Thursday, March 5, 2015

BÀI CA BUỒN



Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Nếu đời người là một bài ca như có nhà thơ ngớ ngẩn nào đấy từng ví, thì cuộc đời Cái Nụ là một bài ca buồn. Buồn, đau đớn và đầy nước mắt. Cuộc đời, hay chính xác hơn, người đời, thật tàn nhẫn với nó, tàn nhẫn ngay từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến tận lúc chết.
Mẹ nó, một cô gái nông thôn chất phác và cả tin trót đẻ ra nó mà chẳng có chồng. Đẻ rồi băng huyết chết, không chịu khai bố nó là ai, chắc lại vì chất phác tin vào những lời năn nỉ xin giữ bí mật của hắn. Thế mà sau đấy bố nó, một thằng đàn ông đểu cáng và hèn nhát nào đó đang sống ngay trong làng (cô gái tội nghiệp kia chưa bao giờ quen biết ai ngoài làng, chưa bao giờ đi đâu khỏi làng) đã không chịu đón nó về nuôi. Rốt cục bà ngoại nó, một bà già bán hàng xén độc thân mắc chứng hen xuyễn nặng, thở cứ kêu o o như muỗi, phải nhận lấy việc bất đắc dĩ này.
Vì được sinh ở đời không ai hoan nghênh, Cái Nụ (chẳng biết ai đặt cho nó cái tên dân dã này) đã bị cuộc đời vùi dập ngay từ trong nụ, và vì thế, nó đã phải khóc rất nhiều. Khóc vì thiếu sữa mẹ, vì bị bà đánh (không do ác, mà vì khổ quá thành cáu bẳn đến lú lẫn), vì đói ăn, vì năm lên mười, bà chết để lại mình nó bơ vơ, buộc chính quyền xã phải dùng vũ lực bắt một người bà con xa mà nó gọi là ông trẻ ở làng bên nhận về nuôi. Ở đây nó còn phải khóc nhiều hơn vì bị ông trẻ thường xuyên đánh đập, thường xuyên bỏ đói, và khi nó mười lăm tuổi thì bị hắn thường xuyên cưỡng hiếp, cho đến một hôm nó ôm mặt khóc, bỏ nhà ra đi giữa trời mưa gió. Đi lên thành phố, tất nhiên, vì nó và những đứa trẻ tội nghiệp không nơi nương tựa như nó còn biết đi đâu ngoài cái gọi là thành phố vừa hấp dẫn vừa đáng sợ ấy?
Ở thành phố, tất nhiên, nó cũng không thoát được đường mòn dẫn vào chiếc bẫy luôn giăng sẵn chờ những đứa con gái nông thôn cùng cảnh ngộ. Lúc đầu nằm vật vạ ở bến xe, ga tàu, ăn xin, ăn cắp, rồi rửa bát, bế em đâu đó, rồi bị bà chủ đánh, ông chủ hiếp, rồi khi lớn hơn và thạo đời hơn chút ít thì ra đứng đường làm gái điếm với tâm hồn và cái mặt còn ngây thơ nhưng phải làm bộ cong cớn, mỏ đỏ, mắt xanh, thỉnh thoảng còn phì phèo điếu thuốc để rồi ôm họng ho rũ rượi. Đại khái nó đã trải qua tất cả những bước ấy, may còn chưa bập vào ma tuý. Vậy là ngay từ ngày đầu lên thành phố, nó đã phải hát tiếp bài ca cuộc đời bằng tiếng khóc, lúc tức tưởi, lúc âm thầm chua xót.
Kia, nó đang đứng kia, lặng lẽ khóc trên vỉa hè đường phố Nguyễn Văn Cừ, cách chân cầu Chương Dương khoảng vài chục mét, là nơi nó ngủ qua đêm đã mấy hôm nay do không có tiền thuê tiếp một chỗ đặt lưng ở Bãi Phúc Xá.
Trời đang mưa. Những sợi mưa ngắn, ngắt quãng rơi xiên, nhìn rất rõ dưới ánh đèn đường vàng vọt.
