Monday, February 23, 2015

TRUYỆN THƠ CỔ TÍCH VIỆT NAM - PHẦN HAI



CHÚA CHỔM

Chuyện kể rằng, ngày ấy,
Khi thọ địch bốn bề,
Mạc Đăng Dung thâu tóm
Quyền lực của nhà Lê.

Vua bị ông khống chế,
Rồi bị giam xà lim.
Quan trong triều vì sợ,
Nên cũng đành lặng im.

Có một cô bán rượu,
Trẻ trung, con nhà lành,
Thường đem rượu đến bán
Cho mấy chàng lính canh.

Một hôm cô chợt thấy
Có thêm một tù nhân
Da dẻ rất trắng trẻo,
Dáng điệu rất vương thần.

Hỏi ra thì mới biết
Đó chính là vua Lê,
Nay lỡ vận, phải chịu
Cảnh tù giam ê chề.

Cô động lòng trắc ẩn,
Bèn tìm cách làm quen,
Cho vua uống thả sức
Mà không hề lấy tiền.

Lâu ngày lửa cũng bén
Giữa vua và cô này.
Một lần cô chuốc rượu
Cho lính canh uống say

Rồi vào ngục tình tự
Với đức vua của mình.
Về sau cô sinh hạ
Một cậu bé rất xinh.

Trước khi vua bị giết,
Ngài trao ấn cho cô,
Dặn mai sau con lớn,
Lo lấy lại cơ đồ.

2
Bỏ nghề, cô bán rượu
Đi nơi khác làm ăn,
Đặt tên con là Chổm,
Cam chịu cảnh thanh bần.

Lớn lên, cậu bé Chổm
Được mẹ cho vào chùa.
Cậu thông tuệ, học giỏi,
Thích chơi trò làm vua.

Nhưng cậu này rất nghịch,
Bị sư cụ Thạch Toàn
Đánh nhiều mà dạy ít,
Nhưng cậu chẳng thành ngoan.

Một hôm cậu hỏi mẹ,
Bố của cậu là ai?
Cậu muốn biết điều ấy.
Nhưng mẹ cậu thở dài:

“Bố con hổ vồ chết,
Còn họ là họ Lê.
Mẹ cố nuôi con lớn,
Tuy khổ cực trăm bề.”

Chổm nghe, dẫu còn nhỏ,
Rất đau buồn, thế là
Cậu quyết tâm giết hổ
Để báo thù cho cha.

Trong rừng, một lần nọ,
Thấy hổ con ngủ say,
Cậu lấy đá đập chết,
Bỗng mẹ con hổ này

Liền nhảy ra vồ cậu,     
May có một ông già
Múa gậy, đánh nó chết,
Rồi trước lúc đi xa

Ông tặng Chổm chiếc gậy,
Giảng dạy rất ân cần
Một vài đường quyền hiểm,
Gọi là để phòng thân.

Cũng bằng chiếc gậy ấy,
Chổm giết con xà tinh
Giúp cho dân trong xứ
Được sinh sống yên bình.

Hai mẹ con nhà Chổm
Lại quay về làng xưa.
Cậu kiếm củi nuôi mẹ
Và thường đến ăn trưa

Ở các quán gần đó.
Có điều không có tiền,
Nên cậu phải ghi nợ,
Mà nợ nhiều, tất nhiên.

Nợ đến mức thành chúa,
Và cứ thế dần dần
Cậu trở thành Chúa Chổm,
Một con nợ quen thân.

Ai đòi, cậu cũng nói:
“Ấy, cứ chờ, không sao.
Sau thành vua, tôi trả
Không thiếu một xu nào.”

3
Nguyễn Kim là tướng giỏi
Của triều Lê trước đây,
Trốn sang Lào lánh nạn
Và được vua nước này

Cho mượn một vùng đất
Có tên là Sầm Châu
Để dấy binh khởi nghĩa,
Lo sự nghiệp dài lâu.

Nhằm thu phục dân chúng
Ông rất cần một người
Của nhà Lê ngày trước,
Rồi đi tìm khắp nơi.

Nhưng tìm mãi không thấy,
Nhờ báo mộng, may sao,
Ông tìm được Chúa Chổm,
Bèn đưa ngay sang Lào.

Thế là từ đấy Chổm
Nghiễm nhiên thành vua Lê.
Rồi Nguyễn Kim chiến thắng,
Rồi xe ngựa quay về.    

Khi đi ngang quê cũ,
Một số người nhìn vua,
Thấy quen quen, và họ
Liền nhận ra người xưa.

Thế là nhiều chủ nợ
Đến đòi nợ của mình.
Họ còn theo xa giá
Lên tới tận kinh thành.

“Chúa Chổm, nào Chúa Chổm,
Hãy trả nợ cho tôi.”
Quân lính thấy sự láo
Liền vội vã ra roi.

Nhưng đức vua, con nợ,
Bèn kể rõ sự tình,
Rồi ngài cho trả hết,
Không thiếu một đồng chinh.

Khốn nỗi, đường thì chật,
Mà chủ nợ quá đông,
Ngài vung tay ném xuống
Một trận mưa tiền đồng.

Hãi hùng cảnh chen lấn,
Cảnh tranh nhau giành tiền.
Nhiều người giơ tay chỉ,
Gọi vua đúng theo tên.

Đến nỗi quan hộ giám
Phải ra lệnh như sau:
“Cấm chỉ! Không được chỉ!   
Ai chỉ sẽ mất đầu!”

Nơi ấy giờ là phố
Còn mang cái tên này.
Tức là phố Cấm Chỉ,
Một cái tên thật hay.

Nó ở quận Hòa Kiếm,
Gần phố Tống Duy Tân,
Như thời vua nghèo khổ,
Nó là phố hàng ăn.

Tiếc là giờ ở đấy
Người ta vẫn chỉ nhau,
Chủ quán không cho nợ,
Khách nghèo lẫn khách giàu.

Tiếc nữa là Chúa Chổm
Thành cái tên trêu đùa
Của nhiều người mắc nợ
Nhưng không hề thành vua.  


TRUYỆN LƯU BÌNH, DƯƠNG LỄ

Truyện Lưu Bình, Dương Lễ
Được truyền tụng từ lâu,
Truyện về hai người bạn,
Một nghèo và một giàu.

Họ chơi thân từ nhỏ.
Vì nhà giàu, Lưu Bình
Mời bạn đến cùng ở,
Thật chí đức, chí tình.

Biết phận nghèo, Dương Lễ
Rất chịu khó học hành.
Chàng đi thi, đỗ trạng,
Thành công và thành danh.

Còn Lưu Bình, thật tiếc,
Cậy giàu, thích ham chơi,
Nên thi trượt, chán nản,
Chán mình và chán đời.

Cũng vì chán, của cải
Cứ theo nhau ra đi,
Chẳng bao lâu chợt thấy
Trong nhà không còn gì.

Chàng đến gặp Dương Lễ,
Lúc này là quan to,
Dương Lễ không chịu tiếp,
Còn mời ăn cơm khô.

Giận bạn quên ân nghĩa,
Lòng ngậm ngùi, xót xa,
Chàng quyết tâm học giỏi
Để cũng được vinh hoa.

Khi trở về quán trọ,
Còn tủi nhục trong lòng,
Chàng gặp một cô gái
Có tên là Châu Long.

Nàng dịu dàng, xinh đẹp,
Có vẻ con nhà giàu.
Hai người cảm, rồi mến,
Rồi cuối cùng yêu nhau.

Có điều, Châu Long nói,
Nàng sẽ chỉ lấy chàng
Khi chàng thi, đỗ đạt
Mang về nhà vinh quang.

Được Châu Long khích lệ
Và giúp đỡ tận tâm,
Lưu Bình chăm chỉ học
Ròng rã suốt ba năm.

Nàng lo từ sách vở
Đến quần áo, cái ăn,
Chu đáo như người vợ,
Nhưng vẫn không cho gần.

Rồi Lưu Bình thi đỗ,
Như mở cờ trong lòng,
Về nhà, rất kinh ngạc
Khi không thấy Châu Long.

Chàng tìm mãi không thấy,
Mà không hiểu vì sao,
Bèn đến nhà Dương Lễ,
Trách mắng chuyện năm nào.

Dương Lễ ra đón bạn,
Ân cần mời vào nhà.
Lưu Bình chưa kịp nói
Thì Châu Long bước ra.

Khi chàng được cho biết
Châu Long là thiếp yêu
Của bạn mình, Dương Lễ,
Chàng hiểu hết mọi điều.

Thì ra, để khích bạn
Nhanh chóng đạt công danh,
Dương Lễ vờ bội bạc,
Bị bạn trách cũng đành.

Nàng Châu Long xinh đẹp,
Tận tâm vì bạn chồng,
Vẫn giữ tròn danh tiết,
Giúp Lưu Bình thành công.

Từ đó hai người bạn
Lại gắn bó như xưa.
Mọi chuyện thế là rõ,
Có bàn thêm cũng thừa.

Vậy là tôi kể hết
Chuyện Dương Lễ, Lưu Bình,
Hy vọng các bạn trẻ
Rút bài học cho mình.


TRUYỆN PHẠM CÔNG, CÚC HOA

1.
“Phạm Công, Cúc Hoa” truyện
Được biết đến từ lâu,
Chữ Nôm, thể lục bát,
Bốn nghìn sáu trăm câu.

Tức là truyện dài nhất
Trong thơ Nôm xưa nay.
Trước không rõ người viết,
Nhưng nghe nói gần đây

Đã tìm ra tác giả,
Nhờ nhiều năm sưu tầm,
Là Dương Minh Đức Thị,
Cách đây hai trăm năm.

Tuy nhiên, chính Đức Thị
Là ai, và thế nào,
Thì còn chờ nghiên cứu.
Chờ thì chờ, không sao.

