Wednesday, July 20, 2016

CHÂM NGÔN TÁM - 3



TẢN MẠN VỀ GIA ĐÌNH

Gia đình là điểm tựa
Quan trọng nhất trong đời.
Là nấc thang, đòn bẩy
Nâng ta lớn thành người.

Gia đình là ân huệ
Thượng đế ban cho ta.
Là Tình Yêu, Tổ Ấm,
Dẫu ta trẻ hay già.

Gia đình không ít lúc
Làm nước mắt ta rơi.
Nhưng dẫu khi ta khóc,
Gia đình vẫn tuyệt vời.

Gia đình là trách nhiệm
Với mỗi một chúng ta.
Trách nhiệm với con cái
Và với bố mẹ già.

Nơi duy nhất ta thấy
Hạnh phúc và yên bình
Không phải ở đâu khác,
Mà chính là gia đình.

Gia đình cũng là chốn
Luôn chờ ta quay về,
Cả khi ta vấp ngã
Hay thất bại ê chề;

Là nơi ta có thể
Được thoải mái, tự do,
Không phải đeo mặt nạ,
Không phải giấu buồn lo…

Gia đình là như thế.
Gia đình của chúng ta.
Vậy hãy nâng niu nó.
Vì một lẽ, đó là

Không có gì gần gủi
Bằng tổ ấm gia đình.
Không có gì thân thiết
Bằng người thân của mình.


DUYÊN NGHIỆP CHA MẸ VÀ CON CÁI

Theo quan niệm nhà Phật,
Có nghiệp quả, nhân duyên
Giữa con cái, bố mẹ,
Kiếp hậu và kiếp tiền.

Cơ bản có bốn dạng.
Một - con cái sinh ra
Là để mang phúc lộc
Đền đáp cho mẹ cha.

Hai là để đòi nợ.
Ba - trả nợ kiếp xưa.
Bốn là để báo oán,
Không thiếu cũng không thừa.

Cha mẹ và con cái,
Nếu không có nhân duyên
Thì đã không gặp gỡ,
Không hạnh phúc, buồn phiền.

Đức Phật đã dạy thế
Cả hàng nghìn năm nay.
Trong Kinh Phật có chép
Một câu chuyện thế này.

*
Ngày xưa ở làng nọ
Có một cặp vợ chồng.
Không giàu nhưng đủ sống,
Suốt đời làm nghề nông.

Sau nhiều năm cầu tự,
Họ sinh được người con.
Con gái, hay đau ốm,
Gầy yếu và héo hon.

Cô con đau ốm ấy
Là gánh nặng trong nhà.
Cả tinh thần, vật chất,
Đè lên vai mẹ cha.

Để có tiền chữa bệnh,
Họ nhịn mặc, nhịn ăn.
Phải làm việc vất vả,
Đồ đạc phải bán dần.

Đến năm mười tám tuổi,
Cô gái bảo người cha:
“Con muốn ăn thịt ngựa.
Con ngựa của nhà ta.”

Ông bố nghe, chết lặng:
Con ngựa ấy của ông
Là tài sản duy nhất
Phải giữ để làm đồng.

Nhưng nhìn con thoi thóp,
Cái chết đang đến gần.
Ông đành gạt nước mắt
Giết ngựa cho con ăn.

Ăn xong, cô gái chết,
Một cái chết an bình.
Để lại sự nghèo đói
Cho cha mẹ của mình.

Ông bố tìm gặp Phật,
Hỏi duyên cớ vì sao.
Vì sao có con gái,
Không được vui ngày nào?

Phật đáp: “Vào kiếp trước
Cô con gái của ông
Là tiểu thư giàu có,
Con cái hàng vương công.

Lúc nàng mười tám tuổi,
Một hôm theo mẹ cha
Cùng gia nhân, đầy tớ
Thăm thú một nơi xa.

Giữa đường gặp toán cướp
Xông ra cướp bạc vàng.
Tên thủ lĩnh vung kiếm
Giết chết cha mẹ nàng.

Bị tên cướp hãm hiếp.
May chưa bị chặt đầu,
Nàng leo lên đỉnh núi,
Gieo mình xuống vực sâu.

Trước khi chết nàng nguyện
Trả thù cho mẹ cha,
Giết chết tên tướng cướp
Ở một kiếp không xa.

Về sau, tên tướng cướp,
Vì tội lỗi của mình,
Chết hóa kiếp thành ngựa,
Sống như loài súc sinh.

Nó chính là con ngựa
Ông nuôi bấy lâu nay.
Còn nàng tiểu thư nọ
Thành con ông sau này.

Nàng đến để báo oán,
Trả thù cho mẹ cha.
Vì trong vụ cướp ấy
Ông là người tham gia.

May sau nhờ hối cải,
Làm việc tốt giúp đời,
Nên khi chết lần nữa
Được tái sinh làm người.”

Nghe Đức Phật dạy thế,
Người nông dân về nhà,
Cam chịu cảnh nghèo đói,
Không một lời kêu ca.


TRƯỞNG THÀNH

Con người càng lớn tuổi,
Càng thích sự giản đơn.
Và rồi chính điều ấy
Làm họ hạnh phúc hơn.

Đó là khi đơn giản
Bạn muốn được ở nhà
Thay vì đến dự tiệc
Ở những chốn xa hoa.

Đó là khi lặng lẽ
Bạn thích ngồi lắng nghe,
Thay vì tranh nhau nói,
Thậm chí tranh nhau khoe.

Đó là khi bạn muốn
Đơn giản được làm người,
Làm những việc bình dị,
Không mơ ước xa vời.

Đó là khi bất chợt chợt
Bạn ngước nhìn trời sao
Và thấy đẹp, thật đẹp,
Đến mức lòng nôn nao.

Giơ tay, bạn muốn hái
Chùm sao ướt, long lanh…
Và bất giác tay bạn
Chạm đến tuổi trưởng thành.


PI-A-NÔ MỘT TAY

Pi-a-nô, đàn lớn,
Phải chơi bằng hai tay.
Phải dùng cả mười ngón
Mới chơi đủ và hay.

Trong Thế Chiến Thứ Nhất
Paul Wittgenstein,
Đạn bắn, đứt tay phải,
Bị vùi trong bùn đen.

Mà ông, một nghệ sỹ
Pi-a-nô có tài,
Được nhiều người biết đến.
Loại có một không hai.

Với một tay còn lại
Biết chơi thế nào đây?
Ông đau đớn, trằn trọc,
Tuyệt vọng, khóc nhiều ngày.

Một nhạc sĩ vĩ đại
Là Maurice Ravel,
Hay chuyện, tự tìm đến
Gặp Paul Wittgenstein.

Ông mang theo trong cặp
Một tập bản thảo dày.
Công-xéc-tô Rê trưởng,
Cho pi-a- nô một tay.

Vâng, chỉ một tay trái,
Viết dành riêng cho ông.
Trong đấy, cùng nốt nhạc,
Ông gửi một tấm lòng.

Wittgenstein chơi nó
Và nghĩ đến những người
Không may cụt tay trái,
Chắc không ít trên đời.

Thế là ông quyết định
Luyện và thử hàng ngày
Tạo ra một trường phái
Pi-a-nô một tay.

*
Trường phái độc đáo ấy
Giúp nhiều người một tay,
Không chỉ biết thưởng thức,
Mà chơi loại đàn nay.


NGÂN HÀNG NHÂN QUẢ

Người gieo trồng phước đức
Sẽ an bình, thảnh thơi.
Còn người gieo mầm ác
Chịu đau khổ suốt đời.

Khi ta làm việc thiện
Giống như ta gửi tiền
Vào Ngân Hàng Nhân Quả.
Gốc và lãi nhân lên.

Ngược lại, làm việc ác
Tức là ta đã vay
Tiền Ngân Hàng Nhân Quả.
Lãi được tính hàng ngày.

Ngân hàng luôn sòng phẳng
Với tất cả mọi người.
Có vay thì có trả.
Có gửi thì có lời.

Mà Ngân Hàng Nhân Quả
Khác ngân hàng quốc doanh.
Không có chuyện gian dối
Hay vị nể vì tình.


ĐĂNG ĐẮNG VÀ CAY CAY

Sáng dậy, mở vòi nước.
Nước vẫn chảy, chạnh lòng
Thương người dân ngập mặn
Ở xứ Chín Con Rồng.

Thương cả Tây Nguyên hạn,
Lá cà-phê úa vàng.
Miền Bắc đang mưa rét,
Mà lòng nắng chang chang.

Nhà tôi nước vẫn chảy.
Vẫn là nước thường ngày,
Mà bất chợt thấy lưỡi
Đăng đắng và cay cay.


Lại một bác nữ gửi message kêu bị người yêu bỏ và xin lời khuyên. Chuyện đời muôn thuở. Viết nhanh bài này gửi bác ấy.

CẦM ĐƯỢC THÌ BỎ ĐƯỢC

Nhân sinh là giấc mộng,
Có mà cũng như không.
Núi lúc cao lúc thấp.
Đường lúc thẳng lúc vòng.

Không có gì bất biến
Ở đời này, Ta Bà.
Hạnh phúc hay đau khổ
Luôn tùy thuộc vào ta.

Cầm được thì bỏ được.
Đừng níu giữ làm gì.
Duyên đến thì đón nhận.
Duyên đi thì cho đi.

Bỏ được cái phải bỏ
Không có nghĩa đầu hàng.
Mà là sự dũng cảm
Để ta thêm vững vàng.

Biết chấp nhận đau khổ
Là dấu hiệu trưởng thành.
Biết chịu phần thua thiệt
Là vượt qua chính mình.

Cầm được thì bỏ được.
Đừng níu giữ làm gì.
Duyên đến thì đón nhận.
Duyên đi thì cho đi.

Mà rồi cái ta bỏ
Chưa hẳn là tình yêu.
Và cái ta sẽ nhận
Có thể lớn hơn nhiều.


KHẨU NGHIỆP

Nghiệp của người không chỉ
Do làm ác với đời.
Mà còn do nói ác,
Tức là nghiệp của lời.

Những việc làm thất đức
Không xẩy ra hàng ngày.
Nhưng những lời nói ác
Thường được nói hàng ngày.

Là vì người nói ác
Không ý thức rằng mình
Làm thế là tổn phước,
Rơi vào vòng vô minh.

Khẩu nghiệp là nghiệp nặng.
Gồm nói dối, nói điêu,
Nói xúc phạm người khác,
Thóa mạ và đặt điều.

Còn bao gồm cả việc
Oán trời và than thân,
Càu nhàu với người khác,
Nhất là với người thân.

Một người rất có thể
Không làm điều ác nào,
Thế mà chịu ác nghiệp,
Suốt đời khổ. Vì sao?

Vì, theo Phật, người ấy
Kiếp trước đã nhiều lần
Nói ác vì tâm ác
Hoặc nói lời không cần.

Người thiện tâm, đức độ
Chỉ nói điều tốt lành.
Lời nói như tia nắng
Sưởi ấm người xung quanh.

Gặp người xấu đáng trách,
Họ dùng lời yêu thương
Khuyên điều hay, lẽ phải,
Không dồn vào chân tường.

Thấy cần thì cứ nói,
Nhưng không nói đến cùng.
Quan trọng là lời nói
Nhẹ nhàng và bao dung.


TỰ NHIÊN NGHĨ VẨN VƠ

Thời trẻ mê đọc sách,
Quên cả yêu, cả chơi.
Tức là tự tước bỏ
Nhiều niềm vui cuộc đời.

Bốn mươi tuổi, lấy vợ,
Phải lo chuyện mưu sinh,
Nên chẳng lúc nào rỗi
Để tự chiều chuộng mình.

Già - vẫn đọc, vẫn viết.
Lại còn dạy người ta,
Nên muốn hư cũng khó.
Đời cứ thế trôi qua.

Hay quả thật đúng thế,
Rằng đời mà đều đều,
Không hư hỏng chút đỉnh
Thì cũng thiệt ít nhiều?


THƠ VUI MỒNG TÁM THÁNG BA

1
Nghe nói ở nước Mỹ,
Theo thứ bậc ưu tiên,
Người được chia cao thấp
Không phân biệt sang hèn:

Một - Cao nhất: Phụ nữ.
Hai - Trẻ em, nhi đồng.
Ba là các loài chó.
Bốn - mới đến đàn ông.