Hình như đêm đã khuya vì phố mỗi lúc một vắng người. Cái Nụ ý thức rất lờ mờ về thời gian. Nó không có đồng hồ, cả những chiếc đồng hồ điện tử vỏ nhựa giá chỉ mươi nghìn đồng. Thay vào đó, nó có cái dạ dày rất nhạy như những người thường xuyên đói ăn khác. Cả ngày hôm nay nó mới chỉ ăn nửa chiếc bánh mì khô cứng mà nó thận trọng để dành từ tối qua. Kinh nghiệm dạy nó bao giờ cũng phải đề phòng trường hợp xấu nhất. Nó đoán trời đã khuya vì bụng đang đói cồn cào. Nó tới đứng đây từ lúc mới chập tối mà chưa ai thèm để ý. Trời mưa thường vắng khách, hơn nữa nó không thể cạnh tranh nổi với những cô điếm đồng nghiệp nhanh nhảu và trâng tráo. Cái hy vọng được ai đấy đón đi mỗi lúc một xa vời. Bây giờ nó chỉ thầm mong có người đưa vào bụi rậm, gầm cầu hay đâu cũng được, làm cái họ muốn làm rồi cho nó một hay thậm chí nửa chiếc bánh mì. Nó cứ đứng thế, nước mắt hòa lẫn nước mưa, đờ đẫn, tuyệt vọng nhìn xuống mặt đường nhão nhoét để chốc chốc những chiếc ô tô hoặc xe máy phóng vụt qua, té bẩn lên người...
Về khuya, trời trở lạnh. Bộ quần áo mỏng trên người ướt sũng từ lâu. Chốc chốc nó lại ôm cổ ho rũ rượi khi có đợt gió từ phía sông Hồng thổi tới. Hình như nó bị cảm, người run bần bật. Nó lạnh. Rất lạnh. Cái lạnh cũng đáng sợ như cái đói. Nó những muốn bỏ chạy về chỗ của nó ở gầm cầu, nằm cuộn tròn người cho đỡ lạnh, nhưng cái hy vọng biết đâu chốc nữa có khách cứ giữ chân nó lại. Nửa chiếc bánh mì mơ ước kia vẫn còn là miếng mồi hấp dẫn, dù mỗi lúc một xa tầm với.
Mưa rả rích. Đường phố vắng tanh, chốc chốc mới có một vài người co ro phóng xe đi qua. Các cô điếm khác hoặc nhờ gặp khách đã đi, hoặc quá ế ẩm đã bỏ về. Còn Cái Nụ thì vẫn kiên nhẫn chờ. Bây giờ nó đã bỏ gốc cây quen thuộc chuyển sang đứng dưới cột đèn đường trơ trụi, không phải vì muốn người ta dễ nhìn thấy, mà đầu óc đẫn đờ vì đói và rét mách nó ngọn đèn vàng trên cao kia có thể làm nó ấm lên một chút. Nó thôi nhìn xuống lòng đường, hai tay ôm chặt bộ ngực lép kẹp, tựa hẳn người vào cột đèn. Nó cảm thấy hình như ánh đèn làm nó ấm hơn thật.
             *                            
“Nào, đi thôi, cô bé!”
Cái Nụ giật mình mở mắt khi có ai khẽ chạm vào người. Nó đã ngủ thiếp, cũng có thể vì đói mà ngất đi từ lúc nào. Đó là một người đàn ông mặc áo khoác đen dài quá gối, cổ quấn khăn, đầu đội chiếc mũ kéo sụp xuống tận mắt nên nó không nhìn thấy mặt, không biết già hay trẻ, nhưng căn cứ vào giọng nói rất nhỏ nhẹ, nó đoán là người tử tế. Tất nhiên những điều này chẳng hề quan trọng.
Người đàn ông mở cửa chiếc ô tô bóng loáng đỗ cạnh rồi nhẹ nhàng giúp nó vào trong. Đây là lần đầu nó được một người sang trọng như thế cần đến. Nó không xấu nhưng chẳng có gì nổi bật, lại quá bé, bộ mặt luôn ngơ ngác, buồn rười rượi và chẳng  biết ăn nói. Có thể đấy là một lợi thế ở nó mà nó không biết.
