Truyện ngắn. Thái Bá Tân
-
Tôi vừa gặp ông lão nhà tôi đấy, cô ạ.
Người
đàn bà ngồi bên không đáp. Mụ đang bận nhặt mớ rau muống già cho bữa cơm chiều.
Qua ô cửa hẹp của căn phòng gác hai tường tróc loang lổ, những tia nắng vàng
vọt yếu ớt rọi vào, khiến mụ vốn mắt kém, cứ
nhầm lẫn lá xanh với lá vàng. Vả lại cái câu nói ấy mụ nghe mãi rồi, đến
chán không muốn nghe nữa. “Rõ lẩm cẩm. Chết thì chết quách đi cho xong, lại còn
gặp với chả không. Cứ như uyên ương đang yêu nhau không bằng”.
-
Rồi sao nữa? Chắc hai cụ hú hí với nhau thích lắm nhỉ? - cuối cùng mụ lên lên
tiếng châm chọc.
Mụ ít học,
thô lỗ và tham lam, nhưng không hẳn là người độc ác. Hoàn cảnh bắt mụ thành
người như vậy. Mụ bán rau ở phố bên, có thằng con nghiện hút và lão chồng vừa
vũ phu vừa nát rượu. Mụ được thuê trông coi bà lão hơn bảy mươi tuổi đang ốm
nằm chờ chết trên giường bên cạnh. Nghe nói bà lão bị ung thư gì đó, ở bệnh
viện hơn hai tháng, sống bằng đủ các loại chai lọ và ống nhựa, sau thấy tốn kém
quá mà chẳng ích gì (riêng tiền giường đã hai trăm nghìn đồng một ngày), người
ta đưa bà về nhà. Cứ tưởng rút mớ chai lọ và dây dợ kia là bà lão chết ngay,
thế mà vẫn cứ sống, nghĩa là nằm bất động một chỗ, ăn uống đái ỉa một chỗ, và
cũng ít khi tỉnh táo lại nói những câu ngớ ngẩn như lúc nãy.
Ở nhà, người ta đã lo sẵn mọi
thứ cho đám tang, phân công cụ thể người nào làm việc gì, vậy mà mãi người bệnh
chẳng chịu chết cho, khổ cả mình lẫn người khác. Lúc đầu còn có người đến thăm
hỏi, chăm sóc, sau rồi thưa dần, thưa dần, cuối cùng còn lại mụ trông thuê này.
Bà lão chỉ có một anh con trai năm nay ngoài bốn mươi, vợ bỏ
mang con đi theo. Còn chồng bà thì chết cách đây những ba chục năm. Anh con ở
nhà trông mẹ được đúng một tuần thì bỏ đi làm, phần do công việc, phần quá mỏi mệt vì chờ đợi, vì căn phòng chật
hẹp, nặng nề và đầy mùi hôi thối. Anh ta đảo qua nhà mỗi ngày hai lần vào buổi
trưa và chập tối, mà cũng chỉ mấy phút rồi đi ngủ đâu đấy ở nhà bạn, viện cớ
bận. Mọi việc khoán trắng cho mụ bán rau. Tuy nhiên, mụ chẳng phải làm gì
nhiều. Cái gọi là vệ sinh mụ chỉ làm qua quít, đủ để khỏi đến mức không chịu
nổi. Còn ăn uống thì chẳng lo vì bà lão gần như không có nhu cầu. Quan trọng
nhất là mụ phải luôn có mặt ở đây cả ngày lẫn đêm để khi chết thì gọi điện báo
ngay cho anh con. Thế mà mụ vẫn bỏ đi lo công chuyện riêng một vài giờ là
thường. Lúc đầu mụ được thuê hai mươi lăm nghìn đồng một ngày, sau bắt bí lên
bốn mươi nghìn mà anh con vẫn phải chịu. Mụ mừng có được việc làm nhàn nhiều
tiền, lại khỏi bị ông chồng say đánh đập, miễn là đều đặn đưa tiền cho hắn uống
rượu. Thành ra mụ là người duy nhất mong bà lão sống lâu. Càng lâu càng tốt,
nhưng không được khỏi bệnh để mụ mất việc.
