Thursday, March 5, 2015

CẦU VỒNG



          Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Lúc ấy đã xế chiều. Một cơn giông ngắn vừa ập qua, mặt đất và không khí còn ẩm mùi mát lạnh. Đang trên đường từ làng Xuân Tình về nhà, đến giếng nước ăn ở cách đồng Chùa, lão Nhất Lợn bỗng cảm thấy như mình được chiếu sáng đột ngột. Lão đứng lại, ngơ ngác nhìn quanh. Trong thứ ánh sáng kì lạ đó, lão thấy những giọt nước li ti đang nhảy múa. Kì lạ hơn nữa, chúng có màu, đủ xanh vàng tím đỏ. Để kiểm tra, lão xòe hai tay trước mặt. Cả hai bàn tay nhăn nheo, xạm đen vì cáu bẩn của lão cũng có màu như vậy. Vô cùng ngạc nhiên, lão ngước nhìn lên cao và thấy một hình cung khổng lồ nửa xanh nửa đỏ. Một đầu của hình cung đó cắm đúng mỏm núi có ngôi đền thờ An Dương Vương linh thiêng. Nó vươn lên cao, vượt qua hai xã Diễn Trung và Diễn An, vượt qua cả cái làng Xuân Nho của lão, cuối cùng cắm đầu còn lại xuống...
Ôi, bây giờ thì lão hiểu - Cầu Vồng! Cầu Vồng rơi đúng vào người lão, một lão già khốn khổ là lão Nhất Lợn!...

