Truyện ngắn. Thái Bá Tân
Các nhà
nhân chủng học theo thuyết tiến hóa Darwin sẽ thất vọng lắm khi nhìn thấy hắn,
bằng chứng hùng hồn phủ nhận niềm tin và uy tín của họ, vì cứ theo hắn mà xét
thì dứt khoát con người không phải có gốc gác từ vượn, mà là từ rắn. Đúng thế,
mọi cái ở hắn đều khiến người ta liên tưởng tới loài bò sát chẳng được mấy ưa
thích này, từ dáng người dài đuỗn uốn éo đến đôi mắt ti hí, lớp da bóng nhẫy,
cái miệng nhọn nhô ra ươn ướt giống hệt miệng rắn, rắn độc chứ không phải loại
bình thường. Hắn giống rắn cả về bản chất: nhanh nhẹn, xảo trá, độc ác và tính
ăn cắp. Ở làng này rắn là thủ phạm chủ yếu làm nhiều ổ trứng gà vơi đi một cách
bí ẩn khiến hàng xóm nghi kỵ lẫn nhau. Còn hắn thì từ lâu đã bị người ta nhẵn
mặt dè chừng vì thói trộm gà vịt và nhiều thứ vặt vãnh khác, chủ yếu để có tiền
thỏa mãn nhu cầu rượu. Hắn nghiện rượu nặng, đến mức nhiều khi đứng không nổi,
khiến người ta nghĩ giá hắn nằm xuống mà bò như rắn chắc sẽ nhanh và dễ dàng
hơn.
Một hôm,
trong tình trạng say bí tỉ nửa đi nửa bò như thế, hắn vật vưỡng từ quán lão
Chột ở chợ Mới về làng. Lúc ấy trời chưa khuya nhưng vì không trăng sao nên khá
tối. Xung quanh không còn nhà nào thắp đèn, không cả tiếng chó sủa, là điều hơi
lạ ở cái vùng nuôi nhiều chó này. Khát quá, hắn ghé vào một nhà, tu nước ừng ực
từ chiếc vại lớn ngoài sân. Chắc con chó nhà này có biết nhưng không sủa, có
thể vì cho rằng chẳng bõ công sủa một thằng như hắn. Cũng có thể vì nó sợ.
Đi tiếp
quãng nữa, hắn thấy có ánh đèn. Chính ánh điện tù mù nằm sâu đâu đó sau bụi cây
đã làm đầu óc đen tối của hắn sáng lên đôi chút, đến mức đủ để hiểu rằng đó là
chùa Hạnh Hoa, hay chùa Làng, chùa Ông Bồm, tùy theo người gọi. Còn vì sao lại
gọi thế cũng như chùa này thờ ai và có từ bao giờ thì quả ít người biết, kể cả
ông sư trụ trì nghễnh ngãng. Ánh đèn cũng làm hắn lờ mờ nhớ rằng đã mấy hôm
liền hắn không có đồng nào trả tiền rượu cho lão Chột, và hình như lão có gợi ý
hắn vào chùa Ông Bồm xem có gì cuỗm được không. Đó là một ý tưởng nhảm nhí, thứ
nhất vì trong chùa có gì đáng giá thì đã bị lấy cắp từ lâu, không đến lượt hắn;
thứ hai vì hắn vốn mê tín, sợ ma, sợ thánh thần và các nhân vật linh thiêng
khác mà hắn chỉ có thể hình dung lơ mơ trong đầu óc mông muội tội nghiệp của
hắn. Chỉ vì lí do này thôi mà hắn chưa bao giờ động đến cái gì của nhà chùa,
thậm chí cả mấy con gà của ông sư, một người hắn chẳng xem ra gì.
Hắn khật
khưỡng bước đi, đi đâu không cần biết, vì thế nào cuối cùng cũng tới nơi hắn
phải đến, là nhà hắn. Hắn cũng có nhà như ai. Một căn nhà gạch hai gian không
kể bếp. Trước kia hắn từng có vợ và một đứa con trai mà hắn thường gọi là “con
đĩ” và “thằng ăn hại”. Nhưng từ lâu rồi “con đĩ” đã đưa đứa con “ăn hại” ấy
sang làng Hạ ở với bố mẹ đẻ, để hắn ở lại sống một mình bằng hai sào ruộng
khoán, cộng khoản thu nhập từ nghề ăn cắp, ăn trộm, nếu có thể gọi đó là nghề.
