thì mưa cũng được.
Cứ để mặc mưa rơi…”
Mấy câu nghe thật sến.
Cái kiểu buồn vẩn vơ
Của các cô gái trẻ
Chưa qua thời mộng mơ.
Cái buồn sáng và đẹp,
Làm tôi, một người già,
Đọc, cũng buồn man mác,
Tiếc một thời đã qua.
29
Vừa đọc trên News Feed,
Một bác viết thế này:
“Nếu mai kia nghĩ lại,
Anh có trở về đây,
Thì ôm em, đừng nghĩ
Em là cô tình nhân.
Vì sức con gái yếu,
Chỉ đủ yêu một lần.
Và sau lần yêu ấy,
Yêu không còn là yêu.
Chỉ như cây thiếu nước,
Mỗi ngày một tiêu điều…”
Nghe mà thấy tội nghiệp,
Nhưng rất đúng - đàn ông
Yêu phải có trách nhiệm,
Nghiêm túc và thực lòng.
Đã yêu là nhất định
Phải hướng tới hôn nhân.
Sức con gái yếu lắm,
Chỉ đủ yêu một lần.
30
Khi đạo đức xuống cấp,
Người ở ác với người,
Châm ngôn càng cần thiết
Để đứng vững trên đời.
Vì châm ngôn hướng thiện,
Giúp ta tránh lỗi lầm.
Và quan trọng hơn cả,
Làm sống lại chữ Tâm.
Tôi không tốt, không xấu,
Chỉ là người bình thường.
Chữ Người cũng lớn lắm,
Khi còn biết yêu thương.
Chẳng qua do có tuổi,
Đọc nhiều, đi cũng nhiều.
Vấp ngã càng nhiều nữa,
Thành ra biết đủ điều.
Biết thì mách người khác
Tránh cái sai của mình
Để họ thêm tí tốt,
Tí tử tế, thông minh.
31
Các vị thần ngày trước
Từng chung sống với nhau
Trên một hòn đảo đẹp,
Rất ý hợp tâm đầu.
Đó là thần Hạnh Phúc,
Thần Tình Yêu, Thơ Ca,
Thần Nghèo Đói, Giàu Có,
Thần Khổ Đau, Phù Hoa…
Bỗng thần Dớt nổi giận,
Làm nước biển dâng cao.
Tất cả sẽ chìm hết,
Không sót hòn đảo nào.
Các thần liền vội vã
Lo thức ăn và thuyền,
Rời hòn đảo xinh đẹp
Để đi vào đất liền.
Thần Tình Yêu, tội nghiệp,
Nghèo vì quá mộng mơ.
Không có thuyền, buộc phải,
Chờ người cho đi nhờ.
Thuyền của thần Giàu Có
Tất nhiên to và sang.
Vì chở đầy của cải,
Nên đã từ chối nàng.
Thần Đau Khổ thì nói:
“Thuyền tôi chỗ còn nhiều.
Nhưng tôi thích đơn độc,
Nên không cần Tình Yêu.”
Ngất ngây trong hạnh phúc,
Thần Hạnh Phúc đi ngang,
Tiếc đã không nghe thấy
Lời cầu xin của nàng.
Tiếp đến một thuyền nữa.
Thuyền nữ thần Phù Hoa,
Nữ thần nhăn mặt nói:
“Muốn đi nhờ thuyền ta?
Không được. Ngươi ướt át,
Hay khóc, hay buồn rầu,
Sẽ làm thuyền ta bẩn.
Thôi, hãy chờ thuyền sau.”
Gần như hết hy vọng,
Thần Tình Yêu cứ chờ.
May cuối cùng cũng có
Một thần cho đi nhờ.
Đó là một ông lão
Tóc bạc, râu rất dài.
Đến nơi, nàng vui quá,
Quên hỏi thần là ai.
Hôm sau, thần Kiến Thức,
Khi ở nơi an toàn,
Mới nói, vị thần ấy
Chính là thần Thời Gian.
“Thần Thời Gian? - nàng hỏi. -
Vì sao nhỉ? Có điều…”
“Vì Thời Gian mới biết
Giá trị của Tình Yêu.”
32
Cành, cho quá nhiều quả,
Là việc không thông minh.
Quả nặng, cành sẽ gãy.
Tức mình tự giết mình.
Người, háo hức cống hiến,
Quá nhiều và quá nhanh,
Cũng sẽ sớm gãy gục.
Việc lớn sẽ không thành.
Ý này, không phải mới,
Đọc trong Kinh Hiền Nhân.
Đức Phật dạy như thế.
Vậy biết mà phòng thân.
33
Người ngu thường bảo thủ,
Lại tưởng mình thông minh.
Cái gì họ cũng biết,
Trừ cái ngu của mình.
34
Xã tôi oách lắm nhé,
Xã Diễn Lộc Anh Hùng.
Chữ đắp nổi, đỏ chói
Trên chiếc cổng to đùng.
Nghe nói đang vận động
Để Nhà Nước nay mai
Phong cho cái trường xã
Thành Anh Hùng cho oai.
Còn huyện thì dứt khoát
Huyện Anh Hùng Diễn Châu,
Không nói, ai cũng biết,
Đã được phong từ lâu.
Quê hương tôi vậy đấy.
Oách đến thế là cùng.
Cứ kiểu này, chắc chắn
Làng cũng thành anh hùng.
Bằng chứng là dịp Tết,
Tôi về quê thăm làng,
Thấy người ta bàn chuyện
Viết cuốn sử vẻ vang
Về truyền thống cách mạng,
Về lao động hăng say.
Loại giấy tốt, bìa cứng
Khoảng năm trăm trang dày.
Tiếc là dù vĩ đại,
Nhưng thiếu đói triền miên,
Nên làng loay hoay mãi,
Không kiếm đâu ra tiền.
