Sunday, May 31, 2015

THƠ NGA CHỌN LỌC - 3






Xamuen Mácsắc


Xamuen Macsắc (1887 - 1964), nhà thơ Nga xô-viết nổi tiếng, chuyên viết cho thiếu nhi. Đồng thời ông còn là người dịch ra tiếng Nga nhiều tác phẩm kinh điển nước ngoài, như Thơ Xô-nê Sêcxpia, Thơ trữ tình Rôbơt Bơnx... Ông được tặng giải thưởng Lênin về văn học năm 1963, bốn lần giải thưởng nhà nước Liên Xô vào các năm 1942, 1946, 1949 và 1951. Các tác phẩm chính gồm Thơ thiếu nhi, Chú chuột ngốc nghếch, Ngài Tuyx-tơ, Thơ trữ tình, vân vân.

Chú chuột ngốc nghếch


Đêm chuột mẹ ru con:
- Nào, ngủ đi, đừng khóc,
Mai mẹ cho bánh mì
Và thêm ba hạt thóc.

Chú chuột con trả lời:
- Mẹ ru con khó ngủ.
Mẹ hãy đi ra ngoài
Thuê cho con bà vú.

Chuột mẹ chạy đi tìm
Thuê vịt bầu làm vú:
- Cô vịt ơi, nhờ cô
Ru cho con tôi ngủ.

Cô vịt ru: - Ngủ đi,
Đừng thức khuya như thế.
Mai trời mưa ra vườn
Cô tìm cho chú dế.

Nhưng chú chuột ngốc ngếch
Đã đáp lại thế này:
- Giọng của cô khàn quá,
Và cô hát không hay.

Chuột mẹ lại đi tìm
Thuê ễnh ương làm vú:
Ễnh ương ơi, nhờ bà
Ru cho con tôi ngủ.

Ễnh ương ru: - Ộp ộp,
Đừng khóc nữa, chuột con.
Mai ra ao bà bắt
Cho chú muỗi rất ngon.

Nhưng chú chuột ngốc nghếch
Đã đáp lại thế này:
- Giọng của bà buồn quá,
Và bà hát không hay.

Chuột mẹ lại đi tìm
Thuê ngựa ô làm vú:
- Ngựa ô ơi, nhờ ông
Ru cho con tôi ngủ.

- Hí, hí, hí, - ngựa ô
Vừa hí vang vừa dỗ. -
Hãy ngủ ngoan, chuột con,
Mai bác cho bó cỏ.

Nhưng chú chuột ngốc nghếch
Đã đáp lại thế này:
- Giọng bác nghe sợ quá,
Và bác hát không hay.

Chuột mẹ lại đi tìm
Thuê lợn sề làm vú:
- Lợn sề ơi, xin nhờ
Ru cho con tôi ngủ.

Lợn sề bắt đầu ru
Chú chuột con khó tính:
- Ụt ịt, ụt ịt, im!
Ngủ đi, không được tỉnh!

Chú chuột con ngốc nghếch
Đã đáp lại thế này:
- Giọng của cô thô quá,
Và cô hát không hay.

Chuột mẹ lại đi tìm
Thuê cô gà làm vú:
- Cô gà ơi, nhờ cô
Ru cho con tôi ngủ.

- Cục, cục ta cục tác! -
Cô gà ru rất to -
Cánh ta đây, hãy lại
Mà nằm im, đừng lo.

Nhưng chú chuột ngốc nghếch
Đã đáp lại thế này:
- Giọng của cô chán quá,
Và cô hát không hay.

Chuột mẹ lại đi tìm
Thuê cá măng làm vú:
- Cá măng ơi, xin nhờ
Ru cho con tôi ngủ.

Cá măng bắt đầu ru,
Giương vây và há miệng,
Ru rất lâu, rất lâu
Mà không ai nghe tiếng.

Chú chuột con ngốc nghếch
Đã đáp lại thế này:
- Giọng của cô bé quá,
Và cô hát không hay.

Chuột mẹ lại đi tìm
Thuê cô mèo làm vú:
- Cô mèo ơi, nhờ cô
Ru cho con tôi ngủ.

Cô mèo ru: - Meo meo,
Nào chuột con yêu quí,
Hãy ngủ ngoan, meo meo,
Nào ngủ ngoan cùng chị.

Chú chuột con ngốc nghếch
Đã đáp lại thế này:
- Giọng của chị êm lắm,
Và chị hát rất hay.

Một lúc sau chuột mẹ
Chạy lại tìm chuột con
Thì than ôi lúc ấy
Chú chuột đã không còn.

Chú mèo và hai anh lười


Hai anh lười đi tới trường
Thì bỗng
Không hiểu sao lại lạc vào
Sân bóng.

Chiếc cặp sách treo trên lưng
Rất dày,
Nhưng mỗi cậu một quả bóng
Cầm tay.