2.
Gặp cảnh nghèo, mới lớn,
Phạm Công phải ở nhà
Lo làm thuê cuốc mướn
Giúp đỡ đần mẹ cha.    

Cha mất, gặp năm đói,
Chàng phải đi ăn mày
Để nuôi mẹ, mẹ chết,
Chàng một mình, trắng tay.

Vốn là người hiếu học,
Lại tư chất thông minh,
Phạm Công xin thụ giáo,
Học Quỷ Cốc tiên sinh.

Ở đấy, cùng theo học
Còn có nàng Cúc Hoa,
Con gái quan tri phủ,
Hạng danh giá con nhà.

Kiểu gần rơm lửa cháy,
Hai người đã yêu nhau,
Rồi lấy nhau, hạnh phúc,
Rất ý hợp tâm đầu.

Phạm Công từ biệt vợ,
Khăn gói lên kinh kỳ.
Nhờ dùi mài kinh sử,
Chàng đỗ đầu khoa thi.

Thế mà nhiều tai họa
Đã ập xuống đầu chàng.
Chàng trở thành gai nhọn
Trong mắt nhiều lân bang.

Kể ra ai cũng thích
Khi đi thi đỗ đầu.
Cũng thích - lấy công chúa,
Vừa xinh lại vừa giàu.

Nhưng Phạm Công thì khác.
Chàng yêu thương Cúc Hoa,
Từ chối lấy công chúa,
Mới sinh lắm phiền hà.

May công chúa nước Triệu,
Vốn nhân hậu, từ tâm
Giúp được chàng họ Phạm
Thoát khỏi chốn giam cầm.   

Thế là chàng đoàn tụ
Cùng vợ mình Cúc Hoa.
Mọi việc đều tốt đẹp,
Việc công và việc nhà.

Rồi Cúc Hoa sinh hạ
Hai con ngoan, lớn dần,
Con trai là Tiến Lực,
Con gái là Nghi Xuân.

3.
Tưởng tột cùng hạnh phúc,
Thế mà rồi hóa không:
Ba mươi tuổi, vợ chết,
Bỏ lại con và chồng.

Khóc đến mòn hai mắt,
Phạm Công nghe lời khuyên,
Lấy vợ hai - con gái
Của viên quan huyện bên.

Tên ả là Tào Thị,
Đẹp thì đẹp, tiếc thay
Mưu mô và hiểm độc,
Còn thích trò gió mây.

Rồi Phạm Công vâng chiếu
Lên trấn thủ Cao Bằng,
Chốn khỉ ho cò gáy,
Giữa điệp trùng núi dăng.

Ở nhà, ả Tào Thị,
Tìm bạn tình, tư thông,
Còn ngang nhiên đánh đập
Hai con riêng của chồng.

Bọn gian phu, dâm phụ
Còn mưu giết con chàng,
Khiến chúng đêm, hoảng sợ,
Bỏ nhà đi lang thang.

Cúc Hoa ngay tối ấy
Từ cõi âm hiện về
Để giúp hai con nhỏ,
Báo chồng về mụ kia.

Sau ba năm trấn thủ,
Phạm Công trở về nhà,
Thẳng tay đuổi Tào Thị,
Một dâm phụ gian tà.   

Trời nổi giông lập tức.
Sấm sét nổ vang trời.
Sét đánh chết Tào Thị,
Xác tung tóe khắp nơi.

Nhờ công chúa nước Trịnh,
Có tên là Xuân Dung,
Và Tề Thiên Đại Thánh,
Và Diêm Vương, cuối cùng

Phạm Công xuống âm phủ
Gặp lại nàng Cúc Hoa.
Cúc Hoa sinh lần nữa,
Rồi được cho về nhà.

Chàng Phạm Công sau đó
Được vua Trịnh nhường ngôi,         
Cưới Xuân Dung công chúa,
Sống hạnh phúc suốt đời.


TRUYỆN TỐNG TRÂN, CÚC HOA

1.
Cảm động và ý nghĩa,
Nội dung câu chuyện này
Có tích thuần chất Việt,
Hơn hai trăm năm nay.

Truyện theo thể lục bát,
Một nghìn bảy trăm câu,
Không biết tên tác giả,
Rất nhiều người thuộc làu.

Giờ tôi xin viết lại,        
Đúng ý, đúng tinh thần,
Ngắn gọn và giản dị,
Chuyện Cúc Hoa, Tống Trân.

Tống Trân mồ côi bố
Khi vừa mới lên ba.
Chàng là con cầu tự,
Mẹ chàng lại mù lòa.

Lớn lên, vì nghèo đói,
Chàng dắt mẹ xin ăn,
Tới một nhà giàu có
Nổi tiếng khắp xa gần.

Mở cửa, ra bố thí
Là con gái chủ nhà,
Một cô gái xinh đẹp,
Có tên là Cúc Hoa.

Nàng giản dị, tốt bụng,
Đa cảm và thương người,
Chuyên tâm làm việc thiện,
Lo tích đức giúp đời.

Vừa đưa xong bát gạo,
Ngước mắt nhìn Tống Trân,
Trái tim nàng thổn thức,
Bước chân đi tần ngần.

Nàng yêu chàng say đắm
Từ cái nhìn đầu tiên,
Đem chuyện thưa với bố,
Xin kết nghĩa nhân duyên.

Xấu hổ và tức giận,
Bố và mẹ Cúc Hoa,
Sau khi khuyên không được,
Đuổi nàng ra khỏi nhà.

Thế là thành chồng vợ,
Cúc Hoa và Tống Trân.
Nàng không hề ca thán,
Cam chịu cảnh thanh bần.

Nàng vất vả làm việc,
Không chỉ thờ mẹ chồng,
Mà nuôi chồng ăn học,
Mong đến ngày thành công.  

Cuối cùng, kỳ thi đến,
Tống Trân đỗ trạng nguyên,
Vua muốn gả công chúa,
Xinh đẹp và dịu hiền.

Chàng nhất mực từ chối.
Công chúa giận, xui cha
Bắt chàng sang Trung Quốc,
Giải quyết mối bất hòa.

Đang bực mình, khó chịu
Với nước Nam, vua Tần
Tìm cách gây khó dễ
Với sứ thần Tống Trân.

Vốn thông minh, khôn khéo,
Sứ Việt đã vượt qua
Các thử thách vua bẫy,
Giải quyết được bất hòa.

Vua Tần thôi không ghét,
Để cho chàng được yên,        
Còn ban lộc, phong tặng
Chức Lưỡng quốc Trạng nguyên.   

Vua muốn gả công chúa,
Nhưng nhớ vợ ở nhà,
Chàng khôn khéo từ chối,
Không mất lòng ông ta.

Vậy là bảy năm chẵn
Chàng xa xứ, long đong,
Để Cúc Hoa nuôi mẹ
Và một mực chờ chồng.

Bố nàng thấy con gái
Chờ chồng, chồng không về,
Ép nàng lấy Đình Trưởng,
Một người giàu cùng quê.

Nàng nhất quyết không chịu,
Bị cha nhốt trong nhà,
Còn đánh đập tàn nhẫn,
Nhốt cả bà thông gia.

Cúc Hoa quá đau khổ,
Để giữ trọn chữ tình,
Nàng lên núi Sơn Vĩ
Định liều mình quyên sinh.

Một bức thư tuyệt mệnh
Nàng để lại cho chồng.
Thần Sơn Tinh cám cảnh,
Liền vội hóa thành rồng

Rồi mang bức thư ấy
Đưa tận tay Tống Trân.
Chàng khóc thương, lặng lẽ
Đưa nó cho vua Tần.

Vua Tần tuy quyến luyến
Sứ đất Việt tài hoa,
Đọc xong thư, quyết định
Cho chàng về quê nhà.

Trong khi đó Đình Trưởng
Hết hạn chờ ba năm,
Cha Cúc Hoa cho cưới,
Một tiệc cưới nghìn mâm.

Tống Trân về đúng lúc
Tiệc cưới rất linh đình
Và người vợ chung thủy
Sắp liều mình quyên sinh.

Rồi mừng mừng, tủi tủi
Rồi sum họp một nhà.
Một đoạn kết có hậu
Cho Tống Trân, Cúc Hoa.

Hai người sống hạnh phúc
Tới đầu bạc, răng long.
Một tấm gương chung thủy
Của đạo nghĩa vợ chồng.       

Nay bên bờ sông Luộc,
Huyện Phù Cừ, Hưng Yên,
Vẫn còn ngôi đền cổ
Thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên.

2.
Lại nói nàng công chúa
Con gái vua nước Tần,
Buồn rầu và đau khổ
Khi không còn Tống Trân.

Nàng xin sang nước Việt.
Vua cấp thuyền, cho đi.
Một khi con đã quyết,
Bố còn biết làm gì?

Không may gặp bão lớn,
Nàng bị dạt lên bờ,
Được hươu nai cứu sống,
Giữa núi rừng hoang sơ.

Một hôm, đang săn thú,
Tống Trân nhìn thấy nàng,
Lại mừng mừng, tủi tủi,
Lại lệ chảy hai hàng.

Tiễn đưa nàng công chúa,
Muông thú xếp hàng dài.
Còn Cúc Hoa hào hiệp
Cho nàng làm vợ hai.


TRUYỆN PHẠM TẢI, NGỌC HOA

1.
Có gia đình giàu có
Xưa ở huyện Thanh Hà,
Bố làm quan, nhân đức,
Con gái là Ngọc Hoa.

Đương nhiên là nàng đẹp
Lại gia giáo, đa tài.
Nhiều người muốn dạm hỏi,
Nhưng nàng không lấy ai.

Ở Sơn Tây lúc ấy
Có một chàng thư sinh
Có tên là Phạm Tải,
Tuấn tú và thông minh.

Bố mẹ chàng mất sớm,
Gia cảnh sa sút dần,
Để tiếp tục theo học,
Chàng đành đi xin ăn.