35
Một người mà không hiểu
Sự im lặng của anh,
Chắc chắn sẽ không hiểu
Những lời nói của anh.
36
Sự kiên nhẫn không chỉ
Là khả năng biết chờ.
Mà còn khả năng biết
Giữ bình tĩnh lúc chờ.
37
Hãy vui như đứa trẻ
Mà không cần lý do.
Vui mà cần lý do,
Thì niềm vui sẽ mất.
38
Dalai Lama nói:
Sống vui vẻ với đời
Là biểu hiện cao nhất
Sức khỏe của con người.
36
Nếu anh biết thay đổi
Cách suy nghĩ của mình,
Anh có thể thay đổi
Cả thế giới xung quanh.
39
Albert Einstein nói:
Ai đi theo đám đông
Thường người ấy không thể
Đi xa hơn đám đông.
Còn với ai dũng cảm
Dám một mình đi riêng,
Rất có thể người ấy
Tới được chỗ đất thiêng.
40
Không phải đua tộc độ,
Đời là chuyến du hành.
Nhẹ hơn, nếu bỏ lại
Quá khứ buồn của anh.
41
Không phải sấm hay chớp
Là những cái ta cần,
Mà là giọt mưa nhỏ
Thấm xuống đất dần dần.
Vì cái làm hoa nở
Không phải sấm vang trời,
Mà lặng lẽ, chầm chậm
Những giọt mưa đang rơi.
42
Khi anh nghĩ anh tốt,
Đời sẽ tốt với anh,
Tức là vô ý thức,
Anh đang tự dối mình.
Vì nghĩ thế chẳng khác
Bảo sư tử: Nghe đây.
Mày không ăn tao nhé,
Vì tao không ăn mày!
43
Hãy nói gì muốn nói.
Hãy là mình hàng ngày.
Vì những người tử tế
Không quan tâm điều này.
Còn ai thích xoi mói
Là những người đáng khinh.
Vậy thích gì cứ nói,
Mình phải luôn là mình.
44
Charlie Chaplin nói
Một câu nghe não lòng,
Rằng người bạn tốt nhất
Là chiếc gương trong phòng.
Vì nó luôn trung thực,
Khác hẳn với người đời.
Ít ra khi ông khóc,
Nó không bao giờ cười.
45
Dù bận đọc và viết,
Tranh thủ đến từng giây,
Tôi vẫn đều đặn gọi
Cho hai Cụ hàng ngày.
Cả hai chín mốt tuổi,
Sống khỏe mạnh ở quê.
Mắng, bảo đừng gọi điện.
Về cũng không cho về.
Là vì các Cụ sợ
Gọi điện nó tốn tiền.
Về ảnh hưởng công việc,
Thêm vất vả, thêm phiền.
Các cụ già thế đấy.
Tôi, cũng một cụ già,
Cũng bảo con và cháu
Bơn bớt cái phiền hà.
Nhưng bảo thì cứ bảo,
Mà mong vẫn cứ mong.
Vẫn muốn nghe giọng chúng,
Để biết có khỏe không.
Phần tôi, tôi cứ gọi,
Biết hai Cụ ở quê
Giữa chừng hay cúp máy,
Nhưng nghe vẫn thích nghe.
Nhiều bác sống thành phố,
Có bố mẹ ở xa.
Tôi khuyên nên đều đặn
Gọi điện thoại về nhà.
Chẳng có gì để nói.
Chỉ vu vơ đôi lời,
Thế mà rất quan trọng,
Vì nó ấm tim người.
46
Cho dù sai hay đúng,
Việc anh làm hàng ngày
Nhất định sẽ để lại
Các hậu quả sau này.
Nhưng hậu quả lớn nhất,
Phải nói lớn cực kỳ
Mà ta phải đối mặt,
Là khi không làm gì.
47
Theo quan niệm người Mỹ,
Thì đời phải như sau:
Một, sinh ra, rồi lớn.
Hai, yêu nhau, lấy nhau.
Ba, du lịch thế giới.
Bốn, con cháu đầy nhà,
Ít nhất là ba đứa.
Năm, rồi cùng chết già.
Ừ, đời chỉ cần thế.
Thế là quá tuyệt vời.
Nhớ nhé, đi du lịch
Để biết mình, biết người.
Tây - ky cóp du lịch.
Ta - ky cóp mua nhà.
Theo tôi, người lý tưởng
Là nửa Tây nửa Ta.
48
Một bác gửi tin nhắn:
“Làm thế nào, thầy ơi.
Dạo này buôn bán kém.
Nghĩ mà nẫu cả người.”
Tôi chưa hề buôn bán,
Nên chưa gặp cảnh này.
Nhưng theo chỗ tôi biết
Thì buôn bán xưa nay
Phải lúc lỗ, lúc lãi.
Chứ ăn mãi được à?
Thời “bách chiến bách thắng”
Từ lâu rồi, đã qua.
Cái bác này có lẽ
Chưa hiểu hết sự đời.
Lãi thì sướng âm ỉ.
Lỗ, trút buồn cho người.
49
Luôn có cái gì đẹp
Và đáng giá mỗi ngày.
Vấn đề là phải cố
Để thấy cái đẹp này.
Nhìn, tất nhiên bằng mắt.
Nhưng mắt chẳng thấy gì,
Nếu suy nghĩ tiêu cực
Và trái tim ù lì.
50
Mới cưới, yêu vợ một.
Già phải yêu vợ mười,
Khi da vợ nhăn nhúm,
Lọm khọm, héo quắt người.
Vì nói gì thì nói,
Trong việc vợ lưng còng,
Nhăn nhúm và héo quắt,
Lỗi phần nhiều do chồng.
51
Đẹp, quả thật rất đẹp
Cảnh hai vợ chồng già
Chiều chiều cùng đi dạo
Thơ thẩn trong vườn hoa.
Chẳng sao, vì chống gậy,
Nên tay không cầm tay.