Hai cậu đứng nhìn quanh
Và thấy
Một chú mèo ngồi co ro
Cạnh đấy.

Hai anh lười liền đồng thanh
- Xin chào!
Chú chau mày, chú buồn bã,
Vì sao?

Chú mèo xám khóc hu hu
Và nói:
- Thưa hai anh, em sắp tròn
Một tuổi.

Các anh biết em xinh đẹp
Nhường nào,
Thế mà em đang mù chữ,
Buồn sao!

Chưa ai xây trường riêng
Cho mèo học.
Cũng chẳng ai dạy cho mèo
Biết đọc.

Mà bây giờ mù chữ
Thì rất gay.
Khó làm nên công chuyện
Ở đời này.

Không dám uống, không dám ăn,
Xin lỗi,
Đến con số các phòng
Không đọc nổi.

Hai anh lười cùng kêu to:
- Chúng tôi
Sắp tới đây mười hai tuổi,
Lớn rồi.

Người ta dạy biết bao điều
Này nọ,
Nhưng chúng tôi vẫn đứng yên
Một chỗ.

Vì chúng tôi ghét học,
Chỉ thích lười,
Thích suốt ngày đá bóng
Và đi chơi.

Chú mèo xám liền đáp ngay
- Xin lỗi.
Em năm nay đã sắp tròn
Một tuổi.

Em đã gặp nhiều anh lười
Khắp nơi,
Nhưng các anh thì phải nói
Đại lười!

Pê-chi-a và Xê-ri-ô-gia


Pê-chi-a và Xê-ri-ô-gia
Rất giống nhau, đến nỗi
Ai là ai - cả tôi
Cũng không phân biệt nổi.

Tôi cũng chẳng biết ai
Nhiều tuổi hơn, bởi lẽ
Pê-chi-a lên năm,
Xê-ri-ô-gia
Cũng thế.

Pê-chi-a tinh nghịch
Ném tuyết bay vào nhà,
Thế mà người ta nói
Đó là Xê-ri-ô-gia.

Cũng thế, Pê-chi-a
Bị mắng oan vô cớ,
Dù cậu không xô bàn
Làm chiếc bình bị vỡ.

Nhiều khi cả bác sĩ
Cũng nhầm: Xê-ri-ô-gia
Phải uống thêm phần thuốc
Dành cho Pê-chi-a.

Hai anh em sinh đôi
Một lần đi cắt tóc,
Được bố mẹ cầm tay
Như hàng ngày đi học.

Đầu Pê-chi-a lập tức
Được cạo trọc, nhanh sao.
Cậu vừa ra khỏi cửa,
Xê-ri-ô-gia bước vào.

Bác thợ liền kêu to:
- Cậu này tôi mới cắt.
Tóc đã mọc rồi ư?
Đúng là nhanh ghê thật.

Một người đãng trí


Có một người đãng trí
Sống ở phố Họa Mi.
Ông ta đãng trí lắm,
Tin hay không thì tùy.

Buổi sáng vừa tỉnh dậy
Ông ta định mặc quần
Thì lại quên, đem áo
Cứ xỏ mãi vào chân.

Cũng vì quên, đôi lúc
Ông ta đội lên đầu
Một chiếc xoong thay mũ
Mà không hề thấy đau.

Bành-tô thì mặc trái
Chân luôn đi lệch giày...
Ông ta, có thể nói,
Đãng trí nhất đời này.

Một hôm ông đãng trí
Lên xe điện ra ga,
Vào nhà ăn mua vé -
Không phải một, mà ba!

Rồi ông ra đường đợi
Định đi Matxcơva,
Thấy một chiếc toa trống
Đứng một mình trên ga.

Ông ta xách hành lý
Leo lên toa, ngồi chờ,
Chờ tàu đi, chờ mãi
Rồi ngủ từ bao giờ.

Nửa ngày sau, ông tỉnh,
Nhìn ra ngoài, ngạc nhiên
Thấy lại chính ga cũ
Cảnh và người thân quen.

Ông nghĩ: Thật kỳ lạ,
Mình đi Matxcơva,
Làm xong bao nhiêu việc
Rồi lại trở vè nhà.

Ấy thế mà như thể
Mình ngủ một giấc say
Như chẳng đi đâu cả,
Như vẫn luôn ở đây.

Con người kia đãng trí
Sống ở phố Họa Mi,
Đãng trí như vậy đấy,
Tin hay không thì tùy.

Về cậu bé và ba điểm một


Cậu nọ đi học về
Liền giấu ngay sổ điểm,
Nhưng bà mẹ đòi xem -
Cậu hết đường giấu diếm.

Mẹ chau mày thở dài,
Chỉ thấy toàn điểm một.
Bố giận dữ hồi lâu
Nhìn cậu con học dốt.

“Vì sao cô cho con
Con một này?” bố quát.
“Vì con yếu môn sinh,
Gọi chim là bò sát”.