Như thế là rõ nhé.
Đàn ông đừng tớn lên.
Xếp sau cả loài chó,
Dù chó không có tiền.

Vậy hãy biết thân phận,
Lo mà hầu vợ con,
Hầu cả chú cún nhỏ,
Khi sức lực đang còn.


CHO NO MÁT

Người ta hỏi phụ nữ
Vì sao mặc mi-ni.
Họ đáp: Cho nó mát.
Nhưng nó là cái gì?


RÙA ĐỰC VÀ RÙA CÁI

Rùa đực và rùa cái
Làm chuyện ấy với nhau.
Xong, rùa đực liền nói:
“Chào em, mai gặp sau.”

Ngày tiếp, rùa đực đến,
Đang háo hức lửa tình,
Thấy rùa cái nằm ngửa,
Rõ ràng đang đợi mình.

“Em rùa này được đấy.
Đúng là dân chịu chơi.”
Rùa cái nghe, tức giận,
Hết chửi đất, chửi trời,

Quay sang chửi rùa đực:
“Chơi cái gì? Hôm qua
Xong việc là tếch thẳng,
Quên không lật người ta!”

Bài học: Mong các bác
Luôn ghi nhớ trong lòng.
Xong việc, phải xem lại
Có quên lật ai không.


KHI KHÔNG CÒN XẤU HỔ

Đều đều bộ chính trị
Ra nghị quyết, chủ trương
Xây dựng con người mới
Của chế độ thiên đường.

Thế mà rồi đạo đức
Lại xuống cấp đều đều.
Loạn chuẩn, loạn văn hóa.
Loạn sai đúng, ghét thương.

Sống trong cái loạn ấy,
Con người chỉ biết mình,
Để mất cái xấu hổ,
Cái Tâm và cái Tình.

Mà không còn xấu hổ
Thì sẽ chẳng còn gì.
Cái Ác thay cái Thiện.
Đời toàn Tham Sân Si.

Mai kia chế độ mất.
Nhưng còn lại con người,
Trơ trẽn, không xấu hổ
Khi làm ác với đời.

Không sợ đói, sợ khổ.
Không sợ cả thằng Tàu.
Nhưng người không xấu hổ
Là nỗi sợ dài lâu.


XỨ VIỆT VÀ XỨ NGHỆ

Gần như đã thành lệ.
Người Việt ra nước ngoài
Mới mong có cơ hội
Thành đạt và thành tài.

Tương tự, người xứ Nghệ
Muốn ăn nên làm ra
Là phải bỏ đất Nghệ
Đi tới các tỉnh xa.

Xứ Nghệ - nôi cách mạng.
Xứ Việt - nôi đấu tranh.
Tưởng hay mà lại dở.
Tưởng lành mà không lành.


BÁO  CHÍ CÁCH MẠNG

Một ca sĩ, chẳng biết
Có tài thật hay không.
Chỉ biết ca sĩ ấy
Lấy chồng rồi bỏ chồng.

Thế mà rồi báo chí
Cứ bám mãi không tha.
Soi từng xăng-ti-mét
Cả trong váy đàn bà.

Trong khi thằng Trung Quốc
Đang mưu chiếm Biển Đông.
Báo chí nước khác chửi.
Ta thì gần như không.

Ta, báo chí cách mạng,
Thích soi váy đàn bà.
Chúng, báo chí “giãy chết”
Đang chửi giùm cho ta.


LỜI PHẬT DẠY

Phật dạy: Người phụ nữ
Khi lấy chồng, trước tiên
Phải học làm năm việc
Để thành người vợ hiền.

Một, phải luôn dậy trước.
Hai, luôn ngồi sau chồng.
Ba, nói năng nhỏ nhẹ.
Bốn, đoán trước ý chồng.

Năm, và quan trọng nhất,
Là phải biết khiêm nhường,
Biết bổn phận người vợ,
Nhẫn nhục và yêu thương.


CHẶT CHÉM TOÀN TẬP

Du lịch tới các nước,
Ăn uống và chi tiêu,
Ta, du khách, có thể
Bị chém chặt ít nhiều.

Nhưng người của nước khác
Tới Việt Nam, buồn sao,
Chắc chắn bị chém chặt,
Không sót một người nào.

Còn ta thì khỏi nói.
Ta, người Việt với nhau,
Chém chặt thành ‘văn hóa”,
Trắng trợn và rất đau.

Vì sao? Vì xã hội
Dựa trên sự vô thần.
Pháp luật chỉ trên giấy,
Không bảo vệ người dân.

Đạo đức và văn hóa
Đang tuột dốc không phanh.
Xã hội đầy giả dối
Và tham nhũng hoành hành.

Trẻ con, ngay từ bé
Đáng lẽ dạy thương yêu
Thì được dạy đủ thứ
Vớ vẩn và giáo điều.

Người lớn, thì học tập,
Phát động và thi đua,
Ba giỏi rồi bốn tốt…
Thật mà cứ như đùa.

Và nhiều, nhiều cái khác,
Buồn chẳng muốn nói ra.
Nước ta là thế đấy.
Thế đấy cái nước ta.

Ở một nơi như thế,
Nhí nhố và nhiễu nhương,
Có chặt chém toàn tập
Cũng là chuyện bình thường.


TUỔI GIÀ

Trung bình trên thế giới
Cứ một trăm nghìn người
Mới có được một cụ
Thọ một trăm tuổi đời.

Nếu chết là quy luật
Thì đừng quá bận tâm.
Đến năm mươi là thọ.
Rồi vui thêm từng năm.

Sau sáu mươi là tháng.
Sau bảy mươi là tuần.
Sau tám mươi thì sớm
Mà lo chuẩn bị dần.

Đời đã ngắn như thế,
Ky cóp mà làm gì.
Nếu ăn được, tiêu được,
Thì cứ ăn tiêu đi.

Bạn là đại địa chủ,
Nghìn kho thóc chất đầy,
Giỏi lắm chỉ ăn hết
Vài lon gạo một ngày.

Đại gia bất động sản
Lê Thanh Thản quê tôi,
Cũng chỉ cần phòng ngủ
Khoảng mươi mét mà thôi.

Để lại cho con cháu?
Vâng, hẳn thế, tuy nhiên,
Chưa hẳn đã là tốt
Cho chúng quá nhiều tiền.

Chúng có đời của chúng,
Cũng chẳng ngu hơn ta.
Bố mẹ để cái đức
Còn quý hơn cái nhà.

Vả lại ta, bố mẹ,
Lo cho con suốt đời,
Tức là ta ngu ngốc,
Làm hại con suốt đời.

Vậy thì hãy sống tốt,
Vui vẻ và an bình.
Không đem chuyện người khác
So với chuyện của mình.

Hãy làm gì mình muốn.
Thích đi đâu cứ đi.
Cứ bắt chước Lão Tử
Sống nhà và vô vi.

Hãy sống thật vui vẻ.
Có buồn cũng cố cười.
Nụ cười là thang thuốc
Đã cứu chữa nhiều người.

Tiền bạc và danh vọng
Là gánh nặng, đề phòng.
Không ít người vì nó
Mà lưng thẳng thành còng.

Tưởng mất mà hóa được
Khi một ngày trôi qua,
Nếu ta sống tích cực,
Bất chấp tuổi đã già.


ĐỜI NGƯỜI KHÔNG DÀI LẮM

Đời người không dài lắm.
Dẫu sao, được sinh ra,
Cũng nên sống tử tế
Kẻo uổng công mẹ cha.

Chúng ta lười suy nghĩ,
Lại mong được an nhàn,
Nên để mất cá tính
Trong cách sống bầy đàn.

Ta sợ, như cây cỏ,
Ngộ nhỡ vươn lên cao,
Sẽ bị máy xén cắt.
Và thế là lúc nào

Ta cũng cố “hòa nhập”,
Để giống như mọi người.
Và rồi thành cái bóng
Nhạt nhẽo giữa dòng đời.

Đã là người, tất cả,
Đều có cá tính riêng.
Thế mà ta cứ cố
Để giống ông láng giềng.

Không cần người cổ vũ,
Đại bàng vẫn bay cao.
Trong rừng sâu hoang vắng,
Hoa vẫn thơm ngọt ngào.

Không cần người chăm sóc,
Cỏ vẫn tự vươn lên.
Còn ta, không ai bắt,
Lại cúi đầu chịu hèn.

Đời người không dài lắm.
Nhưng cũng đủ thời gian
Để làm cái gì đấy
Hơn cách sống bầy đàn.


BỐN BÀI VỀ NỖI SỢ

Bài Một

Sư cụ hỏi chú tiểu:
“Ta sợ nhất cái gì?”
“Phải chăng sự tuyệt vọng?”
“Không”. “Đau khổ, chia ly?”

“Cũng không nốt”. “Cái đói,
Hay bất an trong lòng?
Bị hiểu nhầm, khinh ghét?”
Sư cụ đáp: “Cũng không.

Cái duy nhất đáng sợ
Là chính bản thân ta.
Tất cả các nỗi sợ
Đều từ đấy mà ra.

Ta sợ cái gì đấy
Tức là ta đầu hàng.
Để nỗi sợ ám ánh
Và giết chết dễ dàng.

Một người đủ dũng cảm
Vượt qua được chính mình,
Sẽ không sợ gì nữa.
Tâm trí sẽ yên bình.

Bài Hai

Thật ra cái ta sợ
Không phải là bóng đêm,
Mà sợ cái gì đó
Đang ẩn trong bóng đêm.

Thật ra cái ta sợ
Không phải là độ cao,
Mà sợ bị bất chợt
Trượt ngã từ trên cao.

Thật ra cái ta sợ
Không phải là tình yêu,
Mà sợ yêu ai đó,
Ai đó lại không yêu.
________________

Bài Ba

Nhà bất đồng Miến Điện,
Aung San Suu Kyi,
Nói một câu chí lý,
Hay và đúng cực kỳ.

Rằng chính nỗi sợ hãi
Làm tha hóa con người.
Những nỗi sợ lớn nhỏ
Cứ ám ảnh suốt đời.

Người đang có quyền lực
Sợ mất nó, âm thầm
Tìm cách giữ quyền lực,
Thành độc ác, vô tâm.

Còn người sợ quyền lực,
Tức chúng ta, dân đen,
Thì tự mình thoái hóa,
Thành nhẫn nhục và hèn.
______________

Bài Bốn

Sợ là dạng tâm lý
Ám ảnh ta suốt đời.
Điều ấy không khó hiểu,
Có thật và rất người.

Có hàng trăm cái sợ,
Cả cơm áo gạo tiền.
Nhưng cái sợ lớn nhất
Lại là sợ chính quyền.

Sợ bị bắt, tra khảo,
Bị tống vào xà lim.
Chính vì cái sợ ấy,
Chúng ta phải lặng im.

Phải chấp nhận dối trá,
Và bạo lực hàng ngày.
Chính quyền biết, vì thế
Đánh vào nỗi sợ này.

Nỗi sợ là thế đấy,
Cả ta, cả nước ngoài.
Và nó là vũ khí
Của những kẻ độc tài.

Nhưng vượt lên sợ hãi,
Ngày càng có nhiều người
Dũng cảm lên tiếng nói,
Vì mình và vì đời.

Khi người dân không sợ
Thì bắt đầu chính quyền
Lại cuống cuồng sợ hãi
Và đứng ngồi không yên.

Chính quyền có súng đạn
Và bộ máy an ninh.
Vũ khí dân, duy nhất -
Không sợ chính quyền mình!


NÔ LỆ CỦA THÁNH THẦN

Khi đạo đức xuống cấp,
Mất niềm tin, người dân
Không biết tin gì nữa
Ngoài tin vào thánh thần.

Và thế là nườm nượp
Người ta tới chùa chiền.
Tranh nhau cướp và giật.
Tranh nhau cả cúng tiền.

Đâu cũng thấy lễ hội.
Đâu cũng thấy đám đông.
Tâm linh và tín ngưỡng?
Hay là sự lên đồng?

Hay văn hóa mạt vận?
Mất phương hướng, người dân
Tự nguyện làm nô lệ
Cho ma quỉ, thánh thần?

