Tuesday, March 3, 2015

CHÂM NGÔN 3 (LẠI CHÂM NGÔN) - 4



453
Một mình không nhất thiết
Có nghĩa anh cô đơn,
Mà là anh độc lập
Và sống tự do hơn.

454
Abraham Lincoln nói
Nhiều câu đúng và hay.
Xin được phép trích dẫn
Một vài câu thế này.

Muốn biết ai cao thượng
Hay thấp kém thế nào,
Hãy xem cách người ấy
Vui và buồn ra sao.

Bụi hồng có gai nhọn.
Bạn bực mình, lánh xa,
Hoặc bạn vui vì thấy
Bụi gai nhọn có hoa.

Cũng một bụi gai ấy.
Gai nhọn và hoa hồng.
Tùy bạn thích hay ghét,
Và chấp nhận hay không.

455
Đôi mắt có tinh mấy
Mà đầu óc bị mù,
Thì suốt đời, rốt cục,
Anh vẫn là người mù.

456
Schopenhauer nói:
“Hạnh phúc và tiền tài
Chỉ là thứ ta mượn
Một thời gian không dài.

Mà đã là của mượn,
Thì sớm muộn, mọi người
Cũng buộc phải trả lại.
Vậy, đừng tham ở đời.

457
Nếu bạn đọc, và nghĩ
Đọc sách chẳng ích gì,
Có nghĩa bạn đang đọc
Những cuốn chẳng ra gì.

458
Nhà văn viết truyện ngắn,
Mà truyện lại quá dài,
Thì thường do vì bận
Hay vì không đủ tài.

459
Hạnh phúc thật giản dị.
Sáng dậy cùng bình minh.
Nhâm nhi cà phê nóng,
Rồi vươn vai, vặn mình,

Ngồi xuống bàn đọc tiếp
Cuốn sách về cuộc đời.
Tức là ta thích thú
Sống thêm một cuộc đời.

Hạnh phúc giản dị ấy
Không tốn một đồng nào.
Đọc sách để hiểu biết
Và nâng mình lên cao.

460
Một người leo tới đỉnh
Mái nhà của Đông Dương,
Về nhà, dẫm vỏ chuối,
Ngã chết, rất bình thường.

Một người, tàu bị đắm,
Sống sót sau bảy ngày.
Về nhà, ngã xuống giếng
Và chết đuối, vì say.

Có những người uyên bác,
Nói toàn điều cao xa,
Thế mà thằng cháu nghịch,
Lại quát tháo váng nhà.

Không ít người, tôi biết,
Đọc cả núi châm ngôn,
Thế mà vẫn có lúc
Giở trò láu trẻ con.

Con người là như vậy.
Có cao cả, thấp hèn.
Có cái đúng qui luật.
Có cái rất ngẫu nhiên.

Ông trùm IMF,
Uy tín và tài ba,
Thế mà tắm, trượt ngã
Vì một mụ lau nhà.

Châm ngôn này tôi viết
Chỉ muốn nhắc mọi người,
Phải luôn luôn cảnh giác
Với mình và với đời.

461
Hemingway có nói,
Người thông minh, có tài
Thường ít khi hạnh phúc.
Tôi nghĩ cũng không sai.

Thì các cụ đã nói,
Ngu si hưởng thái bình.
Nhưng sao ta lại khổ
Chỉ vì mình thông minh?

462
Đêm là một cơ hội
Để chúng ta nghỉ ngơi,
Suy ngẫm và tha thứ,
Thở sâu và mỉm cười.

Thả mình vào giấc ngủ,
Ta thanh lọc tâm hồn.
Vậy đừng thức khuya nhé.
Xin chúc bạn ngủ ngon.

463
Đêm, trở trời, khó ngủ,
Lại lọ mọ lên Phây.
Giật mình, thấy một bác
Đưa cái tin thế này:

Một người mẫu Đại Việt,
Tên là Lý Nhã Kỳ,
Đặt mua hai chiếc váy
Của Chanel, Paris.

Mỗi chiếc váy có giá
Một trăm nghìn đô-la.
Tức hơn hai tỉ đấy.
Các bác không tin à?

Mà cô mua hai chiếc,
Vị chi là gấp đôi.
Vị chi là bốn tỉ.
Nghìn tháng lương của tôi!

Tiên sư cái con bé,
Ăn chơi thế là cùng.
Hoặc là nó, con bé,
Hoặc là tôi, đang khùng.

Chưa nói chuyện tế nhị
Tiền mua váy đâu ra.
Mà sao phải diện thế?
Mà chừng ấy đô-la

Mấy nghìn suất học bổng
Hay lương hưu công nhân?
Chắc đủ để các cụ
Mua dưa cà triệu lần.

Hoặc mấy nghìn tấn gạo,
Mấy trăm triệu mớ rau
Cho các cháu nội trú
Ở vùng xa, vùng sâu?

Tội nghiệp chúng, bọn trẻ,
Vì đói ăn, có ngày
Phải ăn cả thịt chuột.
Đài báo nói gần đây.

Đúng là khùng, khùng thật.
Hoặc tôi hoặc nó khùng.
Bốn tỉ hai chiếc váy.
Ăn chơi thế là cùng.

Tôi không hề xấu bụng.
Có tiền cứ việc tiêu.
Nhưng mà mặc váy ấy,
Tôi thấy xấu hơn nhiều.

PS
Gần hai mươi năm trước,
Mụ Vợ tôi bất ngờ
Tặng tôi một chiếc áo,
Tôi mặc đến bây giờ.

Áo xịn, vải tốt nhé.
Mụ tặng để thưởng công
Tôi siêng năng giặt tã.
Thời ấy mấy nghìn đồng.

Hàng ngày tôi đến lớp
Vẫn diện chiếc áo này.
Dù một lần lộn cổ
Và hơi sờn ống tay.

Tôi sẽ còn diện nó
Đến mòn rách mới thôi.
Một, là vì nó đẹp.
Hai, là vì vợ tôi.

Thế đấy, các bác ạ.
Tôi và Lý Nhã Kỳ,
Hai người hai quan điểm.
Thế các bác nghĩ gì?

464
Có chuyện này, lạ lắm:
Vua Midas ngày xưa
Một sáng dậy, chợt thấy
Mình có đôi ta lừa.

Vua hoảng hốt, cho gọi
Quan ngự y vào chầu,
Rằng đôi tai lừa ấy -
Vì sao và do đâu?

Vốn là người cương trực,
Ông cúi lạy mà rằng:
“Lừa là loài ngu ngốc,
Bướng bỉnh và nhố nhăng.

Nó có đôi tai lớn
Nhưng lại không biết nghe,
Đúng là loài ngu ngốc,
Đáng khinh và đáng chê.

