Saturday, April 4, 2015

NGƯỜI LẠC QUAN



Truyện ngắn. Thái Bá Tân

          Một tối nọ như thường lệ, xem xong chương trình thời sự bảy giờ, ông thong thả dạo bộ dọc phố Nguyễn Văn Cừ về phía quán cà phê Trung Nguyên mới mở đầu cầu Chương Dương, là nơi ông thường ngồi rất lâu, vừa nhấm nháp tách cà phê nóng, vừa hút thuốc. Kể cũng lạ, quán đông khách, lại trên một phố lớn nhiều xe qua lại, thế mà ở đây ông thấy thanh thản hơn, dù ở nhà ông có một phòng làm việc riêng đủ tiện nghi và chẳng bị ai quấy rầy. Hơn thế, ngồi ở đây, dù chẳng tập trung suy nghĩ điều gì, không ít khi trong đầu chợt xuất hiện những ý tưởng độc đáo sau đó được ông phát triển thành một truyện ngắn. Đã nhiều lần như thế, thành ra ông quen, thậm chí còn tin, như một dạng mê tín mào đó. 

          Ông là nhà văn chuyên nghiệp, nghĩa là suốt đời chỉ phải làm mỗi việc là viết. Trước ăn lương nhà nước để viết, bây giờ về hưu thì viết nhờ tiền lương hưu và nhuận bút. Không nhiều, nhưng vẫn là khoản thu nhập đáng kể. Người ta coi ông thuộc loại người may mắn và thành đạt. Suốt những năm chiến tranh ác liệt ông du học nước ngoài, về nước công tác ngay trong cơ quan Hội nhà văn. Việc công việc tư, kể cả cuộc sống vật chất, đều suôn sẻ, tưởng như không thể tốt hơn được. Ít va chạm, ít bi kịch, ít từng trải, mà cũng chẳng có đam mê gì lớn, ngoài việc được yên ổn để sáng tác, trong giới, ông có vẻ lạc lõng, hiểu biết văn học, văn hóa phương Tây nhiều hơn Việt Nam. Như cách sống, văn ông chỉn chu, nghiêm túc (có người nhận xét như văn học trò) với câu văn đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ và chấm phẩy. Có cảm giác ông sống bằng sách vở và âm nhạc cổ điển nhiều hơn thực tế cuộc sống đang diễn ra xung quanh, phức tạp và đôi khi phũ phàng. Đó là điều không mấy thuận lợi đối với người cầm bút muốn phản ánh cuộc sống hiện đại. Thế mà ông viết được, viết nhiều, và công bằng mà nói, không phải không có những tác phẩm gây xúc động.
Người ta không thích ông nhưng đồng thời cũng yêu ông vì sự trái khuáy ấy, đặc biệt vì sự hồn nhiên trong sáng (có người bảo giả vờ) trong cách ông nhìn nhận cuộc đời. Ông không biết nói dối, là người dễ xúc động và ai nói gì cũng tin, nhiều khi đến mức buồn cười. Ông là một trong số ít người có thể sống và viết mà chẳng mấy quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình. Ông biết như thế chưa hẳn đã hay nhưng con người ông là vậy, có muốn cũng chẳng thay đổi được.
