Thursday, March 5, 2015

CÁC CÔ GÁI LÀNG TÔI



          Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Viết truyện này tức là vô tình tôi đã chạm đến một nỗi đau khác của chiến tranh. Một nỗi đau âm thầm, đặc biệt và khó nói. Cũng vì thế mà xưa nay dù biết, người ta cứ ngài ngại không muốn nhắc tới. Vì tế nhị và cả vì thương mà đành bất lực. Đó là việc từ chiến tranh trở về, hàng vạn, có thể hàng chục vạn các cô gái nhỡ thì không lấy được chồng. Với phụ nữ, thử hỏi còn nỗi đau nào lớn và "khó nói" hơn?
Tôi được nghe kể và biết khá nhiều chuyện như thế. Trong một truyện ngắn gần đây tôi có sử dụng ít chi tiết từ câu chuyện của một bà bạn. Bà kể với tôi mà cứ như xưng tội với cha đạo. Theo bà thì chính bà đã giết chết một cô thanh niên xung phong tội nghiệp.
Số là vào cuối năm 1971, cô gái thanh niên xung phong trong một đơn vị toàn nữ suốt nhiều năm liền ở rừng Trường Sơn heo hút ấy đã bị phát hiện "làm chuyện bậy bạ" bên bờ suối khi lén đi tắm một mình. Và bà bạn tôi, lúc đó là người phụ trách đơn vị, chẳng nhiều tuổi hơn bao nhiêu, đã đem cô ra kiểm kiểm trước mọi người. "Chúng tôi "quần" cô ấy ghê lắm. Đặc biệt là tôi. Chỉ huy mà. Tuy nhiên, miệng nói vậy thôi, chứ trong lòng thì thương. Bây giờ nghĩ lại thấy thật chua xót và cũng buồn cười. Nghĩ một đường mà nói một nẻo. Không ít người cũng lớn tiếng phê bình cô gái đó như tôi. Đem cả đạo đức cách mạng và lý tưởng ra mà phê bình. Cái thời ấy là thế và nó phải thế." Bà buồn bã nói thêm: "Sáng hôm sau chúng tôi thấy cô ấy treo cổ chết trên cành cây sau lán. Tất cả do tôi, do tôi hết!" Bà còn cho biết cũng vì lý do tâm, sinh lý ấy mà đơn vị bà ngày càng có nhiều chuyện kỳ cục, thí dụ bỗng dưng vô cớ mấy đứa cười sằng sặc như một lũ điên, rồi sau lại ôm nhau khóc. "Có đứa điên thật. Cứ trần truồng chạy tồng ngồng giữa rừng. Tội nghiệp."
Ở chiến trường đã thế, về nhà các cô càng khổ hơn vì phần lớn đã ngoài ba mươi, lại ở nông thôn. Mà nông thôn thì ai lấy gái già, nếu còn người để lấy?
Khoảng mươi năm đầu sau chiến tranh, một số tờ báo mạnh dạn đề cập vấn đề này. Cũng chỉ nói chung chung, thương chung chung chứ chẳng gợi ra được giải pháp cụ thể nào. Cả xã hội biết. Cả xã hội muốn làm cái gì đó giúp họ mà cuối cùng vẫn bất lực. Không lẽ cho quay lại chế độ đa thê? Thế là hàng vạn, hàng chục vạn các cựu thanh niên xung phong cứ lầm lũi sống một mình và chuẩn bị tinh thần để kéo dài như thế suốt đời. May công đoàn và các cấp chính quyền không còn khắt khe như trước về tội chửa hoang. Con ngoài giá thú cuối cùng cũng được luật pháp và người đời thừa nhận.
Tôi nhớ một lần, năm 1983, trên đường đi Bảo Lộc, Cao Bằng, thì xe chết máy và chúng tôi phải ngủ lại qua đêm ở một đơn vị sửa chữa đường bộ, đúng ngày đơn vị này được tuyên dương thành tích gì đấy. Liên hoan, ăn uống vui vẻ lắm. Nhưng chỉ toàn đàn bà và đều đã ba bốn chục tuổi. Thì ra họ cũng là thanh niên xung phong chuyển ngành. Cụ thể là sau chiến tranh, cả một đơn vị được bê hầu như nguyên xi từ Trường Sơn ra đây.
Đêm hôm ấy, sau bữa liên hoan mà chúng tôi được mời dự, tôi nghe có tiếng khóc, không phải một mà hình như nhiều người. Thủ trưởng đơn vị, một ông già hom hem đang chờ về hưu, bảo tôi:
- Các bà ấy vẫn thế đấy. Cứ có dịp vui lại đêm nằm ôm nhau khóc. Chuyện chồng con ấy mà. Tội nghiệp.
- Thế quanh đây không có đàn ông à? - tôi hỏi. - Các cơ quan, xí nghiệp hay đơn vị bộ đội nào chẳng hạn?
- Trong vòng bán kính hai mươi cây số thì không. Xa hơn một chút có công trường khai thác đá và một đội biên phòng. Cũng kết nghĩa, giao lưu, thăm hỏi nhau đủ chuyện, nhưng chẳng ích gì. Chỉ thêm nhiều vụ chửa hoang. - Rồi ông thủ trưởng của hơn hai mươi bà công nhân ấy thở dài chép miệng: - Tôi đến khổ với các bà ấy.
Tôi không hiểu ông nói khổ là khổ theo nghĩa nào.