Chắc chàng khôi ngô lắm,
Hay có gì khác thường,
Mà Ngọc Hoa vừa gặp,
Đã đem lòng yêu thương.

Dẫu không thật vừa ý,
Bố mẹ nàng dằn lòng
Để cho cô con gái
Lấy Phạm Tải làm chồng.

Có một tên vô lại
Tục danh là Biện Điền,
Trước bị nàng từ chối,
Giờ tức giận, phát điên.

Không ăn thì đạp đổ -
Triết lý hắn rõ ràng.
Hắn lấy một khúc gỗ,
Đẽo bức tượng giống nàng.

Bức tượng quả giống thật.
Hắn đem tặng Trang Vương,
Một tên vua háo sắc,
Khinh luân lý, đạo thường.

Vua cho ngay quân lính
Bắt nàng về triều đình.
Thấy Ngọc Hoa xinh đẹp,
Hắn ép phải lấy mình.  

Nàng Ngọc Hoa không chịu,
Vua dọa chém cũng không,
Một mực nàng chỉ nói:
“Thiếp là gái có chồng!”       

Vua cho đòi Phạm Tải,
Bắt ký giấy nhường nàng.
Vì tội không nhượng vợ,
Vua đã đầu độc chàng

Ngọc Hoa khóc, thương xót
Bên xác chồng thân yêu.
Nàng rạch mặt, cắt tóc,
Mặc áo tang vào triều,

Rồi giả vờ đồng ý
Lấy Trang Vương, để nàng
Có ba năm thanh thản
Thờ chồng và chịu tang.

Hết hạn, vua đòi cưới,
Ngọc Hoa nhảy xuống sông.
Dưới âm phủ, lần nữa,
Nàng lại được gặp chồng.

Rồi hai người thưa kiện,
Quỳ trước điện Diêm La,
Kiện Trang Vương tàn ác
Hại vợ chồng Ngọc Hoa.

Diêm Vương, vua âm phủ,
Vốn là em Trang Vương,
Nhưng ông là vua tốt,
Rất coi trọng kỷ cương.

Xử vụ này, vua nói:
“Thương anh, để trong lòng,”
Ác giả phải ác báo,
“Việc quan cứ phép công!”

Vua nén khóc, quay mặt,
Ném anh vào vạc dầu.  
Một tấm gương xử án
Cho các quan về sau.

Ngọc Hoa và Phạm Tải,
Vì đau khổ, vì oan,
Được Diêm Vương ký lệnh
Cho trở về dương gian.

2.
Vậy là tóm lược hết
Cuốn “Phạm Tải - Ngọc Hoa”.
Nội dung chỉ có thế,
Ngắn gọn và nôm na.

Đây là cuốn sách cổ,
Gần một nghìn câu thơ
Viết theo thể lục bát,
Truyền tụng đến bây giờ.

Như nhiều truyện Nôm khác,
Tác giả tập thơ này      
Còn vô danh, chưa biết.
Thơ dung dị mà hay.

Tôi chỉ muốn con trẻ
Biết vốn cổ cha ông
Ngay từ thời đi học,
Thậm chí cấp vỡ lòng.

Đọc để hiểu nhân nghĩa
Và đạo lý, luân thường,
Để làm người nhân ái
Còn biết yêu, biết thương.

Mục đích rất khiêm tốn
Ham muốn cũng không nhiều.
Các cháu nhỏ đọc nhé.
Ông yêu các cháu nhiều.


TRUYỆN TRÊ CÓC

Viết theo thể lục bát,
Ba trăm chín tám câu,
Trê Cóc là câu chuyện 
Đã có từ rất lâu.

Truyện ngụ ngôn, giáo huấn       
Của tác giả vô danh,
Đời sau thường chuyển thể
Thành văn xuôi, truyện tranh.

Truyện kể rằng xóm nọ
Có vợ chồng Cóc nghèo,
Sống cạnh một ao nước
Trong túp lều vẹo xiêu.

Láng giềng có cô Diếc,
Bác Cua, chú Cá Mè
Ông Ếch, anh Nhái Bén
Và vợ chồng Cá Trê.    

Hai vợ chồng nhà lão
Giàu có nhưng khó gần,
Lại thêm tính hách dịch,
Nên không ai chơi thân.

Một ngày nọ, cô Cóc
Đến mùa sinh, bất ngờ
Đẻ ra một bọc trứng
Trôi trên ao nhờ nhờ.

Rồi từ bọc trứng ấy
Một bầy nòng nọc con
Nở ra, trông thật thích,
Đuôi dài, đầu tròn tròn.

Lão Cá Trê đi dạo,
Tưởng chúng là cá trê
Vì đuôi dài, đầu lớn,
Nên lão bắt mang về.

Vợ chồng Cóc biết chuyện,
Đem Trê kiện lên quan.
Quan giam lão vào ngục,
Dù lão cứ kêu oan.

Bị lính đánh đau quá,
Trê ông bảo Trê bà
Phải lo đường đút lót
Để nhanh chóng được tha.

Thế là lão Lý Ngạnh
Và Chánh Quạ nhận tiền
Cùng rất nhiều lễ biếu,
Rồi chúng đút quan trên.

Trước quan xử: Nòng nọc
Không phải con Lão Trê,
Mà con vợ chồng Cóc,
Nay quan cười hề hề,

Bảo để rồi xem lại.
Rồi quan cử sai nha
Gồm Lý Ngạnh, Chánh Quạ
Xuống tận nơi điều tra.     

Hai đứa này, ta biết,
Do nhận lễ, ăn tiền,
Nên chúng xuống chiếu lệ,
Chỉ đánh chén triền miên.

Chúng bèn xin quan lớn
Thả lão Trê ra ngay.
Quan, cũng nhận hối lộ,
Còn băn khoăn việc này.

Lại nói vợ chồng Cóc,
Không có tiền đút quan,
Nên nhờ anh Nhái Bén
Bày cách gỡ mối oan.

Nhái Bén vốn hay chữ,
Học đến héo quắt người,
Sau khi nghe sự việc,
Nhẩm tính rồi mỉm cười:

“Hai bác đừng lo sợ.
Chờ vài ngày nữa thôi
Mọi việc sẽ sáng tỏ.
Cứ yên tâm tin tôi.”

Hai ngày sau, nòng nọc
Rụng hết đuôi, bình thường
Lại thành cóc, bé xíu
Trông thật là dễ thương.

Sau đó cả nhà cóc
Kéo nhau lên gặp quan.
Giờ con ai đã rõ,
Điều ấy không cần bàn.

Dù đã ăn của đút
Của vợ chồng nhà Trê,
Quan đưa ra mức phạt
Phải nói, cũng rất ghê:

Vợ chồng Trê bị đánh
Mỗi người một trăm roi
Rồi bị đày biệt xứ,
Đày vĩnh viễn, suốt đời.

Còn Lý Ngạnh, Chánh Quạ,
Vì tội thiếu công tâm,
Tức là ăn của đút,
Bị treo chức mười năm.

Còn gia đình nhà Cóc
Thì mở tiệc ăn mừng,
Mời bà con, hàng xóm
Làm một bữa tưng bừng.


TRUYỆN TRƯƠNG VIÊN, PHƯƠNG THỊ

1.
Truyện rằng xưa, làng nọ
Có người tên Trương Viên,
Một chàng trai khỏe mạnh,
Chất phác và rất hiền.

Bỗng lệnh vua ban xuống
Bắt tất cả tráng đinh
Phải đầu quân chiến đấu
Trong quân đội triều đình.

Vợ chàng là Phương Thị,
Vừa đẹp vừa đảm đang,
Rất giỏi bề gia chánh,
Nổi tiếng tốt khắp làng.

Ngày lên đường nhập ngũ,
Khăn ướt, lệ dầm dề,
Chàng dặn vợ, chạy giặc,
Nên tạm lánh về quê.

Và rồi, quả sau đó,
Giặc nổi lên ngút đồng,
Phương Thị đành phận gái
Đưa mẹ về quê chồng.

Gặp muôn vàn trở ngại,
Đường vừa khó, vừa xa.
Nàng là dâu hiểu thảo,
Nhường cơm, cõng mẹ già.

Một sáng nọ, đói khát,
Họ đi qua một nơi,
Thấy dân làng chạy đến,
Với bộ mặt vui cười.

Hai mẹ con được họ
Còn cho ăn uống no.
Có chuyện gì thế nhỉ?
Đang lúc họ tò mò,

Thì một vị bô lão
Liền giải thích thế này:
Mỗi năm làng phải tế
Cho hung thần ở đây

Một cặp mắt phụ nữ.
Trước còn của dân làng,
Sau chuyển thành lấy mắt
Của những người đi ngang,

Tức là người hôm ấy
Đến làng này đầu tiên.
Vậy năm nay hiến mắt
Sẽ là mẹ Trương Viên! 

Phương Thị nghe, hoảng hốt,
Sụp lạy trước dân làng,
Xin được thay cho mẹ.
Rồi họ móc mắt nàng.

Cảm tấm lòng chí hiếu,
Một bà tiên hiện ra,
An ủi nàng rồi tặng
Một chiếc đàn tỳ bà.

Khi trao đàn, bà nói:
“Con quả là dâu hiền.
Nó sẽ giúp con sống
Cho đến ngày đoàn viên.”

Vậy là mù hai mắt,
Phương Thị dẫn mẹ già
Đi xin ăn khắp chợ,
Xin, và chơi tỳ bà.

2.
Lại nói, binh đao hết,
Chàng Trương Viên trở về,
Không thấy vợ và mẹ,
Chàng lên đường về quê.

Tới chỗ làng có lệ
Lấy mắt người cúng thần,
Chàng đau xót khi biết
Mọi chuyện về người thân.

