Sunday, June 7, 2015

THƠ NGA MỚI DỊCH




1. MARINA TSVETAEVA
Thái Bá Tân dịch ừ tiếng Nga                              
                                                                                       
Marina Tsvetaeva sinh ở Moskva trong một gia đình có truyền thống văn hóa. Mẹ bà là nữ nghệ sĩ piano tài danh, còn bố là giáo sư, nhà ngôn ngữ Vladimirovich Tsvetaev và là người sáng lập bảo tàng mỹ thuật Pushkin. Từ nhỏ Marina được hưởng nền giáo dục hàn lâm, tiếp cận với các kiến thức cơ bản của nghệ thuật, văn hóa cổ điển Nga và nước ngoài.
Lên 6 tuổi, Marina đã biết làm thơ bằng tiếng Nga, tiếng Pháptiếng Đức. Bà học phổ thông ở Moskva, Thụy SĩĐức. Năm 1910 bà in tập thơ đầu tiên Вечерний альбом (Album chiều) gây được sự chú ý của các nhà thơ nổi tiếng thời đó như Valery Yakovlevich Bryusov, Maximilian Alexandrovich Voloshin, Nikolai Stepanovich Gumilyov. Năm 1912 bà lấy chồng là Sergei Yakovlevich Efron – là người thời kỳ nội chiến tham gia bạch vệ nên sau Cách mạng tháng Mười Nga phải ra sống ở nước ngoài. Tuy chồng ra nước ngoài nhưng Marina lại không theo đi mà ở lại nước Nga, điều đó làm giới ngoại kiều Nga không ưa bà.
Tháng 5 năm 1922, Marina cùng con được phép ra nước ngoài để đoàn tụ với Sergei Yakovlevich Efron. Đầu tiên sống ở Berlin rồi Praha, Paris. Ban đầu, giới ngoại kiều Nga hoan hỉ đón chào bà như một con bài chính trị. Nhưng dù phải xa quê hương, Marina vẫn một nỗi nhớ đau đáu quê nhà và viết “bằng ngôn ngữ bình đẳng”. Chính vì thế, bà bị xa lánh, bị bài xích trong cộng đồng Nga ở nước ngoài.
Trong hoàn cảnh như vậy, Marina quyết định trở về Liên Xô. Tháng 6 năm 1939, Marina cùng chồng con trở lại Moskva. Nhưng với Liên Xô lúc đó, những ai từng sống lưu vong thì phải đứng bên lề xã hội.[1] Gia đình bà liên tiếp gặp chuyện dữ: em gái bà là Anatasia bị bắt, chồng bà ốm nặng, sau đó bị xử bắn; con gái bị bắt vào trại giam.
Thế chiến II bùng nổ, bà cùng con trai sơ tán về thành phố nhỏ Elabug. Người con trai duy nhất của bà ra mặt trận. Marina sống hết sức nghèo khó và bị xa lánh; ngay cả khi bà viết đơn xin làm người rửa xoong nồi trong nhà ăn dành cho các nhà văn cũng không được chấp nhận.
Tuyệt vọng và cô đơn, đau buồn cho số phận của những người thân và cảnh chiến tranh của đất nước, ngày 31 tháng 8 năm 1941 bà đã treo cổ tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh cho con trai nhưng người con này 3 năm sau cũng chết vì đạn của chiến tranh.
Nhà thơ Yevgeny Aleksandrovich Yevtushenko viết về cái chết của bà: “Không ai treo cổ, xử bắn bà. Nhưng người ta đã bắn bà bằng sự ghẻ lạnh, thờ ơ và không in ấn thơ của bà”.
Thơ của Marina Tsvetaeva một thời gian dài bị cấm ở Liên Xô, còn hiện tại bà là một trong những tác giả được yêu thích nhất.
Theo Wikipedia
__________________________


HAI MẶT TRỜI

Hai mặt trời đang lụi tắt, than ôi -
Một trên trời, và một trong tim tôi.          

Hai mặt trời, - phải chăng tôi chẳng biết, -
Đã làm tôi phát điên lên, suýt chết.        

Và cả hai giờ chẳng nóng, xạm đen.
Cái nóng hơn là cái nguội đầu tiên!
                                    

CHỈ LÀ MỘT CON BÉ

Chỉ là một con bé, và tôi
Phải sống đến ngày được cưới.
Không quên: đời là chó sói,
Mà tôi là cừu.

Tôi phải mơ về lâu đài vàng,
Phải sành điệu, phải quay, phải nhảy.
Lúc đầu với con búp bê, còn sau,
Sau phải cái gì hơn vậy.

Tôi không được cầm kiếm,    
Cả đàn cũng không, tiếc thay.
Tôi, con bé ngốc nghếch đời này,
Tôi chỉ biết im. Và đợi.           

Tôi nhìn trời sao, và biết
Sao của tôi đã ra đời.
Nhìn mãi, và cười.
Không chớp mắt.
1909 - 1910                  


TỪ CỔ TÍCH, LẠI VÀO CỔ TÍCH        

Đều của anh -
Cái mộng mơ không có thật.
Cái buồn những ngày tháng Tư trong lành.
Của anh hết - những gì cao đẹp nhất,      
Em mãi suốt đời là cô bé,
Của anh.

Nào anh yêu, đêm đông này đầy gió,
Hãy bên em như cậu bé hiền lành.
Cứ để em ngạc nhiên, khi đau khổ,
Đừng giúp em, em - cô bé,
Vợ anh.
1909 - 1910


MỚI HÔM QUA
 
Mới hôm qua anh còn nhìn mắt em,
Thế mà giờ anh quay ngang bối rối,
Mới hôm qua anh còn ngồi suốt đêm,
Giờ cái gì cũng làm anh giận dỗi.

Anh thông minh, anh am hiểu nhiều điều.
Em chậm chạp, em là con ngớ ngẩn,
Nhưng em kêu như phụ nữ thường kêu:
"Em làm gì đáng cho anh tức giận?"

Với phụ nữ, nước mắt là nước sông,
Nhưng với họ, máu cũng là nước lã,
Và tình yêu là gì ghẻ con chồng,
Xin đừng đợi lòng thương và phép lạ.

Sống phải bùng như ngọn lửa trong đêm -
Anh dạy thế, nhưng rồi trong giá rét
Anh bỏ em. Anh là thế với em,
Nhưng với anh, em làm gì đáng ghét?

Em hiểu anh, anh không phải nói nhiều
Em không còn là tình nhân, em tỉnh.
Nhưng nơi nào đã để mất tình yêu.
Thì thần chết lên thay và quyết định.

Treo trên cây, khi quả táo chín mềm,
Sẽ tự rơi, đó là điều chắc chắn.
Nhưng dù sao, hãy tha thứ cho em
 Những gì em đã làm anh tức giận.
1920    


CẢ KHI CHẾT...

Cả khi chết cũng không kêu: than ôi!       
Không tìm hiểu vì sao em bị hại.
Còn khối việc quan trọng hơn rất nhiều
So với yêu, thành công hay thất bại.

Anh, cánh chim gõ cửa trái tim em.
Anh, còn trẻ, làm em vui vô cớ.
Em bảo anh: Nếu anh muốn, gõ đi.
Em có lỗi, nhưng tim em không mở!         
1918          


TÔI THẤY THÍCH...
 
Tôi thấy thích vì anh không yêu tôi,
Và cả việc tôi với anh cũng thế.
Tôi thấy thích vì đất dưới chân anh
Luôn vững chắc, không lung lay, không thể!              

Tôi thấy thích vì tôi được tự do
Thành hư hỏng, không thanh minh này nọ;
Không đỏ mặt vì mặt trời chói chang,
Đưa tay áo khẽ lau lau đâu đó.       

Tôi thấy thích cả khi đang có tôi
Anh thản nhiên ôm hôn cô gái khác;
Cả khi tôi không hôn anh, và anh
Không oán trách, không chê tôi phụ bạc.