                                                *                                              
Lão năm nay đã ngoài bảy mươi và bị bệnh hen xuyễn nặng, khuôn mặt bé choắt đầy những vết nhăn chằng chịt. Lão sống một mình không vợ con, không cả người thân thích. Suốt đời, hay ít ra cũng hai, ba mươi năm nay lão sống bằng một nghề duy nhất và cũng khá độc đáo, là nuôi lợn đực cho thuê giống. Cái tên Lợn được gắn cho lão cũng vì thế. Lão là người tính khí lạ lùng, đặc biệt rất mê tín, mộ đạo, tuy không hề theo tôn giáo nào. Trong nhà lão, nếu có thể gọi túp lều lão ở là nhà, không có cả một góc nhỏ làm nơi thờ cúng. Nhưng bữa ăn nào, trước khi cầm đũa lão cũng chắp tay vái ba cái rồi lẩm bẩm đọc vài câu gì đó không ai hiểu. Lão ăn mặc lôi thôi lếch thếch, sống hết sức kham khổ. Được cái lão vô lo và hiền lành. Ai cười chê nghèo khổ hay định bày bảo điều gì, lão thường nói cái câu lão yêu thích: "Không sao, đời người ta ăn nhau ở cái hậu, mà cái hậu của tôi thì tốt lắm, rồi mọi người sẽ biết".
Nghề nuôi lợn đực cho thuê giống thoạt nhìn tưởng nhàn rỗi, dễ sinh lợi nhưng thực ra lại rất vất vả và phức tạp. Hình như ở đây có bí quyết nào đó chỉ mình lão biết, nên bao năm nay có thể nói lão chiếm độc quyền cái nghề này không những trong xã mình mà còn cả một vài xã lân cận, dù nhiều người từng quyết tâm sống chết cạnh tranh với lão.
Tuy nhiên, độc quyền một nghề như thế cũng chẳng lấy gì làm vinh quang, nhất là với lão, một người không vợ. Vì nó mà lão bị đem làm trò chế giễu. Vốn hiền lành, lão chỉ cười, bỏ ngoài tai những lời đùa châm chọc của người khác. Lão chẳng cáu giận ai bao giờ, họa chăng chỉ với chính con lợn đực của lão. Lão chăm bẵm nó, lo cho nó ăn, tắm rửa sạch sẽ và sống dựa vào nó. Thế mà thật lạ, lão cứ thấy nó vừa đáng ghét vừa đáng khinh thế nào, nhất là những ngày nó hăm hở đi làm cái việc mà lão gọi là "đê tiện" kia. Lão luôn gọi nó là "thằng đểu".
Những ngày ấy, từ sáng sớm "thằng đểu" được ăn theo chế độ đặc biệt. Rồi lão và nó ra đi. "Thằng đểu" đi trước. Đó là một con lợn cao và dài, hông hóp, lông đen cứng. Nó bước đi chậm chạp, đôi mắt hùm hụp nhìn xuống đất như tìm kiếm cái gì, hòn dái to thõng luôn đập bên này bên kia theo nhịp bước chân. Lão Nhất thong thả đi phía sau, tay cầm chiếc gậy dài màu đen nhẵn bóng. Chốc chốc lão lại vô cớ mắng con lợn và thẳng tay nện xuống lưng nó những cú khá đau. Vốn quen với sự bất công của chủ, nó nhẫn nhục chịu đựng, chỉ khe khẽ kêu vài tiếng ụt ịt rồi đủng đỉnh đi tiếp...
Mới ba năm tuổi nhưng với dáng dấp nặng nề, với những nếp nhăn sâu trên mặt và đôi má xệ theo kiểu lợn, trông nó cũng già nua như chủ.
Những trưa hè nắng gắt hay những chiều đông âm u, thật khó mà hình dung được cái gì đấy buồn bã, chua xót hơn cảnh lão Nhất và con lợn của lão đi bên nhau trên những con đường gồ ghề, heo hút nối liền làng này với làng khác.
... Xưa nay chẳng biết ốm đau là gì, không hiểu sao mùa đông này lão Nhất thấy sức khoẻ mình yếu sút hẳn, đặc biệt hai tuần vừa rồi. Toàn thân lão đau âm ỉ, các khớp xương như bị tháo rời, mỗi lần trở lưng lại kêu răng rắc. Lão nằm đắp chăn tùm hum trên gường, một ngày chỉ dậy hai lần để nấu ăn cho con lợn và nhân thể cho cả lão. Đêm lão trằn trọc mãi, và lúc thiếp đi thường mơ những giấc mơ rất kì dị. Lúc lão thấy được ông tiên nào đó đưa lên trời bằng chiếc xe ba con rồng phun lửa kéo. Chiếc xe lướt nhanh qua những đám mây xốp nhẹ đủ màu sặc sỡ. Quần áo lão cũng được dệt bằng những sợi vàng bạc lấp lánh và đính đầy ngọc. Lão ngồi trên xe, hồng hào, đẹp đẽ chẳng kém ông tiên bên cạnh. Đang ngây ngất vì sung sướng thì bỗng có cái gì cọ cọ vào chân. Lão cúi xuống nhìn và thấy đó là con lợn xấu xí của lão. Con lợn há cái mõm bẩn thỉu cắn vào ống quần lão kéo lùi trở lại. Còn lão thì cố níu giữ một cách bất lực, cho đến khi cuối cùng bị kéo tuột khỏi xe và rơi tít trên cao xuống đúng chiếc giường tre lão đang nằm.