Đến cổng
chùa, không hiểu sao hắn đứng khựng lại. Lời gợi ý ăn trộm nhà chùa của lão
Chột lần nữa lởn vởn trong đầu. “Có đ. gì mà lấy!” - hắn lẩm bẩm. Thế mà chỉ
mấy phút sau hắn đã lọt vào sân chùa, khéo léo hệt như rắn và không gây một
tiếng động nào. Có thể vì lần này say hơn bình thường, cũng có thể vì sợ lão
Chột ngày mai không cho uống chịu, tự lúc nào hắn đã quyết định làm cái điều mà
những lúc khác do mê tín chắc sẽ không làm. Hắn nghe người ta nói chùa này
thiêng lắm, khối thằng ăn trộm hoặc văng lời báng bổ lăn đùng ra chết, sùi cả
bọt mép. “Bốc phét! Sao những đứa lấy trộm tượng và sắc chỉ nhà chùa bán cho
bọn buôn đồ cổ ở thành phố vẫn không hề gì? Chúng sống nhăn ra đấy. Sống sướng
nữa là khác. Làm đếch gì có thần linh, ma quỷ!” Hắn nghĩ, hài lòng với sự táo
bạo mới mẻ của mình. Đầu hắn còn nặng vì rượu, nhưng theo bản năng nghề nghiệp,
tay chân và các động tác của hắn thì hết sức tỉnh táo và nhanh nhẹn. Hắn khéo
léo gỡ một thanh cửa rồi chui hẳn vào trong chùa. Ông sư ngủ ở gian xép phía
sau không hay biết gì.
Trong chùa
tối nhờ nhờ với hai ngọn đèn điện hình quả nhót quét sơn đỏ và mấy que hương
đang leo lét cháy, đủ sáng để hắn thấy trên bàn thờ có chiếc lư đồng loại nhỏ
và đôi giá nến. “Vứt đi cũng được mấy chục nghìn! - hắn mừng thầm. - Đủ gán nợ cho
lão Chột và đòi thêm vài xị.” Hắn dẫm bàn chân lấm bùn lên cuốn sách kinh để mở
bên chiếc mõ gỗ trên bục, nhanh nhẹn túm lấy chiếc lư và đôi giá nến, giấu vào
áo rồi tính bài chuồn. Hắn chẳng cần gì thêm, vả lại cũng chẳng còn gì đáng
giá. Từ trên cao, một ông Phật lớn và mấy ông bà bé hơn thản nhiên nhìn hắn
không nói gì. “Con cảm ơn các cụ. Đ. m. các cụ nhé. Chào!” hắn nói thành tiếng
mà không sợ làm ông sư già tỉnh dậy. Các ông Phật vẫn điềm nhiên như không.
Đúng là hiền như Phật.
Vừa bước
được mấy bước, chưa ra tới cửa, đầu hắn bỗng va phải cái gì rất cứng. Hắn ngước
nhìn lên. Thì ra đó là một trong hai ông võ tướng của nhà chùa. Khuỷu tay đứng
chống nạnh của ông làm hắn bươu trán. “Đ. m. cái thằng này. Mắt mày để đâu hả?”
- hắn quát bức tượng khổng lồ, cáu tiết giơ chân đá mạnh một cái rồi suýt xoa
ôm chân kêu lên vì đau, may chiếc lư đồng không rơi xuống đất. Hắn tức lắm, hầm
hầm đứng dậy nhìn kẻ thù.
Trong ánh
sáng vàng vọt của ngôi chùa, ông tướng trông càng giống thật và đáng sợ. Có lẽ
ông phải cao gấp rưỡi hắn, còn bề ngang thì gấp nhiều lần vì hắn vốn nhỏ thó.
Hai mắt ông trợn ngược, bôi sơn xanh, đôi môi dày màu đỏ mím chặt, tay phải cầm
chiếc đao sáng ngời trong tư thế của người sẵn sàng giao chiến. Dẫu sờn rách
đôi chỗ, nhưng bộ quần áo, đôi ủng, chiếc mũ và những lá cờ nheo ông giắt sau
lưng chắc phải gây ấn tượng mạnh với người khác và cả với hắn lúc không say.
