Monday, February 23, 2015

TRUYỆN CỔ TÍCH NƯỚC NGOÀI - PHẦN HAI



NÀNG TIÊN CÁ

1                
Rất sâu dưới đáy biển,
Giữa mịt mù xa khơi,
Có một thế giới đẹp,
Đẹp lung linh, tuyệt vời.

Ở đấy nước xanh thẳm,
San hô đủ các màu.
Cá nhởn nhơ bơi lội
Như chim bay trên đầu.

Như mọc trên mặt đất,
Cây ở đây rất nhiều,
Tôm cá leo lên nghịch,
Chơi những trò đáng yêu.

Các nàng tiên cá hát
Những bài ca du dương,
Hay đến mức thủy thủ,
Để tàu đi lạc đường.

Vua Thủy Tề oai vệ
Sống trong cung của ngài,
Chỉ suốt ngày yến tiệc,
Rất hiếm khi ra ngoài.

Từ ngày vợ vua chết,
Mọi việc trong triều đình
Đều do Thái Hậu quản,
Hợp lý và thông minh.

Bà là người quyền lực,
Tốt bụng nhưng kiêu sa.
Ai bà cũng yêu quí,
Nhất là các cháu bà.

Cháu bà, toàn cháu gái,
Năm nàng, đẹp như tiên,
Tất cả đều nhí nhảnh,
Vui tươi và dịu hiền.

Đặc biệt là nàng út,
Da mịn như cánh hồng,
Mắt như hai viên ngọc,
Luôn mơ màng, xanh trong.

Nàng đẹp còn ở chỗ
Khác con người có chân,
Nàng có cái đuôi lớn,
Tất nhiên đẹp tuyệt trần.

Cả năm nàng tiên cá
Nhởn nhơ chơi suốt ngày
Trong vương quốc của nước,
Ánh sáng và cỏ cây.

Cả năm nàng háo hức
Chờ đến lúc trưởng thành,
Tức đến mười lăm tuổi
Để lên mặt biển xanh.

Lúc ấy, bà Thái Hậu
Sẽ cho phép từng người
Lần đầu rời đáy biển,
Ngoi lên nhìn mặt trời.

Các nàng sẽ được thấy
Thành phố và tàu thuyền,
Cùng núi sông, bến cảng,
Trường học và công viên.

Nàng tiên cá bé nhỏ,
Vì được sinh sau cùng
Nên phải chờ lâu nhất
Ngày được rời thủy cung.

2
Rồi cái ngày ấy đến,
Nàng tiên cá lần đầu
Được Thái Hậu trang điểm
Kỹ càng như cô dâu.

Khi nàng lên mặt nước,
Vầng dương đã xế tà,
Một núi mây đỏ rực
Âm ỉ cháy xa xa.

Như mặt gương, biển lặng.
Một con tàu đứng yên,
Các cột buồm được hạ,
Nhấp nháy những ánh đèn.   

Bơi lại gần, nàng thấy
Trên tàu có nhiều người
Ăn mặc rất sang trọng,
Nhiều tiếng hát, tiếng cười.

Nhưng sang trọng hơn cả,
Và xinh đẹp tuyệt vời
Là một chàng hoàng tử
Khoảng mười sáu tuổi đời.

Hôm ấy là sinh nhật,
Nên khi chàng bước ra,
Cả bầu trời rực sáng
Vì đèn và pháo hoa.

Pháo hoa làm nàng sợ,
Vội lặn xuống thật sâu,
Nàng cứ nghĩ như lửa
Thi nhau rơi xuống đầu.

Rồi mọi thứ lắng xuống,
Đèn cũng bớt lung linh,
Nàng thì vẫn đắm đuối
Nhìn Hoàng Tử của mình.

Bỗng mây đen kéo đến,
Trời chợt nổi phong ba,
Sóng chồm lên giận dữ,
Sấm nổ, chớp chói lòa.

Tàu bị sóng đánh vỡ
Đang chìm xuống biển sâu.
Chàng Hoàng Tử xinh đẹp
Cùng chìm với con tàu.

Nàng tiên cá vội vã
Bơi lại để cứu chàng.
Hai người trôi theo sóng
Giữa biển trời mênh mang.

Sáng hôm sau, trời tạnh,
Mặt trời hồng nhô lên.
Hoàng Tử vẫn còn sống
Nhưng đôi mắt nhắm nghiền.

Nàng hôn đôi mắt ấy,
Hôn khuôn mặt thật xinh.
Nàng muốn chàng sống lại
Bằng tình yêu của mình.

Rồi lựa theo con sóng,
Nàng đưa chàng lên bờ.
Đó là một bãi biển
Hoang dã mà nên thơ.

Đặt chàng lên bãi cát,
Nàng theo sóng, lùi ra,
Vừa mừng, vừa lo sợ
Theo dõi chàng từ xa.

Chuông nhà thờ chợt điểm,
Mấy cô gái từ làng
Đi ra biển kéo lưới,
Ngạc nhiên khi thấy chàng.   

Rồi nhiều người nữa đến,
Có cả một chiếc xe.
Họ đưa chàng đi mất.
Nàng tiên cá quay về.

3
Rất nhiều lần sau đó
Nàng còn tới nơi này,
Nhưng không thấy Hoàng Tử,
Chỉ thấy trời và mây.

Nàng buồn, luôn tư lự,
Không còn muốn làm gì,
Không cùng bạn bơi lội,
Không nghe sóng thầm thì.

Cuối cùng một cô chị
Biết nỗi buồn lòng nàng,
Dẫn đường, đưa nàng đến
Tận lâu đài của chàng.

Lâu đài của Hoàng Tử
Nằm ngay bên cửa sông,
Xây bằng đá cẩm thạch,
Đủ màu xanh, màu hồng.

Những bậc cầu thang lớn,
Những tấm thảm rất dày,
Những chùm đèn rực rỡ,
Trầm mặc những hàng cây.

Hoàng Tử, đêm thanh vắng,
Thường ra đứng ngoài hiên,
Tiếc là chàng không biết
Có nàng đang kề bên.

Nàng buồn, lên tiếng hát,
Một giọng hát tuyệt vời,
Thật du dương, êm ái,
Thuộc loại hay nhất đời.

Nàng hát cho Hàng Tử,
Thế mà chàng không nghe,
Tưởng đấy là tiếng sóng
Dạt dào trong đêm khuya.

Bỗng nhiên nàng thấy thích
Thế giới của loài người.
Thích được sống như họ
Giữa núi rừng xanh tươi.

Thái Hậu cho nàng biết
Loài người khác mọi loài,
Có linh hồn bất tử
Sống mãi cùng tương lai.

Và rằng các tiên cá
Cũng có được linh hồn
Nếu có người yêu họ
Hơn cha mẹ yêu con.

Từ đấy nàng mơ tưởng
Mong muốn được thành người,
Thành vợ của Hoàng Tử,
Sống hạnh phúc suốt đời.

Cuối cùng nàng quyết định
Nhờ phù thủy giúp nàng.
Một mụ già gớm ghiếc
Suốt đời sống trong hang.

Mụ tự tay chế thuốc,
Do tu luyện lâu ngày,
Có thể làm phép lạ,
Ai cần giúp, giúp ngay.

Vừa thấy nàng, mụ nói:
“Ta biết rồi, đừng lo.
Ôi công chúa xinh đẹp,
Thật điên rồ, điên rồ.

Ngươi muốn được Hoàng Tử
Đem lòng yêu thương ngươi.
Muốn trở thành bất tử
Với linh hồn con người.

Không sao, ta sẽ giúp.
Giá không rẻ lắm đâu,
Và cũng xin nói trước,
Sẽ đau đấy, rất đau.

Ta cho ngươi liều thuốc,
Ngươi sẽ có đôi chân
Thon thẳng và uyển chuyển
Như cô gái người trần.

Nhưng mỗi lần ngươi bước
Như có nghìn mũi chông
Châm chân ngươi, đau lắm.
Ngươi có chịu được không?”

Mụ phù thủy nói tiếp
Khi thấy nàng gật đầu:
“Ngươi hãy nghĩ cho kỹ,
Không vội vàng được đâu.

Vì thành người, mãi mãi
Ngươi sẽ không bao giờ
Quay trở lại với biển,
Dẫu ai cũng mong chờ.

Và nếu chàng Hoàng Tử
Không thực sự yêu ngươi
Như con yêu bố mẹ,
Ngươi sẽ không thành người.

Nếu chàng cưới người khác
Thì rạng sáng hôm sau,
Ngươi chết, thành bọt biển
Trôi giữa sóng bạc đầu...”

Nàng tiên cá chấp nhận
Tất cả những điều này.
Ôi, tâm hồn bất tử,
Ôi, tình yêu mê say.

Đổi lại, mụ phù thủy
Đòi giọng hát của nàng,
Một giọng hát kỳ diệu,
Du dương và dịu dàng.

Vì tình yêu Hoàng Tử,
Vì linh hồn nghìn năm,
Nàng để mụ cắt lưỡi
Và trở thành người câm.

Tay cầm lọ thuốc độc,
Nàng tiên cá dịu hiền
Bơi một vòng từ biệt
Rồi nhẹ nhàng lao lên.

4
Mặt trời còn chưa mọc,
Chàng Hoàng Tử của nàng
Đang trầm ngâm ngắm biển,
Tay tì lên cầu thang.

Nàng uống hết lọ thuốc,
Thấy cháy cổ, và rồi
Như có lưỡi kiếm sắc
Xẻ thân nàng làm đôi.

Nàng ngất, trôi theo sóng,
Tỉnh dậy, thấy mình trần
Và thay cho đuôi cá,
Nàng có một đôi chân.

Nàng vội vàng lấy tóc
Quấn xung quanh che người,
Ngước nhìn lên, chợt thấy
Hoàng Tử đang mỉm cười

“Nàng là ai?” chàng hỏi.
“Từ đâu tới?” Nhưng nàng
Vì câm, không nói được,
Chỉ lắc đầu khẽ khàng.

Hoàng Tử đỡ nàng dậy,
Rồi dìu nàng lên lầu.
Như mụ phù thủy nói,  
Nàng thấy đau, thật đau.

Khi mỗi lần cất bước,
Như có nghìn mũi kim
Châm vào chân đau buốt,
Nhưng nàng vẫn lặng im.