Tôi thấy thích vì tên tôi, vì tôi
Không làm anh luôn đêm ngày tưởng nhớ;
Hai chúng ta cũng chẳng vào nhà thờ
Nghe thánh ca và trở thành chồng, vợ.

Cảm ơn anh, bằng trái tim, bằng tay,
Vì anh yêu, - tự anh anh chẳng thấy -
Theo cách anh, anh để tôi được yên.
Cảm ơn anh ít hẹn hò đâu đấy.

Cảm ơn anh vì không dạo dưới trăng,
Vì mặt trời không vì ta đẹp đẽ;
Vì anh đau, nhưng không đau vì tôi,
Vì tôi đau không vì anh, hẳn thế.
                                                                         


CHO MỘT TÌNH YÊU NHƯ THẾ          

Cho một tình yêu như thế -
Xin lỗi, tôi già rồi!
Nhưng tình yêu già hơn tôi.

Đau, thật đau,
Năm mươi lần mùa xuân.
Nhưng tình yêu già hơn thế nhiều lần.

Già như rắn, như hổ phách,
Như cây xương rồng già,
Già hơn đá, hơn biển,
Hơn cả những con tàu ma...

Nhưng cái đau trong ngực tôi, tiếc thay,
Còn già hơn mọi tình yêu đời này!


MỖI BÀI THƠ...

Mỗi bài thơ - một đứa con tình yêu,
Đứa con hoang, đói nghèo, tội lỗi.  
Con đầu lòng, phải hứng chịu gió mưa,
Mẹ nó nựng, đặt lên đầu gối.

Với mẹ nó - là thuốc đọc, bàn thờ,
Là thiên đường, nhục nhã.
Bố của nó có thể một ông vua,
Cũng có thể thằng ma cô hèn hạ.
1918


NGÀY VÀ THÁNG...
 
Ngày và tháng, như  vết nhờn, cứ loang.
Các vần thơ - đường may trên tấm giẻ.
Cuộc đời em, em chẳng mấy quan tâm -
Nó đã không của anh.
Nó với em - cũng thế!                              

Nỗi buồn em, em cũng chẳng quan tâm.  
Ngủ và ăn? Tấm thân em trần tục,
Một khi nó đã không thuộc về anh.
Nó cũng chẳng là của em,
Không cho em hạnh phúc.     


ANH VỚI EM...

Anh với em - thật gần và thân ái,
Như tay trái và tay phải.

Ta bên nhau, thật ấm áp, hài hòa,
Như đôi cánh con chim sơn ca.

Nhưng bão tố nổi lên - là khoảng không vô đáy
Giữa hai cánh của con chim ấy.         


TÔI KHÔNG NGHĨ...

Tôi không nghĩ, không than phiền, không ngủ,
Cũng không buồn cãi nhau.
Không vươn tới mặt trời, hay vũ trụ,
Không muốn những con tàu.

Không cảm thấy bốn bức tường ngột ngạt,
Hay vườn cây buổi chiều.
Đã từ lâu không chờ, không thèm khát
Những món quà tôi yêu.        

Tiếng  tàu điện kêu leng keng buổi sáng
Không làm tôi vui tai.
Quên mọi thứ, quên cả ngày, năm, tháng,
Tôi sống thế, phí hoài.

Có vẻ tôi đi trên dây cáp gỉ.
Tôi - con bé diễn viên.
Tôi - cái bóng của bóng ai, con loạn trí
Giữa hai mặt trăng đen.
1914   


BỒNG BỘT NHƯ NGƯỜI DI-GAN

Bồng bột như người Di-gan,
Vừa mới gặp, đã lại đi, rất vội.
Tôi đưa hai tay ôm đầu,
Và suy nghĩ, trâng trâng nhìn bóng tối.             

Tìm lục mãi trong cả đống thư từ,
Ta không hiểu đến tận cùng chân lý:
Rằng chúng ta ưa thay đổi, tức là
Ta trung thành với chính ta, ích kỷ.         


THÁNG MƯƠI HAI VÀ THÁNG GIÊNG

Một buổi sáng tháng Mười Hai - Hạnh phúc!
Tiếc chỉ kéo dài mấy giây.
Mà không phải từ thơ ca, từ sách -
Thật, lần đầu và sờ được bằng tay.

Một buổi sáng, vào tháng Giêng - Đau khổ.
Kéo dài một giờ, rất lâu.
Đau khổ thật, đau vô cùng, và nó
Cũng lần đầu!             


THƠ CỦA TÔI...

Thơ của tôi viết từ lâu, rất lâu,
Đến mức tôi không nghĩ mình - tác giả.
Chúng phun ra như nước ở đài phun,
Như đốm lửa pháo hoa, sáng lóa.

Chúng vào đời như những chú quỉ con,
Bay lên tận chốn linh thiêng cao quí.
Thơ của tôi về cái chết, tuổi xuân...
Những bài thơ không ai thèm để ý.

Không ai mua và chẳng bao giờ mua,                         
Chúng chất đống ngoài cửa hàng, rệu rã.
Thơ của tôi, như rượu ủ lâu ngày,
Càng để lâu, có thê càng lên giá.    
1913

____________________                        


2. ANNA AKHMATOVA

Anna Akhmatova (tiếng Nga: Анна Ахматова, tên thật: Анна Андреевна Горенко Anna Andreevna Gorenko, 23 tháng 6 năm 1889 - 5 tháng 3 năm 1966) - nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, dịch giả Nga, một trong những gương mặt xuất sắc nhất của thơ Nga thế kỉ 20. Nhà thơ Yevgeny Yevtushenko gọi Anna Akhmatova là "đêm trắng của thi ca Nga".
Anna Andreevna Gorenko sinh ở Bolshoy Fontan, Odessa (nay là Ukraina). Năm 1890 gia đình chuyển về Tsarskoe Selo, Sankt-Peterburg. Năm 1905 bố mẹ chia tay nhau, các con theo mẹ đến thành phố Evpatoria ở phía nam. Bà học luật ở Kiev năm 1906-1907 và học văn học và lịch sử ở Sankt-Peterburg năm 1908-1910. Tháng 4 năm 1910 bà lấy chồng là nhà thơ Nikolai Stepanovich Gumilyov sau đó đi du lịch sang Pháp, Ý.
Bà viết thơ đầu tiên năm 11 tuổi in ở tạp chí Apollo nhưng bố không cho lấy họ Gorenko nên đã lấy họ thời trẻ của bà ngoại là Akhmatova. Năm 1912 Anna Akhmatova in tập thơ đầu tiên Вечер (Buổi chiều) được giới phê bình chú ý; năm 1914 bà in tập thơ thứ hai Чётки (Tràng hạt). Những nét chính của thơ Anna Akhmatova là sự hiểu biết tinh tế của những cung bậc tình cảm, sự suy ngẫm về những bi kịch nửa đầu thế kỉ 20. Trường ca Реквием (Khúc tưởng niệm, 1935-1940 in năm 1976) viết về những nạn nhân của cuộc trấn áp trong thập niên 1930. Đỉnh cao trong sáng tác của bà là Поэмa без героя (Trường ca không có nhân vật, 1940-1965) được đánh giá là một tác phẩm thi ca triết học tầm cỡ của thế giới.
Năm 1962 bà được đề cử trong danh sách xét giải Nobel Văn học. Năm 1964 bà được tặng giải Etna Taomina của Ý; năm 1965 bà được trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Oxford.
Ngoài thơ, Anna Akhmatova còn là tác giả của nhiều bài viết về Aleksandr Sergeyevich Pushkin và các nhà thơ đương thời. Anna Akhmatova được mệnh danh là "Bà chúa thơ tình Nga". Thơ của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Theo Wikipedia

1. CÁC KỶ NIỆM

Các kỷ niệm về mặt trời đang tắt,
Lá đã không còn xanh.
Gió thổi nhẹ, gió làm vương trên mặt
Những hạt tuyết vô tình.

Trong con mương, thôi không còn sủi sóng
Nước đóng băng, thờ ơ.
Không, ở đây chưa có gì quan trọng
Từng xảy ra bao giờ.                                                         

Như cánh quạt đang xoè ra, cây liễu
Đứng trầm tư buông cành.
Rất có thể sẽ tốt hơn, rằng nếu
Em không là vợ anh.