Nhưng lúc này đang say, lại bị đau nên hắn không sợ mà còn thấy buồn cười.
Ông tướng
hình như đang tức giận. Cứ nhìn nét mặt ông thì biết. Đôi mày rậm vốn đã xếch
bây giờ càng xếch hơn vì ông cúi xuống nhìn hắn, tròng mắt trắng dã. “Đất thó
chứ cái con b. gì mà cũng làm ra vẻ! - hắn rít qua kẽ răng, đầu và chân vẫn còn
đau. - Tao đập vỡ mặt bây giờ!” Hắn giơ chiếc lư đồng lên định đập vào mặt ông
thật, nhưng kịp dừng lại vì sợ hỏng vật mới ăn trộm được và cả vì sợ gây tiếng
động ông sư sẽ dậy. Ông tướng vẫn đứng trơ thách thức, trông còn giận dữ hơn
trước. Hắn vội vớ mấy que hương cháy dở bên cạnh, chọc vào hai mắt ông. “Cho
mày hết nhìn đểu ông nhé! Hết nhìn đểu nhé! Đồ đất thó! Đồ cục cứt!” - hắn lảm
nhảm như thằng điên rồi thích thú ngắm nhìn kết quả việc làm láo lếu của mình.
Hai mắt ông tướng bây giờ đen nhẻm trông thật buồn cười. Và hắn phá lên cười.
Hắn cười rất lâu, cười đến chảy cả nước mắt.
Bỗng nhiên
hắn im bặt, hoảng sợ bước giật lùi, mắt nhìn như dán vào pho tượng khổng lồ.
Hắn thấy đôi mắt ông khẽ chớp chớp, rồi cái tay chống nạnh làm hắn va đầu vào
lúc nãy từ từ giơ lên dụi mắt. Hắn cũng đưa tay dụi mắt xem có phải mình say,
nhìn nhầm không. Không. Bức tượng khẽ rùng mình, hơi ưỡn vai, vặn người, chắc
vì mệt mỏi trong thế đứng bất động bao lâu nay. Rồi ông từ từ nhấc chân trái -
hắn thấy rõ từng động tác một của ông, vì lúc ấy hắn sợ quá chỉ biết đứng há
hốc mồm mà nhìn. Khi một chân ông rời khỏi bục chạm đất thì cánh tay phải bắt
đầu giơ lên cùng chiếc đao to bản sáng loáng. Bản năng sinh tồn mách hắn bỏ
chay, và hắn đã bỏ chạy. Chiếc lư đồng và đôi giá nến bị vứt xuống nền gạch men
kêu đánh choang.
Như con
rắn, hắn lách qua cửa chùa không mấy khó khăn rồi cắm cổ chạy thục mạng. Được
một quãng khá xa, hắn dừng lại nghỉ lấy hơi thì bỗng nghe từ phía sau có tiếng
chân nặng nề bước từng bước một đều đặn đang đến gần. Hắn lại chạy, cố chạy
thật nhanh nhưng thật lạ, tiếng bước chân nặng nề có vẻ như rất chậm kia vẫn
mỗi lúc một gần thêm. Đêm trời tối, nhưng hắn hình dung thấy rất rõ ông tướng
khổng lồ đáng sợ ấy đang cầm đại đao đuổi theo. Hắn muốn gọi to kêu cứu mà
không kêu nổi. Cổ hắn tắc nghẹn vì sợ và vì hụt hơi. Trong khi đó, tiếng bước
chân nặng nề cứ tiến lại gần hơn, gần hơn nữa, mỗi lần dẫm xuống, đất lại vang
lên một tiếng thịch làm hắn nghẹt thở như bị dẫm lên tim. Hắn cứ chạy, chạy
mãi, không một lần dám ngoái cổ lại. Cuối cùng thì hắn cũng phải dừng lại vì
trước mặt là sông Cấm nằm chắn ngang. Đang có thủy triều nên nước sông dâng
cao, bàng bạc một màu rờn rợn trong đêm tối. Không hiểu sao hắn lại chạy về
phía này chứ không về phía làng, nơi biết đâu người ta có thể cứu được hắn. Hắn
ngồi phệt xuống bờ sông ẩm uớt. Chiếc quần cộc ướt đẫm do hắn sợ vãi đái từ lúc
nào. Rồi từ xa hắn nhìn thấy một khối lớn lù lù tiến lại. Hắn khẽ kêu lên một
tiếng rồi đưa hai tay ôm mặt...
