Monday, February 23, 2015

TRUYỆN THƠ CỔ TÍCH VIỆT NAM - PHẦN BA



ĂN QUẢ KHẾ, TRẢ CỤC VÀNG

Hai anh em nhà nọ                                 
Sớm mồ côi mẹ cha.
Người anh, khi lấy vợ,
Đuổi em ra khỏi nhà.

Ruộng đất và nhà lớn
Anh ta giữ cho mình.
Chỉ cho em cây khế
Và một túp lều tranh.

Người em, vốn dễ tính,
Không một lời cằn nhằn,
Chỉ chăm sóc cây khế
Và làm thuê kiếm ăn.   

Không hiểu sao năm ấy
Cây khế trái rất nhiều.
Người em mừng, nghĩ bụng
Bán khế lấy tiền tiêu.

Thế mà rồi bất chợt
Có con chim khổng lồ
Không biết từ đâu đến,
Mổ khế ăn kỳ no.

Người em nhìn, tiếc của:
“Tôi chỉ có cây này.
Nếu chim ăn hết khế,
Tôi sống thế nào đây?”

Con chim đáp: “Đừng sợ,
Tôi là người đàng hoàng.
Cứ ăn một quả khế,
Tôi trả anh cục vàng.”

Hôm sau và sau nữa
Con chim ấy khổng lồ
Tiếp tục đến ăn khế,
Ăn nhiều, ăn thật no.

Cuối cùng con chim nói:
“Hãy may túi ba gang,
Ngồi lên lưng, tôi chở
Đi đến chỗ lấy vàng.

Con chim bay, bay mãi
Chàng chẳng nhớ bao lâu,
Cuối cùng đến hòn đảo
Đầy bạc vàng, ngọc châu.

Chàng đi dạo quanh đảo,
Chỉ nhặt một ít vàng
Cho vào chiếc túi vải
Rộng vừa đúng ba gang.

Chim bảo lấy thêm nữa
Nhưng chàng chỉ lắc đầu.
Trở về nhà, từ đó
Chàng thành người rất giàu.

Người anh khi biết chuyện
Liền đến gạ gẫm chàng,
Xin đem hết nhà cửa
Đổi lấy cây khế vàng.        

Thương anh, lại dễ tính,
Cuối cùng chàng gật đầu.
Người anh tham, háo hức
Chờ mùa khế năm sau.

Con chim kia lại đến,
Ăn khế, hứa trả vàng.
Ăn sắp hết, lại dặn
May túi vải ba gang.

Chim không biết trước đấy
Hai vợ chồng anh này
Đã may sẵn chiếc túi
Rộng đúng bằng sải tay.

Thành ra khi đến đảo
Lấy vàng xong, quay về,
Chim nặng, bảo vứt bớt,
Nhưng anh chàng không nghe.

Anh ta ôm chặt túi,
Nhất quyết không chịu rời.
Chim tức giận, nghiêng cánh,
Rơi cả túi lẫn người.


SỰ TÍCH QUẢ DỨA

Xưa, có một bà góa
Sống với cậu con trai.
Cậu con thì lười nhác,
Chỉ suốt ngày nằm dài.

Một phần cũng tại mẹ
Chiều anh con cực kỳ,
Nên anh con lớn xác
Mà chẳng biết làm gì.

Một hôm, bà ốm nặng,
Không thể dậy hầu con.
Mà anh con thì đói,
Thức ăn vẫn đang còn.

Anh ta đành xuống bếp
Tìm cái ăn, than ôi,
Tìm mãi vẫn không thấy,
Dù thức ăn trong nồi.

Chỉ vì anh ta vụng,
Mắt cứ nhìn đâu đâu,
Miệng cứ luôn hỏi mẹ,
Mà mẹ thì đang đau.

Bực mình, bà mẹ ước:
“Ước gì thằng con tôi
Có trăm mắt để thấy
Thức ăn để trong nồi!”

Tiếp đến là im lặng,
Sự im lặng ngỡ ngàng.
Bà mẹ bò xuống bếp
Rồi dụi mắt, bàng hoàng:

Anh con trai yêu quí,
Than ôi, nay chẳng còn,
Mà biến thành quả dứa
Với trăm mắt tí hon.



NGƯỜI HỌC TRÒ NGHÈO

Có anh học trò nọ,
Rất chăm chỉ, hiền lành,
Thế mà cứ nghèo mãi,
Lận đận đường học hành.

Đến năm ba mươi tuổi
Vẫn làm thuê ngoài đồng,
Thi lần nào cũng trượt,
Vợ không, nhà cũng không.  

Một hôm chàng chợt nhớ
Rằng tít ngoài biển khơi
Có một hòn đảo ngọc
Ngọc Hoàng thường xuống chơi.

Chàng nghĩ phải đến đấy
Để hỏi Ngài vì sao
Số phận chàng lại vậy,
Và sắp tới thế nào.

Hôm sau chàng khăn gói
Đi về phía Biển Đông.
Hết tiền ăn, buộc phải
Vào nhà một lão nông.      

Ông chủ nhà tốt bụng
Sai dọn cơm mời chàng.
Nghe chuyện chàng ra đảo
Gặp Thượng đế Ngọc Hoàng,

Ông nhờ chàng hỏi hộ  
Vì sao con gái ông
Bị câm từ ngày bé,
Có cách nào chữa không?

Chàng nhận lời đi tiếp.
Đường xa, lại đói ăn,
Phải ghé vào nhà khác,
Cũng được đón ân cần.

Chủ nhà nhờ khi gặp
Hỏi Thượng đế vì sao
Cây cam ông xanh tốt
Mà không cho quả nào.

Khi ra đến bờ biển,
Nhìn thấy biển mênh mông,
Mà tàu thuyền không có,
Chàng đã thoáng nản lòng.

Chợt một con rùa lớn
Ngoi lên, nói với chàng:
“Ngồi lên lưng, tôi chở
Ra đảo gặp Ngọc Hoàng.

Nhân tiện nhờ anh hỏi:
Tôi sống nghìn năm nay,
Sao chưa được hóa kiếp,
Vẫn là rùa thế này?”

Rùa đưa chàng tới đảo
Rồi lặn xuống biển xanh.
Chàng lên bờ, chiêm ngưỡng
Phong cảnh thật hữu tình.

Chàng ngồi xuống tảng đá,
Bắt đầu chờ Ngọc Hoàng.
Một sáng, Ngài xuất hiện
Trong rực rỡ ánh vàng.

Chàng sụp lạy, trước hết
Hỏi chuyện con rùa già.
Ngài nói muốn hóa kiếp,
Phải nhả viên ngọc ra.

Tiếp đến chàng hỏi chuyện
Về cây cam, Ngọc Hoàng
Nói nó không có trái
Vì dưới gốc có vàng.

Đến lượt chuyện cô gái,
Ngài đáp: Vì tiền duyên
Chưa cho nàng được gặp
Một người đậu trạng nguyên.

Chàng chưa kịp hỏi chuyện
Sao chàng nghèo suốt đời,
Thì Ngọc Hoàng bất chợt
Cưỡi mây bay lên trời.

Con rùa nhờ nhả ngọc,
Hóa thành rồng sau này.
Chủ cây cam không trái
Thấy vàng dưới gốc cây.   

Anh học trò sau đó
Thi Đình, đỗ thủ khoa.
Ngày vinh quy, bái tổ,
Trên đường rước về nhà,

Chàng bèn sai dừng kiệu,
Ghé thăm nhà lão nông
Có cô gái câm điếc,
Ngẫm mà chua xót lòng.

Vừa bước vào đến cửa
Đã thấy nàng tươi cười
Chạy ra đón, bất chợt
Vui sướng nói thành lời.

Hai người thành chồng vợ,
Vừa vinh lại vừa giàu,
Một phần do nhờ biết
Giúp người trước, mình sau.



HẰNG NGA

Gần một khu rừng nọ
Xưa có một bác tiều,
Sáng vào rừng hái củi,
Chiều bán lấy tiền tiêu.

Một hôm bác chợt thấy
Ánh sáng trong bụi cây,
Nhìn kỹ, thấy đứa bé
Lớn chỉ bằng ngón tay.

Khuôn mặt em rất sáng,
Da trắng mịn, nõn nà.
Bác đem về nuôi nấng,
Đặt tên là Hằng Nga.

Năm lên mười sáu tuổi,
Nàng xinh đẹp tuyệt vời,
Da trắng, mắt đen láy,
Đôi má hồng xinh tươi.

Nhiều chàng trai dạm hỏi,
Không ít những người người giàu,
Nàng một mực từ chối,
Chỉ mỉm cười lắc đầu.

Đêm đêm nàng ngước mặt
Nhìn mặt trăng trên cao,       
Khuôn mặt buồn xinh đẹp
Đẫm nước mắt nghẹn ngào.

Một hôm nàng nói thật
Với bác tiều rằng nàng
Vốn là một tiên nữ
Được trông coi trăng vàng.