Cũng chẳng sao hai cụ
Ca cẩm nhau suốt ngày.
Cái chính là hai cụ
Như thời xưa đang yêu,
Vẫn cùng nhau đi dạo
Trong vườn hoa chiều chiều.
52
Trong tình yêu, đáng quí
Là khi người con trai
Chung thủy với bạn gái,
Không nước một nước hai.
Con gái, về bản chất
Nghiêm túc và dịu hiền.
Nên khi yêu ai đó,
Chung thủy là đương nhiên.
53
Suy cho cùng đích đến
Của mỗi một chúng ta
Là sau bao sóng gió,
Sẽ cập bến tuổi già.
Giữa một bầy con cháu,
Ta bệ vệ ngồi yên
Trong các dịp Tết, lễ.
Ngồi chờ chúng mừng tiền.
Và rồi, như thành lệ,
Ta kể “chuyện ngày xưa”.
Ngày xưa nó thế đấy.
Toàn chuyện thật, kinh chưa?
Rồi ta mắng con cháu,
Khuyên đôi lời thông minh,
Dù trong lòng thừa biết
Chúng còn khôn hơn mình.
Rồi cụ bà tranh thủ
Nhắc lại chuyện tình yêu:
“Xưa ông mày ghê lắm,
Tán mãi bà mới xiêu.”
Cụ ông thì mơ mộng,
Cứ như đang trên mây.
Ừ nhỉ, loáng một cái
Đã cháu con một bầy.
Mơ mộng cứ mơ mộng,
Hai cụ vẫn ngồi yên,
Chờ giây phút quan trọng
Được cháu con mừng tiền.
54
Tôi tâm nguyện theo Phật,
Không để bụng thù người,
Đặc biệt không bạo động
Hay chỉ trích nặng lời.
Cái trước ta tưởng đúng
Giờ, rất tiếc, lại sai.
Mà sai thì nên sửa,
Không đổ lỗi cho ai.
Có thể cái lý tưởng
Mà ta theo lâu nay
Giờ không còn phù hợp.
Không phù hợp thì thay.
Đảng cũng vì đất nước,
Như tôi, như mọi người.
Vậy mong đảng đổi mới,
Cho hợp lòng, hợp thời,
Để đảng bớt lấn cấn.
Để niềm tin vẫn còn.
Để tôi được tiếp tục
Viết thơ cho trẻ con.
Thế đấy các bác ạ.
Rất phức tạp sự đời.
Rất muốn im, theo Phật,
Tiếc vẫn đang là người.
55
Nhiều lãnh đạo cao cấp
Đương nhiệm thì rất ghê.
Về vườn, viết hồi ký
“Trăn trở” và “tự phê”.
Một số “nhà văn lớn”,
Lộc ăn nhiều, ăn dày,
Trước khi chết, viết sẵn
Bài “sám hối” chua cay.
Như thế cũng là tốt,
Tức còn chút lương tâm,
Tuy không đàng hoàng lắm,
Và thâm thấp cái tầm.
Nôm na là khôn lỏi.
Vẫn ngậm miệng ăn tiền.
Và nói gì thì nói,
Vẫn thum thủm mùi hèn.
56
MỤ VỢ NHỜ QUẢNG CÁO
Mụ Vợ tôi hiện có
Cửa hàng đồ thể thao.
Mụ buôn bán không biết
Lỗ hay lãi thế nào.
Tôi hỏi thì Mụ đáp,
Bằng tiếng Anh mới ghê,
Nhưng mặt buồn rười rượi:
“It is fine, OK”.
Nghĩa là đang rất ế.
Tính Mụ sĩ lắm cơ.
Nếu ai cần mua sắm,
Đến mua cho Mụ nhờ.
Rất dễ tìm, địa chỉ:
Một Tám Hai, Quang Trung,
Ở Hà Đông, phố lớn.
Cửa hàng cũng to đùng.
Cần thì gọi điện thoại:
Không - Chín - Một - Ba - Năm
Tám - Bảy - Chín - Năm - Tám.
Có chiết khấu phần trăm.
Cứ bảo tôi, bạn ruột
Của Ông Béo, chồng cô.
Hứng lên, Mụ có thể
Không bán, mà lại cho.
Vậy các bác đến nhé,
Phố Quang Trung, Hà Đông.
Coi như tôi làm tốt
Việc Mụ giao cho chồng.
PS
Lưu ý các bác nữ
Chỉ một điều này thôi:
Không được cho Mụ biết
Rằng các bác yêu tôi.
Vì Mụ rất coi trọng
Quyền được sở hữu chồng.
Người Hà Nội, nhưng Mụ
Là Sư tử Hà Đông!
57
Một số bác đề nghị
Nên đưa lên thằng Phây
Dạng sách mềm Ebook
Để tiện đọc hàng ngày.
Tôi nghĩ thế cũng tốt,
Vì nhiều bác ở xa
Không thể mua sách cứng
Do lắm nỗi phiền hà.
Và đây, một danh sách
Khoảng mười lăm, hai mươi
Các tên sách tôi viết
Trong suốt nhiều năm trời.
Một số vừa xuất bản,
Một số in đã lâu.
Cũng có cuốn vừa viết
Và công bố lần đầu.
Sách chưa thật đẹp lắm.
Còn thiếu chất pro,
Nhưng xài tạm cũng được,
Dễ đọc và chữ to.
Những ai có điều kiện
Thì xin bỏ tiền mua.
Còn ai khó khăn quá
Mời cứ việc tải chùa.
Một đô-la một cuốn,
Hay hai mươi nghìn đồng.
Có ít hơn cũng được,
Nhiều hơn thì tùy lòng.
Chủ yếu giúp tác giả
Lấy thơ để nuôi thơ,
Có sức tái sản xuất
Thời khó khăn bây giờ.
58
Để thành người hạnh phúc,
Không cần nhiều lắm đâu.