Các kỷ niệm về mặt trời đang tắt,
ồ, cái gì thế này?
Rất có thể rằng mùa đông gió rét
Sẽ kịp về đêm nay.
1911


2. TÌNH YÊU

Đêm.
Thứ hai.    
Đã là ngày hăm mốt.
Pêtécbua chìm ngập giữa sương chiều.
Có ai đó vô công và dại dột,
Nói trên đời như thể có tình yêu.

Và rồi do biếng lười, do mỏi mệt,
Ai cũng tin vào điều ấy, thế là

Người ta hát về tình yêu tha thiết,
Người ta chờ, người ta sợ cách xa...

Nhưng tuy thế, vẫn có người không vậy.
Họ tìm ra sự thật, sống bằng đầu.
Tôi, ngẫu nhiên, gặp một lần điều ấy,
Thế mà giờ hình như vẫn còn đau.


3. TÔI ĐÃ THÔI MỈM CƯỜI

Tôi đã thôi mỉm cười.
Môi bị băng dính chặt.
Có thêm một bài ca,
Một hy vọng bị mất.

Bài ca ấy của tôi
Bị cười chê cay đắng.
Sau đó trái tim đau
Vì tình yêu câm lặng.


4. BỊ RUỒNG BỎ

Tôi tiễn bạn ra tận hàng hiên,
Và đứng lặng giữa nắng chiếu óng ả.
Chuông nhà thờ từ nhà thờ kề bên
Thong thả điểm, đều đều, thong thả.

Bị ruồng bỏ! Một từ mới thật hay -
Cứ như vứt bức bông hoa hay tờ giấy!
Thế mà mắt, đôi mắt của cô này
Đã đượm buồn và âm u vì vậy.


5. MỖI MỘT NGÀY

Mỗi một ngày lại thêm buồn lo mới.
Cũng thơm hơn mạch chín giữa nắng chiều.
Nếu anh muốn quì bên em, hãy lại,
Hãy lại đây, anh yêu.

Trong rừng phong chim vàng anh đang hót,
Cho tới đêm chim cứ hót trên cành.
Em muốn che những người luôn vui vẻ
Khỏi mắt anh màu xanh.

Tiếng lục lạc leng keng trên đường vắng.
Anh và em quen thuộc tiếng keng này.
Em sẽ hát anh nghe, thôi, đừng khóc,
Bài hát chiều chia tay.
1913


6. TÔI HỎI...

Tôi hỏi chim cúc cu:
Tôi sống bao nhiêu tuổi?
Cúc cu không trả lời.
Trên ngọn thông, gió thổi.

Tôi bước đi về nhà,
Giọt nắng rơi lên cỏ,
Cảm thấy trên trán tôi
Có bàn tay của gió.    


7. CÓ NGƯỜI LUÔN ĐI THẲNG

Có người luôn đi thẳng,
Có người đi vòng quanh,
Chờ được về nhà cũ,                                                              
Chờ người yêu của mình.

Tôi đi, trốn bất hạnh,        
Chẳng đến đâu, về đâu,
Không vòng, cũng không thẳng,
Như leo dốc, con tàu...
1940


8. SAU KHI MỘT NGƯỜI CHẾT

Khi một người nào chết,
Trên chân dung, người này
Hình như nhìn khác trước,
Nụ cười cũng đổi thay.

Tôi nhận ra điều ấy
Khi tiễn một nhà thơ.
Vfa điều tôi nhận xét
Đúng đến tận bây giờ.
1940        


9. TA, NHỮNG KẺ LẦM LẠC

Ta, những kẻ lầm lạc,
Sống chán ở đời này.
Chim, hoa treo trên vách
Đang thèm khát trời mây.

Miệng anh ngậm tẩu thuốc,
Nhả khói lạ lùng sao.
Tôi mặc chiếc váy bó
Cho người thêm thon, cao.             

Các cửa sổ luôn đóng.
Kệ bên ngoài, kệ đời.
Mắt con mèo thận trọng
Giống mắt anh, còn lười.                

Hay tôi chờ cái chết?
Sao tôi buồn khác thường?
Cô gái kia đang nhảy
Chắc không lên thiên đường.
1913


10. ANH BIẾT ĐẤY

Anh biết đây, tôi buồn,
Cầu trời, xin được chết,
Nhưng yêu đến quặn đau
Vùng Tver nghèo kiết.

Con sếu trên giếng hoang,
Trên nữa là mây trắng.
Mùi lúa mì, mùi buồn
Ngoài cánh đồng im lặng.

Và cả chân trời mờ,
Nơi gió nghe rất nhỏ,
Cả những bà nhà quê
Cùng cái nhìn của họ.
1913                                                           


11. LẦN NÂNG CỐC CUỐI CÙNG

Thì tôi uống, vì ngôi nhà bị phá,
Vì đời tôi bất hạnh, chẳng nguyên lành,
Vì hai người mà cô đơn, lạnh giá,
Vì nhiều điều, trong đó cả vì anh.      

Vì ánh mắt luôn lạnh băng, thù hận,
Vì đôi môi hôn giả dối, và rồi
Vì cuộc sống luôn bất công, tàn nhẫn,
Vì Chúa Trời đã không cứu đời tôi.  
1934                      


12. EM RỜI BỎ...

Em rời bỏ ngôi nhà anh lặng lẽ,
Cuộc đời em sẽ trống rỗng, yên lành.      
Như những người đàn bà yêu có thể,
Trong thơ mình, em luôn ngợi ca anh.

Anh đã tạo một thiên đường có thật                                                                  
Trong mắt em, anh sẽ nhớ em nhiều.
Em rao bán những gì cao quí nhất -         
Là những gì anh đã tặng - tình yêu.       
1913


13. TRONG NHÀ...

Trong nhà im ắng hẳn.
Bông lựu cuối cùng rơi.
Tôi ngồi, đêm đến sớm,            
Thờ thẫn, lạnh trong người.

Cổng ngoài đã khép chặt.
Gió ngừng thổi, đêm đen.
Vắng anh, chồng chưa cưới,
Vắng niềm vui, ưu phiền.

Chiếc vòng tìm không thấy
Em chờ nhiều ngày đêm.
Bài hát buồn âu yếm
Đã chết trong ngực em.
1917


14. ĐÊM TRẮNG

Ôi, cửa quên chưa đóng,
Đèn chưa thắp trên tường.
Anh biết không, em mệt,
Ngã vật người xuống giường.

Chìm trong hoàng hôn xẫm
Những vệt mờ màu xanh.
Có ai đấy đang nói,
Nghe rất giống tiếng anh.

Vậy là hết mọi chuyện,
Đời khốn nạn, ủ ê.
Thế mà em những tưởng
Nhất định anh quay về.
1911                       


15. KHI NGHE TIN...

Khi nghe tin về cái chết của tôi,     
Một cái chết bất ngờ, đau đớn nhất,
Chắc anh ta không xúc động, không buồn,
Chỉ mỉm cười khô khan, hơi tái mặt.

Và lập tức nhớ đã từng cùng tôi
Phóng xe ngực dọc Nê-va tuyết gió.
Nhớ cả việc anh ta thế suốt đời
Bảo vệ tôi, cô người yêu ngày nọ.
1917                 


16. SUỐT CẢ TUẦN...

Suốt cả tuần tôi ngồi bên biển vắng,
Ngồi một mình, không nói gì, im lặng.
Ngồi, thích thú để sóng té lên tôi,
Sóng biển mặn như nước mắt mặn mòi.

Nhiều mùa xuân và mùa đông trôi qua,    
Tôi chỉ nhớ những mùa xuân đầy hoa.
Tuyết đang tan, ban đêm trời đã ấm,
Tôi ra ngoài, ngắm trăng trên rừng rậm.

Có một người không quen biết hỏi tôi,
Khi bống nhiên gặp nhau trong rừng sồi:
“Có phải cô là người tôi mơ ước
Và tìm kiếm, nhưng không sao tìm được?