Chàng cất công tìm kiếm,
Tìm mãi, tìm khắp nơi,
Cuối cùng đến khu chợ
Thì gặp được hai người.

Vợ chàng đang ngồi hát,
Chiếc đàn lạ trên tay.
Mẹ chàng xin bố thí
Bằng chiếc bát ăn mày.

Rồi mừng mừng, tủi tủi,
Ba người khóc, ôm nhau.
Nàng Phương Thị khóc mãi,
Đến khi từ hố sâu

Của đôi mắt bị khoét,
Ứa hai cục máu hồng.
Và rồi sự lạ đến,
Trước mặt mẹ và chồng,

Nàng ôm đầu quằn quại.
Đôi mắt mù ngày nào
Bỗng nhiên giờ lại sáng,
Sáng như hai ngôi sao.

3.
Đây là phần tóm lược
Một vở chèo rất hay,
Tích Trương Viên - Phương Thị,
Tôi mới xem gần đây.

Trong các loại hát cổ,
Tôi thích nhất là chèo,
Áo mớ ba, mớ bảy,
Đủ màu, trông thật yêu.         

Là đặc sản Bắc Bộ,
Hóm hỉnh và thông minh,
Chèo đầy chất dân dã,
Có duyên, lại có tình.

Nhân tiện, xin nhắc lại,
Rằng Hoa Lư, Ninh Bình,
Là gốc của chèo cổ,
Có từ thời nhà Đinh.

Và người tạo ra nó
Là bà Phạm Thị Trân,
Một nữ sĩ tài giỏi,
Chắc cũng đẹp tuyệt trần.

Rồi chèo dần phổ biến
Từ Nghệ Tĩnh trở ra
Khắp cả vùng Bắc Bộ,
Thành một dạng dân ca.

Một thế kỷ sau đó,
Khi ta thắng quân Nguyên,
Ta tóm được một chú
Người Mông Cổ, rất hiền.

Chú đánh nhau thì kém,
Nhưng giỏi hát, giỏi đàn,
Nên đã đưa Kinh Kịch
Của Tàu vào nước Nam.

Trước chèo chỉ có nói
Và lời ngâm dân ca,
Nay nhờ chú, thêm hát,
Những câu hát mặn mà.        


SÚY VÂN GIẢ DẠI

1.
Tích “Súy Vân giả dại”
Trong vở chèo Kim Nham
Được xem là kinh điển
Của môn chèo Việt Nam.

Giả dại để chồng bỏ,
Để đi theo tình nhân,
Rồi tình nhân ruồng rẫy,
Cuối cùng phải xin ăn.

Cái giá là thế đấy,
Giá của những cô nàng
Thích tham sung bỏ ngãi,
Thích phú quí, giàu sang.

Vậy mà tôi, thật lạ,
Thương thương cho Súy Vân.
Kiếp nữ nhi bèo bọt,
Chẳng biết đâu mà lần.

2.
Ngày xưa ở Nam Định
Có anh gốc bần hàn,
Tên Kim Nham, hiếu học,
Trọ học ở Tràng An.

Ông quan huyện họ Tể
Có con là Súy Vân,
Một cô gái xinh đẹp,
Nết na và tảo tần.

Cũng vì đức tính ấy,
Tức tảo tần, nết na,
Nàng thích sống giản dị,
Cam chịu phận đàn bà.

Không quen nghĩ sâu sắc,
Ít tiếp xúc với đời,
Chỉ lo bề gia chánh,
Nàng rất dễ tin người.

Thấy Kim Nham học giỏi,
Tướng mạo cũng đàng hoàng,
Ông quan huyện họ Tể
Gả Súy Vân cho chàng.

Mọi chuyện đều tốt đẹp,
Ai cũng thấy hài lòng.
Súy Vân thì hạnh phúc,
Đơn giản vì có chồng.

Thế mà người chồng ấy,
Lần nữa lại đi xa,
Ra kinh thành học tập,
Để mình nàng ở nhà.

Súy Vân đành lẻ bóng,
Chờ chồng và buồn rầu.
Nàng chỉ nghĩ đơn giản,
Vợ chồng phải bên nhau.

Có một gã giàu có
Ở Đông Ngàn, Bắc Ninh,
Tên Trần Phương, đẹp mã,
Và nổi tiếng phong tình.

Thấy Súy Vân xinh đẹp,
Hắn buông lời lẳng lơ,
Còn hứa lấy làm vợ,
Thôi không phải đợi chờ.

Hắn xui nàng giả dại,
Để Kim Nham bỏ nàng,
Sau đấy hắn sẽ lấy,       
Có cưới xin đàng hoàng.

Vốn thơ ngây, nhẹ dạ,
Không quen thiếu đàn ông,
Súy Vân nghe lời hắn,
Giả điên để lừa chồng.

Chàng Kim Nham, tội nghiệp,
Phải vất vả, ưu phiền,
Lo chữa trị cho vợ,
Mà bệnh tình vẫn nguyên.

Không còn cách nào khác,
Theo đúng ý của nàng,
Chàng ký giấy thừa nhận,
Nàng không phải vợ chàng.

Súy Vân, lòng khấp khởi,
Liền đi tìm Trần Phương,
Những tưởng sắp hạnh phúc,
Những tưởng lên thiên đường.

Thế mà thằng vô lại,
Sau khi chiếm được nàng,
Đã thẳng tay ruồng rẫy,
Tráo trở và phũ phàng.

Lòng chua xót, xấu hổ,
Nàng không dám về nhà,
Điên giả thành điên thật,
Ngẫm mà lòng xót xa.

Kim Nham khoa thi ấy
Thi đỗ, được làm quan.
Súy Vân nơi phố chợ
Xin ăn, thân héo tàn.

Một lần, thấy vợ cũ,
Đang xin ăn, thương thay,
Chàng lấy một nén bạc
Giấu dưới bát cơm đầy.

Thấy tên lính lễ phép
Đưa bát cơm cho mình,
Bẻ ra, có nén bạc,
Nàng hiểu hết sự tình.

Xấu hổ và đau đớn,
Nàng gieo mình xuống sông.
Lại thêm một bài học
Về đạo nghĩa vợ chồng.


SỰ TÍCH QUẢ DƯA HẤU

1
Vào thời xa xưa ấy
Đất nước còn hoang sơ,
Chưa có nhiều quả ngọt,
Trái thơm như bây giờ.                       

Vua Hùng thứ mười bảy
Có một người con nuôi
Là An Tiêm hoàng tử,
Giỏi, thông minh hơn người.

Vua yêu chàng nhất mực,
Thường ban thưởng nhiều quà.
Thế mà chàng, thật lạ,
Không cảm ơn vua cha.

Ai cũng thích quà tặng,
Nhưng chàng thì khác người.
Chàng nói: “Quà được tặng
Là món nợ ở đời.”

Vua biết chuyện, tức giận
Bèn nói với quần thần:
“Vậy thì ta để nó
Phải tự mình kiếm ăn!”

Thế là một sáng nọ
Cả gia đình, vợ chồng
Bị lính bắt lập tức
Phải ra đi tay không.

Một thanh kiếm cùn gỉ
Phải năn nỉ nhiều lần
Mới được chúng cho phép
Mang theo để phòng thân.

Có một chiếc thuyền lớn
Đang đợi sẵn hai người.
Rồi thuyền đi ra biển,
Mênh mông nước và trời.

Gặp gió, thuyền lướt nhẹ
Đi không nghỉ một ngày
Thì đến hòn đảo nhỏ
Chỉ toàn cát với cây.

Hai người bị bỏ lại
Với năm ngày thức ăn
Ở hòn đảo hoang vắng,
Không nhà cửa, không dân.

Chàng An Tiêm và vợ
Bế con đứng nhìn theo
Bóng con thuyền bé nhỏ
Mất hút giữa nắng chiều.

Thế là họ ở lại
Trên hoang vu đảo này,
Không nhà cửa, đồ đạc,
Biết sống sao qua ngày?

Giỏi lo toan, tháo vát,
An Tiêm đưa gia đình
Vào hang núi ở tạm,
Còn chàng thì một mình

Cầm kiếm dạo quanh đảo.
Đảo toàn đá chỏng chơ,
Chỉ vài loài chim biển
Và cỏ dại lơ thơ.

Tìm mãi, chàng cũng thấy
Mọc dại, không ai trồng,
Một ít rau và trái
Ăn tạm, đỡ đói lòng.

Ngày lại ngày, từ đó
Vợ xuống biển mò ngao.
Cá nhiều, không có lưới,
Chẳng bắt được con nào.

Chàng và thằng con lớn
Làm bẫy bẫy chim rừng
Cũng có hôm bẫy được,
Đốt lửa, nướng thơm lừng.

Lúc đầu thật vất vả
Cùng muôn vàn khó khăn,
Nhưng họ vẫn không nản,
Cuộc sống khá hơn dần.

Bỗng ngày nọ, chàng thấy
Có một con chim gì
Đậu ngoài bãi, chàng đến
Nó liền vội bay đi.

Con chim lớn bỏ lại
Miếng dưa bằng bàn tay.
Vì thấy chim ăn được,
Chàng ăn miếng dưa này.

Ôi, thật mát, thật ngọt!
Chàng nhặt lấy hạt dưa
Đem vùi xuống đất ẩm.
Mấy hôm sau gặp mưa,

Hạt nẩy mầm xanh tốt,
Rồi hé nụ, đâm hoa,
Rồi cuối cùng kết trái,
Thành vườn dưa xùm xòa.

Rồi đến mùa thu hoạch.
Cả nhà bổ dưa ăn.
Dưa đỏ và ngọt lịm,
Quà tặng của thánh thần.

Ruộng dưa chàng thêm rộng.
Được chăm sóc hàng ngày,
Trái càng sai, càng lớn,
Vỏ càng mỏng, ruột dày.