                                                *
Nếu làng là hình ảnh xã hội thu nhỏ, thì làng tôi phản ánh đầy đủ tình trạng này của toàn xã hội. Thời chỗng Mỹ, nhiều cô gái làng tôi là thanh niên xung phong, một số hy sinh nhưng phần lớn sống sót trở về, (bỏ lại đằng sau gần mười năm tuổi trẻ, cái tuổi dễ lấy chồng nhất) và rồi... ế chồng. Ở quê tôi con gái ngoài hai mươi lăm chưa lấy được chồng thì bị chính thức coi là ế, bị gạt khỏi danh sách những đối tượng có thể đặt vấn đề.
Như những người cùng tuổi thời ấy, từ những cô bé tóc vàng hoe vì chang nắng suốt ngày ngoài đồng để chăn trâu, bắt cua, làm ruộng, tất cả các cô gái làng tôi học xong phổ thông đều đua nhau viết đơn xung phong, rồi ra đi, miệng hát vang bài ca "đường ra trận ngày này đẹp lắm". Mọi người, mọi chuyện thật hồn nhiên, vô tư. Thật vui. Thật đẹp. Và cái cuộc sống dẫu gian nguy nhưng hồn nhiên và vui vẻ ấy chỉ bị hẫng hụt khi chiến tranh kết thúc, họ bất chợt thấy mình đã không còn trẻ, lờ mờ cảm thấy những mối lo đang đợi. Tôi có một bài thơ thế này, viết trong một dịp về quê và gặp một vài người trong số họ.

                                     Các cô gái làng tôi
                                     Lên đường đi diệt Mỹ,
                                     Khoác ba-lô, và rồi
                                     Từ cô, thành đồng chí.

                                     Họ đi vào chiến tranh
                                     Mà như đi vào hội,
                                     Những cô gái hiền lành,
                                     Vui, hồn nhiên quá đỗi.

                                     Nhiều, nhiều năm chiến trường
                                     Họ cũng vui như vậy,
                                     Dù đói, dù bị thương,
                                     Bom rơi và lửa cháy.

                                     Và chỉ ngày hòa bình
                                     Họ buồn khi trở lại
                                     Bỗng sững sờ thấy mình
                                     Không còn là con gái.                        

                                     Buồn càng buồn gấp đôi,
                                     Vì hình như lúc ấy
                                     Không người nào làng tôi
                                     Biết họ buồn như vậy.