Nhưng do vì phạm lỗi,
Bị đày xuống đời này,
Và rằng đã đến lúc
Hai người phải chia tay.

Ông già ôm nàng khóc.
Nàng hứa các đêm rằm
Từ mặt trăng vời vợi
Nàng sẽ bay về thăm. 

Đúng đêm rằm tháng Tám
Như đám mây hồng tươi,
Các tiên nữ lộng lẫy
Xuống đón nàng lên trời.

Từ đấy nơi dương thế
Mọi người ngước nhìn trăng,
Mong Hằng Nga trở lại,
Trìu mến gọi Chị Hằng.



SỰ TÍCH CÀNH ĐÀO NGÀY TẾT

Nghe người ta kể lại,
Xưa ở núi Sóc Sơn
Có cây đào đại thụ
Tán rộng, lá xanh rờn.

Có hai thần trú ngụ
Trong thân cây đào này,
Là Trà và Uất Lũy,
Loại cây cao, bóng dày.

Mọi người nhờ hai vị
Mà được sống yên thân.
Nhờ họ luôn canh giữ,
Ma quỷ không dám gần.

Chúng sợ thần một nhẽ,
Còn sợ cả cây đào.
Hễ thấy nó là chạy,
Không ngoái lại lần nào.

Như các vị thần khác,
Khi đông hết, xuân sang,
Đăc biệt mấy ngày Tết,
Họ lên chầu Ngọc Hoàng.

Nhân dịp ấy, ma quỷ
Liền kéo đến hoành hành.
Để xua quỷ, dân chúng
Cắm đào trong nhà mình.

Rồi vẽ hình hai vị
Đem dán lên cột nhà.
Cột nhà đen, giấy đỏ
Là bùa yểm trừ ma.

Rồi dần dần thành lệ,
Một tục lệ lâu đời,
Tết có câu đối đỏ
Và cành đào hồng tươi.



SỰ TÍCH HOA MỘC LAN   

Ngày xưa, ở vùng nọ
Có cô gái rất xinh,
Sớm mồ côi cha mẹ
Nên cô sống một mình.

Cô phải gấp hoa giấy
Bán kiếm tiền hàng ngày,
Ăn bữa no, bữa đói,
Không mua nổi đôi giày.

Một hôm có con vẹt
Bị mèo đuổi, cuối cùng
May mắn được cô cứu,
Từ đó họ sống chung.

Để trả ơn, con vẹt
Bày cho cô cách này
Kiếm nhiều tiền hơn trước,
Vừa dễ lại vừa hay:

Khi gấp xong hoa giấy,
Cô hãy thổi vào hoa.
Hoa sẽ thành hoa thật
Như mới hái sau nhà.

Có điều, nó báo trước,
Cứ mỗi lần hà hơi,
Cô mất một giọt máu,
Để hoa đỏ và tươi.        

Vậy là cô từ đấy
Kiếm tiền nhiều và nhanh,
Vì hoa của cô đẹp,
Do máu nhuộm mà thành

Cô bắt đầu ăn diện,
Mua áo lụa, giày hồng,
Rồi bắt đầu giao tiếp,
Rồi cuối cùng lấy chồng.

Rồi sắm sanh đủ thứ
Cho cuộc sống gia đình,
Cho anh chồng thích diện
Nhưng chẳng chịu học hành.

Tất cả những thứ ấy
Rất tốn kém, tất nhiên,
Nên cô cứ thổi mãi,
Thổi hoa để kiểm tiền.

Da mặt cô xanh nhợt
Cơ thể thành gầy gò.
Chú vẹt con tốt bụng
Đã mấy lần nhắc cô.

Vậy mà cô quát nó,
Bảo cô còn cần nhà,
Một ngôi nhà thật đẹp,
Nhiều ban-công có hoa.

Bị ước mơ thôi thúc,
Cô làm việc đêm ngày,
Có hôm mệt, suýt ngất,
Rã rời cả hai tay.

Bỗng người của thái tử
Đến tìm cô đặt hoa,
Đặt với khối lượng lớn,
Đủ tiền xây ngôi nhà.

Vậy là cô thức trắng
Gấp hoa rồi hà hơi,
Để có hoa màu đỏ,
Tuyệt đẹp và thật tươi.

Hoa cô làm bằng máu
Kịp đám cưới hoàng cung,
Nhưng than ôi, cô chết,
Mất giọt máu cuối cùng.

Anh chồng vô tích sự
Lấy tiền xây ngôi nhà
Rồi cưới cô vợ khác.
Cô chết, biến thành hoa,

Một bông hoa tuy đẹp
Nhưng nhợt nhạt, tính hàn,
Vì cô không còn máu,
Gọi là hoa mộc lan.   



SỰ TÍCH HOA TRINH NỮ

1
Xưa có gia đình nọ,
Sống ở một làng quê,
Luôn buồn phiền một nỗi
Chỉ sinh con một bề.

Họ sinh toàn con gái,
Nay đã là ba đời.
Từ ông bà, cụ kỵ,
Tổng cộng mười lăm người.

Mười lăm cô gái đẹp,
Mười lăm người đàn bà,
Trải qua ba thế hệ,
Cùng sống trong một nhà.

Do chiến tranh liên tiếp,
Cả mười lăm người này
Đều có chồng là lính.    
Một số phận đắng cay.

Đắng cay nữa là việc
Rằng chồng của mười bà
Không bao giờ trở lại,
Để vợ phải chết già.

Chồng của năm bà khác
Tàn tật lúc trở về
Thành gánh nặng cho vợ,
Khốn khổ đủ trăm bề.

Khi đại gia đình ấy
Sang thế hệ tiếp theo
Lại sinh một bé gái,
Xinh đẹp, con nhà nghèo.

Họ quyết định, con bé
Khi đến tuổi lấy chồng,
Muốn lấy ai thì lấy,
Nhưng lấy lính thì không.

2
Cô lớn lên, nhí nhảnh,
Thật xinh đẹp, hiền lành,       
Vô tư, không để ý
Cái bóng của chiến tranh.

Để tránh không lấy lính,
Cô bị cấm ra ngoài,
Không nghe chuyện chiến sự,
Không gặp các chàng trai.

Thế mà mười bảy tuổi,
Một đêm trăng tuyệt vời,
Người ta thấy cô khóc
Khi từ biệt một người.

Một chàng trai khỏe mạnh,
Cũng chân thật, hiền lành
Người bị vua sắp ném
Vào lò mổ chiến tranh.

Như mọi đôi trai gái
Trong giây phút chia ly,
Họ thề non, hẹn biển,
Không quản ngại điều gì.

Cô gái thề chờ đợi
Cho đến lúc chàng về.
Chờ suốt đời, chờ mãi,
Quyết không bội lời thề.”

3
Thời gian trôi chậm chạp,
Lặng lẽ năm tháng qua.
Cô gái ấy xinh đẹp,
Nay là một bà già.

Cuộc đời bà trống vắng,
Cùng năm tháng ủ ê,
Mỏi mòn trong chờ đợi,
Người yêu vẫn không về.

Cả khi hết trận mạc,
Không phải một mà ba,
Mà người bà chờ đợi
Vẫn đâu đó rất xa.        

Cuối cùng có tin báo,
Mà tin từ triều đình,
Người bà yêu trở lại,
Giàu có và hiển vinh.

Người đàn bà tội nghiệp
Òa khóc vì xót thương,
Tắm rửa sạch, mặc đẹp,
Chống gậy chờ ngoài đường.       

Ba hôm sau, quả thật,
Người bà mong đã về,
Trong chiếc xe bốn ngựa
Có vải phủ, rèm che.

Bà đứng lặng chờ đợi
Người ấy đến ôm bà.
Chiếc xe dừng, thong thả,
Có hai người bước ra.

Họ bê chiếc khay đỏ,
Phủ tấm lụa sẫm màu
Đặt trước bà cung kính,
Rồi cả hai cúi đầu.

Bà khẽ nâng tấm lụa,
Và đây, trước mắt bà -
Một đầu người bị chém,
Mái tóc bạc lòa xòa.    

Chiếc đầu ấy xa lạ
Của một người không quen.
Đôi mắt không chịu nhắm
Đang nhìn bà thản nhiên.

4
Người ta báo bà biết
Đó là người bà mong.
Một quan, hàng tứ trụ,
Phò mã, tước Quận Công.

Tuy nhiên, Quận Công ấy
Đã bị vua hành hình
Vì âm mưu tạo phản
Nhằm lật đổ triều đình.

Trước khi đem xử trảm,
Ông không xin được tha,
Chỉ xin sau khi chết,
Gửi xác về cho bà.

5
Với hai mắt ráo hoảnh,
Bà lặng lẽ chôn ông
Theo đúng các nghi thức
Một bà vợ chôn chồng.

Vậy là thôi chờ đợi.
Cô gái ấy hiền lành
Mà nay là bà lão,
Không còn sợ chiến tranh.