Tôi tìm cô từ ngày bé, thực lòng,
Như tìm người em gái nhỏ...” “Ồ Không!”
Tôi chìa tay cho người này; lúc đó
Ánh trăng soi khuôn mặt anh rất rõ.

Anh tặng tôi chiếc nhẫn có phép màu
Giúp đề phòng tình yêu đến, buồn đau,
Rồi anh dặn tìm đến nơi, anh hứa
Tôi và anh sẽ gặp nhau lần nữa.

Biển, vũng tròn, ngọn hải đăng vươn cao...
Như ngải cứu, đời đắng cay, không sao.
Nó bắt đầu thế nào thì cứ vậy
Nó kết thúc - tôi nói rồi điều ấy!     
1916, Sevastopol


17. ANH MỖI NGÀY...

Anh mỗi ngày một lạ hơn, bí ẩn,
Em mỗi ngày một nhẫn nhục nghe anh.
Là thử thách với em, là sắt, lửa -    
Thứ tình yêu anh có chẳng yên lành.

Anh cấm em không được cười, được hát,
Anh cấm em cầu nguyện, cấm từ lâu.
Em cam chịu, em thế nào cũng được,
Miễn hai người không phải buộc xa nhau.

Rất xa lại với cả trời lẫn đất,
Vậy là em không được hát, không cười.                                                  
Như thể anh, cả thiên đường, địa ngục,
Tước của em cái quyền sống làm người!       
1917          


18. TRONG MỖI NGÀY...

Trong mỗi ngày thường có
Một giờ buồn và lo.            
Nhắm mắt, nỗi buồn ấy
Tôi kêu lên, kêu to.

Nó, trong tôi, như máu,
Như hơi thở nồng nàn
Như tình yêu hạnh phúc
Đầy tính toán và gian!
1917 


19. BĂNG CỨ LỪ LỪ TRÔI

Băng cứ lừ lừ trôi,
Trời như da người chết.
Sao anh luôn trách em?
Lỗi em, em đã biết.

Thích thì giết em đi,                                           
Đừng nhìn em thù địch.
Anh không muốn có con,
Thơ em anh không thích.

Được, em nghe theo anh.
Hết những gì em có,
Em trao anh - nỗi buồn
Em sẽ mang xuống mộ.
1918


20. VINH QUANG...

Vinh quang như khói nhạt.
Tôi không cần thứ này.
Tôi luôn mang hạnh phúc
Cho người tình xưa nay.

Một người, giờ còn sống,
Yêu bạn gái của tôi.
Người khác được đúc tượng,
Vênh vang trên đỉnh đồi!
1914


21. EM VUI...

Em vui, mà anh thì say.
Vô nghĩa những gì anh nói.
Đầu thu, lá trong chậu hoa
Úa vàng, và trông mệt mỏi.

Tự ta đến đất nước này,
Để rồi bây giờ hối hận.
Vậy sao chúng ta còn cười,
Nụ cười đóng băng, vớ vẩn?

Tự ta tìm kiếm buồn đau
Thay vì cuộc đời yên ổn.
Yên tâm, em không bỏ anh,
Người bạn thơ ngây, hư đốn.
1911, Paris
                                ______________

          

BORIS PASTERNAK

Boris Leonidovich Pasternak (tiếng Nga: Борис Леонидович Пастернак; (10 tháng 2, (lịch cũ: 29 tháng 1) năm 189030 tháng 5 năm 1960) là một nhà thơ, nhà văn Nga-Xô viết đoạt Giải Nobel Văn học năm 1958. Ông nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago (Доктор Живаго), tuy nhiên người Nga lại coi trọng nhất là thơ ca của ông, tiêu biểu là tập thơ Chị tôi-cuộc đời (Сестра моя - жизнь).
Boris Leonidovich Pasternak sinh trưởng trong một gia đình gốc Do Thái. Cha ông là Leonid Osipovich Pasternak, một họa sĩ, viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật Sankt-Peterburg; mẹ ông là Rozaliya Isidorovna Pasternak (nhũ danh Kaufman, 1868-1939), một nghệ sĩ dương cầm. Ông bà Pasternak đã chuyển từ Odessa về Moskva năm 1889, một năm trước khi Boris ra đời. Boris là con cả, các em ông là Aleksandr (1893-1982), Jozefina (1900-1993) và Lidiya (1902-1989).
Đến làm khách nhà ông có những họa sĩ, nhạc công, văn sĩ nổi tiếng như nhà soạn nhạc Sergey Rahmaninov, nhà thơ Rainer Maria Rilke, văn hào Lev Nikolayevich Tolstoy. Năm 13 tuổi (1903), do ảnh hưởng từ nhạc sĩ Aleksandr Nikolayevich Skryabin, Pasternak bắt đầu yêu thích âm nhạc và học nhạc trong sáu năm. Năm 1914, ông in tập thơ đầu tiên Người anh em sinh đôi trong mây đen (Близнец в тучах). Tập thờ này được công chúng đánh giá cao, đến thập niên 1930 ông được coi như một nhà thơ Xô viết hàng đầu.
Năm 1923 ông cho ra đời tập thơ Những chủ đề và biến tấu (Темы и вариации) được đánh giá là đỉnh cao của thơ ông. Pasternak còn là một dịch giả tài năng. Ông dịch thơ cổ điển tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Gruzia, đặc biệt các bản dịch bi kịch của William Shakespeare được coi là hay nhất trong tiếng Nga.
Pasternak chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của nhà triết học Kant cả về cấu trúc tác phẩm lẫn hình thức thể hiện; ông cũng từng tôn thờ Chủ nghĩa vị lai của bạn thân của Vladimir Mayakovsky. Trong khi nhiều bạn bè và họ hàng ra đi khỏi nước Nga khi Cách mạng tháng Mười thành công, Pasternak đã ở lại với niềm hứng khởi mới. Nhưng năm 1932, khi ông tách khỏi Chủ nghĩa vị lai, tự tạo nên phong cách của mình thì ông không còn được chính quyền ủng hộ.
Từ năm 1945 đến 1955, Pasternak sáng tác cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất của ông, Bác sĩ Zhivago, nhưng không được in ở Liên Xô, đến năm 1957 tác phẩm này được xuất bản ở Ý. Cuối năm 1958, cuốn sách được dịch ra 18 thứ tiếng. Cũng trong năm này, Pasternak là người Nga thứ hai được trao giải Nobel Văn học vì những thành tựu ông đã đạt được trong nền thơ trữ tình hiện đại, cũng như vì công lao tiếp nối các truyền thống của nền tiểu thuyết sử thi Nga, mà nổi bật nhất là Bác sĩ Zhivago. Trước đó, liên tục trong khoảng 10 năm, Pasternak đã được đề cử giải Nobel văn học vì sự nghiệp thi ca. Do những áp lực chính trị, Pasternak buộc phải từ chối nhận giải. Ông đánh điện gửi Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển:
“Nhìn nhận ý nghĩa của giải thưởng với xã hội mà tôi đang sống, tôi buộc phải từ chối giải thưởng này. Đề nghị không phật ý với sự tự nguyện từ chối của tôi”.
Ngày 30 tháng 5 năm 1960 Boris Leonidovich Pasternak qua đời vì căn bệnh phổi. Mãi đến năm 1988, tác phẩm Bác sĩ Zhivago của ông mới được xuất bản ở Liên Xô.
                                            
ĐÊM ĐÔNG

Trắng, trắng xóa khắp nơi trên mặt đất,
Trắng xóa cả không gian.               
Ngọn nến cháy trên bàn, mờ, lay lắt,
Ngọn nến cháy trên bàn.                 

Như mùa hè, bầy thiêu thân bé nhỏ
Lao vào ngọn lửa hồng,
Giờ từ sân, quất lên ô cửa sổ
Những bông tuyết mùa đông.

Tuyết để lại những hình kỳ dị nhất
Trên mặt kính khô khan.
Ngọn nến cháy trên bàn, mờ, lay lắt,
Ngọn nến cháy trên bàn.                 

