Saturday, April 4, 2015

NGƯỜI KHỔNG LỒ MẮT XANH



    Truyện ngắn. Thái Bá Tân

Một lần đến chơi nhà người quen, ngẫu nhiên ông đọc được bài thơ đó trong một cuốn tạp chí cũ. Dọc xong, ông ngồi thừ người hồi lâu, lưng tựa vào chiếc ghế bành bọc da, hai tay đặt ngay ngắn trên đầu gối, mắt nhắm chặt, đến mức chủ nhà hoảng hốt tưởng khách đột tử vì nhồi máu cơ tim, chứng bệnh ông mắc hai mươi năm nay và theo lời bác sĩ thì có thể chết bất cứ lúc nào.
  Bài thơ của một tác giả nước ngoài, có đầu đề “Người khổng lồ mắt xanh”. Toàn bộ chỉ thế này:

Có một người khổng lồ mắt xanh
        Yêu một người đàn bà bé nhỏ.
        Người đàn bà chỉ mơ ước làm sao
        Có ngôi nhà xinh xinh
        Cùng giàn hoa bên cửa sổ.

        Người khổng lồ yêu theo cách khổng lồ,
        Và làm việc, quen làm điều to tát,
        Nên đã không xây tặng người yêu
        Một ngôi nhà con con
        Cùng giàn hoa râm mát.

        Có một người khổng lồ mắt xanh
        Yêu một người đàn bà bé nhỏ.
        Người đàn bà đi theo chàng, mỏi chân,
        Muốn ngồi nghỉ trong vườn đâu đó.

        Rồi nàng nói với đôi mắt xanh:
        “Chào vĩnh biệt!”
Một người lùn tử tế
        Dẫn nàng vào một ngôi nhà xinh xinh
        Cùng giàn hoa nhỏ bé.

        Giờ thì chàng khổng lồ hiểu ra
        Rằng tình yêu khổng lồ chàng có
        Không đủ chỗ cho ngôi nhà con con
        Cùng giàn hoa bên cửa sổ.

Bài thơ khiến ông nhớ lại quá khứ, cái quá khứ xa xăm tưởng như không có có thật. Hơn thế, ông ngạc nhiên thấy như nó phần nào nói về chính mình.
Ông không là người khổng lồ, tất nhiên, mắt cũng chẳng xanh mà xám nhạt, khác màu mắt người Á đông. Có thể khi nhìn cái gì đó màu xanh, nó có màu xanh thật. Năm 1942, đang theo học năm cuối khoa triết trường Sorbonne ở Paris, ông yêu một cô gái, cũng người Việt, học môn canh nông nhưng sau ông hai lớp. Lúc ấy cô có dáng người nhỏ bé, nhí nhảnh và cũng xinh. Ba năm sau, theo tiếng gọi của tổ quốc, cả hai trở về Hà Nội tham gia xây dựng chế độ mới. Rồi kháng chiến, họ cùng lên chiến khu và chẳng bao lâu sau thì hai người chia tay. Chủ yếu do bà.
Không phải vì ông không xây được cho bà “một ngôi nhà con con cùng dàn hoa bé nhỏ”. Việt Bắc không phải Paris, không ai có lương và cũng không có nhu cầu xây một ngôi nhà như thế. Bà biết nên chẳng trách ông điều ấy. Tuy nhiên vì tình yêu, bà theo ông về Việt Nam, bỏ lại mọi tiên nghi ở thủ đô để lên đây. Vì vậy bà nghĩ bà có quyền đòi hỏi ở ông một tình yêu tận tụy, đời thường, qua những cử chỉ chăm sóc nhỏ nhặt và thường nhật, là cái ông không có và cũng không muốn có, dù rất yêu bà, vì dẫu không là người khổng lồ nhưng ông luôn bận “làm những điều to tát”. Ông nghiên cứu triết học, từ triết học cổ Hy Lạp đến những trường phái phương Tây hiện đại nhất. Triết học phương Đông mãi sau này ông mới quan tâm. Kháng chiến thời đó chưa cần những nghiên cứu trừu tượng vô bổ ấy, nên dễ hiểu vì sao người ta không đánh giá cao ông ngoài cái danh “trí thức Việt Kiều yêu nước”.
Chẳng có “người lùn tử tế” nào đến “dẫn bà đi”. Đúng hơn, bà đi theo ông ta, một chính ủy sư đoàn cao to có nước da ngăm đen của người nông dân vùng chiêm trũng Hà Bắc. Khi về tiếp quản Thủ Đô năm 1955, hai người nghiễm nhiên được vào ở một trong những ngôi nhà đẹp nhất khu Ba Đình, một ngôi nhà lớn có vườn rộng, hai tầng, nhiều cửa sổ và cửa sổ nào cũng có hoa. Sau này ông chồng làm tới cấp tướng, còn bà khi về hưu là vụ trưởng một bộ quan trọng, nếu không vì tuổi tác có thể còn được đề bạt thành thứ trưởng.
Vậy là gần sáu mươi năm đã trôi qua kể từ ngày ấy. Ông nay đã tám mươi hai tuổi nhưng còn minh mẫn và khỏe mạnh và vẫn một mình sống trong căn phòng tập thể mười lăm mét vuông ở phố Hàng Chuối, vẫn “làm những điều to tát” là nghiên cứu triết học, khác chăng, bây giờ ông đã nổi tiếng không chỉ trong mà cả ngoài nước.
Mấy chục năm gần đây ông còn thêm một đam mê mới là nhạc cổ điển. Chắc cả nước không ai có được bộ sưu tập đĩa lớn như ông, biết nghe nhạc nghiêm túc và bài bản như ông. Như trong triết học, ông thích lối tư duy âm nhạc vừa khô khan triết lý nhưng cũng vừa lãng mạn, kịch tính của người Đức. Hiện ông đang ngất ngây sống trong những bản giao hưởng dài lê thê và khó hiểu của Gustav Mahler, môn đệ của Richard Wagner, người ông mê đến mức nhờ hiệu phóng to ảnh treo ngay đầu giường. Thành ra trái tim của ông dẫu to lớn và đầy cảm xúc nhưng đã quá chật vì Socrat, Platon, Kant, Nieztsche... bây giờ thêm cả Beethoven, Schubert, Wagner và Mahler nên không còn chỗ trống cho “người đàn bà bé nhỏ” nào nữa.
Thực ra xưa nay ông cũng không cần họ, không nghĩ nhiều tới họ. Thế mà đọc bài thơ này, bỗng nhiên như có cái gì đó khang khác trong người. Một sự ủy mị mơ hồ. Đầu óc duy lý, rành rọt của ông bỗng trở nên mờ mịt, lẫn lộn...