Giờ là lúc thanh thản,
Không lo sợ, đợi chờ,
Bà nằm xuống, ngủ thiếp,
Mái tóc bạc lơ thơ.

Bà ngủ lâu đến nỗi
Đất phủ lên người bà,
Và từ đất chợt nhú
Mới mẻ một loài hoa.

Đó là hoa Trinh Nữ.
Trắng trong và xinh tươi.
Hay là hoa Trinh Lão,
Hoa của một kiếp người?



SỰ TÍCH HOA THỦY TIÊN
                                                                           
Xưa, có ông phú hộ
Sinh được bốn con trai.         
Trước khi chết, ông dặn
Các con chia gia tài

Làm bốn phần đều đặn,
Và công bằng như nhau.
Thế mà bố vừa chết,
Lập tức ba anh đầu

Giành lấy phần tốt nhất
Chỉ chừa cho em mình
Mảnh đất bé ngập nước
Nằm sát một đầm sình.

Chàng út vừa thương bố,
Vừa oán giận các anh,
Ngồi trên mảnh đất ấy
Tấm tức khóc một mình.       

Một bà tiên xuất hiện,
Nhẹ nhàng nói với chàng:
“Mảnh đất con đang có
Là cả một kho vàng.”

Nói đoạn, bà biến mất.
Và rồi, khi xuân sang,
Một loài hoa mới lạ
Mọc trên đất của chàng.

Một loài hoa tuyệt đẹp,
Có hương thơm lạ lùng,
Như những chiếc chén nhỏ
Trên bàn ăn hoàng cung.   

Vì thế, người tìm đến
Ngắm hoa, chen chúc nhau,
Họ mua, trả giá đắt.
Chàng thành người rất giàu.

Cứ mỗi dịp Tết đến,
Chàng thu được bộn tiền.
Chàng đặt tên hoa ấy
Là hoa của bà tiên.

Thủy tiên, cái tên đẹp,
Sau gọi chệch mà thành.        
Không ngẫu nhiên mà nó
Được vào thơ, lên tranh.

Theo thần thoại Hy Lạp
Thì tên hoa thủy tiên
Là tên chàng Narcis,
Một chàng trai dịu hiền

Và xinh đẹp đến mức
Chàng đâm ra yêu mình,
Yêu, suốt ngày soi bóng
Xuống dòng sông trong xanh.

Chàng ngắm mình say đắm,
Không thể ngước nhìn lên,
Rồi ngã xuống sông, chết,
Hóa thành hoa thủy tiên.



SỰ TÍCH HOA HUỆ

1
Xưa, có chàng trai nọ
Phải đi chinh chiến xa,
Để lại vợ chưa cưới
Phải một mình ở nhà.

Chàng mở tung lồng ngực,
Giờ chia tay lên đường,
Lấy trái tim nóng hổi
Trao cho người yêu thương.

“Nay anh đã là lính.
Lính không cần trái tim.
Anh trao nó em giữ,
Để anh luôn bên em.”

Cô giữ trái tim ấy
Trong chiếc tráp bạc con,
Và bắt đầu chờ đợi,
Chờ đợi trong héo mòn.

Tháng năm trôi chậm chạp,
Chậm chạp tháng năm trôi.   
Năm năm nàng chờ đợi,
Rồi con số gấp đôi.

Bố mẹ muốn có cháu,
Bảo nàng đi lấy chồng.
Em gái nói chàng chết.
Nàng lắc đầu bảo không.

Rồi thêm mười năm nữa,
Người yêu vẫn chưa về.
Tóc bắt đầu điểm bạc,
Dáng đi đã nặng nề.

Chỉ trái tim vẫn thế,
Vẫn tràn đầy thương yêu.
Bà vẫn chờ trước ngõ
Hàng ngày, vào buổi chiều.

Một hôm, bà bỗng gặp
Một người bạn của chàng.
Người này nghe kể chuyện,
Mắt rơm rớm, ngỡ ngàng.

Sau một hồi do dự,
Ông nói người yêu bà
Đã chiến đấu dũng cảm,
Ngã xuống chiến trường xa.

Ông bỏ đi như chạy,
   Luôn cúi mặt xuống đường
Vì đang tâm nói dối
Người đàn bà đáng thương.   

Thực ra hắn chưa chết,
Mà còn sống vùng này.
Hắn là tên thủ lĩnh
Một băng cướp gần đây.

Số là khi đi lính,
Hắn để tim ở nhà,
Thành người vô tri giác,
Luôn xa lánh đàn bà.

Hắn chỉ thích chém giết,
Nên khi hết chiến tranh
Lập một băng cướp lớn
Ẩn náu chốn rừng xanh.

Ông, dẫu căm ghét hắn,
Thương bà, lòng xót xa,
Nên buộc phải nói dối,
Cả việc hắn yêu bà.

Người đàn bà tội nghiệp
Một hôm vội lên đường,
Ôm theo chiếc tráp bạc,
Tìm mộ người yêu thương.

Khi qua khu rừng rậm,
Một toán cướp nhảy ra.
Mặc nạn nhân than khóc,
Kể về người yêu bà,

Bọn cướp hung dữ ấy,
Lấy chiếc tráp mang đi,
Về đưa cho thủ lĩnh.
Tên này mở, tức thì

Nhận ra tim của hắn,
Trái tim vẫn còn tươi.
Bỗng trái tim lên tiếng
Bằng giọng nói con người:

“Hãy vì tình nghĩa cũ,
Đừng làm bà đau lòng,
Để bà tiếp tục nghĩ
Mày là thằng đàn ông!”

Tên cướp nghe, ra lệnh
Trả chiếc tráp cho bà,
Còn sai chúng dẫn đến
Một chiếc mộ giả vờ.        

Bà ngồi bên ngôi mộ,
Ôm chiếc tráp, khóc thầm,
Thương người chồng chưa cưới
Bà chờ đợi nhiều năm.

Rồi bà chết, sau đó,
Từ đất ngôi mộ này
Mọc lên loài hoa mới,
Gọi là hoa huệ tây.

Đó là hoa chung thủy,
Cao thượng và trắng trong,
Hoa của những người vợ
Không ngừng thôi chờ chồng.



SỰ TÍCH HOA SEN

1
Xưa, có ông vua trẻ
Rất yêu cảnh thiên nhiên,
Dành thời gian, công sức
Đi thăm thú các miền.  

Ngày nọ, ngài dừng lại
Ở một nơi nhiều hồ,
Những hồ nước thơ mộng,
Chấp chới những cánh cò.

Nước hồ xanh, trong vắt,
Buổi sáng, nắng xiên ngang,
Nắng đùa trên sóng nước,
Những chấm đỏ, chấm vàng.

Bất chợt, ngài đứng lặng
Nghe tiếng hát xa xa,
Tiếng một người con gái
Giữa mặt hồ ngân nga.

Ngài vội vã chạy lại.
Cô gái sợ, lên bờ,
Rồi bỏ đi mất hút.
Vua nhìn theo, sững sờ.

Một cô gái tuyệt đẹp,
Tóc như mây, bập bồng,
Con đường cỏ sương ướt
Còn in gót chân hồng.

Hôm sau ngài cho kiệu
Đến đỗ trước nhà nàng,
Một túp lều lợp rạ
Đứng tách phía sau làng.

Thế là nàng thôn nữ
Phải theo vua về cung,
Bộ áo gai giản dị
Được thay bằng lụa nhung.

Đôi chân xưa đi đất
Nay đi hài, đi giày.
Mái tóc đầy trâm ngọc,
Không bồng bềnh như mây.

Nghĩa là nàng xinh đẹp,
Cái đẹp của búp bê,
Tiếc nay không còn nữa
Cái đẹp chất đồng quê.

Và rồi nàng, thật lạ,
Mặc cho vua van nài,
Suốt ngày buồn lặng lẽ,
Không chuyện trò với ai.

Nàng cũng không còn hát.
Thờ thẫn từ phòng mình
Nhìn xuống hồ nước nhỏ
In mặt trời lung linh.

Và rồi một buổi sáng,
Vua không thấy nàng đâu.
Không thấy nàng tư lự
Nhìn xuống hồ dưới lầu.

Bất chợt, vua nhìn thấy
Có cây gì giữa hồ,
Hoa rất thơm, hồng dịu,
Lá tròn tròn và to.

Giờ thì vua chợt hiểu
Rằng cung điện dát vàng,
Nhung lụa và trâm ngọc
Đã không giữ được nàng.

Rằng nàng chọn cái chết
Để trở lại thiên nhiên,
Là nơi nàng được sống
Lộng lẫy như bông sen.

Sen là hoa của Phật,
Hoa của sự trắng trong.
Mỗi màu một ý nghĩa:
Trắng, đỏ, thẫm, xanh hồng.

Sen là hồn dân tộc,
Là âm dương hài hòa,
Là cái đẹp, vì thế
Được chọn là quốc hoa.