“Thế điểm một thứ hai?”
Cậu kia liền nhăn nhó:
“Con tưởng Ken-gu-ru
Mọc ngoài đồng như cỏ”.

“Điểm một là còn cao!”
Bà mẹ rơi nước mắt.
“Nhưng trường con xưa nay
Điểm một là thấp nhất.

Còn điểm một thứ ba
Là do con dốt toán.
Đề bài hỏi: Vậy là
Lớp B bao nhiêu bạn?

Con giải suốt một giờ,
Tính trên rồi tính dưới,
Cuối cùng thành: Lớp B
Có hai mươi bạn rưỡi”.

Hai năm một lớp


Các anh lười nói chung
Hiện nay
Ở các trường chúng ta
Không nhiều lắm.
Vì học sinh chăm chỉ học
Đêm ngày
Lớp tiếp lớp lên đều,
Tuy hơi chậm.

Nhưng tiếc sao
Tôi mới gặp vừa rồi
Một cậu bé học sinh trường nọ
Chuyên nổi tiếng về lưu ban,
Và tôi
Đã góp ý với cậu ta điều đó.

“Này anh bạn,
Hãy nói đi, vì sao
Mà tôi thấy anh bạn năm nào
Cũng phải đúp nhiều lần như vậy?

Hãy nhìn kia,
Các bác công nhân
Các kế hoạch năm năm nhà nước
Kịp hoàn thành trong ba, bốn năm.
Cậu thì cứ hai năm
Lên một lớp.

Còn các bác nông dân,
Cậu tính xem,
Tuyết vừa tan đã kịp cày bao đất,
Bao hec-ta được gieo,
Được bón phân,
Và cuối cùng, bao hec-ta được gặt?

Trong một năm bao ngôi nhà cao to
Được xây dựng cho chúng ta.
Có thể,
Trong một năm
Con bê đã thành bò,
Và cô gái đã thành người mẹ...

Thế mà cậu
Cứ một lớp hai năm!

Cậu có biết
Rằng mỗi lần đúp lại,
Nghĩa là cậu với lớp cũ của mình
Phải chia tay,
Và chia tay mãi mãi?

Trên xe buýt

1.
A, xe buýt đến rồi!
Bò nhảy lên chiếm chỗ.
Chó cũng chen vào ngồi.
Dê tranh nhau với chó.

Ến lách qua cửa sau.
Gà luôn mồm tục tác.
Hươu xí chỗ từ lâu,
Ít khi nhường người khác.

Khỉ hỏi: Mấy giờ rồi?
Lợn bận ăn không đáp.
Mèo khinh khỉnh bĩu môi.
Ngựa thì đang bận ngáp.

Ong không chịu ngồi yên.
Phượng hoàng múa rất nhắng.
Quạ hát mà như rên.
Rái cá kêu: Im lặng!

Sóc cãi nhau với trâu.
Trâu đá cho một cái,
U hết tai, hết đầu.
Voi phải ra hòa giải.

Xe cứ đi, lái xe
Yêu cầu khách mua vé,
Nhưng khách chẳng thèm nghe,
Cứ trêu đùa vui vẻ.

2.
Các bạn nhỏ của tôi,
Đây là chuyện có thật
Về một chuyến đi chơi
Bằng xe, của loài vật.

Khi đọc bài thơ này -
Nếu cần, xin đọc lại -
Bạn sẽ thấy ở đây
Đủ hăm hai chữ cái.

Và nhân tiện, tôi khuyên:
Đi xe, ai cũng vậy,
Phải tôn trọng người bên,
Không làm ồn, không quấy.

 

Bốn mắt


Mắt Xa-sa rất to,
Nhưng lại nhìn không rõ.
Ông bác sĩ khám xong,
Bắt đeo đôi kính nhỏ.

Đeo kính, Xa-sa nhìn
Thấy sáng hơn, quả thế -
Cả bầu trời, hàng cây,
Cả từng con chim sẻ.

Nhưng việc cậu đeo kính
Được bạn bè biết ngay.
Bạn bè trêu: “Sao cậu
Cần bốn mắt thế này?

Hay cậu là thợ lặn?
Bốn mắt - có nhiều không?
Hai mắt như người khác,
Thêm hai mắt dự phòng!”

Mẹ cậu đáp: “Xa-sa,
Không có gì xấu hổ.
Mắt kém, đeo kính vào
Cốt để nhìn cho rõ.

Chỉ cậu nào không ngoan
Mới cười chê điều đó!”

Ba anh chàng dũng cảm


Ba anh chàng dũng cảm
Cùng đi săn một ngày.
Đêm trong rừng trăng sáng
Lơ lửng treo trên cây.

Vừa ngáp dài, vừa nói,
Anh thứ nhất: Trăng rằm!
Anh thứ hai: Quả táo!
Anh thứ ba: Cái mâm!