Trong xe ấm hơn nhưng rất tối. Nó lấy làm lạ khi thấy xe không bật đèn, không cả tiếng máy nổ. Xe rẽ sang bờ đê về hướng Bát Tràng, được một quãng lại rẽ phải, hình như ra phía sông. Điều này càng lạ vì nó biết ở đây không có con đường nào ô tô đi được. Nó nhìn ra ngoài thấy tối om, nghe có tiếng gì như tiếng lá ngô quệt vào xe. Hình như có cả tiếng nước chảy mạnh. Một chốc sau xe dừng. Người đàn ông đưa nó vào một tòa biệt thự rất đẹp thắp đèn sáng trưng cả ba tầng, nhưng tịnh không một tiếng động và chắc cũng không có người. Nó đứng ngây vì ngạc nhiên. Cách đây không lâu nó được một khách nghèo dẫn ra khu này, nơi chỉ có những ruộng ngô mọc cao quá đầu chứ không hề có nhà hoặc người ở.
“Cháu vào tắm rửa đi”, người kia chỉ cho nó buồng vệ sinh sáng loáng với bồn tắm, rồi bỏ sang phòng bên. Nước ấm làm nó đỡ lạnh và tỉnh ngủ. Nó nhìn vào tấm gương lớn, thầm xấu hổ với thân hình gày còm, nước da xanh tái và đôi vú nhỏ, bên trái còn in rõ vết cắn của một thằng choai choai hôm nọ. Hôm ấy hắn quịt tiền, lại còn dọa đánh. Nó cảm thấy như có lỗi với người đàn ông tốt bụng đã đưa nó về đây, định bụng chốc nữa sẽ cố làm ông thật hài lòng.
Tắm xong, người đàn ông dẫn nó vào phòng ăn. Nó ngơ ngác đưa mắt nhìn quanh. Nó từng thấy nhiều ngôi nhà đẹp ở thành phố này, nhưng chỉ từ bên ngoài. Không ngờ mọi cái bên trong có thể đẹp và sang trọng đến thế. Bỗng dưng nó sợ, đến mức không để ý nhận thấy bộ quần áo ướt của nó trở nên khô ráo từ bao giờ, lại thoang thoảng mùi thơm như vừa mới được giặt sạch. Người đàn ông chỉ cho nó chiếc ghế cạnh cái bàn lớn hình bầu dục phủ khăn ăn trắng toát đầy những món ngon lành mà phần lớn nó mới thấy lần đầu. Ông kia ngồi xuống chiếc ghế đối diện nhưng không ăn gì.
Đó là một ông già có khuôn mặt đôn hậu, mái tóc bạc gần hết, chiếc khăn len nửa đỏ nửa đen che kín cổ. Người ông đậm nhưng nước da tai tái. Dưới đôi lông mày rậm cũng đốm bạc, hai mắt ông nhìn nó một cách chăm chú như có ý khiển trách, nhưng cách cư xử của ông tự nhiên, khiến nó thấy yên tâm, đỡ sợ.
“Cháu bao nhiêu tuổi?”
“Dạ em... em hai mươi ạ”, nó ấp úng đáp. Từ trước tới nay khi đàn ông đến với nó, người ta luôn xưng anh em, bất kể tuổi tác.
Ông già lặng im, chỉ nhìn nó nghiêm khắc hơn.
“Dạ, cháu mười sáu ạ”.
“Thế bố mẹ, gia đình cháu ở đâu? - ông hỏi tiếp, đôi mắt hiền từ   khích lệ. - Nhưng cháu ăn đi. Vừa ăn vừa kể”.
Và Cái Nụ đã kể hết cho ông nghe về cuộc đời đau buồn của nó. Ông là người đầu tiên hỏi nó điều này. Nghe xong, ông trầm ngâm một lúc rồi nói, giọng vẫn nhỏ nhẹ như khi đánh thức nó dậy trên đường phố giữa trời mưa:
“Tội nghiệp cháu. Bác cũng khổ, nhưng khổ theo cách khác. Vả lại, bác người lớn, lại là đàn ông”.