-
Tôi vừa gặp ông nhà tôi đấy, cô ạ, - bà lão lại nói, không hướng vào người
nghe. Đây là lúc hiếm hoi bà tỉnh để có thể nói được, dù rất khó khăn.
-
Thôi, cụ im đi cho khỏe. - Mụ trông thuê thô lỗ đáp. - Ông ấy chết từ đời tám
hoánh nào, gặp quái được. Chỉ giỏi phịa.
-
Không, tôi gặp thật mà. Gặp cái thời chúng tôi mới quen nhau ấy.
-
Thế ông ấy nói gì với cụ?
-
Chẳng nói gì cả. Chỉ lặng lẽ cởi quần áo của tôi thôi...
-
Rõ dơ! - mụ hàng rau nhăn mặt. - Già chết đến đít mà còn đem chuyện khỉ ra kể.
- Mụ cũng không hiểu vì sao tự nhiên mụ cáu kỉnh như vậy với bà già tội nghiệp
đáng lẽ mụ phải mang ơn. Mụ còn trẻ, to béo, đang độ xồn xồn mà anh chồng nghiện ngập của mụ chẳng
được tích sự gì.- Rồi sau thì sao? Chắc thích lắm nhỉ?
Bà
lão không nói nữa, có thể vì phật ý. Cũng có thể vì lại thiếp đi hoặc đang chìm
vào cái quá khứ xa xăm kia, khi chồng bà lần đầu làm cái việc bị mụ bán rau cho
là “dơ” ấy.
*
Thời
mới hòa bình, một đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc có đóng quân chừng một
tháng ở làng Vĩnh Yên bên Kênh Nhà Lê. Cái làng nông thôn yên ả ấy bỗng một hôm
trở nên sôi động hẳn lên khi đang đêm dân quân giải về một cô gái người làng và
một anh bộ đội của đơn vị trên. Họ bị bắt quả tang “đang ngồi cạnh nhau trên Gò
Chùa vào lúc mười một giờ rưỡi!”
Không biết anh kia thế nào,
chứ cô gái thì bị cả tổ chức thanh niên và phụ nữ kiểm điểm suốt hai đêm liền.
“Chúng tôi yêu nhau và không làm điều gì xấu cả”, cô yếu ớt cãi lại. “Yêu nhau
sao không xin phép đoàn thể? Không làm gì sao phải ra tận Gò Chùa, lại vào lúc
đêm hôm khuya khoắt? Nhất định phải có chuyên!” Cô chẳng biết nói gì thêm, mà
có nói cũng không ai tin, nhưng quả đúng họ yêu nhau và tối ấy họ “không làm
điều gì xấu” thật. Thậm chí không dám cầm tay nhau. Còn cái “chuyện dơ” kia thì
mãi sau này mới xẩy ra, vào đêm cuối cùng trước khi đơn vị bộ đội lên đường,
cũng ở Gò Chùa nhưng may không bị dân quân bắt gặp.
Đêm ấy hầu như chỉ mình anh
nói, còn cô bẽn lẽn ngồi bên say sưa lắng nghe. Anh kể nhiều về quê hương anh ở
Nha Trang với bãi biển cát trắng mịn, “còn nước thì xanh biếc, em tin không,
xanh trong đến mức có thể nhìn thấy cả từng viên sỏi sâu hàng chục mét dưới
đáy!” Tất nhiên cô tin và hình dung bãi biển Nha Trang của anh rất đẹp, đẹp hơn
cả tờ tranh họa báo cắt dán trên tường nhà cô. “Hai năm nữa, sau tổng tuyển cử,
anh sẽ đưa em về làm dâu quê anh và chúng ta sẽ tắm trên bãi biển ấy. Không
phải mặc cả quần áo mà tắm như ở đây đâu. Mặc áo bơi cơ. Em thích không?”