Ba anh chàng dũng cảm
Đi suốt ngày hôm sau,
Bỗng thấy con hươu đốm
Cặp sừng cao trên đầu.

Kìa, con hươu, chuẩn bị! -
Anh thứ nhất kêu to.
Anh thứ hai: Tảng đá!
Anh thứ ba: Con bò!

Ba anh chàng dũng cảm
Ngồi nghỉ bên vệ đường
Thấy con gì động đậy
Treo trên cành bạch dương.

Anh thú nhất: Con sóc!
Bắn đi, còn chờ ai?
Anh thứ hai: Chiếc lá!
Anh thứ ba: Cái tai!

Chuyện hai anh chàng lười


Anh lười này tôi không lạ.
Tên anh ta: Ê-rô-ma, anh cả.
Còn em trai Ê-rô-ma
Là anh lười Phô-ma.

Việc bao giờ cũng có đầy,
Nhưng hai chàng không động tay.
Phô-ma nói luôn mồm: Để đấy!
Ê-rô-ma: Chờ một giờ nữa vậy!

1.
Bỗng một hôm đang ngủ, cháy nhà,
Cả trong, cả ngoài ngợp khói.
Hốt hoảng dân làng phải gọi:
Dậy đi, Phô-ma, Ê-rô-ma!

Phô-ma càu nhàu: Để đấy!
Ê-rô-ma: Chờ một giờ nữa vậy!
Chuyện gì thế mà ầm lên?
Điên hay sao mà kêu rên?

Con gà ri
Đang nằm im chưa gáy.
Anh chăn bò
Đang trên giường chưa dậy.
Chờ ngày mai hãy đánh thức, được không?
Sáng dậy chúng tôi sẽ dập lửa trong phòng!

Từ ngôi nhà đang cháy
Người ta lôi Phô-ma,
Người ta cứu Ê-rô-ma
Lúc này đang thoi thóp.

2.
Hai anh em một lần
Cùng rủ nhau đi săn,
Nhưng săn chẳng ra săn, có lẽ,
Nhưng chơi chẳng ra chơi, vì thế
Đi ba ngày khắp nơi
Mới thấy đàn vịt trời...

Phô-ma nói vội vàng: Để đấy!
Ê-rô-ma: Chờ một giờ nữa vậy!
Vịt ơi, đợi nhé, đừng bay,
Bọn tao cần lông chúng mày.

Ha ha thích thật,
Bây giờ lông đang đắt,
Bắn vịt xong, ra chợ bán lấy tiền,
Nào đâu rồi, đạn trong súng đã lên.

Nhưng đàn vịt không chịu nghe người khác,
Chỉ nghếch đầu: cạc cạc!
Không chịu chờ, đã vội bay ngay
Lên trời xanh, lên mây.

3.
Ê-rô-ma nằm chơi trên cỏ.
Phô-ma lang thang bên bờ sông cạnh đó,
Thì bỗng nghe có người kêu thất thanh:
Tôi chết đuối, cứu tôi nhanh!

Phô-ma nói vội vàng: Đợi đấy!
Ê-rô-ma: Chờ một giờ nữa vậy!
Chờ chúng tôi về nhà
Gọi người làng đi ra
Và đem dây thừng tới.
Đừng chết đuối!

4.
Một buổi sáng hai anh em chàng lười
Xách giỏ vào rừng tìm hái nấm khắp nơi,

Bên gốc thông, dưới khe, trên dốc,
Không hiểu sao chỉ hái toàn nấm độc.

Bỗng từ đâu chó sói một bầy
Ùa ra, thập thò sau gốc cây.

Con nhe nanh, con trợn mắt.
Chúng chia nhau, rồi chúng gắt:
Tao ăn Ê-rô-ma!
Không, phần mày Phô-ma!

Phô-ma nói vội vàng: Đợi đấy!
Ê-rô-ma: Chờ một giờ nữa vậy!
Chờ chúng tôi hái nấm hôm nay,
Một tí nữa thôi là giỏ đầy!

Đáng ra giỏ đầy từ lâu rồi đấy,
Phiền một nỗi là giỏ không có đáy.

5.
Anh lười này tôi không lạ.
Tên anh ta: Ê-rô-ma, anh cả.
Còn em trai Ê-rô-ma
Là anh lười Phô-ma.

Và cả hai anh lười lần ấy
Nay người ta bên gốc cây chỉ thấy
Còn lại một ít xương.
Ấy thế mà không ai thưvangt

Xiếc


Lần đầu lên sân khấu
Cho học sinh Matxcơva
Là đại bàng, cá sấu,
Là sư tử, sơn ca.

Chó - diễn viên nhào lộn.
Gấu - thắt lưng dưới rốn.
Voi - lực sĩ kéo co,
Béo và to.

Vô địch toàn thế giới,
Các kiện tướng điền kinh
Ném tạ như ném bóng,
Trông mà kinh!

Thông thái
Là những chú ngựa con.
Hay gãi
Là những chú khỉ con.