Chỉ cần tăng làm việc
Và giảm bớt nhu cầu.
Sống, không được định kiến,
Cứ mơ ước nhiều vào.
Thích thì cười thoải mái,
Và gặp ai cũng chào.
Đừng nghĩ mình vận hạn,
Không gặp may, gặp thời.
Hãy nghĩ mình sướng chán
So với rất nhiều người.
59
Lúc trẻ thường nhiều bạn.
Số lượng bạn càng ngày
Càng ít cùng tuổi tác.
Nhiều chưa hẳn là hay.
Đó là sự thanh lọc -
Những người xấu ra đi.
Những người tốt ở lại.
Đừng nuối tiếc làm gì.
60
Lại một bí quyết nữa
Để hạnh phúc ở đời,
Là phải luôn bận rộn,
Yêu công việc, yêu người.
Bận đến mức thực sự
Không còn thừa thời gian
Để thù hận, ghen tị,
Lười biếng và phàn nàn.
61
Sống đến chừng này tuổi,
Tôi học được điều này -
Dù có gì đi nữa,
Cứ phải vui hàng ngày.
Vì buồn vui, sướng khổ
Do ta nghĩ mà thôi.
Hãy lạc quan, nếu được,
Cứ nên bắt chước tôi.
62
Nhiều khi ta do dự
Giữa hai điều thế này.
Một, nói thẳng sự thật
Để phải khóc chua cay.
Hai, buộc mình nói dối
Để người khác mỉm cười.
Một sự lựa chọn khó
Ta thường gặp trong đời.
Cá nhân tôi, thú thật,
Chưa biết chọn cách nào.
Gặp trường hợp tương tự,
Các bác định tính sao?
63
Muốn mọi chuyện tốt đẹp,
Cái đầu tiên anh cần
Là phải tin mình đã.
Có niềm tin, dần dần
Rồi đâu sẽ vào đấy.
Vì Số Phận thông minh
Xưa nay chỉ nâng đỡ
Những ai tin vào mình.
64
Đừng bao giờ phí phạm
Các tình cảm của mình
Cho những người không xứng,
Ích kỷ và vô tình.
Mà loại người như thế
Là chuyên gia giả vờ.
Như thể quan tâm lắm,
Nhưng hoàn toàn hững hờ.
Bạn dốc bầu tâm sự.
Họ nghe thì có nghe,
Nhưng trong bụng thì nghĩ:
“Cái con này nhiều khê!”
65
Cái người ta hay gọi
“Phong cách Thái Bá Tân”
Không phải thơ đúng nghĩa,
Mà văn nói có vần.
Tôi chọn cách viết ấy
Có chủ ý, vì sao?
Vì nôm na, giản dị
Người ta đọc mới vào.
Vả lại, thơ thế sự,
Đặc biệt thơ châm ngôn,
Mà dài dòng, văn vẻ
Thì người đọc hết hồn.
Đấy là chưa nói chuyện
Thời a còng bây giờ,
Ma nào nó thèm đọc
Hoa lá cành, ỡm ờ.
Bốn mươi năm viết dịch,
Chỉ vài năm gần đây
Tôi mới chọn thơ nói
Kiểu nôm na thế này.
Là vì tôi thiết nghĩ
Thơ không phải trò chơi.
Mà phải là tiếng nói
Chân thật của cuộc đời.
Mất công người ta đọc,
Thì phải cho người ta
Điều gì đấy bổ ích
Ngoài mây gió, trăng hoa.
Tôi nghĩ đơn giản vậy,
Vì tôi, Thái Bá Tân,
Giao cho mình nhiệm vụ
Viết thơ cho nhân dân.
Tức là ý phải rõ,
Dung dị và kiệm lời,
Dân dã và dễ hiểu,
Phù hợp với mọi người.
Còn bác nào cứ thích
Đọc loại thơ câu dài,
Thì mời vào Blog.
Tôi có mấy nghìn bài.
66
Khi ai đó chơi xấu,
Bạn đừng buồn, quên đi.
Hãy tin rằng người ấy
Là người chẳng ra gì.
Người bình thường, tử tế
Không chơi xấu bao giờ.
Đừng bực mình thêm khổ.
Tốt nhất, cứ làm ngơ.
67
Khi một người nào đó
Yêu mến bạn, người này
Không nhất thiết phải nói
Hay bộc lộ hàng ngày.
Chỉ cần bạn tinh ý
Là nhận biết rất nhanh.
Thường yêu mến, không nói
Là yêu mến chân thành.
68
Để trở thành thông thái,
Bạn phải biết dần dần
Tích lũy kiến thức mới,
Bỏ kiến thức không cần.
Để trở thành hùng biện,
Không chỉ học nói gì,
Mà còn học biết cách
Không nên nói cái gì.
69
Bản chất người bộc lộ
Trong hai trường hợp sau:
Một, khi quá nghèo đói.
Hai, là khi quá giàu.
70
Trời mưa to, có thể
Không phải lỗi của anh.
Nhưng quên ô, bị ướt,
Lại là lỗi của anh.
Tôi đau ốm, có thể
Không phải lỗi của anh.
Anh biết, không thăm hỏi
Lại là lỗi của anh.
71
Một người tốt, trung thực
Lọt thỏm giữa biển người
Tham lam và giả dối,
Bị coi là lỗi thời.
Anh muốn giúp ai đó
Bằng lời khuyên chân thành,
Nhưng quen với giả dối,
Họ sẽ không nghe anh.
Một tập thơ tử tế,
Trăn trở và nặng lòng,
Giữa một núi thơ rác,
Cũng coi như bằng không.
Một nghìn lần nói dối
Mà cảm thấy bình thường,
Thì một lần nói thật,
Sẽ thấy ngượng, khác thường.
72
Lại thêm một nghịch lý:
Sách càng nhiều trong nhà,
Ta lại càng ít đọc,
Thậm chí chẳng nhìn qua.