“Thích. Nhưng thế thì ngượng lắm”.
Quê cô cũng có biển, chỉ cách
làng ba cây số về phía dưới, nước cũng trong nhưng không xanh, còn bãi biển thì
bẩn, đầy rác rưởi, phân trâu bò và phân người. Cô chưa tắm biển bao giờ, mặc áo
bơi mà tắm lại càng không. Cô ngượng, nhưng từ đó bắt đầu thầm mơ ước có ngày
được cùng anh tắm ở bãi biển Nha Trang thần tiên ấy.
Trong đầu óc chất phác của cô
gái nông thôn chưa bao giờ đi xa quá phố huyện này đã hình thành ngày càng rõ
nét bãi biển ước mơ của cô, với những hàng dừa cao vút tận trời, với nước biển
xanh như màu mực viết thằng bé nhà bên. Trời cũng xanh như thế. Nắng chói chang
nhưng không gắt. Còn xa xa là chiếc cầu vồng rực rỡ đủ bảy màu như trong chuyện
cổ tích. Cô biết trời nắng không có cầu vồng, thế mà lần nào nhắm mắt tưởng
tượng, không hiểu sao cô vẫn thấy nó. Còn trên biển thì chẳng có ai ngoài cô và
anh đang tắm, hạnh phúc như hoàng tử và công chúa. Chỉ những con cá nhỏ đủ màu
lượn lờ quanh họ. Ớớc mơ ấy trở nên rất hiện thực, rất gần, tưởng có thể chạm
tay vào được, và cô tin chẳng bao lâu nữa cô sẽ trở thành công chúa sống bên
hoàng tử của mình trên bãi biển Nha Trang.
Tuy nhiên,
trong khi chờ được nếm mùi hạnh phúc trên thiên đường, cô phải trải qua không
ít khổ đau nơi địa ngục. Số là chỉ mấy tháng sau, cô bị đem ra cuộc họp chung
của cả làng để mọi người xỉ vả về tội chửa hoang. Thời ấy tội này lớn lắm, trên
tội ăn cắp, dưới tội giết người. Giết người, ăn cắp vào tù là yên, còn chửa
hoang là vết nhục cả đời, của mình và cha mẹ, là cái gương xấu để người ta đem
ra răn đe các cô gái trẻ. Lúc này người yêu cô đang ở tận Tây Bắc xa đến cả
nghìn cây số.
Hay tin, anh viết ngay cho ủy ban xã một
bức thư có xác nhận của đơn vị, khẳng định họ thực sự yêu nhau và nay mai anh
sẽ xin về phép làm lễ cưới. Làng không chịu, cứ kiểm điểm, cứ phạt, ít ra về
tội dám “ăn cơm trước kẻng” “không phù hợp đạo đức cách mạng và con người mới
xã hội chủ nghĩa!” Mức phạt là tạ nếp và con lợn sáu mươi cân để tạ tội dân
làng. Thế là nhẹ, chứ thời trước còn bị đánh đòn, cắt tóc bôi vôi và phải luôn
đeo hai chữ chửa hoang trước bụng. “May cho mày đấy. Không nhờ cách mạng thì
còn khốn!”
Cô
chỉ thương bà mẹ già phải mang nhục vì mình (bố cô chết từ lâu trước đó), tiếc
tạ nếp cùng con lợn, chứ phần cô, cô dửng dưng không sợ gì. Cô còn cố tình ưỡn
cái bụng chửa hoang trước mặt mọi người. Điều này suýt nữa khiến người ta tăng
gấp đôi mức phạt. Cô tin ở anh và giấc mơ biển Nha Trang của hai người. Tiếc
rằng anh, vì nhiều lý do, mãi gần một năm sau mới về được để cưới cô làm vợ,
lúc đứa con đã ra đời nhưng cũng chết ngay sau đó. Anh đưa cô lên Điện Biên làm
cấp dưỡng trong đơn vị mình. Họ sống ở đấy cho đến năm 1970 khi anh được chuyển
về Hà Nội và phân căn phòng mười tám mét ở khu phố cổ hiện nay.
