Monday, February 23, 2015

TRUYỆN THƠ CỔ TÍCH VIỆT NAM - PHẦN BỐN



TRUYỆN TÚ UYÊN, GIÁNG KIỀU

1
Xưa, vào thời Hồng Đức,
Có anh học trò nghèo,
Bố và mẹ chết sớm,
Nên vất vả đủ điều.       

Tỉnh xa về trọ học
Ở Bích Câu, Thăng Long,
Chàng thông minh, hay chữ,
Nhưng thi cử long đong.

Chưa một lần thi đậu,
Ở lâu, mọi người quen,
Gọi chàng là anh Tú,
Có người gọi Tú Uyên.

Một ngày nọ, anh Tú
Đi xem hội Vô Gia.
Nhiều thiện nam tín nữ
Cũng đổ về ngắm hoa.

Đi nhiều nên chân mỏi,
Chàng ngồi dưới gốc bàng.
Bỗng nhiên một chiếc lá
Rơi ngay trước mặt chàng.

Nhặt lên, thấy chiếc lá
Chép một bài thơ đùa.
Chắc của người nào đấy
Cũng đang ở trong chùa.

Chàng nhìn quanh, bất chợt             
Thấy đôi mắt thật xinh
Của một cô gái trẻ
Đang chăm chú nhìn mình.  

Chàng lại gần, bắt chuyện.
Nàng vui vẻ chuyện trò.
Rồi hai người đi dạo,
Nhưng đến một chiếc hồ

Bỗng nhiên nàng biến mất.
Chàng đứng lặng, ngẩn ngơ,
Tối mới về nhà trọ,
Bâng khuâng và thẫn thờ.

Từ đấy chàng mơ tưởng,
Nhớ người đẹp hôm nào,
Rồi đến đền Bạch Mã
Xin một quẻ xem sao.

Nửa đêm, thần báo mộng,
Bảo mai đến cầu Đông,
Ắt sẽ được như ý.
Chàng khấp khởi trong lòng.

Ở đấy chàng chỉ thấy
Một ông lão bán tranh,
Loại Đông Hồ mộc bản,
Treo rất nhiều xung quanh.

Thấy chàng đứng thơ thẩn,
Người bán tranh mời chàng
Mua một bức Tố Nữ.
Chàng nhìn, chợt ngỡ ngàng

Thấy nàng Tố Nữ ấy
Giống người chàng nhớ thương.
Chàng mua bức tranh đó,
Treo ngay ở đầu giường.       

Hàng ngày chàng ngắm nó,
Ngắm người đẹp trong tranh.
Không chịu rời một bước,
Bỏ bê chuyện học hành.

Đến bữa ăn, chàng đặt
Hai chiếc bát, ân cần
Như với người có thật,
Mời nàng xuống cùng ăn.

Chàng ngạc nhiên rất đỗi
Khi thấy người trong tranh
Bỗng nhiên má ửng đỏ
Mắt âu yếm nhìn mình.

Chàng Tú một ngày nọ
Đi học về, bất ngờ
Thấy nhà cửa sạch sẽ,
Bữa cơm ngon đang chờ.

Mấy hôm sau cũng thế.
Vì tò mò, một ngày
Chàng nấp, rình để biết
Ai đã làm điều này.

Chàng ngạc nhiên khi thấy
Tố Nữ từ trong tranh
Bước xuống rồi dọn dẹp,
Nấu nướng trong nhà mình.

Chàng vội vàng chạy tới,
Xé bức tranh, và rồi
Nói: “Mời nàng ở lại
Trong nhà này với tôi.”

Nàng trách chàng nóng vội,
Nhưng rồi cũng gật đầu.
Người đẹp và anh Tú
Từ đấy sống cùng nhau.

Nàng vốn là tiên nữ,
Giáng Kiều là tên nàng.
Do tiền duyên định sẵn
Nên xuống đây với chàng.

Giáng Kiều rút trâm ngọc,
Hóa phép biến ngôi nhà
Thành cung điện lộng lẫy,
Đèn và nến sáng lòa.

Hai người làm lễ cưới.
Tiên đến dự rất đông.
Ăn uống và múa hát
Cho tới rạng hừng đông.

2
Kể từ ngày chàng Tú
Có vợ đẹp mê hồn,
Chàng quên hết sách vở,
Thích uống rượu, ăn ngon.

Giáng Kiều khuyên can mãi
Nhưng chàng vẫn không nghe,
Suốt ngày ăn rồi uống,
Uống say lại nói nhè.

Có hôm uống say quá,
Chàng mắng cả Giáng Kiều.
Miệng sùi bọt, lảm nhảm,
Chân nam đá chân chiêu.

Giáng Kiều giận, không nói,
Dìu chồng vào nghỉ ngơi,
Rồi nàng đành gạt lệ
Lặng lẽ bay lên trời.

Còn Tú Uyên, tỉnh dậy,
Không thấy Giáng Kiều đâu.
Chợt hiểu hết sự việc,   
Chàng khóc, tay ôm đầu.



SỰ TÍCH CHIM TU HÚ

1
Xưa, có một người nọ,
Tính ngay thẳng, hiền lành,
Nhưng phải cái nóng nảy,
Làm người ta bực mình.

Cũng chỉ vì nóng nảy
Mà mọi người, mọi nơi
Gọi ông là Bất Nhẫn -
Không kiên nhẫn ở đời.

Để chữa cái thói ấy      
Và để thành người thiền,   
Bất Nhẫn bèn quyết định
Đi tu ở chùa bên.