Nàng đi bên Hoàng Tử
Dịu dàng như bông hồng
Dáng đi thật uyển chuyển,
Bước mà nhẹ như không.

Hoàng Tử cho nàng diện
Những bộ váy tuyệt vời,
Nàng thành người đẹp nhất,
Không nói mà chỉ cười.

Nhưng nàng có thể nhảy,
Mà nàng nhảy đẹp sao.
Ai nhìn cũng thán phục,
Không thua kém người nào.

Thế mà không ai biết
Cái đau dưới chân nàng,
Cái đau như lửa cháy
Theo bước nhảy nhẹ nhàng.

Khi mọi người đi ngủ,
Nàng ra ngồi, nhúng chân
Xuống nước biển mát lạnh,
Để cái đau nguội dần.

Xa xa phía trước mặt,
Giữa sóng biển bốn bề
Các chị nàng đang đến,
Hát, gọi nàng quay về.

Có đêm nàng còn thấy
Cả Thủy Tề, vua cha,
Và cả bà Thái Hậu...
Ôi, nhớ nhà, nhớ nhà.

Nhưng nàng vẫn ở lại
Mong được Hoàng Tử yêu
Để trở thành bất tử.
Chàng yêu nàng, có điều

Yêu như yêu em gái,
Vì chàng vẫn buồn rầu
Thương nhớ cô gái trẻ
Cứu chàng lần đắm tàu.

Vì nàng câm, không thể
Nói mọi chuyện với chàng,
Cả chuyện cô gái ấy
Chình là nàng, là nàng.

Và cuối cùng đã đến
Cái phải đến, than ôi,
Chàng Hoàng Tử cưới vợ,
Cưới vợ và lên ngôi.

Tiệc cưới đêm vui vẻ,
Nàng khóc, ngồi một mình,
Trân trân nhìn biển cả,
Đợi tia nắng bình minh.

Nàng sẽ thành bọt biển
Tan giữa sóng trùng khơi,
Và cùng tan với nó
Là ước mơ thành người.        

Chợt các chị nàng đến,
Mặt buồn bã, lo âu,
Những mái tóc óng mượt
Không còn bay trên đầu.

“Để cứu em, các chị
Trước khi đi đến đây,
Cho phù thủy mái tóc
Để lấy con dao này.

Em hãy cầm lấy nó,
Từ giờ đến bình mình,
Đâm vào tim Hoàng Tử,
Chính xác, không rùng mình.

Khi máu Hoàng Tử chảy
Xuống chân em, tức thì
Chân lại thành đuôi cá,
Bình thường như mọi khi.

Bây giờ em phải chọn
Hoặc là em, hoặc chàng,
Ai là người sẽ chết.
Đừng chần chừ, hoang mang.”

Các chị chàng nói đoạn
Rồi lặn xuống biển sâu.
Nàng cầm con dao sắc,
Lặng lẽ đi lên lầu.        

Hoàng Tử và công chúa
Đang ngủ say trong phòng.
Cả hai ngời hạnh phúc.
Còn nàng, nàng thì không.

Nàng buồn bã đứng lặng,
Nhìn hai người hồi lâu.
Kia, mặt trời sắp mọc.
Phải quyết định, mau, mau.

Nàng giơ con dao nhọn,
Chững lại một vài giây,
Rồi vứt nó xuống đất,
Đúng vào lúc rạng ngày.

Nàng gieo mình xuống biển.
Cả người nàng vỡ ra,
Tan thành muôn mảnh nhỏ
Dưới ánh nắng chói lòa.

Một lúc sau, thật lạ,
Nàng cảm thấy dịu dàng
Những tia nắng ấm áp
Đang vuốt ve người nàng.

Nghĩa là nàng chưa chết.
Nàng nhìn thấy mặt trời
Và trăm nghìn sinh vật
Đang bay lượn khắp nơi.

Những sinh vật nhỏ bé,
Trong suốt như thủy tinh,
Vừa bay, chúng vừa hát,
Hữu hình mà vô hình.

Chúng gọi nàng nhập bọn,
Vậy là nàng, cuối cùng
Thành tiên nữ nhỏ bé,
Bay lượn trên không trung.

Nàng tiên cá tội nghiệp
Hy sinh vì tình yêu
Mà không thành bất tử,
Lại đau khổ quá nhiều.

Nhưng giờ là tiên nữ,
Trong ba trăm năm tròn,
Nếu chuyên làm việc thiện,
Nàng sẽ có linh hồn.

5
Một câu chuyện thật đẹp,
Một tình yêu xót xa.
Từ ngày ấy, có thể,
Nhiều năm đã trôi qua.

Có thể nàng tiên cá
Từ lâu đã thành người
Với linh hồn bất tử
Sống vĩnh viễn trên đời.

Mà biết đâu, có thể,
Nàng đang sống đâu đây,
Chuyên tâm làm việc thiện,
Cứu rỗi cuộc đời này.

Có điều ta không biết,
Ta không thấy được nàng.
Phải chăng ta quá vội,
Trái tim chưa dịu dàng?


NGƯỜI KHỔNG LỒ ÍCH KỶ

1
Ngày xưa, ở Anh quốc
Có một người khổng lồ,
Một người rất to lớn,
  khu vườn cũng to.

Đó là khu vườn đẹp
Với bãi cỏ rất xanh,
Hoa muôn màu khoe sắc,
Trái cây chín trên cành.

Líu lo chim ca hát,
Một bài ca tuyệt vời.
Chim bay trong tán lá,
Chim bay cả trên trời.

Trẻ con sau giờ học
Thường kéo nhau đến đây,
Chơi các trò chúng thích,
Hoặc leo trèo trên cây.

Sau bảy năm làm khách
Ở một nơi rất xa,
Người khổng lồ, ông chủ,
Bỗng một hôm, về nhà.

Ông liền quát lũ trẻ:
“Hãy đi ra khỏi đây!
Ta là chủ, duy nhất
Được chơi ở vườn này!”

Lũ trẻ sợ, bỏ chạy,
Sau đó người khổng lồ
Dựng hàng rào bao bọc
Rất cao và rất to.

Rồi ông cắm tấm biển:
“Đây là vườn tư nhân,
Ai xâm phạm sẽ chết!
Cấm không được lại gần!”

Ông là người ích kỷ.
Ông chỉ ngồi trong nhà,
Nhưng không cho người khác
Vào vườn ông ngắm hoa.

Giờ lũ trẻ, thật tội,
Chẳng nơi nào để chơi.
Suốt ngày chỉ còn biết
Phơi đầu trần ngoài trời.

2
Mùa xuân đến, chim hót,
Hoa đua nở ngoài đồng.
Trong vườn ông ích kỷ
Vẫn lạnh, vẫn mùa đông.

Ở đây hoa quên nở,
Cây không chịu đâm chồi.
Chỉ có gió và tuyết,
Tuyết và gió mà thôi.

Người khổng lồ thì nghĩ:
“Chắc xuân muộn năm nay.”
Thực ra mùa xuân ấm
Không còn đến vườn này.

Cả mùa hè cũng thế,
Rồi tiếp đến, mùa thu,
Ở đây chỉ băng tuyết,
Tuyết băng và sương mù.

Một hôm, ngồi trên ghế,
Ông nhìn bức tường rào,       
Thấy qua khe hở nhỏ   
Lũ trẻ đang chui vào.

Lập tức vườn sống lại,
Chim chóc hót trên cành,
Và muôn hoa lại nở,
Cây lá bắt đầu xanh.

Lũ trẻ lại đùa nghịch
Như không có chuyện gì.
Người khổng lồ cảm động,
Không nỡ đuổi chúng đi.

Giờ thì ông đã hiểu
Vì sao trong vườn ông
Mùa xuân không muốn đến,
Quanh năm chỉ mùa đông.

Và rằng ông ích kỷ
Không cho trẻ và chơi.
Nay thì khu vườn đó
Là của chúng suốt đời.

Cầm chiếc rìu vĩ đại,
Ông ra phá hàng rào.
Lũ trẻ thấy ông đến
Liền bỏ chạy nháo nhào.

Và rồi ngay lập tức
Cả khu vườn nhà ông
Lại trở nên lạnh lẽo,
Cái lạnh của mùa đông.

Chỉ có một cậu bé
Còn ở lại vườn này.
Cậu còn bé, bé tí,
Không với tới cành cây.

Vì thế cậu đã khóc
Hai mắt lệ ướt nhòa,
Không chạy vì không thấy
Người khổng lồ đi ra.

Ông rón rén bước lại,
Thương thương cậu bé này.
Rồi nhẹ nhàng bế cậu
Đặt lên một cành cây.

Lập tức cây mọc lá,
Hoa nở đủ các màu,
Chim lại hót, cậu bé
Ôm hôn ông thật lâu.

Lũ trẻ nhìn thấy thế
Đùn đẩy nhau, lại gần.
Rồi chúng lại đùa nghịch
Giữa khu vườn mùa xuân.

Từ đấy người đi chợ,
Khi đi ngang qua đây,
Thấy một ông to lớn
Chơi với trẻ suốt ngày.

Nhưng có điều thật lạ,
Là ông không thấy đâu
Cậu bé bé tí ấy
Vào buổi chiều hôm sau.

Hỏi trẻ, chúng không biết.
Ông thấy buồn trong lòng.
Ông rất yêu cậu bé,
Vì cậu đã hôn ông.

3
Tháng năm trôi lặng lẽ.
Người khổng lồ đã già.
Ông thường ngồi một chỗ,
Thư thản ngắm vườn hoa.

Hoa vườn ông đẹp thật,
Lộng lẫy những chồi non,
Nhưng loài hoa đẹp nhất
Với ông, là trẻ con.      

Ông ngồi xem chúng nghịch
Mà nước mắt muốn rơi.
Chúng chính là sự sống,
Là niềm vui cuộc đời.

Một hôm, trời gần tối,
Lũ trẻ đã về nhà,
Ông giật mình vui sướng
Khi lơ đãng nhìn ra

Và thấy cậu bé ấy,
Cái cậu bé hài đồng
Ở góc vườn phía Bắc,
Cậu bé đã hôn ông.

Cậu đứng dưới tán lá
Một cành cây màu xanh,
Có hoa trắng, quả bạc,
Và chuông vàng xung quanh.