Nói trong làng không ai biết họ buồn là cách nói của thơ, để nhấn mạnh nỗi buồn và sự mặc cảm của họ. Trên thực tế ai cũng dễ dàng nhận thấy điều đó. Gì thì gì, với phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, chuyện chồng con vẫn là điều quan trọng nhất. Nó không đơn thuần là hạnh phúc riêng tư, mà còn uy tín của cả gia đình. Dân làng thông cảm và thương họ lắm. Tuy vậy, khi kén vợ cho con trai thì lại chọn những cô mới lớn.
Ở nông thôn xưa nay người ta lấy vợ gả chồng cho con rất sớm. Đàn ông ở tuổi các cô mà chưa vợ thì chỉ có thể là mới đi bộ đội về - số này không nhiều do đã hy sinh hay được bố mẹ lo cưới xin trước khi lên đường - hoặc những người "nhỡ nhàng" do vợ chết, li dị, hoặc những người tật nguyền và cả loại thuộc "thành phần bất hảo". Không còn ai khác, một số cô thành vợ những người ấy. Số khác xin đi làm công nhân ở mỏ đá Hoàng Mai để cạnh tranh với những cô khác cũng đang ế chồng ở đấy. Còn phần đông ở lại làng làm ruộng, sống cùng nhà với bố mẹ già, hoặc nếu bố mẹ chết thì thui thủi một mình. Đơn giản là sự cân bằng của cái quy luật cung cầu tự nhiên về nam nữ trong hôn nhân đã bị phá vỡ.
Thường vẫn thế, trong muôn vàn cái thiếu thốn sau chiến tranh, có một cái thiếu mà phụ nữ thấm thía hơn ai hết. Đó là thiếu đàn ông để lấy chồng. Thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ của Iulia Đrunhina về đề tài này. Bà từng là nữ sinh trung học xung phong ra trận trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Đời tư bà cũng không mấy xuôn xẻ. Bà mới tự tử chết cách đây mấy năm, nghe nói có liên quan đến sự sụp đổ của nhà nước Xô-viết mà bà đã hy sinh tuổi trẻ của mình để bảo vệ.

                             Thắng trận, trở về nhà,
                             Các nữ sinh - chiến sĩ

                             Mang hai mươi tuổi đời

                             Như hai mươi thế kỷ.

                             Các huân chương, dù sao,
                             Vẫn ít hơn vết sẹo.
Hình như đời còn dài
Mà đã thành các "cựu".

Các cô gái về nhà.
Nhà không còn, giặc đốt.
Không cha mẹ, anh em,
Không chiếc dao, cái cột...

Nghĩa là lại từ đầu
Bắt đầu vào cuộc sống.
Bắt đầu diện đôi giày
Kiểu nhà binh thô rộng.

Vâng, nhưng diện với ai
Khi khắp làng không thấy
Bóng một chàng trai nào?
Sau chiến tranh là vậy.

Thiếu đàn ông để yêu
                             Đã trở thành nỗi khổ.
Các thế hệ sau này
Chắc khó tin điều đó.

Ba mươi năm sau, ở Việt Nam, các cô gái làng tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Còn bây giờ, tức là thêm ba mươi năm nữa, chúng ta vẫn cảm thấy khó tin vào cái sự thật ấy, dù nó đã thực sự tồn tại, ngay trong làng ta, quanh ta, hay thậm chí với người thân của ta. Một nỗi đau nhức nhối mà xưa nay chẳng ai có thể làm gì được để giúp đỡ. Không cả một lời an ủi hay một cử chỉ nhỏ để bày tỏ sự thông cảm âu yếm.