Cùng lúc ấy còn có
Một người nữa đi tu,
Tức là ông Năng Nhẫn -
Kiên nhẫn và cần cù.

Hai người cùng xuống tóc,
Cùng lên chùa một ngày,
Cùng chuyên tâm tu luyện,
Thế mà rồi sau này

Chỉ mình ông Năng Nhẫn
Được Đức Phật trải lòng
Cho độ thành chính quả.
Còn Bất Nhẫn thì không.

Ông quỳ trước tượng Phật,
Hỏi nguyên cớ vì sao,
Và để tu đắc đạo,
Ông phải làm thế nào?

Ngài nói: “Tâm con sạch,
Nhưng tính tình chưa nhuần.
Phải kiên nhẫn hơn nữa,
Rồi con sẽ ngộ dần.”

Bất Nhẫn nghe lời Phật,
Ngồi thiền dưới bóng cây,
Theo lối thiền trường định,
Hết ngày lại đến ngày.

Ông ngồi yên bất động,
Mặc kiến cắn rất đau,
Mưa gió hắt vào mặt,
Chim chóc ỉa trên đầu.

Ông chú tâm niệm Phật,
Thời gian cứ trôi qua.
Một năm, hai năm hết,
Rồi sang năm thứ ba.

Và rồi cả năm ấy,
Năm cuối cùng định thiền,
Cũng dần dần sắp hết.
Một ngày nọ, bỗng nhiên

Có một đôi chim én
Đến làm tổ trên đầu,
Rồi đẻ trứng, trứng nở,
Rồi suốt ngày cãi nhau.         

Bất Nhẫn vẫn bình thản
Như không gì xẩy ra.
Ý nghĩ hướng đến Phật,
Tâm và thức yên hòa.

Một lần, trời sắp tối,
Chim mẹ ăn hoa sen,
Mải ăn, cánh sen khép,
Kẹt, không thể bay lên.

Đến sáng, hoa nở lại,
Nó thoát, bay trở về.
Chim chồng ghen, chửi mắng.
Ngủ qua đêm, thật ghê!

Mặc chim vợ thề thốt,
Kêu khóc oan lắm thay,
Con chim chồng không chịu,
Cứ ầm ĩ suốt ngày.

Rồi chim vợ nổi cáu,
Rồi bắt đầu đánh nhau,
Không con nào chịu nhún,
Thật đinh tai, nhức đầu.

Cuối cùng, không chịu nổi,
Nhẫn Nhục giật tổ chim
Rồi ném mạnh xuống đất:
“Chúng mày im, im, im!”

Thế là công tu luyện
Trong suốt ba năm ròng
Coi như vứt xuống giếng,
Không lại vẫn hoàn không.

2       
Bất Nhẫn không nản chí.
Trước Đức Phật anh linh,
Lần nữa hứa khắc phục
Cái bất nhẫn của mình.

Lần này ông tự nguyện
Làm lái đò không công
Chở đúng một nghìn khách
Muốn nhờ đưa sang sông.

Trong hai năm liên tục
Ông chở đò giúp người
Ngày mưa cũng như nắng,
Không kêu ca một lời.

Cuối cùng, một sáng nọ,
Sau một đêm mưa rào,
Từ thượng nguồn chảy xuống,
Nước xiết và dâng cao.

Có một phu nhân trẻ,
Đôi má đánh phấn hồng,
Cùng đứa con còn nhỏ,
Lúc ấy muốn sang sông.

Vừa xuống thuyền, cô ả
Đã quát mắng bắt đi.
Chắc là vợ quan huyện,
Chẳng coi ai ra gì.

Bất Nhẫn nghe, không đáp,
Chỉ lặng lẽ chèo đò.
Thuyền vừa mới cập bến,
Cô ả lại kêu to:

“Anh cho đò quay lại.
Gói hành lý tôi quên
Còn trên bờ bên ấy.
Quay thuyền đi, nhanh lên.”

Lúc ấy nước đang xiết,
Gió lại nổi rất to,
Mất hai giờ qua lại.
Ông lẳng lặng quay đò.

Khi nhận gói hành lý,
Người đàn bà lại kêu:
“Anh quay đò lần nữa.
Vẫn sót đôi giày thêu.”

Bất Nhẫn không chịu nổi,
Liền văng tục tức thì:
“Tao không là thằng ở,
Mẹ con mày cút đi!”

Thực chất cô ả ấy
Chính là Phật Quan Âm,
Đến để thử Bất Nhẫn
Về cái nhẫn, cái tâm.

Ngài nói: “Ngươi vẫn vậy.
Tu thế thì còn lâu,
Họa chăng là tu hú.”
Ông xấu hổ, cúi đầu.

Bất Nhẫn sau khi chết
Thành loài chim ít bay,
Có tên là Tu Hú,
Trốn trong bụi suốt ngày.






SỰ TÍCH ĐỀN BẠCH MÃ

Hà Nội có tứ trấn,
Tức là bốn ngôi đền:
Đền Quan Thánh phía Bắc.
Phía Nam - Đền Kim Liên.

Phía Tây - Đền Voi Phục,
Đền Bạch Mã phía Đông.
Cả bốn ngôi đền ấy
Trấn giữ thành Thăng Long.  

Đại Nam Nhất Thống Chí,
Chép ở quyển mười ba
Rằng Cao Biền thời ấy
Cho đắp thành Đại La.

