Truyện ngắn. Thái Bá Tân.
Một hôm có ông bạn thân mang đến cuốn sách, dí tận tay tôi
rồi nói như ra lệnh:
“Đọc đi! Chủ nhật ra quán bia ta nói chuyện.”
Ông này chẳng liên quan gì đến văn chương nhưng ham đọc,
một đại tá về hưu tính bộc trực và có phần bỗ bã. Nhưng ông tốt bụng, lại cùng
quê Nghệ An, gặp nhau quá thường xuyên ở cùng một quán bia nên chúng tôi thân
nhau.
Đó là cuốn “Người
Trung Quốc xấu xí” của nhà văn Đài Loan Bá Dương, một Việt Kiều Pháp dịch
và xuất bản ở Pari cách đây mấy năm. Kể ra gọi “Những cái xấu của người Hoa” thì đúng hơn. Có thể lỗi ở người dịch,
cũng có thể tác giả cố tình dùng từ ấy.
Cuốn sách khá độc đáo, hấp dẫn và đáng suy ngẫm. Theo Bá
Dương thì Trung Quốc là một dân tộc vĩ đại, có nhiều cái hay, cái tốt được người
ta nói mãi rồi nên nhắc thêm nữa là chối và vô duyên. Việc cần làm bây giờ là
thử phân tích những cái xấu để rút bài học hòng tấn tới. Mà cái xấu của người
Hoa thì ông ta kể ra nhiều lắm, nào nói to, ở bẩn, mất lịch sự, nào tự cao
không phải lối, nhẫn nhục đến nhu nhược, mất đoàn kết, ghen tị, thù ghét lẫn
nhau, vân vân và vân vân. Thậm chí tác giả còn ví cả nền văn hóa năm nghìn năm
của đất nước Trung Hoa vĩ đại là cái hũ tương, nơi mọi thứ bị đè nén, tù túng
và thối rữa. Tất nhiên đây là lối nói phúng dụ, những người không hiểu dễ xửng
cồ thóa mạ người viết. Dẫu không là người Trung Hoa nhưng tôi đọc cũng thấy có
gì không ổn. Nghe nói trước đây ở ta từng có người định viết về cái xấu dân tộc
mình. Không hiểu ý định đó tiến hành đến đâu, nếu đã tiến hành, và những cái
xấu của người Việt Nam được họ nêu lên là gì.
“Ông phải viết một cuốn như thế. Cuốn “Người Việt xấu xí”. Ông bạn tôi hùng hổ
nói dằn từng tiếng khi chúng tôi gặp nhau bên cốc bia. “Đã có cuốn Người Mỹ xấu
xí, Người Nhật xấu xí, Người Hoa xấu xí, bây giờ đến lượt ông - Người Việt xấu
xí”.
“Tôi không thấy người Việt ta xấu xí”, tôi đáp.
“Ông có thấy nhưng giả vờ không thấy, hoặc ông quá tốt không
muốn thấy. Cả hai trường hợp đều xấu như nhau.”
“Ông thực sự muốn tôi viết cái gì đấy chửi lại dân tộc
mình ư?”
“Không phải chửi mà như ông Bá Dương nói, để chỉ người
khác thấy mình còn nhiều cái xấu. Những cái xấu ấy là gì thì ông biết rõ hơn
tôi. Chứ suốt ngày nghe đài báo khoe lúc nào mình cũng anh hùng, dũng cảm, sáng
tạo, cần cù, đoàn kết, thương yêu nhau thì thật tởm. Thật ngượng. Một người
tốt, một dân tộc tốt và thực sự tài giỏi không bao giờ tự khoe như thế”.
“Mọi người vẫn biết rõ cái xấu của mình,” tôi đáp. “Có
điều không nói ra đấy thôi. Không cần. Như tôi và ông không nhất thiết phải
khoe mình bị ghẻ. Tốt hơn nên lẳng lặng bôi thuốc cho chóng khỏi, và hãy cố dấu
chừng nào có thể.”
“Nói chuyện với ông chán bỏ mẹ!”
Ông đặt mạnh cốc bia xuống bàn, tranh tôi trả tiền rồi hậm
hực bỏ đi.