Và cuối cùng là đô vật
I-van, biệt danh “Quả Quất”.

Xiếc hôm nay
Quả rất hay
Luôn vỗ tay
Mà lại rẻ:
Sau một đồng,
Trước hai đồng.
Ai xem xong
Đi ra
Không phải vé!

1
Buổi biểu diễn bắt đầu -
Hai hà mã bên nhau
Cùng chia chung giải thưởng.
Nhạc chơi bài hợp xướng.

2
Một khỉ bé, một khỉ to
Chơi một đàn pianô.

3
Dưới làn roi, trên lưng ngựa,
Chạy vòng quanh
Là chú chồn đang nằm ngửa,
Sợ mắt xanh.

4
Trên dây thép, một bà biểu diễn,
Đi tới đi lui như dòng điện.

5
Thỏ, chồn, sóc, đến váng đầu,
Gõ vào đĩa, gõ vào nhau.

Mặc chiếc áo đuôi tôm hở ngực,
Chim cánh cụt đến đây từ Nam Cực.

Cà-vạt trắng, áo gi-lê,
Cầm đũa chỉ huy trông oách ghê.

Còn hai bên là hai con chuột cống
Tranh nhau lật những tờ nhạc rộng.

Một diễn viên miệng ngoạm chiếc sào,
Treo lửng lơ - răng mới chắc làm sao!

Giá mà cho anh ta đi quảng cáo
Thuốc đánh răng thì lãi to -
Ai cũng bảo.

7
Cô Fri-ca-xê béo tròn
Đi chiếc xe một bánh bon bon.

8
Rất khôn là người trong rạp xiếc,
Bắt được cả thú rừng làm việc:
Gấu giặt áo sơ mi.
Làm không thiếu việc gì
Là chị rùa chăm chỉ.

9
Chú voi từ Ấn Độ tới đây,
Vừa tung hứng, vừa leo dây.
Một lúc voi tung, voi bắt
Cả ấm sành,
Cả bát đất,
Cả vỏ chai,
Và cả một cậu học sinh lớp hai!

10
Một anh hề tóc đen
Gặp anh hề tóc đỏ
Rồi vỗ vai hỏi nhỏ:
“Quả cà chua kia, thưa ông,
Mua ở đâu, có bán không?”

“Anh là con nhà ai mà hỗn vậy?
Đây là mũi của tôi, hay không thấy?”

11
Cô da đen Ma-ri
Là diễn viên dạy thú.

Thú từng đàn theo chủ
Từ chuồng đi ra.

Ma-ri vung chiếc roi -
Sư tử gầm gừ rồi cong đuôi.

“Hai lần hai là mấy?” -
Ma-ri cười, hỏi vậy.

Sư tử bốn lần gật đầu -
Nghĩa là bốn, khó gì đâu!

Xiếc hôm nay
Quả rất hay,
Luôn vỗ tay
Mà lại rẻ:
Sau một đồng,
Trước hai đồng.
Ai xem xong
Đi ra
Không phải vé!

Hôm qua và hôm nay


Chiếc đèn dầu bỏ không.
Lọ mực cùng bút lông.
Cây nến nằm bên cạnh.
Đôi quang cùng đòn gánh.

1
Trong góc nhà, đèn dầu
Rên rỉ khóc từ lâu:
Tình cảnh tôi thật tội,
Bị lãng quên, bỏ đói.

Không được thắp lâu nay,
Người tôi bụi phủ dày.
Vì sao tôi, thật lạ,
Không cần cho ai cả?

Thế mà xưa một thời
Khi trời đang chạng vạng
Người ta đã thắp tôi,
Làm cả nhà rực sáng.

Tôi thì nhìn xung quanh
Bằng cái nhìn ngái ngủ.
Còn ấm nước hiền lành
Reo bên tôi thích thú.

Hôm nay tôi làm quen
Với một cô đèn điện.
Người ta nói cô ta
Sáng bằng trăm ngọn nến.

Nhưng đèn gì mà kinh:
Không chân, đầu trọc lốc,
Một chiếc bóng thủy tinh
Với vài ba sợi tóc.

“Này cô gái nước ngoài, -
Tôi hỏi. - Cô là ai?
Là đèn ư? Xin lỗi,
Cô làm sao cháy nổi
Khi không bấc, không dầu,
Lại bịt kín trước sau?”

Cô kia thô lỗ nói:
“Bà biết gì mà hỏi?”

Tôi liền đáp lại ngay:
“Sao lại không? Lạ nhỉ.
Mười năm ở nhà này
Được mọi người yêu quí,

Tôi đem lại ánh đèn,
Sự ấm cúng, niềm tin...
Cô, loại người trống rỗng,
Chẳng qua chỉ chiếc bóng!”

Cô kia đáp: “Bà già
Đúng là người tăm tối.
Bấc của bà tù mù,
Không sáng, lại đầy khói.