Cao Biền Tiết độ sứ
Do nhà Đường cử sang,
Rất giỏi về pháp thuật,
Tính khí cũng ngang tàng.

Một hôm ông đi dạo
Ra tận ngoài Cửa Đông,
Bỗng thấy trong mây bụi
Có bóng ai cưỡi rồng.

Người ấy cưỡi rồng đỏ,
Thẻ bài vàng cầm tay,
Mặc áo quần sặc sỡ,
Luôn ẩn hiện trong mây.   

Tiết độ sứ cả sợ,
Định yểm bùa đề phòng.
Đêm ấy, khi gần sáng,
Thần báo mộng với ông:

“Tên ta là Long Đỗ,
Biết ông xây thành này,
Nên đến cốt hội ngộ.
Vậy bùa yểm gì đây?”

Cao Biền lấy làm lạ,
Bèn lấy vàng và đồng
Chôn xuống để trấn yểm.
Chẳng dè, đêm mưa giông,

Sáng dậy thì chợt thấy
Tất cả đồng và vàng
Đã biến thành tro bụi,
Nên ông liền vội vàng

Cho xây ngay chỗ ấy
Một đền thờ rất to
Để thờ thần Long Đỗ,
Người biến vàng thành tro.

Đại Nam Nhất Thống Chí
Nói đền được xây xong
Năm tám trăm sáu sáu
Thờ Long Đỗ - Rốn Rồng.

Khi vua Lý Thái Tổ
Dời đô về Đại La,
Ngài cho xây thành lũy,
Thế mà như có ma,

Cứ xây xong lại đổ,
Chẳng ai hiểu thế nào.
Vua đến chùa Long Đỗ
Lập đàn cầu xem sao.

Cầu vừa xong, lập tức
Sấm nổ, chớp chói lòa,
Rồi một con ngựa trắng
Từ trong chùa đi ra.

Nó thong thả dạo bước,
Đi một vòng quanh thành,
Để lại trên đất ướt
Những dấu chân của mình.

Vua bèn sai binh lính
Cứ theo đó mà xây.
Quả nhiên không đổ nữa.
Thật linh thiêng điều này.

Chùa đổi tên từ đấy
Thành Bạch Mã Linh Từ,
Tức đền thiêng ngựa trắng,
Phố Hàng Buồm bây giờ.

Vua còn phong Long Đỗ,
Tức là thần Rốn Rồng,
Giúp xây thành vững chắc,
Thành thành hoàng Thăng Long.

Dù nằm chỗ đông đúc
Và hỏa hoạn thường xuyên,
Nhờ linh thiêng, Bạch Mã
Bao đời vẫn còn nguyên.

Vào tháng Hai âm lịch,
Ngày mười hai, mười ba,
Đền luôn mở lễ hội,
Thu hút khách gần xa.



GÁI NGOAN DẠY CHỒNG

1
Xưa, có ông giàu nọ,
Vợ chết sớm, mà ông
Chỉ có một quý tử,
Thích cờ bạc, lông bông.

Ông nghĩ khi ông chết,
Thằng con cờ bạc này,
Loại “phá gia chi tử”,
Chẳng mấy mà trắng tay.

Nên ông lo tìm trước
Người vợ cho con trai,
Loại khôn ngoan, giúp hắn
Giữ một phần gia tài.

Ông tìm kiếm lâu lắm,
Cuối cùng được một người
Vừa thương chồng, hiền thảo,
Lại khôn ngoan, hiểu đời.

Mặc cho bố và vợ
Khuyên can rất nhiều lần,
Anh con ham cờ bạc,
Nên của cải vơi dần.

Ông bố đành bất lực,
Lúc chết bảo con dâu:
“Bố cho con hũ bạc
Chôn ở bên gốc cau.

Thằng chồng con hư đốn,
Coi như đồ vứt đi.
Nay con ở với nó
Hay con về thì tùy.”

Anh con khi bố chết
Càng thả sức bê tha,
Đánh bạc rồi uống rượu,
Rồi đuổi vợ khỏi nhà.

Quả như ông dự đoán,
Bố chết chưa đầy năm,
Nhà cửa và ruộng đất
Đều biến đâu mất tăm.

Khi tiền hết, bạn hết,
Mà phải ăn hàng ngày,
Chẳng biết làm gì khác,
Anh chàng đi ăn mày.

2
Lại nói cô vợ trẻ,
Bị đuổi, nén đau buồn,
Với hũ bạc sẵn có,
Cô mở cửa hàng buôn.

Nhờ làm ăn chăm chỉ,
Buôn có lãi, có lời,
Chẳng bao lâu sau đó
Cô giàu có hơn người.

Dù bị đối xử bạc
Nhưng cô vẫn thương chồng,
Cho người tìm, không thấy,
Vẫn ngày ngày chờ mong.

Một ngày nọ, bất chợt
Có một gã ăn mày,
Tóc rối xù, rách rưới,
Đứng trước nhà, chìa tay.

Cô nhìn kỹ thì thấy
Đó chính là người chồng
Cô vẫn hằng mong đợi,
Nhưng vẫn vờ như không.

Anh chàng kia ngược lại,
Không nhận ra vợ mình
Một bà chủ giàu có,
Nghiêm nghị và rất xinh.

Anh chàng rất sung sướng
Khi bất ngờ được bà
Đề nghị làm người ở
Giúp việc vặt trong nhà.

Suốt một năm sau đó
Anh làm việc chuyên cần,
Ăn chung với đầy tớ,
Ngủ cùng bọn gia nhân.