Ngài, đức vua vĩ đại,
Tài ba và anh minh.
Nhưng ngài không chấp nhận
Người khác khuyên can mình.

Rất có thể Thượng Đế
Trừng phạt ngài, tiếc thay,
Bằng cách đã cho mọc
Đôi tai lừa thế này.”

Vua Midas liền chém
Ông quan trung thực này,
Rồi ra lệnh tất cả
Các quan, tướng từ nay

Không ai được để lộ,
Dù với ai, ở đâu
Về đôi tai lừa ấy.
Trái lệnh sẽ chém đầu.

Tất nhiên quan và tướng
Không dám trái lệnh ngài,
Nhưng cái bí mật ấy,
Rằng đức vua có tai…

Cứ làm họ ngứa ngáy,
Thấy bứt rứt trong lòng.
Lâu ngày, bứt rứt ấy
Làm bụng họ sưng phồng.

Cuối cùng, không chịu nổi,
Đêm, họ lén ra sân,
Đào một chiếc hố nhỏ
Rồi thầm thì nhiều lần:

“Có chuyện này lạ lắm.
Mọi người đã biết chưa -
Vua Midas vĩ đại
Có một đôi tai lừa!”

Họ nói xong, thật lạ,
Thấy nhẹ hẳn trong lòng.
Cái bụng đầy bứt rứt
Cũng thôi không căng phồng.

Thế là điều bí mật,
Đức vua có tai lừa
Đã được nói cho đất,
Đất thấm vào nước mưa,

Mưa thấm vào không khí,
Không khí thấm vào Phây.
Nên tôi mới đọc được,
Viết thành châm ngôn này.

Mà châm ngôn vốn dĩ
Có bài học dạy đời.
Bài học ấy có đấy,
Là hiện nay nhiều người

Ngu ngốc và bướng bỉnh,
Không chịu nghe lời khuyên,
Nên tai họ có thể
Đang ngày một lớn lên.

Việc này nguy hiểm lắm.
Xin nhắc lại, không thừa.
Cứ bướng bỉnh như thế,
Tai sẽ thành tai lừa.

Hãy lắng nghe, nhớ nhé,
Những lời khuyên thông minh.
Để kiểm tra, thỉnh thoảng
Sờ xem đôi tai mình.

465
Một người bị người khác
Chỉ vào mặt: “Im đi!
Mày là đứa nói dối!”
Thì đó nghĩa là gì?

Đó là sự xúc phạm,
Sự xấu hổ vô cùng.
Và người bị chỉ mặt
Có thể sẽ nổi khùng.

Nếu bản thân người ấy
Nói dối, còn làm cao,
Thậm chí cả ăn cắp,
Thì việc ấy thế nào?

Đó là sự tột đỉnh
Xúc phạm và đáng khinh.
Người ấy đã trơ trẽn
Tự mình hạ nhục mình.

466
Xưa có anh chàng nọ
Áo quần khá bảnh bao,
Vẻ thư sinh, ăn nói
Cũng không đến nỗi nào.

Thư sinh, dù ít học,
Lại vô công rồi nghề,
Nhưng anh chàng rất thích
Khoe khoang về bạn bè.

Chập chiều, chàng đóng bộ,
Đủng đỉnh ra khỏi nhà.
Vợ hỏi đi đâu đấy.
Thăm bạn bè ấy mà.

Quá nửa đêm, gần sáng,
Anh chàng mới quay về,
Tay còn xách túi thịt,
Giọng say rượu, lè nhè.

Vợ gạn hỏi thì đáp
Vừa dự tiệc nhà quan,
Vốn là người bạn cũ
Thời xa xưa bần hàn.

Hôm sau lại đi nữa,
Cũng tận khuya mới về,
Vẫn với túi rượu thịt
Và giọng nói lè nhè.

Vẫn khoe đi dự tiệc
Của bạn làm quan to.
Cô vợ nghe, không nói,
Nhưng thấy rất tò mò.

Thế là cô lặng lẽ
Theo chồng ra khỏi nhà
Để tìm hiểu sự thật
Vào buổi tối thứ ba.

Tưởng đến nhà ai đó,
Cô ngạc nhiên thấy chồng
Giữa đêm khuya mò đến
Bãi tha ma ngoài đồng.

Ở đó, anh chàng ấy,
Nho nhã và thư sinh,
Ăn thừa các đồ cúng,
Nhồm nhoàm, trông thật kinh.

Cô vợ liền chạy đến,
Lớn tiếng mắng anh ta.
Bắt quả tang nhục nhã,
Phải lủi thủi về nhà.

PS
Câu chuyện này có thật
Của ông Bồ Tùng Linh.
Tôi chép để các bác
Hiểu thế thái nhân tình.

Ra thời nào cũng vậy,
Luôn có một loại người,
Bề ngoài trông oách lắm,
Mà ăn bám vào đời.

Ăn bẩn nữa là khác.
Còn hơn anh chàng này.
Ăn cả của người chết,
Ăn nhiều, ăn hàng ngày.

Vậy các bác có cớ
Để ít nhiều nghi ngờ
Các ông quan trơn mép
Mà mặt cứ tỉnh bơ.

467
Có một nhà sư nọ
Nuôi con cá rất to.
Nó đẹp và khôn lắm,
Còn biết chơi nhiều trò.

Ông thích con cá ấy,
Những muốn đưa đi chơi.
Tiếc nó sống dưới nước,
Không đi, mà chỉ bơi.

Rồi ông quyết định luyện
Con cá thông minh này
Để nó sống trên cạn,
Chơi với ông hàng ngày.

Từng tý, từng tý một,
Ông bớt nước trong ao.
Cho đến một ngày nọ,
Không còn giọt nước nào.

Thế mà lạ, con cá,
Do được thích nghi dần,
Không có nước vẫn sống,
Còn mọc thêm đôi chân.

Và thế là từ đó,
Ông dẫn nó đi chơi
Như một người bạn nhỏ,
Thăm thú khá nhiều nơi.

Bất chợt, một ngày nọ,
Đang đi thì mưa to.
Mưa xối xả như trút,
Đường xá ngập thành hồ.

Ông nhà sư ngoái lại,
Thấy con cá của ông,
Do quen sống trên cạn,
Chết đuối, xác sưng phồng.

PS
Châm ngôn này cũng có
Một bài học thâm sâu.
Các bác tự rút nhé.
Cũng không khó lắm đâu.

468
Một công trình nghiên cứu
Đã kết luận gần đây:
Phụ nữ muốn mông bự
Thì phải làm thế này.

Tuyệt đối không nhấp nhổm,
Không đực mặt ngẩn ngơ,
Để chuyên tâm đọc sách,
Mỗi ngày đúng ba giờ.