          Tối hôm ấy khi đến quán cà phê, không hiểu sao ông đổi ý, đi tiếp tới chân cầu rồi rẽ trái theo con đường bờ đê về hướng Bát Tràng.
Mới đầu tháng Mười nhưng trời đã chớm lạnh, lại có sương mù. Gió thổi mạnh từ phía sông Hồng đang trải dài trước mặt. Ông ngồi xuống một phiến đá phẳng sát chân đê rồi lơ đãng nhìn vô vàn những chấm đèn đủ màu nhập nhòe trong lớp sương mù của thành phố bên kia sông. Ông kéo cao cổ áo, khoan khoái châm thuốc hút. Những ý nghĩ rời rạc quanh quẩn trong đầu, chủ yếu yêu đời và hạnh phúc, cũng lâng lâng và không rõ nét như chính tâm trạng ông lúc này. Ông mừng vì đất nước đã đổi thay, không còn cảnh chiến tranh, đói ăn, thiếu thốn như trước. Quan trọng hơn cả là ông thấy cuộc đời thật đẹp và đáng sống.
Ông ngồi bâng quơ suy nghĩ như thế rất lâu. Đêm đã khuya. Cảnh vật xung quanh thật yên tĩnh, ngoại trừ chốc chốc một chiếc xe máy hay ô tô phóng qua, kéo theo những vệt sáng màu vàng và tiếng động cơ chói tai lạc lõng. Nhưng ông không lấy thế làm khó chịu.
          Bỗng trong bụi cây rậm rạp bên cạnh có tiếng gì sột soạt, tiếp đến là tiếng trẻ khóc. Ông giật mình, chăm chú lắng nghe. Đứa trẻ, qua giọng, ông đoán còn nhỏ, im một chốc rồi lại khóc, lần này to và lâu hơn. Sau đấy có tiếng phụ nữ cố dỗ nó nín và nói gì đó ông không nghe rõ. Đứa bé vẫn khóc.
          - Ai ở dưới ấy? - ông hỏi, húng hắng ho. Không có tiếng trả lời. - Ai đấy? Ai làm gì dưới đấy? - Ông cao giọng hỏi tiếp.
          - Cháu đây ạ, - cuối cùng có tiếng phụ nữ đáp lại.
          Ông bật lửa, vạch lá cây bước xuống. Trong ánh sáng tù mù của ngọn lửa nhỏ ông thấy một người mẹ trẻ đang ôm con nằm còng queo trên chiếc bao tải nhựa dưới bụi cây cách nơi ông ngồi chỉ mấy bước mà từ nãy đến giờ ông không biết. Thấy ông, người kia vội ngồi dậy, đôi mắt mở to, đờ đẫn và ngơ ngác.
          - Sao cô lại ở đây?  - Ông phải nhắc to hai lần câu hỏi ấy, cô ta mới cúi đầu khẽ đáp, giọng lí nhí:
          - Vì cháu chẳng còn nơi nào nữa...
          - Có chuyện gì với đứa bé vậy?          
- Nó sốt, từ chiều qua. Cũng vì nó đói. Hai mẹ con cháu không có gì ăn đã hơn một ngày rồi.
          Đứa bé khoảng hai, ba tuổi, không hiểu con trai hay con gái, đang oặt oẹo trên tay mẹ, một cô gái chắc chỉ ngoài hai mươi một chút, nét mặt gầy nhưng thanh tú. Ông sờ tay thấy trán đứa bé nóng bừng. Hình như nó lả đi, chẳng còn đủ sức để khóc. Ông định bảo sao không đưa nó vào bệnh viện, nhưng chợt nhận thấy hỏi thế là thừa nên lại thôi.