Một hôm, nhân ngày Tết, 
Bà chủ thưởng mỗi người
Năm mươi quan tiền mới,
Để đánh bạc cho vui.

Mọi người đi chơi bạc.
Anh chàng này ở nhà
Làm phần việc của họ.
Hỏi thì đáp: “Thưa bà,

Trước tôi vốn giàu có,
Nhưng vì ham trò này
Mà mất nhà, mất vợ
Rồi thành thằng ăn mày.

Tôi đã thề tu chí,
Lánh xa trò đỏ đen.
Phải lao động vất vả
Để biết giá đồng tiền.”

Sau đó anh chàng kể
Câu chuyện buồn của mình,
Cả chuyện đuổi người vợ
Chung thủy và rất xinh.

Bất ngờ bà chủ hỏi:
“Anh còn yêu vợ không?”
“Dạ có, còn yêu lắm,
Nhưng xấu hổ trong lòng.”

3
Thấy hắn đã thành thật
Biết lỗi lầm của mình,
Bà chủ mới òa khóc,
Kể rõ hết sự tình.

Rồi bà đem tiền bạc
Chuộc ruộng đất nhà chồng.
Số tiền thừa còn lại
Cúng hết vào việc công.

Từ đấy họ chung sống
Hạnh phúc đến tận già.
Có điều anh chồng ấy
Cứ tranh làm việc nhà.



SỰ TÍCH CON DÃ TRÀNG

1
Xưa, có một người nọ,
Tên họ là Dã Tràng.
Một hôm ông chợt thấy
Có đôi rắn hổ mang.

Con rắn vợ lột xác,
Con chồng đi kiếm ăn.
Một lúc sau quay lại
Miệng ngậm con thằn lằn.

Nó mớm cho con vợ
Rồi vội vàng bò đi.
Con kia vừa lột xác,
Yếu, không thể làm gì.

Nửa tháng sau, đến lượt
Con rắn đực thay da.
Rắn cái đi đâu đấy,
Lát sau quay về nhà.

Nhưng, tiếc thay, rắn cái,
Thay vì mang thức ăn,
Nó dẫn một con đực     
Lớn gần bằng con trăn.

Đến cửa hang, đôi rắn
Cứ quấn chặt lấy nhau,
Mặc rắn chồng đang đói,
Vừa lột da, đang đau.

Cuối cùng cũng kết thúc,
Con rắn đực hổ mang
Thở phì phì, giận dữ
Chuẩn bị bò vào hang.

Dã Tràng nhìn thấy thế
Biết nó định làm gì.
Ông giận con rắn cái
Phản chồng lúc gian nguy.

Ông đánh con rắn đực
Bằng chiếc sào hái cau,
Không ngờ trúng con cái,
Làm nó chết, dập đầu.      

Rồi bực mình, chán nản,
Ông bỏ đi vào nhà,
Quên chuyện cái hang rắn
Cùng “mối tình tay ba”.        

Một hôm, nằm cạnh vợ,
Không ngủ được, Dã Tràng
Bèn kể lại câu chuyện
Ba con rắn hổ mang.

Kể vừa xong, bất chợt,
Họ ngước nhìn lên trần,
Thấy một con rắn lớn
Tụt xuống, bò lại gần.

Nó nói: “Tôi phục sẵn,
Định giết ông đêm nay
Để báo thù cho vợ,
Không ngờ chuyện thế này.

Hóa ra ông, ngược lại,
Với tôi là ân nhân.
Tôi xin biếu viên ngọc,
Sẽ có lúc ông cần.

Nó giúp ông hiểu được
Tiếng nói của muôn loài.
Hãy giữ nó cẩn thận,
Đừng hé lộ cho ai.”

Hôm sau, bầy quạ nói
Trong rừng có con dê
Bị hổ vồ, đến đấy
Lấy thịt mà mang về.

Nhưng ông chỉ lấy thịt,
Chừa chúng tôi bộ lòng.”
Dã Tràng đến lấy thịt.
Thịt còn thừa, và ông

Bảo người làng đến lấy.
Họ lấy cả bộ lòng,
Nên lũ quạ tức giận,
Đậu trước nhà, chửi ông.

Suốt ngày chúng cứ chửi,
Không kiêng nể chút gì.
Ông lấy cung ra bắn,
Cốt để chúng bay đi.

Bầy quạ thì lại nghĩ
Ông lấy oán báo ân,
Nên giữ mũi tên ấy
Để báo thù khi cần.

Chẳng bao lâu chúng thấy
Một xác chết trên sông.
Chúng cắm lên xác chết
Mũi tên ghi tên ông.

Lập tức ông bị bắt
Rồi bị giải lên quan,
Bị tống giam vào ngục,
Mặc cho ông kêu oan.

Một hôm, nghe chim sẻ
Nói vua nước Trung Hoa
Cho quân đến biên giới
Sắp sửa đánh nước ta,

Đáng lẽ chúng đã đánh,
Nhưng còn chờ viện binh,
Dã Tràng báo tin ấy,
Nhờ nói với triều đình.

Vua cho quân do thám,
Thấy quả đúng tin này,
Liền sai người đến ngục,
Thưởng và thả ông ngay.

2
Sau khi ra khỏi ngục,
Ông vội vã về nhà.
Trời vừa chạng vạng tối,
Thì đến đất Hồng Hoa.

Ông tìm đến người bạn
Có tên là Trần Anh.
Hai người vui gặp lại,
Nhắc chuyện xưa học hành.