Một dân tộc trông cậy
Quá nhiều vào thần linh
Thay cho việc cố gắng
Vươn lên bằng sức mình,

Chắc chắn dân tộc ấy
Khó lòng mà đi xa.
Không thể không lo nghĩ
Cho tương lai nước nhà.

PS
Mà sao cùng một nước,
Người dân ở Đằng Trong
Không mắc cái chứng ấy,
Chứng lễ hội lên đồng?

Chắc phải có nguyên cớ.
Có ai biết vì sao?
Tôi mệt và chán lắm.
Không muốn nghĩ. Xin chào!


TỰ NHIÊN KHÔNG NGỦ ĐƯỢC

Có nhiều người hậm hực
Rằng bố mẹ, người thân
Làm quan mà rốt cục
Gia cảnh vẫn thanh bần.

Tức là họ suy nghĩ,
Chân thành và hồn nhiên,
Làm quan phải tham nhũng,
Phải vơ vét được tiền.

Thế mà họ, luôn miệng,
Cả trên trang Phây này,
Lớn tiếng chửi tham nhũng.
Vậy họ là ai đây?

Họ - chỉ tốt ngoài miệng,
Chứ không lương thiện đâu.
Tối biết tỏng điều ấy.
Mà đã biết từ lâu.

Vậy nói gì cứ việc.
Tôi chỉ tin vừa vừa.
Tôi cũng tinh lắm đấy,
Và không dễ bị lừa.


NỢ ĐỜI

Một vị hòa thượng nọ
Liều chết nhảy xuống sông
Cứu một người tự vẫn.
Người ấy nói với ông:

“Ngài đã cứu tôi sống.
Thành thực cảm ơn ngài.
Nhưng tôi đã quyết chết.
Không hôm nay thì mai.”

Hòa thượng buồn bã đáp:
“Thế thì tôi bó tay.
Nhưng xin phép được hỏi
Một câu hỏi thế này:

Chết là quyền của bác.
Nhưng người ta, dẫu sao,
Trả xong nợ mới chết.
Còn bác thì thế nào?”

“Tôi, dẫu không giàu lắm,
Không vướng tham, sân, si.
Kiếm đủ ăn, đủ mặc,
Không nợ ai điều gì!”

Hòa thượng chậm rãi nói:
“Thế là tốt, có điều
Bác cũng mang nợ đấy,
Thậm chí còn nợ nhiều.

Bác nợ bố mẹ bác
Đã cho bác ra đời.
Để có ăn, có mặc,
Bác nợ rất nhiều người.

Hiểu biết và cái chữ
Là bác nợ của thầy.
Bác chưa trả hết nợ
Mà định bỏ kiếp này?”

Ông kia nghe, ngồi lặng,
Lạy vị hòa thượng già.
Bỏ ý định tự tử,
Rồi vui vẻ về nhà.

*
Nhiều khi ta tuyệt vọng,
Muốn nhắm mắt buông xuôi,
Quên hoặc không muốn biết
Rằng ta sống ở đời

Là phải chịu trách nhiệm
Không chỉ với riêng mình,
Mà quan trọng hơn cả -
Với người thân, gia đình.

Dám chết cần dũng cảm.
Cần dũng cảm hơn nhiều
Là dám tiếp tục sống
Vì những người ta yêu.

Vị hòa thượng nói đúng -
Ai cũng mắc nợ đời.
Mà có nợ thì trả,
Một lúc cho nhiều người.


TÁM ĐẶC TÍNH CỦA NGƯỜI
ĐÀN ÔNG CÓ GIÁO DỤC

Một - nhẹ nhàng, lịch thiệp
Trong giao tiếp hàng ngày.
Bỏ qua chuyện vặt vãnh
Hoặc lời nói không hay.

Hai - Có lòng trắc ẩn
Với loài vật, với người,
Đặc biệt người tàn tật
Hoặc cơ nhỡ trong đời.

Ba - Luôn đọc sách báo,
Nhất là của nước ngoài,
Để nâng cao kiến thức
Và tự hiểu đúng sai.

Bốn - Chân thành, trung thực.
Cả với mình, với người.
Cả việc lớn, việc nhỏ,
Cả việc riêng, việc đời.

Năm - Tự tin, tự trọng.
Mình lo việc của mình,
Không trông chờ người khác,
Không mong người thương tình.

Sáu - Sinh hoạt giản dị.
Từ đi đứng, áo quần.
Không hư danh, phù phiếm,
Không quá kén miếng ăn.

Bảy - Bố đáng mặt bố
Và chồng đáng mặt chồng.
Phải gương mẫu, chuẩn mực,
Đúng nghĩa người đàn ông.

Tám - Phải giữ Năm Giới
Của Đức Phật Thích Ca.
Sống hữu ích, phụng sự
Gia đình và quốc gia.

*
Văn hóa không phụ thuộc
Vào học ít hay nhiều.
Văn hóa là ứng xử
Là tấm lòng thương yêu.

Văn hóa là cái Đức,
Đức làm nên con người.
Hãy sống có văn hóa,
Cho mình và cho đời.

 

LỜI BÀO CHỮA CHO MỘT CHÚ CHÓ

Thưa quý ngài hội thẩm,
Người bạn tốt của ta
Rất có thể có lúc
Thành kẻ thù của ta.

Ta yêu quí con cái
Hơn chính bản thân mình.
Lớn lên, chúng có thể
Vô ơn và bạc tình.

Tiền bạc ta kiếm được,
Ta nâng niu hàng ngày.
Thế mà chúng biến mất
Như không cánh mà bay.

Uy tín và danh dự
Phải gây dựng khó khăn.
Nhưng vô ý lầm lỗi,
Sẽ phút chốc tiêu tan.

Ta thành công, giàu có,
Sẽ khối người đi theo.
Nhưng rồi họ lập tức
Bỏ rơi ta khi nghèo…

Cuộc đời luôn vẫn thế,
Từ hàng nghìn năm nay.
Các quí ngài hội thẩm
Chắc cũng biết điều này.

Tuy vậy, thưa quí vị,
Thế mà có một người
Trung thành, không vụ lợi
Và tận tụy suốt đời.

Không bao giờ  tráo trở,
Không nhiễm thói xấu xa,
Không vô ơn - người ấy
Là chú chó của ta.

Nó luôn luôn có mặt
Bên ta lúc ta giàu
Hay lúc ta nghèo khổ,
Khỏe mạnh và ốm đau.

Nó sẵn sàng chịu rét
Nằm co ngoài hiên nhà,
Để canh cho ta ngủ
Và được gần bên ta.

Khi thân tàn, danh liệt,
Ta là gã ăn mày,
Nó đồng cam cộng khổ,
Không rời ta một giây.

Cuộc đời xô ta ngã,
Khi máu chảy, sầy da,
Người bạn ấy lặng lẽ
Liếm vết thương cho ta.

Nó giúp ta tự vệ
Và chống lại kẻ thù.
Khi ta bị ruồng rẫy,
Trong túi không đồng xu,

Nó, người bạn bé nhỏ,
Tận tụy và trung thành,
Chỉ xin một ân huệ
Là cho nó đồng hành.

Người bạn ấy âu yếm
Hôn tay ta cả khi
Cho ta và cho nó,
Bàn tay chẳng có gì.

Rồi một ngày nào đó,
Khi trò đời hạ màn,
Ta nằm dưới đất lạnh,
Chờ xương mục, thịt tan,

Khi bạn bè họ mạc
Và người trong gia đình
Tang lễ xong, quay lại
Với cuộc sống của mình,

Thì chú chó cao thượng
Vẫn không chịu rời xa,
Đôi mắt buồn, ẩm ướt
Vẫn nằm bên mộ ta.

Trung thành và tận tụy
Với người nằm dưới mồ,
Đôi mắt ấy ẩm ướt
Nhìn vào cõi hư vô…

*
Tòa xử vụ án nọ
Về một người cố tình
Làm chết con chó nhỏ
Của ông hàng xóm mình.

Luật sư Graham Vest
Bênh vực con chó này.
Với những lời cảm động,
Được truyền tụng lâu nay.


TẢN MẠN VỀ ĐÀN ÔNG

Có thể chết vì đói,
Vì một viên đạn đồng,
Nhưng phụ nữ không chết
Khi không có đàn ông.

Sau li dị, ta biết,
Đàn ông dễ bê tha,
Đơn giản vì vắng bóng
Người phụ nữ trong nhà.

Đàn ông là phái mạnh.
Nhưng chỉ mạnh vừa vừa.
Đàn ông mà lười biếng
Tức là đàn ông thừa.

Đàn ông được ca ngợi
Là lịch sự, hào hoa,
Thì trước hết điều ấy
Phải thể hiện ở nhà.

Muốn nói gì thì nói,
Đàn ông phải kiếm tiền.
Không làm được điều ấy
Tức là đàn ông hèn.

Đàn ông không nhậu nhẹt
Là đàn ông tuyệt vời.
Còn đàn ông lý tưởng
Sợ vợ và hay cười.

Đàn ông vì óc ngắn
Nên mới thích chân dài.
Đang tâm đánh chửi vợ
Vì ngu và bất tài.

Một trăm đứa nghiện rượu
Hoặc cờ bạc, lô đề
Thì cả trăm đứa ấy
Sẽ bán nhà ra đê.

Đàn ông như quả chuối,
Càng nẫu khi về già.
Như giấy gói bằng nhựa,
Cứ dính váy đàn bà.

Đàn ông như dịp nghỉ,
Kéo dài chỉ mấy ngày.
Như chiếc lốp sờn cũ,
Sớm muộn cũng phải thay.

Đàn ông như quả ớt.
Bề ngoài đẹp, màu hồng.
Chỉ khi nào cắn thử,
Mới biết cay hay không.

Đàn ông tán phụ nữ
Mãi tận khuya mới về.
Nhưng cưới xong, bắt vợ
Chờ đến khuya mới về.

Đàn ông khi lấy vợ
Chịu bao nỗi nhọc nhằn,
Nhưng đàn ông có vợ
Thọ hơn người độc thân.


TÙY DUYÊN

Tùy duyên là hoan hỉ
Sống an lạc, thảnh thơi.
Có sao sống thế ấy,
Không so bì với người.

Duyên đến thì đón nhận,
Duyên đi thì cho đi.
Trốn chạy hay níu giữ
Cũng chẳng làm được gì.

Phải bình tĩnh khi gặp
Cả duyên nghịch, duyên lành.
Không buồn vui thái quá,
Không để mất chính mình.

“Cư trần lạc đạo phú”,
Một bài phú rất hay,
Của Phật Hoàng, đoạn cuối
Có bốn câu thế này:

“Đói thì ăn, mệt nghỉ.
Vui đạo phải tùy duyên.
Không tham lam, hám hố,
Chăm cái tâm, cái Thiền.”

Giúp được ai thì giúp,
Rồi quên, coi như không.
Lợi hại hay hơn thiệt
Không nên vấn vương lòng.

Có điều kiện sống sướng
Thì cứ sống, tất nhiên.
Không có, không than trách
Nghèo đói hay thiếu tiền.

Mọi cái chỉ tương đối.
Cuộc đời là vô thường.
Chỉ hai cái quan trọng
Là Tâm và Tình Thương.

Duyên chưa đến thì đợi.
Không đến cũng chẳng sao.
Cứ vô vi mà sống
An nhàn và thanh cao.

Nếu được thì bắt chước
Sống như bậc tu hành.
Kham khổ và giản dị,
Nói ít, thích một mình.

Không tơ màng danh vọng,
Bỏ cái Tham Sân Si,
Dần dần thay vào đó
Cái Hỉ Xả Từ Bi.

Gặp cái nghèo, cái khổ,
Nếu biết sống tùy duyên
Rồi mọi chuyện sẽ ổn,
Hoan lạc, không buồn phiền.


LỄ CHÙA

Đi lễ chùa năm mới
Là phong tục nước nhà,
Tự nhiên và tốt đẹp
Suốt hàng nghìn năm qua.

Thứ nhất để lễ bái,
Thân, tâm, khẩu nghiêm trang.
Thứ hai làm công đức,
Còn gọi là cúng dàng.