SỰ TÍCH HOA QUỲNH       

1
Vua Tùy, Tùy Dạng Đế,
Là một vị hôn quân,
Sống vô đạo, tác tráng.
Trong giấc mơ, một lần

Hắn mơ thấy hoa đẹp,
Một bông hoa khác thường,
Chưa bao giờ từng thấy,
Lại thơm nức mùi hương.

Cũng đúng vào lúc ấy,
Ở tận Lạc Dương thành,
Có một ngôi chùa cổ,
Giữa um tùm cây xanh.

Bất chợt, một tối nọ,
Khi trống điểm canh ba,
Có cái gì rực sáng
Như muôn nghìn sao sa.

Mọi người liền vội vã
Ra xem có chuyện gì,
Thì thấy bên giếng nước
Có bông hoa lạ kỳ.

Bông hoa vừa mới nở,
Mười tám cánh phía trên,
Hăm tư cánh phía dưới,
Đúng là hoa thần tiên.

Hương của nó thơm ngát,
Dìu dịu và thanh bình.
Ai cũng lấy làm lạ,
Gọi nó là hoa quỳnh.         

Tin về loại hoa hiếm
Chỉ nở vào ban đêm
Đến tai vua, vua muốn
Phải tự mình đến xem.

Thế là ngay lập tức
Hàng triệu người nạo sông
Cho đủ sâu, đủ rộng
Để vua cưỡi thuyền rồng.

Hai bên dòng sông ấy
Phải được trồng liễu xanh,
Cứ mười mét một bụi,
Đến tận Lạc Dương thành.

Cuối cùng, vua xuất phát.
Chuyến đi chín mươi ngày,
Với hàng trăm cung nữ,
Tốn kém nhất xưa nay.

Tháp tùng vua lần ấy,
Trong số các đại thần,
Có một người còn trẻ,
Tên là Lý Thế Dân.

Khi đoàn thuyền cập bến,
Ông và các bạn ông
Đêm, lén xem hoa trước,
Sợ sáng mai người đông.

Không ngờ bông hoa lạ
           Vừa thấy Lý Thế Dân,
Liền cung kính cúi thấp,
Chào ông đúng ba lần.

Chắc bông hoa thấy rõ
Ông có tướng vương công.
Lý Thế Dân quả thật
Sau là Đường Thái Tông.

Hoa chào xong, bất chợt
Trời đổ trận mưa rào.
Mưa làm hoa héo rụng,
Không còn lại cánh nào.   

Hôm sau, Tùy Dạng Đế
Chẳng còn thấy hoa đâu,
Liền ra lệnh nhổ sạch
Rồi cho thuyền quay đầu.

Từ đấy loài hoa lạ
Chỉ nở vào ban đêm,
Đặc biệt khi trăng sáng,
Để mọi người đến xem.

Sau chuyến đi lần ấy,
Bạo loạn nổ khắp nơi.
Tùy Dạng Đế bị giết,
Và nhà Đường ra đời.



SỰ TÍCH CÂY VÚ SỮA

Ngày xưa có cậu bé
Ham chơi làm mẹ buồn.
Một lần cậu bị mắng,
Thế là bỏ đi luôn.

Không có gì đáng trách
Bằng con bỏ nhà đi.
Làm bố mẹ lo lắng:
Con ở đâu, làm gì?

Cậu bé ấy lếu láo
Bỏ nhà đi khá lâu.
Làm gì không ai biết.
Không ai biết ở đâu.
Rồi một hôm, đói khát,
Còn bị đánh sầy da,
Không biết đi đâu nữa,
Cậu lại mò về nhà.

Ở nhà, vẫn như cũ,
Nhưng không thấy mẹ đâu.
Mà cậu thì đang đói,
Khóc, hai tay ôm đầu.

Cậu khóc to gọi mẹ:
Mẹ ơi, mẹ về đi!
Thật tội nghiệp cậu bé,
Muốn ăn, chẳng có gì.  

Cậu vừa mệt, vừa đói
Vì nhịn ăn suốt ngày,
Bèn ra ngồi trước ngõ,
Tựa lưng vào gốc cây.

Một phép màu xuất hiện:
Cái cây ấy nở hoa,
Rồi nhanh chóng thành trái,
Rơi vào lòng cậu ta.
Những trái cây rất lạ,   
Da mềm và màu xanh,
Có nước ngọt màu trắng
Như sữa mẹ ngon lành.

Trên quả có đôi chỗ
Màu đo đỏ, tròn tròn,
Thoáng nhìn trông thật giống
Đôi mắt mẹ chờ con.

Về sau loại cây ấy
Được đem trồng khắp nơi.
Người ta gọi vú sữa,
Để con cái nhớ đời.      



SỰ TÍCH HOA CÚC

Xưa có một cô gái
Sống với bà mẹ già.
Cô gái tên là Cúc,
Bà mẹ tên là Hoa.

Nhà nghèo nhưng hạnh phúc.
Họ rất yêu thương nhau.
Cô con ngoan, chí hiếu,
Mẹ mưa nắng dãi dầu.

Bỗng mẹ cô ốm nặng.
Cô chạy chữa đủ đường
Mà bệnh vẫn không khỏi.
Đầy tuyệt vọng, đau thương,

Cuối cùng cô quyết định
Một mình rời quê nhà
Tìm thầy thuốc cho mẹ,
Không quản ngại đường xa.

Cô đi mãi, đi mãi,
Qua nhiều núi, nhiều sông,
Chưa tìm được thầy giỏi,
Nhưng vẫn không nản lòng.

Một hôm, đến chùa nọ,
Ngôi chùa con bên hồ,
Cô khấn lạy Đức Phật
Chữa lành cho mẹ cô.

Cô thành khẩn đến mức
Đức Phật động lòng thương
Hóa thành nhà sư trẻ
Ngẫu nhiên gặp trên đường.

Ngài đưa cho cô gái
Một bông hoa màu vàng,
Vẻn vẹn chỉ năm cánh,
Năm ngón tay xòe ngang.

“Hãy mang về cho mẹ
Bông hoa sự sống này.
Nó giúp bà khỏi bệnh,
Nhưng phải nhớ, từ nay,

Mỗi năm hoa sẽ rụng,
Một cánh hoa, và bà,
Giảm đi một tuổi thọ.
Hoa năm cánh, thành ra

Bà mẹ cô chỉ sống
Năm năm nữa mà thôi.”
Cô nghe, lòng đau xót,
Cảm ơn sư, và rồi

Về nhà cô lặng lẽ
Xé nhỏ năm cánh hoa
Thành một trăm cánh nhỏ
Để cứu mẹ, và bà

Sống thêm trăm tuổi nữa. 
Đức Phật biết chuyện này
Nhưng Ngài im, không trách,
Còn thầm khen là hay.

Về sau loài hoa ấy
Được nhiều người dân làng
Trồng trong vườn của họ,
Gọi là hoa cúc vàng.

Hoa biểu tượng sự sống,
Hoa ước mơ trường tồn,
Mong ước chữa lành bệnh,
Hoa của tình mẹ con.

Trong tâm linh người Việt,
Cúc thanh cao, là loài
Được mọi người yêu mến,
Thành “Tùng Trúc Cúc Mai.”

Biểu tượng của thanh bạch,
Với thi sĩ, trung thần,
Cúc là bạn tri kỷ
Trong nỗi niềm thơ văn.


SỰ TÍCH HOA MẪU ĐƠN

1
Xưa, có một bà mẹ
Sinh được mười con trai,
Đẹp, thông minh, khỏe mạnh,
Dũng cảm và có tài.

Rồi giặc xâm lược đến.
Chúng chiếm làng của bà.
Mười người con dũng cảm
Trốn lên ngọn núi xa.

Họ tập hợp lực lượng
Chống lại giặc ngoại bang.
Đêm thường cho quân xuống
Quấy phá giặc trong làng.

Chúng vô cùng tức giận,
Đánh mấy lần không xong,
Bèn bắt mẹ của họ
Cho ra đứng giữa đồng.

Tên tướng giặc ra lệnh:
“Hãy bảo con hàng ngay.
Nếu không, ta sẽ giết,
Thiêu trụi cả làng này!”

Bà mẹ ngẩng đầu đáp:
“Mẹ ngươi có thực tình
Khuyên ngươi hãy phản bội
Mảnh đất sinh ra mình?

Ta là mẹ, cũng thế,
Ta không dạy con ta
Quì gối trước lũ giăc,
Phản bội lại quê nhà!”      

Chúng liền trói chặt mẹ
Đổ dầu ăn lên người
Bắt đầu châm lửa đốt,
Thành ngọn đuốc sáng ngời.

Nhưng trước khi chết cháy,
Mẹ ra lệnh các con
Hãy giải phóng đất nước,
Quyết một trận sống còn. 

Lời bà mẹ ra lệnh
Là lời của non sông.
Các con bà nhất loạt
Đem quân đánh xuống đồng. 