                                              * 
Nó mờ mịt, lẫn lộn đến mức chẳng vì cớ gì, ông thong thả chống gậy đi tới khu phố có ngôi nhà “con con” mà “người đàn bà bé nhỏ” ngày nào của ông đang sống.
Cạnh đấy có một vườn hoa. Ông ngồi xuống chiếc ghế đá đối diện, lơ đãng nhìn ngôi nhà.
Vị tướng già (người lùn) đang vừa sưởi nắng vừa ngủ gật trên ban công tầng hai, bên bụi hoa giấy màu đỏ gắt dưới ánh nắng vàng hoe buổi chiều, mái tóc bạc lơ thơ xõa kín mặt. Chốc chốc ông ta lại giật mình ngồi thẳng người để đầu khỏi va vào thành lan can, nơi chắc có dính một ít nước dãi đang ri rỉ từ khóe miệng.
Người đàn bà bé nhỏ” của ông lúc ấy vừa đi chợ về, tay xách chiếc làn vải nhựa nặng cáu bẩn. Một bà già chẳng bé nhỏ chút nào. Người thấp lùn, dáng ục ịch, vừa đi vừa thở khò khè vì chứng bệnh hen xuyễn. Đôi má xệ, mắt hơi lồi. Hơn thế, ăn mặc cũng chẳng lấy gì làm trau chuốt. Vài năm một lần, ông ngẫu nhiên gặp bà ngoài phố. Chỉ gật đầu chào chứ chẳng bao giờ dừng lại nói chuyện. Bà là người nhỏ nhen, thậm chí độc ác. Thời ở chiến khu bà từng xúi người ta đấu ông về tội “tiểu tư sản”, “mất lập trường”. Sau này bà còn nhiều lần tìm cách hại ông vì những lý do sâu xa nào đấy không ai hiểu. Nhưng vì luôn bận với những ý tưởng cao siêu của mình nên ông không quan tâm mà cũng chẳng giận. Ông chỉ thấy lạ lùng và khó chịu khi nghĩ đã có thời ông từng yêu người đàn bà này.
Lát sau có tiếng ai mắng chửi the thé vang lên từ trong nhà. Rồi một con bé chay ra, bà già kia cầm ngược cán chổi đuổi theo.
“Mày cút mẹ về nhà quê mày đi! Dám nhân lúc tao đi vắng ăn cắp những hai mươi nghìn đồng! To gan thật! Liệu trả lại cho tao không thì tao đuổi. Đuổi về với thằng bố, con mẹ mày!”
Tự nhiên ông thấy buồn, lờ mờ nhớ lại những buổi chiều hai người cầm tay nhau dạo chơi trên bờ sông Seine hoặc vào bảo tàng Louvre.
Con bé nhà quê chừng mười một, mười hai tuổi. Nó đang thút thít khóc, lí nhí kêu oan. Có lẽ nó bị oan thật và đang lo mất việc.
Ông ra hiệu gọi nó lại gần, rút ra tờ một trăm nghìn đồng còn mới.
“Cháu mang vào đưa cho bà ấy. Bảo có ông bạn cùng ở Paris ngày xưa  cho để đền cho bà.”
Con bé lưỡng lự một chốc rồi cầm tờ giấy bạc chạy vào nhà.
Không còn nghe tiếng chửi. Bà kia cũng chẳng bước ra khỏi nhà, chí ít để tò mò nhìn lại “người khổng lồ” của mình. Mặt trời khuất sau rặng cây. Vị tướng già thấy hết nắng, đã vào giường ngủ từ lúc nào.
Chẳng còn gì để nhìn, để nghe, nhưng ông vẫn ngồi yên trên ghế đá. Đúng là ông già thật rồi, tâm trí mụ mị, lẫn lộn. Trong đầu ông cùng một lúc vang lên giai điệu bè vi-ô-lông cao tinh khiết đến mức thần thánh trong bản Ouverture vở ôpêra Lohengrin của Wagner (nhiều lần ông đã quì xuống, rơm rớm nước mắt khi nghe bản nhạc này), tiếng chửi the thé của bà già kia, và cả tiếng thút thít của con bé tội nghiệp.
Ông lú lẫn đến mức không hiểu vì trái tim ông quá lớn hay quá bé mà không chứa nổi ngôi nhà có nhiều hoa trước mặt cùng bà già chủ nó. Mà nó “con con” hay to lớn nhỉ?  Và ông là người khổng lồ hay anh lùn?
Trong tâm trạng mập mờ lẫn lộn như thế, ông ngả người lên thành ghế và ngủ thiếp. Cũng có thể ông đã chết vì mãi rất lâu không thấy ông động đậy...
                            
                                                        Hà Nội, 18. 7. 2003

No comments:

Post a Comment