Có lúc lão mơ thấy mình có vợ. Tất nhiên vợ lão xinh đẹp, dịu dàng, và hai vợ chồng sống hạnh phúc. Thế mà ở đúng đỉnh cao hạnh phúc ấy, lão nhìn kĩ hóa ra vợ lão lại vẫn con lợn khốn kiếp. Sau những giấc mơ như thế, lão rất buồn. Hơn lúc nào hết, bây giờ lão mới thấm thía hết sự cô đơn, bất lực của mình. Ý nghĩ về một cái chết lạnh lẽo, không người vuốt mắt, không tiếng khóc ngậm ngùi, ngày càng ám ảnh lão. Suốt đời mình lão sống lương thiện, chịu bao nhiêu đau đớn, khổ sở, không lẽ chết còn chịu thêm cái nhục như thế?  Không lẽ mọi hi vọng về cái hậu tốt đẹp của cuộc đời mà lão luôn tự an ủi mình và khoe với người khác, cuối cùng chỉ là những hi vọng hão không bao giờ đạt được?
Mấy hôm nay trời bắt đầu ấm lại. Nắng ngoài sân rực rỡ hoe vàng. Tuy còn yếu và mệt, sáng nay lão Nhất vẫn rời khỏi gường ra thềm ngồi sưởi nắng suốt cả buổi. Đến chiều, lão quyết định "đi làm", tức là dẫn lợn lên làng Xuân Tình theo yêu cầu của bà Ba, một người bạn cũ và cũng là khách hàng thường xuyên của lão.
Đến nơi, như thường lệ, lão cho "thằng đểu" vào chuồng làm cái việc "đê tiện" của nó, còn lão thì đủng đỉnh bước vào nhà, nơi bà Ba đang ngồi đợi lão trên chiếc chõng tre với hai bát nước chè xanh mới nấu và một cơi trầu.
- Dạo này ông ốm đấy à? - bà Ba hỏi, thay cho lời chào. 
- Ừ, sơ sơ, - lão đáp, vẫn theo kiểu nhát gừng như mọi khi, rồi đỡ lấy bát nước bà Ba đưa cho, uống một hơi hết sạch.
Tiếp đến hai người chẳng biết nói gì thêm.
Chủ nhà là một bà già nhỏ nhắn, tóc bạc gần hết, quần áo sạch sẽ, chiếc miệng móm bao giờ cũng nhai trầu. Trước bà làm nghề buôn vặt, hàng ngày gánh đôi thúng xuống chợ Hôm bán dăm ba thứ đồ hàng xén. Độ mươi năm gần đây do sức yếu, bà chuyển sang nuôi lợn nái và bỏ công chăm chút cái vườn. Như lão Nhất, bà sống một mình không con cái, không họ hàng thân thích, và cũng là dân ngụ cư, có điều bà từ Quỳnh Lưu vào, còn lão thì từ Yên Thành xuống. Nghe nói ngày xưa có thời hai người từng mê nhau ghê gớm, không hiểu sao chuyện không thành. Từ đó đến nay họ vẫn có cảm tình với nhau, tuy không ai lộ ra ngoài, nhất là lão Nhất. Tại sao trong chừng ấy năm họ không nghĩ đến chuyện quay lại thành vợ thành chồng như người khác, ít ra để nương tựa nhau những lúc già yếu thế này? Đấy là điều bí ẩn không ai hiểu, ngoài họ.
- Vừa rồi bà đẻ được mấy con? - lão hỏi.
Bà Ba ngừng nhai trầu, lấy bộ nghiêm khắc đáp:
- Không phải tôi mà con nái nhà tôi. Mười con. Ông lại định chọc tôi đấy à?
Lão cười:
- Thì tôi hỏi là hỏi về con lợn đấy chứ? Bà xem giống của tôi có tốt không?
Chủ nhà nhíu mày nhìn ông nhưng không nói gì. Một lúc sau bà mới lên tiếng:
- Già như ông mà làm cái nghề này, ông không thấy xấu hổ à?
- Sao phải xấu hổ? - lão Nhất cao giọng. - Tôi xấu hổ thì ai đưa đực đến đây cho bà? (chủ nhà lại nhìn khách cảnh cáo). Nó cũng là một cái nghề bình thường như bao nghề khác. Có điều quanh năm vất vả với nó mà tôi chẳng kiếm được đồng nào thừa. Nhưng không sao, đời người ta ăn nhau ở cái hậu, mà cái hậu của tôi thì bà biết đấy...
Hai người nói chuyện thêm lúc nữa, rồi xem chừng "thằng đểu" đã làm xong việc của nó, lão Nhất cầm lấy chiếc nón rách, định đứng dậy ra về.
- Khoan đã. Sắp có giông đấy, - bà Ba nói.
Lão Nhất bước ra sân, ngửa mặt lên xem. Quả thế thật: bầu trời mới quang đãng lúc nào bây giờ đã bị mây đen che phủ. Đâu đó vang lên những tiếng sấm ngắn và dòn. Một vài giọt nước to và thưa bắt đầu rơi, để lại trên nền đất ẩm những chấm đen như những đồng xu.
- Năm nay giông sớm thật, - lão Nhất nói khi quay lại, miễn cưỡng ngồi xuống giường. Bà Ba đưa cho lão bát nước nữa. Cả lần này lão cũng uống một hơi hết sạch.
Chưa đầy hai mươi phút sau, lão Nhất và con lợn của lão lại đi trên đường làng. Cơn giông đã tạnh hẳn, tuy trên trời vẫn sót lại vài mảnh mây tơi tả đang bay nhanh về phía cầu Bùng. Treo lửng lơ trên những ngọn đồi thấp của xã Diễn Lợi, mặt trời le lói chiếu những tia vàng lạnh lẽo. Con lợn vẫn đủng đỉnh đi trước. Nó bị đánh đau và nhiều hơn cái mức đáng phải chịu. Bao giờ "xong việc". nó cũng bị chủ đối xử bất công như thế.