          - Cô đi theo tôi. Nào, đi! - Ông suy nghĩ một chốc rồi nói như ra lệnh. Cô gái ngơ ngác ngước nhìn, vẻ ngờ vực. - Đi, cô cứ đi theo tôi! Không thể để thế này được. Nào, đứng dậy. Đừng sợ. - Rồi ông nắm tay cô ta, kéo đi. Chiếc bật lửa hết ga phụt tắt. Hai người dò dẫm bước lên mặt đê.
          Vốn thương người và dễ xúc động, ông cuống lên, vội vã đưa hai mẹ con cô gái vào một trong nhiều nhà nghỉ cạnh đó. Ông xin gặp chủ nhà nghỉ.
          - Đây là mẹ con một người cơ nhỡ ngẫu nhiên tôi gặp ngoài đê. Đứa bé đang sốt nặng. Ông cho tôi thuê một phòng để họ ở tạm. Trả tiền trước.
          Với sự tháo vát, nhanh nhạy khác thường, ông quay sang đưa tiền cho cô lễ tân nhờ chạy ra phố mua giùm một bát phở và một bát cháo gà. Trong khi cô kia vừa ăn vừa bón cháo cho đứa bé, ông gọi điện thoại cho ông bạn bác sĩ nào đó, quát to vào máy, bảo phải đến ngay cùng đồ nghề và các thứ thuốc cần thiết, "mọi chuyện sẽ giải thích sau".
Do yêu mến và biết tính bạn, ông bác sĩ chưa đầy nửa giờ sau đã phóng xe tới. Họ đưa hai mẹ con lên phòng. Ông bác sĩ đo nhiệt độ, tiêm thuốc cho đứa bé rồi quay sang hai người đang lo lắng đứng bên:
          - Ổn rồi. Một cơn sốt bình thường. May được chữa kịp thời, để lâu chút nữa có thể nguy hiểm. Mai sẽ khỏi.
          Lúc ấy là mười một giờ rưỡi. Đứa bé đã ngủ yên. Hai ông bạn già ra về, hẹn sáng hôm sau quay lại xem tình hình thế nào và nói chuyện thêm. Trước khi rời nhà nghỉ ông nhà văn đưa thêm tiền cho cô lễ tân để ngày mai cô mua thức ăn về phòng cho cô gái kia, không quên nhắc hướng dẫn cô cách tắm rửa, vệ sinh. Qua bề ngoài ông đoán cô ta không phải người thành phố.
          - Ông lạ thật đấy, - ông bác sĩ nói khi hai người chia tay nhau. - Đã biết cô ta là ai mà cuống lên thế. Không khéo chỉ là con điếm hay con ăn cắp. Thời bây giờ chẳng biết đâu mà lường. Ông cứ như người trên mây...
          - Con điếm hay con ăn cắp thì không là người sao, và không cần phải giúp đỡ?
Ông kia đuối lý chẳng biết đáp lại thế nào.
          - Thú thật, tôi không ngờ bây giờ còn có người khổ thế. Để mai tôi hỏi xem vì sao đến nông nỗi này.
          - Còn tôi thì luôn lấy làm lạ làm sao một người như ông có thể viết văn được. Đành rằng viết văn là phịa, nhưng phịa cũng phải trên cơ sở thực tế. Đằng này ông chẳng hiểu gì về cuộc sống .
          - Cảm ơn ông đã giúp đỡ. Chuyện ấy ta nói sau. Tôi chẳng mù như ông tưởng đâu. Có điều mỗi người nhìn nhận cuộc sống theo một cách, và đừng nên áp đặt cách của mình lên người khác. Khối anh nhà văn cũng vì cái "thực tế cuộc sống" ấy mà văn toàn một màu xám xịt, thô tục, đọc mà khiếp.