Còn tôi, bà biết không,
Không cần dầu, cần bông.
Tóm lại, tôi - đèn điện,
Vừa sáng lại vừa tiện!”

2
Cô nến từ góc tối
Rụt rè lên tiếng nói:
“Bác bảo trong cô ta
Có một trăm ngọn nến?

Đúng cô ta là người
Nói dối không biết thẹn!
Tôi nhìn mãi mà không
Thấy nến nào bên trong!”

3
Chiếc bút lông hậm hực
Trách than đời thế này:
“Tôi là bút, mà mực
Không giọt nào lâu nay.

Nay tôi già, cổ hủ,
Coi như đã về hưu.
Lọ mực khô đang ngủ,
Tôi nằm trơ, buồn thiu.

Giờ chủ tôi kiểu cách
Dùng bút mới tài tình.
Chúng viết kêu tanh tách,
Như súng bắn, thật kinh!

Mà ngòi bút, lạ thật,
Lại có hình chữ nhật
Như những chiếc búa con
Chúng gõ nghe rất dòn.
Luôn chạy đi chạy lại,
Sang phải rồi sang trái!

Thế là gì? Vì sao?
Tôi chẳng hiểu thế nào!”

4
Đòn gánh cùng đôi quang
Bỗng kêu lên oang oang:
“Giờ không như ngày trước,
Chẳng còn ai gánh nước!

Giờ đua nhau người ta
Mắc ống nước vào nhà,
Thành ra quang và gánh
Bị lãng quên, bất hạnh.

Hay phụ nữ ngày nay
Đổ lười đến mức này?

Còn sông thì có thể
Đã hóa điên, bởi lẽ
Tự mình không được mời,
Xông vào nhà mọi người!

Đúng là đời thay đổi.
Thật không sao hiểu nổi!”

Bưu điện

1
Ai ngoài kia đang gõ cửa phòng tôi,
Mang bên hông chiếc túi to xanh nhạt,
Đeo phù hiệu đầu đội mũ kê-pi?
Đó là người
Người đưa thư Lê-nin-grat.

Ông hôm nay
Mang nhiều thư,
Bưu thiếp
Từ Ba-cu,
Matxcơva,
Ki-ep...

Bảy giờ sáng, ông mang thư đi,
Đến mười giờ, túi thư nhẹ hẳn.
Mười hai giờ - tất cả các thư
Đã được trao cho người nhận.

2
“Có thư khẩn cho ông Gip-cốp.
Thư bảo đảm, từ thành Rô-xtôp!”
“Cho Gip-cốp? Nhưng xin lỗi, ông ta
Đã lên đường đi Bec-linh hôm qua!”

Gip-côp lên máy bay
Bay trên chín tầng mây.
Và đuổi theo Gip-côp
Dưới mặt đất màu xanh
Là toa thư tàu nhanh
Chở thư tù Rô-xtôp.

Bưu kiện và gói hàng
Được xếp rất gọn gàng
Phân chia đâu vào đấy.
Còn hai người đưa thư
Suốt ngày lắc lư
Trên toa xe đang chạy.

Bưu thiếp này
Đi Đubrôpca.
Gói hàng này
Đi Pôcrôpca.

Báo sẽ gửi
Đến ga Ki-rôp.
Còn thư khẩn
Của ông Gip-côp
Phải được gửi cho ông thật nhanh
Ra nước ngoài,
Đến tận Bec-linh.

4
Người đưa thư Bec-linh
Mũ viền đỏ thật xinh
Đang đi kia giữa phố
Tay cầm bức thư nhỏ.

Đến khách sạn “Nhân Dân”,
Ông hỏi cô lễ tân:
“Có thư cho Gip-côp!
Cô chuyển hộ. Rất cần!”

Ông Gip-côp? Mười giờ sáng hôm nay
Đã lên đường sang Anh, bằng máy bay!

Thư,
Tất nhiên,
Tự mình
Không biết đi,
Nhưng được bỏ
Vào thùng thư,
Chính nó
Sẽ chạy
Bay,
Bay đêm ngày
Và sẽ vượt
Hàng trăm nghìn
Cây số.

Thư cứ đi khắp nơi
Mà không cần mua vé.
Chẳng ăn, chẳng cần gì
Ngoài chiếc tem nhỏ bé.

6
Ông đưa thư Smith
Đi dọc King Street,
Và ông đeo bên hông
Chiếc túi thư căng phồng.

Đến nhà số mười bốn
Ông giật chuông, gọi to:
“Có thư cho Gip-côp!
Thư khẩn, xin nhận cho!”

Ông nhân viên khách sạn
Xem thư, ngước lên nhìn:
“Thật tiếc, ông Gip-côp
Đã đi Braxin!”

7
Chỉ còn hai phút nữa
Tàu sẽ nhổ neo đi.
Các khoang tàu chật ních
Toàn người và va-li.

Nhưng có một khoang nhỏ
Hành khách không được vào,
Mà để đầy bưu kiện
Đóng thành bó, thành bao.