Vậy
là giấc mơ tắm biển Nha Trang của họ vẫn chưa thực hiện được. Họ hẹn chờ ngày
đất nước thống nhất. Dẫu lúc ấy có thể đã già nhưng họ vẫn sẽ là công chúa và
hoàng tử cùng nhau bơi trong làn nước xanh biếc có những con cá đủ màu vây
quanh, có mặt trời ấm áp và cả chiếc cầu vồng rực rỡ như cô mong muốn. Họ sống
vì nhau và vì ước mơ lãng mạn đó.
Tiếc
thay anh không sống được đến năm bảy lăm để đưa vợ về thăm quê mình. Anh chết
vào mùa đông 1972 vì một cơn nhồi máu cơ tim. Người con trai cô sinh ở Điện
Biên lúc này đã lớn. Nếu muốn nó có thể đưa cô đi, hoặc cô tự đi một mình cũng
được, nhưng một mình thì cô không muốn vì điều ấy sẽ trở nên vô nghĩa. Trong
ước mơ của cô luôn có hai người, nay một người không còn, do vậy cũng không còn
ước mơ ấy nữa. Thực sự cô cũng không còn sống với đúng nghĩa của nó. Cô trở nên
thờ ơ với mọi chuyện. Có thể vì thế mà cô đã không dạy dỗ đứa con duy nhất của
họ đến nơi đến chốn chăng? Cô yêu con, tất nhiên, nhưng tình yêu ấy chẳng thấm
gì so với tình yêu vợ chồng cô cùng mơ ước biển Nha Trang của họ...
*
-
Tôi lại gặp ông nhà tôi đấy, cô ạ, - bà lão lại khẽ cựa mình. Chắc bà không
biết và cũng chẳng muốn biết người đang nghe là ai.
Mụ
hàng rau lúc này đang ăn vụng sữa của người bệnh, giật mình, vội chùi mép, nhẹ
nhàng đặt hộp sữa đặc vào chỗ cũ. Mụ khó chịu, nói:
-
Gặp gì mà nhiều thế. Lại cởi quần nhau nữa chứ gì?
-
Không. Tôi và ông ấy bay trên biển Nha Trang...
-
Còn vào tận đấy để bay lượn với nhau! Khéo vẽ chuyện. Thích chứ? - mụ mỉa mai,
thầm hình dung bộ xương già khô héo đang chờ chết trên giường bay như thế nào
giữa bao la trời biển.
-
Thích lắm. Biển đẹp lắm. Chỉ toàn màu xanh và màu hồng. Cả đàn cá cũng bay với
chúng tôi. Chúng tôi bay, bay mãi, cuối cùng ông ấy đỡ tôi ngồi lên chiếc cầu
vồng sát chân trời. Sợ, nhưng mà thích lắm. Đẹp lắm cô ạ...
“Bà
lão này điên mẹ mất rồi,” mụ kia lẩm bẩm, rồi yên tâm cầm hộp sữa mút chùn
chụt.
Mặt
trời còn lâu mới lặn, nhưng căn phòng nhỏ với chiếc cửa sổ duy nhất ngoảnh ra
phố không đủ ánh sáng. Tiếng người rao tào phớ từ dưới đường vọng lên nghe vừa
buồn cười vừa não ruột. Mụ trông thuê bật đèn, đang định bỏ ra ngoài thì bà lão
khẽ gọi:
-
Này cô.
-
Lại chuyện gì nữa? Tè ra quần à? Chốc nữa thay luôn thể. - Mụ xẳng giọng đáp.
-
Không, tôi muốn nhờ cô việc này.
-
Việc gì?
-
Cô làm ơn lấy hộ tôi chiếc lọ trên bàn thờ.
-
Lọ nào?
- Chiếc lọ sứ màu đen có nắp
ấy. Cô đưa nó lại đây cho tôi.