                                                               *
          Hôm sau, hai ông bạn già đến nhà nghỉ từ sáng sớm. Ông nhà văn mua cho hai mẹ con cô gái mỗi người một bộ quần áo mới. Đứa bé đã hạ sốt, đang chơi quanh quẩn trong phòng.      Mẹ nó cũng tươi tỉnh trở lại do được ăn no và tắm rửa sạch sẽ, nhưng đôi mắt vẫn còn vẻ ngơ ngác sợ hãi.
Họ hỏi chuyện và được biết cô quê ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bất chấp lời khuyên can của gia đình, lấy phải thằng chồng vừa nát rượu, vừa máu mê cờ bạc. Khi không còn đồng nào cho hắn moi nữa, hắn thẳng tay đuổi cô ra khỏi nhà. Xấu hổ chẳng dám quay về nhà bố mẹ, cô ôm con ra Hà Nội, nơi cô không có người quen thân nào và chưa bao giờ đặt chân tới. Cô không hình dung nổi sẽ kiếm sống ở đây ra sao, nhưng chẳng còn nơi nào khác, đành cứ nhắm mắt liều đi. Suốt cả tháng vừa rồi cô kiếm ăn bằng cách lúc đi xin, lúc bới rác. Mấy lần định đứng đường bắt khách nhưng vì có con nhỏ nên không thành. Lúc đầu cô ngủ dưới gầm cầu, sau bảo vệ cầu đuổi, phải chui vào bụi cây kia.
Tóm lại, đó là một câu chuyện buồn mà người ta thường được nghe từ các cô gái nhà quê ra tỉnh. Nhưng với ông nhà văn "ít thực tế" kia thì nó thực sự gây chấn động ghê gớm. Chốc chốc ông lại xuýt xoa chen vào "Đến thế cơ à? Trời, đến thế cơ à?" Không phải vì đây là lần đầu ông được biết những trường hợp tương tự, chỉ tại tính ông nó vậy. Ông không muốn tin, không muốn nghe và không muốn chấp nhận nó.
          - Bây giờ cô định thế nào ? - ông bác sĩ hỏi.
          - Cháu chẳng biết, - cô gái đáp, hai mắt rưng rưng.
          - Cô phải về nhà! Về quê ngay! - ông nhà văn sôi nổi nói.
          - Không. Nó đánh cháu chết mất. Cháu sợ.
          - Vậy thì về nhà bố mẹ. Chẳng việc gì phải xấu hổ.
          - Không. Không được. Các bác không hiểu gia đình, bố mẹ cháu. Chết, cháu cũng chẳng quay về đâu.
          Hai ông già ngồi im, lúng túng chẳng biết nói gì thêm.
          - Nhưng ở lại Hà Nội kiểu này cũng không được, - cuối cùng một ông thở dài nói.
          - Cảm ơn hai bác đã giúp đỡ mẹ con cháu. Chúng cháu chẳng dám phiền hai bác thêm nữa, - cô gái nói. - Hôm nay cháu sẽ đi khỏi đây. Cháu sẽ tự xoay xở.
          - Không, - ông nhà văn cương quyết nói. - Cô không thể ở lại Hà Nội. Để chúng tôi nghĩ xem có cách nào giúp được không. Bây giờ cô cứ ở đây, ở nhà nghỉ này đã. Không đi đâu hết. Vả lại, thằng bé còn chưa khỏi hẳn. Nghỉ ngơi đi. Chiều chúng tôi quay lại.
          Rồi ông kéo ông bạn bác sĩ ra quán cà phê Trung Nguyên.
          - Không lẽ không còn cách nào nữa à? - ông hỏi.
          - Tôi nghĩ là không. Chúng ta đã làm những gì có thể làm.
          - Nghe nói ông có căn hộ bỏ không. Hay cho mẹ con cô ấy về đấy ở tạm?
          - Ông khéo đùa. Để người ta nghĩ tôi có vợ bé à? Bà lão nhà tôi chịu cho chắc? Mà rồi giả sử cho cô ta ở đấy, rồi sau thì sao? Tôi và ông sẽ nuôi báo cô suốt đời à?
          - Ừ, gay nhỉ, nhưng dẫu sao cũng phải làm cái gì đấy để giúp người ta.
          - Tôi thì chịu thôi. Trừ phi ai đó đau ốm ông cần tôi giúp đỡ. - Ông bác sĩ đáp rồi đứng dậy chia tay bạn ra về.
          Ông nhà văn ngồi lại, gọi thêm hai tách cà phê nữa, cố vắt óc tìm ra "cái gì đấy" mà không tìm được. Như không muốn tin và thừa nhận sự thật phũ phàng, ông cũng không muốn tin và thừa nhận sự bất lực của mình trước nỗi bất hạnh của người khác. Thậm chí ông còn nghĩ đến việc thuyết phục vợ cho đưa mẹ con cô kia về sống tại nhà ông một thời gian, nhưng rồi chính ông cũng tự lắc đầu cảm thấy không ổn khi hình dung mọi sự phức tạp sau đó.
          Buổi chiều, như đã hứa, ông quay lại nhà nghỉ. Ông nói chuyện với cô gái rất lâu, lựa lời an ủi, khích lệ và yêu cầu cô kể lại cặn kẽ chuyện gia đình, bà con. Nhờ thế mà ông biết cô có một người chú đang làm việc ở nông trường chè Mộc Châu. Ngay lập tức ông đề nghị mẹ con cô lên đấy nhờ ông chú giúp đỡ, kiếm cho việc gì đấy mà làm. "Trên đó chè cả rừng, lo gì không tìm được việc!" Sau một hồi lưỡng lự, cô gái đồng ý.
          Sáng hôm sau ông đưa hai mẹ con cô ra bến xe, mua vé, dắt lên tận ghế ngồi và cho thêm một số tiền kha khá. Rồi ông đứng vẫy tay theo xe như vẫy tay từ biệt con gái mình đi xa. Ông cũng không quên đưa cho cô chiếc danh thiếp của mình, dặn phải viết thư hoặc gọi điện cho ông ngay khi tới Mộc Châu. Sau đó ông trở về nhà, lòng thanh thản như vừa trút được gánh nặng.