*
Sáng hôm
sau người ta thấy hắn nằm chết còng queo bên bờ sông Cấm, đầu bị đập nát bét,
hai bên phình ra như má một con rắn khổng lồ. Có người bảo hắn bị bánh xe tải
hạng nặng hoặc búa cần cẩu làm giập đầu. Đó chỉ là những giả thuyết nhảm nhí,
vì các phương tiện to lớn ấy không thể đến đây được mà chẳng để lại tí dấu vết
nào. Có người cho rằng hắn bị bọn cướp tra tấn bằng cách dùng chiếc kẹp lớn kẹp
chặt đầu như dân Kẻ Vạn kẹp cá thửng khi nướng. Xem ra cách giải thích này cũng
chẳng mấy thuyết phục vì hắn không thuộc đối tượng của bọn cướp dã man, vả lại
chúng chẳng có lí do gì để hành hạ hắn cách ấy.
Khi đại
diện nhà chức trách tới hiện trường vụ án (người ta cho đây là vụ án giết
người), thì thật lạ lùng, chẳng ai thấy xác hắn đâu. Có thể xác hắn rơi xuống
sông và đã bị nước cuốn đi.
Cả hai làng
Thượng và Hạ sôi nổi hẳn lên suốt mấy ngày vì vụ này. Công an huyện cử người
xuống điều tra rất kỹ nhưng cuối cùng đành lắc đầu ra về mà không đưa ra được
một kết luận khả dĩ nào. Rồi chuyện cũng lắng xuống, và cái vùng nông thôn buồn
tẻ này quay trở lại với cuộc sống hàng ngày buồn tẻ vốn có của mình. Các ngày
mồng một và ngày rằm, dân làng Thượng vẫn đều đặn vào lễ ở chùa Làng. Mọi việc
vẫn bình thường và không ai, kể cả ông sư trụ trì, phát hiện thấy chiếc lư đồng
bị đặt chệch vị trí cũ mấy ly, còn trên đôi hài ông hộ pháp bên trái chính điện
có mấy vết đỏ như vết máu khô. Cũng có thể là vết nước trầu, vì các bà già làng
này chưa bỏ được thói quen nhai trầu bõm bẽm rồi bạ đâu nhổ đấy. Tóm lại, một
thời gian sau chẳng còn ai nhớ đến thằng trộm có hình người giống rắn ấy. Đơn
giản vì hắn không xứng đáng được nhớ lâu. Khối người còn mừng vì cuối cùng
thoát được hắn. Hắn chết thế là đáng đời. Câu chuyện về hắn đến đây coi như
chấm hết.
Vậy mà thực
tế lại không như người ta tưởng. Số là khoảng một tháng sau đó, trong làng đã
xảy ra một loạt những chuyện rất đáng ngờ. Trước hết là chuyện lão Chột bỗng
dưng mất nốt con mắt còn lại. Theo lời lão kể, những lời được người ta cho là
nhảm nhí của một lão già điên, thì một đêm nọ lão đang ngủ bỗng bị Thần Rắn
(sau này lão cải chính lại là Người Rắn) đến dùng lưỡi, cái lưỡi dài và nhọn
của rắn, mổ mù nốt mắt kia. Đúng là chuyện nhảm nhí. Hơn thế, lão còn thề là
hình như lão thấy Người Rắn có vẻ quen quen, cái mùi cũng quen quen như mùi rượu
lậu lão vẫn bán. “Tôi thấy hình như Ngài thích rượu, vì trước khi Ngài bước đi
hay bò đi tôi không dám nói chắc vì tôi mù, tôi nghe tiếng ai đó lấy chai rượu
ngon giấu dưới gầm bàn, mở nút lá chuối khô rồi tu ừng ực. Thề có trời đất, tôi
nói thật đấy. Tôi mù nhưng mũi tôi thính lắm, đặc biệt những gì liên quan đến
rượu...”