Thế ngồi buôn điện thoại
Buôn dưa lê thì sao?
Chắc có người sẽ hỏi.
Tôi không biết thế nào,

Nhưng các nhà nghiên cứu
Đã trả lời như sau:
“Mông họ sẽ teo lại,
Còn teo cả cái đầu.”

Đây là chuyện nghiêm túc.
Nếu cần, tôi thề luôn.
Các bác nữ nhớ nhé.
Đọc sách chứ không buôn!

469
Những người mê vật chất
Thường yếu kém tinh thần.
Có lẽ điều này đúng
Cả với người kén ăn.

470
Thánh Luke, trong Tân Ước
Có nói một câu hay
Về cái thiện, cái ác.
Ý đại khái thế này.

Người có trái tim thiện,
Thì việc làm và lời
Mang đậm cái thiện ấy
Khi giao tiếp với người.

Ngược lại, có tim ác,
Nhất định cái ác này
Dẫu cố tình che giấu,
Vẫn bộc lộ hàng ngày.

Vì cái Thiện, cái Ác,
Trong tim bất kỳ ai,
Vẫn luôn tìm được cách
Thể hiện hết ra ngoài.

471
Ở một thị trấn Mỹ,
Có cậu bé nông dân,
Gầy, nhút nhát, khép kín,
Trông cứ như thằng đần.

Biết tính cậu như thế,
Lúc rỗi rãi, mọi người
Đem cậu ra châm chọc
Hay khích đố, trêu cười.

Để kiểm tra chính xác
Cậu ngu đần thế nào,
Họ để trước mặt cậu
Một đô và năm hào.

Hai đồng xu lớn, nhỏ,
Có giá trị khác nhau.
Thế mà thằng kia ngốc,
Lại chọn đồng năm hào.

Cái sự ngu ngốc ấy
Làm nhiều người ngạc nhiên,
Tò mò, họ lại thử.
Cậu kiếm được khối tiền.

Tối về nhà, mẹ cậu
Mắng cậu là thằng ngu.
Đồng đô la không lấy,
Lấy đồng năm mươi xu.

Cậu đáp: “Con biết chứ -
Mỉm cười, trông thật hiền. -
Nhưng không vờ ngu ngốc,
Thì ai cho con tiền?”

PS
Thế đấy các bác ạ.
Rất nhiều anh ở đời
Cứ giả vờ ngu ngốc.
Loại ngu ngốc chết người.

472
Ở nước Nga, năm nọ,
Có một người đàn ông
Đang ngồi trên xe lửa
Giữa trời lạnh đêm đông.

Lát sau, một cô gái,
Nhân viên soát vé tàu
Đến đánh thức ông dậy:
“Này ông, vé ông đâu?”

Người đàn ông dụi mắt:
“Mới có luật ưu tiên
Cho phép người tàn tật
Đi tàu không mất tiền…”

“Vâng, có luật như thế.
Vậy thì xin mời ông
Cho xem giấy chứng nhận
Ông có tàn tật không.”

Ông kia liền lẳng lặng
Vén một bên ống quần,
Để lộ chiếc chân gỗ
Đến tận đầu gối chân.

“Tôi không cần cái ấy.
Cho tôi xem giấy tờ.
Nhanh lên, tôi đang bận.
Giấy đâu? Đừng ỡm ờ.”

Mà giấy thì không có.
Giấy chứng nhận ông què.
Chỉ có chiếc chân gỗ.
Rõ cái bác nhà quê.

Thế là sinh cãi cọ
Khá gay gắt hồi lâu.
Cuối cùng phải can thiệp
Đích thân ông trưởng tàu.

Ông này cũng dứt khoát:
“Có giấy thì đưa đây.
Không có thì ga tới
Xin mời ông xuống ngay!”

Và rồi, đến ga tới,
Ông khách què đáng thương,
Giữa đêm đông giá rét
Đã bị ném xuống đường.

Ai làm cái việc ấy?
Ông trưởng tàu, đàn ông
Và cô gái soát vé,
Không một chút mủi lòng.

Quan liêu và ngu dốt,
Họ không phải là người.
Cả vì họ không có
Giấy chứng nhận là người.

473
Người thực sự yêu bạn
Thì dẫu thường cãi nhau,
Dẫu thế này, thế nọ,
Sẽ không bỏ bạn đâu.

Còn người luôn thề thốt
Sẽ yêu bạn suốt đời,
Nhưng cuối cùng bỏ bạn,
Thì chỉ yêu bằng lời.

Nhớ nhé, khi muốn biết
Ai yêu bạn thực lòng,
Chỉ cần xem người ấy
Có bỏ bạn hay không.

474
Thực ra thì hy vọng
Chẳng bao giờ bỏ ta.
Mà thường thì chính ta
Lại từ bỏ hy vọng.

Vâng, ta làm điều ấy,
Rồi than thân, trách trời.
Đơn giản vì ta lười,
Thích đổ lỗi người khác.

475
Socrates từng nói:
“Không ít khi người ta
Dựng hàng rào ngăn cách,
Không vì muốn lánh xa,

Mà ngược lại, họ muốn
Người khác đến với mình
Sau khi vượt trở ngại.”
Một câu nói thông minh.

476
Nói thật với các bác,
Là tôi không sợ chê.
Có mắng cũng chẳng sợ.
Tôi sẵn sàng lắng nghe.

Đặc biệt từ những bác,
Như tôi viết dài dài,
Trên dưới trăm cuốn sách,
Mà chẳng muốn chê ai.

Còn bất tài, lười biếng
Mà thích chê, thì tùy.
Tôi nghe thì nghe đấy,
Nhưng chẳng để ý gì.

Dạo này nhiều bác trẻ
Cứ thích chê dở hơi.
Nghĩ mà thấy tội nghiệp.
Dốt, còn muốn dạy đời.

477
Thực sự tôi không muốn
Phải thui thủi một mình.
Nhưng quả thật tôi muốn
Được để yên một mình.

Thoạt nghe tưởng là một,
Mà lại rất khác nhau.
Khác nhau lớn đấy nhé.
Mà không ngẫu nhiên đâu.

479
Chân lý như sư tử,
Tự vệ và tự sinh.
Cứ để nguyên, tự nó
Sẽ lo được cho mình.

480
Đức Cha một lần nọ,
Vào nhà thờ giảng kinh.
Thấy chỉ bác chăn ngựa
Đang ngồi chờ, một mình.

Ngài thoáng buồn, rồi nói:
“Ta muốn hỏi thực lòng.
Chỉ mình con nghe giảng.
Ta có nên giảng không?”

Bác chăn ngựa liền đáp:
“Con là kẻ ngu đần,
Nhưng chỉ một con ngựa,
Con vẫn cho nó ăn.”

