Truyện ngắn. Thái
Bá Tân
Cái
Xoan là tên một cô bé cụt chân ở làng tôi. Nó bị cụt một chân từ ngày mới hai
tuổi và còn đang được ẵm trên tay mẹ.
Hôm
ấy, theo kể lại, đang buổi ăn trưa thì máy bay Mỹ ập đến. Mẹ nó bế nó chạy ra
hầm, chưa ra tới nơi thì có tiếng bom nổ. Một mảnh bom cắm đúng vào tim mẹ nó.
Mảnh khác cắt đứt một cẳng chân bé xíu, mũm mĩm và hồng hồng của nó. Nó được
một chú bộ đội đóng quân trong làng bế ngay đi bệnh viện. Ai cũng tưởng bé thế,
nó sẽ chết, thế mà các bác sĩ chữa lành cho nó. Về việc này, báo tỉnh dạo ấy có
đăng một bài dài.
Ra
viện, nó được đưa về nhà bà nội, một bà già độc thân sống nhờ gạo và tiền trợ
cấp nhà nước theo tiêu chuẩn mẹ liệt sĩ.
Mấy
tháng sau, bố nó, một sĩ quan không quân cấp tá đóng đâu đó rất xa, được tin
vội về nhà, mang theo đôi nạng bé tí bằng nhựa có màu xanh đỏ rất đẹp. Thế là
trong gần một tháng nghỉ phép, bố và bà nó chỉ làm mỗi việc là dạy nó biết đi,
đi bằng ba chân, một chân thật và hai chân nhựa - cả ba cùng bé tí, yếu ớt và
dễ gẫy.
Nó
là đứa trẻ thật dễ thương. Vừa tập đi nó vừa reo lên ầm ĩ như đang thích thú
chơi một trò chơi hấp dẫn. Lúc ngã nó không khóc, còn toét miệng cười, mắt mở
to long lanh, đôi má đỏ hồng vì mệt.
Những lúc ấy bố nó ngoảnh đi nơi khác, kín đáo lau nước mắt.
Còn bà nó thì nói:
-
Úi chà, bé Xoan của bà ngoan nhỉ, lớn lên thế nào bà cũng cho theo bố bay tít
trên trời kia kìa.
Bé
Xoan dần dần lớn lên thành cái Xoan. Trẻ con thật chóng lớn. Mỗi năm bố nó gửi
về một đôi nạng mới. Đến tuổi đi học nó đã có năm đôi bằng nhựa đủ màu. Bà nó
dựng trong góc nhà, cái sau lớn hơn cái trước, cái nào cũng còn mới, trông như
bộ sưu tập nho nhỏ. Bộ sưu tập những đôi nạng bằng nhựa.
Cũng
may trường chỉ cách làng một cánh đồng, nhưng hàng ngày nó phải dậy chống nạng
đi từ rất sớm, để độ nửa giờ sau lũ trẻ cùng làng, cùng lớp ồn ĩ chạy vượt qua
như cơn lốc. Cũng có hôm ai đó tiện đường, bế nó đi, bế cả người lẫn nạng.
Đôi
lần về quê, tôi cũng bế nó như vậy. Dọc đường tôi hỏi chuyện này chuyện nọ.
Thường nó im lặng hoặc trả lời không hào hứng lắm, dù tôi biết nó thích tôi vì
thỉnh thoảng tôi mang từ Hà Nội về cho nó những cuốn sách đầy hình vẽ tuyệt
đẹp.
Trong
tâm hồn thơ ngây của nó đã xuất hiện những gợn buồn mặc cảm.
Sự thay đổi đó bắt đầu từ ngày đầu tiên tới trường.
Vốn quen suốt ngày ngồi một chỗ với bà, hôm ấy nó hết sức
ngạc nhiên khi thấy ở trường chúng bạn cười nói, chạy nhảy nhiều quá. Cùng sự
phát hiện ấy, nó ý thức sâu sắc hơn khuyết tật của mình. Một cảm giác lo sợ mơ
hồ dần dần xâm chiếm người nó. Nó thấy như cả trường ai cũng đang nhìn nó, với
đôi mắt vừa thương hại vừa giễu cợt.
Cũng trong ngày đầu tiên ấy, một thằng bé ngỗ nghịch đã chủ
ý ngáng chân làm nó ngã. Không đau, nhưng nó khóc mãi, cả đến khi cô giáo bắt
cậu kia đứng khoanh tay xin lỗi, nó vẫn chưa nín. Từ đấy nó tìm cách xa lánh
mọi người. Giờ ra chơi nó trốn vào góc vắng ngồi im và quan sát. Nó trở nên lầm
lì, nhiều khi đứng lặng, chống nạng thẫn thờ nhìn các bạn nhảy dây hoặc chơi lò
cò.