Vợ chồng người bạn ấy
Thấy khách quý đến chơi
Định làm thịt con ngỗng,
Ngỗng lại hiểu tiếng người,

Nên ngoài sân đôi ngỗng,
Ngỗng vợ và ngỗng chồng,
Cứ giành nhau được chết.
Dã Tràng nghe, mủi lòng.

Ông bảo vợ chồng bạn
Đừng giết ngỗng làm gì,
Và rằng nếu cứ giết,
Ông sẽ bỏ ra đi.

Thế là ngỗng thoát chết.
Sáng hôm sau ra về,
Dã Tràng nhìn, đã thấy
Đàn ngỗng chờ ngoài đê.

Chúng tạ ơn cứu mạng,
Còn tặng viên ngọc hồng,
Viên ngọc có phép lạ,
Từ nay sẽ giúp ông

Đi lại trên mặt nước
Như đi giữa mặt đường.
Đem khuấy ở sông, suối,
Rung động tới đại dương.

Đến một con sông nọ,
Ông bước xuống, và rồi
Đi như trên mặt đất,
Không chìm, cũng không trôi.

Để thử, ông lấy ngọc
Khuấy dưới nước xem sao.
Biển, đại dương lập tức
Rung động, sóng dâng trào.

Dưới thủy cung lúc ấy
Có yến tiệc linh đình.
Long vương lấy làm lạ,
Cho dò la tình hình.

Quân của ngài vội vã
Rẽ nước ngoi lên sông,
Thấy Dã Tràng cầm ngọc
Đang khuấy mạnh giữa dòng.

Mà mỗi lần ông khuấy,
Sông dậy sóng, lung lay.
Họ sợ quá, sụp lạy,
Xin ông tạm dừng tay.  

Dã Tràng còn được họ
Mời xuống thăm thủy cung.
Long Vương ra tận cửa,
Đón, thân mật vô cùng.

Ông thật thà kể lại
Chuyện ngỗng cho ngọc hồng,
Chuyện đi trên mặt nước
Và thử khuấy dòng sông.

Long Vương nghe, chỉ sợ
Ông mà khuấy nhiều hơn,
Thì thủy cung sụp đổ,
Mạng ngài cũng không còn,

Bèn tặng nhiều vàng bạc
Để lấy lòng Dã Tràng,
Còn đề nghị kết nghĩa
Làm anh em, họ hàng.

3
Sau một thời gian vắng,
Dã Tràng trở về nhà,
Giàu có và đáng kính,
Nổi tiếng khắp gần xa.

Hai viên ngọc quý ấy
Ông luôn giữ trong người
Đựng trong chiếc túi vải,
Một phút cũng không rời.

Thế mà một ngày nọ,
Đi ăn cỗ làng bên,
Tới nơi ông sực nhớ
Chiếc túi bị bỏ quên.

Mặc mọi người cố giữ,
Ông liền bỏ về nhà,
Cố tìm túi đựng ngọc,
Nhưng tìm mãi không ra.

Cuối cùng ông nhìn thấy
Bức thư của vợ ông,
Nói bà lấy chiếc túi,
Đừng tìm nữa mất công,

Rằng Long Vương đã hứa,
Nếu có ngọc cho ngài,
Ngài sẽ lấy làm vợ,
Sẽ được ngồi chung ngai.

Đọc xong bức thư ấy,
Dã Tràng đau nhói lòng,
Không ngờ vợ bội bạc
Và Long Vương lừa ông.

Nhưng là người nghị lực,
Ông quyết định cuối cùng
Phải lấy lại ngọc quí,
Tự mình xuống thủy cung.

Không còn ngọc rẽ nước,
Vậy thì ông làm đường
Bằng cách xe cát đổ,
Đổ dần xuống đại dương.

Mặc những lời ngăn cản,
Lời cười giễu chua cay.
Dã Tràng cứ xe cát,
Cứ lấp biển hàng ngày.

Có thể đấy là việc
Chẳng “nên công cán gì”,
Nhưng đó là khát vọng,
Hơn bất lực, ngồi ỳ.

Cuối cùng ông đã chết,
Biến thành con dã tràng.
Nhưng chết chưa phải hết,
Sóng biển vẫn mênh mang.

Và hàng ngày, vẫn thế,
Như vẫn thế bao đời,
Dã tràng vẫn xe cát,
Dưới nắng gắt mặt trời.



SỰ TÍCH CON THẠCH SÙNG

1
Xưa, vợ chồng anh nọ
Có tên là Thạch Sùng,
Vừa nghèo vừa hà tiện,
Đến mức gọi điên khùng.

Họ sống trong hang đá
Để đỡ tiền làm nhà.
vợ đi mót lúa,
Mót từng củ khoai hà.

Thằng chồng thì đốn mạt,
Giả què để ăn mày.
Tối hết cân lại đếm
Cái kiếm được trong ngày.    

Chúng mặc toàn giẻ rách,
Ăn toàn củ với rau,
Luôn bóp mồm bóp miệng,
Để ki cóp làm giàu.

Kiểu tích mây thành bão,
Chúng có khá nhiều tiền,
Dù luôn mồm rên rỉ,
Giả nghèo và giả hèn.

Một hôm có thầy bói
Mơ thấy hai con trâu
Húc nhau dưới hồ nước
Đến sứt trán, vêu đầu.

Rồi hai con trâu ấy
Nối đuôi bay lên trời.
“Đó là điềm rất xấu, -
Lão nói với mọi người. -

Sắp tới trời mưa lớn,
Nước ngập hết ruộng đồng,
Dân tình sẽ chết đói,
Vậy biết mà đề phòng.”