Xưa, sách là bạn quí,
Dù in xấu, không nhiều.
Nay giàu hơn, bội bạc,
Ta quên các bạn nghèo.
Mà quên bạn sách cũ
Tức là ta tự mình
Đang làm nghèo mình đấy,
Cố tình hoặc vô tình.
73
Cứ để mặc người khác
Làm những gì họ cần,
Miễn là họ thỏa mãn
Cả thể xác, tinh thần.
Phần ta, ta cũng vậy.
Ta lo việc của ta,
Miễn làm sao đạt được
Sự thỏa mãn hài hòa.
74
Thậm chí khi tất cả
Quay lưng lại với anh,
Đừng nản, đừng để mất
Niềm tin vào chính mình.
Đừng để cái cay đắng
Của cuộc đời phũ phàng
Lấy đi cái anh có,
Vốn hồn nhiên, dịu dàng.
Đừng để sự thô ráp,
Cả khi của nhiều người,
Làm tim anh giá lạnh,
Thành thù hận với đời.
Vì dẫu còn thô ráp,
Phũ phàng và đắng cay,
Cuộc đời vẫn đáng sống,
Đáng trân trọng từng ngày.
75
Tôi nghĩ có lẽ tốt
Việc đôi khi ta lười.
Đơn giản để tận hưởng
Hạnh phúc được làm người.
Với tôi, mỗi sáng dậy,
Được ườn èo trên giường
Là giây phút hạnh phúc,
Giản dị và bình thường.
Vợ gọi không thèm dậy.
Không phải đến cơ quan.
Không lo chuyện cơm áo.
Thật sướng, vì được nhàn.
Cái sự ườn èo ấy,
Quả tôi không nói điêu,
Nhiều hôm kéo dài mãi,
Đến tận một giờ chiều.
Rồi dậy, cà phê sáng,
Xin lỗi, cà phê trưa.
Nhâm nhi hơn một tiếng.
Có ai sướng thế chưa?
Xưa, có nhà khoa học
Dặn đầy tớ hàng ngày
Đánh thức ông mỗi sáng
Bằng mấy câu thế này:
“Thưa Ngài, mời Ngài dậy.
Bây giờ là sáu giờ.
Công việc đang làm giở.
Cả nhân loại đang chờ!”
Tôi thì dặn Mụ Vợ
Nói: “Ông Béo dậy không?
Các friends trên mạng
Đang chờ đọc thơ ông!”
Tôi dặn Mụ thế đấy,
Vì vốn biết mình lười.
Nhưng nhiều hôm Mụ Vợ,
Đúng là mụ dở người,
Kệ friends trên mạng,
Không chịu đánh thức chồng.
Nên tôi ườn èo mãi.
Thế là sướng, đúng không?
Vâng, như thế là sướng.
Tiền bạc làm đếch gì.
Sống phải sướng, vì vậy,
Lười được thì lười đi.
76
Một điều ta tưởng đúng,
Thế mà lại hóa không,
Là việc ta luôn cố
Không làm ai mất lòng.
Không mất lòng ai đó
Tức là ta phải chiều.
Được - dĩ hòa vi quí,
Nhưng mất, cũng mất nhiều.
Mỗi người chiều một tí.
Chiều nhiều người, thành ra,
Tự lúc nào không biết,
Ta đánh mất chính ta.
Tức là mất tất cả,
Cơ hội và thành công.
Chỉ vì ta luôn cố
Không làm ai mất lòng.
77
Một lần anh vấp ngã,
Không có nghĩa lần sau
Anh lại vấp ngã tiếp
Y hệt như lần đầu.
Quan trọng là phải nhớ
Tin tưởng vào bản thân.
Nếu không, lại vấp ngã,
Mà vấp ngã nhiều lần.
79
Có một bác nhận xét
Một câu buồn, chua cay.
Tôi đọc ở trên mạng,
Ý đại khái thế này.
Bác chỉ mong đất nước
Giới thiệu ra nước ngoài
Cái gì đó hơn thế,
Hơn nem và áo dài.
Ta, truyền thống văn hóa
Cũng không đến nỗi nào,
Mà quanh đi quẩn lại
Chỉ hai cái ấy sao?
Vẫn mấy cô tha thướt,
Chiếc nón lá cầm tay,
Nghiêng đi rồi nghiêng lại,
Hết nước nọ, nước này.
Tôi là người lớp trước,
Thích truyền thống, tất nhiên.
Nhưng thấy cứ như thế,
Thì nhàm và vô duyên.
Tội nghiệp mấy chiếc áo.
Tội nghiệp cả mấy cô.
Trách nhiệm Bộ Văn Hóa.
Không chịu nghĩ, chịu lo.
Rồi bác đưa thí dụ,
Cũng chiếc áo, cái nem,
Mà Việt Kiều giới thiệu
Lại thu hút người xem.
Nôm na là ông Bộ
Không chịu đụng cái đầu.
Truyền bá mà như thế
Thì thành công - còn lâu.
80
Dám cá mười ăn một,
Rằng giao tiếp hàng ngày,
Nhỡ có gì sơ suất
Là ta xin lỗi ngay.
Xin lỗi rất lịch sự,
Kèm theo cả nụ cười.
Ấy là nói giao tiếp
Mặt đối mặt ngoài đời.
Nhưng khi gọi điện thoại,
Hay trên mạng, trên Phây,
Thì phần nhiều, rất tiếc,
Không xử sự cách này.
Gọi nhầm số, tắt máy,
Không thèm nói “Sorry”.
Ta đây không cần biết.
Coi như không có gì.
Vì sao? Là vì mạng,
Mạng ảo và đông người,
Nên không thèm xin lỗi.
Xin lỗi chỉ tốn hơi.
Chắc nói thế là đủ,
Khỏi bàn thêm dài dòng.
Bây giờ cách nghĩ ấy
Là tâm lý đám đông.