Các bóng đen in lên trần, ngã ngốn
Trong ánh nến đục ngầu.
Hình tay chân quyện vào nhau lẫn lộn,
Số phận quyện vào nhau.      

Hai chiếc giày cùng tiếng kêu khô khốc
Rơi xuống đất bất ngờ.
Hai giọt nến của cây đèn đang khóc
Rơi lên áo, thờ ơ.                   

Tuyết cứ rơi, nhấn chìm toàn trái đất
Trong màu trắng miên man.
Ngọn nến cháy trên bàn, mờ, lay lắt,
Ngọn nến cháy trên bàn.          

Gió khẽ thổi, ngọn nến hồng nghiêng ngả.
Khói bay lên, phân vân.
Cũng bay lên, có hình cây thánh giá,
Là đôi cánh thiên thần.

Tuyết rơi mãi suốt tháng Hai, chán thật,
Thỉnh thoảng buồn, bất an,
Ngọn nến cháy trên bàn, mờ, lay lắt,
Ngọn nến cháy trên bàn.    
1946                    


VỐN CẢ THẸN...

Vốn cả thẹn, thường ngày luôn khép nép,
Sao hôm nay em xúc động bất ngờ?
Nào, để anh giam em cùng sắc đẹp
Vào lâu đài đen tối của bài thơ.

Em nhìn kia, dưới ánh đèn le lói,
Bóng của ta và mọi thứ trong phòng,
Luôn mờ ảo, luôn lung linh, thay đổi,
Cả mép tường, mép cửa sổ, thấy không?

Em nghiêm khắc, xếp chân theo kiểu Thổ,
Trên nệm bông, rất nghiêm khắc, em ngồi.
Rồi em phán, thơ ngây như trẻ nhỏ,
Anh biết thừa - đều thế cả mà thôi!

Em trầm tư, tay đang xâu chuỗi hạt,
Nhiều hạt rơi xuống váy, cũ và sờn.
Vẻ mặt em rất buồn, mà nói thật,
Những chuyện này em nói, chẳng vui hơn.

Em nói đúng về tình yêu, anh biết,
Anh sẽ thay một tên mới, hiền lành
Để gọi em - vì em, anh thay hết
Cả ngôn từ, cả thế giới xung quanh.

Khuôn mặt em đang âm u không thể
Dấu bên trong vỉa quặng lớn tâm hồn
Cùng trái tim luôn yêu đời, tươi trẻ,
Vậy vì sao đôi mắt đẹp em buồn?
                                                                                      



                                       __________________
       

IVAN BUNIN

Nhà văn, nhà thơ Nga Ivan Alekseievich Bunin xuất thân trong một gia đình quý tộc nghèo ở vùng Trung Nga, thuộc dòng họ có nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực chính trị và nghệ thuật. Ông sống nhiều năm ở làng quê mộc mạc, tĩnh lặng; năm 1881 vào học trường trung học nhưng chưa được bốn năm thì hết tiền, phải về tự học với anh trai. Năm 1889, I.Bunin rời quê, làm nhiều nghề kiếm sống như thợ sửa bản in thử, thủ thư, làm báo… Niềm đam mê hội họa và âm nhạc đã ảnh hưởng tới sáng tác văn học sau nàu của ông. I.Bunin làm thơ, viết văn khá sớm, sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu nổi tiếng về văn xuôi với các truyện ngắn và truyện vừa. Sau Cách mạng tháng Mười, I.Bunin di cư sang Pháp (năm 1920) và tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới mang tính nghệ thuật cao như tiểu thuyết Cuộc đời Arseniev (1930), chùm truyện Những con đường rợp bóng cây (1943), v.v… Ngoài ra I.Bunin còn là một dịch giả thơ bậc thầy. Bản dịch Bài ca về Gaiavata của nhà thơ Mỹ Longfellow được Viện Hàn lâm Nga trao giải thưởng văn học cao quý nhất của nước Nga – giải thưởng Puskin. Năm 1933, I.Bunin là nhà văn người Nga đầu tiên được trao giải Nobel “vì nghệ thuật nghiêm ngặt mà với nó nhà văn đã phát triển nền văn xuôi cổ điển Nga”. Trong đáp từ I.Bunin đánh giá cao sự táo bạo của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải cho một nhà thơ lưu vong.



1.
CON CHIM CÓ TỔ...

Con chim có tổ, con thú có hang
      Trái tim buồn đau, thất vọng
Khi tôi ra đi vĩnh biệt khu làng,
      Vĩnh biệt ngôi nhà đã sống.

Con thú có hang, con chim có tổ,
      Trái tim nhức nhối, u hoài
Khi tôi bước chân vào ngôi nhà lạ
      Với chiếc túi sờn trên vai


2.
NƯỚC NGA

Ôi nước Nga, chúng cười diễu nước Nga,
Chúng chê trách và nhiều khi xấu hổ
Vì người Nga quá giản dị, thật thà
Với muôn thuở những túp lều đói khổ.

Cũng giống thế khi bà mẹ từ quê
Ra thăm con mà thằng con xấu hổ
Vì mẹ hắn quá già yếu, vụng về
Giữa đám bạn dân ăn chơi thành phố.

Hắn buồn rầu nhìn người mẹ đáng thương,
Vâng, người mẹ đang ngồi kia, xấu, bẩn,
Người đã vượt hàng mấy trăm dặm đường
Để mang đến những đồng xu nuôi hắn.


3.
DƯỚI CHÂN NÚI...

Dưới chân núi, tôi là người bé nhỏ.
Bản thân tôi cũng nhận thấy điều này,
Khi trước mặt là núi cao đồ sộ
Đang vươn mình sừng sững giữa trời mây.

Nhưng cuối cùng, khi leo lên tới đỉnh
Vượt lên trên bao gian khó, thấp hèn,
Một mình đứng giữa bao la yên tĩnh,
Tôi thấy mình như chắp cánh bay lên.

Dưới chân tôi là đôi tay trái đất
Đang nâng tôi lên tầm mới cuộc đời,
Hạnh phúc đến làm tôi say, chóng mặt,
Thấy quanh mình đều rực rỡ, vui tươi.

Nhưng nỗi sợ chiều cao đang lặng lẽ
Đang làm tôi chợt run sợ, kinh hoàng.
Vì phải chăng tôi dám gần thượng đế?
Dám nhìn Người bằng đôi mắt trần gian?


4.
SAO NHẤP NHÁY...

Sao nhấp nháy trên đầu.
Từ hàng cây xẫm tối
Gió thổi nhẹ, mang theo
Hương mùa xuân, đồng nội.

Đi về phía hoàng hôn,
Tôi hít căng lồng ngực,
Mặc gió chiều vuốt ve,
Tôi đợi chờ hạnh phúc.

Thật khó tin rằng tôi
Sẽ chết, chôn đâu đấy.
Không, tôi ngủ vì vui,
Mặt trời lên, lại dậy.


5.
HỌA MI ĐẦU XUÂN

Trăng tan trong mây im lặng,
Vườn táo ra hoa màu trắng.

Từng đám mây mỏng trôi nhanh
Bên trăng mây có màu xanh.

Trên cành cây cao, đột ngột
Con chim họa mi bỗng hót.

Bên khung cửa sổ, dưới trăng
Cô bé tết bím tóc vàng.

Bài hát mùa xuân chim hót
Dù nghe trăm lần vẫn ngọt...


6.
CHAO, THẬT BUỒN...

Chao, thật buồn, rất nhanh hoàng hôn tắt,
Trời tối ngay như ai thổi tắt đèn.
Sau thửa lúa rất gần thôi trước mặt,
Đã chỉ còn nhìn thấy một màu đen.

Và bóng tối một đêm thu lành lạnh
Bỗng từ đâu che kín cả cánh đồng.
Chỉ phương Tây đôi vệt mờ rất mảnh
Của mặt trời còn sót lại trên không.