Rồi ông giục nó vào phòng ngủ. Nó hiểu, vội đứng dậy đi về phía căn phòng ông chỉ.
“Cháu cầm thêm quả táo này khi đói còn ăn”, ông nói, ấn vào tay nó một quả táo thật lớn màu đỏ rực.
Nó nhanh chóng cởi hết quần áo rồi nằm chờ. Cửa phòng để mở. Tuy nhiên, nó chờ mãi vẫn không thấy người đàn ông kia vào. Điều này làm nó ngạc nhiên, thậm chí hơi buồn. Nó biết cái duy nhất đàn ông cần ở nó là gì, và họ chỉ đến với nó vì cái ấy. Hơn nữa nó muốn sòng phẳng. Đêm nay nó chỉ dám mong nửa chiếc bánh mì, thế mà bây giờ được ăn no, tắm giặt, lại ở trong ngôi nhà sang trọng này...
Chăn ấm và bữa ăn ngon làm nó thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, nó thấy mình nằm ở chỗ cũ dưới gầm cầu Chương Dương, bên cạnh là quả táo to màu đỏ. Nó lờ mờ cố nhớ lại những gì xảy ra đêm trước và nghĩ chắc mình nằm mơ. Thế còn quả táo? Cả mùi xà phòng thơm thoang thoảng của bộ quần áo mới giặt đang mặc trên người? Bán tín bán nghi, nó chạy vội lên đê, nhìn về phía người đàn ông bí ẩn đưa nó tới đêm trước. Chẳng có gì ngoài một màu xanh ngắt của cánh đồng ngô bát ngát. Không có đường đi, không có ngôi nhà nào hết.
Quả táo dẫu to cũng chỉ đủ nó quên đi cái đói trong chốc lát. Đêm đến nó lại ra đứng dưới cột đèn đường như mọi lần, cũng với chỉ một mơ ước đổi cả tấm thân mình để lấy chỉ nửa chiếc bánh mì.
Trời vẫn mưa, gió lạnh vẫn thổi và người đời vẫn thản nhiên hờ hững đi qua hoặc té bùn bẩn lên người nó. Và rồi thật lạ, cũng đúng giờ hôm trước, ông già và chiếc xe ô tô bóng lộn của ông lại đến, đưa nó đi về biệt thự sang trọng kia. Lần này và cả mấy lần liên tiếp sau đó, ông không nói nhiều, chỉ bảo nó tắm, ăn và đi ngủ. Hôm nào ông cũng bắt nó cầm thêm cái gì đấy trước khi lên giường. Nó quen dần, bớt lo sợ và luôn làm theo những gì ông yêu cầu. Bên ông nó thấy yên tâm, trong lòng dấy lên cái gì đấy khác lạ mà nó không biết định nghĩa rằng đó là hạnh phúc. Nó biết ơn ông, nhiều khi những muốn ôm cổ ông mà khóc, hoặc quỳ xuống chân ông để bộc lộ thứ tình cảm mới mẻ ấy. Nhưng nó không dám. Nó chỉ biết im lặng như đứa trẻ nhút nhát lạc vào nơi trang nghiêm bí ẩn.
Một hôm, khi hai người ngồi bên bàn ăn, nó đánh bạo lên tiếng:
“Bác sống một mình à?”
“Vâng”, ông già đáp.
“Bác là người đầu tiên và duy nhất trên đời này thương yêu cháu thực sự”.
“Ừ, bác biết. Tội nghiệp cháu”. Ông chăm chú nhìn nó hồi lâu như muốn nói thêm điều gì nhưng sau lại thôi. Cuối cùng ông bảo nó, giọng xa xăm, buồn buồn: “Nhưng bác không là người”.
Cái Nụ ngước nhìn, không hiểu.