Thứ ba là sám hối,
Cho mình và người thân.
Thứ tư, cũng là dịp
Vãn cảnh và du xuân.

Theo quan niệm nhà Phật
Mà nhiều người hiểu sai,
Chùa không phải là chỗ
Để cầu lộc, cầu tài.

Là vì tài và lộc
Không xin cho ở đời.
Mà theo luật nhân quả
Và nghiệp của từng người.

Người đã gieo nhân ác,
Thì quả sẽ không lành,
Dẫu mâm đầy lễ vật
Và lời cầu chân thành.

Người xưa Tết, đi lễ,
Cầu đất nước yên bình,
Cầu may, cầu sức khỏe
Cho bản thân, gia đình.

Người xưa đến với Phật
Tâm thẳng và hướng thiền,
Lễ nhẹ mà tình nặng,
Không câu nệ cúng tiền.

Người nay không ít kẻ
Sợ báo oán, báo ân,
Dùng tiền hối lộ Phật
Hậu hĩnh và nhiều lần.

Lại còn cảnh chen lấn,
Tranh cướp lộc và tài,
Thành ra chốn cửa Phật
Mà lắm cảnh bi hài.

Có người, do không biết,
Đốt vàng mã, phí tiền,
Trái với giáo lý Phật,
Ô nhiễm chốn cửa thiền.

Đốt vàng mã là lễ
Của người Hoa trước đây.
Mà vốn chỉ thực hiện
Vào những dịp ma chay.

*
Đi lễ chùa năm mới
Là phong tục nước nhà,
Tự nhiên và tốt đẹp
Suốt hàng nghìn năm qua.

Vậy giữ phong tục ấy,
Tốt đẹp và tự nhiên.
Đừng để cái tâm tối
Làm hoen ố của thiền.


KHỔNG MINH CHỌN VỢ

Khi trên ba mươi tuổi,
Tức là đủ thông minh,
Ta, đàn ông, mới hiểu
Rằng vì sao Khổng Minh

Lại yêu thương đến thế
Vợ của ông, dù bà -
Một trong năm phụ nữ
Xấu nhất nước Trung Hoa.

Khổng Minh Gia Cát Lượng
Ta đã biết là ai.
Nhưng thật tiếc, về vợ,
Nhiều người còn hiểu sai.

Ta lấy vợ không chỉ
Để có người ngủ chung.
Mà quan trọng hơn thế,
Để có người thức cùng.

Ta lấy vợ không chỉ
Để quán xuyến gia đình,
Mà ta cần ở vợ
Một người lắng nghe mình.

Ta lấy vợ không chỉ
Có người để ăn chung,
Mà quan trọng hơn thế -
Có người để nấu cùng.

Ta lấy vợ không chỉ
Để song hành với nhau.
Mà ta cần ai đó
Đứng dõi theo phía sau.

Vợ Khổng Minh Gia Cát,
Là bà Hoàng Nguyệt Anh,
Được yêu vì hội tụ
Những điều này tốt lành.

Ông đã dạy hậu thế,
Trong đó có chúng ta,
Cách nhận biết cái đẹp
Trong một người đàn bà.


THÊM MƯỜI NGUYÊN TẮC SỐNG

1
Thu nhập

Ai cũng cần thu nhập.
Đúng thế, không trừ ai.
Ngoài nguồn chính, thứ nhất,
Nên có nguồn thứ hai.

2
Chi tiêu

Đừng ngốc mà mua sắm
Những thứ không thật cần,
Để vứt, hoặc phải bán
Để mua thứ rất cần.

3
Ưu tiên

Đừng tiết kiệm những cái
Còn lại sau khi tiêu.
Mà sau khi tiết kiệm
Còn gì, mới được tiêu.

4
Cẩn trọng

Thử độ sâu sông suối
Là một việc rất cần.
Nhưng phải nhớ đừng thử
Một lúc cả hai chân.

5
Đầu tư

Vốn đầu tư như trứng,
Dễ vỡ, dễ trắng tay.
Đừng để vào một giỏ.
Kẻo phá sản có ngày.

6
Thái độ sống

Chán - là do bạn sống
Với những gì đã qua.
Lo - là vì bạn nghĩ
Về tương lai còn xa.

Chỉ sống bằng hiện tại
Với thái độ thản  nhiên,
Bạn mới thấy thực sự
Tâm trí được bình yên.

7
Khó khăn

Chỉ có hai lựa chọn
Mỗi khi gặp khó khăn.
Một - để nó quật ngã.
Hai - vượt qua khó khăn.

8
Chiếc túi rỗng dạy bạn
Một triệu cách sống khôn.
Túi đầy tiền xúi bạn
Một triệu cách mất khôn.

9
Đôi mắt ở phía trước
Để nhìn về tương lai.
Không ngẫu nhiên điều ấy.
Đừng ngoái nhìn qua vai.

10
Bút chì và bút mực

Ngày bé, còn non dại,
Ta viết bằng bút chì.
Nay lớn, bằng bút mực.
Sự khác nhau là gì?

Là bút chì dễ xóa.
Viết rồi xóa như chơi.
Bút mực thì không thế.
Đã viết, in suốt đời.


VONTAIRE

*
Xét nhiều mặt, sự thật
Như trái cây trên cành
Đừng nóng vội hái nó
Khi còn bé và xanh.

*
Hãy yêu quí những người
Luôn đi tìm sự thật.
Nhưng thận trọng với người
Đã tìm thấy sự thật.

*
Cuộc đời là canh bạc.
Số phận là quân bài.
Hãy tìm cách dùng nó
Để khôn khéo chơi bài.

*
Nhiều người chê ai đó
Hám lợi, sống vì tiền,
Thường thì vì chính họ
Không biết cách kiếm tiền.

*
Thế giới ta đang sống
Mắc chứng bệnh điên rồ.
Ai nghĩ chữa được nó
Thì lại càng điên rồ.

*
Con người càng hiểu biết,
Càng mong muốn tự do.
Chỉ khi mong muốn nó,
Con người mới tự do.

*
Có rất nhiều chân lý
Không dành cho mọi người
Và cho mọi thời đại,
Mọi lúc và mọi nơi.

*
Cơ hội làm điều ác
Đến trăm lần một ngày.
Cơ hội làm điều thiện
Một năm chỉ một ngày.

*
Nghi ngờ là không tốt.
Là khổ tâm, tất nhiên.
Nhưng tin chắc mọi cái
Mới đích thực là điên.

*
Chúng ta đều có tội
Với mình và với người
Vì những điều tốt đẹp
Ta chưa làm ở đời.

*
Dư luận là con thú.
Chỉ có hai cách này:
Hoặc là phải xích nó,
Hoặc cao chạy xa bay.

*
Với loài người, xung đột
Là căn bệnh trầm kha.
Duy nhất chữa trị nó
Chính là lòng vị tha.

*
Ta quen miệng, hay nói:
Chuyện ấy chỉ ngẫu nhiên.
Thực ra thì mọi cái
Đều luôn có căn nguyên.

*
Tôi đã tám mươi tuổi
Nhưng chẳng biết điều gì,
Ngoài sự thật chua xót
Phải chấp nhận nhiều khi:

Trời sinh ra giun dế
Để chim chóc mổ ăn.
Sinh ra người để chết
Trong đau đớn, khó khăn.


DIỀU HÂU VÀ GÀ

Có người nọ bắt được
Một chú diều hâu non.
Đem về nhốt chung chỗ
Với một bầy gà con.

Bị nhốt lâu, sau lớn,
Lại quanh quẩn bên nhà,
Chú diều hâu kiêu hãnh
Biến thành một chú gà.

Dù lông dài, cánh rộng,
Móng vuốt cũng còn nguyên,
Chú không săn được thú,
Vì nhiễm chất gà hiền.

Vì giống gà, nên chú
Không biết, không muốn bay.
Ông kia dạy không được,
Bèn nghĩ ra cách này.

Ông đưa chú lên núi,
Rồi ném lên không trung.
Chú diều hâu sợ quá,
Liền cố sức vẫy vùng.

Rồi cái chết đánh thức
Bản năng gốc ban đầu.
Cuối cùng chú bay được
Và lại thành diều hâu.

*
Ngụ ngôn này cho thấy
Một triết lý thông minh:
Không được để hoàn cảnh
Trói chặt đôi chân mình.


CHÚ CHUỘT ĐIẾC

Một lần nọ loài chuột
Tổ chức thi leo cao.
Đích là một đỉnh tháp
Suýt chạm đến trời sao.

Các chú chuột hăm hở
Cùng đua nhau leo lên.
Nhưng càng leo càng khó,
Nhất là nửa phía trên.

Khó đến mức một chú,
Mồ hôi chảy ròng ròng,
Kêu to: “Trời, mệt quá.
Liệu có leo được không?”

Một chú khác phụ họa:
“Ừ, vừa khó, vừa cao.
Mà leo làm gì nhỉ?
Tớ đi xuống. Xin chào.”

Nghe nói thế, lần lượt
Các chú khác làm theo.
Rồi tất cả bỏ cuộc.
Chỉ một chú vẫn leo.

Chú này trông khiêm tốn,
Chẳng giống một anh hùng.
Thế mà vẫn dũng cảm
Leo tới đích cuối cùng.

Khi quay lại chân tháp,
Cả bầy chuột đua nhau
Chạy đến hỏi bí quyết,
Dồn dập và nhiều câu.

Nhưng chú chuột vô địch
Lặng im không nói gì.
Thì ra chú bị điếc.
Điếc, nên thắng cuộc thi.

Nhờ điếc, không nghe thấy
Lời bàn ra, bàn vào.
Chỉ chú tâm vào việc
Tiếp tục leo lên cao.

*
Bài học thế là rõ.
Khuyên các bác tập trung.
Ai nói gì mặc kệ,
Đã làm, làm đến cùng.


LÀ ĐÀN ÔNG, NHẤT THIẾT

Là đàn ông, nhất thiết
Phải đáng mặt đàn ông.
Xấu đẹp không quan trọng,
Nhưng chững chạc tác phong.

Tuyệt đối không ẻo lả.
Không nhu nhược, thích lười.
Đã làm phải làm tới.
Đã nói phải giữ lời.

Là đàn ông nhất thiết
Phải trung thực, chân tình.
Sống phải có lý tưởng
Và mục đích của mình.

Khiêm tốn và ít nói.
Thất bại không trách ai.
Cứ lặng lẽ làm việc
Và lặng lẽ thành tài.

Là đàn ông, nhất thiết
Là trụ cột trong nhà.
Tuyệt đối không ăn bám,
Không núp váy đàn bà.

Phải hiểu và thương vợ.
Tuyệt đối không lòng thòng.
Chửi mắng hay đánh vợ
Thì không đáng làm chồng.

Là đàn ông, nhất thiết
Sống phải có đam mê.
Tuyệt đối không nhậu nhẹt,
Cờ bạc và lô đề.

Không cần phải xuất chúng,
Không cần quá thông minh,
Nhưng cần phải biết cách
Nuôi sống gia đình mình.

Là đàn ông, nhất thiết
Dưới - làm gương cho con.
Trên - hiếu với bố mẹ,
Nếu hai cụ đang còn.

Vợ mình mình tự chọn.
Vậy thì hãy yêu thương.
Cả khi trẻ xinh đẹp,
Cả khi già, liệt giường.

Là đàn ông, nhất thiết
Phải biết cách kiếm tiền.
Sau đó phải học cách
Để không biết tiêu tiền.

Hơn thế, phải tự nhắc:
Mình là đấng mày râu,
Không xen vào chuyện vợ
Về cơm gạo, bếp dầu…

Là đàn ông, nhất thiết
Phải luôn luôn mỉm cười.
Phải luôn luôn quán triệt
Rằng nhất vợ nhì trời.

Tóm lại là phải sống
Đúng với nghĩa đàn ông.
Để con thích khoe bố
Và vợ thích khoe chồng.


LÀ PHỤ NỮ…

Là phụ nữ, phải cố
Mà quên cái đáng quên,
Phải bơ đi mà sống.
Không thèm nhìn hai bên.

Là phụ nữ, phải cố
Mà học cách tuyệt tình.
Thấy giữ được thì giữ.
Không thì buông, nhẹ mình.