Không
biết bà lão cần nó làm gì, nhưng tò mò, mụ cũng làm theo. Chiếc lọ to bằng quả
dưa hấu và khá nặng. Nghi bên trong có thể có đồ quí, mụ mở nắp cho tay vào sờ
nhưng chẳng thấy gì ngoài mấy tờ vàng mã và lưng lọ tro không mịn lắm.
-
Cái quái gì thế này? - mụ hỏi khi trao chiếc lọ cho bà lão. Mụ còn ngạc nhiên
hơn khi thấy bà lão ôm chặt nó vào ngực. Trên khuôn mặt nhăn nheo xuất hiện hai
giọt nước mắt lớn màu đục. Bà vừa đưa cả hai tay xoa xoa khắp chiếc lọ, vừa mấp
máy môi nói gì đó mụ nghe không rõ. Rồi bà mở nắp lọ lấy ra một nhúm tro, áp
vào miệng. Sợ chiếc lọ nặng có thể làm bà lão nghẹt thở, vẫn chưa hiểu chuyện
gì đang xẩy ra, mụ kia vội dằng lấy nó, đặt lên bàn thờ như cũ.
-
Bây giờ cô muốn đi đâu thì đi, - bà lão
yếu ớt nói rồi lại nằm thiếp đi, nét mặt thư thái.
...
Đó là chiếc lọ đựng ít tro hài cốt của chồng bà. Không biết trước đó hai người
có dặn dò gì nhau không, nhưng khi chồng chết, bà lão khăng khăng đòi thiêu
xác. Thời ấy chưa có lò thiêu hiện đại như bây giờ ên người ta phải tẩm xăng mà
đốt, cái gì chưa cháy hết thì đem dã nhỏ. Sau đó bà còn bắt cho một ít tro vào
lọ để lên bàn thờ. Mọi người phản đối kịch liệt, đặc biệt anh con, với lý do
như thế là điềm gở, có thể mang tai họa cho cả nhà. Cuối cùng mọi người vẫn
phải nghe theo. Suốt mấy chục năm nay ngày nào bà cũng thắp hương, thì thầm trò
chuyện với chồng, lần nào cũng không quên chạm tay vào chiếc lọ.
Một
hôm có ông khách đến chơi. Vừa bước vào nhà ông ta đã nhíu mũi đưa mắt nhìn
quanh: “Tôi thấy trong nhà này có sự hiện diện của người chết!” Bà lặng lẽ chỉ
tay vào chiếc lọ trên bàn thờ. Ông kia hiểu, khuyên bà nên đem chôn thành mộ.
Anh con nhân chuyện này càng thúc ép mẹ nhưng bà một mực không chịu. Mọi người
bảo chính vì thế mà gia đình bà sa sút. Đứa con trai không hư nhưng cũng chẳng
ngoan, công việc làm ăn trầy trật và đường vợ con chẳng ra gì. Bản thân bà thì
ốm đau luôn, nhưng bà không tin tất cả đều do chiếc lọ ấy, và cứ bắt giữ nó
trong nhà cho đến tận bây giờ.
*
Sáu
giờ tối anh con trai mới đến thăm mẹ. Mụ trông thuê vẫn đi đâu chưa về. Anh ta gắt om lên rồi quay sang hỏi,
vồn vã một cách thiếu tự nhiên:
-
Mẹ có đỡ hơn không ạ? Mẹ đã ăn gì chưa? Bây giờ mẹ thấy trong người thế nào?
Bà
lão nằm yên, mở mắt và khẽ gật đầu. Anh con đã mấy lần khịt khịt mũi vẻ khó
chịu, nhưng vẫn cố nán thêm chốc nữa, sốt ruột đi đi lại lại.
-
Mẹ có cần con làm gì không ạ?
Bà
lão muốn ngồi dậy nhưng không được, bèn ra hiệu kê thêm chiếc gối cho đầu cao
lên.
-
Con lấy ghế ngồi xuống đây. Mẹ có chuyện này muốn nói với con.
