Thursday, March 5, 2015

BƯỚM TRẮNG



         Truyện ngắn. Thái Bá Tân

“Con gái tao xinh và ngoan thế, mày không lấy, sau chỉ lấy ma! Chỉ lấy được ma thôi nhé!”
Lão rít qua hàm răng vàng khè, một chiếc nhô hẳn ra ngoài môi như  răng phù thủy.
Xuân Sinh lúng túng không biết nói gì. Lão là bố cô gái hàng xóm quả ngoan và xinh thật. Hai người chơi thân từ nhỏ và thích nhau. Không phải anh “không muốn lấy” như lão nói, mà đơn giản còn quá trẻ chưa nghĩ đến chuyện ấy. Còn gia đình anh thì vốn gia giáo, chê nhà lão dân tứ chiếng và đặc biệt ác cảm với cái vẻ ngoài đáng sợ của lão. Hơn thế, lão còn chủ động đánh tiếng gả con gái cho anh. Dơ! Và bị nhà anh thẳng thừng từ chối. Bẽ mặt với xóm giềng, lão đem vợ con đi đâu mất. Trước khi đi còn cố tình tìm Xuân Sinh để ném vào mặt anh cái câu giận dữ kia.  
Còn Xuân Sinh thì lúc ấy quả thực không biết nên xử sự thế nào. Tất nhiên anh buồn vì đột nhiên cô bạn gái đi mất, nhưng rồi, như thường vẫn thế với tuổi trẻ, chẳng bao lâu anh quên hẳn chuyện này. Hết phổ thông, đang chuẩn bị lên thủ đô học khoa văn Tổng hợp theo đúng nguyện vọng thì chiến tranh nổ ra, và như nhiều trai làng khác anh lên đường ra trận làm lính lái xe sau một khóa đào tạo gấp ở Sơn Tây. Cuối năm 67 anh được điều vào Nam, chuẩn bị khí tài cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân sắp tới. Đơn vị anh làm nhiệm vụ trung chuyển từ trạm N. đến trạm X., phải qua một cung đường cheo leo trên núi mà cánh lái xe gọi là Cổng Trời, chỉ cần chệch lái một chút là lăn xuống vực, và đã từng có nhiều xe lăn xuống vực.
Trên Cổng Trời có trạm giao liên, sau này chiến tranh ác liệt còn thêm đội công binh, chủ yếu là nữ. Mặc dù ở mép vực có chôn hàng cột xi măng quét vôi trắng, ban đêm xe qua đây vẫn phải có người khoác dù trắng đi trước làm xi-nhan. Do qua lại nhiều lần, Xuân Sinh quen một trong những cô gái làm nhiệm vụ này, là Bạch Điệp, mọi người gọi là Bướm Trắng, lúc đầu đùa, sau dần thành quen. Cô khá xinh, da trắng và luôn nhí nhảnh như con bướm. Nhiều đêm thấy cô đi trước xe, gió thổi tung tấm dù trắng, Xuân Sinh cũng thấy cô giống bướm, một con bướm trắng khổng lồ và đáng yêu.
Vì xe không được phép dừng ở Cổng Trời, một tuần, mươi ngày họ mới gặp nhau một lần, khi xe vẫn lăn bánh, chàng trên ca-bin, nàng đứng phía dưới giơ tay vẫy, nhiều lắm chỉ trao đổi được đôi ba câu. Thế mà dần dần họ mến nhau rồi yêu nhau lúc nào không biết. Tức là kiểu yêu thời chiến, biết thế, để thế chứ chẳng nói ra miệng. Lần nào có xe Sinh, Bướm Trắng cũng xin được dẫn đường, dù không phải ca mình.
Một đêm nọ như mọi lần, tiểu đội xe Xuân Sinh vượt Cổng Trời chở đạn vào Nam. Bướm Trắng đi trước dẫn đường. Tới chỗ nguy hiểm nhất, bất chợt có máy bay đến phóng hai quả rốc-két làm lóe sáng cả một vùng, khói lửa mù mịt. Một đoạn đường bị sạt lở, nhưng chỉ mấy phút sau đoàn xe lại vội đi tiếp vì biết chắc chiếc máy bay kia còn quay lại. Sinh thầm mừng vì thấy Bướm Trắng lại xuất hiện trước xe và nhờ cô, anh cùng đồng đội vượt Cổng Trời an toàn. “Một vụ bắn phá bình thường như rất nhiều vụ trước đấy”, anh nghĩ.