Đức cha nghe, tâm đắc
Với câu nói rất hay.
Rồi Ngài say sưa giảng
Đến gần trọn nửa ngày.

PS
Qua chuyện này giản dị,
Ta thấy rõ: Giúp đời
Thì không nên kén chọn
Ít người hay nhiều người.

Me Teresa từng nói:
“Không quan trọng số đông.
Từng tí, từng người một,
Cứ mở rộng tấm lòng.”

481
Một thiền sư có nói
Một câu hay thế này:
“Muốn chết cho tử tế,
Phải sống tốt hàng ngày.”

482
Charlie Chapin nói:
“Mong cái đau của tôi
Thành tiếng cười của bạn,
Cả khi đau gấp đôi.

Nhưng tôi không hề muốn
Các bạn cảm thấy đau
Khi tôi cười vui quá.
Đúng thế, không muốn đâu.”

483
Albert Einstein nói:
“Khi ta nghĩ giống nhau
Là khi không ai muốn
Nghĩ nhiều và nghĩ sâu.”

484
Khi đầu anh chật cứng
Những ý nghĩ vẩn vơ,
Thì làm sao còn chỗ
Cho đam mê, ước mơ.

Suốt ngày buôn điên thoại
Hay long nhong ngoài đường,
Thì anh không đọc sách
Cũng là chuyện bình thường.

Điều ấy chẳng gì lạ.
Nhưng lạ là thế này:
Anh luôn kêu đời khổ,
Và mình không gặp may.

485
Vì là điều quan trọng,
Xin nhắc lại thế này:
Ta, cả tôi, thật tiếc,
Trong giao tiếp hàng ngày,

Với ai cũng nhã nhặn,
Nói nhẹ nhàng, có tình.
Thế mà không ít lúc
Trở về gia đình mình,

Ta cáu gắt loạn xị,
Vô cớ và không cần,
Với người yêu thương nhất,
Là vợ con, người thân.

Không cáu thì xị mặt,
Không nói, cũng không nghe,
Thành ra nhà yên ấm,
Mà lạnh lẽo, nặng nề.

Lạ nữa, ta còn trách
Mọi người trong gia đình
Với ai cũng nhã nhặn
Và dịu dàng, trừ mình.

Nghịch lý này quái đản
Rất phổ biến ngày nay.
Chữa nó không khó lắm -
Đừng quên cười hàng ngày.

Các bác hãy nhớ nhé.
Nhớ theo lời tôi khuyên.
Hãy dịu dàng với vợ
Để gia đình bình yên.

486
Suy cho cùng, mọi cái
Chỉ khó lúc ban đầu.
Hoặc là ta tưởng khó,
Chứ chưa hẳn khó đâu.

Cá nhân tôi nhận thấy
Đã muốn làm việc gì,
Nếu quyết tâm, cố gắng,
Sẽ làm được, tin đi.

487
“Hãy chừa một lối thoát
Cho kẻ thù bị vây.
Khi kẻ thù tuyệt vọng,
Đừng dồn ép quá tay.”

Đời cũng là chiến trận.
Đôi khi người với người
Là kẻ thù sống mái,
Vậy, giao tiếp ở đời,

Đừng ép nhau thái quá.
Đừng dồn vào chân tường.
Hãy nhớ lời Tôn Tử.
Đừng bịt hết các đường.

488
Có thể bạn không biết
Bạn đang là nạn nhân
Của cách bạn suy nghĩ,
Vô thức và không cần.

Một cách nghĩ sai lệch,
Nông cạn và dập khuôn
Không ít khi mang lại
Những hậu quả đáng buồn.

Chưa nói chuyện Khổng Tử
Đã nói: “Bạn nghĩ gì
Sẽ thành người như thế.”
Điều này đúng cực kỳ.

489
Seneca đã nói:
“Tôi cam đoan không ai
Có thể thành thiên tài
Mà không điên một chút.”

Chắc là ông nói đúng.
Vì đúng mới thật phiền
Rằng suốt đời tôi sống
Luôn tỉnh táo, không điên.

Thôi, thì đành chịu vậy.
Thiên tài mà làm gì.
Còn sức, còn tỉnh táo,
Làm được gì, làm đi.

490
Hai Cụ tôi lạ lắm.
Đã là U 100.
Tiền con cho, cũng khá,
Cứ tích góp nhiều năm.

Lạnh, không dùng lò sưởi.
Nóng, không bật điều hòa.
Áo mới không chịu mặc.
Cơm chỉ thích dưa cà.

Hỏi vì sao các Cụ
Có tiền không tiêu đi?
“Vì đời còn dài lắm.
Ai biết trước điều gì?”

Là ý các Cụ nói
Dành cho con, ôi trời.
Tôi là con, ông lão,
Cũng là U 70.

Các Cụ lo tôi ốm,
Lo mất việc, đói ăn.
Cuộc đời tráo trở lắm.
Tiền lúc nào cũng cần.

Thế đấy các bác ạ.
Buồn cười thì buồn cười.
Nhưng đó là bài học
Giúp cháu con thành người.

491
“Học không phải để biết
Một cộng một bằng hai,
Mà học cách suy nghĩ,
Phấn đấu để thành tài.”

Câu nói này chí lý,
Tiếc không phải của tôi.
Của Einstein đấy.
Nên chí lý gấp đôi.

492
Chúng ta, ai cũng chết.
Và mục đích con người
Không phải sống bất tử,
Mà để lại cho đời

Một cái gì tốt đẹp -
Một cây non tự trồng.
Một cuốn sách đáng đọc.
Một công việc làm xong.

Ai sức ít làm ít.
Ai sức nhiều làm nhiều.
Nhưng phải cái tốt đẹp,
Thấm đẫm tình thương yêu.

493
Riêng việc thích đọc sách
Và nghe nhạc Moza
Cho thấy cái gì đó
Tốt, lương thiện trong ta.

Việc ai đó đánh vợ
Hay văng tục hàng ngày
Cho thấy cái gì đó
Ác trong những người này.

Riêng việc tôi và bạn
Viết và đọc châm ngôn
Đủ thấy ta đang cố
Học hỏi để lớn khôn.

Tôi không giỏi hơn bạn.
Đơn giản, sống lâu hơn.
Vấp ngã nhiều, nên biết,
Vô tình thành khôn hơn.

Tôi chỉ muốn bạn tránh
Những sai lầm không đâu.
Vì nếu bạn vấp ngã,
Cả tôi cũng thấy đau.

494
“Chỉ người lính đã chết
Mới nghĩ rằng chiến tranh
Đã vĩnh viễn kết thúc,
Và mọi việc yên lành.”