Không Tử dạy: Quân tử
Chỉ sợ mình, sợ Trời.
Vì mình biết, Trời biết,
Chứ đâu chỉ có người.
81
Có lẽ không vô cớ
Rằng nay ít tình người.
Xưa chúng ta giao tiếp
Qua tiếng nói, tiếng cười.
Giờ toàn gọi điện thoại,
Hay nhắn tin mấy dòng.
Trao đổi qua status.
Gặp trực tiếp thì không.
Bấm phím thay cho nói.
Thời kỷ nguyên thông minh,
Điện thoại là công cụ
Để người ta tỏ tình.
Công nghệ và máy móc
Chi phối ta ngày nay.
Không xa lắm viễn cảnh
Rồi sớm muộn có ngày
Chính ta cũng thành máy,
Cứng nhắc và vô hồn.
Tự nhiên nghĩ vơ vẫn,
Mà thương cho cháu con.
82
Đừng cầu xin tình yêu.
Đó là điều kỵ nhất.
Mà rồi, cứ nói thật,
Xin cũng chẳng ai cho.
83
Quán cơm bụi trong ngõ.
Ám bụi và tồi tàn.
Một tốp thợ xây dựng
Ngồi ăn bên chiếc bàn.
Mặt đỏ bừng, còn trẻ,
Khoảng vài chục tuổi đầu.
Họ ép nhau uống rượu.
Dí cốc vào miệng nhau.
“Phải uống! Phải uống nữa!
Uống cho đến kỳ say!
Rượu cuốc lủi, hạng bét,
Ép nhau uống hàng ngày.
Tối đến, tốp thợ ấy,
Nếu không bị say mèm,
Lại túm tụm đánh bạc,
Thức trắng gần suốt đêm.
Họ, sống trong tăm tối.
Làm quần quật suốt ngày,
Rồi suốt đêm đánh bạc,
Sáng, trưa chiều - uống say.
Buồn, thương, mong có thể
Thắp sáng một ngọn đèn
Trong những trái tim trẻ
Đang chìm trong bóng đen.
84
Về của cải, vật chất,
Anh có thể thua người.
Nhưng chịu khó học tập,
Chắc chắn anh hơn người.
Hơn thế, thành thông thái,
Dù gặp dữ, gặp lành,
Không ai có thể cướp
Sự thông thái của anh.
85
Cả một tấn lý thuyết
Thua một gam thực hành.
Hơn cả triệu lời nói,
Một việc làm của anh.
Anh muốn làm việc tốt?
Làm đi, đừng nói nhiều.
Không làm, nói xoen xoét
Thì vừa gian, vừa điêu.
86
Có người nghe anh đấy,
Thậm chí cả nghìn lần,
Mà hiểu, vẫn không hiểu,
Vì họ nghĩ không cần.
Nhưng có người, ngược lại,
Không nghe một lời nào.
Mà hiểu, thì rất hiểu
Tâm trạng anh thế nào.
87
Con gái ngoài vẻ đẹp
Và tính cách dịu hiền,
Phải ngốc nghếch một tí
Mới thực sự có duyên.
Sự ngốc đáng yêu ấy
Là năng khiếu bẩm sinh.
Chẳng ai bắt chước được.
Đừng cố mà khổ mình.
88
Nhiều người tưởng thông thái
Mà chẳng thông thái đâu.
Họ trở thành nổi tiếng
Nhờ cái có từ lâu.
Mà cái “từ lâu” ấy
Có thể do ngẫu nhiên,
Hoặc do sự ngu dốt
Của đám đông thích khen.
Cái nguy hiểm ở chỗ,
Do tưởng mình thông minh,
Họ không yêu ai hết
Ngoài yêu bản thân mình.
Đọc, họ không thèm đọc.
Bạn không tin nổi đâu.
Nên, “thông thái”, “nổi tiếng”,
Mà họ vẫn ngu lâu.
89
Biết nhau là một chuyện,
Nhưng thông cảm, hiểu nhau
Thì lại là chuyện khác.
Phải nói thế từ đầu.
Điều này rất quan trọng
Khi chọn bạn cho mình.
Nhớ nhé, biết nhiều lắm,
Nhưng ít người hiểu anh.
90
Ba cô gái xinh đẹp
Vào quán phở Tây Hồ.
Rồi như thể hẹn trước,
Cùng đồng thanh kêu to:
“In ít bánh thôi nhé.
Thịt cũng không cần nhiều.
Nước trong, không có mỡ.”
Ba cô gái đáng yêu.
Họ yểu điệu ngồi xuống
Cạnh tôi, một lão già
Đang húp phở sì sụp,
Bát phở ngon thịt gà.
Và rồi, cũng yểu điệu,
Các cô ăn từ từ.
Kiểu mèo ăn, chừa lại
Không dưới một phần tư.
Tôi ngạc nhiên, quái thật,
Bành phở có tẻo teo.
Xin bớt, còn chừa lại.
Đúng là ăn kiểu mèo.
Chắc là họ không đói.
Thì đừng ăn, tốn tiền,
Hay ba cô hai bát.
Thế đấy, giờ thanh niên…
Ba cô gái đài các
Cùng yểu điệu ra về.
Nhưng nhìn kỹ, vẫn thấy
Phảng phất chất nhà quê.
Cuối cùng tôi chợt hiểu,
Các cô gái đồng xanh
Lên phố, đang bắt chước
Tiểu thư con nhà lành.
91
Đức Phật Tổ thường nói
Rằng chúng ta, con người,
Thực sự là bầy rối
Trên sân khấu cuộc đời.
Rằng chúng ta phải diễn
Rất nhiều vai khác nhau,
Dù muốn hay không muốn,
Toàn những vai buồn đau.
Cái đau của mất mát,
Mất tiền bạc, mất nhà.