Cuối cùng, họ chiến thắng,
Đất nước được bình yên.
Các con đến tìm mẹ,
Thấy trái tim còn nguyên.

Trái tim của người mẹ
Nóng đỏ như mặt trời,
Cả khi chôn xuống đất
Vẫn rực rỡ sáng ngời.

Xuân đến, từ ngôi mộ
Mọc loài cây xanh rờn
Có hoa đỏ như máu,
Gọi là hoa mẫu đơn.

Hoa của một bà mẹ
Người sẵn sàng hy sinh
Để khích lệ con cháu
Bảo vệ quê hương mình.



SỰ TÍCH CÂY HUYẾT DỤ

1
Xưa, có anh đồ tể
Sống cạnh ngôi chùa làng.
Hàng ngày cứ mờ sáng,
Khi chuông chùa ngân vang

Là anh ta tỉnh dậy
Sửa soạn bộ đồ nghề
Rồi bắt đầu mổ lợn,
Tiếng lợn kêu thật ghê.

Mỗi người một nghề sống,
Nên dân làng bực mình
Cũng chẳng làm gì được,
Đành bấm bụng làm thinh.

Một tối nọ, sư cụ
Mơ thấy có một bà
Dắt năm đứa con nhỏ
Nhờ cứu mạng bà ta.

“Bằng cách nào? - sư hỏi. -
Bà hãy nói tôi hay.”
“Xin ngài thỉnh chuông sáng,
Muồn muộn hơn mọi ngày.”           

Sư cụ thỉnh chuông muộn.
Anh đồ tể ngủ quên,
Nên không kịp giết lợn,
Bèn sang trách chùa bên.                

Anh ta được sư cụ
Kể giấc mơ của mình,                     
Về nhà, vào chuồng lợn,                  
Thì thấy lợn vừa sinh

Đúng năm con rất đẹp.
Anh đồ tể lặng người,
Nhẩm đếm mình đã giết
Bao sinh mạng trên đời.                  

Rồi anh ta quyết định
Từ nay sẽ bỏ nghề,
Không bao giờ giết lợn,
Cầm con dao anh thề.

Rồi cắm con dao ấy
Giữa sân chùa, sau này,
Qua một đêm sấm chớp,
Nó hóa thành bụi cây.

Lá nó như dao nhọn,
Hoa đỏ như máu tươi.
Mọi người gọi huyết dụ,
Tức là hoa máu người.


SỰ TÍCH CÂY THÌ LÀ                  

Ngày xưa, khi sự sống
Vừa mới chỉ bắt đầu,                       
Trong rừng, các cây cỏ
Chưa có tên gọi nhau.

Và rồi một ngày nọ,
Trời ban cho các loài,
Mỗi người một tên gọi
Và không ai giống ai.

Có một cây cao thẳng
Được Trời gọi là Thông.
Một loài hoa đỏ tía
Trời đặt tên là Hồng.

Một loài nấm gỗ mục
Được gọi là Linh Chi,
Một sinh vật bé tí
Cũng có tên Địa Y.

Hoa soi mình bóng nước
Trời gọi là Thủy Tiên,
Rồi, Tía Tô, Húng, Quế..                
Ai cũng được đặt tên.

Cuối cùng, Trời thấy mệt,
Định ngủ thì bỗng nhiên
Có một cây rau nhỏ
Vội chạy đến xin tên.

Nó bảo nó đến muộn
Vì bà ốm lâu ngày,
Phải thuốc thang, cơm nước,
Nên giờ mới đến đây.

Trời mệt, nhìn nó hỏi:
“Con chưa có tên à?
Ừ, đặt tên gì nhỉ?
Ừ, thì là... thì là...”

Nó reo lên vui sướng:
“Tôi đã có tên rồi.
Tôi có tên rồi nhé.
Thì Là là tên tôi.”



TRUYỀN THUYẾT VỀ CỦ MÀI
1
Sách sử có chép lại
Một câu chuyện như sau,
Rằng xưa có hai nước
Lớn và nhỏ đánh nhau.

Đội quân của nước nhỏ
Bị dồn ép, cuối cùng
Bị quân của nước lớn
Bao vây trong khu rừng.

Khu rừng ấy hiểm trở,
Không dễ tấn công vào.
Thủ lĩnh quân nước lớn:
“Không đánh cũng chẳng sao.

Trong ấy thiếu lương thực.
Sớm muộn, khi đói ăn,
Hoặc chấp nhận thất bại,
Hoặc chúng sẽ chết dần.”

Rồi ông ta cắm trại,
Cho bao vây bốn bề,
Chờ giặc ra nộp mạng,
Đắc thắng và hả hê.

Thế mà suốt mấy tháng,
Không thấy chúng ra hàng.
Đánh vào, bị đánh trả.
Ông bắt đầu hoang mang.

Và rồi một tối nọ,
Khi quân lính ngủ say.
Quân nước nhỏ trên núi,
Đánh xuống, phá vòng vây.

Do chủ quan khinh địch,
Do mỏi mệt, quân ông
Bị đánh thua, tan tác,
Xác ngổn ngang giữa đồng.

Thế là quân nước lớn
Phải rút về nước mình.
Quân nước nhỏ chiến thắng,
Khôi phục lại hòa bình.

Suốt mấy tháng trên núi,
Mặc dù thiếu quân lương,
Họ không chỉ không đói
Mà khỏe mạnh khác thường.

Đơn giản vì bất chợt
Họ thấy một loài cây
Củ rất to và ngọt,
Lá xanh rậm và dày.                       

Hơn thế, loài cây ấy
Có rất nhiều khắp nơi.
Ngựa thoải mái ăn lá,
Củ thì dành cho người.

Sau chiến tranh, dân chúng
Vào rừng đào về ăn,
Thay cho ngô, cho gạo,
Sức khỏe khá hơn dần.

Cây củ quý giá ấy
Có tên là củ mài,
Họ Củ nâu, thực chất
Cũng là một giống khoai.



SỰ TÍCH HOA ANH TÚC

Người ta kể, vùng nọ,
Không rõ là vùng nào,
Có một người phụ nữ,
Số phận phũ phàng sao.

Nàng bị mụ phù thủy,
Thù độc và thù dai,
Biến thành bông anh túc
Giữa đồng hoa cùng loài.

Từ đấy nàng phải sống
Ban ngày giữa đồng hoa,
Chỉ chờ khi đêm đến
Nàng mới được về nhà.                   

Một hôm, nàng cho biết,
Muốn quay lại với chồng,
Chàng phải nhận ra vợ
Giữa rừng hoa triệu bông.              

Anh chồng nghe, lặng lẽ
Ra đồng sáng hôm sau.
Một biển anh túc đỏ,
Bông nào cũng giống nhau.

Thế mà chàng tinh ý
Vẫn nhận ra vợ mình -
Chỉ một bông anh túc
Không có sương lung linh.

Đó là nàng, bởi lẽ
Nàng cùng chồng ở nhà,
Không hề phơi sương gió
Suốt cả đêm hôm qua.

Lời nguyền mụ phù thủy
Thế là hết nhiệm màu.
Hai vợ chồng từ đó
Hạnh phúc sống cùng nhau.



CHÚ CUỘI NGỒI GỐC CÂY ĐA

Vào những đêm trăng sáng,
Khi ta ngước nhìn lên
Mặt trăng vàng, ta thấy
Có hình người đen đen.

Hình người đen đen ấy,
Lúc rõ, lúc nhạt nhòa
Ta thường gọi Chú Cuội
Đang ngồi gốc cây đa.

Chú là người có thật,
Sống từ thời xa xưa.
Sáng vào rừng đốn củi,
Ra về vào buổi trưa.

Một hôm, chú bỗng gặp
Bốn con hổ mới sinh.
Chú dùng rìu đập chết
Mà chẳng chút rùng mình.

Nhưng cũng liền sau đó
Chú bỗng nghe tiếng gào
Của hổ mẹ đang tới,
Liền leo lên cây cao.

Thương đàn con đã chết,
Hổ mẹ gầm rồi rên.
Sau đó nó lẳng lặng
Ra con suối kề bên.

Nó đến một bụi rậm,
Cắn một nhúm lá non,
Rồi mang về, nhai lá,
Mớm cho bầy hổ con.

Bầy hổ con sống lại,
Như không hề hấn gì.
Rồi nhìn quanh một lượt,
Hổ mẹ dẫn con đi.

Chú Cuội liền tụt xuống,
Đi tìm cây thuốc thần,
Nghĩ có lúc cần đến,
Nên đem trồng trước sân. 

Thực ra cây thuốc ấy
Chỉ là một cây đa.
Cây còn non, mơn mởn,
Lớn nhanh, lá xùm xòa.

Chú quý cây này lắm,
Chăm tưới nước hàng ngày,
Dặn đi dặn lại vợ
Không được tè lên cây.