*
Dễ
chừng hơn mười năm nay tôi không gặp lại cái Xoan. Trước kia nhà nó cạnh nhà
tôi, nhưng từ ngày bà nội chết, nó được gửi đến ở nhà một ông bác không có con
tận cuối làng. Mấy đợt về quê ngắn ngủi tôi chẳng gặp nó lần nào. Chắc nó ít ra
đường. Tôi chỉ được nghe kể lại rằng lớn lên, nó là một cô bé rất xinh đẹp, đặc
biệt khuôn mặt. "Cứ như tranh vẽ ấy!" người ta kháo nhau như thế. Ở
quê tôi đó là câu khen cao nhất mà bất kỳ cô gái nào cũng mong có được. Đẹp như
tranh vẽ!
-
Nhưng mà nó cũng khác thường lắm cơ, - một người nhận xét.
- Khác nghĩa là thế nào? - tôi hỏi.
-
Nghĩa là tính khí nó thất thường. Thoắt buồn thoắt vui, có ngày không mở miệng
nói câu nào, ngơ ngơ, ngác ngác. Người đâu mà bao giờ cũng như từ trên trời rơi
xuống. Chẳng chơi với ai, chỉ thích đọc sách một mình.
Ở
quê, tôi có một tủ sách khá lớn mà từ nhỏ tôi đã có ý thức xây dựng bằng đủ mọi
cách, mọi giá. Ngày rời làng đi xa, tôi cho vào tủ khóa lại cẩn thận, dặn mẹ
tôi không được đưa ai mượn. Mấy năm qua, là người ham hiểu biết, chắc cái Xoan
tìm đến nài nỉ mẹ tôi, và do thương người, bà cụ không nỡ từ chối.
Sống ở vùng hẻo lánh như quê tôi, không bè bạn, không bao
giờ đi đâu, cộng với sự mặc cảm bệnh tật và một trí tưởng tượng quá phát triển,
dễ hiểu Cái Xoan bị những cuốn sách ấy tác động mạnh thế nào. Chúng là người
bạn, là niềm an ủi duy nhất của nó từ trước đến nay. Khác những đứa trẻ bình
thường, nó tiếp nhận thế giới sách vở thơ mộng, diệu kì ấy theo cách riêng của
mình, và sống với nó nhiều hơn với cuộc đời có thực. Có lẽ chính sự khác biệt
giữa hai thế giới ấy đã làm nó thành người "từ trên trời rơi xuống"
và "trái tính trái nết" như người ta nói.
Kỳ
nghỉ phép năm nay, tôi vừa về tới nhà buổi chiều thì chập tối ông bác Cái Xoan
đã đến tìm gặp.
-
Tôi phải nhờ ông giáo một việc, ông giáo ạ, - ông ta vào ngay câu chuyện. Nhiều
người trong làng vẫn tiếp tục gọi tôi là ông giáo, dù tôi chuyển nghề đã mấy
năm nay.
Bằng
cái giọng oang oang, đứt quãng vì hồi hộp, ông ta kể tôi nghe sơ lược câu
chuyện về Cái Xoan. Ông kể rằng mấy ngày gần đây Cái Xoan có những biểu hiện
rất khác thường. Mặt nó lúc đỏ bừng, lúc tái nhợt, vốn ít nói nay càng ít nói
hơn, nhiều khi ngồi thừ người cả tiếng đồng hồ. Cứ chiều đến là nó ra đứng
quanh quẩn trước ngõ, mắt nhìn phía đường quốc lộ như chờ ai. Còn tối thì nó
nằm trằn trọc mãi không ngủ, và tuy cố giữ, tiếng thút thít khóc vẫn bật ra.
-
Tôi biết có chuyện nghiêm trọng, cố gạn hỏi nhưng nó nhất định không nói. Cả
ngày hôm qua nó bỏ ăn, chỉ buông màn nằm úp mặt trên giường. Bà nhà tôi sờ trán
bảo nóng, thế là tôi chạy đi mời bác sĩ. Bác sĩ trạm y tế xã ta dạo này là cô
Luyến, con ông Hữu xóm dưới. Cô Luyến đến khám, hỏi điều gì đấy rất lâu rồi nói
riêng với tôi... Ông biết cô ta nói gì không? Trời ơi, cái Xoan đang có thai!
Ba tháng! Trời ơi!...
Rồi
một tay vung lên cao, một tay tự túm lấy ngực mình, ông nói tiếp:
-
Mà nó mới mười sáu tuổi. Một đứa con nít! Lại cụt chân, anh hiểu không? Nó còn
chưa biết tí gì, còn ngờ nghệch hơn cả đứa trẻ lên mười. Thế mà không ngờ có kẻ
độc ác nỡ quyến rũ nó... Liệu tôi biết ăn nói với bố nó thế nào đây? Ông giáo,
ông bảo tôi phải làm gì bây giờ?