Chàng thường thả xuống biển
Những trái dưa của mình,
Mong ai đấy vớt được,
Dù hy vọng mong manh.

Thế mà rồi bất chợt
Có con thuyền ghé vào.
Họ muốn biết dưa ấy
Ai trồng, và nơi nào.    

Từ đấy, đem dưa hấu
Chàng đổi lấy thức ăn
Và những đồ vật khác
Mà gia đình đang cần. 

Ngày càng nhiều người biết,
Thuyền tấp nập vào ra.
Cuộc sống thành dễ chịu,
Còn dựng được ngôi nhà.

2
Vua Hùng Vương mười bảy,
Thường hay nhớ thương chàng,
Vẫn nghĩ chàng và vợ
Đã chết ngoài đảo hoang.

Một hôm, đang ngồi nghỉ,
Có người từ phương xa
Dâng vua quả dưa lạ.
Ngài ăn, khen xuýt xoa.

Hỏi thì biết dưa ấy
Vợ chồng An Tiêm trồng,
Vua trầm tư suy nghĩ,
Rồi sai đem thuyền rồng

Và quân lính ra đảo
Đón họ về kinh đô,
Cùng những quả dưa hấu
Rất tròn và rất to.

Từ đấy, dân khắp nước
Trồng loại dưa quý này.
Nhờ An Tiêm và vợ,
Ta có nó ngày nay.

Nhờ phù sa bồi đắp
Thành đất liền, núi non,
Hòn đảo hoang ngày ấy
Nay là huyện Nga Sơn,

Có lẽ cũng vì thế
Mà dưa hấu ở đây
Thuộc vào loại ngon nhất,
Ngọt, vỏ mỏng, ruột dày.       



SỰ TÍCH TRÂU VÀNG HỒ TÂY

Ngày xưa, thời nhà Lý
Khoảng thế kỷ mười ba,
Có pháp sư tài giỏi
Sống ở thành Đại La.

Tên ông là Không Lộ,
Tương truyền người nhà trời,
Giáng trần xuống Đại Việt,
Giúp đời và giúp người.

Ngày ấy nước Đại Việt
Rất thiếu sắt và đồng
Đúc chuông, làm vũ khí,
Làm dụng cụ nhà nông.

Có bao nhiêu vàng bạc,
Đá quý và ngọc châu,
Người phương Bắc vơ vét
Đem hết về nước Tầu.

Nên một hôm, Không Lộ
Lên đường sang Yên Kinh,
Định dùng các phép thuật
Mang đồng về nước mình.

Ông đến gặp vua Tống,
Hỏi xin một ít đồng
Để đem về Đại Việt
Đúc tượng Phật Bắc tông.

“Tôi chỉ dám xin ít,
Chỉ đủ đựng túi này.”
Vua Tống thấy túi bé
Liền đồng ý cho ngay.

Rồi vua sai thái giám
Dẫn pháp sư vào kho,
Cho lấy gì cũng được -
Vàng, đồng hay sắt thô.

Miễn là chỉ được lấy
Đầy một túi, không hơn.
Pháp sư nước Đại Việt
Cúi thấp đầu cảm ơn.

Bước vào kho, Ngài thấy
Một con trâu bằng vàng,
To hơn cả trâu thật,
Nghếch mõm, đứng chặn ngang.

Vào sâu hơn tí nữa
Là một núi đồng đen
Còn quý hơn vàng bạc,
Thứ kim loại nhà thiền.

Rồi pháp sư Không Lộ
Giở phép thuật thần thông,
Mở chiếc túi nhỏ bé
Lấy hết nửa kho đồng.

Viên thái giám hoảng sợ,
Liền chạy báo nhà vua.
Vua Tống ra lệnh chém
Vì tội dám trêu đùa.

Nhà pháp sư Đại Việt
Có tài nghe tiếng người
Cách xa cả mấy dặm,
Dưới đất và trên trời.

Nên ông vội vàng rút,
Chân bước qua tường thành.
Vì đồng nhiều, nặng quá,
Nên không thể đi nhanh.

Chợt một đoàn người ngựa
Gấp rút đuổi theo ông.
Pháp sư cắm cổ chạy,
Bỗng gặp một dòng sông.

Ông lấy chiếc nón lá
Vứt xuống nước, và kìa,
Nó biến thành chiếc mảng
Đưa ông sang bên kia.

Quân nhà Tống bất lực
Đứng nhìn ông qua sông.
Còn pháp sư Không Lộ
Trở về thành Thăng Long.

Số đồng mang về được
Đúc chiếc đại hồng chung
Theo khuôn bằng đất sét,
To và đẹp vô cùng.

Cuối cùng, chuông được dóng.
Thật to và ngân vang.
Bay sang tận phương Bắc.
Vì đồng là mẹ vàng,

Nên trâu vàng nước Tống
Liền chạy về Thăng Long
Thấy thế, sư Không Lộ
Bảo ngừng đánh chuông đồng.

Ông nói nếu đánh tiếp,
Tất cả vàng nước Tàu
Sẽ sang Đại Việt hết,
Và lại sẽ đánh nhau.

Rồi chiếc chuông lập tức
Được lăn xuống sông Hồng,
Con trâu vàng thấy thế,
Liền lao theo mẹ đồng.

Nó vùng vẫy, quằn quại
Liên tục đúng ba ngày,
Thành một vùng sâu hoắm
Bây giờ là Hồ Tây.       

Sau đó sư Không Lộ
Lặng lẽ bay về trời.
Ngài trở thành ông tổ
Nghề đúc đồng nhiều nơi.

Đời sau, dân sở tại
Xây một ngôi đền thờ
Để nhớ ơn Không Lộ -
Đền Quan Thánh bây giờ.


SINH CON RỒI MỚI SINH CHA

1
Xưa có hai người bạn,
Bố mẹ làm nghề nông,
Ở hai khu làng nhỏ
Cách nhau một cánh đồng.

Hai người quý nhau lắm,
Như anh em một nhà.
Rồi không may, có giặc
Cùng đi đồn thú xa.

Một anh thì giàu có.
Còn anh kia lại nghèo.
Anh giàu cho bạn mượn
Mười lạng bạc chi tiêu.

Khi giặc yên, đôi bạn
Lại cùng nhau trở về.
Vì lý do nào đấy,
Anh giàu rời làng quê.

Bẵng mấy năm không gặp,
Một hôm anh nhà giàu
Bỗng nhiên thấy nhớ bạn,
Muốn lại được gặp nhau.

Thế là anh khăn gói
Về quê thăm bạn hiền,
Mang theo năm lạng bạc
Giúp bạn, nếu thiếu tiền.        

Nhưng khi đến nhà bạn,
Thấy nhà cửa khang trang,
Nghĩ bạn mình đã khá,
Nay không cần bạc vàng.

Anh đem năm lạng bạc
Giấu trên cổng, rồi vào.
Hai vợ chồng người bạn
Ra, niềm nở đón chào.

Sâu trong lòng, họ nghĩ
Anh giàu đến lần này
Để đòi mười lạng bạc,
Món nợ cũ lâu nay.

Giờ họ giàu, tiền có,
Nhưng trả lại tiếc tiền,
Nên sau khi cơm rượu,
Chờ anh giàu ngủ yên,

Cả hai người lặng lẽ
Giết, đem chôn sau nhà,
Dưới chân một cây khế
Cao to, lá xùm xòa.

Từ đó cây khế ấy,
Do được bón xác người,
Còn cao to hơn nữa,
Cành lá thêm xanh tươi.

Nhưng mỗi mùa, thật lạ,
Trước quả chi chít cành,
Giờ chỉ cho một quả,
Lớn gấp năm, vàng chanh.

2
Lại nói vợ chồng nọ,
Sau khi giết bạn mình
Thì cô vợ có chửa,
Thích ăn chua linh tinh.

Nên cô ta hái khế,
Ăn hết đến kỳ no.
Sau sinh được đứa bé
Khỏe mạnh và khôi ngô.

Có điều lên năm tuổi,
Nó lặng im suốt ngày,
Không nói được một tiếng,
Ngồi đực như thằng ngây.

Hai vợ chồng lo lắng,
Cầu khấn Phật khắp nơi.
Chắc Phật linh ứng giúp,
Đứa bé cất thành lời.

Lời đầu tiên nó nói
Là nó chẳng nói gì
Trước khi gặp quan huyện.
Thế mới thật lạ kỳ.

Hai người, cực chẳng đã,
Đưa nó ra huyện đường.
Ở đấy, quan chăm chú
Lắng nghe chuyện khác thường.

Đứa bé bắt đầu nói,      
Khá sõi và rõ ràng.
Nó xin quan minh xét
Một vụ án kinh hoàng.

Nó kể hết mọi chuyện -
Chuyện vay tiền ra sao,
Chuyện giấu bạc ngoài cổng
Và bị chôn nơi nào.

Và rằng người bị giết
Chính là nó bây giờ.
Quan cho kiểm tra lại
Nên mới hết nghi ngờ.

Vợ chồng kia buộc phải
Thú nhận tội lỗi mình.
Theo luật, quan tuyên án
Họ phải bị tử hình.

Còn cậu bé, thắng kiện,
Quyết định trở về nhà.
Nó, tức anh giàu cũ,
Giờ mới chỉ mười ba.

Mà lúc đi bốn chục.
Nay trở về, than ôi,
Vợ gần thành bà lão.
Thằng con tròn hai mươi.

Nó đã kịp lấy vợ
Và sinh thằng con trai.
Đúng là chuyện kỳ quặc,
Vừa vui vừa bi hài.

Thành ra mới có chuyện
Sinh con mới sinh cha.
Cả chuyện trước sinh cháu,
Sau sinh ông giữ nhà.



HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

1
Nghe người ta kể lại,
Ngày xưa ở nước ta
Có tay cờ cực giỏi,
Họ tên là Trương Ba.

Một hôm, có người nọ,
Ngồi chơi cờ với ông,
Bị dồn vào thế bí,
Mới thốt lên thật lòng:

“Ván này may Đế Thích
Mới gỡ được mà thôi.
Người trần coi như chịu.
Ai có thể giúp tôi?”

Vừa hay đúng lúc ấy
Một ông lão ăn mày
Đi ngang qua, nghe thế,
Xin vào thử một tay.

Dẫu không tin tưởng lắm,
Nhưng Trương Ba nhận lời
Cho ông già chơi thử.
Đi một nước - ôi trời:

Cờ đang thua thành thắng.
Trương Ba phải đầu hàng,
Mời cụ ngồi lên ghế,
Rồi sụp lạy mà rằng:

“Chắc cụ là Đế Thích.
Thật vinh dự, bất ngờ.”
“Cảm ơn anh nhã ý
Mời ta đến chơi cờ.

Nhân tiện, phải thừa nhận
Anh chơi cờ cao tay.
Rất đáng khen, vì thế,
Ta báo anh điều này:

Số của anh sắp chết.
Khi chết, dặn người nhà        
Thắp hương, lạy ba lạy,
Rồi khẽ nhắc tên ta.

Ta sẽ đến, lập tức,
Anh sống lại tức thì.”
Vừa nói xong, Đế Thích
Tan thành khói, bay đi.

Trương Ba nghe, cả sợ,
Dặn vợ kỹ điều này.
Thế mà bà vợ đoảng
Lại quên mất, tiếc thay.

Chôn chồng được một tháng,
Bà mới nhớ lời chồng,
Vội vã gọi Đế Thích,
Nước mắt chảy ròng ròng.    

Đế Thích nói: “Thật tiếc,
Xác bị chôn lâu ngày,
Giờ đã gần thối rữa,
Ta cũng đành bó tay.”

Nhưng bà nài nỉ mãi,    
Ngài bèn nói: “Làng bà,
Ông hàng thịt vừa chết,
Ta cho hồn Trương Ba

Nhập vào xác ông ấy.
Bà có muốn thế không?”
Bà kia chau mày nghĩ,
Rồi cuối cùng bằng lòng.

2
Đế Thích liền làm phép
Cho nhập hồn Trương Ba
Vào xác anh hàng thịt
Đã chết, nằm giữa nhà.

Cái xác chết ngọ nguậy,
Bước ra khỏi quan tài.
Ngạc nhiên, và tự hỏi
Đang lạc vào nhà ai.

Vợ của anh hàng thịt
Đến ôm chồng, tiếc thay,
Bị ông chồng né tránh.
Cũng thật lạ điều này.

Cũng vừa đúng lúc ấy
Vợ Trương Ba đi vào.
Do Đế Thích nói trước.
Bà ôm chồng, vui sao.

Thế là hai bà vợ
Tranh nhau bảo chồng mình,
Cuối cùng xuống huyện phủ
Nhờ quan xét công minh.

Sau khi nghe lời kể
Của hai bên trước tòa,
Quan huyện phán dứt khoát
Đó là ông Trương Ba.

Tuy nhiên, quan huyện nói:
Trương Ba chỉ là hồn.
Anh hàng thịt là xác,
Vậy hy vọng vẫn còn.

Vợ hàng thịt đang góa,
Anh hàng thịt - Trương Ba
Có thể cưới làm vợ
Rồi chung sống một nhà.

Vợ Trương Ba phản đối,
Nên từ đó ông này
Được hai bà chiều chuộng,
Kiểu luân phiên, cách ngày.

Vậy là giỏi cờ tướng,
Cái anh chàng Trương Ba
Chết, không chỉ sống lại,
Còn được thêm một bà.
                      


SỰ TÍCH HỒ BA BỂ

Xưa ở vùng Bắc Cạn,
Làng Năm Mẫu, tháng Ba,
Tổ chức lễ cúng Phật,
Gọi là lễ Vô Gia.

Dân chúng, xuôi và ngược,
Kéo về dự rất đông.      
Một hôm, trong số ấy
Có bà lão lưng còng.

Bà ăn mặc rách rưới,
Lại còn bị bệnh cùi,
Lở loét và hôi hám.
Nhiều người thấy mất vui.

Đến đâu cũng bị đuổi,
Chang giữa nắng suốt ngày,
Còn bị người chửi mắng.
Thật thương bà lão này.

May một người thương hại,
Gọi vào nhà cho ăn,
Cho ngủ trong kho thóc,
Chăm sóc khá ân cần.

Đó là một bà góa
Sống một mình nuôi con.
Nhà nghèo nhưng tốt bụng,
Nghèo tiền, giàu tâm hồn.

Nửa đêm, phía kho thóc
Có tiếng động rất to.
Họ vào xem thì thấy
Một con rắn khổng lồ.

Sợ, suốt đêm không ngủ,
Sáng, họ thấy bà già
Chứ không phải con rắn,
Từ kho thóc đi ra.

Bà nói: “Ta, Thượng đế,
Cải trang thành ăn mày,
Đến để thử lòng tốt
Của làng Năm Mẫu này.

Người ta dự lễ Phật
Mà lòng thì ác tà.
Duy nhất người tốt bụng
Chỉ hai mẹ con bà.

Vì thế họ phải chết.
Vậy ta báo cho hay:
Sắp tới có họa lớn
Xảy ra ở vùng này.

Hễ khi thấy có nước
Từ đầu nguồn chảy về,
Phải leo lên đỉnh núi,
Sẽ yên ổn mọi bề.”

Nói đoạn, bà biến mất.
Và rồi ngày hôm sau
Nước đổ xuống thung lũng,
Rất mạnh và rất mau.

Khách đang dự lễ Phật
Chạy tán loạn khắp nơi,
Nhưng nước dâng lên mãi
Chết hết, trừ hai người

Là mẹ con bà góa
Đang ở trên núi xa.
Họ dựng ngôi nhà nhỏ,
Làm rẫy, nuôi lợn gà.

Rồi dần dần ở đấy
Hình thành một ngôi làng,
Cũng gọi làng Năm Mẫu,
Nổi tiếng nhiều cúc vàng.

Còn thung lũng bị ngập
Biến thành ba chiếc hồ,
Gọi là hồ Ba Bể.
Hồ sâu và rất to.

Nước trong ba hồ ấy
Có thể chảy thông nhau.
Một cảnh quan tuyệt đẹp,
Trời và nước một màu.


HAI CHIẾC BƯỚU

1
Xưa có một cô gái,
Nhà nghèo nhưng rất xinh.
Thế mà trời bắt tội -
Cô thấy trên mặt mình

Bỗng xuất hiện chiếc bướu,
Lúc đầu nhỏ, nhưng sau
Cứ to dần, to mãi,
Khiến cô rất buồn rầu.

Mà không buồn sao được.
Ta cứ hình dung ta,
Mặt đẹp như hoa hậu,  
Bỗng cục thịt nhô ra.

Được cái cô này khá,
Mau khóc, cũng mau cười,
Nên cứ phô chiếc bướu
Với đời và với người.

Một hôm cô hái củi,
Đi vào sâu trong khe.
Mải hái, trời sập tối,
Cô quên mất đường về.

Và thế là tối ấy
Cô chui vào hốc cây     
Ngủ một giấc thoải mái,
Suýt nữa đến rạng ngày.

Tôi dùng chữ “suýt nữa”
Là vì đúng nửa đêm
Cô bỗng nghe tiếng hát
Và tiếng đàn rất êm.

Cô mở mắt thì thấy
Một lũ quỷ nhố nhăng
Đang vui vẻ múa hát
Rất buồn cười dưới trăng.

Cô gái này dũng cảm,
Lại vui tính, nên cô
Tự chui ra nhập bọn,
Cùng múa hát, reo hò.

Mà hát hay, múa giỏi,
Nên lũ quỷ cứ mời
Tối hôm sau đến nữa.
Cô gái nghe, chỉ cười.

Và rồi để chắc chắn
Cô sẽ đến đêm mai,
Chúng giật lấy chiếc bướu,
Rất nhanh và rất tài.

Đơn giản vì chúng nghĩ
Chiếc bướu này của cô
Vừa quý lại vừa đẹp,
Các vàng cũng không cho.

Giờ thì ta đã thấy
Cái xấu đẹp ở đời
Chỉ là do quan niệm,
Tùy lúc và tùy người.

Thí dụ, các cô gái
Đều có bướu như nhau,
Thì chắc thi hoa hậu,
Sẽ bị loại vòng đầu

Những thí sinh trên mặt
Không có chút bướu nào.
Thế mới biết xấu, đẹp
Chỉ là chuyện tào lao.

Tôi tin chắc loài khỉ
Đang chê cười chúng ta:
Không có đuôi, xấu thế,
Xấu còn hơn cả ma.

Sở dĩ tôi nói thế
Là cốt để những người
Có tí sẹo trên mặt
Yên tâm, đừng sầu đời.

Mà thôi, xin kể tiếp,
Xin lỗi vì lạc đề.
Vậy là, mặt nhẵn nhụi,
Cô gái quay trở về.       

Có thể cô vui lắm,
Cũng có thể cô buồn.
Điều này tôi không biết,
Chỉ biết rằng trong thôn

Có một cô gái khác,
Nhưng là con nhà giàu,
Cũng có bướu trên mặt,
Bướu to, có từ lâu.

Cô nàng này thấy thế
Nằng nặc xin cô kia
Chỉ đường đến gặp quỷ
Múa hát giữa đêm khuya.

Tôi không biết cả việc
Cô múa hát với ai
Mà lúc về trên mặt
Bướu từ một thành hai.

Có khả năng lũ quỷ
Vẫn tưởng cô gái này
Là cô gái hôm trước,
Giờ thấy hát không hay,

Nên chúng không muốn giữ,
Và trả lại cho cô
Cái đẹp và quý nhất,
Là cái bướu rất to.