Bị nhắc nhiều, khó chịu,
Nhân hôm chồng vắng nhà,
Cô nàng đã vén váy
Tè vào gốc cây đa.

Bỗng như có phép lạ,
Cây đa non xanh tươi
Vươn lên cao, bật rễ,
Từ từ bay lên trời.

Đúng lúc ấy chú Cuội
Vừa đi đâu về nhà,
Thấy thế liền nhanh chóng
Định níu giữ cây đa.

Chú ngoắc rìu vào nó.
Nó bay lên phăng phăng,
Và chỉ chịu dừng lại
Khi lên đến mặt trăng. 

Và thế là chú Cuội
Kẹt không về được nhà.
Đêm nhìn trăng ta thấy
Chú ngồi gốc cây đa.        



TỪ THỨC GẶP TIÊN

1
Đời Trần, thời Quang Thái,
Có một chàng thư sinh
Làm Tiên Du tri huyện,
Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Chàng tên là Từ Thức,
Người ở đất Hóa Châu,
Rất hào hoa, phong nhã,
Kinh sử thuộc làu làu.  

Có một ngôi chùa cổ
Cách không xa huyện đường.
Chùa nhiều mẫu đơn quí
Đẹp và thơm khác thường.

Mỗi năm, khi hoa nở,
Khách gần và khách xa,
Các nam thanh nữ tú
Đều đổ về ngắm hoa.

Tháng Hai, năm Bính Tỵ
Người ta thấy một nàng,
Tuổi mười lăm, mười sáu,
Mặc gấm đỏ, lụa vàng.

Có vẻ từ xa tới,
Nàng xinh đẹp tuyệt trần,
Đến mức ai nhìn thấy
Cũng đứng lại, bần thần.  

Do muốn nhìn thật kỹ,
Nàng vin một cành hoa,.
Không ngờ cành giòn gãy,
Ai thấy cũng xót xa.

Người trông hoa chạy đến,
Bắt nàng trói vào cây,
Mặc cho nàng khóc lóc,
Xin tha thứ điều này.

Từ Thức thấy, cám cảnh,
Bèn cởi chiếc áo choàng
Gán cho chủ cây cảnh
Để giải thoát cho nàng.

Cô gái kia cúi thấp
Cảm ơn chàng chân thành,
Lẫn trong đám du khách
Rồi mất hút rất nhanh.

2
Là quan hiền, Từ Thức
Vốn ham mê văn chương,
Thích túi thơ, bầu rượu
Hơn gò bó công đường.

Nên dẫu được trọng dụng,
Chàng treo ấn từ quan,
Để chu du hồ hải,
Sống cuộc sống an nhàn.

Một hôm chàng du ngoạn
Tới cửa biển Thần Phù,
Bỗng thấy một núi đá
Ẩn hiện trong sương mù.

Nhìn kỹ - mây năm sắc
Kết thành hình hoa sen,
Như Bồng Lai tiên cảnh.
Chàng liền bảo dừng thuyền.

Chàng leo lên ngọn núi,
Núi như hiện, như mờ.
Đứng trước vách núi đá,
Chàng viết một bài thơ.

Bất chợt, vách đá mở.
Một hang động rất cao
Liền hiện lên trước mặt.
Chàng vén áo bước vào.

Vừa đi được mấy bước
Thì cửa hang bỗng nhiên
Lại từ từ khép chặt.
Bốn bề là bóng đen.

Chàng dò dẫm đi tiếp,
Nước nhỏ giọt xuống đầu.
Càng đi hang càng rộng,
Và rồi, một lúc sau

Chàng dụi mắt, chợt thấy
Một bầu trời bao la,
Đầy ánh nắng rực rỡ,
Nhiều cung điện chói lòa.

Một vườn hoa muôn sắc,
Lạ và đẹp khác thường.
Trên trời chim bay lượn,
Không khí ngát mùi hương.   

Chàng còn đang ngơ ngác
Không biết mình ở đâu,
Thì chợt nghe ai đó
Đang nói cười phía sau.

Đó là hai cô gái
Mặc áo xanh, nơ hồng,
Cúi thấp mời Từ Thức
Theo họ vào bên trong.

Trong cung điện lộng lẫy,
Một bà tiên đang ngồi,
Bà bảo chàng ngồi cạnh,
Với nụ cười trên môi:

“Đây là hang thứ sáu,
Băm sáu động Phù Lai,
Bốn bề nước bao bọc,
Cấm cửa với người ngoài.

Vì thấy chàng có đức
Nên ta mời đến đây.”
Nói đoạn, bà ra hiệu.
Người hầu dẫn ra ngay

Một tiểu thư xinh đẹp
Mà chỉ mới nhìn qua
Chàng biết là cô gái     
Gặp nạn lúc xem hoa.

“Giáng Hương, con ta đấy.
Hôm ngắm hoa mẫu đơn
Nó được chàng cứu mạng,
Nay ta muốn đền ơn,

Bằng cách gả con gái,
Mời chàng sống nơi này.”
Rồi bà cho tổ chức
Lễ cưới ngay trong ngày.

Chư tiên khắp vũ trụ
Được mời đến vui chung.
Tiệc kéo dài bất tận,
Rượu rót mãi khôn cùng.

Rồi tiếng đàn, tiếng hát
Vang khắp chín phương trời.
Cô dâu và chú rể
Đến chuốc rượu từng người.

3
Vậy là chàng Từ Thức
Lấy vợ tiên, xa nhà
Tưởng hôm trước, ấy vậy
Một năm đã trôi qua.

Một hôm, thấy sen nở,
Chàng bỗng ngồi bần thần,
Chạnh nhớ làng quê cũ,
Muốn thăm lại cõi trần.

Giáng  Hương nghe chồng nói,
Hai mắt lệ ngấn trào:
“Ý chàng đã như vậy,
Thiếp còn biết làm sao?”

Chàng nói chàng chỉ muốn
Về thăm quê mấy ngày,
Rồi quay lại cùng sống
Mãi mãi ở nơi này.

Biết không thể ngăn được,
Giáng Hương nhờ mẹ nàng
Chuẩn bị sẵn xe ngựa
Và thuyền mây tiễn chàng.

4
Từ Thức xuống hạ giới,
Không nhận ra làng mình.
Mọi cái đã thay đổi,
Thậm chí cả ngôi đình.

Chỉ có hòn đá lớn
Như xưa, không đổi thay.
Không còn ai quen cũ,
Xa lạ cả hàng cây.

Khi hỏi về Từ Thức,
Mọi người đều lắc đầu.
Một cụ già thì nói:
“Lâu rồi, đã rất lâu,

Cụ cố tôi, Từ Thức,
Cách đây một trăm năm,
Một hôm dạo trên núi,
Lạc đường, rồi biệt tăm.”

Chàng chạnh lòng nuối tiếc,
Muốn về với Giáng Hương,
Nhưng đường xa vời vợi,
Không xe, không biết đường.

Một hôm, mặc áo lá,
Tay gậy, đầu nón tre,
Chàng một mình lên núi,
Rồi không ai thấy về.



VIÊN NGỌC ƯỚC

Xưa có chàng người ở
Chăn trâu cho phú ông.
Từ sáng đến chiều tối,
Suốt ngày ở ngoài đồng.

Một hôm do sơ ý,
Chàng để lạc mất trâu,
Bị đền mười nén bạc,
Chàng nghèo, biết lấy đâu?

Thế là chàng nằm khóc,
Khóc ngoài đồng, ngủ quên.
Một con quạ thấy thế,
Sà xuống, đậu kề bên.

Nó tưởng chàng đã chết,
Định ngồi rỉa thịt ăn.
Chàng hé mắt, nhìn thấy
Liền tóm chặt hai chân.

Nó van nài tha chết
Vì đàn con ở nhà.
Chàng động lòng trắc ẩn
Nên cuối cùng cũng tha.

Để đền ơn, con quạ
Cho chàng viên ngọc đen.
Đó là viên ngọc ước,
Ước gì có nấy liền.

Chàng cảm ơn con quạ,
Rồi ước có con trâu,
Liền có ngay trâu béo
Đền cho ông nhà giàu.      

Sau đó chàng lại ước
Có nhà, có vườn cây,
Ước thêm cô vợ đẹp -
Tức thì nàng đến ngay.

Đó là một cô gái
Nổi tiếng đẹp nhất vùng.
Tự nhiên cô tìm đến
Xin chàng cho ở cùng.

Nhờ có viên ngọc ước,
Họ chẳng thiếu thứ gì.
Cô vợ tham nẩy ý
Lấy ngọc rồi trốn đi.

Thế là một ngày nọ,
Chàng đi xa trở về,
Thấy mất vợ, mất ngọc,
Lại khóc, buồn ủ ê.

Bụt hiện lên, hỏi chuyện.
Chàng kể hết sự tình.
Ngài nghe xong, liền nói:
“Con đừng buồn, hại mình.”