Ông vui mừng chạy xuống,
Rồi chững lại, bàng hoàng:
Hai tay, hai chân cậu
Có dấu đinh rõ ràng.

“Ai dám làm hại cháu?
Kìa, máu chưa kịp đông!
Ông sẽ bóp cổ nó
Bằng bàn tay của ông!”

Cậu bé cười, khẽ đáp:
“Ông khỏi lo lắng nhiều.
Vết thương này chảy máu
Là vết thương Tình Yêu.       

“Cháu là ai? - ông hỏi,
Đứng sững sờ, rồi ông
Giơ tay làm dấu thánh,
Quỳ trước Chúa Hài Đồng.

Chúa mỉm cười rồi nói:
Xưa, cũng ở vườn này
Con cho ta vui thích
Được đùa nghịch, hôm nay

Ta cho con được phép
Theo ta, cùng lên đường
Tới vườn ta tuyệt đẹp,
Khu vườn ở Thiên Đường.

4
Chiều hôm sau, lũ trẻ
Thấy ông khổng lồ già
Nằm chết dưới gốc mận,
Người ông phủ đầy hoa.


TỲ BÀ HÀNH

1.
Tư mã Bạch Cư Dị,
Một thi hào đời Đường,
Lần nọ, có công chuyện,
Đi qua bến Tầm Dương.

Đêm, gió thu lành lạnh,
Cây phong ngủ mơ màng.
Dưới trăng, lau xào xạc,
Dòng sông buồn mênh mang.

Chủ khách giờ ly biệt,
Nâng chén, lòng không say.
Đứng trên thuyền, tư lự,
Buồn cái buồn chia tay.

Bỗng nghe trên mặt nước,
Vang vọng tiếng tỳ bà.
Chủ không buồn quay lại,
Khách không muốn đi xa.

Tiếng đàn sao réo rắt,
Lúc đùng đục, lúc trong,
Lúc chậm, lúc dồn dập,
Nghe như xé cõi lòng.

Rồi tiếng đàn chợt tắt,
Người chơi đàn ngừng tay.
Lặng người, Bạch Cư Dị,
Muốn gặp con người này.

Gọi năm lần, bảy lượt,
Người chơi đàn mới ra.
Đó là một thiếu phụ,
Tay ôm chiếc tỳ bà.      

Buồn buồn, hơi bẽn lẽn,
Khép vạt áo, nàng ngồi,
Lên dây đàn nhè nhè,
Ngừng một giây, và rồi

Hơi ngẩng đầu chút ít,
Hơi nhiu nhíu đôi mày,
Bằng một động tác múa,
Nàng khẽ chạm vào dây.

Cả không gian chìm lắng
Trong tiếng nhạc êm đềm.    
Lúc như dông, như bão,
Lúc mưa phùn ban đêm.

Như châu rơi mâm ngọc,
Như long lanh giọt sương,
Lục Yêu là bài trước,
Sau đến bài Nghê Thường.   

Tiếng nhỏ to xen kẽ,
Rào rào rồi tỉ tê,
Nghe có tiếng oanh hót,
Tiếng nước chảy dưới khe,

Tiếng gươm đao loảng xoảng,
Tiếng ngựa hý chiến trường,
Tiếng phòng the lụa xé,
Tiếng thầm thì yêu thương...

Chợt đàn dừng, bài hết.
Bạch Cư Dị ôm đầu,
Choáng váng vì bản nhạc,
Âm vang lâu, rất lâu.

Bốn xung quanh im lặng,
Mọi người ngồi bần thần.
Bên ngoài, sông bàng bạc,
Ánh trăng thu trắng ngần.

Người chơi đàn lặng lẽ
Cài que đàn vào dây.
Sửa vạt áo, đứng dậy,
Khẽ cúi chào, chắp tay:

2.
 “Là gái kinh kỳ gốc,
Thiếp đến tuổi mười ba
Đã thông thạo các ngón        
Trong nghề chơi tỳ bà.

Thường được xếp thứ nhất
Trong ban hát giáo phường.
Đàn hay, nhiều kẻ phục,
Nhan sắc, lắm người thương.

Hát xong, luôn được thưởng
Cơ man nào là quà.
Dân chơi Ngũ Lăng đến,
Nghe, tặng nhiều lụa là.

Gõ nhịp, cành trâm gãy,
Rượu đổ, áo quần hoen.
Đời dễ dàng, vui vẻ,
Nhiều khi cũng có tiền.

Rồi bỗng dì thiếp chết,
Em đi lính quan san.
Tháng năm trôi, lặng lẽ
Nhan sắc thiếp phai tàn.

Về già, thiếp làm vợ
Một người lái buôn xa.
Chồng thiếp lo kiếm lợi,
Chẳng mấy lúc ở nhà.

Cả tháng nay chồng thiếp
Buôn chè ở Phù Lương,
Để mình thiếp vò võ
Bến sông này mù sương.

Lúc nãy buồn, ứa lệ,
Mới chồn tay, cầm đàn,
Thương một thời son trẻ,
Một thời nay đã tàn...”

3
Thi hào Bạch Cư Dị,
Trầm tư, im lặng ngồi.
Bùi ngùi lúc nghe nhạc,
Giờ bùi ngùi gấp đôi.

Một kỹ nữ bạc mệnh,
Cay đắng kiếp má hồng.
Như đời ông trôi nổi,
Đầy vất vả, long đong.

Xứ Tầm Dương lạnh lẽo,
Ông bị bệnh, nằm dài.
Chỉ tiếng quyên rỉ máu,
Tiếng vượn hót bi ai.

Đất Bồn Thành ẩm thấp,
Phải uống rượu một mình.
Không bạn, không tiếng nhạc,
Trăng kém phần lung linh.

Thế mà giờ bất chợt,
Được nghe nàng chơi đàn,
Những tiếng lòng ai oán
Của một kiếp hồng nhan.

Thi hào Bạch Cư Dị,
Quan tư mã Giang Châu,
Giật mình thấy vạt áo
Đẫm những giọt lệ sầu...


Ô SÀO THIỀN SƯ VÀ
QUAN THỊ LANG BẠCH CƯ DỊ
                  
1
Ở đời Đường, Trung Quốc
Có thiền sư Ô Sào.
Ô sào là tổ quạ,
Tít trên ngọn cây cao.

Người ta gọi ông thế
Vì bà mẹ sinh ông,
Thấy dị dạng, xấu xí,
Không muốn bế và lòng.

Mà đặt vào tổ quạ
Trên cây đại thụ già
Ngay trước ngôi chùa cổ
Có cây cối xùm xòa.

Ông lớn lên ở đấy.
Đêm, nó là giường nằm.
Và ông thấy thoải mái
Sống thế suốt nhiều năm.

Sau đi tu, đắc đạo,
Ông lại leo trên cây,
Kê chiếc ván đủ rộng
Ngồi định thiền suốt ngày.     

Có một ông quan lớn,
Cũng là một thi hào,
Đó là Bạch Cư Dị,
Đi ngang nhà Ô Sào.

Vốn không thích những kẻ
Yếm thế, trốn cuộc đời,
Thị lang Bạch Cư Dị
Nói, ngửa mặt lên trời:

“Phải chăng đất thiếu chỗ,
Mà phải leo lên cây?
Vừa nguy hiểm vừa chối.
Khéo không ngã có ngày.”

Ô Sào thiền sư đáp:
“Bẩm quan, chỗ của tôi
An toàn và chắc chắn
Hơn chỗ quan đang ngồi.”

“Kiệu tôi rộng, thoải mái, -
Bạch Cư Dị hỏi ông. -
Tôi thấy nó chắc chắn.
Sao ông bảo là không?”

“Bẩm quan, là quan lớn,
Quan chỉ dưới mấy người
Nhưng trên cả trăm họ
Như quan biết, thói đời

Trên yêu thì dưới ghét,
Được vua thì mất dân.
Thành ra quan ở giữa
Khó lòng mà yên thân.

Chỗ của quan là thế -
Kê trên lưỡi người đời.
Hỏi làm sao chắc chắn
Bằng cây này của tôi?”

Bạch Cư Dị im lặng,
Ngồi cúi đầu nghĩ suy.
“Xin thầy cho tôi biết
Lời Phật dạy là gì?”

“Phật dạy: Không làm ác.
Chỉ được làm điều lành
Và thường xuyên thanh lọc
Ý nghĩa và lòng mình.”

“Điều ấy thì con trẻ
Lên ba đã thuộc lòng.”
“Thưa, hỏi ngài, người lớn,
Có luôn làm được không?”   

2
Ông quan nhà thơ ấy,
Giàu có và thanh cao,
Nghe nói sau dâng lễ
Làm đệ tử Ô Sào.         


BÊ-THÔ-VEN VÀ BẢN SONATE “ÁNH TRĂNG”          

1
Một đêm trăng rất sáng,
Êm dịu đến ngỡ ngàng.
Dòng sông Ranh trải rộng,
Mênh mang càng mênh mang.

Con đường cây rợp lá
Từ Nhà Thờ Đức Bà
Thoai thoải theo sườn dốc
Ra cánh đồng đầy hoa.

Hoa đang kỳ nở rộ,
Nhưng hoa chỉ một màu,
Dưới ánh trăng trắng sữa,
Mọi màu thành nâu nâu.       

Xung quanh thật yên tĩnh,
Dế cũng ngừng tỉ ti.
Chỉ tiếng cối xay gió
Xa xa đang rầm rì.

Có một người thong thả
Dạo trên con đường này.
Áo đuôi tôm, mũ đứng,
Chiếc ba-toong cầm tay.

Đầu ngẩng cao, ngực ưỡn,
Vẫn dáng điệu thân quen,
Ai gặp cũng cúi thấp:
“Chào Ngài Bê-thô-ven!”

Bê-thô-ven đi dạo,
Vào một giờ, hàng ngày
Trên con đường quen thuộc,
Nhưng hơi khác hôm nay.

Hôm nay ông đang bực
Với Na-pô-lê-ông,
Vì hắn xưng hoàng đế,
Hệt như lũ Buốc-bông. 

Ông đã viết tặng hắn
Một bản giao hưởng dài,
Vì nghĩ hắn dân chủ,
Vĩ đại và có tài.