2
Câu chuyện này, thú thật,
Bà ngoại kể tôi nghe
Ngày tôi còn bé tí,
Để thôi không khóc nhè.

Giờ tôi ngồi chép lại,
Có thêm bớt ít nhiều,
Sau còn đọc cho Chip
Mỗi khi nó mè nheo.


SỰ TÍCH NGŨ HÀNH SƠN 
Xưa, trên bờ biển vắng                     
Có một ông cụ già
Một mình sống lặng lẽ
Trong túp lều thay nhà.

Mọi người không ai biết
Ông đến đây từ đâu.
Đến làm gì, lành dữ,     
Và định ở bao lâu.        

Bỗng ngày nọ biển động,
Sóng dâng cao, mịt mờ.
Một con giao long lớn
Vật vã ngoi lên bờ.

Nó quằn quại, giãy giụa
Thành những rãnh ngoằn ngoèo.
Rồi mưa, rồi gió nổi,
Suýt thổi bay căn lều.

Rồi một quả trứng lớn
Từ trong bụng rơi ra.
Giao long trườn xuống biển,
Biển mưa gió nhạt nhòa.                 

Chỉ ít phút sau đó,
Một con rùa khổng lồ,
Mai bằng vàng lấp lánh
Vội vã bò lên bờ.

Nó đào cát lấp trứng
Rồi bò lại gần ông:
“Ông phải cố gìn giữ
Quả trứng này của rồng.”

“Tôi bé nhỏ, yếu đuối,
Liệu giữ nó thế nào?    
Ở đây nhiều nguy hiểm,
Nếu gặp, biết làm sao?”

Rùa lấy một chiếc móng
Đưa cho ông: “Nay mai,
Muốn nhờ ta giúp đỡ,
Hãy áp nó vào tai.”      

Nói đoạn, nó biến mất
Để lại một mình ông
Sợ hãi và ngơ ngác
Bên quả trứng của rồng.

Chỉ mấy ngày sau đó
Một tốp lính đi đều
Và một chiếc xe lớn
Tiến thẳng đến chiếc lều.

Chắc chắn chỉ lát nữa
Xe và tốp lính này
Sẽ dẫm nát chiếc trứng.
Ôi, biết làm gì đây?

Ông liền lấy chiếc móng
Áp vào tai, tức thì
Ông biến thành con hổ,
Bọn lính sợ, bỏ đi.        

Ông làm chiếc lán nhỏ,
Dựng lên che trứng thần,
Không ngờ chiếc trứng ấy
Cứ lớn dần, lớn dần.

Hàng ngày nó đội cát,
Nhô lên cao, cao thêm,
Khiến ông phải vất vả
Xúc cát đắp ngày đêm.

Quả trứng cứ lớn mãi,
To như hòn núi con,
Màu thanh thiên tuyệt đẹp,
Như viên ngọc hình tròn.

Một hôm bọn vô lại
Đốt cháy lều ông già.
Ông lại nhờ chiếc móng.
Chiếc trứng liền nứt ra.

Trong đấy có hang đá
Với đầy đủ chiếu, giường.
Ông leo lên, nằm ngủ
Một giấc lâu khác thường.

Cùng lúc, từ trong trứng
Một cô bé chui ra,
Uống sữa từ nhũ đá,
Không đánh thức ông già.

Cô lớn nhanh như thổi.
Khỉ mang đến trái cây,
Nhện dệt áo cô mặc,
Chim líu lo suốt ngày.

Khi ông già tỉnh dậy
Đã mười năm trôi qua.
Cô gái kia xinh đẹp
Đến gọi ông là cha.

Ông già rất kinh ngạc,
Tưởng mình đang chiêm bao:
Quả trứng thần ngày ấy
Nay là ngọn núi cao.

Một ngọn núi hùng vĩ,
Cây cối mọc xanh tươi,
Muông thú nhiều vô kể,
Chim chóc bay đầy trời.        

Dân chúng ở vùng ấy
Thấy núi tự mọc lên
Liền cho là sự lạ,
Nghĩ chắc của thần tiên.

Thế là họ đến gặp
Cô gái và ông già
Để xin thuốc chữa bệnh,        
Xin gỗ, đá làm nhà.

Tiếng đồn về cô gái
Xinh đẹp đến mê hồn
Đến tai vua, lập tức
Có người tới cầu hôn.

Khi quan của vua tới,
Hai người đang chơi cờ.
Ông già quả lúng túng
Trước đề nghị bất ngờ.

Ông liền áp chiếc móng
Vào tai mình. Thần Rùa:
“Lạc Long Quân đồng ý
Gả con gái cho vua.”

Thế là cô gái đẹp
Ngồi kiệu, lên đường ngay.
Núi vắng tiên từ đấy
Cho đến tận ngày nay.

Sau đó, Kim Quy đến,
Đưa ông già đi đâu
Không người nào được biết,
Mà chuyện cũng đã lâu.

Bây giờ ngọn núi ấy
Có tên là Ngũ Hành,
Một ngọn núi xinh đẹp,
Cây bốn mùa tươi xanh.

Nó nằm sát bờ biển
Tỉnh Quảng Nam ngày nay.
Dòng sông xanh Vĩnh Điện
Chênh chếch về phía Tây.

Sông Hàn, sông Cẩm Lệ
Gần đấy, cũng trong xanh,
Do Âu Cơ trở dạ
Quằn quại mãi mà thành. 
       


THẦN NÚI TẢN VIÊN  

1
Nhiều nghìn năm về trước
Có chàng tiều phu nghèo
Sáng vào rừng đốn củi,
Quay về vào buổi chiều.         

Một hôm, cần cây gỗ
Để dựng lại ngôi nhà,
Khác với những ngày khác,
Chàng đi xa, thật xa.

Bất chợt chàng nhìn thấy
Một con dê khổng lồ
Đang lấy chân bới bới
Trong một đám cỏ khô.

Rồi chàng nghe tiếng khóc,
Bèn rón rén lại rình:
Con dê lôi từ cỏ
Một đứa bé vừa sinh.

Con dê liếm tóc nó
Một lúc rồi đi ngay.
Sau khi uống no sữa,
Đứa bé lại ngủ say.

Một đàn chim bay đến,
Tha lá vàng và mềm
Phủ kín khắp người nó.
Chàng tiều phu lại xem,

Thì thấy dưới lớp lá
Một đứa trẻ rất xinh,
Khỏe mạnh và bụ bẫm,
Chàng bế về nhà mình. 

Chàng rất yêu thương nó,
Bèn đặt tên là Kỳ.
Kỳ lớn lên khỏe mạnh,
Vạm vỡ và phương phi.

Hàng ngày chàng theo bố
Đốn củi và đẵn cây.
Một hôm gặp cây lớn,
Chàng chặt suốt cả ngày

Thế mà vẫn không đổ,
Đành bỏ về, hôm sau
Chàng đến, định chặt tiếp,     
Cây đã lành, lạ sao.      

Hai ngày liền như thế.
Sang đến ngày thứ ba,
Chàng quyết định ở lại
Để trốn, nhìn từ xa.      

Đứng nửa đêm, trăng sáng,
Chàng thấy một ông già
Chống gậy đang đi tới,
Chạm vào cây, thế là

Cây lại lành như cũ.
Chàng chạy đến hỏi ông:
“Cháu đốn, sao ông phá?
Làm cháu thật mất công.”

Ông cụ đáp: “Thôi được,
Ta là Thái Bạch Tinh.
Ta muốn giữ cây ấy
Cho đời và cho mình.   

Để bù công vất vả,
Ta đền cây gậy này.
Cây gậy thần rất quí,
Sẽ giúp con từ nay.”

Ông cụ đưa chiếc gậy
Rồi biến đi lúc nào.
Chàng cầm gậy, ngơ ngác,
Thậm chí chưa kịp chào.

Sau đó, vẫn như trước,
Chàng giúp bố hàng ngày,
Nhớ lời Thái Bạch dặn,
Chiếc gậy luôn cầm tay.

2
Một hôm, đang gánh củi
Đi dọc con suối sâu,
Chàng thấy một con rắn
Chết, bị đánh dập đầu.

Chàng chỉ chiếc gậy nhỏ
Vào đầu rắn, tức thì
Con rắn liền sống lại,
Nguẩy đuôi rồi bò đi.    

Đúng bảy ngày sau đó,
Đêm, chàng ngồi trong nhà,
Một chàng trai tuấn tú
Mang đến rất nhiều quà.

Chàng trai chào rồi nói
Chàng là Tiểu Long hầu,
Con Long Vương, và chính
Là con rắn dập đầu.

Rằng nay đến lễ tạ
Ơn cứu sống mạng chàng.
Chàng Kỳ không chịu nhận
Quà tặng và bạc vàng.

Tuy nhiên chàng đồng ý
Cùng xuống thăm Long Vương.      
Tiểu Long Hầu đi trước,
Chìa hai tay mở đường.

Long Vương mở yến tiệc,
Tiếp đãi thật linh đình,
Lại tặng nhiều quà quí
Tạ ơn cứu con mình.

Lần nữa chàng từ chối,
Nên cuối cùng Long Vương
Tặng chàng một cuốn sách,
Kỳ diệu và phi thường.

“Đây là cuốn sách ước,
Cần gì, cứ mở ra
Là lập tức sẽ có.”
Chàng nhận sách, về nhà.

Từ đó nhờ cuốn sách
Và gậy Thái Bạch Tinh,
Chàng chuyên làm việc thiện
Hằng cứu độ chúng sinh.

Cũng nhờ làm việc thiện
Chàng trở thành vị thần,
Một vị thần bất tử
Được thờ cúng trong dân.     

Một hôm, đang du ngoạn,
Từ cửa biển Thần Phù,
Ngài theo sông đi ngược
Lên tận miền thượng du.        