Không tiếng động. Trái tim tôi vô cớ
Bỗng bâng khuâng xao xuyến, bỗng buồn rầu...
Vì xung quanh là bóng đen đáng sợ?
Vì đường dài, đến chỗ nghỉ còn lâu?

Hay phải chăng vì mùa thu lặng lẽ
Đến mang theo cái hương vị buồn buồn
Của những cánh đồng xa luôn vắng vẻ,
Những cảnh chiều nông thôn?



7.
MỘT TIA CHỚP...
 
Một tia chớp vụt lóe lên, sau đấy
Lại chìm ngay trong đêm tối mịt mùng,
Nhưng tôi kịp, dù rất nhanh, nhìn thấy
Cả bầu trời đầy huyền diệu, mông lung.

Ở nơi ấy, nơi thiên đường lặng lẽ
Đang mọc lên những ngọn núi mây hồng,
Những thành phố, những lâu đài tráng lệ,
Để rồi chìm trong đêm tối mênh mông.

Nhưng lần nữa lại bùng lên rực rỡ,
Chốn thần tiên lại xuất hiện chói ngời,
Vì thượng đế bằng bàn tay đáng sợ
Xé bức màn đang phủ kín khắp nơi.

Ta cũng thế, nhiều khi trong cuộc sống
Ta ước mơ những giây phút huy hoàng,
Để sau đó rơi ngay vào thất vọng,
Không thánh thần, không cả chút hào quang.


8.
NHƯ THÁNG TƯ...

Như tháng Tư, giữa hàng cây, ban đêm
Làn khói mỏng bay vấn vương, lặng lẽ.
Bầu trời nhạt phía đàng sau thật êm,
Thật gần gũi, trong, cao và thật nhẹ.

Cả tiếng lá khô vàng kêu dưới chân,
Và bầu trời đầy sao đêm nhấp nháy,
Và mây bay... tất cả giống mùa xuân.
Cả cái buồn bâng quơ này cũng vậy.

Lại lần nữa cuối năm - và trái tim
Bất chấp hết thời gian, đau khổ,
Tôi bước đi, những bước khỏe, vững tin,
Và chờ đợi một cái gì không rõ.


9.
TA KHAO KHÁT...

Ta khao khát, ta luôn tìm hạnh phúc,
Quên xung quanh hạnh phúc có rất nhiều,
Có thể đấy là bờ ao nước đục,
Là khu vườn cùng những tiếng chim kêu.

Tôi từ lâu nhìn đám mây xốp nhẹ
Giăng trên cao thành một vệt...
Đời này ta biết ít, mà những ai có thể
Nhận biết nhiều mới hạnh phúc xưa nay.

Như tia chớp, một con chim bay tới
Đậu chênh vênh bên cửa sổ tôi ngồi,
Tôi ngừng đọc, ngước nhìn lên, chờ đợi...

Ngày sắp tàn, mây trắng bập bềnh trôi.
Tiếng cối xay vọng đều đều, mỏi mệt...
Tôi hạnh phúc - tôi nhìn, nghe và biết.


10.
NHƯ GIỮA CẢNH HOANG TÀN...

Như giữa cảnh hoang tàn, thành cột khói,
Mây mọc lên cuồn cuộn phía rừng sồi.
Chiều nay ấm, âm u, buồn, mệt mỏi,
Cả căn nhà chỉ một, một mình tôi.

Tiếng chân bước nghe trong phòng rất rõ.
Chùm đèn rung như đáp lại hững hờ.
Phía xa xa hoàng hôn đang cháy đỏ,
Đêm vẫy chào bằng vẻ đẹp hoang sơ.


11.
HOÀNG HÔN

Hơi băng lạnh như những dòng khói nhẹ
Treo lửng lơ, bất động giữa chiều tà.
Bên cửa sổ, cây phong buồn lặng lẽ
Đứng một mình như mờ ảo bóng ma.

Chiếc lò sưởi cháy âm thầm mỏi mệt,
Bóng đêm chui vào góc tối trong phòng,
Chỉ cái buồn tiễn một ngày sắp hết
Đang ngập ngừng đập cánh giữa chiều đông.

Cái buồn lẫn trong lớp tro đang tắt
Giữa hoàng hôn rực đỏ phía chân trời,
Trong hơi ấm từ cành cây dè dặt
Cháy trong lò, trong bóng tối khắp nơi.

Nỗi buồn ấy luôn chau mày giận dỗi,
Như bóng ma nhợt nhạt của ngày tàn,
Đứng lặng lẽ nhìn tôi qua đêm tối
Với điều gì đang suy nghĩ miên man.


12.
CẢNH LÀNG QUÊ

Cảnh làng quê, những cánh đồng vắng vẻ,
Chân trời xa rất yên tĩnh, và rồi
Cả bầu trời âm u kia cũng thế,
Có cái gì làm man mác lòng tôi,

Nhưng đồng thời cũng làm tôi ấm lại,
Làm nguồn thơ cảm hứng bỗng tràn đầy
Và gợi nhớ về mối tình thân ái,
Về cái buồn nào đó lúc chia tay.

Tôi nhìn kỹ: những rừng sồi, tán lá
Bắt đầu thay, vàng rực phía ven hồ.
Trông mỗi ngày một thấp hơn - gốc rạ
Những cánh đồng mới gặt đã vàng khô.

Tôi chợt hiểu: với tôi càng yêu quí
Những phút giây còn lại tự do này,
Cả chất thơ của thiên nhiên bình dị,
Cả cánh đồng vắng vẻ, cả hàng cây...


13.
CÔ ĐƠN

Và bóng đêm, và mưa, và gió thổi.
Trên mặt gương nước lạnh đã bao lần
Tất cả chết trước khi mùa xuân tới,
Cả khu vườn cũng rụng lá chờ xuân.
Trong nhà nghỉ ngoại ô, xa thành phố,
Anh một mình, gió luồn qua cửa sổ.

Chiều hôm qua em tới thăm, tuy thế
Hình như em hơi gợn chút buồn rầu.
Khi trời tối, anh thấy ta như thể
Là vợ chồng đang hạnh phúc cùng nhau,
Cũng chẳng sao, cho đến mùa hoa nở
Anh sẽ cố sống một mình không vợ...

Còn hôm nay, suốt cả ngày mây xám -
Vẫn là mây hôm trước - lại bay về.
Dấu chân em in trước hiên đen xạm,
Bị xóa nhòa vì nước ngập, lá che.
Thật đau nhói trong lòng anh là lúc
Ngồi một mình, ngắm sương giăng mờ đục

Anh những muốn kêu thật to: "Quay lại!
Anh van em..." Nhưng phụ nữ thường tình
Khi không yêu, đâu còn nghe phải trái.
Anh chỉ còn là kẻ đáng coi khinh.
Thôi, đành chịu. anh nhóm lò, sau đó...
Hay có lẽ cần nuôi con chó nhỏ?


14.
BÓNG MA

Không, người chết với chúng ta - vẫn sống.
Người Scotland có truyền thuyết, đó là
Những người chết đêm đêm không tiếng động
Vẫn hiện về, dưới dạng những hồn ma.

Không ít lúc họ đưa tay chạm khẽ
Dây đàn Lia treo bám bụi trên tường
Làm bất chợt các dây đàn rung nhẹ,
Những nốt đàn vui sướng lẫn buồn thương.

Truyền thuyết ấy ta xem như cổ tích,
Ta mù câm, ta không hiểu ban ngày,
Nhưng đêm đến, trong cô đơn tĩnh mịch,
Ta sống bằng truyện cổ, gió và mây.

Ta không tin vào bóng ma, có thể,
Nhưng tình yêu không cho phép xem thường.
Tôi vẫn nghe dây tình yêu rung nhẹ
Những nốt đàn vui sướng lẫn buồn thương.



15.
LẦN NỮA CAO TRÊN ĐẦU

Lần nữa cao trên đầu
Phía chân trời màu ngọc
Đàn chim bay về đâu,
Xếp thẳng hàng, thành góc.