Thế mà con người ấy
Cũng thuộc loại tầm thường.
Ông đã xé đề tựa
Mà không chút xót thương.

Vì vậy ông dạo muộn,
Đầu ngẩng cao, càng cao.
Càng coi thường vua chúa,
Về mình càng tự hào.

2
Trong ngôi nhà gần đấy
Có một ông già mù.
Suốt đời mù, tội nghiệp,
Ông là một thầy tu.

Giờ sắp về với Chúa,
Ông mãn nguyện mọi điều,
Thậm chí mong sớm ngả
Vào lòng Chúa thân yêu.

Đêm nay đẹp, nghe nói
Lại có trăng và sao.
Ừ, trăng là gì nhỉ?
Ông chưa thấy lần nào.

Trước khi về với Chúa,
Đi vào cõi vĩnh hằng,
Tự nhiên ông rất muốn
Được một lần thấy trăng.      

Vâng, muốn thấy trăng sáng,
Nhưng ông lại bị mù.
Cha linh mục ngồi cạnh,
Lặng nhìn ông thầy tu...

3
Bê-thô-ven vĩ đại
Được dẫn vào ngôi nhà.
Cúi rất thấp, ngả mũ,
Ông chào hai ông già.

Rồi đường bệ, lặng lẽ
Bỏ chiếc gậy đang cầm,
Ông gạt áo, ngồi xuống
Trước cây đàn dương cầm.

Những nốt nhạc êm dịu
Lơ lửng trong căn phòng.
Những nốt nhạc thần thánh
Lúc đùng đục, lúc trong.

Đều đều và thong thả,
Lướt nhanh hay dừng lâu,
Mờ mờ và le lói
Những nốt nhạc có màu.

Đó là màu bàng bạc
Của một đêm trăng hè,
Của con đường rợp lá
Khi dế ngừng tỉ tê.

Con đường ông vừa dạo
Từ nhà thờ Đức Bà,
Theo sườn dốc thoai thoải
Ra cánh đồng đầy hoa.

Một đêm trăng tuyệt đẹp
Không thể nói nên lời,
Không cảm nhận bằng mắt
Mà bằng trái tim người.

Ánh trăng vẫn đọng lại
Trong căn phòng mờ mờ,
Cả khi tiếng nhạc tắt,
Ngân mãi như nốt chờ.

Bêthôven đứng dậy,
Lại cúi chào chủ nhà.
Ồng thầy tu hấp hối
Mở đôi mắt mù lòa.

“Ông là ai?” ông hỏi.
“Một công dân thành Bon.”
“Trái tim ông nhân hậu,
Ngón tay ông có hồn.

Vậy là tôi mãn nguyện,
Trước khi lên vĩnh hằng,
Lần đầu và lần cuối,
Tôi nhìn thấy ánh trăng.

Cảm ơn, tôi hạnh phúc.
Lần nữa cảm ơn ông...”
Đôi mắt mù lại nhắm.
Trăng vẫn sáng trong phòng.

Ông thầy tu tắt thở,
Ánh trăng dính khắp người.
Nét mặt ông thanh thản,
Hình như ông mỉm cười.

Ông chết, không hề biết
Người ông vừa cầm tay
Là nhạc sĩ vĩ đại,
Vĩ đại nhất đời này.

Ông không biết con cháu,
Mời nhạc sĩ vào nhà
Để giúp làm mãn nguyện
Một người cha mù lòa.

Ông cũng không hề biết
Người chơi đàn ông nghe
Từ lâu đã bị điếc,
Một số phận nặng nề.

3
Nhạc sĩ lại đi dạo,
Thấy vui vui trong lòng.
Ông quên bản giao hưởng,
Quên Na-pô-lê-ông.

Ông chỉ thấy trăng đẹp,
Đẹp cả trong ngôi nhà
Nơi ông vừa giúp đỡ
Một thầy tu mù lòa.

Theo ông, bản nhạc ấy
Đã lên chốn vĩnh hằng.
Sau trở thành chương một
Bản Sô-nat “Ánh Trăng”.


NÀNG BẠCH TUYẾT VÀ BẢY CHÚ LÙN

1
Có bà hoàng hậu nọ
Một buổi chiều mùa đông,
Ngồi khâu bên cửa sổ,
Tuyết rơi trắng ngoài đồng.

Vì mải nhìn tuyết trắng,
Bà đâm kim phải tay,
Để ba giọt máu đỏ
Rơi lên lớp tuyết dày.

Bất chợt, bà thầm nghĩ:
“Ước gì trời cho mình
Sinh được cô con gái
Bé nhỏ và thật xinh.

Da nó trắng như tuyết, 
Mái tóc dài, thật đen,
Môi đỏ như giọt máu,
Một cô bé dịu hiền.”

Chắc trời nghe lời ước:
Chưa đầy một năm sau
Bà sinh cô con gái
Đúng như lời nguyện cầu.     

Bà đặt tên Bạch Tuyết.
Nhưng cô vừa mới sinh
Thì hoàng hậu ốm, chết,
Để cô lại một mình.

Bố cô thương cô lắm,
Thế mà một năm sau
Đã lấy bà vợ khác,
Nói là để giải sầu.

Nhỏ nhen và độc ác,
Mụ vợ mới rất xinh,
Suốt ngày nơm nớp sợ
Người khác xinh hơn mình.

Mụ có chiếc gương nhỏ,
Nhưng là loại gương thần.
Nó chỉ nói sự thật,
Là vật bất ly thân.

Một hôm mụ hỏi nó:
“Này gương, nói ta hay,
Có phải ta, hoàng hậu,
Xinh đẹp nhất đời này?”

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Người đẹp nhất là bà!”
Mụ nghe, rất thích thú,
Kiêu càng kiêu gấp ba.

Trong khi đó, Bạch Tuyết
Càng lớn lại càng xinh.
Đến năm mười ba tuổi,
Đẹp nghiêng nước, nghiêng thành.

Mụ cầm gương, lại hỏi:
“Này gương, nói ta hay,
Có phải ta, hoàng hậu,
Xinh đẹp nhất đời này?”

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Trước đẹp nhất là bà,
Giờ so với Bạch Tuyết,
Nhan sắc bà thua xa!” 

Mụ nghe gương nói thế,
Liền tái mặt vì ghen.
Từ đấy, thấy Bạch Tuyết,
Mụ giận, tưởng phát điên.     

Ngày một thêm kiêu ngạo
Và đố kỵ, mụ ta,
Một hôm bèn cho gọi
Ông lão thợ săn già:

“Ngươi phải đem Bạch Tuyết
Vào sâu trong rừng dày,
Giết chết và sau đấy
Mang gan nó về đây!” 

Vốn thương người, ông lão
Không đang tâm giết nàng.
Để lừa mụ hoàng hậu,
Ông giết một con mang.

“Thật đáng đời cho nó!”
Mụ kêu lên vui mừng,
Rồi ngấu nghiến ăn hết
Lá gan con thú rừng.

2
Lại nói nàng Bạch Tuyết,
Một mình giữa rừng cây,
Nàng sợ, nhưng không biết
Phải làm gì lúc này.     

Thật lạ là thú dữ
Không hề làm hại nàng.
Cao trên đầu chim hót,
Dưới chân ngập lá vàng.

Nàng cứ đi đi mãi,
Cho đến khi bất ngờ
Thấy một ngôi nhà lá
Bé nhỏ và đơn sơ.

Đi nhiều nên đói, mệt,
Mà cũng đã tối trời,
Nàng quyết định dừng lại,
Xin vào nhà nghỉ ngơi.

Có một điều thú vị:
Mọi cái trong nhà này
Sạch sẽ và bé tí,
Trông thật xinh, thật hay.

Trên chiếc bàn bằng gỗ
Có bảy chiếc đĩa con,
Bảy khăn ăn, bảy bát,
Bảy chiếc thìa tí hon.

Kê sát vách, nàng thấy
Có đúng bảy chiếc giường,
Phủ vải trắng như tuyết,
Sạch sẽ và dễ thương.  

Nàng ngồi xuống bàn gỗ,
Bắt đầu uống và ăn,
Nhưng mỗi đĩa một tí,
Không muốn ai mất phần.

Rồi mệt, nàng buồn ngủ.
Giường cái thiếu, cái thừa,
Thử đến chiếc thứ bảy,
Nàng mới thấy thật vừa.

Chủ nhà ấy, tối mịt
Mới về, còn lấm bùn,
Họ làm việc ở mỏ.
Đó là bảy chú lùn.

Ngay lập tức các chú
Thấy có điều khác thường:
“Ai ăn vơi đĩa xúp?”
“Ai làm nhăn vải giường?”

“Ai đã uống cốc rượu?”
“Ai tưới nước cho hoa?”
Họ thắp bảy ngọn nến,
Rồi đi tìm khắp nhà.

Khi thấy nàng Bạch Tuyết,
Bảy chú đứng lặng người -
Một cô gái bé nhỏ,
Thật xinh và thật tươi.

Họ để nàng ngủ tiếp.
Giờ bảy chú sáu giường,
Đành luân phiên nhau ngủ,
Các chú lùn dễ thương.

Sáng hôm sau, tỉnh dậy,
Bạch Tuyết sợ hết hồn 
Khi bất ngờ chợt thấy
Bảy con người tí hon.

Họ ra hiệu đừng sợ,
Hỏi điều nọ, điều này.
Nàng bình tĩnh kể chuyện
Vì sao nàng tới đây.

Họ mời nàng ở lại
Trông nom việc trong nhà,
Lo nấu ăn, giặt dũ,
Trồng rau và tưới hoa.

Thế là nàng Bạch Tuyết
Tìm được nơi nương thân
Với những người bạn mới,
Rất chu đáo, ân cần.

Bảy chú lùn ngoài mỏ
Đến chiều tối mới về.
Nàng nấu sẵn cơm nước,
Lo chu tất mọi bề.

3
Mụ hoàng hậu độc ác
Nghĩ Bạch Tuyết không còn,
Nên mụ là đẹp nhất,
Không người nào đẹp hơn.

Mụ cầm gương, cười hỏi:
“Này gương, nói ta hay,
Có phải ta, hoàng hậu,
Xinh đẹp nhất đời này?”

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Trước đẹp nhất là bà,
Giờ so với Bạch Tuyết,
Nhan sắc bà thua xa!