Platông nói câu ấy.
Tôi nghĩ đúng. Trong ta
Chiến tranh luôn tiếp diễn
Với ảnh thờ ông cha.

Không quan trọng tiền bạc,
Nhà ngói hay nhà gianh.
Tôi chỉ mong con cháu
Không biết họa chiến tranh.

495
“Nguyên nhân mọi cái xấu
Của thế giới văn minh
Là người ta không thể
Ngồi yên trong phòng mình.”

Pascal nói câu ấy,
Các bác có tin không?
Tôi, rất may, biết thế,
Nên luôn ngồi trong phòng.

496
Người đời, khi Bach sống,
Chẳng biết ông là ai.
Ông chết trong lặng lẽ,
Lặng lẽ thành thiên tài.

Sau hơn một thế kỷ
Người ta mới biết ông
Là nhạc sĩ vĩ đại
Thể loại nhạc thính phòng.

Một cô gái người Mỹ,
Tên là Dickenson,
Viết nghìn bài thơ ngắn,
Không kém cũng không hơn.

Viết, một mình cô đọc,
Lặng lẽ, không ai hay.
Chết, thành nhà thơ lớn,
Nổi tiếng của nước này.

PS
Nhà thơ ta có tật
Thích chém gió ti-vi.
Lúc sống viết được ít.
Chắc chết, chẳng còn gì.

Cả các nhà thơ lớn,
Được giải, được cả tiền.
Sống, ầm ĩ ghê lắm,
Chết, e bị lãng quên.

Thường vẫn như thế đấy.
Tội nghiệp cho nhiều người.
Tưởng to mồm là được.
Đời có luật của đời.

497
Anatole France nói:
“Con người đã thông minh
Thì không thể hạnh phúc.”
Ngu si hưởng thái bình?

498
Cái đẹp của phụ nữ
Chủ yếu ở tâm hồn,
Ở cách họ đối xử
Với xã hội, chồng con.

Cái đẹp của phụ nữ
Khác cái đẹp bông hoa.
Không úa tàn, ngược lại,
Càng đẹp khi về già.

499
Một người phụ nữ đẹp,
Phải đẹp từ bên trong.
Nhưng muốn bên trong đẹp,
Phải học nhiều, mất công.

Thành ra họ làm đẹp
Cho khuôn mặt đáng yêu,
Bằng cách mua mỹ phẩm.
Đắt, nhưng dễ hơn nhiều.

500
Vấn đề không ở chỗ
Có cuộc sống hay không
Sau khi chúng ta chết,
Rơi vào cõi mênh mông.

Mà vấn đề ở chỗ,
Trước khi chết, chúng ta
Có thực sự đã sống,
Hay để năm tháng qua?

Vấn đề là thế đấy,
Rằng quả không ít người
Sống mà như đã chết,
Phí phạm một cuộc đời.


PHẦN SÁU

501
Hepburn, cô đào Mỹ,
Lại còn nói câu này:
Người, còn hơn đồ vật,
Phải chăm sóc hàng ngày.

Phải luôn được làm mới,
Nạp năng lượng, ra dầu.
Và điều quan trọng nhất -
Không vứt bỏ người nào.

502
Các nhà tâm lý học
Có kết luận thế này:
Tám phần mười người yếu
Và tự ti xưa nay

Có xu hướng chỉ trích,
Vùi dập bạn thân quen.
Chỉ với một mục đích
Là tự nâng mình lên.

503
Hãy dành tiền cho cái
Có thể mua bằng tiền.
Dành thời gian cho cái
Không mua được bằng tiền.

Đây là triết lý sống
Giản dị mà rất hay.
Chân thành khuyên các bạn
Tâm niệm nó hàng ngày.

504
Tịt thơ, vừa hút thuốc,
Vừa nhâm nhi chén trà.
Các ý nghĩ rời rạc
Tự trong đầu chui ra.

Châm ngôn viết cả rổ,
Liệu có ích gì không?
Tiên sư thằng Trung Quốc
Cứ quấy phá Biển Đông.

Tháng Tư mà còn rét.
Kể mượn được một bà,
Béo, ngủ cùng thì tốt.
Khỏi phải bật điều hòa.

Làm tổn thương người khác
Chỉ mất một vài giây.
Nhưng mất nhiều năm tháng
Để chữa vết thương này.

Chín mươi phần trăm đấy
Các “vấn đề” của ta
Không phải do ai khác,
Mà tự mình nghĩ ra.

Cháu con bắt Nam Tiến.
Bắt thì đi, có điều,
Hà Nội, tởm thì tởm,
Nhưng  đã trót thương yêu.

Cháu con thật ích kỷ,
Tớn lên lấy chồng xa.
Giờ bắt ông theo chúng.
Sao không lấy chồng nhà?

Giàu cũng chẳng làm gì.
Giỏi cũng chẳng làm gì.
Vậy sống để làm gì?
Thực ra, chẳng làm gì.

Hè này đi chơi Thái.
Làm chuyến Pattaya.
Không thèm đi Trung Quốc,
Vì cái vụ Hoàng Sa!

Nghe nói các cháu Thái
Thuộc loại ngoan cực kỳ.
Bảo gì là làm ấy.
Để rồi xem, còn tùy.

Biết tha thứ người khác,
Ấy là người thông minh.
Biết tha thứ cho mình
Còn thông minh gấp bội.

Dại miệng, nhỡ bị bắt,
Bị tù thì sao đây?
Chắc khối anh khoái lắm.
Cứ khoái, kệ chúng mày.

Giờ chúng không thèm biết,
Không đọc Thái Bá Tân.
Ông chết, chắc nhiều đứa
Sẽ dấy máu ăn phần.

Thích thì cứ chờ nhé.
Ông sống hơi bị lâu.
Một trăm linh một tuổi.
Chắc không chờ được đâu.

Tự nhiên chán, mệt mỏi,
Muốn xuống tóc, xuất gia,
Sống bên Phật cho sướng.
Chỉ tội vướng đàn bà.

Tự nhiên nhớ ngày bé
Ngồi trên gánh Cụ Bà,
Mỗi lần Cụ đi chợ.
Hát một mình ê a.

Tự nhiên muốn lặng lẽ
Ngồi bên mộ Saadi.
Sang năm nó mời nữa,
Bận thì bận, sẽ đi.

Cái thằng Iran sướng,
Được lấy những bốn bà
Và một nghìn tỳ thiếp,
Chứ không như thằng ta.

Cứ tưởng mình cũng khá
Về Hỷ, Xả, Từ, Bi.
Nhưng xem ra còn nặng
Ba cái Tham, Sân, Si.

Chiếc vi tính quái ác.
Tự nhiên nó bị đơ,
Làm đơ luôn ý nghĩ,
Làm tịt hẳn vần thơ.