Ông già cúi xuống, như thể buộc lại dây giày. Chiếc đầu lốm đốm tóc bạc của ông bỗng nhiên rơi xuống sàn nhà, lăn mấy vòng. Chiếc khăn len màu xanh đỏ cũng tuột theo, để lộ chiếc cổ bị chém đứt ngang.
Cái Nụ đưa cả hai tay bịt miệng để khỏi kêu thét lên.
“Trời ơi, bác là ma!”
Ông già, hay đúng hơn, cái thân người không đầu thong thả đứng dậy, cúi nhặt chiếc đầu đặt vào chỗ cũ, quàng khăn quanh cổ và lại ngồi xuống ghế, nhếch mép cười bảo nó:
“Vâng. Cháu bảo cuối cùng đã gặp được người thương yêu cháu. Hóa  không phải là người, mà là ma. Bác nói ‘tội nghiệp cháu’ là vì vậy. Quả đúng cháu khổ thật. Bác cũng khổ, cũng đau lắm. Người ta chém đứt đầu bác thế đấy. Bây giờ chắc cháu sợ bác lắm nhỉ?”
Nó không nói nên lời vì còn chưa hết bàng hoàng.
“Đừng lo, bác không làm gì hại cháu đâu, - ông già nói tiếp. - Tiếc rằng bác chẳng giúp được gì nhiều cho cháu”.
Sau đấy cả hai người ngồi im. Rồi Cái Nụ bỗng dưng ôm mặt khóc tấm tức, như thể trên dương gian nó khóc với người đời chưa đủ còn xuống đây khóc với ma. Nó khóc lâu lắm, khóc vì nghĩ tới cảnh đêm đêm đứng giữa trời mưa dưới cột đèn cùng cái đói, cái lạnh và những tia bùn bẩn người ta té lên người nó... Ông già lặng lẽ ngồi bên, không an ủi cũng chẳng khích lệ. Cuối cùng, nó ngước lên nhìn ông, vẻ cương quyết:
“Bác cho cháu xuống đây với bác được không?”
“Bác là ma. Ma không đầu. Cháu không sợ à?”
“Không. Là ma, nhưng bác tốt bụng. Bác là người... là con ma đầu tiên thực sự thương yêu cháu. Bên bác, cháu cảm thấy no hơn, ấm hơn và đỡ sợ hơn...”
“Nhưng ở dưới này cũng không tốt hơn như cháu tưởng đâu”.
“Không sao. Cứ cho cháu ở với bác. Cháu muốn có ai đó bên cạnh để khi cần có thể giúp cháu, người hay ma cũng được”.
Ông già không nói gì, chỉ gật đầu rồi lẳng lặng đứng dậy đi sang phòng bên.
                                          *                                          
Một sáng sớm nọ, đội tuần tra xã Bồ Đề phát hiện thấy có một cô gái chết dưới cột đèn đường thứ ba, bên phải, tính từ đầu phía bắc cầu Chương Dương. Cô gái nằm còng queo trên vỉa hè nhớp nháp, hai tay ôm chặt ngực như thể lạnh lắm. Cao trên đầu cô, ngọn đèn đường không hiểu sao không sáng nữa, trong khi cả dãy đèn tương tự vẫn tỏa thứ ánh sáng vàng vọt, yếu ớt nhưng dẫu sao vẫn gây được cảm giác ấm áp trong một ngày mưa lạnh thế này.
“A, con ca-ve ấy mà! - một anh tay đeo băng đỏ có hàng ria mép lún phún trên khuôn mặt bóng nhẫy vì bia, vừa nói vừa lấy mũi giày đạp đạp vào người cô gái xem đã chết hẳn chưa. - Con này tôi thấy đứng ở đây nhiều lần rồi. Chết vì chích quá liều. Đáng đời!”
Một người khác nhiều tuổi hơn cúi xuống nhìn:
“Trông mặt chẳng đến nỗi. Chắc con nhà tử tế. Ăn chơi, đua đòi cho lắm vào. Sướng chưa!”

Hà Nội, 16.5.2002

No comments:

Post a Comment