Là phụ nữ, phải cố
Nhẫn tâm với “người ta”.
Nếu không trả thù được,
Thì cũng quyết không tha!

Là phụ nữ phải cố
Học cách sống kiên cường.
Dù trời đất có sụp,
Vẫn phải sống bình thường.

Trước mặt những người khác
Phải tỏ ra ô-kê.
Đêm về nhà, nếu muốn,
Tự khóc, tự mình nghe.

Là phụ nữ, phải cố
Mà học cách yêu mình.
Đừng ngu mà chờ đợi
Người khác yêu thương mình.

Chồng lúc mưa lúc nắng,
Con lúc hư lúc ngoan.
Phải lo sẵn ít vốn
Để hạ cánh an toàn.

Đàn ông về nguyên tắc,
Che chở cho đàn bà.
Nhưng đề phòng, có đứa
Thích núp váy đàn bà.

Là phụ nữ, phải cố
Bất chấp lời thị phi.
Nghe, tin nó là chết.
Vậy thì nghe làm gì?

Là phụ nữ, đừng dại
Mà so mình với người.
Ai cũng đẹp, độc đáo
Và đáng quí ở đời.

Trước đàn ông, đừng khóc.
Khóc thì khóc trong lòng.
Đừng tỏ ra yếu đuối
Xin tình thương đàn ông.

Là phụ nữ, phải nhớ
Phân công việc gia đình.
Mà việc thì nhiều lắm.
Đừng ôm hết vào mình.

Phải làm sao, tự nguyện,
Chồng làm việc của chồng.
Con làm việc của nó.
Không người nào ngồi không.

Hơn ai hết, phụ nữ
Phải quên chuyện đã qua.
Hạnh phúc hay đau khổ -
Đã qua thì cho qua.

Là vì sức người ít,
Mà đời cũng không dài.
Đừng sống bằng quá khứ.
Hãy sống bằng tương lai.

Là phụ nữ, phải cố
Tự mình kiếm ra tiền.
Nhiều ít không quan trọng,
Nhưng mình phải có tiền.

Không phải để tiêu mảnh,
Mà góp nuôi gia đình.
Có đồng tiền chính đáng,
Không ai dám coi khinh.

Phụ nữ có thói xấu
Hay cố chấp, thù dai.
Vậy thì cố khắc phục,
Không cố chấp thù dai.

Thay vào đó, phải học
Cách bao dung với người.
Chính sự bao dung ấy
Giúp bạn thấy yêu đời.

Chưa hẳn đã hạnh phúc
Người phụ nữ nhiều tiền.
Nhưng chắc chắn hạnh phúc
Người phụ nữ dịu hiền.

Chưa hẳn đã xinh đẹp
Một hoa hậu chán đời.
Nhưng chắc chắn xinh đẹp
Người phụ nữ hay cười…


Ý THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM

*
Ở Hồng Kông, Trung Quốc,
Một tỉ phú vừa qua
Chết để lại toàn bộ
Hơn hai tỉ đô-la

Các tài sản ông có
Cho mục đích cộng đồng
Và hoạt động từ thiện.
Còn con cái thì không.

“Các con tôi, ông nói,
Nếu giỏi hơn mẹ cha,
Thì để chúng tự kiếm,
Tự tay mình làm ra.

Còn nếu chúng kém cỏi,
Thích ăn không ngồi rồi,
Thì nhiều tiền thừa kế
Chỉ hại chúng mà thôi”.

*
Bill Gates, khi được hỏi:
“Sao ông có nhiều tiền
Mà cho con ít thế?”
Ông đáp, rất thản nhiên:

“Vì con tôi, tỉ phú,
Thì cũng chỉ là người.
Người thì phải lao động
Để nuôi mình, giúp đời.

Muốn thành đạt, giàu có
Thì cố mà vươn lên.
Tôi nghĩ như thế đấy.
Vậy sao phải cho tiền?”

*
Covey, cũng tỉ phú,
Chết, di chúc cho con
Một khoản tiền rất lớn.
Nhưng họ, chín người con

Đều không nhận, đề nghị
Dùng toàn bộ số tiền
Vào mục đích từ thiện,
Gây không ít ngạc nhiên.

Về lý do, họ nói
Họ là người bình thường
Có thể tự kiếm sống
Như mọi người bình thường.

*
Tương tự, ông Buffett
Chỉ để lại cho con
Mười phần trăm tài sản
Thế mà rồi các con

Từ chối không chịu nhận.
Không phải vì dở hơi,
Mà vì muốn dùng nó
Để giúp đỡ mọi người.

*
Những người bố kiên quyết
Không cho con nhiều tiền.
Những người con dứt khoát
Từ chối không nhận tiền.

Đó là những bài học
Về ứng xử ở đời,
Về ý thức, trách nhiệm
Với mình và với người.

Hơn ai hết, họ hiểu
Giá trị của đồng tiền.
Nhưng họ biết có cái
Còn quí hơn cả tiền.

Đó là sự tự trọng,
Trách nhiệm với chính mình,
Nghĩa vụ với đất nước,
Cộng đồng và gia đình.

Các ông bố tỉ phú
Không cho con cái gì,
Nhưng cái họ để lại
Lại quan trọng cực kỳ.

Một - ý thức lao động
Để tự nuôi bản thân.
Hai - dám chịu trách nhiệm
Và khó khăn khi cần.

Một người có ý thức
Không ỷ bố mẹ giàu.
Một người có trách nhiệm,
Không khuất phục cúi đầu.


LỜI NGƯỜI XƯA

Người xưa đã đúc kết,
Để lại cho người nay
Nhiều bài học quí báu
Rất đáng học thế này:

Một - Không lo nghèo đói.
Tiết kiệm, sẽ không nghèo.
Mình dốt, vụng, cố gắng,
Cũng đạt được mục tiêu.

Hai - Hiếu cũng có giả.
Tức là Hiếu giả vờ.
Trung lại càng có giả,
Tức là Trung giả vờ.

Cả hai cái giả ấy
Đều xấu và đáng khinh,
Vì giả nhân, giả nghĩa
Với cả người thân mình.

Ba - Dạy con nghiêm khắc
Thành người tốt ở đời.
Với người xấu - độ lượng
Để thu phục lòng người.

Dạy con, dạy đọc sách,
Học cái chữ thánh hiền.
Dạy được một nghề giỏi
Hơn cho một núi tiền.

Bớt giao lưu với bạn,
Ngồi  đọc sách ở nhà.
Sách là người bạn tốt,
Và là thầy của ta.

Học chữ - không được vội.
Nên học một, nghĩ mười
Mới làm được đại sự,
Để tiếng thơm cho đời.

Bốn - Hãy làm việc thiện
Tích phúc lộc về sau.
Gia đình cốt yên ấm,
Không nhất thiết phải giàu.

Năm - Con có năng khiếu
Mà cha mẹ nhiều tiền,
Quá chiều, thì sau lớn
Sẽ nhụt chí vươn lên.

Sáu - Người tư cách kém
Coi lợi là nhất đời.
Người thi cử lận đận
Chung qui là do lười.

Bảy - Khi cái Tâm thẳng,
Cái đầu sẽ thảnh thơi,
Vì không phải lo nghĩ
Cách đối phó với người.

Người biết trọng lễ nghĩa
Chơi với bạn như mình,
Tránh xa kẻ dối trá,
Vì lợi, không vì tình.

Tám - Một người mà tốt,
Tính khí sẽ yên bình.
Người nóng nảy, đồng bóng
Phần nhiều do vô minh.

Chín - Người trẻ thiển cận,
Ít đọc, lại thích lười,
Dễ bị những kẻ xấu
Làm tha hóa chất người.

Nhưng người hiểu biết rộng,
Tưởng không ai bằng mình.
Nói nhiều mà làm ít,
Nên nghiệp lớn khó thành.

Mười - Mỗi khi gặp khó,
Phải tìm hiểu nguyên do,
Không trách oán người khác.
Không sợ, không quá lo.

Các sai lầm hầu hết
Ngẫu nhiên và nhất thời.
Phải học tính cẩn thận
Khi cư xử với người.


LẠI NÓI VỀ PHONG THỦY PHỤ NỮ

Người đàn ông có thể
Là trụ cột gia đình,
Tạo nguồn thu nhập chính
Để nuôi vợ con mình.

Nhưng chính người phụ nữ,
Đôn hậu và đảm đang,
Biết lo toan, quán xuyến,
Giúp giữ tiền cho chàng.

*
Một người đàn ông nọ,
Năm bảy tuổi, rất giàu.
Tôi đang kể chuyện thật
Xẩy ra ở nước Tàu.

Khi bà vợ ông chết,
Có một cô sinh viên,
Mười tám tuổi, xinh đẹp,
Không hẳn chỉ vì tiền,

Bất chấp lời dị nghị
Của bố mẹ, cộng đồng,
Đã lặng lẽ chấp nhận
Lời tỏ tình của ông.

Mỗi tháng ông đưa vợ
Lo chi tiêu việc nhà
Hơn một trăm nghìn tệ,
Khoảng nửa tỉ tiền ta.

Cô sinh viên, vợ trẻ,
Vốn là người tảo tần,
Số tiền tiêu không hết
Cứ ngày một lớn dần.

Cuối cùng cô quyết định
Mua bảo hiểm cho chồng,
Đúng một triệu tiền tệ,
Như kế hoạch dự phòng.

Sau một lần thất bại,
Tài sản của ông này
Bị tịch biên trả nợ,
Coi như ông trắng tay.

“Anh đã bị phá sản, -
Ông buồn bã bảo cô. -
Bị tịch thu tài sản,
Thậm chí cả ô tô.

Bây giờ anh, rất tiếc,
Không nuôi nổi vợ mình.
Em hãy tìm người khác,
Đừng chịu khổ vì anh.”

Cô nhìn ông rồi hỏi:
“Anh còn yêu em không?”
“Yêu, nhưng giờ không đủ
Điều kiện để làm chồng.”

Hôm sau ông cùng vợ
Đi ngân hàng rút tiền.
Đúng một triệu đồng tệ,
Quà của người vợ hiền.

Rồi từ một triệu ấy,
Ông làm lại từ đầu,
Thành cả trăm, nghìn triệu,
Và lần nữa rất giàu.

Ông khoe với bè bạn:
“Tôi thoát được vụ này,
Là nhờ có giỏ trứng
Mà cô vợ hàng ngày

Bỏ riêng ra một quả,
Coi như món dự phòng.
Bà vợ tôi là thế,
Các bác thấy được không?”

*
Trung Quốc có ngạn ngữ
Là “Thê hiền phu an”,
Tức có người vợ đảm
Thì chồng sướng và nhàn.

Qua câu chuyện mới kể
Và qua ngạn ngữ này,
Ta thấy tầm quan trọng
Của phụ nữ xưa nay.

Họ là bùa hộ mệnh,
Là cái phao cứu sinh
Và phong thủy tốt nhất
Cho chồng và gia đình.

Có được người vợ tốt
Thì ăn nên làm ra.
Nhà thiếu người phụ nữ
Thì không còn là nhà.

Vậy đừng nhờ người khác
Chọn phong thủy cho mình.
Vì phong thủy tốt nhất
Chính là vợ của mình.

PS
Tôi từng khuyên phụ nữ
Nên lập “Quỹ Dự Phòng”,
Để nhỡ ngày mưa gió
Phòng thân và giúp chồng.

Như cô sinh viên trẻ
Đã giúp bác đại gia.
Chuyện là của Trung Quốc,
Nhưng đúng cả với ta.

Thêm một PS nữa:
Rằng dứt khoát từ nay
Các ông chồng Đại Việt
Bắt chước ông Tàu này

Ngoài tiền tháng trăm triệu,
Đưa hết cho vợ mình
Số còn lại kiếm được.
Bảo đảm sẽ yên bình.

Tôi xưa cũng làm thế.
Vợ giữ tiền, tiếc thay
Chưa phá sản, nên Mụ
Vẫn giữ khoản tiền này.


MỘT TRĂM BÀI CHÂM NGÔN NGÀY TẾT

1
Đừng thở dài, buồn chán
Khi gặp phải buồn đau.
Bùn bẩn dưới chân bạn,
Nhưng nắng ở trên đầu.