Thằng Gấu bảo: “Cụ rỗi,
Sang Mỹ chơi với con!”
Ừ, tiền Cụ cả rổ,
Nhưng thời gian không còn.

Cứ nghĩ quanh, nghĩ quẩn,
Nghĩ gần rồi nghĩ xa.
Nhưng lần nào cũng nghĩ:
“Sang năm tới Hoàng Sa!”

Con mụ bán cam tởm:
“Cam cháu ngọt nhất đời!”
Thế mà ăn, chua loét.
Nhưng mà nó cười tươi.

Xin lỗi các bác nhé
Vì mấy dòng linh tinh,
Kiểu nghĩ đâu viết đấy,
Vì đang bực cái mình.

505
“Hoặc là anh im lặng.
Hoặc nếu biết điều gì
Tốt, hay hơn im lặng,
Nếu muốn thì nói đi.”

Pitago nói thế,
Hệt các cụ ngày xưa.
Tức, biết thì thưa thốt,
Không biết thì… nhớ chưa?”

506
Ta là người, hẳn thế,
Chứ không phải là cừu.
Sao chúng ta ứng xử
Y hệt như bầy cừu?

Ai bảo đứng, thì đứng.
Ai bảo đi, thì đi.
Khi không bảo gì cả,
Thì chẳng biết làm gì.

Một triệu năm tiến hóa
Để từ cừu thành người.
Giờ ta tiến hóa ngược,
Không thể không buồn cười.

507
Không kịp lên xe buýt,
Thì cứ để nó đi.
Rồi xe khác sẽ đến.
Chạy theo làm đếch gì.

Tương tự, các cô gái
Đang háo hức lấy chồng,
Lấy thì lấy, tuyệt đối
Không chạy theo đàn ông.

Đứa nào thích, cứ biến.
Đời còn ối con trai.
Thành phố nhiều xe buýt.
Cuộc sống cũng còn dài.

Một bà bốn mươi tuổi,
Đã có ba đời chồng,
Có lời khuyên như thế.
Các bác nữ theo không?

508
Một nhà khoa học nọ
Chế robot thông minh,
Biết phát hiện nói dối.
Ông thử với con mình.

Cậu bé về nhà muộn.
Ông hỏi con lý do.
Cậu đáp đến nhà bạn
Mượn sách, bố đừng lo.

Một cánh tay robot
Liền đánh cậu vào mông.
Ông bố nghiêm khắc nói:
“Con nói dối! Biết không,

Xưa, khi bố còn nhỏ,
Bố chưa hề một lần
Nói dối ông bà nội,
Vì việc ấy không cần.

Ngày lập tức robot
Đánh ông hai cái liền.
Bà vợ từ trong bếp
Chạy ra, vội kêu lên:

“Robot đánh thằng bé.
Anh không thấy xót xa?
Dẫu nói dối, thì nó
Cũng là con anh mà.”

Liền quay người, robot
Đánh ba phát vào mông
Bà vợ đang nói dối
Ngay trước mặt ông chồng.

*
Là vì tôi đang viết
Thơ châm ngôn dạy đời,
Nên xin phép các bác
Được nói thêm đôi lời.

Nói dối là không tốt.
Người tử tế, tất nhiên,
Không bao giờ nói dối,
Cho dù được các tiền.

Nhưng tôi khuyên các bác,
Theo hay không thì tùy:
Về cái chuyện nói dối,
Đừng mắng con làm gì.

Còn các bà vợ trẻ,
Chung thủy và chân thành,
Không cần, không tuyên bố
Nó là con của anh.

Cái máy ấy, nghe nói,
Sắp nhập vào nước ta.
Tôi khuyên không mua nó
Để yên ấm cửa nhà.

509
Có một đôi trai gái
Yêu nhau, chơi công viên.
Cô gái thì sắc sảo.
Chàng trai thì quá hiền.

Họ ngồi trên ghế đá.
Trăng bàng bạc trên đầu.
Gió hiu hiu thổi nhẹ.
Ngồi im lặng, rất lâu.

Cô gái khẽ ngọ nguậy.
Chàng trai vẫn hững hờ.
Trang nghiêm như các cụ
Chụp ảnh trên bàn thờ.

Bước thứ nhất thất bại.
Chuyển sang bước thứ hai.
Cầm tay chàng, cô gái
Mắt chơm chớp, thở dài.

Chàng trai vẫn không hiểu.
Còn hỏi: “Em lạnh à?”
Thế thì thật quá đáng.
Phải tấn công lần ba.

“Em đố anh một chuyện:
Liệu cánh tay đàn ông
Đủ ôm lưng cô gái
Vừa trọn hết một vòng?”

Chàng trai ngồi đực mặt,
Rồi lặng lẽ lắc đầu:
“Anh sẽ mang chiếc thước
Khi đi chơi lần sau.”

*
Muốn nói gì thì nói,
Chứ hành xử như chàng
Là sự xúc phạm lớn
Với phái nữ dịu dàng.

Đây là chuyện có thật,
Không do tôi phịa ra.
Tôi chép lại, nhắn gửi
Một thông điệp, đó là:

Đã đàn ông, phái mạnh,
Ngồi với đàn bà xinh,
Sẽ là vô liêm sỉ,
Nếu bắt họ tỏ tình.

Hơn thế, ngồi ghế đá,
Tay không được để thừa
Hay đặt trên đầu gối
Như chụp ảnh, nhớ chưa?

Cuối cùng, rút bài học
Đáng buồn trong chuyện này.
Đi chơi, không mang thước,
Cả thước gỗ, thước dây.

560
Một bữa con cái nhậu,
Đâu đó ngoài cửa hàng
Bằng tháng lương hưu bố,
Ấy là loại xoàng xoàng.

Nhiều bố mẹ biết thế,
Tiếc, nhưng chẳng nói ra,
Chỉ lặng lẽ tích góp
Mua cho con cái nhà.

561
Thích gì thì cứ nói,
Muốn khen ai cứ khen,
Nhưng không phải những lúc,
Mang ơn hay nhận tiền.

562
Ai cũng được bố mẹ
Đặt cho một cái tên,
Kèm theo nhiều hy vọng,
Đẹp, ý nghĩa, tất nhiên.

Như cái răng, cái tóc,
Tên là vóc con người.
Đừng tự tiện thay đổi.
Đừng để dính bụi đời.

563
Vừa buồn vừa lạ lẫm
Đi trên phố thân quen.
Phố quen mà thành lạ,
Vì mới bị đổi tên.

Một cái tên dân dã,
Thân thương từ bao đời
Nay bị bắt nhường chỗ
Cho một cái tên người.

Càng buồn vì nghe nói
Có dịch vụ” chạy tên”.
Chắc phải là quan lớn.
Chắc cũng không ít tiền.