Rồi Bụt lấy trong túi
Hai bông hoa tuyệt vời,
Một màu trắng, một đỏ,
Cả hai còn rất tươi.

“Con hãy trồng hoa trắng
Trước nhà bố vợ con.
Vợ con trốn trong đấy.
Nhớ trồng sau hoàng hôn.

Còn bông đỏ cứ giữ.
Khi người ta đến đây
Cầu xin con giúp đỡ
Mới dùng đến bông này.”

Chàng làm đúng lời Bụt.   
Bông hoa có phép thần,
Tỏa hương thơm kỳ diệu,
Ai cũng muốn đến gần.

Thế là họ nhà vợ
Chạy ra xem rất đông,
Chen nhau ngửi hoa đẹp,
Nước mũi chảy ròng ròng.

Sáng hôm sau, thật lạ,
Khi nhìn vào gương soi,
Ai cũng thấy chiếc mũi
Trông hệt như vòi voi.  

Nó vừa dài vừa xấu,
Nhăn nheo, thật buồn cười.
Làm thế nào được nhỉ?
Chỉ còn biết kêu trời.

Đúng lúc ấy chàng đến,
Bảo mũi dài thế này
Là do ngửi hoa lạ.
Rằng chàng mang theo đây

Một bông hoa thần khác.
Chỉ cần hít một hơi
Là mũi sẽ ngắn lại,
Bình thường như mũi người.

Nhưng với một điều kiện,
Là phải đem trả chàng
Viên ngọc và cô vợ.
Họ buộc phải đầu hàng.

Phải khen anh chồng tốt.
Vợ hư, trốn khỏi nhà,
Còn ăn cắp viên ngọc,
Mà không hề kêu ca.

Nghe người ta kể lại,
Thì sau đó hai người
Sinh con đàn cháu đống
Và hạnh phúc suốt đời.


CON CÓC LÀ CẬU ÔNG TRỜI

Con cóc tuy bé nhỏ,
Da khô và xù xì,
Nhưng xưa nay nổi tiếng
Là đệ nhất gan lì.

Ngày xưa, một năm nọ,
Trời hạn hán lâu ngày,
Ruộng đồng khô, nứt nẻ
Nắng thiêu đốt vườn cây.

Muông thú nằm chờ chết,
Trơ đáy hồ và ao.
Ai cũng muốn mưa xuống,
Nhưng không biết cách nào.

Cuối cùng cóc đề nghị
Phải đi lên kiện trời
Sao không cho mưa xuống
Cứu loài vật và người.

Thế là cóc đi trước,
Hăng hái dẫn theo mình
Một đoàn dài muông thú
Đi lên tận thiên đình.

Đến nơi, cóc bố trí
Con nào vào chỗ nào,
Rồi gióng ba hồi trống,
Làm rung cả thiên tào.

Ngọc Hoàng đang nằm ngủ.
Hóa ra ngài ngủ say,
Quên không cho mưa xuống
Đã hơn bốn năm nay.

Bị đánh thức, ngài giận,
Sai Thiên Lôi ra xem.
Thiên Lôi ra chỉ thấy
Một con cóc đen nhèm.

Lưỡi tầm sét thì lớn,
Mà cóc bé tí ti.
Đánh chưa chắc đã trúng,
Lại hỏng trống thì nguy.

Nên Thiên Lôi quay lại.
Gà trời được phái ra.
Cóc nghiến răng làm hiệu.
Cáo cắn đứt đầu gà.

Rồi cóc lại gióng trống,
Lần này to gấp hai
Một con chó gớm ghiếc
Liền nhe nanh ra oai.

Cóc nghiến răng làm hiệu.
Gấu chờ sẵn, tức thì,
Tát một cái, chó chết,
Máu chảy ra đen .

Thấy có vẻ nghiêm trọng,
Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi
Phải đích thân xung trận.
Thiên Lôi ra, và rồi

Ong từng đàn bay đến
Bu kín mặt, kín đầu.
Thiên Lôi liền vội vã
Nhảy xuống hồ nước sâu.

Cua đang chờ ở đấy,
Dùng càng cắn vào tai.
Thiên Lôi đau, sợ quá
Liền bỏ chạy ra ngoài.

Rồi cóc lại gióng trống,
Lần này to gấp ba.
Thấy không thể thắng nổi,
Ngọc Hoàng xin giảng hòa.   

Ngài liền cho tiên nữ
Mời cóc và bạn mình
Vào hỏi chuyện, mở tiệc
Chiêu đãi rất linh đình.

Ngài hỏi, sao vất vả
Phải lên tận nơi này.
Cóc đáp nơi hạ giới
Hạn hán bốn năm nay.

Những tưởng ngài bận việc,
Hóa ra chỉ vì lười
Mà bỏ bê chức sự,
Gây khổ cho mọi người.

Cóc còn dọa lần tới
Mà lặp lại thế này,
Thì đội quân muôn thú
Sẽ lại kéo lên đây.

Ngọc Hoàng sợ, xin lỗi,
Xin được làm người nhà.
Trước các thần, ngài nói:
“Ông cóc là cậu ta!”

Rồi ngài sai thần gió
Và thần mưa từ nay
Phải mưa gió đều đặn
Để Cậu khỏi lên đây.    

Từ đấy, như ta biết,
Cóc thành cậu Ngọc Hoàng.
Mỗi lần cần mưa xuống
Cóc chỉ cần nghiến răng.

Còn bọn trẻ thì hát:
Cóc là cậu ông trời.
Hễ ai mà đánh nó
Thì coi như toi đời.



NGƯU LANG, CHỨC NỮ

Xưa, một chàng trai nọ
Có tên là Ngưu Lang,
Nhà nghèo, chưa chưa vợ,
Không bố mẹ, họ hàng.

Chàng vui vẻ, hạnh phúc
Dù làm lụng hàng ngày,
Sống nhờ sự giúp đỡ
Của con trâu, chiếc cày.

Khá yên bình, giản dị,
Cuộc sống cứ trôi qua.
Sáng chàng đi cày mướn,
Tối về lo việc nhà.

Nhưng rồi một ngày nọ,
Chàng trở về, bất ngờ
Thấy nhà cửa gọn ghẽ,
Cơm dọn sẵn đang chờ.

Mấy hôm sau cũng vậy.
Chắc phải có người nào
Đến và làm việc ấy.
Ai, bao giờ, vì sao?

Một sáng, như thường lệ,
Chàng lùa trâu đi ra,
Rồi quay về đứng nấp
Trong bụi cây trước nhà.

Một lát sau thì thấy
Có cô gái rất xinh
Bước vào nhà, lặng lẽ
Làm các việc gia đình.

Chàng chạy từ chỗ nấp
Đến nắm chặt tay nàng:
“Nàng là ai, xin hỏi,
Đến giúp tôi, Ngưu Lang?”

“Thiếp tên là Chức Nữ,
Thấy chàng sống xưa nay
Hiền lành nhưng nghèo đói,
Nên tự nguyện đến đây.

Ngưu Lang mừng rỡ nói:
“Vậy thì nàng ở luôn,
Giúp đỡ nhau cùng sống.
Hai người ắt không buồn.”

Nàng cúi đầu đồng ý.
Họ trở thành vợ chồng.
Nàng ở nhà dệt vải,
Chàng cày mướn ngoài đồng.

Họ sinh con, thật tuyệt,
Một gái và một trai.
Sống hòa thuận, hạnh phúc,
Cũng chẳng thua kém ai.

Một hôm trời đang sáng
Bỗng sấm chớp đùng đoàng.
Có hai vị thiên tướng
Bay xuống nhà Ngưu Lang.

Họ nói: Nàng Chức Nữ
Trước bỏ nhà đi chơi,
Là cháu của Thiên Đế,
Nay đến bắt về trời.

Họ túm chặt Chức Nữ
Rồi bay vọt lên cao.
Ngưu Lang ôm con nhỏ
Nhìn theo, lệ ứa trào.             

Chàng muốn lên thiên giới
Đòi lại vợ, tiếc thay,
Đường chắc xa và khó.
Thật không dễ điều này.

Con trâu già đứng cạnh
Nói: “Muốn bay lên trời,
Hãy giết tôi, anh chủ,
Lấy da khoác lên người.”

Chàng chần chừ, không nỡ
Giết người bạn trâu già.
Nhưng con trâu năn nỉ.
Chàng giết nó, thế là,

Đặt lên vai chiếc gánh,
Hai đầu hai đứa con,
Chàng bay lên thiên giới,
Hy vọng vẫn đang còn.

Nhưng đến nơi, thật tiếc,
Một dòng sông bao la
Đứng chắn ngang trước mặt,
Đó là sông Ngân Hà.

Ba bố con dừng lại,
Nước mắt chảy ròng ròng.
Vợ của chàng, Chức Nữ
Ở bên bờ kia sông.       