Nàng Bạch Tuyết còn sống,
Ở với bảy chú lùn,
Trong ngôi nhà bé nhỏ
Sâu trong rừng gỗ mun!”

Vì gương không nói dối,
Nên mụ biết lão già
Đã không giết Bạch Tuyết,
Chắc thương tình mà tha.

Mụ lồng lên tức giận,
Tìm cách hãm hại nàng.
Cuối cùng nghĩ được kế:
Mụ giả vờ cải trang

Thành bà lão ốm yếu
Chuyên đi bán hàng rong.
Mụ vượt rừng, lội suối,
Đi sâu mãi vào trong.

Khi thấy ngôi nhà nhỏ,
Mụ cất tiếng rao hàng:
“Lão có nhiều hàng quí,
Nhiều áo xanh, áo vàng...”

Thấy bà lão tử tế,
Bạch Tuyết cho vào nhà.
Nàng mua chiếc áo chẽn
May rất đẹp, bằng da.

Vờ giúp nàng mặc áo,
Cúc hàng cúc phía sau,
Mụ lấy sợi dây nhỏ
Xiết cổ nàng thật lâu.

Nàng Bạch Tuyết tắt thở,
Ngã khuỵu xuống sàn nhà.
Mụ thét lên sung sướng:
“Giờ đẹp nhất là ta!”   

Bảy chú lùn hoảng sợ
Khi nhìn thấy cảnh này.
Họ đỡ nàng ngồi dậy,
Rồi nới lỏng sợi dây.

Cuối cùng nàng tỉnh lại
Kể hết mọi sự tình.
Các chú dặn cẩn thận
Khi ở nhà một mình.    

Và rằng mụ còn đến,
Không mở cửa cho vào,
Không mua bán, đổi chác,
Không nói một lời nào.

Mụ hoàng hậu sung sướng
Khi quay về đến nhà,
Cầm chiếc gương, mụ hỏi:
“Giờ ai đẹp bằng ta?”

Chiếc gương thần lại nói
Nàng Bạch Tuyết đẹp hơn.
“A, con bé còn sống.
Để rồi xem, liệu hồn!”

Rồi mụ lấy quả táo
Tiêm thuốc độc vào trong.
Chỉ nửa đỏ có độc,
Còn nửa xanh thì không.

Mụ cải trang lần nữa
Thành một bà nông dân,
Vượt qua bảy ngọn núi,
Đến được nơi mụ cần.

Mụ gõ cửa, Bạch Tuyết
Liền hỏi:”Bà cần gì?
Tôi sẽ không mở cửa.
Xin mời bà đi đi!”

“Ừ, thì đi,” mụ nói,
“Nhưng mẹ muốn mời con
Cùng ăn chung quả táo,
Nó rất đẹp, rất dòn.”

Mụ bổ đôi quả táo,
Ăn nửa quả màu xanh,
Nửa kia đưa Bạch Tuyết,
Hồng tươi, thật ngon lành.

Tưởng không có thuốc độc,
Nàng ăn và chết liền.
Mụ hoàng hậu độc ác
Vui mừng, kêu như điên:

“Giờ thì thôi, chết hẳn.
Những thằng lùn của mày
Dù có cố đến mấy,
Cũng bó tay lần này!”  

Về nhà, mụ lại hỏi:
“Này gương, nói ta hay,
Có phải ta, hoàng hậu,
Xinh đẹp nhất đời này?”

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Người đẹp nhất là bà!”
Mụ rên lên sung sướng:
“Người đẹp nhất là ta!”         

Bảy chú lùn tối ấy,
Cố tìm cách cứu nàng,
Nhưng cứu mãi không được.
Họ đồng thanh khóc vang.

Khóc ba ngày ròng rã,
Rồi họ định đem chôn,
Nhưng thấy nàng tươi, đẹp
Như người sống, có hồn.

Họ đặt nàng Bạch Tuyết
Vào quan tài thủy tinh.
Trông nàng như đang ngủ,
Vô lo và thanh bình.

Họ còn cho khắc chữ,
Những con chữ bằng vàng,
Lên quan tài trong suốt,
Ghi rõ họ tên nàng.

Rồi họ đưa lên núi,
Đặt dưới tán cây xanh.
Các chú lùn lặng lẽ
Luân phiên nhau đứng canh.

Tất cả các loại vật
Cũng đến viếng thăm nàng.
Từ gấu, hổ, sư tử
Đến chim câu, đại bàng...

Thật lạ, nàng đã chết,
Mà sắc mặt vẫn tươi,
Môi đỏ, da như tuyết...
Hình như nàng đang cười.

4
Một hoàng tử nước nọ
Đi săn trong rừng mun,
Lạc đường, xin ghé nghỉ
Nhà của bảy chú lùn.

Chàng ngạc nhiên khi thấy
Chiếc quan tài thủy tinh,       
Có công chúa đang ngủ,
Nét mặt rất tươi xinh.

Dẫu biết nàng đã chết,
Nhưng hoàng tử yêu nàng,
Và muốn bằng mọi giá
Đưa nàng về nước chàng.

Thấy chàng yêu thực sự,
Bảy chú lùn cuối cùng
Đồng ý cho hoàng tử
Đưa Bạch Tuyết về cung.

Chàng liền cho thị vệ
Khiêng quan tài đi ngay.
Họ khiêng rất cẩn thận,
Nhưng vấp phải rễ cây,

Chiếc quan tài bị xóc,
Còn Bạch Tuyết bên trong
Đầu dựng lên, lắc mạnh,
Nôn ra miếng táo hồng.

Lập tức nàng sống lại,
Hỏi mình đang ở đâu.
Chàng hoàng tử vui sướng
Kể mọi chuyện từ đầu.

Rồi đúng kiểu hoàng tử,
Chàng đã cầu hôn nàng.
Rồi xe đón Bạch Tuyết
Về vương quốc của chàng.

Tiếp đến là lễ cưới,
Vui mọi nhà, mọi nơi.
Mụ hoàng hậu độc ác
Tất nhiên cũng được mời.

Mụ ăn mặc lộng lẫy.
Trước khi đi khỏi nhà,
Mụ hỏi gương: “Có phải
Đẹp nhất vẫn là ta?”    

Gương đáp: “Thưa hoàng hậu,
Trước đẹp nhất là bà,
Giờ so với Bạch Tuyết,
Nhan sắc bà thua xa!” 
         
Mụ định không đi nữa,
Hết khóc lại thở dài,
Cuối cùng vẫn tới dự,
Xem cô dâu là ai.

Khi nhìn thấy Bạch Tuyết,
Mụ ngất, ngã xuống sàn.
Còn trái tim độc ác,
Uất ức mà vỡ tan.

Thế là hết đời mụ.
Đúng một mụ đàn bà,
Cứ thích thành đẹp nhất,
Gian xảo và xấu xa.


CÔ BÉ LỌ LEM

1
Ngày xưa, có người nọ,
Không may vợ qua đời.
Ông lấy thêm vợ nữa,
Cũng là hợp ý trời.

Ông có cô con gái.
Vợ có hai, và rồi,
Lại cái bi kịch cũ
Chuyện con bà, con tôi.

Đúng tinh thần cổ tích,
Bà mẹ kế rất gian.
Con riêng bố vất vả.
Con của vợ an nhàn.

Cái cô vất vả ấy,
Tức con riêng của chồng,
Tên Lọ Lem, nhỏ bé,
Luôn trăm việc nghìn công.

Lọ Lem tức là bẩn,
Vì cô phải hàng ngày
Hý húi nấu trong bếp,
Nên tro bụi bám đầy.

Một hôm bố đi chợ,
Hỏi các con muốn gì
Để bố còn mua tặng.
Đừng ngại ngần, nói đi.

Hai cô con bà kế
Đòi mua áo lụa mềm.
Ông bố quay sang hỏi:
“Con muốn gì, Lọ Lem?”

“Trên đường về, thưa bố,
Có cành cây nào non
Vô tình vướng mũ bố,
Hãy bẻ về cho con.”

Đi chợ về, quả thật,
Có cành dẻ xùm xòa,
Vướng, làm ông rơi mũ,
Ông bẻ, đem về nhà.

Lọ Lem vuốt ve nó
Rồi quyết định đem trồng
Ngay bên cạnh mộ mẹ,
Nước mắt chảy dòng dòng.

Được tưới đẫm nước mắt,
Cây dẻ lớn rất nhanh,
Thấm thoắt nó đã lớn
Thành cây to, nhiều cành.

Lọ Lem đến thăm nó
Mỗi ngày đúng ba lần.
Cô và nó quyến luyến
Như hai người bạn thân.

Mỗi lần đến, cô thấy
Có con chim trên cây.
Cô muốn gì, hỏi nó,
Nó liền vứt xuống ngay.

2
Năm ấy vua mở hội
Kéo dài suốt ba ngày,
Để hoàng tử kén vợ,
Một dịp hiếm xưa nay.

Hai cô con bà kế
Lo chuẩn bị từ lâu,
Bắt Lọ Lem giặt áo,
Đánh giày và chải đầu.

Đàn bà ai cũng muốn
Lấy hoàng tử làm chồng.
Cô Lọ Lem cũng vậy,
Dù giày không, áo không.

Hơn thế bà mẹ kế
Còn trộn đỗ với ngô
Bắt phải nhặt kỳ hết,
Mới cho lên kinh đô.

Ừ, phải nhặt thì nhặt.
Lọ Lem đi ra đồng,
Mời bầy chim đến giúp,
Chỉ một loáng là xong.

Giống như xưa cô Tấm
Nhặt thóc, phải nhờ chim.
Giống cả giày bị mất,
Hoàng tử phải đi tìm.

Hai cô con mẹ kế
Diện ngất trời, lên kinh,
Nghĩ Lọ Lem đang khóc,
Phải ở nhà một mình.

Lọ Lem ra mộ mẹ,
Nói với chim, và nàng
Ngay lập tức có được
Bộ váy thêu chỉ vàng,

Đôi giày thêu chỉ bạc,
Một cỗ xe, vân vân,
Nghĩa là đủ tất cả
Những thứ gì nàng cần.

Rồi nàng đến dự hội
Trước con mắt ngỡ ngàng
Của hàng nghìn đối thủ,
Trong đó có chị nàng.  