8
Dưới bóng những cây cọ
Ông Ba-zi-li-ô
Đang đi kia giữa phố
Hông đeo một túi to.

Trong đấy có bức thư
Đã ít nhiều nhàu nát.
Thư dán tem nước ngoài
Từ Lê-nin-grat.

Thư đuổi theo người nhận
Đến đây từ rất xa.
Nhưng tiếc là người nhận
Đã lên đường về nhà.

9
Ai ngoài kia đang gõ cửa phòng tôi,
Mang bên hông chiếc túi to xanh nhạt,
Đeo phù hiệu, đầu đội mũ kê-pi?
Đó là người
Người đưa thư Lê-nin-grat.

Lần nữa ông nói to:
“Phòng ba, có thư khẩn!”
Tôi gọi: “Gip-côp đâu?
Có thư. Ra ký nhận!”

Ông láng giềng của tôi chạy ra
Cầm bức thư, không còn tin vào mắt:
“Hãy nhìn đây! Nó đã đi theo tôi
Đúng một vòng
Một vòng quanh trái đất!

Bức thư này - bằng xe lửa, ô-tô,
Bằng đi bộ, máy bay, tàu thủy -
Đuổi theo tôi sang Đức, sang Anh,
Sang tận cả A-ma-zôn Nam Mỹ.
Và cuối cùng tìm thấy tôi ở đây
Sau khi vượt nhiều núi cao, sóng biển.

Thật vĩ đại,
Thật vĩ đại điều này!

Vinh quang,
Vinh quang các nhân viên bưu điện!

Mi-sa và những cuốn sách của Mi-sa

1
Ngày xửa ngày xưa, cậu Mi-sa
Sách vứt lung tung, vứt đầy nhà:

Quyển cong, quyển rách,
Quyển thiếu bìa, quyển xộc xệch,

Không mất trước cũng mất sau,
Không bẩn cũng nhàu.

Trang liền trang vẽ giun, vẽ cóc.
Ngày và đêm sách nằm, sách khóc.

2
Mi-sa giận Vi-chi-a, đem sách
Đập vào đầu, vào vai.
Và tất nhiên sách quăn, sách rách,
Rồi từ một mà thành hai.

3
Gô-gôn nghĩ đời mình mà chép miệng:
Xưa ăn diện và phong lưu nổi tiếng,
Thế mà nay bị lột hết áo quần,
Hết bị vặn đầu lại cắt gân.

Còn anh chàng Rô-bin-xơn tội nghiệp,
Da bị cào, bị bôi đen phát khiếp.

Thơ ngụ ngôn Crư-lôp tiên sinh
Mất dăm trang là chuyện rất thường tình.

Trên trang nhất của tập đầu ngữ pháp
Mi-sa vẽ hai ông hộ pháp.

Còn trên bìa cuốn địa lý, rất to,
Cậu ta vẽ một con bò.

Phía dưới viết in, tô đậm:
“Sách này của Mi-sa, ai dám
Mượn mà không hỏi, thì nghe đây –
Nhất định sẽ sứt răng có ngày!”

4
Sách bảo nhau: - Biết làm sao, khổ quá,
Thoát khỏi tay anh chàng này cẩu thả?

Hai anh em Grim đứng ra:
“Theo chúng tôi, ta nên trốn khỏi nhà!”

Nhưng ông già Số Học
Hay càu nhàu, hay khóc
Vì bị rách nhiều hơn, nhìn các bạn lắc đầu:
Biết đi đâu?
Trốn đi đâu?
Các cậu bé,
Các cô bé
Đâu cũng đối với mình rất tệ!

Nhưng anh em Grim lúc ấy
Liền bảo ông già:
“Ông đừng nói với chúng tôi như vậy!
Đừng bàn ra!

Ta sẽ tới thư viện,
Ngủ trên giá sách dài,
Vừa đẹp lại vừa tiện
Mà không cần sợ ai”.

Túp lều của bác Tôm lên tiếng:
“Quả Mi-sa làm tôi đau.
Nhưng tôi đã đi nhiều, nay sức yếu.
Tôi không muốn đi đâu!

“Không, phải đi! - Ti-mua nóng nảy. -
Bác không nên cam tâm chịu vậy!”

“Nào, ta di, - Đông Ki-sốt giơ tay
Và hô to. Cả bọn kéo theo ngay.

5
Những cuốn sách lang thang tàn tật,
Vào thư viện, nhìn xung quanh, ngây ngất.

Kia, đèn treo trên bàn dọc thẳng hàng,
Dãy giá đứng nhìn sau cửa kính sáng choang.

Những cuốn sách mặc áo da màu tối
Xếp cạnh tường, rất đều nhau, thành lối,
Như những người xem kịch
Từ ban-công
Trầm ngâm nhìn đám đông.