                                                                *
          Mãi ba ngày sau ông mới phát hiện ông mất chiếc ví da trong đó có mấy tờ ngân phiếu trị giá hai triệu đồng, giấy chứng minh và chiếc thẻ hội viên nhà văn. Đó là số tiền người ta mới trả nợ, vợ ông bảo lúc nào tiện thì đến ngân hàng đổi lấy tiền mặt. Ông ít khi dùng đến chiếc ví và luôn cất nó ở túi trong chiếc áo khoác thường mặc.
Lục lọi khắp nhà không thấy, ông ngồi thừ người, thầm điểm lại từng ngày vừa qua ông đã đi đâu, làm gì, với ai, trong đó có chi tiết ông bỏ lại chiếc áo khoác ở phòng nghỉ (vì lúc ấy trời không lạnh) khi ông dẫn ông bạn bác sĩ ra quán cà phê Trung Nguyên. Không lẽ chính cô ta? Tự nhiên ông nhớ đến mấy tiếng "con điếm", "con ăn cắp" mà bạn ông có lần nhắc tới. Vốn tin người và nhân hậu, ông tìm cách gạt cô gái khỏi đối tượng nghi ngờ. "Chắc mình vô ý đánh rơi đâu đó", ông thầm nghĩ và bắt mình tin như vậy.
Những ngày tiếp theo ông cố không nghĩ tới chuyện này, nhưng thỉnh thoảng muốn hay không, ông vẫn bất chợt thấy mình vẩn vơ suy nghĩ rằng có thể chính cô ta đã lấy cắp tiền của ông, và rằng những điều cô ta kể là hoàn toàn bịa đặt. Mất tiền ông buồn, tất nhiên, nhưng cái làm ông buồn hơn là cuộc đời có thể xấu xa và tráo trở như vậy. Ý nghĩ này như vết dao sắc cắt nhẹ vào niềm tin trong sáng của ông về một cuộc đời khác tốt đẹp hơn, trong đó con người yêu thương nhau, tin nhau và giúp đỡ nhau một cách không vụ lợi. Ông cảm thấy bị choáng váng và nhoi nhói trong lòng. Dẫu sao, chính cái niềm tin lạc quan ấy vào cuộc đời đã giúp ông sống bao năm nay, và dù bị cười chê thơ ngây không thực tế, ông vẫn thấy nó phù hợp với ông và rất không muốn nó bị sứt mẻ.
          Dần dần do bị ám ảnh, ông gần như tin chắc chính cô gái ông hết lòng giúp đỡ và thương cảm ấy đã làm cái điều nhục nhã kia. Ông không oán giận mà chỉ lấy làm buồn cho cô. Ông giấu kín việc này, kể cả với ông bạn bác sĩ, ít nhất để khỏi bị cười chê lần nữa.
          Mọi việc cũng nguôi ngoai dần. Ông lại quay về với trạng thái tinh thần vốn có - lạc quan yêu đời, yêu người và cả tin. Ông vẫn đều đều ra quán cà phê Trung Nguyên vào các buổi tối, và nếu ngẫu nhiên gặp lại một trường hợp tương tự, chắc ông vẫn xử sự y hệt như ông đã làm với hai mẹ con cô gái nọ.
          Một hôm, việc này xảy ra cách lần gặp đầu khoảng một tháng, ông nhận được thư của cô kia, khoe đã xin được vào làm ở một đội trồng chè nằm sâu trong rừng (không thấy ghi nông trường nào, ở đâu), và rằng đứa con được gửi nhà trẻ, ham chơi, khỏe mạnh. Cuối bức thư ngắn ngủi với nét chữ to và cứng ấy là những lời cảm ơn nghe rất chân thành.
"Còn trâng tráo đến thế nữa!" Đó là ý nghĩ đầu tiên chợt đến trong đầu khi ông đọc xong thư. Tuy nhiên, tối ấy ông vẫn ngồi viết thư trả lời, với tâm trạng buồn vui, thương ghét lẫn lộn.
          "Bác rất mừng rằng mẹ con cháu đã thu xếp cuộc sống ổn thỏa. Cháu hãy cố gắng làm việc thật tốt, sống lành mạnh, và điều quan trọng nhất là đừng bao giờ để mất niềm tin vào con người và cuộc sống, dẫu nó phũ phàng, cay nghiệt. Điều này  có lẽ cháu biết rõ hơn bác. Lúc nào có dịp về Hà Nội, nhớ tranh thủ ghé thăm bác".

                                                          *
          Hôm sau, có người đến tìm ông, nói rằng khi kê lại đồ đạc trong căn phòng ông thuê cho hai mẹ con cô gái cơ nhỡ ở nhà nghỉ nọ, người ta tìm thấy một chiếc ví da có tiền cùng ít giấy tờ. Nếu đúng của ông thì xin mời tới nhận.
                                                                             Hà Nội, 6.1.2001

No comments:

Post a Comment