Chúng không thể ngờ được
Đó lại là em mình,
Cô Lọ Lem lem luốc
Vừa nhìn đã thấy kinh.

Hoàng tử thì khỏi nói,
Chàng mê nàng tức thì.
Chàng mời nàng nhảy mãi,
Bám chặt từng bước đi.

Rồi đêm khuya, từ biệt.
Hoàng tử buồn, thở dài.
Vì chàng rất muốn biết
Cô gái này là ai.

Nàng không cho chàng tiễn.
Vội lên xe, đi liền.
Hoàng tử nhìn theo mãi,
Không hiểu người hay tiên.

Đêm thứ hai dự hội,
Nàng quả thật xinh tươi.
Áo quần đẹp hơn trước,
Ai nhìn cũng ngẩn người.                

Chàng hoàng tử lần nữa
Không chịu nhảy với ai,
Ngoài cô gái bí ẩn.
Và chàng lại thở dài.

Lần nữa chàng để hụt,
Không biết nàng đi đâu.
Chàng đang yêu, dễ hiểu
Vì sao luôn buồn rầu.   

Đêm thứ ba, cây dẻ
Và con chim cho nàng
Quần áo và giày dép,
Tất cả đều bằng vàng.

Khỏi nói nàng xinh đẹp
Và ấn tượng thế nào.
Chỉ nói nàng huyền bí,
Lấp lánh tựa vì sao.

Hoàng tử vẫn chưa biết
Cô gái bí ẩn này.
Và ôm đầu, tự hỏi
Nàng từ đâu đến đây.

Chàng nghĩ được một kế,
Là khi chia tay nàng,
Chàng lén đổ nhựa đặc
Lên các bậc cầu thang.

Vậy là do vội vã
Ra về trước bình minh,
Nàng Lọ Lem để lại
Một chiếc giày của mình.

Chiếc giày ấy thật đẹp,
Rất nhỏ và bằng vàng.
Ai chân đi vừa nó
Sẽ thành vợ của chàng.

3
Đích thân chàng vất vả
Không quản ngại đêm ngày,
Đi khắp nơi trong nước,
Mời mọi người thử giày.        

Nhưng than ôi, người thử
Có đến cả vạn người,
Mà chẳng ai vừa cả.
Nhiều khi thật buồn cười.

Cuối cùng chàng tìm đến
Ngôi nhà nàng Lọ Lem.
Hai cô con bà kế,
Trông thấy giày mà thèm.

Cô lớn đi vừa gót,
Nhưng lại thừa ngón chân.
“Chặt đi! - bà mẹ nói. -
Ngón làm gì? Không cần!

Khi con là hoàng hậu,
Đi xe ngựa hoặc lừa,
Chứ đâu phải đi bộ,
Nên có ngón là thừa.”

Cô kia nghe, hăng hái,
Liền lấy dao cắt ngay,
Nên dù rất đau đớn,
Cô đi vừa chiếc giày.

Cô ra mắt hoàng tử.
Hoàng tử phải giữ lời,
Đưa cô về làm vợ,
Dở khóc và dở cười.

Khi đi ngang cây dẻ,
Có con chim trên cây
Bay đến xe hoàng tử,
Lên tiếng hát thế này:

“Chân dài, phải chặt ngón.
Máu trên chân cô ta.
Trong khi cô dâu thật
Đang nấu ăn ở nhà!”

Hoàng tử trả cô chị.
Đến lượt cô thứ hai.
Cô ta thử, thật tiếc,
Lần nữa, chân quá dài.

“Dài thì con cắt gót! -
Bà mẹ nói như không. -
Một khi con đã muốn
Lấy hoàng tử làm chồng!”

Cô ta cắt gót thật,
Nhưng lần nữa dọc đường
Hoàng tử đem trả lại.
Nhìn cô khóc mà thương.

Lần này hoàng tử hỏi:
“Còn cô nào nữa không?”
Ông bố đáp: “Dạ có.
Nhưng đừng thử, mất công.  

Nó là đứa bé nhỏ,
Phải làm lụng suốt ngày,
Mặt mũi lại lem luốc...”
“Đưa cô ta ra đây!”

Nàng Lọ Lem rốt cục
Được mời ra thử giày.
Tất nhiên, chân nàng nhỏ,
Mới thử đã vừa ngay.

Mặt mũi vừa mới rửa
Nên trông nàng thật xinh.     
Hoàng tử nhìn, chết lặng.
“Đây mới là vợ mình!”

Đây, cô gái bí ẩn
Chàng tìm kiếm ngày đêm.
Xinh đẹp, thật xinh đẹp,
Ôi cô bé Lọ Lem!

Rồi lập tức, xe ngựa
Đưa nàng lên kinh thành.
Con chim trên cây dẻ
Tiễn nàng, bay xung quanh.

Tiếp đến là lễ cưới
Thật linh đình, và rồi
Một thời gian, vua chết
Chàng hoàng tử lên ngôi.      

Cả vua và hoàng hậu
Không quên chuyện chiếc giày.
Nghe nói họ hạnh phúc
Mãi đến tận ngày nay.

Còn mẹ con bà kế
Sau đấy vẫn bình thường,
Không bị ai trừng phạt,
Rồi chết, chẳng ai thương.


THẰNG HÈN VĨ ĐẠI

1
Câu chuyện này có thật,
Mà lại chuyện ngày nay,
Được nhiều người biết đến.
Đại khái chuyện thế này.

Có một nhà toán học
Trẻ tuổi và thông minh,
Tiếc rằng chàng nghèo quá
Nên đã bị người tình

Bỏ rơi, theo người khác,
Theo một chàng sĩ quan.
Cuộc đời vốn vẫn vậy,
Chẳng có gì đáng bàn.

Một lần, hai chàng ấy
Cãi cọ rất gắt gay,
Rồi thách nhau đấu súng,
Hẹn sau hai mươi ngày.

Nhưng đời thật trái khoáy:
Trong hai mươi ngày sau,
Nhiều phương trình toán học
Bỗng xuất hiện trong đầu.

Chàng cắm cúi làm việc,
Chạy đua với thời gian,
Hết tính toán lại viết,
Không rời khỏi chiếc bàn.

Rồi hai mươi ngày hết,
Công trình vẫn chưa xong.
Một công trình vĩ đại,
Chàng ấp ủ trong lòng.

Thôi thì đành chịu nhục.
Phải hoàn tất công trình,
Chàng xin hủy cuộc đấu,
Và đã được người tình

Thẳng thừng ném vào mặt
Một chữ “Hèn” sỗ sàng.
Chữ “Hèn” nhục nhã ấy
Suýt đã giết chết chàng.

Nhưng chàng cố gượng dậy,
Bất chấp lời thị phi,
Lại làm việc, làm việc,
Ngoài ra không biết gì.

Cuối cùng, công trình ấy
Cũng được chàng viết xong,
Một công trình vĩ đại
Chàng thực sự hài lòng.

Chàng tắm rửa sạch sẽ,
Uống một cốc rượu vang,
Cầm khẩu súng thách đấu
Rồi bắn vào tim chàng.

2
“Bàn về toán vũ trụ”,
Công trình toán “dở hơi”,
Được in mấy trăm bản
Sau khi chàng qua đời.

Rồi thiên tài vật lý
Ein-stein, một ngày,
Trong cửa hàng sách cũ
Nhìn thấy công trình này.

Ông say mê đọc nó,
Quả có một không hai.
Chốc chốc ông ngả mũ
Như cúi chào thiên tài.

Đọc xong ông kinh ngạc,
Suýt nữa thì kêu lên,
Khi thấy chữ “Le Lâche”,
Tên tác giả - Thằng Hèn.      

Lát sau ông chữa lại
Thành “Lâche le Grand”,
Tức “Thằng Hèn Vĩ Đại.”
Cũng là một dạng hèn.

3
Câu chuyện chỉ có thế.
Chẳng biết viết thêm gì.
Mà cũng chẳng cần viết.
Ai nghĩ gì thì tùy.

Có cái sai trong đúng,
Có cái đúng trong sai.
Có những người nhỏ bé,
Có những bậc thiên tài.

Có cái hèn hèn thật,
Có cái hèn tạm thời.
Ừ, thì hèn cũng được,
Miễn có ích cho đời.


CUỐN SÁCH VÀ CHIẾC GIỎ ĐỰNG THAN 

Theo người ta kể lại,
Xưa có người đàn ông
Sống với một cậu bé
Trong ngôi nhà ven sông.

Đó là hai ông cháu.
Người ông tóc bạc phơ.
Cậu bé mới mười tuổi.
Quang cảnh đẹp, nên thơ.

Hàng ngày ông đọc sách.
Vâng, đọc sách hàng ngày.
Có nhiều cuốn sách cổ
Gáy bọc da, rất dày.

Còn cậu bé đi học,
Cũng hàng ngày, buổi chiều,
Khi làm xong bài tập,
Cậu chơi bóng, thả diều.

Cũng có hôm chơi chán,
Cậu đọc sách cùng ông,
Nhưng đọc không hứng lắm,
Và lúc hiểu, lúc không.

“Ông ơi, sao thế nhỉ, -
Cháu đọc thấy không hay,
Lại buồn ngủ, không hiểu.
Mà ông đọc suốt ngày.”

Ông mỉm cười bảo cậu
Lấy chiếc giỏ than đen
Vừa đổ than vào bếp,
Xuống sông xách nước lên.

Cậu vâng lời, rất cố,
Nhưng khi lên đến nơi,
Nước đã chảy ra hết.
Ông cậu lại mỉm cười:

“Thì cháu hãy thử lại.
Lần này đi nhanh hơn.”
Cậu đi gần như chạy,
Mà nước vẫn không còn.

Cậu xách thêm lần nữa,
Mồ hôi chảy thành dòng:
“Không thể dùng chiếc giỏ
Để lấy nước, thưa ông.”

Ông cậu đáp: “Đúng vậy.
Thực ra ông hôm nay
Không muốn cháu lấy nước,
Mà muốn nói điều này:

Giỏ không đựng được nước.
Nhưng giỏ bám than đen,
Sau mấy lần “lấy nước”
Sẽ sạch, trắng dần lên.

Cũng vậy, cháu đọc sách,
Khó hiểu, thấy không cần.
Nhưng cháu kiên trì đọc,
Đầu óc sẽ sáng dần.”