2
Mình có sao sống vậy.
Mình là người bình thường.
Nhưng dẫu sao hãy cố
Không là người tầm thường.

3
Hãy nhớ: Sự lười biếng
Như những chiếc rễ cây.
Chúng nhanh chóng phát triển,
Kìm chân ta hàng ngày.

4
Hoàn cảnh không tuyệt vọng.
Tuyệt vọng là những người
Đầu hàng trước hoàn cảnh,
Bất lực trước cuộc đời.

5
Suy cho cùng, cuộc sống
Không cho không điều gì.
Mọi cái đều có giá.
Nhiều khi đắt cực kỳ.

6
Thái độ đúng đắn nhất
Với kẻ thích lòe đời
Là im lặng, nếu được,
Kèm theo một nụ cười.

7
Sống mà không vấp ngã
Là rất tốt, tất nhiên.
Nhưng còn tốt hơn thế
Là ngã, lại đứng lên.

8
Càng trưởng thành, ta thấy
Tranh luận đúng hay sai
Hoàn toàn không quan trọng.
Ai thế nào mặc ai.

Với ta quan trọng nhất
Là cảm giác bình yên.
Và đó là dấu hiệu
Hướng thiện và hướng thiền.

9
Không muốn bị nói xấu
Thì đừng nói xấu ai.
Không muốn phải buồn bã
Thì đừng nên thở dài.

10
Một khi ta nói ít,
Ta sẽ nghe nhiều hơn.
Và thường khi nhắm mắt,
Ta sẽ thấy nhiều hơn.

11
Nói mà không suy nghĩ
Chẳng khác nào bắn tên
Mà không nhắm đích trước,
Hoặc mắt nhìn hai bên.

12
Nói, nên nói nhỏ nhẹ,
Có lý và có tình.
Nhưng những gì muốn nói
Phải dứt khoát, phân minh.

13
Sau khi bị trừng phạt,
Người tốt sẽ tốt hơn.
Nhưng nhiều khi, thật tiếc,
Người xấu lại xấu hơn.

14
Đời là dòng sông xiết
Ẩn chứa nhiều hiểm nguy.
Vậy học bơi mà sống,
Nếu không muốn cuốn đi.

15
Anh có thể đỗ lỗi
Cho bất kỳ người nào.
Nhưng rượu chè, cờ bạc
Chính anh tự bập vào.

Trót bập thì phải bỏ.
Không đổ lỗi cho người.
Nếu không anh sẽ khổ.
Mà phải khổ suốt đời.

16
Hoặc chiếc đe, hoặc búa,
Anh phải chọn cho mình.
Không được thành miếng sắt
Để bị dập thành đinh.

17
Ăn thế nào còn tùy.
Không thể có chuyện được
Mà không mất cái gì.

18
Những món quà cuộc sống -
Đừng ngồi đó mà chờ.
Muốn có, phải phấn đấu
Hàng ngày và hàng giờ.

19
Có mười phần sung sướng
Thì chỉ nên hưởng hai.
Còn lại để con cháu
Được hưởng lộc lâu dài.

20
Những đứa con bất hiếu
Thường oán trách mẹ cha.
Người thuê nhà túng thiếu
Thường oán trách chủ nhà.

21
Một con bồ câu trắng
Làm bạn với quạ đen.
Lông của nó vẫn trắng,
Nhưng trong lòng thì đen.

22
Không hiểu người là dở,
Là sự thiếu thông minh.
Nhưng còn dở gấp bội
Là khi không hiểu mình.

23
Biển có thể thu hút
Tất cả suối và sông
Là vì biển ở thấp,
Hơn thế, còn rộng lòng.

24
Người ta thành quân tử
Nhờ đức nhiều hơn tài.
Tiểu nhân thì ngược lại,
Vì đức kém hơn tài.

25
Khi đường đời khúc khuỷu,
Đầy khó khăn, bất công,
Thì cái tâm phải thẳng.
Đầu không nghĩ lòng vòng.

26
Để người nghe dễ hiểu
Thì phải nói chân thành.
Muốn nói được chân thành,
Phải nói điều mình nghĩ.

27
Đừng tin lời thề thốt.
Bản thân mình đừng thề.
Thề độc lại càng sợ.
Nghe đã thấy ghe ghê.

28
Trót nói điều ngu ngốc
Thì im lặng cho qua.
Cố biện minh cho nó
Là ngu ngốc gấp ba.

29
Anh là một người tốt,
Giết một tên giết người,
Đời vẫn không giảm bớt
Số lượng kẻ giết người.

30
Hãy học cái tốt đẹp
Để khôn lớn thành người
Bằng cách rút kinh nghiệm
Cái ngu của người đời.

31
Nghèo không phải là xấu.
Xấu là nghèo mà hèn.
Hèn cũng không đáng ghét,
Trừ phi cam chịu hèn.

Tuổi già không đáng sợ.
Đáng sợ là cảnh già,
Gắt con cháu ỏm tỏi,
Ngồi lù lù trong nhà.

32
Thói quen khó thay đổi.
Lớn lên với thói lười,
Già chết cùng thói ấy.
Tức là lười suốt đời.

33
Sống không cần người khác -
Nghĩ thế là vô minh.
Sai hơn - nghĩ người khác
Sống không thể thiếu mình.

34
Không thể là vĩ đại
Một lãnh tụ độc tài.
Không có gì độc ác
Được ca tụng lâu dài.

35
Đừng nên kêu đất hẹp,
Không có chỗ dung thân.
Hãy lùi lại vài bước,
Sẽ thấy đất rộng dần.

36
Cơm của kẻ bất nghĩa,
Thà chết đói, không ăn.
Thà chết rét không mặc
Áo của kẻ bất nhân.

Nguyễn Trãi dạy như thế,
Không sai một tẹo nào.
Người xưa là thế đấy.
Người nay thì thế nào?

37
Giản dị là tột đỉnh
Của nghệ thuật, thơ văn.
Nó cũng là tính cách
Của các bậc vĩ nhân.

Người vĩ đại thực sự
Luôn giản dị, tự nhiên.
Cư xử rất thoải mái.
Nhìn cái là biết liền.

Tốt đẹp và cao thượng,
Sống giản dị ở đời
Tưởng dễ mà rất khó
Với rất, rất nhiều người.

38
Giết ruồi muỗi là mật.
Lời nịnh giết đàn bà.
Đàn ông chết vì gái.
Còn bố mẹ, ông bà

Thường chết vì con cái.
Những đứa con của mình,
Ích kỷ và bất hiếu,
Vì tiền mà quên tình.

39
Ta không biết điều ác
Ta gây ra với người
Theo ta như hình bóng
Cho đến hết cuộc đời.

Và theo luạt nhân quả,
Điều ác này của ta
Sẽ bắt phải trả giá.
Không ta thì người nhà.

40
Không biết thì nói thật
Cái không biết của mình.
Sao cứ phải xấu hổ
Và tìm cách chối quanh?

Người trung thực, tự trọng
Không dấu dốt bao giờ.
Không biết thì họ hỏi,
Không chơi trò giả vờ.

41
Người đam mê vật chất,
Thích trai gái, thích ăn,
Thường là người yếu đuối
Và bạc nhược tinh thần.

42
Nhiều người ta tưởng tốt
Vì nhẹ nhàng, ít lời.
Thực ra họ nhu nhược
Cam chịu và thích lười.

43
Người thực sự cầu thị
Thích sống theo châm ngôn.
Người tầm thường, lười nghĩ
Thích sưu tập châm ngôn.

44
Buôn bán, khi thua lỗ,
Người ta thích kêu ca.
Lãi thì sướng âm ỉ,
Đóng cửa, vui trong nhà.

45
Khi một việc nào đó
Được giải thích dài dòng.
Thì hãy tin người nói
Có gì giấu trong lòng.

46
Ở đời luôn vẫn vậy:
Nhiều người nghĩ giống nhau
Thường không bằng một ít,
Nhưng biết nghĩ khác nhau.

Nước nào mà lãnh đạo
Là giai cấp công nông,
Thì nước ấy vạn kiếp
Không thoát khỏi cánh đồng,

47
Không quan trọng người khác
Nghĩ về bạn thế nào.
Quan trọng là bạn nghĩ
Bạn là người thế nào.

48
Muốn có cuộc sống đẹp,
Rực rỡ như cầu vồng,
Bạn cần có ánh nắng
Và một chút mưa dông.

49
Thuốc đặc trị, hiệu nghiệm
Chữa nỗi buồn cuộc đời
Và giảm bớt căng thẳng
Luôn luôn là nụ cười.

50
Khi gặp kẻ địch mạnh,
Tôn Tử có châm ngôn
Là Tẩu Vi Thượng Sách.
Nôm na là nên chuồn.

51
Người phải thuận theo đất.
Đất phải thuận theo trời.
Trời phải thuận theo Đạo.
Đạo phải hợp lòng người.

Trang Tử dạy như thế
Hàng nghìn năm trước đây.
Một lời dạy chí lý,
Vẫn đúng tận hôm nay.

52
Mừng vui thì có hạn.
Đau đớn là vô cùng.
Đó là một sự thật
Mà ta phải sống chung.

Vì nói gì thì nói,
Cuộc đời của chúng ta
Quả thật vui thì ít,
Mà nhiều nỗi xót xa.

53
Trong giao tiếp phải nhớ:
Thứ nhất sợ anh hùng,
Thứ hai sợ những kẻ
Nghèo đói và điên khùng.

Nghèo, không gì để mất,
Nguy hiểm hạng người này.
Vậy bắt chước Tôn Tử
Mà cao chạy xa bay.

54
Nhà thơ bẩn, tóc rối
Tưởng thơ mình nhất đời.
Con trai lười thường nghĩ
Mình lãng mạn hơn người.

55
Chính nhờ biết cách nói
Nên những người thông minh
Luôn biết cách im lặng,
Không tự đề cao mình.

56
Có điều hay để nhớ
Là rất tốt, tuy nhiên,
Còn tốt hơn là lúc
Không có gì cần quên.

57
Thực ra thì bạo lực
Là biểu hiện cuối cùng
Của tính cách hèn nhát,
Yếu đuối và điên khùng.

59
Để có được tất cả,
Ta hy sinh chính mình.
Nhưng khi có tất cả,
Ta cố tìm lại mình.

60
Cuộc đời luôn vẫn vậy:
Nó lấy đi bao nhiêu,
Sẽ bù lại chừng ấy.
Có khi còn bù nhiều.

Nhưng vấn đề ở chỗ
Ta có chịu nhọc lòng
Để tìm kiếm những cái
Đời trả ơn hay không.

61
Thứ nhất sợ anh hùng.
Thứ hai sợ cố cùng.
Nếu có quyền được chọn,
Hãy chọn sợ cố cùng.

62
Tha thứ cho ai đó
Có thể là dễ dàng.
Nhưng tin lại người ấy
Thì rất không dễ dàng.

63
Người bản lĩnh, tài giỏi
Làm được cái gì hay
Không cần ai biết đến
Để ghi nhận điều này.

64
Hai đặc điểm dễ thấy
Ở những người vô minh.
Một - là mất bình tĩnh.
Hai - mâu thuẫn với mình.

65
Cả trong việc nhỏ nhặt
Cũng phải làm hết mình.
Thành công và sức mạnh
Đều từ đó mà thành.

66
Cuộc sống không cho bạn
Những gì bạn ước mơ.
Nhưng cho bạn lựa chọn
Và thực hiện ước mơ.

67
Khi một người bất hạnh
Mà làm cho người này
Không cảm thấy bất hạnh,
Anh là thánh, là thầy.

68
Vấn đề là ở chỗ
Bạn không biết làm gì
Khi có nhiều lựa chọn.
Thời gian cứ trôi đi.

Cho đến lúc bất chợt
Bạn biết cái cần làm,
Thì đã hết lựa chọn.
Mà làm vẫn phải làm.