Tuy nhiên, Xuân Sinh rất ngạc nhiên khi mấy ngày sau quay lại không thấy Bướm Trắng chờ anh như thường lệ. Hỏi thì được báo cô đã hy sinh, đúng vào lần máy bay phóng rốc-ket mà anh nghĩ là rất bình thường ấy.
“Không thể thế được, - anh kêu to. - Chính cô ấy dẫn xe chúng tôi qua Cổng Trời an toàn cơ mà. Mắt tôi nhìn thấy. Chỉ mấy phút sau khi thằng Mỹ bay khỏi, cô ấy đứng dậy và tiếp tục dẫn đường cho chúng tôi...”
“Chắc anh nhầm. Cô ấy bị trúng đạn chết ngay, xác mỗi nơi một mảnh. Chúng tôi cứ hỏi nhau vì sao các anh vẫn vượt qua được đoạn này khi không có người dẫn”.
Bàng hoàng và đau đớn, Sinh cho xe vượt quá Cổng Trời một quãng rồi đi bộ trở lại. Đúng là Bướm Trắng của anh đã chết. Người ta còn chỉ cho anh chỗ chôn cô. Một nấm mộ mới sơ sài trên vách núi không xa nơi cô hy sinh, có cả tấm gỗ nhỏ ghi họ tên và ngày chết. Nhưng sao lúc ấy anh còn thấy cô? Cả trạm giao liên lần ấy chỉ mình cô làm việc này nên không thể nhầm với người khác được. Hay anh hoa mắt? Hoa mắt thì làm sao vượt Cổng Trời không có người dẫn, nhất là khi đường bị hư hỏng nặng? Anh còn nhớ như in từng động tác chỉ dẫn của cô. Các xe khác cũng vậy, và ai cũng khẳng định nhờ cô họ mới qua được an toàn...
Nhịp độ và sự khốc liệt của chiến tranh không cho phép suy nghĩ nhiều những chuyện ít quan trọng như thế. Một tháng sau anh được điều sâu hơn vào phía Nam. Anh nghe cánh lái xe đồn ở Cổng Trời có nhiều sự lạ, rằng ở đấy những lần giặc bắn phá, khi các cô giao liên hy sinh, người ta lại thấy có cô gái áo trắng bỗng nhiên xuất hiện dẫn đường cho xe vượt qua bẫy bom nổ chậm hoặc những chỗ dễ lăn xuống vực, rồi sau đó biến mất không ai thấy đâu; rằng có anh nhờ cô thoát chết, nhảy ra khỏi ca-bin quỳ lạy cảm ơn, lúc ngước lên chỉ thấy chiếc cột quét vôi trắng; rằng từ đấy thành lệ, không thấy cô, linh tính có nguy hiểm, cánh lái xe không dám đi tiếp, vân vân và vân vân. Xuân Sinh lắng nghe, bán tín bán nghi. Anh không tin chuyện ma quỉ, nhưng nghĩ có thể đó là Bướm Trắng của anh. Có thể cô  hiện hồn về giúp đỡ người khác như đã từng giúp anh. Thậm chí có thể cô chưa chết.
Chiến tranh kết thúc được nửa năm Xuân Sinh mới quay lại Cổng Trờivà mất gần một ngày mới tìm thấy mộ cô. Nó đã được đưa về một nghĩa trang nhỏ trên đỉnh ngọn đồi gần đấy, cùng mộ của lính lái xe và các cô giao liên khác như cô.
Lúc ấy đã xế chiều nhưng trời âm u vì sương mù và mây bay rất thấp. Anh bần thần hồi lâu trước nấm mộ xi măng còn mới và tấm bia đá có khắc tên cô.
“Bạch Điệp, anh yêu em! - anh khẽ nói, lần đầu tiên tỏ tình với cô, nhưng cô im lặng. - Em có nghe anh nói không, Bạch Điệp, anh yêu em!”
Nước mắt rưng rưng, anh ngồi yên rất lâu bên ngôi mộ.