564
Mừng cho bác Căm Pốt
Sản xuất được xe hơi,
Trăm phần trăm nội địa,
Tốt không kém xe người.

Mừng cho bác Miến Điện,
Đang có cơ đi lên,
Khi độc tài tự nguyện
Đặt đất nước lên trên.

Đúng là mừng, mừng thật.
Nhưng rồi lo, có ngày
Nước ta phải phấn đấu
Đuổi kịp hai nước này.

566
Khoảng mười năm về trước
Tôi giúp làng tôi xây
Chiếc cổng làng khiêm tốn
Với điều kiện thế này:

“Không ghi “Làng Văn Hóa”.
Đơn giản “Làng Vĩnh Yên”.
Tốn bao nhiêu tôi chịu.
Đồng ý, tôi gửi tiền.”

Ông bí thư chi bộ
Cáu tôi lắm, nhưng rồi
Tính thực dụng đã thắng.
Ông gọi điện cho tôi.

Và thế là từ đấy,
Ghi rõ trên cổng làng:
Làng này không “văn hóa”,
Nhưng cổ kính, đàng hoàng.

567
Nếu được thì cố gắng
Yêu tất cả mọi người.
Ghét, không ghét ai cả.
Ấy là đạo làm người.

Không ai thành được Phật.
Có lẽ cũng không cần.
Nhưng Phật là Cái Thiện,
Hãy cố mà đến gần.

568
Giàu cũng chẳng làm gì.
Danh cũng chẳng làm gì.
Vậy sống để làm gì?
Thực ra, chẳng làm gì.

Nhưng một khi đã sống,
Dẫu cuộc sống bình thường,
Thì hãy cố mà sống
Bằng nghị lực phi thường.

Vì có sự khác biệt
Giữa cỏ cây và người.
Cỏ cây chết thành đất.
Người - để tiếng cho đời.

569
Làm người, khi đã sống,
Ai cũng phạm sai lầm.
Vấn đề là ở chỗ
Phải biết mình sai lầm.

Không biết thì lặng lẽ
Nghe người nói về mình.
Ai biết nghe người khác
Mới thực sự thông minh.

Đáng thương và lố bịch
Là những kẻ ngu đần,
Mà dương dương tự đắc,
Không biết mình ngu đần.

570
Nói, ai chẳng nói được.
Làm mới khó hơn nhiều.
Làm được thì cho nói.
Nói, không làm là điêu.

Người khiêm tốn thực sự
Là người tự biết mình,
Làm giỏi rồi tuyên bố
Tôi tài giỏi, thông minh.

Khoét lác là cái bọn
Vừa bất tài vừa lười,
Rồi nói, em khiêm tốn.
Dạ, khiêm tốn nhất đời.

571
Lão Khayyam có nói
Một câu này rất hay:
“Nếu đời tốt, thuận lợi
Thì không đến lượt mày!”

Tôi thì tôi nghĩ khác,
Rằng vốn dĩ cuộc đời
Có khó khăn, thuận lợi,
Có làm việc, vui chơi.

Có sinh thì có tử,
Có lúc nghèo, lúc giàu,
Có lúc sướng lúc khổ,
Có khỏe, có ốm đau.

Biết được qui luật ấy,
Ta sẽ khôn lớn dần,
Và có đủ bình tĩnh
Để vượt qua khó khăn.

572
Tứ Thư của Khổng Tử
Có sách gọi Trung Dung,
Dạy ta đừng thái quá,
Đừng đẩy đến tận cùng.

Cứ đều đều mà tiến.
Chẳng vội mà làm gì.
Cái gì đến sẽ đến.
Cái gì đi sẽ đi.

573
Lắm thương, lăm đau khổ.
Tích nhiều thì mất nhiều.
Biết vừa là biết đủ.
Biết dừng là biết điều.  

574
Nói thật với các bác,
Ngày bé tôi chơi khăng
Và thấy rất thích thú,
Thích thú chẳng gì bằng.

Một lần tôi ở Mỹ,
Chơi goff đúng một ngày.
Kiểu nghiệp dư, cho biết,
Và thấy cái trò này

Thực ra là rất chán,
Lại tốn kém, tất nhiên.
Lãng phí đất nông nghiệp,
Lãng phí cả túi tiền.

Nó, trò chơi quí tộc,
Được các quan nông dân,
Giờ nhiều tiền, rửng mỡ,
Đều đặn chơi hàng tuần.

Tôi cá mười ăn một:
Các quan tham nhũng này
Chỉ chơi để khoe của,
Khoe mình cũng giống Tây,

Chứ trong lòng, thực sự
Thích chơi khăng như tôi.
Tiếng khăng kêu thích lắm,
Cú vụt cũng tuyệt vời.

Sân golf, các bác ạ,
Chiếm hàng chục hec-ta,
Trong khi dân thiếu ruộng.
Ngẫm mà lòng xót xa.

Nếu tôi là thủ tướng,
Tôi đóng cửa sân golf,
Không oai cũng chẳng chết,
Trả đất cho bà con.

Thay vào đó, tôi bắt
Các quan và người giàu
Phải chơi khăng đều đặn.
Nghiêm túc, không đùa đâu.

575
Tôi thấy thật tởm lợm
Khi các báo đăng bài
Về đời tư Sao Việt,
Nhảm, vớ vẩn, và dài.

Mà Sao gì cơ chứ?
Nhiều Sao rất ẫm ương.
Về tư cách, phần lớn
Chưa bằng người bình thường.

Tôi thấy càng tởm lợm
Khi có rất nhiều người
Vẫn say mê đọc chúng -
Vì ngu dốt, vì lười.

Lại còn mục “Tâm sự”:
“Vì sao tôi ngoại tình?”
“Tôi là người thích sex.”
Ôi, báo chí nước mình!

576
Hình như có qui luật
Trong lịch sử xưa nay,
Thường đánh nhau trực diện,
Người gian thắng người ngay.

Cái xấu thắng cái đẹp.
Dã man thắng văn minh.
Cái ác thắng cái thiện,
Vô tình thắng hữu tình.

Vâng, qui luật là thế,
Nhưng còn qui luật này:
Cuối cùng thì, dẫu thắng,
Thằng ngu thua người ngay.

Và rồi, dẫu không muốn,
Sống với người văn minh,
Thằng mọi rợ, hung hãn
Tự để mất chính minh.

Nhớ xưa, người Mông Cổ
Chiếm Trung Quốc, về sau,
Học văn minh của họ,
Tự biến thành người Tàu.

577
Một nước mà đài báo
Khoe quá khứ suốt ngày,
Thì sớm muộn nước ấy
Chắc chắn sẽ có ngày

Không chăm lo hiện tại,
Không nuôi dưỡng hiền tài,
Cuối cùng để mất hết
Quá khứ và tương lại.