69
Ta biết nhà lắm chuột
Chỉ khi không có mèo.
Khi gạo hết, tiền hết,
Ta mới thấm cái nghèo.

70
Thực ra người nghèo nhất
Không phải người không tiền,
Mà người không mơ ước
Cố gắng để vươn lên.

71
Nhiều sự thật chua xót
Rất khó nói với người.
Tự mình phải chấp nhận
Đôi khi khó gấp mười.

72
Có thể kéo ai đấy
Thoát lên từ đất bùn.
Không thể kéo đất bùn
Bên trong con người ấy.

73
Khi tự mắng mình ngốc
Hay cười diễu chính mình,
Ta lớn thêm một chút,
Thêm một chút thông minh.

74
Có gì thì vui ấy.
Đừng phí công kêu ca.
Nó làm mệt người khác
Và cũng làm mệt ta.

75
Chọn được mục đích sống,
Vì gì và vì ai,
Là điều kiện tiên quyết
Để hạnh phúc lâu dài.

76
Thực ra điều quan trọng
Không phải bạn là ai,
Mà việc bạn sống
Và làm việc bên ai.

77
Thích - khi trên facebook
Có nhiều người like ta.
Chưa hẳn thích - đời thực
Có nhiều người like ta.

78
Trước khi có facebook
Ta sống cuộc đời thường.
Sau khi có facebook
Ta mất cuộc đời thường.

79
Cuốn sách hay trên giá
Quay lưng với chúng ta.
Nhưng ta vẫn thấy nó
Là bạn tốt trong nhà.

80
Để khóc, cuộc đời có
Cả một trăm lý do.
Nhưng để cười, ta có
Cả một nghìn lý do.

81
Đến một lúc nào đó
Bạn sẽ thôi thở dài
Lo nghĩ về việc bạn
Sau này sẽ là ai.

Thay vào đó, duy nhất
Bạn chỉ muốn rằng mình
Được sống một cuộc sống
Của mình và do mình.

82
Khi bạn cười vui vẻ,
Mọi người sẽ cười theo.
Nhưng khi buồn, bạn khóc,
Thường ít người khóc theo.

83
Niềm an ủi lớn nhất
Cho những người không may
Là trên đời còn có
Rất nhiều người không may.

84
Sẽ luôn có đủ chỗ
Cho mọi cái trong đời,
Với điều kiện mỗi cái
Đặt đúng chỗ, đúng người.

85
A man of pleasure
Is a man of woes.
Tức người ham khoái lạc
Phải chịu nhiều đớn đau.

86
Ta có thể thay đổi
Số phận cuộc đời mình
Đơn giản chỉ bằng cách
Thay đổi thái độ mình.

87
Cùng cười với người khác
Là niềm vui ở đời.
Nhưng sẽ là bất hạnh
Nếu bị người khác cười.

88
Sẽ không có bế tắc
Dẫn đến chuyện đau buồn,
Nếu ta đủ dũng cảm
Từ bỏ các lối mòn.

89
Khi bạn bè thân thiết
Khen bạn đang trẻ ra,
Thì điều ấy có nghĩa
Rằng bạn bắt đầu già.

90
Phản khác là nền tảng
Của dân chủ, tự do.
Nô lệ là những kẻ
Ngoan ngoãn như trâu bò.

91
Cái gì đó để mất
Mà không biết đã mất
Thì cái ấy thực ra
Đang còn và chưa mất.

92
Không chỉ chịu trách nhiệm
Với lời nói của ta.
Ta còn chịu trách nhiệm
Với lời chưa nói ra.

93
Để có được những cái
Mà chúng ta rất cần,
Trước hết phải học sống
Thiếu những cái rất cần.

94
Tự gọi mình thận trọng
Thường là kẻ yếu hèn.
Và gọi mình tiết kiệm
Là kẻ sợ tiêu tiền.

95
Chúng ta không nhất thiết
Phải tài giỏi ở đời.
Nhưng chúng ta nhất thiết
Phải khác với mọi người.

96
Luôn vẫn thế, rất khó
Bắt những người nhiều tiền
Quan tâm và thông cảm
Với người không có tiền.

97
Cái duy nhất còn lại
Khi chúng ta qua đời
Là những cái khi sống
Ta đã trao cho đời.

98
Một người mà kết bạn
Với tất cả mọi người,
Thì người ấy không có
Người bạn nào trên đời.

Tương tự, ai dễ dãi
Khen tất cả mọi người,
Thì người ấy thực chất
Không khen ai trên đòi.

99
Không sống mới đáng sợ,
Chứ chết chẳng là gì.
Ngồi nghỉ là một chuyện.
Chuyện khác là không đi.

100
Không có gì đáng giá
Để bạn đọc tin yêu
Ở những người cầm bút
Đọc ít mà viết nhiều.


BENJAMIN FRANKLIN
Một trong những nhà lập quốc Mỹ

*
Đừng nghĩ mình quan trọng.
Thực ra sống ở đời
Ai cũng là quan trọng.
Vâng, tất cả mọi người.

Đó là một sự thật.
Nhưng đừng quên điều này:
Cả khi thiếu ai đó,
Trái đất vẫn cứ quay.

*
Một người rất có thể
Tự tin vào chính mình.
Nhưng không được tự mãn
Rằng không ai bằng mình.

Một người rất có thể
Sống lâu, khỏe, tuy nhiên,
Đừng nghĩ mình bất tử,
Càng không phải thánh hiền.

Bản thân sự khiêm tốn,
Biết người và biết mình
Là biếu hiện cao quí
Một nhân cách trưởng thành.

*
Có một cậu bé nọ
Sống trong nhà đông người.
Bàn ăn lớn, mỗi bữa
Thường không dưới mười người.

Một hôm cậu tinh nghịch,
Thầm nghĩ ra một trò -
Tự mình trốn vào tủ
Để mọi người phải lo.

Thế mà lạ, hôm ấy
Mọi người ăn bình thường,
Không nhận thấy thiếu cậu,
Người họ vẫn yêu thương.

Khi mọi người đi hết,
Bụng đói, đã quá trưa,
Cậu chui ra, buồn bã
Ăn những gì còn thừa.

Và nghĩ: Đừng ngu ngốc
Nghĩ mình hơn mọi người.
Vừa thiệt, vừa phải đói,
Lại còn bị chê cười.

*
Là “Cha đẻ nước Mỹ”,
Benjamin Franklin,
Thời trẻ cũng hãnh tiến,
Huyễn hoặc và tự tin.

Một hôm, cậu đến gặp
Một “tiền bối” cao niên.
Cậu bước đi hùng dũng.
Khi leo lên bậc hiên,

Đáng lẽ phải cúi xuống,
Thì cậu lại ngẩng đầu,
Nên va phải khung cửa,
Rồi xuýt xoa vì đau.

Vị chủ nhà, “tiền bối”,
Thấy thế bèn mỉm cười.
“Đó là bài học tốt
Cho anh trong đường đời.”

Một người càng bản lĩnh,
Trải qua nhiều khổ đau,
Là người biết cần thiết,
Đôi khi nên cúi đầu.

*
Một con ruồi láu lỉnh
Bám trên lưng lạc đà.
Nhờ thế, rất thoải mái
Vượt sa mạc bao la.

“Chào, cảm ơn anh bạn
Đã cho tôi đi nhờ.
Anh vừa làm việc tốt
Mà chính anh không ngờ.”

Lạc đà đáp: “Anh bạn
Lén bám trên lưng tôi
Đã là việc không tốt,
Còn cảm ơn, mà rồi

Đừng nghĩ mình quan trọng.
Vừa xấu xí hình hài,
Vừa nhỏ bé và nhẹ.
Anh tưởng mình là ai?”


WASHINGTON, TỔNG THỐNG
ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC MỸ

Một sáng nọ, trời rét.
Đất nước đang chiến tranh.
Washington rời trại,
Làm một chuyến vi hành.

Trong bộ áo choàng kín
Nhàu nát và bình thường,
Không ai biết rằng đó
Là tư lệnh tiền phương.

Đến một trận địa nọ,
Giữa cái rét thấu xương,
Ông thấy một tốp lính
Đang đắp một đoạn đường.

Tốp lính làm vất vả,
Trong khi viên chỉ huy
Cứ luôn miệng thúc dục,
Nhưng mình chẳng làm gì.

Thấy thế, ông xắn áo,
Làm với đám quân nhân.
Viên chỉ huy vẫn thế,
Hai tay đút túi quần.

Đến giờ nghỉ, hút thuốc,
Ông hỏi viên chỉ huy:
“Sao anh luôn miệng dục
Mà không chịu làm gì?”

Anh kia liền ưỡn ngực:
“Vì sao tôi phải làm?
Tôi là một hạ sĩ.
Chỉ huy chứ không làm.

Anh thích thì cứ việc,
Dẫu anh là người ngoài.
Không cần thiết, không hỏi.
Mà rồi, anh là ai?”

Ông cởi chiếc áo khoác
Lấm bẩn và bình thường.
“Tôi quân hàm trung tướng.
Tổng tư lệnh chiến trường.

Điều ấy không quan trọng.
Sau có việc, cần gì.
Xin cứ gọi tôi giúp,
Thưa hạ sĩ chỉ huy.”


HỌC CÚI ĐẦU

Cúi đầu cũng cần lắm.
Có hai dạng cúi đầu.
Cúi đầu để nhẫn nhục.
Luồn cúi để mưu cầu.

Cúi đầu dạng thứ nhất
Là thấu hiểu nhân sinh,
Đánh giá đúng hoàn cảnh,
Biết người và biết mình.

Người không phải là thánh,
Cũng có lúc sai lầm.
Cúi đầu là một cách
Ghi nhận mình sai lầm.

Điều ấy không có nghĩa
Cam phận hoặc thấp hèn.
Mà là một dạng nghỉ
Để lấy đà vươn lên.

Thanh niên trẻ hãnh tiến,
Mà thường là ngu lâu,
Hơn ai hết phải học
Cách khiêm tốn cúi đầu.


CÒN HƠN CẢ PHONG THỦY
Năm điều răn của Khổng Tử

Một - Anh làm điều ác,
Hại người để làm giàu,
Thì phong thủy tốt mấy
Cũng chẳng đi đến đâu.

Anh hãm hại người khác,
Người khác hãm hại anh.
Người bất nhân không thọ.
Của bất chính không lành.

Hai - Không lo hiếu thảo
Và phụng dưỡng mẹ cha,
Thì con cái vô phúc,
Nhà không còn là nhà.

Thiếu tôn ti trật tự,
Phong thủy cũng bằng không.
Nhà nào con bất hiếu,
Giàu có cũng bằng không.

Ba - Tương tự, kẻ xấu
Mà cầm quyền quốc gia,
Thì cái Thiện, cái Đẹp
Thua cái Ác xấu xa.

Đất nước vẫn lụn bại
Dẫu phong thủy tốt lành,
Khi kẻ sĩ im lặng,
Kẻ ngu dốt lộng hành.

Bốn - Văn hóa, tập tục
Là nền tảng vững bền.
Văn hóa mạnh, nước mạnh.
Văn hóa hèn, nước hèn.

Trẻ con biết học hỏi.
Biết làm gương - người già,
Là phong thủy tốt nhất
Cho mỗi một quốc gia.

Năm - Cái hay, cái tốt
Mỗi nước, mỗi gia đình
Không nằm ở phong thủy,
Mà ở bản thân mình.

Cả khi phong thủy xấu,
Người đức độ, hiền tài
Vẫn làm nên nghiệp lớn
Và thành đạt lâu dài.


NHÂN QUẢ

Cuối thế kỷ mười chín
Ở Scôt-len, nước Anh,
Có bác nông dân nọ
Chăm chỉ và hiền lành.

Một hôm, đang làm ruộng,
Bỗng có người kêu to.
Thì ra một cậu bé
Đang chới với giữa hồ.

Bác nhảy xuống cứu cậu.
Một việc làm thường tình.
Rồi thản nhiên quay lại
Với công việc của mình.

Hôm sau, vừa đúng lúc
Trở về từ cánh đồng,
Có chiếc xe tam mã
Dừng trước cửa nhà ông.

Đó là bố cậu bé
Được bác cứu dưới hồ.
Một quí tộc giàu có,
Cũng là một quan to.

Sau mấy lời cảm tạ,
Nhà quí tộc hỏi ông:
“Tôi muốn giúp đỡ bác.
Bác có cần gì không?”

“Suốt đời tôi làm ruộng.
Vất vả nhưng đủ ăn.
Giờ tạm thời sống ổn.
Cảm ơn, tôi không cần.