-
Cô ấy không chịu nói với bác tên người đó à? - tôi hỏi.
-
Không. Tôi tìm đủ cách căn vặn, dọa nạt nhưng chẳng ăn thua gì. Nó chỉ khóc...
- Ông ta thở dài đánh thượt một cái rồi hạ giọng nói tiếp, vẻ cương quyết. -
Tôi thì tôi nghi cho một thằng, ông giáo ạ. Cách đây mấy tháng có đoàn cán bộ
tỉnh về xã ta. Làm gì tôi chả rõ, nhưng về một tuần, họ ở ngay trong nhà ông
Xuân chủ nhiệm hợp tác xã. Trong đó có một anh còn trẻ, khá đẹp trai, hình như
làm nghề báo chí, đài điện gì đó. Anh ta có sang nhà tôi chơi mấy lần, cho Cái
Xoan mượn sách và kể chuyện nghe say sưa lắm... Không lẽ chính hắn làm cái điều
ghê tởm ấy? Mà vào lúc nào, ở đâu? Có bao giờ cái Xoan làm gì mà chúng tôi
không biết đâu?
-
Tôi có thể làm gì giúp bác được?
-
Tôi cũng chẳng biết nữa. Ông giáo là người có học, nhiều lý lẽ, có thể ông sang
nói chuyện với nó chăng? Ông lựa lời thuyết phục, an ủi rồi mách chúng tôi cách
giải quyết thế nào cho ổn. Hay ông lên tỉnh tìm hộ tôi cái thằng ấy xem có đúng
thế không? Con bé đang chờ hắn, vì lúc nào nó cũng nhìn về phía đường quốc lộ.
Chắc hai đứa hẹn hò nhau... Vâng, phải làm cái gì đấy, làm gấp, không thì nó sẽ
tự tử. Gì chứ tính nó, tôi biết. Ông giáo cứu nó với.
Sau
khi nghe tôi hứa nhất định thế nào cũng đến nhà ông và làm những gì có thể, ông
ra về, vẻ yên tâm hơn đôi chút.
Đêm
hôm ấy đi đường mệt, tôi lên gường ngủ sớm, định bụng sáng hôm sau đến gặp Cái
Xoan. Đang nằm suy nghĩ mông lung thì khoảng một giờ sáng bỗng có tiếng đập cửa
mạnh. Mẹ tôi ra mở. Ông bác Cái Xoan hớt hải nói không ra tiếng:
-
Ông giáo, ông giáo ơi. Cái Xoan chết rồi!
Tôi
vội vã mặc quần áo đi theo ông. Dọc đường tôi biết thêm rằng Cái Xoan chưa chết
và đã được đưa đi cấp cứu bệnh viện huyện; rằng đêm ấy nó uống thuốc sâu tự tử,
là thứ dạo này trong nhà ông bao giờ cũng sẵn vì đang dịp phun trừ sâu cho lúa.
Chắc nó uống nhiều, khi được cáng đi viện, nó trong tình trạng nguy kịch, hoàn
toàn mê man bất tỉnh.
Sáng
hôm sau có tin báo từ bệnh viện cái Xoan đã chết. Ngày tiếp là lễ chôn cất.
Sững sờ vì mọi việc xảy ra quá nhanh
và bi thảm, tôi lặng lẽ hòa mình giữa đám người chậm chạp đi theo chiếc quan
tài bé nhỏ, giữa tiếng khóc não nề và tiếng kèn trống đơn điệu. Trong đầu tôi
lần lượt hiện lên hình ảnh một đứa bé bị bom chặt đứt chân từ khi còn được bế
trên tay mẹ, rồi đứa bé ấy bắt đầu tập đi bằng một chân còn lại của mình với sự
giúp đỡ của đôi nạng nhựa bé tí. Cùng với nó, những đôi nạng xinh đẹp, có màu
sặc sỡ ấy cũng lớn dần lên, để cuối cùng được xếp thành dãy theo thứ tự như một
bộ sưu tập độc đáo.
Rồi
tôi nghĩ tới kẻ đã giết nó. Có thể đó là tay thanh niên từ tỉnh về mà ông bác
Cái Xoan đã nói. Cũng có thể là người khác, một người nào đấy trong số những
người vẫn gặp và chào hỏi nhau hàng ngày ở cái làng nhỏ bé này. Nhưng ai? Ai đã
nỡ làm hại một đứa bé tội nghiệp như nó? Bất chợt tôi bỗng thấy đau nhói trong
ngực, đau vì nghĩ rằng cái ác không bị trừng phạt đang ở đâu đó rất gần bên ta,
dưới trăm ngàn mặt nạ khác nhau. Cái ác ấy đang chờ tấn công bất cứ lúc nào mà
ta đành bất lực.
Hà
Nội, 1987
No comments:
Post a Comment