Hình như trời bắt đầu mưa hoặc sương nặng hạt đang rơi. Mặt và tay anh lấm tấm những giọt nước nhỏ. Bất chợt anh thấy có con bướm rất lớn màu trắng. Hình như nó bay lên từ chính ngôi mộ xi măng anh đang ngồi cạnh. Lạ thật, anh thầm nghĩ, xung quanh không một bụi cây nào. Cỏ trong nghĩa trang chỉ sè sè sát đất, nó không thể ẩn trong đấy rồi bất chợt bay lên mà anh không nhìn thấy. Anh tưởng con bướm sẽ bỏ đi ngay, nhưng không, nó cứ lởn vởn quanh anh mãi. Có vẻ nó muốn nói với anh điều gì, hoặc dẫn anh đi đâu đó. Anh nhìn kỹ: Trên đôi cánh màu trắng của nó có nhiều chỗ rách. Bạch Điệp? Phải chăng đó là Bạch Điệp, Bướm Trắng của anh?
“Bạch Điệp, em đấy ư?” - anh thốt lên, không hiểu mình đang nói gì.
Con bướm lượn thêm vòng nữa, gần anh hơn rồi bay về phía một lùm cây rậm cách đấy gần trăm mét, đôi cánh rách vẫy vẫy một cách khó nhọc. Anh đứng yên, ngơ ngác nhìn theo. Nó quay lại một tí rồi bay tiếp, rõ ràng muốn bảo anh đi theo và anh đã đi theo, thẫn thờ như người vô hồn.
Dưới tán cây rậm rạp là một khe đá nhỏ, sâu và tối. Anh theo con bướm đi vào bên trong, mỗi lúc một xuống thấp hơn, cho đến khi chẳng thấy nó đâu nữa. Đang ngỡ ngàng lúng túng, anh bỗng thấy có cái gì trăng trắng từ phía sâu trong hang đang tiến lại gần, và cũng dần dần to hơn, rõ nét hơn.
“Bạch Điệp! - anh  ngạc nhiên khẽ thốt lên. - Em đấy à?”
Đúng là Bạch Điệp đang đứng trước anh. Người cô mảnh và nhẹ như cụm mây trắng. Cụm mây rách. Mặt cô trắng nhợt như chiếc áo đang mặc, cũng rách thủng nhiều mảnh. Chỉ đôi mắt là đen, sâu và rất buồn.
“Vâng, em đây, anh Sinh”, cô nói, khẽ đến mức nghe như hơi thở nhẹ.
“Nhưng em chết rồi cơ mà?”
“Vâng, em đã chết, nằm dưới ngôi mộ xi măng trên kia. Vì là mộ xi măng, cứng quá, em phải biến thành con bướm mới chui qua nổi. Vất vả lắm em mới lên được đây để gặp anh”.
“Sao áo em rách thế?” - Xuân Sinh hỏi, nỗi sợ hãi ban đầu đã nhường chỗ cho sự tò mò và lòng thương cảm.
“Vì em trúng rốc-két. Cả người em cũng rách”.
“Vào đêm ấy, khi...”
“Vâng, em chết ngay khi thằng Mỹ vừa phóng hai quả tên lửa, vì vậy quần áo và cả người em mới rách thế này”.
“Sau đó em tiếp tục dẫn anh và đồng đội qua Cổng Trời?”
“Vâng, vì không còn ai khác. Đau lắm nhưng em phải cố. Thằng ấy sẽ còn quay lại, em biết chắc như thế, và nó đã quay lại. May các anh đi rồi”.
“Và sau này, như người ta đồn, em vẫn tiếp tục làm thế?”
Bạch Điệp không đáp, chỉ khẽ gật đầu. Xuân Sinh bước lại gần. Anh đặt một bàn tay lên vai cô như đặt lên tấm bông xốp và ẩm.
“Anh yêu em, Bạch Điệp”.
“Em cũng yêu anh. Anh là người con trai đầu tiên em yêu đấy, - cô cúi đầu khẽ đáp. - Và cũng là người con trai đầu tiên đặt tay lên vai em thế này. Nhưng bây giờ em chỉ là một bóng ma. Tay anh nặng lắm, em sắp khuỵu đây này”. Cô cố nở một nụ cười. Anh hoảng hốt nhận thấy cả nụ cười ấy cũng rách.
“Em có đau lắm không?”
“Có. Anh xem, người em bị đạn xé thành bao nhiêu mảnh. Phải cố lắm em mới ghép tạm lại để đến đây gặp anh...”