Có nhà văn cho rằng miêu tả cái xấu cũng là cách ca ngợi
cái tốt. Có thể. Nhưng tôi thì nghĩ cuộc đời vốn dĩ đã quá nhiều cái xấu, mà
cái xấu thì dễ nhận thấy, dễ làm nản lòng, do vậy nhà văn phải chỉ người khác
thấy những cái tốt, có thể rất nhỏ và bị che lấp bởi cuộc sống đời thường bon
chen, dung tục. Cuốn “Người Trung Quốc
xấu xí” quả có làm tôi suy nghĩ, nhưng tuyệt nhiên không khiến tôi có ý
định bắt chước ông Bá Dương làm điều tương tự. Thậm chí tôi thấy làm thế là
phạm thượng và ít nhiều vô liêm sỉ.
*
Khoảng một tuần sau, ông người quen lại đến tìm tôi, vẻ
mặt rất nghiêm túc. Ông nói trơn tru một mạch không ngừng, chắc đã chuẩn bị sẵn
từ trước:
“Tôi thấy cái ông Bá Dương kia hoàn toàn đúng khi ví nền
văn hóa năm nghìn năm của nước ông là cái hũ tương. Còn của ta, bốn nghìn năm, nếu
quả đúng bốn nghìn năm, thì là cái hũ nhỏ hơn một chút, thối hơn một chút, chứa
một chút tương Trung Quốc, một chút cái gì đó của ta, của Tây, thành thứ hổ lốn
mà suốt ngày hôm nay tôi cố tìm tên gọi mãi chưa được. Ta cứ tạm gọi là hũ mắm
tôm, món đặc sản dân tộc. Tất nhiên dân tộc nào cũng có cái tốt, Việt Nam lại
càng nhiều, nhưng giờ không phải lúc nói chuyện ấy. Người ta nói mãi rồi. Cái
cần nói bây giờ là bắt chước ông nhà văn Đài Loan kia một lần tự ngẫm lại mình
xem còn điều gì chưa được. Có nói quá đi một tí cũng chẳng sao. Tự khen mình quá
đáng mới nguy hiểm. Như tôi và ông luôn tự diễu dân Nghệ An “cá gỗ”, “vắt cổ
chày ra nước” có sao đâu? Có vì thế mà bị trách là không yêu quê hương đâu, nếu
không muốn nói ngược lại? Về đại thể, tôi thấy dân Việt ta có đủ những thói xấu
ông Bá Dương đã nói về đồng bào mình. Nói gì thì trong sách đã ghi rõ. Cái xấu
của ta thậm chí còn ở mức tồi tệ hơn, vì chúng ta vốn là dân nhược tiểu. Nhược
tiểu mà còn muốn làm cha bố người khác! Tôi nghĩ kỹ rồi, và thấy nó thế này. Ta
chỉ nói phét chứ thực sự xưa nay không làm được điều gì ra hồn. Không một nhà
tư tưởng ra hồn, không một trường phái triết học ra hồn, không một công trình
kiến trúc ra hồn kiểu Angco Vat, Angco Thom hay Chùa Vàng ở Miến Điện. Không
một tác phẩm văn học nào ra hồn, trừ Truyện Kiều, mà suy cho cùng cũng chỉ là
bản phổ thơ lục bát một tích Tàu. Hội họa cổ là con số không. Thậm chí không có
cả một điệu múa nào có thể coi là đặc trưng thuần túy dân tộc. Chữ viết tự mình
nghĩ ra cũng không nốt, lúc đầu phải nhờ anh Tàu, rồi sau nhờ mấy cha truyền
đạo Phương Tây. Mà một khi không tự sáng tạo được gì thì ta nhập. Người Nhật nhập
cái ngoại lai để biến nó thành của mình, nâng nó lên tầm cao hơn, ta thì tất cả
đều biến thành cái bóng mờ mờ và nhiều khi chỉ để làm khổ mình. Ta nhập Nho
Giáo để trói buộc dân ta trong một mớ rối rắm các nguyên tắc đạo lý hà khắc. Ta
nhập chế độ quan trường để biến những người có học thành nô lệ của chức quan
nhỏ và chút bổng lộc đi kèm. Ta nhập nguyên xi chính sách cải cách ruộng đất
của anh Tàu Cộng sản để con chửi cha, anh tố em và hàng vạn người tử tế bị giết
hại oan uổng. Trước đó ta nhập chủ nghĩa Cộng sản của mấy ông tây xa lơ xa lắc
chẳng phù hợp tẹo nào với đất nước nông nghiệp lạc hậu của chúng ta. Giờ mấy
ông tây ấy hết thời, nước các ông từ bỏ thứ chủ nghĩa kỳ cục ấy từ lâu rồi, thế
mà ta, như ông biết, vẫn khư khư ôm lấy nó dù chẳng ai bắt, dù ai cũng biết làm
thế là tự trói tay chân mình. Nay thì ta nhập văn hóa đại chúng của thằng Mỹ để
làm hỏng trẻ con ta. Chính cái thói ưa nhập ấy đã biến dân Việt chúng ta thành
những người lười suy nghĩ, không biết suy nghĩ và cũng không dám suy nghĩ, nên
cứ cam chịu mãi trong cái hũ mắm của mình...”