Đau cả vì bệnh tật,
Để cuối cùng chúng ta,
Không một ai ngoại lệ,
Đều phải chui xuống mồ.
Đến lúc ấy có lẽ
Mới thoát khỏi buồn lo.
Vậy muốn tránh điều đó,
Ta phải làm thế nào?
Đức Phật dạy: Đơn giản
Ta phải sống làm sao
Để không phải đóng kịch.
Cái sân khấu cuộc đời
Ta phải cố rời bỏ,
Sống đúng nghĩa làm người.
Nghĩa là ta quay lại
Với Sự Thật, Thiên Nhiên,
Với tư duy thông tuệ,
Cuối cùng là Sống Thiền.
Các trường phái đạo Phật
Phát triển lời khuyên này
Thành giáo lý chủ yếu
Cả mấy nghìn năm nay.
92
Theo tục lệ Ấn Độ,
Để cúng tế các thần
Người ta giết súc vật,
Mong thần linh ban ân.
Nhưng Đức Phật lại nói,
Làm như thế là sai.
Một số người nghe vậy,
Lên tiếng chỉ trích Ngài.
“Thánh Kinh dạy phải thế.
Sao ông dám bảo không?”
Ngài ôn tồn đáp lại:
“Thật là cảnh đau lòng
Khi phải giết người khác
Để lợi lộc về mình.
Như thế là ích kỷ,
Là bất lương, vô tình.
Mà những ai ích kỷ
Khó hạnh phúc đời này.
Ích kỷ còn là tội,
Một tội lớn xưa nay.
Thần đòi được hiến máu
Mới giúp đỡ người ta,
Thần không chỉ ích kỷ,
Mà còn là xấu xa.
Nếu các ông thực sự
Yêu súc vật hết lòng,
Thì các vị thần ấy
Đáng phải thờ các ông.”
Những lời nói chí lý
Được nghe theo, dần dần
Súc vật không bị giết
Để cúng tế các thần.
93
Ngẫm, thấy mình cũng được.
Cần mẫn như con tằm,
Cứ nhả tơ lặng lẽ.
Sống dựa vào chữ Tâm.
Mặc trời mưa hay nắng,
Mặc đời vui hay buồn,
Cứ nhả tơ lặng lẽ
Qua những bài châm ngôn.
Có ngày tơ vàng óng.
Cũng có ngày nhạt nhờ.
Không sao, cái quan trọng
Là đều đều nhả tơ.
Đều đều và lặng lẽ.
Lặng lẽ và đều đều.
Ai làm gì mặc kệ.
Khó, cắn răng, không kêu.
Chỉ mong sau khi chết
Để lại được cho đời
Một vài tấm lụa đẹp
Làm ấm chút tình người.
94
Đi nhiều, đọc cùng lắm,
Tôi, nhà thơ ông đồ,
Nay đã đến cái tuổi
Không nhận, chỉ muốn cho.
Bản tính không ham hố,
Nói chung cũng biết điều.
Cuối đời, ngẫm, chợt thấy
Số Phận cho khá nhiều.
Âu cũng là ân phước
Của tổ tiên, gia đình.
Thì giờ tôi tích phước
Cho thế hệ sau mình.
95
Từ nông thôn, bà mẹ
Đi thăm con ở xa.
Ngoài tiền mới bán thóc
Còn thêm chục trứng gà.
Gặp mẹ, anh mừng lắm.
Tiếc lúc bà lên chơi
Lại có buổi sinh nhật,
Đang vui và đông người.
Toàn nam thanh, nữ tú,
Giàu có và thông minh.
Tự nhiên anh thấy ngại
Việc giới thiệu mẹ mình.
Bà mẹ quê tội nghiệp
Chờ anh con sinh viên
Vui sinh nhật với bạn.
Chờ đúng ba tiếng liền.
96
Thông tin và kiến thức
Là hai cái khác nhau.
Suốt ngày anh đọc báo
Mà vẫn cứ ngu lâu.
Báo đọc đấy, biết đấy.
Gấp báo, coi như xong.
Tưởng mình biết nhiều lắm,
Nhưng không vẫn hoàn không.
Còn sách là tri thức,
Vì nó có chiều sâu.
Đọc, thấm từng tí một,
Và lắng lại trong đầu.
Vì vậy, khuyên các bác
Giảm đọc báo hàng ngày.
Để lúc rỗi có thể
Cầm cuốn sách trên tay.
97
Thực ra ta để phí
Nhiều tháng năm của mình
Kêu ca và so sánh
Với những người xung quanh.
Rằng ta nghèo, ta kém,
Chưa được như mọi người.
Rằng ta không may mắn,
Không gặp cơ, gặp thời.
Mỗi người một số phận,
Không người nào giống nhau.
Có cả yếu, cả mạnh,
Vui sướng và buồn đau.
Có thế nào được vậy.
So sánh mà làm gì.
Ai có việc người ấy.
Đường ta ta cứ đi.
98
Khi chưa có nhà mới
Thì là việc bình thường,
Không vội bỏ nhà cũ,
Kẻo mà lại đứng đường.
Nơi anh đang làm việc
Dù có chán thế nào,
Đừng bỏ khi chưa có
Một nơi mới mời chào.
Cuộc đời luôn tráo trở,
Không ai lường đuợc đâu.
Chưa cảm thấy chắc chắn
Thì đừng vội chặt cầu.
99
Người nào luôn cau có
Với những người xung quanh,
Thì người ấy chắc chắn
Không hài lòng với mình.
Kiểu giận cá chém thớt.
Trút giận lên người ta.
Với những người như thế,
Tốt nhất nên lánh xa.
100
Cần phải học cái mới,
Nhưng thực sự cần hơn
Là học bỏ cái cũ.
Người Anh gọi unlearn.
Bỏ mẹ cái nhậu nhẹt.
Ở nhà với gia đình.
Cơm dưa cà đạm bạc
Vẫn ngon vì cơm mình.