“Có vá lại được không em?”
Bạch Điệp im lặng hồi lâu.
“Có”, cô khẽ đáp.
“Vậy anh sẽ vá cho em. Chỉ cần em bảo anh phải làm thế nào”, - Sinh hăm hở nói. - Sau đó em sẽ khỏe hơn, thậm chí có thể sống lại?”
“Có thể, nhưng mất nhiều thời gian và sẽ đau lắm. Không chỉ em mà anh cũng đau”.
“Anh không hiểu”.
“Mà thôi, anh không cần làm thế đâu”.
“Không. Vì em, anh sẽ làm tất cả, cho dù thế nào. Em biết không, bây giờ hòa bình rồi. Chỉ cần em sống lại, khỏe mạnh, ta sẽ thành vợ chồng và sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Sẽ chẳng còn bom đạn nào có thể làm rách nát người em lần nữa. Hãy cho biết anh phải làm gì đi?”
Bạch Điệp đặt cả hai cánh tay nhẹ và xốp như bông của cô lên vai Sinh, đắm đuối nhìn vào mắt anh:
“Em yêu anh. Em muốn được làm vợ anh”.
Anh áp môi mình vào môi cô. Cái lạnh truyền sang người anh như dòng điện mạnh.
“Anh biết không, bây giờ em cảm thấy ấm hơn một chút rồi đấy”, cô nói khi cuối cùng họ rời nhau ra. “Em có thể sống lại khi anh, từng tí một, truyền cái ấm của anh cho em, khi anh, từng mũi nhỏ một, lấy các sợi máu của mình vá lại cơ thể rách nát của em”.
“Thế thì anh làm được. Anh làm ngay bây giờ!” - Sinh nói, và lại định ôm hôn cô, nhưng Bạch Điệp khẽ ngăn lại:
“Nhưng anh sẽ đau, rất đau đấy. Đau lâu lắm...”
“Không sao.”
Họ lại ôm nhau hôn. Cái hôn dài của ma và người, của cái chết và sự sống, của chiến tranh và hòa bình.
    *
Phải mất đúng một năm Xuân Sinh mới truyền đủ sự sống cho Bạch Điệp và vá hết những mẩu thi thể bị chiến tranh xé nát của cô bằng chính những sợi máu đỏ lấy từ tim anh, như người dệt thảm cần mẫn hết ngày này đến ngày khác, hết tháng này đến tháng khác. Nước da anh xạm tái dần cho mặt Bạch Điệp thêm hồng. Cơ thể anh ngày một yếu gầy cho người yêu thêm trọng lượng. Anh đã phải chịu đau đớn, cái đau người sống phải chịu đựng vì người chết, như cái đau Bạch Điệp phải gắng chịu khi cô lặng lẽ chắp nhặt từng mẩu cơ thể để dẫn đường đưa đoàn xe vượt qua Cổng Trời. Như cô, anh không thể làm khác.
Cuối cùng, một hôm Xuân Sinh đưa cô về làng Đoài của mình ở Phú Xuyên, Hà Tây. Họ làm lễ cưới và sống với nhau hạnh phúc như những cặp vợ chồng khác. Chỉ đến lúc này anh mới nhớ tới lời nói cuối cùng của lão già- phù thủy nọ: “Rồi sau này mày chỉ lấy ma!”
Sinh mỉm cười, thầm thương hại lão. Chẳng có gì phải giấu, nhưng anh không kể cho ai biết những gì anh đã làm ở Cổng Trời sau chiến tranh. Hình như dân làng Đoài cũng chẳng quan tâm tới điều đó. Mọi người yêu mến, thấy thương thương cô gái nói tiếng Huế nhỏ nhẹ có dáng người mảnh mai và nước da rất trắng. Ai cũng mừng cho hạnh phúc của hai người.
Có điều họ không có con. Lần nào Bạch Điệp cũng sinh cho chồng toàn bướm là bướm. Những con bướm màu trắng tuyệt đẹp với những đôi cánh lành lặn.
Còn Xuân Sinh thì quay lại nghề anh yêu thích là làm thơ. Chỉ toàn thơ về hoa và bướm. Tịnh không một từ nào về chiến tranh và đau khổ.

                                                                   Hà Nội, 22.5.2002

No comments:

Post a Comment