Mà rồi cái chuyện ấy,
Chuyện cứu con trai ngài,
Bình thường và nghĩa vụ
Đối với bất kỳ ai”.

Giữa lúc ông quí tộc
Chẳng biết phải làm sao,
Thì có một cậu bé
Khoảng mười tuổi, bước vào.

“Đây là con trai bác?”
“Vâng, tất nhiên, con tôi.
Nó thông minh, chịu khó.
Một  thằng bé không tồi”.

Ông quí tộc hỏi nó:
“Lớn lên cháu muốn gì?
Chắc cháu có dự định.
Vậy cho bác biết đi.”

Cậu bé khiêm tốn đáp:
“Là con nhà nông dân,
Thì cháu, cũng như bố,
Làm ruộng để kiếm ăn.”

“Không lẽ cháu không có
Mong ước lớn hơn sao?”
“Nhưng nhà cháu nghèo thế
Còn biết làm thế nào?”

“Tốt, nhưng nếu cháu có
Một chiếc đũa thần kỳ,
Muốn ước gì được ấy.
Vậy cháu sẽ ước gì?”

“Cháu muốn được đi học,
Học thật giỏi, và rồi
Thành một bác sĩ giỏi
Chữa bệnh cho mọi người”.

Liền quay sang người bố,
Ông quí tộc nói ngay:
“Thưa bác, tôi xin có
Một đề nghị thế này:

Bác cho tôi chu cấp
Việc con bác học hành,
Như tôi đã và sẽ
Lo cho con trai mình”.

Bác nông dân đồng ý.
Chẳng còn gì tốt hơn.
Và rồi con trai bác
Được gửi đến London.

Học ở trường tốt nhất,
Trường y Saint - Marie.
Cậu học rất chăm chỉ,
Đứng đầu các kỳ thi.

Nhờ hoài bão to lớn,
Tận tụy và nhiệt tình,
Cậu trở thành bác sĩ
Alexander Fleming.

Người được cả thế giới
Mang ơn và tôn vinh
Năm Một Chín Hai Bảy,
Chế ra thuốc kháng sinh.

Nó - đặc trị diệt khuẩn,
Một loại thuốc diệu kỳ,
Một bước ngoặt vĩ đại
Trong ngành dược, ngành y.

Vài năm sau, cậu bé
Suýt chết đuối dưới hồ
Mắc bệnh viêm phổi nặng,
Lên cơn sốt và ho.

May nhờ loại thuốc mới,
Thuốc pénicilline,
Cậu nhanh chóng khỏi bệnh.
Cậu - Winston Churchill.

Cậu, nhiều năm sau đó
Thành con người lừng danh,
Một nhân vật vĩ đại,
Là thủ tướng nước Anh.

Họ, một người bác sĩ.
Một người chính trị gia,
Thành đôi bạn thân thiết
Cho đến tận tuổi già.

*
Lại thêm một thí dụ
Về nhân quả ở đời,
Về quan hệ tương hỗ
Giữa người sống với người.


LƯỠNG QUỐC THƯỢNG THƯ

Tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh
Đời vua Lê Thánh Tông
Làm Thượng Thư bộ Lễ,
Uyên bác và chí công.

Giữa thế kỷ mười sáu
Ông đi sứ nhà Minh,
Khiến thiên triều nể phục,
Vẻ vang cho nước mình.

Có rất nhiều giai thoại
Liên quan chuyến đi này.
Nhưng được nhắc nhiều nhất
Là giai thoại dưới đây.

Trong buổi lễ long trọng
Khi yết kiến vua Minh,
Chiếc áo ông đang mặc,
Cố tình hoặc vô tình,

Đã quên không cài cúc,
Lộ cái bụng nần nần.
Vua Minh thấy, tức giận,
Khép vào tội khi quân.

Nguyễn Sư Mạnh quỳ đáp:
Bẩm, đi sứ đường xa,
Mà bụng thần đầy chữ
Của thánh hiền Trung Hoa,

Nên sợ chữ mốc ẩm,
Thần phanh áo ra phơi.
Xin bệ hạ đại xá.
Vua Minh nghe, liền cười

Và tò mò muốn thử
“Bụng chữ” ấy thế nào.
Bèn bảo Nguyễn Sư Mạnh:
“Thư Lâu ta, tiếc sao,

Mất cuốn Thiên Vi Chính
Của Khổng Tử Nho Gia.
Ngươi khoe ngươi nhiều chữ,
Vậy chép lại cho ta.

Chép lại theo trí nhớ
Toàn bộ cuốn sách này.
Nếu không, sẽ xử trảm.
Thời hạn - ba mươi ngày”.

Sứ Nam Nguyễn Sư Mạnh
Đã vui vẻ nhận lời.
Hai lăm ngày sau đó
Ông chơi đàn, dạo chơi.

Vua Minh thấy, sốt ruột,
Lén cho người nhắc ông.
Ông đáp: “Vài ngày nữa,
Yên tâm, tôi chép xong”.

Đúng ngày thứ hăm chín
Ông trình lên vua Minh
Cuốn sách Thiên Vi Chính,
Viết theo trí nhớ mình.

Vua Minh xem phục lắm,
Nhưng muốn bắt bẻ ông:
“Ngươi viết thừa dấu chấm
Trên một chữ, chữ Công!”

Sứ Nam cúi đầu đáp:
“Nếu quả thần viết thừa,
Thì bản gốc thượng quốc
Chắc chắn cũng viết thừa”.

Vua sai đem bản gốc
So sánh thấy chữ Công
Quả thừa một dấu chấm
Như bản chép của ông.

Vua rất đỗi thán phục,
Thưởng vàng bạc, lụa là
Rồi xuống chiếu phong tặng
Làm “Thượng Thư Trung Hoa”.

Sau đó Nguyễn Sư Mạnh,
Chức Lưỡng Quốc Thượng Thư,
Vua Lê gả công chúa,
Phong Vinh Lộc Đại Phu.

Ông sống rất thanh bạch,
Nổi tiếng hay thương người.
Chết, thọ tám hai tuổi,
Để tiếng tốt cho đời.


ĐIỀU ĐƠN GIẢN

Có một điều đơn giản
Mà nhiều bậc mẹ cha
Nhất định không chịu hiểu
Khi dạy con - đó là

Dạy chữ rất quan trọng.
Nhưng quan trọng gấp mười
Là dạy con cách sống
Để tự lập trong đời.

Dạy con tập lao động.
Tập đi đứng đàng hoàng.
Nói gì phải làm ấy.
Không chọn việc dễ dàng.

Dạy con khó không nản,
Biết nhường nhịn mọi người.
Việc cần làm, nhất thiết
Phải làm ngay, không lười.

Dạy cả cách ăn uống.
Phải đúng giờ, ngồi yên.
Dạy biết yêu cây cỏ.
Dạy cả cách tiêu tiền.

Đại khái là những việc
Rất đời thường hàng ngày.
Dạy con, bố và mẹ
Phải gương mẫu điều này.

Học giỏi mấy cũng vứt
Nếu con cái chúng ta
Lớn lên thành ích kỷ,
Lười biếng và bê tha.

Vứt nốt cả tiền bạc.
Vì quan trọng ở đời
Là con cái thực sự
Sống đúng nghĩa con người.


ĐIỀU BẤT NGỜ

Cuộc đời ta đang sống
Luôn có nhiều bất ngờ.
Và bất ngờ lớn nhất
Trong mọi cái bất ngờ

Là làm ta đau nhất
Lại thường chính là người
Được ta luôn yêu quí
Và tin tưởng nhất đời.


HÃY NHỚ

Các bác trẻ hãy nhớ:
Có thể lừa được người.
Nhưng xưa nay chưa có
Người nào lừa được trời.

Lắm kẻ làm điều ác
Vẫn yên tâm ngủ say,
Không biết thần Số Phận
Biết rất rõ điều này

Và ghi chép tỉ mỉ
Vào cuốn sách Thiên Tào.
Không cần nói cũng biết
Kiếp sau họ thế nào.

Mọi cái có nhân quả.
Ở lành thì gặp lành.
Ở ác thì gặp ác.
Tất cả đều do mình.

Không ai thoát được nó.
Vấn đề là thời gian.
Ai nhận phần người ấy.
Điều đó khỏi phải bàn.

Đọc và chiêm nghiệm Phật,
Tôi rất tin, hôm nay
Thương thì mách các bác
Phải luôn nhớ điều này.

Không thì mời, cứ việc
Sống ác và lừa đời.
Xin nhắc lại: Chưa có
Người nào lừa được trời.

Mỗi việc làm, dù nhỏ,
Các bác làm hôm nay
Sẽ để lại hậu quả
Cho số phận sau này.


LẠI KHUYÊN CÁC BÁC TRẺ

Lại khuyên các bác trẻ:
Ai đó xúc phạm mình,
Hãy cố giữ bình tĩnh,
Không nổi trận lôi đình.

Hãy hít sâu, nhắm mắt
Khoảng ba đến năm giây.
Buông lỏng người, sau đó
Thong thả nghĩ thế này:

Thực ra thì người ấy
Đang khổ sở hơn mình.
Bị cơn giận kiềm chế,
Rơi vào vòng vô minh.

Vậy thì không đáng trách.
Chửi mắng lại càng không.
Tốt nhất nên im lặng,
Kèm theo chút cảm thông.

*
Sự thật là thế đấy.
Các bác cứ thử xem.
Tôi đứng ra bảo đảm
Mọi việc sẽ ấm êm.

Biết nhường nhịn người khác
Không phải hạ thấp mình,
Mà đó là dấu hiệu
Các bác đã trưởng thành.


BA CÁI ĐỪNG

Ở đời có ba cái
Nhắc lại cũng không thừa:
Đừng tin tưởng nhiều quá
Để khỏi người ta lừa.

Để không bị bắt nạt
Thì đừng quá hiền lành.
Đừng ngu quá để tránh
Người ta lợi dụng mình.


TỰ NHIÊN BỨC XÚC

Thanh niên bướng, bảo thủ
Là vì như thế này.
Vì đầu óc non nớt
Mà từ lâu đã đầy

Thói cố chấp, hiếu thắng,
Các định kiến - thường sai.
Nên quả không còn chỗ
Cho ý kiến người ngoài.

Chúng tưởng mình là nhất.
Bố mẹ là cái đinh.
Người khác còn đinh nữa.
Duy nhất đúng là mình.

Thanh niên giờ thế đấy,
Vừa bướng vừa ngu lâu.
Ông khuyên: Khôn thì sớm
Mà xua ra khỏi đầu

Cái tưởng mình nhất ấy
Để cái đầu chúng mày
Còn chỗ để tiếp nhận
Những lời đúng và hay.

Biết nhận mình sai trái
Là dấu hiệu trưởng thành.
Còn bướng, còn bảo thủ,
Thì quên đi cho lành.

PS
Đọc xong, chắc nhiều bác
Thấy đúng lời khuyên này.
Xin cá mười ăn một -
Các bác sẽ quên ngay.

Và đó cũng là cách
Các bác đọc châm ngôn.
Nên thơ đọc cả rổ
Mà mãi chẳng thấy khôn.

Là vì các bác đọc
Để biết rồi cho qua.
Mà không chịu chiêm nghiêm
Và suy nghĩ sâu xa.

Cho đến khi điều ấy
Chạm đáy tâm thức mình
Để các bác giác ngộ
Và thoát vòng vô minh.

Đó là bệnh lớt phớt
Của thanh niên ngày nay.
Bệnh nặng lắm rồi đấy.
Hãy nhớ châm ngôn này.


CÓ CHUYỆN BUỒN, NÓI VỚI MỤ VỢ

Cứ thanh thản mà sống.
Buồn lo mà làm gì.
Cái phải đến sẽ đến.
Cái phải đi sẽ đi.

Chưa chắc cái ta sợ,
Chưa chắc cái ta mong
Thực sự là đáng sợ
Và thực sự đáng mong.

Vậy đừng lo, đừng sợ.
Đừng bận tâm, là vì
Cái phải đến sẽ đến.
Cái phải đi sẽ đi.

Đây không phải yếm thế.
Mê tín lại càng không.
Mà ta tuân theo luật
Của vũ trụ mênh mông.

No comments:

Post a Comment