Ở đấy Ngài chợt thấy
Một ngọn núi ba tầng,
Hình tròn như chiếc tán,
Chập chùng như sóng dâng.

Thấy đây phong cảnh đẹp,
Có thể ở lâu dài,
Ngài bay lên đỉnh núi,
Làm phép, dựng lâu đài.

Từ đó Ngài ở đấy,
Thường xuyên giúp dân tình,
Thành vị thần núi Tản,
Hay còn gọi Sơn Tinh.


CÂY TRE TRĂM ĐỐT

Xưa có một nhà nọ
Loại thường thường bậc trung,
Có một cô con gái
Cũng xinh đẹp vô cùng.              

Ông chủ mướn người ở -
Một chàng trai nhà quê,
Khỏe mạnh và chăm chỉ,
Nhưng ít nói, rụt rè.

Ông ta muốn lợi dụng
Anh chàng này hiền lành,
Hứa nếu làm việc tốt,
Sẽ gả con cho anh.

Thế là anh cố gắng
Làm việc suốt đêm ngày.
Ông chủ thành giàu có,
Quên lời hứa trước đây.

Ông đem gả con gái
Cho con một phú ông,
Nhưng bảo anh người ở
Rằng ông sẽ vui lòng

Cho anh chàng làm rể  
Nếu mang được về đây
Một cây tre trăm đốt,
Loại đốt cứng và dày.

Tre trong rừng không ít,
Nhưng cây dài và già
Cũng chỉ hơn mươi đốt.
Một trăm tìm đâu ra?  

Nên chàng ôm mặt khóc,
Ngồi trong rừng một mình.
Bụt đi đến, hỏi chuyện,
Chàng kể hết sự tình.

Bụt bảo chàng đừng khóc,
Hãy đốn trăm đốt tre,
Cột chúng thành hai bó
Rồi cứ thế gánh về.      

Khi chàng nói “Khắc Nhập”,
Các đốt dính vào nhau.
Ngược lại, nói “Khắc Xuất”,
Lại rời như ban đầu.

Chàng về nhà đúng lúc
Lễ cưới đang linh đình,
Chỉ bây giờ mới hiểu
Ông chủ đã lừa mình.

Chàng mời ông ra đếm
Xem các đốt đủ chưa.
Đúng cây tre trăm đốt,
Không thiếu cũng không thừa.

Ông kia ngạc nhiên lắm,
Thử nhắc nó trên tay.
Chàng kêu to “Khắc Nhập”,
Liền dính chặt vào cây.

Ông kêu lên hoảng sợ.
Nghe tiếng, ông sui gia
Chạy tới định giúp đỡ
Thì dính vào ông ta.

Cả hai họ thấy thế,       
Không ai dám lại gần.
Để hai ông than khóc,
Phơi giữa nắng ngoài sân.

Cuối cùng, họ sụp lạy,
Xin chàng tha, và thề
Họ nhà trai lập tức
Từ hôn và quay về.

Ông chủ cũng thề độc
Gả con cho anh ta
Và cưới ngay luôn thể,
Miễn là thả ông ra.

Vậy là anh chàng ấy
Và con gái của ông
Nhờ cây tre trăm đốt
Được thành vợ thành chồng.

Dẫu không thể làm khác,
Ông chủ vẫn xót xa.
Nhưng cây tre còn đó.
Thôi thì đành cho qua.


AI MUA HÀNH TÔI

1
Ngày xưa, một nhà nọ
Có ba người con trai,
Nghèo đến mức bố chết,
Không mua nổi quan tài.

Ba người con buộc phải
Lấy chiếu bọc xác cha,
Chọn lúc mọi người ngủ,
Chôn ngoài bãi tha ma.

Đêm ấy trời rất tối,
Lại lất phất mưa ngâu.
Hai người khiêng xác chết,
Một người cầm đèn dầu.

Xác chết gầy nên nhẹ,
Dọc đường đã tuột rơi
Mà người khiêng không biết,
Nên khi ra đến nơi

Họ chỉ chôn chiếc chiếu
Rồi vội vã về nhà.         
Trời tối, đèn lại tắt
Họ vấp phải xác cha.

Họ tưởng đó là xác
Của ai đấy chết đường,
Bèn đem chôn làm phúc
Ngay sát một bờ mương.

2
Đêm ấy người anh cả
Thấy có con rồng già
Đến báo mộng rằng họ
Đã chôn nhầm xác cha

Vào đúng giữa răng nó,
Gây khó chịu và đau.
Nó bảo hãy dời mộ,
Rồi anh sẽ rất giàu.

Anh Cả sáng tỉnh dậy,
Thấy vàng bạc đầy nhà.
Không cho hai em biết,
Lặng lẽ dời mộ cha.

Đêm sau rồng lại đến,
Gặp anh Hai, yêu cầu
Nhanh chóng dời mộ bố,
Rồi cũng sẽ thành giàu.

Sáng dậy anh Hai thấy
Kim cương rải đầy nhà.
Cũng không cho ai biết,
Lặng lẽ dời mộ cha.

Thực chất mộ cha họ
Vẫn chưa được dời đi,
Nên đêm tiếp rồng tới
Gặp anh Ba, nằn nì.

Nó xin dời ngay mộ,
Hứa cho lọ nước thần.
Anh Ba dời, việc ấy
Cũng giấu giếm người thân.  

Sáng dậy anh chỉ thấy
Một chiếc bình bình thường,
Hình như trong đựng nước.
Anh đặt nó đầu giường.

Trong khi chồng đi vắng,
Nhìn thấy chiếc bình này,
Vì tò mò, cô vợ
Đổ ít nước ra tay.

Lập tức tay cô trắng,
Trắng như lông thiên nga.
Cô lấy nước trong lọ
Đem ra tắm, thế là

Nhờ phép thần nước lạ,
Từ cô gái nông dân
Cô trở thành xinh đẹp
Như nàng tiên giáng trần.

Anh chồng về, kinh ngạc
Thấy vợ đẹp tuyệt vời.
Nên suốt ngày ngồi ngắm,
Một phút cũng không rời.

Việc thì nhiều, do vậy
Cô vợ giận, bảo anh
Lấy chiếc mo cau trắng
Vẽ hình vợ lên tranh.

Anh làm theo, từ đấy,
Cứ đi ra khỏi nhà
Là mang theo hình vợ,
Ngắm gần rồi ngắm xa.    

Một hôm, anh sơ ý
Ném trúng con quạ đen.
Nó trả thù bằng cách
Cắp bức tranh bay lên,

Rồi đem tranh đến thả
Đúng chỗ vua đang ngồi.
Vua nhìn thấy người đẹp,
Mắt long lanh, và rồi

Cho quân đi khắp nước
Tìm người vẽ trong tranh.
Vợ anh Ba vì thế
Được đưa về kinh thành.

Vua thấy cô tuyệt đẹp
Nên đem lòng yêu ngay,
Phong “Tây cung Hoàng hậu”,
Mở yến tiệc đêm ngày.

Thế mà cô rầu rĩ,
Chẳng chịu cười nói gì,
Dù mua vui sẵn có
Đúng một nghìn nô tỳ.

Vua cho mở hội lớn,
Hứa trọng thưởng cho người
Làm “Tây cung Hoàng hậu” 
Dù một lần, mỉm cười.

Còn cái chức tể tướng
Sẽ được giành cho ai
Làm được nàng đồng ý
Ngồi chơi cờ với ngài.

2    
Từ khi mất vợ đẹp,
Anh Ba khóc suốt ngày,
Không còn vợ để ngắm,
Ngồi đực như thằng ngây. 

À mà quên chưa nói.
Cô vợ tắm nước thần,
Nước thải cô đem tưới
Cho luống hành thay phân.

Nên nó tốt kinh khủng:
Củ đúng bằng bình vôi,
Lá dài như đòn gánh,
Đem nấu canh không tồi.

Phần vì do buồn chán,
Phần cũng bởi hết tiền,
Anh Ba đem hành bán
Vào những ngày chợ phiên.   

Anh rao to giữa chợ:
“Nào, ai mua hành tôi.
Lá dài như đòn gánh,
Củ to bằng bình vôi...” 

Thế mà ngồi cả buổi,
Không ai chịu mua hành.
Hôm sau anh quyết định
Vào bán dạo trong thành.

Anh rao to giữa phố:
“Nào ai mua hành tôi.
Lá dài như đòn gánh,
Củ to bằng bình vôi...”

Tiếng rao dai dẳng ấy
Lọt vào tận thâm cung,
Làm “Tây cung Hoàng hậu”
Vui, thích thú vô cùng.

Vua còn thích gấp bội,
Bèn cho gọi anh vào.
Để kiểm tra, lần nữa
Ngài bắt anh phải rao.

Và lần nữa hoàng hậu
Lại cười khi thấy anh.
Ông vua thì cứ nghĩ
Bí quyết ở gánh hành.

Thế là ngài liền bắt
Anh đổi áo cho vua.
Vua thành anh bán dạo,
Vừa rao vừa vui đùa.

Vua bắt chước rất giống:
“Nào ai mua hành tôi.
Lá dài như đòn gánh,
Củ to bằng bình vôi...” 

Còn anh Ba lúc ấy
Là vua, ngồi trên ngai.
Anh liền quát quân lính
Bắt trói, bỏ tù ngài.

Anh làm vua từ đấy.
Vợ vui, cười suốt ngày.
Thỉnh thoảng họ lại nhớ
Những tháng năm đi cày.

Anh Ba thì như cũ,
Ngắm vợ, ngắm cả tranh.
Nhiều hôm ra ngoài phố
Giả làm người bán hành.

Anh lại rao vui vẻ:
“Nào ai mua hành tôi.
Lá dài như đòn gánh,
Củ to bằng bình vôi...” 

No comments:

Post a Comment