Tin vào lời thầy bói,
Thạch Sùng liền vội vàng
Đem tiền mua lương thực
Về chất đầy trong hang.

Và rồi trời mưa thật,
Nước ngập lụt nhiều ngày,
Lúa, hoa màu chết hết,
Ai cũng thành ăn mày.

Thạch Sùng chờ lúc ấy
Đem thóc bán cho người.
Tất nhiên giá cắt cổ,
Mua một, hắn bán mười.

Thành ra sau vụ ấy
Hắn trở thành rất giàu,
Giàu hơn cả quan huyện,
Thậm chí hơn quan châu.

Rồi hắn đốt áo rách,
Thôi không ở trong hang,
Mà xây lâu đài lớn,
Ăn diện như ông hoàng.

Bao nhiêu năm khổ sở,
Chuyên hầu hạ người ta,
Giờ ăn sung mặc sướng,
Người ở đứng đầy nhà.

Hơn thế, hắn tàn nhẫn
Đuổi vợ ra đường
Để lấy nàng công chúa
Vừa trẻ vừa dễ thương.

2
Một hôm, trong buổi lễ
Mừng phong tước quận công
Mà hắn mua, không rẻ,
Quan khách đến rất đông.

Cao hứng và tự đắc,
Hắn bèn thách mọi người
Có ai giàu bằng hắn,
Nhưng mọi người chỉ cười.

Thế mà có một vị,
Một quan to rất giàu,
Nhận lời thách của hắn.
Hai người hẹn hôm sau

Mời đích thân quan phủ
Và một số hiền tài
Làm chứng và phán quyết
Ai thực giàu hơn ai.

Luân phiên, hai người hỏi:
“Ông có cái này không?”
Nếu người kia không có,
Cuộc thi coi như xong.

Sau đó người thua cuộc
Đem hết gia tài mình
Trao cho người thắng cuộc,
Công bằng và phân minh.

Thạch Sùng tin mình thắng,
Nhưng hễ khoe cái gì,
Là ông kia đều có
Và đưa ra tức thì.

Nhưng hắn cũng giàu thật:
Nào chén ngọc, nồi đồng,
Nào bạc vàng, đá quí,
Không có gì là không.

Cuối cùng ông quan lớn
Cho người nhà bê ra
Một chiếc bát sành mẻ.
Thạch Sùng vội vào nhà

Tìm, tìm mãi không thấy
Một chiếc bát thế này.
Trước trong hang nhiều lắm,
Nhưng đập hết, tiếc thay.

Vậy là đành thua cuộc.
Từ một anh rất giàu,
Giờ trở thành tay trắng.
Ôi, đau thật là đau.

Ông quan kia thắng cuộc
Đem gia tài Thạch Sùng
Phần phát cho dân chúng,
Phần góp làm của chung.

Thạch Sùng thì tiếc của,
Ngã xuống đất, chết ngay,
Biến thành con bò sát
Kêu “tiếc, tiếc” suốt ngày.



SỰ TÍCH CÂY NÊU NGÀY TẾT

Ngày xưa, không ai biết
Cách nào và bao giờ,
Quỷ chiếm hết ruộng đất,
Chỉ cho Người ở nhờ.

Quỷ đương nhiên chủ đất,
Người quanh năm làm thuê,
Luôn chịu cảnh đói rét
Vì sưu thuế nặng nề.

Quỷ đặt ra cái lệ:
Cây trồng được, chia đôi
Quỷ sẽ lấy phần ngọn,
Còn phần gốc cho Người.

Thành ra, Người trồng lúa,
Vất vả bao nhiêu ngày,
Mà chỉ được gốc rạ,
Cuối cùng đành trắng tay.

Phật thấy thế, định bụng
Sẽ giúp Người, và ngài
Bảo hãy thôi trồng lúa,
Mà mùa sau trồng khoai.

Vụ ấy, Quỷ rốt cục
Nhận toàn dây khoai lang,
Còn người thì phấn khởi
Gánh khoai củ về làng.

Quỷ bèn thay đổi lệ:
Quỷ lấy gốc, còn Người
Từ nay nhận phần ngọn.
Quỷ vui mừng, thầm cười,

Vì chúng nghĩ, chắc chắn
Người phải thua lần này.
Nhưng Người lại trồng lúa,
Nên Quỷ thành trắng tay.

Quỷ tức giận bèn quát:
“Lần sau thì chúng tao
Lấy cả gốc lẫn ngọn.
Chúng mày liệu cách nào?”

Phật giúp Người lần nữa,
Bằng cách cho giống ngô.
Thu hoạch, Người ăn bắp,
Quỷ được xác cây khô.

Cuối cùng Quỷ quyết định
Giữ đất không cho thuê:
Thà để đất cỏ mọc
Hơn bị lừa thế kia.

Phật bảo Người thương lượng:
Đất không thuê thì mua,
Chỉ nhỏ bằng chiếc áo
Các sư mặc trong chùa.

Quỷ lúc đầu từ chối,
Nhưng sau thấy giá hời,
Miếng đất lại bé xíu,
Nên cuối cùng nhận lời.

Nghĩa là Người cắm cọc,
Treo chiếc áo lên cao,
Đất nằm trong bóng áo,
Cũng chẳng lớn là bao.     

Hai bên lập cam kết:
Trong bóng là đất Người.
Ngoài bóng là đất Quỉ,
Cứ thế mãi suốt đời.