Chàng đứng thế, khóc mãi.
Cuối cùng thì Ngọc Hoàng
Động lòng thương, cho phép
Một năm vợ chồng chàng

Được gặp nhau một tối,
Đúng vào ngày Trùng Dương,
Tức mồng chín tháng Chín,
Thường mưa và nhiều sương.

Hàng năm, vào tối ấy,
Để hai người gặp nhau,
Một đàn quạ bay đến
Chụm đầu nhau thành cầu.



NÚI BÀ ĐEN

Núi Bà Đen nổi tiếng
Ở vùng đất Tây Ninh
Xưa gọi là Núi Một,
Linh thiêng và hữu tình.

Có một bức tượng Phật
Ẩn trong tán lá cây.
Các phật tử đến cúng
Rất đông và hàng ngày.

Một người con gái nọ,
Tên là Lý Thiên Hương,
Văn hay và võ giỏi,
Lại xinh đẹp khác thường.

Nàng thường đến lễ Phật.
Có chàng trai trong làng,
Tên là Lê Sĩ Triệt
Đem lòng thương yêu nàng.   

Một hôm, viên quan nọ,
Giữa đường, thấy nàng xinh,
Sai lính bắt lên kiệu,
Về làm lẽ cho mình.

Sĩ Triệt xông vào đánh,
May giải cứu được nàng.
Về sau hai bố mẹ
Hứa sẽ gả cho chàng.

Vào thời ấy Võ Tánh
Chiêu binh giúp Gia Long.
Lê Sĩ Triệt lập tức
Gia nhập đội quân ông.

Một hôm, đang lễ Phật,
Bất ngờ Lý Thiên Hương
Bị bọn cướp vây bắt,
Nàng chống lại ngoan cường.

Nàng thoát, chạy lên núi,
Nhưng không thấy về nhà.
Từ đấy bặt tin tức,
Mọi người đều xót xa.

Sang đời vua Minh Mạng,
Một nhà sư đang thiền
Thì bỗng có cô gái
Xinh đẹp nhưng mặt đen

Đến trước ngài và nói:
“Ta là Lý Thiên Hương,
Trước sẩy chân mà chết,
Nay đắc quả Phật thường.

Ngươi hãy xuống khe núi
Tìm xác ta chôn giùm.”
Nhà sư nhặt hài cốt
Rồi chôn trong chiếc chum.

Câu chuyện ấy kỳ lạ
Được người dân lưu truyền,
Và ngọn núi, Núi Một,
Trở thành núi Bà Đen.

Quốc công Lê Văn Duyệt
Liền xe ngựa vội vàng
Đến viếng, hứa dâng sớ
Xin phong thần cho nàng.

Ông nói, nếu có thể
Xin được nàng hiển linh.
Qua miệng một bé gái,
Nàng kể chuyện đời mình.

Rằng nàng yêu Sĩ Triệt,
Không may phải chết oan,
Nhờ chân tu, đức độ
Nàng được lên Niết Bàn.

Rồi nhân tiện nàng nói
Rằng linh hồn Quốc công
Sẽ đời đời vinh hiển,
Nhưng “chúng hành xác ông”.

Nghe người ta kể lại,
Khi Võ Tánh tự thiêu
Vì Bình Định thất thủ,
Thì chàng trai nàng yêu

Nhưng chưa cưới, Sĩ Triệt,
Một vị tướng tài ba,
Được chỉ huy hai tỉnh -
Bình Thuận và Khánh Hòa.

Về sau, nàng họ Lý
Được tôn thành thánh hiền,
Là Linh Sơn Thánh Mẫu,
Ngự trên núi Bà Đen.



ĂN MÀY XIN VÀNG

Xưa, một phú ông nọ,
Giàu vào loại cực kỳ.
Nhưng ông rất hà tiện,
Chẳng cho ai cái gì.

Thế mà một buổi sáng
Có một lão ăn mày
Đến chìa tay trước cửa,
Rồi đứng thế suốt ngày.

Mà lão ăn mày ấy
Không phải xin cơm rang,
Xin tiền hay gì đấy.
Lão xin một nén vàng.

Cho cơm không chịu nhận,
Người ta đuổi không đi.
Lão ăn mày đứng thế.
Đúng là thật chây lỳ.

Suốt một năm như thế,
Còn biết làm gì đây?
Cuối cùng ông hà tiện
Lấy vàng cho lão này.

Ông lén sai người ở
Lặng lẽ theo ông già.
Lão này đến, nằm ngủ
Gần một bãi tha ma.

Nhân khi lão đang ngủ,
Anh đầy tớ lại gần
Lấy thỏi vàng của lão,
Về trả cho chủ nhân.

Lão ăn mày sáng dậy,
Lại đến nhà phú ông,
Hỏi xin vàng như trước.
Thế có bực mình không.        

Phú ông ra, liền quát:
“Ông quá đáng vừa thôi.
Vừa cho vàng hôm trước,
Sao còn đến xin tôi?”

Lão ăn mày bình thản
Vừa đáp vừa vuốt râu:
“Vì tôi mới nhắm mắt,
Vàng đã biến đi đâu.”

Người phú ông đêm ấy
Cứ băn khoăn, bồn chồn:
Ừ nhỉ, hễ nhắm mắt
Là vàng đã không còn.     

Rồi dần dần ông hiểu
Vàng bạc chỉ nhất thời,
Và điều quan trọng nhất
Là sống có tình người.

Ông hà tiện sau đó
Đem hết bạc và vàng
Cúng chùa, làm việc thiện,
Giúp đỡ người trong làng.

Các vị cao niên nói
Rằng ông lão ăn mày
Chính là Phật, ngài đến
Dạy ông bài học này.



ĐỒNG TIỀN MÌNH KIẾM RA      

Xưa, có vợ chồng nọ
Sinh được người con trai,
Chiều chuộng và yêu lắm,
Mong sau này thành tài.

Nhưng nhà giàu, chiều quá
Nên cậu chàng rất lười.
Lớn lên, chẳng chịu học,
Mà chỉ thích ăn chơi.

Ông bố trước khi chết
Nói với vợ: “Thằng con
Là thằng vô tích sự,
Tôi quả rất đau buồn.

Vậy sau khi tôi chết,
Bao của cải trong nhà
Đem cho ai cũng được,
Miễn đừng cho hắn ta.”    

“Ấy, ông đừng nói thế.
Mình giàu nên nó lười.
Khi cần, nó có thể
Kiếm tiền như mọi người.”

“Thì bà hãy bảo nó
Kiếm một đồng xem nào.
Kiếm được, tôi cho nó
Cả gia tài chẳng sao.”

Chồng bà tính nghiêm khắc,  
Và bà rất sợ ông.
Sợ cả việc ông chết,
Con trai bà tay không.

Bà đưa tiền cho cậu,
Dặn tối đến về nhà,
Bảo làm thuê mà có,
Rồi đưa tiền cho cha.   

Xem đồng tiền tối ấy,
Ông bố liền vung tay
Vứt ngang qua cửa sổ:
“Không phải tiền của mày!”

Anh con nhìn, không đáp,
Lẳng lặng ra khỏi nhà.
Sáng hôm sau, bà mẹ
Đưa tiền cho anh ta:

“Lần này con phải nhớ
Chạy nhiều trước khi về,
Sao cho quần áo ướt,
Mặt mồ hôi dầm dề.”

Tối đến, anh con nói
Phải làm việc suốt ngày
Kiếm được đồng tiền ấy,
Nên áo ướt thế này.

Ông bố xem, nhíu mặt,
Lại lần nữa vung tay
Vứt tiền qua cửa sổ:
“Đây không phải tiền mày!”           

Anh con, cả lần ấy,
Cũng chẳng nói năng gì.
Không ra vườn nhặt lại.                                               
Khinh khỉnh cười, bỏ đi.

Giờ thì bà mẹ hiểu
Con cứ lười thế này
Thì sau khi bố chết       
Nhất định sẽ trắng tay.

Nên bà bảo cu cậu:
“Kiểu này khó lừa ai.
Con chịu khó lao động
Mới được nhận gia tài.”

Anh con nghe, sau đó
Liên tục suốt bảy ngày
Đi làm thuê vất vả,
Đến sưng rộp hai tay.

Cuối cùng cũng kiếm được
Một đồng bạc, về nhà,
Áo quần bẩn, nhem nhuốc,
Anh đưa nó cho cha.

Ông bố nhìn, im lặng,
Rồi lần nữa vung tay
Ném tiền vào bếp lửa:
“Nó không phải của mày!”

Anh con ngay lập tức
Chạy đến bếp tìm tiền,
Bất chấp tro đang nóng,
Dùng hai tay moi lên.

Ông bố liền bảo vợ,
Giờ tôi tin con bà
Kiếm ra đồng tiền ấy.
Thật là phúc cho ta.

Rồi ông làm di chúc
Toàn bộ gia tài mình
Cho con, trước lười biếng,
Nay chăm làm, thông minh.

No comments:

Post a Comment