Mặt trời to, màu hồng
Cháy sau rừng lặng lẽ.
Đàn chim bay trên không
Hơi dập dềnh chao nhẹ.

Chao, chiều thu bao la,
Ngước nhìn lên, ta thấy
Như tan trên đầu ta
Cả bầu trời lộng lẫy.

Chợt trái tim lâng lâng,
Ta như say, chóng mặt,
Nhiều ý buồn, bâng khuâng
Đưa ta rời mặt đất.


16.
RỒI CÓ NGÀY...

Rồi có ngày tôi chết,
Căn phòng này trống trơ.
Mọi thứ vẫn như cũ -
Bàn ghế, bức ảnh thờ...

Con bướm nhỏ xinh đẹp
Vẫn lách, bay vào phòng,
Vẫy vẫy cánh bay lượn
Trên trần nhà màu hồng.

Cả bầu trời cũng thế,
Ghé mắt nhìn vào nhà.
Cả biển xanh vời vợi
Vẫn vẫy gọi xa xa...
1916       

17.
ANH VÀ EM...

Anh và em sóng bước,
Mà em không nhìn anh.
Những lời nói trống rỗng
Tan giữa gió trong lành.

Mây xám, mưa lác đác
Rơi xuống vườn sau nhà.
Đôi má em hơi tái,
Mắt xanh như màu hoa.                  

Đôi môi em hé mở,
Anh tránh không nhìn lâu.
Thế mà đẹp, thật đẹp
Lúc ấy ta bên nhau.
1917

18.
ĐÊM, TÔI VÀO PHÒNG NÀNG

Đêm, tôi vào phòng nàng.
Trăng chiếu qua cửa sổ.
Nàng ngủ say, tấm rèm
Sáng, lung lay theo gió.

Nàng nằm ngửa, đôi vú
Để trần, trông thật xinh.
Sự sống nàng đứng lặng,
Như nước lặng trong bình.
1898               


19.
TRỜI CHƯA SÁNG...

Trời chưa sáng, chắc còn lâu, còn lâu,
Đêm lười biếng, còn ở trong rừng rậm.
Dưới tán cây ngái ngủ rợp trên đầu
Là mù sương chờ bình minh, âm ấm.

Chim cũng chưa lên tiếng hót trên cành,
Trời màu xám, mới hơi hơi hé rạng,
Hàng thông già ướt đẫm, tán đen xanh...
Tất cả tỏa mùi sương hè buổi sáng.        

Mặc màn đêm cứ nấn ná, thờ ơ,
Ngày còn ngủ trong rừng sâu lặng lẽ.
Đêm này qua, không trở lại bao giờ,
Anh và em chia tay nhau không dễ.

Những tiếng chuông treo lơ lửng trên dầu,
Lúc lắng xuống, lúc vang lên thong thả.
Trời chưa sáng, chắc còn lâu, còn lâu,
Đêm lặng lẽ bước qua đồng sương giá.
1900      


20.
ĐI QUA KHU VƯỜN LẠ

Đi qua khu vườn lạ,
Áo quần vướng cành cây,
Vui niềm vui khó tả -
Dẫm lá chết dưới giày.

Thật vui khi nhớ lại
Chuyện xưa, tưởng không cần.
Thật buồn và thật sợ
Lại hy vọng mùa xuân!         


21.
HOÀNG HÔN...

Hoàng hôn, rừng trải dài,
Thung lũng rộng, trên cỏ
Long lanh giọt sương mai.
Chợt tỉnh con cú vọ.

Xếp thành hàng, rừng thông
Trang nghiêm như người lính.
Chim Lửa - mặt trời hồng
Cháy giữa chiều yên tĩnh.
1899                      


22.
CẢ KHU RỪNG...

Cả khu rừng rụng lá,
Bầu trời xám trên đầu.       
Phía dưới, dọc lối nhỏ,
Lá chanh bẩn, màu nâu.     

Dưới - héo tàn lặng lẽ.
Trên - cái lạnh thầm thì.
Cả thời trẻ phiêu bạt,
Một mình nghĩ, và đi.          
1889               


23.
BỐN XUNG QUANH...

Bốn xung quanh chỉ một màu tuyết trắng,
Một buổi chiều u ám giữa trời đông.
Các cửa sổ những túp lều xiêu vẹo
Đã thắp lên mắt băng giá màu hồng.

Đêm miền Bắc hãi hùng, luôn đến chậm,
Nhưng uy nghi và khó tính; tôi ngồi
Thầm thích thú cái bóng đen giá lạnh                             
Trong ngôi nhà - cái chuồng thú của tôi.
1889   

24.
BUỔI CHIỀU

Ta thường nhớ về hạnh phúc mà thôi,
Mà hạnh phúc có khắp nơi. Có thể
Đó là mảnh vườn con sau mé đồi,
Là ngọn gió thổi vào phòng mát mẻ.

Trên bầu trời rất cao xanh, mảnh mai,
Một dải mây đang bay lên, màu lục.
Tôi từ lâu nhìn nó... Chỉ những ai
Biết đánh giá mới biết mùi hạnh phúc.

Một con chim kêu chíp chíp, từ đâu
Bay đến đậu lên khung ô cửa sổ.
Tôi gấp sách, ngồi lặng im nhìn nó.
                            
Hoàng hôn buông, trời xạm tối trên đầu.
Côn trùng kêu ngoài kho rơm ải mục...
Tôi nhìn thấy, tôi nghe, tôi hạnh phúc.
1909   


25.
CON CHIM HOÀNG YẾN

Có con chim hoàng yến
Đưa về từ phương Đông.
Con chim vàng, quí ấy
Bị nhốt chặt trong lồng.          

Giờ thì trong tửu quán
Nó phải sống suốt đời,
Dẫu hát về mây gió
Và sóng biển xa khơi.
1921
                                          

26.
NÓI LÀM GÌ...

Nói làm gì, vô ích!
Để bạn anh thảnh thơi?
Để chia buồn, an ủi?
Nhưng bằng gì? Bằng lời!

Dẫu lời nói có thể
Ý nghĩa vẫn đang còn,
Nhưng đừng tìm ý nghĩa -
Ý nghĩa đã vùi chôn.

Với ai anh định nói,
Cả khi rất chí tình?
Xưa nay ai hiểu hết
Cái đau của bạn mình?
1989               




__________________

OLGA BERGGOLTS

Olga Fyodorovna Berggolts (tiếng Nga: О́льга Фёдоровна Берго́льц) (sinh ngày 16 tháng 5 năm 1910, mất ngày 13 tháng 11 năm 1975) là nữ nhà thơ, nhà văn Liên Xô. Bà nổi tiếng nhất với những tác phẩm sáng tác trong thời kỳ Leningrad bị bao vây.
Olga Berggolts sinh năm 1910 tại Sankt-Peterburg. Những năm 1920 khi còn học ở trường phổ thông, Berggolts đã tham gia nhóm Смена và làm quen với Boris Kornilov, hai người làm đám cưới năm 1926. Năm 1930, sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học [Leningrad]], Olga Berggolts đi Kazakhstan làm phóng viên của báo Советская степь (Thảo nguyên Xô Viết) rồi trở về Leningrad làm biên tập ở một số tờ báo và xuất bản các cuốn: Годы штурма (Những năm xung kích, ký), Ночь в Новом мире (Đêm trong thế giới mới, tập truyện) và tập thơ Стихотворения (Thơ). Từ đây thơ của Olga Berggol bắt đầu được chú ý. Cũng trong giai đoạn này bà ly dị Kornilov và cưới Nikolay Molchanov.
Cuối thập niên 1930, Berggolts liên tục gặp bi kịch trong cuộc sống. Hai con gái của bà là Irina và Maya lần lượt qua đời. Năm 1938 đến lượt Boris Kornilov bị kết án nhầm và bị xử bắn trong giai đoạn cuộc Đại thanh trừng, bản thân Olga Berggolts cũng bị bắt giam vì liên hệ với “kẻ thù của nhân dân”. Năm 1939 bà được trả tự do.
Trong suốt 900 ngày Leningrad bị bao vây, Olga Berggolts ở lại thành phố quê hương, bà làm việc ở đài phát thanh, hàng ngày kêu gọi người Leningrad dũng cảm bảo vệ thành phố thân yêu của mình. Thời gian này bà viết những trường ca nổi tiếng về những người bảo vệ thành phố Leningrad: Февральский дневник (Nhật ký tháng hai) và Ленинградскую поэму (Trường ca Leningrad). Olga Berggolts có câu nói nổi tiếng được khắc trên bức tường của nghĩa trang Liệt sỹ Leningrad:
“Никто не забыт и ничто не забыто” (Không ai bị lãng quên và không cái gì bị lãng quên).
Ngày 20-2-1949 Olga Berggolts chính thức hóa quan hệ vợ chồng với nhà ngôn ngữ học Georgi Makogonenko (1912-1986), mặc dù trước đó, ngay từ năm 1942, họ đã chung sống dưới một mái nhà.
Olga Berggolts mất ngày 13 tháng 11 năm 1975Leningrad, bà được chôn cất tại Nghĩa trang Literatorskie Mostki. Bà được tặng thưởng Huân chương Lênin và nhiều loại huân chương khác. Một con phố ở Sankt-Peterburg ngày nay cũng được lấy theo tên bà.
                                                                                                  