Tiếp đến là
chuyện xảy ra với chùa Làng, còn kì lạ và đáng ngạc nhiên hơn. Mấy đêm liền ông
sư nghe có tiếng động lạ như trộm lẻn vào chùa (không hiểu sao vốn nghễnh ngãng
nặng mà bây giờ ông già thính tai đến thế). Ông báo với dân quân làng. Họ đến
và hết sức kinh ngạc khi thấy những đồ vật nhà chùa bị ăn cắp trước kia bỗng
nhiên quay trở lại đúng vị trí cũ của chúng, gồm một bức tượng nhỏ bằng gỗ bị
sứt ngón tay út, ba lọ sứ cổ không biết có từ đời nào, và cuối cùng là tấm sắc
phong vua Gia Long ban cho nhà chùa đựng trong ống tre ngà. Vì sắc phong viết
bằng chữ nho, thứ chữ trong làng không ai biết đọc, nên người ta chẳng hiểu nó
nói gì.
Trong làng,
người ta bắt đầu thì thầm về sự xuất hiện của một Người Rắn bí ẩn, na ná giống
Người Rắn lão Chột kể và bị mọi người cười vào mũi. Ngài hay xuất hiện những
đêm trời mưa phùn, trong cái dáng nửa đi nửa bò, trông thật buồn cười mà cũng
thật đáng sợ. Người thấy thì bỏ chạy hoặc kêu rú lên. Chó thấy chỉ rên ư ử chứ
chẳng dám sủa. Người ta những tưởng tai họa sắp sửa đổ xuống đầu dân làng,
nhưng thấp thỏm chờ mãi mà chẳng thấy chuyện gì xảy ra. Mụ Lới, một người đàn
bà nổi tiếng bạo mồm và chua ngoa, thề độc đã nhìn thấy Ngài lúc mụ ra vườn đi
đái gần sáng hôm qua. Ngài rẽ vào sân nhà mụ uống nước rồi lặng lẽ đi ra, chẳng
hề làm hại mụ một sợi tóc nhỏ. Biết tính mụ, không ai cãi lại hoặc tỏ ý nghi
ngờ. Một số người khác cũng nói họ đã “tận mắt nhìn thấy Ngài” trong nhiều
trường hợp khác nhau. Lạ một điều là trong làng không ai kêu bị mất trộm, cả
những thứ nhỏ nhặt nhất.
Thế là
người ta kết luận Người Rắn là thần Thiện chứ không phải thần ác, và do vậy,
Ngài đáng có một chỗ riêng thờ cúng ở chùa Làng, nhỏ thôi, lại tít trong góc
vườn, nhưng luôn được hương khói tử tế. Có người rụt rè nêu ý kiến phải chăng
Người Rắn chính là gã ăn trộm nát rượu nọ. Ý kiến này ngay lập tức bị bác bỏ
bởi tính phi lí của nó. Thằng kia chỉ biết có mỗi việc là ăn trộm của người
khác, sao có thể ví với Ngài? Chả gì thì từ khi Ngài xuất hiện, việc trộm cắp
trong làng giảm hẳn và cứ đà này chẳng bao lâu nữa tệ nạn ấy sẽ biến mất. Còn
chuyện trộm chùa Làng thì khỏi lo, vì ở đó luôn có Người Rắn bảo vệ.
*
Câu chuyện
này tôi được một người quen vốn gốc dân làng Thượng kể lại. Ông cho biết chính
ông cũng nhìn thấy Người Rắn một lần, lại còn cam đoan như đinh đóng cột rằng
nếu tôi rỗi về thăm quê ông thì chắc chắn sẽ được nhìn thấy Ngài. Tôi hứa sẽ có
ngày sẽ về, nhưng không phải để gặp Người Rắn, vì đơn giản tôi cho đó là chuyện
tầm phào. Cùng dân Diễn Châu với nhau nên tôi biết. ở quê tôi người ta phịa đủ
chuyện kì cục mà mặt cứ thản nhiên như thật, khiến người nghe chẳng biết nên
tin hay không. Tuy vậy tôi và ông bạn cùng quê cũng nhất trí được với nhau một
điểm. Đó là, trong bất kì trường hợp nào, người ta cũng không nên và không được
phép đùa với thần linh, ma quỷ.
Hà Nội, 5. 5. 2002
No comments:
Post a Comment