Bỏ mẹ cái điện thoại
Hoặc lớt phớt trên Phây.
Đỡ hư người một nhẽ,
Lại được rỗi hàng ngày
Để giúp con, giúp vợ.
Thậm chí ngồi vuốt râu
Vợ cũng yêu, vậy nhé,
Ở nhà cho vợ hầu.
Unlearn cái ý nghĩ
Thích ra đường chạy rông.
Vì con cần bên bố
Và vợ cần bên chồng.
Unlearn cái sở thích
Mê chân dài, mê “hoa”.
Chân dài vướng bỏ mẹ.
Cứ enjoy “chân nhà”.
Nhậu nhẹt và em út
Vừa hư vừa tốn tiền.
Xin cam đoan như thế.
Nói sai, tôi chết liền!
101
Với các bác bợm nhậu,
Xin phép nói thế này:
Nếu các bác có thể
Ngồi nhậu nhẹt suốt ngày,
Thì não trạng các bác
Chắc chắn có vấn đề.
Mà vấn đề nặng đấy,
Thuộc vào loại đáng chê.
Một, cái thằng bia rượu,
Uống nhiều, uống thường xuyên
Nhất định sẽ thành bệnh,
Hại sức khỏe, hại tiền.
Hai, về mặt đạo đức,
Nhậu nhẹt nó hư người.
Từ khôn hóa thành dại.
Không khéo người ta cười.
Ba, nhậu không vì bạn.
Làm ăn chắc cũng không.
Đơn giản đó là cớ
Trốn trách nhiệm làm chồng.
Bốn, là vợ các bác
Ngồi ở nhà một mình.
Nói, có thể không nói,
Nhưng trong bụng nó khinh.
Năm, ngại không thú nhận,
Chứ thừa biết trong lòng,
Các bác nhậu vì thiếu
Cái gì đó bên trong.
Tôi trước cũng nhậu nhẹt.
Nhưng may mắn ngộ ra,
Nên kè kè bên vợ
Thành yên ấm cửa nhà.
Tôi chỉ khuyên như thế.
Nhậu nhẹt chẳng hay gì.
Lần nữa, xin nhắc lại,
Cái trò ấy thôi đi!
102
Đẹp không phải là cái
Bạn nhìn thấy trong gương.
Đẹp thể hiện trong cách
Bạn ứng xử đời thường.
Sống trung thực là đẹp.
Có tình thương yêu người,
Yêu lao động, giản dị
Là cái đẹp nhất đời.
Đẹp - không vượt đèn đỏ.
Không nói tục, chửi thề.
Chồng không ham bia rượu.
Vợ không mê lô đề.
Đẹp - những ngày nghỉ lễ
Cả nhà vào công viên.
Vợ lo toan, vun xén.
Chồng lặng lẽ kiếm tiền.
Đẹp nữa, vào buổi tối
Chồng giúp con làm bài.
Vợ lăng xăng pha nước,
Âu yếm nhìn cả hai.
Nhưng đẹp nhất là cảnh
Cả nhà xúm bên nhau
Đọc thơ Ông Tân Béo,
Chốc chốc cười, gật đầu.
103
Ở đời, có nhiều lúc
Tốt nhất, chẳng nói gì.
Im lặng cũng là nói.
Mà nói nặng cực kỳ.
Im lặng là lời trách,
Lời phán xét rất nghiêm.
Thường người biết im lặng
Là người không yếu mềm.
Một trăm lời trách mắng,
Hay than khóc, van xin
Không bằng sự im lặng
Lắng sâu trong cái nhìn.
104
Một khi anh cáu giận,
Đừng văng tục, chửi thề.
Hay trách người vô cớ,
Hay dùng lời nặng nề.
Vì sự cáu giận ấy
Chỉ mang tính nhất thời.
Nhưng những lời anh nói
Hằn mãi trong lòng người.
105
Lão Tử xưa đã nói.
Làm được thì theo đi.
“Học được cách im lặng
Tức là sống vô vi.”
106
Tự do rất đơn giản -
Được làm cái thích làm.
Cũng đơn giản - hạnh phúc
Là thích cái mình làm.
107
Trước khi làm phải nghĩ,
Phải cân nhắc mọi điều.
Nhưng sẽ không làm được,
Nếu suy nghĩ quá nhiều.
108
Cái thước đo giá trị
Của một người, trước tiên
Là những gì còn lại
Sau khi mất hết tiền.
109
“Hạnh phúc chính là lúc
Điều ta nghĩ trong đầu,
Lời ta nói đầu lưỡi
Và việc làm - giống nhau.”
Gandhi nói câu ấy
Để nhắc nhở chúng ta
Luôn nói, làm, suy nghĩ
Phải kết hợp hài hòa.
110
Đức Phật đã từng nói
Trước khi lên Niết Bàn:
“Tai họa là ta nghĩ
Ta đang còn thời gian.”
111
Theo như chỗ tôi biết,
Tổng thống Uruguay
Là tổng thống nghèo nhất
Trên thế giới hiện nay.
Lương cả tháng tổng cộng
Mười hai nghìn đô-la.
Chín phần mười số ấy
Làm từ thiện, thành ra
Một tháng ông chỉ sống
Với hơn một nghìn đô.
Mà ông sống hạnh phúc,
Vô tư, không buồn lo.
Tên vị tổng thống ấy,
José Mujica,
Một con người thánh thiện,
Làm gương cho chúng ta.
Ông từ chối biệt thự,
Sống trong nhà nông trang.
Tự tay mình làm ruộng,
Đi ô tô cà tàng.
Tài sản riêng chỉ có
Một nghìn tám trăm đô.
Đó cũng là giá trị
Chiếc xe cũ ô tô.
Ông làm việc tận tụy
Vì nước, vì dân tình,
Luôn chăm lo phúc lời
Cho tất cả, trừ mình.
No comments:
Post a Comment