Phật làm phép: Chiếc bóng
Cứ cao mãi lên không.
Cái bóng đen chiếc áo
Xua quỷ ra Biển Đông.

Bao nhiêu đất màu mỡ
Từ nay thuộc về Người.
Quỷ chỉ có hòn đảo
Xa tít ngoài biển khơi.

Quỷ đem quân lên đánh,
Gồm hổ, rồng, trâu bò...
Người được Phật giúp đỡ -
Cuộc chiến cứ giằng co.

Chúng cho người tìm hiểu
Phật sợ gì nhất đời.
Phật nói Ngài sợ nhất
Là oản, chuối và xôi.

Ngài dò hỏi, cũng biết
Quỷ sợ những thứ này:
Lá dứa khô, máu chó,
Vôi bột, tỏi, ớt cay.

Rồi một cuộc đại chiến
Giữa hai bên bắt đầu.
Quỷ tấn công bằng cách
Các binh lính tranh nhau

Ném vào Phật những cái
Đang rất cần cho Người.
Ngài làm gió rắc xuống     
Cái chúng sợ nhất đời.

Thế là Quỷ đại bại,
Chạy về phía Biển Đông.
Phật bắt chúng lần nữa
Sống giữa biển mênh mông.

Chúng rập đầu van lạy
Xin được vào đất liền
Vài ngày vào dịp Tết
Để thờ cúng tổ tiên.      

Phật đồng ý, vì thế,
Những ngày Tết, người ta
Dựng cây nêu trước ngõ,
Không cho Quỷ vào nhà.

Trên nêu có chiếc khánh
Bằng đất nung, khánh kêu
Làm Quỷ phải hoảng sợ
Mà không dám làm liều.

Người ta còn vứt tỏi,
Vẽ hình những mũi tên
Đang chỉ về hướng biển,
Nhắc chúng rời đất liền.


MƯỜI VOI KHÔNG ĐƯỢC BÁT NƯỚC XÁO

Xưa, có ba cô gái,
Đến tuổi, đi lấy chồng.
Thành ra nhà ba rể.
Ba ắt tốt hơn không.

Hai anh đầu giàu có,         
Nghiêm chỉnh và đàng hoàng.
Anh thứ ba nghèo khổ,
Lại còn thói huênh hoang.

Một hôm, bố vợ chết,
Hai anh mang lợn, xôi.
Anh thứ ba tay trắng,
Còn khinh khỉnh bĩu môi:

“Lợn hai bác bé quá.
Để bây giờ em đi
Mua mười voi làm cỗ
Chừng ấy thấm tháp gì.”

Rồi anh ta đi thật.
Đi đâu không ai hay,
Bắt người ta chờ mãi,
Cho đến khi tối ngày

Anh ta mới quay lại,
Tay không vẫn tay không,
Rồi làm bộ giận dữ:
“Thật đúng là mất công.

Cái nhà kia thật láo,
Tôi định mua mười voi,
Mà hắn chỉ có tám,
Thế là chờ công toi.”

Rồi anh ta ngồi xuống,
Thản nhiên chén ngon lành,  
Lại chê con lợn bé,
Không có mỡ trong canh.

Từ đấy mới có chuyện
Nói khoác những mười voi,
Không được bát nước xáo.
Một anh rể không tồi.


TRỨNG NGÓT                

Có một cô gái nọ
Lấy chồng, về làm dâu.
Một hôm mẹ chồng bảo
Xuống bếp luộc nồi rau.

Cô luộc xong, thật lạ,
Trước cả một nồi đầy,
Giờ chỉ còn một nửa.
Ôi, biết làm sao đây?

Cô sợ quá, ngồi khóc.
Mẹ chồng hỏi vì sao?
Cô nói hết sự thật.
Mẹ chồng cười: “Ôi dào,  

Rau luộc nó phải ngót.
Chuyện bình thường thôi mà.”
Cô gái nghe, mừng lắm,
Bây giờ mới hiểu ra.

Mấy hôm sau, luộc trứng,
Luộc mười quả trong nồi.
Cô lấy ăn một nửa,
Vẫn thòm thèm, và rồi

Khi bà mẹ chồng hỏi:
“Còn năm quả thôi à?”
Cô đáp: “Trứng nó ngót.
Chuyện bình thường thôi mà.”



VUA LỢN  

Xưa, có anh chàng nọ,
Nhà nghèo, không mẹ cha,
Phải đi ở từ bé
Cho ông quan huyện già.  

Vì làm lụng vất vả,
Vì ở bẩn thành quen,
Anh chàng bẩn như lợn.
Và Lợn cũng là tên.   

Một hôm, đang kỳ cọ
Chân quan huyện bên bồn,
Hắn thấy mu chân chủ
Có ba nốt ruồi son.

Buột miệng thôi, Lợn nói
Hắn cũng có sau lưng
Chín nốt ruồi như thế.
Quan nghe, bảo hắn dừng,

Cởi áo, quan xem kỹ.
Quả có chín nốt ruồi.
Xếp thành hàng thật đẹp,
Nốt nào cũng hồng tươi.

Không nghi ngờ gì nữa.
Đây là tướng làm vua.
Thằng Lợn thành vua Lợn?
Đây không phải chuyện đùa.

Quan quyết định giết hắn,
Bèn lệnh cho nô tỳ,
Bảo như thế, như thế,
Như thế cứ làm đi.        