                                                 *
Cuối năm 1978, trên đường công tác từ Hà Nội vào Sài Gòn, tôi ghé thăm nhà và được biết cô Duyên đi tu. Cô cũng là một trong những cựu thanh niên xung phong ở làng tôi và cùng cảnh ngộ.
Cô Duyên là con gái nhà hàng xóm, hơn tôi hai tuổi, nhập ngũ từ năm 1965. Không hiểu sao phải hơn một năm sau khi chiến tranh kết thúc mới thấy cô trở về. Cô là người nổi tiếng xinh đẹp trong làng. Nghe nói đã có hẹn ước gì đó với ông anh con bác tôi. Sau này, khi anh tôi hy sinh ở Quảng Trị năm 1968, không thấy ai nhắc đến chuyện ấy nữa. Có thể người ta ý tứ  tránh cho cô những phiền toái trong việc chồng con sau này.
Đúng như trong bài thơ của Đrunhina, khi cô trở về thì chẳng còn gì. Nhà trúng bom, cả bố mẹ và cậu em trai cô đều chết. Cô cũng phải tự mình làm lại tất cả, bắt đầu từ việc dựng một ngôi nhà lá, sắm sửa đồ đạc, rồi hòa dần vào nếp sống chung của làng và... để ý tìm chồng. Chính xác hơn là chờ người ta đến hỏi mình làm vợ. Nghe kể lại thì cũng có khá nhiều người tìm đến với cô, nhưng vẫn chỉ là những người "có vấn đề", chắc vì thế nên cô từ chối. Có vẻ như cô sẵn sàng sống độc thân suốt đời chứ không chịu lấy những người cô thấy không xứng đáng.
Trước đây, tuy thuộc hạng em út, nhưng nhờ ông anh, tôi thường được cô cho đi chơi cùng, kể cả những đêm hai người và đám thanh niên lớn hơn ra bờ Kênh Nhà Lê hát đối cùng con trai, con gái làng Phúc Nhạn bên kia kênh. Cô hát hay, đối đáp nhanh và sắc sảo. Chắc thời ấy nhiều người mê cô chứ không riêng gì anh tôi. Hơn thế, cô lại chín chắn, có bản lĩnh và luôn được bầu làm bí thư chi đoàn. Sau chiến tranh, dù không tích cực như trước nhưng cô vẫn tham gia đầy đủ các hoạt động xã hội trong làng xã. Cô cũng là người lao động giỏi, biết lo toan, sống hòa thuận với xóm giềng và được mọi người yêu mến. Tóm lại, trừ chuyện chồng con, mọi việc với cô đều ổn. Vậy sao bỗng nhiên cô bỏ đi tu?
Theo người ta kể lại thì cách đấy độ nửa năm có anh cán bộ tỉnh về làm việc ở xã. Chắng hiểu quan hệ hai người thế nào mà sau đó cô Duyên bỏ làng vào Vinh, nói đã xin được việc làm nhà nước ở đấy. Thế mà chưa đầy hai tháng sau đã thấy cô quay về rồi xin vào nhà chùa, cũng cắt tóc, mặc áo nâu và sống hẳn ở chùa.
Đó là chùa Yên Quang, nằm cạnh quốc lộ, phía bên kia sông Bùng, chùa lớn nhất trong cả huyện Diễn Châu, cách làng chúng tôi khoảng mười cây số. Cô chẳng giải thích vì sao. Người ta chỉ có thể đoán già đoán non, rằng phải có chuyện gì đấy nghiêm trọng xẩy ra giữa cô và anh cán bộ nọ, nên một người bản lĩnh và yêu đời như cô mới có một quyết định cực đoan như vậy. Có người bảo cô bị lừa, rằng anh kia đã có vợ và chỉ muốn quan hệ với cô như bồ bịch hay một dạng vợ lẽ. Cũng có người nói chuyện phức tạp hơn nhiều.
Dần dần sự kiện giật gân này cũng lắng xuống. Người ta đã ít bàn tán về cô và cuối cùng chấp nhận mọi việc như nó hiện có. Thay cho hai tiếng "cô Duyên" giản dị trước đây, bây giờ mọi người, cả già lẫn trẻ, đều gọi cô là "sư cô Đàm Duyên". Không biết nhà chùa có chức danh "sư cô" không, hay chỉ sư ông, sư bà và chú tiểu thôi. Cũng không biết vì đâu có chữ "Đàm" ấy. Tôi thấy dân làng gọi thế: Sư cô Đàm Duyên.
Lần ấy vì vội, tôi không có thời gian tới chùa Yên Quang xem cụ thể thế nào, nhân tiện nói chuyện đôi câu với cô Duyên, nếu cô chịu nói. Dù sao cô cũng suýt là chị dâu tôi, và ngày trước chúng tôi từng chơi thân với nhau.
Mãi ba năm sau tôi mới gặp cô, lần gặp thứ hai kể từ ngày cô đi thanh niên xung phong. Hôm ấy trời không mưa nhưng u ám, lại không đúng ngày lễ nên cảnh chùa có vẻ buồn và cô tịch.
Tôi dựng xe vào gốc cây bên đường, định không vào chùa vội mà đứng bên ngoài quan sát một chốc đã. Chùa chỉ có bốn người. Một vị sư già trụ trì, một bà sư nữa cũng già, và hai người khác trẻ hơn. Một trong hai người ấy là cô Duyên, bây giờ là "sư cô Đàm Duyên".
Khi tôi đến, cô đang quét sân chùa. Mặt cô buồn buồn nhưng thanh thản và vô cảm. Một khuôn mặt còn giữ được nhiều nét đẹp, khiến tôi không thể không nhớ tới một cô Duyên linh hoạt và yêu đời ngày nào, khi cô cho tôi đi theo trong những đêm hát ghẹo bên Kênh Nhà Lê. Tôi cố hình dung mà không được khuôn mặt ấy thế nào suốt mười năm chiến trường khói lửa. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh, tất nhiên. Một khi cô chọn cách sống thoát tục này thì hẳn phải có lý do của nó. Tôi không có quyền và không muốn can thiệp. Tuy nhiên, đứng nhìn cô từ từ đưa những nhát chổi trên sân chùa vốn đã sạch bóng, tôi cbỗng cảm thấy buồn, và thầm nghĩ:

                             Đường đời lỡ bước nhân duyên,
                             Cô bước chân vào cửa thiền,

                             Quét nhặt từng bông hoa đại,
                             Để qua cái thời con gái.

                             Nay già... Nếu không trọc đầu,
                             Chẳng biết tóc bạc đến đâu.

Tôi đứng thêm chốc nữa rồi lặng lẽ đạp xe về làng, không muốn khuấy động sự yên tĩnh trong lòng cô sau bao sóng gió của cuộc đời. Mà rồi cô có thực sự cảm thấy thanh thản trong lòng không? Cô có hoàn toàn dửng dưng với những gì sôi động đang diễn ra xung quanh không?
Từ đấy, những lần hiếm hoi về thăm quê (cả nhà tôi từ lâu đã dọn lên thành phố), tôi đều tranh thủ tới chùa Yên Quang. Lần nào cũng chỉ đứng ngoài nhìn vào. Sau lần gần đây nhất, tức là vào năm 1995, trở lại Hà Nội, tôi có viết bài thơ về cô Duyên, một trong những cô gái làng tôi mà cũng là của nhiều làng khác khắp cả nước. Bài thơ đã đăng báo. Tôi nghĩ nó nói đủ những gì tôi muốn nói về nỗi đau này của chiến tranh. Nỗi đau không của riêng ai.

                                    Sư cô Đàm Duyên

                             Lại vãn chùa Yên Quang -
                             Vẫn đều đều tiếng mõ,
                             Hoa đại vẫn rơi vàng
                             Trên sân nền gạch đỏ.

                             Ngoài đường tiếng ô tô
                             Xen lẫn lời niệm Phật.
                             Chỉ sau chùa, ven hồ
                             Không còn ba chậu quất.

Và sư cô Đàm Duyên
                             Tay vẫn lần tràng hạt
                             Như ngày mới nhập thiền
                             Còn ngỡ ngàng, dút dát.

                             Là thanh niên xung phong
                             Những năm gian khổ nhất,
                             Về, nhỡ thì, muộn chồng,
                             Cô nương nhờ cửa Phật

                             Để tìm sự thảnh thơi
                             Trong lời kinh, hương khói,
                             Mong rũ sạch bụi đời
                             Đã làm cô mệt mỏi.

Kia, sư cô đang ngồi
                             Quay lưng ra mặt phố,
                             Quay lưng cả với đời,
                             Lặng yên như tượng gỗ.

                             Sư cô đang nghĩ gì?
                             Phải chăng còn vương vấn
                             Chút bụi đời, nhiều khi
                             Nhớ những ngày mặt trận?

                             Phải chăng nơi cửa thiền
                             Sư tĩnh tâm, hạnh phúc,
                             Hay sư cô Đàm Duyên
                             Vẫn cô Duyên trần tục?

                             Vẫn thế chùa Yên Quang,
                             Vẫn đều đều tiếng mõ,
                             Hoa đại vẫn rơi vàng
                             Trên sân nền gạch đỏ.

                             Và tiếng còi ô tô
                             Vẫn bay vào inh ỏi...
                             Tôi đứng nhìn sư cô
                             Thấy mình như có lỗi

                             Trong việc để sư ngồi
                             Quay lưng ra mặt phố,
                             Quay lưng cả với đời,
                             Lặng yên như tượng gỗ...

                            
                                                  Hà Nội, 21.4.2001

No comments:

Post a Comment