Cậu bé nhìn chiếc giỏ,
Hình như lần đầu tiên,
Thấy nó được nước rửa
Không còn bám bụi đen.

Vâng, ông già nói thế,
Rằng đọc sách rất cần
Tâm hồn và ý nghĩ
Sẽ thanh lọc dần dần.

Còn tôi thì nhân tiện
Xin nói thêm một điều:
Tương tự, nhạc cổ điển
Cũng giúp ta rất nhiều.

Nghe nó, từng tí một,
Như đọc sách hàng ngày,
Ta trở thành người tốt
Tự lúc nào không hay.

Nó làm ta tinh tế,
Thấy cái đẹp của đời,
Nghe bài ca của gió,
Thấm cái đau của người.


CHUYỆN LƯƠNG HỒNG, MẠNH QUANG

Xưa, vào thời Hậu Hán
Ở vùng đất Giang Đông
Có một chàng trai trẻ
Là hàn sĩ Lương Hồng.

Chàng đẹp trai nho nhã,
Luôn giữ đạo thanh bần,
Lại chuyên tâm học tập
Nên nổi tiếng xa gần.   

Cạnh đấy có cô gái
Tên là nàng Mạnh Quang,
Con một nhà giàu có,
Rất lắm bạc, nhiều vàng.       

Phục tài và phục đức
Của hàn sĩ Dương Hồng,
Nàng bỏ bao nhiêu mối
Để lấy chàng làm chồng.

Vì nhà giàu, hôm cưới,
Vốn xinh đẹp ngày thường,
Giờ lại càng lộng lẫy,
Nàng đeo toàn kim cương,

Mặc quần áo bằng lụa,
Lại đính ngọc, thêu vàng
Tất cả nàng trưng diện
Chỉ cốt đẹp lòng chàng.

Thế mà chàng, thật lạ,
Có vẻ không hài lòng,
Bảy ngày sau ngày cưới,
Không chịu lễ động phòng.

Mạnh Quang buồn, hẳn thế,
Và rất đỗi phân vân.
Cuối cùng có người mách
Phải thay đổi áo quần.

Thế là bộ áo đẹp
Được thay bằng vải thô,
Chiếc trâm ngọc nghìn lạng  
Thay bằng khăn cỏ bồ.

Lương Hồng ôm nàng nói:
“Đây mới là vợ ta!
Ta xuất thân nghèo khó,
Vợ không mặc lụa là.”

Từ đấy họ hạnh phúc,
Vui hưởng cảnh thanh bần.
Chàng vẫn là hàn sĩ,
Vợ thành bà nông dân...

*
Câu chuyện chỉ có thế, 
Trích Cổ Học Tinh Hoa.
Cũng có đôi bài học
Ta cần biết, đó là:

Một. Cô dâu ngày cưới
Không mặc đẹp, nếu không,
Chồng sẽ chê, sau đó
Không chịu lễ động phòng.

Hai. (Nhưng quan trọng nhất)
Tuyệt đối không được giàu.
Giàu là chồng nó bỏ.
Càng nghèo, càng yêu nhau.

Ba. Sinh viên cứ học,
Không thi, và cứ bần.
Có thế, vợ mới thích,
Vợ, một bà nông dân.

Còn bài học thứ bốn,
Tức phần thêm của tôi:
Trót giàu, nên gắng chịu,
Coi như sự đã rồi.


ĐẠO VỢ CHÔNG

Thời nhà Đường, Trung Quốc
Có một cặp vợ chồng.
Vợ họ Lư, Lư Thị,
Còn anh kia, họ Phòng.         

Họ yêu nhau rất mực,
Một tấm gương cho đời.
Lư Thị vốn nổi tiếng
Đẹp nết, đẹp cả người.

Chồng nàng mắc bệnh nặng,
Không hiểu mắc bệnh gì.
Một hôm nói với vợ:
“Có lẽ tôi sắp đi.

Tôi muốn sau khi chết,
Nàng còn trẻ, lại xinh,
Nên cần đi bước nữa,
Kẻo uổng phí đời mình.”

Lư Thị nghe, bèn khóc,
Rồi lặng lẽ vào phòng,
Tự khoét một con mắt,
Tỏ ý quyết thờ chồng.

Chồng nàng rất cảm động,
Không ngờ mấy tháng sau
Bệnh khỏi, thi, đỗ trạng,
Thành tể tướng, rất giàu.

Dẫu quyền y tột đỉnh,
Ông yêu vợ thực lòng.
Không hề lấy vợ lẽ,
Cả tì thiếp cũng không.

Đó là chuyện cực hiếm
Thời bấy giờ, cho nên
Không ít kẻ đồn đại
Rằng ông sợ bà ghen.

Chuyện đến tai hoàng đế,
Tức là Đường Thái Tôn.
Ngài bèn quyết định thử
Đúng hay sai lời đồn.

Ngài cho gọi bà tới
Bảo: “Chồng bà đã già,
Ta muốn ông được tặng
Một mỹ nhân của ta.”

Lư thị nghe: “Không được!
Vợ chồng con, xin tâu,
Nguyện suốt đời chung thủy,
Sống chết cùng có nhau!”

“Vậy thì ngươi sẽ chết!”
Hoàng đế quát. “Quân bay,
Hãy đưa chén thuốc độc.
Ngươi phải uống chén này!”

Rất thản nhiên, Lư Thị,
Cầm chén thuốc đen xì
(Thực ra thuốc độc giả),
Uống hết chẳng còn gì.

Hoàng đế nhìn, dướn mắt:
“Quả lời đồn không sai.
Ta có vợ như thế,
Cũng sợ, nói gì ai!”

*
Vậy là thêm truyện nữa
Từ Cổ Học Tinh Hoa,
Tôi chép, hầu các bạn,
Đẻ tham khảo gọi là.

Cuốn sách này có lệ
Mỗi truyện kèm lời bình,
Vậy cho tôi được phép
Cũng có lời của mình.

Tất nhiên ai cũng thích
Khi có vợ yêu chồng.
Nhưng yêu như Lã Thị,
Mọi người dám thích không?

Tôi thì dám, nhưng sợ
Do yêu quá, mà rồi,
Móc mắt mình chưa đủ,
Vợ còn móc mắt tôi.

Chưa nói chuyện, ngộ nhỡ,
Ngộ nhỡ thôi, sau này
Muốn có thêm vợ lẽ,
Vợ cả thế thì gay.

Cái thời Đường tốt nhỉ,
Quan đến lúc về già
Được vua ban gái đẹp.
Chẳng bù cho nước ta.

Ngoài lương hưu còm cõi,
Tuyệt đối không còn gì,
Vợ còn bắt nộp hết -
Tin hay không thì tùy.

Tóm lại, vợ thì xấu,
Không yêu chồng đã đành,
Còn vô cớ ghen ghét
Với mấy nàng trẻ ranh.

Còn nhiều điều muốn nói,
Nhưng mà thôi, thực tình,
Nói càng chán. Ai muốn,
Xin viết tiếp lời bình.


LƯƠNG SƠN BÁ, CHÚC ANH ĐÀI

Nhớ ngày xưa theo mẹ
Qua bên Kênh Nhà Lê
Xem vở chèo Lương Trúc,
Đoàn văn công mới về.

Một chuyện tình cảm động,
Có tích bên nước Tàu,
Lại lần đầu xem hát,
Thế mà nhớ rất lâu.
         
Nhớ cả việc trai gái
Ngồi chờ sẵn từ chiều,
Ngồi trên cây, dưới đất,
Trẻ thì nhiều, rất nhiều.

Giờ đã hai thứ tóc,
Tôi xin kể ra đây,
Ngắn gọn và giản dị,
Câu chuyện tình yêu này.      

Xưa có người con gái
Tên là Chúc Anh Đài,
Mười bảy tuổi, xinh đẹp,
Thông minh và đa tài.

Nàng rất ham hiểu biết,
Tiếc là thời bấy giờ
Phụ nữ không được học,
Không được bàn văn thơ.

Nàng xin phép bố mẹ,
Thay áo, thay kiểu đầu,
Cải trang thành nam giới,
Đến học ở Hàng Châu.

Dọc đường đi tới đó
Nàng đã gặp một người
Tên là Lương Sơn Bá,
Tuổi mười tám, đôi mươi.

Họ nhanh chóng kết bạn,
Rất ý hợp tâm đầu,
Ở cùng phòng, cùng lớp,
Lúc nào cũng bên nhau.

Vậy mà Lương Sơn Bá
Không biết Chúc Anh Đài, -
Dù ba năm chúng sống, -
Không phải là con trai.

Tự lúc nào không biết,
Chúc Anh Đài thầm mong,
Trộm nhớ Lương Sơn Bá,
Nhưng phải giấu trong lòng.

Cuối cùng, nàng phải nói
Có em gái giống nàng,
Tuổi đôi mươi, mười tám,
Đẹp, nết na, dịu dàng,

Và rằng nàng rất muốn
Lương Sơn Bá lấy em.
Chàng mỉm cười, đồng ý,
Hẹn có ngày đến xem.  

Chúc Anh Đài ngày nọ
Bỗng nhận được thư cha,
Bảo có việc quan trọng,
Phải nhanh chóng về nhà.

Về đến nơi thì biết
Nàng đã được gả chồng
Cho một nhà giàu có,
Thuộc vào hàng phú ông.      

Nàng dứt khoát không chịu, 
Nhưng gia đình ép nàng,
Nên phải xin xin hoãn
Đợi khi mùa thu sang.

Lương Sơn Bá mang lễ
Cầu hôn em bạn mình,
Dẫu chưa hề thấy mặt,
Nhưng chắc đẹp, thông minh.

Đến nơi chàng mới biết
Bạn không phải con trai,
Và người “em gái” ấy
Chính là Chúc Anh Đài.

Sau phút giây bỡ ngỡ,
Sẵn có lễ đi kèm,
Chàng định dùng lễ ấy
Cầu hôn chị, thay “em”.

Từ lâu chàng đã mến
“Anh bạn” học cùng phòng,
Nay càng vui khi biết
Có thể thành vợ chồng.

Nhưng niềm vui chưa trọn,
Chàng đã phải đau buồn
Khi nghe bạn mình kể
Chuyện gia đình ép hôn.