Bỗng ông già Số Học
Giở cười, giở khóc,
Không hiểu sao
Cứ luôn miệng thì thào:
Ba lần năm là mười lăm...
Cần dũng cảm!
Chín lần hai... Kìa, đừng run...
Là mười tám!

Còn anh chàng Địa Lý sợ, ôm tai
Đang nhìn quanh, định chạy trốn ra ngoài
Khi ba bốn nhân viên bước vào lúc ấy,
Tay cầm chổi, trông xa như cầm gậy.

Họ nhanh nhẹn, họ luôn tay
Gác, sàn, quét sạch.
Lau bên kia, lau bên này,
Gáy, bìa, mép sách.

Họ lau xong, lau khắp nơi,
Vô tình bỗng thấy
Đóng sách cũ đang rã rời
Nằm không động đậy.

Thấy cuốn bẩn, cuốn nhàu,
Cuốn không gáy bọc,
Cuốn thiếu đuôi, cuốn mất đầu,
Và rồi họ khóc:

“Ôi các cậu, các cô từ nơi khác tới đây
Sao người ta nỡ để đến nước này?
Giờ chúng tôi sẽ cho đi bệnh viện,
Tới gặp ông Cu-zơ-ma nổi tiếng.

Ở đấy ông ta đóng lại mới, bọc bìa,
Không để trần truồng, xộc xệch như kia.
Và đâu bẩn, ông ta xóa sạch
Sẽ dán lại những trang nào bị rách.

6
Bài hát của những cuốn sách thư viện

Các cuốn sách lang thang
Nay đã đến
Ở chung cùng chúng tôi
Trong thư viện.

Cuốn hư, cuốn rách,
Cuốn nhàu, cuốn quăn,
Giờ trông đã sạch,
Có áo, có quần.

Áo trong bằng lụa,
Áo ngoài bằng da.
Chẳng bao lâu nữa
Chữa xong về nhà.

Các cuốn sách lang thang
Nay đã đến
Ở chung với chúng tôi
Trong thư viện.

7
Mặc áo mới đủ các màu xanh đỏ,
Được cắt, xén, sửa sang, đánh số,
Các cuốn sách lang thang không nhà
Từ bệnh viện dắt nhau đi ra.

Rồi được dẫn tới một phòng rất rộng,
Nơi được phân ai ở đâu sẽ sống.
Cuốn Số Học già nua nay đã hết càu nhàu,
Được đứng trong hàng chỉ Số Học với nhau.

Còn Ti-mua, kèm theo quân và tướng,
Được phân công lên tầng hai, gác thượng.
Nghĩa là sách của Mi-sa từ nay
Có chỗ riêng, được mát mặt, mát mày.

8
Bỗng một hôm Mi-sa
Bị thầy giao về nhà
Một bài toán rất hóc,
Cậu liền tìm Số Học.

Tìm dưới tủ, dưới bàn,
Tìm trên gác, lan can,
Tìm trong sân, trước ngõ,
Tìm cả trong ổ chó.

Tìm đến mức Mi-sa phải nhăn trán, ôm đầu,
Mà quyển sách cần tìm không thấy ở đâu.

Biết làm sao? Bài toán này rất hóc.
Biết làm sao khi không còn Số Học?

Chỉ còn cách nhảy xuống sông
Để vĩnh biệt đời này,
Hay phải vào thư viện mượn sách ngay.

9
Một buổi sáng, nghe người ta kể lại,
Có cậu bé bỗng từ đâu hớt hải

Chạy vào phòng Thư viện Nhân dân:
“Cho cháu xem cuốn Số Học, rất cần!”

Nhưng khắp nơi, sách kêu to, dãy nảy:
“Không! Đừng đưa, đừng đưa cho cậu ấy!”

10
Lời tác giả

Cậu chuyện này tôi viết xong từ lâu,
Cách đây nhiều, rất nhiều năm về trước.
Nhưng Mi-sa và tôi vừa gặp nhau
Mới gần đây, thật không ai ngờ được

Nay Mi-sa không còn là Mi-sa,
Mà từ lâu - một kỹ sư nổi tiếng.
Con đầu lòng năm nay đã mười ba,
Một cậu bé rất ngoan, không lười biếng.

Hai bố con có mời tôi lại chơi.
Rất nhiều sách trong nhà tôi thấy,
Nhưng không vứt lung tung khắp nơi,
Mà trong giá, đứng thành hàng, thành dãy.

Rất đều nhau, bìa bọc vải, bọc da,
Với những dòng chữ to in nổi,
Sách của hai bố con Mi-sa
Cười sau kính như sắp đi dự hội.

Và ở đây, sách chung sống cùng nhau
Không biết cảnh rách sờn, quăn, lộn xộn,
Không bao giờ và không đi đâu
Chúng định bỏ nơi này chạy trốn!

No comments:

Post a Comment