-
Dạ, có gì xin mẹ cứ nói.
-
Có lẽ mẹ sắp đi rồi. Mẹ muốn con hứa với mẹ một điều. Con hứa và sẽ làm đúng
như thế. Con có hứa không?
-
Có. Con xin hứa sẽ làm tất cả những gì mẹ dặn. - Anh con vội đáp, lần này thì
thành thật vì biết đây là lời trăn trối cuối cùng của mẹ.
-
Kia là chiếc lọ với ít tro hài cốt bố con. - Bà lão chỉ tay về phía bàn thờ.
- Bố con là người tuyệt vời, chỉ tiếc bỏ
mẹ con mình ra đi sớm quá. Mẹ muốn sau khi chết con cho thiêu xác rồi trộn tro
hài cốt của mẹ với của bố con. Sau đó con đem vào quê bố, đi thuyền ra biển
thật xa rồi rắc xuống nước. Suốt đời mẹ và bố con chỉ có một ước mơ được cùng
nhau tắm biển Nha Trang nhưng rồi con biết đấy, vì chiến tranh, vì bố con đi
trước, nên cuối cùng ước mơ ấy đến nay vẫn chưa thực hiện được. Giờ chỉ còn
cách như mẹ vừa nói. Vì vậy mẹ mới giữ chiếc lọ kia trong nhà bao năm nay. Chỉ
thế thôi. Con giúp mẹ nhé. Nếu không, mẹ sẽ chẳng thể nào nhắm mắt nổi.
Anh
con nâng bàn tay khô héo của mẹ áp vào má mình. Lúc này thực tình anh ta rất
thương mẹ.
-
Xin mẹ yên tâm. Con sẽ làm đúng như lời mẹ dặn.
-
Thế thì mẹ chẳng còn mong gì nữa. Bây giờ con có thể đi được rồi. Cứ để mẹ một
mình, không sao.
-
Không, không, hôm nay con sẽ ở lại đây suốt đêm với mẹ. - Anh con vội nói, xúc
động và chân thành.
Bà
lão quay người, nhắm mắt, có vẻ như lại ngất xỉu.
Cuối cùng mụ bán rau cũng về.
Anh con trách mụ mấy câu lấy lệ, nấn ná thêm chốc nữa rồi bảo ra ngoài ăn tối,
lát sau quay lại. Nhưng vốn vô tâm, hời hợt, dễ xúc động và cũng dễ quên, anh
ta đi rồi biệt tăm luôn.
*
Đêm hôm ấy bà lão chết. Chính xác lúc
nào không rõ vì như mọi ngày, mụ trông thuê ngủ liền một mạch đến năm giờ sáng
thì dậy. Theo thói quen, mụ đặt một ngón tay lên mũi bà lão. Không thấy thở.
“Thôi, bỏ mẹ. Bà ta chết rồi!” Và mụ vội vã chạy đến chiếc máy điện thoại.
Xác bà lão được thiêu như mong muốn.
Còn trộn tro hài cốt hai người để rắc xuống biển Nha Trang thì không, vì đã
mười năm nay anh con giấu mẹ đem tro thi hài bố chôn thành mộ ở Bát Bạt. Còn
tro trong chiếc lọ trên bàn thờ là đồ giả. Bà lão được chôn cạnh chồng. Hai
ngôi mộ xinh xắn, có bia đá, có ảnh, và đều được đổ xi măng chắc chắn. Anh con
lấy thế làm hài lòng, tự coi mình là người con có hiếu. Kể ra đôi khi cũng thấy
lương tâm cắn dứt vì đã không làm đúng lời mẹ trăn trối, nhưng anh ta luôn tìm
được lý do để an ủi mình.
“Các
cụ già rồi mà còn lãng mạn. Quăng xuống biển cho cá nó ăn à? Rồi sau con cháu
biết tìm đâu mà hương khói?
Hà
Nội, 25.5.2001
No comments:
Post a Comment