Chàng đau buồn đến mức
Ngay khi trở về nhà
Ngã bệnh và rồi chết,
Ôm mộng tình xót xa.

Nghe tin khủng khiếp ấy,
Anh Đài khóc rất lâu,
Rồi nói với bố mẹ
Đồng ý lên xe dâu,

Nhưng với một điều kiện:
Xe dâu phải đi ngang
Mộ của Lương Sơn Bá
Và dừng lại để nàng

Xuống thắp hương, cúng khấn
Và nói lời chia tay
Trước mồ Lương Sơn Bá.
Bố mẹ đồng ý ngay.

Vậy là vào ngày cưới,
Khi nàng dừng xe hoa
Khóc thương trước mộ bạn,
Trời bỗng nổi phong ba.

Rồi mưa to, chớp giật,
Mây kéo đến, và rồi
Một tiếng sấm thật lớn,
Ngôi mộ nứt làm đôi.

Chúc Anh Đài ngừng khóc,
Nhảy xuống mộ; lạ thay,
Trời bỗng nhiên tĩnh lặng,
Gió bụi cũng ngừng bay.

Như trong chuyện cổ tích,
Hoa nở khắp gần xa.
Rồi một đôi bướm đẹp
Từ trong mồ bay ra.

Bay lên rồi bay xuống
Giữa rừng hoa nhiều màu,
Đôi bướm của hạnh phúc,
Đôi bướm của buồn đau.

Câu chuyện tình Lương Chúc
Từ đấy được nhớ nhiều
Qua hình tượng đôi bướm
Đẫm nước mắt, tình yêu.


TRUYỆN NÀNG TÂY THI

Thời Xuân Thu Chiến Quốc
Có người đẹp Tây Thi,
Đẹp đến cá ngừng lượn,
Cây cỏ ngừng thầm thì.

Nàng vốn người nước Việt,
Sống bên núi Trữ La,
Sáng, ngồi sau khung cửi,
Chiều, nghe tiếng chim ca.

Mỗi lần ngồi giặt lụa,
Soi bóng xuống dòng sông,
Đôi má nàng ửng đỏ
Làm nước xanh ngả hồng.

Cuộc sống thật giản dị
Trôi bình thản, êm đềm
Cùng mây trời, sông nước,
Tưởng chẳng cần gì thêm.

Thế mà một ngày nọ,
Có người đến nhà nàng,
Đó là tướng Phạm Lãi,
Cũng một trăm nén vàng.

Nàng vĩnh biệt sông núi,
Nước mắt chảy rầu rầu,
Lên xe theo Phạm Lãi
Mà không biết về đâu.

Số là Việt Câu Tiễn
Sau khi thua nước Ngô,
Bây giờ đang nung nấu
Giành dật lại cơ đồ.

Nghe theo lời Vân Chủng
Thực hành kế mỹ nhân,
Vua Việt cho nha lại
Lùng sục khắp xa gần.

Chỉ trong vòng sáu tháng
Tìm được hai nghìn người,
Tây Thi là đẹp nhất,
Quả mười phân vẹn mười.

Sau ba năm được dạy
Tinh xảo các ngón trò,
Nàng được chính Phạm Lãi
Mang sang cúng vua Ngô.

Thế là chỉ một bước,
Từ cô gái hiền lành,
Nàng lạc vào thế giới
Các vương hầu, công khanh.

Dẫu sống nơi tháp ngọc,
Trong nhung gấm, lụa là
Nàng chạnh lòng khi nhớ
Bến đò sông Trữ La.

Bị Tây Thi mê hoặc,
Vua Phù Sai nước Ngô
Không chuyên tâm việc nước
Mà để mất cơ đồ.

Vậy là mỹ nhân kế
Của nước Việt thành công.
Nàng xin về quê cũ
Với núi và bến sông.

Thế mà người ta nỡ
Cho nàng vào chiếc bao
Rồi ném ùm xuống nước.
Chua xót, phũ phàng sao!

Chao, phũ phàng chua xót,
Bạc mệnh khách má hồng.
Ai gây nên điều ấy?
Đàn ông, chỉ đàn ông.

Một cô gái dệt vải
Lấy lại cả sơn hà.
Giờ thành mồi cho cá.
Thật cay đắng, xót xa.

Thật xót xa, cay đắng,
Cho người đẹp Tây Thi,
Đẹp đến cá ngừng lượn,
Cây cối ngừng thầm thì.

Từng được xem đẹp nhất
Trong Tứ Đại Mỹ Nhân,
Giờ làm mồi cho cá,
Làm mồi cho cá ăn.

Một tấm gương trung liệt,
Một câu chuyện đau lòng.
Ai gây nên điều ấy?
Đàn ông, chỉ đàn ông.


VỊ THẦN VÔ ĐỊCH    

1
Một lần nọ, thần Dớt,
Buồn, chẳng biết làm gì,
Nên mở hội đấu vật
Để các thần dự thi.

Nhân tiện cũng để biết
Trong vương quốc của ngài
Ai là người mạnh nhất,
Ai tài và bất tài.

Và rồi hội đấu ấy
Được bắt đầu, mọi người
Quăng, vật nhau kịch liệt,
Rung chuyển cả đất trời.

Cuối cùng chỉ còn lại
Một vị thần khổng lồ,
Cao sừng sững như núi,
Cuồn cuộn các bắp cơ.

Thần Dớt đang chuẩn bị
Ban thưởng cho ông ta,
Thì có người nhận đấu.
Đó là một bà già.

Bà mảnh mai, yếu ớt,
Tóc bạc phơ, da nhăn.
Vị thần khổng lồ nọ
Cười mỉa rồi lại gần

Dùng cánh tay vạm vỡ
Định nhấc bổng bà lên.
Thế mà bà, thật lạ,
Vẫn bình thản đứng yên.       

Rồi bà, vẫn bình thản,
Đặt tay lên vai ông.
Một bàn tay nhỏ bé,
Nhẹ tưởng như hư không,

Thế mà nặng, rất nặng,
Khiến ông kia khuỵu dần
Và cuối cùng gục ngã
Trước con mắt các thần.       

2
Bà già bé nhỏ ấy
Là nữ thần Thời Gian.
Thời gian là vô địch,
Điều đó khỏi phải bàn.

Thời gian là thần dược
Chữa bách bệnh trên đời.
Nó cũng là cái chết
Cho cả thần, cả người.

Thời gian là quy luật,
Vĩnh cửu và khách quan.
Ta là ai, phụ thuộc
Vào cách dùng thời gian.


SỰ TÍCH HOA HỒNG VÀNG

Chuyện kể rằng thần Dớt,
Chúa tể các vị thần,
Lần nọ đã ăn ngủ
Với cô gái người trần.

Thần này vĩ đại thật,
Nhưng rất hay ngoại tình.
Lần ấy thần có được
Một cô con rất xinh.

Tất nhiên thần vui lắm,
Đặt tên E-li-sa,
Hứa cho con sắc đẹp,
Đẹp nhất Ô-lym-pia.

Nàng lớn lên, mỗi sáng
Đích thân thần Bình Minh
Gom các tia nắng đẹp
Để nàng khoác lên mình.

Buổi trưa, mây ngũ sắc
Làm giường nàng nghỉ ngơi.
Đêm, trời sao chụm lại
Để nàng hái, đùa chơi.

Thần Tình Yêu E-ros
Một hôm đến thăm nàng,
Cho nàng nghịch cung quí,
Không ngờ bắn trúng chàng.

Thế là chàng từ đó
Mê mẩn E-li-sa,
Quên sứ mạng cao cả,
Cung tên vứt ở nhà.     

Thương hại chàng, thần Dớt
Cho họ thành vợ chồng.
Tiệc cưới đúng một tháng,
Rượu tràn như nước sông.

Đôi bạn trẻ hạnh phúc,
Chìm trong tình yêu thương.
Rồi sau tuần trăng mật,
Eros lại lên đường.      

Chàng không quên nhiệm vụ
Mang tình yêu cho đời,
Phóng những mũi tên nhỏ
Vào trái tim mọi người.

Mà đời thì rất rộng,
Người cần yêu rất đông,
Chàng đi lâu, để vợ
Phải một mình trong phòng.

Vừa lúc Thần Ghen Ghét
Đi xa về, bàng hoàng
Và tức giận khi biết
Thần E-ros cưới nàng.

Mụ lồng lên giận dữ:
“E-ros là của ta,
Chứ không phải của nó,
Con bé E-li-sa!”  

Mụ tìm, thấy E-ros,
Đang ngủ say trên đồi,
Rút mũi tên tình ái
Khỏi tim chàng, và rồi

Khẽ thổi nhẹ vào đó
Một “hơi thở lãng quên”.
Eros dậy, ngơ ngác,
Không nhớ gì, đứng lên

Rồi đi tiếp, từ đấy
Chẳng bao giờ về nhà,
Không nhớ mình có vợ
Tên là E-li-sa.     

Còn nàng thì đau khổ,
Mong ngóng chồng đêm ngày.
Nhờ Gió đi tìm hộ.
Gió về, nói thế này:

“Xin đừng mong đợi nữa.
Eros đang lang thang
Đó đây khắp thế giới
Và không còn nhớ nàng.”     

E-li-sa đau đớn
Giơ hai tay lên cao:
“Thế thì ta thà chết!
Ôi chồng ta, lẽ nào...”

Và rồi nàng gục chết.
Hoa héo, chim ngừng ca.
Vanahf dương ngưng chiếu sáng,
Mặt hồ thôi chói lòa.

Cuối cùng thần Dớt đến.
Ngài ái ngại, lắc đầu:
“Ta quên cho nghị lực
Để con vượt buồn đau.”        

Rồi ngài biến tro bụi
Xác con thành loài hoa.
Loài hoa hồng cao quí,
Dịu dàng và thiết tha.

Tuy nhiên màu hoa ấy
Không phải hồng, mà vàng,
Một màu vàng mãnh liệt,
Khiến day dứt, ngỡ ngàng.

“Để khi hắn quay lại, -
Ngài nói. - Hắn sẽ đau
Như con đau vì hắn,
Đến không dám ngẩng đầu.”

Thế là đời xuất hiện
Loại hoa hồng màu vàng,
Màu của sự phản bội,
Màu của chàng quên nàng.

No comments:

Post a Comment