1. MỘT CUỘC TÌNH


Tôi bước đi lang thang trong thành phố,
Miệng thì thầm bài hát nhỏ không đâu.
Đây, nơi ta chia tay, không cưỡng được,
Ta dừng chân, rồi lần nữa ngoái đầu..

Ta ngoái lại nhìn nhau, vâng, đúng thế,
Hình như ta biết ai họa đang chờ.
Còn thành phố vẫn đầy hoa, đầy lá,
Những mảnh hồ luôn xanh biếc, mộng mơ.

Tôi sẵn sàng đem cho đi tất cả,
Mặc cười chê, mặc trả giá rất nhiều,
Không do dự, tôi ngoái đầu lần nữa
Để được nhìn người bạn ấy tôi yêu.
1937


2. MÙA LÁ RỤNG

              Mùa thu, ở Matscơva, trên các đại lộ
              người ta treo các tấm biển có dòng chữ:
             “Cẩn thận, mùa lá rụng.             

Mùa thu, Matscơva.    
Đàn sếu, sương             , và khói.
Các khu vườn cháy lên
Tán lá vàng mệt mỏi.

Các tấm biển trên cây
Treo để nhắc công chúng,
Một mình hay có đôi:
“Cẩn thận, mùa lá rụng!”

Đi giữa phố không quen,
Trái tim không yên tĩnh.
Buổi chiều, mưa tạt ngang
Run run bên cửa kính.

Tôi đến đây, ai cần
Dưới bầu trời ướt sũng?
Sao vương vấn trong đầu:
“Cẩn thận, mùa lá rụng!”
                                               
Trước ta chẳng cần nhau,
Giờ không gì để mất.
Ta không là người yêu,
Không bạn bè thân mật.

Thế mà chia tay anh
Em vẫn buồn, muốn khóc.
Anh - một người luôn buồn,
Không may và cô độc.     

Diễu, nhếch mép làm gì?     
Rồi mọi điều sẽ tốt.
Đáng sợ nhất: chia tay,
Buồn như mưa ủ dột.

Trời mưa, trời đang mưa,
Ấm, run run, đùng đục.
Lúc chia tay, như mưa,
Hãy vui và hạnh phúc.

Một mình em ra ga,
Không tiễn đưa, xin lỗi,
Chưa nói hết với anh,
Nhưng giờ em không nói.

Phố lạ đầy đêm đen,
Các biển nhắc công chúng,
Một mình hay có đôi:
“Cẩn thận, mùa lá rụng!”
1938               


3. ANH ĐÃ CƯỚI LÀM VỢ...

Anh đã cưới làm vợ một người,
Luôn trầm tư, không âu yếm, không cười,
Từng bị tù và góa chồng, hơn thế,
Vẫn còn yêu người chồng kia tử tế...
Vâng, anh cưới một người vợ cho mình.
Không ai ép, mà cưới vì tình!
1942


MÙA ĐÔNG KHỦNG KHIẾP

Một mùa đông khủng khiếp,
Bão tuyết, bão tuyết, bão tuyết.
Mặt trời vừa le lói nhô lên,
Rồi lại đêm, lại bóng đen...

Trái tim cũng đông cứng,
Không tiếng đập, không cả tiếng rên.
Chỉ sự trống rỗng, cái chết và bóng đen.
Ồ không, không phải mùa đông ấy.

Cũng vậy,
Cả việc anh lại dịu dàng với em,
Nhanh chóng, bất ngờ, nhưng anh xem,
Em cần gì điều đó?
Dưới ánh mặt trời kia lấp ló,
Cuộc sống càng đen hơn,
Em cũng chẳng vui hơn.

Ừ mà chính em
Từng đoán trước điều này,
Rằng sẽ đên một mùa đông lạnh cóng,
Không ánh sáng, không niềm vui, không sự sống.
1949


4. XIN NÀNG THƠ...

Xin Nàng Thơ hãy tỉnh dậy trong tôi,
Từ rất sâu trong trái tim lạnh cóng.

Tôi không đòi hỏi nhiều, tôi chỉ xin
Cho dấu hiệu rằng Nàng Thơ còn sống.

Tôi cũng chẳng xin lâu, một giây thôi,
Không phải thơ, mà chỉ lời thăm hỏi,

Hay thậm chí, tiếng thở dài, tiếng rên,
Tiếng xiềng xích Nàng Thơ đang bị trói.
1951          


5. TRẺ CHƠI NGOÀI PHỐ

Quần áo rách, màu xám,      
Trẻ đuổi nhau, vui cười
Quanh những cây trụi lá,
Cây cũng lạnh như người.

Hệt như lũ thú nhỏ,
Như cáo con đói, gầy.
Sương mù xám in bóng
Trên mặt chúng thơ ngây.

Khi còn chưa tù tội,
Tôi chôn hai con mình.
Đứa thứ ba, trong ngục,
Cũng chết, chưa kịp sinh.

Hãy làm ơn, đừng giết
Những bà mẹ không may.
Ít nhất, để tôi đến       
Với những đứa trẻ này.
1939 


6. LỜI CẦU XIN

Tôi không cần nước mắt,
Lời cảm thông buồn rầu.
Tôi chỉ muốn được ngủ,
Không mộng mị, thật lâu.

Còn nếu không ngủ được
Vì đau khổ, xót xa,
Thì mong không mơ nữa
Mối tình đắng của ta.

Không cả giấc mơ đẹp
Gặp nhau, hết chia ly.
Cả anh, anh yêu quí,
Đừng mơ mộng làm gì.
1939          


7. BẢN TÌNH CA CỦA CHÚ LÍNH CHÌ DŨNG CẢM

                           1

      Trong chiếc ủng màu xanh,
      Trên một chân còn lành,
Anh đang đứng trước nhà em, không nghỉ.
      Không hề sợ chông gai
      Không ngoẹo đầu, so vai,
Anh chỉ nghĩ về người anh yêu quí.          

      Mặc tai họa khắp nơi,
      Mặc gió thổi, mưa rơi,
Anh không sợ, anh coi thường tất cả.
      Với khẩu súng trong tay,
      Cùng bài hát mê say,
Anh, người lính, đứng một chân không ngã!

                          2

      Trên một chân còn lành,
      Trong chiếc ủng màu xanh,
Anh đang đứng trước nhà em, không nghỉ.
      Không ngoẹo đầu, so vai,
      Không hề sợ chông gai,
Anh chỉ nghĩ về người anh yêu quí.          

      Mặc gió thổi, mưa rơi,
      Mặc tai họa khắp nơi,               
Anh cứ đứng, không rút lui hèn hạ.
      Cùng bài hát mê say,                
      Với khẩu súng trong tay,
Anh, người lính, đứng một chân không ngã!     
1940                                                 



                  

                  



               






No comments:

Post a Comment