                                           *                                     
Đang trên đường từ làng Xuân Tình về nhà, đến giếng nước ăn ở cánh đồng Chùa, lão Nhất bỗng thấy mình được chiếu sáng đột ngột. Lão đứng lại, ngơ ngác nhìn quanh. Trong thứ ánh sáng kì lạ đó, lão thấy những giọt nước li ti đang nhảy múa. Kì lạ hơn, chúng có màu, rất nhiều màu. Để kiểm tra, lão xòe hai tay trước mặt. Cả hai bàn tay nhăn nheo, xạm đen và cáu bẩn của lão cũng có màu như vậy. Vô cùng ngạc nhiên, lão ngước nhìn lên cao và chợt thấy một hình cung khổng lồ nửa xanh nửa đỏ. Một đầu của hình cung đó cắm xuống đúng mỏm núi có ngôi đền thờ An Dương Vương. Nó vươn lên cao, vượt qua cả hai xã Diễn An và Diễn Trung, vượt qua làng Xuân Nho của lão rồi cuối cùng cắm đầu còn lại xuống...
Ôi! Bây giờ thì lão hiểu: Cầu Vồng! Cầu Vồng rơi đúng người lão, lão Nhất Lợn, một thằng già khốn khổ.
Phải đến mấy phút lão đứng ngây không biết làm gì. Bất chợt một ý nghĩ kì lạ bỗng xuất hiện trong đầu. Lão nhanh chóng vứt bỏ hết quần áo, và rồi hoàn toàn trần truồng, như một người điên thực sự, lão bắt đầu nhảy múa, tắm táp trong thứ ánh sáng kì diệu đó. Người lão được chiếu sáng rực rỡ, luôn đổi từ màu này sang màu khác. Những giọt nước li ti xanh đỏ tím vàng bám quanh lão, tạo thành một đường viền kì ảo. Lão vò đầu, xoa tay, xoa chân, kì cọ khắp người. Lão nằm cả xuống mặt đường lởm chởm đá nhọn và cát nhẽo sau cơn giông. Có lúc lão ôm mặt khóc hu hu, có lúc lại cười to điên dại, miệng không ngớt xuýt xoa những câu gì đó về Cầu Vồng, về Trời Phật và về cái hậu của đời lão.
Đêm ấy lão Nhất bị cảm nặng. Hôm sau, gần trưa, khi bà Ba đến tìm lão trả tiền công quên chưa lấy, bà thấy lão đã chết, nằm ngay ngắn trên giường. Bà cúi xuống, nhẹ nhàng vuốt lên hai mắt nhắm như ngủ say của lão. Sau đó bà lặng lẽ tìm bộ quần áo sạch, đun nước tắm rửa rồi thay cho người chết. Làm xong tất cả những việc ấy, bà ngồi xuống chiếc chõng tre, và khóc.
Lão Nhất nằm bên, sạch sẽ và thanh thản. Mặt lão hồng hào, hồng hào một cách khác thường. Bà Ba đã không nhận thấy điều ấy. Có thể vì bà đang quá xúc động, cũng có thể bà nghĩ đó là do ánh sáng mặt trời lọt qua chỗ dột trên mái nhà phản chiếu lại.

                                                Diễn Châu - Đà Lạt, 1985 - 1987

No comments:

Post a Comment