“Ông có nói quá không đấy?” tôi ngắt lời.
“Tất nhiên có nói quá. Bất kỳ người nào nếu muốn đều có
thể bác lại và qui cho tôi đủ tội tày đình. Họ cũng có lý của họ. Nhưng tôi đâu
phải Việt gian, phản động? Thì đã bảo nói quá cũng chẳng sao mà. Chưa ai chết vì
biết tự chê mình. Ông không thấy tôi nói có phần đúng sao?”
“Còn xem đã. Nhưng nếu đúng thì theo ông ta phải làm gì?”
“Còn làm gì nữa? Đập ngay cái hũ mắm kia để giải phóng tư
tưởng khỏi những ước lệ cổ hủ, khỏi cảm giác tự ti hèn kém cố hữu. Để tự mình nghĩ
ra được cái gì đấy của riêng mình, thật sự tốt đẹp và hợp với bản sắc dân tộc.
Nước ta không hiếm những bộ óc sáng láng, nhất định sẽ làm được điều đó!”
“Thứ nhất, không có cái hũ mắm ấy để đập vỡ như ông nói”,
tôi đáp. “Thứ hai, nếu quả là chiếc hũ như ông nói, thì ít ra nó cũng chứa đựng
cả lịch sử hàng nghìn năm chống ngoại xâm oanh liệt không ai phủ nhận được”.
“Đúng, không ai phủ nhận cái lịch sử oanh liệt ấy. Nhưng
cũng đừng quá tự hào về nó. Tôi đại tá
đây, suýt phong anh hùng đây, cả đống huân chương trên ngực đây mà chẳng coi
mình ra cái thá gì. Bất hạnh là dân tộc nào phải đánh nhau quá nhiều và có quá
nhiều anh hùng! Cứ như nước khác hàng trăm năm không ai đánh, không đánh ai là
tốt nhất. Thế mới có thời gian tập trung vào những việc khác cần làm.”
Thấy sẽ bất tiện nếu cứ tiếp tục câu chuyện theo kiểu này,
tôi cố lái sang đề tài khác nhưng không được. Ông còn say sưa, vâng, một sự say
sưa thái quá, kể ra hàng loạt những cái xấu khác của người Việt. Tôi chỉ biết
ngồi im lắng nghe, thầm ngạc nhiên sao ông có sự say sưa, hằn học thái quá ấy
khi nói tới những điều ấy. Cứ như có lý do sâu xa nào đó.
“Ông chính là một người Việt xấu xí, một khi có thế thóa
mạ đồng bào mình như vậy!” cuối cùng tôi lên tiếng.
“Vâng. Tôi đúng là một người như vậy. Một người Việt xấu xí.
Xấu nhất trong tất cả những người Việt xấu xí! Thủ phạm và là nạn nhân của những
cái xấu tôi vừa nói. Tôi là một tên khốn nạn được ca ngợi, được tâng lên thành
anh hùng... Xin lỗi, suýt thành anh hùng”.
Nói đoạn ông cúi đầu. Và khóc không thành tiếng.
*
Tối hôm ấy ở nhà ông, tôi mới hiểu hết lý do thực sự mọi
chuyện. Tự ông kể mà không cần căn vặn.
Những năm cải cách ruộng đất, khi còn là
cậu thiếu niên hăm hở đi theo cách mạng, chính ông đã khai ra chỗ giấu lúa của
ông bác, khiến ông này bị qui địa chủ và xử bắn. Ông còn mách cán bộ đội cải
cách rằng bố mẹ ông bóc lột tá điền, may người ta chiếu cố ông là “cán bộ nòng
cốt phong trào” nên tha chết cho ông bà. Rồi cơn sóng gió cũng qua ông bị bố
đánh một trận thừa sống thiếu chết và đuổi ra khỏi nhà. Ông gia nhập thiếu sinh
quân, ra bắc tham gia các trận đánh lớn ở đó, kể cả trận Điện Biên Phủ, và
chẳng dám quay lại quê cũ. Cả khi nghe tin bố mẹ chết, ông cũng chờ chôn cất
xong mới dám về. Về một ngày rồi vội vã ra đi như bị ma đuổi.
Hà
Nội, 2003
No comments:
Post a Comment