578
Nô lệ đáng thương nhất
Là người sống vô lo,
Tự bịt mắt, bịt miệng,
Rồi tưởng mình tự do.

Nhận xét này của Goethe
Cách đây hai trăm năm.
Các bác ngẫm thì biết
Ông nói đúng hay nhầm.

579
Con người, khi trẻ tuổi,
Ngưỡng mộ người thông minh.
Con người, khi có tuổi,
Ngưỡng mộ người có tình.

580
Nhà sư Thích Nhất Hạnh
Nói một câu thật hay:
“Xin các bạn nhẹ bước
Đi trên trái đất này.

Như thể chân các bạn
Đang ôm hôn dịu dàng
Trái đất ta yêu quí.
Xin hãy bước nhẹ nhàng.”

581
Vạn vật trong vũ trụ
Đều có nhịp điệu riêng.
Vạn vật đang nhảy múa,
Bình thường mà linh thiêng.

Đời là một điệu vũ
Cùng bản nhạc tuyệt vời.
Tiếc, trong điệu vũ ấy
Còn vắng bóng nhiều người.

582
Khi không ai ghét bạn,
Tuyệt đối không một ai,
Thì có nghĩa rằng bạn
Có gì đó đang sai.

Xưa, một nhà triết lý
Đã từng nói câu này.
Thoạt nghe tưởng phi lý.
Ngẫm, thấy đúng, và hay.

583
“Không có sự vận động,
Không có gì xẩy ra.”
Einstein nói thế.
Đúng với mỗi chúng ta.

“Until something moves,
Nothing will happen.”
Anh muốn đời thay đổi
Thì phải động tay chân.

Cuốn sách không lật giở,
Cuốn sách vẫn nằm yên.
Anh không chịu động não
Thì làm sao có tiền?

Anh đang sống nghèo khổ,
Mong muốn trở thành giàu,
Mà không chịu lao động,
Thì hãy chờ, chờ lâu.

584
Bí quyết của hạnh phúc
Là phải sống tự do.
Bí quyết của tự do
Chính là lòng dũng cảm.

Tự do và dũng cảm
Là hai cái con người
Cần nhất trong cuộc sống,
Cho mình và cho đời.

585
Nikita Khrushchev,
Xưa, lãnh tụ Nga Xô,
Nói câu này chí lý.
Mà lão nói rất to:

“Chính trị gia thế giới
Thích hứa hão như nhau.
Cả nơi không sông suối,
Họ cũng hứa xây cầu.”

586
Vincent Van Gogh nói
Một câu, ý thế này:
“Tôi thấy Đêm sinh động
Và nhiều màu hơn Ngày.”

Phải chăng ông nghĩ thế
Mà trở thành thiên tài,
Còn ta, nghĩ lô-gic,
Cuối cùng chẳng thành ai?

587
Chỉ cần ta thỉnh thoảng
Dừng lại, nhìn lên cao,
Ta sẽ thấy cuộc sống
Cũng không đến nỗi nào.

588
Muốn nói gì thì nói,
Tôi thấy cuộc đời này
Thật đẹp và đáng sống.
Vì sao? Vì hàng ngày

Ta được thở không khí,
Được nhìn thấy mặt trời.
Được lao động, sáng tạo,
Giải trí và nghỉ ngơi.

Được sử dụng công nghệ
Người khác làm cho minh,
Có Iphone, Ipad
Và điện thoại thông minh.

Được cơm ăn ba bữa,
Quần áo mặc cả ngày.
Vua xưa đi xe trạm,
Giờ ta đi máy bay.

Làm thơ, có phạm húy
Chắc không bị tru di
Như thời xưa Nguyễn Trãi.
Thế là sướng, còn gì?

Đúng thế, ta sướng quá.
Tưởng không thể sướng hơn.
Cái gì ta cũng có,
Chỉ thiếu lòng biết ơn.

589
Ta nhìn nhận sự việc
Theo cách ta muốn nhìn.
Trên thực tế dù khác,
Ta cũng không muốn tin.

Một khi ta thay đổi
Cách nhìn nhận của mình.
Sự việc cũng thay đổi.
Cả chất và cả hình.

Vì vậy, khi đánh giá
Xấu và tốt ra sao,
Ta phải xem xét trước
Mình là người thế nào.


THAY LỜI KẾT

Hôm nay tôi chính thức
Ngừng viết thơ châm ngôn.
Loại thơ ngắn, giản dị,
Cũng có chút dạy khôn.

Lần nữa xin nhắc lại,
Rằng có một số bài
Tôi lấy ý người khác
Rồi thêm bớt rông dài.

Có bài ghi tác giả,
Nếu tiện ý, tiện vần.
Nhiều bài không ghi được,
Đành để sau sửa dần.

Thế là tôi đã viết
Suýt soát ba nghìn bài.
Sau này đem xuất bản,
Thành tập Một, tập Hai.

Tập Một có Phụ Lục
Tứ Thư, Tam Tự Kinh.
Tập Hai có Esop,
Thơ ngụ ngôn thông minh.

Tập Ba số bài ít,
Nhưng bù lại, bài dài.
Không có phần Phụ Lục
Như tập Một, tập Hai.

Ai muốn thì mua sách.
Không muốn thì lên Phây.
Mời đọc chùa thoải mái.
Nếu rỗi, đọc hàng ngày.

Châm ngôn là bài học,
Nhiều khi cả cuộc đời.
Được đúc kết ngắn gọn
Trong mấy câu, mấy lời.

Cái giá bài học ấy
Người khác trả cho ta.
Giá cũng đắt lắm đấy,
Đầy nước mắt xót xa.

Vậy sao ta không học
Những bài học quí này,
Để không phải trả giá
Không phải chịu đắng cay?

Tất nhiên, đọc một chuyện.
Đọc thì chẳng khó gì.
Khó là chuyện thực hiện.
Nhưng cứ thử, thử đi.

Tôi còn muốn viết nữa.
Túi thơ vẫn còn đầy.
Nhưng mà thôi, dịp khác.
Nhiều chưa chắc đã hay.

Giờ phải làm việc khác.
Mà việc thì còn nhiều.
Già rồi, đang tự hỏi
Còn sống được bao nhiêu.

Tôi sẽ rất hạnh phúc
Nếu các bạn hàng ngày
Sống tốt hơn một tý
Nhờ bộ châm ngôn này.

Còn giờ thì tạm biệt.
Bye! See you later.
Đừng quên tôi, Ông Béo,
Suốt ngày chỉ làm thơ!

Hà Nội, 7 tháng Tư, 2013
Thái Bá Tân

No comments:

Post a Comment