Nô tỳ tên là Gái,
Thầm yêu Lợn lâu nay,
Bèn báo cho Lợn biết,
Bảo phải trốn đi ngay.

Lợn sợ, đi xa lắm,
Theo dòng sông ngược lên,
Cuối cùng hắn được nhận
Giúp việc trong ngôi đền.

Đền có tượng hộ pháp
To lớn và phương phi.
Lợn lau, với không tới,
Bèn nói: “Ngồi xuống đi.”

Thật lạ, ông hộ pháp
Nghe nói thế liền ngồi.
Lau xong, lại đứng dậy,
Còn mỉm cười, nhếch môi.

Ban đêm Lợn bảo tượng
Ra tập võ cho mình.
Có hôm tập hăng quá
Đến tận rạng bình minh.

Ông chủ đền thấy lạ,
Bèn hỏi rõ đầu đuôi.
Lợn thật thà kể hết,
Kể cả chuyện nốt ruồi.

Ông già báo quan huyện.
Quan đến bắt Lợn đi
Vì ngài vẫn muốn giết
Cái thằng này lạ kỳ.

Bất chợt một toán cướp
Từ trong rừng nhảy ra,
Đánh quân lính tan tác
Rồi khênh Lợn về nhà.

Ở đấy, chúng sụp lạy
Trước Lợn rồi kính thưa:
Đêm qua thần báo mộng
Hôm nay sẽ gặp vua.

Lợn vui vẻ đồng ý
Làm thủ lĩnh nghĩa quân,
Được tắm rửa sạch sẽ
Và thay mới áo quần.

Nhưng tên Lợn vẫn giữ.
Thủ lĩnh Lợn oai phong.
Các anh hùng hào kiệt
Đến tụ nghĩa rất đông.           

Rồi khởi nghĩa thắng lợi,
Lợn được tôn làm vua.
Một vị vua rất oách,
Vua thật chứ chẳng đùa.

Một lần ngài kinh lý,
Thấy cô Gái năm nào.
Gái nói: “Vua oai nhỉ?”
Ngài đáp: “Ừ, thì sao?

Có muốn làm hoàng hậu
Thì lên xe đi cùng.”
Gái gật đầu: “Cũng được.”
Rồi hai người về cung.



ÔNG QUAN BỘ HÌNH    

Xưa, có ông quan nọ,
Làm việc ở bộ Hình,
Xét xử rất nghiêm khắc,
Dẫu hiền lành tính tình.

Trong khi đó, bà vợ
Nhu mì và thương người,
Rất yêu chuộng lẽ phải
Và công bằng ở đời.

Hàng ngày bà để ý,
Đi làm về, nhiều khi
Chồng có vàng, quà biếu,
Bà ngờ ngợ, sinh nghi.

Rồi bà quyết định thử.
Bà đặt lên bàn ăn
Một đĩa mười miếng chả,
Và giả bộ cằn nhằn:

“Tôi rán mười ba chiếc,
Còn mười là thế nào?
Hay con hầu ăn vụng.
Ông tra nó xem sao.”

Ông chồng liền tra hỏi.
Chắc bị đánh rất đau,
Con bé nhận ăn vụng,
Đứng xin tha, cúi đầu.       

Lúc ấy, bà vợ nói:
“Con bé này nói điêu.
Bị ông đánh và ép
Nên nó phải nhận liều.

Tôi thử vì muốn biết
Ông là người thế nào.
Nó không hề ăn vụng.
Giờ tôi hiểu vì sao

Ông có vàng, quà biếu.
Xin ông chốn công đường
Không ép cung, đánh đập
Hay làm điều bất lương.”

Nghe bà vợ nói thế,
Ông chồng, quan bộ Hình,
Thấy nhiều điều chí lý,
Mới hoảng sợ giật mình.

Nghe nói sau lần ấy,
Ông xuống tóc nhập thiền,
Của cải cúng công đức,
Hưởng cuộc sống bình yên.



HAI CHÚ GẤU CON

Xưa, ở trong rừng nọ,
Có hai con gấu con,
Thật xinh và ngộ nghĩnh,
Luôn chạy nhảy lon ton.

Lớn lên, chúng được mẹ
Dạy phải thương yêu nhau,
Phải nhường nhịn, chia sẻ,
Đặt tình thương làm đầu.

Ngày nọ cả hai chú
Đi vào rừng kiếm mồi.
Săn mãi mà chẳng được,
Bụng đói bắt đầu sôi.

Bỗng hai chú may mắn
Thấy chiếc bánh đa vừng
Người đi săn sơ ý
Bỏ sót lại trong rừng.

Rồi hai chú háo hức
Chia chiếc bánh làm hai,
Rồi tỵ nhau hơn thiệt,
Không ai chịu nhường ai.

Cuối cùng chúng buộc phải
Nhờ một lão cáo già
Thật công tâm, chính xác
Chia giùm chiếc bánh đa.

Cáo vui mừng đồng ý,
Và thế là bắt đầu
Chia làm hai chiếc bánh
Cố tình không bằng nhau.

“Không bằng nhau? Tiếc quá.
Để tôi chữa lại cho.”
Nó cắn một miếng lớn
Vào nửa bánh phần to.

Nhưng giờ nửa bánh ấy
Lại trở thành bé hơn.
Nó lại cắn, rốt cục
Còn hai mẩu tí hon.

Hai mẩu tí hon ấy
Giờ bằng nhau, chân thành
Chúng cảm ơn lão cáo
Và rồi ăn ngon lành.

No comments:

Post a Comment